Giấc Mộng Sói Vương

Chương 7

Thẩm Thạch Khê

18/03/2016

Chắc chắn là tình yêu thương quá mức của mình đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển bình thường của Hắc Tử nên nó mới có tác phong bú sữa ôn hòa như thế. Tử Lam nghĩ. Mỗi khi Hắc Tử dùng cái miệng bé xíu của mình ngậm chặt nụ hoa mẹ, tham lam mút những giọt sữa ngọt ngào, trong lòng Tử Lam lại trào dâng một thứ tình cảm dịu dàng và ân cần chăm chút chỉ có ở những người mẹ. Tử Lam vừa để dòng sữa thơm lành chảy vào miệng con, để con thỏa thuê bú vừa thè lưỡi liếm khắp lượt bộ lông đen như màu mực của con cho tới khi cả thân hình con trở nên sáng bóng. Khối tình cảm ấy thật thắm thiết! Chỉ có điều, thứ tình yêu nuông chiều đó sẽ làm hư con.

Thử quan sát dáng vẻ bú sữa của Hắc Tử mà xem. Hắc Tử nằm ngửa dưới bụng mẹ trong một tư thế thật đẹp, ngậm nụ hoa mẹ thật nhẹ nhàng và mút sữa mẹ một cách nhịp nhàng, hai mẹ con thật hòa hợp.

Phong cách bú sữa này rất hiếm thấy ở loài sói. Thực ra, đó là phong cách bú sữa của loài chó.

Trong những lần đi rình mồi ở trại Lang Bạc, Tử Lam đã từng tận mắt thấy cảnh chó mẹ cho chó con bú sữa. Biểu hiện của chó con vô cùng giống biểu hiện của Hắc Tử bây giờ. Chó mẹ và chó con rất hòa hợp ăn ý với nhau, mối ân tình lưu luyến bịn rịn giữa hai mẫu tử cũng tự nhiên sinh ra từ đó.

Tình cảm quyến luyến được hình thành từ nuôi dưỡng trong thời kỳ bú sữa rất quan trọng với sự sinh tồn của loài chó. Phong cách bú sữa nhẹ nhàng và điềm đạm sẽ khơi dậy tình yêu thương thiên bẩm của chó con, triệt tiêu bản tính hoang dã của loài động vật ăn thịt vẫn còn lưu dấu trong bản năng để hun đúc nên tính cách hiền lành, đôn hậu của chó con. Điều quan trọng hơn cả là khi chó con ngày một trưởng thành thì tình cảm quyến luyến bịn rịn với mẹ sẽ dần chuyển sang tình cảm quyến luyện bị rịn với chủ nhân của nó, và cuối cùng là với cả loài người. Giả như loài chó không có được trái tim yêu thương và thứ tình lưu luyến đó thì nó sẽ không thể sống dựa vào loài người được.

Trái tim yêu thương và tình cảm quyến luyến bịn rịn là bảo bối để an thân lập nghiệp với loài chó nhưng lại là thứ thuốc độc với loài sói.

Thường thì trong những ngày đầu tiên chào đời, sói con cũng có những biểu hiện dựa dẫm vào mẹ. Tuy nhiên, vào giai đoạn sau của thời kỳ bú sữa, đặc biệt là lúc sắp cai sữa, sự dựa dẫm đó tự nhiên sẽ phai nhạt dần và mất hẳn. Điều này thể hiện ở phong cách bú sữa của sói con. Tuy mới sinh con lần đầu, nhưng Tử Lam đã sớm được quan sát cảnh tượng những con sói mẹ khác cho con bú vào lúc sắp cai sữa: Sói con giống như một tiểu cường đạo mắc chứng đói khát, tru lên mấy tiếng và rúc vào bụng mẹ. Chúng cứ thế vồ lấy vú mẹ mà nắm, mà cắn, mà mút điên cuồng, bộc lộ hết bản tính tham lam và dã man của loài sói. Móng vuốt sói con cào xước từng vệt từng vệt trên bầu vú mẹ, răng sói con cắn vú mẹ mạnh tới mức máu chảy đầm đìa, sói mẹ đau quá kêu lên những tiếng thảm thiết rồi hung hãn giơ vuốt bạt mạnh vào đầu sói con tới mức sói con phải lăn lộn vài vòng dưới đất, hoặc cũng có thể ăn miếng trả miếng, sói mẹ sẽ ngoặm đứt mấy mảng lông trên lưng sói con. Với loài người, cảnh tượng này thật sự tàn nhẫn vô tình, nhưng với loài sói, đó là điều cần thiết.

Hành động này của sói con có vẻ rất tàn nhẫn, song nó lại phù hợp với nguyên tắc sinh tồn cao nhất. Sói con sau khi trưởng thành tất phải rời xa sự bao bọc của mẹ, một thân một mình tới thảo nguyên rộng lớn và rừng sâu mênh mông mưu sinh, không thể nương nhờ bất cứ ai. Bởi thế, nếu ngay từ nhỏ sói con không học cách cắt đứt mối ân tình lưu luyến với mẹ thì tinh thần tự lập và bản tính ngang tàng vốn có sẽ bị bào mòn. Loài sói có thể sinh tồn trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của thế giới hoang dã là nhờ tinh thần tự lập quật cường và bản tính khát máu. Đó cũng là kết quả của quá trình chọn lọc tự nhiên.

Vì vậy, trên thực tế, bú mẹ là một quá trình luyện tập với sói con. Về mặt khách quan, cách bú mẹ xuất phát từ bản năng trời sinh có lợi cho việc triệt tiêu sự ỷ lại vào sói mẹ của sói con, xóa nhòa tình yêu thương của sói con với sói mẹ để hình thành một lực li tâm giúp sói con bồ dưỡng tính cách độc lập. Trong tiềm thức của sói con, bầu vú mẹ chỉ là con mồi đầu tiên. Chúng ta phải bồi dưỡng thói quen săn mồi thấm đầy máu tanh cần thiết cho những ngày tự lập mưu sinh khi trưởng thành từ cách bú mẹ dã man như thế.

Trong trí nhớ của Tử Lam thì hình như không một con sói mẹ từng nuôi con nào có bầu vú không chằng chịt vết sẹo. Chỉ riêng mình nó là ngoại lệ, đã sắp tới thời kỳ cai sữa cho con rồi mà bầu vú vẫn còn nguyên vẹn, không có chút thương tích nào. Lam Hồn Nhi, Song Mao và Mi Mi cũng học theo cách bú sữa ngoan ngoãn và hiền lành, đầy yêu thương của Hắc Tử. Các con bú mẹ một cách nhẹ nhàng và điềm đạm tuy khiến Tử Lam tránh được nỗi đau da thịt nhưng lại khiến nó vô cùng lo lắng. Nó sợ nếu cứ như thế này sẽ giết chết bản tính kiên cường dũng mãnh tranh đoạt quý báu của loài sói vốn có sẵn trong huyết quản của các con. Mà như thế, ngay cả việc sinh tồn trên thảo nguyên cũng không phải chuyện dễ, nói chi tới chuyện bồi dưỡng Hắc Tử thành Sói Vương tương lai?

Hắc Tử cứ bú no xong là lại dụi dụi cái đầu bé xíu vào cổ mẹ hoặc lúc thì đứng thẳng trên hai chân sau, lúc thì lăn tròn dưới đất, biểu diễn nhiều tư thế khiến người ta không thể không yêu mến. Trong lòng Tử Lam hiểu rất rõ, Hắc Tử đang muốn thể hiện sự thỏa mãn và đắc ý của mình, thể hiện lòng cảm kích của mình trước ân điển và lòng khoan dung của mẹ.

Biểu hiện đó của Hắc Tử không phù hợp với quy phạm của loài sói. Sói vốn là loài động vật tham lam vô tận, không biết thỏa mãn bao giờ. Trong mắt loài sói, thế giới chỉ có một cách mưu sinh duy nhất, là giành giật và tranh đoạt. Và trên thực tế, không ai có thể mang lại ân điển và lòng khoan dung với loài sói, đó là thứ vô cùng xa lạ với chúng. Loài sói có thể bộc lộ nhiều tâm trạng bi thương, hưng phấn, thù hận, lo lắng, đau đớn, mừng vui, buồn bã, phẫn nộ… nhưng không thể có những biểu hện mong cầu sự yêu mến của kẻ khác.

Tình yêu thương quá mức của mình đã làm hại Hắc Tử. Mình phải kìm nén thứ tình mẹ dạt dào ấy ngay tức khắc để uốn nắn lại tính cách khác lạ ấy của Hắc Tử, để suy nghĩ của con trở về đúng quỹ đạo của nó.



Lại đến giờ cho con bú. Khi Hắc Tử nhẹ nhàng nâng bầu vú mẹ lên để bú, Tử Lam bất ngờ rống lên một tiếng đầy đau đớn chừng như vú mình bị cắn đứt. Nó giơ chân tát Hắc Tử một cái thật mạnh, móng vuốt của nó cào vào khoảng giữa phần sau gáy và gốc tai của Hắc Tử. Một dúm lông sói bay lả tả trên không trung và những giọt máu đỏ thẫm từ trên mình Hắc Tử nhỏ xuống nền đất. Hắc Tử gào lên thảm thiết, lăn lộn từ cuối hang tới cửa hang.

Mình ra tay quá nặng mất rồi, Tử Lam nghĩ. Thấy con mình nhỏ máu, có người mẹ nào mà không đau lòng, nhưng Tử Lam không hề hối hận. Nó là một con sói, nó không thể động lòng trắc ẩn, nó phải dẹp bỏ mối ân tình quyến luyến của Hắc Tử với mẹ.

Hắc Tử vừa khóc thút thít vừa lật đật bò dậy, dáng đi xiêu vẹo. Vẻ mặt tấm tức, nó nhìn mẹ với ánh mắt van lơn khẩn cầu tình thương của mẹ. Trong lòng Tử Lam dội vang tiếng nói, Hắc Tử à, con đừng nhìn mẹ như thế, con phải biểu hiện giống như một con sói thực thụ, hãy nhìn mẹ với ánh mắt lạnh lùng và đầy nghi hoặc, hãy nhìn mẹ như một kẻ xa lạ. Trong đôi mắt con phải bừng lên ánh lửa tàn nhẫn. Tàn nhẫn là bản chất của loài sói. Tàn nhẫn tới mức không nhận họ hàng người thân, tàn nhẫn tới mức để bản tính hoang dã của mình bộc lộ tới cực điểm, tàn nhẫn với ngay cả mẹ đẻ ra mình.

Hắc Tử thổn thức một hồi rồi ngập ngừng bước tới bên mẹ. Tử Lam giống như một cục nam châm có sức hút vô cùng mạnh mẽ với Hắc Tử thì phải. Hắc Tử, con không thể bước tới bên mẹ được, con phải ghi nhớ sự hung hãn của mẹ với con hôm nay, trong lòng con phải nảy sinh một thứ tình cảm khác với mẹ. Chỉ khi con học được ánh nhìn thù hận với mẹ, con mới có thể căm giận mọi đối thủ của con trên thế giới này, mới có thể rèn luyện cho mình bản lĩnh khiến mọi con sói trên núi tuyết Streca và thảo nguyên Ga Marr này khiếp sợ.

Niềm hy vọng của Tử Lam sụp đổ khi Hắc Tử nhẹ nhàng tới bên mẹ, dùng chiếc lưỡi mềm mại liếm móng vuốt của mẹ thật cẩn thận, chăm chú và âu yếm. Nó lấy móng vuốt khẽ khàng đuổi một con nhặng đầu xanh đậu trên cổ mẹ. Nó cầu xin mẹ hãy bao dung và rộng lòng với nó.

“Hắc Tử à, con không làm sai điều gì nên chẳng cần phải cầu xin mẹ tha thứ đâu con”, Tử Lam nghĩ. Cho dù con có làm sai đi nữa cũng không cần phải cầu xin tấm lòng độ lượng của mẹ. Bản tính của loài sói là việc mình mình làm, không cần để ý đến việc khác.

Hắc Tử không hiểu nỗi lòng của mẹ, nó vẫn tiếp tục đứng đó, áp khuôn mặt non tơ vào chân mẹ, hệt như một chú chim nhỏ đáng yêu dụi má vào tay người. Tình cảm ấy lay động trái tim sắt đá của Tử Lam. Phải rồi, Hắc Tử đâu có làm sai điều gì, tại sao phải đối xử với nó hung bạo như thế? Sự rung động chỉ lướt qua trái tim Tử Lam như một cơn gió thoảng. Trong lòng nó cuộn lên một thứ khát vọng khác nhấn chìm thứ tình cảm yếu mềm của một người mẹ. Lẽ nào nó lại giương mắt đứng nhìn đứa con yêu dấu thoái hóa thành một con chó chỉ biết trung thành làm nô lệ phục vụ kẻ khác hay sao? Nó có thể để thứ tình cảm chẳng chút giá trị này chôn vùi tương lai tươi sáng của con yêu hay sao?

Lam Hồn Nhi, Song Mao và Mi Mi ngồi xổm ở một góc hang, lặng lẽ quan sát mẹ và anh. Sói con đang ở vào giai đoạn rèn luyện tính cách quan trọng nhất, nếu lần này thất bại ắt sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển tính cách của tất cả các con.

Nghĩ thế, Tử Lam thu vuốt thêm lần nữa, thẳng tay bạt mạnh vào đầu Hắc Tử. Lần này, nó đánh con hung bạo hơn, những móng vuốt sắc nhọn của nó cào một vết rất sâu trên lông mày con. Hắc Tử bị đánh mạnh tới mức bật vào tường, bốn vó chổng lên trời. Hắc Tử rên ư ử trong cổ họng, tiếng rên khàn khàn. Dường như nó đang căm thù nguyền rủa. Nó trợn trừng đôi mắt chứa đầy uất hận nhìn vào mẹ rất lâu. Đôi mắt nó giống như một hòn đá bị ngâm trong băng tuyết lâu ngày, vừa sắc lạnh vừa trơ cứng. Ánh mắt ấy dường như biết nói, nó nói rằng Hắc Tử sẽ phản bội mẹ.

Hắc Tử là một con sói không pha tạp, dòng máu chảy trong huyết quản của nó là dòng máu lạnh lùng của loài sói, trái tim đang đập trong lồng ngực của nó là trái tim băng giá của loài sói, thế nên sự tàn nhẫn và dã man ủ sẵn trong nó từ lâu. Chỉ có điều, bản tính ấy đã bị tình yêu thương dạt dào quá mức của Tử Lam tạm thời vùi lấp. Giờ đây, bức màn che của ân tình đã bị xé rách, bản tính vốn có của nó lại trỗi dậy mạnh mẽ.

Nhìn vẻ mặt dữ dằn của con, Tử Lam phải vui mới đúng. Nó đã tốn biết bao công sức để làm ra như thế, chẳng phải là để khơi dậy bản tính hung tàn của con hay sao? Vậy mà, lạ thay, tại sao nó không thể nào vui lên được? Nó cảm giác như có một tấm bông lèn chặt trái tim nó, có một nỗi buồn thương vô hạn không đẩy đi được và một cảm giác thất bại nặng nề. Đứa con tinh nghịch, đáng yêu luôn khiến trái tim nó rộn ràng nay không còn nữa, tình cảm tương thân tương ái giữa mẹ và con không còn nữa, những giây phút mẹ con quấn quýt bên nhau cũng không còn nữa. Tất cả, tất cả chỉ còn lại trong ký ức và hiện về trong giấc mộng xa xôi. Tình cảm yêu thương nồng nàn có một ma lực rất lớn, nó chẳng những làm mê đắm loài người mà làm mê đắm cả loài sói. Tử Lam biết rõ đó là liều thuốc độc với con, nhưng nó vẫn khó lòng dứt bỏ. Tiếc thay, nó không thể thay đổi phương thức sinh tồn của loài sói.

Lại đây con yêu, hãy giơ nanh vuốt của con ra, hãy mở rộng miệng để đoạt lấy những giọt sữa thơm lành của mẹ. Thực ra, chẳng cần Tử Lam phải gọi hay dạy bảo, Hắc Tử cũng tự biết nó phải làm gì. Hắc Tử nhe nanh giơ vuốt bổ nhào vào lòng mẹ, vừa bấu vừa cắn vú mẹ, nuốt ừng ực những giọt sữa trắng trong lẫn trong những giọt máu đỏ thẫm. Tử Lam đau tới mức chỉ muốn cắn một cái thật mạnh vào tai Hắc Tử.

Lúc này, Tử Lam mới hướng ánh nhìn về phía Lam Hồn Nhi, Song Mao và Mi Mi đang ngồi thu lu ở một góc hang. Ánh mắt của chúng trở nên xa lạ và đáng sợ, sắc lạnh như những chiếc gai nhọn đâm thẳng vào trái tim Tử Lam. Tử Lam đau thấu tâm can. Không, mình nên vui mới phải, Tử Lam nghĩ.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Giấc Mộng Sói Vương

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook