Chương 18
Patrick Suskind
22/10/2016
Cho nên nó vui vẻ học nghệ thuật nấu xà bông từ mỡ heo, may găng tay từ loại da giặt được, trộn bột thơm từ bột mì, vỏ hạnh nhân xay nhỏ và rễ cây đồng thảo. Nó học lăn nến thơm từ than củi, hoả tiêu và mùn cưa gỗ đàn hương. Học ép kẹo thơm theo kiểu các nước phương Đông từ mật nhi lạp, an tức hương và bột hổ phách. Học nhồi trầm hương từ bột trầm hương, cánh kiến, cây hương bài và quế. Rây và quết Poudre Impériale từ lá hồng nghiền nhỏ, hoa oải hương, vỏ cây thiên thảo. Khuấy phấn thoa mặt màu trắng và xanh dịu, đổ khuôn thỏi son môi màu đỏ từ mỡ. Chắt lọc bột sơn móng tay loại thật mịn và phấn chà răng thơm mùi bạc hà. Trộn dung dịch làm quăn tóc giả, thuốc chữa chai chân, thuốc tẩy tàn nhang cho da, tinh cây cà độc dược để nhỏ mắt cho thêm quyến rũ, thuốc bôi kích dục làm từ ruồi Tây Ban Nha cho quý ông và giấm vệ sinh cho quý bà…Dĩ nhiên là chẳng thích thú gì cho lắm nhưng nó không kêu ca và học có kết quả chế tạo mọi thứ thuốc, bột, đồ vệ sinh và trang điểm thông thường thêm cả cách pha trộn trà và gia vị, rượu mùi lẫn nước sốt dùng ướp cá thịt và những thứ đại loại như thế, nói gọn là tất cả những gì Baldini dạy nó với cái vốn hiểu biết rộng rãi gia truyền.
Nhưng khi Baldini chỉ dẫn nó cách có được tanh-tuya, tinh chất và tinh dầu thì nó hăm hở lắm. Nó làm không biết mệt những việc như dùng máy ép hạnh nhân đắng hay giã hột có mùi xạ hương hay băm củ long diên hương mỡ màng màu xám bằng dao băm hay nạo rễ cây đồng thảo để sắc với loại rượu thượng hạng. Nó học cách dùng phễu tách để tách tinh dầu khỏi cặn khi ép vỏ chanh. Nó học sấy dược thảo và hoa trên vỉ đặt nơi ấm trong bóng râm, cách giữ lá khô trong bình hay tráp có trét sáp. Nó học nghệ thuật tẩy pomát, các cách sắc, lọc, cô, làm trong và tinh luyện nước sắc.
Dĩ nhiên là xưởng của Baldini không thích hợp cho việc sản xuất khối lượng lớn. dầu lấy từ hoa hay dược thảo. Ở Paris cũng không thể có nổi số lượng cây cỏ cần thiết. Nhưng thỉnh thoảng khi mua được rẻ hương thảo tươi, cây xô thơm, bạc hà, hạt giống hồi ở chợ hoặc gặp khi tới một chuyến hàng lớn củ hoa diên vĩ hay rễ cây nữ lang, hạt phòng phong, hạt đậu khấu hay hoa đinh hương khô thì cái máu nhà giả kim trong Baldini chạy rần rần và ông lôi ra một nồi chưng cất to tướng, đó là một bình bằng đồng với một bộ phận ngưng hơi đặc biệt đặt bên trên mà ông tự hào gọi là bình chưng cất có đầu Maure[1] ông đã dùng cách đây bốn mươi năm ngoài đồng trống trên vùng cao Leberon ở sườn núi phía Nam miền Ligurien[2] để chưng cất cây đồng thảo.
Trong lúc Grenouille lo xắr nhỏ những thứ để chưng cất thì Baldini hối hả đốt nóng cái lò gạch vì việc chưng cất này đòi hỏi phải làm thật nhanh, rồi đổ nước ngập đáy vào cái nồi đồng và đặt lên trên. Ông bỏ các cây cỏ đã được xắt nhỏ vào đấy, đậy lại bằng cái đầu Maure rồi gắn hai ống cao su nhỏ cho nước chảy vào và chảy ra. Ông giải thích cái cách làm lạnh bằng nước thần tình này là do ông gắn thêm vào sau này, chứ thời đó, ở ngoài đồng trống, dĩ nhiên người ta chỉ biết quạt cho nguội. Rồi ông quạt lửa lên.
Dần dà nước reo trong nồi. Một lúc sau tinh chất bắt đầu nhỏ giọt rồi thành dòng mảnh như sợi chỉ chảy từ cái vòi thứ ba của đầu Maure vào một cái bình Florentine mà Baldini đã để sẵn. Thoạt tiên cái chất này trông hơi dơ như thể xúp lỏng, đục. Nhưng dần dần chất lỏng tách ra làm hai: dưới là nước của hoa hay cỏ, còn bên trên lềnh bềnh một lớp dầu dầy, nhất là khi cái bình đã đầy được để qua một bên, thay bình mới thì ở cái bình đầy sự tách kia lại càng rõ. Sau khi cẩn thận rót ra cái nước chỉ thơm thoang thoảng qua vòi dưới thì sẽ chỉ còn lại dầu nguyên chất tinh dầu, cái nguồn gốc thơm lừng của cỏ hoa.
Grenouille bị cái quá trình ấy quyến rũ. Nếu trong cuộc sống có gì khêu gợi sự đam mê kín đáo như sự đam mê đốt bằng ngọn lửa lạnh trong người nó thì chính là cái quy trình này, rút hồn thơm của vật bằng lửa, nước hơi và một thiết bị tinh xảo. Cái hồn thơm này, cái tinh dầu, cái quý nhất của cái vật ấy là cái duy nhất làm nó quan tâm. Nó chẳng thèm để ý đến những thứ vớ vẩn còn lại: hoa, lá, vỏ, trái, màu, vẻ đẹp, sức sống và những thứ không cần thiết khác. Đó là vỏ ngoàii vô giá trị, đáng vất đi.
Thỉnh thoảng khi tinh chất đã trong như nước thì họ lấy nồi cất ra khỏi lò, mở và đổ bã đi. Bã trông nhũn và xám ngắt, như rơm sũng nước, như xương con chim nhỏ bị tẩy trắng, như rau bị nấu quá lâu, nhạt nhẽo, xơ ra, sền sệt, không thể nhận ra được nữa, chẳng khác xác chết ghê tởm và hầu như đã bị lấy hết mùi đi rồi. Họ ném qua cửa sổ, xuống sông. Rồi lại xếp lớp cây mới vào nồi, cho nước và đặt lên lò trở lại. Rồi nồi lại bắt đầu reo, cái nguồn sống của cỏ cây lại chảy vào bình Florentine. Hầu như suốt đêm như thế, Baldini lo trông chừng lửa, còn Grenouille ngó chừng các bình, chẳng có gì làm nữa trong lúc chờ thay bình.
Họ ngồi trên ghế đẩu quanh bếp lửa như bị cuốn hút bởi cái nồi thô kệch, mỗi người bởi nguyên nhân khác nhau. Baldini thưởng thức sự chói lọi của lửa, cái màu đỏ lung linh của ngọn lửa và đồng, tiếng reo trong nồi cất như thể xưa kia vậy. Thế này thì mê ly quá. Ông lấy trong cửa hàng một chai vang vì cái nóng làm ông khát và uống vang thì cũng giống ngày xưa ấy. Rồi ông bắt đầu kể chuyện ngày xưa, không dứt. Về cuộc chiến tranh dành ngai vàng mà ông dự phần không nhỏ chống lại quân Áo, về những người Canmisard[3] đã cùng ông khuấy rối vùng núi Cévennes, về con gái của một người Huguenot ở vùng Esterel say mùi oải hương đã trao thân cho ông, về việc tí nữa thì ông gây ra một đám cháy rừng, chắc chắn sẽ thiêu rụi vùng Provence, như hai với hai là bốn vì lúc ấy gió bấc rất mạnh, còn về sự chưng cất thì ông luôn luôn kể về những đêm trên đồng vắng, dưới ánh trăng, bên chai rượu vang và tiếng ve sầu, về một thứ dầu hoa oải hương ông tạo ra, rất thanh mà đậm đà, người mua phải trả bằng bạc; về thời gian ông học nghề ở Genua, về những năm ông đi nơi này nơi nọ, và về thành phố Grasse, ở đó người làm nước hoa đông như ở nơi khác làm bánh mì, trong đó có những người giàu đến nỗi họ sống như các bậc công hầu, ở trong những ngôi nhà nguy nga có vườn cây bóng mát, với sân thượng và ăn trong phòng ăn có tường ốp gỗ, dùng toàn dĩa sứ và dao nĩa bằng vàng, vân vân.
Ông già Baldini vừa uống vang vừa kể những chuyện như thế, vang cùng với lửa nóng và sự thích thú về câu chuyện của mình làm mặt ông cũng đỏ như lửa. Grenouille ngồi khuất trong bóng tối chẳng thèm nghe gì cả. Nó chẳng ham gì chuyện cũ, nó chỉ thích cái quy trình mới. Nó nhìn không ngớt vào cái vòi nhỏ trên đầu nồi chưng, từ đó một tia nhỏ tinh chất rỉ ra. Trong lúc dán mắt vào đấy, nó tưởng tượng ra chính nó là cái nồi chưng cất, cũng sôi reo như thế này, và từ nó cũng rỉ ra tinh chất như thế kia, có điều tốt hơn, mới hơn, lạ lùng hơn vì được chưng cất bằng những kỳ hoa dị thảo nó trồng trong người, nở hoa trong đó, ngoài nó ra không ai ngửi thấy, mùi thơm có một không hai của chúng có thể biến thế giới thành vườn địa đàng thơm lừng, theo nó thì chỉ ở đấy sự hiện hữu- dưới góc độ khứu giác – mới tạm gọi là chấp nhận được. Được là một nồi chưng cất khổng lồ làm tràn ngập thế giới với những tinh chất tự chế, là giấc mơ tuyệt đích mà nó tâm niệm.
Trong khi Baldini rạo rực vì vang, không ngớt thổi phồng những câu chuyện ngày xưa, trầm trồ chẳng cần giữ ý thì Grenouille chấm dứt sự tưởng tượng kỳ quái của nó. Tạm thời nó xua khỏi đầu óc hình ảnh một cái nồi chưng cất khổng lồ, thay vào đó cân nhắc dùng những kiến thức mới học được vào những mục tiêu gần sao cho có lợi.
Chú thích.
[1] Một sắc dân ở bắc Châu Phi.
[2] Ligurien: một vùng phía bắc nước Ý.
[3] Những người Pháp theo đạo Tin lành ở vùng núi Cévennes đã nổi loạn chống vua Louis XIV vào nửa đầu thế kỷ 17.
Nhưng khi Baldini chỉ dẫn nó cách có được tanh-tuya, tinh chất và tinh dầu thì nó hăm hở lắm. Nó làm không biết mệt những việc như dùng máy ép hạnh nhân đắng hay giã hột có mùi xạ hương hay băm củ long diên hương mỡ màng màu xám bằng dao băm hay nạo rễ cây đồng thảo để sắc với loại rượu thượng hạng. Nó học cách dùng phễu tách để tách tinh dầu khỏi cặn khi ép vỏ chanh. Nó học sấy dược thảo và hoa trên vỉ đặt nơi ấm trong bóng râm, cách giữ lá khô trong bình hay tráp có trét sáp. Nó học nghệ thuật tẩy pomát, các cách sắc, lọc, cô, làm trong và tinh luyện nước sắc.
Dĩ nhiên là xưởng của Baldini không thích hợp cho việc sản xuất khối lượng lớn. dầu lấy từ hoa hay dược thảo. Ở Paris cũng không thể có nổi số lượng cây cỏ cần thiết. Nhưng thỉnh thoảng khi mua được rẻ hương thảo tươi, cây xô thơm, bạc hà, hạt giống hồi ở chợ hoặc gặp khi tới một chuyến hàng lớn củ hoa diên vĩ hay rễ cây nữ lang, hạt phòng phong, hạt đậu khấu hay hoa đinh hương khô thì cái máu nhà giả kim trong Baldini chạy rần rần và ông lôi ra một nồi chưng cất to tướng, đó là một bình bằng đồng với một bộ phận ngưng hơi đặc biệt đặt bên trên mà ông tự hào gọi là bình chưng cất có đầu Maure[1] ông đã dùng cách đây bốn mươi năm ngoài đồng trống trên vùng cao Leberon ở sườn núi phía Nam miền Ligurien[2] để chưng cất cây đồng thảo.
Trong lúc Grenouille lo xắr nhỏ những thứ để chưng cất thì Baldini hối hả đốt nóng cái lò gạch vì việc chưng cất này đòi hỏi phải làm thật nhanh, rồi đổ nước ngập đáy vào cái nồi đồng và đặt lên trên. Ông bỏ các cây cỏ đã được xắt nhỏ vào đấy, đậy lại bằng cái đầu Maure rồi gắn hai ống cao su nhỏ cho nước chảy vào và chảy ra. Ông giải thích cái cách làm lạnh bằng nước thần tình này là do ông gắn thêm vào sau này, chứ thời đó, ở ngoài đồng trống, dĩ nhiên người ta chỉ biết quạt cho nguội. Rồi ông quạt lửa lên.
Dần dà nước reo trong nồi. Một lúc sau tinh chất bắt đầu nhỏ giọt rồi thành dòng mảnh như sợi chỉ chảy từ cái vòi thứ ba của đầu Maure vào một cái bình Florentine mà Baldini đã để sẵn. Thoạt tiên cái chất này trông hơi dơ như thể xúp lỏng, đục. Nhưng dần dần chất lỏng tách ra làm hai: dưới là nước của hoa hay cỏ, còn bên trên lềnh bềnh một lớp dầu dầy, nhất là khi cái bình đã đầy được để qua một bên, thay bình mới thì ở cái bình đầy sự tách kia lại càng rõ. Sau khi cẩn thận rót ra cái nước chỉ thơm thoang thoảng qua vòi dưới thì sẽ chỉ còn lại dầu nguyên chất tinh dầu, cái nguồn gốc thơm lừng của cỏ hoa.
Grenouille bị cái quá trình ấy quyến rũ. Nếu trong cuộc sống có gì khêu gợi sự đam mê kín đáo như sự đam mê đốt bằng ngọn lửa lạnh trong người nó thì chính là cái quy trình này, rút hồn thơm của vật bằng lửa, nước hơi và một thiết bị tinh xảo. Cái hồn thơm này, cái tinh dầu, cái quý nhất của cái vật ấy là cái duy nhất làm nó quan tâm. Nó chẳng thèm để ý đến những thứ vớ vẩn còn lại: hoa, lá, vỏ, trái, màu, vẻ đẹp, sức sống và những thứ không cần thiết khác. Đó là vỏ ngoàii vô giá trị, đáng vất đi.
Thỉnh thoảng khi tinh chất đã trong như nước thì họ lấy nồi cất ra khỏi lò, mở và đổ bã đi. Bã trông nhũn và xám ngắt, như rơm sũng nước, như xương con chim nhỏ bị tẩy trắng, như rau bị nấu quá lâu, nhạt nhẽo, xơ ra, sền sệt, không thể nhận ra được nữa, chẳng khác xác chết ghê tởm và hầu như đã bị lấy hết mùi đi rồi. Họ ném qua cửa sổ, xuống sông. Rồi lại xếp lớp cây mới vào nồi, cho nước và đặt lên lò trở lại. Rồi nồi lại bắt đầu reo, cái nguồn sống của cỏ cây lại chảy vào bình Florentine. Hầu như suốt đêm như thế, Baldini lo trông chừng lửa, còn Grenouille ngó chừng các bình, chẳng có gì làm nữa trong lúc chờ thay bình.
Họ ngồi trên ghế đẩu quanh bếp lửa như bị cuốn hút bởi cái nồi thô kệch, mỗi người bởi nguyên nhân khác nhau. Baldini thưởng thức sự chói lọi của lửa, cái màu đỏ lung linh của ngọn lửa và đồng, tiếng reo trong nồi cất như thể xưa kia vậy. Thế này thì mê ly quá. Ông lấy trong cửa hàng một chai vang vì cái nóng làm ông khát và uống vang thì cũng giống ngày xưa ấy. Rồi ông bắt đầu kể chuyện ngày xưa, không dứt. Về cuộc chiến tranh dành ngai vàng mà ông dự phần không nhỏ chống lại quân Áo, về những người Canmisard[3] đã cùng ông khuấy rối vùng núi Cévennes, về con gái của một người Huguenot ở vùng Esterel say mùi oải hương đã trao thân cho ông, về việc tí nữa thì ông gây ra một đám cháy rừng, chắc chắn sẽ thiêu rụi vùng Provence, như hai với hai là bốn vì lúc ấy gió bấc rất mạnh, còn về sự chưng cất thì ông luôn luôn kể về những đêm trên đồng vắng, dưới ánh trăng, bên chai rượu vang và tiếng ve sầu, về một thứ dầu hoa oải hương ông tạo ra, rất thanh mà đậm đà, người mua phải trả bằng bạc; về thời gian ông học nghề ở Genua, về những năm ông đi nơi này nơi nọ, và về thành phố Grasse, ở đó người làm nước hoa đông như ở nơi khác làm bánh mì, trong đó có những người giàu đến nỗi họ sống như các bậc công hầu, ở trong những ngôi nhà nguy nga có vườn cây bóng mát, với sân thượng và ăn trong phòng ăn có tường ốp gỗ, dùng toàn dĩa sứ và dao nĩa bằng vàng, vân vân.
Ông già Baldini vừa uống vang vừa kể những chuyện như thế, vang cùng với lửa nóng và sự thích thú về câu chuyện của mình làm mặt ông cũng đỏ như lửa. Grenouille ngồi khuất trong bóng tối chẳng thèm nghe gì cả. Nó chẳng ham gì chuyện cũ, nó chỉ thích cái quy trình mới. Nó nhìn không ngớt vào cái vòi nhỏ trên đầu nồi chưng, từ đó một tia nhỏ tinh chất rỉ ra. Trong lúc dán mắt vào đấy, nó tưởng tượng ra chính nó là cái nồi chưng cất, cũng sôi reo như thế này, và từ nó cũng rỉ ra tinh chất như thế kia, có điều tốt hơn, mới hơn, lạ lùng hơn vì được chưng cất bằng những kỳ hoa dị thảo nó trồng trong người, nở hoa trong đó, ngoài nó ra không ai ngửi thấy, mùi thơm có một không hai của chúng có thể biến thế giới thành vườn địa đàng thơm lừng, theo nó thì chỉ ở đấy sự hiện hữu- dưới góc độ khứu giác – mới tạm gọi là chấp nhận được. Được là một nồi chưng cất khổng lồ làm tràn ngập thế giới với những tinh chất tự chế, là giấc mơ tuyệt đích mà nó tâm niệm.
Trong khi Baldini rạo rực vì vang, không ngớt thổi phồng những câu chuyện ngày xưa, trầm trồ chẳng cần giữ ý thì Grenouille chấm dứt sự tưởng tượng kỳ quái của nó. Tạm thời nó xua khỏi đầu óc hình ảnh một cái nồi chưng cất khổng lồ, thay vào đó cân nhắc dùng những kiến thức mới học được vào những mục tiêu gần sao cho có lợi.
Chú thích.
[1] Một sắc dân ở bắc Châu Phi.
[2] Ligurien: một vùng phía bắc nước Ý.
[3] Những người Pháp theo đạo Tin lành ở vùng núi Cévennes đã nổi loạn chống vua Louis XIV vào nửa đầu thế kỷ 17.
Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net
Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.