Lưỡng Đô Ký Sự

Chương 15: Điềm lành

Lục Ngộ

05/05/2021

Thiên mệnh vô thường,

duy hữu đức giả cư chi

Đường Oanh không biết mình nên tiếp thu loại cảm xúc này như thế nào. Kiếp trước nàng là cô nhi, những năm tháng thơ ấu sống ở cô nhi viện, tới năm bảy tuổi mới được cha mẹ nuôi nhận về, không bao lâu sau cha mẹ sinh một người con trai, sự tồn tại của nàng trong gia đình cũng không tránh khỏi đôi phần khó xử. Có gia đình lại chẳng có người thân, không thiếu thốn lẻ loi nhưng cũng chẳng được quan tâm bao bọc, đến cùng, nàng vẫn là tự luyện thành một thói quen, thói quen tự đối tốt, tự làm người thân của chính bản thân mình.

Kiếp trước của nàng không có chấp niệm, cũng không có kỳ vọng quá đỗi lớn lao, nếu như có một người tới bên nàng, nàng cũng sẽ chỉ mong có thể có được một đời bình an vui vẻ, ở bên nhau sống những ngày yên ấm vui vẻ.

Kiếp này, Hoàng hậu lại chẳng hề báo trước, dẫn nàng vào một thế giới nàng chưa từng tới, cho nàng sự dịu dàng nàng chưa từng trải qua, cho nàng sự quan tâm nàng chẳng dám kỳ vọng. Mà Đường Oanh hận tuổi còn quá nhỏ, sức lực non nớt, không có khả năng báo đáp đền ơn.

Đường Oanh ngả vào vòng tay của Hoàng hậu, thanh hương quanh quẩn. Hoàng hậu đọc thư, từng chữ từng chữ thoảng qua tai nàng, khiến cho tâm tư nàng dần dần an ổn. Nàng dựa sát Hoàng hậu, cánh tay nhỏ bé vòng qua ôm lấy eo người kia. Đường Oanh đã hạ quyết tâm, phần ân tình này, đợi khi nàng trưởng thành, nhất định sẽ báo đáp. Nàng định sẵn mình sẽ trở thành tán dù, vì mẫu hậu mà che đi hết thảy mưa gió sương tuyết.

Đường Oanh đã rời Cô Tô ba bốn năm, theo lý mà nói, phu phụ Tĩnh Viễn quận vương phải có rất nhiều điều muốn nói với đứa con gái này mới phải, cuối cùng, thư lại chỉ có hai ba trang. Lại nghĩ, vừa tròn một tuổi nàng đã bị tách khỏi gia đình, cho dù là huyết mạch tình thân, e rằng cũng không tránh được sự xa cách. Vả lại Đường Oanh được đưa vào cung nuôi dạy, mặc cẩm y, dùng ngọc thực, nhiều lời lo lắng dặn dò ngược lại thành ra đang oán trách Hoàng đế nuôi dạy không chu toàn.

Cuối thư có một tin mừng, viết rằng Tĩnh Viễn quận vương phi đã có thai.

Hoàng hậu đọc xong xuôi, chậm rãi gấp bức thư lại như cũ, xoa xoa đầu nhỏ đang dựa trong lòng mình, lại cúi xuống nhìn, thấy đứa trẻ đang mỉm cười cũng không nhịn được mà trêu ghẹo: "Có đệ đệ tranh giành tình thương của cha nương với ngươi, sao lại vui vẻ đến như thế?"

Dù là trai hay gái, đứa trẻ nhỏ nào cũng sẽ có cảm giác chiếm hữu không muốn xa rời cha mẹ, cũng không muốn chia sẻ cha mẹ mình với ai khác. Trong mắt Hoàng hậu, Đường Oanh cũng chỉ là một đứa trẻ năm tuổi mà thôi, nào biết được Đường Oanh lúc này còn đang thấy vui mừng cho phu phụ Tĩnh Viễn quận vương, cuối cùng cũng có một nam nhi trong nhà rồi. Lo lắng trong đáy lòng tiêu tán, nàng đã định sẵn không thể quay về, vậy thì sau này hai lão nhân gia có người ở bên hiếu kính bầu bạn, đương nhiên là việc đáng mừng thay.

Mỗi lúc được Hoàng hậu xoa đầu, Đường Oanh có thói quen rướn đầu hùa theo, nom đứa trẻ này không khác gì con mèo nhỏ. Lúc này đứa trẻ ngả trong vòng tay Hoàng hậu, cánh tay vòng qua ôm lấy vòng eo nhỏ, chợt đăm chiêu nhìn nhìn, rồi nói, ngữ điệu đơn thuần vô cùng: "Nhưng nơi này không có đệ đệ, muội muội cũng không có." Thực lòng mà nói, Đường Oanh không biết nên đánh giá người phụ hoàng này như thế nào, muốn khen mội tiếng 'thâm tình', thế nhưng hắn lạnh nhạt với đương kim Hoàng hậu đến bậc này, liệu có thể nói là 'tra nam' hay không? Nhưng có một điều, ấy là quả đúng Hoàng đế đối với Tiên hoàng hậu, một lòng tình thâm nghĩa trọng.

Nhẫn Đông đứng một bên nghe thế, nhịn không được mà bật cười. Hoàng hậu nghe lời ngây ngốc kia cũng chỉ có thể bất đắc dĩ: "Ta đang nói Quận vương phi, là a nương của ngươi."

"Mẫu hậu cũng là a nương của con." Lời này là lời chân thành thật lòng, là lời phát ra từ tâm can phế phủ.

So với 'mẫu hậu', hai chữ 'a nương' thiếu đi phần lễ nghi nghiêm cẩn, nhiều mấy phần thân mật gần gũi. Hoàng hậu thế mà lại cũng không biết nên đáp ra sao. Lại thấy đứa trẻ nắm lấy cổ tay mình, rồi chỉ chỉ vào lồng ngực, thanh âm non nớt ngọt vô cùng: "A nương, ngài thử áp tay vào đây xem."



Rõ ràng là lời nói của trẻ con, ấy thế mà nghe vào tai lại cảm thấy thực đáng tin, thậm chí còn cảm thấy có thể... dựa vào. Hoàng hậu nhìn, ánh mắt kia thanh thuần mà chân thành. Nàng không đoán ra ý tứ, cũng chầm chậm đưa tay lên, lòng bàn tay chạm lớp vải viên lĩnh, áp lên lồng ngực đứa trẻ. Ánh mắt tràn đầy nghi hoặc, Hoàng hậu nhìn Đường Oanh, hỏi: "Như vậy?" Nàng còn đang nghĩ tới việc có nên mời Thương Tán tới Vị Ương cung nói chuyện hay không, đứa trẻ này rất chăm tới Văn Uyên các đọc sách, cũng không biết đã tìm được cuốn giang hồ dị bản, võ lâm truyền kỳ gì rồi, bây giờ hành động lời lẽ còn đáng ngờ như vậy.

Đường Oanh gật đầu, cười vô hại: "A nương, trong tim con chỉ có mình ngài, trong mắt con cũng chỉ có mình ngài, người khác không thể so sánh, sao có thể vì có đệ đệ mà buồn bực không vui được?" Những lời ngây ngô, những việc ngốc nghếch, đều là để có thể nói ra được lời này. Đường Oanh biết mình còn nhỏ, chuyện có thể làm dược không nhiều, chỉ có thể dùng lời nói để bày tỏ tấm lòng biết ơn mà thôi. Hoàng hậu chuẩn mực từ việc làm cho tới lời nói, Đường Oanh cũng hiểu rằng lời nói phải đi đôi với việc làm, nếu không, thà rằng đừng nói. Mà lúc này Đường Oanh nói những lời kia, cũng đã tự định sẵn không phải là lời nói suông.

Nghe lời ấy, Hoàng hậu ngẩn ra trong chốc lát, ánh mắt càng lúc càng ấm lên. Rút tay về, nàng che miệng khẽ ho một tiếng, dời ánh mắt nhìn sang hướng khác: "Tuổi còn nhỏ mà miệng lưỡi đã trơn tru." Miệng nói lời răn dạy, vành tai hồ như đã hồng lên, Đường Oanh chống cằm, ngước mắt mà nhìn.

Hai người trò chuyện cười nói, trên đầu trời xanh thoáng mây, bốn bề cảnh xuân tươi đẹp. Không khí nhàn nhã thanh thản như thế, trong hành lang phía ấy lại có một nội thị đi tới, chắc chắn là mang theo tin tức chẳng mấy tốt lành. Nội thị này, tên Từ Cửu Cửu, tự xưng dưỡng tử của Ngự tiền Tổng quản Từ Đức Hải. Từ Đức Hải là nội thị hầu hạ sát bên Hoàng đế, địa vị đương nhiên không tầm thường, nội thị trẻ tuổi mới nhập cung, xem ra là có mấy phần thức thời, gọi hắn một tiếng 'cha', cũng không quản Từ Đức Hải có nhận tiếng 'cha' này hay không.

Đế - Hậu gọi là phu thê, nhưng là phu thê trên danh nghĩa, có danh mà không có thực. Không có tình cảm, quan hệ xa cách, Hoàng hậu chưởng quản Kim bảo và Phượng ấn, cung nhân mới cũ đi ở cũng là qua tay nàng, từ trong đám người ấy chọn ra vài người hiểu chuyện nhạy bén, dâng lên vị trí Ngự tiền cũng không khó.

Từ Cửu Cửu đi tới, thi lễ với Hoàng hậu, rồi mới thi lễ với Thất điện hạ. Bẩm với Hoàng hậu: "Điện hạ, Trùng Vân Tử kia phán rằng Cảnh tinh đang chiếu, mây lành trời quang, lại bói toán ra rằng có Bạch Hổ ngụ trong núi Chung Sơn. Nói, chính mình vào núi tìm kiếm, quả đúng là nhìn thấy trong núi có một con Bạch Hổ, trong miệng ngậm một viên ngọc thạch đỏ rực, ngửa đầu gầm vang."

Trùng Vân Tử chính là đạo sĩ mà vị cữu cữu Nhan Tốn kia của Đường Oanh đã tiến cử với Hoàng đế. Kiếp trước Đường Oanh thích đọc sách vở, kiếp này ra sức chăm chỉ học tập tu dưỡng, đọc càng nhiều sách vở hơn, nghiền ngẫm cổ văn, nhìn chữ Khải không thiếu. Nghe nội thị bẩm thế, nàng cũng phần nào hiểu ý tứ của Trùng Vân Tử. Cảnh tinh, mây lành trời quang, Bạch Hổ, ngọc thạch, đây đều là điềm lành. Trùng Vân Tử đã nói chính mắt hắn nhìn thấy, dù người nghe không tin cũng khó lòng phản bác – thứ nhất, không có chứng cứ minh bạch rõ ràng; thứ hai miệng lưỡi của Trùng Vân Tử lợi hại, Hoàng đế rồi cũng sẽ tin.

Có điều, xét thấy, điềm lành này quá sức mơ hồ không rõ.

Sử ký, Cao Tổ bản kỷ[1], chép – Lưu Bang trảm Bạch Xà, lại nghe nhi tử của Xích đế giết nhi tử của Bạch Đế, từ ấy, chém rắn mà dấy binh[2]. Loạn thế tự khắc sinh anh hùng, thuận theo mệnh trời, sẽ có chân mệnh thiên tử cứu vớt bá tính khỏi nước sôi lửa bỏng. Phụ hoàng của Đường Oanh đăng cơ là do kế vị từ Tiên đế, thân phận thiên tử không cần phải chứng minh, không cần phải kinh qua thời loạn thế chiến trường, thứ cần phải chứng minh chính là tài trị quốc an dân. Hướng Vân Tử thêu dệt nên một câu chuyện, Hoàng đế tình nguyện tin tưởng, khen ngợi mấy câu, thưởng một chức quan, mang chuyện này vào sử sách, liền thành – 'Thiên mệnh vô thường, duy hữu đức giả cư chi'[3].

[1] Sử ký Tư Mã Thiên, phần về Hán Cao Tổ, tức, Lưu Bang.

[2] Tích kể Lưu Bang và quân của mình đã gặp phải một còn mãng xà hung ác hại người, bèn giết nó, hôm sau lại gặp phải một bà già khóc bên đường. Người của Lưu Bang hỏi tại sao, bà trả lời: "Con tôi, con trai của Bạch đế, bị giết chết bởi con trai của Xích đế", rồi biến mất một cách bí ẩn. Nghe được câu chuyện này, người của Lưu Bang tin rằng ông có chân mệnh đế vương.

[3]: (Cổ văn) Ý tứ rằng mỗi người đều có vận mệnh khác nhau, sang hèn cao thấp riêng biệt, chỉ có người có đức, thuận lòng trời mới có thể làm quốc quân.

Đạo sĩ như Trùng Vân Tử, dựa vào trường phái tư tưởng Âm Dương gia của Trâu Diễn[4], thuyết ngũ hành âm dương từ thời Xuân Thu - Chiến Quốc cho tới nay, triều đại nào cũng có. Trùng Vân Tử không những nhìn thấy Bạch Hổ, hắn còn thấy Bạch Hổ ngậm ngọc, mà ngọc này lại là hồng ngọc. Tấn triều lấy Hỏa Đức làm mệnh chủ, liệu chăng chi tiết này nghe vào tai càng đáng tin? Đường Oanh nghĩ thầm, Bạch Hồ ngửa đầu gầm vang, không khéo viên ngọc kia cũng rơi xuống, rồi Trùng Vân Tử nhặt được, trình lên Hoàng đế cũng không chừng.



[4]: Một trong những học phái chủ lưu tại Trung Quốc vào thời Xuân Thu - Chiến Quốc, sáng lập bởi Trâu Diễn, lấy thuyết Âm dương - Ngũ hành làm tôn chỉ.

Tâm linh tương thông, Đường Oanh đang nghĩ đã thấy Hoàng hậu hỏi: "Còn ngọc thạch đâu?"

Từ Cửu Cửu khom lưng cúi đầu: "Khoảng một khắc sau khi Trùng Vân Tử nhập điện diện thánh, Bệ hạ đã phái Đại thống lĩnh Thân Vệ quân Lưu Đạc dẫn người tới núi Chung Sơn cung nghênh ngọc thạch rồi."

Nếu Hướng Vân Tử đã muốn trình ngọc lên, trên ngọc chắc chắn phải có chữ, tỷ như – 'Đế nghiệp Vĩnh Xương' chẳng hạn. Từ Cửu Cửu là nội thị, một chữ bẻ đôi cũng không biết, lại chỉ là kẻ nô tài, Hoàng hậu cũng không làm khó hắn, vậy là thưởng cho chút bạc, rồi phất tay cho lui. Trùng Vân Tử muốn một chức quan, không khó, cũng không có gì đáng ngại, nhưng hắn lại là người của Nhan Tốn. Ý đồ của Nhan Tốn, Hoàng hậu quá sức rõ ràng. Điềm lành này có thể trước mắt Hoàng đế sẽ còn nghi ngờ, nhưng rồi càng lúc sẽ càng lung lay.

Thiết huân luyện đan, Hoàng đế càng dựa vào Nhan Tốn và Trùng Vân Tử, Trữ vị sẽ càng nghiêng về phía Lâm Xuyên quận vương.

Tin tức trong nội cung chẳng thể lập tức truyền tới tai quần thần, cho nên các vị đại thần chính khách – lúc này vẫn chẳng hề hay biết chuyện gì đã xảy ra.

Ngày Hưu Mộc, Tiêu Thận, Sở vương, Thương Tán, cùng với Lại bộ Thượng thư Vương Bạc Viễn ngồi thuyền du hồ.

Đào buông liễu rủ dọc bên bờ, sóng hồ trong vắt gợn lăn tăn, người bình thi họa người đánh cờ.

Sở vương ngồi bên ngoài rèm che, tay cầm bầu rượu, vô cùng nhàn nhã khoái hoạt. Trên đầu chợt có mây đen kéo tới, che khuất khoảng trời xanh thăm thẳm, hắn nhìn, có phần mất hứng, bèn buông cần câu trong tay, đứng dậy phủi vạt viên lĩnh, bước chân có chút lảo đảo. Nô bộc đứng bên vén rèm, Sở vương bước vào bên trong.

Thương Tán và Tiêu Thận đang ngồi trong đánh cờ, coi Sở vương như không khí. Sở vương xách bầu rượu, ngồi xuống bên Thương Tán, hương rượu tỏa khắp: "Thương Tán lão nhân, ngài chấp chưởng quản lý Văn Hoa điện, thấy mấy đứa chất tôn[5] của ta thế nào?"

[5]: Cháu họ.

- -- Hết chương 14 ---

Editor mạn đàm: Mấy đứa cháu của Sở vương gia ngài, một đứa trong ấy đã biết nói lời ngon ngọt dễ nghe rồi ????

Và càng lúc càng thích cái không khí của truyện, vừa giống một chương sử ký, vừa giống như một bài thơ Đường.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Lưỡng Đô Ký Sự

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook