Mỹ Nhân Tâm Kế

Chương 15: Hồi 15: Sứ giả Đại Việt

Lý Ngư

03/09/2023

Chiến sự vẫn triền miên dai dẵng diễn ra, quân Mông Nguyên càng lúc càng cuồng nộ, phía Ô Mã Nhi liên tiếp cướp thành đoạt ải chiếm được không ít cứ điểm trọng yếu của Đại Việt, bên phía Toa Đô trên mặt trận thủy chiến Chiêm Thành đã áp chế hoàn toàn binh lực nước Chiêm khiến vua Chiêm Thành đành phải ngậm ngùi quy thuận.

Chiến công áp đảo thế này khiến hãn vương Hốt Tất Liệt từ phương xa nhận được truyền tin vô cùng hài lòng hoan hỷ, thầm tán thưởng hoàng nhi đúng là bá tinh thiên mệnh, xem chừng con đường hùng đồ đại nghiệp, thống nhất thiên hạ sẽ chẳng còn xa xôi.

Về phần nàng, từ sau cái chết của Trần Bình Trọng, bản thân cũng đã ngộ ra chân lý sinh tồn. Nàng không mê luyến vương quyền, nàng chỉ đang phụng sự quốc gia, chỉ đang tận hiếu cùng hãn phụ nơi cố thổ. Dẫu gì dòng máu luân chuyển cuộn trào trong huyết quản này vẫn thuộc về Mông Cổ, mà Thoát Hoan cửu hoàng tử hay Thuyết Hoan thập công chúa cũng sẽ tuyệt đối không phản bội quê hương chỉ vì mềm lòng khoan dung với ngoại bang.

Nhưng nàng vẫn luôn bị ám ảnh bởi một câu nói cứ văng vẳng trong đầu rằng "ngươi đối với An Tư công chúa là yêu thương" của Trần Bình Trọng, cũng vì để phủ nhận đi câu nói có phần nghiệt ngã đó đối với thân phận mình, nàng đã từ bỏ hẳn cái ý định tìm lại An Tư. Biết rõ chỉ cần khống chế Chiêm Thành thì dù Đại Việt có muốn hòa thân cầu binh cũng là thừa thãi, An Tư không cần dâng mình, nàng cũng không cần mang lòng trắc ẩn thêm nữa, ừm thì là...lòng trắc ẩn...

Dồn hết tâm sức vào chuyện quân cơ, bày binh bố trận siết chặt vòng vây, nàng muốn Đại Việt dù công hay thủ vẫn triệt để thất bại thảm hại. Mà có câu "Nhà cháy thì lũ chuột sẽ chạy ra trước" quả không sai đi? Chỉ khi nước non lâm vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc mới biết được đâu là hổ đâu là chuột, nếu nói Trần Bình Trọng là hổ, vậy những kẻ như Trần Kiện, Trần Lộng và cả hoàng thân Trần Ích Tắc...người vốn mang thân phận thúc phụ của đương kim thánh thượng Trần Nhân Tông lại chính là những con chuột hèn hạ tham sống sợ chết.

Ba kẻ này cùng không ít quan viên nhà Trần dẫn theo gia quyến đã tự mình chạy sang doanh trại nàng đầu hàng, Trần Ích Tắc còn nham nhở hứa hẹn sẽ báo cáo hết mọi thông tin cơ mật mà hắn biết cho trấn nam vương với hy vọng tỏ rõ được ý định thành tâm giao hảo. Nàng khinh, có mặt bọn chúng trong doanh trại chỉ khiến dơ bẩn thêm, tuy nhiên đại cuộc làm trọng, giữ mạng cho chúng đổi lại thông tin cần thiết để mau chóng thu về giang sơn kết thúc cuộc chiến e cũng là điều nên làm.

...

Trong khi đó, trên thuyền ngự.

Trần Nhân Tông tinh thần suy nhược trầm trọng, hắn không ngừng day trán phiền ưu, như ngồi trên đống lửa, mỗi giờ khắc trôi qua đều áp lực vô bờ.

Tự trách bản thân vô dụng, cơ nghiệp Đại Việt nào chỉ ở tại mỗi triều Trần, ngàn năm Văn Lang dựng nước giữ nước đến nay không lẽ bây giờ mất đi trong tay hắn?

Nhưng ba quân tướng sĩ đã tan tác cả rồi, thế giặc quá lớn không đủ thời gian khôi phục chỉnh đốn, Trần Nhân Tông dường như cảm thấy trấn nam vương-Thoát Hoan kia là muốn đánh đến mức không chừa cho đối thủ một chút thời gian nghỉ ngơi hồi sức, đánh đến hơi tàn lực kiệt, đánh đến dập tắt nhuệ khí đối phương.

Không được! Nếu thật sự Thoát Hoan muốn dập tắt nhuệ khí Đại Việt thì hoàn toàn không được! Hắn thân là Nhân Tông hoàng đế, dù bản tính trời sinh nhu hòa ôn thuận, nhưng đã là thiên tử bắt buộc phải tỉnh trí vững tâm, hắn tự vấn lòng mình rằng nhất định sẽ đứng lên cùng con dân nước Việt chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Lấy lại tinh thần vốn có, Trần Nhân Tông cho gọi quan tướng đến khoang thuyền nghị sự, hắn nói.

- Hiện nay quân lực của chúng ta quá yếu ớt, cần phải có thời gian đủ lâu để khôi phục lại hàng ngũ, bày ra binh pháp phản công. Trẫm cần một sứ giả sang thương thuyết cùng Thoát Hoan, tính kế ngụ ý chuyển dời sự chú ý của hắn càng lâu càng tốt để các tướng có thời gian bố trận.

Vừa nghe đến "sang thương thuyết cùng Thoát Hoan" thì liền có mấy lời xì xầm to nhỏ, trông nét mặt ai cũng kiêng dè, tuy hai nước đánh nhau không giết sứ giả, nhưng để mặt đối mặt thương thuyết cùng kẻ nổi tiếng hung thần ác sát như Thoát Hoan thì thử hỏi có ai dám liều lĩnh? Chưa kể cái chết thảm thương của viên tướng Trần Bình Trọng vẫn còn hiển hiện trong tiềm thức của họ, chết mất cả xác, lần này người nào đi thì không chừng còn chết thê thảm hơn.

Nhưng đâu đó ngồi ở cuối hàng, trong một góc nhỏ ít ai chú ý, một nam tử nhếch môi chế giễu, hắn nhìn mấy tên quan lại nhỏ to bàn bạc mà thốt.

- Xấu hổ thay cho những kẻ hèn nhát chui rút như sâu bọ, thân là dân nước Việt lại chẳng giống tính người nước Việt, chỉ là một Thoát Hoan cỏn con mà đã sợ sệt đến mức này.

Lời vừa dứt khỏi miệng, liền đó dấy lên bất bình, ai ai cũng chỉ trỏ vào hắn quát tháo như đã bị chỉ trúng tim đen cơ hồ mất mặt. Trong đó có một viên quan vuốt râu xem thường.

- Loại vô danh tiểu tốt như ngươi mà cũng dám lên tiếng ở đây à? Tiểu tử khố rách áo om.



Nam tử không hề tỏ vẻ tức giận, chỉ đứng lên hướng Trần Nhân Tông thi lễ rồi dõng dạc thưa.

- Bẩm hoàng thượng, hạ thần là chi hậu cục thủ-Trần Khắc Chung, xin được làm sứ sang doanh trại giặc, mong được chuẩn tấu!

Một lời nói ra huyên náo liền im bặt, Trần Nhân Tông nhìn hắn một lượt, khẽ cười hỏi.

- Là kẻ họ Đỗ lại đổi sang họ Trần đó phải không?

- Thưa, là hạ thần.

Trần Nhân Tông biết về con người này, vốn cũng là anh tài, chỉ do thời vận chưa tới nên cứ mãi giậm chân ở chức vị chi hậu cục thủ, đây có lẽ là cơ hội tốt để hắn tiến thân. Tin tưởng về cách dụng người của mình, Trần Nhân Tông bèn gật đầu.

- Chuẩn tấu.

Trong một chốc, từ kẻ "khố rách áo om" Trần Khắc Chung trở thành sứ giả Đại Việt, cũng là người được cho rằng can đảm nhất trong số các quan văn nhà Trần khi dám đứng ra tự mình đề nghị tiếp nhận một nhiệm vụ muôn trùng nguy hiểm, rất có thể sẽ đi mà chẳng trở về.

...

Trước khi đến doanh trại Mông Nguyên, Trần Khắc Chung trước đó một ngày đã cho người gửi thư sang xin diện kiến trấn nam vương-Thoát Hoan thương thuyết. Thư đã gửi, lời hồi âm cũng đã nhận, hôm nay chỉ được mang theo một thư đồng hầu cận đúng như yêu cầu tướng giặc mà sang doanh trại, Trần Khắc Chung muốn nhìn tận mắt kẻ gieo rắc kinh hoàng cho đồng bào hắn, hung thần ác sát gì đó rốt cuộc lợi hại đến mức nào chứ? Đối với hắn cũng là phường ngoại xâm man rợ.

Đáng tiếc, người sẽ thương thuyết cùng hắn trong lều trướng không ai khác lại là Ô Mã Nhi. Lúc Ô Mã tướng quân cao lớn hùng dũng bước vào, Trần Khắc Chung còn cho rằng đây đích thị là Thoát Hoan nên theo lễ đứng lên bái kiến.

- Sứ giả Đại Việt bái kiến trấn nam vương-Thoát Hoan.

Liền đó bị Ô Mã Nhi cười vào mặt.

- Trông ta giống trấn nam vương lắm sao sứ giả?

- Vậy ngài đây là...?

Ô Mã Nhi nhướn mày khinh khỉnh cười.

- Bổn tướng là Ô Mã Nhi, hữu phó tướng dưới trướng trấn nam vương. Là đại tướng quân giết người không gớm tay mà các ngươi nói đấy.

Trần Khắc Chung sâu kín nhíu mày, diễn biến tiếp theo cũng không có gì đáng kể, chẳng qua Thoát Hoan thân là vương tử không rảnh đi tiếp chuyện một hạ quan như hắn, vậy nên để Ô Mã Nhi đang rảnh rỗi ra ngồi bồi chuyện. Rõ ràng cuộc thương thuyết này trong mắt Mông Nguyên chỉ là trò tán gẫu lúc rảnh rỗi nhàn hạ, bọn họ không hề để tâm xem trọng.



Chuyện đáng lẽ không gì đáng nói, cho đến khi Ô Mã Nhi trông thấy hai chữ xăm thích trên cánh tay thư đồng của Trần Khắc Chung lúc hắn vén lên phe phẩy quạt cho chủ.

- Ngươi sang trại ta mà dám xăm chữ Sát Thát lên tay?

Sát Thát, ngụ ý giết giặc Mông Cổ, Ô Mã Nhi sớm đã nhìn ra ẩn nghĩa, nghiêm giọng nói làm tên thư đồng kia nhất thời khẩn trương.

- Hoàng đế nước Nam vô lễ, dám sai bảo các ngươi xăm chữ Sát Thát lên tay, khinh bạc thiên triều, tội này không thể dung tha.

Trái lại, Trần Khắc Chung vẫn dụng lễ mà đáp.

- Chó nhà cắn người không phải tại chủ nó. Vì lòng trung phẫn mà họ xăm chữ thôi. Hoàng đế ta không biết việc đó, ta là cận thần, tại sao lại không có?

Nói rồi giơ cánh tay cho xem.

Ô Mã Nhi nhìn lướt qua, lại tiếp.

- Đại quân Nguyên từ xa tới, nước ngươi không xếp giáo gươm hội kiến, lại còn chống lệnh, là Bọ Ngựa mà cản bánh xe liệu sẽ ra sao?

- Tướng quân không theo phương sách Hàn Tín bình nước Yên, đóng quân ở đầu biên giới, đưa thư tin trước, nếu không thông hiểu thì mới có lỗi. Nay lại bức nhau, người ta nói thú đến đường cùng thì cắn lại, chim đến đường cùng thì mổ lại, huống hồ chi con người.

Trần Khắc Chung thản nhiên đáp vậy khiến Ô Mã Nhi nhất thời khựng lại, ngẫm nghĩ giây lát mới tiếp. Mà lời này đích thị uy hiếp.

- Đại quân ta mượn đường đi đánh Chiêm Thành, hoàng đế ngươi nếu lần đó đồng thuận thì bờ cõi đã yên ổn, không bị xâm phạm mảy may. Nếu cứ chấp mê thì trong khoảnh khắc núi sông sẽ thành đất bằng, vua tôi sẽ thành cỏ nát!

Cứ vậy, cuộc đối thoại sau đó luôn nằm ở giữa lằn ranh ôn hòa và bộc phát, đôi bên nhìn chung có vẻ như đang đàm đạo luận binh, ấy thế nhưng lại ngấm ngầm đả kích đối phương.

Mãi đến khi Ô Mã Nhi đuổi khéo Trần Khắc Chung ra về được một lúc rồi thì nàng mới lặng lẽ từ sau tấm rèm bước ra.

- Không nghĩ ngươi mà cũng có thể kiềm chế, dùng lời nói lý lẽ với người khác đấy. Thấy bóng dáng Toa Đô đâu đây.

Ô Mã tướng quân không đáp, hắn đang trầm ngâm gì đó.

- Sao vậy?

- Vương tử hẳn cũng nhận ra rồi, người này ở vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ tự nhiên, trong đạo quân thần không hạ chủ nhân xuống là Chích, không xu nịnh tâng bốc ta lên là Nghiêu, mà chỉ nói "chó nhà cắn người", giỏi ứng đối. Có thể nói hắn không làm nhục mệnh vua, nước này còn người giỏi, xem ra khó mưu tính đây.

Nàng nhìn hữu phó tướng đang đứng cạnh bên, từ lúc nào mà mình đã hoàn toàn không còn nhìn thấu được hắn vậy? Không phải Ô Mã Nhi là kẻ hữu dũng vô mưu sao? Ban đầu đúng là vậy kia mà, nhưng càng về sau hắn lại càng xa lạ, rốt cuộc Ô Mã Nhi này là kẻ nóng tính hồ ngôn hay là kẻ tâm cơ sâu kín đây?

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Mỹ Nhân Tâm Kế

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook