Giang Hồ Tam Nữ Hiệp

Chương 14: Ảo mộng trần duyên thâm cung giấu hận sự Phiêu linh gặp người một kiếm lên Tiên Hà

Lương Vũ Sinh

02/10/2013

Đường Hiểu Lan thất kinh, sao người đàn bà này lại biết rõ ràng như thế. Chàng rung giọng nói: “Không cần cởi nữa, trên người tôi đúng là có ba nốt ruồi”. Người đàn bà nói: “Có phải nghĩa phụ của ngươi tên Châu Thanh không?” Đường Hiểu Lan càng thất kinh, đáp: “Đúng thế”. Người đàn bà chợt khóc òa lên: “Con ơi, con lớn đến thế này sao!” Đường Hiểu Lan nhảy bật dậy: “Cha mẹ tôi đã chết sớm, bà... bà...” chàng vốn muốn nói: “Bà điên rồi sao?” nhưng nhìn ánh mắt thân thương của bà ta chàng không thể nói ra lời.

Người đàn bà chưng hửng, chợt lau nước mắt, cười thảm nói: “Chả trách gì con chẳng biết. Con ngồi xuống đây”. Đường Hiểu Lan lại ngồi xuống. Người đàn bà nói: “Con tưởng rằng cha ruột của con là Đường Vạn Anh sao?” Đường Hiểu Lan nói: “Không phải ông ta thì là ai?” người đàn bà nói: “Là đương kim Hoàng thượng!” Đường Hiểu Lan tựa như bị giáng một gậy, chàng chẳng thể nào nín nhịn nổi, nhảy bật dậy: “Bà nói bậy!” người đàn bà nói: “Con hãy ngồi xuống, nghe ta nói. Có một người cha làm Hoàng đế tuy không tốt lắm nhưng dẫu sao ông ta cũng là cha của con, ta không còn sống được bao lâu nữa. May mà ông trời cho chúng ta gặp lại, ta không thể để cho con mù mờ một đời. Con đừng nhìn ta, con hãy ngồi xuống đây!” nghe ta nói, nghe ta nói!” Đường Hiểu Lan ngồi xuống: “Được, bà hãy nói đi”.

Người đàn bà nói: “Hơn ba mươi năm trước, lúc đó ta chỉ mười sáu tuổi, cả nhà ta sống ở Tây Môn. Ta đã đính hôn, vị hôn phu tên Chúc Gia Thụ, là một quan sai nho nhỏ trong nội vụ, lúc đó Châu Thanh vẫn còn là vệ sĩ trong cung, ba người họ đều là bằng hữu tốt. Ta bị chọn làm tú nữ, nhà nghèo không có tiền đút lót, ta bị đẩy vào trong cung. Lúc đó ta chỉ muốn chết cho xong, nhưng Gia Thụ nói: “Cứ mười năm cung nga sẽ được đào thải một lần, chỉ cần giữ thân trong cung, mười năm sau lớn tuổi, Hoàng thượng sẽ khai ân cho về nhà lấy chồng. Ta nghĩ có nhiều tú nữ vào cung, chỉ cần ta không xuất đầu lộ diện, Hoàng đế cũng chưa chắc chú ý đến ta. Gia Thụ cũng nguyện cho ta mười năm. Nếu ta chết đi há chẳng phải phụ lòng ông ấy sao, thế là ta vào cung.

Vào cung được năm năm, ta chưa từng thấy mặt Hoàng đế, lúc rảnh rỗi ta học gãy đàn, có ngày nọ ta đàn tiểu điệu Giang Nam, nhà chúng ta từ Giang Nam di cư đến Bắc Kinh, từ nhỏ ta đã nghe quen tiểu điệu này. Trùng hợp ngay lúc đó Hoàng đế đi ngang qua nghe tiếng đàn của ta rất thích, đêm ấy đã triệu hành ta. Lúc ấy ta muốn chết cũng không thể chết nổi. Bởi vì phàm những cung nga hậu phi trong cung nếu tự sát thì sẽ liên lụy đến cửu tộc, ta chỉ đành gắng gượng sống cho qua. Lúc đó Châu Thanh đã làm phản, Hầu Tam Biến có lúc hầu hạ Hoàng đế, thường vào nội đình, ta nhờ ông ta báo với Gia Thụ tìm người con gái khác, đừng đợi ta nữa. Nào ngờ Gia Thụ vẫn si tình, hôm sau đã bỏ chức quan, sau đó mới biết ông ta đi tìm Châu Thanh, từ đó không biết ông ta đi đâu nữa, Châu Thanh cũng không gặp ông ta.

Một năm sau con ra đời. Lúc đó Hoàng thượng đã có mười bốn bối lạc, việc lập bị quân đã bắt đầu nổi lên. Theo quy định trong cung, vốn là không cho phép lập Hán nữ làm phi, từ sau khi xảy ra chuyện giữa tiên đế với Đổng Ngạc phi, quy củ càng ngặt nghèo hơn. Các quý phi khác ghen tị với ta, đã nói lời dèm pha trước mặt Hoàng hậu, đầy ta vào lãnh cung, lại còn mưu sát con!”

Đường Hiểu Lan kinh hãi, kêu ồ một tiếng hỏi: “Vậy Hoàng đế có biết không?” người đàn bà cười thảm nói: “Trong cung phi tần đâu chỉ ngàn người, những người được ông ta triệu hạnh cũng chẳng biết bao nhiêu, Hoàng đế nào nhớ đến ta. Ta cũng chẳng rõ ông ta có biết Hoàng hậu đày ta vào lãnh cung hay không”. Đường Hiểu Lan chỉ thấy cõi lòng lạnh như băng, chàng rùng mình khẽ nói: “Thế là người ở lãnh cung hơn hai mươi năm”. Người đàn bà gật đầu: “Ta cũng đã quen. Lúc đầu có người canh giữ, không cho ta bước ra khỏi gian nhà đá này, lâu ngày Hoàng hậu chết đi, ta cũng già, chẳng ai để ý đến ta nữa. Vì thế họ để cho ta tự sinh tự diệt, mỗi ngày đều có người đưa hai bữa cơm, ngoài ra chẳng ai để ý đến ta, ta có thể đi lại tự do trong vườn, nhưng ta đã quen ở lãnh cung. Hàng ngày ta cứ ngồi trong căn nhà này chờ chết!” Đường Hiểu Lan không kìm được nữa, ôm chặt lấy mẹ, khẽ nói: “Khổ thân cho mẹ!”

Người đàn bà thở dài, khẽ vuốt tóc con trai, từ tốn nói: “Quen rồi, quen rồi, nước mắt cũng cạn khô. Không biết là có phải vì nhớ đến con hay không mà mẹ sợ mình chết sớm”. Đường Hiểu Lan khóc lạc cả giọng, người đàn bà nói: “Đừng khóc, cảm tạ trời đất, cuối cùng con đã tới. Nhớ lúc mẹ nhờ Hầu Tam Biến âm thầm đưa con ra khỏi cung, con vẫn chưa tròn tháng, ồ, để tính xem, mẹ cũng không rõ nữa, năm nay con được bao nhiêu tuổi?” Đường Hiểu Lan nói: “Đã hai mươi tám tuổi”. Người đàn bà nói: “Vậy mẹ ở lãnh cung cũng được hai mươi tám năm. Ngày tháng thật dài! Ta cũng không biết mình vượt qua thế nào, sau khi con ra đời, ta đã nhờ thái giám phòng kín sự báo với Hoàng đế, nhưng thái giám lại báo với Hoàng hậu. Ta đợi được vài ngày, không thấy ông ta đến, cũng không thấy người của tông nhân phủ tới, ta biết sự việc không xong, ta cũng hiểu trong hoàng thất có việc cốt nhục tương tàn. Ta rất sợ, vì thế ta lấy món trang sức tặng cho một tiểu thái giám, bảo y bế con ra khỏi cung giao cho Hầu Tam Biến, còn ta thì nói dối rằng con đã chết ỉu. Dù sao Hoàng đế cũng chẳng biết, cũng chẳng có người tra hỏi, ba ngày sau ta đã bị Hoàng hậu đày vào lãnh cung. Người ta gán cho ta cái tội quyến rũ Hoàng đế, làm loạn pháp kỷ tổ tông, thế là hai mươi tám năm đã trôi qua!” Đường Hiểu Lan nghẹn ngào hỏi: “Sau đó thì thế nào? Làm sao con đến được Đường gia?” người đàn bà ngập ngừng nói: “Mẹ quên nói với con, mẹ còn có một muội muội, được Châu Thanh làm mai, lấy một tiêu sư họ Đường. Hầu Tam Biến đưa con đến Đường gia, muội của ta chưa có con cái, bởi vậy coi con như con ruột”. Lúc này Đường Hiểu Lan tựa như mới thoát khỏi cơn ác mộng, lạc giọng kêu: “Té ra di phụ và di mẫu con đã chết thảm”.

Người đàn bà nói: “Đúng thế, mẹ ở trong lãnh cung được hai mươi tám năm Hầu Tam Biến đã âm thầm đến thăm mẹ bốn năm lần, mẹ mới biết có kẻ dò ra con đang sống ở Đường gia, phái người đến bắt nên, giết cả nhà họ Đường. Lần đó Hầu Tam Biến ra ngoài gặp Châu Thanh, Châu Thanh nói đã nhận con làm nghĩa tử, định trao Du Long kiếm cho con sử dụng, bảo rằng Hầu Tam Biến để ý, nếu sau này gặp một thiếu niên sử dụng Du Long kiếm thì chính là con”. Lúc này Đường Hiểu Lan mới hiểu ra toàn bộ sự việc. Té ra khi chàng múa kiếm trên Vạn Lý Trường Thành, Hầu Tam Biến đã nhận ra chàng. Người đàn bà hỏi: “Châu Thanh đâu? Có còn sống không?” Đường Hiểu Lan nói: “Thưa, đã chết được mười hai năm”. Rồi kể rằng mình và di mẫu bị đuổi đến miền tái ngoại, di mẫu chết thảm, Châu Thanh cứu được mình, sau đó đem đến nhà họ Phùng, lại bị bọn Huyết Trích Tử truy bắt, cha con họ Phùng và Châu Thanh đều chết. Người đàn bà rơi nước mắt, nghẹn ngào nói: “Đã bao nhiêu năm nay mẹ không rơi nước mắt, hôm nay phải khóc một trận cho thỏa thuê”. Đường Hiểu Lan nhìn mẹ mà lòng rối bời. Đã bao năm qua chàng căm hận người Mãn đến thấu xương. Từ đầu đến cuối Châu Thanh đều giấu thân thế của chàng, nên chàng cứ tưởng rằng mình là một người Hán, từ lâu đã có chí phản Thanh phục Minh. Không ngờ mình là một bối lạc Mãn Châu, sự việc này tựa như một cái búa tạ đánh vỡ nát con tim chàng, chàng hy vọng đó chỉ là một cơn ác mộng nhưng đáng tiếc lại không phải. Thù hận chủng tộc, thù hận thân thế giằng xé lòng chàng, chàng ngỡ ngàng hỏi: “Mẹ, con tên là gì?” người đàn bà lại vuốt tóc Đường Hiểu Lan, rất lâu mới nói: “Bị nhốt trong lãnh cung nhiều năm, mẹ rất đau lòng, cũng rất căm hận Hoàng đế. Sau đó mẹ ngồi ở đây chờ chết từng ngày, chẳng nghĩ ngợi gì nữa. Ôi, lạnh quá! Nỗi ái hận ngưng kết trong lòng mẹ. Con hãy để cho mẹ suy nghĩ. Con nên là một bối lạc, nhưng mẹ không muốn”. Đường Hiểu Lan đau đớn kêu lên: “Không phải chuyện này, thưa mẹ, con không thể làm một bối lạc. Con không chịu. Không phải việc này”. Người đàn bà nói: “Vậy con muốn gì?” bà ngẩng đầu lên, nhìn thấy ánh mắt đay khổ của con trai, cõi lòng bà rung lên, bà biết con mình đang nghĩ gì. Bà lo lắng con mình sẽ mất mạng trong biển đời. Bà buồn rầu nói: “Thôi, khóc cũng đã đủ, rốt cuộc mẹ con chúng ta cũng gặp lại”.

Bà ôm Đường Hiểu Lan rất lâu mới nói: “Con hãy nghe mẹ đàn, con chưa bao giờ nghe tiểu điệu của quê hương”. Rồi bà bắt đầu khảy đàn, đó là một tiểu điệu rất vui, nhưng tiếng đàn nghe sao đau khổ, Đường Hiểu Lan ngẩn người ra nghe, chợt thấy có một ông già râu tóc bạc phơ bước vào.

Ông già này chính là Hoàng đế Khang Hy. Năm tám tuổi Khang Hy lên ngôi, ở ngôi hơn sáu mươi năm, lúc này cũng gần bảy mươi tuổi. Gần đây ông ta không màng đến việc lớn, trải qua những năm tháng tuổi già trong điện dưỡng tâm, trăng đêm nay thật đẹp, ông ta nổi hứng cùng hai tên thái giám chậm rãi dạo bước trong vườn, nghĩ mình văn sự võ công một đời đều đã lên đến cực điểm, hiếm có vị Hoàng đế nào ở ngôi lâu như mình. Nhưng một đời sắp trôi qua, những văn sự võ công này tựa như áng mây trôi. Ông ta chợt cảm thấy quạnh quẽ, muốn tìm người bạn già trò chuyện, nhưng cũng chẳng còn mấy người. Hoàng hậu và các phi tần mình sủng ái thời trẻ đều đã chết cả. Ông ta chậm rãi bước đi dưới ánh trăng, đến gần tòa lãnh cung bên hồ sen.

Trong lãnh cung vong ra tiếng đàn, hình như ông ta đã nghe ở đâu đó? Ồ, đó là chuyện rất lâu, Hoàng đế Khang Hy lắng nghe tiếng đàn, hỏi thái giám: “Ai ở trong lãnh cung?” thái giám nói: “Nghe nói một cung nga rất già”. Khang Hy ngạc nhiên nói: “Tại sao vẫn chưa thả ra? Giam bao lâu rồi?” thái giám nói: “Bẩm Hoàng thượng, nô tài không rõ lắm. Khi nô tài vào cung, cung nga ấy đã ở đây, cũng thường gãy đàn, chẳng ai màng đến bà ta”. Hoàng đế Khang Hy lắng nghe một hồi, chợt nhớ lại gần ba mươi năm trước mình đã từng triệu hạnh một cung nga, lúc đó nàng ta cũng đàn bài này, sau đó mình quá nhiều việc nên quên bẵng đi. Ông ta nghĩ ngợi một hồi rồi hỏi tên thái giám: “Cung nga này có phải người Hán không?” thái giám nói: “Thưa hình như là thế”. Khang Hy nói: “Có phải mặt trái xoan, chân mày dài hay không?” thái giám nói: “Bẩm Hoàng thượng, nô tài chưa gặp. Bà ta suốt ngày ở trong lãnh cung chứ không ra ngoài”. Tên thái giám kia chen vào: “Đúng thế, Hoàng hậu qua đời, những người canh bà ta cũng rút lui, bà ta vẫn không chịu bước ra ngoài”. Khang Hy nhíu mày nói: “Vậy đã bị nhốt bao lâu? Các người đợi một lát, ta vào xem thử”. Lúc này Đường Hiểu Lan đang lắng nghe tiếng đàn của mẹ, chợt nghe tiếng bước chân, Đường Hiểu Lan vội vàng nấp sau rèm, Hoàng đế Khang Hy đẩy cửa bước vào. Người đàn bà ngẩng đầu lên, hỏi: “Ông là ai?” bốn mắt nhìn nhau, cả hai đều chưng hửng. Khang Hy nhìn một hồi, hỏi: “Bà có phải là Hải Đường không?” người đàn bà chẳng hề nhúc nhích, hờ hững trả lời: “Vạn tuế gia, Hải Đường đã chết vào hai mươi tám năm trước!” Khang Hy nói: “Bà không phải là Hải Đường?” người đàn bà đáp: “Ngài hãy xem tôi có khác gì chết?” Khang Hy thấy bà ta tóc bạc da mồi, nghĩ bụng mình cũng đã già, hai mươi tám năm qua mình làm một Hoàng đế trong nhung lụa, còn bà ta thì chờ chết trong lãnh cung, chợt cảm thấy hối hận, ngồi xuống nói: “Hoàng hậu quá tàn nhẫn, nhốt bà ở đây bao nhiêu năm, tôi chẳng hề biết gì cả. Bà phạm tội gì?” người đàn bà đáp: “Hoàng hậu bảo tôi quyến rũ Hoàng đế, làm bại hoại pháp kỷ”. Khang Hy thở dài: “Thật là thiệt thòi cho bà, nhưng Hoàng hậu đã chết hơn mười năm, món nợ này cũng không cần tính nữa. Ngày mai tôi sẽ thả bà ra ngoài, phong bà làm Thục phi”. Khang Hy tưởng rằng bà ta sẽ quỳ xuống tạ ơn, nào ngờ bà ta vẫn ngồi thừ ra, lạnh lùng nói: “Tạ Hoàng thượng, Hoàng thượng đừng trêu đùa tôi nữa, giờ đây người nhà của tôi đã chết, tôi cũng không sợ chết nữa”. Khang Hy nói: “Ồ, bà nói gì thế? Có phải bà hận tôi không? Chúng ta đều đã già cả, chẳng còn bao nhiêu năm nữa, bà hãy ra ngoài trò chuyện cùng tôi rồi mọi việc sẽ qua thôi”. Người đàn bà vẫn ngồi yên bất động. Khang Hy thở dài, hỏi: “Bà muốn gì?” người đàn bà chợt sáng mắt lên, đột nhiên nói: “tôi muốn ngài để con trai tôi an toàn ra khỏi cung!” Khang Hy chợt giật mình, hỏi: “Cái gì, con trai của tôi? Đêm ấy bà đã có thai? Tại sao thái giám phòng kính sự không cho tôi hay? Bà thật sự có một đứa con trai? Bao nhiêu năm qua nó trốn ở đâu?” người đàn bà nói: “Mấy năm nay nó lưu lạc trên giang hồ, lúc này đang ở đây, trong căn phòng này!” Khang Hy hoàng đế cả kinh.

Đường Hiểu Lan từ sau trướng nhảy ra, kích động kêu lên: “Ông đã hại mẹ tôi chưa đủ hay sao? Ông hãy để mẹ con tôi ra khỏi cung!” Hoàng đế Khang Hy chợt thấy một thiếu niên cao lớn đứng trước mặt mình, ánh mắt lạnh lẽo như băng tuyết, vẻ mặt quả nhiên hơi giống mình, bất giác rùng mình, chợt nhớ lại chuyện mình đã hại chết cha trên núi Ngũ Đài (mời xem tập một của “Thất Kiếm Hạ Thiên Sơn”), ông ta lạc giọng kêu lên: “Ngươi... ngươi muốn báo thù cho mẹ?” Đường Hiểu Lan rầu rỉ ngồi xuống, xua tay nói: “Ông không chịu thả tôi, vậy hãy ra ngoài đi”. Khang Hy định thần lại, thấy chàng thiếu niên tuy phong trần nhưng chính khí lẫm liệt, bất giác thấy áy náy, nói: “Ngươi cứ ở lại đây”. Đường Hiểu Lan nói: “Tôi thà chết chứ không ở lại đây!” Khang Hy thở dài: “Ngươi đi cũng tốt”. Ông ta cũng biết mười mấy đứa con trai của mình đang tranh quyền đoạt vị, nếu thêm một đứa là thêm một phần phiền phức. Huống chi Đường Hiểu Lan là con trai của phụ nữ người Hán, bao năm nay lưu lạc trên giang hồ, trong danh sách của phủ tông nhân không có tên chàng, dù muốn nhận lại chàng cũng rất phí công. Nhưng ông ta thấy hai mẹ con của chàng, trong lòng rất ái ngại, lại không muốn cốt nhục của mình phiêu bạt trên giang hồ, nghĩ ngợi một hồi rồi nói: “Vậy ta sẽ cho con một chức quan!” Đường Hiểu Lan nói: “Tôi không cần!” Khang Hy nói: “Vậy con không nhận phụ thân sao?” Đường Hiểu Lan chợt khóc, chẳng thể nào thốt được hai chữ “phụ hoàng”.

Khang Hy nói: “Con ra ngoài định làm gì?” Đường Hiểu Lan nói: “Ông đừng buộc tôi!” Khang Hy nói: “Ta buộc con làm gì?” rồi mắt chợt sáng lên, nói: “Con cũng muốn tranh quyền đoạt vị? Cốt nhục tương tàn?” Đường Hiểu Lan nói: “Người muốn cướp ngôi vua của ông là người Hán, tôi không cần gì cả”. Khang Hy nói: “Nếu con nhất định ra đi, ta cho phép con. Sau này con có đến gặp ta không?” Đường Hiểu Lan nói: “Tôi chỉ muốn phụng dưỡng mẫu thân, đi thật xa, mãi mãi không quấy rầy ông”. Khang Hy càng ái ngại hơn, lại nói: “Cha chấp nhận hứa với con một việc, con có yêu cầu gì?” tựa như ông ta không cho mẹ con họ một điều gì thì trong lòng không yên. Đường Hiểu Lan thầm nhủ rồi nói: “Được, vậy tôi muốn gặp tứ điện hạ, xin y một điều, y chắc chắn làm được”. Khang Hy nhíu mày, nói: “Con có việc cần đến hắn, chả lẽ ta không làm được sao? Có lẽ tứ a ca của con cũng có chút bản lĩnh”. Khang Hy chẳng ưa gì Dận Trinh, ông ta nghĩ chả lẽ đứa con này nhận ra tứ a ca chắc chắn sẽ nối ngôi vua nên mới lấy lòng hắn trước? Lại nói: “Được, ta chấp nhận. Nhưng ta muốn con gần gũi thập tứ a ca. Ta có thể cho con là phó thủ của hắn”. Thập tứ a ca, người Khang Hy cưng nhất đang cầm quân chinh phạt ở phía Tây. Đường Hiểu Lan nói: “Tôi chỉ muốn gặp tứ điện hạ”. Khang Hy nói: “Được, hãy theo ta ra ngoài, ngày mai ta sẽ cho mẹ con xuất cung”. Rồi nắm tay Đường Hiểu Lan chậm rãi bước ra khỏi lãnh cung, hai thái giám thất kinh, Khang Hy nói: “Đây là thị vệ mới tới, ta đã bảo y vào lãnh cung”. Hai thái giám không dám lên tiếng, lúc này vầng trăng đã lên cao, thái giám nói: “Xin mời Hoàng thượng về nghỉ ngơi, ngày mai có miễn tảo triều không?” Khang Hy nói: “Miễn!” rồi lặng lẽ dắt Đường Hiểu Lan bước ra vườn, băng qua cung Vĩnh Thọ, bước vào điện Dưỡng Tâm. Đường Hiểu Lan kêu ồ một tiếng, kéo Khang Hy đến một góc tối, nói: “Có người dạ hành phóng lên đại điện bên ngoài!”

Khang Hy nói: “Tại sao ta không thấy?” Đường Hiểu Lan trả lời: “Thân pháp của người này rất nhanh!” Khang Hy thầm nhủ: “Nếu là vệ sĩ trong cung, ắt hẳn không dám phóng lên đại điện bên ngoài. Nhưng nếu là người ngoài, lại càng không thể”. Ông ta giật mình rồi khẽ nói: “Con đi từ đây sang trái, men theo lan can bằng bạch thạch trong vườn, đến cho tới tảng đá thứ mười ba, hãy lật tảng đá lên, ở dưới có địa đạo dẫn ra phía sau đại điện bên ngoài, con len lén chui ra, xem thử có người ở đấy không, nếu có hãy nhớ kỹ dung mạo của y”. rồi tháo một mảnh ngọc đưa cho chàng: “Nếu có người phát hiện, hãy đưa vật này ra, cứ nói là thị vệ mới đến”. Đường Hiểu Lan nhận lấy mảnh ngọc, từ địa đạo chui vào đại điện, nấp sau góc cột, chợt thấy có hai người bước vào, họ ngẩng đầu lên nhìn, rồi ghé tai nhau nói nhỏ điều gì đấy. Đường Hiểu Lan cũng ngẩng đầu lên, thấy bên trên có tấm biển lớn ghi bốn chữ “Chính đại quang minh”, Đường Hiểu Lan thầm nhủ: “Hai người này xem gì trên tấm biển thế?” đợi một lát sau, cả hai người lại cúi đầu bàn bạc một hồi, sau tấm biển chợt thò ra một cái đầu, Đường Hiểu Lan vừa nhìn, suýt nữa đã kêu lên, té ra có một đứa bé gái nấp sau tấm biển, người đó chẳng phải ai khác mà chính là Phùng Lâm!

Té ra hôm ấy Phùng Lâm dắt Dận Đề thăm bệnh Dận Trinh, đi ngoằn ngoèo quăn co một hồi, cô bé đưa Dận Đề lên lầu sách, đẩy cửa một căn phòng, nói: “Tứ điện hạ dưỡng bệnh ở đây”. Dận Đề thò đầu vào nhìn, chợt thấy bên trong có tiếng xì xì, trong phòng rắn lớn rắn nhỏ bò từng đàn. Phùng Lâm kêu thét lên: “Tôi đã mở nhầm cửa phòng!” rồi lao bổ tới, cùi chỏ đột nhiên thúc vào eo Dận Đề, Dận Đề tựa như trúng chùy sắt, đau đớn kêu lên, Phùng Lâm lộn người xuống lầu. Rắn trong phòng phóng vút ra, Dận Đề sợ quá ngất xỉu.

Sau khi Dận Đề ra đi, Hàn Trọng Sơn và Thần Ma song lão trách cô bé: “Sao con lại làm càn như thế?” Phùng Lâm nói: “Việc gì phải sợ, con chỉ là một đứa nha đầu, khi y trách mắng tứ điện hạ, các người cứ bảo trong phủ có hàng trăm nha đầu, biết là ai? Vả lại dù huynh đệ họ tranh luận trước mặt Hoàng thượng, Hoàng thượng cũng chẳng tin một người to lớn như thế mà bị một đứa trẻ đánh ngất”. Hàn Trọng Sơn nói: “Hừ, không ngờ ả nha đầu nhà ngươi lại lợi hại đến thế!” trong lòng thầm nhủ: “May mà Thần Ma song lão đã biết trước, dùng thánh dược khiến nó mê mẩn, không thể nhớ được những việc trước kia chứ nếu không khó mà lừa được nó”.

Hàn Trọng Sơn và Thần Ma song lão bàn bạc một hồi, đang định sai người gọi Tứ bối lạc về kinh, Tứ bối lạc Dận Trinh đã chợt quay về. Suốt một ngày lo lắng, đột nhiên trút được gánh nặng, Hàn Trọng Sơn cười rằng: “Nếu đại a ca dám bảo tứ điện hạ tự tiện xuất cung, tứ điện hạ sẽ bảo y vu khống”. Dận Trinh hỏi rõ tình hình, biết đó là mưu đồ của Dận Đề nên nghĩ ra một chuyện, té ra nhà Thanh truyền ngôi không theo thứ tự lớn nhỏ, Hoàng đế sẽ để lại di chiếu chỉ định một người đặt sau tấm biển “Chính đại quang minh” trong cung Càng Thanh. Lần này Tứ bối lạc vội vàng về kinh chính là vì nghe quốc cựu Long Khoa Đa báo tin Hoàng đế đã lập di chiếu, còn chỉ định ai thì không biết.



Dận Trinh liền cho các tử sĩ tâm phúc của mình biết việc này. Thiên Diệp Tản Nhân nói: “Nếu thế chúng ta phải đánh cắp di chiếu”. Dận Trinh nói: “Đánh cắp không phải là cách, Hoàng thượng phát hiện di chiếu bị mất sẽ viết lại, vả lại cũng chắc chắn nghi ta. Chỉ cần đánh cắp để xem thử ai sẽ là người nối ngôi”. Thế rồi bọn Thiên Diệp Tản Nhân, Liễu Ân, Cáp Bố Đà đòi đi. Dận Trinh nói: “Lẻn vào cung Càng Thanh xem di chiếu không phải là chuyện tầm thường. Không nên đi quá nhiều người, chỉ cần một hai người có khinh công giỏi là được”. Luận về khinh công Thiên Diệp Tản Nhân cao nhất, Phùng Lâm lắng nghe chợt nói: “Tôi muốn đi cùng Thiên Diệp bá bá”. Bát Tý Thần Ma nói: “Ngươi đi làm gì?” Thiên Diệp Tản Nhân nghĩ, Phùng Lâm người nhỏ nhắn, sẽ dễ dàng leo lên tấm biển, vả lại khinh công của cô bé còn hơn cả Đại Lực Thần Ma, liền nói: “Được, ta dẫn ngươi đi. Ngươi không được làm càn đấy nhé”.

Lại nói con trai trưởng của Khang Hy là Dận Đề trở về phủ, đã tỉnh dậy, trong lòng rất căm tức. Chợt nghe báo Đại học sĩ Vương Dịch Thanh đến bái phỏng, Vương Dịch Thanh là người cùng phe Dận Đề, được Khang Hy tin dùng như quốc cựu Long Khoa Đa, hôm nay y mới biết việc Hoàng đế lập di chiếu nên vội vàng đến báo. Dận Đề và các tử sĩ tâm phúc bàn bạc, cũng nghĩ cách như Dận Trinh, phái ba vệ sĩ khinh công cao cường đến xem lén di chiếu. Đó chính là hai đại hán mà Đường Hiểu Lan thấy.

Ba tên vệ sĩ của Dận Đề bàn bạc một hồi, hai người canh cửa, một người vào điện leo lên, chợt thấy ở phía sau tấm biển có ánh sáng lóe lên, hai mũi phi đao đã cắm vào, y ngã sầm xuống. Phùng Lâm phóng vọt ra khỏi mái, nhảy lên mái ngói, rồi có người kêu lớn: “Có thích khách!” đó chính là kế giá họa giang đông của Thiên Diệp Tản Nhân, khi bọn thị vệ đại nội chạy tới, y và Phùng Lâm đã chạy qua điện Anh Hoa rồi nấp trên Cảnh Sơn.

Đường Hiểu Lan vội vàng chạy ra, chỉ thấy bên ngoài cung Càng Thanh đao kiếm sáng choang. Chàng chạy ra ngoài điện dưỡng tâm, Khang Hy từ xó tối thò đầu ra, định gọi chợt thấy bóng người phóng như bay, hầu như chạy đến cùng lúc với Đường Hiểu Lan. Tên thái giám kêu: “Ai dám kinh động thánh giá?” người ấy cười lớn, gằng giọng nói: “Hừ, ngươi chính là Hoàng đế!” rồi vỗ vù một chưởng tới Khang Hy, hai tên thái giám nhảy bổ tới cứu, cả hai bị đánh chết ngất. Người ấy quét chưởng xuống, tung chân trái lên, tình cha con trỗi dậy, Đường Hiểu Lan rút soạt thanh bảo kiếm, người ấy kêu hừ một tiếng phóng vọt người lên, Truy Phong kiếm pháp của Đường Hiểu Lan nhanh nhạy tuyệt luân, tấn công liên miên, người ấy tay không đánh được mấy chiêu, Khang Hy đã lẩn vào trong điện dưỡng tâm.

Người ấy gầm một tiếng, chưởng pháp chợt thay đổi dồn ra cuồn cuộn, lao bổ tới trong luồng kiếm quang, hoàn toàn như muốn liều mạng, Đường Hiểu Lan thấy Khang Hy đã nấp, cũng thâu kiếm lại nhảy ra khỏi vòng, nào ngờ thân pháp của người này rất nhanh, Đường Hiểu Lan tung người nhảy vọt, y thừa thế đuổi theo, chộp lấy vai của chàng, hạ giọng nói: “Lãnh cung ở đâu?” Đường Hiểu Lan giật mình, vội dùng tuyệt chiêu cứu mạng chồm người về phía trước, trở tay đâm soạt một kiếm từ dưới be sườn ra, nếu người ấy không buông tay sẽ bị kiếm đâm vào bụng.

Người này không ngờ kiếm pháp của Đường Hiểu Lan lại lợi hại đến thế, thế là y buông tay nhảy vọt ra ba trượng, Đường Hiểu Lan cũng bị chưởng lực của y đánh loạng choạng thối lui đến bảy tám bước mới ngừng lại được, vai đau nhói như lửa đốt.

Đường Hiểu Lan không biết rằng, người này chính là vị hôn phu Chúc Gia Thụ của mẫu thân chàng, ông ta mất tích hơn ba mươi năm, té ra là phiêu bạt trong giang hồ, tìm thầy học nghệ, cuối cùng trở thành môn hạ của bậc danh túc phái Chung Nam là Võ Thành Hóa, khổ học hơn mười năm, hai môn quyền kiếm đều đã có thành tựu. Sau khi học thành đã hai phen đến kinh sư, gặp Hầu Tam Biến, biết Hải Đường đã bị đày vào lãnh cung càng thêm đau lòng. Ông ta vốn muốn vào cung, nhưng Hầu Tam Biến đã cố gắng khuyên lơn. Hầu Tam Biến nói: “Võ công của ông tuy cao nhưng cao thủ trong cung nhiều như mây, nếu lỡ có việc gì xảy ra, phải rằng sẽ uổng mạng, vả lại còn hại Hải Đường”. Thế rồi Chúc Gia Thụ mới buồn bã bỏ đi.

Nhưng ba mươi năm trôi qua, Chúc Gia Thụ vẫn chưa nhụt chí. Ông ta nghĩ bụng mình và Hải Đường đều đã già, nếu không gặp nhau nữa chắc phải đợi kiếp khác, bởi vậy mới liều mạng vào cung, không ngờ ngay trong đêm ấy, hai bối lạc đều phái thị vệ đến, mà Đường Hiểu Lan cũng có trong cung.

Lại nói Chúc Gia Thụ bị Đường Hiểu Lan đánh lùi, chỉ thấy trong cung Càng Thanh đao kiếm sáng loáng, vệ sĩ đại nội chạy ùa tới, ông ta chọn một lối vắng, vòng qua hòn giả sơn, tóm được một tên thị vệ kéo vào bên trong, lột hết áo quần mặc vào rồi nghênh ngang bước ra, bất giác đã đến hồ sen trước lãnh cung, chợt thấy một bầy cung nữ khiêng một cái giường tre, trên giường có một người đàn bà đắp vải trắng.

Người đàn bà này chính là kẻ Chúc Gia Thụ mong nhớ hơn ba mươi năm nay, từ lúc Đường Hiểu Lan đi theo Khang Hy, bà ta khóc một hồi rồi lại cười một hồi, chợt thấy vạn niệm giai không, bao nhiêu sức lực tản mát, thế là té soài xuống đất.

Bọn thái giám đã biết Khang Hy đích thân vào lãnh cung, bọn chúng là những kẻ xu phụ quyền thế, sau khi Khang Hy bỏ đi, vội vàng bẩm cáo với nữ quan quản lý lãnh cung, nữ quan này đến thăm dò, phát hiện Hải Đường đã chết, sau khi bàn bạc thì quyết định dời bà ta ra khỏi lãnh cung, sau đó bẩm cáo với nhà vua.

Chúc Gia Thụ từ ven hồ chạy qua, gặp phải đám cung nữ này, cung nữ quát: “Ai mà chạy bừa như thế?” Chúc Gia Thụ ngẩng đầu lên nhìn, chỉ thấy người đàn bà nằm trên giường tre phủ khăn trắng đầu tóc đã bạc trắng, sắc mặt rất đáng sợ, hai bên trái lộ ra ngoài, ngón tay cứ như móng gà, bất giác rùng mình, trong lòng thầm hối hận. Hơn ba mươi năm không gặp, Hải Đường là người ngọc vẹn toàn trong lòng ông ta, ông ta gặp mà không biết, nằm mơ cũng không ngờ rằng bà già mặt xấu xí kia chính là người tình trong mộng của mình.

Hải Đường chợt khẽ hé mắt, Chúc Gia Thụ đã vượt qua.

Lúc này hai tên vệ sĩ bị Dận Đề phái đi đã bị bắt, một trong hai tên đã trúng Đoạt Mệnh thần đao của Phùng Lâm trước, khi ác đấu lại dùng lực quá độ, cho đến khi sắp bó tay chịu trói thì độc phát thân vong.

Hoàng đế Khang Hy đích thân tra hỏi, mới biết chúng là người của Dận Đề, thế là cả giận lập tức hạ chiếu phế phong hiệu bối lạc của Dận Đề, giao cho tông nhân phủ tra xét.

Đêm ấy trong cung rối như canh hẹ, đến canh tư mọi việc mới yên. Khang Hy giữa Đường Hiểu Lan lại ở điện dưỡng tâm nghỉ một đêm, sáng hôm sau thái giám quản sự trong cung đến báo rằng cung nga trong lãnh cung đã chết đêm qua, Khang Hy nghe thế than thở không thôi, dặn lấy lễ thục phi hậu tán, gọi Đường Hiểu Lan vào thư phòng, buồn bã nói: “Con không cần đợi mẹ của con nữa, đêm qua bà ta đã qua đời”. Đường Hiểu Lan vốn đã đau lòng, lúc này chàng đứng chết sững, muốn khóc mà chẳng rơi được nước mắt, một lúc lâu sau mới hồi phục, kêu lên: “Tôi đi đây!” Khang Hy nói: “Con đợi một lát”. Rồi kêu quan giữ cửa vào, viết một tấm chiếu thư giao cho Đường Hiểu Lan, bảo quan giữ cửa dẫn chàng đến gặp Dận Trinh.

Đường Hiểu Lan thẫn thờ bước ra khỏi cửa cung, đến trước phủ của Dận Trinh, quan giữ cửa đẩy chàng, nói: “Đến rồi”. Lúc này chàng mới nhảy xuống ngựa như tỉnh cơn mơ. Quan giữa cửa thầm nhủ: “Hoàng thượng già đến nỗi lẩm cẩm, làm sao có thể chọn kẻ khờ khạo này làm vệ sĩ”. Đường Hiểu Lan đã tẩy thuốc dị dung ở trong cung, hai tên ma đầu vừa thấy chàng thì thất kinh. Nhưng chàng được quan giữ cửa dẫn đến đây, nghe quan giữ cửa nói chàng là thị vệ được Hoàng đế tin dùng, chỉ đành dắt chàng vào gặp Dận Trinh.



Dận Trinh thấy Đường Hiểu Lan cũng rất ngạc nhiên, Liễu Ân và Cáp Bố Đà đứng hầu một bên, mở trố mắt ra. quan giữ cửa quay về, Liễu Ân nén không được nói: “Đường Hiểu Lan, ngươi đang giở trò gì thế?” Dận Trinh xua tay, mỉm cười nói: “Bậc tài cao như Đường huynh phải xuất thân từ chính đồ. Đường huynh vào cung khi nào? Hoàng thượng có khỏe không?” Đường Hiểu Lan đáp: “Khỏe” chàng ngập ngừng rồi chợt nói: “Xin bối lạc hãy cho tả hữu lui ra”. Dận Trinh biến sắc nói: “Hai người này đều là tâm phúc, Đường huynh có việc gì cứ nói”. Đường Hiểu Lan nói: “Hai người chúng ta nói chuyện riêng vẫn tốt hơn”. Liễu Ân nổi sùng, nói: “Ngươi thật vô lễ!” Dận Trinh đảo mắt, đang định bảo Liễu Ân và Cáp Bố Đà lui xuống, chợt nghe ở dưới lầu có tiếng ồn ào, có người quát có “thích khách”, Liễu Ân cầm cây thiền trượng đứng bật dậy, nói thì chậm, sự việc diễn ra lúc đó rất nhanh, chỉ nghe gió phả vào mặt, cánh cửa thư phòng đột nhiên bật ra, một người cầm trường kiếm lao bổ vào! Đường Hiểu Lan nhìn lại, chính là người đêm qua. Chúc Gia Thụ vẫy một kiếm, đánh một chiêu Bạch Hồng Quán Nhật đâm về phía Dận Trinh, Liễu Ân dựng cây thiền trượng, chỉ nghe keng một tiếng, kiếm của người ấy lệch qua một bên, đâm vào be sườn của Đường Hiểu Lan, Đường Hiểu Lan thối lui đảo bước, vẫn không trả đòn, Cáp Bố Đà đã quét ngang chưởng trái, chưởng phải đấm ra, tấn công vào chỗ trống của y, người ấy tiếp một chiêu, biết công lực của Liễu Ân và Cáp Bố Đà hơn mình, đánh hờ ra hai kiếm, đột nhiên lại nhảy tọt ra cửa sổ. Cáp Bố Đà đuổi theo, Đường Hiểu Lan còn đang chần chừ, quát: “Ngươi có phải là thị vệ đại nội không, sao vẫn không trả đòn?” rồi y kéo phăng Đường Hiểu Lan xuống lầu, chàng không kịp đề phòng nên ghìm lại chẳng được, lúc này đã nghe tiếng binh khí giao nhau, có người kêu hoảng!

Đường Hiểu Lan nheo mắt nhìn, không khỏi thầm kêu khổ, dưới sân kiếm quang loang lóang, bóng người nhốn nháo, Quan Đông tứ hiệp đã tới. Điều tệ hơn là có Thiết chưởng thần đạn Dương Trọng Anh dắt con gái đến ác đấu, Dương Trọng Anh vừa thấy Đường Hiểu Lan thì kêu hoảng lên một tiếng, phóng vọt ra, Đường Hiểu Lan kêu: “Sư phụ, là con!” Chúc Gia Thụ kêu lớn: “Y là gian tế!” Dương Trọng Anh mặt biến sắc, vỗ vù ra một chưởng!

Té ra từ lúc ác đấu với hai tên ma đầu ở Mang Sơn, Quan Đông tứ hiệp đã quyết lòng rèn luyện võ công, muốn có một ngày tỉ thí trở lại với Song ma, nhưng Song ma đang trong phủ Tứ bối lạc, Quan Đông tứ hiệp không dám vào bừa. Lần này họ nghe Tứ bối lạc đã dắt một đám cao thủ ra ngoài chỉ có Song ma và một người họ Hàn trấn thủ. Lúc này công phu độc môn của Quan Đông tứ hiệp cao hơn trước rất nhiều bởi vậy họ đến đấy với mục địch báo thù.

Vừa khéo Dương Trọng Anh và Dương Liễu Thanh cũng đến kinh sư để dò tìm tung tích Đường Hiểu Lan. Một ngày nọ họ gặp Chúc Gia Thụ. Mấy ngày sau lại gặp thêm Quan Đông tứ hiệp, Quan Đông tứ hiệp rủ Chúc Gia Thụ cùng đến đấu Song ma, lúc đó Chúc Gia Thụ đang muốn vào hoàng cung nên khéo léo từ chối, Quan Đông tứ hiệp rất không vui. Khi Chúc Gia Thụ thất bại trở về, họ hỏi kỹ thì mới biết Chúc Gia Thụ có việc đau lòng như thế. Thế là Chúc Gia Thụ và Quan Đông tứ hiệp cùng cha con Dương Trọng Anh ngay hôm ấy đến phủ Tứ bối lạc tìm hai tên ma đầu.

Đường Hiểu Lan thấy sư phụ không trả lời, chỉ thấy chưởng phong phả vào mặt, chàng vội vàng né tránh, chưởng pháp của Dương Trọng Anh rất kỳ dị, ông ta tiến tới một bước, hai chưởng đẩy ra, Đường Hiểu Lan né tránh không kịp, đành đưa chưởng ra phản kháng theo bản năng, hóa giải chưởng thế của Dương Trọng Anh rồi phóng vọt lên hơn một trượng, Dương Trọng Anh thấy võ công của chàng tinh tiến, Dương Liễu Thanh kêu lớn: “Cha!” Dương Trọng Anh ngừng lại thu chưởng, Cáp Bố Đà vỗ vù tới một chưởng đẩy Dương Trọng Anh thối lui đến mấy bước. Dương Liễu Thanh vội vàng thi triển tuyệt kỹ thần đạn yểm hộ cho cha già.

Đường Hiểu Lan đột nhiên gặp sự biến, chàng hoang mang chẳng biết làm thế nào. Huyền Phong đạo trưởng rất nóng nảy, hỏi Chúc Gia Thụ: “Ông nói có thật không?” Chúc Gia Thụ nói: “Hôm qua y đi với lão Hoàng đế, nếu tôi thoát không nhanh đã sớm mất mạng dưới kiếm của y!” Huyền Phong đạo trưởng bừng bừng cả giận, chợt nghĩ: “Võ công của Chúc Gia Thụ chẳng kém gì mình, sao chẳng phải là đối thủ của Đường Hiểu Lan?” rồi lướt tới, tay phải cầm trường kiếm, tay trái cầm gậy nhất tề đánh ra. Đường Hiểu Lan biết Huyền Phong ra tay rất hiểm hóc, chẳng thể nào né tránh được, chỉ đành rút kiếm chống trả, chiêu số của Huyền Phong vốn là nửa hư nửa thực, ông ta có ý thử võ nghệ của Đường Hiểu Lan, Đường Hiểu Lan không biết điều này nên đã thi triển loại kiếm pháp phòng thân huyền diệu của Thiên Sơn ra, gạt gậy sắc của Huyền Phong ra ngoài, lúc này Huyền Phong mới biết Chúc Gia Thụ chẳng phải nói dối, kiếm chiêu của ông ta chợt thay đổi, chẳng giả vờ tấn công nữa mà đâm vào các chỗ yếu hại trên người Đường Hiểu Lan.

Đường Hiểu Lan liên tiếp chặn mấy kiếm, kêu lớn: “Sư phụ, sư bá, con có lời muốn nói”. Huyền Phong quát: “Ngươi là tên phản đồ vong ơn phụ nghĩa, ai nghe lời ngươi nói”. Thế rồi kiếm chiêu đánh gấp tựa như gió quét. Đường Hiểu Lan né tránh chậm chạp, bị Huyền Phong đâm xuyên một kiếm vào ống tay áo, chàng buộc phải quét ngang thanh trường kiếm từ trên xuống dưới, Đường Hiểu Lan chỉ vốn có ý phòng thân chứ cũng không biết rằng uy lực của chiêu số này quá lợi hại, đã phát ra làm sao thu lại dễ dàng, chỉ nghe keng một kiếng, cây gậy sắt trên tay trái của Huyền Phong đã bị Du Long kiếm chặt gãy một đoạn! Huyền Phong chưng hửng, Đường Hiểu Lan nhảy vọt ra, nào ngờ trước mắt lóe lên, mùi rượu xộc vào mũi, Lang Nguyệt thiền sư phun rượu thành vòi phóng thẳng vào hai mắt của Đường Hiểu Lan. Đường Hiểu Lan vội nghiêng đầu né tránh, Lang Nguyệt thiền sư phun vèo một tiếng, vòi rượu biến thành giọt rượu cứng như đạn chì, trên áo của Đường Hiểu Lan bị bắn lủng như tổ ong, Vạn Lý Truy Phong Liễu Tiên Khai đã phóng người tới nhanh như bắn, đột nhiên tóm rách ống tay áo của Đường Hiểu Lan, bức thư của Hoàng đế đã bị cướp mất.

Đường Hiểu Lan đứng ngây người ra, lắp bắp: “Tôi... tôi...” lời lẽ của chàng nghe nghẹn ngào bi thảm, Dương Liễu Thanh nói: “Tôi thế nào?” nàng vừa yêu vừa hận, giơ cao đạn cung bắn ra, Đường Hiểu Lan đang rối trí, cũng không biết đường né tránh, Liễu Ân hòa thượng gầm lớn, múa cây thiền trượng một vòng bắn ngược đạn trở về, y thấy Dương Liễu Thanh xinh xắn, ác niệm chợt nảy ra, y điểm cây thiền trượng xuống đất phóng vọt người lên, tay trái mở ra chụp về phía Dương Liễu Thanh! Huyền Phong cả kinh, múa kiếm đâm thẳng vào huyệt Thiên Liêu ở phía sau ót của Liễu Ân. Liễu Ân lấy trượng làm trụ, gót chân xoay một vòng vẫn không buông ra, tay trái chụp vào bối tâm của Dương Liễu Thanh. Kiếm pháp của Huyền Phong nhanh như chớp, ông ta không thèm thu kiếm mà vẫy mũi kiếm một cái, hóa thành chiêu số Dương Chi Trích Lộ, đâm vào huyệt Tinh Túc sau ót của Liễu Ân, Liễu Ân thấy kiếm pháp ông ta tinh diệu, không dám làm càn, thế là xoay người múa trượng tiếp chiêu. Liễu Ân công lực thâm hậu, trượng phong như đao, Huyền Phong chặn được mười chiêu đã biết không chống đỡ nổi, lúc này Tung Sơn đã trở nên hỗn loạn, người phía Tứ hiệp đã lọt xuống thế hạ phong, Dương Liễu Thanh càng nguy ngập hơn, Huyền Phong kêu lớn: “Đi!” rồi chia nhau đâm hai kiếm về Tát Thiên Thích, Tát Thiên Đô, cứu bọn Liễu Tiên Khai thoát ra. Dương Trọng Anh dắt theo con gái, nhờ có Chúc Gia Thụ yểm hộ ở phía sau cũng nhảy vọt ra khỏi vách tường. Liễu Ân đảo ngược cây thiền trượng, đang đuổi theo. Dận Trinh đã quát lớn: “Cứ để cho bọn chúng đi!” té ra khi Dận Trinh nghe được Thiên Diệp Tản Nhân kể lại việc xem di chiếu, y sợ rằng việc này xé ra to, các bối lạc khác sẽ thừa cơ tấn công nên mới gọi bọn Liễu Ân vào.

Đường Hiểu Lan lúc này lòng rối như tơ vò, khi biết về thân thế của mình chàng đã đau đớn, không ngờ hôm nay lại bị sư phụ hiểu nhầm, chàng muốn chết mà chẳng xong. Dương Trọng Anh và Quan Đông tứ hiệp đều có ơn lớn với mình, nếu chàng đột nhiên chết đi, tiếng xấu này thật khó rửa. Chàng từ từ hạ kiếm xuống, Liễu Ân cười lạnh nói: “Kẻ địch đã lui, ngươi còn đứng đây làm gì?” Đường Hiểu Lan bi phẫn vô cùng, chàng tung người vọt lên, quát: “Ta thà chết cũng không cứu các người”. Rồi phóng ra khỏi tường.

Đường Hiểu Lan thẫn thờ chạy ra cửa Bắc, trên tường thành chợt có người kêu: “Hảo tiểu tử, ngươi dám đuổi theo!” Đường Hiểu Lan thất kinh, người đó chính là Dương Trọng Anh, số là bọn Huyền Phong chạy ra khỏi hoàng phủ, cũng chạy theo con đường này trở ngược ra thành, Dương Trọng Anh đoạn hậu ở phía sau, chợt thấy một mình Đường Hiểu Lan chạy theo, chỉ tưởng rằng chàng truy kích mình.

Đường Hiểu Lan rung giọng kêu: “Sư phụ, hãy để con nói rõ”. Dương Liễu Thanh đang chạy ở phía trước, nghe tiếng chợt dừng lại. Nàng thấy lời lẽ của Đường Hiểu Lan rất đau khổ, liền bảo: “Cứ để y nói, chắc là có ẩn tình”. Huyền Phong nói: “Không thể đem tính mạng ra đùa!” rồi lớn giọng nói: “Dương huynh, đề phòng có người đuổi theo!” Dương Trọng Anh kéo cây đạn cung bắn ra hai tiếng, Đường Hiểu Lan đang thất thần, chẳng có ý né tránh, một viên bắn trúng vào trán một viên trúng vào cánh tay thế là té ngửa xuống đất. Chỉ nghe Dương Trọng Anh quát lớn: “Ngươi đã phạm vào đại giới của sư môn, ta không tha cho ngươi!” khi Đường Hiểu Lan đứng dậy, bọn Dương Trọng Anh đã đi xa.

Đường Hiểu Lan lủi thủi đi một mình, chàng nhớ lại giới luật của phái Tung Dương rất nghiêm ngặt, khi chàng mới vào môn đã nghe đọc mười hai giới điều này, trong đó điều thứ tư là không gần quan phủ, điều thứ mười hai là không được khi sư diệt tổ, thế nhưng nay chàng đã phạm tất cả. Nếu Dương Trọng Anh không sợ có bọn Liễu Ân đuổi ở phía sau chàng đã bị bắt. Nghĩ đến đây, chàng không lạnh mà rung. Chàng sợ rằng nỗi oan này mãi mãi chẳng thể nào rửa sạch.

Về đến Tây Sơn, chàng vẫn mãi mê suy nghĩ, trong biển người mênh mông chàng chẳng có người thân, cả người bạn để dốc lòng mà chẳng có, không khỏi thấy bi thương, suy nghĩ lại, chàng chợt nhớ đến Lữ Tứ Nương, chàng và Lữ Tứ Nương tuy chỉ gặp mặt mấy lần nhưng nàng là con gái của bậc danh nho, kiến thức bất phàm, rất quan tâm đối với mình, chàng suy đi tính lại, hình như trong khoảng trời đất này chàng chỉ có thể tin tưởng một mình Lữ Tứ Nương. Thế là rời khỏi kinh sư đến miền Triết Giang. Trên đường đi thường gặp các nhân vật võ lâm chặn đánh, té ra Dương Trọng Anh đã truyền việc Đường Hiểu Lan phản sư ra khắp giang hồ, may mà những người chặn đánh chàng chẳng phải hảo thủ, Đường Hiểu Lan mới an toàn đến Triết Giang. Tới nơi chàng mới biết năm năm trước Thẩm Tại Khoan bị bắt, Lữ Bảo Trung chết thảm, Lữ Tứ Nương đã dời đi nơi khác. Chàng dò hỏi mà chẳng biết Lữ Tứ Nương đang ở đâu, may mà Cam Phụng Trì rất nổi danh, vừa khéo cũng có ở Triết Giang, Đường Hiểu Lan đánh liều đến bái phỏng, Cam Phụng Trì tuy không tin nhưng rất thông tình đạt lý, thế là liền cho chàng biết nơi ở của Lữ Tứ Nương. Nhưng ông ta vẫn đề phòng chàng có vây đãng nên âm thầm đi theo phía sau cho đến Tiên Hà lĩnh, thấy một mình chàng lên núi mới thôi.

Đường Hiểu Lan ngồi bên dòng thác kể từ đầu đến cuối, bao nhiêu nỗi ấm ức trong lòng chàng đều được giải bày. Hai người đã nói được nửa ngày, Lữ Tứ Nương mỉm cười đứng dậy, kéo Đường Hiểu Lan leo lên một tảng đá, chỉ xuống núi cười nói: “Đệ lên cao nhìn xuống thử”. Đường Hiểu Lan cũng nghe lời leo lên tảng đá nhìn xuống, chỉ cảm thấy trong tầm mắt mình đồng ruộng mênh mông, bất giác lòng nhẹ nhõm, nỗi phiền muộn tiêu tan. Lữ Tứ Nương nói: “Đời người có quá nhiều chuyện không như ý, cần gì phải giữ trong lòng”. Rồi mỉm cười, Đường Hiểu Lan chợt thấy đám mây đen trong lòng đã bị nụ cười của nàng xua tan.

Chính là:

Núi sông như tranh vẽ, cung quắc thắng tu mi.

Muốn biết sau đó thế nào, mời xem hồi sau sẽ rõ.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Giang Hồ Tam Nữ Hiệp

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook