Kim Kiếm Lệnh

Chương 24: Trên núi Thái Sơn ngắm nhìn thiên hạ dưới mắt

Đông Phương Ngọc

17/04/2013



Nghĩ vậy, chàng tủm tỉm cười rồi gật đầu nói :

- Tại hạ đã nói rồi, mọi việc xin tùy theo sự quyết định của Tu huynh. Vậy xin Tu huynh ra tay trước.

Nghe chàng nói câu đó, chàng áo đen cất tiếng cười gằn.

Tu Ngọc Nhàn trong lòng nóng nảy quay lại nhìn anh, có ý muốn nói gì nhưng lại thôi. Vì chàng áo đen đã phi thân nhảy đến, cách chỗ Vệ Thiên Tường đứng chừng hai trượng và nói :

- Xin thiếu hiệp thận trọng cho tiểu đệ thi thố chút tài hèn.

Nói vừa dứt lời, cánh tay phải đã vung lên, một ngọn “Tý Ngọ Thần Cốt trâm” đã lao vút đến ngực Vệ Thiên Tường rồi.

Loại ám khí này dài chừng hai tấc nhỏ như cán bút, luyện thuần bằng gang thân hình tròn trịa, phóng ra dùng sức cổ tay và ngón tay, nhanh như điện xẹt. Ở đầu trâm lại có tẩm thuốc độc. Một khi trúng phải ám khí này chỉ từ giờ ngọ không quá giờ tý phải chết ngay. Vì vậy nên mới đặt tên là “Tý Ngọ Thần Cốt trâm”.

Vệ Thiên Tường đã quen luyện tập sử dụng ám khí ngay từ lúc còn bé thơ. Khi thấy Tý Ngọ Thần Cốt trâm xé gió bay tới vẫn bình tĩnh như thường, miệng khẽ nói: “Tốt lắm” rồi cứ đứng nguyên vị không thèm né tránh, ngọn trâm vừa bay đến nơi, chàng khẽ đưa tay dùng hai ngón kẹp chặt lại.

Chàng áo đen thấy vậy liền phóng luôn năm cây khác, nhằm vào năm trọng huyệt yếu hại nhất của Vệ Thiên Tường: hai mắt, cổ họng, tim và miệng. Thủ pháp của hắn rất lanh lẹ và thuần thục vô cùng.

Vệ Thiên Tường đã có ý xem thường và muốn nhân cơ hội này để đùa giỡn một lúc cho vui. Khi ám khí còn cách mình chừng một tấc, chàng mới ngã người về phía sau, đồng thời đưa tay trái lên kẹp lấy một cây rồi khẽ búng ra đánh keng một tiếng đúng ngay vào cây tiếp theo của các cây đang nối đuôi nhau bay tới văng đi mất.

Bàn tay phải của chàng xòe ra kẹp luôn cả bốn cây trâm kia không sót một cây nào.

Nam Cung Uyển trông thấy thích chí quá vỗ tay reo mừng và khen ngợi. Nhưng bỗng nhiên nàng biến sắc “á” lên một tiếng kinh hoàng rồi đờ người ra mà nhìn.

Thì ra khi Vệ Thiên Tường vừa bình thần đứng lên chưa được vững thì một cây Tý Ngọ Thần Cốt trâm đã lao vút đến nữa, cách mi tâm chàng không đầy ba tấc. Lúc bấy giờ dù có né tránh cũng không còn kịp nữa rồi.

Trong lúc đang thập phần nguy hiểm, Vệ Thiên Tường bỗng ngã lộn luôn ra sau rồi dùng một búng chân khí thổi phù một cái, mũi trâm bay mất.

Anh chàng áo đen trông thấy tái mặt nhưng cười gằn nói :

- Nội công quả nhiên màu nhiệm. Xin thử luôn một lần nữa thủ pháp “Phật Phong Kinh Vũ” của Tu mỗ đây.

Tu Ngọc Nhàn thất kinh vội kêu lớn :

- Đại ca, không nên...

Nhưng chàng áo đen đã vung hết cả hai tay ra, cả 36 cây thần cốt trâm, như mưa sa bão táp nối đuôi nhau từng đợt xé gió vù vù bay tới nhắm ngay vào 36 trọng huyệt của Vệ Thiên Tường.

Nhưng Vệ Thiên Tường đột nhiên cười lớn rồi nói :

- Hà hà... xin hiền huynh thử nếm một chiêu “Đảo Tan Thanh Phù” của tại hạ xem sao?

Nói rồi chàng nắm ở tay trái 36 đồng Hồ Điệp kim tiền vãi luôn ra kêu vo vo như bầy ong vỡ tổ, xẹt đi như điện chớp.

Đứng ngoài nhìn vào chỉ thấy vô số điểm hàn tinh nhấp nháy khắp bầu trời, dưới ánh tà dương không biết bao nhiêu điểm sáng nhấp nháy, di chuyển mau lẹ không nhìn kịp.

Những tiếng kêu leng keng vang lên liên tiếp. Hồ Điệp kim tiền đã chạm vào những ngọn Tý Ngọ Thần Cốt đinh, rơi lả tả khắp mặt đất như lá rụng mùa thu. Đặc biệt một điều là cứ một lỗ Hồ Điệp kim tiền lại có một mũi Tý Ngọ Thần Cốt đinh xuyên vào.

Vệ Thiên Tường thét luôn hai tiếng :

- Đón đây!

Chàng vung luôn tay phải; bốn cây thần cốt đinh kẹp ở khe ngón tay lại vùn vụt bay trở lại theo lối “gậy ông đập lưng ông”.

Vì căm hận người áo đen cố tình hạ độc thủ nên chàng không muốn nhân nhượng nữa. Nhưng lối trả đòn của chàng còn có phần mau lẹ và lợi hại hơn nhiều.

Chàng áo đen vừa sợ vừa giận vội nhảy vọt qua một bên để tránh né rồi hét lớn :

- Tiểu tử, hãy xem chừng bảo kiếm!

Tức thì một làn kiếm quang sáng lòa lộng lên như ánh cầu vồng, chém vào người Vệ Thiên Tường, tiếng rít như lụa xé.

Thế kiếm chém ra trong lúc bất ngờ, mau như điện xẹt. Vệ Thiên Tường không ngờ đối phương lại hành động một cách vô sỉ và khiếp nhược như vậy.

Trong lúc hoảng hốt chàng lăn ra ngoài chừng một trượng, nhìn lại thấy trên chỗ mình vừa đứng có cày sâu năm vệt kiếm.

Vệ Thiên Tường sửng sốt la lớn :

- Tu La ngũ kiếm!

Rồi chàng buộc mồm hỏi luôn :

- Người có phải là phái Tu La hay không?

Anh chàng áo đen thấy thân pháp của Vệ Thiên Tường mau lẹ quá mức, đã né khỏi năm nhát kiếm của mình một cách dễ dàng nên đem lòng nể sợ, không dám khinh thường tiến lên nữa. Mặt mày y tái xanh, lớn tiếng hét :

- Tiểu tử, hà tất phải hỏi dài dòng. Có bản lãnh bao nhiêu cứ đem ra thi thố để tranh tài cao thấp.

Vệ Thiên Tường nổi nóng thét to :

- Nếu không nể mày là môn hạ của Tu La môn thì Vi Hành Thiên này không để mày thoát khỏi được nơi đây phen này. Nếu mày tự phụ khinh người, luôn tiện ta cũng cho mày được nhìn thấy qua kiếm pháp của Vi mỗ.

Vừa nói dứt lời, chàng đã bạt kiếm, loang lên một vòng loang loáng. Trên mặt đất đã cày sâu bảy vệt kiếm dài, mỗi vệt sâu hơn ba tấc!

Chàng mặc áo đen tái mặt khiếp sợ. Nhưng hắn cười ha hả nói :

- Này gã họ Vi, thì ra mày là truyền nhân của La sát lão tặc, Tu mỗ này tự xét nghệ thuật còn non kém, nay xin tạm rút lui. Rồi đây tự khắc sẽ có cao nhân đến tìm mày để thanh toán. Hãy liệu mà đề phòng.

Nói xong hắn quay lại kêu lớn :

- Muội tử, chúng ta hãy đi.

Dậm hai chân khé nhún một cái, thân hình y đã bốc lên cao, ngồi trên lưng ngựa, giật cương phóng tới như bay.

Ngưa phi chừng mười trượng đã rẽ sang một lối khác mất hút.

Tu Ngọc Nhàn thấy anh đã bỏ chạy chẳng biết làm sao hơn. Mắt nàng chứa đựng cả niềm uất hận vừa luyến tiếc, khẽ liếc nhìn Nam Cung Uyển, ý muốn nói gì nhưng lại thôi. Nàng lặng thinh nhìn Nam Cung Uyển một lát tỏ tình lưu luyến cuối cùng cũng nhảy lên mình ngựa chạy theo anh chàng áo đen rồi biến mất.

Nam Cung Uyển liếc mắt nhìn năm vết kiếm của chàng áo đen gạch trên đất cung bảy đưòng kiếm của Vệ Thiên Tường vừa đánh ra, trong lòng ngơ ngẩn và thắc mắc.

Chặp sau nàng khẽ nói :

- Vi đại ca, anh nói hắn cũng là môn hạ Tu La phái phải không?

Vệ Thiên Tường gật đầu đáp :

- Phải, đường kiếm của hắn đang sử dụng là “Tu La ngũ kiếm”.

Nam Cung Uyển chắc lưỡi nói :



- Chỉ một thế đánh hắn đã chém thành năm vệt, mau lẹ đến nỗi không thể nào phân biệt được. Chính tôi cũng chưa biết cách phá giải như thế nào. Ủa, Vi ca ca này! Còn thế kiếm của anh, chỉ một lúc chém luôn bảy nhát, có phải là “Tu La thất kiếm” không? Kiếm pháp đó quả nhiên tinh diệu và có phần còn ghê gớm hơn nhiều.

Vệ Thiên Tường cười nói :

- Kiếm pháp của cô nương sử dụng đấu cùng Nhâm thị song kiệt còn mầu nhiệm và tinh vi hơn nhiều. Sự biến hóa của các thế kiếm vô cùng phức tạp. Nhưng chỉ vì cô nương chưa phát huy được hoàn toàn đúng mức độ của nó nên chưa đưa ra được đầy đủ oai lực ghê gớm của nó.

Nam Cung Uyển cười khúc khích nói lớn :

- Vi ca ca chỉ có tài khen người, kiếm pháp của tôi đối với ca ca có thấm vào đâu! Này Vi ca ca, anh có biết không, hồi nãy đứa con gái ấy cứ tưởng mình là trai thật nên có vẻ quyến luyến lắm, trông thấy tức cười gần chết đi mất. Ca ca có biết hắn tên gọi là gì không?

- Vệ Thiên Tường lắc đầu.

Nam Cung Uyển nói :

- Cô ta tên Tu Ngọc Nhàn.

Vệ Thiên Tường luôn miệng nói :

- Phải, hồi nãy chàng nọ cũng xưng là họ Tu. Ồ, sao cùng họ Tu hết nhỉ?

Nam Cung Uyển nói :

- Vi đại ca, anh muốn đuổi theo nó ư? Liệu có kịp không? Mà đuổi theo để làm gì chứ? Mới gặp đấy mà đã si mê đến siêu hồn lạc phách rồi sao?

Vệ Thiên Tường bị nàng xét đoán tư tưởng, có ý không bằng lòng, chỉ quay đầu lườm một cái.

Nàng bực mình bỏ chạy ra ngaòi sơn miếu.

Vệ Thiên Tường sửng sốt vội vàng rảo bước chạy theo, vừa cười vừa nói :

- Uyển muội, cô đừng hiểu lầm.

Nam Cung Uyển nói :

- Ai đã hiểu lầm! Mới nhắc đến con bé họ Tu đã ngơ ngẩn như người mất hồn, hay nếu muốn tôi sẽ xin tác hợp cho.

Vệ Thiên Tường nghiêm nét mặt nói :

- Uyển muội, cô đừng có nghi kỵ nhiều lời không hay. Vừa rồi tôi sực nhớ đến họ cũng là họ Tu thì tôi nghĩ rằng họ với ân sư tôi là Tu Linh Quân có liên hệ bà con gì chăng. Biết đâu họ còn là con cháu của ân sư Tu Linh Quân cũng không biết chừng. Uyển muội nghĩ xem, như thế có ý nghĩ gì càn rỡ hay không?

Nam Cung Uyển nghe xong biết ngay mình nghĩ sai rồi liền tìm cách bào chữa :

- Ai biết đâu được trong lòng anh. Anh nghĩ một đường nói ra một nẻo, có trời mới biết!

Vệ Thiên Tường chỉ mỉm cười không nói gì hết.

Chàng lẳng lặng đi giắt ngựa lại. Hai người cùng lên ngựa buông cương lên đường ngày đi đêm nghỉ.

Mãi đến trưa hôm thứ ba mới đên chân núi phía Nam Thái Sơn.

Núi Thái Sơn cũng có tên là Đông Nhạc. Từ xưa, núi này được xem là “Thiên hạ đệ nhất phong” cho nên đức Khổng Tử đã có câu “Đăng Thái Sơn nhi tiểu thiên hạ” nghĩa là lên trên đỉnh núi Thái Sơn xem nhỏ thiên hạ! Núi cao hàng mấy nghìn thước, bên trên có nhiều ngôi cổ tự từ đời Tần, Hán.

Trên đỉnh núi cao chót vót có núi Quan Nhật buổi sáng đến ngắm nhìn cảnh mặt trời mọc, đẹp đẽ vô cùng. Đứng đây nhìn ra khi mặt trời lên chiếu hàng nghìn muôn ánh hào quang khắp bốn mặt thật ly kỳ xinh đẹp.

Suổt rặng núi Thái Sơn trùng trùng điệp điệp thường nhật rất ít bọn giang hồ để chân lui tới.

Từ xưa kia, Thái Nhạc lão nhân đã ẩn cư tu luyện nơi đây. Tuy chỉ nghe tiếng chứ ít ai được gặp, vì địa thế quá bao la hiểm trở.

Vệ Thiên Tường và Nam Cung Uyển gởi ngựa cho một gia đình săn bắn ở dưới chân núi, hỏi thăm đường đi Bàn Thạch sơn rồi lần dò lên núi.

Con đường xuyên sơn chạy vòng quanh chân núi lúc đầu cũng bằng phẳng dễ đi. Một thời gian sau, cả hai đã gặp một dãy núi chắn ngang trước mặt.

Núi này tuy không cao lắm nhưng có nhiều gộp đá khổng lồ, nhiều thạch bàn vĩ đại. Cứ như lời người thợ săn cho biết, chính vì sự cấu tạo của hình thể ngọn núi mà thiên hạ mới gọi là Thạch Bàn sơn.

Vừa trông thấy những tảng đá khổng lồ nhấp nhô trước mặt, Nam Cung Uyển mừng rỡ nói :

- Chúng ta đã đến Thạch Bàn sơn rồi, hãy đi mau lên Vi ca ca.

Hai người đi riết được nửa dặm, qua một cái khe nhỏ thì đến một mảnh đất bằng có mấy gian nhà tranh cất dựa theo triền núi. Giậu tre nhà lá cảnh tượng hết sức thô sơ mộc mạc.

Phiá ngoài bờ giậu, trên mảnh đất trống có môt khu vườn trồng thuốc, có nhiều cây thuốc rất kỳ lạ, chưa hề biết tên.

Trên vườn có nhiều đường ngang nẻo dọc chi chít. Có lẽ dùng để đi lại tưới nước và chăm sóc cây cối.

Vệ Thiên Tường nhìn xem cảnh sắc đã cảm thấy trong lòng bâng khuâng cảm mến đối với Thái Nhạc lão nhân.

Chàng nghĩ bụng :

- “Một vị Chưởng môn nổi tiếng trong võ lâm đã công nhiên xem thường thế sự, lấy thú lâm tuyền tiêu khiển, không màng danh lợi, xem vinh hoa như đám bụi mờ, đáng kính đáng phục thay”.

Vượt qua hàng núi, xuyên qua một cánh rừng còi, môt ngôi nhà lá giậu tre đã hiện ra trước mắt.

Vì người sắp ra mắt là một vị tôn sư nổi tiếng một thời, đáng xem là bậc trưởng thượng nên hai người phải sửa soạn lại khăn áo trước khi đi vào chiếc cổng bằng gỗ.

Nhưng sau khi lầm lũi đi luôn một hồi, lúc ngẩng đầu nhìn lên cánh cửa bằng phên tre vẫn còn cách xa một đường như cũ. Hình như nãy giờ chưa đi được thước đất nào.

Hai người lại đi nữa, nhưng chiếc cổng gỗ vẫn y nguyên trước mặt, tựa hồ như còn xa hơn một khúc.

Vệ Thiên Tường quá sức kinh ngạc bèn nghĩ thầm :

- “Ủa lạ này, chiếc cổng gỗ kia có xa lắm cũng chỉ độ vài trượng mà thôi. Thế mà chúng mình đã đi rất nhiều thì giờ mà vẫn chưa tới nơi, mà hình như càng lúc càng xa thêm nữa”.

Chàng cất tiếng nói :

- Uyển muội, rõ ràng chúng ta trông thấy cái giậu tre, cổng gỗ ngay trước mắt, cớ sao đi hoài không tới nơi nhỉ?

Nam Cung Uyển suy nghĩ một lát nói :

- À phải, tôi nhớ ra rồi! Chúng mình đã đi luồng qua cánh rừng còn đi thêm một hồi khá lâu nữa cơ mà!

Vệ Thiên Tường gật đầu nói :

- Hình như trong đó có một điều kỳ quái.

Tuy nhiên, hai người vẫn không nản lòng, cứ cặm cụi đi mãi.

Lúc bấy giờ thấy cánh cửa phên đã mở. Một cậu bé tuổi chừng 14, 15 thủng thỉnh bước ra, trố mắt nhìn tỏ ý nghi hoặc nói :

- Hai vị công tử, có lẽ đã lầm đường rồi chăng?

Vệ Thiên Tường thấy chú bé có vẻ lễ độ, vội vàng chắp tay đáp :



- Xin hỏi tiểu ca, nơi đây có phải là Bàn Thạch Lĩnh không?

Cậu bé sửng sốt một chút rồi gật đầu nói :

- Phải, đây là Bàn Thạch Lĩnh, không biết hai vị tìm đến đây để làm gì?

Vệ Thiên Tường nói :

- Tại hạ tên Vi Hành Thiên ở Dương Châu có gặp lệnh sư huynh là Sầm đại hiệp muốn tại hạ đến đây diện kiến lệnh tôn sư, vậy cảm phiền tiểu ca vui lòng bẩm giúp.

Cậu bé mừng rỡ nói :

- Thì ra hai vị là bạn của đại sư huynh, tiểu đệ không biết, quả nhiên thất kính, xin miễn chấp.

Nói đến đây, cậu bé bỗng đổi sắc mặt nói :

- Hai vị đến đây không may quá, vì gia sư đã hạ sơn từ tuần trước rồi.

Vệ Thiên Tường nghe nói Thái Nhạc lão nhân đã hạ sơn trong lòng thất vọng vô cùng.

Chàng cảm thấy thật khó nghĩ quá. Mình đã chịu lời ký thác của Sầm Phong lúc sắp chết, đưa một gói đó nhờ trao lại cho tôn sư.

Tuy chưa biết rõ nội dung, nhưng cứ một việc như Trí Giác thiền sư đón đường muốn chặn đoạt, thì có lẽ cũng có một thứ gì quý báu hay quan trọng lắm.

Bây giờ Thái Nhạc lão nhân đã đi vắng, chả lẽ mình đem một đồ vật quan trọng trao cho một đứa bé hay sao? Nhất định không thể nào được.

Cậu bé thấy chàng có vẻ suy tư ngần ngại liền nói :

- Xin mời hai vị vào trong xơi nước. Không biết đại sư huynh có điều gì quan trọng mới nhờ hai vị đường xa tìm về đây?

Vệ Thiên Tường nín cười nói :

- Tiểu ca hà tất phải khách khí, tại hạ chịu sự ký thác của lệnh sư huynh, thật ra có một điều vô cùng trọng đai, cần phải diện trình lệnh tôn sư. Tiếc vì Thái Nhạc lão tiền bối không có ở nhà, tại hạ xin cáo từ và một dịp khác sẽ xin trở lại.

Cậu bé tỏ vẻ áy náy, xin lỗi :

- Thật là điều không may mắn! Gia sư bình nhật chưa hề hạ sơn lần nào. Chẳng hiểu vì sao lúc này lại xuống núi mà không nói trước đến chừng nào mới về. Nếu công tử muốn diện kiến gia sư, xin cảm phiền tôn giá trở lại một lần nữa.

Vệ Thiên Tường vội đáp “không hề chi”, rồi giã từ cậu bé xuống núi.

Nhưng Nam Cung Uyển bỗng nhớ đến câu chuyện cổ quái vừa rồi, liền hỏi cậu bé :

- Tiểu ca, xin hỏi tiểu ca một việc. Vừa rồi chúng tôi phải đi gần nửa ngày trường, nhưng không rõ vì sao vẫn chưa đến cái cổng gỗ.

Cậu bé tươi cười nói :

- Hai vị là bạn của đại sư huynh, xem như người nhà nên xin nói thiệt. Chỗ này đi qua khe núi đã được gia sư bố trí một kỳ môn độn giáp để đề phòng thú dữ khỏi đột nhập vào nhà. Lần này gia sư mới hạ sơn có bố trí thêm một vài chỗ nữa. Dù võ công rất giỏi nhưng cũng chưa chắc xông qua khỏi bức rào tre để vào nhà.

Nam Cung Uyển gật gù thán phục rồi tươi cười nói :

- Xin cám ơn, tiểu ca đã chỉ dẫn.

Cả hai cùng từ biệt cậu bé quay trở về.

Vượt qua khỏi khe núi rồi, Nam Cung Uyển cười nói :

- Vi đại ca, tôi theo anh cũng trải qua bao nhiêu đường đất, bây giờ anh cũng nên đi theo tôi để tới Nhật Quan phong ngắm cảnh mặt trời mọc cho biết, vì chả mấy khi có dịp thuận tiện.

Vệ Thiên Tường gật đầu nói :

- Lâu nay cũng nghe tiếng Nhật Quan phong, nay được đến đây rồi, cũng nên đi xem thử cho phỉ lòng mơ ước.

Nam Cung Uyển mừng quá nhảy nhót vỗ tay cười reo lên :

- Ha ha, Vi đại ca, tốt lắm! Vậy chúng ta cùng đi!

Rồi hai người vòng quanh chân núi đi lên trên cao. Có một lối đường mòn nho nhỏ dẫn sang phía Đông rồi mới đi ngược lên đỉnh.

Núi Thái Sơn! Mấy ngàn năm về trước đã được Khổng phu Tử ca tụng là “Đăng Thái Sơn nhi tiểu thiên hạ” lại là một nơi có phong cảnh mặt trời mọc kỳ lạ nổi tiếng. Đã bao nhiêu đời rồi, không biết bao nhiêu là thi nhân mặc khách, không ai là không mộ tiếng đăng lăm, từ chân núi lặn lội lên tận đỉnh cao. Cũng may là từ dưới đi lên, dọc đường nhiều nơi có đắp nhiều bậc đá giúp khách du lịch có thể leo được dễ dàng.

Vệ Thiên Tường và Nam Cung Uyển với một tuyệt nghệ trong mình, nên đi lên đỉnh không có gì là vất vả.

Nam Cung Uyển lấy lương khô ra chia cho Vệ Thiên Tường cùng ăn.

Nàng vừa ăn vừa nói :

- Vi ca ca, Thạch Cảm Đang nhờ anh đưa cho sư phụ y gói đồ vật gì vậy?

Vệ Thiên Tường nói :

- Cái đó tôi cũng không biết được. Tuy nhiên cứ như Trí Giác thiền sư mà cũng muốn đón đường cướp lấy, cũng có thể đoán được vật này có lẽ trọng yếu lắm.

Nam Cung Uyển nói :

- Phải đấy! Vi ca ca! Chúng mình hãy mở ra xem thử. Có được không?

Vệ Thiên Tường lắc đầu nói :

- Đồ của người ta gởi, chúng ta không nên xem trộm...

Nam Cung Uyển nói :

- Vi ca ca, anh nói như thế cũng đúng. Tuy nhiên nếu đó là một vật quý giá có tầm quan trọng to tát thì cần phải xem cho biết, miễn chúng ta đừng có muốn xâm chiếm giữ làm của riêng. Hiện nay Thái Nhạc lão nhân đi vắng, anh được giao phó bảo quản một thời gian. Dù là một phiêu cục, khi nhận bảo tiêu một vật gì, ít ra cũng phải biết rõ giá trị và tính chất của đồ vật hay món hàng đó chứ. Nếu vạn nhất giữa đường bị thất lạc cướp giật, nếu anh không biết đó là thứ gì, thì còn biết đâu mà tìm kiếm nữa?

Vệ Thiên Tường thấy nàng nói có nhiều điểm hợp lý hợp tình. Suy nghĩ cho kỹ thì việc tìm hiểu thứ gì bên trong cũng là điều rất cần thiết.

Chàng cười xòa nói :

- Ồ, nếu Uyển muội không giải thích thì ngu huynh cũng vô tình không nghĩ đến. Chúng ta có trách nhiệm bảo vệ đồ vật đó, ít ra cũng phải biết đó là thứ gì mới được. Ừ nhỉ, nên xem thử là phải.

Nam Cung Uyển nũng nịu nói :

- Tôi không thèm xem nữa đâu.

Vệ Thiên Tường nhìn nàng mỉm cười rồi lấy cái gói nhỏ Sầm Phong ký thác mở ra xem.

Ngờ đâu, khi vừa mở ra làm cho chàng run cả người, mặt mày tái mét!

Thì ra trong bọc nhỏ có gói một vật, vật ấy đối với chàng không xa lạ mấy.

Xem tiếp hồi 25 Tu La Thần Mỗ

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Kim Kiếm Lệnh

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook