Miếu Hoang

Chương 54: " Cái bình "

Trường Lê

18/02/2022

Ông Vọng đờ đẫn sau lời nói của thầy Lương, đã xảy ra nhiều chuyện, nhưng đây là lần đầu tiên thầy Lương tỏ vẻ bất lực đến như vậy. Chỉ vừa mới thoát được nạn nước nhiễm độc, còn chưa vui mừng được bao lâu thì lại tiếp tục xảy ra tai họa mới. Là cháu nội của Cao Côn, vậy mà giờ đây ông Vọng phải đấm ngực kêu trời bởi nếu thực sự đám Tiểu Quỷ kia là do Cao Côn tạo ra thì ông ta không phải là con người nữa, ông ta chính là một con quỷ đội lốt người. Và ông Vọng cảm thấy đau đớn khi mình mang dòng máu của quỷ.

Lúc này thầy Lương nói:

- - Nếu muốn thực sự tìm hiểu về đám Tiểu Quỷ ấy, chỉ còn một cách duy nhất đó là dựa vào bác trưởng làng mà thôi. Tôi có một điều thắc mắc, cha mẹ bác trưởng làng khi giao bác cho bố mẹ nuôi, chẳng lẽ họ không để lại cho bác một tín vật gì hay sao...?

Ông Vọng đáp:

- - Điều này tôi thực sự không biết, bởi tận đến thời điểm này tôi mới biết được sự thật rằng tôi không phải con ruột của hai ông bà.

Thầy Lương hiểu, bố mẹ ông Vọng, có lẽ vì lo lắng cho tính mạng của ông nên họ nhất quyết giấu kín tất cả toàn bộ sự thật. Cho dù kể cả khi họ nhắm mắt xuôi tay họ cũng không tiết lộ cho ông Vọng bất cứ một điều gì. Nếu họ đã làm như vậy thì cho dù cha mẹ đẻ của ông Vọng trước khi chết có giao lại tín vật, chỉ e họ cũng không nói ra. Nhưng chẳng lẽ nuôi ông Vọng khôn lớn đến từng ấy năm, họ không có một ghi chép hay bộc bạch gì hay sao....?

Nhưng đó là trước kia, khi ông Vọng chưa biết xuất thân, nguồn gốc của mình....Còn bây giờ, mọi thứ đã rõ ràng, dựa vào tấm phổ truyền, dựa vào vớt bớt, và cả việc ông Vọng có thể hóa giải được bùa yểm của Cao Côn thì mọi thứ đã khác.

Thầy Lương nói tiếp:

- - Bác Vọng này, trước nay đã bao giờ bác tìm kiếm thứ gì mà hai ông bà để lại hay chưa...? Kiểu như ghi chép hay đồ vật gia bảo chẳng hạn.

Ông Vọng lắc đầu:

- - Nhà tôi cũng đâu phải giàu có gì, cũng lao động cực khổ lắm mới đủ ăn. Nên bố mẹ tôi khi mất đi cũng chỉ để lại cho tôi được ngôi nhà cùng mảnh vườn kia. Đến cái bát, cái đĩa ngày ấy còn sứt mẻ chứ nói gì của gia bảo với vật tổ truyền. Nhưng sao thầy lại hỏi điều này..?

Thầy Lương đáp:

- - Mặc dù hai ông bà đã giấu đi toàn bộ sự thật về xuất thân của trưởng làng, nhưng tôi không nghĩ là ông bà lại không có ghi chép hay lưu lại một thứ gì đó để ghi nhớ chuyện này. Bởi gốc gác của một người là thứ vô cùng quan trọng, điều ông bà làm chắc chắn vì lo cho sự an nguy của bác Vọng, bởi thời điểm đó, dân làng Văn Thái muốn giết chết toàn bộ Cao Gia, sẽ ra sao nếu họ biết, máu mủ của Cao Gia vẫn còn sống. Chính vì vậy cả hai ông bà đều sống để bụng, chết mang theo, tuy nhiên họ không thể nào để mọi chuyện chôn vùi theo từng ấy năm như vậy được. Bởi vậy tôi mới hỏi trưởng làng xem trước khi mất, hai ông bà có trăn trối hay có giao cho bác vật gì hay không...? Biết đâu họ lưu lại một thứ bí mật ở đâu đó.

Ông Vọng đăm chiêu suy nghĩ, bố mẹ ông cũng đã mất khá lâu, mẹ ông mất trước bố ông 2 năm. Quả thực giờ để mà nhớ lại ông Vọng không nhớ được rõ ràng, ông chỉ biết lúc mẹ ông mất, bà không trăn trối gì cả, bà ra đi rất thanh thản và nhẹ nhàng. Bố ông thì đau ốm nên trước khi mất, ông cụ đau đớn hơn, ông cụ nằm mê man trên giường phải đến 1 tháng sau mới nhắm mắt xuôi tay.

Bất chợt ông Vọng giật mình, cái đêm trước khi bố ông mất. Lúc đó ông thấy bố mình lên cơn co giật, sau đó bất thình lình ông cụ ngồi bật dậy. Lúc đó ông Vọng đang năm ngay dưới đất để trông bố. Nhìn cảnh tượng đó ông Vọng cũng giật mình không biết làm sao. Rồi, ông cụ đưa tay về phía ông Vọng, hướng đôi mắt nhăn nhúm, nhưng ướt đẫm lệ nhìn ông Vọng. Nắm chặt lấy tay bố, ông Vọng thốt lên:

- - Thầy, thầy thấy trong người thế nào.

Những ngón tay của ông cụ cố siết lấy bàn tay ông Vọng, miệng ông cụ khẽ mấp máy nhưng chỉ nói được đúng 2 từ rồi ông cụ gục xuống rồi mất.



Ông Vọng nói ra miệng:

- - Cái bình.....

Thầy Lương ngạc nhiên hỏi:

- - Bác trưởng làng nhớ được gì rồi sao...?

Ông Vọng trả lời vội vã:

- - Tôi....tôi không rõ lắm......Nhưng....nhưng hình như trước khi chết....bố tôi có nhắc đến " Cái Bình " thì phải...?

Thầy Lương không hỏi ngay mà cố đợi cho ông Vọng định thần lại thêm một chút nữa, ông Vọng nheo mày, nhăn trán cố gắng lục lại toàn bộ ký ức từ thời xa xưa một lần nữa, nhưng rốt cuộc, thứ mà ông được nghe trước khi bố mình qua đời chỉ vỏn vẹn đúng hai từ " Cái Bình " mà thôi.

Ông Vọng đứng phắt dậy, ông đảo mắt nhìn quanh các góc nhà, nhìn cả dưới gầm tủ, gầm giường...Trong nhà có vài cái bình, cái hũ đã cũ.

Thấy vậy thầy Lương hỏi:

— Phải chăng là họ đã để thứ gì đó trong bình.?

Ông Vọng đáp:

— Tôi cũng không biết nữa, nhưng nếu vậy thì phải tìm đã. Lúc đó ông cụ nằm trên giường kia, mắt hướng về phía trước. Cả tháng trời bố tôi đau ốm nằm liệt giường không nói được câu nào. Khi ấy ông cụ nói xong thì nhắm mắt, xuôi tay. Tôi quá đau buồn nên cũng không để ý đến lời nói cuối cùng của cụ nữa. Đến tận hôm nay, khi thầy phân tích tôi mới nhận ra, chắc hẳn bố tôi nhắc đến cái bình là có lý do.

Cả thầy Lương cũng vội phụ giúp một tay, nhưng lục tung cả 3 cái bình trong nhà cũng chẳng phát hiện được gì. Thực ra nhắc đến cái bình thì ông Vọng cố gắng tìm mà thôi, chứ mấy cái bình để góc nhà bao năm qua, trong đó để gì sao ông không biết. Toàn đựng chai lọ linh tinh chứ có gì đâu.

Tìm một lúc sau không thấy gì, ông Vọng thở dài:

— Chẳng có gì cả, bố mẹ tôi lúc mất cũng chẳng có đồ đạc gì để lại. Cả đời ông bà làm ruộng, làm gì có thứ gì quý giá hay vật tổ truyền gì đâu. Xem ra không có rồi.

Thầy Lương an ủi ông Vọng:

— Bác trưởng làng đừng vội, mọi chuyện không nên nóng vội, dục tốc bất đạt. Trong lúc đầu óc bấn loạn, con người sẽ không suy nghĩ được sâu xa. Đúng như lời bác nói, ông cụ khi nói đến cái bình chắc hẳn là có ý đồ gì đó. Bác trưởng làng bình tâm, suy nghĩ thật kỹ lại xem mình có nhớ được chi tiết nào hay không. Nhà trên, nhà bếp tìm thật kỹ một lần nữa. Biết đâu lại thấy được tâm ý của các cụ.



Lúc này đã là 7h sáng, bên ngoài trời đã sáng hẳn, hôm nay thời tiết khá mát mẻ, 7h nhưng chưa có nắng. Thầy Lương cả đêm không ngủ, nhưng giờ thầy đeo tay nải lên, chuẩn bị đi đâu đó.

Ông Vọng hỏi:

— Thầy định đi đâu sao..?

Thầy Lương gật đầu:

— Vâng, tôi muốn ra khu vực giếng làng một chút. Có một chuyện tôi cần phải làm ngay.

Ông Vọng đáp:

— Thầy có cần tôi đi cùng không..? Mà thầy ra đó làm gì vậy ạ..?

Thầy Lương trả lời:

— Ban đầu tôi cũng tính nhờ bác trưởng làng đi cùng. Bởi dù sao tôi cũng không phải người làng. Nhưng bác trưởng làng ở nhà tìm hiểu xem " Cái Bình" mà ông cụ nói ở đâu hay mang ý nghĩa gì thì hơn. Tôi đi một mình cũng được. Còn lý do tại sao tôi lại ra đó thì chính là, tôi chưa thể tìm ra cách trấn áp đám Tiểu Quỷ kia, nhưng tôi cần phải cứu lấy linh hồn của cô bé Mị. Khi một người chết đi, trong 7 ngày đầu tiên là thời điểm quan trọng nhất của phần hồn. Hiện hồn phách của cô bé đang bị quỷ chiếm đoạt. Muốn cô bé sau này có đường siêu thoát thì phải giải thoát được hồn phách của cô bé khỏi đám quỷ đó. Chuyện chôn cất tôi đã có dự liệu, nhưng nếu không cứu được hồn phách của cô bé thì mọi chuyện đổ sông, đổ bể. Hôm nay đã bước sang ngày thứ 3 rồi. Không còn nhiều thời gian nữa. Đó chính là 1 trong 2 lý do mà tôi muốn 5 ngày sau mới chôn cất họ. Xương cốt của cậu Mạnh tôi cũng đã rửa sạch sẽ bằng rượu gừng và sắp xếp ngay ngắn cẩn thận trong bọc vải kim tuyến để trong thau đồng bên dưới chân giường bác trưởng làng. Đó cũng là thứ quan trọng....Thôi, tôi đi đây.

Ông Vọng nhớ kỹ những lời mà thầy Lương dặn dò rồi tiễn thầy Lương ra cổng. Còn một chuyện mà thầy Lương chưa nói cho ông Vọng biết, đêm hôm qua khi đám Tiểu Quỷ xuất hiện, chúng đi tới từ hướng Tây, là hướng vào làng, sau đó trước khi gà gáy, chúng cũng biến mất về hướng đó.

Vừa rảo bước trên con đường đất, thầy Lương vừa nghĩ:

" Chắc chắn ở hướng Tây phải có một thứ gì đó. Đất của làng này quá rộng, thật khó để xác định được xem chúng đến từ địa điểm nào. "

Nhớ lại ngày đầu tiên đặt chân vào làng, lúc ấy, thầy Lương có ghé vào quán nước chè bên dưới gốc đa để trú mưa. Cây đa đó rất lớn, nếu đình làng tồn tại cả trăm năm nay thì cây đa ấy còn có tuổi đời lâu hơn nữa.

Đã đi đến giếng làng, nhìn làn nước trong vắt dưới giếng, soi bóng mình trong nước, đột nhiên thầy Lương chợt nhận ra một điều cực kỳ quan trọng, thầy Lương lẩm bẩm:

- - Thực sự như vậy sao....? Thôi đúng rồi, vậy mà ta không nhận ra. Tất cả, tất cả những thứ này đều mang một ý nghĩa riêng biệt, nhưng chúng lại là một thể thống nhất.

Một chiếc lá từ cây lộc vừng bị gió thổi rơi xuống giếng khiến cho mặt nước khẽ lay động, bóng hình của thầy Lương in dưới nước dần mờ đi bởi gợn nước lăn tăn. Thầy Lương nhắm mắt lại, ông ngẫm nghĩ điều gì đó một hồi lâu, khi thầy Lương mở mắt ra, ông khẽ nói:

- - Nếu đúng như vậy thì....Cao Côn.....Khả năng của ông thật đáng sợ, tiếc là ông lại quá độc đoán, ích kỷ, khiến bản thân đi vào tà đạo.....Thật tiếc thay, tiếc thay.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Miếu Hoang

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook