Đường Xưa Mây Trắng

Chương 7: Giải Thưởng Voi Trắng

Thích Nhất Hạnh

28/07/2021

Năm Tất Đạt Đa lên mười bốn thì hoàng hậu Kiều Đàm Di sinh em Nan Đà. Cả hoàng cung mở hội để ăn mừng. Tất Đạt Đa rất hãnh diện khi có một đứa em. Mỗi ngày sau buổi học, Tất Đạt Đa thường chạy về thăm em, Tất Đạt Đa đã lớn rồi nên được phép thỉnh thoảng ẵm em đi chơi. Đề Bà Đạt Đa cũng hay đến chơi. Tất Đạt Đa cũng có những người em họ khác: Mahanama, Baddhiya và Kim Tỳ La. Mỗi khi các em tới, Tất Đạt Đa thường rủ họ ra chơi ở vườn hoa phía sau cung điện.

Bà Kiều Đàm Di cũng hay theo bọn trẻ ra vườn hoa. Bà ưa ngồi may áo cho Nan Đà trên một chiếc ghế gỗ đặt bên cạnh hồ sen và nhìn bọn trẻ nô đùa. Bên bà luôn luôn có một người thị nữ túc trực. Bà chỉ hay sai phái người thị nữ này khi cần đi lấy nước nôi và bánh trái cho bọn trẻ.

Càng lớn lên, Tất Đạt Đa càng học giỏi. Đề Bà Đạt Đa đã nhiều lần tỏ vẻ ganh tỵ với Tất Đạt Đa. Môn học nào Tất Đạt Đa cũng xuất sắc, kể cả võ nghệ. Đề Bà Đạt Đa khỏe hơn Tất Đạt Đa, nhưng về phương diện lanh lẹ thì lại không bằng Tất Đạt Đa.

Về toán học, cả lớp đều nhường Tất Đạt Đa. Giáo sư dạy toán là Arjuna có khi phải mất thật nhiều thì giờ với những câu hỏi của Tất Đạt Đa. Về âm nhạc, Tất Đạt Đa rất ưa thổi sáo. Tất Đạt Đa có một ống sáo thật quý do chính giáo sư âm nhạc của mình tặng cho. Có những buổi chiều hè, Tất Đạt Đa ra ngoài công viên một mình để thổi sáo. Tiếng sáo của Tất Đạt Đa có khi dìu dặt, có khi cao vút khiến người nghe có cảm tưởng như đã thoát lên được trên mấy từng mây. Nhiều hôm trong bóng đêm đang xuống, bà Kiều Đàm Di cũng ra ngoài vườn ngự ngồi nghe tiếng sáo của con. Bà cảm thấy khỏe khoắn khi ngồi thả lòng bay theo tiếng sáo của Tất Đạt Đa.

Cùng với tuổi, Tất Đạt Đa càng ngày càng lưu tâm đến đạo và triết học, Tất Đạt Đa được học các kinh Vệ Đà và được nghiền ngẫm về những đạo lý hàm chứa nơi các bài tụng trong các kinh ấy. Hai kinh Rigveda và Atharvaveda là hai kinh được học hỏi nhiều nhất. Từ thuở ấu thơ, Tất Đạt Đa đã được thấy các thầy Bà La Môn hành lễ và đọc kinh.

Bây giờ Tất Đạt Đa đích thực đi vào trong nội dung của các kinh. Địa vị của Lời Nói trong đạo Bà La Môn rất quan trọng.

Lời kinh đi theo với nghi lễ là một sức mạnh lớn có thể ảnh hưởng tới và làm thay đổi được tình trạng của thế giới và của con người. Vị trí của tính tượng và sự vận chuyển của bốn mùa có liên hệ mật thiết tới sự cúng tế và tới lời kinh cầu đảo. Các thầy Bà La Môn là những người duy nhất có thể hiểu thấu được những lẽ huyền bí trong Phạm Thư và trong trời đất, và có thể dùng lời kinh và nghi lễ để chỉnh lý lại được trật tự trong tự nhiên giới và nhân sự giới.

Tất Đạt Đa được học rằng vũ trụ là một cái Ta lớn gọi là Purusa, có khi gọi là Phạm Thiên, và các giai cấp của con người trong xã hội đều được phát xuất từ những phần khác nhau của thân thể vũ trụ ấy. Mỗi con người đều mang theo một cái ta cùng phát xuất từ cái Ta siêu việt ấy và cùng một tính chất với cái Ta siêu việt ấy. Cái Ta này là bản chất thường tại trong mỗi con người.

Tất Đạt Đa lại còn được học thật kỹ về các Phạm Thư (Phạm Thiên) và các Áo Nghĩa Thư. Các giáo sư bao giờ cũng muốn giảng giải các thánh thư theo truyền thống, nhưng Tất Đạt Đa và các bạn luôn luôn muốn đặt những câu hỏi buộc họ phải nhắc tới những tư tưởng đương thời được xem như không trung thành mấy với truyền thống.

Trong những ngày nghỉ học, Tất Đạt Đa thường rủ các bạn đi thăm các vị sa môn và các vị Bà La Môn nổi danh ở kinh đô để học hỏi. Nhờ xúc tiếp nhiều như thế nên Tất Đạt Đa sớm tin ra rằng hiện đang có những cuộc vận động tư tưởng chống lại uy quyền thống trị của truyền thống Bà la môn. Cuộc vận động này không những có mặt trong giai cấp Sát Đế Lợi đang muốn vươn lên để nắm được cả quyền uy tinh thần lâu nay đang nằm trong tay của giai cấp Bà la môn, mà cũng có mặt ngay trong giới những người Bà La Môn nữa.

Ngày xưa, từ khi được ăn cơm trên cỏ lần đầu với bọn trẻ dân dã, Tất Đạt Đa thường xin phép được đi chơi, và nhân dịp đi thăm các thôn xóm ngoài thành. Trong những chuyến đi như thế, Tất Đạt Đa thường có ý ăn mặc giản dị. Tiếp xúc với dân dã, Tất Đạt Đa học được rất nhiều cái mà trong trường không bao giờ Tất Đạt Đa được học. Đã đành dân chúng thờ phụng ba vị Thần của đạo Bà La Môn là Phạm Thiên, Thấp Nữu, và Thấp Bà, nhưng dân chúng cũng bị các thầy Bà La Môn lợi dụng và bóc lột quá mức. Trong tất cả các dịp quan, hôn, tang, tế, người dân đều phải chu cấp thực phẩm tiền bạc và sức lao động của mình cho ông thầy cúng, dù nghèo khó đến mấy cũng thế.



Một hôm, đi ngang qua một túp lều, Tất Đạt Đa nghe tiếng khóc kể thảm thiết. Chàng rủ Đề Bà Đạt Đa ghé vào thăm, và được biết rằng người chủ gia đình vừa mới qua đời. Đây là một gia đình nghèo khổ. Mấy mẹ con trông thật lam lũ, áo quần tả tơi. Nhà cửa xiêu vẹo, đổ nát. Hỏi ra thì người chủ gia đình chỉ vì muốn mời ông thầy Bà La Môn trong làng tới cúng đất đai để có thể xây lại nhà bếp mà đã phải ở lại mấy ngày làm lao động tại nhà cho ông thầy. Ông bị bắt làm việc rất nặng nhọc, nào khuân đá, nào bửa củi, trong khi cơ thể ông đã suy nhược vì cảm cúm. Sau mấy ngày lao động, ông thầy Bà La Môn bảo ông đi về trước và hẹn vài hôm sau sẽ đến cúng. Về tới nửa đường, người chủ gia đình nghèo khó đã bị trúng gió và chết bên lề đường. Người trong xóm phát giác ra và về báo cho mấy mẹ con hay.

Từ khi biết suy đoán, Tất Đạt Đa đã có khuynh hướng âm thầm không chấp nhận ba giáo điều căn bản của đạo Bà la môn: Kinh Vệ Đà là thiên khải cho riêng người Bà la môn, Phạm Thiên là đấng tối cao ngự trị, và tế lễ có công hiệu vạn năng. Tất Đạt Đa thấy có cảm tình với những vị sa môn và Bà La Môn nào có tư tưởng cấp tiến dám thẳng thắn phủ nhận giá trị của ba thứ quyền ấy.

Tuy vậy, Tất Đạt Đa không bao giờ bỏ một buổi học hỏi và thảo luận nào về kinh Vệ Đà. Các môn học khác mà Tất Đạt Đa vẫn theo học là tự vựng học (nighandu), ngữ nguyên học (sokharappabhedana), sử truyện (itihasa) và văn pháp học (veyyakarana).

Tất Đạt Đa rất ưa tiếp xúc với các vị đạo sư và sa môn. Biết rằng phụ vương không ưa việc này, Tất Đạt Đa phải kiếm cớ đi du ngoạn để có dịp tìm gặp các nhà tu ấy. Họ là những người không thiết tha đến quyền lợi vật chất và địa vị trong xã hội như các ông thầy Bà La Môn chuyên lo tế tự và gần gũi giới có quyền thế. Trái lại, họ muốn từ bỏ tất cả để đi tìm cầu sự giải thoát, cắt đứt những sợi dây ràng buộc họ vào nếp sống đầy não phiền của cuộc đời. Họ là những người đã từng học hỏi và thông hiểu qua Vệ Đà và Áo Nghĩa Thư. Tất Đạt Đa biết rằng tại nước láng giềng Kiều Tát La về phía Tây và nước láng giềng Ma Kiệt Đà về phía Nam có rất nhiều những vị sa môn như thế, và Tất Đạt Đa ao ước một ngày kia có thể đi đến những miền ấy để tìm thầy học đạo.

Vua Tịnh Phạn không phải là hoàn toàn không hay biết gì về tâm tư của Tất Đạt Đa. Vua rất lo lắng về việc Tất Đạt Đa có thể đi tu theo kiểu các vị sa môn. Có lần nói chuyện riêng với người em ruột là Bạch Phạn Vương, cha của Đề Bà Đạt Đa và A Nan Đà, vua than thở:

– Vương quốc Kiều Tát La hay dòm ngó lãnh thổ nước ta. Nếu sau này chúng ta không có người trẻ tài giỏi như Tất Đạt Đa và Đề Bà Đạt Đa thì lấy ai mà nắm lấy vận mệnh của nước? Ta rất sợ Tất Đạt Đa sau này sẽ đi tu, theo như lời tiên đoán của sa môn Asita Kaladevala. Đề Bà Đạt Đa lại hay đi theo với Tất Đạt Đa. Chú có biết là hai anh em chúng nó ưa đi gặp các thầy sa môn khổ hạnh hay không?

Hoàng thúc Bạch Phạn Vương rất lấy làm ngạc nhiên khi nghe vua nói. Ngẫm nghĩ một hồi, ông ta thầm thì bên tai vua:

– Theo tôi, huynh vương nên lo cưới vợ cho Tất Đạt Đa. Có vợ con rồi thì tư tưởng đi tu sẽ không còn.

Vua Tịnh Phạn im lặng gật đầu. Tối hôm ấy vua tâm sự với bà Kiều Đàm Di. Hoàng hậu hiểu ý vua, hứa sẽ lưu tâm tìm cách sắp đặt để Tất Đạt Đa chóng lập gia đình.

Những buổi hòa nhạc, những hội thể thao và những cuộc du ngoạn từ đó được tổ chức thường xuyên cho giới trẻ được gặp nhau. Tất Đạt Đa tham dự hết lòng vào những cuộc vui này, trong đó chàng gặp gỡ được nhiều bạn mới, nam cũng như nữ.



Năm sau, hoàng hậu Kiều Đàm Di sinh cho Tất Đạt Đa một cô em gái. Công chúa được đặt tên là Tôn Đà Lợi Nan Đà.

Vua Tịnh Phạn có một người em gái tên là Pamita. Chồng của bà là Thiện Giác vương Dandapani, thuộc bộ tộc Koliya. Họ có nhà cửa bên thủ phủ Ramagama của vương quốc Koliya nhưng họ cũng có trú sở ở Ca Tỳ La Vệ. Thích Ca và Koliya là hai vương quốc nhỏ nằm sát bên nhau, ngăn cách bởi con sông Rohini. Hai bên bộ tộc Thích Ca và Koliya đã nhiều đời giao hảo với nhau rất thân mật. Ca Tỳ La Vệ chỉ cách Ramagama có một ngày đường. Hai vợ chồng được bà Kiều Đàm Di ủy thác tổ chức một đại hội thể thao trên một bãi cỏ rộng mênh mông cạnh bờ hồ Kunau.

Vua Tịnh Phạn đích thân chủ tọa đại hội này, bởi vì vua rất muốn khuyến khích những người trai trẻ ở vương quốc Thích Ca bồi đắp sức khỏe và trau dồi võ nghệ. Tất cả những người trẻ trong kinh đô đều được mời tham dự, nam cũng như nữ. Các thiếu nữ tuy không tham dự vào các cuộc tỷ thí nhưng cũng được khuyến khích có mặt để tán thưởng và cổ võ các chàng trai. Da Du Đà La, con gái của Dandapani và vương phi Pamita, đứng ra điều khiển việc tiếp tân. Da Du Đà La là một cô gái nhan sắc diễm lệ. Nàng tự nhiên và tươi mát như một đóa sen mùa hạ.

Tất Đạt Đa được làm quen với Da Du Đà La trong đại hội thể thao này. Chàng đã chiếm giải nhất trong các môn thi bắn cung, đánh kiếm, cỡi ngựa và cử tạ. Da Du Đà La được cử đem giải thưởng đến cho Tất Đạt Đa. Giải thưởng là một con voi trắng. Người giật giải quán quân cuộc thi sẽ cỡi voi đi một vòng trong thành Ca Tỳ La Vệ trước sự hoan hô của mọi người. Da Du Đà La đem voi tới cho Tất Đạt Đa. Nàng đi chầm chậm bên voi. Voi đi từng bước có lễ nghi dưới sự điều khiển của một quản tượng. Tới trước Tất Đạt Đa, Da Du Đà La chắp tay cúi đầu chào thái tử và nói những lời khen ngợi:

– Xin điện hạ nhận thớt voi này, phần thưởng dành cho người chiếm giải quán quân của đại hội thể thao. Em xin thành tâm khen ngợi và chúc mừng điện hạ.

Giọng nàng thanh tao, dáng điệu nàng thật tự nhiên. Cách phục sức của nàng thật trang nhã. Nụ cười của nàng chúm chím tươi như một bông sen hàm tiếu. Tất Đạt Đa nghiêng mình đáp lễ. Chàng nhìn Da Du Đà La, đáp:

– Xin cám ơn công nương.

Lúc ấy Đề Bà Đạt Đa đang đứng ngay sau lưng Tất Đạt Đa. Đề Bà Đạt Đa không được vui, vì chàng chỉ được đứng hàng nhì trong cuộc thi tài. Thấy Da Du Đà La không nhìn tới mình, Đề Bà Đạt Đa bực tức. Chàng bước tới mấy bước nắm lấy vòi con bạch tượng, dùng tất cả sức mình, chàng đấm con bạch tượng một đấm như trời giáng vào chỗ yếu. Con bạch tượng đau quá, ngã quỵ xuống.

Tất Đạt Đa quay lại nhìn Đề Bà Đạt Đa:

– Em làm như thế không tốt.

Nói xong, chàng đưa tay sờ voi xoa bóp chỗ đau và an ủi nó. Con voi từ từ đứng dậy được và nghiêng đầu tôn kính chàng. Quần chúng vỗ tay và hoan hô vang dậy. Tất Đạt Đa leo lên mình voi và đám rước bắt đầu diễn hành.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Đường Xưa Mây Trắng

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook