Luận Đại Thừa Một Trăm Pháp Minh Môn

Chương 16: Tâm Sở Hữu Pháp: Căn Bản Phiền Não

Bồ Tát Thiên Thân Soạn - Dịch giả Lê Hồng Sơn

17/09/2021

TÂM SỞ HỮU PHÁP: CĂN BẢN PHIỀN NÃO

Bài 4

煩 惱 六 者 : 一 貪 二 瞋 三 慢 四 無 明 五 痴 六 不 正 見 Âm:

Phiền não lục giả:

Nhất tham, nhị sân, tam, mạn,

Tứ vô minh, ngũ si,

Lục bất chánh kiến.

Nghĩa:

Phiền não có sáu thứ:

1.- tham; 2.- sân, 3.- mạn,

4.- vô minh, 5.- si, 6.- bất chánh kiến.

Đây là vị thứ tư trong sáu vị tâm sở. Ba vị trước là 5 biến hành, 6 biệt cảnh, 11 tâm sở thiện, đã nghiên cứu xong. Giờ tiếp tục nghiên cứu vị thứ tư: phiền não.

Phiền não là gì?

Duy thức Thuật ký nói: Phiền là rối rắm; Não là lộn xộn. Quấy phá, rối rắm loài hữu tình nên gọi là Phiền Não; Bách Pháp Trực Giải nói: Phiền là nóng nảy, rối rắm; Não là thân tâm lộn xộn, nên gọi là Phiền Não. Tóm lại, Phiền Não chính là phần tử quấy rối tâm lý của chúng ta. Nó có thể làm cho chúng ta cảm thấy phiền phức, buồn rầu.

Phiền Não còn là ác pháp. Ác pháp là gì? So với thiện pháp thì có thể biết:

1) làm tổn hại đời này, đời sau, đó là ác pháp.

2) làm cho chính mình buồn rầu, loạn động và cho cả người khác nữa; tự tánh bẩn thỉu đó là ác pháp.

Phải nhớ rằng mục đích chúng ta học Phật, tuy nói là để giải thoát sanh tử, thật ra, điều tiên quyết chính là chế phục và đoạn trừ Phiền Não. Chính phiền não làm cho chúng ta sanh tử luân hồi và chướng ngại lớn trên đường đạo. Học Phật mà chưa dứt hết Phiễn Não thì giải thoát sanh tử, thành Phật quyết không thể được. Như thế, tuy nói là học Phật nhưng chỉ hao tổn sức mà thôi. Vì thế học Phật, nếu không nghĩ đến việc chấm dứt sanh tử thì nên thôi, đừng học nữa. Nếu nghĩ đến việc chấm dứt sanh tử thì vấn đề chính yếu là làm cách nào chế ngự và trừ bỏ Phiền Não thực sự. Tương tự như muốn bắt giặt, trước tiên phải biết rõ mặt mũi của nó, mới có thể phòng ngừa nguy hiểm, cho đến tóm gọn không sót tí nào. Nhờ đó, mới mong đạt đến mục tiêu cuối cùng cho việc học Phật. Nay Bách Pháp dùng phương pháp phân tích, nêu rõ hành tướng của Phiền Não và trình bày tường tận có tất cả là 26 loại phiền não, từ 26 loại này, phần lớn chia hai, phần nhỏ chia bốn.

Giờ nghiên cứu loại thứ nhất: Căn Bản Phiền Não có sáu thứ. Tại sao gọi là Căn Bản Phiền Não? Có hai nghĩa:

1. Vì sáu loại phiền não này là căn bản tất cả phiền não. Từ đây sanh ra vô số Phiền Não khác, nên gọi là căn bản.

2. Vì sáu loại Phiền Não này là căn bản tạo ra muôn vàn tội ác. Tất cả tội nghiệp của chúng sanh, như sát, đạo, dâm, vọng, vân vân, đều do sáu thứ Phiền Não này phát động và tạo ra, nên gọi là Căn Bản. Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện nói: Do tham, sân, si phát xuất ra ở thân, khẩu, ý là căn nguyên chúng sanh tạo ra các điều ác, nên gọi là Phiền Não Căn Bản. Sau đây giới thiệu về Căn Bản Phiền Não:

A: Tham.

Sao gọi là Tham? Tham là ham mê, luyến ái. Bách Pháp Trực Giải nói: Tham nhiễm của cải vật chất ở Ba Cõi, Sáu Đường là tánh, hay làm chướng ngại căn lành không tham, sanh ra khổ đau là nghiệp. Câu này có hai ý:

1) Thể tánh của Tham.

Tham là, ở Ba Cõi, Sáu Đường ham mê của cải, vật chất. Sao gọi là Ba Cõi? Sao gọi là của cải, vật chất?

a) Ba Cõi gọi là Tam Hữu. Tức là nơi chúng sanh sống chết, trôi nổi trong Sáu Đường, từ muôn ngàn kiếp trước. Ở trong Ba Cõi sanh ra và chết đi, chết rồi lại sanh ra không ngừng nghỉ. Hoặc lên trời, hoặc xuống địa ngục. Hoặc chui vào bụng ngựa, thai lừa, khổ sao nói hết. Không thể nào ra khỏi Ba Cõi, nên cổ đức nói: Ba Cõi như lao ngục, sống chết như oan gia.

Thật là một lũ chúng sanh ngu si. Tuy nhiên, trời ở trong lao ngục cũa cõi trời, ngày ngày cùng với oan gia tụ họp mà dường như không biết, quen rồi cho là bình thường, không biết cái khổ ở đó. Đã không biết khổ sở, lại còn lưu luyến ngục tù trong Ba Cõi, đắm say trong sanh tử, oan gia mà không mong ra khỏi, không nghĩ đến giải thoát, giống như con dòi trong đống phân, đâu có khác gì? Giáo pháp Đức Phật có nói: Chết nương nơi sống mà đến. Nếu chúng ta không sanh thì đâu có chết? Phải thấy có sanh thì cuối cùng có chết. Đã khóc lúc sanh, chớ lo sợ lúc chết. Nay ai ai cũng tham sống ghét chết, há không là ngu si lắm sao! Thật là đáng thương, vì tham sống chính là biểu hiện sự tham đắm trong Ba Cõi.

b) Tiền của, lương thực là dụng cụ, môi trường. Phần trên nói Ba Cõi là đề cập đến quả. Câu này nói của cải, dụng cụ là đề cập đến nhân. Ý nói chúng sanh luân hồi sống chết trong Sáu Đường, Ba Cõi thì chắc chắn phải chuẩn bị bao nhiêu tiền của và dụng cụ? Tức là đối với Năm Dục, Sáu Trần trong thế gian chìm đắm, yêu thương. Rồi từ đó khởi lên Hoặc tạo ra Nghiệp thì, ắt phải, vời khổ quả trong Ba Cõi đến ta. Kinh Bát Đại Nhân Giác nói: Ham muốn nhiều là khổ, sống chết nhọc nhằn, từ tham dục mà ra. Đó là lý do chúng sanh luân hồi sống chết trong Ba Cõi không ngừng, đều do Năm Dục, Sáu Trần mà ra. Nhưng tham dục chúng là sự biểu hiện sự đắm nhiễm tài, vật trong Ba Cõi. Đó là thể tánh của Tham.

2) Nghiệp dụng của tham.

Cũng chia hai phần:

a) Có khả năng làm chướng ngại căn lành Không Tham. Không Tham là nguyên động lực chúng ta tạo tác các việc lành, nên gọi là căn lành. Còn Tham là căn bản của tất cả việc ác. Hai điều này đối lập nhau, Tham có thể làm chướng ngại Vô Tham không thể phát sanh.

b) Sanh ra các nỗi khổ. Vì Tham hay vời gọi khổ đau của sống, chết và Tham cùng Ba Đường Dữ tương ứng. Đó là nghiệp dụng của Tham.

Như trên nghiên cứu có thể biết lỗi lầm cực lớn của Tham Ái (tham lam và luyến ái). Người ta phải rất cảnh giác. Tham và Ái tên khác, thể đồng. Du Già luận Ký nói: Đặc biệt người tu hành Tịnh Độ, đối với Tham và ái càng quan tâm hơn, mới tránh được sự sai lầm về sanh tử là việc lớn. Đại sư Hám Sơn nới: Niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, vốn là hiểu rõ sanh tử là việc lớn. Nếu không biết rõ gốc rễ của sanh tử thì cuối cùng hướng tâm về đâu mà niệm Phật. Người xưa nói: Nghiệp không nặng không sanh Ta Bà; Ái không dứt không sanh Tịnh Độ, thì biết rằng Ái là gốc rễ của sanh tử. Từ khi có sanh tử đến nay, bao nhiêu thân mạng, bao nhiêu cuộc đời, sống đi sống lại đều từ Ái Dục lưu chuyển mà ra. Giờ đã niệm Phật, từng niệm cần dứt gốc rễ của Ái Dục. Hằng ngày, niệm Phật tại nhà, đối với con cháu, tài sản không còn buộc chặt bởi yêu thương, luyến tiếc. Không việc gì mà chẳng nhớ đến niệm Phật thì đâu còn sống trong cảnh sanh tử nữa. Vì vậy khuyên người niệm Phật: Tâm luôn đặt việc sống chết làm đầu và thiết tha dứt trừ tâm sanh tử. Từng niệm cốt dứt trừ tâm sanh tử thì lúc ấy, trong từng niệm, rõ thấu được sanh tử.

3) Đối trị tham. Tham ái là căn bản sanh tử của chúng ta. Làm thế nào chuyển tham ái từ nặng nề sang nhẹ nhàng. Đại sư U Khê, đời Minh trong Tịnh Độ Pháp Ngữ nói: Người muốn nhẹ nhàng Ái Dục, không gì bằng chấm dứt cảnh xung quanh mình. Muôn cảnh đều không thì vạn duyên vắng lặng. Nhất niệm tự thành. Nhất niệm của mình đã thành thì mọi vướng mắc Ái Dục đều chấm dứt. Ngăn chặn ngoại cảnh có cách nào thoát không? Người muốn ngăn chặn ngoại cảnh chẳng phải trừ bỏ vạn hữu, cũng chẳng phải nhắm mắt không nhìn, vì cảnh vốn đã không thực nên hiểu gốc thì biết ngọn cũng không. Vạn hữu vốn là bất hữu (chẳng có), vì có Tình mà Có (vạn hữu). Tình còn thì vật còn, tình không thì vật không. Muôn pháp không thì bản tánh biểu hiện. Bản tánh hiện nên tình niệm hết, tự nhiên như vậy. Chẳng cần miễn cưỡng. Kinh Lăng Nghiêm nói: Thấy và duyên để thấy đều là tướng của tưởng, như hoa đóm giữa hư không, vốn không có thật. Cái thấy này và cái duyên ấy vốn là thể tánh sáng suốt vắng lặng nhiệm mầu của Tâm Bồ Đề (Bồ đề diệu tịnh minh thể). Tại sao trong tâm ấy lại có đúng sai, phải quấy? Kinh nói: Kiến (thấy) là chỉ cho kiến phần năng duyên. Cái duyên để thấy (kiến duyên) chỉ cho tướng phần của sáu trần sở duyên. Tưởng tức là sáu thức vọng tưởng. Tướng đó là thân tướng sáu căn. Vì vậy, muốn ngăn chặn ngoại cảnh, không gì bằng, thấu hiểu muôn vật vốn không thật. Thấu rõ muôn vật không thật thì tình tự dứt. Tình dứt thì ái không sanh, chỉ có tâm biểu hiện thôi. Kinh Viên Giác nói: Biết ảo thì liền bỏ, không cần dùng đến phương tiện. Bỏ ảo liền giác, nào có lần lượt.

Chúng ta nếu thấu hiểu được Lý Duyên Sinh của muôn pháp hư ảo, không thật thì nhớ nghĩ về tham ái từ từ phai dần, cho đến dừng hẳn, không còn sanh nữa.

B: Sân

Sao gọi là Sân? Sân là nóng nảy, giận hờn. Chữ 瞋 (sân) có nghĩa là trợn mắt. Sách Thuyết Văn nói: Trong tâm có việc trái ý, giận tức nên mắt trợn to lên để nhìn. Gọi đó là Sân. Ngày nay thế giới loạn lạc vô cùng, tai nạn không dứt. Người người tranh giành nhau. Nước nước tranh giành nhau, cho đến các thành viên trong gia đình cũng không hòa thuận với nhau. Không có việc gì là không xuất phát từ tâm giận dữ của chúng ta. Theo lời Phật dạy: Người có tâm sân nặng nề, sau khi chết phải đọa vào loài rắn độc, đến khi sanh làm người thì có năm giác quan xấu xí hay các căn không đầy đủ. Vì vậy có thể thấy tai họa của sân không có gì lớn hơn. Chúng ta có một cách đối trị với Sân là không thể không tôn trọng người khác một cách tương đương.

Bách Pháp Trực Giải nói: Tánh của Sân là đau khổ, giận hờn, hay làm cản trở thiện căn Vô Sân, tánh không an ổn, là chỗ nương tựa của nghiệp để hành động ác. Đoạn văn trên có hai ý thể tánh và nghiệp dụng.

1) Thể tánh của Sân. Đối với khổ đau của chính mình và khổ đau do hoàn cảnh là Sân. Sao gọi là khổ đau do chính mình và khổ đau do hoàn cảnh?

a) Khổ có ý nghĩa là bức bách. Kinh Phật Địa nói: Bức bách thân tâm gọi là khổ. Kinh Pháp Hoa nói: Ba Cõi không an đầy dẫy đau khổ. Tục ngữ nói: Những việc không như ý của thế gian, mười phần chiếm tám chín. Những cảnh khổ và những việc không như ý khi đổ ụp vào thân tâm chúng ta thì sự buồn, giận, bất bình xông lên, gọi là Sân.

Quả khổ chúng sanh chịu đựng vô lượng vô biên, tóm lại có năm thứ:

*- Dựa vào tự thân thì có các khổ tật, bệnh, già, chết, đói, khát, cực nhọc, xấu xa, tàn phế.

*- Dựa vào nội tâm thì có các khổ tham, sân, si, mạn, ghen ghét, oán hận, buồn rầu, sợ sệt.

*- Dựa vào ngoại giới thì có các khổ do nước, lửa, sấm, chớp, nóng, lạnh, gió, mưa cho đến các tai họa hạn hán, lụt lội, ôn dịch và các thứ độc hại rắn, rết, hùm, sói.

*- Dựa vào nhân sự thì có các khổ đao binh, giặc, cướp, nhục mạ, xâm hại, hiếp đáp, chèn ép, mắng nhiếc, mỉa mai, oán hờn, thù hận, hình phạt truy nả cho đến trong thì rối loạn, ngoài thì hoạn nạn.

*- Sau khi chết rơi xuống đường dữ.

Trên là các khổ từ nội tâm, gọi là khổ ở trong. Khổ bên ngoài từ ngoại cảnh, gọi là ngoại khổ. Khổ do người làm ra, gọi là cộng khổ. Khổ sau khi chết gọi là hậu khổ. Chúng sanh sống ở cõi ác đầy dẫy dơ dáy, phải nhận lấy chánh báo và y báo như thế. Con người không hiểu rõ sự lý, gặp bao nhiêu cảnh khổ đau, khó tránh khỏi mất đi lý trí rồi hành động điên rồ, oán trời trách người tạo thêm duyên ác. Đó là thể tánh cúa Sân.

b) Khổ do hoặc nghiệp (phiền não). Tất cả phiền não tham, sân, si…, và tất cả ác nghiệp sát, đạo, dâm…, là động lực gây ra đau khổ. Có thể chia làm năm thứ:

*- Phiền não khởi lên giận hờn của chính mình. Không biết phiền não không có tánh, chỉ cần không nổi lên phiền não thì nghiệp chấm dứt, nóng giận chi cho nhọc?

*- Phiền não khởi lên giận hờn từ tha nhân. Không biết phiền não cũng không có tánh, chỉ cần thương yêu, đâu cần nóng giận.

*- Phiền não khởi lên giận hờn từ quá khứ. Không biết phiền não từ quá khứ đâu còn. Chỉ cần sám hối, trừ bỏ cũng không cần giận hờn.

*- Phiền não khởi lên giận hờn ở hiện tại. Không biết phiền não ở hiện tại không đứng yên, tương tục không ngừng cũng đâu cần nóng giận.

*- Phiền não khởi lên giận hờn từ vị lai. Không biết phiền não ở vị lai, giờ chưa hiện hữu, cũng không cần nóng giận.

Nếu không thông hiểu Phật lý, đối với năm thứ hoặc trên nổi tâm sân hận thì hoặc nghiệp (phiền não) càng tăng thêm. Giống như nước càng sâu, lửa càng nóng, phiền não cũng thế càng kịch liệt hơn và chịu khổ về sau càng nặng hơn. Tánh ác xoay vần, tình cảnh khó thu xếp, nên chúng ta đối với phiền não tham, sân, si ,… khi chúng nổi lên phải quán đến tánh không của duyên khởi. Vì phiền não cũng là pháp duyên sanh đều không có tự tánh. Tuy hiện tại, chúng nổi lên hiện hành, chỉ trong nháy mắt, liền mất. Chúng ta cốt đề cao cảnh giác, chớ để chúng tiếp nối, đâu cần nổi nóng, giận hờn. Vì vậy, người xưa có dạy: Khi phiền não khởi lên, không cần đối kháng với nó làm gì, mà chỉ cần không theo nó thôi và âm thầm trừ bỏ là được. Tóm lại, chúng ta đối với hoàn cảnh nghịch lý, khổ đau chỉ cần âm thầm trừ bỏ là được, không nên nóng giận vì nó làm gì.

2) Nghiệp dụng của Sân. Có ba phần:

a) Có khả năng ngăn cản căn lành Vô Sân, nên Đại Trí Độ luận nói: Sân hận làm mất các căn lành vốn có, là nguyên nhân đi vào các đường ác, là oan gia của niềm vui chánh pháp, là giặc dữ của tâm lành.

b) Tánh không an ổn. Vì khi tâm Sân nổi lên thì thân, tâm nóng nảy, phiền não. Duy Thức Tâm Yếu nói: Vì thân, tâm nóng nảy, phiền não, nên gọi là tánh không an ổn. Nghĩa là về phương diện thân thể thì tóc dựng đứng, nghiến răng, trợn mắt, vẻ mặt hung ác. Về phương diện sinh lý thì tim đập thình thịch, huyết áp tăng lên, thở hổn hển. Về phương diện tâm lý thì lửa giận đốt lòng, mất hết lý trí, không phân biêt được trái phải, chánh tà, quên cả thân mình cho đến bà con thân thích. Đó chính là tánh không an ổn.

c) Nơi nương tựa làm ác. Vì tất cả nghiệp ác đều dựa vào tâm sân hận mà phát tác nổi lên. Kinh Hoa Nghiêm nói: Một niệm sân nổi lên trong tâm thì trăm ngàn cửa chướng ngại mở ra.

Do nghiên cứu ở trên có thể biết cái độc hại của nóng giận thật đáng sợ. Tuy tham cùng với sân là một trong ba độc mà tai hại của nó còn nghiêm trọng hơn tham nhiều. Kinh Quyết Định Tỳ Ni nói: Thà nổi lên trăm ngàn lần tâm tham, không nên nổi lên một lần nóng giận, vì nó làm tổn hại tâm từ, không có gì vượt qua nó được. Tuy tâm tham không tốt, nhưng cũng có mặt tốt, như người học Phật cần phải suy tư, tu tập theo pháp lành một cách tích cực, cần suy nghĩ nhiều hơn nữa gần gũi với chúng sanh để dạy dỗ hướng về cửa Phật, lìa khổ được vui. Lòng tham dục này được gọi là Thiện Pháp Dục.

3) Đối trị với Sân:

Nguy hại của tâm Sân như đã biết rất to lớn. Người tu hành làm cách nào để phòng ngừa và đối trị với nó?

Sơ lược có ba điểm:

a) Tu từ bi quán: Sách Tứ Giáo Nghi nói: Chúng sanh nhiều Sân nên tu từ bi quán. Nghĩa là người nhiều nóng giận, đối với ngoại cảnh ngang trái liền sanh giận hờn, thì nên tu từ bi quán để đối trị. Chính là quán tưởng những não hại của đối phương gây cho ta, vu khống làm hại ta. Hầu hết kẻ làm những điều này đều bị lửa Sân thiêu đốt, đều bị mê mờ bởi tâm ngu si. Khi những kẻ ấy bị phiền não làm rối loạn thì chính họ cũng không làm chủ được mình. Trong tâm của họ đau khổ vô cùng. Ta đâu nỡ lại báo thù họ, để sự thống khổ tăng thêm nhiều hơn. Vì vậy người tu phải nhớ nghĩ thương xót những người làm khó dễ và hại mình. Đừng đối với họ bằng tâm sân hận của ta nổi lên.

b) Tu hạnh nhẫn nhục. Sách Pháp Giới Thứ Đệ nói: Trong tâm có khả năng chịu đựng cảnh nhục nhả bên ngoài, nên gọi là nhẫn nhục. Người ta khi gặp cảnh nguyền rủa, chế nhạo của người khác thì, trước hết, xem xét người ấy là hạng người nào? Quân tử hay tiểu nhân. Nếu là quân tử, chính ta phải xem lại lời nói, hành động của mình, có gì không đúng, chỗ nào không đúng. Vì người quân tử không tùy tiện phê bình người khác, nên ta tự trách ta. Ngôn ngữ, hành động của ta chắc chắn có một khuyết điểm nào đó, mà ta không nhận ra. Do đó, ta không nên nổi lên sân hận với người, ngược lại, còn phải tiếp nhận những lời phê bình ấy một cách lễ phép và sửa đổi lỗi lầm. Nếu đối phương là tiểu nhân thì tiểu nhân có đặc tính: Không biết xấu hổ mà chỉ cốt phá hoại người giỏi, người hiền. Do đó, kẻ ấy đến nhục mạ ta là chuyện đương nhiên. Ta đâu cần sanh tâm nóng giận với hắn coi như hắn và ta cùng một lứa.

Đại Trí Độ luận, quyển 14, nói: Bồ Tát tự nghĩ nhớ rằng ta không phải như những người còn lại, luôn trôi nổi trong dòng sanh tử. Ta phải là người đi ngược dòng để tìm cho ra nguồn gốc của dòng sanh tử ấy, rồi đi vào con đường giải thoát. Tất cả phàm phu bị xâm phạm đến thì sân hận, đem lợi ích đến thì vui. Dọa nạt đến thì sợ. Ta là Bồ Tát không thể như những người ấy. Tuy chưa dứt hết phiền não cũng phải tự chế ngự lấy, tu hạnh nhẫn nhục, dù bị não hại cũng không Sân, dù được cung kính, cúng dường cũng không vui. Gian nan mấy ta cũng không sợi sệt, phải vì chúng sanh, nuôi lớn tâm đại bi. Lại nữa, Bồ Tát thấy chúng sanh đến quấy phá mình, phải tự nhủ rằng: Đó là người thân của ta, cũng là thầy ta càng thêm yêu mến, kính trọng và tiếp đãi họ. Vì lý do gì? Nếu những người ấy không đem đến phiền phức, bực bội thì ta không thành tựu được hạnh nhẫn nhục. Vì thế nên nói đó là người thân của ta, cũng là thầy của ta. Lại nữa, tâm Bồ tát biết rằng, như lời Phật dạy, chúng sanh từ vô thủy, trong thế giới vô biên, qua lại trong năm đường, trôi lăn không kể xiết. Ta đã từng là cha, mẹ, anh, em của chúng, chúng cũng từng là cha, mẹ, anh, em của ta. Đời sau cũng thế. Từ đó suy ra, đâu nên khởi lên tâm ác để ôm lòng giận dữ, giết hại.

c) Trì danh hiệu Phật. Đây là phương pháp tối ưu, đơn giản, dễ dàng nhất, đó là một niệm tâm Sân mới khởi lên, nhanh chóng niệm mười câu Phật. Căn cứ vào Quán Kinh nói: Nếu chúng ta chí tâm niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Vì xưng danh hiệu Phật nên trong từng niệm trừ được tám mươi ức kiếp tội sanh tử. Đã như thế, niệm Phật có thể diệt tội, nên biết chỉ cần chúng ta nhất tâm trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà, từng câu, từng câu chuyên niệm liên tục, thì có thể chế ngự được lửa Sân và cuối cùng chắc chắn được giải thoát.

C: Mạn.

Sao gọi là Mạn? Kiêu ngạo, cậy vào mình xem thường người khác (cống cao ngã mạn). Đối với người khác không tự nhận là đạo đức, học thức không bằng người, hoặc trình độ bằng người mà tự cho là hơn nhiều. Ta luôn khinh mạn, xem thường người khác, gọi đó là Mạn.

1)Thể tánh của Mạn.

Thể tánh của Mạn là gì? Bách Pháp Trực Giải nói: Mạn là cậy mình hơn hết, đối với người khác tâm sanh cao ngạo. Đó là tánh của Mạn. Sao gọi là cậy mình hơn hết? Duy Thức Âm Nghĩa nói: Cậy học vấn của mình, tài cán, dòng họ, sức lực, giàu có, quyền hạn, … đều hơn người. Có nghĩa là một người cậy học rộng biết nhiều của mình, hoặc tài năng vượt trội, hoặc dòng họ cao sang, hoặc tướng tá đẹp đẽ, rồi xem người khác mục hạ vô nhân. Tự cho mình hơn hết, trong đời không ai bằng mình. Đó là thể tánh của Mạn.

Nếu dựa vào Duy Thức luận thì Kiêu và Mạn khác nhau. Khác nhau như thế nào?

a) Kiêu là một tiểu tùy phiền não, lấy một phần tham ái làm thể; còn Mạn là một trong căn bản phiền não.

b) Kiêu chỉ ở mình, Mạn đối với người khác mà nói. Kiêu tức là nhiễm thói tự cho mình quan trọng và ngạo ngễ là tánh. Khi Kiêu cùng cực chưa chắc xúc phạm người khác, nên Kiêu và Mạn khác nhau.



2) Chủng loại của mạn.

Mạn có bảy loại hay chín loại không giống nhau. Luận Thành Duy Thức, quyển 6, nói: Những khác nhau của Mạn có bảy hay chín loại. Vì đối với ba phẩm, từ ngã, đức sanh ra. Trước hết nói về bảy loại Mạn:

a) Mạn: Chia hai loại: không kính trọng người bằng mình mà trong tâm cao ngạo. Khinh thường người kém hơn mình và trong tâm cao ngạo, coi thường đạo đức, học vấn của người.

Hai loại tâm Ngã Mạn này được dựa vào hai phẩm trung và hạ của chúng sanh mà nổi lên.

b) Quá Mạn: Chia hai loại: với người bằng lại xem là kém hơn mình, nghĩa là bằng nhau mà cho mình hơn. Trong lòng ôm tâm cao ngạo luôn cho mình hơn người. Đối với người hơn mình lại cho là bằng và luôn cao ngạo như vậy, lại còn cho mình và người bằng nhau.

Loại tâm Ngã Mạn này được dựa vào hai phẩm thượng và trung của chúng sanh mà khởi lên.

c) Mạn quá mạn: Đối với người hơn mình lại cho là kém. Trong lòng cao ngạo, biết rõ người hơn mình mà cứ cho là mình hơn.

Loại tâm ngã mạn này được dựa vào thượng phẩm của chúng sanh mà khởi lên.

d) Ngã mạn: Trong bảy loại mạn, đây là mạn căn bản, vì bên trong chúng sanh chấp có một cái ngã, nên đối với người khác nổi lên tâm cao ngạo cho rằng không ai bằng ta. Bên ngoài lại chấp có ngã sở và cho cái gì của ta là hơn hết.

Loại tâm ngã mạn này được dựa vào ngã mà nổi lên. Tất cả phàm phu đều có ngã chấp nên chắc chắn có ngã mạn.

e) Tăng thượng Mạn: Tăng thượng có nghĩa rất mạnh. Vì ngã mạn chưa trừ, khi siêng năng tu hành đến được một cảnh giới nào đó liền sanh tâm cao ngạo, cho ta đã chứng được thánh quả.

f) Ty liệt Mạn: Có hai loại: Chính mình quá kém mà cho là kém ít. Tuy biết người hơn mà không chịu kính trọng, lại nói người giỏi kệ người, ta dở mặc ta, không chịu học tập thật là đáng thương.

g) Tà Mạn: Làm ra những việc ác mà còn đề cao, tự thị ta đây.

Tóm lại, bảy loại Mạn trên sanh ra từ năm chỗ. Phẩm trung, hạ sanh ra mạn. Phẩm thượng, trung sanh ra quá mạn. Phẩm thượng sanh ra mạn quá mạn và ty liệt mạn. Dựa vào ngã mà sanh ra ngã mạn. Dựa vào đức tu hành mà sanh ra tăng thượng mạn và tà mạn. Cho đến chín loại mạn cũng không ngoài mạn, ty liệt mạn, quá mạn trong bảy mạn trên.

3. Nghiệp dụng của Mạn.

Bách Pháp Trực Giải nói: Mạn có thể làm chướng ngại bất mạn, sanh ra khổ đau là nghiệp. Nghiệp dụng của Mạn có hai:

a) Có thể ngăn cản bất mạn. Tướng Tông Cương Yếu nói: Không mạn là một phần cuả tâm sở tàm. Tàm là một trong những pháp lành. Đó là một loại tâm biết xấu hổ, biết phản tỉnh, năng lực tự giác. Một người, trong mỗi ngày đều phản tỉnh, tự biết và phát hiện ba nghiệp thân, khẩu ý cũa mình có nhiều chỗ không đúng với đạo lý, với tâm biết hổ thẹn tự nhiên sanh ra. Đó gọi là tàm. Nhưng bất tàm là một phần của tàm. Người có đủ tâm hổ (sỉ) và thẹn (tàm), dù có tu hành, luôn luôn biết công phu của mình rất nông cạn, không khoe khoang, cậy mình, thấy mọi người đều là Bồ Tát, chỉ có mình là phàm phu, tục tử. Như vậy, có thể thấy Mạn và Bất Mạn đối lập với nhau, nên gọi là năng chướng (hay chướng ngại, cản trở).

b) Sanh ra khổ đau. Vì nhân là tâm mạn nên có thể sanh ra quả khổ. Trong bảy mạn hay chín mạn, bất luận mạn nào, đều làm trở ngại cho sự hướng thượng, hướng thiện của chúng ta. Chỉ có một tâm mạn thôi, tự nhiên mọi hiện trạng xuất hiện trước mắt, lại còn không mong cầu tiến bộ. Người có mạn tâm nặng nề, cho rằng không ai bằng mình và kết quả chỉ có tuột hậu, trôi lăn trong biển khổ, không ai cứu vớt mình được. vì vậy Luận A Tỳ Đạt Ma Tập gọi Tâm Mạn là Mạn Kết (hay Mạn Hoặc: phiền não trói buộc mình lại). Tập Luận nói: Vì bị mạn kết trói, buộc chặt vào ngã và ngã sở, không thể biết được, nên chấp ngã, ngã sở, rồi đưa đến làm nhiều việc bất nghĩa, không làm việc thiện. Do đó, ở đời sau hay vời quả khổ đến. Duy Thức Tâm Yếu, quyển 6, nói: Có tâm Kiêu Ngạo (mạn) đối với Tam Bảo, những người đạo đức mà không khiêm nhường thì ắt phải sanh ra người, ta (nhân ngã) nên đưa đến sanh, tử, luân hồi vô cùng, chịu những khổ đau. Vì vậy chúng ta phải cẩn thận, phòng ngừa tâm Kiêu Ngạo (mạn).

Kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện, nói: Ngã mạn từ kiêu căng mà ra, nịnh hót tâm không thật. Thực ra, mạn (kiêu mạn) là căn bản phiền não cần phải dứt bỏ. Tâm thường tàm quý (hổ thẹn), nhờ đó mà đối trị được bệnh ngã mạn cho mình đúng, cho người sai, khen mình, chê người.

D: Vô Minh.

Vô Minh là không sáng suốt, ngu si, không có trí huệ, là tên chung của tất cả phiền não. Kinh Bổn Nghiệp nói: Vô Minh là không hiểu tất cả pháp. Luận Câu Xá nói: Không hiểu được Tứ đế, Tam Bảo, quả báo gọi là vô minh. Bách Pháp Trực Giải nói: Vô Minh cũng gọi là si.

Vì Vô Minh chính là tâm mê hoặc.

1) Thể tánh của Vô Minh.

Bách Pháp Trực Giải nói: Vô Minh là tánh, đối với lý, sự, sai lầm, tối tăm (lý: chân lý, sự: sự tướng). Nó làm cho con người thấy mà không sáng, nghe mà không rõ, suy nghĩ mà không thông. Duy Thức Tâm Yếu, quyển 6, nói: Độc đầu Vô Minh mê mờ đối với nhiều Đế Lý (chân lý của Tứ Đế) và chân lý, sự tướng.

Sao gọi là Độc Đầu Vô Minh? Và Tương ứng Vô Minh? Luận Đại Thừa Khởi Tín nói: Trong Tam Tế: Nghiệp Tướng, Chuyển Tướng, Hiện Tướng không duyên với cảnh nào, chỉ có Vô Minh khởi lên. Đó là Độc Đầu Vô Minh. Còn Lục Thô cùng các hoặc khác tương ứng khởi lên thì gọi là Tương ứng Vô Minh (lục thô: trí tướng, tượng lục tướng, chấp thủ tướng, kế danh tự tướng, khởi nghiệp tướng, nghiệp hệ khổ tướng).

Độc Đầu Vô Minh cũng gọi là Mê Lý Vô Minh. Mê lầm hai lý không về Ngã và Pháp. Đây là mê do một bất giác khởi lên từ Chân Tánh. Đó là Căn Bản Vô Minh. Tương ứng Vô Minh cũng gọi là Mê Sự Vô Minh. Mê sự tướng của Năm Dục Sáu Trần. Đây là Phiền Não Kiến, Tư khởi lên do chúng sanh thấy lầm muôn pháp là thật có. Đó là Chi Mạt Vô Minh (cành nhánh của vô minh).

Từ đây có thể biết vô minh không phải là hạng người hoàn toàn ngu si mà đến cả hạng người thông minh, trí huệ cũng chỉ gọi là Thế Trí Biện Thông (cái trí rành mạch về việc đời), nhưng đối với nhận thức về sự, lý chân thật thì không rõ ràng, mù mờ, phân biệt tà trí, tà kiến không rạch ròi thì cũng gọi là Vô Minh.

2) Nghiệp dụng của vô minh.

Bách Pháp Trực Giải nói: Có thể làm chướng ngại căn lành vô si và là chỗ tập nhiễm nương vào. Đó là nghiệp dụng của vô minh. Đoạn văn trên có hai điểm cần bàn:

a) Vô Minh có thể làm trở ngại căn lành vô si. Vô si là một trong ba căn lành, cũng là trí tuệ sáng suốt hoàn toàn khi gặp tất cả sự, lý. Vô Minh thì ngược lại, như đêm dài tăm tối.

b) Vô Minh là chỗ tựa của tất cả tập nhiễm. Những gì có thể làm nhiễm ô Chân Tánh, làm cho tất cả pháp hữu lậu không thanh tịnh, đều gọi là nhiễm ô. Luận Hiển Dương Thánh Giáo đem tất cả pháp nhiễm ô quy vào ba thứ: Tạp Nhiễm Phiền Não là tham, sân, mạn, vân vân. Nghiệp Tạp Nhiễm chỉ cho cái nhân sanh ra phiền não hoặc cái duyên trợ giúp cái nhân sanh ra phiền não. Từ đó phát động ác nghiệp sát, đạo, dâm do thân, khẩu, ý tạo ra. Sanh Tạp Nhiễm cũng gọi là Khổ Tập Nhiễm chỉ cho ba cái khổ (khổ khổ, hoại khổ, hành khổ) do Hoặc, Nghiệp sanh ra và quả báo của tám khổ (sanh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc, ngũ ấm xí thạnh khổ).

Tóm lại, ba tạp nhiễm Hoặc, Nghiêp, Khổ đều từ Vô Minh mà ra, nên gọi Vô Minh là chỗ tựa của tất cả tập nhiễm.

Tam Tế, Lục Thô

Nếu dựa vào Đại Thừa Khởi Tín Luận thì lấy

Tam Tế, Lục Thô thâu tóm hết tất cả pháp tạp nhiễm (các pháp hữu lậu). Như thế, pháp tạp nhiễm đều do mê lầm về Chân Tánh mà căn bản là Vô Minh khởi lên. Vì vậy Khởi Tín Luận nói: Phải biết Vô Minh có khả năng sanh ra tất cả pháp tạp nhiễm. vì tất cả pháp tạp nhiễm đều là tướng bất giác. Giờ sơ lược Tam Tế, Lục Thô như sau. Do đây mà biết nguyên ủy của pháp tạp nhiễm do Vô Minh sanh ra.

Trước nói ba thứ tế tướng:

1) Nghiệp Tướng: Tức từ Chân khởi ra Vọng (từ đúng khởi ra sai). Đó là tướng vọng động vừa mới bắt đầu. nguồn của tâm là bản giác, lìa niệm vắng lặng, do Vô Minh mà giác trở thành Bất Giác, rồi thành Nghiệp Tướng. Nghiệp đó nghĩa là động tác. Khởi Tín Luận nói: Vì Bất Giác nên tâm động gọi là Nghiệp. Từ tâm động này nên gọi là Nghiệp Tướng, như mộng do ngủ mà có.

2. Chuyển Tướng: Chuyển có nghĩa là khởi (dấy lên). Chuyển Tướng cũng gọi là Năng Kiến Tướng, vì dựa vào nghiệp thức ở trên dấy lên thành Tướng Năng Kiến (tướng vừa mới chuyển động của năng kiến). Khởi Tín Luận nói: Vì dựa vào động mà có năng kiến, như dựa vào mộng mà có tâm mộng.

3. Hiện Tướng: Cũng gọi là Cảnh Giới Tướng. dựa vào Tướng Năng Kiến ở trên phân biệt tướng vừa mới chuyển động, cảnh giới của năng kiến, nên gọi là hiện tướng (tướng biểu hiện ra). Khởi Tín Luận nói: Vì Dựa vào Năng Kiến nên vọng hiện ra Cảnh Giới, như dựa vào tâm mộng mà có cảnh mộng.

Ba loại Tế Tướng này hay chướng ngại lý Thật Tướng Trung Đạo, làm cho Tướng Trung Đạo không thể hiển lộ được. Loại Vô Minh Vi Tế này, số lượng tuy nhiều, tạm thời chia ra 42 phẩm, từ sơ trụ đến 42 vị trước Phật quả dứt trừ hết vô minh.

Bây giờ nói về Sáu Tướng Thô:

1) Trí tướng: Vì dựa vào Tướng Cảnh Giới thứ ba trong Tam Tế cho là thực có, đâu biết rằng chỉ là ảo ảnh từ thức hiện ra, lầm sanh ra trí tuệ phân biệt tướng nhiễm, tịnh. Với cảnh tịnh thì yêu mến, với cảnh nhiễm thì không yêu mến, gọi đó là Trí Tướng.

2) Tương Tục Tướng: Vì dựa vào sự phân biệt của trí tướng trên, với cảnh thích thú thì sanh lạc thọ, với cảnh không thích thú thì sanh khổ thọ, lớp lớp mê vọng liên tiếp khởi lên không dứt, gọi là Tương Tục Tướng.

3) Chấp Thủ Tướng: Vì dựa vào Sự Tướng Tương Tục, nên không thấu rõ thuận cảnh, nghịch cảnh như không hoa; không thấu rõ tâm khổ, vui như ảo hóa.

Chấp chặt vào đó, không buông bỏ, không thay đổi, gọi là Chấp Thủ Tướng.

4) Kế Danh Tự Tướng: Vì dựa vào Sự Chấp Chặt Sai Lầm ở trên, bèn Lập Giả Danh. Triệu Công nói: vật, thực sự, không có tên, tên không làm ra vật. Vì cái tên này, không đợi mắt thấy tướng thuận hay nghịch, chỉ nghe tên tốt, xấu, thiện, ác liền sanh mừng, giận. Đó là Kế Danh Tự Tướng.

5) Khởi Nghiệp Tướng: Vì trước dựa vào Tướng Danh Tự, tìm kiếm tên rồi chấp lấy. Dựa vào thô hoặc này phát động bảy chi của thân, khẩu (thân ba, khẩu bốn) tạo ra vô số nghiệp thiện, ác, bất động (thuộc ý nghiệp trong thiền định ở cõi Sắc và Vô Sắc). Ở trong ấy, tuy có thiện nghiệp và bất động nghiệp, nhưng có đủ nghiệp hữu lậu đều là nhân của khổ đau, nên gọi là Khởi Nghiệp Tướng.

6) Nghiệp Hệ Khổ Tướng: Nghiệp nhân đã thành, quả đến tất nhiên. Kinh Thư nói: Trời gây ra nhiều mầm ác còn có thể tránh được. tự mình gây ra mầm ác không thể trốn tránh. Kinh Niết Bàn cũng nói: Chẳng phải không gian, chẳng phải biển cả, chảng thể vào trong núi đá, không có một nơi nào trốn thoát mà không chịu quả báo. Chúng sanh bị nghiệp nhân thiện, ác buộc chặt nên cảm thọ khổ báo của sanh tử, ba cõi xoay vần, không lúc nào chấm dứt. Chánh Pháp Niệm nói: Như dây cột con chim bay, dù bay xa cách mấy cũng trở về. Chúng sanh bị nghiệp dẫn dắt, phải biết, cũng như thế. Đó gọi là Nghiệp Hệ Khổ Tướng.

Trên là trình bày Tam Tế, Lục thô nếu phối hợp với tướng của ba loại tạp nhiễm (hoặc, nghiệp, khổ) thì tứ tướng trong Lục Thô, cho đến ngược lên đến Căn Bản Vô Minh đều gọi là nhân quả của hoặc (phiền não). Tướng thứ năm: Khởi Nghiệp Tướng là nghiệp duyên. Tướng thứ sáu: Nghiệp Hệ Khổ Tướng là quả khổ. Pháp hữu lậu tạp nhiễm tuy nhiều nhưng không ra ngoài Hoặc Nghiệp, Nhân Quả trong ba cõi. Giờ Luận Khởi Tín lấy Tam Tế, Lục Thô thâu tóm vô lượng pháp hữu lậu ấy một cách trọn vẹn. như thế tạp nhiễm đều do căn bản vô minh, vì không liễu ngộ được chân như, khởi lên, nên Bách Pháp nói: Tất cả tạp nhiễm nương vào vô minh. Kinh Bát Đại Nhân Giác nói: Ngu Si thì phải chịu sanh tử. Ngu si là vô minh. Có thể xem vô minh là nhân, sanh tử là quả. Chúng sanh sống chết biết bao nhiêu lần đều do vô minh đem đến. Kinh Lăng Già nói: Vô Minh là cha, tham ái là mẹ. hai cái hòa hợp nhất định chiêu cảm quả khổ sanh tử. Tai họa của vô minh lớn như thế, chúng ta làm thế nào để đối trị? Dựa theo pháp Phật thì chúng sanh ngu si phải tu quán nhân duyên. Quán muôn pháp do duyên sanh tự có chỗ nhập. Pháp ấy như thế nào? Kinh Kim Cang nói: Tất cả pháp hữu vi như chiêm bao, ảo thuật, bọt nước, bóng mờ, như sương mai, điện chớp. Người tu nên quán các pháp như thế. Đức Phật của chúng ta chỉ bày tất cả chúng sanh, nên đối các pháp trong thế gian, quán sát sự biến đổi, vô thường của chúng giống như sáu so sánh ở trên. Không có pháp nào là không hư dối. Tất cả đều không, cho đến không có được một cái gì. Nếu tâm này thấu suốt tất cả pháp, chỉ vì khi duyên đủ thì ảo tướng sanh khởi hiện hữu mà thôi. Thật ra, sanh tức vô sanh. Từ đây có thể biết: Tuy trước mắt vạn tướng bao la, nhưng bên trong của chúng, hoàn toàn chẳng có gì. Mọi lúc mọi nơi quán sát, tỉnh thức sáng tỏ như vậy thì ắt có công đức không thể nghĩ bàn. Phải biết quán tưởng lý của các pháp do duyên sanh, nếu lãnh hội được Đương Thể của các pháp là Không, thì liền đi vào được tướng không của các pháp. Khi tướng đã không thì tánh, tự nhiên, hiển bày. Vì sao? Vì có tướng thì muôn pháp sai khác vô cùng, không tướng thì các pháp nhất như (nhất là chẳng hai, như là chẳng khác, nhất như là chẳng hai, chẳng khác). Vì các pháp nhất như tức là tánh sáng hiển lộ. Tánh sáng hiển lộ tức là Vô Minh đã sáng tỏ. Tuy Vô Minh chưa chắc dứt hết, chưa chắc cùng với Như Như Bất Động Khế Hợp, nhưng Trí và Lý Khế Hợp. Thực sự đã đặt nền tảng từ đây. Phải biết tất cả chúng sanh muốn đối trị với Vô Minh tăm tối thì phải hồi quang phản chiếu, còn nếu bỏ pháp quán nhân duyên này thì, thực sự, không còn chỗ nào nữa hạ thủ công phu.

E: Si

Si chính là Hoài Nghi, đối với sự, lý không thể quyết định được, do dự không làm chủ được, không biết theo đâu, gọi là Si. Đại Thừa Nghĩa Chương, quyển 6, nói: Nghi là đối với cảnh không quyết định được. Có hai thứ: Nghi Sự như ban đêm thấy cây nghi là người hay không phải người? Thứ Hai: Nghi Lý là Nghi Tứ Đế. Trong pháp Tiểu Thừa chỉ còn Nghi Lý, gọi là Nghi Sử (sử có nghĩa là sai khiến. Người tu bị nghi ngờ sai khiến trôi nổi trong Ba Cõi, nên gọi là Nghi Sử). Sau đây nghiên cứu thể tánh, nghiệp dụng của nghi.

1) Thể tánh của Nghi

Bách Pháp Trực Giải nói: Tánh của Nghi là đối với chân lý Tứ Đế do dự. Đối với cái gì, con người nghi ngờ? Đối với chân lý Tứ Đế là Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Kinh Di Giáo nói: Mặt trăng có thể làm cho nóng, mặt trời có thể làm cho lạnh, Phật nói Tứ Đế không thể khác được.

Do đây có thể thấy bản chất của Tứ Đế, không ra ngoài nhân quả. Tập Đế là nhân, Khổ Đế là quả. Đạo Đế là nhân, Diệt Đế là quả. Nói cách khác Tập là nhân của Khổ. Khổ là quả của Tập. Đạo là nhân của Diệt, Diệt là quả của Đạo. Không còn Tập Nhân như tham, sân, si…, thì làm sao có Quả Khổ sanh tử? Nếu không có nhân tu tập đạo pháp, làm sao có quả Niết Bàn? Tóm lại, tất cả các pháp thế và xuất thế, đều không ra ngoài Nhân Quả.

Nhưng mà, đạo lý Nhân Quả dường như rất đơn giản, thật ra rắc rối phức tạp. bởi nghiệp hành của chúng sanh không đơn giản, thuần nhất, lúc lành, lúc dữ. Do đó quả báo tinh, thô; sang, hèn; khổ, vui; trí, ngu; giỏi, dở muôn hình vạn trạng. Có khi nhân giống, quả khác; Có khi quả giống, nhân khác; có khi khác thời gian mới có quả; có khi khác loại mà có quả; có khi đổi khác mà có quả, vân vân. Chúng ta là phàm phu nông nổi, không giống như Phật là Bậc Đại Ngộ, trí lực biết đủ nghiệp báo ba đời (trí lực là một trong mười lực của Phật). Do đó bệnh nghi ngờ của chúng ta, tự nhiên sanh ra.

Có người nghi ngờ rằng siêng năng giữ gìn giới luật đáng ra phải trường thọ mà bị chết yểu? người sống nghề đồ tể phải giảm thọ, mà ngược lại sống lâu?

Có người nghi ngờ rằng kẻ sĩ thanh liêm đáng ra phước đức đầy đủ mà lại bị nghèo khổ? Người tham lam quá độ đáng ra thất bại mà lại giàu có? Tất cả những việc ấy không biết từ đâu đến, nên gọi là Nghi.

2) Nghiệp dụng của nghi.

Bách Pháp Trực Giải nói: Nghiệp của nghi là có thể chướng ngại thiện pháp Bất Nghi và các việc lành.

a) Thể làm chướng ngại thiện pháp Bất Nghi. Luận Thành Duy Thức, quyển 6, cho rằng bất nghi tức là tín, hiểu biết đúng đắn, trí tuệ chân chánh. Thể của nó (bất nghi) không khác nhau.

b) Có thể ngăn cản các pháp lành. Các pháp lành là chỉ cho việc thiện thế gian, xuất thế gian như Năm Giới, Thập Thiện, Lục Độ, vân vân. Trên đã nói người tu đối với sự, lý của nhân quả còn có hoài nghi, đối với lý phước thiện, họa hoạn của Thiên tạo cũng không đồng thuận. người tu không thể không lo âu đối với ngôn hạnh tốt lành, với sự nghiệp cứu nhân độ thế. Sự sai lầm ngày càng tăng thêm, vì không tin nhân quả. Không tự mình làm lành, còn cản trở người khác làm lành, giữ giới, siêng năng tu tập. Cái tội nghi ngờ thật là lớn.

3) Đối trị của Nghi.

Tội lỗi của Nghi nặng nề như thế, người tu đối trị cách nào? Duy Thức Tâm Yếu nói: Nếu muốn trừ Nghi, chỉ có học rộng và tâm rỗng rang, bằng Phật pháp chỉ nam, thẩm xét, suy tư cẩn thận, nhờ thầy, bạn giúp đỡ mới mong trừ hết nghi ngờ và đến thẳng thiện pháp bất nghi.

F: Bất Chánh Kiến.

Bất Chánh Kiến là hiểu biết không chính xác. Bất

Chánh Kiến còn liên hệ với phiền não một chút. Tam Tạng Pháp Số nói: Vì tâm nghi ngờ và không hiểu biết đã nói ở trên, nên kiến thức không đúng. Vì kiến thức không đúng, nên khởi lên tà kiến và những ràng buộc chứa chất bên trong mà sanh ra phiền não (Từ điển Pháp Số Tam Tạng, trang 482). Ý nói những người phàm phu, đối với đạo lý nhân quả phức tạp rắc rối, do dự không quyết định được, không biết đâu mà theo (nghi). Do phiền não chất chứa trong tâm rồi sanh ra bài bác, chê bai nhân quả …, Phiền não, Bất Chánh Kiến từ đó mà đến.

Bất Chánh Kiến, Luận Thành Duy Thức gọi là Ác Kiến, vì trái ngược vơi chân lý. Giờ nghiên cứu đến thể, dụng của phiền não này.

1) Thể tánh của bất chánh kiến.

Bách Pháp Trực Giải nói: Bất Chánh Kiến là đối với lý Tứ Đế suy luận điên đảo và hiểu biết sai trái. Đó là Tánh của Bất Chánh Kiến. Bất Chánh Kiến là một phần tâm sở huệ trong Biệt Cảnh. Trí tuệ ô nhiễm, đó là bản chất của loại phiền não này. Đối với đạo lý chân thật bất hư đều nảy ra suy đoán điên đảo và suy diễn sai lầm. Gọi đó là Bất Chánh Kiến. Ví như phàm phu có bốn hiểu biết sai lầm, điên đảo: Sống chết là vô thường, vô lạc, vô ngã, bất tịnh mà lại cho là thường, lạc, ngã, tịnh tức là Bất Chánh Kiến.

2) Nghiệp dụng của Bất Chánh Kiến.

Bách Pháp Trực Giải nói: Có thể cản trở sự hiểu biết đúng đắn, vời khổ đau đến, đó là nghiệp dụng của Bất Chánh Kiến.

a) Có thể cản trở hiểu biết đúng đắn. Hiểu biết đúng đắn là Chánh Kiến thuộc pháp lành. Tướng Tông Cương Yếu nói: Chánh kiến là thiện huệ. Tức là với tất cả pháp có đủ sức xác định, phân biệt và chọn lựa, hoàn toàn tương phản với Bất Chánh Kiến.



b) Vời khổ đau đến. Người có hiểu biết không chính xác thì sự tạo tác từ thân, miệng của họ luôn thiên lệch, xa lìa chơn lý. Do đó, đời này sanh ra tai họa, đời sau luân hồi không dứt, nên nói là vời khổ đau đến.

Nên biết những người mới vào cửa Phật, có hai sự kiện rất quan trọng. Về phương diện hiểu biết, trước hết phải tìm cầu Chánh Tri Kiến (cái thấy, cái biết chân chánh về Phật pháp). Về phương diện thực hành thì đòi hỏi Chánh Mạng (cuộc mưu sanh thật đúng theo lời Phật dạy, không làm tổn hại đến người khác). Trong hai phương diện ấy lấy Chánh Kiến làm đầu. Việc học Phật của chúng ta, cần thiết nhất là Chánh Kiến. Có Chánh Kiến rồi lời nói, hành động dựa vào đó, tự nhiên hợp với Phật pháp. Nhờ vậy, con đường thành Phật, dù có diệu vợi chỉ cần y giáo phụng hành, dần dần cũng đi đến kết quả mong muốn của sơ tâm. Ngược lại, việc học Phật của chúng ta, chắc chắn không đi đến kết quả mà còn trôi nổi trong biển sanh tử vĩnh viễn. Luận Thành Duy Thức nói: Người có Ác Kiến (không đúng đắn), chịu nhiều khổ đau. Tổ Ngẫn Ích giải thích: 96 thứ ngoại đạo biết chừng nào mới ra khỏi sanh tử, vì bị trói buộc bởi Ngã Chấp và Pháp Chấp. Vì thế muôn vàn đau khổ không thể giảm bớt. Đời này, kiếp sau không thể giải thoát được những đau khổ ấy. Vậy thì muốn ra khỏi sanh tử, chỉ cần nhanh chóng trừ bỏ ác kiến và các thứ Bất Chánh Kiến mà thôi. Sau đây là các loại Bất Chánh Kiến:

1) Tát Ca Da Kiến (Hữu thân kiến).

Luận Câu Xá, quyển 19, nói: Chấp Ngã và Ngã

Sở là Tát Ca Da Kiến. tiếng phạn là Tát Ca Da, tiếng Hoa là Tích Tụ. Muôn pháp trong thế gian, trong là căn thân, ngoài là vũ trụ, đều do nhân duyên hòa hợp, tích tụ mà thành. Trong ấy, chỉ có căn thân là gốc, nên Tát Ca Da kiến cũng gọi là Thân Kiến. Sao gọi là Thân Kiến? Luận Thành Duy Thức, quyển 6, nói: Đối với Năm Thủ Uẩn chấp ngã và ngã sở. Năm thủ uẩn là pháp sở duyên. Chấp ngã, ngã sở là tâm năng duyên. Chữ Thủ trong năm thủ uẩn là tên khác của Phiền Não. Có ba nghĩa:

a) Uẩn từ Thủ (phiền não) sanh ra: Măm uẩn là

từ Phiền Não sanh ra, nên gọi là Năm Thủ Uẩn.

b) Uẩn thuộc Thủ: Năm uẩn luôn luôn đi theo Phiền Não, nên gọi là Năm Thủ Uẩn.

c) Uẩn sanh Thủ: Năm uẩn có khả năng sanh ra Phiền Não, nên gọi là Năm Thủ Uẩn.

Tóm lại, Năm Thủ Uẩn là chỉ Thân Năm Uẩn Hữu Lậu. Tất cả chúng sanh đối với Thân Năm Uẩn Hữu Lậu này sanh ra mê lầm, không biết thân này là giả pháp do năm uẩn hòa hợp mà có, vô thường, vô ngã. Thế mà suy tính cho rằng thân này là cái ngã chân thật. Đó là Ngã Kiến. Còn không biết thân ta là một trong những sự vật, chắc chắn không có chủ sở hữu (vì do năm thứ họp lại mà thành). Thế mà lại suy tính cho rằng nó là vật của ta. Đó là Ngã Sở Kiến. Hợp cả hai Ngã và Ngã Sở Kiến chính là Thân Kiến. Nhưng hai cái này có khác nhau, tức Thân Kiến là Pháp Sở Duyên, còn Ngã Kiến là sự mê lầm của Năng Duyên. Trên đã nói về thể tánh của Kiến Tát Ca Da. Sau đây nói về nghiệp dụng của nó.

Bách Pháp Trực Giảng nói: Nghiệp là chỗ tất cả kiến thú dựa vào. Thuật ký nói: Thú là tình hình hoặc là chỗ trở về (cõi của các chúng sanh). Luận Quảng Ngũ Uẩn nói: Nghiệp là chỗ tất cả kiến phẩm dựa vào. Ý nói: Thân Kiến là chỗ vô số loại tà tri, tà kiến dựa vào. Chúng ta chỉ có một Thân Kiến thì tất cả loại tà tri, tà kiến dựa vào đó. Thuật Ký nói: Lấy Ngã Kiến này làm chỗ dựa chính để các kiến được sanh ra. Luận Đại Thừa Khởi Tín nói: Tất cả tà chấp đều dựa vào Ngã Kiến khởi lên. Nếu lìa Ngã Kiến thì không còn tà chấp. Pháp Phật nói rằng Ngã Kiến này là nguồn gốc của phiền não, là nguyên nhân của sự sống, chết. Vì Ngã Kiến, chúng sanh không lìa xa khổ đau được, không có được an lạc và chuyển Thức thành Trí. Vì vậy học Phật có nhiệm vụ cần kíp là diệt trừ Ngã Kiến. Một ngày không diệt trừ được Ngã Kiến thì một ngày sanh tử chưa chấm dứt. Làm cách nào để phá Ngã Kiến? Pháp Phật nói: tu quán đoạn trừ chấp. Điều Giác Ngộ thứ nhứt trong Kinh Bát Đại Nhân Giác là chỉ bày cho chúng ta phương pháp phá trừ Ngã Kiến (tức Thân Kiến). Kinh ấy cũng nói: cuộc đời vô thường, cõi nước tạm bợ, bốn đại khổ không, năm ấm không có ngã, sanh diệt biến đổi, giả dối không có chủ. Tâm là nguồn ác, thân là nơi tập trung tội lỗi. Quán sát như thế, dần dần lìa xa sanh tử. Phật chỉ bày cho chúng ta luôn luôn tu quán vô thường, tu quán khổ không, tu quán vô ngã, tu quán bất tịnh. Lúc nào cũng nghĩ đến những pháp quán ấy, thì trí tuệ, tự nhiên, tăng trưởng, Ngã Kiến có thể phá trừ. Tất cả tà tri, tà kiến cũng nhờ đó mà tiêu diệt. Chúng ta là những người học Phật quyết mong chấm dứt sanh, tử.

2) Biên Chấp Kiến: còn gọi là Biên Kiến. Biên có hai nghĩa:

a) Biên là một bên. Hoặc là Đoạn Kiến, hoặc là Thường Kiến đều là ác kiến lệch về một bên, nên gọi là Biên Kiến.

b) Biên là chỉ khởi lên sau Thân Kiến (vọng

kiến khởi lên sau thân kiến) nên gọi là Biên Kiến.

Bách Pháp Trực Giải nói: Kiến Chấp một bên gọi là Thân Kiến, tùy theo chấp đoạn hay chấp thường. Vì người ngoại đạo, đối với thân kiến năm uẩn sanh ra các suy đoán rằng thân này chết rồi không sanh nữa, không có chết đây sanh kia. Về sáu đường luân hồi, như bình bể không còn dùng được. Đó là Doạn Kiến. Tống Nho cho rằng người sau khi chết, hình thể mục nát, tiêu tan, tinh thần tan tác, dù có chặt chém, đâm giã thì lấy gì để thực hiện? Đây là Đoạn Kiến. Hoặc suy đoán sai lầm rằng thân ta chết rồi sanh lại mà vẫn làm người như cũ, súc vật chết sanh lại cũng là súc vật không thay đổi. Đó là Thường Kiến. Nếu cuộc đời đúng như lời đã nói ở trên, thì nhân quả phép tắc không chút xê dịch, xoay vần. Như thế làm lành để làm gì, làm ác còn sợ gì? Đó là phá hoại tâm địa của con người, cắt đứt căn lành của con người, phủ định nổ lực tiến tu của con người chúng ta. Sự hiểu biết sai lầm, không còn gì hơn nữa, nên gọi là Ác Kiến.

Trên đã nói rõ Biên Kiến. Kế nói lại về nghiệp duyên của Thân Kiến.

Luận Thành Duy Thức quyển 6 nói: Làm chướng ngại Đạo Đế trong Đứ Đế và làm chướng ngại việc ra khỏi sanh tử (Diệt Đế). Đó là Nghiệp của Thân Kiến

Hoặc có người hỏi: Làm thế nào ra khỏi sanh tử? Duy Thức Tâm Yếu, quyển 6 nói: Chúng ta phải am hiểu tường tận lý đúng đắn của duyên khởi. Bởi vì tất cả pháp trong thế gian đều nương nhờ Nhân và Duyên mới sanh khởi được, hoàn toàn không thể tự nhiên sanh, hay vô nhân sanh. Các pháp thế gian đã như thế nên cũng nương vào nhau mà diệt. Đó gọi là duyên hợp thì sanh, duyên tan thì diệt. Sanh khởi và tồn tại đều do nhân duyên, trở về không và tiêu diệt cũng là do nhân duyên. Đã dựa vào Nhân Duyên mà có Sanh Diệt, cho nên Sanh chẳng phải là Sanh Thật, Diệt cũng chẳng phải là Diệt Thật. Tất cả đều giả có như ảo hóa, không có thật thể; Thường cũng chẳng phải là Thường, Đoạn cũng chẳng phải là Đoạn; không rơi vào hai bên. Vì vậy thấu hiểu tường tận lý đúng đắn của Duyên Khởi thì mới có thể thực hành Đạo Đế hầu ra khỏi sanh tử.

3) Kiến Thủ.

Kiến chỉ cho tất cả hiểu biết sai lầm của ngoại đạo. Luận Du Già Sư Địa có nói đến 62 loại Kiến (kiến thức, nhận thức, hiểu biết). Vì ngoại đạo đối với năm ấm: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Mỗi ấm lại khởi lên bốn kiến. Như cho sắc lớn, ngã nhỏ, ngã ở trong sắc; cho ngã lớn sắc nhỏ, sắc ở trong ngã, cho lìa sắc là ngã, cho sắc chính là ngã. Đó là bốn loại kiến của ngoại đạo đối với một ấm. Cộng lại hai mươi kiến. Thêm vào ba đời thì thành sáu mươi kiến và hai kiến căn bản Đoạn, Thường. Tổng cộng là 62 kiến.

Thủ chính là Chấp Thủ. Kiến Thủ là nói người ngoại đạo, vì trí tuệ kém cõi lại tự phụ cái hiểu biết của mình. Đối với 62 kiến, họ suy đoán là tối thượng, là tuyệt vời, cố giữ chặt lấy; nói năng không dè dặt, chỉ biết những điều ấy là đúng nhất, những gì còn lại là sai. Tự cho rằng những hiểu biết (kiến) này có thể được thanh tịnh giải thoát đó gọi là Kiến Thủ.

Trên đã nói về Tánh Thể của Kiến Thủ. Giờ trình bày về Nghiệp Dụng của nó:

Bách Pháp Trực Giải nói: Nghiệp là nơi tất cả tranh chấp dựa vào đó. Khi Phật ra đời ở Ấn Độ có 96 loại ngoại đạo. Mỗi ngoại đạo lập nên cho mình một loại kiến giải và lý luận, và mỗi ngoại đạo ôm chặt lấy kiến giải và lý luận của mình, cho đó là chân lý duy nhất, tuyệt vời. Những kiến giải và lý luận còn lại đều sai, không đúng. Đó là lý do tranh luận với nhau quyết liệt, không dứt. Những thế lực hiện giờ của thế giới cũng tương tự như vậy.

4) Giới Cấm Thủ.

Giới Cấm là giới luật ngăn cấm, Thủ là nắm giữ. Có nghĩa là người ngoại đạo, giới cấm họ thọ nhận rồi lầm cho đó là hay nhất. Buông lung ngôn ngữ cho giới cấm ấy là đúng nhất. Tất cả giới cấm còn lại là sai trái. Tự cho rằng những giới cấm ấy có thể đem đến giải thoát. Đó gọi là Giới Cấm Thủ.

Luận Câu Xá nói: Với cái không phải nhân, không phải đạo mà nói là thấy nhân, thấy đạo. Tất cả những việc ấy gọi là Giới Cấm Thủ. Trong câu này có hai ý:

a) Chẳng phải Nhân cho là Nhân. Như ngoại đạo giữ giới gà (học đứng một chân); giới chó (bắt chước ăn phân dơ bẩn) cho đó là nhân để được lên trời. Đó chẳng phải Nhân cho là Nhân.

b) Chẳng phải Đạo cho là Đạo. Như ngoại đạo lấy tro trét lên thân thể, nhịn ăn, vân vân cho đó là đường đến Niết Bàn. Đó là chẳng Đạo cho là Đạo.

Trên đã nói về Thể Tánh của Giới Cấm Thủ. Giờ nói về Nghiệp Dụng của nó

Bách Pháp Trực Giải nói: Nghiệp của Giới Cấm Thủ là nơi không có lợi ích gì mà siêng năng, khổ sở dựa vào đó. Ý câu này do giữ tà giới, nên uổng công thọ trì mà chẳng đem lại ích lợi gì. Luận Đại Trí Độ quyển 22 nói: Các giới của ngoại đạo là giới trâu, giới nai, giới chó, giới la sát quỷ, giới câm, giới điếc..., người có trí tuệ không khen ngợi, bởi gì những giới ấy khổ cực vô ích, không có kết quả tốt đẹp.

5) Tà Kiến

Tất cả kiến thức đảo ngược (điên đảo), suy luận sai trái đều gọi là Tà Kiến. Kể cả bốn kiến đã nói ở trước cũng gọi là Tà Kiến. Sao giờ còn đưa ra Tà Kiến này nữa? Căn cứ vào Luận Du Già Sư Địa, quyển 58, nói: Tà Kiến sơ lược có hai thứ: Tà Kiến càng lớn mạnh chỉ cho bốn Tà Kiến đã nêu lên ở trước. Tà Kiến làm hao tổn, hư hại, đặc biệt chỉ Tà Kiến thứ năm, vì không thừa nhận nhân quả. Luận Câu Xá nói: Đối với hữu thể chân thật; Khổ, Tập, Diệt, Đạo của Tứ Đế không thừa nhận là có, nên gọi là Tà Kiến.

Nhưng Tà Kiến làm hao tổn và hư hại, có nội dung như thế nào? căn cứ vào các luận thì có bốn thứ:

a) Chê bai Nhân: Nghĩa là trong cuộc đời không

thể có Nhân đem đến kết Quả.

b) Chê bai Quả: Nghĩa là trong cuộc đời cũng

không có kết Quả từ nguyên Nhân sanh ra.

c) Chê bai Tác Dụng: Bác bỏ tác dụng từ đời này

sang đời khác. Tức chết đây sanh kia

d) Phá hoại Sự Thật: Bác bỏ trong cuộc đời này không có các bậc thánh nhân, như A La Hán... v.v. Tức bát bỏ Niết Bàn.

Dựa vào Luận Thành Duy Thức nói: Tà Kiến thứ năm này cùng với bốn Tà Kiến trước có hai điểm không giống nhau:

a) Danh khoan: Kiến thức này tên có nhiều ý nghĩa. Không chánh gọi là tà. Tất cả kiến thức bất chánh đều bao hàm trong kiến thức này.

b) Ý nghĩa lệch lạc: Nghĩa của kiến thức này lệch lạc, như tăng thượng duyên, các hiểu biết sai trái đều bao hàm trong kiến thức thứ năm này.

Trên đã trình bày năm thứ Bất Chánh Kiến (còn có tên là Lợi Sử). Sử có nghĩa là sai khiến, tức là tên khác của Phiền Não. Vì năm thứ kiến này đủ khả năng sai khiến thân, tâm của chúng sanh, khiến cho chúng sanh tạo các nghiệp ác và rơi xuống ba đường dữ, nên gọi là sử

Năm Lợi Sử là đối với năm Độn Sử (tham, sân, si, mạn, nghi) mà nói. Gọi năm Độn Sử là vì năm thứ phiền não này, tánh của nó khá chậm lụt, khó chế phục. Phải ở địa vị Tu Đạo mới có thể dứt trừ dần. (độn có nghĩa khó dứt trừ). Còn năm Hoặc như thân kiến, biên kiến..., gọi là năm Lợi Sử. Vì tánh của phiền não này khá lanh lợi, nhạy bén, gặp cảnh liền sanh phân biệt, như khi nghe chánh pháp, ở địa vị Kiến Đạo liền có thể dứt hết (lợi có nghĩa là dễ dứt trừ).

Lược nói Chánh Kiến.

Hành tướng của Bất Chánh Kiến đã trình ở trên xong. Nhưng còn Chánh Kiến là gì? Giờ xin trình bày. Du Già, quyển 83 nói: Chánh Kiến là có thể thông đạt với Pháp Chân Thật. Nhưng Pháp Chân Thật cuối cùng chỉ cho cái gì? Du Già, quyển 84 lại nói: Có thể thông hiểu Bốn Thánh Đế, nên gọi là Chánh Kiến. Từ đây có thể biết Pháp Chân Thật tức là Bốn Thánh Đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Luận Câu Xá, quyển 26 nói: Dưới Bốn Thánh Đế này, mỗi thánh đế có bốn thứ hành tướng. Tổng cộng 16 hành tướng. Người tu tập nếu có thể thực hành 16 hành quán thì sự hiểu biết tự nhiên chính xác.

Nội dung 16 hành quán như thế nào? giờ trình bày nội dung ấy:

A - Dưới khổ có bốn hành: vô thường, khổ, không, vô ngã.

1) Vô thường: Quán nhân duyên sanh từng niệm, từng niệm sanh diệt, nên gọi là vô thường. 2) Khổ: Vì vô thường thúc ép nên khổ.

3) Không: Muôn hình vạn tướng trong cuộc đời, đều chỉ là nhân duyên tụ hợp thôi. Ảo tướng ấy chỉ hiện ra trong nhất thời. Nếu truy cứu đến cuối cùng thì hoàn toàn hư vô giả dối, không có tự tánh, tất cả không thể có, đương thể tức không.

4) Vô Ngã: Bốn đại vốn không, năm ấm chẳng có. Ngã và ngã sở đều không thể có được.

B - Dưới tập có bốn hành: Tập, nhân, duyên, sanh.

1) Tập: Các hữu lậu hòa hợp. (chỉ cho hoặc, nghiệp) có khả năng vời quả khổ đến.

2) Nhân: Quán sát sáu nhân duyên hay sanh ra quả khổ.

∗ Tương ưng nhân: Tâm sở và Tâm vương tương ưng.

∗ Câu hữu nhân: Tâm sở và Tâm vương giúp đỡ nhau.

∗ Đồng loại nhân hay Tự chủng nhân: Quả cảm nhận cùng loại với chủng tử

∗ Biến hành nhân: 10 sử có mặt đủ trong Khổ Đế; chỉ có 7 sử có mặt trong Tập Đế; trừ Thân, Biên, Giới thủ.

∗ Dị Thục Nhân: Quả báo đến đời khác mới có.

∗ Năng tác Nhân: Sức của Căn, Trần sanh ra Thức

3) Duyên: Quán sát bốn duyên có thể sanh ra quả khổ (thân nhân duyên, đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên, tăng thượng duyên).

4) Sanh: Quán sát thân sau sanh lại có khổ sau.

C- Dưới diệt có bốn hành: Diệt, tận, diệu, ly.

1) Diệt: Niết Bàn các phiền não không còn.

2) Tận: Niết Bàn tất cả khổ không còn.

3) Diệu: Niết Bàn là số một.

4) Ly: Niết Bàn vượt qua sanh tử.

D- Dưới đạo có bốn hành: Đạo, chánh, tích, thừa. 1) Đạo: Đạo phẩm (có 37 khoa) có thể đưa đến Niết Bàn.

2) Chánh: Đạo phẩm không phải pháp điên đảo.

3) Tích: Đạo phẩm là chỗ của thánh nhân thực hành. 4) Thừa: Đạo phẩm có thể chở người tu sang bờ giải thoát.

Người tu hành thực tập 16 hạnh này để quán sát rõ ràng Tứ Đế thì có được Chánh Kiến.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Luận Đại Thừa Một Trăm Pháp Minh Môn

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook