Hãy Đặt Nàng Lên Tấm Thảm Hoa

Chương 1

James Hadley Chase

30/10/2016

Một buổi sáng tháng bảy nồng nực vẫn có thể hứa hẹn với bạn nhiều điều thú vị nếu bạn được mặc quần tắm, sánh vai trên bãi biển với một cô nàng tóc vàng xinh đẹp; nhưng cũng là quãng thời gian đầy mệt mỏi nếu như bạn bắt buộc phải giam mình trong phòng làm việc như hoàn cảnh của tôi trong lúc này.

Tiếng xe hơi trên Đại lộ Orchid, tiếng ầm ì của chiếc máy bay đang bay dọc theo bờ biển, lọt qua khung cửa sổ căn phòng của tôi tiếng sóng biển rì rào. Máy điều hòa nhiệt độ nằm lẩn trong khe tường căn nhà cao tầng Orchid Buiding đang phải đương đầu với cái nóng mỗi lúc một tăng. Mặt trời chói chang chiếu những chùm tia rực rỡ lên tấm thảm do Paula sắm cho căn phòng làm việc của tôi, cốt để gây ấn tượng với khách hàng. Cái giá cắt cổ của nó làm cho chính bản thân tôi cũng ít khi dám đặt chân lên.

Tôi bày ra mặt bàn một số thư tín cũ, để nếu Paula bất chợt đi vào, sẽ nghĩ rằng tôi đang làm việc. Ly uýtki có khả năng làm bỏng cổ họng, được tôi giấu sau cuốn sách luật dày cộm. Mỗi lần nhấm nháp mũi tôi đụng cả vào mấy cục đá lạnh.

Tôi thành lập công ty Universal Services này đã được hơn ba năm rưỡi, một tổ chức nhận phục vụ bà con từ việc dạy chó tới việc tiễn một tay tống tiền quá tham lam sang bên kia thế giới. Theo bảng giá phục vụ thì chỉ có mấy tay triệu phú mới có đủ khả năng nhờ tới công ty, nhưng nhờ trời ở cái đô thị Orchid này, số triệu phú cũng nhiều bằng số hạt cát trên bãi biển. Hơn ba năm rưỡi qua, công ty tôi cũng khấm khá, vớ được một số tiền, nhận được khối việc linh tinh kể cả việc điều tra vụ án.

Thời gian gần đây, hoạt động của công ty bỗng trở nên trầm lặng theo kiểu cô gái già ngồi bên bếp lửa.

Những chuyện lặt vặt bình thường thì Paula cũng tự giải quyết được.

Bây giờ, chỉ có công việc nào cỡ quan trọng cực kỳ mới có thể làm cho tôi và Jack Kerman (cánh tay phải của tôi) thoát khỏi tâm trạng ù lì này. Vậy mà chẳng thấy loại công việc ấy đâu cả, khiến cho tôi và Jack chỉ còn việc ngồi nhâm nhi và cố làm cho Paula tưởng rằng chúng tôi đang có món gì bở lắm. Jack ngồi chễm chệ trên cái ghế bành dành cho khách hàng. Cậu ta người dài, mảnh, nhanh nhẹn, có bộ tóc đen với một chùm tóc trắng nằm ngang, bộ ria mép vào loại "không giống ai". Cậu ta đương cọ cọ ly rượu lạnh vào trán, bộ mặt đờ đẫn. Mặc bộ complê xanh ôliu, đeo ca vát kẻ sọc vàng, đi giầy da hươu trắng có đường gân nổi màu xanh, nhìn cậu ta cứ như vừa ra khỏi tiệm may thời trang cho đàn ông vậy.

Ngẫm nghĩ chán rồi, cậu ta lên tiếng:

- Này, "mái" ấy cũng được chứ. Nếu bỏ đôi tay đi, khéo cô ta còn trội hơn cả pho tượng thần Vệ nữ ở Milô ấy.

Ngồi tụt vào lòng ghế, hắn tiếp tục lải nhải:

- Ước gì có ai khử đôi tay cô ấy đi. Trời đất! Vậy mà tôi ngố quá, cứ tưởng em dễ lắm...

- Thôi, rác tai! - Tôi vừa nói vừa với chai rượu - Biết rồi! Trời nóng như thế này mà cứ phải nghe những chuyện lăng nhăng của cậu thì thà đi nghiên cứu thánh kinh còn hơn.

- Sẽ mất thì giờ vô ích thôi, - Kerman nói giọng khinh thường - những chỗ hay trong cuốn sách đều viết bằng tiếng Latinh đấy.

- Ấy, đừng lạ. Có nhiều người đã học tiếng Latinh chỉ để hiểu những chỗ đó thôi đấy. Một công, đôi việc.

- Nghe vậy, tôi lại nhớ tới em tóc vàng của tôi - Kerman duỗi đôi cẳng dài - Hôm qua, tôi vừa gặp em ở tiệm Barney.

- Đây cóc cần để ý tới các em tóc vàng - tôi trả lời dứt khoát - Đáng lẽ ngồi mốc ra ở đây nói chuyện gái, cậu phải đi tứ phương mò ra việc mà làm. Nhiều lúc tớ cũng tự hỏi, trả lương cậu làm quái gì nhỉ.

Kerman có vẻ ngạc nhiên:

- Anh muốn có việc thật à? Tôi lại nghĩ, cứ để cho Paula làm, còn chúng mình chỉ việc ăn theo.

- Chẳng nên nghĩ như vậy mãi. Thỉnh thoảng nếu làm một việc gì đó đáng giá với một miếng bít tết cậu ăn thì cũng chẳng chết nào.

Kerman làm bộ yên tâm:

- Thỉnh thoảng thôi à... thế thì tốt. Tôi cứ ngỡ anh yêu cầu làm ngay.

Hắn làm thêm một tợp nữa rồi nhắm mắt lại:

- Này, cô em mà tôi nói với anh không phải là loại thường đâu nhé, tôi thề là đúng như vậy. Khi tôi đề nghị gặp lại nhau, nàng trả lời không phải là hạng người chạy theo đàn ông. Anh có hiểu tôi nói gì không?

- Không. Cái gì?

Hắn lại tiếp tục kể lại. Khổ một nỗi là nếu tôi không chịu nghe những lời tào lao của hắn thì rồi đây, lấy ai là người sẽ chịu chuyện của tôi.

Kerman lải nhải:

- Tôi trả lời: "Thưa quý nương, có thể quý nương không chạy theo đàn ông, nhưng ở đời này có bao giờ cái bẫy chuột lại chạy theo con chuột". Câu này được đấy chứ, hả? Em đờ người luôn. Anh không nên bĩu môi ra như vậy. Có thể, anh chẳng lạ gì câu nói đó, nhưng với nàng thì quả là có tác dụng.

Bỗng cửa mở và Paula bước vào phòng, khi tôi chưa kịp giấu ly rượu đi.

Paula là một cô gái da ngăm ngăm, xinh đẹp, có đôi mắt màu sẫm, lạnh lùng và bình tĩnh, với một thân hình xứng đáng để mình phải quan tâm. Lại còn hoạt động, thông minh và chăm chỉ. Chính cô ấy đã khuyến khích tôi thành lập công ty Universal Services này, cho tôi vay tiền để sống qua sáu tháng đầu. Nhờ tài điều phối của nàng mà công ty đã có những thành công nhất định. Nếu ví tôi là bộ óc của công ty thì chính cô ấy là bộ xương sống. Có thể nói rằng, nếu không có Paula thì chỉ trong tám ngày là công ty của tôi sẽ giải tán.

Bây giờ thì cô ấy đang đứng trước bàn giấy, nhìn tôi với ánh mắt không đồng tình và hỏi:

- Anh không có việc gì để làm hơn là ngồi đấy mà nhấm nháp à? - Kerman vội lên tiếng tuy giọng nói hơi đuối.

- Thì làm gì hơn được?

Cô ấy lườm Kerman rồi hướng sang tôi đôi mắt xám long lanh. Tôi vội trả lời:

- Thật ra thì tụi anh cũng đang định đi ra ngoài để móc nối với khách hàng. Nào, Jack, coi chúng mình làm gì bây giờ.

- Phải đấy, nhưng đi đâu? Tới tiệm của Finnegan chăng? - Paula hỏi móc chúng tôi.

- Ý kiến hay tuyệt đấy, bà già khó tính ạ. Kerman nói: - Rất có thể, Finnegan sẽ tuồn cho mình một việc gì đấy.

- Trước khi đi, có lẽ anh cũng nên biết tới cái này. - Paula đưa cho tôi một phong bì dài và nói tiếp:

- Người gác cửa vừa đưa cho tôi và bảo thấy nó trong túi chiếc áo mưa cũ mà anh quẳng cho ông ta.

- Vậy hả? - Tôi vội đỡ lấy cái phong bì - Thế này thì lạ thật. Đã hơn một năm nay, tôi không mặc cái áo ấy.

- Anh hãy nhìn dấu bưu điện, thử coi - giọng Paula dịu dàng như tiết trời trước cơn dông tố - Cái thư đã được gửi đi cách đây một năm hai tháng. Tôi không dám nghĩ rằng anh quên nó trong túi. Có lẽ nào anh lại làm như vậy, phải không?

Chữ viết nắn nót trên phong bì là nét chữ của một phụ nữ.

- Anh không nhớ là đã nhìn thấy nó bao giờ?

- Anh thì có nhớ cái gì. Nếu tôi không tìm cách làm cho đầu óc anh tỉnh táo lại thì rồi đây, chắc anh còn làm tôi ngạc nhiên vì nhiều việc nữa - Paula đay nghiến tôi.

- Này, này cô em xinh đẹp! Kerman lên giọng dịu dàng - Có ngày anh sẽ kiếm cho em một chàng dư sức đấu với em và còn cho em một trận nữa đấy.

- Cô ấy không ngán đâu (vừa nói, vừa mở phong bì) - tôi đã từng thử, nhưng chỉ có tác dụng làm cô ấy sôi sục thêm thôi. Tôi luồn hai ngón tay vào phong bì, lấy ra một lá thư và tờ năm trăm đôla.

- Trời ơi! - Kerman kêu và nhẩy cẫng ra khỏi ghế - thế này mà anh đưa cho bố gác cổng hả?

- Ồ, không phải cậu đưa là được rồi.

Tôi cao giọng đọc thư:

Crestways, Foothill Boulevard, Orchid City,

Ngày 15, tháng... năm, 19...

Xin ông đến gặp tôi ngày mai, lúc ba giờ tại địa chỉ trên. Tôi muốn bàn với ông về một vụ tống tiền mà tôi là nạn nhân. Tôi chắc công việc này hợp với chuyên môn của ông. Đề nghị ông hãy coi bức thư này có tính cách khẩn và mật. Xin gửi kèm theo đây tiền chi phí trước là năm trăm đôla.

Janet Crosby

Không khí thật nặng nề. Kerman cũng chẳng biết nói gì. Chúng tôi thường trông vào mối quan hệ với những khách hàng cũ để dẫn tới những công việc mới. Vậy mà, giữ cái thư này tới mười bốn tháng, cả món tiền năm trăm đôla kèm theo mà không hề báo tin lại cho vị khách hàng tương lai của công ty biết rằng chúng tôi đã nhận được, chắc chắn rằng việc đó chẳng tốt gì cho uy tín của chúng tôi.

- Khẩn và mật - Paula lẩm bẩm - Vậy mà giữ trong túi áo mười bốn tháng, rồi quẳng cho người gác cổng để cho những người quen sơ sơ cũng biết. Rõ thật là đẹp!

- Thôi, dẹp đi! - Tôi gắt - Tại sao người phụ nữ đó không gọi giây nói xem sự thể ra sao? Cô ta cũng đoán được lá thư có thể bị lạc chứ. Nhưng này, hay bà ta chết rồi. Chúng ta đã biết, có một người con gái nhà Crosby chết. Người đó là Janet chăng?

- Ừ, tôi cũng nghĩ như vậy. Để tôi đi kiểm tra xem sao.

- Nhân tiện, em hãy mang lại cho anh tất cả các tài liệu của chúng ta có liên quan tới gia đình Crosby nhé.

Khi Paula rời phòng, tôi bảo Kerman:

- Nếu Janet đã chết, tớ nghĩ rằng mình phải gửi trả lại số tiền cho gia đình người ta.

Kerman có ý tiếc món tiền từ trên trời rơi xuống nên có ý kiến:

- Làm như vậy, bọn nhà báo nó đánh hơi thấy, chắc sẽ không có gì hay cho công việc của chúng ta đâu. Phải đề phòng, Víc ạ. Tốt nhất, ta cứ giữ tiền lại rồi ỉm chuyện này đi.

- Không làm thế được. Về mặt công việc thì ổn đấy, nhưng về mặt lương tâm thì không xuôi.

Kerman vặn vẹo mình trên ghế:

- Ấy là tôi nghĩ mình không nên khuấy c. lên mà ngửi thôi. Có phải nhà Crosby có chân trong ngành dầu lửa không?

- Đúng đấy, nhưng ông ta chết rồi. Cách đây mấy năm, trong một tai nạn, ông ta bị một viên đạn vào đầu.

Cầm con dao rọc giấy trong tay, tôi bực dọc chọc chọc xuống làm tờ giấy thấm lót tay thủng lỗ chỗ.

- Tớ vẫn chưa hiểu được tại sao tớ lại để cái phong bì đó trong túi áo mưa cơ chứ. Chẳng biết ra sao nữa.- Kerman hiểu rõ tính tình Paula nên cười với tôi, ra vẻ thông cảm:

- Nếu em cự nự quá thì anh cứ đét cho em mấy cái là xong ấy mà. Sau đó, cố mà gánh chịu. Cứ nghĩ tới anh lúc đó mà tôi thấy khoái.

Tôi tiếp tục chọc xuống tờ giấy thấm lúc Paula trở lại, với bao bì giấy đầy những bài báo đã được cắt ra. Paula nói:

- Janet Crosby bị chết vì một cơn đau tim ngày 15 tháng 5 năm ngoái, đúng ngày cô ta gửi cái thư ấy đi.

- Cho nên từ ngày đó tới nay, chúng ta không thấy ai đả động gì tới việc này nữa thì cũng chẳng có gì lạ.

- Cơn đau tim à? Cô ta hồi đó bao nhiêu tuổi?

- Hai mươi lăm.

Tôi đặt con dao rọc giấy xuống bàn và rút một điếu thuốc:

- Trẻ như vậy mà chết vì bệnh tim đột ngột thì cũng hơi lạ đấy. Nhưng em biết được gì qua những tài liệu trong tập hồ sơ này nào.

Paula ngồi xuống mép bàn và nói:

- Cũng không có gì khác những điều chúng ta đã nắm được. Mac Donald Crosby đã thu được hàng triệu đô la trong vụ dầu lửa. Ông ta là một tín đồ quaker ít phóng khoáng, hai đời vợ. Janet là con vợ trước, hơn cô em Maureen, con người vợ thứ hai, bốn tuổi. Crosby đã nghỉ làm việc từ năm năm và tới ở Orchid City. Trước đây, ông ta ở San Francisco. Hai cô con gái khác hẳn nhau về mọi mặt. Janet là một họa sĩ say sưa với nghề; đã có nhiều bức tranh được trưng bày trong viện bảo tàng tranh mỹ thuật hiện đại. Là một cô gái có tài năng nhưng kín đáo và khó tính. Cô em Maureen xinh đẹp lại nổi tiếng vì tính lập dị và phóng đãng. Trước khi ông bố chết, cô ta thường được đăng ở trang nhất các tờ báo vì dính líu tới các vụ sì căng đan.

- Loại nào? - tôi hỏi.

- Cách đây mấy năm, cô ta lái xe, cán chết một người. Có lời đồn rằng vì cô say rượu. Điều đó có thể đúng vì cô có khả năng uống như cái thùng không đáy. Ông bố đã chạy chọt sở cảnh sát và cuối cùng cô bé chỉ bị phạt một món tiền lớn vì lái xe quá tốc độ cho phép. Lần khác, có kẻ thách cô cởi truồng cưỡi ngựa đi diễu trên Đại lộ Orchid và cô đã thắng cuộc.

Kerman nhỏm người khỏi cái ghế dựa, mắt long lanh, hỏi:

- Xin hỏi một câu vì tôi chưa hiểu kỹ. Vậy thì ai cởi truồng, con ngựa hay cô gái?

- Cô gái, đồ ngốc!

- Chuyện đó xảy ra bao giờ nhỉ, sao tôi không thấy?

- Cô ta mới đi được năm mươi mét đã bị chặn lại.

- Trời, nếu tôi ở đó, tôi đã đi kèm cô ta từ đầu.

- Thôi im đi, đừng nói dóc nữa?

Tôi có ý kiến:

- Xem như vậy thì quả thật cô ta là một con mồi béo bở cho bọn nặc danh.

Paula gật đầu:

- Các anh có biết ông Crosby bị chết như thế nào không? Ông ta ngồi ở bàn làm việc, lau súng, và bị chết bởi một viên đạn cướp cò. Một phần tư gia tài để ở một ngân hàng dành cho Maureen. Ba phần tư kia không có di chúc hướng dẫn việc sử dụng làm gì. Sau khi Janet chết, tất cả gia tài thuộc về Maureen và từ đó, không thấy tên cô ta trên báo chí nữa.

- Crosby chết từ hồi nào?

- Tháng ba năm ngoái. Hai tháng trước cái chết của Janet.

- Maureen lợi quá nhỉ.

Paula ngước lông mày lên:

- Đúng là cái chết của Crosby đã có ảnh hưởng rất nhiều tới Janet. Giới báo chí cho rằng cô ta không được khỏe vì cái tang của ông bố khiến cho cô ta bị một cú sốc.

- Có thể như vậy lắm, nhưng tôi muốn nhấn mạnh là sự việc xảy ra hoàn toàn có lợi cho Maureen. Hình như câu chuyện này có điều gì không minh bạch, Paula ạ. Có thể vì đầu óc tôi không được lành mạnh cho lắm, nhưng cứ thử coi lại mà xem: Janet viết cho tôi biết, có người muốn tung tin xấu về em cô. Sau đó cô vội chết để cho cô em hưởng trọn gia tài. Thật là một sự trùng hợp kỳ lạ...

Paula nhăn mặt, nói:

- Tôi chưa biết chúng ta nên xử sự thế nào vì chúng ta không thể thay mặt cho khách hàng đã quá cố.

- Được chứ (tôi bật ngón tay vào tờ năm trăm đô la). Nếu tôi không hoàn món tiền này cho người thừa kế nó, thì tôi phải làm việc để xứng với tiền công của khách hàng ứng cho tôi. Tôi chọn biện pháp thứ hai.

- Mười bốn tháng qua, đã lâu rồi đấy - (Kerman tỏ vẻ nghi ngờ) - Bây giờ tìm được dấu vết cũng khó.

- Nếu có dấu vết (Paula đế thêm vào).

Tôi lùi ghế lại và trình bày thêm ý kiến của tôi:

- Mặt khác, nếu cái chết của Janet không bình thường thì thời gian qua đã đủ làm cho thủ phạm yên tâm. Khi cho rằng mình đã an toàn, hắn dễ phạm sai lầm. Tôi sẽ đi gặp Maureen coi thử cô ta sử dụng món tiền được hưởng của cô chị như thế nào.

Kerman gầm gừ trong cổ họng: - Tôi cho rằng thời kỳ làm việc theo kiểu "dự đoán theo linh tính" như thế này đã qua rồi. Vậy tôi phải làm gì ngay bây giờ hay là đợi anh quay về.

- Đợi tớ về đã. Nhưng nếu cậu còn bận bịu về cái việc kia, cái vụ bẫy chuột gì ấy mà, thì hãy tìm người thế chân cho cậu đi.

Crestways, khu biệt thự của gia đình Crosby nằm sau dãy tường thấp bên trên có những cây leo. Sát tường là hàng rào sắt với những dây thép gai cuộn tròn. Lối vào có hai cánh cổng bằng gỗ, nặng nề. Cánh phải có cục sắt dùng để gọi cửa, hình đầu người.

Giữa đại lộ Foothill và sa mạc Crystal Lake có độ nửa tá biệt thự như vậy nằm cách nhau một khu đất cát, quãng nửa hecta, đầy cây gai và cỏ dại.

Ngồi trong chiếc Buick mui trần - kiểu từ thời tiền chiến - tôi nhìn những cánh cửa gỗ với vẻ thờ ơ. Biệt thự gia đình Crosby, chỉ khác biệt thự những nhà triệu phú khác ở tấm biển gắn vào tường mang tên: Crestways. Dinh cơ của tất cả cái bọn con trời này đều nằm sau những bức tường loại không thể vượt qua. Tất cả đều có những cánh cổng nặng nề đủ làm nản chí những kẻ định tới quấy rầy. Những dinh cơ đó đều nằm trong cảnh lặng lẽ đặc biệt, thoảng có những mùi hương hoa giống nhau, có những thảm cỏ được chăm sóc cẩn thận như nhau. Tuy không thể nhìn thấu qua những tấm cửa, nhưng tôi biết chắc chắn đằng sau chúng bao giờ cũng có cùng một loại bể bơi lộng lẫy, cùng những bể cá, những lối đi giữa những giàn cây leo với những bụi hồng. Khi có một triệu đô la, thì người ta phải sống giống như những nhà triệu phú khác để người ta khỏi khinh thường. Sự đời bao giờ cũng thế và sẽ mãi mãi như thế, chừng nào vẫn có những nhà triệu phú.

Chẳng thấy ai buồn mở cổng, tôi ra khỏi xe và bám lấy cái chuông trên tường. Tiếng chuông bị che chắn nên chỉ vọng khẽ ra như tiếng người bị bịt miệng. Im lặng hoàn toàn. Tôi bị ánh nắng chiếu vào giữa đỉnh đầu. Cái nóng mỗi lúc một thêm gay gắt nên công việc đứng giật chuông đối với tôi cũng là một cực hình. Cánh cổng rít lên khi tôi đẩy ra để thò cổ vào bên trong. Trước mắt tôi là một cái sân đủ rộng để cho một chiếc chiến xa biểu diễn. Nhưng có lẽ không có ai cắt cỏ cả tháng nay rồi, có thể đã từ hai tháng cũng nên. Hai hàng bông hồng trồng viền hai bên lối đi chính trong vườn cũng bị bỏ mặc, không được cắt tỉa. Màu vàng bẩn của mấy chậu bông nổi lên giữa mấy cành tuy líp và mào gà khô héo còn sót lại. Những túm cỏ thưa mọc quanh sân, hoặc nhô lên giữa những viên gạch lát. Rõ ràng là cái sân đã bị bỏ hoang. Nó gây cho tôi ý nghĩ, nếu như ông già Crosby trông thấy cảnh này, chắc cũng phải lắc đầu chán ngán mà trở về nấm mộ của mình.

Căn nhà sừng sững ở cuối đường đi, có hai tầng lầu, mái ngói đỏ, các cửa sổ đều có chấn song cầu kỳ che chắn, rèm cửa màu xanh, nhìn ra một cái ban công rộng.

Tôi quyết men theo con đường nhỏ hai bên viền gạch màu, để cái Buick lại ngoài đường.

Tới gần giữa đường thì gặp ba tay Tàu đang ngồi chơi súc sắc dưới bóng một vòm nho. Họ chẳng thèm để ý gì tới tôi đang đứng thõng tay nhìn họ cũng như họ đã bỏ mặc cái vườn này cả tháng nay rồi. Quần áo bẩn, họ hút thuốc quấn và có vẻ mặc kệ đời.

Tôi đi tiếp tới một bể bơi ở khúc quanh của con đường. Bể cạn sạch nước, cỏ dại mọc nhô lên ở các khe gạch. Các đường viền bằng xi măng quanh bể đều phủ một lớp rêu sẫm, nứt nẻ bởi ánh mặt trời. Những chỗ có sợi dây cột bị đứt chiếc mái che bằng vải mặc sức bay phần phật theo chiều gió.

Ở góc nhà có nhiều gara với các cánh cửa đôi đóng kín. Một người nhỏ thó, mặc bộ quần áo chẽn bằng bông bẩn, đội cát két kiểu tài xế, ngồi trên cái bi đông dầu trong nắng đang mải đẽo một mẩu gỗ. Hắn ngước mắt nhìn tôi, vẻ không thân thiện:

- Có ai ở nhà không? - Vừa hỏi, tôi vừa móc tay vào túi lấy điếu thuốc.

- Đừng quấy rầy, tôi đang bận.

Tôi thổi khói thuốc vào mũi hắn và bảo:

- Tớ cũng thấy vậy, nhưng biết đến bao giờ cậu rảnh?

Hắn nhổ trúng vào cái thùng bỏ lăn lóc gần đấy có lẽ cả năm rồi, rồi lại tiếp tục đẽo, gọt. Đối với hắn, chắc tôi cũng chỉ như cái cột, cái kèo gì quanh đó thôi. Biết chẳng thể hỏi được hắn gì hơn, trời nắng làm tôi thêm khó chịu, tôi đi về phía căn nhà, bước lên bậc và ấn hết sức mình vào núm chuông. Trong nhà im ắng lạ thường. Đợi lâu, nhưng tôi cứ đợi. Trong bóng râm, cái không khí hoang dại ở đây bắt đầu ảnh hưởng tới tôi như một liều thuốc ngủ. Nếu đứng thêm một chút nữa, có lẽ tôi thiếp đi mất.

Bỗng cửa mở và một người xuất hiện - có lẽ là tay quản lí ngôi nhà. Hắn nhìn tôi, mặt mũi tươi tỉnh như vừa bị đánh thức khỏi một cơn ngủ đẫy giấc. Người cao, có bộ mặt như chim, gầy, má lõm, tóc xám, hai con mắt vàng của hắn sít lại quá gần nhau. Hắn bận chiếc áo chẽn kẻ sọc với cái quần đen mà tôi chắc hắn cứ thế mà đi ngủ. Hai cổ tay áo của hắn đang cần bà thợ giặt tới trổ tài cấp cứu.

- Gì thế? - Hắn nhướn mày lên, hỏi tôi, kiểu cách xa vời.

- Cô Crosby.

Tôi để ý tay hắn có điếu thuốc cháy dở dang.

- Cô ấy không tiếp ai trong lúc này cả. - Nói xong hắn định đóng cửa lại.

Tôi đã kê được chiếc giày của mình vào khe cửa.

- Tôi là bạn cũ chắc là cô ấy tiếp tôi. Anh đi báo có ông Malloy tới, rồi sẽ biết cô ấy xử sự như thế nào.

Tôi cuộc với anh là cô ấy sẽ bảo mang rượu sâm banh lên đấy.

- Cô Crosby đang bệnh - hắn nói giọng lạnh lùng - cô ấy chẳng tiếp ai cả - nhìn hắn giống như một tay hề hạng bét.

- Anh thuộc bài quá nhỉ. - Hắn chẳng để ý tới câu nói châm biếm của tôi.

Hắn lại định đóng cửa vào và ngạc nhiên khi nhận thấy cửa bị chặn. Trước đó, hắn chưa nhìn thấy bàn chân tôi.

- Ai săn sóc cô ấy? - tôi hỏi và cười dịu dàng. Hắn tỏ vẻ sửng sốt. Đã lâu lắm hắn chưa gặp một trường hợp nào đặc biệt như thế này. Hắn đành trả lời:



- Nữ hộ lý Gurney.

- Vậy thì tôi muốn gặp cô Gurney - nói rồi tôi đẩy mạnh cửa.

Việc thiếu luyện tập, ngủ quá nhiều, thuốc lá và rượu phá hại sức chống cự của hắn. Cánh cửa bị tôi đẩy ra cứ như một cây non trước cái xe ủi.

Tôi đứng trước gian tiền sảnh bao la, có một cái cầu thang rộng đi lên lầu theo một đường xoáy trôn ốc.

Một bóng người mặc đồ trắng đứng ở giữa cầu thang: một cô y tá.

- Được rồi, Benskin - cô ta nói - Để tôi tiếp ông khách cho.

Viên quản lí như trút được một gánh nặng, nhìn tôi lộ vẻ ngạc nhiên, rón rén đi qua tiền sảnh, mở cánh cửa đằng sau tấm màn che rồi lủi mất.

Cô y tá chậm chạp xuống thang như để cho tôi có đủ thời giờ mà ngắm nàng về mọi phương diện. Quả thật, tôi đã làm đúng như vậy. Có lẽ nàng là một nữ y tá trong một vở ca kịch thì đúng hơn, vì nàng thuộc loại người mà người ta chỉ cần nhìn qua đã lên cơn sốt rét. Một em tóc vàng, môi mọng đỏ, mắt sửa sang hết ý. Một bản giao hưởng về những đường cong lên và cong xuống. Thừa nhiệt tình và cháy bỏng như tia lửa. Nếu được nàng săn sóc, tôi xin sẵn sàng nằm liệt giường cho tới ngày cuối của cuộc đời.

Cô em lại gần trong tầm tay tôi, vậy mà tay tôi không động đậy, đấy là do tôi đã cố gắng hết sức, kiềm chế được mình. Qua ánh mắt, tôi cảm thấy em cũng biết tác dụng của mình đối với người khách lạ.

Chính tôi cũng cảm thấy mình chẳng thể hờ hững với cô em. Nàng đưa một ngón tay dài, móng đỏ lên, khẽ gạt một đọn tóc vàng dưới cái mũ trắng sang bên. Khóe miệng màu rực rỡ khẽ mỉm một nụ cười. Đôi mày được tô vẽ cẩn thận khe khẽ nhướn lên. Dưới bóng hàng mi đen bóng, đôi mắt màu xanh lơ óng ánh đầy hứa hẹn.

- Tôi mong được gặp cô Crosby - tôi nói - Hình như cô ấy bệnh...

- Đúng vậy. Tôi e rằng cô ấy không thể tiếp khách.

Giọng nàng trầm trầm làm cho chùm dây thần kinh của tôi bị rung động cho tới cột tủy sống.

- Rất lấy làm tiếc - tôi vừa nói vừa liếc xuống cặp giò của nàng (giống hệt cặp giò tài tử điện ảnh Betty Gable). Tôi vừa từ Orchid City tới và là bạn cũ của cô nương. Tôi không được biết là cô nương bị bệnh.

- Cô ấy không được khỏe mấy tháng nay.

Tôi cảm thấy qua những lời trao đổi, cô y tá này chẳng hề quan tâm gì tới tình trạng bệnh tật của cô Crosby. Cảm giác của tôi sai hay đúng thì cũng chưa biết rõ.

- Bệnh của cô nương có gì trầm trọng không?

- Hừ, không. Cô ấy cần nghỉ ngơi tĩnh dưỡng.

Tôi nghĩ nếu hỏi thêm một câu nữa về bệnh tật chắc nàng sẽ ngáp quá, nên vội chuyển đề:

- Trời! Chỗ này yên tĩnh quá. Tôi nghĩ là thật hợp với cô.

Vào đề thế kể như là đạt. Nàng bắt đầu gỡ tóc.

- Yên tĩnh à? Ở dưới mồ còn dễ chịu hơn! - Nhưng chợt nhớ lại vai trò của mình là người y tá mẫu mực nên nàng ngượng ngùng, đỏ mặt nói tiếp.

- Đáng lẽ tôi phải giữ mồm giữ miệng hơn, điều tôi vừa nói không hay lắm, phải không?

- Ồ, không cần giữ ý tứ với anh đâu. Anh rất thoải mái và nếu có thêm một ly rượu lại càng thoải mái hơn.

- Rất hân hạnh được biết như vậy.

Đôi mắt cô nàng như dò hỏi tôi, và mắt tôi cũng đáp lại. Nàng lại ỏn ẻn:

- Anh không có việc gì làm thích thú hơn à?

- Anh có mấy tay bạn thân, họ thường nói: không gì khoái bằng kiếm được một việc làm vừa ý.

Nàng nhướn lông mày:

- Em có thể mách giùm họ, nếu họ muốn.

- Vậy thì mách luôn cho anh đây này.

- Được rồi, sẽ có ngày...Còn bây giờ, nếu anh muốn uống thì lại đây, em biết chỗ có uýtki.

Tôi theo cô em tới một phòng lớn ở cuối hành lang. Mắt tôi không rời em: dáng em đi trông thật lịch sự và mềm mại. Nàng cứ đu đưa hông qua hai bên làm tôi liên tưởng tới cái cân bàn màu trắng có cặp thêm đủ loại kim băng của cô giữ trẻ. Được ngắm cô em đi như thế này, khéo tôi có thể đi theo cô hàng cây số.

Nàng chỉ chiếc đivăng vừa sâu vừa rộng bảo tôi:

- Anh ngồi xuống đây chờ em đi pha uytki cho.

Tôi buông mình xuống giữa mấy cái gối và có ý kiến:

- Cám ơn, nhưng với điều kiện là em cũng phải uống cùng anh. Anh rất ngán uống một mình.

- Được rồi - em trả lời.

Nàng lấy tận phía trong cùng tủ đựng rượu ra một chai John Walker, hai cái ly và một chai nước suối.

- Có đá lạnh đấy, nhưng lại phải nhờ tới Benski, mà hắn có mặt trong lúc này sẽ làm chúng mình mất hứng.

Ánh mắt màu xanh của em lóng lánh qua hàng mi. Tôi vội tiếp lời:

- Khỏi cần đá. Ấy, cho vừa nước suối thôi để khỏi mất vị của uytki.

Nàng rót tới ba phần tư ly rồi thêm vào chừng một muỗng cà phê nước suối.

- Thế này vừa ý anh chưa?

- Tuyệt lắm! - Vừa nói tôi vừa giơ tay ra đỡ - Xin giới thiệu cùng em, tên anh là Vic và tất cả các cô gái đều là bạn của anh.

Nàng ngồi xuống ghế, chẳng cần để ý tới việc kéo cái váy lại cho nghiêm chỉnh.

- Anh là người khách đầu tiên em gặp ở đây từ năm tháng nay.

- Quả đúng như vậy. Nhưng tại sao biệt thự này trước kia được chăm sóc như thế mà nay lại gần như bỏ hoang vậy? Không còn ai làm ở đây nữa sao?

Em nhún đôi vai tròn:

- Anh biết đấy, khi mèo vắng nhà...

- Nhưng đúng ra thì tình hình sức khỏe của cô Maureen thế nào?

Em vẩu môi:

- Này, anh không thể nói chuyện khác được sao. Em ngấy chuyện Maureen đến cổ rồi.

Tôi tợp một ngụm uytki khá lớn, đủ sức làm cho đức giám mục cũng phát hứng lên mà tham gia điệu nhảy bibốp và tỏ ra tán thành với em:

- Ồ thực ra anh cũng cần quái gì đâu. Nhưng vì chỗ quen biết từ ngày xưa nên anh cứ đâm ra tò mò muốn biết cô ta hiện nay như thế nào.

Em ngửa mái tóc vàng ra đằng sau, cạn luôn ly rượu tới năm mươi phần trăm, phô ra đằng trước bộ ngực trắng như sữa. Kiểu cách "dzô" của em, xem ra đã dày công luyện tập.

- Đáng lẽ em không được phép nói với anh điều gì, nhưng nếu anh hứa với em là không cho ai biết...

- Anh sẽ không cho ai...

- Vậy thì được. Cô ta phải đi "cai" một thời gian... Chỉ có anh biết thôi đấy nhé.

- Vậy ra cô ấy nghiền nặng lắm sao? - Em nhún vai:

- Cũng khá nặng.

- Lúc nãy em định nói rằng: chủ vắng nhà, gà vọc niêu tôm phải không?

- Đúng vậy. Chẳng có ai tới đây trong suốt thời gian Maureen chưa bình phục. Khi cô ta còn đập đầu vào tường mà la hét thì bọn đầy tớ tha hồ mà xả hơi. Tất nhiên là như thế, phải không?

- Tất nhiên rồi.

Em đặt ly rượu xuống:

- Bây giờ, chúng mình nói chuyện khác đi. Em đã mất bao nhiêu đêm bên cạnh Maureen, vậy mà chẳng lẽ bây giờ lại còn phải ngồi đây để nhắc lại nữa sao...

- Trời ơi! Bao nhiêu đêm của em! Uổng quá!

- Tại sao? - Đôi mắt màu xanh lơ của em, khép lại nửa chừng.

- Anh nghĩ rằng em sẽ bằng lòng đi chơi với anh một buổi tối nào đó. Anh sẽ chỉ cho em...

- Cái gì?

- À, một bộ sưu tập tranh dập thủ công.

Nàng cười khẽ:

- Thế đấy, ra là bộ tranh chứ không phải là cái máy dập.

Nàng đứng dậy đi lại cái bàn. Nhìn nàng đi đôi mắt tôi cứ chực nhảy ra ngoài.

- Một chút uytki nữa. - Nàng đưa rượu cho tôi và hỏi - Anh không uống nữa sao?

- Rồi, rồi. Anh đang nghĩ xem có việc gì khoái hơn uống không.

- Thật vậy sao? Em đã đoán, rốt cuộc anh cũng sẽ nghĩ như vậy.

Nàng lại tự rót cho mình một chầu nữa, lần này nàng không pha nước suối.

- Vậy ban ngày, ai săn sóc Maureen? - tôi hỏi khi nàng trở lại chiếc đivăng.

- Nữ y tá Flemming. Anh sẽ không thích cô ấy đâu. Vả lại cô ấy ghét đàn ông.

- Vậy hả?

Nàng ngồi đối diện với tôi: - Cô ta có hợp với chúng mình không?

- Không. Mà việc đó cũng chẳng quan trọng. Cô ta ở bên cánh trái của tòa nhà, gần khu gara. Khi nào Maureen la hét thì họ chuyển cô ta lên đó.

Đúng là điều tôi muốn biết.

- Thôi quẳng hết cái bọn y tá lập dị ấy đi - Tôi vừa nói, vừa tỳ cánh tay vào lưng ghế, phía sau đầu nàng. Nàng ngả vào tay tôi. Tôi hỏi:

- Còn em, em có ghét đàn ông không?

- Cái đó còn tùy xem họ là ai. - Mặt nàng gần với mặt tôi. Tôi áp môi tôi vào thái dương nàng. Chẳng có dấu hiệu gì chứng tỏ nàng không thích.

- Loại như anh có được không?

- Có thể đấy.

Tôi cầm cái ly từ tay nàng, đặt xuống sàn và bảo:

- Vướng quá!

- Bỏ đi cũng tiếc.

- Ôi, rồi anh lại cần tới nó ngay thôi mà.

- Thật không?

Nàng áp người vào người tôi, cả đôi môi nữa. Chúng tôi cứ như vậy, một lúc lâu. Đột nhiên, nàng đẩy tôi ra và đứng dậy. Tôi đã nghĩ, đối với nàng, lơ mơ một chút thôi như vậy là đủ. Nhưng, tôi đã nhầm. Nàng đi qua phòng, để khóa cửa. Rồi trở lại, ngồi xuống bên tôi.

Tôi đậu xe trước tòa thị chính ở góc đường Fledman và Centre Avenue rồi rảo bước đi lên các bậc thềm. Trước mặt tôi là cả thế giới giấy tờ, hành lang lặng lẽ và bọn cạo giấy đủ các lứa tuổi, chờ về hưu.

Phòng chuyên về giấy khai sinh, khai tử ở trên lầu một. Tôi ghi yêu cầu của mình vào một tờ giấy rồi đẩy qua cửa ghisê. Một nhân viên nhận tờ giấy của tôi, đóng dấu, thu tiền xong chỉ vào một tập hồ sơ:

- Tập hồ sơ thứ sáu, kể từ bên phải. Xin ông làm nhanh cho, ông Malloy.

Tôi cảm ơn ông ta. Ông ta thò đầu ra bắt chuyện thêm, bây giờ thì chẳng cần để ý tới thời giờ đáng quý của cả đôi bên.

- Công việc có chạy không? Cả tháng nay không nhìn thấy ông, ông Malloy.

- Cũng khá. Còn công việc của ông thế nào? Số giấy khai tử vẫn thế chứ?

- Bằng số giấy khai sinh. Nó bù trừ cho nhau mà.

- Vậy hả?

Câu chuyện phiếm ngừng ở đó. Tôi cảm thấy mệt. Cuộc du dương của tôi với cô nữ y tá Gurney làm tôi bủn rủn cả chân tay. Tôi tưởng như tập hồ sơ nặng tới một tấn trên tay tôi và phải khó nhọc lắm tôi mới bê được nó tới cái bàn. Cũng tại vì em cả... Tôi lục tập hồ sơ và tìm tờ giấy khai tử của Janet Crosby. Cô ta đã chết vì bệnh tim loại ăng-đô-các-đít ác tính - bệnh này chắc có trời mới biết là bệnh gì - ngày 15 tháng 5 năm 19... Độc thân, hai mươi lăm tuổi. Giấy chứng tử mang chữ ký của một ông tên là John Bewley. Tôi ghi lại tên này rồi giở hồ sơ tới tờ khai tử của Mac Donald Crosby. Ông ta chết vì một viên đạn vào đầu. Salzer người chứng tử, còn chôn cất là Franklin Lessways. Ghi vào sổ tay xong, để tập hồ sơ "C" lại trên bàn, tôi lê chân tới gã nhân viên đang tò mò quan sát tôi. Dựa người vào ghisê, tôi nói:

- Nhờ ông xếp hộ tôi vào chỗ cũ. Người tôi nhìn thế mà lại không được khỏe.

- Ồ, không sao, tôi sẽ bảo người xếp lại, ông Malloy ạ.

- Còn việc này nữa: ông có thể mách cho tôi biết bác sĩ John Bewley là ai và ở đâu không?

- Ông ta có một căn nhà nhỏ ở Skylive Avenue. Nhưng tôi không muốn giới thiệu ông với ông ta đâu.

- Sao vậy?

Người viên chức già nhún vai, vẻ chán nản:

- Ông ta quá già rồi. Có thể cách đây năm mươi năm, ông ta là một bác sĩ khá. Còn bây giờ, ông ta coi cái đầu mình chẳng khác gì hộp thịt.

- Cũng chẳng sai...

Người viên chức tòa thị chính cười và bảo: - Nhưng cũng tùy từng cái đầu chứ.

- Lẽ dĩ nhiên. Vậy ra Bewley là một ông già lẫn cẫn rồi sao?

- Đúng như vậy đấy, tuy ông ta không làm hại ai. Vả lại số khách của ông ta chỉ có chừng một tá thôi.

Gã gãi tai nhìn tôi với vẻ dò xét:

- Ông điều tra một vụ gì phải không? Tôi trả lời:

- Tôi có bao giờ điều tra làm việc gì đâu. Thôi cám ơn ông. Hẹn gặp lại nhé. - Tôi đi chầm chậm xuống cầu thang, ra đường nơi có ánh nắng ấm và suy nghĩ:

"Coi nào, một cô nàng triệu phú bỗng nhiên lăn ra chết, sau đó, người ta chỉ gọi tới bên giường nàng một tay thầy thuốc hạng bét. Thật là một hành động tiết kiệm kỳ quái của bọn triệu phú! Đáng lẽ họ phải thành lập một hội đồng giám định y khoa quanh nàng thì mới là chuyện bình thường".

Tôi chui vào chiếc Buick và mở máy cho xe chạy. Đối diện với hàng xe của tôi, có một chiếc Dodge màu xanh ôliu. Một gã đàn ông đội chiếc mũ phớt màu be có trang trí thêm một sợi dây nhỏ, đang đọc báo đằng sau tay lái. Đáng lẽ tôi đã không để ý tới hắn, nếu như hắn không vội ngẩng mặt lên, buông tờ báo xuống, khi vừa nhìn thấy tôi, rồi cho xe khởi động. Tôi cũng chú ý tới hắn và tự hỏi tại sao bỗng nhiên hắn buông tờ báo ra như vậy. Chỉ nhìn đôi vai của hắn, cũng đủ biết hắn vào loại cái tủ đứng có cái đầu như được gắn chặt vào thân, không thấy cổ. Bộ ria mép màu đen của hắn mỏng như được vẽ bằng bút lông, đôi mắt ẩn dưới cặp lông mày rậm rạp. Có thể xếp hắn vào bọn vệ sĩ to con trong những phim của Huphrey Boggart đóng.

Tôi cho chiếc Buick nhập vào dòng xe cộ, không cần chạy nhanh về phía Centre Avenue, mắt không rời chiếc gương phản chiếu.

Chiếc Dodge, đang ở chiều ngược lại với xe tôi, biểu diễn động tác quay ngoắt trở lại một cách cấp kỳ giữa những tiếng còi và tiếng la ó phản đối của những người lái xe khác, rồi bắt đầu bám xe tôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng người ta có thể quay xe như thế ở giữa Đại lộ Trung tâm, mà không bị phiền phức, nhưng giờ này, các tay cảnh sát giao thông bị quá đừ vì cái nóng nên đã đi đâu hết.

Tới góc Đại lộ Trung tâm và Westwood Avenue, tôi đưa mắt nhìn vào gương chiếu hậu. Chiếc Dodge vẫn bám theo tôi, tay "xế" bám chặt vào tay lái, điếu xì gà trên miệng, một tay tì vào thành xe kính đã hạ xuống. Tôi nhấn ga vừa đủ để nhìn thấy biển số xe và cố ghi lại những con số. Tay lái xe bám đuôi không chú ý đến điều đó. Tới đường Hollywood Avenue, tôi bắt đầu phóng xe lên dốc tới tốc độ tám mươi. Sau một phút do dự, chiếc Dodge chồm lên đàng trước và tôi nghe thấy tiếng máy của nó cho tới đường Foothill. Tôi hãm xe đột ngột, đưa xe vào bên đường. Chiếc Dodge vẫn chạy tiếp. Tay tài xế không để ý tới tôi chạy thẳng ra con lộ lớn Los Angeles - San Francisco.

Tôi ghi số chiếc xe Dodge cùng tên bác sĩ Bewley vào một phong bì, nhét vào bao súng, và mở máy xe, chạy về hướng Skylive Avenue. Ở giữa phố, một căn nhà gỗ bên ngoài hàng rào có gắn tấm biến bằng đồng lấp lánh dưới ánh mặt trời. So với những tòa biệt thự hiện đại vây quanh thì cái giá của ngôi nhà giản dị yên tĩnh này, chỉ ngang bằng một túp lều.

Tôi hãm xe, thò đầu qua cửa, nhưng vì xe ở xa bảng không thể đọc được những dòng chữ đã bị mờ đi vì bụi thời gian. Đành phải xuống xe, lại gần hàng rào và chú ý lắm mới phát hiện ra tên bác sĩ Bewley trên bảng.

Tôi sắp sửa nâng cái then chắn cánh cổng lên thì cái xe Dodge màu xanh ôliu chạy vút qua, sát cạnh tôi. Tay lái xe nhìn thẳng, nhưng tôi biết chắc hắn đã nhìn thấy tôi và biết tôi có ý định vào đâu. Tôi quay lại, đưa mắt theo dõi, thấy nó phóng nhanh xuống phố dưới rồi mất hút khi quặt vào đại lộ Westwood.

Tôi hất chiếc mũ ra phía sau, rút bao thuốc lá ra châm một điếu, nâng cái then cài cổng rồi theo con đường nhỏ rải sỏi đi vào căn nhà nhỏ.

Mảnh vườn nhỏ, hẹp nhưng được chăm chút thật kỹ càng. Các cửa sổ đều có màn che, tuy rằng màu vàng cam của các tấm màn đã bị phai nhạt vì ánh nắng.

Cái cửa ra vào cùng toàn bộ căn nhà có lẽ đương cần tới một vài nước sơn.

Tôi nhấn vào nút chuông đứng đợi và nhận thấy có người quan sát mình qua tấm màn cửa. Tôi làm ra dáng mình là người hiền lành, đang ngoan ngoãn chờ người mở cửa.

Đúng lúc tôi định nhấn chuông lần nữa thì có tiếng "kít, kít" như tiếng chuột kêu trong hộp gỗ, rồi cửa mở.



Người đàn bà đứng trước mặt tôi trông nhỏ nhắn và mảnh mai làm tôi liên tưởng tới một con chim. Bà ta mặc bộ đồ bằng lụa đen theo kiểu cách thịnh hành có lẽ cách đây vào quãng năm chục năm, ở cái miền xa vắng nào đó mà chưa từng ai biết tới tờ báo "Thời trang phụ nữ".

Bộ mặt nhăn nhúm mang dấu vết của sự mệt mỏi và cam chịu. Ánh mắt bà ta bộc lộ sự phiền muộn của kẻ phải sống trên cõi đời này.

Tôi ngả mũ chào, nhận thấy bà ta ngạc nhiên trước cử chỉ lễ phép của tôi:

- Thưa bà, ông bác sĩ có nhà không ạ?

- Có chứ. Ông ấy đương ở sau vườn. Để tôi đi gọi.

- Thôi, khỏi cần. Bà cứ để tôi gặp ông ấy. Tôi không phải là bệnh nhân và chỉ muốn gặp ông hỏi đôi điều.

- Vậy thì được.

Tia sáng hy vọng tắt ngóm trong ánh mắt bà ta.

Tôi không có bệnh mà chỉ là một thằng cha mạnh khỏe, tò mò về một chuyện gì đấy. Cũng có nghĩa là sẽ chẳng có món tiền khám bệnh gì cả! Bà ta dặn thêm tôi:

- Ông đừng hỏi chuyện lâu quá nhé. Ông ấy không muốn bị quấy rầy đâu.

- Xin vâng.

Tôi cúi chào bà thật điệu bộ, giống như những người đàn ông đã từng ngưỡng mộ bà từ thủa xa xưa rồi đi ra vườn. Bà ta đóng cửa lại. Một lát sau, tôi đã thấy bóng bà sau bức rèm.

Tôi ra vườn bằng lối đi nhỏ men theo căn nhà. Có lẽ gia đình Bewley có truyền thống về nghề làm vườn hơn là nghề bác sĩ. Nếu tôi có quyền kéo ba gã Tàu ở Crestways tới đây, chắc chắn khi nhìn thấy mảnh vườn này, họ phải thấy xấu hổ.

Một ông già mặc áo vét, quần màu xám, giầy buộc dây, mũ Panama màu vàng, đang đứng ngắm nghía bông hoa đalila lớn. Ông ta nghiêng nghiêng người nhìn vào đóa hoa như nhìn vào miệng một bệnh nhân đau họng vậy. Lẽ dĩ nhiên, ông ta làm công việc này chăm chú hơn khi khám bệnh.

Khi ngước mắt nhìn tôi, mặt ông ta nhăn nhúm lại, màu da thì bờn bợt như màu vỏ mận. Mỗi lỗ tai ông ta đều có một chùm lông trắng mọc tòi ra. Ông ta không có vẻ trí thức mà chỉ là một ông già không còn tham vọng, chịu đựng, tự mãn với cuộc sống hiện tại, không thông minh lắm nhưng cũng không muốn bị thua thiệt trong việc gì. Tôi lên tiếng:

- Chào bác sĩ. Mong rằng tôi sẽ không làm phiền ông quá.

- Giờ khám bệnh từ 5 giờ tới 7 giờ, anh bạn trẻ ạ - ông ta nói khẽ tới mức tôi phải cố gắng lắm mới nghe được. - Bây giờ tôi chưa thể khám cho anh đâu.

Tôi ngắm bông hoa đalila qua vai ông, bông hoa có những cánh dài như lưỡi lửa, thật đẹp, và nói:

- Tôi tới đây không phải để khám bệnh. Tôi là Malloy bạn cũ của cô Janet Crosby.

- Janet Crosby hả? Thế thì sao?

Trời nóng nực, tiếng ong bay và mùi hương hoa bao quanh đây chỉ làm tôi thêm mệt mỏi. Tôi cố gắng làm cho ông rõ vấn đề mà tôi muốn đề cập tới:

- Trong tờ biên bản khai tử của cô ấy, có chữ ký chứng nhận của ông.

- Anh tên là gì nhỉ? Nhắc lại xem nào.

- Victor Malloy. Cái chết của cô Crosby đã gây cho tôi đôi điều phiền muộn.

- Tại sao?

Ông ta thoáng vẻ lo lắng qua ánh mắt của một người không còn đủ sức khỏe, đãng trí và tự cảm thấy nếu mình cứ tiếp tục hành nghề, thế nào cũng có ngày mắc phải sai sót. Có khi ông nghĩ tôi tới đây để khiếu nại ông về một việc gì đó mà ông đã phạm phải trong chuyên môn cũng nên. Tôi vội nói với giọng bình thản để ông yên tâm:

- Janet là bạn cũ của tôi. Tôi không hề biết cô ấy bị yếu tim. Vừa qua, tôi đi vắng tới ba bốn năm mới trở về, nên khi được tin cô ấy mất, tôi không tránh khỏi bị xúc động. Bởi vậy tôi muốn gặp ông để biết chắc chắn là cái chết của Janet không có gì bất bình thường.

Hai cánh mũi của ông bỗng phập phồng chứng tỏ ông có điều lo ngại. Ông nói:

- Ý anh định nói thế nào là "bất thường"? Cô ta có đủ triệu chứng của cái chết vì "ăng-đô-các-đít". Cả bác sĩ Salzer cũng có mặt ở đó nữa. Tôi không hiểu anh còn nghi ngại điều gì?

- Bây giờ thì tôi yên tâm rồi. Nhưng ăng-đô-các-đít là cái bệnh gì nhỉ? - Trán ông nhăn lại. Ông đã nghĩ. Ông sắp thú thật với tôi rằng ông cũng chẳng biết nó là cái quái gì cả. Nhưng may quá ông đã cố làm cho bộ não xơ cứng của mình động đậy và trả lời tôi chậm chạp, cứ như đang trích đọc tài liệu từ bộ sách y khoa toàn thư vậy.

- Là một loại bệnh do nhiễm trùng van tim khiến cho máu chuyển những mầm mống bệnh đi khắp cơ thể. Janet mắc bệnh này, kể như hết hy vọng. Nếu người ta gọi tôi sớm hơn thì tôi cũng đành bó tay thôi.

- Tôi cũng đã nghĩ như vậy. Nhưng bác sĩ không phải là người chăm sóc và chữa bệnh cho cô Janet, vậy tại sao người ta lại phải mời ngài tới?

- Đúng vậy. Nhưng mời tôi thì cũng phải thôi vì tôi ở gần, vả lại bác sĩ Salzer cũng không thể chứng nhận một mình.

- Bác sĩ Salzer là ai vậy?

Ông ta lộ vẻ sốt ruột, mong được thoát khỏi cái của nợ cứ tò mò hỏi ông hết chuyện này đến chuyện khác, khiến cho ông không thể ngắm nghía các bông đalila kia nhưng cũng trả lời:

- Ông ta điều hành một bệnh viện tâm thần ngay gần nhà Crosby. Hình như có họ hàng thế nào đấy nên không thể cấp giấy chứng tử được. Trình độ nghề nghiệp của ông ta cũng chẳng có gì xuất sắc nên tôi có giúp cũng thuận lợi hơn.

Tôi đành phải tin là như vậy, rồi hỏi thêm:

- Tôi muốn biết rõ ràng về câu chuyện này trước khi đi xa, nhưng cô Maureen lại đang bệnh nên không hỏi ai được. Vậy tại sao cô Janet lại chết bất thình lình về bệnh tim? Có chuyện gì xảy ra với cô ấy? Khi cô ta chết, ông có mặt bên giường bệnh không?

Ông ta lại lộ vẻ sợ sệt và trả lời vội vã:

- Không, không, tôi không có mặt ở đấy lúc đó. Tôi tới sau khi cô ấy đã chết được 15 phút. Chết trong khi ngủ. Bác sĩ Salzer bảo tôi cô ta bị ăng-đô-các-đít từ nhiều tháng rồi. Chính ông ta là người săn sóc thuốc thang cho cô ấy. Bệnh này thì chỉ có một biện pháp là được tĩnh dưỡng thôi. Nhưng, tại sao anh bắt tôi trả lời nhiều câu hỏi như vậy?

Ông ta liếc nhìn về phía căn nhà, mong đợi sự ứng cứu của bà vợ, nhưng chẳng thấy bóng dáng bà ta đâu. Tôi mỉm cười bảo:

- Tôi chỉ muốn xác nhận rõ ràng. Vậy là khi ông tới nhà Crosby, bác sĩ Salzer đã có mặt ở đấy rồi, phải không?

Ông ta vội gật đầu.

- Có còn ai nữa không? - Cô em.

- Maureen?

- Đúng vậy.

- Bác sĩ Salzer đưa ông vào phòng của Janet. Maureen cũng đi theo chứ?

- Đúng. Cả hai người đi theo tôi. Cô gái đã khóc vì quá xúc động.

Đáng lẽ phải mổ khám tử thi, nhưng cái căn bệnh ấy có nhiều triệu chứng rõ rệt lắm rồi. Vả lại, cũng phải chú ý tới tình cảm của gia đình.

- Vậy mà 14 tháng sau, bây giờ ông lại nghĩ rằng lẽ ra đã phải có một cuộc khám nghiệm tử thi.

Giọng tôi hơi đanh lại khiến ông chột dạ:

- Đúng vậy, vì thật ra, ông Salzer chăm lo việc chữa bệnh cho cô Janet chỉ có bằng tiến sĩ khoa học chứ không phải tiến sĩ y khoa. Chính ông ta thú thật với tôi điều đó. Nhưng, các triệu chứng của căn bệnh thì...

-... Thật là rõ ràng, tôi biết. Tôi muốn hỏi ông thêm điều này: trước kia ông đã gặp cô Janet Crosby chưa?

Ông ta đắn đo tìm câu trả lời, như sợ lọt vào bẫy của tôi:

- Tôi có nhìn thấy cô ta trên xe hơi, nhưng không có điều kiện để nói chuyện.

- Nghĩa là ông chưa có dịp gần cô ta để có thể nhận thấy triệu chứng của căn bệnh ấy phải không?

Ông ta nhăn trán hỏi lại:

- Ý anh định nói gì?

- Chúng ta đều biết Janet bị ăng-đô-các-đít từ nhiều tháng rồi phải không? Ông đã gặp cô ta ngồi trên xe hơi, trước ngày cô ấy chết được bao lâu?

- Tôi không nhớ một hay hai tháng.

- Theo như ông nói, thì thời gian này, Janet phải có đủ triệu chứng dễ nhận thấy của căn bệnh, phải không?

- Ừ, vậy mà tôi không thấy...

Như cảm thấy mình bị sa xuống hố, ông vội thè đầu lưỡi ra liếm đôi môi mỏng, rồi vừa nói vừa đi xa tôi hơn:

- Tôi không biết anh định dẫn tôi đi tới đâu. Tôi không còn thời gian nữa. Xin lỗi anh nhé.

Tôi ngỏ lời cảm tạ ông và nói:

- Tôi biết đã quấy rầy bác sĩ. Xin ngài hiểu cho, vì tôi quá yêu cô Janet nên muốn được an tâm mọi điều về cô ấy.

Ông ta im lặng tiếp tục đi ra xa, giữa những bụi hồng... Tôi đành phải theo đuôi ông, cố hỏi thêm một câu nữa:

- Bố cô Janet, ông Donald Crosby bị chết vì tai nạn bất chợt xảy ra, vậy mà tại sao bác sĩ Salzer cũng có mặt để ký vào tờ khai tử?

Ông ta nhìn tôi như vừa tìm thấy một con bọ cạp trong chậu nước tắm vậy.

- Thôi, thôi, xin anh hãy để cho tôi yên. Anh đi mà hỏi ông Salzer ấy. Hãy để cho tôi yên.

Tôi trả lời điềm đạm:

- Ông rất có lý. Tôi sẽ làm theo lời chỉ dẫn của ông. Xin cảm ơn ông. - Ông ta quay mặt đi. Nhìn từ phía sau, ông càng có vẻ lọm khọm. Ông đưa tay run run, bứt mạnh một bông hồng héo. Rõ ràng tôi đã làm hỏng của ông cả một buổi chiều vui.

Tôi gặp lại bà già ở cổng. Bà ta cố giữ vẻ bình thản nhưng tôi hiểu bà ta đang chờ đợi điều gì. Tôi ngả mũ chào bà ta, nói:

- Tôi biết đã quấy rầy bác sĩ quá lâu. Bác sĩ bảo, thời giờ của ngài rất quý. Vậy bà thấy 5 đô la có đủ không?

Đôi mắt bà ta bỗng sáng lên và nét mặt bỗng trở thành lanh lợi. Bà liếc vội về phía vườn rồi bảo:

- Anh thật chu đáo quá!

Tôi giúi tờ giấy bạc vào tay bà. Mấy ngón tay quặp ngay lại cứ như miệng con thằn lằn đớp con muỗi.

Tôi đẩy cửa bước vào phòng làm việc. Anh bạn đồng nghiệp Jack Kerman của tôi đang ngủ gà ngủ gật trong chiếc ghế bành. Paula thì đang ngồi ở bàn làm việc của tôi với một đống hồ sơ trước mặt. Nhờ những tập hồ sơ này mà chúng tôi có thể biết rõ người đến, kẻ đi, những đám cưới, số sanh, số tử của cái thành phố Orchid City này. Tuy Paula có riêng 4 người giúp việc nhưng cô ta vẫn giữ những tập hồ sơ quan trọng, để khi cần có thể sử dụng ngay.

Tôi đập mũ vào đầu Kerman để đánh thức cậu ta dậy. Cậu ta cằn nhằn, dụi mắt rồi vừa ngáp vừa hỏi:

- Thế nào anh bạn, đã làm được những trò gì rồi? Mà có làm không đã chứ?

- Làm thật chứ sao?

Tôi ngồi xuống ghế, châm điếu thuốc, vén tay áo lên rồi kể tỉ mỉ về cuộc hành trình của tôi cùng những sự việc đã xảy ra - lẽ dĩ nhiên phải bỏ qua cuộc họp mặt thân mật của tôi với cô y tá Gurney. Paula nghe tôi kể với thái độ hơi ngờ vực, còn Kerma thì chịu chuyện lắm. Cậu ta nuốt hết những gì tôi nói. Tôi kết luận:

- Việc tôi làm chưa được bao nhiêu, nhưng cũng đủ để thấy việc chúng ta tiếp tục điều tra về vụ này là phải. Chưa rõ có điều gì mờ ám không. Nhưng nếu có chúng ta nên cố giữ kín, càng kín càng có lợi cho chúng ta.

Kerman nhận xét:

- Hiện tượng thằng cha lái xe theo dõi anh như thế là có vấn đề đấy.

- Nhưng cũng có thể, đó chỉ là một người, nổi hứng thích chơi trò thám tử một lát thì sao?

Tuy nói vậy, nhưng tôi cũng nhấc ống nói, bảo cô trực đài:

- Cho tôi gọi tới Ban An ninh.

Paula ngưng tay kiểm tra một tập hồ sơ, hỏi tôi:

- Anh kịp ghi số xe của hắn chứ?

- Tôi định nhờ kiểm tra số chiếc xe đó đây.

Có tiếng nói ở đầu dây bên kia:

- Ban An ninh đây.

- Cho tôi nói chuyện với trung úy Mifflin.

Có tiếng lạo xạo trong máy và tiếp đó là tiếng nói cứng rắn của Mifflin.

Tim Mifflin là một cảnh sát cần mẫn, có lương tâm. Tôi đã làm việc trực tiếp với anh ta một vài lần, khi thì anh ta giúp tôi, khi thì tôi giúp lại, anh rất mê đánh cá ngựa và mấy lần do nghe theo lời mách nước của tôi, mà trúng được mấy giải kha khá.

- Malloy đây, khỏe không, Tim?

Có tiếng lầu bầu:

- Này, đây khỏe hay không thì có liên quan gì tới cậu? Cậu còn muốn làm phiền tôi việc gì vậy?

- Tôi muốn biết ai là chủ chiếc xe Dodge màu xanh, số biển D.R 3345.

- Này, này bỏ cái kiểu dựa vào cảnh sát để làm ăn nhé. Brandon mà biết việc này thì cha ấy sẽ không nể nang gì tôi đâu.

- Bởi vậy nên tôi có nói gì với ông ấy đâu, chỉ cần anh giữ kín là xong mà. Nhân nói tới chuyện làm ăn, xin báo cho anh biết rằng bốn rưỡi ngày mai, tại sân quần ngựa, con Apple chạy đấy nhé.

- Không xạo đấy chứ?

- Tôi nói nghiêm chỉnh đấy. Anh có thể bán nhà, cầm vợ, đục két của sếp Brandon lấy tiền chơi, cũng không có gì là quá đáng. Nhất định bỏ ra hai thu vào sáu. Cái con ngựa đó ấy mà, muốn cho nó chạy chậm lại, chỉ có cách là bám lấy đuôi nó mà kéo thôi.

Giọng Mifflin vẫn còn có thể hơi lưỡng lự, nhưng rồi anh ta sẽ nghe tôi, đó là cái chắc.

- Ờ, ờ... cũng có thể như anh nói.

- Không phải là có thể đâu. Chắc chắn là như vậy. Nhưng còn cái số xe thì sao?

- Được, đợi tôi một phút.

Trong lúc tôi đặt máy xuống bàn để chờ tin, Kerman cầm một chiếc máy khác lên và quay số gọi, tôi hỏi:

- Cậu làm gì mà hấp tấp thế?

- Tôi gọi tới sân quần ngựa. Coi cái tin anh vừa đưa về con Apple có vào loại thứ thiệt hay không.

- Thôi, cho qua đi. Đấy là cái tin tôi nghe thấy người ta bàn tán thế thôi.

Cậu ta đặt ống nghe xuống, trợn mắt hỏi tôi:

- Vậy nếu Mifflin nghe anh bán nhà, cầm vợ thì sao?

Tôi cười trả lời:

- Cậu đã nhìn thấy bà vợ Mifflin chưa? Còn khuya Mifflin mới làm nổi những việc đó.

Có tiếng Mifflin trong ống nghe:

- Biển D.R 3345 hả.

- Đúng vậy.

- Xe của Jonathan Salzer.

Ông ta điều khiển một bệnh viện điều dưỡng. Nếu anh đau bụng chẳng hạn, lão ấy sẽ cho anh uống một ly nước đầy trái cây và quẳng anh vào một chỗ, chờ cho nó lên men. Tay này vào loại biết cách làm tiền đấy.

- Chưa dính vào một vụ phạm pháp nào chứ?

- Chưa. Này, con ngựa ấy, chắc chứ?

- Tôi đã nói là chắc mà (tôi nháy Kerman. Anh có thể bán chiếc áo cuối cùng của anh đi cũng được. Không có gì phải hối hận đâu.

- Tốt! Tôi sẽ nghe anh và đặt năm trăm đô vào con ấy. Sẽ không đặt hơn một cắc nào đâu.

Tôi gác máy nói với Kerman:

- Trời ơi! Năm trăm đô la mà định làm giàu!

Kerman bảo:

- Chiếc xe ấy là của Salzer à. Hắn là ai?

- Để tôi tìm xem. Paula đưa cho tôi một tập hồ sơ, anh coi thử tập này coi có gì đáng chú ý không. Chúng ta chỉ có từng đó tài liệu về Janet Crosby.

Paula đứng dậy, ra ngoài

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
Vạn Cổ Thần Đế

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Hãy Đặt Nàng Lên Tấm Thảm Hoa

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook