Giang Hồ Ân Cừu Ký

Chương 17: Bạch Thạch Vân Mẫu Tâm

Giả Kim Dung

16/01/2014

Âm Huyền chưởng Lý Tú Cô cũng là Hắc La Sát nghe thấy Ha Mật Ca tự nhận là đệ tử của lão Hắc La Sát và bạn thân của võ lâm Tam lão, người trên giang hồ đặt cho y một cái biệt hiệu là Tiếu Di Đà nàng biết đối phương không phải là tay tầm thường, liền để ý xem xét tình thế xung quanh muốn nghĩ cách thoát thân.

Tiếu Di Đà há mồm cười hi hi và nói tiếp:

- Ngươi đừng có nghĩ cách đào tẩu nữa. Hiện giờ chỉ có hai con đường cho ngươi đi thôi.

Y vừa nói vừa trỏ Phương Sách và nói tiếp:

- Con đường thứ nhất là ngươi phải trao trả người bạn này cho ta. Chàng ta với lão bất tử này đều là chỗ nam tử cả, không phân biệt ra được có đồng trinh hay không ...

Lý Tú Cô bị Ha Mật Ca chế giễu, mặt đỏ bừng, hổ thẹn vô cùng. Lúc này trong lòng nàng mới thổ lộ chân tình, liếc nhìn Phương Sách một cái. Khi ở Tụ Nghĩa Sảnh trên Bạch Thố Hồ, Phương Sách anh hùng biết bao, nàng đã trông thấy, chỉ vì lúc bấy giờ nàng mặc áo da cá, đầu đội mặt nạ bằng da màu trắng nên Phương Sách không trông thấy rõ mặt của nàng thôi. Nàng chỉ muốn hiến trinh tiết quý báu của mình cho thiếu niên này, vì nàng nhận thấh hiến cho ai chứ hiến cho chàng ta thì đích đáng lắm ...

Tiếu Di Đà lại cười hi hi nói tiếp:

- Có lẽ con nhỏ này đã động lòng xuân rồi. Hãy khoan đã, điều thứ hai ta chưa nói hết, và trao cái đầu ở trên cổ của ngươi cho ta, hai là Bạch Thạch Vân Mẫu Tâm cũng được, tùy ngươi chọn lấy ...

Lý Tú Cô cả kinh nghĩ bụng:

"Sao y lại biết ta vừa lấy được Bạch Thạch Vân Mẫu Tâm, một thứ linh dược đuổi chất độc rất tốt. Tử Vong thuyền chủ sai ta đi lấy, ta đã lấy được còn chưa đem về nộp cho thuyền chủ, vật này không thể để cho y lấy được. Bằng không, ta sẽ bị nguy hiểm tới tính mạng." Nghĩ tới đó mặt nàng đã biến sắc ngay. Tiếu Di Đà thấy thế cười ha hả nói tiếp:

- Ba thứ đó ngươi không chịu đưa một thứ nào cho ta hết, có phải ngươi không nỡ đưa đấy không ? Theo ý ta thì chi bằng ngươi nộp cho ta cái đầu của ngươi thì hơn, vì chỉ có cái đầu của ngươi mới là không đáng tiền thôi.

Lý Tú Cô định thí mạng với Ha Mật Ca nên nàng thét lên một tiếng, bỗng giơ song chưởng lên đẩy mạnh một thế, gan bàn tay của nàng đã có một chùm gai đen bắn ra và nhắm người Tiếu Di Đà lấn át tới.

Tiếu Di Đà dùng tay áo phất mạnh một cái, người nhảy chéo sang bên ba thước.

Tú Cô thừa cơ hất miếng vải trải giường ra, không còn nghĩ gì đến hổ thẹn nữa, cứ trần truồng như thế mà tung mình nhảy lên lại tấn công luôn chưởng thứ hai.

Pho Hắc Tinh chưởng này của nàng quả thật danh bất hư truyền, ngoài luồng khói đen có kình lực mạnh như bài sơn đảo hải lấn át tới.

Tiếu Di Đà nín cười ngay, nhưng lần này y vẫn đứng yên tại chỗ, giơ song chưởng lên, hình như y muốn thử xem oai lực của Hắc Tinh chưởng của đối phương ra sao, nên y đẩy mạnh song chưởng một thế để chống lại.

Phương Sách đã nhận ra chưởng của Tiếu Di Đà là Thiên Quân chưởng, một môn thiền công của cửa Phật, hiện giờ chỉ có một số ít cao tăng là biết sử dụng môn võ học này thôi. Thấy thế chàng bèn hoài nghi, không hiểu Tiếu Di Đà này là ai ? Chàng liền nghĩ bụng:

"Y nhận là đệ tử của lão Hắc La Sát, tại sao lại không biết sử dụng Hắc Tinh chưởng mà lại học hỏi được thiền công của cửa Phật như thế ? ... " Chàng vừa nghĩ vừa đưa mắt xem trận đấu biến hóa ra sao. Thiền môn của cửa Phật là thuộc cương dương kình khí, mà Hắc Tinh chưởng lại là âm hàn công lực, hai môn võ công này tương khắc nhau, nên chưởng lực của hai người vừa va đụng nhau đã có tiếng kêu "bùng", kình lực của đôi bên đồng bị tiêu tán vô hình ngay.

Lý Tú Cô tức giận khôn tả, nàng không ngờ tên lùn này lại có công lực lợi hại đến như thế. Lần này nàng lại giở tới mười thành công lực và vẫn sử dụng Hắc Tinh chưởng tấn công tiếp.

Tiếu Di Đà thấy thế liền há mồm kêu la:

- Nguy tai !

Nói xong, y quay đầu chạy luôn, tuy khuê phòng đó dài rộng đều hơn mười trượng nhưng không có cửa ngõ gì cả, vì vậy mà y không sao chạy thoát được.

Sau một tiếng kêu "bùng" thật lớn, Hắc Tinh chưởng lực đã va đụng mạnh vào vách tường. Sức phản chấn dồn ngược về phía Phương Sách đang nằm ở trên giường.

Tiếu Di Đà vội nhảy tới ẵm Phương Sách lên, và nhanh nhẹn nhảy thẳng lên trên trần nhà đi luôn.

Lý Tú Cô thấy mất Phương Sách, hoảng sợ vô cùng, vội mặc quần áo vào, thét lên một tiếng rồi cũng nhảy qua trần nhà đi luôn.

Ra tới bên ngoài, Phương Sách càng hoảng sợ thêm. Thì ra nơi đó không phải là khuê phòng của lầu các gì hết mà chỉ là một ngôi mộ lớn, xung quanh ngôi mộ đó còn có rất nhiều ngôi mộ bỏ hoang. Chỗ cửa ra vào không phải là lỗ hổng của trần nhà mà là một cái hang ở trước bia đá, xung quanh có cỏ lau phủ kín, nên người ngoài không sao biết được nơi đây có một cái hang động và cũng không biết bên trong có một cái phòng lớn rộng như thế.

Lý Tú Cô vội đuổi theo, Tiếu Di Đà cứ ẵm Phương Sách cắm đầu chạy hoài. Ba người vừa ra khỏi không lâu, đã có một cái bóng người áo trắng chui ngay vào trong mộ.

Một lát sau đã thấy tay y cầm một miếng ngọc thạch trắng đi ra.

Người đó mặc áo bào trắng, mặt lầm lì như mặt người chết. Thì ra y là thư sinh mặt lì. Tay y đang cầm miếng ngọc thạch đó chính là Bạch Thạch Vân Mẫu Tâm, một vật chí báu dùng để tẩy độc của võ lâm.

Thì ra Tiếu Di Đà không phải là đệ tử của lão Hắc La Sát và cũng không phải là bạn thân của Võ Lâm Tam Lão. Y chỉ là một tên hung tăng ở Tây Tạng tên là Tang Nô, gần đây mới được Tử Vong thuyền chủ cho nhập bọn. Vì mặt mũi của y giống Tiếu Di Đà tiếng tăm lừng lẫy võ lâm, nên Tử Vong thuyền chủ mới nghĩ ra được một quỷ kế.

Sau khi chia tay với Phương Sách, Tử Vong thuyền chủ liền sai người đưa Diệu Ngân Hạnh về Tử Vong thuyền, còn y thì theo dõi Phương Sách, bảo Tang Nô giả làm Tiếu Di Đà. Lý Tú Cô đuổi theo để y thừa cơ vào lấy trộm Bạch Thạch Vân Mẫu Tâm.

Lý Tú Cô thừa lệnh y đến nhà vị quan lớn về hưu lấy trộm vật đó, chứ không phải lấy ở trên Bình Châu đảo. Y biết trên giang hồ chỉ có viên ngọc trắng này là có thể đẩy được chất độc ở trong người Phương Sách cho nên y mới phải lập kế này để chiếm lấy hòn đá ấy trước. Đồng thời y lại sợ Tú Cô mê Phương Sách, mới lợi dụng kế điệu hổ ly sơn, để đến lấy trộm hòn ngọc Bạch Thạch Vân Mẫu Tâm. Quỷ kế xảo trá của Tử Vong thuyền chủ thật là lợi hại và nguy hiểm biết bao.

Lý Tú Cô đuổi theo ra ngoài bãi tha ma, thấy Tiếu Di Đà chỉ đào tẩu chứ không kháng cự, liền sinh nghi, vội quay trở lại, chui vào trong mộ, thò tay xuống dưới gối để tìm kiếm viên bảo thạch thì ôi thôi Bạch Thạch Vân Mẫu Tâm đã không cánh mà bay rồi.

Nàng kinh hãi vô cùng, vì lệnh của Tử Vong thuyền chủ nghiêm ngặt như thế nào, nàng rất biết rõ. Nàng nghiến răng mím môi, lại hcui ra ngoài ngôi mộ đó, rú lên một tiếng thực dài, con quái thú như đười ươi, mà không phải đười ươi đã ở trong một ngôi mộ khác chui ra.

Lý Tú Cô liền cỡi lên vai con quái thú ấy, thét lớn một tiếng rồi đuổi theo về phía Tiếu Di Lạc đào tẩu.

Tây Tạng Hồng tăng Tang Nô giả dạng Tiếu Di Đà, tuy khinh công của y khá lợi hại, nhưng vì phải cặp một người ở dưới nách, tất nhiên hành động phải chậm chạp hơn nhiều. Đồng thời con quái thú lại chạy nhanh như điện chớp, nên chỉ trong nháy mắt nó đã đuổi kịp.

Sứ mạng của Tang Nô là điệu hổ ly sơn. Y thấy Lý Tú Cô giận dữ đuổi tới, đoán chắc thuyền chủ đã lấy được viên ngọc kia rồi, nên y liền ném Phương Sách trả cho Lý Tú Cô.

Lý Tú Cô thấy thế cả kinh, vội nhảy xuống đất, giơ tay ra đỡ lấy Phương Sách.

Nhân dịp đó, Tang Nô đã chui vào trong rừng rậm chạy mất dạng.

Tú Cô tức giận khôn tả, khi nào chịu để cho đối phương chạy thoát nên nàng không chịu xem xét Phương Sách có bị thương hay không, mà chỉ thuận tay cặp chàng vào dưới nách, một mặt ra hiệu cho con quái thú chạy vào trong rừng đuổi theo.

Trong rừng cây cối rậm rạp, lại thêm đêm khuya thì làm sao mà tìm thấy được hình bóng của Tang Nô ?

Tú Cô tức giận đến run lẩy bẩy, đặt Phương Sách xuống, tiến thẳng vào rừng để tìm kiếm, con quái thú đi về một phía khác để giúp chủ nhân đuổi bắt đối phương.

Phương Sách thấy người và thú đã bỏ đi, liền nghĩ bụng:

"Ha Mật Ca vốn dĩ là người của Tam Lão, Tú Cô tuy là Huyền tướng dưới trướng của Tử Vong thuyền chủ, nhưng công lực của mình đã mất hết, thì làm sao mà ứng phó nổi thế công bằng xác thịt của nàng ? Chi bằng thừa cơ đào tẩu thì hơn." Chàng quay đầu lại nhìn, thấy Tú Cô với con quái thú đã đi xa rồi, không dám bỏ lỡ dịp may, liền giở hết hơi sức của mình mà chạy thẳng ra ngoài rừng.

Tuy chàng đã cố sức đào tẩu, nhưng lúc này đã mất hết võ công không khác gì người thường, nên vừa chạy ra khỏi được khu rừng đã thở hồng hộc, hai chân mềm nhũn. Vì sợ Tú Cô đuổi theo, chàng lại nghiến răng mím mối cố gắng đào tẩu không dám chạy theo đường cái quan, mà chỉ chạy vào những con đường hẻo lánh, thỉnh thoảng lại quay đầu nhìn về phía sau xem Tú Cô có đuổi theo hay không ?

Sự thực lúc này Tử Vong thuyền chủ đã có ý xếp đặt từ trước rồi, nên Tú Cô đuổi được một quãng thì đã gặp thuyền chủ ngay, cả con quái thú vì tội đanh mất Bạch Thạch Vân Mẫu Tâm đã bị thuyền chủ đem về Tử Vong thuyền rồi.

Phương Sách chạy được một quãng, thấy quá mỏi mệt, liền nằm lăn ra ngủ luôn, khi tỉnh dậy thì đã chiều ngày hôm sau rồi. Chàng vừa đói vừa khát, cũng may trong người vẫn còn Hóa Cô Đơn, chàng liền lấy một viên ra nuốt, tinh thần liền phấn chấn ngay.

Chỗ đó là cánh đồng mênh mông không có một bóng người nào hết, chàng cũng không biết nơi đó là đâu liền đứng dậy đi được vài bước hai chân lại vừa đau vừa nhức mỏi, chàng mủi lòng ứa nước mắt ra. Nghĩ tới thân thể của mình, chàng không sao cầm lòng được, thù của cha mẹ chưa trả được, trái lại còn bị kẻ thù làm cho mình không đi đứng được nửa bước. Ơn của sư phụ nuôi nấng dạy bảo mười tám năm trời, hơn nữa ân sư lại trông mong ta diệt tai họa gây hạnh phúc cho võ lâm, ngờ đầu mình ra đời không đầy một tháng đã bị người ta làm cho mất hết võ công, không khác gì một người tàn phế, như vậy làm sao mà an ủi được linh hồn của mẹ Ở suối vàng và đền ơn sư phụ ?

Chàng rất hối hận, trong khi dạ yến ở Quân Sơn chỉ vì sơ ý mà mình trúng phải gian kế của kẻ thù ...



Chàng lại nghĩ tới Diệu Ngân Hạnh bị lụy lây tội nghiệp cho nàng đã biến thành con người ngớ ngẩn, chàng lại mủi lòng luôn. Chàng nghĩ dù sao mình bị phế mất công lực cũng không sao, nhưng còn nàng thì không nên bị tai họa ấy ...

Nghĩ tới đó chàng chùi nước mắt đang dính trên má, nghiến răng mím môi thề thầm:

"Thể nào ta cũng phải lột da lóc gân Võ Lâm Tam Lão với quái nhân áo lam, thì ta mới hả dạ." Chàng lại ngửng mặt lên trời lẩm bẩm nói:

- Xin Diệu cô nương lượng thứ cho, Phương mỗ còn sống ở trên đời này, thể nào cũng chữa cho cô nương khỏi bệnh, và thể nào cũng phải xé xác kẻ thù ra làm muôn mảnh ...

Tội nghiệp cho chàng thiếu niên si tình, chàng có biết người đầu độc chàng lại chính là nàng ta.

Chàng chưa nói dứt, trong bụi cỏ ở chỗ cách chàng không xa đã có tiếng động như bới cỏ vậy, và có giọng khàn khàn nói:

- Tiểu tử chết non nào đang chửi rủa gì thế, làm cho lão phu mất cả giấc ngủ.

Tiếng nói vừa dứt, thì trong bụi cỏ đã có một người nhảy ra, Phương Sách giật mình đến thót một cái, nhìn kỹ người đó mới hay y là một ông già ăn mày đầu lệch, mắt lé, mồm to, có hai chiếc răng nanh chìa ra ngoài môi, quần áo rách rưới, đầu bù tóc rối, mặt mũi dơ bẩn không thể tưởng tượng được.

Tính vốn thuần hậu, nên Phương Sách thấy ông già ăn mày mắng chửi mình như vậy đã không tức giận chút nào, lại còn chắp tay xin lỗi:

- Tại hạ nhất thời thất lễ, quấy nhiễu lão tiền bối ....

Thấy chàng lễ phép như vậy ông già ăn mày cũng phải ngẩn người ra, và thấy hai má chàng có hai hàng lệ nhỏ ròng, đôi ngươi lờ đờ, tinh thần uể oải, giữa lông mày có luồng hắc khí như ẩn như hiện, liền kêu "ủa" một tiếng và thắc mắc vô cùng.

Ông già ăn mày ngắm nhìn Phương Sách một hồi, rồi nói tiếp:

- Nếu tiểu tử ngươi không trúng phải chất độc rất mạnh, thì là cha mẹ mới chết khóc lóc mà đau lòng quád độ, nên khí huyết mới chạy ngược lại và biến thành con người ngớ ngẩn như vậy.

Phương Sách nghe nói kinh hãi thầm, và thấy ông già ăn mày ngủ ở trên núi hoang ăn nói khác thường, biết thế nào cũng là một dị nhân. Chàng vội vái một lạy, cúi rạp đầu xuống rồi đáp:

- Tiền bối nói rất đúng, tiểu bối ngộ phải chất độc rất lợi hại mang oán không sao giải nổi !

Lúc ấy ông già ăn mày bỗng trợn ngược đôi mắt lên, đôi ngươi sáng chói nhìn thẳng vào mặt Phương Sách, mồm thì quát bảo:

- Tiểu tử lại đây để ăn mày này thăm mạch cho.

Thái độ của ông ta rất ngông cuồng và kiêu ngạo không khác gì chủ nhân quát bảo đầy tớ vậy.

Phương Sách trong lòng hơi tức giận, nhưng chàng nghĩ lại, những vị phong trần dị nhân tính nết bao giờ cũng khác thường, vì vậy chàng cố nén tức giận xuống, đi tới trước mặt quái nhân chìa cánh tay ra để ông ta thăm mạch.

Ông già ăn mày vừa để hai ngón tay vào cổ tay của Phương Sách một cái đã cau mày lại luôn, nhanh nhẹn quay người Phương Sách lại khám xét ba nơi đại huyệt:

Khí Hải, Khí Hồ và Khí Giang một hồi lâu, rồi bỗng đẩy chàng ra và quay người bỏ đi luôn.

Phương Sách rất ngạc nhiên vội đuổi theo hỏi:

- Chẳng hay lão tiền bối đã thấy gì thế ?

Ông già ăn mày lắc đầu đáp:

- Không những khí trầm. Nê Hải, huyết nghịch ngũ quan, vả lại chất độc cứ ở Tỷ Phủ, oán hận kết ở Thiên Đài, sắp chết đến nơi rồi !

Phương Sách cả kinh, ôm chặt lấy cánh tay ông ta mà hỏi tiếp:

- Lão tiền bối đã tìm ra được căn bệnh của tiểu bối, thì thế nào cũng biết cách cứu chữa, mong tiền bối chỉ thị cho.

Ông già ăn mày lắc lư cái đầu bù tóc rối của ông ta không khác gì những làn sóng rung động vậy, rồi trả lời:

- Có lẽ kiếp trước ngươi đã tác nghiệp quá nhiều, đời này cha mẹ lại mất sớm, không có người dạy bảo, nên mới mang tội với người mà bị người ta nhẫn tâm hạ độc thủ như vậy.

Nghe nói vừa đau lòng vừa khó chịu, Phương Sách lại van lơn tiếp:

- Chỉ cần tiền bối chỉ cho cách cứu chữa, tiểu bối nguyện suốt đời phụng dưỡng tiền bối.

Ông già ăn mày thấy mình nói năng như thế, mà Phương Sách vẫn không tức giận, trái lại rất có lòng thành, nên ông ta cũng phải gật đầu khen ngợi thầm, nhưng mặt vẫn làm ra vẻ lạnh lùng đáp:

- Ăn mày già này chỉ biết thăm bệnh mà lại không biết chữa bệnh, ngươi cầu ta cũng vô ích thôi !

Phương Sách liền quỳ xuống vái lạy và van lơn tiếp:

- Tội nghiệp cho tiểu bối thân mang huyết hải thâm thù, lại bị trúng gian mưu của kẻ thù ...

Chàng bèn kể qua loa chuyện của mình cho ông già ăn mày hay, chỉ giấu ông ta câu chuyện của mình là con của Tử Vong thuyền chủ thôi, vì chàng biết Tử Vong thuyền chủ có nhiều kẻ thù lắm, trong khi công lực của mình chưa khôi phục được, không nên nhắc nhở đến thì hơn.

Lão ăn mày nghe xong, mặt bỗng sáng sủa hẳn và đáp:

- Tiểu tử khá lắm, tính nết của ngươi giống hết ăn mày già này, chỉ thích đối phó với những kẻ cứng rắn, ăn mày già này còn có một mối thù với Tam Lão chưa giải quyết xong. Sư phụ của ngươi là ai ?

Phương Sách không dám nói mình là đồ đệ của Huyền Cốc Dị Tú, nhưng chàng lại không quen nói dối, đang ấp úng thì lão ăn mày già đã quát bảo:

- Nếu tiểu tử ngươi nói bậy thì liệu hồn, ăn mày già này sẽ cho ngươi một chưởng ngay.

Phương Sách đành phải nói thực:

- Huyền Cốc Dị Tú !

Lão ăn mày nghe nói bỗng lùi về phía sau một bước, hai mắt ngắm nhìn mặt Phương Sách một hồi rồi nói tiếp:

- Thảo nào sức xung động mạch của ngươi rất mạnh, khí huyết ở Nê Hải cứ đảo lộn liên tiếp, người mà không có nội lực thâm hậu thì làm sao có hiện tượng này được.

Nói tới đó ông ta bỗng ngửng đầu lên nói tiếp:

- Thôi, thôi ! Nể mặt lão đạo sĩ sư phụ của ngươi ăn mày này không thể nào từ chối được, mà phải đưa ngươi đi một phen thôi.

Phương Sách nghe nói cả mừng, vội vái lạy cảm tạ và hỏi tên họ của ông già ăn mày. Ông già ăn mày liền đáp:

- Ăn mày này đã quên mất tên thực của mình rồi, ngươi cứ gọi là lão già mắt lé là được rồi.

- Tiểu bối không dám !



- Tiểu tử này thực là khó xử, trên giang hồ có những kẻ khốn nạn cứ thích gọi lão là Tứ Hải Tiên.. Ông ta vừa nói tới đó thì Phương Sách đã giật mình kinh hãi, vội quỳ xuống đất kêu đến "bộp" một tiếng, vái lạy lia lịa đở lờI:

- Tội của đệ tử đáng chết lắm, không biết sư thúc giá lâm !

Thì ra ông già ăn mày này chính là bạn rất thân của Huyền Cốc Dị Tú trước khi chưa quy ẩn, với hai môn võ công Du Thúy Thân Pháp và Cùng Gia Bổng đã đánh khắp thiên hạ vô địch thủ, là người có tính rất kiêu ngạo không thích ràng buộc, đi tới đâu là nhà tới đó, nên người ta mới đặt cho cái biệt hiệu là Tứ Hải Tiên. Họ thật của ông ta là Khôn, nhưng bên dưới lại đệm thêm một chữ Cái, chữ Cái đó có thâm ý riêng.

Tứ Hải Tiên La Khôn Cái liền xầm nét mặt lại nói tiếp:

- Không ngờ cách biệt ba mươi năm nay, mà lão đạo sĩ ấy lại dạy được một con bọ chỉ biết gật đầu ...

Nói tới đó ông ta bỗng quay người lại nhìn vào bụi cỏ ở chỗ cách đó hơn mười trượng vừa cười vừa nói tiếp:

- Ăn mày già này lúc nào cũng đói rách, không có gì chỉ có hai cái tay áo không thôi. Đây tặng cho ngươi vật này.

Nói xong, ông ta ngắt một cuống cỏ ném luôn vào trong bụi ấy.

Phương Sách vội đứng dậy quay người lại nhìn, thấy trong đống cỏ có một người nhảy ra, hai tay đang kẹp cái cuống cỏ và còn thuận tay ném trả đủa La Khôn Cái.

Lão ăn mày thấy thế mặt liền biến sắc, đoán chắc đối phương không phải là tay tầm thường, vội giơ tả chưởng lên hất một cái, liền có một luồng kình phong đẩy cuống cỏ bắn trở lại.

Đối phương cũng không chịu lép vế, cũng dùng chưởng lực đẩy cuống cỏ đi.

Cuống cỏ bị hai người đẩy đi đẩy lại, không khác gì là đá cầu vậy, nhưng những cây cỏ ở cạnh hai người lại không rung động chút nào.

Phương Sách thấy thế kinh hãi thầm và nhận ra hai bên đang dùng nội công chân lực tối thượng là môn " Ty Phong Chưởng", vì hai chưởng nhỏ như một sợi tơ và sắc bén như dùi đục, nên mới được cái tên ấy. Người công lực cao có thể xuyên sắt đâm thủng vách và đứng cách xa hàng trăm trượng cũng có thể xuyên thủng được tâm phế của kẻ địch, dù kẻ địch có biết cũng không sao đề phòng nổi.

Hai người cầm cự hàng nửa tiếng đồng hồ, Tứ Hải Tiên bỗng thét lớn một tiếng, đẩy mạnh tả chưởng một thế, liền có một luồng cương phong rất mạnh lấn át vào địch thủ luôn.

Hình như người nọ định tâm so công lực với ông già ăn mày nên y cũng giơ tả chưởng lên bắt chước đẩy như thế, cương phong của hai người va đụng nhau, hóa thành một luồng gió lốc, các bụi bay mù mịt, cỏ lá và đá nhỏ bắn ra ngoài xa ba bốn trượng.

Tuy vậy tay phải của hai vẫn tiếp tục dùng "Ty Phong Chưởng" đẩy cuống cỏ đi đi lại lại hoài.

Tứ Hải Tiên mặt liền biến sắc biết đã gặp phải đối thủ, liền vận hết kình lực vào cánh tay phải đẩy mạnh một thế, cuống cỏ liền đè lên đầu đối phương luôn.

Người nọ đã giở hết sức ra cầm cự, nhưng rút cục y vẫn kém một mức, nên người y bị đẩy lui về phía sau ba thương, ngọn cỏ tựa như một lưỡi đao sắc bén cắm ngay xuống mặt đất chỗ y vừa đứng, bụi cỏ ở đó đã bị chưởng lực của hai người san phẳng lỳ như dùng dao cắt vậy. Nên càng trông thấy rõ cuống cỏ kia thêm.

Người nọ cười the thé rồi hỏi:

- Công lực của các hạ phi phàm thực, xin cho biết quý tính đại danh ?

La Khôn Cái trợn ngược đôi lông mày trắng như bông lên, dùng giọng mũi kêu "hừ" một tiếng hỏi tiếp:

- Ăn mày này không quen biết ngươi bao giờ, tại sao ngươi cứ lén lén lút lút theo dõi ta hoài ?

- Nơi đây là rừng núi, đường lối ai cũng có quyền đi qua hết, sao các hạ lại bảo là tại hạ theo dõi ?

Người nọ vừa nói vừa từ từ đi tới gần.

Tứ Hải Tiên thấy đối phương cứ liếc nhìn trộm Phương Sách hoài, đã hiểu rõ một phần nào về ý định của đối phương rồi, nên ông vội kéo Phương Sách về phía sau, chân thì tiến lên một bước. Đột nhiên thấy một điểm sao bạc bay tới, ông ta đã biết đối phương thế nào cũng có cái trò này đối phó với mình, nên ông ta giơ hai ngón tay cái lên dùng "Kim Cương Chỉ" kẹp luôn lấy điểm sao bạc ấy.

Ngờ đâu tay của ông ta vừa kẹp trúng vật đó, thì người bịt mặt đã thét lớn một tiếng, rút cây roi đuôi cá kình dài chừng sáu thước cột ở ngang lưng ra, nhằm đầu ông ta điểm tới ngay.

Tứ Hải Tiên vội giơ hữu chưởng lên chộp luôn lấy cây roi Kình Ngư Tiên ấy.

Người bịt mặt vội thâu roi lại, xử dụng thế "Phong Tảo Tàn Diệp" gió quét lá rụng ra, nhằm hạ bộ của ông ta mà tấn công tiếp.

Tứ Hải Tiên thuận tay ném trả lại đối phương mũi ám khí kia, người thì nhảy lên để tránh né, và hữu chưởng thì nhằm ngực đối phương đẩy tới.

Thế chưởng này của ông ta nặng hàng nghìn cân, đồng thời bên trong lại bao hàm "Ty Phong Chưởng" nếu công lực của đối phương kém hơn ông ta, thì khó lòng chốn đỡ hay tránh thoát nổi.

Quả nhiên, người bịt mặt hất cây roi lên, đồng thời lướt tới phía sau Tứ Hải Tiên và giở kình khí âm hàn tấn công vào lưng ông ta một thế.

Tứ Hải Tiên không ngờ thân pháp của đối phương lại nhanh như vậy, ông ta đang lơ lửng ở trên không, muốn xoay thế tất nhiên là không kịp. Đồng thời ông ta rất kinh ngạc, vì "Du Thủy Thân Pháp" của ông ta đã lừng danh võ lâm, không ngờ bây giờ lại thua một người không có tên tuổi gì cả.

Bắt buộc ông ta phải giở thế nguy hiểm ra đối phó, chỉ thấy người ông ta đâm bổ về phía trước, để chưởng phong của người bịt mặt đánh lướt qua trên lưng và người của ông ta đã nhẹ nhàng lướt ra ngoài xa ba trượng, tránh thoát được thế hiểm nghèo đó.

Phương Sách đứng cạnh đó xem, cũng phải kinh hoảng đến toát mồ hôi lạnh ra và nghĩ bụng.

"Du Túy Thân Pháp" của Tứ Hải Tiên quả thực danh bất hư truyền, nếu là ta vừa rồi thì chỉ có một cách là giở hết hơi sức ra liều lĩnh phản công để cả hai cùng bị thương thôi chứ không sao tránh né nổi một cách khéo léo như ông ta." Tứ Hải Tiên ngừng chân và xâm nét mặt lại quát hỏi:

- Ác tặc tên họ là chi ? Ngày hôm nay ăn mày già này rất muốn kiến thức pho "Phiến Trâm Giao Xuyên" tuyệt học võ lâm của ngươi.

Phương Sách nghe nói lại càng ngạc nhiên thêm, lúc ấy chàng mới hay thế võ vừa rồi của người bịt mặt là "Phiến Trâm Giao Xuyên" nghe nói thế võ này là của Thiên Hạ Đệ Nhi Kỳ Nhân Thái Ất Chân Nhân nghiên cứu ra. Chả lẽ người bịt mặt này lại có liên can với Đệ Nhị Kỳ Nhân chăng ?

Người bịt mặt cười ha hả đáp:

- Ngài có thể đánh bại được cây roi này đã, rồi mỗ sẽ nói cho ngài biết tên ngay.

Tứ Hải Tiên đã nổi hùng tâm, vì gần hai mươi năm nay ông ta chưa hề gặp một địch thủ nào, bây giờ vừa ra tay đấu với người bịt mặt suýt tý nữa thì mình bị đối phương đánh bại, đủ thấy công lực của đối phương quả thực phi phàm. Nhưng tha hồ ông ta suy nghĩ mà cũng không sao nghĩ ra được người bịt mặt này là ai ?

Ông ta giận dữ rú lên một tiếng, làm cho cây cối quanh đó đều bị rung động, lá rụng xuống như mưa, rồi nhảy sổ lại đấu với người lạ mặt tiếp.

Phương Sách nhìn kỹ thân pháp của hai người, vì lúc này hai mắt của chàng đã kém sắc bén và thính như trước, nên không sao trôn thấy rõ được những động tác tỉ mỉ của hai người.

Trong lúc chàng đang ngẩn người ra đứng nhìn, thì đã nghe thấy có tiếng kêu "hự" một người bị đánh bắn văng ra ngoài xa rơi xuống đất kêu đến "bộp" một tiếng, chàng vội đưa mắt nhìn kỹ mới hay người đó chính là người bịt mặt.

Còn Tứ Hải Tiên thì phải ngồi phịch xuống đất, sắc mặt nhợt nhạt.

Thì ra vừa rồi hai người giở toàn lực ra đấu thẳng tay với nhau hai chưởng.

Phương Sách vội chạy lại định đỡ Tứ Hải Tiên dậy, thì bỗng có một điểm sao bạc ở phía khác phi tới, ông già ăn mày vội giơ tay ra bắt luôn. Vừa giở tay ra xem, mặt ông ta biến sắc nhưng ông ta vội lẹ làng nhét điểm sao bạc đó vào trong túi và lôi Phương Sách sang khẽ nói:

- Tiểu tử ngươi có nhiều kẻ thù lắm, phen này không biết có đào tẩu hay không lão phu cũng chưa dám chắc. Mau theo lão phu đi thôi.

Nói xong ông ta vội cắp Phương Sách vào trong nách, giở "Du Tý Thần Pháp" ra chạy luôn.

Thì ra ám khí mà ông ta vừa bỏ vào trong túi là hình cái thuyền, người bịt mặt bị đả thương nằm trên đất là Biên Hổ, đệ ngũ hổ trong nhóm Lục Hổ. Như vậy Phương Sách vẫn bị Tử Vong thuyền sai người theo dõi hoài.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Giang Hồ Ân Cừu Ký

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook