Chương 1: Rét nàng bân
Hương Thị
19/08/2020
Bắt đầu là sự nóng lạnh thất thường của thời tiết, khiến giấc ngủ chập chờn càng trở nên khó khăn hơn. Rồi thì đến những... bản tin dự báo thời tiết. Thế là, có thể đợt rét cuối cùng trong mùa tràn về. Rét nàng Bân.
Hồi bé, đến khoảng cuối mùa xuân, khi ngồi trong phòng ấm, bên ánh đèn vàng, nghe gió thổi hun hút ngoài hiên, bao giờ mẹ tôi cũng chép miệng: “Thế là rét nàng Bân đã về. Sớm hơn thì đã chả hỏng mùa hoa xoài, hoa vải”. Rồi bao giờ mẹ cũng ngâm nga: “Nàng Bân may áo cho chồng/ May ba tháng ròng chưa được ống tay...” và không quên câu nạt: “Mấy đứa con gái chúng mày, không biết đan lát thêu thùa nội trợ thì cũng đến ế chồng, bố mẹ chả làm trận rét cuối mùa được như cho con gái nhà trời đâu”. Nghe thế, lũ chúng tôi đều rụt cổ lại, cười le lưỡi.
Sau đợt gió mùa mạnh mẽ chóng đến chóng đi, thể nào ra ngoài ngõ cũng thấy hoa xoan tím, hoa gạo đỏ rụng bời bời, chúng tôi tha hồ nhặt chơi đồ hàng. Lại nghe bà hàng xóm đã già, rất già than thở: “Bao giờ cho đến tháng ba/ Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn”. Vì là đợt rét “em út”, nên ai cũng mong nó đến sớm, để kết thúc mùa rét, để thời tiết giao mùa chỉ còn là se se, và đón một mùa mới về. Còn với người già, cứ một mùa rét qua đi là thấy nhẹ lòng. Sức già được bao nhiêu mà chống chịu với giá buốt, mưa phùn. Một mùa qua đi, cũng như thêm một tuổi trời.
Bây giờ, tháng ba Hà Nội hiếm hoi lắm mới thấy bóng hoa gạo. Gốc gạo già bên hồ Gươm hình như lâu lắm chẳng còn bung hoa nữa. May ra chỉ ở đền chùa hay khu vực ngoại thành. Đến xa như chùa Thầy ở mạn Quốc Oai, hàng gạo đỏ nổi tiếng trong các bức ảnh xưa cũng mỗi năm một thưa vắng. Còn xoan tím thi thoảng mới thấy lấp ló nhạt nhòa trong vô vàn loài cây khác. Dường như, hoa xoan, hoa gạo là loài hoa quê kiểng, nhắc đến đã thấy xa xôi, diệu vợi nên chẳng chọn chốn trú ngụ là thành phố ồn ào, náo nhiệt. Hoa xoan, hoa gạo đã lẫn vào ký ức như câu thơ đẹp đến nao lòng thuở “chân quê” ngày nào: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”.
Bạn trẻ Hà Nội ngày nay, cứ mỗi tháng ba về là trong lòng lại dấy lên một nỗi mong chờ rất... Hà Nội. Đó là chờ hoa sưa nở. Không hiểu sao, màu trắng đến độ tinh khiết của hoa sưa chỉ thấy đẹp và hợp trong khung cảnh mưa gió và sương giăng mờ ảo. Hễ trời nắng trong xanh, loài hoa ấy cũng vẫn đẹp nhưng có vẻ bớt gợi nên cảm xúc về một vẻ đẹp đến độ mong manh. Trong cái rét cắt da, những chiếc áo mưa tùm hụp đủ màu sắc bỗng đi chậm lại, rồi hé ra những đôi mắt trong veo trước một gốc cây bung nở trắng muốt tinh khôi. Rồi thì trên mặt đường Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng,... hay rải rác đây đó khắp Hà Nội đều ướt át nhưng được trải những khoảnh hoa trắng mỏng manh như ngọc, trước khung cảnh ấy, khó mà cầm lòng cho được. Đẹp, đẹp quá. Chả thế, trong vô vàn ký ức, trong vô vàn tình yêu, rất nhiều nỗi nhớ của người ở, người đi hay người một lần được đến, được ngắm Hà Nội tháng ba đều thoáng chút hoa sưa, mong manh đấy mà tha thiết, bền lâu vô cùng.
Trong cơn mưa rét, hoa ban đường Bắc Sơn và đường ven hồ Tây cũng bừng khoe sắc thắm, làm nền trời ảm đạm được thắm tươi đôi chút. Khi những cánh hoa đào cuối cùng đã rụng, khi hoa cúc, hoa hồng vẫn mải miết trôi đi trên phố, thì mùa hoa ban, loài hoa mang đầy hơi thở núi rừng bao năm nay bám rễ sâu vào đất Thủ đô, hòa mình vào cuộc sống nơi đây và giữ cho mình một góc trong tâm hồn người Hà Nội.
Đi trên những con đường ấy, tôi vẫn nuôi trong mình ao ước, giá như khắp Hà Nội này, sẽ có những con đường chỉ trồng riêng hoa sưa, riêng hoa ban, thì Hà Nội sẽ trở nên đẹp, nhiều điểm nhấn hơn rất nhiều mỗi tháng ba về.
_
Hồi bé, đến khoảng cuối mùa xuân, khi ngồi trong phòng ấm, bên ánh đèn vàng, nghe gió thổi hun hút ngoài hiên, bao giờ mẹ tôi cũng chép miệng: “Thế là rét nàng Bân đã về. Sớm hơn thì đã chả hỏng mùa hoa xoài, hoa vải”. Rồi bao giờ mẹ cũng ngâm nga: “Nàng Bân may áo cho chồng/ May ba tháng ròng chưa được ống tay...” và không quên câu nạt: “Mấy đứa con gái chúng mày, không biết đan lát thêu thùa nội trợ thì cũng đến ế chồng, bố mẹ chả làm trận rét cuối mùa được như cho con gái nhà trời đâu”. Nghe thế, lũ chúng tôi đều rụt cổ lại, cười le lưỡi.
Sau đợt gió mùa mạnh mẽ chóng đến chóng đi, thể nào ra ngoài ngõ cũng thấy hoa xoan tím, hoa gạo đỏ rụng bời bời, chúng tôi tha hồ nhặt chơi đồ hàng. Lại nghe bà hàng xóm đã già, rất già than thở: “Bao giờ cho đến tháng ba/ Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn”. Vì là đợt rét “em út”, nên ai cũng mong nó đến sớm, để kết thúc mùa rét, để thời tiết giao mùa chỉ còn là se se, và đón một mùa mới về. Còn với người già, cứ một mùa rét qua đi là thấy nhẹ lòng. Sức già được bao nhiêu mà chống chịu với giá buốt, mưa phùn. Một mùa qua đi, cũng như thêm một tuổi trời.
Bây giờ, tháng ba Hà Nội hiếm hoi lắm mới thấy bóng hoa gạo. Gốc gạo già bên hồ Gươm hình như lâu lắm chẳng còn bung hoa nữa. May ra chỉ ở đền chùa hay khu vực ngoại thành. Đến xa như chùa Thầy ở mạn Quốc Oai, hàng gạo đỏ nổi tiếng trong các bức ảnh xưa cũng mỗi năm một thưa vắng. Còn xoan tím thi thoảng mới thấy lấp ló nhạt nhòa trong vô vàn loài cây khác. Dường như, hoa xoan, hoa gạo là loài hoa quê kiểng, nhắc đến đã thấy xa xôi, diệu vợi nên chẳng chọn chốn trú ngụ là thành phố ồn ào, náo nhiệt. Hoa xoan, hoa gạo đã lẫn vào ký ức như câu thơ đẹp đến nao lòng thuở “chân quê” ngày nào: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”.
Bạn trẻ Hà Nội ngày nay, cứ mỗi tháng ba về là trong lòng lại dấy lên một nỗi mong chờ rất... Hà Nội. Đó là chờ hoa sưa nở. Không hiểu sao, màu trắng đến độ tinh khiết của hoa sưa chỉ thấy đẹp và hợp trong khung cảnh mưa gió và sương giăng mờ ảo. Hễ trời nắng trong xanh, loài hoa ấy cũng vẫn đẹp nhưng có vẻ bớt gợi nên cảm xúc về một vẻ đẹp đến độ mong manh. Trong cái rét cắt da, những chiếc áo mưa tùm hụp đủ màu sắc bỗng đi chậm lại, rồi hé ra những đôi mắt trong veo trước một gốc cây bung nở trắng muốt tinh khôi. Rồi thì trên mặt đường Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng,... hay rải rác đây đó khắp Hà Nội đều ướt át nhưng được trải những khoảnh hoa trắng mỏng manh như ngọc, trước khung cảnh ấy, khó mà cầm lòng cho được. Đẹp, đẹp quá. Chả thế, trong vô vàn ký ức, trong vô vàn tình yêu, rất nhiều nỗi nhớ của người ở, người đi hay người một lần được đến, được ngắm Hà Nội tháng ba đều thoáng chút hoa sưa, mong manh đấy mà tha thiết, bền lâu vô cùng.
Trong cơn mưa rét, hoa ban đường Bắc Sơn và đường ven hồ Tây cũng bừng khoe sắc thắm, làm nền trời ảm đạm được thắm tươi đôi chút. Khi những cánh hoa đào cuối cùng đã rụng, khi hoa cúc, hoa hồng vẫn mải miết trôi đi trên phố, thì mùa hoa ban, loài hoa mang đầy hơi thở núi rừng bao năm nay bám rễ sâu vào đất Thủ đô, hòa mình vào cuộc sống nơi đây và giữ cho mình một góc trong tâm hồn người Hà Nội.
Đi trên những con đường ấy, tôi vẫn nuôi trong mình ao ước, giá như khắp Hà Nội này, sẽ có những con đường chỉ trồng riêng hoa sưa, riêng hoa ban, thì Hà Nội sẽ trở nên đẹp, nhiều điểm nhấn hơn rất nhiều mỗi tháng ba về.
_
Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net
Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.