Duyên Nợ Đào Hoa

Chương 20

Đại Phong Quát Quá

19/02/2014

Ta ngồi lặng bên bàn suốt cả một đêm.

Trời vừa tảng sáng, ta liền ra khỏi phòng, vào trong sân đứng một hồi, sau đó tới bên giếng xách thùng nước lạnh lên, lau qua mặt mũi, tiếp đấy lại tản bộ một vòng nữa. Đến lúc đám tiểu tư nha hoàn rời giường, vừa ra khỏi cửa đã trông thấy bản tiên quân đứng trong sân, ai nấy đều rất hoảng hốt, lại tiến tới hầu hạ ta rửa mặt thêm lần nữa. Tiểu nha hoàn hâm một ấm trà xong, ta uống liền mấy ngụm, mãi đến khi trời sáng bảnh, Thiên Xu và Hoành Văn mới dậy.

Ta đã sớm sai tiểu tư lên chợ mua lấy hai lồng bánh bao nhỏ, đến bữa sáng thì mang lên, con mắt của Hoành Văn và Thiên Xu lập tức sáng bừng. Hoành Văn thò đũa gắp lấy một chiếc, há miệng cắn một miếng, lúng túng khen: “Ngon quá”. Thiên Xu cũng gắp lấy một cái bánh bao trong đĩa.

Hoành Văn quay sang nói với ta: “Ngươi bảo bọn họ ra ngoài mua đúng không, ăn ngon hơn hôm qua”.

Ta nói: “Nếu ngươi thích thì sáng sớm mai lại đi mua tiếp”. Hoành Văn lập tức nở nụ cười, vui mừng ra mặt. Thiên Xu đưa mắt nhìn đĩa tương ớt nhỏ đặt trên bàn, liền thử gắp bánh bao, chấm một chút xíu, cắn một miếng nhỏ, sau đó vui vẻ nói: “Thì ra còn có thể ăn kèm gia vị nữa”. Hoành Văn liền gắp ngay một cái khác, bắt chước Thiên Xu chấm thử, sau đó tròn xoe mắt nói: “Ấy, mùi vị lại khác một chút rồi này”.

Hai vị đồng tiên ngây thơ hồn nhiên, bản tiên quân nhìn mà không khỏi hân hoan trong lòng, đột nhiên nhớ tới chuyện tối qua, nhất thời như có tảng đá ngàn cân đè xuống đỉnh đầu. Ta quả thật là kẻ chẳng ra gì.

Hoành Văn cau mày nhìn ta, hỏi: “Ngươi có chỗ nào khó chịu à?”.

Ta cố giãn da mặt ra, cười rằng: “Đâu có”. Thiên Xu đương gắp một cái bánh bao, cũng chớp mắt nhìn ta.

Sau bữa cơm sáng, Hoành Văn nói: “Bánh bao nhỏ rất ngon, nhưng vẫn không bằng bánh bao lớn ngày hôm trước”. Ai da, vẫn cứ nhớ mãi mấy cái bánh bao của Hoàng Tam Bà.

Đối mặt với chuyện này, bản tiên quân quả thực hết cách, bánh bao của mỗi nhà có hương vị khác nhau. Chỉ tiếc Hoàng Tam Bà không làm bánh bán. Hoành Văn nhắc một hồi xong, cũng không thấy đề cập đến nữa, chạy đi cho hồ ly ăn.

Ta đứng phơi nắng ở trong sân, Thiên Xu thì không biết mò đâu ra một tập sách, ngồi đọc dưới mái hiên. Hoành Văn cho hồ ly ăn xong, ra khỏi sảnh nhỏ, bước men theo hành lang đi về phía bản tiên quân, đến lúc bước ngang cửa nguyệt thông ra sân sau thì đột nhiên dừng bước, đưa mắt nhìn về phía trong cánh cửa một chút, sau đó lùi vào sân sau.

Bản tiên quân bất giác bước sang bên đó xem thử, chỉ thấy Hoàng Tam Bà đang dựa người vào cánh cổng sau, cùng trù nương nói đôi câu chuyện phiếm.

Hoành Văn làm ra vẻ vô tình bước lại gần đó, đến khi lọt vào tầm mắt của Hoàng Tam Bà rồi liền dừng bước, mỉm cười cất tiếng chào hỏi.

Hoàng Tam Bà đương nhiên vui vẻ vô cùng, run rẩy đôi tay mà nói, tiểu thiếu gia quả là hiểu chuyện, lại không kiêu căng ngạo mạn.

Hoành Văn cười hì hì, đáp: “Bà quá khen rồi, vãn bối còn phải cảm ơn bà mới đúng, mấy ngày qua ăn đủ loại bánh bao, chẳng có cái nào ngon bằng bánh bao bà cho cả, phụ thân và huynh trưởng cũng đều rất thích”. Khi hắn nói, trên gương mặt kia lộ rõ vẻ khao khát khôn cùng.

Hoàng Tam Bà vui mừng đến độ suýt không nói thành lời, một lúc sau mới run run đáp lại: “Nếu tiểu thiếu gia đã thích ăn, thì già này liền về hấp một ít mang sang”.

Hoành Văn nói: “Thật vậy ư? Thật cảm ơn bà quá!”.

Bản tiên quân đứng một bên nhìn mà xấu hổ đến độ mồ hôi mướt mát, không biết cái trò “vòi” ăn này hắn học được từ đâu.

Giờ ta mà xuất đầu lộ diện thì thế nào Hoàng Tam Bà cũng sẽ túm lấy ta mà khen lấy khen để, dông dài cả nửa ngày cho xem, bản tiên quân đứng bên cửa nguyệt xem một lúc, rất sáng suốt rời đi.

Vừa mới trở lại hành lang, gã tiểu tư chạy đến nói, ngoài cửa có khách tới thăm, là một lão bà, nói rằng muốn gặp bản tiên quân.

Lão bà? Chẳng lẽ dạo này bản tiên quân lại đang “gặp vận” với các bà?

Bản tiên quân vào trong sảnh đón khách, tiểu tư dẫn lão bà vào, ta chăm chú nhìn một hồi, trông hơi quen quen, hao hao như bà lão cho Hoành Văn với Thiên Xu hạnh đào, đậu phộng ở trên phố chợ.

Lão bà bước vào trong sảnh, cúi chào xong liền nói rõ tên tuổi: “Lão thân là Lữ Hồ Thị, xin thỉnh an Tống công tử”.

Ta mời khách ngồi mà trong lòng nơm nớp không yên, hôm qua chỉ trông thấy mặt trên phố thôi, vậy mà hôm nay đã dò ra tên tuổi của bản tiên quân. Lão bà tới lần này nhất định có mục đích, một câu “an” này của lão bà đúng là “thỉnh” cho bản tiên quân nghi vấn ngút trời.

Lữ Hồ Thị ngồi xuống ghế, đảo mắt nhìn cách bài trí trong sảnh một lượt, sau đó quay sang cười với ta: “Nhà Tống công tử được bài trí thật khéo quá, mới vừa dọn đến mà đã sắp xếp đâu ra đấy thế này”.

Ta nói: “Đâu có, đều là công lao của người khác cả, chứ ta có tốn chút sức lực nào đâu”. Câu này là thực lòng đấy.

Lão bà liền tiếp lời luôn: “Công tử khiêm tốn quá rồi. Không biết công tử là người từ đâu tới?”.

Ta đành phải bịa chuyện: “Ta xuất thân từ vùng Giang Chiết[1] ”.

[1]Giang Chiết: tên viết tắt của hai tỉnh Giang Tô và Chiết Giang

Lão bà nói: “Ai da, Giang Nam là một vùng đất tốt. Không biết lần này công tử đến thành chúng ta, định ở lâu dài hay chỉ tạm thời?”.

Ta mập mờ đáp: “Còn phải xem có sống hợp hay không, nếu sống tốt thì sẽ ở lại lâu dài”.

Lữ Hồ Thị nói: “Thật ra thành này tuy không lớn, nhưng cũng được coi như chốn sầm uất phồn hoa, quan trọng nhất là nó rất yên bình. Hiện giờ khắp nơi loạn lạc, mấy nơi như Đông Quận, Nam Quận thì chiến tranh liên miên, nghe nói gần đây triều đình còn phải phái binh, liên hợp với Đông Quận tấn công Nam Quận, tiêu diệt đến mấy tòa thành của Nam Quận rồi, còn cả tướng quân gì gì đó của Nam Quận nữa, lại bị chính binh sĩ của mình tạo phản, giết chết. Thời thế bất ổn, muốn ổn định một nơi cũng khó. Khắp thiên hạ này, những nơi có thể sống bình an như tòa thành này cũng chẳng có bao nhiêu, sao công tử không ở lâu một chút”.

Ta gật đầu hùa theo: “Bà nói rất phải”.

Lão bà vòng vo cả buổi như thế, rốt cuộc muốn nói gì đây?

Lữ Hồ Thị bưng tách trà trên bàn lên, nhấp một ngụm thanh cổ họng, sau đó đặt tách trà xuống, đôi mắt già nua nhìn thẳng vào bản tiên quân, nói: “Thứ cho già đường đột, không biết công tử năm nay bao nhiêu tuổi?”.

Không biết bà ấy hỏi vậy để làm gì. Lúc bản tiên quân thăng thiên thành tiên mới hai mươi ba tuổi, đương định mở miệng đáp hai mươi ba, may mà nhớ ra trong sân vẫn còn hai vị Thượng quân bộ dạng mười một mười hai tuổi đang sắm vai con trai của ta. Bản tiên quân liền đáp: “Tính tới nay đã sống uổng mất ba mươi ba năm rồi”.

Lữ Hồ Thị giãn khuôn mặt nhăn nheo, lắc đầu nói: “Không giống, nếu không phải già này đã nhìn thấy hai vị tiểu thiếu gia của công tử, thì công tử có nói mình mới hơn hai mươi già cũng tin ngay”.

Nói cũng bằng thừa, cái mặt này của bản tiên quân vốn là mặt mới hai mươi mà!

Lữ Hồ Thị che miệng cười: “Công tử đương tuổi khỏe mạnh dẻo dai, hai vị thiếu gia vẫn còn nhỏ dại, không biết có từng nghĩ đến chuyện… đi thêm bước nữa chăng?”.

Thì ra lần này lão bà tới, là để làm mối cho bản tiên quân.

Bản tiên quân vừa đến phàm trần một chuyến, đã lập tức có nhân duyên dâng lên tận cửa, chẳng lẽ cái mệnh trọn kiếp cô loan của bản tiên quân có thể cải biến rồi?

Lão bà thấy ta cứ giương mắt nhìn mà không nói lời nào, liền tiếp:

“Chỗ già này đang có một mối nhân duyên tuyệt hảo muốn làm mối cho công tử. Phía bắc thành có một tiệm vải, mặt tiền không lớn, nhưng việc làm ăn lại rất thuận lợi. Vải vóc những hộ giàu có trong thành này mặc đều từ cửa tiệm nhà họ mà ra cả. Ông chủ Phùng của tiệm vải ấy có một cô con gái, năm nay vừa tròn mười bảy tuổi, tuy không phải là con gái nhà quyền quý, nhưng của hồi môn tuyệt đối chẳng nghèo nàn, cả tướng mạo lẫn nhân phẩm đều xứng đôi vừa lứa với Tống công tử. Không phải già này nói bừa, chứ kể đến ngọn nguồn, vị tiểu thư cùng công tử cũng đã có đến hai lần duyên phận”.

Bản tiên quân nghe thấy có mấy tiếng lạch cạch ở sau bình phong, hẳn là Hoành Văn và Thiên Xu đang ngồi nghe lén.

Đúng lúc này, Lữ Hồ Thị lại nói tiếp: “Duyên phận lần đầu, ấy là quần áo mà hai vị tiểu công tử đang mặc trên người chính là do tiệm vải nhà họ Phùng làm ra. Còn vài bộ y phục vẫn còn đang may dở. Về phần duyên phận lần hai, công tử hẳn vẫn còn nhớ rõ. Hôm qua, ngay trước sạp phấn son trên phố, có vị cô nương đã va phải ngài, nàng ấy chính là tiểu thư nhà họ Phùng. Đây chẳng lẽ không phải là ông Trời ban duyên hay sao!”.

Ta cười khan mấy tiếng, chuyện này đúng là đáng kinh ngạc thật, nhưng nhất định không phải Ngọc Đế ban duyên.

Ta thanh thanh cổ họng, sau đó nói bản thân tới thành này chưa được bao lâu, việc gì cũng còn lạ lẫm, huống hồ chuyện tái giá là việc đại sự, cần phải suy nghĩ kỹ càng. Tiểu thư họ Phùng đương độ thanh xuân, vào cửa nhà này làm mẹ kế, chỉ sợ nàng chịu thiệt, đợi sau khi ta cân nhắc kỹ càng rồi bàn cũng chưa muộn., cứ thế cứ thế, nói dông dài một hồi cho qua chuyện. Chờ đến khi cân nhắc kỹ càng xong xuôi, bản tiên quân hẳn đã bị lôi về thiên đình để lên Tru Tiên Đài từ lâu rồi.

Ý cười tràn ngập trên gương mặt Lữ Hồ Thị, bà nói: “Không vội không vội, chuyện này không vội, đợi công tử suy nghĩ vài ngày, già này sẽ lại tới xem sao”. Lại dông dài thêm một lúc nữa, lão bà mới cáo từ đi về, trước lúc đi còn nói: “Ông chủ Phùng còn nhờ già này chuyển lời cho công tử, y phục của hai vị tiểu thiếu gia đã làm xong rồi, đến giữa trưa mai sẽ sai người mang tới”.

Ta lại thốt thêm một câu cảm tạ, lúc này lão bà mới đi hẳn.

Ta vòng trở lại trong sảnh, bưng chén trà lên nhấp vài ngụm cho trơn cổ họng, chẳng ngờ thiếu nữ hôm qua chỉ va phải ta một cái đã đem lòng luyến mộ, đến hôm nay nhà người ta lại còn nhờ bà mối tới đề cập chuyện kết thông gia, nhìn vào đó là đủ thấy, phong thái xuất trần của bản tiên quân so với năm xưa hoàn toàn không hề suy giảm.

Hoành Văn và Thiên Xu bước ra từ sau tấm bình phong.

Đôi mắt đen láy của Hoành Văn nhìn ta không chớp: “Ban nãy bà lão kia tới, là để bảo rằng có người muốn làm phu nhân của ngươi đúng không?”.

Ta nói: “Đúng vậy”.

Thiên Xu nhỏ giọng nói: “Có phải là người hôm qua ném cái khăn tay không?”.

Hoành Văn chun mũi đáp: “Thần tiên không thể chung sống với người phàm được”.

Ta nói: “Chuyện ấy đương nhiên ta hiểu, vậy nên mới thoái thác rằng chờ thêm vài ngày nữa, đợi mấy hôm trôi qua, chúng ta hẳn cũng trở lại thiên đình rồi”.

Hoành Văn mặt mày dãn ra, cười: “Chúng ta cùng nhau về thiên đình sao?”.

Bản tiên quân chỉ cười ngoài mặt, đáp rằng: “Phải”.

Bấy giờ Hoành Văn mới không căn vặn nữa, chạy tới sảnh nhỏ xem Cục Lông thế nào.

Đến buổi trưa, quả nhiên tiệm may nhà họ Phùng đã sai một người làm công đem quần áo của Hoành Văn và Thiên Xu tới. Lúc lĩnh tiền thưởng, gã làm công cứ lén lút đưa mắt dò xét bản tiên quân mãi, hệt như người đi mua thịt chọn săm soi nạc mỡ, rồi lại liếc trộm Hoành Văn và Thiên Xu, đoán chừng là do ông chủ họ Phùng – cái người đương muốn làm cha vợ của bản tiên quân – đã sai gã đến thăm dò một phen. Chẳng biết lúc về gã sẽ miêu tả lại phong thái của bản tiên quân thế nào.



Ăn cơm trưa xong, lúc tiểu nha hoàn đang dọn bàn thì lại thấy tiểu tư chạy vào thông báo, nói rằng có khách đang đứng chờ ở cửa, khăng khăng muốn gặp bản tiên quân.

Sao hôm nay bản tiên quân nổi tiếng thế không biết.

Tiểu tư dẫn người vào, là một tiểu nha hoàn thanh tú đóng giả thư đồng, nói với ta bằng chất giọng trong veo: “Cô nương nhà ta sai ta đến đưa thiệp mời phẩm trà”. Nàng nâng hai tay, dâng lên một tấm thiệp thơm hương màu hồng phấn.

Ta chìa tay ra nhận, tiểu nha hoàn lại tiếp lời: “Không biết có thể mời công tử dời bước tới cửa sau, người ngồi trong xe đỗ ở bên ngoài, muốn đích thân chuyển tới công tử một câu mời”.

Ta tiện tay đặt tấm thiệp thơm lên trên bàn, sau đó cùng tiểu nha hoàn ra cổng sau, một cổ xe ngựa buông rèm gấm đang dừng bên cửa, một tiểu nha hoàn khác đứng trước xe, cúi người nói với ta: “Tống công tử, mời ngài đến trước xe ngựa, cô nương nhà ta có lời muốn nói với ngài”.

Bản tiên quân liền bước tới đứng bên cạnh rèm xe, từ trong rèm truyền ra giọng nói nhẹ nhàng: “Thiếp đích thân tới tận đây, hy vọng Tống công tử vào xế chiều ngày hôm nay quá bộ đến Túy Nguyệt Lâu thưởng trà, không biết chàng có thể tới được hay chăng?”.

Gió nhẹ thong dong lướt qua, chẳng giống gió rét những ngày đông tới, lại tựa như gió xuân tháng Ba khiến lòng người ấm áp.

Ta nói: “Giai nhân đã đích thân đến mời, tại hạ sao dám không đi”.

Hai tiểu nha hoàn che miệng cười khúc khích, sau tấm mành, giọng nói quyến rũ kia lại vang lên: “Vậy thiếp đây trở về Túy Nguyệt Lâu châm hương liệu, chỉnh dây đàn, chờ công tử ghé chơi”.

Xe ngựa quay đầu, chậm rãi rời đi, ta cũng nói với theo một câu đưa tiễn.

Trở về trong sảnh, thấy Hoành Văn với Thiên Xu đang chụm đầu chung một chỗ, xem tấm thiệp thơm kia. Hoành Văn ngẩng đầu nói với ta: “Trên này có viết, sẩm tối, mời ngươi tới Túy Nguyệt Lâu uống trà. Mùi thơm nồng quá, chắc là của cái người ném khăn tay hôm qua chứ gì”.

Bản tiên quân gật đầu xem như thừa nhận, rút tấm thiệp hồng phấn khỏi tay hai người kia, nhét vào ngực áo.

Hoành Văn và Thiên Xu đều giương mắt nhìn ta, Hoành Văn nói: “Ngươi muốn đi à?”. Ta ngáp một tiếng mà rằng: “Đi ngủ trưa thôi”.

Thiên Xu liền trở về phòng ngủ một giấc, Hoành Văn lại theo ta, bản tiên quân đi một bước hắn liền theo một bước, đến lúc tới cửa phòng của Hoành Văn, ta mới mở cửa thay hắn: “Đi ngủ đi”.

Hoành Văn đáp một tiếng “ừ”, sau đó bước vào trong phòng, ta quay người về phòng mình, nhìn giường chiếu trống trơn quạnh quẽ mà thở dài thườn thượt, đương định đóng cửa lại thì Hoành Văn sải bước tiến vào.

Ta nhẹ nhàng nói: “Sao ngươi không đi ngủ?”.

Hoành Văn chớp mắt, chạy tới bên giường, ngồi lên trên chăn, nhe răng ra cười: “Ta thấy giường chỗ ngươi nằm thoải mái hơn cái trong phòng ta”.

Ta lúc này hệt như sủi cảo đang chết gí trong nồi, vừa bị dầu chiên vừa bị hơi nóng hầm hập, thật khó chịu biết bao. Bản tiên quân đành mở miệng đáp rằng: “Ngươi đã thích gian phòng này thì chúng ta đổi cho nhau đi, từ trưa hôm nay ngươi cứ ở phòng này, ta sẽ sang phòng ngươi ngủ”.

Hoành Văn đang lật chăn ra định nhảy lên giường, nghiêng đầu nói: “Sao phải thế, hai chúng ta ngủ cùng trên một cái giường cũng được chứ sao. Ta có thể ngủ trong phòng này với ngươi mà”.

Ta đưa tay lên day trán: “Cùng ngủ trên một giường, kiểu gì cũng sẽ thấy chật chội. Ngươi ngoan ngoãn ngủ đi”. Sau đó xoay người dợm bước khỏi cửa, nghe thấy sau lưng vang lên tiếng Hoành Văn xuống giường. Hắn đứng sau lưng ta, nói: “Ta hiểu rồi, thật ra ngươi không thích ngủ chung giường với ta”.

Ta quay người lại, nhìn gương mặt có phần ủ rũ của hắn, cố dằn lòng mình lại, không nói câu gì.

Hoành Văn gục đầu xuống, nói: “Ta hiểu rồi, ta không làm phiền ngươi nữa, ta sẽ về phòng ngủ”, sau đó đẩy lại chăn vào giường một chút, cúi đầu rời khỏi phòng. Ta nhìn theo hắn, lửa đốt dưới đáy nồi sủi cảo đang cháy rừng rực, dầu nóng sôi trào, chiên cho tâm can tì phế của ta vàng giòn tanh tách.

Ta đóng cửa lại, ngồi xuống bên bàn, uống vài chén trà xong bèn lấy chiếc khăn tay của cô nương Tình Tiên ra, ngó tới ngó lui. Chẳng lẽ cái cây già đã héo quắt cả nghìn năm như bản tiên quân đây, thật sự có thể nở ra mấy đóa đào rừng?

Trời gần xế bóng, bản tiên quân liền thay một bộ trường sam mới tinh, xức cho hai ống tay thoảng hương thơm ngát. Hoành Văn dẫn theo một đám hài tử vào trong viện, đánh cờ luận thắng thua, Thiên Xu khư khư nghiên mực tàu với một chiếc bút lông, đứng đó làm trọng tài, vẽ mực lên trên mặt người thua. Cả một đám trẻ con, ngoài Thiên Xu và Hoành Văn ra thì hầu như mặt đều lem nhem cả. Ta dặn dò nha hoàn với tiểu tư, rằng tối nay ta không ăn cơm ở nhà, có thể sẽ về muộn, bảo bọn họ trông nom hai vị tiểu thiếu gia cho tốt, sau đó đi ra ngoài.

Bấy giờ Hoành Văn và Thiên Xu đang chơi rất hăng say, Thiên Xu thấy thế đặt bút xuống, chạy lại gần ta hỏi: “Ngươi muốn đi ra ngoài à?”.

Ta nói: “Đúng thế, ta có chút việc”.

Thiên Xu “À” một tiếng, sau đó không hỏi thêm gì nữa. Hoành Văn nghiêng đầu nhìn ta, ánh mắt lóe lên, rồi lại vùi đầu vào ván cờ dang dở.

Bản tiên quân lần này ra phố, cuối cùng cũng coi như khách tìm hoa thơm cỏ lạ, dạo bước thong dong, không phải là thùng dầu to lôi theo bình dầu nhỏ như hôm trước nữa. Nhưng đáng tiếc, sắc trời đã gần tối, trên đường kẻ dọn hàng, người đóng quán, người đi đường vội vội vàng vàng, những thiếu nữ con nhà tử tế lại càng chẳng ra đường vào cái giờ này. Quả thật khiến lòng ta có chút cô đơn.

Lúc bước tới trước cửa Túy Nguyệt Lâu, sạp bán phấn son kia vẫn còn chưa dọn dẹp, tiểu ca bày sạp rụt tay về, nhìn bản tiên quân vài cái xong liền đưa mắt về hướng Túy Nguyệt Lâu.

Lầu chuếnh choáng trăng say, gác lụa là xinh đẹp, khúc tương tư mong nhớ, rượu tình ái thỏa thuê.

“Khúc nhạc này của thiếp, không biết Tống công tử nghe có lọt tai không?” Tình Tiên đẩy cây đàn cổ ra, nhìn ta cười đầy ẩn tình, gác lụa ngập vẻ xinh tươi.

Ta nói: “Đàn rất hay, còn hay hơn cả Hằng Nga trên cung Quảng Hàn”.

Tình Tiên che miệng cười: “Công tử đúng là biết dỗ dành người khác, khen đến độ thiếp đây chẳng biết đáp thế nào cho phải”. Gót sen khẽ khàng bước tới cạnh ta, tay áo đỏ thướt tha khẽ cuộn, nâng bình rượu, lại rót đầy cho ta một chén rượu thơm.

Mãi tới khi trăng lên đến giữa bầu trời, ta mới lê bước chân đã ngà ngà men rượu trở về tiểu viện. Trước lúc rời đi, Tình Tiên có kêu ta một tiếng Tống lang, rồi nhét một chiếc túi thơm vào trong tay ta, giọng nói thoáng vài phần u sầu: “Không biết ngày mai có được chàng ghé tới thăm không?”. Bản tiên quân thở dài một tiếng, nắm lấy tay nàng mà nói: “Nếu đã mong nhớ giai nhân, sao có thể không trở lại”.

Chiếc túi rất thơm, lúc ta bước đi ngay cả gió thoảng bên người cũng như có mùi hương của nó. Bản tiên quân ôm theo hai vò rượu, bước về phòng, lại làm kinh động đến tiểu tư. Thế là tiểu tư liền vội vàng chuẩn bị nước nóng, ta tắm rửa một phen, men rượu cũng tỉnh đôi phần, quần áo tuy đã thay bộ mới, nhưng mùi hương của túi thơm kia vẫn phảng phất đâu đây.

Ta vốn định về phòng, làm vài chén giải sầu, rồi ngồi xuống đầu giường lấy túi thơm và khăn lụa ra trước, ngắm nghía một hồi, ngã người ra giường mà thiếp đi lúc nào không biết.

Sáng sớm ngày hôm sau, ta mở mắt ra, trên người đắp một tấm chăn, tay thì vẫn nắm chặt túi thơm và khăn lụa, đặt trước ngực, quần áo tối qua vẫn nguyên vẹn trên người.

Ta nhỏm người dậy, gọi tiểu tư tới hầu hạ mình rửa mặt, lại trông thấy ở trên bàn, cạnh vò rượu đặt một chiếc đĩa con con, bên trên là hai cái bánh bao.

Tiểu tư nói: “Lão gia, tối hôm qua ngài ngủ thiếp đi, tiểu nhân không dám kinh động tới ngài, chỉ lấy khăn đắp cho lão gia thôi. Hai cái bánh bao này là do Hoành tiểu thiếu gia giữ lại cho ngài lúc dùng cơm tối, tiểu thiếu gia cứ nhất định phải chờ ngài về, đưa cho ngài ăn bằng được. Nói sao cũng không chịu ngủ, đợi đến khi ngài tắm rửa xong, tiểu nhân mới theo tiểu thiếu gia bưng bánh bao qua bên này, thấy lão gia đã ngủ mất rồi, tiểu thiếu gia liền đặt bánh trên bàn rồi cũng trở về nghỉ ngơi”.

Bản tiên quân đưa mắt nhìn hai chiếc bánh bao, trong lòng lại bắt đầu bị dầu sôi chiên tanh tách, chỉ có thể đáp rằng: “Ta biết rồi”.

Đến giờ điểm tâm sáng, Hoành Văn mới ra khỏi phòng, giương mắt nhìn ta, nhưng không nói câu nào cả, ngồi xuống bàn. Bữa sáng này, cả Hoành Văn lẫn Thiên Xu đều ăn không ít.

Buổi sáng, Hoàng Tam Bà lại tới tìm trù nương nhà bản tiên quân nói chuyện phiếm, đúng lúc ta đang tản bộ trong sân. Ta trông thấy Hoàng Tam Bà, lại ngỏ lời cảm ơn bà ấy về mấy cái bánh bao.

Hoàng Tam Bà luôn miệng bảo đừng khách khí, sau đó nói với ta rằng: “Tống tướng công, nghe nói cậu có ý kết thông gia với ông chủ Phùng, muốn lấy thiên kim nhà người ta về làm vợ, đúng không? Thật đúng là một mối nhân duyên tốt đẹp mà, cô nương nhà họ Phùng là mỹ nhân nổi tiếng của thành chúng tôi đấy, hiền lương thục đức, cùng Tống tướng công quả là một đôi uyên ương trời sinh”.

Ta nghe thế mà ngớ cả người, không khỏi hỏi lại luôn: “Chuyện này chẳng qua mới chỉ đề cập sơ qua, mấy thứ khác đều không phải thật đâu. Bà nghe lời đồn này từ đâu thế?”.

Hoàng Tam Bà nhìn ta một lượt từ đầu đến chân, cười nói: “Khắp thành này còn ai không biết, lẽ nào Tống tướng công vẫn chưa đưa sính lễ đến nhà Phùng tiểu thư sao?”.

Bản tiên quân nghe mà đổ mồ hôi lạnh, đưa sính lễ??? Bản tiên quân mới vào thành này được có mấy ngày, thời gian đâu, sức lực đâu mà đi đưa sính lễ!

Qua bữa cơm trưa, Thiên Xu ngoan ngoãn đi ngủ, bản tiên quân đang định về phòng, lại nhìn thấy Hoành Văn ôm theo Cục Lông từ sảnh nhỏ bước ra, hướng về phía phòng hắn. Với thân hình hiện tại, Hoành Văn bế hồ ly vẫn có vài phần vất vả, ta đi về phía trước, Hoành Văn ngẩng đầu nhìn ta, cười: “Nhìn nó thui thủi một mình ngủ ở sảnh nhỏ tội quá, ta đem nó về phòng ngủ chung”.

Ta thở dài một tiếng, vuốt lông của Cục Lông một chút, nói: “Đặt nó ở trên giường, cũng ấm hơn”. Hoành Văn gật đầu, ậm ừ một tiếng, sau đó nghiêng nghiêng ngả ngả bế hồ ly vào trong phòng. Ta đứng ngoài cánh cửa phòng đã khép lại, bần thần một lúc. Cục Lông bởi cứu Hoành Văn mới ra nông nỗi này, dù sao cũng chẳng còn được mấy ngày, ngủ bên cạnh cũng coi như an ủi nó phần nào.

Sắc đêm vừa xuống, ta lại ngồi trong gác tú của Túy Nguyệt Lâu, nghe Tình Tiên đàn một làn điệu dân gian.

Một khúc thanh ca vừa dứt, Tình Tiên mềm giọng đẩy đưa, ngồi ngay bên cạnh thay ta rót rượu. Sợi bấc nến vón thành cục, cháy tí tách không ngừng, Tình Tiên rút trâm cài trên đầu ra khều bấc nến, ta nâng chén nhìn đèn, không kìm được thở dài một tiếng.

Tình Tiên nghe thấy tiếng thở dài của ta, thong thả đứng dậy, bước tới ngồi xuống trước bệ đàn, so lại dây, gảy một khúc nhạc du dương, tựa như thiếu nữ sầu thu, triền miên u oán.

Âm thanh réo rắt thiết tha vừa dứt, Tình Tiên ngồi dưới ánh đèn nở nụ cười, lại trở về rót rượu cho ta, lúc bước ngang qua bóng của ngọn đèn, nàng liền làm như vô tình nghiêng người qua một bên, tay áo nâng lên tựa như đang lau lệ. Đến lúc nàng quay người lại, gương mặt lại vẫn hiện nét cười. Lúc Tình Tiên cúi người rót rượu, ta nhìn gương mặt nàng, nói: “Vì cớ gì giai nhân lại sinh nỗi hờn thu?”.

Tình Tiên tức cười đáp: “Công tử lại giỡn thiếp rồi, ban nãy thiếp bước dưới ngọn đèn, bị khói xông vào cay mắt. Có điều công tử vốn là khách phong lưu đương độ xuân phong đắc ý, vì cớ gì lại ngồi dưới trăng thở than thu vắng?”.

Bản tiên quân nói: “Vô duyên lại gặp mặt, gặp mặt lại vô duyên, trăng sáng trên cao, có thể nhìn lại không thể hái”.

Tình Tiên che miệng đáp: “Vậy là âu sầu vì tình, xé ruột xé gan rồi. Không biết giai nhân nào khiến cho chàng phải tương tư đến khổ đau như thế. Thiếp nghe nói Tống công tử vừa mới vào thành đã lập tức có tơ hồng đưa đến tận cửa, chuẩn bị cùng tiểu thư nhà họ Phùng kết mối lương duyên. Vậy sao còn vướng vào nỗi khổ tương tư?”.

Té ra tất cả dân chúng sống trong thành này đều biết, tin tức nhanh hơn chớp giật.

Ta nói: “Tình Tiên cô nương xinh đẹp hơn người, hoa thơm cỏ lạ trông cũng thẹn đôi phần, niên thiếu phong lưu, khách quyền cao chức trọng bỏ cả ngàn vàng chỉ vì muốn cùng nàng một tối vu sơn, vì cớ gì còn ủ ê rơi lệ”.

©STENT: http://www.luv-ebook.com

Tình Tiên cúi đầu, nhẹ giọng thở than: “Công tử hà tất phải trêu đùa thiếp. Việc thiếp làm là dựa vào lan can kia, bán tiếng cười kiếm sống, phẩm giá hay vẻ ngoài cũng chỉ là thứ trưng cho đẹp mà thôi. Giống như một món hàng trên sạp, ai trả đủ tiền liền về tay người ấy, bất kể đó là ai”.

Lời vừa dứt, thân người nàng khẽ run lên. Tình Tiên ngẩng đầu, miễn cưỡng cười với ta: “Thiếp nhất thời xúc động, đã làm mất hứng của công tử, xin công tử đừng trách tội. Để thiếp đàn, đàn thêm cho công tử nghe một khúc nữa…”.

Ta thở dài nói: “Nếu nàng có nỗi khổ gì thì hãy nói ra đi, đừng dồn nén trong lòng, cố tỏ ra cứng cỏi, chưa biết chừng ta còn có thể giúp nàng một tay”.



Tình Tiên kinh ngạc nhìn ta, cắn môi, đột nhiên dùng tay áo che đi hơn phân nửa mặt, hai hàng lệ lăn dài trên má, nghẹn ngào nói: “Công tử, chàng cứ để thiếp đàn cho chàng nghe một khúc nữa đi… Đợi mấy ngày nữa, có lẽ thiếp chẳng còn cơ hội nào để đàn cho chàng nghe… Cháu trai của Trương viên ngoại trong… trong thành đã bàn xong với ma ma chuyện chuộc thân cho thiếp rồi… Vài hôm nữa là đại thọ sáu mươi sáu tuổi của thúc thúc hắn, đến lúc đó, hắn sẽ dâng thiếp cho Trương viên ngoại làm quà… Thiếp… Thiếp…”. Lời nói đến đây, nàng ấy đã khóc không thành tiếng.

Lòng thương hại của bản tiên quân nhất thời lại trào lên, khắp thế gian này dù trên trời hay dưới đất, đều có quá nhiều chuyện vượt ngoài tầm với.

Ta thở dài, bước tới bên cạnh nàng, ôn tồn nói: “Đừng khóc nữa, để ta nghĩ cách gì đó giúp nàng”.

Tình Tiên run rẩy, ngẩng đầu nhìn ta, sau đó bất thình lình lao thẳng vào vòng tay của bản tiên quân, nức nở òa khóc.

Khi mang theo nửa vạt áo đẫm lệ giai nhân rời khỏi Túy Nguyệt Lâu thì đường xá đã không một bóng người, nhưng sạp bán phấn son cạnh đó vẫn còn đang bày hàng, tiểu ca trông hàng ngồi bên lề đường, tay vùi trong ống áo. Hẳn anh ta đang đợi xem liệu có vị khách tìm hoa nào tới Túy Nguyệt Lâu, tiện tay mua cho anh ta một hộp phấn thơm tặng cho chị em ở trong kia không. Trên thế gian này liệu có thứ gì dễ dàng? Kiếm bát cơm ăn cũng thật khó khăn.

Nửa đêm, ta lại trở về tiểu viện. Sau khi tắm rửa xong, tiểu tư há miệng ngáp ngắn ngáp dài trở về phòng ngủ. Bản tiên quân ngồi dưới ánh đèn, hoàn toàn không buồn ngủ chút nào. Ta đưa mắt nhìn hai vò rượu đặt trên bàn, cầm một vò rồi bước ra sân, há miệng uống liền mấy ngụm.

Bốn phía lặng ngắt như tờ, gió lạnh thấu xương, qua đêm nay, thời gian lại ít đi một ngày.

Bỗng thanh âm vang lên sau lưng ta: “Sao ngươi chưa ngủ?”.

Ta quay đầu lại, trông thấy một dáng người nho nhỏ đang đứng trước mặt ta, chính là Thiên Xu.

Ta ngẩn người trong chốc lát, mới lên tiếng: “Ta không ngủ được, ra ngoài này đứng một lúc”. Đôi mắt trong suốt của Thiên Xu nhìn về phía tay ta, bản tiên quân cúi đầu trông vò rượu, cười khan nói: “À, đây là thứ rượu ngon chốn phàm trần, sau khi trở về thiên đình rồi chỉ sợ không còn cơ hội uống nữa, cho nên nhân lúc còn có thể, tranh thủ uống nhiều một chút”.

Thiên Xu lẳng lặng nhìn ta, tựa như đã tin. Bản tiên quân đặt vò rượu xuống cạnh hòn non bộ, cởi áo ngoài trên người xuống, quấn trên người y: “Gió đêm rất lạnh, ngươi mau về phòng ngủ đi”.

Thiên Xu đột nhiên hỏi: “Ta… có phải đã từng chịu thương tổn gì không?”.

Ta giật thót, chẳng lẽ Thiên Xu đã khôi phục được phần nào rồi? Bản tiên quân chẳng nghĩ ngợi gì đã đáp luôn: “Hiện giờ ngươi đang ở trần gian, chẳng qua nhất thời không thích ứng, đợi vài ngày nữa trở lại thiên đình, tự nhiên sẽ hiểu rõ ràng mọi chuyện”.

Thiên Xu nghe vậy xong cũng rất ngoan ngoãn “ừ” một tiếng rồi trở về phòng ngủ, trước lúc đi còn quay lại nhìn ta nói: “Ngươi cũng nên đi ngủ sớm một chút”.

Ta dõi mắt nhìn theo bóng lưng Thiên Xu đang bước vào phòng, mấy ngày này, ta gặp Thiên Xu, đều là những khi ở chung với Hoành Văn, chưa thấy có gì khác lạ. Đêm nay chỉ trông thấy một mình Thiên Xu, lại nhìn bóng dáng y, cứ cảm giác như đã từng quen biết, tựa hồ… tựa hồ rất nhiều năm về trước đã từng thấy, từng quen… Có lẽ tiểu Thiên Xu với Thiên Xu đã trưởng thành vẫn có nhiều điểm tương đồng, mới khiến bản tiên quân cảm thấy quen thuộc.

Ta lại nhấc vò rượu lên, tu ừng ực, dốc tới khi thấy đáy, bốn phía vẫn lặng thinh, gió đêm lạnh đến tê người. Ta nhẹ nhàng bước tới trước cửa phòng Hoành Văn, lách người vào.

Quả nhiên, hồ ly đang ngủ trong chăn của Hoành Văn, vừa phát hiện ra bản tiên quân bước vào phòng, nó lập tức chui từ trong chăn ra, nhảy phốc xuống đất. Ta búng ngón tay khiến nó mê đi, xách nó ra ghế tựa.

Ta ngồi bên mép giường, cúi đầu nhìn gương mặt đang ngủ của Hoành Văn. Không biết những ngày có thể nhìn hắn thế này còn bao nhiêu. Ta kéo lại chăn cho Hoành Văn, nhẹ nhàng chạm vào gương mặt hắn, không kìm được thì thầm: “Hoành Văn, ngươi khôi phục nguyên dạng trước khi ta lên Tru Tiên Đài được không, một ngày, một đêm thôi cũng được”.

Ta nhét hồ ly vào lại trong chăn của Hoành Văn, lại thay hắn dém kín góc chăn, vội vã rời đi.

Ta trở về phòng, ánh đèn đơn độc chiếu, trống trải vô cùng. Ta thổi tắt ngọn đèn, leo lên giường nằm.

Sáng hôm sau, ta không cẩn thận ngủ quên, mãi tới khi mặt trời lên cao gần ngọn sào mới tỉnh dậy. Tiểu tư nói hai tiểu thiếu gia đã ăn bữa sáng trước, giờ đang ở cả trong sân. Ta ậm ờ một tiếng biết rồi, sau đó vội vội vàng vàng dùng cho xong bữa, mới thong dong bước ra sân.

Hoành Văn đang cùng một đám trẻ chơi đổ xúc xắc, trông thì hình như là chơi thật, ăn thua bằng tiền, trước mặt Hoành Văn chất đầy một đống tiền xu, đám trẻ con thua đến độ vò đầu bứt tóc. Thiên Xu thì lại ngồi cạnh chiếc bàn đá ở một bên, lăm lăm giấy bút, đang vùi đầu viết gì đó.

Ta bước lại gần xem thử, trước mặt Thiên Xu có mở một quyển sách, cạnh tay thì chất một tập giấy viết chi chít toàn chữ là chữ, hình như y đang chép sách.

Ta cầm một tờ giấy lên xem, kinh ngạc nói: “Chép Luận ngữ? Cái này hình như là bài tập tiên sinh Tây Tịch giao về nhà mà”.

Thiên Xu ngẩng mặt lên, gật đầu đáp: “Đúng thế, ta không biết đổ xúc xắc, ban nãy mới bị thua. Bọn chúng nói không cần tiền của ta, nhưng lại bắt ta giúp chúng làm bài tập mà tiên sinh ở trường giao cho. Tiên sinh của bọn chúng mấy hôm trước bị bệnh, dừng mất mấy buổi học rồi, ngày mai lên lớp là phải nộp bài tập ông ấy giao. Bọn chúng phải làm xong hết bài tập thì mới chơi với chúng ta được”.

Vậy là ngươi liền giúp chúng nó chép ư, ta lẩm bẩm trong bụng, cái đám ranh này nghĩ tiên sinh của chúng nó dốt lắm chắc, một đám bài tập nộp lên, bài nào bài nấy độc một nét chữ, đến lúc đó thì cả đám cứ chờ mà lãnh đủ.

Ta tiện tay cầm cả tập giấy lên xem, lật vài tờ, liền kinh hãi. Mấy tờ giấy kia, nét chữ có nghiêng đông ngã tây, có nhỏ nhắn đáng yêu, có khoa trương càn rỡ, nhìn kiểu gì cũng không ra nét chữ của một người. Lại đưa mắt ngó tờ giấy Thiên Xu đang viết, vuông vứt chỉnh tề, có góc có cạnh, lại là một nét bút hoàn toàn khác.

Ta ngạc nhiên hỏi: “Chỗ này đều do ngươi viết à?”.

Thiên Xu dừng bút, gật đầu đáp: “Đúng vậy, ta bảo bọn chúng mỗi người viết vài chữ cho ta xem, cũng không biết có bắt chước được giống không nữa”. Y nói xong lại cầm bút viết tiếp, tờ giấy kia chẳng mấy chốc kín đặc. Thiên Xu gác bút xuống, đưa tờ giấy cho ta, để ta đặt nó lên tập giấy kia. Ta nhận lấy tờ giấy từ tay y, đột nhiên thấy sao mà quen quá, tình ấy cảnh này, cũng như đã trông thấy ở đâu rồi. Chẳng lẽ lúc còn ở thiên đình, lúc Thiên Xu viết chữ vẽ tranh, từng có thời điểm nào đó giống hệt tình cảnh bây giờ. Đoán chừng Thiên Xu cũng nhìn ra bản tiên quân có đôi chút thất thần, nhìn ta chằm chằm đầy nghi hoặc. Ta đặt tập giấy về lại chỗ cũ, lững thững rời đi.

Đám trẻ ranh đang cùng Hoành Văn chơi đổ xúc xắc có lẽ thấy ta đứng một lúc lâu trước bàn Thiên Xu, nên hơi chột dạ, vừa chơi vừa len lén liếc bản tiên quân, đứa nào đứa ấy đều lộ vài phần sợ sệt.

Hoành Văn vừa mới thắng thêm được mấy đồng tiền, ném vài đống tiền con con trước mặt mình, nói: “Đừng sợ, lão gia không nói với thầy của các ngươi đâu”.

Mấy đứa trẻ đều tròn xoe con mắt ra nhìn bản tiên quân, ta liền nở nụ cười hòa ái, nói: “Ta không nói đâu”. Vừa nói dứt lời, đám trẻ con đã vui sướng ngất trời, cứ như vừa được tha thứ tội gì ghê gớm lắm, luôn mồm kêu đa tạ bá phụ, miệng ngọt như bôi mật vậy. Mấy tiếng bá phụ này, quả thực khiến bản tiên quân trong lòng buồn vui lẫn lộn.

Chơi thêm vài vòng nữa, mấy đứa trẻ kia đã bị Hoành Văn hạ đo ván, vẻ mặt vô cùng bi thảm. Đám tiền xu trước mặt Hoành Văn cũng lớn ra trò, phỏng chừng tiền riêng mua quà vặt của đám trẻ này đều ở đống đó hết rồi. Một thằng bé cúi đầu, chầm chậm thả cục xúc xắc xuống: “Không chơi nữa”.

Hoành Văn vặn lưng một cái: “Không chơi nữa chứ gì, vậy thì thu dọn thôi”. Hắn nhặt viên xúc xắc lên, thả vào trong bát, sau đó đẩy đống tiền xu trước mặt, cười mỉm: “Các ngươi mau cầm tiền về đi, đếm cho cẩn thận, đừng để bị đứa bên cạnh lấy mất đó”.

Đám trẻ ranh nghe thế liền thộn cả ra, đợi đến lúc hoàn hồn lại, cũng có tí khí phách mà đứng yên tại chỗ. Trong đám có một đứa gương mặt đỏ bừng, ấp a ấp úng: “Đại trượng phu dám chơi dám chịu, chúng ta thua ngươi thì chính là thua ngươi”.

Hoành Văn cười nói: “Lúc chơi cũng có nói thắng sẽ được tiền đâu, chỉ lấy tiền xu ra tính kết quả thôi, vốn dĩ nên trả lại mà. Nếu các ngươi muốn luận thắng thua thì thế này đi, đợi đến khi ta vào trường học rồi, nếu lúc đó mà ta lại thắng nữa, thì các ngươi cũng phải giúp ta chép bài tập, được không?”.

Mấy đứa trẻ chớp chớp mắt, gật đầu, sau đó lập tức vui vẻ vô cùng, ùa lên ai cầm tiền người nấy, nhét vào trong túi. Nhét tiền xong rồi lại dềnh dang, chẳng đứa nào chịu đi. Có đứa ấp a ấp úng hỏi: “Có muốn chơi trò khác không?”.

Hoành Văn nói: “Hả? Không phải ban nãy mới nói không chơi nữa sao?”.

Đứa bé vừa nói chuyện đỏ bừng cả mặt: “Ban nãy nói không chơi là không chơi đổ xúc xắc, giờ chúng ta đánh cờ có được không?”.

Hoành Văn gật đầu đáp: “Được”.

Thế là bàn cờ bày ra, cả đám lại lăn xả vào nhau.

Bản tiên quân trở lại hành lang, kê một cái ghế rồi ngồi xuống, xa xa mà trông, coi như một niềm vui.

Nhớ năm đó khi ta còn nhỏ, cũng bỏ bê bài vở cùng bạn đồng môn hoặc anh em họ đùa nghịch suốt cả ngày, cũng vì thế mà ăn không ít gậy của ông già nhà ta. Giờ nhớ lại những năm xa xôi ấy, thật thú vị vô cùng.

Đám trẻ con nghịch tới tận giờ cơm trưa, người lớn của các nhà đều thò đầu vào cửa viện, gọi “về ăn cơm”, bấy giờ chúng mới lưu luyến không thôi mà giải tán. Lúc này bài tập đã được Thiên Xu chép cũng tương đối, mấy đứa trẻ nhét bài tập của mình vào trong ngực, hớn hở rời đi.

Tiểu Tư nói với ta: “Lão gia, nhà bếp đã chuẩn bị xong cơm từ lâu rồi, đã dọn bàn được chưa ạ?”.

Ta gật đầu nói: “Dọn bữa trưa ra đi”.

Bữa trưa, Hoành Văn ăn rất nhiều, ưng nhất món cà chiên, ta vươn tay định để cái đĩa ấy đổi đến trước mặt hắn, Hoành Văn đã dùng đũa đè đĩa lại, nói: “Không cần đâu, ta gắp được mà. Nếu không thì ngươi gắp giúp ta mấy miếng vào đĩa của ta cũng được”. Ta gắp cho hắn một ít cà chiên vào đĩa, Hoành Văn liền nói một tiếng cảm ơn.

Thiên Xu thì lại ăn ít hơn mấy hôm trước đôi chút. Ta trông y chỉ ăn có non nửa bát cơm, liền ôn tồn nói: “Ngươi ăn thêm một chút đi, món măng trúc xào chay hôm nay nhà bếp làm ngươi còn chưa nếm, gắp thử một miếng xem vị ra sao”.

Thiên Xu liền bưng bát lên, nếm một chút măng, vậy mà cũng ăn hết được bát cơm trên tay, lại thêm được nửa bát canh nữa, bản tiên quân trông vậy cũng rất mừng.

Sau bữa cơm, nha hoàn bắt đầu thu dọn bát đũa, ta biết Hoành Văn nhất định sẽ không quên cho hồ ly ăn, liền bảo với người hầu, bưng đĩa trứng tráng lên đi. Hoành Văn liền chen lời: “Sáng nay ta đã bảo nhà bếp đổi trứng tráng thành gà hầm xắt miếng rồi, mấy ngày này cứ cho nó ăn trứng tráng mãi, chắc nó cũng ngán rồi, hôm nay đổi vị một chút”.

Ta xoa đầu hắn, nói: “Vậy làm thế đi”.

Một cái bát lớn đầy gà hầm xắt miếng gồm cả nước, ta chỉ sợ Hoành Văn run tay, nước hầm sánh ra lại bỏng tay, bèn đỡ lấy bát, giúp hắn bưng vào trong phòng. Hồ ly lúc này đương chợp mắt, nằm trên ghế chờ Hoành Văn tới đút cho ăn. Ta đặt bát hầm xuống, nói: “Đợi lát nữa nó ăn xong, ngươi cũng ngoan ngoãn đi ngủ đi”.

Hoành Văn đáp: “Ta biết rồi”.

Ta trở về phòng, ngẫm nghĩ về chuyện chiều tối nay tới Túy Nguyệt Lâu, ngẫm một lúc, lại không nhịn được rút khăn sa cùng túi thơm của Tình Tiên ra ngắm. Ban nãy bản tiên quân quên đóng cửa, một cơn gió thổi vào trong phòng, ta ngẩng đầu, trông thấy Hoành Văn đang bước vào, ánh mắt dán chặt lên chiếc khăn sa và túi thơm đương nằm gọn trong tay ta.

Ta vội vàng đặt hai thứ ấy xuống: “Sao ngươi còn không đi ngủ”.

Hoành Văn nói: “Ta muốn sang đây xem một chút, đợi lát nữa sẽ về ngủ ngay”, hắn bước tới bên giường, nhặt túi thơm ở trên giường lên, vân vê một chút, nói: “Thơm quá”.

Ta giơ tay lấy lại túi thơm, nói: “Ngươi mau về ngủ đi”.

Hoành Văn nghiêng đầu nhìn ta, cười: “Đợi đến tối ngươi lại muốn đi thăm nàng à?”.

Bản tiên quân tự cảm thấy được vấn đề này không thích hợp để nói nhiều trước mặt Hoành Văn-tuổi-nhỏ, liền mập mờ nói: “Có mấy việc khẩn cấp cần làm”.

Hoành Văn lại nhìn ta một cái, nói: “Ừm”, sau đó há miệng ngáp: “Vậy ngươi ngủ đi, ta mệt rồi, cũng về phòng đây”. Sau đó quay người bước khỏi phòng. Ta theo hắn ra tận cửa, nhìn đến khi hắn bước vào phòng. “Két” một tiếng, cửa phòng hắn khép lại, bấy giờ ta mới thở dài, cũng đóng cửa phòng mình lại.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Duyên Nợ Đào Hoa

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook