Học Sinh Chuyển Lớp (Phần 2)

Chương 54

dm.xangtang

10/06/2014

Kể ra cũng thật lạ, bạn bè tôi dồn toàn bộ tâm trí học hành để đương đầu với những kì thi sắp tới. Còn riêng tôi, e rằng chỉ bốn phần là như tụi bạn, còn sáu phần là vì cay cú khi bị ai đó vô tình coi thường.

Cái khó chịu hơn cả là cái người mà tôi coi là địch thủ, là người tôi muốn đạp đổ trên bạng xếp hạng ấy lại chẳng hề có chút nào muốn đương đầu với tôi cả. Thà rằng dù có thua cuộc cả chục lần thì cái cảm giác đó còn dễ chịu hơn lúc này.

-“Bằng mọi giá phải đạp đổ”.

Đó là kim chỉ nam co sự nghiệp học tập của tôi, một mục tiêu tôi không chỉ hướng tới mà phải vượt qua trong học kì này.

Nhưng hậu trường để yên bề lo chiến trận không hề đơn giản như tôi nghĩ. Đầu tiên là phải giải quyết với những nạn nhân vô tình bị liên đới. Và phải giải quyết thật êm thấm nếu không sẽ để cho tôi một hậu quả khôn lường.

Buổi trưa tan học, vẫn như thói quen trước Tết, Yên cầm bài của tôi xem sơ qua, rồi nhắc nhở mấy câu làm sai mà cô nàng nhìn thấy lúc xem qua tổng thể. Lúc Yên đưa cái đề cho tuần tới thì tôi khựng lại.

-Sao vậy? Tín lại lười rồi à?

-Không, mà là..!

Tôi phải tường thuật trực tiếp, thêm bớt để cho câu chuyện trở nên sinh động. Hiển nhiên, tôi không bao giờ nhắc tới Dung trước mặt Yên. Dù chỉ là một thằng bộc trực, nhưng tôi cũng đủ kinh nghiệm rằng, nêu tên Dung trước mặt Yên khác nào tôi đang so sánh giữa hai người. Đó là bài học xương máu mà tôi được ông anh quý hoá truyền lại.

-Và giờ?-Yên không muốn để tôi phải một mình độc thoại.

-Thì Tín muốn tự sức mình học, nếu có gì quá khó khăn thì sẽ hỏi Yên!-Tôi ra chiều quyết tâm lắm.

-Vậy..?

-Thì không sao đâu, với lại làm phiền Yên nhiều vậy, cũng thấy ngại lắm, ai cũng có bài vở mà!-Tôi trịnh trọng một cách sáo rỗng.

-Nè, Tín cầm hay không tuỳ đó!-Yên dúi cái đề thi mới vào tay tôi và bỏ đi, để tôi đứng sững lại.

Hoá đau thương thành sức mạnh, con người ta khi thất bại thường tìm một cái cớ gì đó để đổ lỗi. Tôi cũng không ngoại lệ, mọi trách nhiệm tôi đều đổ hết về cái mục tiêu mà tôi phải vượt qua. Điều đó càng khiến tôi phải vượt qua, phải vượt thật xa mới tiêu tan nỗi hận trong lòng.

Những ngày làm bạn sách vở của tôi bắt đầu, chóng vánh đến mức lũ bạn tôi phải ngạc nhiên. Và lũ bạn thân là vấn đề tôi cũng cần phải loại bỏ.

-Này, ra ngoài chơi!

-Bận!

-Học hành cho lắm thì tắm cũng cởi truồng, đi chơi mày!

-Không!-Tôi nhất quyết không chịu rời khỏi cái bàn học.

-Thằng điên!-Thằng Hưởng phán cho tôi một câu rồi bỏ ra ngoài.

Đấy, cứ mỗi lần giải lao, tôi tranh thủ thời gian lấy sách vở ra ôn luyện thì tụi nó nhất quyết không để tôi được yên ổn. Cứ rủ đi chơi, đi uống nước hòng dụ dỗ lung lay quyết tâm cao vời vợi của tôi. Tôi nhất quyết cứng rắn tuyệt tình, vẫn cố giữ cái hình ảnh sĩ tử ôn luyện đẹp đẽ, dù trong lòng âm mưu thì chất đống, đếm không xuể.

-Mười ba tỉnh miền Tây Nam Bộ…!

Tôi liệng cuốn sách Địa Lý sang một bên, tranh thủ thở dốc lấy hơi vì tập trung quá độ. Đúng là với một thằng con trai như tôi, đối chọi với những phép tính khô khan thì vẫn là lí thú hơn những việc phải học về vùng miền này đất đai như thế nào, nhân vật này nên phân tích ra sao, rồi thì đến con gà con vịt còn làm khó tôi với biết bao nhiêu bệnh tật với môn kĩ thuật nông nghiệp. Càng gượng ép mình thì tôi thấy sợ những đứa học đều tất cả các môn, và thán phúc cái sức học trâu bò của tụi nó.

-“Không nên lung lay, người ta làm được thì mày làm được”.

Tiếp tục ngồi ôm sách, ráng học nốt cái bài cũ môn Địa lý để mai chiến đấu, tôi mới chịu chui lên giường đánh một mạch cho tới sáng.

Và mỗi buổi sáng thức dậy, vệ sinh thân thể xong xuôi là như lịch trình đã lên, tôi lại nghiêm túc ngồi vào bàn học. Vừa lẩm nhẩm vừa hì hục húp tô mì sụt soạt, rồi lại lẩm nhẩm , khiến Mẹ tôi chỉ có nước lắc đầu vì nói không được.

-Mày tính học để thành thủ khoa à?



-Điên!-Tôi càu nhàu với thằng bạn.

-Thế làm gì mà như thằng điên cứ ôm đầu vào sách thể hả?-Thằng Hoàng cũng thắc mắc cái kiểu thay đổi lạ kì của tôi.

-……!

-Tết ăn uống nhầm cái gì nên thần kinh có vấn đề à?

-Thôi, đi ra cho tao tập trung xíu!

Thằng bạn biết ý, cau có nhìn tôi rồi ra ngoài nhập hội bàn tán rôm rả cho những gì sắp diễn ra ngày hội trại sắp tới. Dần dần tôi trở thành một kẻ lập dị, một tín đồ của những cuốn sách giáo khoa, người bạn trung thành của tất cả các môn. Từ một học sinh bình thường phải mất năm phút khởi động nhập cuộc cho mỗi môn học, thì giờ đây tôi hoá thành một thằng chu toàn, bao giờ cũng chuẩn bị sẵn sàng. Một tiết học là một đại chiến.

-Nè, chỉ dùm cái này đi!-Tôi đưa bài sang bên chỗ Yên ngồi!

-………!-Yên lặng im không thèm ngó xuống nhìn.

-Không hiểu thật đó, chỉ dùm đi!

-Không!-Yên cương quyết và cũng đủ lạnh lùng.

-Đi, không xíu nữa cô la giờ?-Tôi ngước lên nhìn cô giáo trong buổi học thêm Hoá.

-Không mà!-Yên bắt đầu dao động.

-Cô giáo, chỉ dùm đi mà, cô gia sư, cô giáo trẻ…..!-Tôi lại năn nỉ.

Yên cũng không nhịn được cười, quay qua nhìn tôi:

-Vậy chỗ nào Tín không hiểu chỉ dùm Yên coi!

-Ờ…..!-Tôi gãi đầu.

-Nè, Yên hết giận bởi cái trò giả vờ này đâu nhé!

Nói rồi, cô nàng giả bộ quay mặt lên bảng, giả bộ như chưa hề hết giận cái vụ mà tôi bỏ trốn khỏi những cái đề thi mà cô nàng tự ra. Chẳng sao cả, con gái thường hay thế. Nói ra được thì ít nhiều cũng chẳng còn giận dỗi nữa.

Những ngày tôi thay đổi, lớp học cũng thay đổi theo. Ít nhất không có thêm một vài ý tưởng quái gỡ náo động lớp học, và không khí cũng yên bình đôi chút. Xóm nhà lá cũng vì khí khái của tôi giảm bớt vài phần huyên náo.

-Có em nào xung phong không!-Cô Thu dạy môn Văn gõ gõ đầu bút xuống cuốn sổ điểm.

Vài ba cánh tay giơ lên, và tôi cũng nằm trong số đó. Hiển nhiên tôi là một trong những người tiên phong lên mở điểm. Dường như thấy thằng học sinh quậy phá đang làm cái hành động “ ngàn năm có một” này nên tôi được triệu lên bảng ngay lập tức.

-Thằng điên này!-Thằng Phong mập bất ngờ, trong câu nói tôi nghe rõ tiếng thở phào nhẹ nhõm.

-Em trình bày cho Cô về tiểu sử của tác giả!

Tôi đọc ro ro không vấp váp một chữ. Cả lớp tôi há hốc mồm mắt chữ A miệng chữ O kinh hãi.

-Vậy em phân tích hay có suy nghĩ về hình ảnh nồi chè khoán trong tác phẩm!

Vâng, thì anh cu Tràng, tôi đã học muốn nát nhừ cái trang vở mà Cô cho phân tích. Đã thế tôi còn cất công lôi cuốn soạn Văn của chị Thanh để lại. Truyền thuyết về cuốn soạn Văn này thì dài lắm. Công đầu là do ông anh trai tôi sợ môn Văn nên giữ lại để tránh việc soạn bài mới, đến khi ông anh tôi ra trường thì thằng em như tôi cũng lưu giữ như báu vật cũng vì cái bệnh cố hữu, lười và sợ Soạn Văn.

-..Đó là một hình ảnh thể hiện sự đói khổ trong thời kì này, có thể nói là đến cùng cực.”-Tôi chốt lại một câu đậm đà tính lãng mạn sau một bài diễn thuyết dài lê thê, ngạo mạn nhìn chúng sinh ở dưới đi từ bất ngờ ngày đến bất ngờ khác. Tất nhiên vẫn còn nhìn Dung.

Và kể cả lúc tôi đạt được tám điểm, điểm miệng cao chưa từng có trong cuộc đời học sinh của tôi thì tuyệt nhiên Dung vẫn bình thản như thường.



-“Vẫn chưa chịu thua à, hay là không muốn lộ vẻ bất ngờ!”.

Tôi bình thản trở về chỗ, tuyệt nhiên không thể hiện nét vui mừng ra cả mặt. Điều đó là sự tự cao kín đáo “ cái này là đương nhiên, có gì mà vui nào”.

Và cứ như thế, những buổi sinh hoạt lớp không còn là ác mộng đối với tôi,một thằng học sinh chỉ tập trung tối đa cho kiến thức. Và điều thấy rõ nhất là điểm số của tôi gần đây khá cao cho tất cả các môn.

Do tập trung và gò ép quá độ nên tôi trở nên rất dễ nổi nóng, một hình thức giảm stress thường thấy. Bởi thế tụi bạn cũng lắc đầu chào thua mỗi khi thấy tôi cau có vì đem ra làm trò đùa quá lố, hoặc ngăn cản tôi tiếp thu kiến thức nhân loài. Đôi mắt tôi dần dần trở có hai vết thâm dưới quầng mắt, mà Yên đã ngộ nghĩnh ví tôi như con gấu Trúc.

Từ một thằng học sinh với phương pháp học theo một cách hiệu quả, không cần phải tốn sức, tôi trở thành một thằng quái vật trong mắt lũ bạn hơn với việc chăm chỉ bất thường nữa. Điều đó kéo theo tính cách cũng bất thường nốt, bởi trong mắt tôi ngập tràn ý định vượt qua đối thủ bằng mọi giá.

Ít nhất còn có hai điều làm cho tôi cân bằng trở lại. Đó là Yên, với những nụ cười, với những câu chuyện phiếm. Điều thứ hai thì bắt đầu đến từ Dung.

-Hết giờ cả lớp ở lại!

-Ôi, về sớm đi mà!

-Có hai tiết học thôi, nên các bạn ráng ổn định rồi chúng ta sẽ về sớm

Tôi là cán sự Đoàn nên nắm những thông tin mật, nên biết rõ nội dung cuộc họp tiếp theo là gì. Hiển nhiên chẳng có gì khác ngoài những vấn đề liên quan đến vấn đề mà học sinh đang bàn tán gần đây.

-Mỗi lớp góp một tiết mục, và mỗi tiết mục không quá mười phút. Nên mọi người suy nghĩ xem làm tiết mục nào và thể loại gì cho phù hợp mà không đụng hành với lớp khác nhé!

Tranh cãi nổ ra theo từng cụm nhỏ lẻ. Mãi đến cuối cùng lớp tôi mới thống nhất làm nhạc kịch. Một tiết mục làm dấu ấn trước khi ra trường. Nhạc kịch là một ý kiến hay nhưng nó tốn công gây dựng và quan trọng là hầu như ai cũng phải góp mặt. Cái việc phân vai, rồi kịch bản cũng phải cãi nhau đến một tuần thì cả lớp mới vừa lòng.

Dàn hát hò, nói thẳng ra là đồng ca. Hát những bài theo quá trình trưởng thành của đời học sinh. Ngày đầu tiên đi học, nắng sân trường, sát cánh bên nhau, và cuối cùng là nắng sân trường. Khoảng thời gian cho mỗi bài là hai phút. Và như thế là chúng tôi đủ thời gian hoàn thành.

Còn kịch để phù hợp với những bài hát là về hai thằng bạn, thân nhau từ thuở nhỏ, ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, tung tăng đi học, đi thi, rồi trêu đùa các bạn gái cùng lớp. Nó như một bức tranh tối giản của học sinh. Một ý tưởng quả là không tồi chút nào.

-Dàn đồng ca thì mười nam mười nữ là vừa với sân khấu!

Hầu như thằng Bình bị loại, vì nó có nhiệm vụ thiêng liêng là chơi đàn guitar, thằng Vũ phải phụ hoạ với cây sáo.Thằng Hoàng, thằng Hưởng, Linh vẹo, Kiên cận, Long con, Nhân đen.. lần lượt được chọn. Tính ra trong xóm nhà lá chỉ đơn thuần còn tôi và thằng Phong Mập là vô công rỗi nghề.

-Thế thằng Tín với thằng Phong làm gì?-Tụi bạn nhất quyết không tha cho chúng tôi.

-Tín với Phong sẽ là diễn viên đóng vai hai người bạn!-Dung trả lời như có sự chuẩn bị sẵn.

Bọn bạn cùng lớp tôi gật gù đồng ý. Vì thằng Phong Mập thì thường hay thẩn thờ nên bị chúng nó gán cho cái dáng vẻ khù khờ, còn tôi thì chúng nó cho rằng ma mãnh và có chút gian xảo. Một đôi bạn như thế là quá tuyệt trong mắt mọi người. Tôi ợm ờ cho qua chuyện.

-Vậy ai sẽ đóng vai cô giáo?-Dung cầm cái kịch bản trên tay, hỏi lớp.

-Đừng để con Hằng là được!

-Xí, tao mà thèm á, mơ đi!-Con Hằng chanh chua đáp lại.

Cả lớp đùn đẩy nhau, cuối cùng đùn đẩy lên cho Dung. Cuối cùng tôi có thêm một cô giáo nữa, dù cho nó là trong vở kịch. Điều đó vẫn làm tôi khó chịu.

Thêm mấy vai diễn khác, như Mẹ tôi thì giao cho Trang đảm nhận. Nó cười nhí nhảnh quay xuống xoa đầu tôi một cách nhập tâm. Tôi xị mặt trước tràng cười của lũ bạn.

Cô bạn học chung với tôi sẽ là lớp phó học tập. Ờ cũng chấp nhận được, vì trước giờ đó là cô bạn hiền lành, tốt bụng và ít nói. Chưa kể ngoại hình cũng khá dễ thương. Vai Ba tôi, tức là chồng của Mẹ Trang thì giao cho thằng Hải, bởi cái vẻ chín chắn trước tuổi của nó. Nó nháy mắt khiêu khích thằng con như tôi giãy nảy phản ứng mà sung sướng. Mấy vai phụ thì đều dần dần có người thích hợp đảm nhận hết.

Vở kịch như một trò đùa chống lại tôi vậy, nhưng tôi nằm ở thế cán sự Đoàn phải gương mẫu làm gương nên an phận mà chấp nhận.

-Vậy bắt đầu từ tuần sau, mọi người sẽ bắt đầu tập nhé!

Cuộc đời cứ như muốn trêu ngươi tôi vậy, lúc mà tôi muốn dành thời gian cho việc học tích cực nhất thì cũng sẽ xuất hiện một việc gì đó, một cám dỗ gì đó từ đâu bay ra, từ dưới đất mọc lên phá ngang. Tôi xuôi xị chấp nhận, vỗ tay hoà chung không khí thống nhất của cả lớp.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Học Sinh Chuyển Lớp (Phần 2)

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook