Kiều Ngạo Vương Phi Của Chàng Khờ Vương Gia

Chương 2: Chàng Khờ Khang Vương

Phương Tiểu Khả

09/01/2025

Vĩnh Xương quốc năm Diên Khánh hai mươi mốt.

Năm đó Cố gia vẫn là một trong những đại gia tộc hiển hách của đế quốc.

Thế giới nơi Vĩnh Xương quốc tồn tại có cả người và yêu. Yêu quái không phân chính tà, chỉ phân đẳng cấp. Cấp càng cao sẽ càng âm hiểm, sống dựa vào tim gan và máu người.

Bởi đó, người và yêu không chung một cõi. Con người để tồn tại đã học chú thuật, cách để trừ yêu. Những thợ trừ yêu được gọi là các phương sĩ.

Không phải ai cũng có thể trở thành phương sĩ ngoại trừ con cháu của tứ đại gia tộc, trong đó có Cố gia. Người không thuộc các gia tộc có thể làm phương sĩ khi đã qua đào tạo, kẻ thành tài tuy có song rất hạn chế.

Tứ đại gia tộc không có gốc rễ hoàng thất, họ chỉ đơn thuần lớn mạnh nhờ tài năng xuất chúng và là lực lượng không thể thiếu của một đế quốc.

Số lượng phương sĩ so với dân số không nhiều. Đứng đầu quản lí các phương sĩ gọi là Vĩnh Sinh Các. Vĩnh Sinh Các được cai quản bởi những người đứng đầu của tứ đại thế gia và sứ giả của vương thất.

Vĩnh Sinh Các sinh ra không đơn thuần để quản lí phương sĩ trên dưới Vĩnh Xương quốc mà còn nhằm ngăn chặn quyền lực khuếch trương trong tay các gia tộc lớn, đưa các gia tộc nằm dưới quyền quân chủ của Hoàng Đế, phục tùng Hoàng Đế.

Đổi lại, các gia tộc cũng có quyền lợi riêng và tiếng nói nhất định trong triều chính.

Không ngoa khi nói Cố gia đứng đầu Vĩnh Sinh Các khi mà phu nhân Cố Gia là đích nữ phủ thừa tướng. Bản thân Cố gia chủ cũng là một phương sĩ tài ba bậc nhất thời bấy giờ, chuyên nhận ủy thác đến từ hoàng thất, thậm chí góp mặt trong các trận đánh lớn nơi biên cương. Số phương sĩ dưới trướng Cố gia cũng không dưới nghìn người, chiếm một phần ba phương sĩ toàn đế quốc.

Cố Cửu Tư vì thế sinh ra thân phận cao quý hơn người, công chúa, quý tộc gặp nàng cũng phải kính nể vài phân. Cữu cữu nàng năm đó đã làm đến quốc công, quyền lực khuynh đảo triều chính.

Năm đó khi mẫu thân sinh ra nàng, Thái Hậu trước khi mất đã ban hôn nàng- một đứa trẻ mới cất tiếng khóc chào đời, với người trong hoàng thất.

Cửu Tư có quyền chọn sẽ thành thân với ai. Song điều đó không có nghĩa nàng xem đó như diễm phúc.

Rõ ràng, việc ban hôn nàng với một thành viên hoàng tộc cũng chỉ để nhằm kiểm soát quyền lực trong tay Cố gia không hơn không kém.

Sau khi sinh nàng, mẫu thân băng huyết. May mắn mỉm cười khi bà vẫn giữ được mạng sống. Song từ đó không còn khả năng mang thai.

Phụ thân nàng không nạp thiếp, cả hai chấp nhận chỉ có một mụn con và yêu thương nàng vô mực. Nàng lớn lên trong sự đủ đầy cùng tình yêu thương vô ngần, là đóa phù dung hoa cao quý và trong trắng chưa từng trải chút bụi hồng trần.

Có lẽ vì thế mà kiếp trước Cửu Tư mới tin lầm người, trao tương lai xán lạn của bản thân cắm vào bãi phân trâu.



Lại nói về hôn ước giữa nàng với con trai Hoàng Đế. Diên Khánh Đế chỉ có ba người con trai và hai nàng công chúa. Hai cô công chúa người xuất giá làm đích thê phủ thượng thư, người gả cho Hoàng Đế nước láng giềng.

Trong ba người con trai, có một người đã chết yểu, y là đích tử của cố Hoàng Hậu Thục Nhiên.

Hai người còn lại, một là đại hoàng tử con trai của Kế Hậu, Tốn Vương Yến Trác Vũ. Và cuối cùng là Khang Vương Yến Tư Thành, sinh mẫu y là một phi tần thất sủng mất trong lãnh cung chưa lâu.

Éo le cho Vĩnh Xương quốc, ngoài bãi phân trâu Tốn Vương Yến Trác Vũ thì người còn lại là một chàng khờ. Dù đã đầu hai mươi, Yến Tư Thành sở hữu trí lực của một đứa trẻ tám, chín tuổi.

Trong các yến hội, lễ nghi hoàng thất, vị Khang Vương này chưa từng góp mặt, sống khép mình, kín đáo. Kiếp trước nàng chọn Tốn Vương cũng vì biết người còn lại là một chàng khờ.

Nhưng ngẫm lại khờ cũng tốt. Người ngốc có cái phúc của người ngốc. Một đứa trẻ cũng sẽ không biết tranh giành với đời, không biết phản bội và cũng không biết ăn cháo đá bát.

Ngày Cửu Tư trùng sinh vừa hay ngay sát sinh thần tuổi mười sáu, tuổi cập kê của nàng. Ngày diễn ra lễ cập kê cũng là ngày nàng đưa ra quyết định phải chọn ai giữa hai hoàng tử.

Nàng không có quyền từ chối, đây là di nguyện của Thái Hậu, đến Hoàng Đế cũng không thể bất tuân. Vậy thay vì một bãi phân trâu, chẳng bằng chọn một chú ong vô tư hồn nhiên bầu bạn.

Nàng có hạnh phúc hay không do nàng quyết định, chẳng phải dựa dẫm vào ai, cũng chẳng ai định nghĩa được hạnh phúc cho nàng.

Trước ngày cập kê diễn ra, Cố Cửu Tư đã phân trần lòng minh với phụ mẫu. Tống Di Văn tỏ ra e ngại, đỡ nữ nhi dậy:

“Con chắc chứ? Cưới gả là chuyện cả đời, không thể hứa hôn bừa bãi.”

Cố Viêm Chước gật đầu phụ họa thê tử:

“Phải đấy, không phải con có giao hảo với Tốn Vương sao? Không nhầm, ngày trước con bị phong hàn vương gia gửi rất nhiều thư hỏi thăm, quà cáp.”

Cũng chính vì lẽ đó mà kiếp trước nàng mới nhìn nhầm con người hắn. Chẳng qua chỉ là lớp mặt nạ hào nhoáng che đi nội tâm xấu xí, đáng ghê tởm của hắn.

Cửu Tư dõng dạc nói:

“Phụ thân, mẫu thân, Cố gia chúng ta là một thế gia hiển hách lâu đời. Sinh mẫu của đại hoàng tử là Kế Hậu, tiềm lực trong tay Tốn Vương vốn đã rất lớn, nếu có thêm sự hậu thuẫn của Cố gia, việc Tốn Vương trở thành Thái Tử dường như là chuyện sớm muộn. Con không muốn gia tộc trở thành bàn đạp để người ta vụ lợi, cũng không muốn phụ thân phải cung phụng ai.”

Cố Viêm Chước kinh ngạc nhìn con gái:



“Ở tuổi con có những suy nghĩ này thì thật đáng khen.”

Mẫu thân nàng vẫn tỏ ra quan ngại:

“Ta rất vui vì con hiếu thảo, nhưng trên hết ta muốn con cân nhắc tương lai của mình hơn là tương lai của gia tộc. Cái chúng ta cần là con một đời an nhiên hạnh phúc con à.”

Khi nói, đôi mắt Tống Di Văn không giấu được niềm tự hào, hạnh phúc đan xen chút đắn đo, lo lắng.

Cửu Tư ôm chầm lấy mẫu thân:

“Con thực sự đã cân nhắc rất kĩ thưa nương.”

Nàng lí giải:

“Gả vào hoàng thất vốn đã là một cuộc mạo hiểm, trèo càng cao càng nhiều kẻ lăm le nhắm tới. Muốn an nhiên một đời vậy chẳng bằng nữ nhi gả cho Khang Vương. Sau này, cũng không phải chịu cảnh tam cung lục viện, nhìn phu quân tay ấp gối cùng nữ nhân khác. Với lại, nếu là Khang Vương, con cũng sẽ dễ có dịp về thăm hai người hơn.”

Nàng vừa nói vừa trấn an bậc sinh thành.

“Với lại, Khang Vương gia thế không bằng đại hoàng tử, sau này nếu có muốn hưu phu, cũng dễ dàng.”

Cố Viêm Chước là người đầu tiên bị thuyết phục:

“Nha đầu xem chừng đã lớn rồi.”

Bên cạnh đó là vẻ mặt nghiêm nghị vẫn có chút đắn đo của Cố phu nhân. Suy cho cùng, trưởng thành quá sớm có thực sự tốt?

Bà rất vui khi con gái biết cân nhắc cho hôn nhân của mình. Song xưa nay những cuộc hôn nhân sắp đặt vốn đã là một màn đánh cược mạo hiểm. Đã là đánh cược làm sao biết được chính xác đúng sai, thành bại? Cân nhắc quá kĩ lưỡng đôi khi trở thành gò bó nhốt mình trong một góc lều chật hẹp.

Nhưng thôi vậy...

Tống Di Văn thở hắt ra, mỉm cười nhìn con:

“Tư Tư lớn rồi, có những chuyện ta sẽ không cấm cản, ép buộc con.”

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

Nhận xét của độc giả về truyện Kiều Ngạo Vương Phi Của Chàng Khờ Vương Gia

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook