Giấc Mộng Sói Vương

Chương 15

Thẩm Thạch Khê

18/03/2016

Bây giờ đến lượt Song Mao kế thừa di nguyện của Hắc Tang. Khi ánh mắt của Tử Lam dừng lại trên mình Song Mao, nó không khỏi cảm thấy chua xót trong lòng. Song Mao thân thể gầy guộc, thấp hơn những con sói cùng trang lứa tới một nửa vai, ngực và tứ chi phẳng lì, thiếu hẳn phong độ của một con sói đực. Bộ lông phủ một màu xám u ám. Dù dưới ánh mặt trời chan hòa hay dưới ánh trăng bàng bạc, đôi mắt Song Mao lúc nào cũng nửa nhắm nửa mở như đang ngủ dở. Cả cơ thể Song Mao toát lên một vẻ yếu đuối rõ rệt.

Tử Lam thật sự âu lo, chỉ sợ cơ thể mảnh mai và xương cốt gầy yếu của Song Mao không thể gánh nổi trọng trách của một “siêu sói”. Tử Lam nhận ra Song Mao không những suy nhược về mặt thể chất mà còn yếu đuối về mặt tinh thần, sự yếu đuối mà nó khó có thể chấp nhận, bởi đó là điểm yếu chí mạng của loài sói.

Song Mao gần như thiếu hẳn bản tính hoang dã khó thuần phục vốn có. Nó cam chịu hoàn cảnh, sống với một gia đình có vài anh chị em cũng được mà sống trong một gia đình lớn với bầy sói cũng chẳng sao. Từ trước tới giờ, Song Mao chưa từng cãi nhau hay đấu đá với bất kỳ con sói nào. Thỉnh thoảng có một vài con sói bằng tuổi vô duyên vô cớ cắn vào mông nó một cái, hoặc một con sói nào đó ác ý đẩy nó ngã lăn xuống đất, nó cũng không bao giờ phản kháng mà chỉ chọn cách chạy trốn, né mình sang một bên, ngoan ngoãn như một con mèo. Những khi bầy sói đuổi bắt con mồi, nó cũng chẳng bao giờ là con sói dũng cảm dẫn đầu mà chỉ luôn theo đuôi con khác, đi ở hàng cuối cùng và tru lên trợ uy. Lúc bầy sói bắt được mồi và giành nhau xâu xé miếng ngon, nó cũng chẳng bao giờ đủ gan luồn lách vào tận bên trong để cướp lấy nội tạng thơm ngậy, mà chỉ yên vị nhặt một vài mẩu xương vụn hay mấy miếng da thừa của con sói khác. Hành động của Song Mao chẳng khác biểu hiện của mấy con sói ngu ngốc thuộc hàng mạt hạng trong bầy sói. Nếu cứ tiếp tục thế này, Song Mao rồi sẽ trở thành một con sói tầm thường nhất mà thôi.

Điều khiến Tử Lam bứt rứt nhất là biểu hiện của Song Mao mỗi khi gặp chuyện bất bình. Song Mao chưa bao giờ cảm thấy uất ức (uất ức là động lực để thay đổi tình trạng hiện tại), cũng chưa bao giờ bày tỏ nỗi giận dữ bất bình (ngay cả giận dữ bất bình sau lưng) vì bị đối xử không công bằng. Dường như Song Mao cho rằng, đó là lẽ đương nhiên phải xảy ra. Đó là bản tính của một kẻ nô lệ cam chịu.

Tử Lam suy đi nghĩ lại vẫn không hiểu vì sao Song Mao lại có cái tính ấy. Nó và Hắc Tang đều là những con sói xuất chúng, đội trời đạp đất, tại sao lại có thể sinh ra một con sói bạc nhược như thế? Nếu không phải Tử Lam đã tự mình nếm trải những cơn đau dữ dội khi Song Mao vượt qua đường sinh của nó để đến với thế giới này thì chắc chắn Tử Lam đã nghi ngờ huyết thống của Song Mao có thuần hay không rồi. Song Mao là kết tinh của nó và Hắc Tang, là anh em cùng sinh với Hắc Tử và Lam Hồn Nhi, vì đâu phẩm chất của nó lại thoái hóa nghiêm trọng như thế? Những câu hỏi ấy vấn vít trong đầu Tử Lam nhiều ngày. Tử Lam suy nghĩ lung lắm. Về sau, nó dùng tư duy logic của mình để suy đoán và kết luận: Do bản thân nó trong một năm vừa qua chỉ tập trung chú ý vào một mình Hắc Tử, rồi đến một mình Lam Hồn Nhi mà chẳng quan tâm tới sự trưởng thành cả về thể chất lẫn tinh thần của Song Mao. Đặc biệt là những khi chia thức ăn, nó thường thiên vị Hắc Tử và Lam Hồn Nhi nên để Song Mao phải chịu nhiều uất ức. Thiếu dinh dưỡng trầm trọng khiến cơ thể Song Mao nhỏ bé hơn những con sói cùng trang lứa khác. Cơ thể gầy guộc tất nhiên sẽ không có lực, mà không có lực tất sẽ dẫn đến sự yếu đuối về tinh thần, yếu đuối về tinh thần hẳn nhiên là nguyên nhân của rụt rè, nhút nhát.

Nghĩ tới đây, trong lòng Tử Lam có đôi chút tự trách, nhưng nó lại thấy vui mừng bởi đã tìm ra được nguyên nhân. Nó tin chắc rằng, chỉ cần Song Mao sở hữu một cơ thể vạm vỡ thì những khiếm khuyết về mặt tinh thần sẽ tự nhiên biến mất.

Trước mắt, dinh dưỡng đầy đủ không phải là vấn đề quá khó. Một vài đám tuyết còn sót lại đã tan chảy hết, cỏ đã nhô lên khỏi mặt đất và mọc cao hai, ba thốn. Thảo nguyên Ga Marr khoác lên mình chiếc áo xanh non mỡ màng. Tiếng sấm mùa xuân và từng tia nắng ấm áp làm muông thú tỉnh giấc, sung sướng chạy khỏi các hang động, thung lũng, kẽ đất hay các hốc cây. Mặt đất tràn trề nhựa sống. Bầy hươu nai, sơn dương, dê rừng phải đi tránh bão tuyết cách xa hàng ngàn dặm nay vội vã trở về cố thổ, tham lam gặm những mầm cỏ non ngọt để bù lại sự thiếu thốn trong mùa đông dài đằng đẵng.

Dê ăn cỏ, sói ăn dê, phân sói cung cấp dinh dưỡng khiến cỏ tươi tốt hơn, chuỗi tuần hoàn của tự nhiên là một vòng khép kín như vậy.

Với loài sói bây giờ, mỹ vị đang ở khắp nơi. Bởi thế, bầy sói ở thảo nguyên Ga Marr đã giải thể. Tử Lam dẫn Song Mao và Mi Mi trở về cái hang nơi chúng phải nói lời tạm biệt suốt nửa năm ròng. Gạt lớp dây leo chằng chịt và bước vào bên trong, Tử Lam bất ngờ cảm thấy cái hang dường như rộng ra rất nhiều. Thực ra, diện tích cái hang vẫn vậy, chỉ có điều thiếu vắng Hắc Tử và Lam Hồn Nhi nên nó bỗng trở nên trống huơ trống hoác. Nghĩ tới Lam Hồn Nhi, trái tim Tử Lam lại co giật từng hồi như người bị điện giật. Tử Lam bất giác thấy mình đã già yếu, sức đã cùng, lực đã kiệt. Ài, chết thì cũng chết rồi, bi thương chỉ là vô ích, điều quan trọng là phải giúp cho những đứa còn sống sống thật oanh liệt.

Bây giờ, Tử Lam phải bắt đầu nhào nặn lại hình tượng và cốt cách Đế Vương, từ cơ thể tới tính cách. Nó không còn là con sói cái Tử Lam của mùa xuân năm trước nữa. Lúc ấy, nó đang mang bầu, thân hình nặng nề nên không thể đuổi bắt con mồi, nhưng giờ thì cơ thể nó chẳng còn gánh nặng nào nữa. Không những thế, nó lại còn thêm hai trợ thủ là Song Mao và Mi Mi. Tuy hai đứa còn nhỏ và kỹ thuật vồ cắn mồi còn non kém, nhưng ít nhất chúng có thể giúp Tử Lam kẹp chặt con mồi và reo hò để trợ uy. Thế nên, lúc này tìm và săn mồi không phải là gánh nặng mà là niềm vui và sự hưởng thụ. Ba mẹ con chẳng khi nào về tay không, mỗi ngày đều trở về với cái bụng căng đầy. Chúng chẳng thèm nhọc công tìm bắt những loài động vật nhỏ như thỏ rừng hay chồn chó mà chỉ nhằm những con hươu, nai, sơn dương béo mẫm, thịt da non mềm và máu có tác dụng bồi bổ mà chung hưởng. Mỗi lần vồ bắt và dằn con mồi ngã xuống đất, Tử Lam nhân lúc hơi thở của nó còn chưa đứt đoạn và máu của nó còn chưa đông đặc vội vã hướng dẫn Song Mao cắn đứt động mạch bên cạnh cổ của nó, để uống thỏa thuê những giọt huyết tương nóng hổi. Tử Lam còn ưu ái để Song Mao được chén đẫy tim, gan, ruột ngon lành của con mồi.



Mùa xuân lướt qua, mùa hạ đến và đi nhanh như gió thoảng. Cách bổ sung dinh dưỡng của Tử Lam thật thần kỳ, Song Mao lớn rất mau, da thịt gần như thay đổi từng ngày. Tới mùa thu, Song Mao chỉ còn thấp hơn mẹ nửa cái vai, lớp lông đen ở phần trên cơ thể đã trở nên láng mượt như được phết một lớp dầu bóng mịn, lớp lông màu nâu vàng ở bụng và tứ chi sẫm dần, mịn như màu hạt dẻ. Cái sống lưng mềm yếu ngày nào giờ đã gồ lên thành một hình vòng cung cong cong, khuôn ngực và bốn chân gầy guộc đã cuộn lên những cơ bắp rắn chắc, vẻ xanh xao trên gương mặt cách đây nửa năm về trước hoàn toàn biến mất, thay vào đó là niềm vui và sự tự tin tràn đầy. Song Mao đã trở thành một con sói đực có vẻ đẹp hết sức hấp dẫn.

Cũng trong nửa năm ấy, Tử Lam tận tâm tận lực truyền thụ cho Song Mao mọi ngón nghề vồ mồi của nó. Kỹ thuật của Song Mao ngày một thành thục. Nó đã biết dùng móng vuốt sắc nhọn của mình găm sâu vào da thịt con mồi đang liều mạng chạy thoát thân và dùng hàm răng sắc nhọn cắn đứt cổ họng của con người đang sải những bước chân dài tìm đường bỏ trốn, động tác vô cùng chuẩn xác.

Nhìn Song Mao đang trưởng thành theo suy tính của mình, Tử Lam cảm thấy vô cùng tự hào. Tử Lam trằn trọc phải làm sao để đến mùa đông này, Song Mao phải trở thành con sói đứng đầu trong đám sói cùng trang lứa, nhằm tạo bước đệm vững chắc cho công cuộc tranh giành ngôi báu Sói Vương về sau. Như thế, đến mùa đông năm sau là giấc mơ của nó có thể trở thành hiện thực.

Tử Lam luôn nghĩ những điểm yếu tinh thần trước đây của Song Mao đã tiêu tan cùng sự tráng kiện của cơ thể, sự thành thục và hoàn hảo về kỹ thuật vồ mồi.

Thấm thoắt lại đến mùa đông. Bầy sói tản mạn ở mọi ngóc ngách của thảo nguyên Ga Marr lại trở về quần tụ theo bầy như tập tính tự nhiên vốn có của chúng. Chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, Tử Lam đã nhận ra bao tâm huyết của mình trong nửa năm qua chỉ như muối bỏ biển. Sự yếu đuối về mặt tinh thần của Song Mao chẳng hề biến mất như nó vẫn hằng kỳ vọng, thậm chí nó còn trầm trọng hơn thế, chẳng khá lên được chút nào. Mỗi khi gặp phải một con sói đực bằng tuổi, Song Mao lại khúm núm lùi sang một bên. Thân thể của Song Mao tráng kiện hơn bọn chúng nhiều, lẽ ra, Song Mao phải trở thành trung tâm của bọn chúng chứ! Mỗi khi bầy sói đuổi bắt mồi, Song Mao vẫn chỉ đóng vai trò hò hét trợ uy như năm trước. Vai trò nhỏ nhoi ấy chẳng có nghĩa lý gì với bầy sói cả. Đúng ra, kỹ thuật vồ mồi của Song Mao chẳng hề thua kém một con sói đực nào, nó hoàn toàn có thể thể hiện bản thân cơ mà! Trước mặt Sói Vương Lạc Giáp, Song Mao luôn cúi đầu cụp mắt, như một tên nô tài trung thành và khiếp nhược, nó lập tức hưởng ứng và chấp hành mọi hiệu lệnh của hắn. Song Mao chưa một lần tỏ thái độ phản đối.

Tử Lam đã vài lần ngoạm vào mông của Song Mao mà cắn mà xé, muốn ép nó phải bỏ thói quen cam chịu nhặt nhạnh những mẩu xương vụn thịt thừa của con sói khác để lại, dùng móng vuốt và hàm răng sắc nhọn của mình xông vào giữa bầysói mà tranh đoạt miếng ngon. Mỗi lúc như thế, Song Mao run như cầy sấy, thà để mẹ cắn chảy máu chứ không dám xồ vào cướp miếng ăn.

Hình như Song Mao đã cam lòng trở thành một con sói tầm thường mạt hạng nhất của bầy sói, chấp nhận làm một thần dân ngoan ngoãn nhất của Sói Vương Lạc Giáp mà không nửa lời oán trách.

Thật đúng là đồ bỏ đi.

Lúc này, Tử Lam mới thấy thật tường tận rằng, Song Mao tuy đã trưởng thành hoàn toàn về mặt thể chất nhưng về tinh thần vẫn còn bạc nhược. Nguyên nhân gây nên bi kịch rất rõ ràng, do trong thời gian trước và sau khi cai sữa, Tử Lam vì quá thiên vị Hắc Tử và Lam Hồn Nhi nên chẳng buồn để ý tới Song Mao, coi nó như đứa con có cũng được mà không có cũng xong. Không những thế, Song Mao còn thường xuyên bị hai anh lấy làm trò đùa và bắt nạt. Ngay từ nhỏ, cảm giác tự ti đã ăn sâu bám rễ vào tính cách của Song Mao.

Tử Lam nhớ lại ngày Hắc Tử chưa bị con kim điêu độc ác cắp đi, một lần, Song Mao chơi trong hang, bắt được một con cóc màu xanh nhạt và đang vui vẻ đùa giỡn với nó thì Hắc Tử trông thấy. Hắc Tử thích quá, không cần biết phải trái thế nào bèn xông lên cướp con cóc của Song Mao. Song Mao không chịu, chạy vòng quanh hang đuổi theo Hắc Tử. Hắc Tử tuy sức vóc hơn Song Mao, hiềm nỗi cả hai đều là những con sói non mới chào đời chưa lâu nên móng vuốt và răng vẫn còn non mềm nên Hắc Tử không thể áp chế Song Mao hoàn toàn. Song Mao tuy yếu thế nhưng rất dũng cảm, lúc bị Hắc Tử đè ngửa xuống đất vẫn không ngừng giơ hai vuốt trước cào cào ngực Hắc Tử. Song Mao nhất định không chịu khuất phục vì thấy mình vô duyên vô cớ bị ức hiếp. Đang lúc Hắc Tử và Song Mao cuộn tròn người đánh nhau thì Tử Lam tìm mồi về tới. Cảnh tượng đập vào mắt khiến Tử Lam tức tối. Hắc Tử được chọn làm Sói Vương tương lai nên đương nhiên nó muốn gì phải được nấy, ai cho phép chống lại? Hắc Tử đánh mãi không thắng thấy mẹ về bèn tru lên u u, làm loạn cả hang. Tử Lam nhảy xổ tới, cắn một miếng đau vào bẹn ở chân trước của Song Mao. Song Mao phải chịu thua tức thì còn Hắc Tử dương dương tự đắc chiếm con cóc làm của riêng. Song Mao ấm ức đứng vào một góc hang khóc tấm tức, nhìn Hắc Tử với ánh mắt thù hận. Tử Lam lại nhảy xổ tới, cắn mấy miếng vào bả vai và sống lưng Song Mao. Tử Lam muốn Song Mao hiểu rõ thân phận của nó trong gia đình, muốn dạy nó phải biết tuân thủ lễ nghi phép tắc trước mặt Sói Vương.



Song Mao quả nhiên bị khuất phục hoàn toàn. Hai hôm sau, Hắc Tử lại muốn tranh giành con chuột núi mà Song Mao đang nghịch, Song Mao chẳng những không đánh lại mà còn ngoan ngoãn nhường cho Hắc Tử.

Khoảng thời gian trước và sau khi cai sữa là giai đoạn định hình tính cách của sói con. Nó giống như một viên gạch nung trong lò, một khi hình dáng đã bị xiêu vẹo thì rất khó sửa lại.

Nếu hiện giờ Tử Lam còn hai con sói đực nữa thì nó chẳng nhọc công tốn sức nhào nặn lại Song Mao làm gì. Một viên gạch đã định hình rất khó sửa lại dáng vẻ của nó, lấy một phôi gạch khác đem nung và tạo hình sẽ đỡ mệt mỏi hơn nhiều. Nhưng Tử Lam không còn sự lựa chọn khác. Nó chỉ còn lại mình Song Mao và Mi Mi, nhưng Mi Mi là sói cái. Sói cái không được tranh giành ngôi báu Sói Vương. Song Mao là con sói đực còn lại duy nhất, nó phải thực hiện di nguyện của Hắc Tang. Tử Lam đành phải đối diện thẳng thắn với sự thật này và dù phải nỗ lực, phải trả giá nhiều hơn đi nữa, nó cũng nhất định phải uốn nắn lại tính cách dị thường của Song Mao.

Suốt cả một mùa đông dài dằng dặc, Tử Lam dồn toàn bộ tinh thần vào công trình tạo dựng hình tượng Song Mao. Khi thì dùng tình mẫu tử dịu dàng, lúc lại nhiệt tình cổ vũ, khi thì bỏ đói, lúc lại cắn xé để ép buộc, kết hợp cả ân uy, cương nhu, dùng mọi biện pháp giáo dục vốn có của nó để bồi dưỡng Song Mao. Phương pháp này của nó rất hiệu nghiệm với Hắc Tử và Lam Hồn Nhi, nhưng đến lượt Song Mao thì mất hẳn uy lực. Một lần, Tử Lam lại thấy con sói cụt đuôi Hoàng Độc vô duyên vô cớ đuổi theo cắn Song Mao, Song Mao kêu lên hoảng hốt và chạy trốn trong tuyết. Hoàng Độc vừa thở phì phò vừa đuổi gấp Song Mao, rồi nó chạy vụt lên chặn đường trốn của Song Mao. Ánh mắt nó trợn trừng trừng phóng tia lửa vào Song Mao như cảnh cáo: Nào, mày hãy quay lại đây, hãy dùng bộ vuốt và hàm răng chẳng khá khẩm hơn những con sói khác là bao mà báo thù con sói Hoàng Độc đang bắt nạt mày! Song Mao khiếp đảm lấm lét nhìn về phía sau, không dám quay đầu lại mà nằm sấp trên đất, hai chân trước vội vã đào một lỗ trên lớp tuyết mềm rồi dụi mặt vào đó. Nó muốn trốn tránh sự uy hiếp của con sói Hoàng Độc ngay sau lưng và sự trừng phạt của mẹ ngay trước mắt. Song Mao nhu nhược và ngu ngốc tới cực điểm.

Tử Lam bực quá nhảy phắt tới cắn vào gáy Song Mao một cái, mạnh đến mức lòi cả một mảng thịt trắng hếu. Những giọt máu đỏ sẫm rơi xuống nền tuyết trắng lóa. Song Mao tru lên một tiếng thảm thiết, bật khỏi cái lỗ, lao mình về phía đồng tuyết mênh mông.

Song Mao tuy tự ti nhưng không phải kém thông minh. Nó rất hiểu nỗi lòng của mẹ muốn nó trở thành một con sói đứng đầu, trở thành Sói Vương thống lĩnh cả bầy sói. Nó cũng muốn thể hiện mình thật tốt, ít nhất là một lần để mẹ vui lòng. Nhưng từ nhỏ nó đã bị đối xử lạnh nhạt, đứng trước Hắc Tử và Lam Hồn Nhi nó chẳng bao giờ ngẩng mặt lên được. Nó đã quen sống trong cái bóng của kẻ mạnh, đã quen bị lãng quên, cảm giác tự ti đã trở thành thâm căn cố đế trong lòng nó. Nó luôn nghĩ mình là kẻ yếu, thế nên trước mặt đám sói cùng trang lứa, nó chấp nhận chịu thua ngay cả khi chúng chưa lao vào cắn xé. Lâu dần, nó hình thành cho mình thói quen lui bước để được yên ổn, chỉ cần nhận mình là kẻ hèn yếu nó sẽ có được những ngày bình an. Nó cũng hiểu rằng, tâm lý yếu đuối tự ti ấy của nó là liều thuốc độc đối với loài sói sinh tồn nơi rừng núi theo quy luật cá lớn nuốt cá bé tàn khốc. Nó rất muốn, rất muốn thoát khỏi cái bóng âm u để làm lại từ đầu. Chỉ có điều thay đổi bản tính định hình đã lâu của một con sói nào có dễ dàng!

Song Mao cắm đầu cắm cổ lao như bay giữa đồng tuyết bao la, nó đang chạy thoát khỏi bầy sói. Ban đầu Tử Lam chẳng mấy để ý, cho rằng Song Mao chỉ trốn tránh tạm thời, nhưng suốt đêm hôm đó rồi cả tới ngày hôm sau vẫn không thấy Song Mao quay trở lại. Tử Lam ruột nóng như lửa đốt. Một con sói côi cút rời khỏi bầy đàn sẽ khó mà sống nổi giữa trời đông tuyết lạnh, huống hồ tính cách Song Mao lại rụt rè nhút nhát như thế, nếu không làm miếng lót dạ cho báo tuyết thì cũng phải vùi mình trong tuyết vì đói và lạnh. Tử Lam tuy hận Song Mao là chẳng làm nên trò trống gì, nhưng dù sao nó vẫn là đứa con Tử Lam dứt ruột đẻ ra, vẫn mang đến cho Tử Lam một tia hi vọng. Tử Lam sốt sắng lùng sục khắp nơi tìm con. Ròng rã suốt một ngày một đêm, cuối cùng Tử Lam cũng tìm thấy Song Mao ở một cái đèo heo hút nằm tít phía nam núi tuyết Streca. Song Mao đang co ro dưới một gốc cây. Nó đang run cầm cập trong tiếng gió tuyết rít vun vút, rên lên ư ử, dáng vẻ rũ rượi và đang đói lả. Tử Lam thất vọng đến cùng cực. Con yêu à, con thà rời xa bầy đàn và chịu chết đói chứ không dám sống mái với con sói Hoàng Độc ức hiếp con vô cớ ư?

Dù giận con nhưng Tử Lam vẫn cố gắng tìm bắt một con gà lôi cho Song Mao qua cơn đói lòng rồi đưa Song Mao trở lại đại gia đình.

Lẽ nào Song Mao của nó đã biến thành một thanh gỗ mục không thể đẽo tạc được nữa rồi? Không, không thể thế được, Tử Lam có chết cũng không tin nó lại sinh ra một thứ đồ bỏ đi như thế. Nhất định là do cách dạy con của nó đã quá cũ, không phù hợp với Song Mao. Tính cách tự ti của Song Mao là do hoàn cảnh đặc biệt tạo nên, bởi thế nó phải dùng phương pháp đặc biệt để cứu vãn và thay đổi.

Khi mùa đông lùi xa, Tử Lam sẽ nghĩ ra một cách bồi dưỡng mới bắt tay vào thực hiện khi bầy sói giải thể.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Giấc Mộng Sói Vương

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook