Nam Thiên Đại Hiệp

Chương 3

Vũ Quân

26/02/2013

Mười năm lưu lạc Tam Tuyệt trùng phùng

Qua hồi cơ cực, Chính Tâm được chốn an thân.

Đêm ấy, trời vào thu, trăng sáng vằng vặc, một chiếc thuyền lớn chở khách xuôi dòng sông Thao về hướng Đại tam giang. Hành khách trên thuyền, ngoài một thiếu phụ trạc độ ba mươi mặc áo vải thô bạc thếch, nhưng không che đậy được những đường nét thanh tân, quí phái, ngồi nép vào mạn thuyền với đứa bé mười hai mười ba tuổi, một cụ già vạm vỡ trông rất uy vũ ngồi sau khoang thuyền bên cạnh người tài công; còn lại, chỉ toàn là đàn ông, đa số trên dưới ba mươi và thanh niên. Họ là những người cục mịch, vai u thịt bấp. Trên sàn thuyền họ ngồi chen chúc nhau với cuốc xẻng, đồ nghề thợ mộc, túi gạo và thức ăn. Nổi bật trong số người có mặt trên thuyền, một người đàn ông vận y phục trắng, khoảng gần năm mươi, râu ba chòm, như một cụ đồ đứng tách rời đám đông, đàng trước mũi thuyền, trầm ngâm nhìn dòng nước chảy. Mới trông, ông ta giống như một nhà Nho phong lưu đài các, nhưng nếu để ý hai cặp mắt sáng quắc và hai huyệt thái dương lộ cao, đầy đặn, những người có võ công dễ dàng biết rằng ông ta là một nội gia cao thủ. Mọi người trên thuyền ngồi, đứng, ngủ gà, ngủ gật, một hai người nói chuyện với nhau nhưng họ cũng chỉ sầm xì nho nhỏ, hình như họ dành cho người đàn ông áo trắng một sự kính trọng đặc biệt, không dám làm xao động tình trạng trầm mặc của ông ta. Người đàn ông hình như cũng không quan tâm vào sự hiện diện của số người trên thuyền, phá bầu không khí gần như tĩnh mịch của đêm thanh, ông ta bỗng cất tiếng ngâm thơ sang sảng. Lời thơ đầy hào hùng nhưng u uất, tạm dịch:

Về xuôi thuyền rẽ sóng trường giang

Lồng lộng đông phong, lộng bóng vàng

Xích Bích nghe như hồn lửa dậy

Bạch Đằng tưởng vẫn kiếm linh vang

Trời cao khó gởi trung thần lệ

Đất rộng khôn bày chính khí can

Sinh đấng anh hùng cơn quốc phá

Bạc đầu huyết lệ khóc giang san...

Người áo trắng dứt tiếng ngâm, tiếng ngâm vẫn còn như vang vọng. Người trên thuyền đã im lặng càng im lặng hơn. Tất cả như nín thở để thưởng thức lời thơ, giọng ngâm, hay cũng có thể không dám làm cho người áo trắng mất đi nguồn cảm hứng, thì chú bé đang ngồi trong lòng mẹ chợt đứng dậy vỗ hai tay vào nhau tán thưởng:

- Hay lắm! Đại thúc làm thơ hay lắm! Bài đường thi thật tuyệt, nhưng mà “bạch đầu huyết lệ khấp giang sơn” nghe thật là bi quan, không lòng tiến thủ..

Chú bé chưa dứt lời, người thiếu phụ vội vã kéo xuống, đưa tay bịt mồm chú lại. Tiếng reo của chú bé cũng làm cho người áo trắng chú ý, liếc nhìn hai mẹ con người đàn bà. Khuôn mặt tròn trĩnh, đôi mắt to đen của chú bé, bàn tay trắng trẻo của người đàn bà làm cho ông ta hơi chau mày, ngạc nhiên trong đám người vai u thịt bấp lại có hai mẹ con người thiếu phụ. Tuy nhiên, mọi sự đối với ông ta lúc này không có gì quan trọng ngoài việc để tâm vào nguồn thi hứng. Ông ta lại đăm chiêu nhìn trăng, nhìn nước, và trong vài phút trôi qua lại cất tiếng ngâm nga:

Mang danh thi kiếm với đời

Non sông luống những ngậm ngùi kiếm thi!

Nhìn trăng thẹn đấng tu mi

Nhìn sông thẹn cả đường đi lối về!

Nam nhi hề!

Quốc phá ngậm ngùi cầm bảo kiếm

Gia nguy vỡ nghẹn dệt vần thơ

Kiếm thi hề!

Cựu kiếm! tổ tiên danh vạn cổ

Kinh tâm giặc Bắc, khiếp quân Hồ

Kiếm xưa! nay quốc thù khôn trả!

Thơ nghẹn thân trai, bóng nguyệt mờ...

Người áo trắng nhất định phải là một người có thân thế phi thường, tổ tiên trước kia phải là đấng anh hùng, có một không hai nên ông ta mới có những lời thơ khóc đau thân thế, tủi thẹn với tiền nhân trước cảnh nước mất nhà tan như vậy. Lời thơ, tiếng thơ u uất của ông làm cho ngay cả những người vai u thịt bấp trên thuyền cũng bồi hồi xúc động. Họ im lặng để lắng nghe. Nhưng trong lúc người áo trắng đắm chìm tâm tư trong lời thơ của ông, trong lúc mọi người đang say sưa thưởng thức tiếng thơ của ông, thì trên bờ sông bỗng vang lên tiếng đàn réo rắt. Tiếng đàn vang lên không phải để phụ họa với lời thơ, trái lại, là một âm điệu vui tươi, nói lên nỗi vui mừng lâu năm gặp lại người tri kỷ. Nghe tiếng đàn, người áo trắng vui mừng, nhưng trách móc:

-Tam đệ! Mười năm không gặp, không nhanh chân lên thuyền gặp ta còn ở đó đàn địch hay sao?

Tiếng nói đáp lại từ bờ sông, nhưng nghe như ở sát bên thuyền:

- Hà! Đệ chờ nhị ca liên tiếp mấy ngày. Nằm dài trên bờ sông này muỗi mòng đốt mấy đêm liền, thì ngồi thêm ít khắc thời gian để thưởng thức thi ca của nhị ca có gì đáng trách?

Tiếng nói vừa dứt, người trên thuyền lại chứng kiến một cảnh hy hữu. Từ bờ sông một người áo trắng lướt như bay trên mặt nước đuổi theo chiếc thuyền. Dưới ánh trăng đêm vàng vặc, sóng nước nhấp nhô, hình ảnh ấy khiến người liên tưởng chuyện thần tiên trong huyền thoại. Người áo trắng trên thuyền lớn tiếng khen ngợi:

- Tuyệt diệu! Tuyệt diệu! Thuật thủy thượng phiêu của tam đệ đã đến mức không ai bì kịp.

Người áo trắng đang lướt trên mặt nước, lớn tiếng đáp lại:

- Hà hà! “Khinh công nhất Thi Kiếm”! Giang hồ ngày nay khinh công có ai dám sánh với nhị ca? Đệ đang múa rìu qua mắt thợ.

Người áo trắng đang lướt sóng đáp vừa dứt lời, cũng sắp đặt chân lên thuyền. Bất ngờ, người áo trắng trên thuyền vụt phi thân lên không, kiếm không biết đã rút ra từ lúc nào, loang loáng như sao sa, chớp giật tấn công người áo trắng đang đến. Người áo trắng này không vì thế mà hốt hoảng. Chỉ thấy ông ta đánh mạnh một chưởng xuống mặt nước, lấy phản lực phi thân lại phía sau vài trượng. Chân vừa đặt xuống mặt nước, hai chưởng tung về phía trước, tức thì trên mặt sông một cột nước tung cao lên đón đỡ thế công của người áo trắng trên thuyền. Người áo trắng tấn công, dùng kiếm đè lên cột nước, phi thân lên cao trở lại, thân thể xoay nhiều vòng, rồi đổi thế, kiếm trước, người sau, như một mũi tên bay đến người áo trắng thứ hai. Người này la lớn:

- Nhất kiếm xuyên sơn!

Người này vừa la, vừa tung cả hai tay. Nước sông theo tay ông ta cuồn cuộn dân lên như một bức thành che chở cho mình. Kiếm vừa đụng thành nước, người áo trắng trên thuyền, lộn ngược về phía sau, cây kiếm cũng biến mất đâu đó trong người ông ta, cười lớn:

- Tam đệ! Mười năm không gặp, nội công, chưởng pháp của tam đệ đã đến mức khôn lường, bội phục.

Người áo trắng mới đến có hơi trách móc:

- Hà! Mới gặp nhi ca đã làm đệ sợ đến đứt hơi.

Người áo trắng trên thuyền, tiến lại người áo trắng mới đến cầm tay ông ta:

- Ta biết! Gặp lại ta, tam đệ đã muốn tìm hiểu xem mười năm qua võ công ta có tiến bộ hay không rồi. Ai hiểu tam đệ bằng ta? Hà! Mười năm qua, ta có lúc nào có tinh thần để trau dồi võ nghệ?

Như thông cảm nỗi niềm của người áo trắng trên thuyền, người áo trắng mới đến, xoay qua trách móc:

- Lý nhị ca sợ đệ để đệ đứng mãi trên mặt sông này sao?

- Xin lỗi tam đệ!

Chiếc thuyền bây giờ đã cách hai người khá xa. Họ cầm tay nhau, lướt trên mặt nước đuổi theo. Người họ Lý lớn tiếng:

- Lý Đại! Nhà ngươi mau chuẩn bị chỗ ngồi để ta và tam gia mừng buổi hội ngộ đấy nhé!

Trên thuyền, ông già vạm vỡ vội đáp:

- Lý Đại tuân lệnh chủ nhân. Kính mừng tam đại gia.

Tiếng nói của ông già Lý Đại rất trầm hùng, chứng tỏ ông ta cũng là một nội gia cao thủ.

Vừa đáp lời chủ nhân, Lý Đại ra hiệu cho những người trên thuyền ngồi nép lại với nhau để có chỗ trống bày tiệc rượu cho hai ông già áo trắng. Trong lúc người trên thuyền di chuyển chỗ ngồi để Lý Đại trải chiếc chiếu hoa, thì hai người áo trắng cũng đặt chân lên thuyền. Người áo trắng thứ hai, cũng mặc áo trắng, nhưng so với người áo trắng họ Lý thì hoàn toàn trái ngược. Người áo trắng họ Lý mặt tròn, da trắng, râu ba chòm, thì người áo trắng thứ hai mặt vuông, da đen, râu hùm, mắt to, trông như Trương Phi tái thế. Thấy số nhân công đông đảo, ông ta đưa mắt nhìn người áo trắng họ Lý như ngầm hỏi. Ông già áo trắng họ Lý vội giải thích:

- Đây là ý kiến của Lý Đại. Thanh Ngân muốn đưa một số nhân công đến giúp Phạm Minh hiền điệt. Ta cũng không biết lấy gì làm quà cho Phạm Minh nên cũng đồng ý đề nghị này.

Lý Đại vội ra mắt:

- Bái kiến tam đại gia.

- Bỏ những lời khách sáo đó đi. Ngươi hầu Lý nhị ca, nhưng danh hiệu Thiết chưởng của ngươi so với Đàn chưởng của ta thì cũng thuộc tri kỷ giang hồ..

- Tam gia dạy quá lời! Tiểu nhân nhờ chủ nhân chỉ điểm nên có chút ít võ công. Gặp lại, mong tam gia chỉ điểm thêm cho.

Đàn chưởng cười vui vẻ:

- Chỉ điểm thêm cho ngươi được hay không hậu tính! Mấy ngày nay ta chưa có giọt rượu nào trong bụng.

- Tam gia muốn đoạt lấy danh hiệu của đại gia hay sao đây? Rượu ngon do tiểu nhân cất đem biếu đại gia chất cả nửa khoang thuyền.

- Tốt lắm! Tốt lắm! Ba anh em chúng ta được võ lâm tặng cho danh hiệu Nam Thiên Tam Tuyệt. Đại ca là đệ nhất kỳ tửu, nhị ca là đệ nhất thi kiếm, còn ta là đàn chưởng. Nhưng với rượu, thì cả ba chúng ta chưa bao giờ phân được cao thấp. Ngươi hãy cứ đem rượu ngon nhất ra đây. Ta có uống trước lão đại cũng không hẹp lượng.

Nguyên hai người áo trắng đang gặp nhau là người thứ hai và thứ ba trong võ lâm tam tuyệt. Thuở còn thanh niên, họ từng tỷ thí với nhau nhiều lần không phân hơn thấp, rồi mến tài kết nghĩa anh em. Người lớn tuổi nhất được tôn làm anh là Kỳ tửu Đinh Viết TThanh Ngâng, người thứ hai là Thi kiếm Lý Trường Phong, và người thứ ba là Đàn chưởng Nguyễn Minh Anh. Đinh Viết TThanh Ngâng và Nguyễn Minh Anh xuất thân từ hàng dân dã, nhưng Lý Trường Phong thuộc dòng vọng tộc. Dù là con cháu Lý Thường Hiến, họ vẫn coi Lý Thường Kiệt là ông tổ của mình, vì thế trước cảnh cáo chung của nhà Lý, Lý Trường Phong mang tâm trạng vô cùng u uất, cảm thấy thẹn thùng với tiền nhân. Là một đại gia cao thủ, kiếm pháp của Lý Trường Phong so với đao pháp của Lê Phụng Minh cũng một chín một mười, nhất là khinh công có một không hai, nổi danh “khinh công nhất thi kiếm” nên bọn cao thủ của Trần Thủ Độ không thể nào truy sát được. Tuy nhiên, ông ta cũng rất vất vả trốn lánh, tránh né những cuộc đụng độ với bọn chúng. Bao năm lánh mình ẩn dật, đêm nay là lần đầu tiên ông tái xuất giang hồ.

Nghe Đàn chưởng nói như thế, Lý Trường Phong cười lớn:

- Chỗ nào có mặt tam đệ, chỗ đó trở nên vui nhộn. Đêm nay chúng ta nhất định say khướt để khi gặp đại ca làm ông ta phải tiếc rẻ mới được. Mời tam đệ.

Nguyễn Minh Anh không khách sáo, ngồi xuống chiếu, nâng một bình rượu ném cho Lý Trường Phong:

- Xin mời đại ca.

Nói là mời Lý Trường Phong, nhưng Trường Phong chưa kịp uống, Đàn chưởng đã bưng bình rượu khác lên ngửa cổ tu òng ọc, rồi rối rít khen:

- Rượu ngon! hảo tửu! hảo tửu! Lý Đại! Nhà ngươi cất rượu thật là tuyệt. Ta muốn mời nhà ngươi đây.

Nói xong, Đàn chưởng tung một bình rượu cho Lý Đại. Lý Đại đưa tay đỡ lấy. Bình rượu ném cho Lý Đại tốc độ rất bình thường, nhưng khi Lý Đại đưa hai tay ra chụp phải liên tiếp lùi lại ra sau, suýt tí nữa đạp lên mình một người công nhân trên thuyền. Và sau đó, ông ta gồng mình lên, như phải vận dụng hết sức lực mới nâng nổi bình rượu.

Sự đau khổ của Lý Đại không kéo dài lâu. Đàn chưởng Nguyễn Minh Anh lại nâng bình rượu của mình lên uống tiếp.

Lý Đại như thoát khỏi gánh nặng, thở khì, lên tiếng cảm tạ:

- Đa tạ tam gia nương tay và ban cho rượu quí.

- Rượu quí là rượu của nhà ngươi. Khỏi cần phải đa tạ. Nhưng coi bộ mười năm qua ngươi cũng chẳng luyện tập gì cả!

Lý Trường Phong thở dài:

- Tam đệ không nên trách Lý Đại. Đó cũng là lỗi của ta. Cái buồn của ta cũng làm cho Lý Đại không còn tâm tư luyện tập. Cả hai thầy trò ta, sau khi võ đường xây dựng xong phải cố gắng luyện tập trở lại mới được. Võ công của ta bây giờ đã kém tam đệ và đại ca nhiều lắm.

Đàn chưởng Nguyễn Minh Anh trầm ngâm:

- Võ công nhị ca không tiến bộ lắm, điều này thì đệ công nhận, nhưng tiểu đệ vẫn chưa thể nào hơn nhị ca được. Nhất là khinh công thì có lẽ không bao giờ bằng nhị ca.

- Tam đệ đi dưới nước như trên đất bằng, nhìn khắp võ lâm ngày nay, ta nghĩ chưa ai có thể hơn tam đệ được.

Đàn chưởng cười sảng khoái:

- Tiểu đệ che mắt nhị ca đó thôi. Biết nhị ca nhờ có đôi đăng thủy hài, nhờ hai viên tị thủy châu, mỗi khi đặt chân xuống nước tạo một khoảng chân không, tăng thêm sức nổi trên mặt nước cho nhị ca. Tiểu đệ mấy năm nghiền ngẫm, chế ra đôi dày đặc biệt, đế làm bằng gỗ dày, lớn gấp đôi bàn chân. Da giày làm bằng da cá sấu hai lớp, có thể chứa không khí bên trong, rồi phải tập luyện thuật thủy thượng phiêu liên tiếp trong mấy năm dòng dã mới có thể bắt chước nhị ca được. Dù sao phải nói đây là một tiến bộ mà tiểu đệ thấy vô cùng thích thú.



- Ta cứ nghĩ tam đệ đã luyện khinh công đến bực địa tiên rồi đấy! Dù có nhờ sức của đôi hài đặc biệt đi nữa, thì khinh công bực này, giang hồ không có ai có thể hơn tam đệ.

Đàn Chưởng liếc mắt nhìn số người đang ngồi co ro, chật chội trên sàn thuyền nói:

- Chúng ta mới gặp nhau lại chỉ tâng bốc nhau hay sao? Nhận được thiệp mời của đại ca và hỏi được tin tức của nhị ca, tiểu đệ đang định Bắc du một chuyến để xem anh hùng Trung thổ ra sao, thì vội bỏ kế hoạch bắc du mà đến đây để mong cùng nhị ca ra tay giúp nước. Tiểu đệ thật là nóng lòng, và muốn đến một đỉnh núi nào đó gần đây để thưởng nguyệt, ngâm thi, nghe lời cao đàm của nhị ca, thay vì chúng ta chiếm quá nhiều phương tiện trên sàn thuyền này, nhị ca thấy đề nghị của tiểu đệ có nên chăng?

Thi Kiếm nhìn quanh thuyền, thấy mọi người phải ngồi rất chật chội, hai mẹ con người đàn bà lại phải ngồi nép vào một phía nên tán đồng ngay:

- Ý kiến của tam đệ hay lắm! Anh hùng phải đàm đạo với nhau tại đỉnh cao sơn, chúng ta không ngồi thuyền thì Lý Đại mất đi cái vinh dự được hầu rượu tam gia, nhưng lúc trời thanh trăng tỏ như thế này, tìm một đỉnh cao sơn nào đó để chúng ta đối ẩm và tâm sự là học theo cái thú thanh cao của người xưa. Tam đệ và ta mỗi người mang theo hai bầu rượu cũng đủ cho đêm nay vậy.

Nói xong Thi Kiếm xoay sang Lý Đại ra dấu cho ông ta mang ra mấy bình rượu. Lý Đại đã biết tính chủ nhân nên không nói lời nào, chỉ ra sau khoang thuyền mang ra bốn bình rượu lớn, mỗi bình độ mấy chục cân. Thi Kiếm mỗi tay nhất một bình, đứng dậy nói với Đàn chưởng:

- Mời tam đệ

Nói xong, Thi Kiếm ném hai bình rượu xuống sông, phi thân nhảy theo đứng lên hai bình rượu, phe phẩy tay áo, hai bình rượu dính chặt dưới hai chân, giống như hai chiếc thuyền nhỏ rẽ sóng vào bờ. Đàn chưởng thì ngược lại, ông ta ném một bình rượu xuống sông, tung mình xuống đứng trên bình rượu này, rồi ném bình rượu thứ hai về phía trước. Khi phi thân đến bình rượu thứ hai, thì bình rượu thứ nhất, không hiểu ông ta dùng phương pháp gì cũng bị nhấc lên khỏi mặt nước, và ông ta chụp lấy. Theo phương pháp này, Đàn chưởng như bay lướt trên mặt sông, tạo một hình ảnh rất ngoạn mục dưới ánh trăng đêm, nhưng hình như tốc độ của cách thức này cũng không nhanh hơn tốc tộ của Thi Kiếm. Mọi người theo dõi cho đến khi họ đi khỏi mặt sông và như hai con thần long không biết họ đến đỉnh núi nào để ngâm vịnh, đề thơ hay luận đàm thế sự.

Trên thuyền, sau khi Thi Kiếm và Đàn chưởng ra đi, Lý Đại, ra dấu cho mọi người trở về chỗ cũ để nghỉ ngơi qua đêm. Người đàn bà và chú bé đã được Lý Đại dành cho một chỗ rộng rãi hơn. Không còn tiếng ngâm thơ của Thi Kiếm, bọn người vai u thịt bắp không mấy chốc đã đi vào giấc ngủ. Với họ giấc ngũ quan trọng hơn cảnh trăng sáng trường giang.

Mờ sáng hôm sau, thuyền đã đến Tam Giang, rồi rẽ ngược qua hướng Hắc Giang. Họ đi liên tiếp một ngày một đêm nữa, nhìn lên bờ, chỉ thấy chung quanh toàn là rừng rậm. Trưa hôm sau, phía tả ngạn, có hai chiếc thuyền nhỏ xông ra. Họ bắn lên trời một mũi tên lửa. Nhìn thấy tên lửa, Lý Đại vận nội lực nói to:

Giang Sơn đâu cũng anh hùng

Nam Thiên Tam Tuyệt vẫy vùng non sông..

Người bên chiếc thuyền nhỏ đang chèo đến, cũng vận nội công lên tiếng:

Tinh thần bắc phạt nam chinh..

Gương xưa đâu dễ thẹn mình nam nhi...

Nói xong câu mật khẩu, người trên thuyền nhỏ tiếp theo:

- Đã biết nhị gia giá lâm, đệ tử là Lê Trường Hải xin bái kiến.

Lý Đại nghe vậy, biết là Thi Kiếm và Đàn chưởng chưa đến nơi nên đáp:

- Tại hạ là Lý Đại, nô bộc của nhị gia. Lý Nhị Gia và Tam Gia đã dùng đường bộ để du sơn lãm thủy nên hiện không có mặt. Lê nhị kiệt đừng khách sáo.

- Sư phụ tại hạ đã trông chờ nhị gia và tam gia mấy ngày nay. Đệ tử cũng đã nghe danh thiết chưởng từ lâu nay được gặp một nhà thật là tam sinh hữu hạnh.

Những câu đối đáp nhau chưa dứt, hai chiếc thuyền nhỏ đã đến nơi, người xưng là Lê Trường Hải, vận võ phục màu đen, trạc độ ba mươi tuổi, thân hình cân đối, mắt sáng mày thanh, tung mình nhảy lên thuyền lớn, chắp tay hướng vào Lý Đại làm lễ tương kiến:

- Đệ tử tham kiến Lý sư thúc...

Lý Đại mừng rỡ:

- Nghe danh Trường Giang Tứ Kiệt đã lâu, nay gặp mới biết lời đồn không ngoa. Thật là mừng đại gia đã đào luyện được những anh hùng như Lê Đệ.

- Sư thúc khen quá lời. Tiểu điệt chỉ nhờ cậy tên tuổi của Phạm Minh đại ca, tam đệ Vũ Thúc Linh và tứ đệ Mạc Diệp mà thôi. Mong sư thúc sẽ điểm hóa thêm cho tiểu điệt một phần công phu võ học.

Lý Đại nói:

- Lý Đại ta chỉ là nô bộc của Lý Nhị Gia, Lê Đệ một hai gọi ta là sư thúc là không đúng cách và sẽ bị đại gia quở phạt đấy!

- Sư phụ đã kể rõ cho các đệ tử biết sự liên hệ giữa Lý nhị gia và Lý gia cho đệ tử. Nghĩa là chủ tớ, tình như thủ túc, nên dặn chúng đệ tử coi người như bậc tôn trưởng. Xin Lý gia đừng khiêm nhường, khách sáo...

Lý Đại cảm động:

- Đinh đại gia thật thương mến ta quá mức. Ta không biết làm sao để báo đền lòng mến thương này. Hy vọng từ nay sẽ hôm sớm gặp người, ra công khuyển mã đền đáp lòng chiếu cố.

Trường Hải chớp mắt cảm động trước những lời chân thành của Lý Đại, và cũng không che dấu sự vui mừng sẽ được gặp và ở chung với những vị sư thúc của mình.

- Tiểu điệt và sư huynh đệ ao ước ngày gặp gỡ này từ lâu, từ đây anh em tiểu điệt sẽ được nhị thúc, tam thúc và lý sư thúc chỉ điểm thêm nhiều để mong đủ tài góp phần khôi phục giang sơn đại Lý.

Nhìn những người trên Tàu, Trường Hải ngạc nhiên, nhưng cũng tỏ đôi lời xã giao dò hỏi:

- Thưa, xin Lý sư thúc giới thiệu với những vị sư huynh đệ ở đây để con được biết những vị đồng môn.

Lý Đại buồn rầu:

- Lý nhị gia lâu nay đâu có thu nhận được một đệ tử nào, suốt ngày ngài chỉ đau buồn cố quốc. Đây là những người có tay nghề xây cất giỏi, và cũng có lòng nhớ nước cũ quen biết với ta nên ta đem họ theo để mong giúp cho đại gia sớm hoàn chỉnh võ đường mà thôi. Mong rằng sự trù liệu của ta sẽ không làm cho đại gia phật ý.

Biết những người trên thuyền chỉ là những công nhân bình thường, nhưng xứng đáng là đệ tử danh môn, khiêm cung, lễ nghĩa, Lê Trường Hải chắp tay chào mọi người:

- Trường Hải xin chào quý vị huynh đệ, thay mặt gia sư cảm tạ thịnh tình của quý vị đã đến đây để cùng nhau góp tay lo cho đất nước.

Lời chào hỏi của Trường Hải đã làm cho những người trên thuyền lục tục thay nhau đứng dậy tỏ lời cảm tạ, hết người này đến người khác, trên thuyền trở nên vui nhộn ồn ào, có người lên tiếng chưởi rủa những trường hợp huy động nhân sự của Trần thủ Độ bằng những lời lẽ khó nghe, nhưng nói lên tinh thần chống đối chế độ hiện hữu và hoài Lý của họ.

Trong khi Lý Đại và Lê Trường Hải và những người trên thuyền vui mừng chào hỏi nhau, người bên thuyền Lê Trường Hải đã hướng dẫn thuyền lớn vào bờ. Len lỏi vào một con lạch nhỏ độ vài trăm thước, thì đến một cái hồ rộng độ vài mẫu, dưới những tàng cây nhô ra mặt hồ ẩn hiện hơn vài chục chiếc thuyền con. Thuyền được hướng dẫn cập vào một cầu tàu làm bằng gỗ kiên cố. Phía trên cầu tàu có hơn mười tráng sĩ áo đem chờ đợi sẵn. Lê Trường Hải mời Lý Đại xuống thuyền:

- Võ trường cách đây độ mươi dặm, xin mời Lý sư thúc và chư vị huynh đệ xuống thuyền, chúng ta đi độ vài giờ sẽ đến nơi. Tin Lý sư thúc đến đã được thông báo cho Phạm đại ca để chuẩn bị tiếp rước. Xin tha thứ, tiểu điệt vì nhiệm vụ tuần phòng bờ sông hôm nay, không thể đưa Lý sư thúc và nhị vị đến nơi, anh em sẽ hướng dẫn quí vị đường đi nước bước. Truyện "Nam Thiên Đại Hiệp "

Không chờ Lý Đại ra lệnh, những người trên thuyền lo gom góp, gói ghém lại hành lý của mình, lục tục bước lên cầu tàu lên bờ, những người mang theo nhiều vật dụng được những tráng sĩ trên bờ chia ra san sẻ. Khi mọi người đã đi hết, người thiếu phụ mới đưa đứa con lên sau cùng. Dù ngạc nhiên trước sự hiện diện của người thiếu phụ và đứa bé, nhưng Lê Trường Hải cũng không tò mò hỏi han. Anh ta định giúp chú bé một tay qua cầu tàu, thì chú ta đã nhanh nhẹn bước qua, bước chân chứng tỏ cũng đã có tập luyện qua võ công. Người thiếu phụ cũng vậy, bước chân khéo léo từ mặt thuyền qua cầu tàu, tuy không phải cần dùng đến khinh công thân pháp, nhưng một phụ nữ hoàn toàn yếu đuối, kim chỉ vá may, khó có thể có bước đi vững chãi như vậy. Dưới cặp mắt của Trường Hải trong nhóm người Lý Đại đem đến chỉ có mẹ con người đàn bà là có võ công.

Khi mọi người đều lên bờ, Lý Đại thân mật vỗ vai Trường Hải tỏ lời tạm biệt, và Trường Hải cũng cung kính vái chào tiễn đưa. Đoạn đường từ cầu tầu về võ trường được cắt dọn chỉ vừa cho một người bước đi, như một đường hầm xuyên qua rừng cây, và với người tai mắt tinh tường như Lý Đại, ông ta biết rằng, nếu không có người hướng dẫn, người lạ mặt sẽ gặp không biết bao nhiêu cạm bẫy chờ đón. Ông ta cũng biết, trên những ngọn cây cao có những người đang làm bổn phận quan sát và họ ẩn kín trên đó. Những người này đều có võ công khá cao, cọp beo đối với họ chỉ là những con mèo nhỏ.

Qua khỏi đường truông nhỏ hẹp, Lý Đại đã được mời lên đi trước, người thiếu phụ và chú bé cũng được đưa đi lên đi sau Lý Đại. Những tráng sĩ dẫn đường vẫn chưa biết thân phận người thiếu phụ và đứa bé, nhưng họ thấy Lý Đại có vẻ đặc biệt chú ý và săn sóc, nên lúc nào cũng lưu tâm và sẵn sàng giúp đỡ trên bước đường dài. Tuy nhiên, họ thấy chú bé vẫn cầm tay mẹ, dung dăng dung dẻ, bước chân không có vẻ gì mệt nhọc.

Cuối cùng, võ trường đã hiện ra trên khoảng đất trống rộng lớn mút mắt. Ẩn hiện quanh sườn núi đá xa xa, trang trại nối đuôi nhau như một ngôi làng dân cư đông đúc. Trời đã về chiều, núi rừng âm u, sương chiều đã vươn nhẹ lên khóm cây ngọn cỏ, khói chiều cũng ấp ủ, tỏa mờ những mái tranh nâu, nhưng từ xa tiếng hô hào, la thét vẫn còn vang vọng lại, chứng tỏ nhiều người còn đang tập luyện ngoại công quyền cước. Truyện "Nam Thiên Đại Hiệp "

Đoàn người của Lý Đại được hướng dẫn đến ngôi nhà rộng lớn, núp dưới những bóng cây cổ thụ, nhưng cách biệt những ngôi nhà khác chừng vài trăm thước.

Khi còn cách ngôi nhà chừng vài chục thước, những tráng sĩ áo đen từ trong sân tiến ra nghinh đón, người đi đầu là một thanh niên trạc hai lăm, hai sáu, lưng hùm vai gấu, mắt to, mày đậm. Thanh niên chắp tay vái chào Lý Đại:

- Đệ tử Mạc Diệp thay mặt gia sư và Phạm đại ca kính chào Lý sư thúc. Nhị sư thúc và tam sư thúc cũng mới vừa đến nơi nên gia sư và Phạm dại ca cùng đang hàn huyên tâm sự với quý vị. Xin thỉnh Lý sư thúc theo đệ tử đến gặp quí vị ấy. Những huynh đệ tháp tùng Lý sư thúc, anh em ở đây sẽ hướng dẫn đến nơi tạm ngủ qua đêm, rồi ngày mai sẽ phân bố nơi ăn ngủ nhất định và công việc.

Lý Đại mừng rỡ:

- Thế là chủ nhân và tam gia cũng đã đến trước lão phu!

Và Lý Đại cũng tỏ vài lời khen ngợi Mạc Diệp:

- Đại gia rất có phúc phần nên những đệ tử như Mạc điệt, Trường Giang tứ kiệt tiếng tăm lừng lẫy, lời đồn quả không ngoa.

Mạc Diệp khiêm nhượng đôi lời, sau đó ra hiệu cho sư khuynh đệ hướng dẫn đoàn người vào đến nơi tạm trú, và thưa với Lý Đại:

- Xin Lý sư thúc theo đệ tử đến gặp gia sư và quý vị sư thúc, các vị chờ sư thúc đã lâu.

Người đàn bà định dắt con theo đoàn người, thì Lý Đại nói với Mạc Diệp:

- Mạc điệt! Ở đây có nơi nào tạm thời cho phu nhân đây hay không?

Mạc Diệp hơi suy nghĩ rồi nói với Lý Đại:

- Ở đây hơn ba trăm người, toàn là đàn ông, chỉ có Phạm đại ca có gia đình và được ở riêng biệt gần thạch thất của gia sư. Hay là phu nhân tạm thời theo sư thúc và tiểu điệt đến chỗ gia sư, tiểu điệt thưa với đại ca, rồi đưa phu nhân về ở tạm với Phạm tẩu tẩu.

- Như vậy là tiện lợi lắm! Nhờ Mạc điệt giúp cho.

Mạc Diệp mời Lý Đại và người đàn bà theo mình, trên đường đi Mạc Diệp tò mò:

- Thưa, phu nhân đây là..

Lý Đại:

- Phu nhân là ái thê của một ân nhân của ta. Ân nhân đã bị gian thần thủ Độ hãm hại toàn gia, chỉ có phu nhân trốn thoát được. Ta tình cờ gặp phu nhân khi sắp sửa lên thuyền. Không còn cách nào khác hơn mới mời phu nhân theo ta đến đây, ta cũng chưa kịp trình cho Lý chủ nhân hay. Nhưng chắc rằng chủ nhân và đại gia sẽ hoan hỉ để cho phu nhân một nơi ẩn náu trước sự truy lùng của gian thần.

Thấy Lý Đại không nói đến ân nhân là ai, Mạc Diệp tỏ đôi lời chia buồn với thiếu phụ, và làm quen với chú bé:

- Tiểu huynh là Mạc Diệp, tiểu đệ quý tính là chi?

Chú bé ngước mắt nhìn mẹ, ngầm hỏi có thể nói ra tên họ của mình hay không?

Thiếu phụ:

- Mạc đại ca là người tốt, con phải kính trọng đại ca.

Nghe mẹ nói như vậy, chú bé nhanh nhẩu như người lớn:

- Tiểu đệ là Đoàn chính Tâm, chính là quang minh chính đại. Mẫu thân bảo làm người phải luôn luôn có cái tâm quang minh chính đại. Nhưng mẫu thân gọi đệ là Tiểu Tâm, có nghĩa là thằng Tâm nhỏ của mẹ.

Nghe chú bé đáp, Mạc Diệp cảm thấy rất thích thú:

- Đoàn phu nhân đã có dụng tâm mong Đoàn đệ thành một anh hùng quang minh lỗi lạc. Tiểu huynh tin tưởng Đoàn đệ sẽ làm cho phu nhân hãnh diện.

Tiểu Tâm lại chúng tỏ sự khôn ngoan mà một chú bé mười mấy tuổi không thể có:

- Nhất định tiểu đệ sẽ noi gương Mạc đại ca.

Mạc Diệp vui vẻ:

- Hà! Hà! Đoàn đệ muốn thành bậc anh hùng thì noi gương người xưa, hay ít nhất cũng noi gương sư phụ và các vị sư thúc của tiểu huynh, thì may ra, chứ noi gương tiểu huynh thì chỉ là một kẻ ngu phu mà thôi.

Tiểu Tâm thở dài:

- Tiểu đệ mong có công phu võ học như Mạc đại ca để trả thù, bảo vệ mẫu thân. Mẹ con tiểu đệ không còn phải trốn lánh nay đây mai đó, hết nơi này đến nơi khác không biết được hay không. Nói chi trở thành những kẻ phi thường.



- Nghe Đoàn đệ nói chuyện, tiểu huynh đã thấy Đoàn đệ nhất định phải là kẻ phi thường rồi. Kẻ thù của Đoàn đệ đang nắm trong tay trăm vạn hùng binh, dù có võ công như sư phụ tiểu huynh đi nữa, mà đơn thân độc mã thì cũng phải trốn lánh mà thôi! À! Xem ra Đoàn đệ cũng đã luyện qua võ công?

Tiểu Tâm buồn rầu:

- Tiểu đệ được mẫu thân dạy dỗ chữ nghĩa, mà chưa luyện tập võ công.

- Tiểu huynh thấy bước chân của Đoàn đệ rất nhẹ nhàng, đi lâu mà hơi thở không mệt nhọc, với tuổi của Đoàn đệ như vậy thì..

- Tiểu đệ có rèn luyện khinh công để sử dụng trong việc trốn lánh kẻ thù. Mẫu thân tiểu đệ cũng không biết võ công nhiều để chỉ dạy cho tiểu đệ.

Mạc Diệp và Tiểu Tâm cùng đi cùng chuyện trò rất tương đắc, càng lúc Mạc Diệp càng mến Tiểu Tâm hơn. Phút chốc họ đã đi qua khỏi vùng nhà cửa dành cho đệ tử của võ trường. Qua một đoạn đường nữa là đến chân núi. Cổng vào con đường tam cấp xây bằng đá đưa lên núi là hai trụ đá lớn có khắc hai câu đối:

Bất Phật, bất Tiên, ngọa cứ sơn đầu vô tục khách

Vô cầu, vô dục, vãng lai giang hạ bất đương nhân

Tạm dịch

Chẳng phải phật, chẳng phải tiên, ở trên đầu núi là người chẳng tục.

Không mong, không muốn, đi đứng giang hồ là kẻ vô địch.

Tiểu Tâm lẩm bẩm đọc hai câu đối lấy làm thích thú và nói với Mạc Diệp:

- Sư phụ của đại ca thật là khẩu khí.

- Sư phụ tiểu huynh không phải là người viết câu đối. Một người bạn của sư phụ đến thăm. Khi ra về dùng chỉ lực khắc lên để tặng sư phụ tiểu huynh. Sư phụ rất lấy làm áy náy với câu đối này, nhưng cũng không tiện làm buồn lòng người bạn của mình.

Lý Đại cũng đọc hai câu đối và nói: - Hai câu đối diễn tả rất đúng về đại gia. Ngày nay, tưởng trong giang hồ khó ai có thể địch lại đại gia.

Tiểu Tâm nghe Lý Đại khen ngợi Kỳ tửu Đinh viết TThanh Ngâng, tự nhiên trong lòng cũng cảm thấy kính phục và ao ước học được võ nghệ của ông. Cậu bé buột miệng:

— Mạc đại ca, tiểu đệ có thể bái sư phụ đại ca làm sư phụ được không?

Mạc Diệp vui vẻ:

- Có thêm đồng môn như Đoàn đệ kể cũng thích thú và Trường Giang Tứ Kiệt lại sẽ đổi tên thành Trường Giang Ngũ Kiệt. Nhưng đó cũng còn tùy cơ duyên của Đoàn đệ.

Mạc Diệp nheo mắt nhìn Tiểu Tâm từ đầu đến cuối, rồi như nghĩ ra điều gì, nói:

- Biết đâu rồi vài bữa đây, Đoàn đệ lại chỉ muốn gọi Mạc đại ca này là Mạc thúc thúc...

Nói xong câu nói đầy bí ẩn với Tiểu Tâm, Mạc Diệp lễ phép thưa với Đoàn phu nhân:

- Xin phu nhân và tiểu huynh đệ tạm thời dừng bước ở đây, thạch thất của gia sư từ xưa đến giờ chưa có nữ nhân nào đến viếng, nên mong phu nhân thứ lỗi. Mạc Diệp đưa Lý sư thúc lên đỉnh, thưa với Phạm đại ca, rồi sẽ xuống ngay.

- Xin Mạc đại hiệp tùy nghi cho mẹ con chúng tôi.

Lý Đại:

- Mong Đoàn phu nhân thông cảm, Đại gia và nhị gia nhất định sẽ chiếu cố cho Đoàn phu nhân và công tửu.

- Cảm ơn Lý huynh. Mọi sự mong Lý huynh giúp đỡ.

Mạc Diệp nói với Tiểu Tâm:

- Khuất tất tiểu huynh đệ trong giây lát. Tiểu huynh sẽ xuống ngay.

Nói xong, Mạc Diệp mời Lý Đại và hai người đi lên núi. Ngọn núi cao vài trăm thước, nhưng trời về chiều, sương mù bao phủ nên không thấy đỉnh và thạch thất nơi nào. Không còn Tiểu Tâm và Đoàn phu nhân, hai người giở khinh công đi như bay lên núi, phút chốc, không còn thấy hình bóng của họ. Hai mẹ con Đoàn phu nhân, ngồi dựa lưng bên cột đá nghỉ mệt. Phu nhân kéo Tiểu Tâm vào lòng, hôn nhẹ lên trán cậu:

- Tội nghiệp con của mẹ! Hy vọng từ đây mẹ con ta không còn phải vất vả, long đong cơ cực nữa.

Tiểu Tâm cầm tay mẹ lắc nhẹ:

- Mẹ nghĩ con có thể được sư phụ Mạc đại ca thu nhận làm đệ tử không?

- Kỳ tửu Đinh viết TThanh Ngâng cũng là bậc kỳ nhân trong giang hồ hiện nay, nhưng mẹ không muốn con trở thành con sâu rượu...Tuy nhiên, cũng tùy vào cơ duyên của con. Mẹ con ta trong lúc bất ngờ gặp được Lý đại thúc cũng có thể là cơ duyên của con vậy!

- Con chưa kịp hỏi mẹ đã quen với Lý đại thúc trong trường hợp nào?

Đoàn phu nhân cố ghi nhớ lại câu chuyện cũ và kể lại cho Tiểu Tâm:

- Nguyên, cách hơn mười lăm năm trước, một người tráng sĩ bị thương rất nặng đang nằm gần chết trong rừng. Hôm ấy, phụ thân con đi hái thuốc, thấy được mới mang về điều trị. Người tráng sĩ này là Lý đại thúc. Lý đại thúc bị thương quá nặng, nên phải tịnh dưỡng ở Đoàn gia trang gần hai tháng. Trong thời gian này mẹ cũng cơm nước cho đại thúc. Ở Đoàn gia trang một thời gian, Lý đại thúc cũng biết mê tung bộ pháp là độc môn bí truyền của phụ thân con. Cho nên khi mẹ con ta ở bến đò bị kẻ vô lại ức hiếp, phải dùng bộ pháp tránh né, thì Lý đại thúc nhận ra mẹ ngay. Ông ta đánh đuổi chúng đi, và sau khi nghe mẹ kể sơ qua hoàn cảnh của mình, ông ta đã mời mẹ theo ông ta đến đây như con đã biết.

Tiểu Tâm lại tò mò:

- Tại sao Lý đại thúc lại là nô bộc của Lý nhị gia, và ông ta không nói gì về mẹ con mình với chủ nhân của ông ta?

- Mẹ không hiểu ông ta là nô bộc của Lý nhị gia từ bao giờ, Còn tại sao ông ta không nói gì với Thi Kiếm về mẹ con mình là điều làm mẹ phân vân, không hiểu giữa Lý nhị gia và phụ thân con có ân oán gì không? Hay là trong lúc trên thuyền, Lý nhị gia chỉ chú tâm làm thơ, ngâm vịnh, nên ông ta không có thời gian thưa trình..

- Trong trường hợp phụ thân và Thi Kiếm có ân oán với nhau, thì mẹ con ta có bị gì không?

- Ông ta là người quang minh, chánh nghĩa và rất có danh vọng trên giang hồ, nếu có cựu oán cựu thù gì với phụ thân con đi nữa thì ông ta cũng không làm khó dễ gì mẹ con mình, nhưng có thể chúng ta sẽ không được tạm trú ở đây.

- Nếu không được ở đây, thì mẹ và con tìm một nơi nào vắng vẻ, cất nhà, cuốc đất trồng rau, nuôi gà sinh sống, cũng tốt hơn là đi nơi này đến nơi khác. Hết bị người này ức hiếp đến kẻ khác khinh lờn. Nhiều lúc con muốn điên lên. Hận mình không có võ công..

Đoàn phu nhân thở dài:

- Mẹ cũng không muốn gì hơn như vậy, nhưng cuộc sống, nhất là cuộc sống của một người đàn bà góa bụa, có nhiều khó khăn đưa đến mà tuổi con chưa biết được. Mẹ đã tìm cách ẩn cư nhiều lần, nhưng lần nào rồi cũng bị những kẻ vô lại đến quấy phá, phải dùng đến khinh công của cha con để bảo toàn tính mạng. Do bọn vô lại này mà tung tích của mẹ con ta lại đến tai bọn nha trảo của triều đình, rồi lại phải giang hồ phiêu bạt...

Tiểu Tâm tức giận:

- Lớn lên con phải tận diệt hết lũ người này và nha trảo của triều đình mới được. Không để ai khinh lờn..

Đoàn phu nhân nghiêm giọng:

- Lần nào con cũng vậy! Bọn xấu xa và nha trảo của triều đình có hàng trăm hàng vạn, con làm sao tận diệt hết cho được? Hơn nữa, cha con một đời dùng y thuật để cứu người, thì con cũng không thể giết người bừa bãi. Nếu con còn có những ý tưởng này, thì mẹ không bao giờ cho con rèn luyện võ công.

Trước lời nghiêm dạy của mẫu thân, Tiểu Tâm tỏ vẻ ăn năn, hối lỗi:

- Con sẽ luôn luôn ghi nhớ lời mẹ dạy.

Mẹ con Tiểu Tâm đang nghỉ ngơi tâm sự, thì Mạc Diệp từ trên núi phi thân xuống. Đến nơi, Mạc Diệp vừa vui mừng, vừa cung kính với Đoàn phu nhân:

- Gia sư và nhị vị sư thúc xin cung thỉnh phu nhân lên thạch thất diện kiến. Gia sư và các vị rất xúc động biết phu nhân giá lâm và đã sơ suất trong việc tiếp rước. Gia sư chuyển lời mong phu nhân thứ lỗi.

Nghe lời nói của Mạc Diệp, Đoàn phu nhân hơi ngạc nhiên, nhưng cũng không che dấu nỗi vui mừng:

- Mẹ con tôi cảm tạ các vị còn chưa đủ, dám đâu có lòng bất kính.

Mạc Diệp:

- Đoàn thần y là bạn của gia sư và của Lý nhị gia, Lý Đại sư thúc lại không biết việc này, ông ta lại biết Lý nhị gia rất ghét Đoàn Thượng, vì Đoàn Thượng đã không quyết tâm phù Lý, chống lại với Trần thủ Độ cho đến cùng, mà Đoàn thần y lại là bào đệ của Đoàn Thượng, vì thế mà ngần ngại bẩm việc phu nhân cho Lý nhị gia hay, thành ra Lý Đại sư thúc và anh em chúng tôi cũng đã khuất tất phu nhân quá nhiều...

Đoàn phu nhân cảm động:

- Trên mười năm nay, mẹ con chúng tôi đã gặp không biết bao nhiêu phiền tủi. Từ hôm gặp Lý huynh đến nay đã thư thả quá nhiều. Mong Mạc huynh đừng khách sáo làm tôi thêm áy náy. Tôi cũng không biết trượng phu có quen với nhị vị tôn sư.

Mạc Diệp:

- So tuổi tác phu nhân không hơn tại hạ là bao, nhưng Đoàn đại phu đã là bạn của gia sư, thì phu nhân là bậc trưởng thượng của tại hạ. Hơn nữa, Mạc Diệp mỉm cười, Đoàn công tửu là huynh đệ của tại hạ, thì phu nhân cứ gọi tại hạ là Mạc điệt được rồi. Phải như vậy không Đoàn đệ?

Tiểu Tâm tỉnh bơ như mình đã là bạn với Mạc Diệp từ lâu:

- Vâng, Mạc đại ca là đại ca của tiểu đệ, thì mẫu thân của đệ cũng như mẫu thân của đại ca.

Đoàn phu nhân nghe Tiểu Tâm nói như vậy, vừa ngại ngùng, vừa e thẹn. Bà chưa biết nói sao với Mạc Diệp, thì anh ta nhanh nhẩu:

- Vâng, mẫu thân của tiểu huynh đệ, cũng như mẫu thân của đại ca. Từ đây đại ca sẽ có một người bá mẫu để hôm sớm phụng dưỡng.

Lời nói của Mạc Diệp rất chân tình, không có một chút gì bỡn cợt. Đoàn phu nhân chỉ lớn hơn Mạc Diệp năm ba tuổi, vẫn còn là một người đàn bà trẻ, da ngọc, vóc ngà. Dù lam lũ cũng không che dấu được nét đẹp nghiêng thành. Sắc đẹp của bà đã làm cho bà không thể tìm được một cuộc sống an cư. Cuộc đời lặn lội của bà đã gặp không biết bao nhiêu thanh niên vô lại, vừa mới lớn mà gặp mặt bà cũng đã nổi lòng dục vọng, thì một tráng sĩ khôi ngô, cường tráng như Mạc Diệp gọi bà là bá mẫu cũng làm phu nhân cảm thấy có một chút gì khó khăn trong tâm tư để chấp nhận, thì lần nữa Mạc Diệp lại nói lên chân tâm, thật lòng chấp nhận địa vị một bậc tôn trưởng đối với bà:

- Xin mời bá mẫu quá bước, kẻo tôn sư mong đợi..

Sự thành thật của Mạc Diệp qua ánh mắt và cung cách, làm cho phu nhân cảm thấy khó sửu, bà khó mở miệng gọi anh ta là Mạc điệt, cũng không thể gọi anh ta là Mạc đệ, nên ấp úng:

- Vâng, vâng, xin mời Mạc...

Và bà ta liền dắt tay con rảo chân lên núi để dấu sự bối rối của mình. Bà ta biết đâu, trong bốn đệ tử của Kỳ Tửu, Mạc Diệp là một cô nhi trong chiến tranh, tình cờ gặp được Kỳ Tửu và được ông ta mang về dạy dỗ. Mạc Diệp thông minh, nhưng tính tình thành thật, đôi khi như khờ khạo và được Kỳ Tửu rất thương mến. Hơn mười mấy năm qua, Mạc Diệp ít khi đi lại giang hồ, lúc nào cũng ở bên cạnh sư phụ, nên những tâm tình phức tạp ngoài đời, anh ta không thấu hiểu. Và Đoàn phu nhân cũng không thể nào hiểu được, Mạc Diệp rất vui mừng và cảm động khi gọi bà là bá mẫu, tiếng mẫu đưa Mạc Diệp về những hồi tưởng của thời thơ ấu, những kỷ niệm còn mang máng thuở xa xưa trong vòng tay săn sóc của mẹ hiền. Hình ảnh người mẹ của Mạc Diệp trong trí nhớ cũng không lớn tuổi hơn Đoàn phu nhân, và Mạc Diệp cũng quên mất mình đang là một thanh niên tráng sĩ mà tuổi đời hiện giờ so với Đoàn phu nhân không chênh lệch lắm. Thấy Đoàn phu nhân nắm tay Tiểu Tâm dắt đi, Mạc Diệp lại vui vẻ nắm một bàn tay khác của Tiểu Tâm để cùng lên núi. Đoàn phu nhân hoảng hốt trước cửu chỉ của Mạc Diệp, nhưng nhìn vẻ mặt chân thật, không có một chút dụng tâm bất nhã nào của Mạc Diệp, phu nhân không lên tiếng trách cứ Mạc Diệp, hay tỏ vẻ khó chịu, mà bà ta tế nhị buông tay Tiểu Tâm ra và bảo con:

- Con đang có một đại ca thật tốt, con nhờ đại ca giúp sức con lên núi cho đỡ mệt nhọc.

Mạc Diệp nghe vậy, sốt sắng:

- Đoàn đệ có mệt không, hay là để đại ca cõng Đoàn đệ một đoạn đường?

Nghe Mạc Diệp đề nghị cõng mình, Tiểu Tâm tự ái:

- Tiểu đệ từng đi khắp giang hồ, trốn thoát không biết bao nhiêu nanh vuốt của nha trảo của triều đình, thì mấy bậc đá này không thể nào làm tiểu đệ nhọc mệt được!

Tính háo tThanh Ngâng của trẻ con lại nổi lên, Tiểu Tâm giở bộ pháp phi nhanh trên bậc đá, làm cho Mạc Diệp sợ Tiểu Tâm bị lạc lối và nguy hiểm vội vượt lên trước phu nhân chạy theo. Đoàn phu nhân không cách gì can ngăn sự sính cường của con, cũng tăng bộ pháp đi theo cho kịp Tiểu Tâm và Mạc Diệp. Tiểu Tâm tuổi còn nhỏ, tuy học khinh công từ lúc mà sức nặng của thân thể không thể còn dễ dàng cho sự bế bồng của người mẹ, nhưng hơi sức có là bao để đua đòi với một đệ tử yêu của Kỳ tửu? Chạy vài trăm thước, cậu đã mệt nhoài. Với một người đàn bà, Mạc Diệp không có đủ những tế nhị, nhưng phản ứng của Tiểu Tâm, anh ta nhìn qua là hiểu ngay, nên đến gần, nắm được tay Tiểu Tâm, liền lên tiếng vuốt ve:

- Mê tung bộ pháp của Đoàn đệ nổi tiếng giang hồ có khác. Tuy nhiên, bá mẫu đã mấy ngày trên thuyền, và đã đi khá xa từ bờ sông về đây, chúng ta không nên để cho bá mẫu phải cực nhọc nữa. Đại ca đề nghị chúng ta từ từ bước đi, để tiểu huynh chỉ cho đoàn đệ những nơi mà tiểu huynh thường dừng chân trên đoạn đường này, nhìn xuống núi rừng, phong cảnh chung quanh. Tự ái và sính cường trong chốc lát do tính trẻ con, nhưng Tiểu Tâm cũng sớm nhận ra sự vô lý của mình, nhất là khi quay lại, nhìn thấy gương mặt bất bình của mẫu thân. Chú bé chụp lấy cơ hội:

- Vâng, vâng, nhất định đại ca phải kể cho tiểu đệ nghe nhiều chuyện và chỉ cho tiểu đệ những phong cảnh nên thơ ở đây mới được.

Vừa nói Tiểu Tâm vừa nắm tay Mạc Diệp, dung dăng dung dẻ theo anh ta lên núi, họ vừa đi vừa trò chuyện. Đoàn phu nhân bước chân theo sau, nhìn hai anh em, trong lòng cảm thấy vô cùng thơ thới. Chưa bao giờ bà có một thời khắc bình an như vậy.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện sắc
Linh Vũ Thiên Hạ

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Nam Thiên Đại Hiệp

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook