Hạnh Phúc Không Mua Được Tiền

Chương 24

Quái Vương

17/12/2013

Tôi cho mình nghỉ học một buổi, chủ động qua Trung Anh tìm Bích Ngọc. Học sinh trường này thì chẳng còn ai lạ gì tôi nữa, nhưng ánh mắt họ lúc này thể hiện một sự ngỡ ngàng to lớn. Chắc mọi người đều tự hỏi tôi quay lại trường làm gì.

Mặc kệ những ánh mắt dò xét, những cái ngoái đầu nhìn theo, tôi đi thẳng một mạch lên lớp Ngọc. Cậu ấy đang thu dọn sách vở, hình như định ra khỏi lớp.

Ngẩng đầu lên, nhìn thấy tôi, mặt Ngọc sáng bừng, niềm vui thoáng qua trong mắt. Liền ngay sau đó, Ngọc ùa ra cửa, hỏi tôi ríu rít: Hôm nay không phải học sao? Qua tìm Ngọc à? Dạo này sao rồi, khỏe không? Đợt này học hành thế nào? Đã yêu anh nào chưa?

Tôi chau mày nhìn Ngọc. Sao có thể hỏi nhiều đến thế này cơ chứ?

Nhận được tín hiệu không hưởng ứng từ tôi, Ngọc dừng những câu hỏi lại: Rồi, không hỏi nữa. Đi xuống canteen đi! Uống ly nước, buôn câu chuyện cái nào. – Dứt lời, Ngọc liền kéo tôi đi.

Chúng tôi đứng xếp hàng sát nhau để đợi mua đồ. Trong thời gian chờ đợi, tôi đảo mắt nhìn quanh. Đã lâu không gặp lại, nhưng Trung Anh vẫn quá thân thuộc trong tôi. Nhà ăn với những chiếc bàn bằng kính, ghế nhôm trắng xóa. Dì bếp ở đây nấu ăn rất ngon, món nào cũng đậm đà và có hương vị nổi bật riêng. Trong suốt hai năm học ở đây, tôi luôn ngồi ăn ở chiếc bàn gần quầy bếp, lâu dần, mọi người dường như đã quen mắt, cố tình luôn để lại chỗ đó cho tôi, dù canteen có đông đến mấy, bàn đó vẫn trống. Giờ đưa mắt nhìn lại, đã có một nhóm học sinh đang ngồi ở đó mất rồi. Bọn họ cũng đang dõi theo tôi, rồi quay mặt trao đổi với nhau gì đó, sau đó quay ra nhìn tôi cười. Tôi lừng khừng gật đầu, không được tự nhiên cho lắm. Ngay sau đó, cả nhóm đứng lên, chuyển qua ngồi tại một bàn khác, để lại chỗ quen thuộc cho tôi. Ở Trung Anh, tôi luôn có được sự kính trọng và ngưỡng mộ đáng yêu ấy, không như Đông Anh, trở thành kẻ vô hình, còn không thì cũng là người mang trên mình một loại dịch bệnh khiến ai ai cũng né tránh.

Tôi cứ suy nghĩ lan man, chân bước vô thức, đến lượt mình mua đồ lúc nào cũng không hay.

- Trời ơi! An phải không con? – Tiếng dì bếp làm tôi hoàn hồn.

Tôi nhìn dì, cúi đầu chào.

- Sao đợt này con gầy quá vậy? Mặt mũi hốc hác quá! Ở bên đó có ổn không con?

Tôi cười cười, không thể trả lời.

- Hôm nay có món mì vịt tiềm đó An ơi. Dì nhớ con rất thích món này.

Tôi vẫn cười và gật đầu.

- Đợi dì xíu nghe! – Dì bếp vui vẻ nói, tay thoăn thoát trụng mỳ. Không lâu sau, dì đưa cho tôi một cái khay, bên trên là tô mì vịt tiềm với cái đùi to đến mức che gần hết mỳ trong tô.

- Ăn đi con! Ăn đi cho có sức mà học.

Nụ cười của tôi lúc này có lẽ là tươi tắn nhất trong những tháng qua. Tôi cúi đầu chào dì, nhích mình qua quầy tính tiền.

Cô phụ bếp nhìn tôi, mặt rạng rỡ: Trời, An à con? Ôi cô nhớ con lắm! Con bé lễ phép hay phụ cô lúc đông quá đây mà.

Tôi tiếp tục diễn kịch câm, cười và cúi đầu chào. Ngày trước khi ở Trung Anh, mỗi lúc đông học sinh quá, tôi thường chui vô đây phụ cô ấy. Khi đó, nhà bếp để lại cho tôi rất nhiều đồ ăn ngon, khi đám đông bớt đi thì chỉ việc về chiếc bàn của mình thưởng thức.

- Con ăn đi, cô không tính tiền đâu. Cái này là cô với dì Hòa làm cho con. Ăn hết nghe con! – Cô cười phúc hậu, gò má rám nắng nhấm nhô, hàm răng trắng đều tăm tắp làm cho nụ cười tỏa nắng.

Tôi muốn từ chối, nhưng không thể nói, nên chỉ biết ngoan ngoãn cúi đầu chào, rồi cười nhè nhẹ.

Lúc tôi định quay đi, tiếng cô Hoan lại gọi giật ngược lại. Tôi quay người, cô Hoan đang tìm gì đó trong tủ lạnh đựng đồ uống. Cô lấy ra một lon trà Lipton, niềm nở cười, đưa cho tôi: Cô cho con nè. Vẫn còn thích uống cái này chứ hả?

Mắt tôi cay cay, nụ cười gắng gượng trên môi. Tôi đón lấy lon nước, lại cúi đầu, rồi đi nhanh về chiếc bàn đã được nhóm bạn kia nhường cho. Lúc này, lòng tôi dâng nên một niềm cảm xúc khó nói. Có chút ấm áp, lại cũng thật hối tiếc. Phải chi... tôi đừng đến Đông Anh. Phải chi lúc đó tôi nghĩ kỹ hơn một chút. Ở đây có biết bao nhiêu người thương và quý mến tôi. Còn ở Đông Anh, ngoài bảng điểm ra, tôi có gì đâu.

- Nhớ trường nhớ bạn phải không? – Tiếng Ngọc đánh thức tôi.

Tôi ngẩng đầu. Ngọc cũng đang bê một cái khay, bên trong là mỳ vịt tiềm cùng một lon nước ngọt.

Ngọc nhìn vào tô của tôi, bĩu môi: Con cưng của Trung Anh có khác. Nhìn cái tô của tớ coi!

Tôi cười cười. Miếng thịt của Ngọc chỉ bằng một nửa của tôi.

Chúng tôi vừa ăn vừa trò chuyện. Vẫn là Ngọc nói, thỉnh thoảng tôi gật đầu, cũng như ngày xưa.

- Mà cuối cùng hôm nay qua tìm Ngọc có chuyện gì?

Tôi lấy sổ và bút trong túi, viết ngắn gọn: Thăm Ngọc.

Ngọc trợn tròn mắt nhìn tôi, không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Tôi lại viết: Viêm họng, mất tiếng rồi. – Tôi không muốn để Ngọc biết tình trạng của mình hiện tại. Thêm một người biết cũng chẳng giải quyết được gì, chỉ làm cho nỗi lo lắng chất chồng thêm, thà không nói.



- Uống thuốc chưa? – Ngọc lo lắng.

Tôi gật đầu.

Chúng tôi lại tiếp tục ăn, Ngọc vẫn nói, tôi vẫn gật. Ăn xong xuôi, tôi đi vào toilet để rửa tay và miệng.

Ở Trung Anh, có một nhóm học sinh cá biệt. Bọn họ đối với tôi không có quan hệ gì, giống như chẳng biết đến sự tồn tại của nhau. Có một vài lần, tôi chạm mặt họ trong toilet, họ thường vô đó để hút thuốc. Nếu không có gì thay đổi, chắc chắn giờ này ba người đó cũng đang hút thuốc phì phèo trong toilet.

Tôi đi vào bên trong, rửa tay và mặt sạch sẽ, sau đó chăm chú nhìn lên trên trần của các phòng toilet. Ở căn phòng trong cùng, những sợi khói mảnh trắng như tóc bạc thong thả bay lên. Bọn họ vẫn ở đây. Đấy cũng là phòng duy nhất chốt trong, ở đây ngoài họ và tôi thì chẳng còn ai khác. Tôi để chiếc ví của mình lên bàn, sau đó đi vào phòng gần nhất.

Không lâu sau, có tiếng khóa cửa mở ra. Ngay sau đó là tiếng của vài đứa con gái.

- Vậy tối nay đi bar ấy gì?

- Ừ. Đi ăn mừng. Con chó My bị kỷ luật, phải ăn mừng lớn. – Một ai đó đáp lại.

- Mẹ nó, tao còn chưa vừa lòng đâu. Nó phải bị đuổi học mới đúng. – Lại là một người khác.

Nói rồi cả bọn cười ầm lên.

Thì ra cái tin Diệu My bị kỷ luật đã bay đến tận đây. Kỷ luật Đông Anh vốn rất nghiêm. Chuyện nhóm của My bày mưu đẩy tôi xuống cầu thang, còn đánh người để cướp đoạn ghi âm đã gây nên cơn sóng phẫn nộ trong ban giám hiệu. Họ quyết định kỷ luật và đình chỉ học cả nhóm ấy một tuần. Vì còn chưa đủ mười tám tuổi, họ chưa phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng gia đình phải bồi thường cho tôi, còn phải đến xin lỗi.

- Ơ, ví ai đây mày? – Tiếng nói phát ra khẽ hơn ban nãy.

Sau đó, tiếng trao đổi không còn nữa, thay vào đó là những lời thì thầm không nghe rõ.

Tôi đợi một lúc thật lâu mới mở cửa đi ra. Quả nhiên, chiếc ví của tôi đã không còn ở chỗ cũ. Khóe môi co giật, tôi không kìm được một nụ cười nửa miệng. Tôi là đứa tin vào quả báo, có điều không đủ kiên nhẫn để đợi. Chi bằng mình thay trời hành đạo, cũng là đòi lại công bằng cho chính mình.

Tôi ung dung chắp tay sau lưng, chậm rãi đi về canteen. Nhà ăn giờ đã vắng tanh do bắt đầu vào tiết. Tôi đi đến bên bàn mình, thấy tờ giấy Ngọc viết, được lon nước của tôi chặn lại. Ngọc chào tôi để về lớp học, nói tôi về nhà nhớ uống thuốc, hôm nào rảnh cậu ấy sẽ tìm tôi đi chơi.

*

Ngày hôm nay, trường tôi dậy sóng chấn động. Dù đã cố gắng, giáo viên vẫn không làm cho lớp trật tự và tập trung nghe giảng được. Những tiếng xì xào cứ vang lên không dứt, ngồi cạnh nhau thì nói chuyện, ngồi xa thì viết giấy. Cuối cùng, giáo viên đành phải nhượng bộ, vì họ biết học sinh của họ không hư, nguyên nhân là vì hôm nay có chuyện động trời.

Đêm hôm qua, trên mạng xuất hiện một đoạn clip ân ái của hai học sinh trường Đông Anh, sau đó lan truyền đến mức chóng mặt. Diện mạo của Đông Anh – ngôi trường có bề dày lịch sử, kỷ cương trật tự, thành tích học tập tốt – đã bị ảnh hưởng lớn.

Từ sáng sớm đám nam sinh đã tụm năm tụm bảy quanh cái laptop, vừa xem vừa cười khúc khích rồi bình phẩm với nhau. Nữ sinh không dám lộ liễu như thế, họ không xem, nhưng bàn tán và dèm pha thì rất sôi nổi.

Ngay từ sáng sớm Khoa đã bị gọi lên phòng giám thị, đến giờ còn chưa trở lại. Vì My đang bị đình chỉ học, người chịu trận chỉ có Khoa. Thân lại là con trai hiệu trưởng, lần này đích thực họa gây ra không hề bé. Đúng rồi đấy, hai nhân vật chính trong đoạn clip kia chính là bọn họ.

Kẻ ác đứng phía sau chuyện này chính là tôi. Hôm đến Trung Anh, mục đích của tôi là cố tình đi tìm nhóm cá biệt kia, còn giả vờ để ví ở đó, bên trong có rất nhiều tiền, cùng với một chiếc USB, tất nhiên không phải USB tôi lấy trong phòng máy ở nhà.

Hồi còn ở Trung Anh, có một lần tôi chứng kiến họ và Diệu My kết thù, cũng tại toilet. Hôm đó, khi tôi đang rửa tay, Diệu My đi vào, trông có vẻ gấp, nhưng không may là tất cả các phòng đều có người dùng. Cậu ta đi qua đi lại, dáng vẻ chịu đựng. Đột nhiên, mùi thuốc lá bay ra, nồng nặc cả toilet. Cùng lúng đó, tôi và Diệu My đều thấy khói trắng bay lững lờ phía trên phòng trong cùng. Đoán có người đang dùng căn phòng đó để hút thuốc, Diệu My đi đến đập cửa, nhưng bên trong nhất quyết không mở, còn vọng ra tiếng chửi bới.

Mặt Diệu My tối sầm, chạy sộc ra ngoài. Không lâu sau, cậu ta trở lại cùng Thế Anh. Sau vụ đó, nhóm cá biệt bị kỷ luật, họ cũng thù Diệu My kể từ đấy. Về sau, đám người đó còn đụng độ gì hay không thì tôi không rõ, vì lúc ấy đã chuyển khỏi Trung Anh.

Đương nhiên, tôi không phải mang vạ đổ cho người. Tôi chọn bọn họ làm việc này còn vì trong nhóm ấy có một thiên tài máy tính. Cậu bạn đó không giỏi gì ngoài tin học, đã từng dành giải nhất cuộc thi tin học toàn thành phố. Cậu ta giỏi như vậy, chắc chắn biết cách để không bị phát hiện nếu công an có dò IP để xem ai là người phát tán. Cũng chỉ là tôi lo xa thế thôi. Nhiều phần trăm là công an sẽ không làm việc này nếu gia đình Diệu My không yêu cầu, về phía nhà trường, chắc họ cũng không yêu cầu. Đã đủ mất mắt lắm rồi, chẳng ai muốn đào bới thêm nữa. Đó là đoạn băng có thật, đâu phải cắt ghép, tìm thủ phạm chỉ để xấu hổ thêm.

Tôi làm vậy, đúng là rất thất đức, nhưng không thấy áy náy. Tôi nói không phải để biện minh cho mình, nhưng Diệu My rõ ràng là người gây chuyện với tôi hết lần này đến lần khác. Với tính xấu hay để bụng của mình, tôi không trả thù cậu ta thì tên tôi cho người khác đọc ngược lại.

Sau hai tiết đầu là giờ ra chơi, lúc này Anh Khoa mới trở về lớp. Gương mặt cậu ta hằm hằm như sẵn sàng giết người, quai hàm bạnh ra vì phải gồng mình kiềm chế. Khoa về chỗ, thu dọn sách vở của mình, sau đó bỏ đi một mạch. Một vài nam sinh có ý đến hỏi han như quan tâm, nhưng thực ra là để hóng chuyện. Bọn họ cũng chẳng thể thu hoạch được gì, vì mặt Khoa quá hình sự, gặn hỏi sợ chỉ rước họa vào thân.

Đến cuối buổi học, tin tức Anh Khoa và Diệu My bị đuổi học lan ra. Lúc này, đám người bình thường xua nịnh Diệu My mới lộ rõ bản chất thật. Bọn họ vui ra mặt, cười cợt và chế nhạo sao lưng My. Về phía nam sinh, họ hồn nhiên bình luận về số đo ba vòng của My, về cơ thể hai nhân vật trong clip.

Cho đến tận lúc này, tôi vẫn không áy náy, lòng cũng chẳng hả hê. Tôi chỉ trả lại bọn họ đúng những gì họ làm với tôi và lấy đi những cái mà họ nợ.

Sau chuyện đó, Anh Khoa được gia đình đưa ra nước ngoài du học, còn Diệu My thì phải chuyển xuống Sài Gòn để tránh đi sự bàn tán. Đến lúc này, có thể nói là bọn họ đã hoàn toàn bước chân ra khỏi cuộc đời tôi. Từ nay, không ai liên quan đến ai nữa, cũng chẳng có gì để nhớ về hay ôm trong lòng nữa. Mối nguyệt duyên của chúng tôi, đáng ra nên cắt từ lâu, nhưng giờ cắt cũng xem làm muộn, nhưng còn hơn không.

Thời gian thấm thoát trôi qua, vụ việc của My và Khoa dần lắng xuống, còn tôi thì trở về với trạng thái trơ lì. Giờ đây, tôi có thể trơ mắt nhìn Quân và Lam Anh ngồi cạnh nhau trên bàn ăn, bình thản thấy họ trò chuyện với nhau, còn mình như một người thừa. Tôi chỉ ý thức được sự tồn tại của chính mình mà thôi, còn lại bao nhiêu suy nghĩ, bao nhiêu cảm xúc đều đi vào miền chết chóc, không hẹn ngày về.



Cũng vì tình trạng này, chứng trầm cảm và bất lực ngôn ngữ của tôi càng nặng thêm. Bác sỹ trị liệu cho tôi vẫn rất kiên nhẫn, nhưng đôi lần không kiềm chế được mà thở dài. Lượng thuốc của tôi ngày càng nhiều lên, liều lượng thuốc an thần ban đêm cũng tăng vì tôi dần lờn thuốc.

Không chỉ có bà ấy, Nhật cũng ra sức giúp tôi. Cậu ấy đưa tôi ra ngoài, đến những nơi có phong cảnh đẹp, những chỗ làm người ta thấy tự do tự tại, thoải mái và thênh thang. Không chỉ có thế, Nhật thường kể chuyện cười cho tôi nghe, có khi là một mẩu chuyện trên mạng, cũng có khi là chính chuyện hồi nhỏ của cậu ấy. Tôi nghe, gật gù, và không cười. Có đôi lần, tôi bắt gặp cái nhìn loang loáng buồn của Nhật gửi gắm và vô tận phía trước. Thoảng hoặc là tiếng thở dài không tự chủ của cậu ấy. Những lần như thế, Nhật thường cúi đầu rất lâu, như suy nghĩ, mà cũng như cố bình tâm, không nghĩ ngợi gì nữa. Nhưng lần nào cũng vậy, cậu ấy không từ bỏ, khi ngẩng đầu lên thì lại bắt đầu luyên thuyên đủ mọi chuyện.

Chớp mắt, kỳ thi dành học bổng cuối cùng cũng đến. Tôi cùng Nhật ôn tập, bất cứ lúc nào rảnh rỗi đều kéo nhau lên thư viện trường. Nếu lần này tôi rớt, thì công sức bao lâu nay xem như là con số không. Mang áp lực kinh khủng ấy, tôi cắm đầu học, buộc bản thân phải chăm chỉ.

Cuối cùng, ngày công bố kết quả, tôi thở phào. Tên tôi nằm ở trên cùng, điểm còn cao hơn Nhật đứng thứ hai. Điều làm tôi bất ngờ là Ngạo Quân có số điểm đứng thứ ba. Từ lúc nào mà anh chăm chỉ như thế? Điều gì làm anh chịu học tập? Có phải vì Lam Anh?

Thắc mắc của tôi đã được giải đáp ngay khi về đến nhà. Vì tôi đi lại bằng xe máy điện, còn Quân thì ngồi xe riêng, cho nên anh về nhà trước. Lúc tôi từ bên ngoài đi vào, phải đi qua phòng khách. Quân và Lam Anh đang ngồi cạnh nhau trên chiếc ghế sofa, quay lưng lại phía tôi.

- Em đứng thứ ba. – Là tiếng Quân.

- Em giỏi lắm! Nhanh như vậy mà đã có kết quả này. Từ giờ đến cuối năm, em sẽ đứng nhất thôi. – Lam Anh động viên, giọng nói đầy yêu thương và trìu mến. Chuyện cô ấy hơn tuổi anh, tôi đã nghe. Đúng là trong tình yêu, tuổi tác không quan trọng, họ vẫn hạnh phúc và thương yêu nhau.

- Em biết rồi. Em sẽ cố. – Giọng Quân có vẻ rất vui.

Tôi vẫn bước đều để tiến về phòng, cho nên chỉ nghe được có nhiêu đó. Quân đã gặp được một người làm anh sống tốt và tích cực hơn, vậy tôi cũng mừng cho anh. Không thể nói tôi gửi gắm anh cho Lam Anh được, vì anh đâu phải thuộc quyền sở hữu của tôi. Cũng chẳng thể nói tôi chúc phúc cho họ, vì như thế là đang dối lòng. Tôi chỉ là thấy an tâm mà thôi. Sau này tôi ra nước ngoài, có lẽ cũng vĩnh viễn không còn gặp lại Quân nữa, hoặc có khi lúc trở về, anh đã cưới vợ sinh con rồi cũng nên. Nếu người sau này đi cùng anh cả đời là Lam Anh, tôi phần nào mừng cho họ. Cô ấy rất dịu dàng, lại xinh đẹp, hơn nữa làm Quân sống tốt lên như thế thì chắc tính tình cũng rất tuyệt. Có một người vợ như vậy bên cạnh, tin rằng anh sẽ được chăm sóc chu đáo, những đứa con của anh sau này sẽ rất lanh lợi. Hơn nữa, Lam Anh rất thông minh, sau này khi anh thừa kế, cô ấy sẽ giúp được anh trong nhiều việc. Tôi đã chẳng còn phận sự gì trong cuộc đời anh nữa, cũng mừng cho anh đôi chút vậy, rồi quay về lo cho chính mình. Tôi đã đi gần hết quãng đường học sinh, chuẩn bị tốt nghiệp, đây là lúc bản thân phải lựa chọn hướng đi cho mình. Sự lựa chọn thì nhiều lắm, quan trọng là bản thân có đủ can đảm để sống với nó cả đời hay không. Nhiều đêm nằm nghĩ xem mình sẽ chọn ngành nào, tôi cảm thấy thật sự hoang mang. Tôi học đều tất cả các môn, nhưng lại chẳng đặc biệt thích môn nào, hơn nữa giờ lại không thể nói. Giá như ba tôi còn sống, ông ấy nhất định sẽ cho tôi những lời khuyên quý giá.

Tôi biết tình trạng hiện tại chẳng phải của riêng mình. Phần lớn đám học sinh chúng tôi đều đang có chung một nỗi hoang mang. Hiểu được tâm lý này, ngay từ đầu học kỳ hai, nhà trường tổ chức cho chúng tôi những buổi định hướng, nghe và đặt câu hỏi với các chuyên gia và những anh chị sinh viên đi trước. Thế nhưng những điều này không giúp được tôi nhiều. Người ta có thể kể cho bạn nghe rất nhiều điều hay ho, nhưng nó sẽ vô nghĩa nếu trong số đó, bạn không thể biết mình muốn gì.

Những lúc thế này, tôi lại nghĩ đến ba, nhớ lại những câu mà ông thường nói với mình. Thế nhưng ngay từ bé tôi đã không nuôi dưỡng một mơ ước nào, cho nên ông cũng chưa bao giờ phân tích cho tôi nghe về những điều đó. Chỉ có một lần, khi ba tôi bị bắt và bất lực trong việc giải thích mình vô tôi, tôi đã nghĩ mình phải học luật, phải trở thành luật sư. Khi ấy tôi chỉ nghĩ rằng, nếu người ta không thể giải oan cho ông, sau này tôi nhất định sẽ lật lại vụ này để làm rõ. Nhưng giờ ông đã mất rồi, làm rõ thì có ích gì? Vả lại, không thể nói chuyện, tôi học Luật thì có ích gì.

Tôi cầm tờ nguyện vọng trong tay, lừng khừng mãi. Không thể nói chuyện, tốt nhất là nên làm việc bằng tay. Ở đây tôi nghĩ ra hai hướng là làm nghệ thuật, hoặc là làm việc trên máy tính. Nghệ thật thì tôi mù tịt, chắc máy tính sẽ tốt hơn. Thật ra đây chỉ là phương án thứ hai, vì cái tôi nhắm tới vẫn là học bổng du học. Nếu được qua đó, có lẽ tôi cũng sẽ chọn khoa công nghệ thông tin.

Theo như lời Nhật nói, hiện tại tôi có bốn đối thủ, trong đó có cậu ấy. Vào ngày các học sinh thi tốt nghiệp, chúng tôi sẽ phải thi đề của đại học Harvard. Đương nhiên bộ đề này được soạn ra dưới sự trợ giúp của giáo viên Đông Anh, sao cho phù hợp với trình độ của học sinh Việt Nam.

Bây giờ không phải là lúc dành thời gian cho tư tình yêu đương hay những suy tư nữa. Tôi phải tranh thủ ôn tập hết mức có thể. Đầu tiên là phải vào diễn đàn trường, tìm lại đề của những năm trước, sau đó giải thử xem mình làm được bao nhiêu phần trăm, hơn nữa còn phải giới hạn những dạng đề, không thể ôn tập lan man được.

Để toàn tâm tập trung vào việc ôn tập, tôi nghỉ hẳn công việc qua mạng của mình. Trừ thời gian trên lớp, tôi dành toàn bộ lúc rảnh rỗi để tìm đề và làm bài, chỉ dừng lại lúc ăn uống hay tắm rửa, thời gian ngủ cũng rút ngắn hết mức có thể. Để có thể như thế, tôi từ chối uống thuốc an thân, vì nó gây buồn ngủ.

Bên ngoài có tiếng gõ cửa. Tôi ngừng bút, liếc nhìn đồng hồ, đã đến giờ cơm chiều. Tôi ra mở cửa, là ông quản gia cùng khay thức ăn. Tôi gật đầu, tỏ vẻ cảm ơn, nhận khay thức ăn, định đi vào phòng. Đúng lúc đó, cửa phòng Quân bật mở, người đi ra là Lam Anh. Gương mặt cô ấy có vẻ hoảng hốt. Thấy ông quản gia, Lam Anh vồ người tới: Bác ơi, nhà mình có miếng dán hạ sốt không?

- Cậu chủ sốt à? – Ông quản gia điềm tình. Quân nói từ bé anh đã hay sốt, chắc vì vậy mà ông ấy quen rồi.

- Vâng. – Lam Anh gật đầu liền mấy cái.

- Trong phòng Quân có mà. – Ông quản gia chau mày.

- Hết rồi bác ạ. – Giọng Lam Anh như mếu. Nhìn cô ấy, tôi lại nghĩ đến mình hôm ở Nha Trang. Chắc bộ dạng tôi lúc đó cũng hoảng loạn như thế này, có khi còn hơn, vì tôi còn khóc nữa mà.

- Cháu lấy đá trong tủ lạnh chườm cho Quân đi, để bác đi mua. – Ông quản gia cũng trở nên vội vàng.

- Vâng. – Lam Anh dứt lời liền đi vội vô phòng, đóng cửa lại. Ngay lúc đó, ông quản gia cũng rời đi. Tôi nhìn cánh cửa trắng đã đóng kín kia, lòng hoang hoải không biết là đau hay tủi. Lẽ ra người hoảng hốt là tôi, người chăm sóc anh cũng là tôi. Vị trí của tôi là ở bên anh cơ mà. Những điều đó thay đổi nhanh quá, tôi bị hất khỏi chỗ của mình mà chẳng thể chống đỡ, cũng không kịp ý thức. Bây giờ nhìn lại, hóa ra mình đã là người ngoài mất rồi. Ngồi cạnh anh, lo lắng cho anh, chăm sóc anh, tất cả đều không còn là việc của tôi nữa. Thậm chí, nằm cạnh anh, chắc cũng là một người khác mất rồi. Lúc này, tôi thật muốn lao đến mở tung cánh cửa đó, lôi Lam Anh xa khỏi anh, rồi chính tay mình đắp khăn, lau người cho anh. Thế nhưng, quyết tâm to lớn ấy lại bị đánh bật bởi một cái máy quay nhỏ xíu nằm nơi đầu hành lang kia. Tôi không đủ can đảm đối mặt với cơn giận của ông Hùng. Mà cũng có thể tôi không đủ can đảm đối mặt với sự từ chối từ anh. Anh đã xin tôi đừng làm gì ảnh hưởng đến lương lai anh, có lẽ giờ trong lòng anh cũng xin tôi đừng làm gì ảnh hưởng đến tình yêu của anh.

Tôi siết chặt chiếc khay đang cầm trong tay đến mức các khớp xương đau nhức, tay trắng bệch ra.

- Ơ An, sao cháu còn đứng đây? – Tiếng ông quản gia vang lên. Ông ấy đã đi mua thuốc và miếng dán hạ sốt về.

Tôi vẫn chăm chăm nhìn vào cánh cửa trắng đối diện.

- Cháu vẫn chưa ăn sao?

Tôi khó nhọc dời mắt đi, nhìn ông quản gia, rồi nhìn xuống khay thức ăn của mình. Ban nãy nó còn bốc khói nghi ngút, nhưng giờ thì hoàn toàn nguội lạnh. Tôi đã đứng lâu đến thế sao?

Ông quản gia nhìn tôi, chép miệng, thở dài rồi lắc đầu. Ông gõ cửa phòng Quân, đưa đồ cho Lam Anh, sau đó lại quay ra nói với tôi: Để bác đi hâm lại cho nóng.

Tôi nhìn ông, miệng cười máy móc, sau đó đưa cái khay cho ông, rồi lắc đầu ý nói không ăn.

- Cháu không được bỏ bữa đâu. Sẽ bị đau... – Ông ấy chưa nói hết câu tôi đã đóng cửa phòng lại. Miệng tôi bây giờ rất khô, cảm tưởng như đã nhai một nắm cát sau đó nuốt xuống bụng. Tôi chẳng thể ăn gì vào lúc này hết.

Trở lại bên bàn học, tôi tiếp tục ôn tập. Cứ mải miết làm, cắm đầu ghi ghi chép chép, muốn dành mọi tâm tư vào đây để thôi không nghĩ lan man nữa. Lúc tôi ngừng lại vì mỏi tay, đã là hơn năm giờ sáng.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Hạnh Phúc Không Mua Được Tiền

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook