Nam Thiên Đại Hiệp

Chương 21

Vũ Quân

26/02/2013

Theo dõi lâu thuyền, đồng tâm mạo hiểm

Cứu người yếu thế, Thanh Ngân chịu trổ thần oai

Thanh Ngân nhìn lại xuống sông, thấy thuyền đã vào bến. Trên thuyền gần hai mươi thiếu nữ mười tám, mười chín. Cô nào cũng xinh đẹp trong bộ võ phục màu xanh nước biển. Khi thuyền cập bến, thuyền phu là mấy gã đàn ông, thả chiếc thang cây xuống, thì đám thiếu nữ phi thân lên bờ, nhìn qua khinh công, Thanh Ngân thấy võ công của chúng không kém Kiều Loan trước khi chưa được mình đả thông sinh tử huyền quan cho nàng. Bọn thiếu nữ áo xanh phi thân lên bờ đứng sắp hai hàng dài, thì trên thuyền một thiếu nữ mặc cung trang màu trắng xuất hiện, khoan thai từng bậc thang bước xuống thuyền. Theo sau cô gái là hai lão già râu tóc đều bạc trắng. Truyện "Nam Thiên Đại Hiệp "

Bạch y thiếu nữ khoảng mười tám mười chín tuổi, trong bộ y trang màu trắng tinh khiết nhưng sự xuất hiện của nàng như làm rực rỡ cả bờ sông, gót sen nhẹ nhàng, tà áo phất phơ trong gió trông nàng như tiên nữ cỡi mây xuất hiện. Thanh Ngân thoáng nhìn, thầm so sánh, trong mấy hồng nhan tri kỷ của mình, ngay cả Kiều Linh cũng không đẹp hơn được. Cô gái áo trắng và hai ông già chậm rãi đi qua khỏi hàng rào thiếu nữ áo xanh, thì bọn này liền xoay người lại, giữ hàng ngũ, theo sau, tiến vào Vọng Giang Lâu.

Bảo Ngọc nhìn cô gái, rồi nhìn Thanh Ngân nói:

- Đúng là tuyệt đại giai nhân! Có lẽ nàng tuyệt đại giai nhân này không muốn u cư taị Đông hải nữa mà giáng lâm Vọng Giang Lâu này tìm Ngân đệ đó.

Thanh Ngân không để ý đến lời chọc ghẹo của Bảo Ngọc mà nói:

- Nàng ta và hai ông cụ võ công không phải tầm thưòng. Họ bước đi không để dưới đất vết giày, dưới chân không bay lên một hạt bụi nào cả.

Thùy Dung thở dài:

- Không hiểu là phước cho võ lâm hay là họa mà càng ngày càng có nhiều cao nhân xuất hiện. Không hiểu hai ông già đó có phải là Đông Hải Nhị Tẩu theo truyền thuyết của giang hồ hay không?

Thùy Dung nói đến đây, thì tiểu nhị bốn năm người từ dưới hấp tấp chạy lên điều đình thực khách dời sang những bàn khác để dọn chỗ cho những người mới đến. Nhiều người bất mãn càu nhàu, bực tức nhưng tiểu nhị khéo léo thuyết phục, năn nĩ mãi họ mới đồng ý để chúng di chuyển đến bàn khác. Bàn của Thanh Ngân ở một góc riêng hay Tiểu nhị có lẽ đã biết những người có võ công tự ái cố chấp hơn đám khách thương hay văn nhân nên không đả động đến. Tiểu nhị nhanh lẹ thu dọn ba chiếc bàn lớn, hai chiếc bàn nhỏ bên cạnh bàn Thanh Ngân xong, thì lão già đưa cô gái áo trắng lên lầu. Sau khi chờ cho thiếu nữ áo trắng ngồi riêng ở một chiếc bàn con xong hai lão mới ngồi xuống chiếc bàn nhỏ khác, còn đám thiếu nữ áo xanh thì chia nhau ngồi vào ba chiếc bàn lớn. Trong bọn, chỉ có hai cụ già, còn lại đều là những cô gái xinh đẹp, nhất là bạch y thiếu nữ thì đúng là thiên hương quốc sắc, đáng lẽ làm cho tửu lầu rực rỡ hẳn lên, nhưng họ quá trịnh trọng, lạnh lùng làm cho tiểu lầu trở nên có không khí nặng nề, khó chịu. Nhiều người đứng dậy bỏ đi, và một lúc sau khi tiểu nhị mang rượu và vài thức nhắm lên cho nhóm người mới đến, thực khách trên lầu đã bỏ đi hết, chỉ còn bọn họ và nhóm Thanh Ngân. Từ khi bọn người này đến, Thùy Dung, Thanh Ngân, Bảo Ngọc không bàn luận chuyện giang hồ thế sự nữa, họ chỉ trao đổi với nhau về những thắng cảnh của đất nước, bình luận thi phú mà thôi. Thi phú vốn là sở trường của Thanh Ngân nên chỉ trong giây lát Thanh Ngân thao thao bất tuyệt và điều này làm Thùy Dung, Bảo Ngọc trở nên tự nhiên hơn. Thùy Dung và Bảo Ngọc vốn kinh nghiệm giang hồ nên thỉnh thoảng kín đáo theo dõi phản ứng của cô gái bạch y và hai cụ già, nhưng hình như họ chẳng mảy may quan tâm.

Thấy họ không có ý đồ nào như làm khó dễ, Thùy Dung là một nữ nhân mặc võ phục và mang trường kiếm như giang hồ đồn đại, bà cũng không muốn bị đưa đến xung đột nên nói với Bảo Ngọc:

- Ta cũng quá mệt mỏi hay là chúng ta về nhà nghỉ ngơi vậy, Ngọc nhi nghĩ sao?

Bà ta không muốn gọi Bảo Ngọc là cung chủ sợ bị chú ý.

Bảo Ngọc:

- Hình như Vọng Giang Lâu làm cho Ngân đệ rất thích thú, hay là chúng ta ở lại trong giây lát.

Thanh Ngân đã mấy lần thấy Thùy Dung không muốn bị rắc rối nên nói:

- Bá mẫu đã mệt, không nên vì đệ mà bá mẫu phải cực nhọc. Chúng ta nên về vậy.

Bảo Ngọc thoáng cau mày, nhưng nói ngay:

- Vâng, Ngân đệ nói vậy rất đúng, chúng ta nên quá vui vẻ mà quên bá mẫu đang mệt.

Thùy Dung nghe Bảo Ngọc vui lòng ra về, trong lòng cảm thấy nhẹ nhõm, đứng dậy ngay.

Thanh Ngân đứng lên nắm tay Đạt Thành đỡ dậy, cùng Bảo Ngọc sánh bước xuống lầu. Bọn thiếu nữ cũng cứ lạnh lùng, im lặng như những người câm điếc, không ai cản trở.

Khi xuống thuyền, Bảo Ngọc nói ngay:

- Gặp được những người bí mật này, chúng ta không thể không điều tra xem họ đang có âm mưu gì cho võ lâm. Tiên tử không thấy chúng ta bỏ qua là mất một cơ hội tốt hay sao?

Thùy Dung thở dài:

- Mai Sơn đang gặp quá nhiều rắc rối, tung tích của sư phụ và nhị thúc chưa biết nơi đâu nên ta rất lo lắng. Hà! Nhưng bỏ qua, không điều tra cho biết bọn chúng đang làm gì thì cũng..

Bảo Ngọc:

- Hay là tiên tử và Phùng tiểu ca về bí thất của vãn bối nghỉ ngơi, vãn bối và Ngân đệ dạo thuyền trên sông ngấm ngầm quan sát xem họ định làm gì?

Thùy Dung:

- Ta đã hoàn toàn bình phục, chỉ có Đạt Thành những vết thương còn hành hạ đau đớn cần phải tịnh dưỡng mà thôi. Ta xa Mai Sơn một ngày, lòng không an một ngày. Hay là chúng ta tạm chia tay, ta thuê thuyền về lại Mai Sơn, khi nào Cung chủ và Thanh Ngân điều tra được tin gì, mời cung chủ theo hắn đến tệ sơn một chuyến.

Thanh Ngân:

- Bá mẫu không thể lưu lại Thăng Long dăm ba hôm để điệt nhi cùng về với bá mẫu hay sao?

Thùy Dung đặt tay lên vai Thanh Ngân:

- Con đã có thân võ công tuyệt thế, lòng ta đã an tâm vô cùng. Khi nào con về lại Mai Sơn cũng được, việc giang hồ như cuộn chỉ rối không thể dăm ba bữa mà giải quyết được. Võ công của bọn Đông Hải ma nữ cao thâm khôn lường con phải giúp Bảo Ngọc cung chủ một tay. Ta biết con không thích chuyện giang hồ, nhưng thời thế như thế này, đã làm trai thì phải đóng góp cho nhân quần xã hội.

Thanh Ngân cúi đầu:

- Vâng, con xin nghe lời dạy bảo của bá mẫu.

Bảo Ngọc:

- Nếu Tiên Tử đã quyết ý về lại Mai Sơn, vãn bối đưa Tiên Tử đến bến thuyền.

Bảo Ngọc và Thanh Ngân chèo thuyền đưa Thùy Dung và Đạt Thành đến bến thuê thuyền ở ngã ba sông Tô Lịch và Nhị Hà, với số tiền hậu hỉ của Bảo Ngọc, thuyền phu vui vẻ nhổ neo ngay. Sau vài giây phút bịn rịn và âm thầm dùng phép truyền âm khuyên nhủ Thanh Ngân đừng để mình dây dưa quá nhiều liên hệ tình cảm, sau này khó khăn giải quyết, Thùy Dung cùng Đạt Thành lên thuyền về Mai Sơn, Thanh Ngân và Bảo Ngọc chèo thuyền con đi theo để đưa thêm một đoạn khá xa, đến khi hình ảnh chiếc lầu thuyền đậu dưới bến Vọng Giang Lâu chỉ còn một chấm nhỏ, Bảo Ngọc và Thanh Ngân mới chia tay Thùy Dung trở lại vì sợ lạc mất tung tích.

Sau khi chia tay Thùy Dung, Bảo Ngọc và Thanh Ngân lúc thì thả thuyền trôi trên sông, lúc thì chèo chống lấy lệ, để canh chừng chiếc lầu thuyền. Chỉ một mình với Bảo Ngọc trên thuyền, Thanh Ngân cũng lo âu cảnh tỏ tình của nàng đêm qua diễn lại, nhưng Bảo Ngọc rất phớt tỉnh như chẳng có việc gì đã xảy ra giữa họ, và sự tự nhiên đó làm cho cả hai lần lần vui đùa, vô tư với nhau rất thoải mái.

Mãi đến chiều tối, chiếc Lầu thuyền mới rời bến, thuyền to lớn như vậy nhưng ngoài một ngọn đèn trước mũi và sau lái, không còn đèn đuốc chi cả, giương buồm tiến lên thượng lưu. Thanh Ngân và Bảo Ngọc chèo thuyền giữ khoảng cách rất xa, liệu tầm mắt người trên lầu thuyền không nhìn thấy thuyền mình để khỏi bị phát hiện. Thanh Ngân và Bảo Ngọc để ý, mặt sông là con đường thuyền buôn qua lại, nhưng đêm nay hình như chẳng có chiếc thuyền nào xuôi hay ngược trên mặt sông, ngoại trừ chiếc lầu thuyền. Đến nửa đêm, trên vùng sông nước mênh mông của Đại Tam Giang, trên chiếc lầu thuyền bỗng thắp lên hàng trăm ngọn đèn, sáng rực và neo lại giữa dòng.

Khi chiếc lâu thuyền neo lại và thắp sáng đèn đuốc, Bảo Ngọc nói với Thanh Ngân:

- Nếu chúng ta dùng thuyền không thể nào đến gần họ được, Ngân đệ tính sao?

Thanh Ngân suy nghĩ rồi nói:

- Một là chúng ta rời thuyền lên bờ nhìn ra, hai là dùng thuật bế khí độ giang, tiến đến gần.

Bảo Ngọc:

- Chúng ta phối hợp cả hai cách của Ngân đệ, từ bờ lội ra gần hơn là chúng ta phải đi mấy dặm ngược dòng nước. Nhưng..hà! Ta chỉ có thể bế khí một vài giờ mà thôi, còn bế khí đi dưới lòng nước ta chưa bao giờ tập qua.

Thanh Ngân:

- Đệ có thể giúp cho Ngọc ca được. Không sao.

Bảo Ngọc:

- Vậy thì chúng ta thực hành ngay.

Nói rồi, Bảo Ngọc dùng khí kình đẩy thuyền vào bờ. Dưới bốn luồng kình khí của Bảo Ngọc và Thanh Ngân, chiếc thuyền con lướt trên mặt nước như tên bắn. Vào bờ, neo thuyền xong, Bảo Ngọc và Thanh Ngân dở khinh công đến một vùng cây cối, ngang tầm chiếc lầu thuyền, Thanh Ngân dắt Bảo Ngọc bước xuống nước, nói nhỏ:

- Khi đến chỗ nước sâu Ngọc ca tạm thời ngồi lên vai tiểu đệ, đừng để thân hình ló lên trên mặt nước nhiều quá, chúng nhìn thấy.

Đại Tam Giang lòng sông dốc và sâu, ra khỏi bờ năm ba thước, nước đã ngập đầu. Bảo Ngọc vịn vai để Thanh Ngân kéo đi một lúc, thì nước quá sâu, nên phải làm theo cách thức mà Thanh Ngân đã nói là đặt hai chân, ngồi lên vai để Thanh Ngân đưa đi.

Thanh Ngân vận công bế khí đi ngầm dưới nước, nhờ Bảo Ngọc ngồi trên vai ló đầu lên nhìn đường, hướng dẫn để tiến ra ngay vị trí chiếc thuyền. Khi đến nơi, Bảo Ngọc dùng thuật bích hổ bám tay vào mạn thuyền, rời vai Thanh Ngân, và Thanh Ngân nhẹ nhàng nổi lên, bám vào hông thuyền trơn trợt để chờ đợi xem diễn biến.

Núp dưới hông thuyền, Thanh Ngân và Bảo Ngọc không thể nhìn xem bên trên thuyền đang làm gì, bên trên vẫn yên lặng như tờ, nhưng chỉ năm ba phút sau, họ thấy ngay trên thượng lưu, có hai chiếc thuyền lớn cũng thắp sáng đèn đuốc đang xuôi xuống, và đến ngang chiếc lầu thuyền thì neo lại. Trên một trong hai chiếc thuyền mới đến, Thanh Ngân nhận ra ngay Thiết Tháp Dã Ưng, đứng bên cạnh là một lão già cao lêu nghêu, khô đét. Lão già cao vòng tay nói với người trên lầu thuyền:

- Nhọc lòng đại công chúa và hai đại trưởng lão ở chốn Đông Hải bao la phải vào kinh rạch nhỏ nhoi, Yết Kỳ thật biết lỗi mình, nhưng không thể đưa thượng khách đi xa hơn được, mong đại công chúa và hai trưởng lão, cho tại hạ gởi lời thăm và xin đảo chủ tha thứ.

Tiếng một trong hai lão già trên lầu thuyền:

- Xin mời sang thuyền.

Yết Kỳ:

- Hoạt phật có ý dùng tiểu thuyền của tại hạ để làm nơi họp mặt, vậy xin phiền đại công chúa và nhị vị trưởng lão quá bước qua cho.

Hình như đòi hỏi của người được Yết Kỳ xưng là Hoạt Phật làm cho người trên thuyền khó chịu, chưa biết có nên sang thuyền của Yết Kỳ hay không, họ đang ngần ngừ thì trên chiếc thuyền thứ hai có tiếng líu lo, cả Thanh Ngân và Bảo Ngọc đều không hiểu gì cả. Hai người ra hiệu cho nhau xê dịch xuống phía lái thuyền để nhìn lên chiếc thuyền này. Ra xa hơn, họ nhìn thấy trên chiếc thuyền thứ hai có mấy nhà sư già mặc áo vàng, thân thể to lớn, mặt mũi cổ quái. Một trong những nhà sư này đang nói líu lo gì đó với cô gái và hai lão già trên lâu thuyền.

Nhà sư áo vàng líu lo một lúc, một người đứng sau Yết Kỳ thông ngôn lại:

- Hoạt Phật tỏ lòng vui mừng được gặp đại công chúa và nhị vị trưởng lão. Hoạt Phật tỏ ra rất tiếc vì thân mang trọng mệnh của Đại Mông, vì quốc thể nên đành phải mong công chúa và trưởng lão quá bước sang thuyền của đại vương chúng tôi diện kiến.

Trên lầu thuyền im lặng giây lâu có lẽ đang ngầm trao đổi ý kiến với nhau. Rồi Thanh Ngân và Bảo Ngọc nghe một trong hai lão Nhị Tẩu lên tiếng:

- Nếu Hoạt Phật đã có ý như vậy, chúng tôi đành chiều lòng khách phương xa.

Yết Kỳ mừng rỡ:

- Đại công chúa và Nhị Tẩu hạ giá tệ thuyền, thật đại hạnh cho Thủy cung chúng tôi. Xin mời!



Sau lời Yết Kỳ, Thanh Ngân và Bảo Ngọc thấy cô gái áo trắng, giở thân pháp phi phàm bay sang thuyền Yết Kỳ. Nói đến khinh công là nói đến tốc độ. Càng có tốc độ cao càng lướt mình đễ hơn trong không khí hay trên sóng nước, nhưng cô gái áo trắng bay sang thuyền Yết Kỳ, lại từ từ như một đóa mây trắng nhẹ nhàng. Thân pháp của nàng làm Bảo Ngọc cau mày, những nhà sư áo vàng thì không che dấu những tiếng lí lố, nhất định là tiếng trầm trồ, kinh ngạc. Khi cô gái áo trắng gần đặt chân lên thuyền Yết Kỳ, Nhị Tẩu như hai làn khói dài, phóng mình theo sau, họ cũng đáp xuống cùng một lượt, đứng sau lưng cô gái.

Thanh Ngân thấy Yết Kỳ và thuộc hạ của hắn đồng cúi đầu trước cô gái:

- Kính mừng công chúa và nhị tẩu giá lâm.

Yết Kỳ lại nói sang thuyền có các nhà sư áo vàng:

- Mời Hoạt Phật.

Nhà sư già trong đám sư áo vàng, có lẽ cũng muốn chứng tỏ khinh công thượng thặng của mình, nên lão lột chiếc áo của một nhà sư còn trẻ sau lưng lão, tung chiếc áo lên không mấy trượng, phi thân lên đứng trên chiếc áo ấy. Lão đứng trên chiếc áo vàng bung rộng, khi thì đề khí đưa lên cao, khi thì hạ xuống, bồng bềnh, phất phơ trông vô cùng đẹp mắt, như Phật cỡi mây. Tuy nhiên, so sánh giữa Lão và cô gái, Thanh Ngân biết thân pháp cô gái xử dụng khó hơn cách thức của lão sư già ngoại tộc. Khi lão gần đáp xuống thuyền, chiếc áo vàng đưới chân lão, được chân khí dưới chân điều khiển, gom lại và bay trở về thuyền của lão như một cây côn tròn bị ném đi. Trước thân pháp của lão, những người trên thuyền của Yết Kỳ lại lên tiếng ca tụng.

Sau vị sư già, năm nhà sư khác phi thân theo lên thuyền Yết Kỳ.

Qua những lời khách sáo giới thiệu của Yết Kỳ và dịch lại của viên thông ngôn, Thanh Ngân và Bảo Ngọc biết tên sư gìa là người nước Thổ Phồn, có tên khó nghe là Tang Lạp, được vua Mông phong làm Hoạt Phật. Sau khi Yết Kỳ giới thiệu, phân ngôi chủ khách, tên Lạt ma, Thổ Phồn lí lố giọng tự mãn và hách dịch:

- Chim khôn chọn cây mà đậu, người hiền chọn chúa mà thờ, nước Đại Mông từ ngày lập quốc đến nay chỉ mấy chục năm, Đông diệt nước Kim, Nam diệt Tây Hạ, nhà Tống, Đại Lý cũng sắp mất nay mai. Về phiá Tây thì có thể nói vó ngựa đã đi gần đến nơi mặt trời lặn, biên cương, lãnh thổ mênh mông.. Thủy cung và Tiêu Dao Đảo biết đường tiến thủ, được lão tăng giới thiệu cho đại tướng Hợp Thai nhất định tương lai..hà..hà...

Tiếng cô gái áo trắng lảnh lót:

- Xin lỗi đại sư, Tiêu Dao Đảo trên trăm năm nay chỉ lấy biển cả làm sự nghiệp, lấy trời nước là chốn vẫy vùng, chưa có ý làm thuộc hạ cho một vương quốc nào, mong đại sư khéo giữ lời cho. Chúng tôi đến gặp đại sư hôm nay, chỉ vì nghe Đại Sư muốn tặng cho Tiêu Dao Đảo bí cấp Thất Khúc Thiền Xướng mà thôi. Đại sư có mang theo bí cấp trong người hay không?

Lão sư áo vàng hơi khựng sau lời hỏi của cô gái, nhưng lão nói ngay:

- Thất Khúc Thiền Xướng, thế nào lão tăng cũng mang đến tận Tiêu Dao Đảo, đích thân trao cho đảo chủ làm vật cầu kiến. Hà nhưng hôm nay, nhân tiện từ Đại Lý mà qua An Nam nên không mang theo trong người. Lão tăng thiển nghĩ đảo chủ muốn có Thất Khúc Thiền Xướng cũng chỉ nhằm muốn đối đầu với Đông hải Vương, phát triển thế lực lên biển Bắc. Nếu được nước Đại Mông giúp đỡ, thì sự nghiệp của đảo chủ càng oanh oanh liệt liệt, gấp trăm ngàn lần có trong tay một cuốn bí cấp. Hà! Có đảo chủ ở đây nhất định bà ta thế nào cũng đồng ý với lão tăng.

Một trong hai lão Đông Hải Nhị Tẩu:

- Đại công chúa được đảo chủ phái đi gặp các hạ, Công chúa hoàn toàn thay mặt cho người. Mong Hoạt Phật giữ lời cho.

Tên sư áo vàng cười ha hả:

- Đông Hải Nhị Tẩu danh lừng một góc biển Nam, đáng tiếc cũng không thấy được sự thế trong thiên hạ. Thuận với Đại Mông thì tương lai không biết đâu bờ bến. Đại công chúa hay đảo chủ nếu muốn làm vua nước Nam này cũng không phải là chuyện khó khăn. Nhưng nếu bỏ mất cơ hội này e rằng...

Tiếng cô gái quát thánh thót:

- Ngươi bằng vào đâu dám có những lời lẽ đe dọa ta? Chúng ta chẳng lý gì đến chuyện Đại Mông, đại miếc của ngươi. Yết Kỳ đã thông tin mời chúng ta đến đây vì ngươi biết tung tích của Thất Khúc Thiền Xướng, nếu đêm nay ta không biết Thất Khúc Thiền Xướng hiện giờ ở đâu, thì Yết Kỳ và các ngươi sẽ hiểu thủ đoạn của Tiêu Dao Đảo.

Yết Kỳ giọng hơi lo sợ:

- Xin Đại công chúa bớt giận. Hoạt Phật hiện là quốc sư của Thổ Phồn, được vua Mông ủy nhiệm trọng trách phát huy lực lượng võ lâm suốt mấy nước miền Tây Nam nhà Tống. Công chúa thảo luận với đại sư biết đâu chẳng những lấy được Thất Khúc Thiền Xướng mà còn..

Tiếng cô gái dứt khoát:

- Ngươi mời ta đến đây vì Thất Khúc Thiền Xướng, thì cứ nói về vấn đề này. Nếu không, ta chẳng nể tình ngươi được.

Tên Lạt Ma Thổ Phồn giận dữ:

- Thuận với Đại Mông thì sống, nghịch thì chết. Nếu Công chúa không hiểu điều hơn lẽ thiệt, thì công chúa đến dễ khó về. Hà..hà..

Đông Hải Nhị Tẩu giận dữ:

- Ngươi dám vô lễ!

Thanh Ngân và Bảo Ngọc nghe chưởng lực đụng nhau trên thuyền, không hiểu là nhị tẩu đánh với Lạt Ma hay cô gái đánh với hắn. Khi người trên thuyền Lạt Ma thấy cuộc hội hợp thành cuộc đánh nhau, họ bắn lên trời một tín hiệu, Thanh Ngân và Bảo Ngọc liền thấy hai bờ sông đèn đước sáng choang, hàng chục chiếc thuyền nhỏ bơi vùn vụt tiến ra, và dưới ánh đèn đuốc của cả một khúc sông, có bốn người không dùng thuyền mà dùng thuật đăng bình độ thủy, lướt như gió ra thuyền Yết Kỳ. Nhìn bốn người đang đến, Bảo Ngọc nói với Thanh Ngân:

- Bốn tên kia là ai mà võ công của họ còn cao hơn Yết Kỳ rất nhiều. Với võ công của bốn tên này cộng với Yết Kỳ, Thiết Tháp và bọn lạt ma, kỳ này Đại Công Chúa của Tiêu Dao Đảo và Đông Hải Nhị Tẩu, đúng là cọp xuống bình nguyên bị chó lờn.

Thanh Ngân:

- Bốn tên đang đến đều mặc y phục đen, bịt mặt, thì ra bọn này lại là tay sai của Mông Cổ.

Bảo Ngọc nheo mắt:

- Ngân đệ phải giúp cho cô công chúa biển Đông rồi. Hà! Nàng đẹp quá!

Thanh Ngân:

- Tiểu đệ biết Ngọc ca thế nào cũng không thể đứng ngoài nhìn xem. Đừng vì Ngọc ca muốn can thiệp mà lại lấy đệ làm cái cớ trêu chọc.

Bảo Ngọc:

- Giữa bọn cướp mà còn có lương tâm và bọn bán nước cầu vinh, thì chúng ta đứng ngoài cũng được. Nhưng nếu bọn chúng dùng võ lực thu phục được Tiêu Dao Đảo, thì võ lâm thiên hạ sẽ chẳng còn bang phái nào có đủ võ công không chế bọn chúng cả. Chúng ta không thể nào làm ngơ được.

Thanh Ngân:

- Nếu Ngọc ca muốn can thiệp, chúng ta, núp mãi dưới nước này cũng chẳng ích gì. Hay là chúng ta lên thuyền chúng xem sao!

Bảo Ngọc:

- Chúng ta cố che dấu hành tung, đừng để hai bên phát hiện, xem họ đấu nhau, xem võ công bọn áo đen thuộc bang phái nào trên giang hồ.

Thanh Ngân gật đầu đồng ý, Bảo Ngọc liền nương theo bóng đen của chiếc lầu thuyền phi thân qua hông thuyền Yết Kỳ, nàng dùng thuật bích hổ du tường đưa mình lên khoang nhìn vào trong và nhân lúc hai bên đánh nhau, chưởng phong bình bùng, mọi người đang chú tâm trận đấu, nàng phi thân lên cột buồm. Thanh Ngân chờ cho Bảo Ngọc che người sau chiếc buồm đang cuốn lại, chợt nghĩ đến xúc cốt công, lắc mình thu thân hình từ từ nhỏ lại, cho đến lúc thân hình chỉ còn như một chú bé, từ dưới nước dùng thuật Lạc Long Thăng Thiên, như một chiếc bóng mờ bay lên cột buồn và ngồi ngay trên đầu cột, dùng thuật truyền âm nói với Bảo Ngọc:

- Đệ dùng xúc cốt công, đang ngồi trên cột buồm. Ngọc ca đừng thấy thân hình thay đổi của đệ mà ngạc nhiên.

Bảo Ngọc nhìn lên, thấy Thanh Ngân ngồi trên đầu cột buồm, như chỉ làm cột buồm cao hơn một chút, nàng càng khâm phục.

Thanh Ngân lên cột buồm nhìn xuống, thấy thuyền Yết Kỳ đang trở thành một trận chiến. Một số cô gái áo xanh đã phi thân từ lầu thuyền sang thuyền Yết Kỳ kịch chiến với bộ hạ của hắn, trong khi đó, cô gái áo trắng, Đông hải Nhị tẩu kịch chiến với Yết Kỳ, Thiết Tháp, bốn tên áo đen mới đến và năm nhà sư Thổ Phồn. Tên Tang Lạp Lạt Ma thì chắp tay sau lưng, dõi cặp mắt cú vọ vào trận đấu. Thanh Ngân thấy thân pháp cô gái áo trắng phiêu bồng như sóng biển, chưởng kình tung ra cũng có tiếng ầm ì như sóng vỗ, Đông Hải Nhị Tẩu không thẹn là hai kỳ nhân, hai chọi lại với bốn tên áo đen bịt mặt mới tới mà Thanh Ngân thấy võ công của họ rất lấy làm ngạc nhiên, vì cả công phu nội lực, lẫn thủ pháp đều hơn hẳn những tôn sư võ học mà mình biết như Vô Địch Thần Quyền, Nam Thiên Tam Tuyệt. Cả bốn tên áo đen đều xử dụng các công phu võ học thiền môn như Long Tượng Chưởng, Ban Nhược Chưởng, Đại Thủ Ấn, Kim Cương Chỉ với khoảng năm sáu mươi năm công lực. Đông Hải Nhị Tẩu nhờ công lực tu huyền cả trăm năm nên Xuyên vân Chỉ và Xuyên vân Chưởng được phát huy đến mức tối đa, hai ông già đâu lưng vào nhau chiến dấu, thần uy lẫm liệt. Cô gái áo trắng, một mình cự chiến với Yết Kỳ, Thiết Tháp và năm tên Lạt Ma Thổ Phồn, chưởng pháp của nàng lạ lùng, Thanh Ngân thấy liên miên không dứt, một đường lối võ công riêng biệt chưa nghe Triệu Cung nhắc qua.

Bảo Ngọc dùng phép truyền âm nói:

- Bốn tên đánh nhau với Đông Hải Nhị Tẩu, nhất định là lãnh tụ của bọn áo đen. Ngân đệ phải tìm cách xem chúng là ai. Nếu không biết được chúng để liệu bề đối phó, không chỉ võ lâm giang hồ mà giang sơn Đại Việt cũng lâm nguy mất. Trời xui đất khiến, chúng ta phát hiện âm mưu vĩ đại này, không thể bỏ qua.

Thanh Ngân:

- Ngọc ca rán một lúc, cứ nhìn dáng dấp, võ công của họ mà ghi nhớ trước đã. Với võ công của họ cũng không dễ dàng gì tiểu đệ có thể lột mặt nạ chúng được.

Bốn tên áo đen và bọn Yết Kỳ đã âm mưu sẳn, đã ước tính khả năng võ công của Tiêu Dao Đảo để quơ một mẻ lưới, trong khi đó người của Tiêu Dao Đảo đã vô tình và tin tưởng vào võ công của mình, trên giang hồ khó có ai dám uy hiếp nên không ngờ lâm vào cảnh quả bất địch chúng. Đông Hải Nhị Tẩu râu tóc dựng ngược, bốn tay áo phồng lên như cái trống chứng tỏ phải vận dụng hết toàn bộ công lực. Trong khi đó thân pháp cô gái áo trắng dần dần kém linh hoạt trước bảy cao thủ võ công đều cỡ Yết Kỳ. Chống đỡ một lúc với bảy cao thủ như vậy, võ công của nàng, trong giang hồ, nếu không có Thanh Ngân, thì phải kể nàng là kẻ có võ công đệ nhất. Dù giỏi đến đâu, trước những hạng khuấy nước chọc trời cỡ Yết Kỳ lại bao vây quần đấu, cô gái phải suýt nguy hiểm mấy lần. Tên Tang Lạp lớn tiếng lí lố:

- Ta chỉ muốn các ngươi biết thân mà đầu hàng, làm việc cho Đại Mông. Ta không muốn giết hay làm các ngươi bị thương. Con nhãi kia ngươi có đầu hàng không nào?

Để trả lời, cô gái tức thì bắn một chỉ xé gió về hướng lão, làm lão phải tung chưởng lên chống đỡ và tức giận:

- Ngươi vô phép với Phật gia như vậy, ta quyết không tha thứ. Các ngươi phải bắt cho bằng được con nhãi này cho ta, hà...hà...

Lão ngước mặt lên trời cười khoái trá. Nhưng lập tức cau mày, vì thấy Thanh Ngân và Bảo Ngọc, một người đang ngồi, một người dựa lưng vào cột buồm.

Lão quát lớn:

- Các ngươi là ai dám cả gan! Xuống đây cho ta!

Dứt tiếng, lão phi thân lên cao, tung hai chưởng với trên sáu bảy chục năm công phu tấn công Thanh Ngân và Bảo Ngọc. Nhận thấy Bảo Ngọc chưa đủ công phu tiếp chưởng với lão, Thanh Ngân tức thì tung hai tay tiếp chưởng, bốn luồng chưởng lực đụng nhau trên không nổ bùng như sét nổ. Lão sư Tang Lạp bị chưởng kình đẩy lui rớt xuống trở lại sàn thuyền và Thanh Ngân cũng theo thế đáp xuống bên cô gái áo trắng tiện tay đẩy lui cho nàng mấy chiêu như chớp giật của Yết Kỳ và Thiết Tháp đang tấn công tới.

Thấy Thanh Ngân bất ngờ xuất hiện mà võ công lại không phải tầm thường Yết Kỳ dừng tay quát hỏi:

- Các hạ là ai? Phải chăng là người của Tiêu Dao Đảo?

Thanh Ngân chưa kịp trả lời thì Bảo Ngọc đáp xuống bên cạnh:

- Anh em chúng ta chỉ là kẻ du sơn ngoạn thủy, tình cờ thấy những quái thai kia..

Nàng đưa tay chỉ Tang Lạp và mấy tên sư Thổ Phồn, giọng kéo dài:

- Hiếu kỳ đi xem cho vui mà thôi. Chúng ta chẳng thuộc một bang một hội nào cả. Nếu ta không lầm, lão có lẽ là tên chúa cướp sông Khô Mộc Yết Kỳ?

Không hiểu trong tích tắc nàng đã làm cách nào, khuôn mặt trở thành xanh mét, xấu xí, dưới càm râu lưa thưa, tiếng nói cũng khàn đặc, hoạt kê trông không còn một chút gì là gái giả trai.

Yết Kỳ nghe Bảo Ngọc gọi mình là chúa cướp sông tức giận, rít qua hai hàm răng:

- Ngươi là ai. Hôm nay không giết được ngươi, ta thề chẳng làm người.

Bảo Ngọc cười ha hả:

- Mấy chục năm nay ngươi đã từng làm người bao giờ đâu? Ta không lầm ngươi chỉ là ma hồn hay dạ qủy mà thôi.

Lần đầu tiên bị sĩ nhục trước mặt nhiều người, Yết Kỳ phẩn nộ, cùng với tiếng hét như hổ gầm, hai tay tung ra hai thế sấm sét trong bộ Khô mộc ảo chưởng nổi tiếng giang hồ của lão nhắm mặt Bảo Ngọc đánh tới. Bảo Ngọc đã luyện tập Nhất Dương Công và Nhất Dương Chỉ của Đại Lý, là một trong những bộ kỳ môn võ học, dù được kỳ duyên nhưng còn thiếu hoả hầu nên võ công của nàng hiện thời so ra chưa thể hơn một cao thủ như Yết Kỳ. Tuy nhiên, Yết Kỳ quá tức giận, chỉ muốn đánh cho nàng chết tốt ngay lập tức, lão chỉ công mà không nghĩ đến thế thủ, trong khi Bảo Ngọc đã có dụng ý sẳn, nên khi thấy Yết Kỳ tung chưởng tấn công, nàng dùng thế thiết bản kiều, ngã người ra sau, sát xuống sàn thuyền, vừa tránh cho hai luồng chưởng kình của lão lướt qua, thì ngọn nhất dương chỉ cũng xé không khí tăng tăng, bắn vào các huyệt trung đình và ngọc đường, cự khuyết của lão đang bỏ trống. Truyện "Nam Thiên Đại Hiệp "



Là người lăn lóc trong giang hồ năm sáu chục năm, các loại võ công trong thiên hạ đều nghe qua, biết gặp phải loại chỉ công có thể xoi tường, lủng đá, Yết Kỳ hốt hoảng lách mình tránh né, nhưng cũng bị ngọn nhất dương chỉ của Bảo Ngọc quét phải huyệt trung phủ ở đầu vai, tê liệt cả cánh tay, loạng choạng thối lui mấy bước. Nếu không nhờ khô mộc thần công là một lọai võ công đặc dị, làm cho mình mẩy cứng rắn dẻo dai như cây khô, lão đã bị tàn phế.

Ra chiêu đắc thắng, Bảo Ngọc cong mình dậy vuốt râu:

- Tai nghe không bằng mắt thấy. Té ra khúc cây khô chỉ bắt nạt được hạng tôm tép mà thôi.

Thiết Tháp râu tóc dựng ngược, lê tấm thân hộ pháp bước tới hằn học:

- Ngươi đừng tưởng ra chiêu trong lúc bất ngờ, thì có thể khi thị thủy cung chúng ta. Ngươi là gì của hoàng cung Đại Lý đi nữa. Hôm nay ta quyết chôn thây ngươi vào bụng cá.

Thiết Tháp nói xong, định tung đôi bàn tay hộ pháp tấn công Bảo Ngọc thì Tang Lạp Lạt Ma ngọng nghịu:

- Dã đàn việt hãy khoan. Ta có lời muốn hỏi hắn.

Tang Lạp là một nhà sư học rộng, hiểu nhiều thứ tiếng. Từ lúc phát hiện Thanh Ngân và Bảo Ngọc, lão không dùng thông ngôn nữa mà nói thẳng bằng tiếng Việt, dù hơi ngọng ngụi, khó nghe nhưng rất sành sỏi.

Nghe Tang Lạp ra lệnh, Thiết Tháp đành rụt tay, bước lui hai bước. Tang Lạp hỏi Bảo Ngọc:

- Túc hạ là người của hoàng cung Đại Lý? Trong hoàng cung Đại Lý chỉ có hai người có thể xử dụng nhất dương chỉ. Ta chưa từng nghe qua các hạ.

Bảo Ngọc cười lớn:

- Đại sư đang tâm mãi quốc cầu vinh, làm tay sai Mông Cổ dọ thám nội tình các nước, nhưng ta cho đại sư biết số người biết xử dụng nhất dương chỉ của Đại Lý hiện nay cả hàng trăm người, và ngay cả lục mạch chỉ thiền cũng không còn bí mật nữa. Đoàn lão hoàng gia đã đoán biết dã tâm của Mông Cổ nên bí mật thâu không biết bao nhiêu đồ đệ để chuẩn bị đối phó với kiếp nạn. Tin tức của đại sư thu lượm được!.. hà! hà.. ta e rằng... đại sư khó giữ cái đầu trên cổ.

Tang Lạp là một tôn sư võ học, biết rõ nhất dương chỉ không thể học lóm mà có thể thành tựu. Ngoài công phu nội lực trên bốn mươi năm, còn phải được chân truyền khẩu quyết mà chỉ nhà vua hay nhiếp chính vương Đại Lý mới biết được mà thôi. Hôm nay thấy Bảo Ngọc xử dụng nhất dương chỉ rất lấy làm ngạc nhiên, nên lời nói của nàng làm hắn bán tín bán nghi. Cau mày lẩm bẩm:

- Lạ thiệt! Sao hắn lại biết nhất dương chỉ? Chẳng lẽ...

Bảo Ngọc bồi thêm:

- Ta biết nhất dương chỉ có gì là lạ. Bảo Kính hiền đệ! Hiền đệ xử dụng lục mạch chỉ thiền cho đại sư thưởng lãm.

Những người hiện diện trên thuyền đều là những tay võ học uyên thâm, nhưng nghe đến một môn công phu nổi danh đã thất truyền cũng lấy làm hiếu kỳ. Mọi cặp mắt đều đổ dồn về Thanh Ngân làm Thanh Ngân cảm thấy nhột nhạt không biết phải làm sao, liền nghe Bảo Ngọc truyền âm:

- Ngân đệ cứ bắn ra năm luồng chỉ kình từ cả năm ngón tay của đệ, lòe chúng là được rồi!

Thanh Ngân trong bụng trách thầm Bảo Ngọc, không hiểu nàng vẽ vời như vậy để làm gì, nhưng nàng đã nói ra không tiện chối từ nên đành miễn cưỡng làm theo lời nàng. Mỗi ngón tay tức thì bắn ra một luồng chỉ kình, vô thinh vô sắc, nhưng mỗi ngón búng ra, thì một ngọn đèn gió treo quanh boang thuyền, thủng giấy, dập tắt ngọn đèn bên trong mà chiếc đèn không chao động. Lục mạch chỉ thiền, thật ra còn thua Lạc Long công được Thanh Ngân vận dụng biến thành chỉ lực rất xa, vì lục mạch chỉ thiền thuần dương, uy lực như kiếm bén. Còn Lạc Long Công lại cương nhu gồm đủ.

Đông Hải Nhị Tẩu thoáng cau mày vì hai lão tuy không biết nhưng đã có nghe truyền thuyết về lục mạch chỉ thiền, và lão biết khó ai có thể luyện nội công đến mức độ âm dương kiêm bị như Thanh Ngân. Nhất là Thanh Ngân còn quá trẻ.

Bảo Ngọc vuốt râu hỏi Tang Lạp:

- Đại sư đã thấy uy lực của lục mạch chỉ thiền?

Tang Lạp rất bối rối, vì lão không biết lục mạch chỉ thiền như thế nào. Nếu nói là không đúng thì sợ trật bị cười chê không có kiến thức, còn ngược lại thì cũng sợ bị hố. Đành nói lảng:

- Kể ra tiểu đàn việt võ công cũng khá lắm. Các vị là người nước Đại Lý, không liên can với Tiêu Dao Đảo. Nể tình Đoàn hoàng gia, hai vị có thể rời khỏi nơi đây, chúng tôi quyết không làm khó dễ.

Bảo Ngọc cười lớn:

- Tại hạ cũng vì nể tình đại sư là cao tăng của Thổ Phồn, nếu đại sư rời khỏi nơi đây để tại hạ xem mặt những vị áo đen kia là ai, thì nhất định anh em tại hạ cũng không làm khó dễ đại sư.

Một tên áo đen ngửa mặt lên trời cười dài:

- Nhất dương chỉ đã là cái quái gì mà một tên tiểu tốt vô danh như ngươi dám huyênh hoang trước mặt chúng ta.

Rồi hắn trầm giọng nói với Tang Lạp:

- Tất cả người nào biết được việc hôm nay đều không thể để sống được. Có thêm hai tên thì ta phải diệt hai tên. Đại sư chưa ra tay thì lúc này ra tay thì vừa. Thủ lãnh chúng tôi hiện cũng sắp đến nơi. Đại sư không phải e ngại.

Tang Lạp thấy Thanh Ngân và Bảo Ngọc có võ công cũng không thua kém bọn hắn, không muốn người Tiêu Dao Đảo có thêm tay trợ thủ, nhưng khi nghe tên áo đen nói như vậy, thì cười nham hiểm:

- Thuận thì sống, nghịch thì chết. Nhưng thể đức hiếu sinh của Phật ta hỏi công chúa và Nhị Tẩu lần nữa chịu cộng tác với chúng tôi hay không? Qúy vị không nên vì một phút nóng nảy mà Tiêu Dao Đảo xây dựng cả trăm năm, hôm nay phải... hà hà...

Cô gái áo trắng từ lúc Thanh Ngân và Bảo Ngọc xuất hiện, trận chiến tạm ngưng, chỉ lạnh lùng đứng yên theo dõi không nói tiếng nào. Nghe Tang Lạp hỏi như vậy, ngạo nghễ:

- Ngươi biết Tiêu Dao Đảo mà còn dám vô lễ, tội đáng lăng trì. Bây giờ ngươi có dập đầu xuống đất xin tha ta cũng không chấp nhận, đừng nói đến những chuyện mơ mộng của ngươi nữa. Ngươi chống mắt mà xem.

Nàng nói với Thanh Ngân và Bảo Ngọc:

- Cảm ơn hai vị có lòng tương trợ, nhưng Tiêu Dao Đảo từ xưa đến nay không nhận sự tiếp trợ của ai. Hai vị cứ tùy tiện.

Nói xong, chân không cử động, nàng lách mình đến bên Nhị Tẩu, rút trong tay áo một ống sáo ngọc màu xanh huyền, đưa lên miệng thổi, tiếng sáo du dương, dìu dặt vang lên. Tiếng sáo thật du dương, êm dịu, nhưng Thanh Ngân biết nàng đang xử dụng một loại âm công cực kỳ lợi hại tấn công những người trên thuyền, sợ Bảo Ngọc không chịu nổi nắm tay nàng, dùng phép truyền âm:

- Ngọc ca! Thu liễm tinh thần, vận dụng công lực hộ thể, đừng để tiếng sáo chi phối tinh thần. Tiểu đệ sẽ giúp cho Ngọc ca.

Khi nghe nàng áo trắng đưa sáo lên thổi, Bảo Ngọc đã thấy chân khí nhộn nhạo, nghe lời Thanh Ngân, vội vàng vận công bế huyệt. Nhờ thần công Thanh Ngân tiếp trợ Bảo Ngọc lấy lại bình thường, sóng vai nhìn xem diễn biến. Tiếng sáo cô gái từ mơn man như làn gió nhẹ mùa thu, chuyển sang buồn bã những tiếng nỉ non cảnh phòng không gối chiếc. Những kẻ yếu kém võ công trên chiếc thuyền Yết Kỳ như bị tiếng sáo thu hồn, ngơ ngẩn, gươm dáo rớt khỏi tay, nếu họ chưa gục xuống mê man, thì những cô gái áo xanh xuyên qua, xuyên lại, điểm vào mê huyệt của họ. Khi cô gái áo trắng từ điệu nhạc buồn thảm chuyển sang vui tươi những lời tương phùng gặp gỡ, rồi phơi phới xuân tình, những người trên thuyền, ngoài bốn người đang đứng là Nhị Tẩu, bất động như hai tượng đá hai bên cô gái, hai tay để lên vai nàng, Thanh Ngân và Bảo Ngọc nắm tay nhau đứng nhìn, còn những người khác thì đều ngồi xuống sàn thuyền vận công chống lại âm thanh huyền hoặc. Những Lạt ma theo Tang Lạp vì nội công yếu kém hơn hết, trán đổ mồ hôi, run rẩy không ngớt, cặp mắt dần dần chứa đầy dục vọng. Những cô gái áo xanh, theo tiếng sáo lại từ từ từng cô, rít nhẹ trong miệng những âm thanh khêu gợi, nhún nhẩy theo điệu nhạc mê ly và thân thể nõn nà của họ từ từ hé mở từng phần. Một Lạt ma còn trẻ, như điên khùng, gào to, vung hai cánh tay hộ pháp nhào đến một cô gái. Cô ta cười khúc khích, bá lấy cổ hắn, nhưng rồi Thanh Ngân liền nghe một tiếng rắc khô khan vang lên, và chiếc thân trăm ký của hắn được đôi bàn tay nhỏ nhắn, nõn nà tung lên cao, rớt xuống sông. Tên Lạt ma trẻ bị giết, những cô gái của Lầu thuyền, lúc này chỉ còn độc nhất một chiếc váy mỏng cũn cởn đưa tới, đưa lui trước những cặp mắt như đổ lửa những tên Lạt ma còn lại. Một tên khác lại không còn kiềm hãm được nữa và cũng nhanh chóng bị thủy táng như tên trước. Yết Kỳ nội công thâm hậu hơn Thiết Tháp, nhưng bị thương bởi ngón nhất dương chỉ của Bảo Ngọc nên lúc này gân mặt cũng giựt liên hồi. Thanh Ngân nhìn cảnh ra tay tàn độc của Tiêu Dao Đảo cảm thấy bất nhẫn, truyền âm hỏi Bảo Ngọc:

- Chúng ta có nên làm cho cô gái ngưng tay hay không? Họ là kẻ ác nhưng dù sao...

Bảo Ngọc:

- Tang Lạp, Thiết Tháp và bốn tên áo đen còn chống cự được một thời gian khá lâu nữa. Chúng ta không nên giúp bọn mãi quốc cầu vinh này làm gì.

Thanh Ngân cố nói:

- Nhưng dù sao họ vẫn là con người...

Bảo Ngọc:

- Ngân đệ có lòng nhân như vậy, ta chẳng biết nói sao, nhưng giúp bọn bán nước để gây thù oán với Tiêu Dao Đảo, ta thấy thật là chẳng ổn tí nào.

Thanh Ngân biết bọn Lạt Ma Thổ Phồn, Thủy Ma Cung và bọn áo đen là những kẻ đang âm mưu làm tay sai cho Mông Cổ, nhưng nhìn thấy thủ đoạn tà quái của Tiêu Dao Đảo trong lòng chán ghét định dùng Diệu âm thiền xướng, môn âm công mà Triệu Cung học được trong một bí cấp của Thiền môn có thể khắc chế các lọai ma công buộc cô gái áo trắng ngưng tay, nhưng như thế không khác gì trực đấu với nàng, lấy làm khó nghĩ. Thanh Ngân chần chờ, không biết phải làm sao. Tuy nhiên, khi tên Lạt ma thứ ba bị ném xuống sông, và Yết Kỳ cũng trong tình trạng sắp không còn chịu đựng được nữa, Thanh Ngân quyết định can thiệp. Trong lúc vận công sắp sửa niệm bài diệu âm thiền xướng, thì nghe một loại âm thanh như tiếng phèn la vang đến, trong một tốc độ nhanh phi thường cùng với tiếng nói:

- Huyền ngọc mê ly dẫn! Lý Hoa Thanh! Mụ chẳng thể tự tung tự tác trước mặt ta được đâu!

Tiếng nói vừa dứt, thì một người áo đen bịt mặt, thân thể nhỏ thó như một đứa con nít mười ba mười bốn tuổi xuất hiện. Hai tay hắn cầm hai chiếc phèn la đập lên nhau phản kích lại tiếng sáo, trong khi đôi chân của hắn biến ảo phi thường, mỗi cái nhấc chân, một cô gái ngã nhào theo và bị hắn đá tung xuống nước. Trông tên áo đen mới đến bộ diệu không khác gì một con khỉ đang nhảy múa, nhưng võ công thật bất phàm.

Khi tên áo đen này xuất hiện, áp lực tiếng sáo không còn chi phối được những người trên thuyền. Họ thở ra như trút được một gánh nặng, nhưng vẫn tiếp tục ngồi yên vận công phục hồi công lực. Thanh Ngân thấy cô gái áo trắng và Đông Hải Nhị Tẩu thoáng biến sắc khi nghe tiếng tên áo đen từ xa, và khi hắn xuất hiện tiếng sáo thay đổi tăng thêm mấy phần công lực. Tên áo đen mới đến lúc đầu còn tung đôi chân qủy mị đá rớt xuống sông mấy cô gái loã thể, nhưng hắn tức thời ngồi xuống vận công đập đôi phèn la chống lại khúc huyền ngọc dẫn của cô gái áo trắng. Bốn tên áo đen trên thuyền, sau một phút ngồi yên phục hồi công lực, họ thay đổi vị trí, đến ngồi sau lưng tên áo đen mới đến, những cánh tay đặt lên lưng nhau. Trận đấu trở thành cuộc thi thố nội lực qua âm thanh giữa cô gái áo trắng và nhị tẩu với năm tên áo đen. Tiếng sáo từ âm thanh thoát ra thật cao, trở nên nhỏ dần, trong khi tiếng phèn la rung lên cũng vậy. Tang Lạp và hai tên Lạt ma còn lại, sau một lúc điều dưỡng, đứng lên nhìn trận đấu, và chỉ một lúc, Tang Lạp ra hiệu cho hai tên Lạt Ma kia, tiến ra phía sau năm tên áo đen, cùng ngồi xuống đặt tay lên lưng họ. Khi Tang lạp và hai tên Lạt Ma nhập cuộc, cô gái áo trắng và nhị tẩu mồ hôi nhỏ giọt, tiếng sáo nhỏ như không còn hơi sức, trong khi tiếng phèn la lại càng lúc càng phát âm cao hơn. Bảo Ngọc nói với Thanh Ngân:

- Ngân đệ có cách gì can thiệp không? Nếu để vậy cô gái áo trắng và Đông Hải Nhị Tẩu sẽ lâm nguy mất!

Thanh Ngân chau mày:

- Bọn họ đều là những người có công lực thâm hậu vô cùng, không hiểu công lực của đệ có đủ sức hay không. Nhưng đệ đành phải liều một chuyến vậy.

Bảo Ngọc:

- Hai chúng ta hợp sức lại. Ta tin công lực của ta có thể giúp được Ngân đệ.

Thanh Ngân liền nói:

- Bọn áo đen đang có ưu thế hơn, lúc này cương khí hộ thân của họ đang vận dụng đến mức tối đa, nhưng Ngọc ca dùng nhất dương chỉ tấn công, họ phải phân lực chống đỡ, còn tiểu đệ thì dùng diệu âm thiền xướng hoá giải âm công của họ.

Phân công xong, Thanh Ngân và Bảo Ngọc nắm tay nhau bước ra. Tuy nhiên, khi cả hai mới đi vài bước, thì Yết Kỳ và Thiết Tháp phi thân chận lại.

Yết Kỳ:

- Hai ngươi đứng yên. Nếu không đừng trách anh em chúng ta.

Thanh Ngân vội nói với Bảo Ngọc:

- Ngọc ca cứ cầm chân trong chốc lát. Để việc kia cho đệ.

Nói xong, Yết Kỳ chưa kịp vung tay chận lại, Thanh Ngân đã lách qua lão và Thiết Tháp đến bên cuộc chiến. Bảo Ngọc bắt buộc phải tung chưởng tấn công Yết Kỳ và Thiết Tháp để họ không thể theo ngăn cản Thanh Ngân.

Bảo Ngọc công lực không bằng Thiết Tháp và Yết Kỳ nhưng nhờ những chiêu thức thần kỳ và uy lực của nhất dương chỉ hỗ trợ, nên cuộc chiến của ba người nhanh chóng trở nên quyết liệt. Ít nhất Bảo Ngọc cũng cầm cự cả trăm chiêu mới phân thắng bại.

Bảo Ngọc phải lo chận Khô Mộc Yết Kỳ và Thiết Tháp Dã Ưng. Thanh Ngân đành đơn thân đứng ra can thiệp cho hai nhóm cao thủ đều thuộc hàng thượng thặng trên giang hồ đang truyền công tiếp lực giao đấu với nhau. Thanh Ngân biết đây là việc làm cực kỳ nguy hiểm nên vận dụng toàn bộ công lực, miệng tụng bản kinh văn diệu âm thiền xướng, bước vào trận đấu. Tiếng kinh êm nhã, thanh thoát làm lâng lâng lòng người cất lên làm tiếng phèn la đang dồn dập đè ép tiếng sáo bỗng khựng lại ngay, ngược lại tiếng sáo lại trỗi lên cao vút như được trợ lực. Cô gái áo trắng đang tập trung tinh thần mở to đôi mắt đẹp nhìn Thanh Ngân tỏ dấu biết ơn. Thanh Ngân kêu khổ trong lòng, vì cũng không muốn giúp nàng, không muốn đứng về phía nàng để tấn công lại nhóm áo đen và Tang Lạp. Thanh Ngân nghĩ đến lời Triệu Cung là Diệu âm thiền xướng có khả năng cảnh tỉnh con người dẹp lòng sát phạt, và nghĩ ngay nếu đè nén tiếng phèn la, thì không khác gì giúp tiếng sáo, và ngược lại. Thanh Ngân xoay chuyển ý nghĩ, rồi quyết định lấy tiếng kinh âm có hiệu năng cảnh tỉnh tâm người để hai bên thu hồi công lực, và khi bên nào ác tâm vẫn còn, lợi dụng cơ hội cảm xúc tự giải công của bên kia mà tấn công Thanh Ngân sẽ dùng công lực của chính mình để đối phó là hay hơn hết.

Đã quyết định, Thanh Ngân ngồi xuống theo thế kiết già, xướng lên khúc diệu âm, tương truyền do chính Đạt Ma Tổ Sư trước kia đã dùng để hàng ma chế qủi ra cảnh tỉnh đôi bên. Thanh Ngân thu liễm tinh thần, chú tâm vào khúc kinh âm, quên ngoại cảnh chung quanh, không quan tâm đến hai luồng kình âm chứa đựng tổng gọp mấy trăm năm tu vi của bọn áo đen, lạt ma, và bọn Tiêu Dao Đảo. Khi thấy khúc diệu âm thiền xướng nhiễu loạn và áp chế công lực của mình, tên áo đen liền phân lực đối phó với Thanh Ngân, cô gái áo trắng tức thì thấy áp lực giảm hơn phân nửa. Lần đầu tiên tham gia vào một trận chiến với những tay cao thủ tuyệt đỉnh giang hồ, Thanh Ngân chỉ làm một việc bắt buộc và liều lĩnh, nhưng nếu nhớ lời dặn Thiên Hư Tử, nội công của Thanh Ngân là một thứ nội công có một không hai trên đời, khi lực của đối phương mạnh hơn, nó có khả năng thu hút, mượn lực để tăng thêm sức đối kháng của mình thì đã tự tin hơn nhiều. Tuy không nhớ uy lực của Lạc Long Công, nhưng tiếng kinh âm qua công lực của Thanh Ngân lần tự động phát huy, thu hút cả luồng dương lực của bọn áo đen và âm lực của cô gái áo trắng càng lúc càng cất cao lồng lộng. Truyện "Nam Thiên Đại Hiệp "

Cả tiếng phèn la và tiếng sáo lần lần không còn phát ra âm thanh được nữa.

Tất cả bọn họ đều là những cao thủ, nhưng không hiểu tình trạng đang diễn ra như thế nào, Thanh Ngân đang giúp ai, công lực của họ như sông đổ ra biển cả

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Nam Thiên Đại Hiệp

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook