Chương 16: Xôi sắn đầu đông
Hương Thị
19/08/2020
Cơn gió mùa đông bắc đầu tiên tràn về kéo theo những đợt mưa đông rét buốt. Những thân sắn gân guốc rụng trơ cẳng khẳng khiu quanh bờ rào chao đảo ngả nghiêng. Mẹ bảo: “Đến lúc rồi”. Ấy là khi nhà tôi “vào mùa” xôi sắn.
Sắn trồng rất dễ. Chọn hôm mưa mát trời, cắm vài đoạn hom xuống đất mềm ẩm, vài ngày sau đã thấy trồi mầm. Cây sắn cứ lấn từng đốt một mà lên, lẩn vào những găng, những dâu, những cúc tần và cả những cây vô danh ở hàng rào, bạc thếch bụi đường. Chả biết có phải đất đỏ là đất sắn không, nhưng chẳng hàng luống gì, chẳng chăm bón gì, nhưng khi cần nấu xôi, bé lon ton như tôi ra nắm lấy thân cây sắn, hăm hở lay một hồi là củ ngang củ dọc đã bật hết cả lên. Gặp những chỗ đất tốt, nhiều mùn, củ sắn to như bắp đùi, tôi vác lặc lè như vác con lợn con vậy. Cầm con dao mỏng, khẽ xoáy những vòng xoắn dọc theo thân củ, tách nhẹ là lớp vỏ xù xì, đỏ quạch đất ba dan bong ra, thịt sắn trắng nõn nà, nạc sần sật. Cứ một giống sắn ấy gây trồng từ năm này qua năm khác nên sắn nhà tôi rất bở và ngon. Cắt ngang sắn thành những khoanh tròn rồi, phải ngâm sắn vào chậu nước trong cho bớt nhựa, “chả ăn ngay vì độc lắm”, mẹ tôi bảo vậy.
Xong “công đoạn” sắn là đến việc chuẩn bị chõ đồ xôi. Nhà đông con nên mẹ đã sắm sẵn một chiếc chõ rất to. Gạo nếp, đỗ xanh thì đã ngâm sẵn với nước dừa từ trước. Kể ra ngâm được với nước dừa non thì ngọt và thơm hơn, nhưng gió mùa đông bắc rét như cắt, lại thổi phần phật thế, mẹ không dám cho tôi mạo hiểm leo chót vót lên tận ngọn cây dừa để hái quả. Tôi thì vẫn tự hào lắm mỗi khi trèo lên đến ngọn cây cao hơn cả nóc nhà, nhìn xuống thấy cả nhà đang xuýt xoa trầm trồ “Đúng là chuột có khác, leo trèo giỏi quá”. Ngồi trên các bẹ lá, tôi đạp từng quả dừa non xuống, hét mọi người tránh ra như chỉ huy một đoàn quân... tránh đạn. Chẳng phải là đạn, mà là bom, bom thật. Vì quả dừa vừa to vừa nặng, rơi trúng đầu ai chỉ có nước... ngửa cổ cười từ ngày này sang ngày khác. Sau màn hò hét, sau những tiếng “bịch, bịch” và tiếng đếm dừa, mọi người chia nhau chạy ra khắp vườn để nhặt dừa rụng thì tôi lần mò từng tí một, tay vòng ôm chưa hết thân cây, bụng sát vào da cây nham nháp, đầy kiến và bọ, nhích từng tí một để xuống đến gốc. Trèo xuống khó hơn trèo lên, bao giờ cũng thế, hái xong vài quả dừa, người ngợm tôi bê bết bẩn.
Nhưng đấy là mùa hè, khi trời nóng nực, cần vài quả dừa để giải khát và bỏ vài túm muối lên bẹ cho dừa ra quả sai và to. Còn thứ dừa để nấu xôi sắn bây giờ chính là loại dừa đã khô, vỏ dai và cứng như đá, thi thoảng lại tự rụng bịch xuống đất, nảy lên lóc cóc vài vòng. Cả nhà chỉ mình tôi trèo được lên tận ngọn cây, cũng chỉ có mình tôi biết bổ dừa. Lạ thế. Đứa trẻ bé tẹo, tay yếu như tôi mà biết băm dọc thân quả, dùng tay nhẹ nhàng xé từng lớp xơ dày và dai, sau đó đục lỗ, lấy nước và tách cùi dừa nhanh như biểu diễn trước con mắt đầy thán phục của cả anh, cả chị lớn hơn tôi rất nhiều. Chung quy cũng tại hay ăn hay làm thì hay biết mà thôi.
Gạo nếp, đỗ xanh ngâm bằng nước dừa khô, tuy không ngọt lắm nhưng được cái béo ngậy. Gạo, đỗ vớt ra để khô rồi, rắc thêm vài hạt muối, lần lượt cho vào chõ cùng với những khúc sắn và những miếng dừa nạo nhỏ dài như sợi bún. Sau đó lấy nước ngâm gạo làm nước thổi xôi. Khi nồi xôi bắt đầu phịt khói thì mở nhanh vung, tưới lên trên chút nước cốt dừa được chắt bóp từ những sợi dừa khác mang giã nhỏ. Gió mùa đông bắc cứ thổi, mùi thơm của gạo nếp, đỗ xanh, nước dừa, củ sắn quện vào nhau tỏa ra mỗi lúc một đậm khiến người hiếu động nhất là tôi cũng đã phải về bó chân bên chiếc bếp điện có thanh may-xo đỏ lừ, nuốt nước bọt và đợi. Mẹ vừa nấu vừa giải thích: “Xôi sắn không nấu bằng củi, lại càng không được dùng dầu hoặc than để đun vì sẽ mất mùi thơm. Nấu xôi sắn cũng không được đảo vì sẽ vỡ nát hết các khoanh sắn. Cứ thế đợi thôi. Từ từ, dần dần cho các vị ngấm vào nhau, cái ngon không thể vội được”.
Như để giết thời gian, mẹ lại ngược về thuở bao cấp và tem phiếu. Nhà ba đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn (lúc ấy đương nhiên tôi còn bé, ở với bà nội ở quê), chút thịt cá tiêu chuẩn chẳng đủ, cứ phải ăn sắn, ăn khoai độn thêm. Rồi giai đoạn vừa hết bao cấp, lương cũng chỉ đủ để mua sắn, mua khoai. Khoai thì củ sâu củ hà, nhiều rủi ro, vả lại ăn nhanh đói hơn nên mẹ phải lựa chọn mua sắn, vừa rẻ hơn vừa no lâu, chắc dạ. Phải cái ăn sắn dễ say. Bao giờ câu cửa miệng của mẹ dặn trước khi các anh chị tôi đi học cũng là: “Nếu có nhức đầu, buồn nôn thì bảo cô giáo cho uống nước đường, không được uống thuốc cảm nhé”. Thế rồi câu nói ấy trở thành “khẩu quyết” của hầu hết các bậc phụ huynh trong vùng. Ăn nhiều sắn đến nỗi ngán, đến nỗi sợ. Đến nỗi các anh chị tôi thà đói chứ không chịu ăn sắn nữa. Thế là mẹ phải nghĩ ra cách giã sắn lấy bột làm bánh. Đầu tiên làm bánh mặn, nghĩa là bột giã xong trộn nước và muối, nặn thành cái, hấp trên vỉ. Bánh không nhân, đặc quánh, chán lè. Thế là chuyển sang bánh ngọt, trộn bột với đường, nướng hoặc sang hơn thì rán với mỡ trên chảo. Cũng chỉ được vài lần là chán. Cuối cùng, bữa ấy trong nhà chỉ còn vài củ sắn, vài hạt gạo nếp, một chút đỗ xanh và mảnh dừa nhỏ cô hàng xóm vừa cho. Luộc sắn ăn không đủ, nấu cháo gạo nếp đỗ xanh ăn cũng không đủ. Dừa có miếng bé tẹo, kho lên ai ăn ai đừng. Thế là mẹ nghĩ đến món xôi sắn. Mấy thứ đó gộp cả vào, làm thành một nồi.
Giờ thì tôi đã hiểu. Nồi xôi sắn ấy tại sao lại giúp cả nhà tôi vượt qua thời khốn khó, tại sao lại hiện diện như đặc sản cả khi đã hết nghèo rồi. “Chín rồi đấy”, khi mẹ vừa nói vừa mở vung nồi, một thứ mùi thơm rất khó gọi tên, hấp dẫn vô cùng ập vào khứu giác, đậm nhưng không quá sực nức, ngòn ngọt nhưng không quá ngấy và ấm nhưng không quá nóng khiến những cái mũi cùng nở ra một lúc. Và đây, bát xôi sắn bốc hơi nghi ngút đã bầy ra trước mắt. Hạt gạo nếp nở to như trứng kiến, đỗ xanh vàng tươi bên cạnh những khúc sắn trắng đục, những sợi dừa dài mướt. Lùa một miếng, nhai khe khẽ, thấy cả khứu giác, vị giác được thưởng thức cùng một lúc. Béo béo bùi bùi, ngọt ngọt thơm thơm, ngậy ngậy, giòn giòn, mềm mềm, bở tơi, dẻo quánh, tất cả chỉ vừa độ khiến ai nấy đều muốn ăn hết bát này đến bát khác. Nhất là khi vừa đi đâu đó ngoài gió lạnh về, bát xôi sắn làm cái bụng ấm dần lên, lại thêm cái cảm giác chặt chợm và no đủ. Chính vì thế, xôi sắn ăn chơi cũng được, mà ăn thành bữa chính cũng được.
Ấy vậy mà, ăn xôi sắn phải cảnh giác. Tôi đã từng vui mồm quá đà đến mức no căng, đầy bụng, ậm ạch đến tận bữa sau. Cũng có lúc, ngoạm miếng sắn to, tôi nghẹn bứ cổ. Càng sau này càng lớn, vừa ăn vừa ngẫm tôi mới thấy, cái nồi xôi sắn ấy nó có đủ triết lí bên trong. Này nhé, nó là thứ tưởng chừng của nhà nghèo, nhưng cũng đầy tinh tế, nghệ thuật. Nó cũng nhắc người ta ăn phải từ tốn, chừng mực. Nhiều lúc, ăn phải miếng “trối” sắn nhằn nhặn, lại dặn lòng mình “khi ngọt bùi phải nhớ đến lúc đắng cay”. Chẳng biết có phải thế thật, hay là tôi quá yêu, quá thích mà nghĩ thế. Chỉ biết, mùa đông này, lại thèm những “mùa xôi sắn” đã xa xôi nhiều lắm.
_________________
Sắn trồng rất dễ. Chọn hôm mưa mát trời, cắm vài đoạn hom xuống đất mềm ẩm, vài ngày sau đã thấy trồi mầm. Cây sắn cứ lấn từng đốt một mà lên, lẩn vào những găng, những dâu, những cúc tần và cả những cây vô danh ở hàng rào, bạc thếch bụi đường. Chả biết có phải đất đỏ là đất sắn không, nhưng chẳng hàng luống gì, chẳng chăm bón gì, nhưng khi cần nấu xôi, bé lon ton như tôi ra nắm lấy thân cây sắn, hăm hở lay một hồi là củ ngang củ dọc đã bật hết cả lên. Gặp những chỗ đất tốt, nhiều mùn, củ sắn to như bắp đùi, tôi vác lặc lè như vác con lợn con vậy. Cầm con dao mỏng, khẽ xoáy những vòng xoắn dọc theo thân củ, tách nhẹ là lớp vỏ xù xì, đỏ quạch đất ba dan bong ra, thịt sắn trắng nõn nà, nạc sần sật. Cứ một giống sắn ấy gây trồng từ năm này qua năm khác nên sắn nhà tôi rất bở và ngon. Cắt ngang sắn thành những khoanh tròn rồi, phải ngâm sắn vào chậu nước trong cho bớt nhựa, “chả ăn ngay vì độc lắm”, mẹ tôi bảo vậy.
Xong “công đoạn” sắn là đến việc chuẩn bị chõ đồ xôi. Nhà đông con nên mẹ đã sắm sẵn một chiếc chõ rất to. Gạo nếp, đỗ xanh thì đã ngâm sẵn với nước dừa từ trước. Kể ra ngâm được với nước dừa non thì ngọt và thơm hơn, nhưng gió mùa đông bắc rét như cắt, lại thổi phần phật thế, mẹ không dám cho tôi mạo hiểm leo chót vót lên tận ngọn cây dừa để hái quả. Tôi thì vẫn tự hào lắm mỗi khi trèo lên đến ngọn cây cao hơn cả nóc nhà, nhìn xuống thấy cả nhà đang xuýt xoa trầm trồ “Đúng là chuột có khác, leo trèo giỏi quá”. Ngồi trên các bẹ lá, tôi đạp từng quả dừa non xuống, hét mọi người tránh ra như chỉ huy một đoàn quân... tránh đạn. Chẳng phải là đạn, mà là bom, bom thật. Vì quả dừa vừa to vừa nặng, rơi trúng đầu ai chỉ có nước... ngửa cổ cười từ ngày này sang ngày khác. Sau màn hò hét, sau những tiếng “bịch, bịch” và tiếng đếm dừa, mọi người chia nhau chạy ra khắp vườn để nhặt dừa rụng thì tôi lần mò từng tí một, tay vòng ôm chưa hết thân cây, bụng sát vào da cây nham nháp, đầy kiến và bọ, nhích từng tí một để xuống đến gốc. Trèo xuống khó hơn trèo lên, bao giờ cũng thế, hái xong vài quả dừa, người ngợm tôi bê bết bẩn.
Nhưng đấy là mùa hè, khi trời nóng nực, cần vài quả dừa để giải khát và bỏ vài túm muối lên bẹ cho dừa ra quả sai và to. Còn thứ dừa để nấu xôi sắn bây giờ chính là loại dừa đã khô, vỏ dai và cứng như đá, thi thoảng lại tự rụng bịch xuống đất, nảy lên lóc cóc vài vòng. Cả nhà chỉ mình tôi trèo được lên tận ngọn cây, cũng chỉ có mình tôi biết bổ dừa. Lạ thế. Đứa trẻ bé tẹo, tay yếu như tôi mà biết băm dọc thân quả, dùng tay nhẹ nhàng xé từng lớp xơ dày và dai, sau đó đục lỗ, lấy nước và tách cùi dừa nhanh như biểu diễn trước con mắt đầy thán phục của cả anh, cả chị lớn hơn tôi rất nhiều. Chung quy cũng tại hay ăn hay làm thì hay biết mà thôi.
Gạo nếp, đỗ xanh ngâm bằng nước dừa khô, tuy không ngọt lắm nhưng được cái béo ngậy. Gạo, đỗ vớt ra để khô rồi, rắc thêm vài hạt muối, lần lượt cho vào chõ cùng với những khúc sắn và những miếng dừa nạo nhỏ dài như sợi bún. Sau đó lấy nước ngâm gạo làm nước thổi xôi. Khi nồi xôi bắt đầu phịt khói thì mở nhanh vung, tưới lên trên chút nước cốt dừa được chắt bóp từ những sợi dừa khác mang giã nhỏ. Gió mùa đông bắc cứ thổi, mùi thơm của gạo nếp, đỗ xanh, nước dừa, củ sắn quện vào nhau tỏa ra mỗi lúc một đậm khiến người hiếu động nhất là tôi cũng đã phải về bó chân bên chiếc bếp điện có thanh may-xo đỏ lừ, nuốt nước bọt và đợi. Mẹ vừa nấu vừa giải thích: “Xôi sắn không nấu bằng củi, lại càng không được dùng dầu hoặc than để đun vì sẽ mất mùi thơm. Nấu xôi sắn cũng không được đảo vì sẽ vỡ nát hết các khoanh sắn. Cứ thế đợi thôi. Từ từ, dần dần cho các vị ngấm vào nhau, cái ngon không thể vội được”.
Như để giết thời gian, mẹ lại ngược về thuở bao cấp và tem phiếu. Nhà ba đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn (lúc ấy đương nhiên tôi còn bé, ở với bà nội ở quê), chút thịt cá tiêu chuẩn chẳng đủ, cứ phải ăn sắn, ăn khoai độn thêm. Rồi giai đoạn vừa hết bao cấp, lương cũng chỉ đủ để mua sắn, mua khoai. Khoai thì củ sâu củ hà, nhiều rủi ro, vả lại ăn nhanh đói hơn nên mẹ phải lựa chọn mua sắn, vừa rẻ hơn vừa no lâu, chắc dạ. Phải cái ăn sắn dễ say. Bao giờ câu cửa miệng của mẹ dặn trước khi các anh chị tôi đi học cũng là: “Nếu có nhức đầu, buồn nôn thì bảo cô giáo cho uống nước đường, không được uống thuốc cảm nhé”. Thế rồi câu nói ấy trở thành “khẩu quyết” của hầu hết các bậc phụ huynh trong vùng. Ăn nhiều sắn đến nỗi ngán, đến nỗi sợ. Đến nỗi các anh chị tôi thà đói chứ không chịu ăn sắn nữa. Thế là mẹ phải nghĩ ra cách giã sắn lấy bột làm bánh. Đầu tiên làm bánh mặn, nghĩa là bột giã xong trộn nước và muối, nặn thành cái, hấp trên vỉ. Bánh không nhân, đặc quánh, chán lè. Thế là chuyển sang bánh ngọt, trộn bột với đường, nướng hoặc sang hơn thì rán với mỡ trên chảo. Cũng chỉ được vài lần là chán. Cuối cùng, bữa ấy trong nhà chỉ còn vài củ sắn, vài hạt gạo nếp, một chút đỗ xanh và mảnh dừa nhỏ cô hàng xóm vừa cho. Luộc sắn ăn không đủ, nấu cháo gạo nếp đỗ xanh ăn cũng không đủ. Dừa có miếng bé tẹo, kho lên ai ăn ai đừng. Thế là mẹ nghĩ đến món xôi sắn. Mấy thứ đó gộp cả vào, làm thành một nồi.
Giờ thì tôi đã hiểu. Nồi xôi sắn ấy tại sao lại giúp cả nhà tôi vượt qua thời khốn khó, tại sao lại hiện diện như đặc sản cả khi đã hết nghèo rồi. “Chín rồi đấy”, khi mẹ vừa nói vừa mở vung nồi, một thứ mùi thơm rất khó gọi tên, hấp dẫn vô cùng ập vào khứu giác, đậm nhưng không quá sực nức, ngòn ngọt nhưng không quá ngấy và ấm nhưng không quá nóng khiến những cái mũi cùng nở ra một lúc. Và đây, bát xôi sắn bốc hơi nghi ngút đã bầy ra trước mắt. Hạt gạo nếp nở to như trứng kiến, đỗ xanh vàng tươi bên cạnh những khúc sắn trắng đục, những sợi dừa dài mướt. Lùa một miếng, nhai khe khẽ, thấy cả khứu giác, vị giác được thưởng thức cùng một lúc. Béo béo bùi bùi, ngọt ngọt thơm thơm, ngậy ngậy, giòn giòn, mềm mềm, bở tơi, dẻo quánh, tất cả chỉ vừa độ khiến ai nấy đều muốn ăn hết bát này đến bát khác. Nhất là khi vừa đi đâu đó ngoài gió lạnh về, bát xôi sắn làm cái bụng ấm dần lên, lại thêm cái cảm giác chặt chợm và no đủ. Chính vì thế, xôi sắn ăn chơi cũng được, mà ăn thành bữa chính cũng được.
Ấy vậy mà, ăn xôi sắn phải cảnh giác. Tôi đã từng vui mồm quá đà đến mức no căng, đầy bụng, ậm ạch đến tận bữa sau. Cũng có lúc, ngoạm miếng sắn to, tôi nghẹn bứ cổ. Càng sau này càng lớn, vừa ăn vừa ngẫm tôi mới thấy, cái nồi xôi sắn ấy nó có đủ triết lí bên trong. Này nhé, nó là thứ tưởng chừng của nhà nghèo, nhưng cũng đầy tinh tế, nghệ thuật. Nó cũng nhắc người ta ăn phải từ tốn, chừng mực. Nhiều lúc, ăn phải miếng “trối” sắn nhằn nhặn, lại dặn lòng mình “khi ngọt bùi phải nhớ đến lúc đắng cay”. Chẳng biết có phải thế thật, hay là tôi quá yêu, quá thích mà nghĩ thế. Chỉ biết, mùa đông này, lại thèm những “mùa xôi sắn” đã xa xôi nhiều lắm.
_________________
Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net
Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.