Khai Thị Quyển 1- Hòa Thượng Tuyên Hóa

Chương 5: Xúi Người Khác Làm Ác, Tội Mình Tăng Gấp Ba

Hòa Thượng Tuyên Hóa

22/08/2021

Xúi Người Khác Làm Ác, Tội Mình Tăng Gấp Ba

Bất luận trước mặt người nào cầu xin sám hối, chúng ta đều phải bày tỏ lỗi lầm cho rõ ràng, không được nói lời có ý mơ hồ, bóng gió.

Hôm qua tôi giảng một cách đơn sơ cho quý-vị nghe về ý nghĩa của sự sám hối, chỉ giảng tới đoạn "Thân cận ác hữu, hủy bối lương sư." Bây giờ tôi sẽ giảng tiếp đoạn sau:

"Tự tác giáo tha" nghĩa là tự mình làm, xúi người khác làm hoặc thấy hay nghe người khác làm, mà thuận lòng theo. Chúng ta phải biết rằng sát sanh, ăn cắp, tà dâm, nói dối hay rượu chè đều là những hành vi không chính đáng, đó là những thứ tạo tội nghiệp. Những tội nầy được phân làm bốn loại: Nhân, duyên, pháp, nghiệp (nguyên nhân, điều kiện tiếp trợ, phương thức và việc làm). Sự sát sinh gồm có sát nhân, sát duyên, sát pháp, sát nghiệp; bất luận giới nào trong đó cũng có "tự tác" hay "giáo tha tác," nghĩa là tự mình làm hoặc xúi kẻ khác làm.

"Tự mình làm" nghĩa là không dùng tay kẻ khác, mà chính mình đi làm chuyện bất chính. "Xúi kẻ khác làm" tức là cổ vỏ hoặc bảo người đó làm chuyện không đúng. Ðó là phạm tội một cách gián tiếp. So sánh với tội trực tiếp thì tội gián tiếp nầy nặng hơn một phần, bởi vì tự mình đã có tội rồi mà mình còn mang thêm tội nữa là xảo trá. Cho nên tự làm đương nhiên có tội rồi, mà xúi kẻ khác làm thì tội càng nặng hơn.

Thế nào là "kiến văn tùy hỷ"? (thấy, nghe rồi tùy hỷ), nghĩa là mình biết kẻ khác phạm tội mà còn giúp kẻ đó nữa, cũng giống như người xưa nói: "Trợ trụ vi xuyết" nghĩa là giúp vua Trụ làm việc bạo ngược. Hãy thử nhắm mắt lại tưởng tượng rằng từ vô thỉ đến nay, mình đã phạm lỗi lầm nầy bao nhiêu lần rồi? Cũng không cần hồi tưởng lâu xa như vậy. Chỉ xét trong cuộc đời ngắn ngủi này, tội mình phạm đã không thể kể xiết rồi.

Cho nên trong bài Sám-hối tiếp theo là câu: "Như thị đẳng tội, vô lượng vô biên." Nghĩa là những tội như vậy không bờ bến, không hạn lượng được. Không những tội mình không thể kể hết được mà nó còn nhiều không biên tế. Nếu như đã biết tội sâu dầy như vậy thì mình phải làm sao bây giờ? Không nói cũng biết rằng mình cần đối trước Phật mà khẩn thiết sám hối.

Do vậy cho nên bài Sám-hối lại tiếp: "Cố ư kim nhật, sinh đại tàm quý. Khắc thành bì lộ, cầu ai sám hối." "Khắc thành" hai chữ này có nghĩa là thành tâm. Khi sám hối điều cần nhất là phải thành tâm. Có những người tuy sám hối với sư phụ nhưng họ hết sức dối trá. Nhưng thường thì giấu đầu lòi đuôi. Ðem tội lỗi của họ mà ngụy trang che giấu đi. Ðó cũng là biểu thị họ không có thành ý sám hối tội lỗi của mình. Với cách sám hối lếu láo như vậy thì dù họ có trải qua trăm ngàn vạn ức, hằng hà sa số kiếp cũng không thể nào làm cho tội nghiệp họ tiêu trừ tường tận được.

Cho nên nói "Trực tâm là đạo tràng" tức là tâm ngay thẳng là đạo tràng. Khi sám hối với ai, mình phải bày tỏ lỗi lầm cho rõ ràng, không được nói lời có ý mơ hồ, nghĩa hai đằng. Ví dụ như khi hỏi rằng có phạm tội chi không? Thì trả lời rằng "tôi không nhớ" hoặc là "có lẽ có" v.v... Sám hối không triệt để như vậy không những không tiêu trừ được tội nghiệp mà còn trồng thêm nhân xấu nữa. Trong Phật-pháp, dù cho việc nhỏ như sợi tóc cũng không được lếu láo, coi thường. Nhưng có người lại nói lên ví dụ như sau: "Có ông nọ luôn luôn tạo ra những tội nghiệp, toàn làm những chuyện ác nhưng không hiểu sao hiện giờ ông nầy vẫn làm ăn giàu có, như vậy là không có nhân quả, không có công lý phải không?" Có một bài kệ như sau:

Túng sử bách thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong; Nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ.

Nghĩa là:

Trải qua trăm ngàn kiếp, nghiệp tạo chẳng mất tiêu; Nhân duyên đầy đủ thời, quả báo mình lại thọ.

Bởi thế cho nên phải biết nghiệp mình tạo ra thì thế nào cũng có báo ứng; chỉ là vấn đề thời gian, mau hay chậm, nhân duyên đã hội hợp đầy đủ chưa mà thôi.



Lại có người nói nếu như "Trải qua trăm ngàn kiếp, nghiệp tạo chẳng mất tiêu, vậy mình không có cách gì để làm tiêu trừ được tội chướng của mình sao?" Cũng không phải là không có biện pháp. Biện pháp để trừ tội nghiệp là "Duy nguyện Tam-bảo, từ bi nhiếp thọ, phóng tịnh quang minh, chiếu xúc ngã thân." Nghĩa là nguyện xin Tam-bảo, từ bi dẫn dắt, phóng ánh sáng lành, chiếu rọi thân con. Hy vọng Phật, Pháp, Tăng, Tam-bảo có thể theo chí nguyện từ bi của các Ngài mà dùng ánh quang minh thanh tịnh vô ngại chiếu sáng nơi thân của mình. Khi ánh quang minh chiếu đến thân mình, tam chướng (phiền não chướng, báo chướng, và nghiệp chướng) được tiêu trừ, giống như mây trôi trăng hiện, bản lai thanh tịnh của tâm mình lại bừng hiện vậy. Cho nên nói "Chư ác tiêu diệt, tam chướng nguyện trừ. Phục bổn tâm nguyên, cứu cánh thanh tịnh." Nghĩa là chư ác tiêu diệt rồi thì tam chướng đều quét sách. Khôi phục lại nguồn tâm cứu cánh luôn thanh tịnh.

Sau khi giảng xong bài văn Sám-hối nầy, tôi hy vọng rằng quý-vị hiểu sự tai hại của chuyện không sám hối và lợi ích của việc sám hối. Ngoài ra còn có một bài sám hối như sau:

Vãng tích sở tạo chư ác nghiệp,

Giai do vô thủy tham sân si, Tùng thân ngữ ý chi sở sinh, Nhất thiết ngã kim giai sám hối.

Dịch là:

Mọi thứ ác nghiệp tạo từ xưa, Ðều do vô thỉ tham, sân, si, Ở nơi thân, miệng, ý mà sinh, Con nay sám hối hết tất thảy.

Bài sám hối nầy không những có thể làm mình sám hối được tội chướng mà còn chỉ cho thấy nguyên nhân của việc tạo tội. Do đó tôi hy vọng rằng quý-vị mỗi ngày ở trước bàn Phật niệm bài văn nầy tối thiểu ba lần. Bây giờ tôi sẽ giải thích sơ qua ý nghĩa của bài này cho quý-vị nghe.

"Vãng tích" nghĩa là hồi xưa; gần là nói trong đời nầy mà xa nữa là nói vô lượng kiếp về trước. Trong thời gian đó, chẳng những là có lúc mình vào bụng trâu hay ra thai ngựa, cũng có khi sinh vào nhà họ Trương, lại có lần làm con họ Lý. Luân chuyển trong lục đạo, và trong giai đoạn nầy, không biết mình đã tạo ra bao nhiêu là tội nghiệp nữa.

Vì sao mà mình tạo tội nghiệp? Bài sám hối giải thích rất rõ ràng, "Tất cả đều do vô thỉ tham, sân, si" nghĩa rằng do tam độc tham, sân, si làm phát sinh vô số tội nghiệp. Cũng lại vì ba thứ độc nầy làm chủ nên thân thể mình mới phạm vào những tội như sát sinh, trộm cắp, và dâm dục. Miệng thì phát sinh ra những tội vọng ngữ, nói thêu dệt, nói lời ác ôn, nói lưỡi hai đằng. Cho nên trong bài văn có nói "Tùng thân ngữ ý chi sở sanh" nghĩa là do nơi thân, ngữ, ý mà phát sinh ra.

Bất luận là tội do thân tạo ra như là sát sinh, trộm cắp, dâm dục hoặc là nơi miệng tạo ra như là nói láo, nói lời ác ôn, nói lời thêu dệt, nói lưỡi hai đằng hoặc là tội phát sinh nơi ý niệm như tham, sân, si, mình đều phải khẩn thiết sám hối. Nếu không thì mình giống như người rớt vào bùn lầy, càng lúc càng lún sâu. Khi tội nghiệp càng lúc càng thâm trọng thì chính mình cũng không còn chỗ nào ngoi lên được, không còn cách gì mà cứu vớt được nữa.

Tôi hy vọng rằng quý-vị hiện ngồi đây đều có đầy đủ thiện căn, không quên chuyện sám hối, nhất định quý-vị có thể phát nguyện sám hối nghiệp chướng và tiêu trừ tất cả tội lỗi.

Giảng ngày 15 tháng 6 năm 1958

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Khai Thị Quyển 1- Hòa Thượng Tuyên Hóa

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook