Khuynh Tẫn Thiên Hạ Loạn Thế Phồn Hoa

Quyển 1 - Chương 6: CHƯƠNG 6

Thương Hải Di Mặc

14/07/2014

Lục thập thọ thần của Hoàng đế Đại Khánh, thiết yến ở Tụ Hiền Điện.

Hoàng đế thọ thần, yến hội phô trương thanh thế cùng quyền lực là chuyện đương nhiên không cần phải thắc mắc, sứ thần các nước, vương công quý tộc, quan lại lớn nhỏ, quý phi mỹ nhân… thân phận khác nhau nườm nượp ra ra vào vào, vậy nên việc cắt đặt, sai sử Thủ vệ Vương thành cũng trở nên đặc biệt trọng yếu. Toàn bộ cửa ra vào cung cấm đều điều động cao thủ Ngự lâm quân trấn giữ, lúc này bọn họ như lâm đại dịch, cẩn thận tra xét người ra kẻ vào, không dám có chút sơ xuất.

Một cỗ kiệu uy nghi nghiêm nghị từ xa tiến đến trước môn cung.

“Dừng lại! Người vừa đến là ai?” – Thị vệ trưởng lập tức giơ mũi thương chặn lại hỏi. Bốn đại hán khiêng kiệu trong trang phục đen tuyền chậm rãi dừng lại. Trên vai họ, cỗ kiệu màu trắng bí ẩn lơ lơ lửng lửng làm cho những người ở đó có một cảm giác phức tạp thật khó diễn tả, vừa cứng rắn, bất động như sơn, vừa uyển chuyển, phiêu dật như gió. Bốn khuôn mặt giấu trong bốn chiếc nón rộng choàng một lớp hắc sa (1), càng có vẻ thần bí khó lường, trên người tỏa ra khí thế bất phàm, nhìn thoáng qua cũng thấy bọn họ võ học cao siêu, nội lực mạnh mẽ. Những người kỳ bí có vẻ nguy hiểm như vậy sao không khiến cho bọn thị vệ sinh tâm cảnh giác!

Một tiểu thư đồng dáng vẻ dễ thương cùng một đại hán khuôn mặt hiền từ trầm mặc một trước một sau đứng bên cạnh cỗ kiệu. Tiểu đồng tiến lên trước, lấy lệnh bài thông hành chìa ra: “Đây là lệnh bài thông hành của công tử nhà tôi. Thỉnh thị vệ đại ca cho phép quá môn!”

Tiểu đồng chớp chớp đôi mắt thông minh lanh lợi, đôi mắt to, sáng và tinh anh làm cho ai nhìn thấy cũng sinh lòng yêu mến.

Thị vệ trưởng kiểm tra lệnh bài, không phát hiện điều gì khác lạ.

Người ngồi trong kiệu trước sau không hề lộ diện, cũng không hề lên tiếng.

Thị vệ trưởng có vẻ nghi ngờ, giương đôi mắt cố tìm kiếm bóng người ngồi phía sau bức rèm trắng muốt, trầm giọng: “Vương thành quy củ, trước nay muốn vào môn cung đều phải xuống ngựa hạ kiệu, đi bộ mà vào!”

Tiểu thư đồng tươi cười đáp lại: “Công tử nhà tôi hành động không tiện, không thể hạ kiệu!”

Thị vệ trưởng giễu cợt: “Ngươi thật xảo biện, cái gì công tử nhà ngươi hành động không tiện, chẳng lẽ hắn không có chân đi lại à?”

Hắn vừa nói xong, một thân ảnh chợt lóe lên, thị vệ trưởng chỉ thấy tối sầm mặt mũi. ‘Bốp! Bốp!’ hai tiếng, hai bên má đã lãnh trọn hai cái tát nảy lửa của đại hán đứng cạnh bên kiệu.

Lao thúc dùng bàn tay to khỏe áp chặt cổ họng của thị vệ trưởng: “Ngươi dám bất kính với công tử, tội đáng chết!”

“Lao thúc…”. Từ phía sau rèm truyền đến một thanh âm trẻ tuổi, thanh lãnh, cao quý, u tĩnh nhưng lại có sức mạnh vô phương kháng cự: “Hoàng cung trọng địa, không được giết người!”. Lao thúc thu tay, bật người về vị trí cũ, cúi đầu: “Dạ, công tử.”

“Có chuyện gì xảy ra?”. Một đám người đông đảo tháp tùng cỗ xe ngựa hoa lệ lộng lẫy, tiền hô hậu ủng tiến về phía môn cung. Thanh âm uy nghiêm kia đúng là từ bên trong cỗ xe phát ra.

Xe ngựa dừng lại trước môn cung, một lão nhân cao gầy nho nhã chậm rãi bước xuống. Người mặc triều phục thêu tỳ hưu (2) màu đỏ, cẩm y ngọc đái (3), tư thế cao quý rất có phong thái của kẻ lâu năm đọc sách thánh hiền.

“Lâm thừa tướng.” – Bọn thị vệ vui mừng như gặp cứu tinh, hành lễ lia lịa. Người vừa đến chính là cha của Lâm Y Y – Tả thừa tướng Đại Khánh – Lâm Văn Chính.

“Thì ra là Lâm thừa tướng.” – Người trong kiệu lại lên tiếng. Rèm kiệu khẽ động, một bàn tay như bạch ngọc nhẹ nhàng vén rèm lên…

Trắng nõn…

Những ngón tay thon dài.

Những ngón tay rất nhỏ, tinh xảo như điêu khắc từ ngọc, mà cũng rất mềm mại, móng tay thanh tú hình vòng cung, thoáng nhìn như nửa vầng trăng trắng muốt, vừa mang vẻ đẹp ôn nhuận của nữ tử, vừa có sự cứng cỏi kiên nghị của nam nhi…



Đôi tay ấy, đem lại cho người ta cảm giác mạnh mẽ, cứng rắn, không thỏa hiệp, ẩn chứa nguy hiểm tiềm tàng trong cái thanh nhã tinh tế, nhưng cũng bất khuất, quật cường, kiệt ngao bất tuần (5). Nhìn đôi tay, không ai không có cảm giác… Rất hữu lực!

Bàn tay tinh tế mềm mại, nhưng chỉ cốt rõ ràng (6), động tĩnh giai phong vân (7).

Chỉ mới một động tác đưa tay vén rèm, đã cảm giác như…, muốn đem cả thiên hạ đặt vào bàn tay ấy.

Bọn thị vệ ngây người… Rồi bỗng dưng, rất muốn biết người sở hữu đôi bàn tay như hoa như ngọc ấy, sẽ là người như thế nào!

Rèm kiệu được bàn tay tinh tế mềm mại kia vén cao lên một chút nữa.

Bên trong kiệu, trên tọa ỷ (8) phủ toàn nhung trắng, một thiếu niên vận triều phục thuần bạch thêu hoa văn ly vẫn (9) ngồi nghiêm trang ở đó.

Thiếu niên ngồi đó, thanh tĩnh, tịch mịch, thinh lặng, trầm mặc, tựa hồ bất biến như giang sơn tuế nguyệt, ung dung lãnh đạm, trong quan phục hoa quý kia toát ra vẻ phong tĩnh ôn điềm, nhưng trong cái khí chất cao quý tựa trời ấy cũng ẩn tàng một loại sát khí lạnh lùng.

Lâm thừa tướng mỉm cười: “Quả nhiên là công tử!”, đoạn quay sang quắc mắt bọn thị vệ: “Còn không mau phóng hành?”. Thừa tướng đã ra lệnh, còn ai dám ngăn trở!

Thiếu niên trong kiệu khẽ cúi người: “Đa tạ Lâm thừa tướng!”. Những ngón tay trắng muốt khẽ phất nhẹ, động tác như liễu rủ hoa bay, rèm kiệu lại buông kín.

Khởi kiệu, tiến vào trong.

Những người ở lại dõi mắt trông theo cỗ kiệu vừa rời đi. Thị vệ trưởng chăm chú nhìn theo bóng kiệu đi xuyên qua hành lang, cho đến khi khuất dạng ở một lối rẽ.

Một lúc lâu sau mới định thần lại, mỗi người đều phát hiện vẻ mặt rất khó miêu tả của những người xung quanh mình. Dù rất cố gắng cũng không thể xua đuổi ấn tượng vừa rồi được, có muốn quên đi càng không thể, mãi mãi đến cuối đời.

“Thừa tướng, không biết vị công tử vừa rồi là…?” – Thị vệ trưởng cũng không biết phải dùng xưng vị gì để gọi, đành gọi như vậy. Lâm thừa tướng cười: “Trong thiên hạ, người có khả năng khiến lão phu gọi hai tiếng ‘công tử’, thì có thể là ai?”

Thị vệ trưởng sửng sốt, mở trừng hai mắt.

Trong thiên hạ, kẻ có thể khiến cho Tả thừa tướng Lâm Văn Chính phải nhũn nhặn mà gọi ‘công tử’ không phải không có, nhưng cũng chỉ duy nhất một, đích thị…

Vô Song công tử, Tiếu Khuynh Vũ.

Lúc Tiếu Khuynh Vũ trông thấy Phương Quân Càn thì hắn đang chuyện phiếm cùng vài vị vương tôn quý tộc. Lưng tựa hờ hững vào cây cột bên ngoài cung điện, khóe miệng hắn thường trực nụ cười khinh mạn mà quyến rũ, nét cười trên đôi môi khinh bạc càng làm tăng vẻ tà mị mê hoặc, khiến ai nhìn thấy cũng không khỏi xốn xang. Những kẻ đang vây quanh hắn, trông càng như quần tinh ủng nguyệt (10), chăm chăm chú chú như uống từng lời của hắn. Trên đời này quả thật có loại người sở hữu hấp lực thu hút người ta đến với mình, nghe theo mình. Không nghi ngờ gì, Phương tiểu hầu gia chính là một đại biểu xuất sắc trong số đó.

Nhuyễn kiệu nhanh chóng đổi thành luân y, lúc này Lao thúc đang đẩy Tiếu Khuynh Vũ đi về phía Ngự hoa viên. Phương Quân Càn phát hiện Tiếu Khuynh Vũ từ xa, khẽ gật đầu chào, trên môi nở một nụ cười mừng rỡ kín đáo.

Vốn hắn nhìn thấy Tiếu Khuynh Vũ thì không lấy gì làm lạ, nhưng khi nhìn thấy bộ triều phục hoa quý trên người y thì thoáng chấn động.

Trên tóc Tiếu Khuynh Vũ buộc một cái tử kim quan Song long hí châu, sợi dây lụa dài quá tai nhẹ nhàng thả xuống trước ngực. Bộ triều phục trắng muốt bằng lụa tơ tằm thêu hoa văn, bàn tay trái từ tốn mân mê vòng kim tuyến ngoạn ở tay kia, khí độ ung dung hoa quý, phong thái tiêu sái phiêu dật (11). Nếu như ngày thường Tiếu Khuynh Vũ là một quý công tử phong lưu khoáng đạt, có thể cùng ngươi thù tạc, kiếm luận, vui vẻ thoải mái giữa chốn nhân gian, thì giờ đây bên trong vẻ tao nhã ôn nhuận, Tiếu Khuynh Vũ cũng toát ra vẻ nghiêm nghị, cao quý bức người, không giận mà vô cùng uy lực.

Phương Quân Càn nhận thấy, bộ triều phục trên người Tiếu Khuynh Vũ, ngoại trừ màu sắc và hoa văn có điểm bất đồng, còn lại kiểu dáng và chất liệu thì, cùng với bộ triều phục của Lâm Văn Chính…

Y hệt!



Đương kim thế gian, chỉ có hai bộ triều phục như vậy. Một bộ của Đại Khánh tả thừa tướng Lâm Văn Chính. Bộ còn lại do Hoàng thượng ngự ban cho ‘Sơn Trung thừa tướng’, vị thừa tướng bí ẩn của Đại Khánh.

‘Sơn Trung thừa tướng’ chính là Hữu thừa tướng của Đại Khánh, nhưng y không hề tha thiết gì việc triều chính, chỉ một lòng thích du sơn ngoạn thủy, vậy nên đại thần tân cựu không mấy ai từng gặp qua y. Nhưng phàm Đại Khánh gặp gì chuyện nan giải phức tạp, vô phương giải quyết đều cử người đến bái phỏng, xin y chỉ giáo. Vì y không chịu xuất đầu lộ diện, cứ mải ẩn cư, nên mọi người đều gọi y là ‘Sơn Trung thừa tướng’.

Tiếu Khuynh Vũ thấy Phương Quân Càn khẽ gật đầu chào thì cũng âm thầm tiếp nhận, nhẹ đáp lễ, rồi ra hiệu Lao thúc đưa mình rời khỏi đó. Y trăm ngàn lần không muốn để đám vương tôn quý tộc kia chú ý đến.

Bởi hai người vốn đã sớm tâm ý tương thông, cả hai đều hiểu, nếu để người khác biết họ có giao tình, tất nhiên sẽ gây ra vài phiền toái không đáng có.

Chính vì thế, Phương Quân Càn không lên tiếng, để cho Tiếu Khuynh Vũ rời đi.

Phương Quân Càn thấy lòng tăng thêm hứng khởi, nhìn theo bóng lưng Tiếu Khuynh Vũ đang xa dần, mông lung suy nghĩ.

Thật sự không ngờ, Vô Song công tử Tiếu Khuynh Vũ, cũng chính là Hữu thừa tướng của nước Đại Khánh này.

---oOo---

Những chú thích từ (1) – (5) và (9) là của Phi Thiên.

(1): tên gốc: Đấu lạp hắc sa: là một loại nón mà những người đi lại trên giang hồ hay sử dụng, nón nan rộng vành, phủ vải đen bên ngoài để giấu mặt đi (phỏng chú thích của Phi Thiên). Là loại nón giống như Nhậm Doanh Doanh đội trong lúc lang thang trên giang hồ cùng với Lệnh Hồ Xung.

(2) (9): Tỳ hưu: là một trong chín loại thần thú con của rồng. Đầu như Kỳ Lân, có một sừng, thân của gấu, có cánh trên lưng. Tỳ hưu một sừng là giống cực kỳ hung dữ, chuyên cắn hút tinh huyết của các loài yêu quái, ma quỷ nên còn gọi là con Tịch Tà. Loại Tỳ Hưu hai sừng là loài chuyên hút vàng bạc, châu báu trong trời đất nên được cho là con vật giữ tài lộc hay còn gọi là Thiên Lộc. (Chú thích của Phi Thiên). Ta trộm nghĩ có lẽ vì nó biểu hiện cho sát khí nên Tiểu Mặc mới gán cho Lâm Văn Chính chăng?

Ly vẫn: còn gọi là Si Vẫn, Si Vĩ: có đầu rồng, thân ngắn, miệng trơn họng to, rất thích nuốt các vật lớn, lại có thể phun nước làm mưa. Vì thế Si vẫn được tạc trên nóc nhà, cung điện cổ, chùa chiền, đền đài… ngụ ý cầu trấn hỏa để phòng hỏa hoạn, khác với Trào phong là đầu quay vào trong, nuốt lấy xà nhà hoặc bờ nóc. (Chú thích của Phi Thiên). Ly vẫn là biểu hiện cho sự bảo vệ, che chở nên được gán cho Tiếu công tử.

(3): áo gấm đai ngọc: cao sang quý phái.

(4): hình vòng cung: hình oval.

(5): (HV: kiệt) Nghĩa chính là vua Kiệt, nghĩa bổ sung là ‘kiệt’ trong ‘kiệt xuất’.

(HV: ngao) Nghĩa chính là chỉ ngựa bất kham, nghĩa bổ sung là ‘ngạo’ trong ‘cao ngạo’. Xuất phát từ điển tích về con ngựa bất kham của vua Kiệt, ví người tài giỏi quật cường như mãnh mã (ngựa khó thuần thường là ngựa cực tốt), có sức mạnh, tự lập tự cường, không ai sai khiến, kềm hãm được.

(6): ý nói bàn tay Tiếu Khuynh Vũ tuy mềm mại tinh tế nhưng vẫn mạnh mẽ rắn rỏi.

(7): nhất cử nhất động đều như gió thổi mây trôi

(8): ghế ngồi.

(10): sao vây quanh mặt trăng, chỉ khiến cho trăng càng tỏa ánh sáng, còn sao thì càng mờ nhạt.

(11): ung dung tự tại, vô tư lự.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Khuynh Tẫn Thiên Hạ Loạn Thế Phồn Hoa

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook