Hoàng Hậu Margot

Chương 16

Alexandre Dumas

30/03/2016

Xác chết của kẻ thù bao giờ cũng thơm

Không một đoàn người nào, dù phục sức xa hoa đến mấy, lại có thể sánh được với quang cảnh giàu sang, rực rỡ này. Trang phục của hoàng gia là những kiểu thừa kế của Francçois I với những trang phục cho Henri III .Charles IX kém xa hoa hơn nhưng có lẽ tao nhã hơn trang phục của tất cả khiến nó nổi bật lên trong vẻ tao nhã tuyệt vời.

Người hầu, kỵ sĩ tháp tùng, các quý tộc, chó và ngựa chạy chung quanh và chạy phía sau khiến đoàn diễu hành của hoàng gia trở thành một đội quân thực sự. Đằng sau đội quân đó là quần chúng hay nói đúng hơn là quần chúng có ở khắp mọi nơi.

Quần chúng đi theo, đi cùng và đi trước cả đám rước. Họ reo hò bằng cả tên Nôen và Haro(1) vì trong đoàn người, người ta nhận thấy có nhiều người Tân giáo cải đạo, và quần chúng thì vốn thù dai.

Sáng hôm đó, có mặt cả Catherine và quận công de Guise, Charles IX đã nói trước mặt Henri de Navarre về việc đi thăm đài treo cổ Montfaucon hay đúng hơn là đi thăm cái thi thể què cụt của ông đô đốc bị treo ở đó cứ như thể đây là việc rất tự nhiên. Động tác đầu tiên của Henri là mượn cớ khước từ tham gia cuộc viếng thăm đó. Catherine chỉ mong đợi có thế. Khi Henri nói những câu đầu tiên bày tỏ sự từ chối của mình, Catherine và quận công de Guise nhìn nhau mỉm cười. Henri bắt gặp ý của cả hai người, hiểu ra và đột nhiên nghĩ lại:

- Nhưng thật ra tại sao tôi lại không đi nhỉ? - Ông nói - Tôi là người Giatô giáo và tôi phải biết ơn tôn giáo mới của tôi chứ.

Rồi ông ta nói với Charles IX:

- Xin bệ hạ cứ tin ở tôi, tôi luôn luôn vui mừng được đi cùng Người tới bất cứ nơi nào.

Và ông nhanh mắt nhìn quanh để đếm những cặp lông mày nhăn lại.

Vì vậy nên kẻ mà người ta tò mò theo dõi nhiều nhất trong đoàn người có lẽ là con người mồ côi mẹ ấy, ông vua không vương quốc ấy và cái anh chàng Tân giáo cải đạo theo Giatô ấy.

Khuôn mặt dài và đầy tính cách của ông, dáng dấp hơi tầm thường, thái độ thân mật với những kẻ thuộc hạ - sự thân mật mà ông đưa tới mức độ gần như là khó coi đối với một bậc vua chúa, ông đã giữ được nó từ những thói quen của thời trẻ nơi rừng nút và ông còn sẽ giữ cho tới lúc chết - Những điều đó đã khiến cho những người đứng xem nhận ra ông. Một vài người kêu lên:

- Chịu lễ đi Henriot, đi nghe lễ đi!

Điều đó khiến Henri đáp lại:

- Hôm qua ta đã đi, hôm nay ta vừa từ đó tới, ngày mai ta lại cũng đi nghe lễ. Mẹ kiếp! Ta thấy dường như thế cũng khá đủ đây.

Marguerite đi ngựa. Nàng xinh đẹp, tươi mát và thanh lịch vô cùng. Sự trầm trồ thán phục vây quanh nàng như một bản hòa xướng, mà nàng cũng cần phải thừa nhận một vài nốt nhạc lại hướng về cô bạn nàng, phu nhân quận công de Nervers vừa tới gặp nàng. Con ngựa trắng của quận chúa dường như tự hào về cái trọng lượng nó mang trên mình, hung hãn lúc lắc đầu.

- Thế nào quận chúa, có gì mới không? - Marguerite hỏi.

- Thưa lệnh bà, tôi thấy không có gì cả - Henriette cao giọng trả lời. Rồi nàng hạ giọng hỏi - Thế cái anh chàng Tân giáo ra sao rồi?

- Mình đã tìm cho chàng ta một chỗ ẩn khá bảo đảm - Marguerite đáp - Thế cậu đã làm gì với cái lão giết người vĩ đại ấy rồi?

- Anh ta muốn tham gia vào ngày hội này. Anh ta cưỡi con ngựa chiến của ông de Nervers, con ngựa to như con voi. Thực là một kỵ mã dữ tợn. Mình đã cho phép anh ta tham gia buổi lễ vì mình nghĩ rằng anh chàng Tân giáo nhà cậu sẽ thận trọng nằm nhà nên sẽ chẳng có gặp gỡ gì đâu mà sợ.

- Ồ! Thế chứ! - Marguerite vừa nói vừa mỉm cười

- Dù anh ta có ở đây hay không, mình cũng nghĩ là chả có kiểu gặp gỡ đó đâu. Anh chàng Tân giáo nhà mình đẹp trai thật đấy, nhưng chỉ thế thôi, đấy là bồ câu chứ không phải diều hâu, anh ta sẽ gù gù chứ không cắn xé đâu - Nàng hơi nhún vai và nói với giọng khó diễn tả - Có thể chúng ta tưởng anh ta là người Tân giáo, trong khi đó anh ta lại theo đạo Bàlamôn, và đạo của anh ta cấm anh ta làm đổ máu chăng?

- Nhưng quận công d Alençon đâu nhỉ, mình không thấy ông ta? - Henriette hỏi.

- Ông ta sẽ đến đấy. Sáng nay ông ta đau mắt và không muốn đi đâu. Nhưng vì người ta biết rằng để khỏi giống ý kiến với các ông anh Charless và Henri của mình, ông ta có hơi thiên về phía những người Tân giáo, nên người ta mới lưu ý ông ta rằng hoàng thượng có thể sẽ hiểu sai sự vắng mặt của ông ta. Thế là ông ta phải tự quyết đấy. Nhưng này, người ta reo hò nhìn ngó gì ở đằng kia, chắc ông ta đã đến, qua cửa ô Montmartre.

- Ồ chính ông ta, mình nhận ra rồi - Henriette nói - Thực tình là hôm nay ông ta nom bảnh lắm. Ít lâu nay, ông ta chăm tỉa tót lắm, chắc đang yêu. Là hoàng tử theo huyết thống cũng sướng thật, ông ta cứ phi ngựa lao vào mọi người ấy thế mà tất cả mọi người đều phải dãn ra.

- Có thể, ông ta sẽ xéo bẹp chúng mình ra mất - Marguerite vừa cười vừa nói - Chúa tha tội cho con! Nhưng này quận chúa, hãy cho người của quận chúa dẹp vào đi! Vì cái anh chàng kia nếu không tránh thì chết mất!

- Ê đấy là anh chàng quả cảm của mình đấy! - Henriette thốt lên - Nhìn kìa, cậu nhìn đi kìa!

Coconnas quả đã rời hàng để tiến lại gần phu nhân de Nervers.

Nhưng giữa lúc con ngựa của chàng đang đi qua đại lộ bên ngoài nối liền phố đó với ngoại ô Saint-Denis thì một kỵ mã trong hàng thị vệ của quận công d Alençon do cố kìm con ngựa đang hăng máu mà không được đã đâm sầm cả người lẫn ngựa vào Coconnas. Coconnas lảo đảo trên con ngựa khổng lồ, suýt rơi cả mũ. Chàng giữ được mũ và tức giận quay lại.

- Lạy Chúa! - Marguerite nghiêng xuống bên tai bạn nói - Ông de Mole đấy!

- Cái người thanh niên đẹp trai xanh xao ấy à! - Quận chúa không kìm được cảm xúc ban đầu của mình kêu lên.

- Đúng đấy, chính cái người suýt nữa đã húc đổ anh chàng Piémontais nhà cậu đấy.

- Ôi này - Quận chúa nói - Sắp có chuyện khủng khiếp đây, họ nhìn nhau kìa, họ nhận ra nhau rồi!

Quả thật là khi Coconnas quay lại, chàng đã nhận ra gương mặt của De Mole, chàng ngạc nhiên đến nỗi đánh tuột cả dây cương ngựa vì chàng tin chắc đã giết được ông bạn đồng hành hay ít ra là cũng loại ông ta ra khỏi vòng chiến một thời gian dài.

Về phần mình, De Mole cũng nhận ra Coconnas và cảm thấy máu nóng dồn lên mặt. Sau vài giây đủ để thể hiện mọi thứ tình cảm mà hai chàng đều ấp ủ, họ bóp nghẹt nhau trong một cái nhìn khiến hai người đàn bà phải rùng mình. Sau đó, De Mole nhìn quanh và chắc chàng hiểu rằng đây không phải là nơi thích hợp để nói chuyện phải trái với nhau nên chàng thúc ngựa đuổi theo quận công d Alençon. Coconnas còn đứng nguyên tại chỗ một lát, xoắn ria đến nỗi mép ria gần chọc vào mắt, rồi khi thấy De Mole bỏ đi chẳng nói năng gì, chàng cũng lại tiếp tục lên đường.

- Ái chà, ta quả không nhầm... - Marguerite nói với một nỗi đau đớn khinh bạc - Ôi! Thế này thì quá lắm rồi đấy!

Và nàng cắn môi đến ứa máu.

- Anh chàng xinh trai thật - Quận chúa thương hại nhận xét.

Vừa lúc đó quận công d Alençon đã vào vị trí của mình phía sau nhà vua và Thái hậu nên các nhà quý tộc đi theo ông buộc phải đi qua trước Marguerite và quận chúa de Nervers.

Khi qua trước hai công chúa, De Mole rạp mình tới tận gần sát cổ ngựa cúi chào hoàng hậu và chàng cứ để đầu trần chờ mong hoàng hậu ban cho một cái nhìn. Nhưng Marguerite kiêu hãnh quay đầu đi nơi khác.

Chắc hẳn De Mole đã nhìn thấy vẻ khinh thị trên gương mặt hoàng hậu, mặt chàng đang xanh xao bỗng trở nên nhợt nhạt không còn hạt máu. Hơn nữa, để khỏi ngã, chàng buộc phải nắm lấy bờm ngựa.

- Ôi! - Henriette nói với hoàng hậu - Nhìn đi chứ, đồ ác độc, ông ta sắp ngất bây giờ...

- Hừ, chỉ còn thiếu cái nước ấy! - Marguerite mỉm cười khi thị - Thế cậu có thuốc muối để ngửi đấy không?

Phu nhân de Nervers đã lầm.

De Mole lảo đảo lấy lại sức và giữ vững mình trên ngựa tới đứng vào hàng phía sau quận công d Alençon.

Đoàn người vẫn tiếp tục tiến lên, người ta dần dần nhìn thấy hình bóng ảm đạm của đài treo cổ do Enguerrand de Marigny dựng lên và chính ông ta là khách hàng đầu tiên. Chưa bao giờ chiếc giá treo cổ đó lại được chất chứa nhiều như bây giờ.

Đình lại và vệ binh quay thành một vòng rộng quanh đài. Khi họ tiến tới, lũ quạ đậu trên giá bay đi với những tiếng kêu tuyệt vọng. Thường ngày phía sau những cột treo của đài xử giảo ở Montfaucon là nơi trú ngụ của lũ chó bị lôi kéo về đây bởi món mồi thường xuyên và những kẻ trộm cướp "triết gia" tới suy ngẫm về những bước thăng trầm đáng buồn của số phận.

Ngày hôm đó ở Montfaucon, ít ra là nhìn bề ngoài thì không có cả chó lẫn kẻ trộm. Đình lại và vệ binh đã đuổi chó đi cùng lúc với quạ, còn các tay trộm cắp thì hoà lẫn trong đám đông để tiến hành một vài quả ngon ăn vốn là những bước thăng trầm đáng vui của nghề nghiệp của chúng.

Đoàn người vẫn tiến lên, Nhà vua và Catherine tới đầu tiên, rồi đến quận công d Anjou, quận công d Alençon, vua Navarre, ông de Guise và những quý tộc của họ. Rồi đến lệnh bà Marguerite, quận chúa de Nervers và tất cả các bà tạo thành cái mà người ta gọi là đội kỵ binh có cánh của hoàng hậu. Rồi đến người hầu, kỵ sĩ theo hầu và quần chúng: tất thảy khoảng mười ngàn người.

Ở đài xử giảo chính có treo một khối không ra hình thù gì, một cái xác đen sì, vấy đầy bùn và máu đông đặc lại và trắng ra nhờ những lớp bụi mới. Xác không có đầu, vì vậy nên người ta treo nó lên đằng chân. Vả lại đám tiện dân, vốn bao giờ cũng đầy trí xảo, đã thay cái đầu bằng một nắm bùi nhùi rơm, trên đó họ đặt một cái mặt nạ và trong miệng của cái mặt nạ đó, một kẻ nhạo người nào đó biết rõ thói quen của ông đô đốc, đã nhét vào một chiếc tăm xỉa răng.

Cảnh tượng vừa ảm đạm vừa kỳ quặc: tất cả các vương hầu thanh lịch và mệnh phụ xinh đẹp diễn qua như một đám rước của Gôya vẽ giữa những bộ xương đen đúa và những giá treo cổ có những cánh tay dài khẳng khiu. Niềm vui của những kẻ viếng thăm càng ồn ào bao nhiêu, nó càng trái ngược bấy nhiêu với vẻ im lặng âm thầm và sự lạnh lùng thờ ơ của các xác chết, đối tượng của những lời giễu cợt mà lại khiến chính những kẻ giễu cợt phải rùng mình.



Nhiều người chịu đựng cảnh này một cách khó khăn. Và trong những người Tân giáo cải đạo, người ta nhận ra Henri qua vẻ mặt nhợt nhạt của ông. Mặc dù có khả năng tự kiềm chế rất cao và được trời phú cho cái tài che giấu được các cảm xúc của mình. Henri cũng không thể kìm được. Ông viện cớ có mùi không trong lành thoát ra từ các mảnh thân người kia và tiến gần Charles IX đang đứng cạnh Catherine. Trước những gì còn lại của ông đô đốc, Henri nói:

- Thưa bệ hạ, Người có thấy rằng nếu ở đây lâu hơn nữa thì cái xác tội nghiệp kia có mùi hôi lắm không?

- Anh thấy thế à, Henriot! - Charless ánh lên những tia vui tàn bạo.

- Thưa bệ hạ, đúng vậy.

- Thế thì ta không đồng ý với anh... Xác chết của kẻ thù bao giờ chả thơm.

- Nói thật chứ, tâu bệ hạ - Tavannes nói - Người đã biết là chúng ta có cuộc viếng thăm nho nhỏ này dành cho ông đô đốc thì đáng lẽ Người phải cho mời Pierre Ronsard, thày dạy thi ca của Người mới phải. Ông ta sẽ làm ngay ở đây một bài văn bia cho ông già Gaspad ấy.

- Chẳng có ông ấy cũng được - Charless IX nói - Chính ta sẽ làm thơ... Thí dụ, các ngài nghe đây nhé - Charless IX nói sau khi suy nghĩ một lát:

Ở đây yên nghỉ Gaspad

Với những lời ấy vẫn là đẹp thay

Xác treo đô đốc nơi này

Đằng chân lên trước vì bay mất đầu

- Hoan hô! Hoan hô! - Các quý tộc Giatô giáo đồng thanh kêu lên, còn những người Tân giáo cải đạo cau mày và vẫn yên lặng.

Henri đang nói chuyện với Marguerite và phu nhân de Nervers, ông giả tảng như không nghe thấy gì.

- Thôi nào, thưa bệ hạ - Catherine mặc dầu đã xức đẫm dầu thơm vẫn bắt đầu thấy khó chịu với cái mùi đó - Thôi nào, hội hè vui vẻ đến mấy thì rồi cũng phải về. Chúng ta xin phép ông đô đốc rồi về Paris thôi.

Bà ta gật đầu giễu cợt chào như thể người ta chào một người bạn rồi đi lên phía đầu đoàn người, bà tới đường cái trong khi đám rước diễu qua trước xác Coligny.

Mặt trời đang lặn.

Đám đông chạy dồn theo bước các bậc đế vương để tận hưởng vẻ hào hoa của đám rước và các chi tiết của tấn kịch.

Lũ trộm cắp lại đi theo đám đông. Mười phút sau khi nhà vua đi khỏi, chẳng còn ai ở bên cái xác què cụt của ông đô đốc mà những cơn gió nhẹ chiều hôm bắt đầu ve vuốt.

Thật nhầm khi nói rằng không còn ai cả. Một nhà quý tộc cưỡi một con ngựa ô, mà chắc là lúc cái xác còn đang được vinh hạnh tiếp kiến các vương hầu, chàng ta đã không được xem cái thây cụt đen đúa không ra hình thù gì đó cho thoải mái nên đã ở lại sau cùng. Chàng ta thích thú ngắm nghía kỹ càng từng chi tiết nào xích sắt, móc sắt, cột đá và sau rốt là cả đài xử giảo. Đối với một người mới tới Paris được vài ngày như chàng và không biết gì về những sự hoàn hảo của thủ đô trong tất cả mọi sự việc, chắc hẳn đây là mẫu mực của tất cả những thứ gì xấu xa kinh khủng nhất là con người có thể phát minh ra.

Không cần phải nói bạn đọc cũng biết đó chính là ông bạn Coconnas. Cũng lúc đó, một đôi mắt tinh tường của một người phụ nữ đang cố tìm hoài mà chẳng thấy chàng ta trong đoàn người ngựa.

Như chúng tôi đã nói, ông de Coconnas đang say sưa trước tác phẩm của Enguerrand de Marigny.

Nhưng không phải chỉ có người đàn bà ấy tìm ông de Coconnas.

Một nhà quý tộc khác, nổi bật lên nhờ chiếc áo chẽn bằng sa tanh trắng và chòm lông mũ thanh lịch, sau khi đã nhìn trước, nhìn hai bên, nảy ra ý nhìn về phía đằng sau và thấy bóng dáng cao lớn của Coconnas và con ngựa khổng lồ của chàng nổi bật trên nên trời đỏ rực trong ráng chiều.

Nhà quý tộc mặc áo chẽn sa tanh trắng bèn tách khỏi hàng ngũ của cả đoàn người, rẽ sang một con đường mòn nhỏ và đi vòng trở lại đài xử giảo.

Không lâu lắm, vị phu nhân mà chúng ta đã nhận ra là quận chúa de Nervers cũng như ta đã nhận ra nhà quý tộc cao lớn cưỡi ngựa ô là Coconnas đến gần Marguerite và nói:

- Marguerite ơi, cả hai đứa chúng mình đều nhầm rồi, anh chàng Piémontais ở lại đằng sau và ông de Mole cũng đi theo chàng ta.

- Khốn khổ thay! - Marguerite vừa cười vừa nói - Sẽ có chuyện đấy. Nói thật, mình thú nhận là cũng thích được đánh giá lại cái anh chàng này.

Marguerite quay lại và quả thật có nhìn thấy De Mole làm cái động tác mà chúng tôi đã nói ở trên.

Đến lượt hai quận chúa rời hàng. Cơ hội rất thuận tiện, mọi người phải đi qua trước một con đường có hai hàng rào rậm rạp. Con đường đó đi vòng lên và qua cách đài treo cổ khoảng ba chục bước. Phu nhân de Nervers rỉ tai chỉ huy vệ binh của mình, Marguerite ra hiệu cho Gillonne và cả bốn người đi vào con đường tắt, tới nấp sau một lùm cây gần nơi sắp xảy ra cái màn kịch mà họ muốn xem. Như chúng tôi đã nói, chỗ đó cách khoảng ba chục bước nơi Coconnas đang say sưa hớn hở khoa chân múa tay trước ông đô đốc.

Marguerite xuống ngựa, phu nhân de Nervers và Gillonne cùng xuống, rồi đến lượt viên chỉ huy vệ binh xuống ngựa và giữ cương cho cả bốn con ngựa. Một thảm cỏ dày và mát mẻ tạo cho ba người đàn bà một chỗ ngồi. Từ chỗ quang quẽ đó, họ nhìn rõ từng tí một.

De Mole đã đi hết đường vòng, chàng cho ngựa đi bước một tới sau lưng Coconnas và vươn tay đập lên vai Coconnas.

Anh chàng Piémontais quay lại:

- Ô! Vậy ra không phải là một giấc mơ! Ông còn sống à? - Coconnas hỏi.

- Đúng vậy thưa ông - De Mole trả lời - Tôi còn sống. Không phải lỗi tại ông nhưng rốt cuộc là tôi cứ sống.

- khiốn kiếp thay! Tôi nhận ra ông ngay - Coconnas tiếp - Mặc dù ông xanh xao lắm. Lần trước chúng ta gặp nhau nom ông hồng hào hơn thế này.

- Còn tôi cũng nhận ra ông, mặc dù ông có cái vệt vàng chạy ngang mặt kia. Khi tôi chém ông cái vết ấy thì ông còn xanh xao hơn thế kia.

Coconnas cắn môi. Nhưng hình như định để cho câu chuyện tiếp tục với cái giọng chế nhạo ấy, chàng tiếp:

- Kể cũng hay, phải không de Mole, nhất là đối với một người Tân giáo, được đi xem ông đô đốc treo trên cái móc sắt kia. Ấy thế mà có những kẻ dám tố cáo rằng chúng tôi giết cả những đứa trẻ Tân giáo còn đang bú mẹ cơ đấy.

- Bá tước ạ - De Mole nghiêng mình - Tôi không còn là người Tân giáo nữa, tôi đã có hạnh phúc được là người Giatô giáo.

- Chậc! - Coconnas phá lên cười - Ông cải đạo rồi à? Khéo nhỉ.

- Thưa ông - De Mole vẫn giữ vẻ nghiêm túc và lịch sự nói tiếp - Tôi đã thề sẽ cải đạo, nếu tôi thoát chết trong cuộc tàn sát.

- Bá tước ạ - Coconnas đối lại - Lời thề ấy khôn ngoan đấy, tôi có lời khen ông. Thế ông có thề gì khác nữa không?

- Có đấy ông ạ, tôi còn một lời thề thứ hai - De Mole vừa trả lời vừa bình thản vuốt ve con ngựa của mình.

- Thề gì thế? - Coconnas hỏi.

- Tôi thề là sẽ treo ông lên chỗ kia, ông có nhìn thấy không, ở chỗ cái đinh nho nhỏ hình như đang chờ đợi ông ở bên dưới ông Coligny ấy.

- Sao? - Coconnas hỏi - Treo tôi còn sống nguyên thế này lên à?

- Không, thưa ông, chỉ sau khi đã xuyên mũi kiếm của tôi qua mình ông.

Coconnas tím mặt lại, cặp mắt xanh lá cây của chàng phát ra những tia lửa.

- Ông có thấy là ở chỗ cái đinh ấy... - Chàng vừa nói vừa nhạo.



- Ừ, đúng vào chỗ cái đinh ấy... - De Mole tiếp.

- Ông chẳng đủ cao để làm việc ấy đâu, ông bạn nhỏ con của tôi ơi!

- Thì tôi sẽ trèo lên ngựa của ông, ông sát nhân vĩ đại ạ - De Mole nói - A! Thưa ông Anibal de Coconnas thân mến, ông tưởng là người ta có thể giết người mà không bị trừng phạt gì với cái cớ trung thực và đáng tôn kính là người ta có trăm người chọi một à? Thưa không! Sẽ có ngày thù lại gặp thù, và tôi nghĩ rằng chính là hôm nay đây. Tôi cũng thèm được bắn vỡ cái đầu xấu xí của ông bằng một phát súng lắm. Nhưng thôi, tôi ngắm không chuẩn vì tay còn run bởi những vết thương mà ông đã đánh trộm tôi.

- Cái đầu xấu xí của ta! - Coconnas hét lên và nhảy xuống ngựa - Xuống đi, xuống! Bá tước, rút kiếm ra!

Và chàng tuốt kiếm cầm tay.

- Mình thấy hình như anh chàng Tân giáo nhà cậu nói là "cái đầu xấu xí" - Quận chúa de Nervers rỉ tai Marguerite - Thế cậu có thấy anh chàng kia xấu không?

- Anh ta dễ thương lắm! - Marguerite vừa nói vừa cười - Và mình buộc phải nói rằng tức giận làm ông De Mole trở nên bất công, suỵt, nhìn kìa!

Coconnas xuống ngựa nhanh bao nhiêu thì De Mole từ tốn bấy nhiêu. Chàng cởi chiếc áo măng-tô màu anh đào, đặt xuống đất rút kiếm ra và thủ thế.

- Ái dà! - Chàng buột mồm nói khi buông tay ra.

- Ối chao! - Coconnas cũng lẩm bẩm kêu lúc duỗi tay, vì như người ta còn nhớ, cả hai người đều bị thương ở vai và cử động mạnh quá đều bị đau.

Có tiếng cười không nén được bay ra từ bụi cây. Cả hai công chúa đều không nhịn được cười khi thấy hai đấu thủ vừa xoa bả vai vừa nhăn nhó. Giọng cười vang đến tận chỗ hai chàng quý tộc đang không biết mình có người làm chứng. Họ quay lại và nhận ra các ý trung nhân của mình.

La Mole lại vững vàng thủ thế như một người máy còn Coconnas giao kiếm với một tiếng mẹ kiếp đầy âm sắc.

- Ô này, họ đánh nhau thật, chúng mình không dàn xếp trật tự thì họ cắt cổ nhau mất. Đùa thế đủ rồi. Bớ này các ngài! - Marguerite kêu lên.

- Mặc kệ, mặc kệ - Henriette nói. Nàng đã nhìn thấy Coconnas ra tay và trong thâm tâm nàng mong rằng chàng cũng sẽ dễ dàng ăn đứt De Mole như chàng đã làm với hai người cháu và người con của Mercandon.

- Như thế này trông họ đẹp thật! - Marguerite nói - Cậu nhìn kìa, cứ như là thở ra lửa ấy.

Cuộc chiến đấu được bắt đầu bằng những lời giễu cợt và thách thức, trở nên yên lặng khi hai đấu thủ giao kiếm. Cả hai đều không tin vào sức mình và mỗi một cử động mạnh đều khiến họ buộc phải kiềm chế cơn rùng mình đau đớn do các vết thương cũ gây ra. Tuy nhiên, mắt chằm chằm nảy lửa, miệng hé mở và hàm răng nghiến chặt, De Mole tiến từng bước ngắn vừng vàng về địch thủ, Coconnas nhận ra chàng là một bậc thầy võ nghệ, lùi dần từng bước để đỡ, nhưng đúng là có lùi. Cả hai tiến dần tới bên bờ rãnh, bên kia bờ là các khán giả. Tới đó, dường như sự rút lui của chàng là một sự tính toán để xích lại gần ý trung nhân của mình, Coconnas dừng lại và nhân một đường gỡ vòng hơi rộng của De Mole, chàng nhanh như chớp xỉa thẳng một nhát và ngay lúc đó, chiếc áo chẽn sa tanh trắng của De Mole thấm một vệt đỏ cứ loang dần.

- Can đảm lên! - Quận chúa de Nervers kêu lên.

- Ôi, tội nghiệp chàng, De Mole! - Marguerite cũng kêu lên đau đớn.

De Mole nghe thấy tiếng kêu ấy. Chàng nhìn hoàng hậu với một cái nhìn còn xuyên sâu trong tim người hơn mũi kiếm và lừa một đường kiếm, chàng lăn xả vào địch thủ.

Lần này cả hai người đàn bà cùng kêu lên một tiếng. Mũi thanh kiếm dài của De Mole lộ ra đẫm máu sau lưng Coconnas.

Tuy nhiên không ai ngã xuống. Miệng mở rộng và nhìn nhau, họ đều cảm thấy chỉ một cử động nhỏ cũng khiến họ mất thăng bằng. Cuối cùng, anh chàng xứ Piémontais, vốn bị thương nguy hiểm hơn đối thủ, cảm thấy sức lực của mình đang chảy ra hết dần cùng với máu nên nhảy bổ vào De Mole, một tay ôm nghẹt lấy chàng, còn tay kia tìm cách rút dao găm. Còn De Mole thu hết sức lực, giơ tay lên và để cho chuôi kiếm rơi xuống giữa trán Coconnas. Coconnas bị choáng váng ngã lăn ra nhưng trong khi ngã chàng lôi luôn địch thủ cùng ngã theo và cả hai cùng lăn xuống rãnh.

Khi thấy dù gần chết, hai địch thủ vẫn tìm cách kết liễu đời nhau, Marguerite và quận chúa de Nervers được viên chỉ huy vệ binh giúp đỡ cùng lao tới. Nhưng hai quận chúa chưa đến nơi thì cả hai chàng trai đều đã duỗi tay nhắm mắt, để rơi dao kiếm, cứng đơ lên trong cơn co giật tột cùng. Máu tràn sủi bọt thành vũng quanh họ.

- Ôi De Mole, De Mole can đảm - Marguerite không kìm giữ lòng ngưỡng mộ của mình lâu hơn nữa - Ngàn lần xin tha lỗi vì đã nghi ngờ chàng.

Mắt nàng đẫm lệ.

- Than ôi! - Quận chúa thì thầm - Anibal dũng cảm! Lệnh bà hãy nói xem đã bao giờ Người được thấy hai chàng trai dũng mãnh như thế này chưa? - Và nàng bật khóc nức nở.

- Quỷ thật! Đánh cứng tay thật! - Viên chỉ huy vừa nói vừa tìm cách thấm máu đang dầm dề chảy - Ê này, ai ở đấy? Đến đây nhanh lên!

Quả thật có một người ngồi phía trước một chiếc xe chở tội nhân sơn màu đỏ đang xuất hiện trong sương chiều. Y vừa đi vừa hát một bài ca cổ mà chắc do phép màu ở nghĩa địa Innocents gợi ra cho hắn ta nhớ lại.

Sơn trà xanh xanh

Hoa trĩu cành

Nở bên bờ suối

Nho rừng đắm đuối

Vươn tay dài

Quấn quít trà từ ngọn tới chân

Chàng hoạ mi con

Hót véo von

Bên nàng yêu mến

Năm nào cũng đến

Ngụ dưới vòm lá rậm xanh non

Ơi son trà xinh xinh

Xanh tốt mãi

Đừng e ngại

Gió táp mưa sa...

- Này này! - Viên chỉ huy nhắc lại - Người ta gọi thì anh phải đến chứ! Anh không thấy các vị quý tộc đây cần được cứu giúp hay sao?

Người đàn ông đi xe bò có vẻ bên ngoài kinh tởm và nét mặt thô thiển tạo nên một sự trái ngược kỳ quặc với bài ca mục tử dịu dàng mà chúng tôi vừa mới nêu. Y dừng ngựa lại, xuống xe và cúi xuống hai thân người:

- Những vết thương đẹp đấy - Y nói - Nhưng ta còn làm được những vết đẹp hơn kia.

- Vậy ông là ai? - Marguerite hỏi, tuy không muốn nhưng nàng vẫn cảm thấy một mối kinh hoàng nào đó mà nàng không có sức chống cự lại.

- Thưa bà - Người đó vừa nói vừa rạp mình sát đất - Tôi là thầy Caboche, đao phủ thành Paris, và tôi đến để treo ở đài xử giảo thêm bạn bè cho ông đô đốc.

- Thế thì ta là hoàng hậu Navarre - Marguerite trả lời - Ông vứt các xác chết của ông lại đó, trải các tấm phủ ngựa cho chúng ta vào xe của ông và đưa hai vị quý tộc đây theo chúng ta về Louvre cho nhẹ nhàng.

Chú thích:

(1) Ý nói cả chào mừng lẫn phản đối (ND)

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Hoàng Hậu Margot

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook