Kẻ Dẫn Hồn

Chương 4: Cuộc trốn chạy trong đêm

Thạch Kim Thử

28/09/2023

Vũ Huỳnh nãy giờ vẫn phải gồng mình nín thở, anh nằm im thin thít bên dưới hố phân, chỉ sợ lỡ mà phát ra một tiếng động nhỏ có khi phải mất mạng. Phải mất một lúc khá lâu, áng chừng đợi cho bọn kia rời đi xa lắm mới dám thở mạnh lấy một cái. Úi trời, toàn thân từ đầu đến chân bẩn thỉu nhớp nháp thối khắm, thế này thì có tắm giặt đến cả tháng chắc gì đã sạch được. Nhưng bây giờ cũng chả có đầu óc nào mà ghê sợ với mấy thứ mùi khủng khiếp ấy nữa, gia đình vợ con anh mới là vấn đề cốt lõi cần phải xử lý. Lập tức anh đưa tay ra cố mà níu bám lấy đám cỏ dại gần bờ, cũng phải chật vật mãi mới bò lên được.

Nơi này quá là xa lạ với Vũ Huỳnh, vả lại đứng giữa một cánh đồng ruộng rộng lớn thẳng cánh cò bay thế này, thì quả thực là không biết nên phải đi theo hướng nào nữa. Vũ Huỳnh đứng đó tần ngần quan sát mãi, nhìn theo đường điện cao thế chạy xa tít tắp ngoài kia. Cuối cùng thì anh cũng tìm ra manh mối, cứ lần theo dấu mốc là những cột điện ấy chắc chắn sẽ ra được đường lớn.

Thật may là Vũ Huỳnh cũng không phải chạm trán với bọn người của Mạnh Hoành một lần nào cả, anh cứ đi mãi như thế khoảng chừng nửa giờ đồng hồ thì may mắn gặp được một đầm nước lớn xanh biếc. Không thể chần chừ hơn được nữa, đúng là như nắng hạn gặp mưa rào thật. Thế là Vũ Huỳnh nhẩy luôn xuống đầm nước mát, anh quyết phải gột rửa kỳ cọ từ đầu tới chân cho thật kỹ mới được. Nhưng mà điều oái om nhất lúc này chính là chỗ quần áo anh đang cố vò giặt cho thật kỹ, vì rằng chỉ vò giũ bằng nước lại không có xà phòng, nên chỗ quần áo ấy vẫn nhớp nháp bốc mùi thật khó chịu, chỉ trực buồn nôn chắc không thể mặc được.

Thế nhưng vận may lại tìm đến Vũ Huỳnh thêm một lần nữa, ngay chỗ bụi tre gần sát mép nước, nơi người ta thường mang tới vứt bỏ đi những vật dụng không cần thiết. Trong số đó khiến anh chú ý nhất chính là cái bao tải quần áo cũ nát, chắc nhà nào mới mang ra đây vứt bỏ. Ngay lập tức anh lao tới bới tung lục lọi như một thằng điên, cuối cùng thì cũng kiếm được cho mình một bộ quần áo bộ đội bạc phếch mà khá lành lặn ưng ý. Tuy là nó hôi rình bốc mùi ẩm mốc, nhưng vẫn hơn chán là phải mặc lại số quần áo đã dính đầy phân kia.

Từ khi nãy đến giờ cứ mải lo tắm gội giặt giũ mà quên khuấy mọi chuyện, tự dưng bỗng nghe thấy bụng mình nó cứ kêu réo rồi sôi lên ùng ục, ngẩng mặt nhìn trời chắc cũng phải đến hai ba giờ chiều rồi ấy chứ. Thôi hỏng bét, không còn nhiều thời gian nữa rồi, phải nhanh chóng ra được đường lớn, mượn lấy điện thoại mà báo cho vợ mới được.

Quả nhiên Vũ Huỳnh vừa rời khỏi đầm nước ấy được một đoạn thì tới một chân đê. May quá, cách đấy không xa có đám trẻ chăn trâu, phải hỏi chúng xem đường nào đi về Hà Nội mới được.

- Này các cháu? Cho chú hỏi chút, lối nào đi được về Hà Nội thế nhỉ?

Thế nhưng tất cả bọn chúng chả đứa nào thèm mở miệng bắt vè với anh lấy một câu. Rồi thì đứa nào đứa nấy cứ há hốc cái miệng ra theo dạng mắt chữ a mồm chữ o, tất cả đều đã biểu lộ qua ánh mắt kinh ngạc hết mức. Cuối cùng thì hùa nhau hét ầm lên rồi té chạy, có đứa cuống quá còn té ngã dúi dụi lăn lông lốc xuống mãi dệ đê:

- Úi chà! Lão điên, lão điên về làng đấy chúng mày ơi. Mà lão điên này còn đòi lên Hà Nội nữa chứ, chắc tao phải nhờ lão ấy mua giúp mấy cái bánh mỳ ba tê ăn chơi cho đỡ nghiền bọn mày ạ?

Thế là bọn trẻ chạy mất rồi trốn biệt, chúng lẩn hết vào mấy cái bãi soi bên dưới dệ đê, mặc cho Vũ Huỳnh nãy giờ có gọi thế nào cũng không được. Còn lại một mình, anh cứ thẫn thờ đứng đó. Giờ thì anh đã hiểu, tại sao bọn trẻ lại phản ứng tỏ ra như vậy. Bởi vì đầu tóc anh bù xù rũ rượi như cái tổ quạ, còn cả bộ quần áo anh đang mặc trên người nữa chứ. Nó lùng thà lùng thùng, còn ẩm mốc bê bết lấm lem, dính đầy nào là dầu mỡ bùn đất đủ cả. Thế là khiến bọn trẻ hiểu lầm, tưởng rằng có một gã điên nào đấy lại mò về làng ấy mà.

Vùng quê này hẻo lánh quá, đứng đợi đến cả ba bốn mươi phút vẫn chả gặp được lấy một người. Đang lúc buồn bực thì bỗng từ xa xa có một người đạp xe đi tới, thì ra là một người đàn bà đang oằn mình chở hai cái sọt kẽo kẹt đi đổi đồng nát quanh vùng. Cũng phải mất một lúc thì người đàn bà này mới đạp xe đi tới, vừa thấy Vũ Huỳnh trong bộ dạng bê tha bệ rạc, lại còn đang đứng đó trực chờ sẵn nhìn bà ta như thể muốn ăn tươi nuốt sống vậy. Người đàn bà kia thấy thế thì sợ quá, nhìn trước ngó sau trên đê vắng vẻ chả thấy bóng người, thế là vội vàng quay xe quyết định chuồn thẳng. Nhưng đã quá muộn, nãy giờ Vũ Huỳnh vẫn tiềm phục đợi sẵn, lẽ nào lại để cho bà ta có cơ hội luổn nhanh mà chạy mất. Lập tức Vũ Huỳnh vọt tới nhanh còn hơn sóc, anh đưa tay nắm lấy "ghi đông" xe rồi giữ thật chặt.

Người đàn bà buôn đổi đồng nát cũng đã nghi hoặc mà lường trước sự việc nên cố tránh né, tránh voi chả xấu mặt nào. Nhưng mọi chuyện nó diễn ra quá mức đột ngột khiến bà ta hoảng hốt rồi hét toáng lên. Cướp bóc trấn lột thì bà chẳng sợ, vì tài sản vẻn vẹn trên người bà có mỗi chiếc xe đạp cà tàng với hai cái sọt rách. Sợ nhất chính là tên điên này dở chứng, nổi máu dê trêu ghẹo bà mà thôi. Lại giữa chốn đồng không mông quạnh thế này, biết tìm ai cầu cứu.

Thế là bà ta cứ cố tình lu loa tru tréo lên, mong là thằng điên trước mặt này biết sợ:

- Nào, nào!.. Tiên sư cha cái thằng điên này chứ!.. Mày chắc hết khôn lại dồn đến dại đấy phỏng, dám trêu vào bà này đấy hử? Bà thì bà nói cho mày..

Mấy lời sau con chưa kịp thốt ra khỏi miệng, bà đồng nát đã thấy gã điên này đưa tay ra dấu làm hiệu, ý nói bà hãy bình tĩnh để nghe hắn nói cái đã. Ồ!.. thế hóa ra thằng dở này không hề điên loạn?

- Dạ.. dạ cháu xin lỗi vì đã làm cô sợ ạ. Cô đừng hiểu lầm nhé, cháu là nhà báo trên Hà Nội về vùng này điều tra thu thập tin tức, chỉ tại cháu ăn mặc thì có chút hơi kỳ quặc một tí thôi ạ..

- Gớm!.. Cậu làm tôi hãi quá cơ.. cứ ngỡ là hôm nay gặp phải thằng dở dại nó trêu trọc thì chỉ có đường chết. Mà cậu ăn mặc rách rưới hôi hám thế này, tóc tai thì lại bù xù có khác gì cái thằng bẹo quạ đâu cơ chứ, thử hỏi ai nhìn thấy chả nghĩ là thằng điên.

- Vâng.. thì với hoàn cảnh của cháu bây giờ cũng có khác gì một thằng điên dở đâu cơ chứ. Cảm phiền cô cho cháu mượn điện thoại sử dụng vài phút với ạ?



Người đàn bà thấy Vũ Huỳnh quay ra hỏi mượn điện thoại thì ngớ ra một lúc, nhưng cuối cùng vẫn móc ra chiếc điện thoại cục gạch trắng đen một thời huyền thoại, dí vào tay anh vội thốt:

- Đây cậu! Thế làm sao mà ra đến nông nỗi như này?

- Vâng, cháu cảm ơn cô rất nhiều ạ. Chút có thời gian cháu sẽ xin chia sẻ tâm sự cùng cô, giờ thì cháu phải tranh thủ gọi về cho người nhà đã ạ, nguy cấp lắm rồi.

Lập tức anh mở máy gọi liền cho vợ, đầu máy bên kia cũng chỉ vài giây sau đã liền có người bắt máy, giọng một bà già có vẻ khá mệt mỏi vang lên:

- A lô! Xin hỏi ai gọi tới đấy? Cháu Chi nhà tôi nó không có nhà, cảm phiền lúc khác gọi lại nhé.

Vừa nghe thấy bà Nơ Lan mẹ vợ nói thế, Vũ Huỳnh đã vội vàng hét toáng lên:

- Mẹ, mẹ đấy ạ? Con Vũ Huỳnh đây mà. Mẹ ơi, thế vợ con đi đâu rồi ạ?

- Ừ, thế Huỳnh đấy hả con? Cái Chi nó vẫn ở nhà suốt buổi, chắc vừa chạy ra đầu ngõ mua mớ rau để chuẩn bị cho bữa tối ấy mà. À.. mà cái Chi nó về rồi đây này, để mẹ chuyển máy cho nhé.

Thế rồi vừa cầm được máy, chị Chi đã vội lên tiếng trách cứ:

- Anh đấy à? Anh làm em lo quá. Thế điện thoại của anh đâu mà từ trưa đến giờ em gọi cho anh mãi mà không được?

- Ừ, thôi được rồi. Bây giờ không phải lúc, cũng không còn thời gian để giải thích ngọn ngành được nữa em ạ. Chỉ cần em biết rằng thằng Đào Mạnh Hoành nó đã phản bội lại mình, con của chúng ta cũng đang nằm trong tay nó, may mắn nên anh mới thoát được.

Em nghe anh nói đây, em và mẹ cần nhanh chóng lên xe rời nhà càng sớm càng tốt, chậm chễ sợ là không còn kịp. Chắc chắn thằng Hoành sẽ cho đàn em tìm đến nhà chúng ta vì nó nghĩ thế nào anh cũng trở về. Thôi được rồi, cứ làm theo những gì như anh nói, chờ anh ở một điểm nào vắng vẻ bên dưới gầm cầu Thăng Long nhé.

Vũ Huỳnh tắt máy, anh khẽ thở dài một tiếng như vừa trút vơi đi cả một bầu trời u uẩn hắc ám đến nghẹt thở. Vội quay qua nhìn người đàn bà buôn bán đồng nát chốn quê mùa bằng ánh mắt đầy biết ơn vô hạn, anh tiến đến móc ra một xấp tiền dúi vào tay bà ta rồi nói:

- Dạ, cháu cảm ơn cô nhiều lắm. Lần này nếu không có cô chắc gia đình cháu đến khổ ạ.

Người đàn bà thấy Vũ Huỳnh tiến lại còn dúi tiền cho mình thì xua xua tay, cự tuyệt nói:

- Ấy chết! Tôi không thể nhận tiền của cậu đâu nhé, chỉ có mỗi một cuộc điện thoại thôi mà.

- Dạ không phải như thế đâu ạ. Cô ơi, cháu gửi cô tiền là có ý mua lại chiếc điện thoại cùng cái sim trong đó luôn.

Mong là cô làm ơn làm phúc thương tình. Chả là cháu đang trên đường công tác, mà giờ không có điện thoại liên lạc thì coi như chân tay đã bị chặt đứt mất hết, trở thành một kẻ tàn phế vô dụng, không làm được gì cả. Dạ, còn một việc nhỏ nữa mong cô cũng chỉ giúp. Cô chỉ giùm cho cháu, lối nào là lối về Hà Nội thế ạ?

Người đàn bà nọ cũng không chút đắn đo, bà ta đưa tay ra trỏ về một hướng mà thốt:



- Lối này nhé! Cậu cứ đi dọc men theo con đê này, lúc nào qua khỏi mấy cái lò gạch kia kìa, gặp chỗ cống ngầm ngã ba sông lớn thì hỏi tiếp. Như vậy là đã ra được đại lộ để về Hà Nội rồi đấy.

Chưa đợi người đàn bà kịp nói dứt câu thì Vũ Huỳnh đã dúi luôn xấp tiền vào chiếc làn cũ kỹ vẫn treo trên ghi đông xe từ khi nãy. Anh cũng không quên cúi chào từ biệt bà ta lần nữa, rồi quay gót đi thẳng hướng ra phía cuối đường.

Chỉ thấy phía sau người đàn bà vẫn không ngừng gọi với:

- Này! Này chú gì đó ơi.. Sao chú đưa tôi nhiều tiền quá vậy?

Mặc kệ, bất luận là người đàn bà nọ có kêu gọi thế nào thì Vũ Huỳnh vẫn nhất quyết không quay đầu lại. Dù sao thì số tiền anh mang theo trên người cũng không phải là con số nhỏ, càng với người đàn bà quê mùa nọ thì số tiền ấy đã chả khác chi như một gia tài. Thử hỏi, làm sao mà bà ta không khỏi bất ngờ.

Theo hướng tay người đàn bà khi nãy vừa chỉ, Vũ Huỳnh cứ thế mải miết cuốc bộ đi mãi. Hai chân anh đã mỏi nhừ sưng tấy phồng rộp lên hết cả, vậy mà anh vẫn không dám ngưng nghỉ dù chỉ một giây. Cũng phải mãi đến hơn năm giờ chiều thì Vũ Huỳnh mới ra được tới giao lộ chỗ gần thị trấn Sơn Tây. Tuy rằng đây là con lộ chính thông thương nhưng thực sự con đường này cũng khá vắng vẻ, các phương tiện di chuyển chủ yếu vẫn là xe tải độc hành. Taxi hay xe khách vào thời điểm này thì thực sự khó kiếm mà bắt được. Thế nhưng cũng thật là may mắn, một tài xế xe tải chở lợn lên Phú Thọ giao bán, lúc về xe không lại đường vắng liền đồng ý cho anh quá giang có người bầu bạn nói chuyện phiếm cho đỡ buồn ngủ.

Sau đấy trên suốt chặng đường trở lại Hà Nội, mặc dù vừa đói vừa mệt lại buồn ngủ đến díp cả hai con mắt lại, nhưng Vũ Huỳnh vẫn phải cố gắng chống chọi đến cùng với cơn buồn ngủ đó. Thật may là đường xá hôm nay vắng vẻ, các phương tiện xe cộ bon nhanh, mới chừng sáu giờ hai lăm phút mà xe đã về gần tới khu vực trường đại học Công Nghiệp nhổn.

Vũ Huỳnh cho tới lúc này thực sự không làm sao chịu đựng thêm nữa, anh đang lơ mơ ngủ gà ngủ gật thì bỗng bác tài bên cạnh đã liền lên tiếng:

- Này, này cậu trai trẻ! Sắp đến nơi rồi đấy. Mà cậu xuống đoạn nào, xe tôi thì về Trại Gà bên trong cầu diễn đấy nhé.

- Dạ vâng, cháu cảm ơn chú. Thế khi nào đến đoạn đường vào Trại Gà thì chú cho cháu xuống đó cũng được ạ.

Thế rồi đến đoạn cầu diễn lối rẽ Trại Gà, Vũ Huỳnh xuống xe, anh cảm ơn bác tài thêm một lần nữa rồi lẩn nhanh vào một con ngõ nhỏ gần đấy. Bụng Vũ Huỳnh lúc này lại réo lên, miệng anh theo phản xạ cứ tóp tép nuốt nước bọt liên tiếp nhiều lần không ngừng nghỉ. Mùi thức ăn cũng như mùi thơm nước dùng của phở đã khiến anh như mất lý trí, thôi thì có thực mới vực được đạo, vẫn cứ phải cho cái bụng nó thỏa mãn cái đã. Thế là ráo rác ngó trước nhìn sau, cẩn thận quan sát kỹ lại một lượt, cảm nhận không thấy có gì bất thường, mới yên sà vào một quán bún riêu nhỏ ven đường.

Tô bún riêu thơm ngon nóng hôi hổi được bà chủ bưng ra, bà chủ còn chưa kịp đặt hẳn tô bún nóng xuống bàn mà Vũ Huỳnh đã vội đưa tay ra giật lấy, còn vục đầu suỳ sụp húp lấy húp để ăn ngon lành ngấu nghiến. Hành động này khiến bà chủ cùng một vài thực khách đang ngồi gần đó cảm thấy hiếu kỳ, nhưng nhìn lại bộ dạng của anh lần nữa thì lại cười xòa một cái rồi cũng không ai thèm để ý đến nữa.

Ngon quá!.. Chưa bao giờ mình lại được thưởng thức một bát bún riêu ngon đến thế này. Ăn hết một tô rồi mà miệng vẫn tóp tép thòm thèm, cảm thấy chưa đủ. Từ đầu tới giờ, bà chủ quán vẫn không ngừng để ý quan sát. Đã mấy lần bà ta định hỏi, xem Vũ Huỳnh có muốn ăn thêm tô nữa, nhưng rồi lại thôi vì trông bộ dạng này lại sợ gặp phải những kẻ hay nợ tiền ăn quỵt thì có mà lỗ vốn.

Chỉ tới khi Vũ Huỳnh đúng dậy trả tiền rồi phủi đít đi khỏi thì bà chủ quán mới thực sự ngã ngửa: Quả đúng là "ngọa hổ tàng long" thật, không phải cứ "trông mặt mà có thể bắt được hình rong" đâu nhé.

Cái bụng đói lúc này đã thực sự no nê, bao tâm tư muộn phiền cũng đều được xoa dịu hết. Ngay lập tức Vũ Huỳnh rút điện thoại ra gọi lại cho vợ:

- Em à!.. Tình hình mẹ và em thế nào rồi? Đã lên xe rời đi chưa.. nhớ chuyển xe liên tục đấy nhé.

- Vâng anh.. em với mẹ đã chuyển xe đến ba bốn lần như anh nói rồi. Từ lúc nhận cuộc gọi của anh, nghe anh nhắc nhở như vậy khiến em với mẹ lo quá. Thế giờ này anh đang ở đâu.. hay là để em với mẹ đến đón anh luôn nhé?

- Thôi được rồi.. không cần đâu em, em với mẹ cứ đợi anh ngay gần đầu cầu Thăng Long ấy, ngay lối vào cổng chính công viên Hòa Bình, anh sẽ đến ngay.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
đấu phá thương khung

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Kẻ Dẫn Hồn

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook