Chương 3: Đoạn 3 - Đoạn 4
H.T THÍCH THANH TỪ
17/04/2022
ĐOẠN 3
ÂM:
ĐẠI THỪA CHÁNH TÔNG.
Phật cáo Tu-bồ-đề: Chư Bồ-tát ma-ha-tát ưng như thị hàng phục kỳ tâm. Sở hữu nhất thiết chúng sanh chi loại, nhược noãn sanh, nhược thai sanh, nhược thấp sanh, nhược hóa sanh, nhược hữu sắc, nhược vô sắc, nhược hữu tưởng, nhược vô tưởng, nhược phi hữu tưởng phi vô tưởng, ngã giai linh nhập vô dư Niết-bàn nhi diệt độ chi. Như thị diệt độ vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh, thực vô chúng sanh đắc diệt độ giả. Hà dĩ cố? Tu-bồ-đề, nhược Bồ-tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng tức phi Bồ-tát.
DỊCH:
CHÁNH TÔNG CỦA ĐẠI THỪA.
Phật bảo Tu-bồ-đề: Các vị Bồ-tát lớn nên như thế mà hàng phục tâm kia. Có tất cả các loài chúng sanh hoặc loài sanh bằng trứng, hoặc loài sanh bằng thai, hoặc sanh chỗ ẩm ướt, hoặc hóa sanh, hoặc có hình sắc, hoặc không hình sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc chẳng có tưởng chẳng không tưởng, ta đều khiến vào vô dư Niết-bàn mà được diệt độ đó. Diệt độ như thế vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh mà thật không có chúng sanh được diệt độ. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả tức chẳng phải là Bồ-tát.
GIẢNG:
- Chín loài chúng sanh chỉ trùm tất cả chúng sanh.
- Niết-bàn nghĩa là vô sanh. Niết-bàn có hữu dư y Niết-bàn và vô dư y Niết-bàn. Những vị chứng quả A-la-hán, được vô sanh nhưng còn thân hình tướng thì gọi là hữu dư
Niết-bàn; được Niết-bàn sau khi xả thân nghĩa là được vô sanh sau khi không còn thân tướng thì gọi là vô dư Niết-bàn.
- Bốn tướng:
Tướng ngã: Thấy có mình thật.
Tướng nhân: Thấy có người thật.
Tướng chúng sanh: Thấy tất cả loài có thật.
Tướng thọ giả: Thấy có mạng sống tiếp nối trong một thời gian.
Đây là đến phần Phật trả lời hai câu hỏi trước của ngài Tu-bồ-đề. Câu hỏi đầu là an trụ tâm, câu hỏi thứ hai là hàng phục tâm, nhưng khi trả lời đức Phật đổi lại trả lời câu hỏi hàng phục tâm trước và câu hỏi an trụ tâm sau. Trong đoạn này Phật dạy cách hàng phục tâm tức chỉ phương pháp tu hành. Đức Phật dạy: Đối với tất cả loài chúng sanh ta đều đưa họ vào chỗ Niết-bàn không còn hình tướng để họ được diệt độ. Diệt độ như thế không biết bao nhiêu chúng sanh mà thật không có một chúng sanh nào được diệt độ. Đó là hàng phục được tâm, quí vị làm được điều đó không? Phật lại bảo tiếp: Tại sao thế? Vì nếu Bồ-tát còn một tướng ngã hay tướng nhân, tướng chúng sanh,tướng thọ giả thì không phải là Bồ-tát.
Phật trả lời khó hiểu quá, thấy như lạc đề. Đây là chỗ chính yếu nhưng vừa mở đầu chúng ta thấy ngỡ ngàng, chúng ta mong Phật trả lời làm sao hàng phục tâm mà đức Phật trả lời như thế này thì làm sao hàng phục tâm được. Tôi không nói loài sanh bằng trứng, những loài sanh chỗ ẩm ướt, những loài sanh do biến hóa, những loài có sắc, không sắc v. v… mà chỉ nói những loài thai sanh và trong loài sanh bằng thai, tôi hạn chế trong loài người thôi. Chừng nào chúng ta độ tất cả loài người vào vô dư Niết-bàn mà không thấy họ được diệt độ, chừng đó chúng ta mới hàng phục được tâm. Vậy chừng nào chúng ta làm được việc đó? Nếu như không làm được việc đó thì hàng phục tâm không được. Tại sao hỏi hàng phục tâm mà Phật dạy độ chúng sanh ở ngoài? Đó là điều khó, từ xưa đến giờ chính khi chúng tôi học, đến chỗ này chúng tôi cũng lắc đầu, điều Phật dạy rất khó áp dụng trong việc tu hành. Nếu chúng ta hiểu theo lời theo chữ thì sẽ có hai điểm không thể thực hiện được. Điểm thứ nhất là chúng ta thấy Phật chưa thành Phật. Tại sao? Vì khi đức Phật thành Phật, thử hỏi tất cả người - chỉ nói là người thôi - ở Ấn Độ, Phật đã độ được vào vô dư Niết-bàn hết chưa? Chúng ta thấy rõ rằng lúc đó còn ngoại đạo rất nhiều, Ngài chỉ độ một số mấy ngàn vị thôi chớ đâu phải tất cả, vậy tại sao Ngài được thành Phật? Nếu hàng phục tâm chưa được thì làm sao thành Phật? Điểm thứ hai là Phật dạy chúng ta làm một việc mà không bao giờ chúng ta làm nổi. Thử hỏi tất cả quí vị cũng
như chúng tôi, ai đã được vô dư Niết-bàn? Thế mà chúng ta phải đưa tất cả chúng sanh vào vô dư Niết-bàn, chừng đó mình mới hàng phục
được tâm. Vậy đến bao giờ chúng ta mới làm được việc đó? Chỗ mình chưa đạt tới mà Phật bảo mình độ người đạt được chỗ đó, làm sao chúng ta làm được? Cũng như chúng ta còn dốt mà bảo dạy tất cả người đậu tiến sĩ hết, chừng đó mới được làm quan thì thật là vô lý. Thế nên nếu học kinh Phật, nhất là kinh Đại thừa, mà hiểu theo chữ, theo lời thì không làm sao giải thích được.
Điểm thứ nhất ta thấy mâu thuẫn với Phật, điểm thứ hai mâu thuẫn với chúng ta, như thế làm sao có thể áp dụng trong việc tu hành? Nhưng đến sau này khi tu thiền và đọc sách thiền rồi, chúng tôi mới giật mình, không ngờ mình không hiểu lời Phật nói. Kinh nói trong chúng ta có đủ cả thập pháp giới, đó là tứ thánh và lục phàm. Quí vị thấy có khi chúng ta phát lòng từ bi giống như Phật, như Bồ-tát, có khi chúng ta xấu xa như con heo, con bò, có khi chúng ta hung dữ như con cọp, con sói. Trong chúng ta có đủ trăm thứ nghĩ, tốt xấu lẫn lộn. Thế nên mỗi một dấy niệm về người thì đó là một chúng sanh thai sanh, một dấy niệm về chim chóc thì đó là chúng sanh noãn sanh, một dấy niệm về con bướm, con ong thì đó là hóa sanh, một dấy niệm về con đom đóm đó là thấp sanh, nghĩ đến hư không đó là chúng sanh vô sắc, dấy niệm về con người có tưởng, đó là chúng sanh có tưởng, dấy niệm buông hết vọng tưởng, buông hết cả những tâm tưởng đó là chúng sanh vô tưởng… dấy niệm là sanh. Tại sao? Bởi vì khi lặng thì không có niệm, mà niệm dấy lên là do duyên với cảnh hoặc người, hoặc vật. Vọng thức bên trong duyên theo bóng dáng của vọng trần, cả hai phối hợp nhau mà sanh nên gọi là chúng sanh. Mỗi một niệm dấy lên như vậy là một chúng sanh. Những chúng sanh do niệm vừa dấy lên đó chúng ta liền độ vào vô dư Niết-bàn. Làm sao độ? Chúng sanh đó dấy lên, ta biết chúng sanh này giả tức nhiên nó lặng xuống chỗ không sanh và khi nó lặng xuống không còn thấy tăm dạng nên gọi là vô dư Niết-bàn. Như thế chúng ta thấy đức Phật độ hết chúng sanh, Ngài hàng phục được tâm, Ngài thành Phật. Như thế mới có lý, mới đúng sự thật.
Cũng thế nếu những vọng tưởng của chúng ta đang điên cuồng chạy ngược, chạy xuôi theo có sắc, không sắc, có tưởng, không tưởng… theo tất cả hình tướng bên ngoài, bây giờ chúng ta đưa nó vào vô dư Niết-bàn, vào chỗ lặng lẽ không sanh diệt, tâm chúng ta không còn loạn nữa, đó là chúng ta hàng phục được tâm. Hiểu như vậy chúng ta mới tu được. Như thế chúng ta mới thấy rõ đức Phật thành Phật trong khi tất cả chúng sanh vẫn còn. Ngài hàng phục được tâm của Ngài nên mới được đến chỗ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như bây giờ chúng ta vừa phát tâm tu thì chúng ta cũng hàng phục như vậy, lần lần tâm an định chúng ta mới tiến bộ được. Nếu cứ lo độ chúng sanh ở ngoài trong khi chính mình chưa độ được mình thì độ được ai?
Hiểu như vậy rồi chúng ta thấy kinh Phật rất cao siêu, lời lẽ diễn tả những hình ảnh mà chúng ta không hiểu là những hình ảnh đó quy về mình rồi chúng ta cứ tưởng là việc bên ngoài. Khi chúng ta tưởng như thế chúng ta sẽ thối chí không biết làm sao thực hành. Thế nên ngày xưa chính tôi đã từng nói rằng: Kinh Đại thừa chắc chỉ để trên gác thờ, không thể áp dụng trong việc tu hành, nhưng nay chúng ta hiểu rõ rồi, mới thấy chính đoạn này trả lời rất sát câu hỏi của ngài Tu-bồ-đề. Ngài Tu-bồ-đề hỏi làm sao hàng phục được tâm? Phật dạy: Một niệm dấy lên là một chúng sanh, đưa những niệm đó vào chỗ vô sanh là hàng phục tâm. Đây là tự tánh chúng sanh thệ nguyện độ. Rõ ràng là Phật trả lời việc hàng phục tâm. Nếu nói độ tất cả chúng sanh thì ta thấy như là người hỏi việc bên trong mà Phật trả lời việc bên ngoài, không dính dáng gì với nhau. Nhưng ở đây, chúng ta đã thấy rõ ý nghĩa độ tất cả chúng sanh, đó là đưa tất cả niệm vào chỗ không còn sanh diệt. Khi nào thực hành quí vị mới thấy rõ. Một niệm dấy lên nghĩ về người, chúng ta liền nói niệm đó giả dối không thật, không theo. Khi biết nó giả, ta không theo thì nó lặng xuống, lặng xuống chỗ không còn thấy tướng mạo, đó là vô dư Niết-bàn. Không sanh là Niết-bàn, không còn tướng mạo là vô dư. Bao nhiêu niệm đều đưa vào đó nên nói độ tất cả chúng sanh mà không thấy có chúng sanh nào được diệt độ, nghĩa là đưa tất cả vào đó hết mà không còn thấy có một người nào hay một niệm nào thật. Quí vị thấy thật là khó, khó ngay ở buổi đầu.
Thế nên Phật nói tiếp: Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, thì không phải là Bồ-tát. Tại sao vậy? Bởi vì một niệm dấy lên tức là có chấp ngã trong đó. Quí vị nhớ từ cái chấp ngã của Đại thừa đi lần đến chấp ngã sâu kín vi tế của Thiền tông. Hai cái tương ưng nhau. Chấp ngã của Đại thừa là chấp thân làm ngã và chấp tâm làm ngã. Từ cái chấp thân, tâm làm ngã đến niệm dấy lên chấp niệm đó là mình, đó cũng là chấp ngã. Niệm dấy lên cho là mình nghĩ, đó là chấp ngã. Tại sao? Dấy niệm là suy nghĩ về người, suy nghĩ về cảnh, thử hỏi ai nghĩ, ai nghĩ về người, ai nghĩ về cảnh? Thô thì chấp thân này, tế thì chấp một niệm, vì vậy còn thấy một niệm thật là còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả; nếu đưa hết những niệm vào vô dư Niết-bàn rồi thì đâu còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Người làm được như vậy, đức Phật nói: Đó là Bồ-tát độ chúng sanh.
Quí vị thấy mỗi ngày chúng ta ngồi ở tảng đá chơi, hoặc ngồi ở trước hành lang nhà, hoặc ngồi trong vườn, nếu chúng ta cứ lo độ chúng sanh như vậy, nghĩa là mỗi chúng sanh dấy lên chúng ta đưa vào vô dư Niết-bàn, đó cũng là Bồ-tát độ chúng sanh rồi. Tại sao gọi là Bồ-tát? Vì Bồ-tát là một chúng hữu tình giác ngộ và đem sở giác của mình giáo hóa kẻ khác, tức là tự giác và giác tha. Niệm dấy lên chúng ta biết nó là hư giả, đó là giác; giác rồi đưa nó vào chỗ vô sanh, đó là độ chúng sanh. Như vậy quí vị thấy giờ nào mà không độ chúng sanh? Chúng ta độ chúng sanh đó thì sẽ đi đến chỗ an trụ Niết
bàn. Tóm lại đức Phật chủ yếu dạy chúng ta đối với tất cả niệm khởi về người về vật v. v… muôn ngàn hình tướng đều cho lặng xuống hết, lặng vào chỗ không còn sanh diệt, khi đó là hàng phục tâm. Tâm chúng ta không còn loạn động nữa, mà hết loạn động tức là chúng ta hàng phục được tâm thuần thục. Như thế câu trả lời rất là xác đáng. Và như vậy mới hết tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Hiện giờ có nhiều người không hiểu, cho thân này là ngã nên bảo: "Thôi tôi xả thân, tôi không nghĩ gì đến tôi hết, tôi bố thí tất cả thức ăn, thức mặc, cái gì tôi cũng không kể", nhưng niệm của họ vẫn còn khởi thì cái xả đó vẫn chưa sạch. Tỉ dụ cứ nghĩ ta là người bố thí, ta là người nhẫn nhục tức là còn ngã chớ gì? Cho nên còn một niệm là còn ngã, cái ngã tế nhị như vậy. Thành ra có nhiều người làm việc coi như xả ngã mà chính là nuôi cái ngã thêm to, đó là cái ngã vọng tưởng ở tâm. Thế nên khi hiểu rồi quí vị mới thấy ở đây đức Phật bảo: Độ tất cả chúng sanh mà không thấy có một chúng sanh nào được diệt độ. Tại sao? Vì nếu Bồ-tát còn bốn tướng đó không phải là Bồ-tát. Còn bốn tướng là còn dấy niệm thấy có mình tức có ngã, mà có ngã tức là có nhân, có chúng sanh, có thọ giả… Có dấy niệm mới chấp, mới nghĩ ta phải người quấy, mới thấy ta hay người dở v. v… nếu không dấy niệm thì chấp cái gì? Đó là chỗ cứu kính trong việc tu hành. Hiểu được rồi chúng ta thấy rõ ràng vừa bước vào đoạn thứ nhất là đã biết được phương pháp tu hành.
ĐOẠN 4
ÂM:
DIỆU HẠNH VÔ TRỤ.
Phục thứ Tu-bồ-đề, Bồ-tát ư pháp ưng vô sở trụ hành ư bố thí, sở vị bất trụ sắc bố thí, bất trụ thanh hương vị xúc pháp bố thí. Tu-bồ-đề, Bồ-tát ưng như thị bố thí, bất trụ ư tướng. Hà dĩ cố? Nhược Bồ-tát bất trụ tướng bố thí, kỳ phước đức bất khả tư lương. Tubồ-đề, ư ý vân hà? Đông phương hư không khả tư lương phủ? Phất dã Thế Tôn! Tu-bồđề, Nam Tây Bắc phương tứ duy thượng hạ hư không, khả tư lương phủ? Phất dã Thế Tôn! Tu-bồ-đề, Bồ-tát vô trụ tướng bố thí, phước đức diệc phục như thị bất khả tư lương. Tu-bồ-đề, Bồ-tát đản ưng như sở giáo trụ.
DỊCH:
DIỆU HẠNH KHÔNG CHỖ TRỤ.
Lại nữa Tu-bồ-đề, Bồ-tát đối với pháp nên không có chỗ trụ mà làm việc bố thí, gọi là chẳng trụ nơi sắc để bố thí, chẳng trụ thanh hương vị xúc pháp để bố thí. Này Tubồ-đề, Bồ-tát nên như thế mà bố thí, chẳng trụ nơi tướng. Vì cớ sao? Nếu Bồ-tát bố thí chẳng trụ tướng thì phước đức không thể nghĩ lường.
- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Hư không ở phương Đông có thể nghĩ lường được chăng?
- Bạch Thế Tôn, không vậy.
- Này Tu-bồ-đề, hư không phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn phía trên dưới có thể nghĩ lường được chăng?
- Bạch Thế Tôn, không vậy.
- Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát không trụ tướng mà bố thí, phước đức cũng lại như thế, không thể nghĩ lường. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát chỉ nên như lời dạy mà trụ.
GIẢNG:
Đến phần trả lời câu hỏi thứ hai. Nói đến trụ, quí vị nghe cũng rối tai không biết làm sao trụ. Tôi nhắc lại cho quí vị thấy trong đoạn này Phật bảo: Những vị Bồ-tát đối với pháp nên không có chỗ trụ mà làm việc bố thí. Không chỗ trụ là sao? Không trụ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà bố thí. Nếu Bồ-tát bố thí mà không trụ tướng thì phước đức không thể nào nghĩ lường được. Ngài dùng thí dụ hỏi: Hư không ở phương Đông có thể nghĩ lường được không? Hư không ở các phương Nam, Tây, Bắc và trên dưới có thể nghĩ lường được không? Dĩ nhiên là không. Phật bảo: Cũng vậy, nếu Bồ-tát bố thí mà không trụ tướng thì phước đức cũng như hư không, khắp cả mười phương, không thể nghĩ lường được. Phật lại dạy tiếp: Các Bồ-tát chỉ nên như lời dạy trên mà trụ.
Làm sao an trụ đây? Phật dạy: Bố thí mà không trụ nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Tôi hỏi quí vị bố thí mà không trụ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thì làm sao bố thí? Giả sử như thấy có người đói, mình muốn bố thí cho họ hết đói thì phải lấy cái gì bố thí? Lấy cơm hoặc là tiền. Cơm, tiền là sắc phải không? Nếu tay ta bưng cơm hay cầm tiền cho họ, tức là chúng ta có nghĩ về cơm, về tiền, đó là chúng ta trụ nơi sắc mà bố thí rồi… Hoặc giả chúng ta dùng lời nói an ủi cho họ bớt đau khổ, đó cũng là thanh, hoặc dùng những thứ có hương vị ngọt ngào, đó là hương v. v… Như vậy thế nào cũng phải nghĩ đến một cái gì mới đem bố thí được, nếu không thì làm sao bố thí? Không trụ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp bố thí thì phải làm sao? Đó là một câu hỏi mà chúng ta không biết làm sao giải đáp để áp dụng trong việc tu hành. Có người nói: Mình cho mà đừng
chấp, đừng nghĩ gì hết, cứ cho rồi thôi. Thử hỏi thế nào là đừng chấp? Làm sao thôi được? Thế nên chính đây là chỗ mà đa số người đọc kinh Kim Cang đều lúng túng không biết làm sao thực hành. Chúng ta phải hiểu rõ rằng bố thí là ban cho, là buông xả, trụ là dính mắc. Chúng ta phải buông xả đừng có dính với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp đó là bố thí. Không trụ như vậy tâm mới trụ. Sở dĩ tâm chúng ta động, loạn là vì nó chạy theo sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Bởi dính với sáu trần nên tâm mới loạn, , nó kẹt nơi sắc, kẹt nơi thanh, nơi hương, vị, xúc, pháp. Do kẹt trong sáu trần nên tâm chúng ta cứ loạn mãi, bây giờ chúng ta bố thí tức là buông xả không dính với sáu trần nữa thì tự nhiên tâm an trụ. Như vậy khi chúng ta an trụ là lúc chúng ta không dính với sáu trần, nếu còn dính với sáu trần là chưa trụ. Thí dụ trên bàn có sáu, bảy món nào ly, nào bao kiếng, nào khăn, đồng hồ v. v… trong sáu thứ đó, nếu tay tôi nắm một thứ là tôi dính một cái, phải không? Dính một cái thì khi ấy tâm tôi an trụ hay bất an? Dính một cái tức là tôi đang cầm, đang chấp. Cầm chấp tức là động chứ đâu có an được. Còn cả sáu cái, tay tôi đều không dính thì sao? Tức là tay tôi để một chỗ, nó không động. Nếu dính một cái là động rồi. Thế nên nói không trụ mà chính là trụ. Không trụ nghĩa là không dính tất cả sáu trần, đó mới thật an trụ.
Trong đoạn trước, hàng phục tâm là vọng vừa khởi liền biết và đưa nó vào chỗ lặng lẽ vô sanh. Trong đoạn này tế nhị hơn, đức Phật dạy chúng ta: Đối với sáu trần đừng để tâm dính mắc, đó là an trụ tâm. Thế nên các thiền sư, nhất là ngài Bá Trượng, khi nói đến chỗ giải thoát, Ngài chỉ bảo rằng: "Tâm cảnh không đến nhau là giải thoát". Cảnh là sáu trần, tâm không đến với cảnh, không dính với cảnh đó là giải thoát, đó là an trụ. Thế nên chúng ta phải thấy rõ phương pháp tu hành, tu là buông xả đừng dính với sáu trần, đó là trụ tâm. Khi hàng phục được tâm, an trụ tâm là đi đến Vô thượng.
Chánh đẳng Chánh giác, đi đến Phật quả. Vì vậy trong đoạn này Phật bảo: Nếu người nào bố thí thì công đức của người đó không thể tính kể, ví dụ như hư không. Hư không không dính với bất cứ vật gì nên nó thênh thang vô cùng. Chúng ta cũng vậy, nếu tâm chúng ta không dính với sáu trần thì nó cũng thênh thang như hư không, do đó Phật mới bảo: Công đức không thể nghĩ lường. Nhiều khi chúng ta không hiểu cứ nghĩ bố thí mà không chấp tướng thì công đức lớn. "Không chấp tướng" nghĩa như thế nào? Nghĩa là bố thí rồi thì thôi, đừng nhớ nghĩ gì nữa. Đó là chúng ta chỉ hiểu phần thô thiển bên ngoài. Đúng ra chữ bố thí phải hiểu là buông xả hết vọng niệm, tâm không dính với sáu trần, lúc đó tâm mới an trụ và tâm an trụ như vậy thì công đức đồng với hư không, không thể nghĩ lường. Tại sao? Bởi vì khi tâm không còn trụ nơi sáu trần thì nó trở về với tâm thể vô sanh, mà chỗ vô sanh thì không biết làm sao lường được. Thế nên nói công đức không thể nghĩ lường, không thể tính kể.
Trong phần cuối, Phật bảo: Bồ-tát chỉ nên như lời dạy mà trụ. Như vậy, muốn trụ tâm quí vị phải làm sao? Phải buông xả đừng dính với sáu trần. Muốn hàng phục tâm
phải làm sao? Phải đưa vọng niệm vào chỗ vô sanh. Thật là rõ ràng không có gì nghi ngờ nữa. Trái lại, nếu chúng ta hiểu theo chữ nghĩa hình tướng bên ngoài thì chúng ta không thể nào giải thích nổi và cũng không thể nào thực hành được. Bố thí mà không kẹt trong sáu thứ đó thì làm sao bố thí? Sở dĩ có bố thí được là do sáu thứ hoặc sắc, hoặc thanh. hoặc hương, vị… mà không được dính vào thứ nào hết thì phải làm sao? Thế nên hiểu rồi mới thấy chủ ý Phật dạy chúng ta an trụ tâm, hàng phục tâm ở trong, chớ không phải dạy chúng ta làm việc bên ngoài. Vì không hiểu, chúng ta nghĩ độ chúng sanh là độ chúng sanh bên ngoài, và bố thí cũng là bố thí cho người bên ngoài; nếu thế thì không liên quan gì đến việc an trụ và hàng phục tâm của chính mình.
Hai đoạn này đã trả lời đầy đủ cho ngài Tu-bồ-đề rồi. Đọc kinh Kim Cang nếu người lợi căn thì tới đây đã đủ. Hai câu hỏi này là hai câu hỏi quan trọng nhất của quyển kinh mà trả lời thỏa mãn được hai câu này thì coi như đủ rồi. Nếu người căn cơ chậm lụt thì phải đọc hết bộ!
ÂM:
ĐẠI THỪA CHÁNH TÔNG.
Phật cáo Tu-bồ-đề: Chư Bồ-tát ma-ha-tát ưng như thị hàng phục kỳ tâm. Sở hữu nhất thiết chúng sanh chi loại, nhược noãn sanh, nhược thai sanh, nhược thấp sanh, nhược hóa sanh, nhược hữu sắc, nhược vô sắc, nhược hữu tưởng, nhược vô tưởng, nhược phi hữu tưởng phi vô tưởng, ngã giai linh nhập vô dư Niết-bàn nhi diệt độ chi. Như thị diệt độ vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh, thực vô chúng sanh đắc diệt độ giả. Hà dĩ cố? Tu-bồ-đề, nhược Bồ-tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng tức phi Bồ-tát.
DỊCH:
CHÁNH TÔNG CỦA ĐẠI THỪA.
Phật bảo Tu-bồ-đề: Các vị Bồ-tát lớn nên như thế mà hàng phục tâm kia. Có tất cả các loài chúng sanh hoặc loài sanh bằng trứng, hoặc loài sanh bằng thai, hoặc sanh chỗ ẩm ướt, hoặc hóa sanh, hoặc có hình sắc, hoặc không hình sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc chẳng có tưởng chẳng không tưởng, ta đều khiến vào vô dư Niết-bàn mà được diệt độ đó. Diệt độ như thế vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh mà thật không có chúng sanh được diệt độ. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả tức chẳng phải là Bồ-tát.
GIẢNG:
- Chín loài chúng sanh chỉ trùm tất cả chúng sanh.
- Niết-bàn nghĩa là vô sanh. Niết-bàn có hữu dư y Niết-bàn và vô dư y Niết-bàn. Những vị chứng quả A-la-hán, được vô sanh nhưng còn thân hình tướng thì gọi là hữu dư
Niết-bàn; được Niết-bàn sau khi xả thân nghĩa là được vô sanh sau khi không còn thân tướng thì gọi là vô dư Niết-bàn.
- Bốn tướng:
Tướng ngã: Thấy có mình thật.
Tướng nhân: Thấy có người thật.
Tướng chúng sanh: Thấy tất cả loài có thật.
Tướng thọ giả: Thấy có mạng sống tiếp nối trong một thời gian.
Đây là đến phần Phật trả lời hai câu hỏi trước của ngài Tu-bồ-đề. Câu hỏi đầu là an trụ tâm, câu hỏi thứ hai là hàng phục tâm, nhưng khi trả lời đức Phật đổi lại trả lời câu hỏi hàng phục tâm trước và câu hỏi an trụ tâm sau. Trong đoạn này Phật dạy cách hàng phục tâm tức chỉ phương pháp tu hành. Đức Phật dạy: Đối với tất cả loài chúng sanh ta đều đưa họ vào chỗ Niết-bàn không còn hình tướng để họ được diệt độ. Diệt độ như thế không biết bao nhiêu chúng sanh mà thật không có một chúng sanh nào được diệt độ. Đó là hàng phục được tâm, quí vị làm được điều đó không? Phật lại bảo tiếp: Tại sao thế? Vì nếu Bồ-tát còn một tướng ngã hay tướng nhân, tướng chúng sanh,tướng thọ giả thì không phải là Bồ-tát.
Phật trả lời khó hiểu quá, thấy như lạc đề. Đây là chỗ chính yếu nhưng vừa mở đầu chúng ta thấy ngỡ ngàng, chúng ta mong Phật trả lời làm sao hàng phục tâm mà đức Phật trả lời như thế này thì làm sao hàng phục tâm được. Tôi không nói loài sanh bằng trứng, những loài sanh chỗ ẩm ướt, những loài sanh do biến hóa, những loài có sắc, không sắc v. v… mà chỉ nói những loài thai sanh và trong loài sanh bằng thai, tôi hạn chế trong loài người thôi. Chừng nào chúng ta độ tất cả loài người vào vô dư Niết-bàn mà không thấy họ được diệt độ, chừng đó chúng ta mới hàng phục được tâm. Vậy chừng nào chúng ta làm được việc đó? Nếu như không làm được việc đó thì hàng phục tâm không được. Tại sao hỏi hàng phục tâm mà Phật dạy độ chúng sanh ở ngoài? Đó là điều khó, từ xưa đến giờ chính khi chúng tôi học, đến chỗ này chúng tôi cũng lắc đầu, điều Phật dạy rất khó áp dụng trong việc tu hành. Nếu chúng ta hiểu theo lời theo chữ thì sẽ có hai điểm không thể thực hiện được. Điểm thứ nhất là chúng ta thấy Phật chưa thành Phật. Tại sao? Vì khi đức Phật thành Phật, thử hỏi tất cả người - chỉ nói là người thôi - ở Ấn Độ, Phật đã độ được vào vô dư Niết-bàn hết chưa? Chúng ta thấy rõ rằng lúc đó còn ngoại đạo rất nhiều, Ngài chỉ độ một số mấy ngàn vị thôi chớ đâu phải tất cả, vậy tại sao Ngài được thành Phật? Nếu hàng phục tâm chưa được thì làm sao thành Phật? Điểm thứ hai là Phật dạy chúng ta làm một việc mà không bao giờ chúng ta làm nổi. Thử hỏi tất cả quí vị cũng
như chúng tôi, ai đã được vô dư Niết-bàn? Thế mà chúng ta phải đưa tất cả chúng sanh vào vô dư Niết-bàn, chừng đó mình mới hàng phục
được tâm. Vậy đến bao giờ chúng ta mới làm được việc đó? Chỗ mình chưa đạt tới mà Phật bảo mình độ người đạt được chỗ đó, làm sao chúng ta làm được? Cũng như chúng ta còn dốt mà bảo dạy tất cả người đậu tiến sĩ hết, chừng đó mới được làm quan thì thật là vô lý. Thế nên nếu học kinh Phật, nhất là kinh Đại thừa, mà hiểu theo chữ, theo lời thì không làm sao giải thích được.
Điểm thứ nhất ta thấy mâu thuẫn với Phật, điểm thứ hai mâu thuẫn với chúng ta, như thế làm sao có thể áp dụng trong việc tu hành? Nhưng đến sau này khi tu thiền và đọc sách thiền rồi, chúng tôi mới giật mình, không ngờ mình không hiểu lời Phật nói. Kinh nói trong chúng ta có đủ cả thập pháp giới, đó là tứ thánh và lục phàm. Quí vị thấy có khi chúng ta phát lòng từ bi giống như Phật, như Bồ-tát, có khi chúng ta xấu xa như con heo, con bò, có khi chúng ta hung dữ như con cọp, con sói. Trong chúng ta có đủ trăm thứ nghĩ, tốt xấu lẫn lộn. Thế nên mỗi một dấy niệm về người thì đó là một chúng sanh thai sanh, một dấy niệm về chim chóc thì đó là chúng sanh noãn sanh, một dấy niệm về con bướm, con ong thì đó là hóa sanh, một dấy niệm về con đom đóm đó là thấp sanh, nghĩ đến hư không đó là chúng sanh vô sắc, dấy niệm về con người có tưởng, đó là chúng sanh có tưởng, dấy niệm buông hết vọng tưởng, buông hết cả những tâm tưởng đó là chúng sanh vô tưởng… dấy niệm là sanh. Tại sao? Bởi vì khi lặng thì không có niệm, mà niệm dấy lên là do duyên với cảnh hoặc người, hoặc vật. Vọng thức bên trong duyên theo bóng dáng của vọng trần, cả hai phối hợp nhau mà sanh nên gọi là chúng sanh. Mỗi một niệm dấy lên như vậy là một chúng sanh. Những chúng sanh do niệm vừa dấy lên đó chúng ta liền độ vào vô dư Niết-bàn. Làm sao độ? Chúng sanh đó dấy lên, ta biết chúng sanh này giả tức nhiên nó lặng xuống chỗ không sanh và khi nó lặng xuống không còn thấy tăm dạng nên gọi là vô dư Niết-bàn. Như thế chúng ta thấy đức Phật độ hết chúng sanh, Ngài hàng phục được tâm, Ngài thành Phật. Như thế mới có lý, mới đúng sự thật.
Cũng thế nếu những vọng tưởng của chúng ta đang điên cuồng chạy ngược, chạy xuôi theo có sắc, không sắc, có tưởng, không tưởng… theo tất cả hình tướng bên ngoài, bây giờ chúng ta đưa nó vào vô dư Niết-bàn, vào chỗ lặng lẽ không sanh diệt, tâm chúng ta không còn loạn nữa, đó là chúng ta hàng phục được tâm. Hiểu như vậy chúng ta mới tu được. Như thế chúng ta mới thấy rõ đức Phật thành Phật trong khi tất cả chúng sanh vẫn còn. Ngài hàng phục được tâm của Ngài nên mới được đến chỗ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như bây giờ chúng ta vừa phát tâm tu thì chúng ta cũng hàng phục như vậy, lần lần tâm an định chúng ta mới tiến bộ được. Nếu cứ lo độ chúng sanh ở ngoài trong khi chính mình chưa độ được mình thì độ được ai?
Hiểu như vậy rồi chúng ta thấy kinh Phật rất cao siêu, lời lẽ diễn tả những hình ảnh mà chúng ta không hiểu là những hình ảnh đó quy về mình rồi chúng ta cứ tưởng là việc bên ngoài. Khi chúng ta tưởng như thế chúng ta sẽ thối chí không biết làm sao thực hành. Thế nên ngày xưa chính tôi đã từng nói rằng: Kinh Đại thừa chắc chỉ để trên gác thờ, không thể áp dụng trong việc tu hành, nhưng nay chúng ta hiểu rõ rồi, mới thấy chính đoạn này trả lời rất sát câu hỏi của ngài Tu-bồ-đề. Ngài Tu-bồ-đề hỏi làm sao hàng phục được tâm? Phật dạy: Một niệm dấy lên là một chúng sanh, đưa những niệm đó vào chỗ vô sanh là hàng phục tâm. Đây là tự tánh chúng sanh thệ nguyện độ. Rõ ràng là Phật trả lời việc hàng phục tâm. Nếu nói độ tất cả chúng sanh thì ta thấy như là người hỏi việc bên trong mà Phật trả lời việc bên ngoài, không dính dáng gì với nhau. Nhưng ở đây, chúng ta đã thấy rõ ý nghĩa độ tất cả chúng sanh, đó là đưa tất cả niệm vào chỗ không còn sanh diệt. Khi nào thực hành quí vị mới thấy rõ. Một niệm dấy lên nghĩ về người, chúng ta liền nói niệm đó giả dối không thật, không theo. Khi biết nó giả, ta không theo thì nó lặng xuống, lặng xuống chỗ không còn thấy tướng mạo, đó là vô dư Niết-bàn. Không sanh là Niết-bàn, không còn tướng mạo là vô dư. Bao nhiêu niệm đều đưa vào đó nên nói độ tất cả chúng sanh mà không thấy có chúng sanh nào được diệt độ, nghĩa là đưa tất cả vào đó hết mà không còn thấy có một người nào hay một niệm nào thật. Quí vị thấy thật là khó, khó ngay ở buổi đầu.
Thế nên Phật nói tiếp: Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, thì không phải là Bồ-tát. Tại sao vậy? Bởi vì một niệm dấy lên tức là có chấp ngã trong đó. Quí vị nhớ từ cái chấp ngã của Đại thừa đi lần đến chấp ngã sâu kín vi tế của Thiền tông. Hai cái tương ưng nhau. Chấp ngã của Đại thừa là chấp thân làm ngã và chấp tâm làm ngã. Từ cái chấp thân, tâm làm ngã đến niệm dấy lên chấp niệm đó là mình, đó cũng là chấp ngã. Niệm dấy lên cho là mình nghĩ, đó là chấp ngã. Tại sao? Dấy niệm là suy nghĩ về người, suy nghĩ về cảnh, thử hỏi ai nghĩ, ai nghĩ về người, ai nghĩ về cảnh? Thô thì chấp thân này, tế thì chấp một niệm, vì vậy còn thấy một niệm thật là còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả; nếu đưa hết những niệm vào vô dư Niết-bàn rồi thì đâu còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Người làm được như vậy, đức Phật nói: Đó là Bồ-tát độ chúng sanh.
Quí vị thấy mỗi ngày chúng ta ngồi ở tảng đá chơi, hoặc ngồi ở trước hành lang nhà, hoặc ngồi trong vườn, nếu chúng ta cứ lo độ chúng sanh như vậy, nghĩa là mỗi chúng sanh dấy lên chúng ta đưa vào vô dư Niết-bàn, đó cũng là Bồ-tát độ chúng sanh rồi. Tại sao gọi là Bồ-tát? Vì Bồ-tát là một chúng hữu tình giác ngộ và đem sở giác của mình giáo hóa kẻ khác, tức là tự giác và giác tha. Niệm dấy lên chúng ta biết nó là hư giả, đó là giác; giác rồi đưa nó vào chỗ vô sanh, đó là độ chúng sanh. Như vậy quí vị thấy giờ nào mà không độ chúng sanh? Chúng ta độ chúng sanh đó thì sẽ đi đến chỗ an trụ Niết
bàn. Tóm lại đức Phật chủ yếu dạy chúng ta đối với tất cả niệm khởi về người về vật v. v… muôn ngàn hình tướng đều cho lặng xuống hết, lặng vào chỗ không còn sanh diệt, khi đó là hàng phục tâm. Tâm chúng ta không còn loạn động nữa, mà hết loạn động tức là chúng ta hàng phục được tâm thuần thục. Như thế câu trả lời rất là xác đáng. Và như vậy mới hết tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Hiện giờ có nhiều người không hiểu, cho thân này là ngã nên bảo: "Thôi tôi xả thân, tôi không nghĩ gì đến tôi hết, tôi bố thí tất cả thức ăn, thức mặc, cái gì tôi cũng không kể", nhưng niệm của họ vẫn còn khởi thì cái xả đó vẫn chưa sạch. Tỉ dụ cứ nghĩ ta là người bố thí, ta là người nhẫn nhục tức là còn ngã chớ gì? Cho nên còn một niệm là còn ngã, cái ngã tế nhị như vậy. Thành ra có nhiều người làm việc coi như xả ngã mà chính là nuôi cái ngã thêm to, đó là cái ngã vọng tưởng ở tâm. Thế nên khi hiểu rồi quí vị mới thấy ở đây đức Phật bảo: Độ tất cả chúng sanh mà không thấy có một chúng sanh nào được diệt độ. Tại sao? Vì nếu Bồ-tát còn bốn tướng đó không phải là Bồ-tát. Còn bốn tướng là còn dấy niệm thấy có mình tức có ngã, mà có ngã tức là có nhân, có chúng sanh, có thọ giả… Có dấy niệm mới chấp, mới nghĩ ta phải người quấy, mới thấy ta hay người dở v. v… nếu không dấy niệm thì chấp cái gì? Đó là chỗ cứu kính trong việc tu hành. Hiểu được rồi chúng ta thấy rõ ràng vừa bước vào đoạn thứ nhất là đã biết được phương pháp tu hành.
ĐOẠN 4
ÂM:
DIỆU HẠNH VÔ TRỤ.
Phục thứ Tu-bồ-đề, Bồ-tát ư pháp ưng vô sở trụ hành ư bố thí, sở vị bất trụ sắc bố thí, bất trụ thanh hương vị xúc pháp bố thí. Tu-bồ-đề, Bồ-tát ưng như thị bố thí, bất trụ ư tướng. Hà dĩ cố? Nhược Bồ-tát bất trụ tướng bố thí, kỳ phước đức bất khả tư lương. Tubồ-đề, ư ý vân hà? Đông phương hư không khả tư lương phủ? Phất dã Thế Tôn! Tu-bồđề, Nam Tây Bắc phương tứ duy thượng hạ hư không, khả tư lương phủ? Phất dã Thế Tôn! Tu-bồ-đề, Bồ-tát vô trụ tướng bố thí, phước đức diệc phục như thị bất khả tư lương. Tu-bồ-đề, Bồ-tát đản ưng như sở giáo trụ.
DỊCH:
DIỆU HẠNH KHÔNG CHỖ TRỤ.
Lại nữa Tu-bồ-đề, Bồ-tát đối với pháp nên không có chỗ trụ mà làm việc bố thí, gọi là chẳng trụ nơi sắc để bố thí, chẳng trụ thanh hương vị xúc pháp để bố thí. Này Tubồ-đề, Bồ-tát nên như thế mà bố thí, chẳng trụ nơi tướng. Vì cớ sao? Nếu Bồ-tát bố thí chẳng trụ tướng thì phước đức không thể nghĩ lường.
- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Hư không ở phương Đông có thể nghĩ lường được chăng?
- Bạch Thế Tôn, không vậy.
- Này Tu-bồ-đề, hư không phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn phía trên dưới có thể nghĩ lường được chăng?
- Bạch Thế Tôn, không vậy.
- Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát không trụ tướng mà bố thí, phước đức cũng lại như thế, không thể nghĩ lường. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát chỉ nên như lời dạy mà trụ.
GIẢNG:
Đến phần trả lời câu hỏi thứ hai. Nói đến trụ, quí vị nghe cũng rối tai không biết làm sao trụ. Tôi nhắc lại cho quí vị thấy trong đoạn này Phật bảo: Những vị Bồ-tát đối với pháp nên không có chỗ trụ mà làm việc bố thí. Không chỗ trụ là sao? Không trụ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà bố thí. Nếu Bồ-tát bố thí mà không trụ tướng thì phước đức không thể nào nghĩ lường được. Ngài dùng thí dụ hỏi: Hư không ở phương Đông có thể nghĩ lường được không? Hư không ở các phương Nam, Tây, Bắc và trên dưới có thể nghĩ lường được không? Dĩ nhiên là không. Phật bảo: Cũng vậy, nếu Bồ-tát bố thí mà không trụ tướng thì phước đức cũng như hư không, khắp cả mười phương, không thể nghĩ lường được. Phật lại dạy tiếp: Các Bồ-tát chỉ nên như lời dạy trên mà trụ.
Làm sao an trụ đây? Phật dạy: Bố thí mà không trụ nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Tôi hỏi quí vị bố thí mà không trụ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thì làm sao bố thí? Giả sử như thấy có người đói, mình muốn bố thí cho họ hết đói thì phải lấy cái gì bố thí? Lấy cơm hoặc là tiền. Cơm, tiền là sắc phải không? Nếu tay ta bưng cơm hay cầm tiền cho họ, tức là chúng ta có nghĩ về cơm, về tiền, đó là chúng ta trụ nơi sắc mà bố thí rồi… Hoặc giả chúng ta dùng lời nói an ủi cho họ bớt đau khổ, đó cũng là thanh, hoặc dùng những thứ có hương vị ngọt ngào, đó là hương v. v… Như vậy thế nào cũng phải nghĩ đến một cái gì mới đem bố thí được, nếu không thì làm sao bố thí? Không trụ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp bố thí thì phải làm sao? Đó là một câu hỏi mà chúng ta không biết làm sao giải đáp để áp dụng trong việc tu hành. Có người nói: Mình cho mà đừng
chấp, đừng nghĩ gì hết, cứ cho rồi thôi. Thử hỏi thế nào là đừng chấp? Làm sao thôi được? Thế nên chính đây là chỗ mà đa số người đọc kinh Kim Cang đều lúng túng không biết làm sao thực hành. Chúng ta phải hiểu rõ rằng bố thí là ban cho, là buông xả, trụ là dính mắc. Chúng ta phải buông xả đừng có dính với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp đó là bố thí. Không trụ như vậy tâm mới trụ. Sở dĩ tâm chúng ta động, loạn là vì nó chạy theo sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Bởi dính với sáu trần nên tâm mới loạn, , nó kẹt nơi sắc, kẹt nơi thanh, nơi hương, vị, xúc, pháp. Do kẹt trong sáu trần nên tâm chúng ta cứ loạn mãi, bây giờ chúng ta bố thí tức là buông xả không dính với sáu trần nữa thì tự nhiên tâm an trụ. Như vậy khi chúng ta an trụ là lúc chúng ta không dính với sáu trần, nếu còn dính với sáu trần là chưa trụ. Thí dụ trên bàn có sáu, bảy món nào ly, nào bao kiếng, nào khăn, đồng hồ v. v… trong sáu thứ đó, nếu tay tôi nắm một thứ là tôi dính một cái, phải không? Dính một cái thì khi ấy tâm tôi an trụ hay bất an? Dính một cái tức là tôi đang cầm, đang chấp. Cầm chấp tức là động chứ đâu có an được. Còn cả sáu cái, tay tôi đều không dính thì sao? Tức là tay tôi để một chỗ, nó không động. Nếu dính một cái là động rồi. Thế nên nói không trụ mà chính là trụ. Không trụ nghĩa là không dính tất cả sáu trần, đó mới thật an trụ.
Trong đoạn trước, hàng phục tâm là vọng vừa khởi liền biết và đưa nó vào chỗ lặng lẽ vô sanh. Trong đoạn này tế nhị hơn, đức Phật dạy chúng ta: Đối với sáu trần đừng để tâm dính mắc, đó là an trụ tâm. Thế nên các thiền sư, nhất là ngài Bá Trượng, khi nói đến chỗ giải thoát, Ngài chỉ bảo rằng: "Tâm cảnh không đến nhau là giải thoát". Cảnh là sáu trần, tâm không đến với cảnh, không dính với cảnh đó là giải thoát, đó là an trụ. Thế nên chúng ta phải thấy rõ phương pháp tu hành, tu là buông xả đừng dính với sáu trần, đó là trụ tâm. Khi hàng phục được tâm, an trụ tâm là đi đến Vô thượng.
Chánh đẳng Chánh giác, đi đến Phật quả. Vì vậy trong đoạn này Phật bảo: Nếu người nào bố thí thì công đức của người đó không thể tính kể, ví dụ như hư không. Hư không không dính với bất cứ vật gì nên nó thênh thang vô cùng. Chúng ta cũng vậy, nếu tâm chúng ta không dính với sáu trần thì nó cũng thênh thang như hư không, do đó Phật mới bảo: Công đức không thể nghĩ lường. Nhiều khi chúng ta không hiểu cứ nghĩ bố thí mà không chấp tướng thì công đức lớn. "Không chấp tướng" nghĩa như thế nào? Nghĩa là bố thí rồi thì thôi, đừng nhớ nghĩ gì nữa. Đó là chúng ta chỉ hiểu phần thô thiển bên ngoài. Đúng ra chữ bố thí phải hiểu là buông xả hết vọng niệm, tâm không dính với sáu trần, lúc đó tâm mới an trụ và tâm an trụ như vậy thì công đức đồng với hư không, không thể nghĩ lường. Tại sao? Bởi vì khi tâm không còn trụ nơi sáu trần thì nó trở về với tâm thể vô sanh, mà chỗ vô sanh thì không biết làm sao lường được. Thế nên nói công đức không thể nghĩ lường, không thể tính kể.
Trong phần cuối, Phật bảo: Bồ-tát chỉ nên như lời dạy mà trụ. Như vậy, muốn trụ tâm quí vị phải làm sao? Phải buông xả đừng dính với sáu trần. Muốn hàng phục tâm
phải làm sao? Phải đưa vọng niệm vào chỗ vô sanh. Thật là rõ ràng không có gì nghi ngờ nữa. Trái lại, nếu chúng ta hiểu theo chữ nghĩa hình tướng bên ngoài thì chúng ta không thể nào giải thích nổi và cũng không thể nào thực hành được. Bố thí mà không kẹt trong sáu thứ đó thì làm sao bố thí? Sở dĩ có bố thí được là do sáu thứ hoặc sắc, hoặc thanh. hoặc hương, vị… mà không được dính vào thứ nào hết thì phải làm sao? Thế nên hiểu rồi mới thấy chủ ý Phật dạy chúng ta an trụ tâm, hàng phục tâm ở trong, chớ không phải dạy chúng ta làm việc bên ngoài. Vì không hiểu, chúng ta nghĩ độ chúng sanh là độ chúng sanh bên ngoài, và bố thí cũng là bố thí cho người bên ngoài; nếu thế thì không liên quan gì đến việc an trụ và hàng phục tâm của chính mình.
Hai đoạn này đã trả lời đầy đủ cho ngài Tu-bồ-đề rồi. Đọc kinh Kim Cang nếu người lợi căn thì tới đây đã đủ. Hai câu hỏi này là hai câu hỏi quan trọng nhất của quyển kinh mà trả lời thỏa mãn được hai câu này thì coi như đủ rồi. Nếu người căn cơ chậm lụt thì phải đọc hết bộ!
Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net
Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.