Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa

Chương 446: Quyển 443 Xlvii. Phẩm Chỉ Tướng 02

Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm

14/08/2021

Bấy giờ, Phật bảo chúng chư Thiên:

– Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như các ông nói. Chư thiên nên biết, Như Lai biết như thật tướng tất cả pháp là vô tướng. Nghĩa là biến ngại, là tướng của sắc, Như Lai biết như thật là vô tướng. Lãnh nạp là tướng của thọ, Như Lai biết như thật là vô tướng. Giữ hình dáng là tướng của tưởng, Như Lai biết như thật là vô tướng. Tạo tác là tướng của hành, Như Lai biết như thật là vô tướng. Liễu biệt là tướng của thức, Như Lai biết như thật là vô tướng. Nhóm khổ não là tướng của uẩn, Như Lai biết như thật là vô tướng. Cửa sanh trưởng là tướng của xứ, Như Lai biết như thật là vô tướng. Nhiều độc hại là tướng của giới, Như Lai biết như thật là vô tướng. Thường ban ân và xả bỏ là tướng của bố thí Ba-la-mật-đa, Như Lai biết như thật là vô tướng. Không nóng nảy là tướng của tịnh giới Ba-la-mật-đa, Như Lai biết như thật là vô tướng. Không giận dữ là tướng của an nhẫn Ba-la-mật-đa, Như Lai biết như thật là vô tướng. Không thể thối lui là tướng của tinh tấn Ba-la-mật-đa, Như Lai biết như thật là vô tướng. Không tán loạn là tướng của tịnh lự Ba-la-mật-đa, Như Lai biết như thật là vô tướng. Không chấp trước là tướng của Bát-nhã ba-la-mật-đa, Như Lai biết như thật là vô tướng. Vô sở hữu là tướng của pháp nội Không v.v… Như Lai biết như thật là vô tướng. Không điên đảo là tướng của chơn như v.v…, Như Lai biết như thật là vô tướng. Không hư dối là tướng của bốn Thánh đế, Như Lai biết như thật là vô tướng. Không ưu não là tướng của bốn tịnh lự, Như Lai biết như thật là vô tướng. Không ngăn ngại là tướng của bốn vô lượng, Như Lai biết như thật là vô tướng. Không ồn náo là tướng của bốn định vô sắc, Như Lai biết như thật là vô tướng. Không ràng buộc là tướng của tám giải thoát, Như Lai biết như thật là vô tướng. Chế phục được là tướng của tám thắng xứ, Như Lai biết như thật là vô tướng. Thường vắng lặng là tướng của chín thứ lớp định, Như Lai biết như thật là vô tướng. Không ngằn mé là tướng của mười biến xứ, Như Lai biết như thật là vô tướng. Thường xuất ly là tướng của ba mươi bảy pháp phần Bồ-đề, Như Lai biết như thật là vô tướng. Thường xa lìa là tướng của pháp môn giải thoát không, Như Lai biết như thật là vô tướng. Không chấp trước là tướng của pháp môn giải thoát vô tướng, Như Lai biết như thật là vô tướng. Không sự mong cầu là tướng của pháp môn giải thoát vô nguyện, Như Lai biết như thật là vô tướng. Bao gồm các địa vị thanh tịnh là tướng mười địa tam thừa, Như Lai biết như thật là vô tướng. Đến đại giác là tướng mười địa Bồ-tát, Như Lai biết như thật là vô tướng. Thường quán chiếu là tướng năm loại mắt, Như Lai biết như thật là vô tướng. Không chướng ngại là tướng sáu phép thần thông, Như Lai biết như thật là vô tướng. Khó khuất phục là tướng mười lực Như Lai, Như Lai biết như thật là vô tướng. Không khiếp sợ là tướng bốn điều không sợ, Như Lai biết như thật là vô tướng. Không đoạn tuyệt là tướng bốn sự hiểu biết thông suốt, Như Lai biết như thật là vô tướng. Ban lợi vui là tướng đại từ, Như Lai biết như thật là vô tướng. Cứu sầu khổ là tướng đại bi, Như Lai biết như thật là vô tướng. Mừng việc thiện là tướng đại hỷ, Như Lai biết như thật là vô tướng. Bỏ tạp uế là tướng đại xả, Như Lai biết như thật là vô tướng. Không còn phần nào nữa là tướng mười tám pháp Phật bất cộng, Như Lai biết như thật là vô tướng. Thường nghiêm sức là tướng tướng hảo, Như Lai biết như thật là vô tướng. Thường nhớ nghĩ là tướng pháp không quên mất, Như Lai biết như thật là vô tướng. Không còn chấp trước là tướng tánh luôn luôn xả, Như Lai biết như thật là vô tướng. Nhiếp trì tất cả là tướng tất cả môn Đà-la-ni, Như Lai biết như thật là vô tướng. Nhiếp thọ tất cả là tướng tất cả môn Tam-ma-địa, Như Lai biết như thật là vô tướng. Khéo thọ giáo giới hoàn toàn là tướng bốn quả Sa-môn, Như Lai biết như thật là vô tướng. Tự khai ngộ là tướng Độc giác Bồ-đề, Như Lai biết như thật là vô tướng. Thành tựu đại sự là tướng tất cả hạnh Đại Bồ-tát, Như Lai biết như thật là vô tướng. Đủ đại tác dụng là tướng chư Phật Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, Như Lai biết như thật là vô tướng. Hiện Chánh đẳng giác là tướng trí nhất thiết, Như Lai biết như thật là vô tướng. Hoàn toàn thông đạt là tướng trí đạo tướng, Như Lai biết như thật là vô tướng. Hiện chứng tự mình giác ngộ là tướng trí nhất thiết tướng, Như Lai biết như thật là vô tướng.

Chư Thiên nên biết: Đối với những pháp như thế, tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều biết như thật tướng tất cả pháp là vô tướng. Vì thế ta nói tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác trí kiến vô ngại, không ai sánh bằng.

Lúc ấy, Thế Tôn bảo cụ thọ Thiện Hiện:

– Thiện Hiện! Nên biết, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là mẹ chư Phật. Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chỉ thật tướng các pháp thế gian, thế nên Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác nương pháp này mà trụ, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen, nhiếp thọ, hộ trì pháp được an trụ. Pháp đây tức là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều nương tựa, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen, nhiếp thọ, hộ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Vì sao? Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều nhờ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế mà được sanh trưởng. Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là nơi an trụ cho chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, thường chỉ thật tướng các pháp thế gian. Thiện Hiện nên biết, tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác là người biết ân và thường báo ân. Thiện Hiện! Nếu có người hỏi: Ai là người biết ân và thường báo ân thì nên đáp ngay: Phật là người biết ân và thường báo ân. Vì sao? Vì tất cả thế gian biết ân và báo ân không ai hơn Phật.

Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác biết ân và báo ân?

Phật dạy:

– Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác cỡi xe như vậy, đi con đường như vậy, để đạt đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Sau khi đắc đạo Bồ-đề, luôn luôn cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen, nhiếp thọ, hộ trì xe ấy, đường ấy thường không dừng nghỉ. Nên biết xe ấy, đường ấy là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Thiện Hiện! Đây gọi là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác biết ân và báo ân.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, biết tất cả pháp đều vô tác dụng, sự thành biện vô sở hữu. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa biết tất cả pháp đều không thành tựu, vì các hình chất bất khả đắc. Thiện Hiện! Vì chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác biết nương Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa nên hiểu tất cả pháp đều vô tác dụng, không thành tựu, luôn luôn cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen, nhiếp thọ, hộ trì từng không gián đoạn nên gọi là biết ân và báo ân chân thật.

Lại nữa, Thiện Hiện! Đối với tất cả pháp vô tác, vô thành, vô sanh trí chuyển, tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có thể biết nhân duyên này vô chuyển. Thế nên phải biết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa sanh Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và cũng như thật chỉ tướng thế gian.

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

– Bạch Thế Tôn! Như Lai thường nói tánh tất cả pháp không sanh, không khởi, không biết, không thấy, nhưng tại sao Ngài nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa sanh Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và chỉ thật tướng các pháp thế gian?

Phật dạy:

– Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Như ông đã nói, tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác nói tất cả pháp không sanh, không khởi, không biết, không thấy nhưng nương thế tục mà nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thường sanh Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, cũng thường chỉ thật tướng thế gian.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

– Bạch Thế Tôn! Vì sao các pháp không sanh, không khởi, không biết, không thấy?

Phật dạy:

– Vì tất cả pháp không vô sở hữu, đều không tự tại, hư dối, không bền nên tất cả pháp không sanh, không khởi, không biết, không thấy.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tánh tất cả pháp không chỗ nương tựa, không bị lệ thuộc nên không sanh, không khởi, không biết, không thấy. Thiện Hiện nên biết, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tuy sanh Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, cũng thường chỉ thật tướng thế gian nhưng không có sự sanh, cũng không có sự chỉ bày.

Thiện Hiện nên biết, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không thấy sắc nên gọi chỉ tướng sắc; không thấy thọ, tưởng, hành, thức nên gọi chỉ tướng thọ, tưởng, hành, thức. Không thấy nhãn xứ nên gọi chỉ tướng nhãn xứ; không thấy nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ nên gọi chỉ tướng nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ. Không thấy sắc xứ nên gọi chỉ tướng sắc xứ; không thấy thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ nên gọi chỉ tướng thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ. Không thấy nhãn giới nên gọi chỉ tướng nhãn giới; không thấy nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới nên gọi chỉ tướng nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới. Không thấy sắc giới nên gọi chỉ tướng sắc giới; không thấy thanh, hương, vị, xúc, pháp giới nên gọi chỉ tướng thanh, hương, vị, xúc, pháp giới. Không thấy nhãn thức giới nên gọi chỉ tướng nhãn thức giới; không thấy nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới nên gọi chỉ tướng nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới. Không thấy nhãn xúc nên gọi chỉ tướng nhãn xúc; không thấy nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc nên gọi chỉ tướng nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc. Không thấy các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra nên gọi chỉ tướng các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra; không thấy các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra nên gọi chỉ tướng các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra. Không thấy địa giới nên gọi chỉ tướng địa giới; không thấy thủy, hỏa, phong, không, thức giới nên gọi chỉ tướng thủy, hỏa, phong, không, thức giới. Không thấy vô minh nên gọi chỉ tướng vô minh; không thấy hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử, sầu, than, khổ, ưu, não nên gọi chỉ tướng hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử, sầu, than, khổ, ưu, não. Không thấy bố thí Ba-la-mật-đa nên gọi chỉ tướng bố thí Ba-la-mật-đa; không thấy tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa nên gọi chỉ tướng tịnh giới cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Không thấy pháp nội Không (Không của các pháp nội tại) nên gọi chỉ tướng pháp nội Không; không thấy pháp ngoại Không (Không của các pháp ngoại tại), nội ngoại Không (Không của các pháp nội ngoại tại), Không Không (Không của Không), đại Không (Không lớn), thắng nghĩa Không (Không của chân lý cứu cánh), hữu vi Không (Không của các pháp hữu vi), vô vi Không (Không của các pháp vô vi), tất cánh Không (Không tối hậu ‘rốt ráo’), vô tế Không (Không của không biên tế), tán vô tán Không (Không của sự không phân tán), bản tính Không (Không của bản tính ‘tự nhiên tính’), tự cộng tướng Không (Không của tự cộng tướng), nhất thiết pháp Không (Không của vạn hữu), bất khả đắc Không (Không của cái bất khả đắc), vô tính Không (Không của vô thể ‘cái không tồn tại’), tự tính Không (Không của tự tính), vô tính tự tính Không (Không của vô thể của tự tính ‘tự tính của cái không tồn tại’) nên gọi chỉ tướng pháp ngoại Không cho đến pháp vô tính tự tính Không. Không thấy chơn như nên gọi chỉ tướng chơn như; không thấy pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì nên gọi chỉ tướng pháp giới cho đến cảnh giới bất tư nghì. Không thấy Thánh đế khổ nên gọi chỉ tướng Thánh đế khổ; không thấy Thánh đế tập, diệt, đạo nên gọi chỉ tướng Thánh đế tập, diệt, đạo. Không thấy bốn tịnh lự nên gọi chỉ tướng bốn tịnh lự; không thấy bốn vô lượng, bốn định vô sắc nên gọi chỉ tướng bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Không thấy tám giải thoát nên gọi chỉ tướng tám giải thoát; không thấy tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ nên gọi chỉ tướng tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ. Không thấy bốn niệm trụ nên gọi chỉ tướng bốn niệm trụ; không thấy bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo nên gọi chỉ tướng bốn chánh đoạn cho đến tám chi thánh đạo. Không thấy pháp môn giải thoát không nên gọi chỉ tướng pháp môn giải thoát không; không thấy pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện nên gọi chỉ tướng pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện. Không thấy thập địa tam thừa nên gọi chỉ tướng thập địa tam thừa; không thấy thập địa Bồ-tát nên gọi chỉ tướng thập địa Bồ-tát. Không thấy năm loại mắt nên gọi chỉ tướng năm loại mắt; không thấy sáu phép thần thông nên gọi chỉ tướng sáu phép thần thông. Không thấy mười lực Như Lai nên gọi chỉ tướng mười lực Như Lai; không thấy bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng nên gọi chỉ tướng bốn điều không sợ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Không thấy ba mươi hai tướng Ðại sĩ nên gọi chỉ tướng ba mươi hai tướng Ðại sĩ; không thấy tám mươi vẻ đẹp nên gọi chỉ tướng tám mươi vẻ đẹp. Không thấy pháp không quên mất nên gọi chỉ tướng pháp không quên mất; không thấy tánh luôn luôn xả nên gọi chỉ tướng tánh luôn luôn xả. Không thấy tất cả môn Đà-la-ni nên gọi chỉ tướng tất cả môn Đà-la-ni; không thấy tất cả môn Tam-ma-địa nên gọi chỉ tướng tất cả môn Tam-ma-địa. Không thấy quả Dự lưu nên gọi chỉ tướng quả Dự lưu; không thấy quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác Bồ-đề nên gọi chỉ tướng quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác Bồ-đề. Không thấy tất cả hạnh Đại Bồ-tát nên gọi chỉ tướng tất cả hạnh Đại Bồ-tát; không thấy chư Phật Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề nên gọi chỉ tướng chư Phật Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Không thấy trí nhất thiết nên gọi chỉ tướng trí nhất thiết; không thấy trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng nên gọi chỉ tướng trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng.

Thiện Hiện! Do nghĩa đó nên gọi Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là mẹ Như Lai, thường sanh Như Lai, thường chỉ thật tướng các pháp thế gian.

Lúc ấy, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

– Bạch Thế Tôn! Vì sao Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế không thấy sắc nên gọi chỉ tướng sắc; không thấy thọ, tưởng, hành, thức nên gọi chỉ tướng thọ, tưởng, hành, thức. Cho đến không thấy trí nhất thiết nên gọi chỉ tướng trí nhất thiết; không thấy trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng nên gọi chỉ tướng trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng?

Phật dạy:

– Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa do không duyên sắc mà sanh nơi thức, đó là không thấy sắc nên gọi chỉ tướng sắc; không duyên thọ, tưởng, hành, thức mà sanh nơi thức, đó là không thấy thọ, tưởng, hành, thức nên gọi chỉ tướng thọ, tưởng, hành, thức. Như vậy, cho đến do không duyên trí nhất thiết mà sanh nơi thức, đó là không thấy trí nhất thiết nên gọi chỉ tướng trí nhất thiết; không duyên trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng mà sanh nơi thức, đó là không thấy trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng nên gọi chỉ tướng trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng.

Thiện Hiện! Do Bát-nhã ba-la-mật-đa có nghĩa sâu xa như vậy, nên gọi là mẹ Như Lai, sanh Như Lai và chỉ thật tướng các pháp thế gian.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thường vì Như Lai hiển bày thế gian không nên gọi mẹ Như Lai, chỉ Như Lai thật tướng thế gian.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thường vì Như Lai hiển bày thế gian không?

Phật dạy:

– Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thường vì Như Lai hiển bày sắc thế gian không; hiển bày thọ, tưởng, hành, thức thế gian không. Hiển bày nhãn xứ thế gian không; hiển bày nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ thế gian không. Hiển bày sắc xứ thế gian không; hiển bày thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ thế gian không. Hiển bày nhãn giới thế gian không; hiển bày nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới thế gian không. Hiển bày sắc giới thế gian không; hiển bày thanh, hương, vị, xúc, pháp giới thế gian không. Hiển bày nhãn thức giới thế gian không; hiển bày nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới thế gian không. Hiển bày nhãn xúc thế gian không; hiển bày nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc thế gian không. Hiển bày các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra thế gian không; hiển bày các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra thế gian không. Hiển bày địa giới thế gian không; hiển bày thủy, hỏa, phong, không, thức giới thế gian không. Hiển bày mười hai chi duyên khởi thế gian không; hiển bày ngã kiến là cội gốc cho sáu mươi hai kiến thế gian không. Hiển bày mười thiện nghiệp đạo thế gian không. Hiển bày bốn tịnh lự thế gian không; hiển bày bốn vô lượng, bốn định vô sắc thế gian không. Hiển bày bố thí Ba-la-mật-đa thế gian không; cho đến hiển bày Bát-nhã ba-la-mật-đa thế gian không. Hiển bày pháp nội Không thế gian không; cho đến hiển bày pháp vô tính tự tính Không thế gian không. Hiển bày Thánh đế khổ thế gian không; hiển bày Thánh đế tập, diệt, đạo thế gian không. Hiển bày tám giải thoát thế gian không; hiển bày tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ thế gian không. Hiển bày bốn niệm trụ thế gian không; cho đến hiển bày tám chi thánh đạo thế gian không. Hiển bày pháp môn giải thoát không thế gian không; hiển bày pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện thế gian không. Hiển bày thập địa tam thừa thế gian không; hiển bày thập địa Bồ-tát thế gian không. Hiển bày năm loại mắt thế gian không; hiển bày sáu phép thần thông thế gian không. Hiển bày mười lực Phật thế gian không; cho đến hiển bày mười tám pháp Phật bất cọng thế gian không. Hiển bày ba mươi hai tướng Ðại sĩ thế gian không; hiển bày tám mươi vẻ đẹp thế gian không. Hiển bày pháp không quên mất thế gian không; hiển bày tánh luôn luôn xả thế gian không. Hiển bày tất cả môn Đà-la-ni thế gian không; hiển bày tất cả môn Tam-ma-địa thế gian không. Hiển bày quả Dự lưu thế gian không; cho đến hiển bày Độc giác Bồ-đề thế gian không. Hiển bày tất cả hạnh Đại Bồ-tát thế gian không; hiển bày chư Phật Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề thế gian không. Hiển bày trí nhất thiết thế gian không; hiển bày trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thế gian không.

Thiện Hiện! Do nghĩa đó mà Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thường chỉ Như Lai thật tướng thế gian, nên gọi là mẹ Như Lai, thường sanh Như Lai.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác nương Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thường vì thế gian hiển bày sắc thế gian không; hiển bày thọ, tưởng, hành, thức thế gian không; như vậy, cho đến hiển bày trí nhất thiết thế gian không; hiển bày trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thế gian không, làm cho các thế gian nhận biết thế gian không, tưởng thế gian không, nghĩ thế gian không, thấu rõ thế gian không. Thiện Hiện! Do nghĩa đó mà Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thường chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thật tướng thế gian, nên gọi là mẹ Như Lai, thường sanh Như Lai.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thường làm cho Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thấy thế gian không. Thấy những gì thế gian không? Đó là thấy sắc thế gian không; thấy thọ, tưởng, hành, thức thế gian không; như vậy, cho đến thấy trí nhất thiết thế gian không; thấy trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thế gian không. Thiện Hiện! Do nghĩa đó mà Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thường chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thật tướng thế gian, nên gọi là mẹ Như Lai, thường sanh Như Lai.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tướng thế gian không thể nghĩ bàn, nên gọi là mẹ Như Lai, thường chỉ Như Lai thật tướng thế gian.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tướng thế gian không thể nghĩ bàn?

Phật dạy:

– Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tướng sắc thế gian không thể nghĩ bàn; tướng thọ, tưởng, hành, thức thế gian không thể nghĩ bàn. Như vậy, cho đến tướng trí nhất thiết thế gian không thể nghĩ bàn; tướng trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thế gian không thể nghĩ bàn. Thiện Hiện! Do nghĩa đó mà Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thường chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thật tướng thế gian, nên gọi là mẹ Như Lai, thường sanh Như Lai.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tướng thế gian xa lìa, nên gọi là mẹ Như Lai, chỉ Như Lai thật tướng thế gian.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:



– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế thường chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tướng thế gian xa lìa?

Phật dạy:

– Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tướng sắc thế gian xa lìa; tướng thọ, tưởng, hành, thức thế gian xa lìa. Như vậy, cho đến tướng trí nhất thiết thế gian xa lìa; tướng trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thế gian xa lìa. Thiện Hiện! Do nghĩa đó mà Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thường chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thật tướng thế gian, nên gọi là mẹ Như Lai, thường sanh Như Lai.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tướng thế gian vắng lặng, nên gọi là mẹ Như Lai, chỉ Như Lai thật tướng thế gian.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế thường chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tướng thế gian vắng lặng?

Phật dạy:

– Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tướng sắc thế gian vắng lặng; tướng thọ, tưởng, hành, thức thế gian vắng lặng. Như vậy, cho đến tướng trí nhất thiết thế gian vắng lặng; tướng trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thế gian vắng lặng. Thiện Hiện! Do nghĩa đó mà Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thường chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thật tướng thế gian, nên gọi là mẹ Như Lai, thường sanh Như Lai.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tướng thế gian rốt ráo không, nên gọi là mẹ Như Lai, chỉ Như Lai thật tướng thế gian.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế thường chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tướng thế gian rốt ráo không?

Phật dạy:

– Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tướng sắc thế gian rốt ráo không; tướng thọ, tưởng, hành, thức thế gian rốt ráo không. Như vậy, cho đến tướng trí nhất thiết thế gian rốt ráo không; tướng trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thế gian rốt ráo không. Thiện Hiện! Do nghĩa đó mà Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thường chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thật tướng thế gian, nên gọi là mẹ Như Lai, thường sanh Như Lai.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tướng thế gian vô tính không, nên gọi là mẹ Như Lai, chỉ Như Lai thật tướng thế gian.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế thường chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tướng thế gian vô tính không?

Phật dạy:

– Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tướng sắc thế gian vô tính không; tướng thọ, tưởng, hành, thức thế gian vô tính không. Như vậy, cho đến tướng trí nhất thiết thế gian vô tính không; tướng trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thế gian vô tính không. Thiện Hiện! Do nghĩa đó Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thường chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thật tướng thế gian, nên gọi là mẹ Như Lai, thường sanh Như Lai.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tướng thế gian tự tính Không, nên gọi là mẹ Như Lai, chỉ Như Lai thật tướng thế gian.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế thường chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tướng thế gian tự tính Không?

Phật dạy:

– Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tướng sắc thế gian tự tính Không; tướng thọ, tưởng, hành, thức thế gian tự tính Không. Như vậy, cho đến tướng trí nhất thiết thế gian tự tính Không; tướng trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thế gian tự tính Không. Thiện Hiện! Do nghĩa Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thường chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thật tướng thế gian, nên gọi là mẹ Như Lai, thường sanh Như Lai.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tướng thế gian vô tính tự tính Không, nên gọi là mẹ Như Lai, chỉ Như Lai thật tướng thế gian.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế thường chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tướng thế gian vô tính tự tính Không?

Phật dạy:

– Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tướng sắc thế gian vô tính tự tính Không; tướng thọ, tưởng, hành, thức thế gian vô tính tự tính Không. Như vậy, cho đến tướng trí nhất thiết thế gian vô tính tự tính Không; tướng trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thế gian vô tính tự tính Không. Thiện Hiện! Do nghĩa Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thường chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thật tướng thế gian, nên gọi là mẹ Như Lai, thường sanh Như Lai.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tướng thế gian thuần không, nên gọi là mẹ Như Lai, chỉ Như Lai thật tướng thế gian.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế thường chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tướng thế gian thuần không?

Phật dạy:

– Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tướng sắc thế gian thuần không; tướng thọ, tưởng, hành, thức thế gian thuần không. Như vậy, cho đến tướng trí nhất thiết thế gian thuần không; tướng trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thế gian thuần không. Thiện Hiện! Do nghĩa Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thường chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thật tướng thế gian, nên gọi là mẹ Như Lai, thường sanh Như Lai.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tướng thế gian vô ngã, nên gọi là mẹ Như Lai, chỉ Như Lai thật tướng thế gian.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế thường chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tướng thế gian vô ngã?

Phật dạy:

– Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tướng sắc thế gian vô ngã; tướng thọ, tưởng, hành, thức thế gian vô ngã. Như vậy, cho đến tướng trí nhất thiết thế gian vô ngã; tướng trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thế gian vô ngã. Thiện Hiện! Do nghĩa Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thường chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thật tướng thế gian, nên gọi là mẹ Như Lai, thường sanh Như Lai.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chỉ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tướng thế gian ấy là khiến không khởi tưởng thế gian này, cũng khiến không khởi tưởng thế gian kia. Vì sao? Vì tất cả pháp đều vô sở hữu, thật bất khả đắc, không nên nương vào đó mà khởi tưởng thế gian này, thế gian kia.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

– Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vì việc lớn nên xuất hiện ở thế gian, vì việc không thể nghĩ bàn nên xuất hiện ở thế gian, vì việc không thể tính lường nên xuất hiện ở thế gian; vì việc vô số lượng nên xuất hiện ở thế gian; vì việc không sánh bằng nên xuất hiện ở thế gian.



Phật dạy:

– Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Như ông đã nói, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vì việc lớn nên xuất hiện ở thế gian; vì việc không thể nghĩ bàn nên xuất hiện ở thế gian; vì việc không thể tính lường nên xuất hiện ở thế gian; vì việc vô số lượng nên xuất hiện ở thế gian; vì việc không sánh bằng nên xuất hiện ở thế gian.

Thiện Hiện! Thế nào là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vì việc lớn nên xuất hiện ở thế gian? Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều vì việc lớn là cứu vớt tất cả loài hữu tình không phút tạm bỏ. Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vì việc lớn này xuất hiện ở thế gian.

Thiện Hiện! Thế nào là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vì việc không thể nghĩ bàn nên xuất hiện ở thế gian? Thiện Hiện! Tất cả tánh Chánh đẳng giác, tánh Như Lai, tánh tự nhiên giác, tánh trí nhất thiết của hết thảy các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều không thể nghĩ bàn. Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vì việc không thể nghĩ bàn này nên xuất hiện ở thế gian.

Thiện Hiện! Thế nào là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vì việc không thể tính lường nên xuất hiện ở thế gian? Thiện Hiện! Tất cả tánh Chánh đẳng giác, tánh Như Lai, tánh tự nhiên giác, tánh trí nhất thiết của hết thảy các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, quyết không có hữu tình số hữu tình nào nắm giữ tam giới, ngũ thú, tứ sanh. Nếu nắm giữ được thì có thể tính lường. Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vì việc không thể tính lường này nên xuất hiện ở thế gian.

Thiện Hiện! Thế nào là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vì việc vô số lượng nên xuất hiện ở thế gian? Thiện Hiện! Tất cả tánh Chánh đẳng giác, tánh Như Lai, tánh tự nhiên giác, tánh trí nhất thiết của hết thảy các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, quyết không có hữu tình số hữu tình nào nắm giữ tam giới, ngũ thú, tứ sanh. Nếu nắm giữ được thì có thể biết số lượng đó. Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vì việc vô số lượng này nên xuất hiện ở thế gian.

Thiện Hiện! Thế nào là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vì việc không sánh bằng nên xuất hiện ở thế gian? Thiện Hiện! Tất cả tánh Chánh đẳng giác, tánh Như Lai, tánh tự nhiên giác, tánh trí nhất thiết của hết thảy các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, tất cả hữu tình và pháp thế gian còn không sánh bằng huống nữa có người hơn. Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vì việc không sánh bằng này nên xuất hiện ở thế gian.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

– Bạch Thế Tôn! Tất cả tánh Chánh đẳng giác, tánh Như Lai, tánh tự nhiên giác, tánh trí nhất thiết của hết thảy các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không sánh bằng hay còn có pháp nào khác nữa?

Phật dạy:

– Thiện Hiện! Không những tánh Chánh đẳng giác, tánh Như Lai, tánh tự nhiên giác, tánh trí nhất thiết của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không sánh bằng mà còn có các pháp khác không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không sánh bằng.

Thiện Hiện! Nghĩa là sắc cũng không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không sánh bằng; thọ, tưởng, hành, thức cũng không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không sánh bằng. Như vậy, cho đến trí nhất thiết cũng không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không sánh bằng; trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng cũng không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không sánh bằng.

Thiện Hiện! Tất cả pháp cũng không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không sánh bằng. Thiện Hiện! Đối với tất cả pháp trong chơn pháp tánh, tâm và tâm sở đều bất khả đắc.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tánh sắc không thể kiến lập, không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không sánh bằng; tánh thọ, tưởng, hành, thức không thể kiến lập, không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không sánh bằng. Như vậy, cho đến tánh trí nhất thiết không thể kiến lập, không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không sánh bằng; tánh trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng cũng không thể kiến lập, không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không sánh bằng.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

– Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì tánh sắc không thể kiến lập, không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không sánh bằng; tánh thọ, tưởng, hành, thức không thể kiến lập, không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không sánh bằng. Như vậy, cho đến tánh trí nhất thiết không thể kiến lập, không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không sánh bằng; tánh trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng cũng không thể kiến lập, không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không sánh bằng?

Phật dạy:

– Thiện Hiện! Tánh sắc không thể kiến lập, nghĩ bàn, tính lường, số lượng, ngang bằng, không ngang bằng; tánh thọ, tưởng, hành, thức không thể kiến lập, nghĩ bàn, tính lường, số lượng, ngang bằng, không ngang bằng. Như vậy, cho đến tánh trí nhất thiết không thể kiến lập, nghĩ bàn, tính lường, số lượng, ngang bằng, không ngang bằng; tánh trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng cũng không thể kiến lập, nghĩ bàn, tính lường, số lượng, ngang bằng, không ngang bằng.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

– Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì tánh sắc không thể kiến lập, nghĩ bàn, tính lường, số lượng, ngang bằng, không ngang bằng; tánh thọ, tưởng, hành, thức không thể kiến lập, nghĩ bàn, tính lường, số lượng, ngang bằng, không ngang bằng. Như vậy, cho đến tánh trí nhất thiết không thể kiến lập, nghĩ bàn, tính lường, số lượng, ngang bằng, không ngang bằng; tánh trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng cũng không thể kiến lập, nghĩ bàn, tính lường, số lượng, ngang bằng, không ngang bằng?

Phật dạy:

– Thiện Hiện! Tự tánh sắc không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không sánh bằng, vì vô tự tánh nên tánh sắc không thể kiến lập, nghĩ bàn, tính lường, số lượng, ngang bằng, không ngang bằng; tự tánh thọ, tưởng, hành, thức cũng không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không sánh bằng, vì vô tự tánh nên tánh thọ, tưởng, hành, thức cũng không thể kiến lập, nghĩ bàn, tính lường, số lượng, ngang bằng, không ngang bằng. Như vậy, cho đến tự tánh trí nhất thiết không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không sánh bằng, vì vô tự tánh nên tánh trí nhất thiết không thể kiến lập, nghĩ bàn, tính lường, số lượng, ngang bằng, không ngang bằng; tự tánh trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng cũng không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không sánh bằng, vì vô tự tánh nên tánh trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng cũng không thể kiến lập, nghĩ bàn, tính lường, số lượng, ngang bằng, không ngang bằng.

Lại nữa, Thiện Hiện! Sắc bất khả đắc nên không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không sánh bằng; thọ, tưởng, hành, thức cũng bất khả đắc nên không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không sánh bằng. Như vậy, cho đến trí nhất thiết bất khả đắc nên không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không sánh bằng; trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng cũng bất khả đắc nên không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không sánh bằng.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

– Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên nào sắc bất khả đắc nên không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không sánh bằng; thọ, tưởng, hành, thức cũng bất khả đắc nên không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không sánh bằng. Như vậy, cho đến trí nhất thiết bất khả đắc nên không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không sánh bằng; trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng cũng bất khả đắc nên không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không sánh bằng?

Phật dạy:

– Thiện Hiện! Sắc không hạn lượng nên bất khả đắc, vì bất khả đắc nên không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không gì sánh bằng; thọ, tưởng, hành, thức cũng không hạn lượng nên bất khả đắc, vì bất khả đắc nên không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không gì sánh bằng. Như vậy, cho đến trí nhất thiết không hạn lượng nên bất khả đắc, vì bất khả đắc nên không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không gì sánh bằng; trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng cũng không hạn lượng nên bất khả đắc, vì bất khả đắc nên không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không gì sánh bằng.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

– Bạch Thế Tôn! Lại vì nhân duyên nào sắc không hạn lượng nên bất khả đắc; thọ, tưởng, hành, thức cũng không hạn lượng nên bất khả đắc. Như vậy, cho đến trí nhất thiết không hạn lượng nên bất khả đắc; trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng cũng không hạn lượng nên bất khả đắc?

Phật dạy:

– Thiện Hiện! Tướng của sắc không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không gì sánh bằng nên không hạn lượng; tướng thọ, tưởng, hành, thức cũng không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không gì sánh bằng nên không hạn lượng. Như vậy, cho đến tướng trí nhất thiết không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không gì sánh bằng nên không hạn lượng; tướng trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng cũng không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không gì sánh bằng nên không hạn lượng.

Thiện Hiện! Ý ông thế nào, trong sắc không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không gì sánh bằng, sắc có thể đắc không? Trong thọ, tưởng, hành, thức không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không gì sánh bằng thì thọ, tưởng, hành, thức có thể đắc không? Như vậy, cho đến trong trí nhất thiết không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không gì sánh bằng trí nhất thiết có thể đắc không? Trong trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng cũng không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không gì sánh bằng thì trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng có thể đắc không?

Thiện Hiện thưa:

– Bạch Thế Tôn! Không! Bạch Thiện Thệ! Không!

Phật dạy:

– Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Do nhân duyên này nên tất cả pháp đều không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không gì sánh bằng. Thiện Hiện! Vì tất cả pháp đều không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không gì sánh bằng nên đối với tất cả pháp Chánh đẳng giác, pháp Như Lai, pháp tự nhiên giác, pháp trí nhất thiết của hết thảy các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác cũng không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không gì sánh bằng.

Thiện Hiện! Tất cả pháp Chánh đẳng giác, pháp Như Lai, pháp tự nhiên giác, pháp trí nhất thiết của hết thảy các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều không thể nghĩ bàn, vì diệt nghĩ bàn; không thể tính lường, vì diệt tính lường; vô số lượng, vì diệt số lượng; không gì sánh bằng, vì diệt sự so sánh. Do nhân duyên này nên tất cả pháp cũng không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không gì sánh bằng.

Thiện Hiện! Tất cả pháp Chánh đẳng giác, pháp Như Lai, pháp tự nhiên giác, pháp trí nhất thiết của hết thảy các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều không thể nghĩ bàn, vì vượt qua sự nghĩ bàn; không thể tính lường, vì vượt qua sự tính lường; vô số lượng, vì vượt qua số lượng; không gì sánh bằng, vì vượt qua sự so sánh. Do nhân duyên này nên tất cả pháp cũng không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không gì sánh bằng.

Thiện Hiện! Không thể nghĩ bàn ấy chỉ có thêm lời không thể nghĩ bàn; không thể tính lường ấy chỉ có thêm lời không thể tính lường; vô số lượng ấy chỉ có thêm lời vô số lượng; không gì sánh bằng ấy chỉ có thêm lời không gì sánh bằng. Do nhân duyên này nên tất cả pháp Chánh đẳng giác, pháp Như Lai, pháp tự nhiên giác, pháp trí nhất thiết của hết thảy các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không gì sánh bằng.

Thiện Hiện! Không thể nghĩ bàn ấy vì như hư không không thể nghĩ bàn; không thể tính lường ấy vì như hư không không thể tính lường; vô số lượng ấy như hư không vô số lượng; không gì sánh bằng ấy như hư không không gì sánh bằng. Thiện Hiện! Do nhân duyên này nên tất cả pháp Chánh đẳng giác, pháp Như Lai, pháp tự nhiên giác, pháp trí nhất thiết của hết thảy các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều không thể nghĩ bàn, tính lường, số lượng, sánh bằng được. Tất cả pháp Đẳng chánh giác, pháp Như Lai, pháp tự nhiên giác, pháp trí nhất thiết của hết thảy các đức Như Lai Chánh Đẳng Giác và hàng Thanh văn, Độc giác, thế gian, trời, người, A-tố-lạc v.v… đều không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không gì sánh bằng.

Thiện Hiện! Do nhân duyên này nên tất cả pháp Chánh đẳng giác, pháp Như Lai, pháp tự nhiên giác, pháp trí nhất thiết của hết thảy các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều không thể nghĩ bàn, không thể tính lường, vô số lượng, không gì sánh bằng.

Khi Phật thuyết phẩm Không thể nghĩ bàn, Không thể tính lường, Vô số lượng, Không sánh bằng như thế, trong chúng có năm trăm Bí-sô không còn các lậu, tâm được giải thoát. Lại có hai trăm Bí-sô-ni cũng đoạn các lậu, tâm được giải thoát. Lại có sáu trăm Ô-ba-sách-ca (thiện nam), đối với các pháp xa trần lìa cấu, sanh tịnh pháp nhãn. Lại có ba trăm Ô-ba-tư-ca (tín nữ) đối với các pháp cũng xa trần lìa cấu, sanh tịnh pháp nhãn. Lại có hai ngàn Đại Bồ-tát được vô sanh pháp nhẫn, trong hiền kiếp sẽ được Phật thọ ký.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook