Lại Một Câu Chuyện Tình Yêu Khác

Chương 4: Những câu chuyện nhảm nhí của cô nàng văn phòng​

Sherry

06/01/2017

- Sao chúng mày không yêu nhau đi?

Đây là câu hỏi tôi nhận được rất nhiều nhưng tôi chỉ cười bỏ qua. Chưa kể tới yếu tố Bách không thích tôi, tôi cũng không thể thích hắn được. Từ nhỏ tôi đã sống trong môi trường “mô phạm” của gia đình, đến anh rể cũng là “thanh niên nghiêm túc” nên tôi không có ý định yêu thêm một “quản giáo” nữa. Vẻ nghiêm chỉnh thái quá luôn làm tôi có cảm giác chán ngán. Trong tâm tưởng của tôi, sự hấp dẫn ở đàn ông bao gồm hình thức, thông minh và quan trọng nhất là tính phóng khoáng, hài hước. Cho dù Bách có được hai điểm đầu tiên nhưng thiếu đi tiêu chuẩn quan trọng nhất thì sao tôi có thể thích?

…………

Trái ngược với tôi, Bách luôn ấp ủ trong mình “giấc mơ lớn”. Hắn đi làm thêm từ năm hai mà tới khi ra trường vẫn lấy được tấm bằng Kinh tế loại giỏi, tiếng Anh, tiếng Nhật tốt, và thông thạo các loại kỹ năng mềm cần thiết. Bằng tuổi nhau nhưng khi tôi ngơ ngác bước vào đời với kinh nghiệm là con số không tròn trĩnh thì Bách đã có gần ba năm làm việc ở FedEx tại nhiều vị trí khác nhau. Thêm một năm sau đó, hắn xin nghỉ, ra ngoài mở công ty riêng, cũng lĩnh vực chuyển phát nhanh. Tuy doanh nghiệp còn nhỏ nhưng để tồn tại và phát triển tới nay đã là quá giỏi. Công việc như hút hết mọi thời gian, sức lực của Bách, đâm ra thói quen cùng nhau lượn phố, ăn uống, mua sắm, “buôn chuyện” trước kia của chúng tôi có phần bị bỏ quên.

Với lợi thế “người nhà”, công ty của Bách thành đơn vị chuyển phát thường xuyên cho văn phòng tôi.

- Anh có để ý là dạo này mình toàn gặp nhau ở đây không? – Tôi đưa cho hắn cái phong bì to đùng, đăm chiêu nói. Đây là lần thứ tư trong tuần tôi gặp hắn ở văn phòng trong khi phải vài tuần rồi bọn tôi không “hẹn hò”.

- Ừ. – Hắn vừa cười vừa điền thông tin vào tờ phiếu.

- Mà sao anh không bảo nhân viên đến, ông chủ đích thân đi làm gì cho vất vả? – Tôi ái ngại nhìn chiếc áo sơ mi thấm đẫm mồ hôi, đưa cho hắn cốc nước lạnh. – Uống tạm đi, em mới uống một ngụm thôi, đỡ phải vào trong lấy cốc mới.

- Cô tưởng công ty anh là tập đoàn đa quốc gia chắc? – Hắn rất tự nhiên cầm cốc của tôi uống một hơi hết già nửa. – Công ty nhỏ, ít người nên anh cũng phải tranh thủ đi lấy chứ.

Không ngại việc chân tay, không ngại nhặt tiền lẻ là tiêu chí khi khởi nghiệp của Bách và hắn thực hiện rất tốt. Những ngày đầu mới ra ngoài lập nghiệp, trong lúc tôi phấn son nước hoa thơm nức, ngồi văn phòng điều hòa mát lạnh thì Bách một mình một xe lượn khắp hang cùng ngõ hẻm của Hà Nội chuyển phát từng món bưu phẩm tới tay người nhận. Phải thừa nhận, công ty nhỏ ít khách cũng có mặt tốt, dịch vụ của bên hắn có phần còn khiến văn phòng tôi hài lòng hơn cả các “ông lớn” như DHL, EMS. Làn da cháy nắng đen nhẻm của hắn là một bằng chứng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi trên bước đường khởi nghiệp đầy chông gai.

Nhưng mặc cho có bao nhiêu nể phục đối với Bách, tôi ngày càng không thích cái vẻ đạo mạo, chỉn chu thái quá của hắn.

Văn phòng tôi có một rắc rối nho nhỏ. Số là giấy phép dành cho văn phòng đại diện không phải có hạn vĩnh viễn, và bọn tôi cần nộp hồ sơ xin gia hạn trước khi giấy hết hạn. Việc này vốn là của chị Mai nhưng chị nghỉ sinh mà quên không giao lại cho người khác, tới khi phát hiện ra thì hạn cuối nộp hồ sơ gia hạn đã gần hết và văn phòng có nguy cơ đóng cửa tạm thời nếu không có giấy phép mới. May mắn là bọn tôi còn phát hiện ra kịp thời và bộ hồ sơ không có gì phức tạp nhưng một trong những giấy tờ quan trọng nhất chuyển từ công ty mẹ về lại kẹt ở hải quan. Tôi gọi điện, lên tận nơi vài lượt vẫn không lấy ra được. Nhận giấy tờ chuyển về từ nước ngoài đôi khi lại phức tạp ngoài dự kiến.

- Anh quen bên hải quan không? Giúp em lấy ít đồ. – Có bệnh vái tứ phương, tôi gọi cho Bách, hi vọng rằng quan hệ của hắn đủ rộng để giúp tôi.

- Cô lấy cái gì? Lại quần áo, giầy dép order à?

- Không, ít giấy tờ thôi, toàn văn hóa phẩm đồi trụy nên cứ bị kẹt. – Tôi thản nhiên nói.

- Cái gì? – Giọng hắn đột nhiên vọt lên một tông.

- Hồ sơ HO[1] gửi sang để gia hạn giấy phép văn phòng. Em đùa thôi mà, làm gì cứ như cháy nhà thế? – Tôi bực mình gắt, quên luôn là mình còn đang phải nhờ vả hắn.

Không ngờ tôi lại gõ đúng cửa, Bách nhanh chóng giải quyết cho tôi vụ này, biến tôi thành người hùng của văn phòng tháng đó. Các chị già xuýt xoa ghen tị với tôi vì có trong tay một anh chàng độc thân chất lượng cao như vậy. Người này một câu, người kia một lời xúm vào xui tôi “cưa cẩm” hắn.

Đáp lại tôi chỉ cười. Yêu người như Bách để tôi héo hon chết buồn à?

……………

Người ta thường nói là thế giới phụ nữ rất phức tạp, cá nhân tôi lại không thấy thế. Văn phòng tôi ngoại trừ anh lái xe thì toàn phụ nữ và nhìn chung mọi việc khá ổn. Bỏ qua mấy hiềm khích vớ vẩn kiểu con nhà này nặng hơn con nhà kia một lạng hay bôi nhầm thỏi son của nhau thì về cơ bản bọn tôi sống rất chan hòa. Vấn đề cốt lõi là do không cạnh tranh lợi ích, công việc lại nhàn nên ghét nhau hay cãi vã chỉ mất thời gian và bản thân mất vui trước. Anh Cường lái xe sau mấy tuần đầu dè bỉu đám đàn bà nhiều chuyện cũng trở thành thành viên năng nổ của nhóm. Nhờ anh mà mỗi ngày chúng tôi đều có tin “điệp báo” sếp vui hay buồn, cãi nhau với chồng hay bực bội với con.

- Văn phòng mình còn Hồng với Thủy chưa lấy chồng nhỉ? – Nhân một buổi “họp” thường kỳ, chị Linh bỗng đưa ra cái chủ đề chưa bao giờ nguội này.

- Em có người yêu rồi, còn mỗi cái Thủy là độc thân toàn phần thôi. – Hồng đắc ý nói.

- Mày lại kén chọn hả Thủy? Làm đây hơn năm mà vẫn chưa thấy yêu đương ai. Có trẻ trung gì nữa đâu, ngoảnh đi ngoảnh lại là “toan về già” nhanh lắm.

- Chị nói giống hệt mẹ em. Hai tư còn trẻ chán. – Tôi bĩu môi. – Em có kén chọn đâu, nhưng đợt này làm gì có ai mà yêu.

Tôi nói không sai. Từ lúc chia tay anh người yêu cũ đi Nhật tới nay, tôi chưa hề có mối quan hệ nào mới, phần vì không có cơ hội, phần vì… lười. Ban ngày tôi đi làm, xung quanh toàn các chị già, người ngoài hiếm hoi tới văn phòng là đội ngũ chuyển phát nhanh hoặc mấy nhân viên sales của khách sạn, phòng tập. Nếu ra ngoài cũng chỉ lượn qua Phòng Thương mại, Bảo hiểm Xã hội thì nhân viên ở đó chủ yếu là các chị còn nhiều tuổi hơn cả đồng nghiệp của tôi. Tối về tôi ngại ra ngoài, ăn cơm xong thích lên phòng xem phim, đọc sách hơn se sua quần áo phấn son đi mấy cuộc gặp gỡ nhạt nhẽo không đầu không cuối. May ra có Bách thỉnh thoảng qua đón đi chơi thì tôi để nguyên mặt mộc, thậm chí đang mặc quần short áo phông cứ thế xỏ tông nhảy luôn lên xe. Những ngày cuối tuần tôi chỉ ngủ hoặc đi xem phim. Cuộc sống yên bình như vậy đều trôi, chớp mắt cái đã qua một năm.

- Hay để chị giới thiệu cho mày thằng em họ chị? – Chị Linh sốt sắng.

- Thôi em xin, em chẳng thích giới thiệu này kia đâu. – Tôi nhăn mặt. Bình sinh tôi ghét nhất mấy trò mai mối. Chẳng gì làm tôi chán bằng nam nữ gặp nhau cứ phải giả tảng lịch thiệp với e lệ, rất kỳ quặc. Nếu đã là duyên số, hãy cứ để nó tới tự nhiên.

- Trông mày ngon lành thế này, cứ kiếm thằng nào đại gia vào em ạ. – Chị Mai nhiệt tình tham gia.

- Nhưng đại gia toàn ông bốn mấy, năm mươi đổ lên thôi. – Tôi giãy nảy.

- Cứng tuổi tý thì mày càng được chiều chứ sao.

- Ôi trời, em chịu. Em không thể có cảm hứng với mấy anh đầu hói bụng phệ được. – Tôi cười phá lên.

- Chị tưởng mày lúc nào cũng giương cao quan điểm “sống sao cho sướng”?

- Vâng, mục tiêu cuộc đời em mà. Sống được có một lần, tội gì phải vất vả khổ sở?



- Thế thì phải lấy đại gia mới đúng chứ? Mày nói chuyện mâu thuẫn bỏ xừ. – Hồng bĩu môi.

Tôi phì cười, không nghĩ bà chị lại ngây thơ như thế.

- Chị cứ làm như tiền là lá cây ý. Mấy ông đại gia, ông nào cũng có sỏi trong đầu hết. Người ta lăn lộn bao năm làm ra sản nghiệp, đời nào để cho mình muốn làm gì thì làm? Chưa kể nhiều người thấy đồng tiền của họ to quá, tự cho bản thân cái quyền kiểm soát vợ này nọ. Sống thế thì sướng ở đâu? Đã thế, ông nào kiếm tiền bất hợp pháp, đi tù lúc nào không hay, khéo còn liên lụy tới mình nữa.

- Mày cứ nói thế, chồng giàu vẫn hơn là giật gấu vá vai chứ?

- Em đâu đến nỗi giật gấu vá vai. – Tôi nhún vai. – Bố mẹ em nhà cửa đàng hoàng, có lương hưu, sổ tiết kiệm, nhà chị Sa cũng của ăn của để nên em chẳng nặng gánh gia đình, tiền làm ra chỉ đắp vào bản thân. Giờ em thích gì có nấy, thế là ổn rồi. Miễn sau này chồng không ăn bám vô tích sự thì chẳng vấn đề gì.

- Thủy nó nói đúng đấy. – Chị Linh trầm ngâm. – Nhìn nhà chị đây này, có gì gọi là sung sướng?

Bọn tôi ái ngại im lặng một thoáng. Chẳng là chị Linh lấy chồng đại gia, sở hữu một doanh nghiệp vận tải tương đối lớn. Trong văn phòng một mình chị đi ô tô, dùng đồ hiệu từ đầu đến chân nhưng đổi lại, đều đặn vài tuần một lần chúng tôi lại nghe chuyện chị phải đi dàn xếp mấy vụ bồ bịch của chồng. Từ nhiều năm nay chị không còn quan tâm việc chồng cặp với ai, mối quan hệ vợ chồng tồn tại chủ yếu chỉ vì những lợi ích phức tạp ràng buộc. Nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”, đám bồ nhí của ông chồng chị Linh không biết giới hạn, còn thường xuyên tỏ ra lấn lướt, ghen ngược khiến chị không ít lần nhức đầu.

- Ôi dào chị cứ nói thế. – Mai bĩu môi. – Thà là chồng giàu lăng nhăng vẫn hơn đã nghèo còn lăng nhăng. Lăng nhăng là bản chất của đàn ông, thằng nào cũng vậy, nhưng khả năng kiếm tiền thì lại khác nhau.

Vâng, Mai lại là một mảnh đời khác. Trái ngược với chị Linh tuy đã có tuổi nhưng nhan sắc vẫn mặn mà, nhan sắc của Mai chỉ trên dưới trung bình, sau khi đẻ xong lại càng thảm. Chồng chị là nhân viên nhà nước lương ba cọc ba đồng nên gia cảnh tương đối chật vật. Những tưởng đã chấp nhận một ông chồng thường thường bậc trung thế thì hắn sẽ yên phận, ai ngờ gần đây chị phát hiện ra trong thời gian mình mang bầu ở cữ, hắn đã tranh thủ ra ngoài “đổi gió”. Mai uất ức đến mất sữa, chứng trầm cảm sau sinh càng nặng, tới mức bọn tôi phải yêu cầu chị đi làm lại khi vẫn còn phép. Nhờ không khí trong văn phòng luôn vui vẻ, chị em quan tâm đùm bọc nhau chị mới vượt qua được giai đoạn khó khăn đó, gia đình phần nào ổn định trở lại.

- Cho nên Thủy với Hồng đừng có mơ mộng quá, cứ xác định trước hôn nhân là mồ chôn tình yêu để đỡ thất vọng.

- Các chị làm em hoang mang quá. – Hồng cười khổ, chỉ còn mấy tuần nữa là cô nàng ăn hỏi.

- Rút kinh nghiệm từ chị Linh và chị Mai, em nghĩ em sẽ cố kiếm một ông thật già và giàu. – Tôi cười hùa theo. – Không phải mấy bác trung tuổi mà già lụ khụ luôn. Tuổi cao chóng chết, em được hưởng tất cả của cải. Có nhiều tiền rồi lúc đấy muốn ai chẳng được, yêu hẳn người mẫu cho sướng.

- Sao mày ác khẩu thế hả em? – Các bà chị nhao nhao.

- Ai bảo thích chơi trống bỏi. – Tôi bĩu môi. – Chứ các chị nghĩ có tình yêu đích thực giữa một ông già tám mươi và gái hăm lăm ý hả? Có qua có lại, đôi bên đều hài lòng còn gì nữa?

Mưa dầm thấm đất, ở lâu với các chị già, tôi bắt đầu thấy viễn cảnh hôn nhân chỉ toàn một màu xám.

…………….

Văn phòng tôi được nghỉ hai ngày cuối tuần còn công ty Bách làm nửa ngày thứ bảy. Cho nên trừ ra những ngày có kế hoạch, tôi hay lên chỗ hắn tá túc cho các cụ đỡ “ngứa mắt”. Thời gian gần đây, khi các cô bạn thân đều bận rộn chồng con hoặc ít nhất là yêu đương, hẹn hò thì tôi gần như “cắm trại” ở công ty Bách hàng tuần. Lý thuyết là chỉ làm nửa ngày nhưng thường Bách sẽ tranh thủ giải quyết các việc tồn đọng trong nốt nửa ngày còn lại. Hắn hiếm khi nào rời công ty trước bảy giờ tối, và chúng tôi chỉ có thời gian tán gẫu vào lúc nghỉ trưa. Tôi cũng chẳng lấy thế làm phiền, mặc cho hắn bận rộn đến không ngẩng được mặt lên, tôi ngồi thu lu trên ghế chơi điện tử, lướt Facebook hoặc ngấu nghiến một quyển sách cả buổi.

Hôm đó, như thường lệ, chúng tôi gọi hai suất cơm bình dân rồi tôi hoa tay múa chân kể lại câu chuyện hôn nhân gia đình mà tôi và các chị nói trên văn phòng vài ngày trước.

- Hay cô định ở vậy? – Bách nghe xong thì chốt lại một câu ngắn gọn.

- Ở vậy em không chịu được. – Tôi thú nhận. – Chả mấy chốc bạn bè chồng con đề huề, chẳng ai thèm chơi cùng nữa. Rồi tới lúc về già cứ vò võ một mình quanh nhà, ngày ba bữa cơm chờ chết thì chán lắm.

- Sợ cuộc sống hôn nhân, cũng không muốn ở vậy, cô khó chiều quá đấy.

- Em là ăn mày đòi hải sản mà. – Tôi cười. – Em nghĩ rồi, em sẽ lấy một ông già và giàu như em nói với các chị. Sau khi thừa kế tài sản, em sẽ làm thụ tinh nhân tạo lấy hai đứa con rồi tìm trai vừa trẻ vừa đẹp yêu bù đắp tuổi xuân. Thế là vẹn cả đôi đường, anh thấy đúng không?

- Kế hoạch hay, – Bách gật gù. – nhưng quá nhiều rủi ro.

- Ví dụ?

- Tuổi thọ của chồng em là rủi ro lớn nhất. Ví dụ em lấy một ông bảy mươi, lỡ ông ý sống tới chín lăm thì em gần năm mươi, hết đời rồi, chửa đẻ gì nữa. Thứ hai, ông ý mà âm thầm để hết tài sản cho con cháu, thì coi như em mất hết tuổi xuân làm y tá không công. Rồi thụ tinh nhân tạo, em sao biết được người kia thế nào, chẳng may là một thằng vừa lùn vừa xấu lại còn đần, mà gen xấu lại thường trội, con em sẽ hứng hết.

- Đúng là làm gì đều cần tính toán chu đáo! – Tôi vỗ tay. – Em sẽ dùng sắc đẹp của mình quyến rũ để ông ý làm di chúc cho em phần nhiều, có luật sư làm chứng. Sau đó chờ năm năm mà không chết, anh giúp em lập kế hoạch trừ khử, em sẽ chia bớt tài sản cho anh.

- Nghe hợp lý đấy.

- Còn vụ thụ tinh nhân tạo, cùng lắm là em nhờ anh chứ gì? Dù sao anh cũng không xấu, chẳng lùn, đầu óc lại càng không cần bàn.

- Cô bệnh hoạn quá. – Lần này Bách lắc đầu.

- Anh lo cái gì, anh đến viện, vào phòng kín tự xử, em có chạm vào người anh đâu mà anh phải lo. – Tôi cười phá lên.

Chơi với tôi lâu, Bách dần đỡ đi cái vẻ ông cụ non đạo mạo, nhưng so về độ “bựa”, hắn còn xa mới bằng tôi. Nhìn cái trán nhăn lại của hắn, tôi bồi tiếp:

- Anh xem xem kế hoạch của em còn gì sơ hở không? Nhưng theo em thấy thì ổn rồi. Mất có mấy năm loanh quanh cạnh một ông già mà đổi lại cả một gia tài, con thông minh xinh đẹp, bồ trẻ trung khỏe mạnh, đời quá đẹp.

- Mấy đứa trẻ đẹp nó thèm vào bà sồn sồn một đời chồng hai đứa con.



- Xì, anh mới chẳng biết gì. Có tiền thì có mà các nam vương xếp hàng trước cửa ấy. Bao nhiêu tấm gương tày liếp đấy thôi. – Tôi cười khúc khích.

- Ừ, nhưng kế hoạch của cô có một sơ hở cực lớn.

- Là...?

- Da cô quá đen, người Việt Nam, đặc biệt mấy ông già và giàu, chẳng ai thích da đen kít kìn kịt cả.

Tôi cay cú. Làn da nâu bánh mật mịn màng, kết hợp với vóc dáng tuy không quá cao nhưng vòng nào ra vòng đó, vốn là thứ khiến tôi luôn ngấm ngầm kiêu hãnh. Chỉ có Bách với mắt thẩm mỹ không bình thường mới luôn dè bỉu như thế.

- Anh không thấy giờ cứ ra đường là gặp Ngọc Trinh à? Ai ai cũng trắng, nhìn nhàm chết được, nâu như em mới quý hiếm.

- Ừ, nhàm cho nên giá của người ta mới là triệu đô còn quý hiếm như cô thì giá chỉ để xào thịt bò thôi.

- Em đi tiêm trắng là cùng chứ gì?

- Ra Cát Tường mà tiêm, được khuyến mại thêm chuyến du lịch sông Hồng miễn phí. – Hắn cười khẩy xong đổi giọng thân tình, vẻ khuyên nhủ. – Nên thôi, đừng mơ mộng viển vông, chơi vài năm nữa rồi ổn định đi là vừa.

- Nhìn mấy chị trên văn phòng em thấy tương lai đen tối quá. – Hai khóe miệng tôi trễ xuống.

- Do các chị ấy tự chọn thôi. – Bách cười. – Có ai ép chị Linh phải ở lại với ông chồng không? Nếu li dị bây giờ, ít nhất chị ấy cũng có cái xe với cái nhà, nhưng bà ý lại muốn hơn nên mới không đi, cứ chịu đựng thế với cái cớ “giữ của cho con”.

- Còn chị Mai…

- Chị Mai lấy chồng để “chống ế”, không tìm hiểu, không cân nhắc, và đến giờ thì có ai ép bà ý ở lại với chồng đâu, tự bà ý quyết định “tha thứ” đấy chứ?

- Nói thì nói thế, chứ cuộc sống có dễ dàng vậy đâu. Chị Linh chung lưng đấu cật với chồng thời gian đầu, lên được cơ ngơi như ngày nay thì một cái xe với cái nhà chắc không đủ, còn chị Mai con còn quá nhỏ.

- Ừ, cứ cho là như thế đi. Nếu đổi lại là cô, cô quyết định thế nào?

Tôi suy nghĩ một tẹo rồi trả lời dứt khoát:

- Mình vẫn phải là nhất, em không hi sinh, dù là vì con cái. Nếu em là hai chị ấy, em sẽ li dị ngay, đời là mấy đâu, cần gì phải cắn răng chịu đựng đau khổ?

Bách không trả lời, chỉ gật gù vẻ đồng tình. Tôi nhìn hắn một giây rồi bật ra câu hỏi mà tôi và nhiều người khác vẫn thắc mắc từ lâu:

- Sao anh chưa có bạn gái? Em chơi với anh lâu như thế rồi vẫn không thấy anh yêu đương gì?

- Anh bận. – Hắn nhún vai. – Cô nghĩ có ai chấp nhận người yêu không có cả thời gian nhắn một cái tin không? Muốn yêu phải cưa cẩm, thả thính mà anh làm gì có thời gian.

- Ừm…

- Thôi anh chờ tới khi nào giàu thì thiếu gì hot girl, hoa hậu trẻ đẹp vây quanh, tha hồ lựa chọn.

- Cái gì để lâu không dùng sẽ hỏng đấy. – Tôi cười. – Bảy mươi năm để không, đến lúc anh muốn cũng chẳng dùng được nữa.

- Nói người không tự nghĩ về bản thân. Cô có cần anh mua cho cái chổi lông gà để dọn mạng nhện không?

- Đấy là do em không thèm nhé. – Tôi bĩu môi.

- Nghe hơi giống hồi xưa cô nộp hồ sơ thi Ngoại giao nhỉ? Đằng nào cũng trượt thì trượt Ngoại giao oách hơn trượt Đông Đô? – Hắn nghiêm túc nhìn tôi.

- Dạo này anh nói chuyện nghe đỡ nhàm tai hơn hồi trước đấy. – Tôi khẽ cười.

- Người thông minh làm gì chẳng được, kể cả rèn luyện tính hài hước.

- Vẫn cần rắc thêm nhiều muối, tiêu nữa.

- …

Tôi biết bạn hẳn đang lầm bầm không hiểu mình vừa đọc mấy thứ nhảm nhí, vớ vẩn gì vậy. Những câu chuyện vô nghĩa này vốn là thứ chúng tôi luôn nói với nhau mỗi lần gặp mặt. Đối với Bách, tôi có thể thoải mái nói ra những suy nghĩ điên rồ nhất, bởi hắn quá hiểu tôi, chẳng phải lo giữ gìn hình tượng. Mà thật ra có muốn giữ cũng không được. Nhưng mặt khác, gần gũi như thế thì làm sao còn khoảng trống để mơ mộng, lãng mạn, yêu đương?

.............................

Chú thích:

[1] HO – Head Office: Công ty mẹ, tổng hành dinh.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện ngôn tình full
Nguyên Tôn

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Lại Một Câu Chuyện Tình Yêu Khác

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook