Đường Xưa Mây Trắng

Chương 29: Muôn Vật Từ Duyên Sinh Lại Từ Duyên Mà Diệt

Thích Nhất Hạnh

31/07/2021

Trong thời gian ấy, nhiều người có đạo tâm tìm đến với Bụt để xin xuất gia. Đa số là những thanh niên tuấn tú. Những vị khất sĩ giỏi làm phụ tá cho Bụt đã có nhiều, nên việc tiếp nhận và giảng dạy các vị khất sĩ mới đều được họ phụ trách. Con trai và con gái các nhà lành tìm đến Rừng Kè để xin quay về và nương tựa nơi tam bảo cũng rất đông. Có một hôm, sau lễ quy y của gần ba trăm người trẻ tuổi, đại đức Kiều Trần Như giảng cho người này về ba viên ngọc quý. Ba viên ngọc quý này là Bụt, Pháp và Tăng. Khất sĩ Kiều Trần Như là vị đệ tử đầu tiên đã thực chứng đạo Tỉnh Thức. Đại đức dạy:

– Bụt (Buddha) là người tỉnh thức, và là người tỉnh thức cao độ.

Người tỉnh thức biết được và thấy được chân tướng vũ trụ và cuộc đời. Vì vậy người tỉnh thức không còn bị ràng buộc vào ảo vọng, sợ hãi, giận hờn và tham đắm. Người tỉnh thức là người tự do, có đầy đủ an lạc, có đầy đủ tình thương và sự hiểu biết.

Bậc đại sa môn Gotama, thầy của chúng ta, là một bậc tỉnh thức hoàn toàn. Người là kẻ chỉ đường cho tất cả chúng ta, đưa chúng ta ra khỏi thế giới ảo vọng để trở nên những người tỉnh thức.

Mỗi người trong chúng ta đều có tính Bụt (Buddhata) trong lòng, và vì vậy ai cũng có thể trở thành người tỉnh thức như Bụt. Tính Bụt này là khả năng tỉnh thức, khả năng vượt thoát ảo vọng. Nếu chúng ta tu tập theo đạo lý tỉnh thức thì chúng ta làm cho tính Bụt trong ta mỗi ngày mỗi sáng và một ngày kia chúng ta cũng sẽ đạt được tự do và an lạc hoàn toàn như Bụt. Bụt ở ngay trong tâm của mỗi chúng ta. Chúng ta phải trở về tìm Bụt ngay trong tâm ta. Bụt là viên ngọc quý thứ nhất.

Pháp (Dharma) là con đường đưa tới sự tỉnh thức. Con đường này đã được Bụt tìm ra và đã và đang chỉ dạy cho chúng ta. Con đường này đưa ta thoát khỏi ngục tù ảo vọng, giận hờn, sợ hãi và tham đắm, và dẫn ta tới chân trời tự do an lạc, vô úy, làm cho sự hiểu biết và tình thương phát hiện nơi ta. Hiểu và thương là những hoa trái đẹp đẽ nhất của đạo lý tỉnh thức. Pháp là viên ngọc quý thứ hai của chúng ta.

Tăng (Sangha) là đoàn thể những người đang cùng nhau thực tập đạo tỉnh thức và cùng đi trên con đường giác ngộ. Muốn tu tập đạo giải thoát ta phải nương tựa vào đoàn thể này. Một mình đơn độc, ta sẽ gặp nhiều khó khăn trong sự tìm học và thực hành đạo lý tỉnh thức. Vì vậy chúng ta phải nương vào tăng đoàn. Người xuất gia cũng như người tại gia phải biết trở về nương tựa nơi Tăng để có thể đi xa trên con đường tu tập. Tăng là viên ngọc quý thứ ba của chúng ta.

Này các thiện nam tử và thiện nữ nhân! Tất cả chúng ta phải trở về nương tựa nơi ba viên ngọc quý của trần gian là Buddha, Dharma và Sangha. Có nương tựa rồi chúng ta sẽ hết bơ vơ và chúng ta sẽ vững tiến trên con đường giác ngộ và trong cuộc đời. Từ hai năm nay, tôi đã trở về nương tựa nơi ba viên ngọc quý. Hôm nay quý vị cũng phát nguyện đi cùng một con đường. Chúng ta nên vui mừng và sung sướng khi đưa ba viên ngọc quý vào lòng. Thật ra, ba viên ngọc quý ấy đã có sẵn trong tự tâm của chúng ta từ vô thỉ. Ta tu tập đạo giải thoát là để làm cho ba viên ngọc ấy chiếu sáng trong ta.

Các thanh niên rất sung sướng được nghe thầy Kiều Trần Như giảng. Họ cảm thấy một nguồn sinh lực mới trào dâng trong họ.

Từ hôm ấy, những người con trai và con gái các nhà lành có đạo tâm và ý chí tu học bắt đầu được các thầy khất sĩ gọi là thiện nam tử và thiện nữ nhân.

Trong thời gian này, Bụt đã thâu nhận vào tăng đoàn hai vị đệ tử thật xuất sắc: đó là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Hai người đã từng tu học với đạo sĩ Sanjaya, một vị du sĩ nổi tiếng ở thủ đô Vương Xá. Bụt cũng đã từng nghe nói tới vị du sĩ này. Giáo đoàn của đạo sĩ Sanjaya là giáo đoàn của những vị du sĩ, gọi là parivrajaka. Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên là hai người bạn thân, cả hai đều thông minh và cởi mở. Họ đã từng hẹn với nhau là ai chứng đạt được đạo lớn thì phải thông báo và chỉ bảo ngay cho người kia biết.

Một hôm Xá Lợi Phất trông thấy vị khất sĩ A Thấp Bà Trí cầm bát đi khất thực trong thành phố Vương Xá. A Thấp Bà Trí là một trong năm vị đệ tử xuất gia đầu của Bụt và đã được Bụt khai ngộ cho ở Vườn Nai gần Banarasi. Thấy phong độ ung dung và giải thoát của A Thấp Bà Trí, Xá Lợi Phất rất lấy làm cảm phục. Phong độ này tạo ngay được niềm tin trong lòng vị du sĩ. Xá Lợi Phất tự bảo:

– Đây chắc chắn là một vị đạo sĩ đã đạt đạo. Thật đúng như mình đã nghĩ: thế nào trên thế gian này cũng có người đạt đến quả vị giải thoát! Ta phải tới hỏi xem vị ấy tu học với ai, ai là thầy của vị ấy, và người ấy đã tu học theo giáo pháp nào?

Vừa nghĩ như thế, Xá Lợi Phất vừa bước theo sau vị khất sĩ A Thấp Bà Trí, nhưng ông lại tiếp:

– Vị đạo sĩ này đang đi khất thực từ nhà này sang nhà khác một cách lặng lẽ và nghiêm trang. Ta không nên quấy rầy thầy ấy. Ta nên đợi cho đến khi nào ông ta khất thực xong xuôi rồi hãy tới hỏi chuyện cũng không muộn.

Và Xá Lợi Phất kiên nhẫn đi theo A Thấp Bà Trí. Cho đến khi A Thấp Bà Trí khất thực xong và đi ra khỏi vòng đai thành phố, Xá Lợi Phất mới rảo bước đi nhanh, vượt qua ông ta, rồi quay trở lại để chào. A Thấp Bà Trí dừng lại. Xá Lợi Phất cung kính hỏi:

– Thưa đạo sĩ, phong thái của ngài rất ung dung, đạo đức của ngài biểu hiện ra từ dáng đi, từ cử chỉ cho đến nét mặt. Tôi xin mạn phép hỏi ngài: Ngài đã xuất gia tu học với ai? Ai là thầy của ngài? Và vị đạo sư ấy dạy giáo pháp gì?



Khất sĩ A Thấp Bà Trí nhìn Xá Lợi Phất một lát, rồi mỉm cười rất thân thiện. Ông trả lời:

– Tôi tu học dưới sự chỉ dẫn của vị đại sa môn Gotama. Thầy của tôi xuất thân từ dòng họ Thích Ca. Chúng tôi gọi người là Bụt. Người hiện đang ở nơi đền Suppatthita trong Rừng Kè.

Nghe đến danh từ Bụt, mắt Xá Lợi Phất sáng lên:

– Thầy của ngài dạy giáo pháp gì, xin ngài vui lòng cho tôi được biết sơ qua một chút.

– Tôi chỉ mới theo học với thầy tôi gần đây thôi; giáo pháp của thầy tôi vi diệu lắm tôi chưa đủ sức tuyên giải đâu. Ngài nên tìm đến thầy tôi, thầy tôi sẽ chỉ dạy cho ngài.

Xá Lợi Phất nài nỉ:

– Xin ngài cho tôi vắn tắt một vài câu cũng đã quý lắm rồi. Tôi sẽ đến cầu xin lệnh sư sau.

A Thấp Bà Trí mỉm cười rồi đọc cho Xá Lợi Phất nghe một bài kệ:

Muôn vật từ duyên sinh

Lại từ duyên mà diệt

Bậc giác ngộ tuyệt vời

Đã từng như vậy thuyết.

Nghe xong bài kệ, Xá Lợi Phất bỗng thấy tâm tư bừng sáng. Cái thấy không tì vết về chánh pháp được phát sinh ngay trong lòng. Mừng quá, ông cúi đầu chào A Thấp Bà Trí và lập tức chạy về tìm bạn.

Thấy Xá Lợi Phất trở về mặt tươi như một đóa hoa, Mục Kiền Liên hỏi:

– Sao mặt sư huynh hôm nay tươi như thế? Hay là sư huynh đã tìm được đạo lớn rồi? Nói đi, sư huynh!

Xá Lợi Phất kể lại cho bạn nghe về cuộc gặp gỡ với vị khất sĩ A Thấp Bà Trí. Rồi ông đọc cho Mục Kiền Liên nghe bài kệ:

Muôn vật từ duyên sinh

Lại từ duyên mà diệt



Bậc giác ngộ tuyệt vời

Đã từng như vậy thuyết.

Nghe bài kệ, Mục Kiền Liên lập tức thấy tâm trí bừng sáng. Cái thấy về chánh pháp đến mau như một làn chớp giật. Vũ trụ hiện ra như một màn lưới nhân duyên chằng chịt, cái này có vì cái kia có, cái này sinh vì cái kia sinh, cái này không vì cái kia không, cái này diệt vì cái kia diệt. Ý niệm về một thần linh như nguyên nhân đầu tiên tạo ra vạn vật đột nhiên tan biến. Cái vòng lẩn quẩn dường như có thể chặt đứt được. Cánh cửa giải thoát thấp thoáng ở đâu đây.

Mục Kiền Liên giục bạn:

– Sư huynh, chúng ta nên lập tức đi tìm Bụt. Bụt chính là thầy của chúng ta. Ta phải tới xin tu học với người.

Xá Lợi Phất do dự:

– Nhưng mà hai trăm năm mươi vị du sĩ trong giáo đoàn đang trông cậy nơi chúng ta như những người anh cả. Chúng ta không thể bỏ họ một sáng một chiều như thế được. Chúng ta phải đến cho họ biết trước.

Hai người bạn tu liền trở về trụ xứ tu học của giáo đoàn tu sĩ. Họ kể cho các bạn nghe về những gì vừa xảy ra cho họ. Cuối cùng, họ nói:

– Các huynh đệ, chúng tôi đã quyết định đi tìm Bụt và xin tu học dưới sự hướng dẫn của người. Chúng tôi xin có lời từ giã các bạn.

Nghe Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên sắp bỏ giáo đoàn du sĩ để theo Bụt, hai trăm năm mươi vị du sĩ đều tự nhiên cảm thấy bơ vơ. Lâu nay họ đã tin cậy vào hai vị sư huynh này. Bây giờ hai vị bỏ đi, họ không cảm thấy bơ vơ sao được. Cuối cùng tất cả ngỏ ý xin đi theo hai vị.

Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đi tìm đạo sĩ Sanjaya, vị lãnh tụ giáo đoàn du sĩ và báo cho ông biết về quyết định của mình. Đạo sĩ Sanjaya buồn lắm, ông nói:

– Hai vị ở lại đây đi. Ta sẽ giao quyền lãnh đạo giáo đoàn du sĩ cho hai vị.

Ông năn nỉ tới ba lần như vậy, nhưng hai người vẫn không chịu ở lại. Họ nói:

– Thưa ngài, chúng tôi đi tu là cốt tìm con đường giải thoát chứ không phải là cốt trở thành những người lãnh đạo. Con đường không có thì chúng ta lãnh đạo người ta đi đâu? Chúng tôi phải tìm tới với sa môn Gotama, bởi vì sa môn Gotama đã tìm thấy con đường mà chúng tôi thường mong ước.

Nói xong, Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên cúi xuống lạy đạo sư và từ biệt.

Hai trăm năm mươi vị du sĩ cũng làm như thế. Tất cả đều đi theo hai người.

Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đưa hai trăm năm mươi vị du sĩ tới Rừng Kè. Mọi người sụp lạy trước Bụt và cầu xin được xuất gia. Bụt hỏi thăm và an ủi các vị du sĩ. Người dạy đạo lý bốn sự thật cho họ và chấp nhận cho họ xuất gia tu học trong giáo đoàn khất sĩ. Sau lễ xuất gia, số lượng các vị khất sĩ trong giáo đoàn lên tới con số một ngàn hai trăm năm mươi vị.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Đường Xưa Mây Trắng

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook