Lời Nguyền Lỗ Ban

Quyển 2 - Chương 8: Tam trùng sát

Viên Thái Cực

07/12/2015

Lỗ Ân nhìn thấy một đoạn hành lang ngắn, nhưng trông có vẻ giống như ngôi đình trú mưa có tạo hình thuyền hoa hơn. Nói rằng nó là hành lang, vì nó nối liền với cửa trước của căn lầu nhỏ, giống như lối đi dẫn vào căn lầu.

Nên hành lang được lát gỗ, một chất liệu ít được sử dụng cho hành lang vườn hoa.

Lỗ Ân tung mình nhảy lên nền gỗ, rảo nhanh năm sáu bước, rồi đột ngột khựng lại. Bước chân bám sát phía sau ông đã không kịp dừng theo, mà tiếp tục đà dấn lên một bước. Tiếng bước chân giẫm trên ván gỗ nghe càng rõ nét. Lỗ Ân nghe thấy tiếng bước chân ở phía sau rõ ràng là bộ pháp của mình, mức độ nặng nhẹ, tốc độ nhanh chậm đều giống y hệt, điểm khác biệt duy nhất chính là bước tiến cuối cùng vừa nãy. Nhờ tiếng bước chân này, Lỗ Ân đã phát hiện ra ba điều: Thứ nhất, thứ đang bám theo ông không phải quỷ cũng chẳng phải ma, mà là người; thứ hai, người đó bắt chước rất tài tình, có thể mô phỏng giống y hệt bộ pháp của ông, chỉ có điều khi đột ngột dừng lại, gã đã không kịp thu thế nên phải dấn thêm một bước; thứ ba, người này đang dần dần áp sát, chứng tỏ bước đi của gã dài hơn ông, chắc hẳn là một kẻ người cao chân dài, nên nhược điểm sẽ ở hạ tam lộ(*).

(*) Tức là ba bộ vị hiểm yếu ở phía dưới cằm, là ngực (tim), bụng (lá lách, thận), bộ phận sinh dục. Những chiêu tấn công vào ba bộ vị này rất hiểm ác và tàn độc, có thể khiến đối thủ lập tức bất tỉnh, mất mạng.

Thế nhưng kẻ bám theo ông đã làm thế nào để che giấu thân hình?

Lỗ Ân ngầm vận lực xuống chân ấn mạnh, động tác rất kín đáo. Sau đó, ông tiếp tục bước thêm vài bước thật nặng lên phía trước, lúc này chỉ còn cách cửa chính của căn lầu mấy bước chân.

Đi được bốn bước, chuẩn bị cất bước thứ năm, Lỗ Ân đột ngột thay đổi bộ pháp. Ông giơ chân thật cao, vờ như chuẩn bị xoải một bước rộng nhảy về phía cửa. Nhưng trên thực tế, chân trái của ông đã xoay tại chỗ một góc chín mươi độ, cơ thể lập tức quay ngoắt lại, tạo thành thế hư bộ giật lùi. Đồng thời, thanh đao trong tay chớp mắt đã chuyển sang thế chúc đao.

Với tư thế hiện giờ, Lỗ Ân có thể nhìn thấy tất cả mọi thứ ở sau lưng. Nhưng kỳ lạ thay, không hề có ai cả, một bóng người cũng không có. Thế nhưng cây đao cầm chúc trong tay ông vẫn đâm ngược xuống chênh chếch về phía sau lưng…

Một mảng sàn gỗ lớn bỗng nhiên chảy loang máu đỏ, lập tức méo mó biến dạng. Lỗ Ân vừa thu đao, tấm sàn gỗ lập tức co thành một khối, bay vụt ra khỏi hành lang, rồi biến mất trong khóm hoa.

Kỳ thực khi nãy, Lỗ Ân đã ngấm ngầm vận lực ép lên sàn gỗ, khiến sàn gỗ nứt ra một kẽ nhỏ. Khi ông quay đầu lại, không thấy vết nứt đâu nữa, liền lập tức đâm tới một đao về chỗ lẽ ra phải có vết nứt, quả nhiên có người.

Mũi đao đã đâm trúng phải một cơ thể bằng da bằng thịt. Lỗ Ân cũng không ngờ có thể đả thương kẻ bám đuôi thần bí vô hình kia dễ dàng đến vậy. Còn kẻ kia hắn cũng không thể ngờ được Lỗ Ân lại đột ngột xoay người, thình lình xuất chiêu, và chém đúng vào đùi phải đang giơ lên chuẩn bị bước ra của gã.

Trên mặt đất loang lổ một vũng máu đỏ tươi, trên lan can của hành lang có vấy chút máu, trên mặt cỏ của vườn hoa cũng có. Nếu không có những vết máu, nơi đây sẽ giống như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Nếu không có những vết máu, Lỗ Ân cũng sẽ không thể tìm ra kẻ vô hình kia, và như vậy, đã không xảy ra một trận kịch chiến đẫm máu trước căn lầu.

Động tác của Lỗ Ân không hề vội vã. Ông chậm rãi tháo chiếc sọt có phần vướng víu sau lưng xuống, đặt tại một góc hành lang. Ông biết, bây giờ không cần nhanh, mà cần phải chắc chắn, không được để cho thứ quái vật vô hình đã bị thương kia có cơ hội tập kích. Lỗ Ân không bám theo vết máu, nhưng ông không để cho chúng rời khỏi tầm mắt mình. Vết máu chạy trên cỏ rồi ẩn vào sau mấy khóm thược dược và chuối hoa. Lỗ ân thận trọng vòng qua bụi cây, vết máu lại xuất hiện, chạy xuyên qua bên giàn hoa tím, rồi kéo dài về phía ao nước.

Lỗ Ân bước đi rất thận trọng. Ông biết trong giang hồ có một hiểm chiêu gọi là “lưu tích tập hậu”, có nghĩa là người bị thương nhịn đau tiếp tục tự chém bị thương một chỗ khác trên cơ thể, rồi vẫy máu ra cách chỗ mình đứng ngoài ba thước, sau đó nấp ở một bên đợi người truy kích đuổi tới, sẽ ra tay đánh lén từ phía sau lưng.

Bờ kè quanh ao có cấu tạo hình lưỡi xẻng, tức là ba mặt được kè bằng đá, chừa lại một mặt là bờ đất. Đó là một cách thiết kế kết hợp giữa tự nhiên với nhân tạo, trong chạm trổ tinh vi vẫn giữ được nét nguyên sơ. Mặt khác gặp khi mưa lớn, nếu hệ thống cống ngầm dưới ao thoát nước không kịp, nước ao vẫn có thể tràn ra qua bờ đất, chảy ra dòng sông bên ngoài khu vườn, giúp cho các kiến trúc khác trong vườn không bị ngập úng.

Lỗ ân đang đi đến gần bờ kè bằng đất, ngoài những gốc cây lớn là con đường lát đá, chỉ còn một vạt cỏ bùn chạy đến tận mép nước. Vết máu chạy lên trên gò đất thấp bên bờ ao, rồi lại từ trên gò chạy theo các bậc đá xuống đến mép nước. Lỗ Ân hơi nhếch mép như chế nhạo, ông đang thấy nực cười trước sự ngu xuẩn của gã quái vật tàng hình. Gã làm ra vẻ mình đã nhảy xuống ao, trong khi nãy đến giờ không có tiếng vật gì rơi xuống nước, thậm chí không hề thấy một vệt sóng gợn.

Chút mánh khóe vụng về này làm sao có thể qua mắt một người dày dạn kinh nghiệm như Lỗ Ân. Thế nhưng niềm hưng phấn sát phạt lâu lắm mới quay về không làm ông mụ mị. Hơn hai mươi năm rèn luyện công phu Cố lương (bắc xà) đã giúp trở nên chín chắn và điềm tĩnh hơn rất nhiều. Ông cảm thấy rằng trong quyết đấu, đặc biệt là những cuộc quyết đấu phải đặt cược bằng tính mạng, cũng nên giống như công việc bắc xà, trước tiên phải tính toán đúng khoảng cách giữa các cột trụ, đối chiếu đúng từng khớp mộng, xác định đúng góc độ của rui, chỉ khi chắc chắn được đến chín phần rưỡi, mới có thể một cú hạ xà lập tức khớp ngay, không gặp chướng ngại, không vênh hở, như vậy mới xứng là cao thủ.

Bước chân của Lỗ Ân vẫn giữ được sự trầm tĩnh và chắc chắn, thanh đao trên tay chắc nịch như những đòn xà đã khớp. Ánh mắt của ông tinh nhanh như nước, chỉ liếc qua một lượt, ông đã lập tức phát hiện ra rằng, chỉ có duy nhất một gốc ngân hạnh lớn bên cạnh căn lầu là có thể ẩn nấp.

Lỗ Ân không hành động ngay, ông thầm suy đoán trong đầu: gã sát thủ vô hình bị thương, bỏ chạy đến bờ ao, nhưng không nhảy xuống nước, mà dùng máu để ngụy tạo dấu vết, sau đó men theo bờ nước chạy đến nấp phía sau gốc ngân hạnh cách đó mười mấy bước chân.

Đây là con đường chạy trốn hợp lý và hiệu quả nhất. Nếu gã sát thủ thực sự đã bị trúng thương vào thân dưới, chắc chắn sẽ không thể chạy nhanh, và cũng sẽ không chạy được bao xa.



Lỗ Ân vẫn tuân theo nguyên tắc “địch lưu dấu vết ta không theo”, vòng ra một quãng xa tiến về phía gốc ngân hạnh. Nhưng khi đến tận mép nước, ông mới phát hiện ra rằng, trong nước không hề có dấu tích gì như mình đã suy đoán. Tim ông chợt nhảy lên dồn dập trong lồng ngực, bàn tay lật mạnh, trở đao dựng đứng, đồng thời hạ thấp cơ thể, một chân giẫm thật chắc xuống đất, khiến đế giày lún hẳn xuống bùn, bàn chân còn lại đầu mũi dậm hờ. Như vậy ông có thể dễ dàng xoay người chuyển hướng trong chớp mắt. Đây chính là thế “dạ chiến bát phương”(*), vì ông đã lờ mờ cảm thấy có những luồng sát khí đang tiến lại gần mình.

(*) Tư thế chiến đấu khắp tám hướng trong đêm.

Sát khí đến từ ba hướng, thế nhưng trên thềm đá không hề có một bóng người. Chênh chếch trên đỉnh đầu, chỉ có một vài cành nhánh mai vươn ra từ cây ngân hạnh và cây long não gần đấy. Dưới mặt nước phía sau lưng cũng không có ai, hơn nữa, sát thủ sẽ không trầm mình trong nước lâu đến vậy, trừ khi gã là một con cá hoặc loài quỷ nước.

Sát khí rất bạo liệt, phương vị rất quái dị, nhưng lạ thay, một hồi lâu vẫn chưa thấy tung ra đòn công kích. Tại sao vậy? Lỗ Ân đã không còn nhiều thời gian để suy xét, ông cần phải nhanh chóng tìm ra cho mình một con đường sống.

Kỳ thực, nguyên nhân lại vô cùng đơn giản, thế thủ “dạ chiến bát phương” kín kẽ đến mức kim châm không lọt, sát thủ ở ba hướng không chắc chắn có thể một đòn trúng đích, nên đành phải tiếp tục chờ đợi.

Đang lúc gấp rút tìm lối thoát, Lỗ Ân chợt phát hiện trên bậc đá có một vết máu đang tuôn chảy, đang loang rộng.

Cây đao đang dựng đứng trong tay Lỗ Ân chớp mắt đã đổi sang thế chúc đao, ông xoải nhanh một bước lên phía trước, đâm thẳng xuống một đao, đây là một chiêu thức đơn giản, chính là chiêu “đinh lạc lương hồ”(*) trong công phu Cố lương.

(*) Tức là đóng đinh vào đầu cong của xà nóc. Ban đầu chiêu thức này là một kỹ thuật làm mộc trong bắc xà. Trong phương pháp bắc xà xưa kia, khó nhất là bắc xà nóc hình cánh võng, bởi vì chỗ tiếp xúc với cột đỡ hay cột xà nếu chỉ dựa vào khớp mộng là không đủ, mà cần đóng thêm đinh lớn ở đầu cong của xà nóc để chống đỡ. Sau khi lên xà, khớp đúng vì trí, cần nhanh chóng dùng đinh lớn đóng thẳng xuống xuyên qua thân xà vào cột đỡ hoặc cột xà. Việc đóng đinh xuyên từ mặt cong của xà nóc nối liền với mặt phẳng của đầu cột vốn có diện tích không lớn là rất khó, hơn nữa trong quá trình này, xà nóc cánh võng vẫn có thể dịch chuyển vị trí, vì vậy thao tác đóng đinh phải đáp ứng được bốn yêu cầu là nhanh, chính xác, dứt khoát, một lần được ngay.

Một khi đã động thủ, chiêu thức có kín kẽ đến đâu cũng xuất hiện sơ hở. Có sơ hở, tức là cho đối thủ cơ hội để xuất chiêu.

Từ dưới ao vọt lên một tia nước nhọn hoắt, tựa như một cây nguyệt nha thích(*) đang phóng lên chênh chếch, một chớp sáng màu xanh biếc sắc bén xẹt thẳng về phía sau lưng Lỗ Ân.

(*) Nguyệt nha thích là một loại binh khí ngắn, gồm một thanh thép nhọn hai đầu, có hai trụ ngắn gắn với một lưỡi kim loại hình trăng khuyết sắc bén quay ra ngoài.

Từ mé trên đầu, mấy cành long não màu nâu cuốn theo vài chiếc lá ngân hạnh nửa vàng nửa xanh phi thẳng đến đỉnh đầu Lỗ Ân, rít lên những âm thanh sắc lạnh.

Thềm đá loang máu cũng đã chuyển động, khối đá vuông vắn bỗng chốc biến dạng, co rút thành một đống đá vụn màu vàng nhạt. Đá vụn bám chặt lấy thanh đao trên tay Lỗ Ân, cũng quấn chặt luôn tay phải của ông.

Lỗ Ân biết nếu đao này đâm xuống, chắc chắn sẽ khiến khảm diện hoạt động.

Nhưng ông không ngờ được rằng kẻ địch nấp dưới ao nước lại có thể vụt lên với tốc độ nhanh chóng như vậy, xem ra sức cản của nước chẳng hề ảnh hưởng tới hành động của gã. Ông cũng không ngờ được rằng kẻ núp phía trên lại cách ông gần đến vậy. Ông đinh ninh rằng kẻ đó đang nấp trên vòm lá rậm rạp hoặc sau chạc lớn của cây ngân hạnh, nhưng không ngờ gã lại ở trên cành long não trơ trụi, một phần cơ thể vịn lên cành ngân hạnh yếu ớt. Như vậy, khoảng cách giữa gã và Lỗ Ân đã rút ngắn hơn một nửa so với phán đoán của ông.

Nhưng điều khiến ông bất ngờ nhất chính là khối đá nhỏ máu không hề tránh nè, mà dùng chính cơ thể của gã để quấn chặt lấy lưỡi đao trên tay ông.

Một thứ giữ chặt, hai thứ tấn công, tốc độ cực nhanh, khoảng cách quá ngắn, tay trái không có vũ khí, tay phải không thể nhúc nhích, Lỗ Ân đã khó lòng thoát chết.

Khảm diện này có tên là “Vô ảnh tam trùng tráo”(*), là nhân khảm(**) được bố trí theo nguyên lý “Tam tài khí hợp”. Thời Thương Trụ, Khương Tử Nha đã căn cứ vào một trăm tám mươi cục Âm Dương độn trong Kỳ môn Độn giáp do Phong Hậu để lại, thay đổi thành bát tiết tam khí tam hợp tổng cộng bảy mươi hai cục. “Tam tài khí hợp” là cục thứ sáu mươi bảy trong đó.

(*) Có nghĩa là ba lớp bẫy vô hình.

(**) Tức cạm bẫy được hình thành từ người sống, giống như bố trí sát thủ tập kích, vây bắt, hạ sát.



Đối phương vận dụng Tam tài khí hợp để bố trí Vô ảnh tam trùng tráo, đã biến đổi Thiên, Địa, Nhân thành mãn, thực, hư, thực chất cũng tương tự với ba phương diện thủy, lục, không trong chiến thuật hiện đại. Đồng thời, sát thủ cài vào trong khảm phải luyện được Ngô phu vũ và chiêu Dung cảnh (hòa nhập vào môi trường) trong thuật Hoặc thần (mê hoặc tâm thần) thời Đường, những chiêu pháp này có thể giúp cho sát thủ cài vào trong khảm trở nên vô hình vô ảnh.

“Ngô phu vũ” là một điệu múa của đất Ngô, người biểu diễn điệu múa được gọi là Ngô vũ phu. Các Ngô vũ phu đều có khả năng quan sát và bắt chước rất tốt, họ có thể bắt chước động tác của người khác chỉ trong nháy mắt, thân hình đặc điểm, nặng nhẹ nhanh chậm đều giống y hệt, bám theo sau người ta chẳng khác gì bóng theo hình.

Thuật Hoặc thần cũng tương tự như ảo thuật hiện nay. Còn Dung cảnh chính là lợi dụng nhiều lớp trang phục để ngụy trang cơ thể, khiến bản thân hòa lẫn vào môi trường xung quanh, người khác khó lòng phát hiện ra được. Nguyên liệu để làm ra những trang phục này có yêu cầu rất cao, vừa phải giống hệt với cảnh tượng của môi trường xung quanh, lại phải hài hòa với sự thay đổi của ánh sáng. Thuật Dung cảnh thông thường chỉ có thể sử dụng được trong một phạm vi cố định, và phải luyện tập rất nhiều mới thành công. Cũng chỉ có vài chiêu được sử dụng phổ biến, như hình đá, hình cây. Tương truyền Nhẫn thuật của Đông Doanh(*) cũng được phát triển từ phương pháp này.

(*) Đông Doanh tức Nhật Bản, Nhẫn thuật tức Ninjutsu, là một hệ thống ngụy trang, ẩn nấp, ám sát, giao đấu, tình báo, dùng để đào tạo Ninja của Nhật Bản thời cổ đại.

Hai luồng sát khí dữ dội đang áp sát, Lỗ Ân buộc phải đưa ra lựa chọn!

Ông buông bàn tay phải đang cầm đao ra, bàn tay nhanh chóng dựng ngược, uốn lượn như một đầu rắn tìm khe hở, nhanh chóng thoát khỏi đám đá vụn đang chảy máu. Tay trái vung mạnh, quăng ra dải võ đao bằng da cá ra. Chân xoạc về sau một bước dài, giẫm vào đúng vết chân trên bùn đã để lại khi nãy, hạ thân người xuống thấp hơn hẳn thế xuống tấn thông thường.

Chớp sáng xanh biếc vụt lên từ mặt ao đã ở rất gần, phần gáy của Lỗ Ân đã cảm nhận được luồng kình phong mạnh mẽ và hơi nước ẩm ướt đang cuốn đến. Cành cây long não cũng đã lao tới sát sạt, ông đã ngửi thấy hương thơm lan tỏa ra từ những phiến lá.

Ông đánh thẳng tay phải lên không, tay trái quật ra sau lưng.

Thứ đang vọt lên từ mặt ao là một thanh loan đao xanh như nước, thân đao không dài. Đúng vào khoảnh khắc mũi đao chém tới bả vai Lỗ Ân, dải da cá trên tay ông đã quật trúng mặt sát thủ. Ông dùng thủ pháp điểm đánh, khi đầu dải da cá bay đi nửa đường, liền giật tay lại. Dải da cá đập trúng mục tiêu, phát ra một tiếng rít xé gió nghe kinh tâm động phách.

Dải da cá tuy mềm, thế nhưng những nút khóa đồng hình mở chim ưng lại rất cứng rắn. Bởi vậy kẻ tập kích không thể tiếp tục lao đến, mà bật ra một tiếng rú kinh hồn, bật người về phía sau. Lưỡi loan đao mới chỉ rạch đứt vai áo bông của ông, đường rạch cực ngọt cực mảnh, không hề có bông bật ra.

Trong những cành long não đang phóng xuống, có xen lẫn một mũi đoản mâu bằng đồng đen xù xì như vỏ cây. Loại đoản mâu này, mũi nhọn cũng chính là cán mâu, cán mâu cũng chính là mũi nhọn, một màu đều đặn, trông không khác gì một cành cây khô.

Lỗ Ân nhất thời nhìn không ra mũi mâu ở đâu, nhưng đã nghe thấy tiếng rít xé gió của kim loại sắc nhọn, bèn nhanh như chớp xoay tròn cổ tay phải né qua mũi mâu, rồi vặn ngược tay lại chụp lấy cán mâu. Lực đạo tấn công vô cùng dữ dội, Lỗ Ân không thể kìm lại đà đam của mũi mâu đông đen, đành phải gắng né người vặn cổ sang bên, để cho mũi mâu đâm xuyên qua cơ chéo trên vai.

Lỗ Ân nhanh chóng buông bàn tay phải đang giữ mũi mâu, nắm quền như hình dùi nhọn, đấm thẳng vào giữa ngực gã sát thủ đang lao xuống. Quyền đã đánh ra hết cỡ, ông bèn vận lực vào hai chân, bật thẳng người lên. Lúc này, lực đâm cực mạnh vừa hay đã lồng ngực của “cành long não” lao đến đúng tầm.

Một cú va đập dữ dội, “cành long não” buông lơi đoản mâu, văng ra như một cánh diều đứt dây. Máu miệng phun ra thành vòi, nhuộm đỏ nửa mặt bên phải của Lỗ Ân, khiến khuôn mặt ông phút chốc trở nên vô cùng hung tợn.

Cây đoản mâu đồng đen vẫn cắm ngập trên vai Lỗ Ân, chỉ còn lòi ra một đoạn cán ngắn. Nhưng bắp thịt rắn rỏi trên vai Lỗ Ân đã giữ chặt mũi mâu lại, không hề thấy ông chao đảo lấy một ly.

Gã sát thủ hóa trang thành cành cây ngã vật xuống đám bùn nhão ven bờ ao, đưa đôi mắt đờ đẫn nhìn dòng máu tươi chảy từ bả vai Lỗ Ân qua cán xuống mũi mâu, tụ thành giọt tròn đỏ rực, nhỏ long tong xuống mặt nước.

Làn nước xanh thẫm bắt đầu loang đỏ. Máu cũng đã trào ra từ thất khiếu của sát thủ, tay chân gã bắt đầu co giật, ánh mắt tràn đầy uất ức. Gã không ngờ mục tiêu đã trúng đòn chỉ một cú vung tay đã lấy ngay mạng của gã.

Vì cú phản kích này, Lỗ Ân cũng đã phải trả một cái giá rất xứng. Xung lực đến từ gã sát thủ trên không khiến đôi chân ông lún sâu xuống bùn, lồng ngực nhộn nhạo đau tức, mùi máu tanh đã trào lên đến cổ, nhưng ông cố gắng nuốt xuống. Nhưng đó vẫn chưa phải là nghiêm trọng nhất. Khi tung quyền trúng ngực đối thủ, ông đã nghe thấy một tiếng “rắc” rất giòn. Ông cứ ngỡ là xương ức của đối phương đã vỡ vụn, nhưng cảm giác đau đớn kịch liệt dội lên ngay sau đó và cổ tay cứng đờ đã cho ông biết, tay phải của ông đã bị thương, không thể cử động được nữa.

Tay cầm đao bị thương không thể cử động, có thể nói đây là điều bi thảm nhất, đau đớn nhất đối với một đao khách, đặc biệt là một đao khách đang trong cuộc chiến cam go.

Gã sát thủ phía sau vừa bị dải da cá đánh bật xuống nước không hề chìm xuống, mà vừa chạm mặt nước đã bật trở lên, tiếp tục lao về phía Lỗ Ân. Những viên đá nát vụn đẫm máu cũng đột nhiên co quắp thành một hình thù quái dị xông tới…

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Lời Nguyền Lỗ Ban

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook