Lưu Công Kỳ Án

Chương 112: Nơi triều phòng, kêu oan rửa sạch hận Cửu long thành, phân xử rõ thị phi

Chân Tàng Bản

28/03/2014

Bần mạc ưu sầu, phú mạc khoa,

Tùy thụy trường bần cửu phú gia

Thảo mộc kinh thu hoàng diệp lạc.

Mỗi ngộ xuân lai hựu phát nha.

Dịch thơ:

Giàu chớ khoe khoang, khó chớ sầu

Ai người giàu mãi hoặc nghèo lâu

Thu sang cây cỏ vàng rơi lá

Xuân đến mầm xanh lại nhú đầu.

Lại nói chuyện Nhị lạt ma nói:

- Lưu thí chủ, Lưu Thống Huân cha ngài vốn là lão thần ba triều, xin từ quan, Hoàng thượng không cho. Lưu lão đại nhân là người trung thần thời nay, không muốn để ba anh em ngài làm quan vì sợ ba anh em ngài sau khi làm quan sẽ tham ô nhận hối lộ, để lại tiếng xấu, làm hỏng thanh danh của cha ngài. Ông ta về nhà, ngồi trong thư phòng, nghĩ ra một kế tuyệt diệu, cho gọi ba anh em ngài tới thư phòng, nói: "Ngày mai hãy mặc quần áo đỏ lên điện, Vạn tuế gia sẽ ban cho tước". Hai người anh của ngài nóng lòng muốn được làm quan, đã mắc phải kế của cha ngài. Canh năm hôm sau, cha ngài lên điện, dâng một bản tấu, viết: "Nay có ba tên phản tặc, phụng mệnh ngoại bang xin được vào yết kiến thánh thượng để bày kế phản gián. Ba tên này đều mặc áo đỏ. Nếu chúng vào triều, xin chớ để chúng kịp nói gì, lập tức sai thị vệ lôi cả ba đứa ra ngoài, chém đi là xong. Thần tất cả chỉ vì chuyện nghĩ kế an bang, khiến quốc thái, dân an nên mới làm vậy." Hoàng thượng tin là thực, chuẩn y bản tấu của cha ngài. Khi trời còn chưa sáng hẳn, anh cả, anh hai của ngài đã mặc áo đỏ vào triều, xin được diện kiến thánh giá, một lòng mong được thăng quan, ban tước. Chẳng ngờ còn chưa được lên điện, Hoàng thượng đã nổi trận lôi đình lệnh cho thị vệ bắt trói hai kẻ mặc áo đỏ lại, lôi ra ngoài ngọ môn xử chém. Đám thị vệ tuân chỉ, chém đầu hai người ấy. Lưu thí chủ khi ấy cũng mặc áo đỏ, định lên điện phân giải, hỏi xem hai người anh của ngài tại sao lại bị chém đầu? Còn chưa kịp vào gặp Hoàng thượng, đã bị thị vệ bắt lấy, đẩy ra Ngọ môn, trói vào cột, đợi hành hình. Có một vị thái giám hay tin, vội chạy vào cung bẩm rõ với Hoàng thái hậu trong cung Khánh Thọ. Hoàng thái hậu hay tin, vô cùng kinh hãi, vội vã tới ngõ Chợ rau, tháo chuỗi hột ra, đeo vào cổ Lưu thí chủ, lại dặn ngài rằng: "Sẽ không có bất kỳ một thanh đao nào, thanh kiếm nào dám chém vào cổ Lưu Dung". Rồi nhận ngài làm con nuôi. Xem ra, chỗ dựa của ngài còn vững hơn cả Quốc Thái. Nếu ngài không nhận đơn kiện, chắc chắn ngài đã bị Quốc Thái mua chuộc, hoặc ngài có làm điều gì mờ ám. Thực đáng để người đời nghi ngờ, chê cười lắm".

Lưu lại bộ nói:

- Nhị sư phụ, ông không cần dùng lời châm chọc tôi, tôi nhận lá đơn kiện này là xong chứ gì?

Nhị lạt ma nói:

- Lưu đại nhân đã nhận đơn kiện của con nuôi tôi thì tôi xin giao nó cho ngài chăm sóc. Nếu xảy ra chuyện gì, chúng ta sẽ tính sổ với nhau.

Lưu lại bộ nghe vậy, mỉm cười nói:

- Nhị sư phụ, xin ngài yên tâm. Lưu mỗ đâu phải loại người ấy.

Nhị lạt ma nghe vậy, trong lòng vui mừng, tạm biệt Lưu lại bộ, ra ngoài Ngọ Môn, lên xe trở về chùa.

Lại nói Lưu lại bộ dặn dò Lưu An, Trương Thành dẫn Tả Liên Thành lui xuống, dặn dò nói:

- Chăm sóc cho cẩn thận, chớ làm khó dễ nó.

Hai người ứng tiếng:

- Dạ! rồi dẫn Tả Liên Thành đi ra.

Lại nói chuyện Lưu lại bộ ngồi trong triều phòng, trong lòng thầm căm hận Quốc Thái. Chợt thấy từ ngoài Ngọ Môn, một viên đại thần bước vào. Trước ông ta là hai ngọn đèn lồng, trên đó viết: "Chưởng quản bốn mươi tám vạn hộ kinh binh bộ quân thống lĩnh Cửa môn đề đốc Hòa". Thì ra Hòa Thân đã vào triều. Lưu lại bộ chợt thấy cái lưng gù của mình kêu lục cục, lập tức nảy ra một kế.

Quý vị độc giả hẳn còn chưa biết: Cái lưng gù của Lưu đại nhân thực là một món bảo bối. Trong đó chứa bảy mươi hai hạt ngọc quý. Hễ nó vang lên tiếng động, lập tức ông ta nảy ra kế lạ.

Lại nói chuyện Lưu lại bộ thấy Hòa Thân tiến vào gian triều phòng phía Tây, lập tức cất tiếng gọi:

- Hòa đại nhân, ngài hãy qua bên này. Ta ngồi đây thực buồn quá. Thầy trò ta ngồi nói chuyện một chút, không biết có được không?

Hòa Thân nghe vậy, trong lòng chợt nghĩ thầm:

- Thầy đã gọi, ta không thể không tới: Nếu không tới, trách tội ta, ta thực không thể gánh vác nổi. Ta đành phải tới đó, chỉ cần xác định rõ lập trường, quyết không để mắc lừa là được.

Trong lòng nghĩ vậy, chân bước sang gian triều phòng phía Đông, gặp Lưu công, miệng nói:

- Bẩm thầy, học trò Hòa Thân xin có lời thỉnh an.

Chắc hẳn quý vị sẽ nói:

- Hừ, sao Hòa Thân lại phải gọi Lưu lại bộ là thầy?

Quý vị hẳn còn chưa biết. Hai người bọn họ trong cung, hàng ngày lên điện dâng bản tấu. Hết Lưu trung đường dâng tấu hạch tội Hòa Thân lại tới Hòa Thân dâng tấu hạch tội Lưu lại bộ khiến cho Vạn tuế gia vô cùng khó xử. Nếu nghe theo bản tấu của Lưu trung đường xét tội của Hòa Thân thì Hòa Thân là Cửu môn Đề đốc, trưởng quản bốn mươi tám vạn quân trong kinh thành, lại là thủ tướng, vốn là người thân tín nhất của Hoàng thượng. Còn nếu tin theo bản tấu của Hòa Thân, Lưu trung đường là con nuôi của lão Thái hậu, cũng không thể sờ tới. Chi bằng giải hòa cho cả hai người. Rồi Vạn tuế gia giáng một đạo thánh chỉ, lệnh cho Hòa Thân phải bái Lưu Dung làm thầy, sai Lưu Dung nhận Hòa Thân làm trò. Nếu sau này còn lên đại điện dâng bản tấu hạch tội lẫn nhau nữa thì Hòa Thân sẽ bị khép vào tội phạm thượng. Do đó, Hòa Thân mới phải tới chào Lưu Dung.

Lưu lại bộ nói:

- Hòa đại nhân, mời ngồi!

Hai thầy trò cùng ngồi xuống. Lưu lại bộ cất tiếng ho khan. Hòa Thân khẽ giật mình, nghĩ thầm: "Lưu Dung ngươi muốn bày kế gì thì bày. Ta quyết không để mắc bẫy đâu". Chẳng còn cách nào khác đành phải hỏi:

- Hà cớ gì thầy phải ho hắng, thở than như vậy?



Lưu lại bộ nói:

- Quan trong triều, ai được coi là người lớn nhất?

Hòa Thân nghe vậy cười, nói:

- Thầy lẫn mất rồi! Luận về quan chức trong triều, thầy trò ta được coi là đứng đầu.

Lưu lại bộ nói:

- Nay đâu giống như khi xưa. Nay thầy trò ta không phải là người cao nhất nữa rồi.

Hòa Thân hỏi:

- Kẻ nào đòi lên trên thầy trò ta?

Lưu lại bộ nói:

- Nay người cao nhất phải kể tới em họ của ngài. Vạn tuế gia cho phép ông ta cưỡi ngựa vào triều, chưa tới thềm vàng, chưa phải xuống ngựa. Gặp bá quan văn võ trong triều, cửu khanh, tứ tướng, bát đại triều thần đều không thèm chào, mặt vênh vênh tự đắc.

Hòa Thân mỉm cười nói:

- Em họ của trò là Quốc Thịnh gặp bá quan văn võ trong triều, có thể nó không chào. Nhưng nếu gặp thầy trò ta, chắc chắn phải xuống ngựa!

Lưu lại bộ nói:

- Nếu ông ta gặp thầy trò ta vẫn không xuống ngựa, đại nhân và ta cũng chẳng thể làm gì!

Hòa Thân nói:

- Thưa thầy, trò bảo hắn sẽ xuống ngựa. Nếu thầy nói hắn không xuống ngựa chào, thầy trò ta thử sẽ biết ngay.

Lưu lại bộ hỏi:

- Thử thế nào?

Hòa thủ tướng nói:

- Nếu thấy thầy trò ta mà hắn xuống ngựa, coi như thầy đã thua, trò đã thắng. Thầy sẽ mời đoàn kịch lớn nhất kinh thành tới trước cửa nhà trò ca hát hai ngày liền. Ăn uống, tiêu phí hết bao nhiêu, thầy sẽ phải trả. Nếu hắn gặp thầy trò ta mà không xuống ngựa, coi như thầy thắng, trò đã thua. Trò sẽ mời đoàn kịch lớn nhất kinh thành tới trước cửa nhà thầy ca hát hai ngày. Mọi món ăn uống, chi tiêu hết bao nhiêu sẽ do trò trả.

Lưu lại bộ nghe vậy, mỉm cười nói:

- Thì ra chỉ là chút cá cược ấy thôi sao? Nhỏ quá.

Hòa thủ tướng nói:

- Nếu thầy còn chê cá cược như vậy là nhỏ. Thầy trò ta sẽ treo giải thế này vậy. Nếu ai thua, sẽ mất ba túi đầy bạc cho người thắng. Thế nào?

Lưu lại bộ nghe vậy, nói:

- Ngài là thủ tướng, lại là cửu môn đề đốc, trong tay có bốn mươi tám vạn quân hộ kinh. Tới kỳ lĩnh lương, mỗi binh sĩ chỉ cần nộp cho ngài một, hai phân bạc là ngài đã có dư số tiền ấy rồi Còn ta, ngay cả tiền mua rau cho phủ cũng còn không có không chơi vậy.

Hòa Thân hỏi:

- Theo ý thầy thì phải cá thế nào?

Lưu lại bộ nói:

- Theo ý ta, phải cược bằng đầu người.

Hòa thủ tướng nghe vậy, khẽ rùng mình, nghĩ thầm:

- Cược bằng đầu người vốn là cược cực lớn. Ta và Quốc Thịnh vốn là anh em họ, nếu gặp ta, nhất định hắn sẽ xuống ngựa. Nếu ta thắng, tức là đã thắng được đầu của gã gù. Xem hắn ăn nói với ta sao đây?

Nghĩ xong liền nói:

- Thầy đã muốn đánh bằng đầu người, môn sinh xin đánh bằng ấn Đề đốc. Ta đánh cược nhé!

Lưu công nói:

- Nào, nào, nào! Chúng ta hãy vỗ tay.

Hòa Thân đưa tay ra, "bốp" một cái. Hai người vỗ tay với nhau. Lưu công nói:



- Cuộc cá cược này của hai ta đã quyết. Tay cũng đã vỗ rồi. Nhưng còn một việc nữa. Ngài với Quốc Thịnh là anh em họ. Nếu khi ông ta tới, ngài nhìn vào mặt ông ta, nháy mắt hoặc nhếch môi ra hiệu, tất ông ta sẽ hiểu ý. Hai ta cược với nhau, ông ta tất phải xuống ngựa. Vậy là ta đã bị thua oan rồi. Nhất thiết ông phải quay mặt về hướng Bắc, không được phép quay đầu lại. Đợi xem ông ta tới có xuống ngựa hay không? Vậy mới quyết được ai thua, ai thắng. Như vậy mới được coi là công bằng.

Hòa Thân gật đầu đồng ý.

- Không lâu sau đã nghe có tiếng vó ngựa vọng tới. Thì ra Quốc Thịnh đến. Hai thầy trò lập tức ngồi quay mặt về hướng Bắc. Quốc Thịnh nghênh ngang cưỡi ngựa vào triều. Thấy bên triều phòng phía Đông, anh họ và Lưu gù đều đang ngồi quay mặt về hướng Bắc, không biết họ đang bày trò gì với nhau. Vốn hiểu Lưu gù tính tình cổ quái, nên cách xa, chẳng nên gần. Quốc Thịnh bèn giật cương, thúc ngựa thẳng vào điện Kim Loan. Lưu lại bộ nói:

- Hòa thủ tướng, ông thua tôi rồi. Ông thấy không, Quốc Thịnh dương dương tự đắc, đi ngang qua hai ta.

Hòa Thân nghe vậy, thấy Quốc Thịnh đã đi qua mình, bất giác nổi giận đùng đùng, miệng kêu vang:

- Quốc Thịnh vô lễ, coi thường anh họ.

Miệng kêu, chân chạy vọt ra khỏi gian triều phòng phía Đông, đuổi theo Quốc Thịnh. Tới gần, vung tay tóm lấy Quốc Thịnh, lôi tuột xuống khỏi lưng ngựa khiến Quốc Thịnh bị đau, miệng không ngớt kêu la, nói:

- Anh họ, sao kéo tôi ngã xuống khỏi lưng ngựa. Ngã đau chết mất. Sao anh lại làm vậy?

Hòa Thân nói:

- Ta kéo ngươi xuống ngựa bởi vì ngươi vô lễ. Dám nghênh ngang cưỡi ngựa đi qua, trong mắt chẳng coi người anh họ ra gì.

Quốc Thịnh nói:

- Hoàng thượng trọng dụng, phong cho anh làm thủ tướng, còn tôi cưỡi ngựa vào triều bởi vì được Hoàng thượng ban ân. Cửu khanh, tứ tướng không ai chê tôi vô lễ, duy chỉ có một mình Hòa Sĩ Long anh trách tôi. Anh ép tôi quá đáng. Hai ta hãy tới trước mặt Hoàng thượng, nhờ người phân xử xem ai đúng, ai sai?

Nói xong, hai người kéo nhau lên điện.

Đúng lúc này vang lên hai tiếng roi đen đét. Hoàng đế Càn Long lên triều. Chợt thấy Quốc Thịnh, Hòa Thân đang lôi kéo nhau phía dưới, quỳ cả xuống dưới thềm son. Hòa Thân hô vang:

- Bẩm chúa thuợng! Quốc Thịnh vô lễ, gặp anh họ mà không chịu xuống ngựa, trong mắt không coi vương pháp ra gì.

Quốc Thịnh cũng quỳ xuống miệng hô:

- Bẩm chúa thượng. Thần thừa Hoàng ân cho phép được cưỡi ngựa vào triều. Hòa Thân vô lễ, kéo thần ngã xuống khỏi lưng ngựa, khiến thần bị ngã, bị thương khắp mình. Xin chúa thượng phân giải giúp.

Hoàng đế Càn Long nghe xong, sắc mặt giận dữ, nói:

- Con ngựa Quốc Thịnh cưỡi là do trẫm ban cho. Hòa Thân giữ chức thủ tướng mà coi thường kỷ cương, chẳng khác nào tội khi quân . Cách chức thủ tướng, lôi ra Ngọ Môn xử tội .

Đám hiệu úy vội vàng xông lên, lột bỏ áo mũ của Hòa Thân, trói lại, đẩy ra ngoài Ngọ Môn.

Chợt thấy Lại bộ thị lang Lưu Dung tay cầm xâu chuỗi, chầm chậm bước lên điện, miệng hô vang:

- Vạn tuế!

Rồi quỳ phục xuống thềm vàng, nói:

- Thần Lưu Dung có một bản tấu mồm, xin tấu lên Thánh thượng. Vùng Sơn Đông ba năm liền gặp thiên tai, không chút thu hoạch, lê dân lầm than, thây phơi đầy nội. Tuần phủ Sơn Đông là Quốc Thái lại dâng bản tấu về kinh, dối vua làm điều tệ hại, tàn hại lê dân, thúc đóng thuế gấp, lạm sát mười ba cử nhân, giám sinh của nhà nước. Thần bất tài cũng nguyện bảo hộ cho Hòa khanh, xin cho ông ta cùng thần tới Sơn Đông bắt Quốc Thái về trị theo phép nước. Nay có tiến sĩ Tả Đô Hằng người thôn Tả gia trang ở phía Tây thành, huyện Ân, thuộc phủ Đông Xương tỉnh Sơn Đông, nguyện thay dân chúng huyện Ân nộp thuế. Quốc Thái vu cho tiến sĩ tội mua chuộc lòng người, có ý làm phản nên đã giết tiến sĩ thị chúng. Hành vi ngông cuồng thể hiện quá rõ. Nay có đơn kiện của Tả Liên Thành làm bằng chứng, mong thánh thượng ngự lãm.

Rồi hai tay dâng lá đơn kêu oan lên. Hoàng đế Càn Lãnh đọc xong lá đơn kiện, lệnh cho Lưu Dung dẫn Tả Liên Thành lên điện, đích thân thẩm vấn. Lưu lại bộ lĩnh chỉ, lui xuống điện. Tới triều phòng lệnh cho Lưu An, Trương Thành dẫn Tả Liên Thành tội, dặn dò:

- Thánh thượng tuyên gọi cháu vào điện. Ta muốn cháu hãy vững tâm, chớ nên sợ hãi. Báo thù cho cha chính là lúc này đây.

Tả Liên Thành luôn miệng vâng dạ. Lưu công tiến dẫn Tả Liên Thành tới Cửu Long đình, quỳ xuống. Hoàng đế Càn Long lệnh cho Tả Liên Thành tiến lên mấy bước, thấy chú bé dâng đơn kiện tuổi mới độ mười một, mười hai, thiên đình đầy đặn, địa các tròn, mày thanh mắt sáng, răng trắng, môi hồng, trong lòng thầm nghĩ:

- Đứa bé này mai sau tất thành bậc kỳ tài.

Hoàng thượng hỏi mấy câu, Tả Liên Thành đều trả lời trôi chảy. Lúc này, Lưu lại bộ quỳ dưới thềm vàng, miệng hô:

- Bẩm thánh thượng. Xin hãy hạ chỉ cho phép thần tới Sơn Đông tra xét Quốc tuần phủ. Xin tha cho Hòa thủ tướng, phục hồi quan chức, để ông ta giúp thần tra xét rõ vụ này, lập công chuộc tội.

Hoàng đế Càn Long chuẩn tấu, lập tức hạ một đạo thánh chỉ xá tội cho Hòa Thân, truyền dẫn ông ta lên triều. Hòa Thân lên điện, tạ ân tha mạng. Hoàng đế Càn Long ra chỉ dụ:

- Hòa Thân vô lễ khi quân, tội đáng bị chém. Nay có lại bộ thượng thư là Lưu Dung dâng tấu bảo đảm. Lệnh cùng Lưu lại bộ tới Sơn Đông tra xét dân tình, lập công chuộc tội, phục hồi chức cũ, khâm thử.

Hòa Thân tạ ân, cùng Lưu Dung lui xuống điện. Lại ban cho Lưu Dung Thượng phương bảo kiếm, Vương mệnh kỳ, Tam nhật đồng tắc, có quyền tiền trãm hậu tấu, thấy Vương kỳ như thấy Hoàng thượng. Lưu Dung tạ ân, lui xuống. Bãi triều. Lưu Dung và Hòa Thân tới gian triều phòng phía Đông. Hòa Thân tạ ân thầy bảo lãnh. Lưu lại bộ nói:

- Hoàng thượng lệnh cho thầy trò ta xuống Sơn Đông tra xét chuyện dân chúng bị mất mùa. ông hãy tới Sơn Đông trước. Dọc đường đi ta còn phải dò xét chuyện trong dân. Thầy trò ta sẽ đợi nhau tại công quán phủ Tế Nam.

Bàn bạc xong xuôi, hai người chia tay, ai về phủ nấy, chọn ngày lành tháng tốt, vào triều xin chỉ thị xong xuôi. Hai thầy trò mỗi người dẫn theo một đám chấp sự cùng rời kinh. Binh mã, kiệu phu đi ra hướng cổng chính Nam. Qua phố lớn, phố nhỏ, qua cầu treo cùng ngồi uống trà. Qua quán hướng Tân, nhìn thấy tòa bảo tháp của huyện Lương Hương. Nghỉ lại trong công quán của huyện Lương Hương một đêm. Sáng hôm sau, cơm nước xong xuôi, Lưu công nói:

- Hai thầy trò ta chia tay tại đây. Ngài đi trước một bước, ta chầm chậm theo sau, còn phải tra xét chuyện trong dân.

Không biết chuyện sau này ra sau. Mời quý vị xem tiếp phần sau.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Lưu Công Kỳ Án

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook