Học Sinh Chuyển Lớp (Phần 2)

Chương 41

dm.xangtang

10/06/2014

Buổi học đó có chuyện con hai to tướng của thằng Bình làm niềm vui. Nó thì cứ im thin thít suốt buổi, chẳng dám nhìn ai quá lâu. Hễ nó quay xuống thì anh em xóm nhà lá đều nhếch môi cười đểu, nó lại xị mặt quay lên.

Cả buổi học hôm đó, tôi và Dung dường như chẳng có cơ hội để nói chuyện, hoặc khi nói chuyện cũng chẳng khác gì xã giao. Đôi ba câu à, ừ cho qua chuyện, Dung không muốn kéo dài cuộc nói chuyện thêm dài, và tôi đứng trước Nàng nghiêm nghị như vậy cũng không thể bông đùa mãi chỉ để mua lấy một nụ cười.

-Á, xin lỗi nhé!-Tôi quay sang cười trừ.

-Tông vào con gái mà như trâu bò thế!-Hằng bán chanh ngoa ngoắt nhìn tôi hình viên đạn.

Giờ ra về ồn ào chen lấn, thằng Hưởng chẳng biết sao lại nổi hứng xô tôi vào đám con gái. Như diều đứt dây, tôi văng vào va phải hàng loạt, xui một cái lại va vào hai người tôi có phần uý kị. Đầu tiên là cô bạn giọng chua cao vút và thứ hai là Dung. Ngược với Hằng, Dung im lặng đưa tay ôm lấy cánh tay còn lại, mặt hơi nhăn vì trò đùa quái ác của những thằng con trai.

-Ờ, xin lỗi nhé, tại thằng Hưởng nó xô Tín vào!

Miệng thì xin lỗi Hằng, mắt thì nhìn Dung, vẫn chẳng có gì khác, đôi mắt chỉ dịu đi một phần ít. Rồi lại lặng lẽ ra về.

-Sướng không?-Thằng Hưởng vỗ vai tôi cười toe toét.

-Sướng cái mắt mày, không lẽ tao đạp cho mày một cái!

-Sướng rồi bày đặt hả mày?-Thằng bạn nói rồi vọt ra xa, kể chiến tích nó với thằng mập.

-Thôi, về, chuyện đâu còn có đó, về sớm còn đi lấy khung cửa với tao!-Thằng Nhân đen đi đường sau, đẩy tôi ra khỏi cửa lớp.

Quá bộ hết nửa sân trường, đưa mắt nhìn cảnh học sinh tan học. Ai nấy cũng vội vàng ra về. Hôm nay thứ năm, theo lịch học chỉ có hai tiết nên nắng sân trường vẫn long lanh và dịu. Một ngày đẹp trời chỉ theo đúng nghĩa thời tiết trong cái mùa mưa ở miền đất đỏ bazan này.

Nhưng không phải ai cũng vội vàng quá mức theo số đông, một vài cặp vẫn lững thững vừa tản bộ vừa nói chuyện với nhau. Tôi bắt gặp Yên khi vô tình đưa mắt nhìn ngang. Yên đi cùng cậu bạn học cùng lớp thì phải, có vẻ nói chuyện vui vẻ lắm. Cô nàng dĩ nhiên cũng nhìn thấy tôi, khẽ gật đầu chào rồi tiếp tục câu chuyện với người đồng hành. Một ngày với quá nhiều cảm giác bị bỏ rơi, đâm ra tôi suy nghĩ miên man.

-“Một ngày tồi tệ”.

-Đây, khung của mấy chàng trai, chuẩn kích thước, màu sắc nhé!

Bác thằng Nhân đưa từ nhà ra cái khung gỗ được sơn bóng, mùi thơm còn phảng phất. Ba thằng tôi chỉ có nước nhìn mà suýt xoa.

-Chuẩn rồi Bác ơi, đẹp quá!

-Ừ, Bác làm đúng kích thước rồi, mấy đứa chỉ cần đưa báo tường, nẹp lại hoặc đóng đinh cho chắc là được.

Vậy là xong cái khung nghệ thuật cho báo tường. Ba thằng tôi vừa đạp xe vừa cười phơi phới.

-Phen này cả lớp lác mắt chứ chẳng chơi!

-Ừ, độc thế còn gì!-Thằng Hoàng quay sang nhìn cái khung, vẫn gật gù khen lấy khen để.

-Thế giờ thì sao, ai giữ, tao nhờ Bác làm rồi thì hai thằng mày một thằng giữ.

-Thế thằng Tín đi!

-Ơ, sao lại là tao?-Tôi quay sang thắc mắc với thằng Hoàng.

-Thế mày đưa lên thì ghi điểm với cô bí thư có phải sướng không?

Tôi cười nhạt trước cái sáng kiến có lòng giúp đỡ của thằng Hoàng, nhưng có lẽ là không ăn thua. Một con người kiên định, có khả năng chôn sâu nội tâm như Dung thì khó có thể lay chuyển trong ngày một ngày hai được, huống gì chỉ là ghi điểm.

-Ừ, để tao cầm cũng được, đằng nào trưa thứ bảy cũng phải sang nhà Dung làm báo tường mà!

-Sướng mày!

-Ờ, sướng lắm, sướng phát khóc!

Nhảy xuống xe thằng Nhân, một mình vác cái khung cửa mới tinh về nhà. Vẫn như thường lệ, Mẹ tôi đang chuẩn bị buổi trưa, và Ba thì vẫn đi làm chưa về.

-Vác về làm gì thế con?

-Dạ làm báo tường Mẹ, thứ bảy buổi trưa con đi làm báo tường với lớp, không ăn ở nhà nha Mẹ!-Tranh thủ có bằng chứng, tôi xin phép Mẹ tôi luôn.

-Ừ, lo mà học hành nữa đi nhé!

-Dạ!-Mừng húm, đi lên phòng cẩn thận đặt cái khung tranh cạnh bàn học, thay đồ xuống phụ Mẹ.

-À, lúc nãy có bạn gọi điện cho con!-Mẹ tôi sực nhớ ra.

-Ai hả Mẹ?

-Con gái, tên Xuyến thì phải?-Mẹ tôi nhìn tôi cười, chắc là bà đang nghĩ tới đứa con trai út đã có bạn gái thì phải mà cứ cười mãi không thôi.

Tôi chẳng để ý lắm, chạy trở ngược lại phòng, lấy cuốn sổ đã ghi chú lại số điện thoại của bà chị Nữ Tặc, bấm chắc chắn từng số trong dẫy số điện thoại. Tiếng nhạc chờ vang lên, giai điệu trong ca khúc nắng sân trường. Tiếng nhạc vang lên du dương thì dừng lại bởi một giọng nói còn du dương hơn:



-Tín hả?

-Dạ, chị gọi gì em đấy?

-Học không học, chỉ lo đi la cà thôi!-Một tràng liên thanh bắn liên tục.

Chắc là chị Xuyến cứ nghĩ lịch học của tôi là có hai tiết vào thứ năm, tầm tám giờ rưỡi sẽ ra khỏi trường nên canh thời gian gọi. Lúc đấy tôi đang cùng hai thằng bạn đi lấy khung tranh nên đương nhiên không có ở nhà rồi.

-Hì hì, thì học hành nhiều quá giải lao thôi chị!

-Học hành nhiều hay chơi nhiều, chắc lại đi với Dung chứ gì?-Chị Xuyến giọng tinh nghịch vang lên bên kia đầu dây.

-Không ạ, em đi với con trai mà?-Giọng tôi chùng xuống.

Tiếng cười bên kia cũng không còn vang lên nữa, chắc chị cũng đoán được giữa tôi và Dung có chuyện gì nên khi nhắc tới Nàng thì giọng tôi mới đượm buồn thế kia. Không khí chùng xuống là điều mà không ai muốn.

-Chị học trong đó thế nào?-Tôi mở lời hâm nóng lại cuộc nói chuyện.

-Cũng vui, quen nhiều bạn mới, nhưng thấy nhớ nhà quá!-Chị Xuyến cũng tươi cười trở lại.

-Nhớ sao chị không về chơi, lễ 20-11 kìa?

Bình thường cứ lễ hay dịp tết là ông anh tôi thể nào cũng về, tranh thủ cơ hội về nhà được Mẹ chăm sóc nên rất siêng về, nên tôi thường nghĩ sinh viên xa nhà hay như vậy.

-Không được rồi, 20-11 trường chị có lễ chào mừng rồi, không về được!

-Vậy à?

Hai chị em ngồi nói chuyện đủ thứ trên đời, nào là về cuộc sống sinh viên của chị Xuyến, nào là trở lại thời cấp ba của tôi, rồi qua món ăn giữa hai nơi. Đến lúc gần cúp máy, tôi mới được một phen bất ngờ.

-Sắp sinh nhật của em rồi, sắp lớn rồi đấy, ráng học hành nhé!

Tôi chưa kịp ớ lên vì bất ngờ thì chị Xuyến đã cúp máy. Vẫn cái tính một chút nghịch ngợm như thế, khiến cho nhiều lúc tôi cảm tưởng chị Xuyến chỉ ngang tuổi với tôi, hai chị em thoải mái như những người bạn đồng trang lứa.

-“Ờ hớ, sắp sinh nhật mình rồi.22-11 đây mà”.

Dạo này đầu óc toàn bay tận chân trời nào, hết suy nghĩ lung tung rồi lại lo đến chuyện báo tường nên gần kề sinh nhật tôi cũng chẳng hay biết tới. Vậy mà chị Xuyến vẫn nhớ được ngày sinh của cậu em đã nửa năm không gặp thì cũng là điều mà tôi cảm thấy mình được quan tâm, được coi trọng. Nghe lời Mẹ và “bà chị”, ăn cơm xong nghỉ ngơi một chút là tôi cắm đầu vào học ngay, chẳng bù cho mọi ngày cứ phải câu giờ làm mấy việc vặt trước rồi mới có khí thế học hành được.

-Reng, reng!-Chiếc đồng hồ báo thức điểm bốn giờ.

Ráng làm nốt cái bài tập Toán còn dang dở, vươn vai lên vài cái, rửa mặt cho tỉnh táo rồi lại tiếp tục cuộc hành trình “học-ăn-ăn-học” như guồng quay vô tận của đời học sinh. Một tiếng sau, tôi đã yên vị ở cái góc bàn cuối quen thuộc. Lớp học hôm nay đầy đủ, không thiếu ai, cũng không ai ốm mà vắng học nữa. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, mở miệng ra bắt chuyện là một điều gì đó khó khăn. Cái tự trọng của con trai, một chút nản chí vì sự cố gắng mấy ngày nay đã ngăn cản tôi lại.

-Tín, sao thế?-Yên ngồi ở trên quay xuống nhìn tôi!

-Sao là sao cơ?

-Làm xong bài tập chưa mà sao ngẩn ngơ vậy!

-À, ừ….xong…xong rồi!

Yên nhìn xuống cuốn vở của tôi, bài bất đẳng thức đã được chứng minh gọn gàng và rõ ràng nên chấp nhận câu trả lời của tôi. Cô nàng có chút gì đó bần thần:

-À, lúc sáng…..à.!-Có vẻ Yên không muốn nói tiếp.

-Lúc sáng sao cơ?-Tôi càng tò mò với kiểu nói chuyện này.

-À, không….?

-Lúc sáng sao cơ?-Tôi chồm lên hỏi

-…….!

-Lúc sáng sao cơ?

Một bên kiên quyết vì chắc muốn giải thích chuyện lúc sáng, còn một bên kiên trì với kế “giả ngu” ép cung.

-Lúc sáng….à Yên định hỏi bài Hoá hôm qua thôi!

Người dịu dàng thì làm sao quen nói dối được cơ chứ? Chỉ cần nhìn kiểu ấp úng, gương mặt có chút đỏ vì bối rối, ánh mắt không dám nhìn tôi mà nhìn chăm chăm vào từng chữ cái con số trong cuốn vở đủ cho tôi biết Yên đang kiếm một cái lý do không thể nào hợp lý cho được.

-Ơ, hôm qua có bài tập à?-Gãi đầu gãi tai, lại cái kiểu giả vờ ngu ngơ.

-Ghét Tín, không thèm nói chuyện nữa!

Yên quay lên, ngồi im, không thèm quay xuống một lần nào nữa. Tôi ngồi đằng sau, ngắm nhìn mái tóc dài mượt mà chỉ cười. Một nụ cười vì cô bạn dễ thương đang ở trước mặt, tuy không nói chuyện nhưng còn hơn cả chục lời nói.

-Nè, cái đề Yên để đây, tí lấy đó nghe!-Yên không quay xuống, để cái đề trong hộc bàn của cô nàng.



-Đề Hoá cô cho về nhà đó hả?

Yên bịt tai lại, lắc lắc đầu. Còn tôi ngồi đằng sau cứ cười không thôi.

Chính vì cái kiểu lo chọc Yên mà tôi quên phéng điều cô nàng vừa dặn. Đang đạp xe tung tăng với lũ bạn về nhà, sực nhớ ra, vỗ trán cái đét.

-Chết tao!

-Sao chết?

-Thằng điên này!-Thằng Hoàng cằn nhằn khi thấy tôi quành xe đạp trở lại nhà Thầy.

-Về trước đi, tao đuổi theo sau.

Phóng hết tốc lực vào con đường hẻm nhà thầy. Buổi tối thật mát, xung quanh một màu đen yên tĩnh. Dựng xe cái chóc giữa sân, chào Thầy rồi vào lấy cuốn đề ở cái bàn thứ hai từ dưới lên. Nhanh chóng chạy trở lại xe. Ngữ Yên vẫn ở nhà Thầy, chắc là chưa về, vì chiếc xe màu tím của cô nàng vẫn dựng ở sân. Tôi vội vàng đạp mạnh pê đan mở hết tốc lực, mong đuổi kịp ba đứa bạn.

-Ào, Ào?

Cơn mưa bất chợt đổ xuống không hề có dấu hiệu báo trước, đúng chất mùa mưa Tây Nguyên, buổi sáng còn có nắng vậy mà tối mưa đột ngột. Rẽ xe vào mái hiên sau của một nhà ven đường, tôi rũ tay áo còn dính nước, tách từng trang đề thi bị nước mưa làm dính vào nhau, rũ xuống. Mưa càng lúc càng to, tiếng mưa trên đầu dội vào mái tôn kêu ầm ĩ. Nước cứ tuôn xuống trước mặt theo đường rãnh mái hiên ào ào.

-“Chờ bớt mưa rồi về cũng được”.-Tôi ôm hai tay ngang ngực, cô đơn trong cơn mưa đêm lãnh lẽo.

-“Ki..ít”.

Tiếng phanh xe vang lên, có người nữa cũng đứng trú mưa như tôi. Chiếc xe quen thuộc, dáng người quen thuộc, cái áo mưa dày được tháo ra, để lộ mái tóc dài hiền dịu.

-Ơ, Yên?

-Hì hì, Yên trú mưa mà!

Tôi chẳng muốn nói thêm, ít nhất cũng có bạn tâm sự cho bớt buồn. Chỉ hơi thắc mắc là tại sao Yên đang ở nhà Thầy lại đội mưa đi về?

-Sao Yên không về đi!

-Mưa to như này, Yên về sao được!-Cô nàng đưa tay hứng nước mưa từ mái hiên rớt xuống, kiểu nghịch mưa quen thuộc.

-Ờ ha!-Tôi ôm vai dịch khẽ sang một bên, vì cái hiên nhỏ nên chẳng đủ cho hai người. Một bên người tôi bị nước mưa tạt ướt. Chắc lũ bạn cũng đang trú mưa và chửi bới tôi ghê lắm đây.

-Đoàng…đoàng..!-Tiếng sét đột ngột vang lên, ầm ĩ, tôi khẽ giật bắn người quay sang Yên cô nàng vẫn thản nhiên hứng nước, chẳng hề bị ảnh hưởng.

-Không sợ à?

-Không, sợ gì?

-Sét đó!

-Có Tín mà sợ gì, chẳng lẽ sét đánh xuống Tín không đỡ cho Yên à?

-Không, trời kêu ai người nấy dạ, không dại gì hứng thay kẻ khác!-Tôi lại khoanh tay tựa vào tường.

-Ghê không, nhỏ mọn quá nha!

Ngữ Yên vừa nói vừa lấy nước hứng từ tay tạt vào người tôi trả thù. Tôi nào đưa tay che người vì nước lạnh.

-Ế, chơi tiểu nhân!

Lần này Yên cầm tay tôi kéo hẳn ra khỏi mái hiên nhỏ xíu, cơm mưa xối thẳng vào mặt, quần áo bắt đầu ướt sũng nước.

-Ơ, ướt hết rồi!-Tôi ái ngại nhìn lại hai đứa.

-Tắm mưa cho vui đi!

-Sao không tắm một mình đi, lôi tôi theo làm gì vậy cô!

-Thế có lần ai kéo Yên ra tắm mưa vậy?-Cô nàng nheo mắt và cười.

Tôi đành chịu thua cô nàng, đưa tay gạt nước mưa rơi xuống từ tóc trên khuôn mặt. Một cảm giác thoải mái, cơn mưa phần nào gột sạch đi tâm trạng ũ rủ bấy ngày nay. Vươn tay đón những hạt mưa rơi xuống. Nếu ai đó đi ngang qua chắc lại lắc đầu:

-Hai đứa này học căng thẳng quá nên điên!

Hai đứa đạp xe về dưới cơn mưa tầm tã. Thỉnh thoảng lại nhận được một ánh mắt nhìn theo và chọc quê của mấy đứa con trai. Tôi chẳng có chút gì ngại ngùng, vẫn cứ cười mãi không thôi.

Một trận tắm mưa, điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới ở cái độ tuổi “hơi người lớn”, ở lứa tuổi đàn anh trong trường phổ thông. Điều mà tôi đã cho rằng không còn phù hợp với mình nữa, nhưng nó thật thú vị.

-Hắt xì, ờ tắm mưa cũng vui chớ!

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Học Sinh Chuyển Lớp (Phần 2)

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook