Nào Hay Xuân Mênh Mông

Chương 22: Lá cờ thêu sáu chữ vàng

bảo trâm

18/02/2023

Lá Cờ Thêu Sáu Chữ Vàng

Quả đúng như dự đoán, tôi vừa chợp mắt một chút thì đã nghe tiếng cấp báo dồn dập, địch đã ồ ạt tiến lên chỉ cách vị trí đóng quân của ta mười dặm về hướng bắc.

Tôi phóng lên ngựa, cùng Hoài Văn quân đứng trên đồi cao nhìn xuống, chỉ thấy phía xa xa mù mịt bụi giăng đầy trời, đoàn kỵ binh như một cơn bão cuồn cuộn kéo đến núi Phả Lại. Tiếng trống trận vang rền dội vào núi, tiếng ngựa hí vang trời. Mặc dù tôi đã tưởng tượng trăm ngàn lần trong đầu cảnh tượng này, nhưng sự hùng tráng của nó vẫn nằm ngoài sự tưởng tượng của tôi.

Đội tượng binh đã vào vị trí, ngay khi quân Nguyên vừa chạm tới ranh giới, ngay lập tức những tảng đá và gốc cây khổng lồ đã không ngừng lăn xuống từ triền núi. Xung quanh là rừng già, bọn chúng không thể nào cùng lúc chen chân vào chém giết, những kẻ xông lên trước tiên đều bị đá cùng với cây gỗ lớn đè cả người lẫn ngựa, những kẻ đánh vào bên hông núi thì bị quân ta từ mọi ngóc ngách lao ra chém giết. Tuy quân Thát hết lớp này lớp khác lao lên, nhưng cả hai bên vẫn đang trong trạng thái cân bằng.

Tôi nhìn chiến trường đẫm máu tươi, kẻ bị voi giày ngựa xéo, kẻ bị chém đầu lìa khỏi cổ, kẻ lại bị thương cụt cả tay chân, mới chân thực thấy cảnh giết chóc dã man như thế nào. Mùi máu tanh tưởi xộc lên mũi tôi nghẹn nơi cổ họng, trước mắt tôi nhòa bởi màu máu và mồ hôi trộn lẫn, muốn nôn nhưng không thể nôn. Tôi quan sát xung quanh, tuy quân ta cũng có kẻ nằm xuống, nhưng dường như Hoài Văn Quân vẫn sừng sững như những gốc cổ thụ, tôi chém lấy đầu một gã, giơ cao thanh kiếm lên hô vang:

- Giết giặc Thát, báo ơn vua!

Dường như tất cả lại được tiếp thêm sức mạnh, lại điên cuồng chém giết.

Bên tai tôi sượt qua tiếng xé gió, Trần Quốc Tảng ở phía sau kéo tôi tránh khỏi đường gươm. Tôi chưa kịp cảm ơn, thì đằng trước đã vang lên tiếng cười như chuông bạc:

- Gặp lại nhau sớm quá nhỉ!

Đó chẳng ai khác chính là công chúa Trà Luân. Cô ta mặc bộ chiến bào màu bạc, ngồi trên tuấn mã, trong lúc cười nói với tôi đã hạ cùng lúc vài người. Tôi nghiến răng xông tới đánh với ả, hóa ra đây chính là vị nữ tướng mà chị Anh Nguyên đã kể với tôi, thật trùng hợp làm sao. Trước đây chưa từng đụng độ, lần chạm mặt đầu tiên, lại ở ngay chiến trường khốc liệt này, số phận cũng lắm trớ trêu.

Trà Luân nhìn Trần Quốc Tảng, trong mắt có một tia khác thường, tôi nhân đó chém một kiếm về phía ả, đường kiếm tuy được Trà Luân né kịp, nhưng cũng cắt đi một lọn tóc của ả ta. Tôi nhếch môi:

- Binh bất yếm trá!

Đánh nhau lâu như vậy, vẫn không thể thấy Thoát Hoan, đúng là quân số của Nguyên nhiều đến nỗi anh ta không cần phải ra mặt, cứ hết lớp này lại có lớp khác tiến lên. Sức lực của tôi cũng có hạn, chẳng biết chị Anh Nguyên và Phạm Ngũ Lão ở triền núi bên kia có ổn không, hiện tại đất đá cũng đã cạn, toàn quân đều phải tự dựa vào sức mình để chống đỡ. Giống như trong một trận túc cầu, đội đối phương liên tục thay người, còn đội của tôi thiếu người nên vẫn là những gương mặt quen thuộc trong sân từ đầu chí cuối, rốt cuộc sức cùng lực kiệt, trơ mắt nhìn từng người ngã xuống trên chiến trường.

Quân Nguyên giống như càng đánh càng hăng, điên cuồng chém giết. Tôi loạng choạng ngã xuống, anh Quốc Uất từ phía sau đỡ lấy tôi, trên gương mặt anh cũng đầy vệt máu. Anh thay tôi chém giết vài kiếm, gấp gáp nói:

- Rút thôi, anh chống giữ chỗ này, mau đưa Hoài Văn quân chỉ huy quân thành nhiều hướng rút về Bình Than!

Tôi không nói nhiều lời, bèn ra lệnh rút quân, Trà Luân từ xa tít tắp vẫn lớn giọng hét lên:

- Muốn chạy ư?

Ả vừa nói xong tôi đã nghe tiếng ngã ngựa, có lẽ bị người nào đó đánh lén. Tôi cũng không có thời gian quay lại xem, chỉ một mực chỉ huy tàn quân rút dần về bên kia núi, vừa đi vừa đánh được thêm một lượng nhỏ quân Thát rải rác ở triền núi bên này.

Rời căn cứ cùng lúc chạm mặt chị Anh Nguyên cũng theo một hướng khác rút quân, trông chị ta còn nhếch nhác hơn cả tôi nữa. Nếu như là lúc trước thì tôi đã cùng chị ôm bụng cười một trận, nhưng trong tình cảnh này quả thật là cười không nổi. Chị Anh Nguyên rút quân được nhờ sự bảo hộ của Phạm Ngũ Lão, anh ta cũng bị thương rồi.

Đội quân mà tôi và chị Anh Nguyên dẫn đầu tầm năm vạn quân, men theo đường mòn rút về Bình Than, phía sau lần lượt là những toán quân khác của cha và các anh tôi cũng đang nối gót. Trên đường gặp một ngã ba, lúc tôi và chị Anh Nguyên đang phân vân thì có một người lính từ bên trái chạy xộc tới, anh ta mang thương tích rất nặng, vừa gặp chúng tôi liền khuỵu xuống, giọng nói đứt quãng:

- Tướng quân xin đừng rút hướng này, Bình Than đang bị quân Thát dùng thủy quân tập kích! Thượng hoàng và Quan gia đang dốc toàn lực chống đỡ! Hướng ngược lại là thuyền chiến chuẩn bị sẵn cho toàn quân rút về Phượng thành do Quốc công đã chuẩn bị từ trước, tướng quân hãy mau đưa quân rời khỏi đây.

Tôi nghe mà tay chân như rụng rời, dù đã lường trước được nhưng khi nghe xong đáy lòng vẫn không nén nỗi phát run. Tôi nhìn chị Anh Nguyên, lại nhìn đoàn quân rệu rã phía sau, quân lương chỉ đủ cho hai ngày, liệu có nên rút theo hướng khác, hay trực tiếp đi về hướng đó để hỗ trợ cho Trần Khâm đây?

Chị Anh Nguyên hình như cũng cùng suy nghĩ với tôi, bèn đứng giữa ba quân, hô lớn:

- Các ngươi cũng nghe rồi đó, hiện giờ Thượng hoàng và Quan gia đang chống quân Thát ở Bình Than, những kẻ muốn theo ta đi cứu giá thì rút theo hướng này. Còn đã mệt mỏi thì rút về hướng kia, dưỡng sức chờ tiếp viện.

Toàn quân ấy vậy mà lại một lòng cùng hướng về Bình Than, tôi và chị Anh Nguyên xúc động trong lòng, ngay lập tức đưa quân đi thẳng theo hướng đã định. Lúc này mặt trời đã ngã về tây, đoàn quân chúng tôi xuyên màn đêm vượt rừng già tìm về với thủy quân của Trần Khâm, nhưng lại ngoài dự định của tôi, cả đội quân bị lạc trong rừng già.

Lúc này phần vì mệt và đói, phần vì trời đã tối hẳn, càng đi lại càng lạc hướng, nên chúng tôi quyết định dừng chân nghỉ ngơi, dù tôi biết mỗi một giờ một khắc hiện tại đều rất cấp bách.

Quân binh đốt lửa dựng tạm trại ngủ qua một đêm, những người bị thương cũng tranh thủ băng bó. Tôi nhìn bầu trời sao và tiếng sói hú dài trong đêm, lại nghĩ tới thủy binh của Trần Khâm không lý nào lại dễ dàng bị rơi vào thế bị động như vậy được. Tôi leo lên lưng ngựa chạy vài vòng quan sát, cảm thấy sẽ trùng hợp đến mức có kẻ vô tình trốn chạy gặp được đội quân của tôi rồi đem tình hình báo cáo hay sao, sự việc lần này thật giống như có kẻ muốn dẫn dụ đoàn quân co cụm vào rừng để dễ bề hành động. Nghĩ tới đó tôi bỗng rùng mình, nếu như thật sự như thế, e rằng chỉ cần một mồi lửa, toàn quân của tôi sẽ trở thành tro bụi.

Tôi phi ngựa về lều, thấy kẻ đó đang ngồi thiêm thiếp trước đống lửa, bèn lấy kiếm kề cổ anh ta, quát:

- Mi là gian tế đúng không?

Chị Anh Nguyên giữ cổ tay tôi lại, hoảng hốt hỏi:

- Sao lại là gian tế, anh ta đem tin tức về đây cho ta mà?

- Nếu thật sự là thuỷ binh của ta, vậy ta có bao nhiêu thuyền chiến, ai là người trực tiếp chỉ huy đội của mi?

Quả nhiên vừa nghe tôi hỏi kẻ đó liền cầm lấy mũi kiếm của tôi cứa cổ mình lăn đùng ra chết. Một đợt ớn lạnh chạy dọc sống lưng tôi, kẻ này đã chuẩn bị sẵn tâm lý để chết có nghĩa là chỗ đóng quân của tôi đã không còn an toàn nữa. Khốn kiếp, tại sao tôi lại để chút tâm tư nữ nhi của mình làm cho mất tỉnh táo thế này, chỉ một câu nói không rõ ràng đã đưa quân vào bẫy của địch. Thoát Hoan, anh ta thật sự muốn giết tôi hay sao?

Toàn quân người này truyền tai người kia tất cả đều trở nên nhốn nháo, hiện tại đội quân này đã mất dấu đại quân của cha tôi, bị lạc trong rừng, nếu như kẻ chỉ huy như tôi còn không trấn tĩnh lại thì binh sĩ biết tin vào ai?

Tôi xốc lại tinh thần, liền hô hoáng:

- Tất cả tập hợp, ngay lập tức hành quân khỏi nơi này! Hoài Văn quân bọc hậu, ta thề chết đưa toàn quân an toàn rời khỏi, không thiếu một ai!

Chị Anh Nguyên có vẻ cũng hoảng hốt trong lòng, nhưng vẫn cố gắng trấn tĩnh vỗ vai tôi:

- Để chị bọc hậu, em đi tiên phong dẫn quân rút lui đúng hướng, chị tin em!

Tôi gật đầu với chị, ngay trong đêm đốt đuốc tìm đường. Nhưng vì trong rừng nên tôi cũng chẳng dám đốt nhiều, chỉ lác đác vài cụm đủ để không đến mức sa vào đầm lầy và chống với thú dữ. Cũng may đêm nay trăng sáng vằng vặc, đóm bay lập lòe mới không khiến chúng tôi trông quá mức thảm hại.

Nhưng rốt cuộc loanh quanh mãi vẫn chẳng thể rời khỏi, bỗng nhiên có người hô lên rằng đằng sau đã nghe tiếng vó ngựa, quân Nguyên đuổi tới rồi.

Tôi không sợ quân Nguyên đuổi tới, tôi chỉ sợ lòng quân bất ổn, trong lòng tôi âm thầm hạ quyết tâm, nếu như tìm đường không được, vậy cứ đi thẳng.

Tôi thúc ngựa chạy, chị Anh Nguyên cũng hiểu ý tôi từ đằng sau đôn đốc quân lính, càng chạy, ngọn lửa phía sau đã ùn ùn cháy lên tới đỉnh đầu.

Áo tôi đã ướt đẫm, tôi không biết là do sương đêm hay mồ hôi, suốt đêm không ngủ làm tinh thần có chút hoảng loạn. Nhưng với sứ mệnh trên vai, trước mắt là những người thân thuộc khiến tôi không hiểu sao giữ được sức lực đến giây phút này. Tôi mệt mỏi, và đoàn quân của tôi cũng rã rời.

Ánh mặt trời ló dạng đằng đông, từ đối diện tôi đã nghe thấy tiếng người ngựa, tôi theo phản xạ tự nhiên định quay đầu, nhưng từ xa lấp ló lá cờ thêu sáu chữ vàng, trong lòng như một mảnh đất khô hạn đón được cơn mưa đầu mùa tưới mát. Tôi hô lên với ba quân:

- Tìm được đường ra rồi, Hoài Văn Hầu đem quân đến cứu viện rồi!

Toàn quân lại một lần nữa nhốn nháo, nhưng lần này họ hò reo vui mừng. Tôi sững trên ngựa nhìn Trần Quốc Toản và năm trăm quân của cậu ta lục tục kéo tới, nụ cười đã lâu không xuất hiện bỗng nở trên môi.

Trần Quốc Toản từ đối diện hét lên với tôi:

- Cười ngốc làm gì, mau đi theo tôi. Lửa đã cháy đến mông ngựa rồi!

Tôi gấp rút tiến quân theo đường đã được Quốc Toản đánh dấu, an toàn đưa toàn quân thoát khỏi khu rừng già. Lúc này ánh bình minh đã bao trùm vạn vật, tôi ngoảnh đầu lại, chỉ thấy cột khói bốc lên ngùn ngụt, chỉ sợ mình chậm trễ một khắc, thì tất cả đã chôn thây trong biển lửa rồi.

Lúc này điều tôi muốn nhất chính là xuống ngựa cúi đầu nói cảm ơn với Trần Quốc Toản, nhưng có vẻ cậu ta cũng biết điều đó nên vừa ra khỏi rừng đã nghênh mặt nhìn tôi, kiêu ngạo nói:

- Không cần cảm ơn, tôi xót cho Hoài Văn quân thôi!

Tôi bèn ném ý nghĩ đó ra sau đầu.

Lần này Quốc Toản sở dĩ tìm được chúng tôi, là vì đội quân của cha tôi đã rút ổn thỏa về Vạn Kiếp, đang chống chọi với thủy quân Nguyên do Ô Mã Nhi chỉ huy, vừa đánh vừa rút lên thuyền về kinh thành trấn giữ, nhưng rốt cuộc lại phát hiện ra thiếu đi năm vạn quân do tôi và chị Anh Nguyên chỉ huy rút lui. Cũng may nhờ đám cháy mà Trần Quốc Toản tìm được tôi, nếu không tôi không bị quân Nguyên giết chết, thì cũng sẽ bị bỏ lại nơi này mà thôi. Dù sao trong chiến trận, tôi cũng không muốn vì mình mà ảnh hưởng đại cục, chỉ thương cho năm vạn quân trong tay mà thôi.

Còn mấy chuyến thuyền cuối, tôi đứng nhìn ba quân đã yên ổn lên thuyền, chính mình cũng theo thuyền nhỏ ra giữa dòng được quân binh kéo lên thuyền chiến. Nhưng chưa ra được đó, đã nghe tiếng ngựa hí vang trên bờ, tôi thoáng nhìn ra sau, thì thấy Thoát Hoan một thân chiến bào đẫm máu ngồi trên ngựa chau mày nhìn tôi.



Một mũi tên sượt qua vai anh ta lao về phía tôi, nhanh và chuẩn xác đến độ tôi chẳng kịp phản ứng, thì trên bả vai nhói lên một cái, bản thân đã rơi ùm xuống lòng sông rồi. Bên tai chỉ nghe tiếng Trần Quốc Toản, chị Anh Nguyên, tiếng thảng thốt của ba quân tướng sĩ cùng ánh mắt hoảng loạn của Thoát Hoan.

Nước xộc vào khoang mũi, làn nước lạnh mùa xuân khiến cả người tôi như tê cóng. Dù biết bơi nhưng tôi chẳng thể nào bơi nỗi nữa bởi sự ê ẩm lan ra khắp người. Lúc này tôi chỉ hi vọng Quốc Toản giữ chặt chị Anh Nguyên một chút, đừng để chị ta làm ẩu mà nhảy xuống đây. Xung quanh đã nghe nhiều tiếng nhảy ùm xuống nước, có lẽ quân binh cũng phản ứng kịp, cử người thi nhau nhảy xuống cứu tôi rồi.

Tôi bỗng thấy Thoát Hoan mơ hồ dưới dòng nước lạnh đang bơi nhanh về phía tôi, tôi cứ tưởng những con ngựa Mông Cổ như anh ta là những con vịt cạn chứ, ai ngờ bơi cũng thật cừ khôi. Sự mơ hồ đó giống như những giấc mơ ngày trước tôi từng mơ qua, gương mặt Thoát Hoan như thực như ảo, vừa đẹp tựa thần tiên, vừa đáng sợ như loài thủy quái.

Nhưng tôi không nhìn được anh ta lâu, bởi hơi thở của tôi dần mất đi, sự đau đớn nơi bả vai khiến tôi không thể làm gì được mà dần rơi vào giấc ngủ.

Nhưng tôi vẫn biết phía sau mình có một lực đạo mạnh mẽ kéo tôi lại, nhanh như cắt đưa tôi ngược về phía sau, mà Thoát Hoan cũng dần mất hút trong làn nước, có lẽ anh ta cũng được binh lính kéo lên bờ rồi.

Lúc tôi tỉnh lại đã thấy mặt sông loang loáng ánh lửa, tên bắn như mưa, còn tôi thì đang tựa trong lòng Trần Khâm trên thuyền chiến, anh ta thấy tôi tỉnh lại, thì vui mừng không ngớt. Trong lòng tôi cũng như mở hội, mới vừa xa cách non nửa tháng, mà cứ ngỡ là ba thu. Trần Khâm ôm lấy tôi, để lộ ra vẻ đau lòng, nói:

- Cũng may Phạm Hữu Thế đã cứu được em!

Tôi hiểu ra, thì ra là Phạm Hữu Thế - Yết Kiêu, gia tướng của cha tôi. Trên khắp gầm trời cuối đất này có ai bơi lội qua anh ta được chứ.

Tôi ngồi trong khoang thuyền được chắn bởi lớp lớp thủy binh. Từ chỗ tôi nhìn ra chỉ thấy một vùng trời rực lên màu đỏ, những mũi tên tẩm lửa bắn ra như mưa từ hai bên, đoàn thuyền chiến của Ô Mã Nhi cũng đã đuổi tới, tiếng chém giết vang lên khắp cả mặt sông. Tôi chồm người ngồi dậy nhưng bị Trần Khâm ấn xuống, bả vai tôi đau nhói, anh ta có vẻ vẫn điềm tĩnh trước tình huống hiện tại, trấn an tôi:

- Không gấp, em cứ ngồi đây xem, giữ sức cho trận chiến kế tiếp.

Tôi định phản bác anh ta thì thấy thuyền chiến của quân Thát có một chiếc đang rung lắc dữ dội, tôi chồm người lên xem thì quả nhiên thấy quân địch nháo nhào tháo chạy sang thuyền khác, hóa ra con thuyền đang chìm dần. Tôi lại ngạc nhiên nhìn Trần Khâm, anh ta đắc ý nói:

- Nếu nói về trên bộ thì quân Thát đúng là chiếm ưu thế bởi số lượng và khả năng chinh chiến trên lưng ngựa, nhưng nói về dưới nước thì chúng làm gì có khả năng bì kịp với người Việt quanh năm sống vùng sông nước như ta!

Tôi kích động hỏi:

- Nếu vậy sao chúng ta không phản công tại đây, thừa thắng xông lên nhỉ?

Trần Khâm lắc đầu nói:

- Ngốc quá, thợ lặn chúng ta không có nhiều, trong vài ngày mà đã tử thương không ít. Hiện tại chỉ cố giữ lợi thế này để đưa toàn quân về kinh trấn giữ mà thôi, không dùng lâu dài được.

Tôi hiểu ra, đúng là bọn này đông đến nỗi đánh mãi không biết mệt, ngoài kia tuy thuyền đã đắm một vài chiếc nhưng mưa tên vẫn cứ bắn không ngớt sang đây, huống hồ càng kéo dài bọn chúng càng có thời gian đóng thêm thuyền chiến. Bộ binh của Thoát Hoan chắc cũng đang rục rịch bắt cầu phao kéo về kinh thành, quân ta càng chần chừ, bọn chúng sẽ càng có cơ hội đánh nhanh thắng nhanh.

Trần Khâm kể với tôi trong mấy ngày này, tướng Nguyên là Ô Mã Nhi bất ngờ tập kích vào thuyền chiến của quân ta, rõ ràng bọn chúng chỉ kéo qua bằng kỵ binh, nhưng chỉ trong vài ngày ngắn ngủi mà đã trang bị được thuyền chiến, đủ hiểu rằng việc lúng túng khi gặp phải địa hình của nước ta chỉ là lúc đầu, bọn chúng sẽ rất dễ dàng để phá giải. Thế nên dù đã giết được tướng Nghê Nhuận, Trần Khâm vẫn cho lui quân về kinh.

Tôi nhìn thuyền chiến của ta càng ngày càng xa quân Thát, thầm nghĩ có lẽ đã an toàn rút quân được toàn bộ rồi, trong lòng nhẹ nhõm không ít. Tôi nghĩ thế rồi chìm vào mê man, thôi thì thừa lúc tạm thời sóng yên biển lặng chợp mắt một chút, cả mấy đêm không được ngủ ngon giấc rồi.

Đây là thời điểm quân lính được ngơi nghỉ đôi chút sau chuỗi ngày chiến đấu gian khổ. Tôi ngủ một giấc dài đến khi thuyền đã về tới Phượng thành, lúc tỉnh lại thì mới hay tin Trần Khâm đã đi lập các chiến lũy bằng gỗ ở bờ Bắc sông Nhị Hà nghênh chiến, mà bọn chúng cũng đã ráo riết đuổi tới kinh thành. Hóa ra trong lúc tôi ngủ mê man không biết gì, thì Thoát Hoan đã lần lượt chia quân thành hai cánh, trên đường truy đuổi chúng tôi đã chiếm được châu Gia Lâm, một cánh quân khác cũng chiếm được lộ Bắc Giang và không ngừng áp sát phía bờ kia sông Nhị Hà, thế như chẻ tre.

Tôi choàng người ngồi dậy trong doanh trướng bởi tiếng đùng đoàng vang dội cả đất trời, vội mặc giáp minh quang, leo lên ngựa phi về phía chiến lũy sông Nhị Hà, các binh sĩ đã quen với tôi, rất nhanh đã cho tôi vào. Đến nơi quả nhiên thấy Trần Khâm đang trực tiếp chỉ huy Thánh Dực quân dùng súng bắn đá bắn về phía bờ bên kia sông Nhị Hà. Nếu như tôi đoán không lầm, thì hiện tại Thoát Hoan đã đuổi kịp và đóng quân phía đó, nếu vậy Trần Khâm tấn công sang đó để chặn Thoát Hoan bắc cầu phao sang hay sao, hay chỉ đơn giản thách thức thôi?

Tôi đang đứng bần thần thì thấy Trần Thì Kiến cưỡi ngựa lướt qua, một thời gian không gặp trông anh ta vô cùng nhếch nhác, râu ria thì đã mọc lúng phúng trên gương mặt điển trai. Trần Thì Kiến có vẻ không nhìn thấy tôi, xuống ngựa bước về phía Trần Khâm ở bến sông, tôi thấy vậy cũng đuổi theo anh ta đi về hướng đó hóng chuyện.

Trần Thì Kiến quỳ xuống trước mặt Trần Khâm, tâu rằng:

- Thưa bệ hạ, trong thành ngoài thành đều đã thu xếp ổn thỏa cả, không còn một hạt bụi. Đảm bảo cho bọn chúng một bất ngờ lớn!

Tôi ngớ ra, thì ra trong lúc tôi loay hoay ở chiến trường, thì ở kinh thành Trần Thì Kiến đã cho thu dọn tất cả mọi thứ có thể dùng được. Tôi nhớ trước đây có lần nghe cha tôi kể lại về kế "vườn không nhà trống" trong cuộc chiến giữ thành vào hai mươi bảy năm trước do Tiên đế và Thượng hoàng chỉ huy đã cô lập và triệt tiêu ý đồ xâm chiếm nước ta năm đó, nhưng hiện tại đã qua một lần mắc bẫy, liệu chúng có chủ quan nữa hay không?

Trần Khâm gật đầu, lại nói với Trần Thì Kiến:

- Vậy báo với Quốc công sắp xếp đưa toàn quân rời khỏi trong đêm nay!

Đợi Trần Thì Kiến đi khuất, tôi mới nhanh chân bước lại gần. Trần Khâm nhìn thấy tôi, đáy mắt lóe lên chút ánh sáng, anh tiến về hướng tôi vài bước, lấy áo choàng đang mặc khoác lên vai tôi, ân cần nói:

- Gió sông thổi lạnh, sao không ở trong lều nghỉ ngơi thêm?

- Nghe tiếng đá nổ không ngủ được. – Tôi nói.

Vết thương trên vai tôi vẫn còn đau âm ỉ, vai trái này của tôi trước giờ không ít lần quấn vải trắng, đến mức bộ dạng này nhìn mãi cũng thành quen. Lúc này Trần Khâm giống như hiểu được tâm sự của tôi, trầm ngâm:

- Vờ tấn công chỉ để qua mặt chúng, thật ra chúng ta đánh trực diện không được. Nếu cứ im lặng mà rời đi, chúng sẽ nghi ngờ.

Tôi biết Trần Khâm định bụng sẽ âm thầm đưa quân rời thành trong đêm tối, để dụ Thoát Hoan vào nơi cung thất nhẵn không, đến lúc ấy bọn chúng sẽ vừa mất phương hướng vừa khủng hoảng do không tìm được lương thực trong thành, ắt rơi vào bế tắc.

Nhưng nghĩ thì nghĩ vậy, kế hoạch này liệu có qua được con mắt tinh ranh của Thoát Hoan hay không, hắn ta cũng không phải kẻ chỉ có cái vỏ rỗng.

Trước mắt quan quân và phần đông thủy binh cùng lên thuyền, chỉ chừa lại số ít quân dàn hàng mỏng dọc bờ sông Nhị Hà làm lá chắn đánh lừa quân Nguyên. Nhưng còn chưa đến tối, phía bờ sông bên kia đã rục rịch, quân do thám báo lại, quân Thát đang lục đục cất quân sang.

Trong lúc cấp bách thì có kẻ đứng ra xin đi cầu hòa, kẻ không biết thì mắng mỏ, người biết thì vừa nhìn đã hiểu đây chỉ là một kế hoãn binh. Gió xuân thổi qua sông Nhị Hà càng trở nên rét buốt, trời không nắng, dưới sông là một đoàn thuyền được canh gác cẩn mật. Người sứ giả mặc bộ triều phục, cưỡi gió đạp sóng về phía hàng vạn cung tên giáo mác bên kia sông không chút run sợ, đứng sừng sững như một ngọn núi nam.

Tôi nheo mắt ra xa, không nhìn rõ ngũ quan người nọ, chỉ thấy một vóc dáng rắn rỏi dong dỏng cao. Trần Khâm nói với tôi, đây là Đỗ Khắc Chung, chính là anh ruột của Đỗ Thiên Hư đấy, có điều hiện tại Đỗ Thiên Hư đã không còn dáng vẻ bá đạo ngang ngược ngày xưa nữa, đã chuyên tâm học hành rồi. Tôi lại càng thêm thưởng thức Đỗ Khắc Chung, xem ra làm gia quyến với người có phong thái, học thức và tinh thần như Đỗ Khắc Chung, ngay cả tôi cũng muốn bản thân ngang ngược hơn một chút. Lần này anh ta tự tin ứng cử, có lẽ cũng nắm chắc được phần nào. Xưa nay tuy nói hai quân đánh nhau không giết sứ giả, nhưng với những kẻ hiếu chiến như Mông Cổ thì chưa chắc.

Đỗ Khắc Chung đi rồi, bên phía địch liền không có chút động tĩnh. Tôi cũng có nghi ngại trong lòng, nếu là Thoát Hoan, anh ta sẽ dễ dàng bị lừa như thế sao, còn nếu thật sự trúng kế của ta, thì một là do Đỗ Khắc Chung quá tài giỏi, còn hai là do Thoát Hoan vẫn chưa thể tiến quân bộ về đây kịp. Theo vế thứ hai, thì khả năng ta rút được êm xuôi rất lớn, chỉ một đội quân của Ô Mã Nhi, chưa chắc chúng dám làm ẩu tiến đánh kinh thành ngay lập tức đâu.

Trong lòng tôi vẫn còn một nỗi lo, tôi gọi một binh sĩ tinh nhuệ của Hoài Văn quân, phó thác:

- Anh chạy ngược lên Thu Vật đem tin tức chúng ta đã bỏ kinh thành nói tận tai Chiêu Văn Vương!

Binh sĩ chắp tay vâng dạ. Trần Nhật Duật, tình thế hiện giờ tôi chỉ có thể giúp anh ta được tới đó thôi.

Trần Khâm không biết đứng sau tôi từ lúc nào, bỗng lên tiếng:

- Em làm mà không nói với ta, ta sẽ ghen đấy!

Tôi liếc anh ta một cái rồi rời khỏi, không buồn trả lời. Trần Khâm đi theo tôi, lại hỏi:

- Em không lấy gì làm tin, chú ấy sẽ tin tưởng sao?

- Nếu là Chiêu Văn Vương, chắc chắn sẽ không làm em thất vọng.

Chiêu Văn Vương, chưa một lần nào làm tôi phải thất vọng cả. Hi vọng anh ta sẽ bình an.

Chúng tôi đưa thuyền chiến theo sông Nhị Hà đi ngay trong đêm, nhưng vì e ngại bọn chúng đuổi đến quá nhanh, nên tại bãi Đà Mạc Trần Bình Trọng và anh tôi – Quốc Hiện đã tự mình dẫn sáu trăm Thánh Dực quân cùng binh lính từ trang ấp đóng tại đó để cản bước địch nếu chúng đuổi tới. Cha tôi lại bày thêm một trận cọc và đắp bờ chắn để ngăn đối phương ở Hải Thị gần đó, như một màn thiên la địa võng khiến chúng không kịp trở tay.

Tôi nhìn thế trận, trong lòng cũng yên tâm phần nào, cho dù khả năng xấu nhất là thất bại thì với khả năng của cha tôi, tôi tin ông sẽ có thể khiến chúng không dám tiếp tục đuổi tới Thiên Trường. Tôi muốn ở lại cùng cha và các anh, nhưng với thân thể đang bị thương tích của mình, lại sợ vướng tay vướng chân ông nên đành cùng Trần Khâm trở về Thiên Trường. Hơn nữa hành cung Thiên Trường cũng là nơi mà hoàng thất đều đã hội tụ lại, trong đó có cả thân thích của tôi ở Vạn Kiếp, và có cả đứa con thơ dại của tôi.

Thuyền chiến neo ở bến sông Nhị Hà, chúng tôi lên bộ về hành cung Thiên Trường. Trước nay tôi chưa có dịp về đây, nhưng Thượng hoàng lúc trước vì chiều ý tôi nên có lần đọc một bài thơ người viết, trong thơ có mấy câu:

"Cảnh thanh u vật diệc thanh u

Thập nhất tiên châu thử nhất châu.

Bách bộ sinh ca, cầm bách thiệt,

Thiên hàng nô bộc, quất thiên đầu"



(Cảnh Thanh u vật cũng thanh u

Trong số mười một châu đây là châu hàng đầu

Hàng trăm tiếng chim hót như một dàn hợp xướng

Hàng ngàn cây quất như hàng ngàn nô bộc)

Tôi vô thức đọc ra thành tiếng, Trần Khâm cưỡi tuấn mã ở bên cạnh tôi chợt nở nụ cười, thích thú hỏi:

- Em vẫn còn nhớ bài thơ của phụ hoàng sao?

Tôi nhìn nụ cười hiếm hoi của Trần Khâm sau chuỗi ngày căng thẳng. Cũng không biết có thể cười được mấy lần nữa khi Phượng thành đã bị chiếm, truy binh ráo riết đuổi đến nơi. Người con trai trong ký ức tôi hiện tại cũng không còn là một chàng trai ăn vận sạch sẽ, cao sang quyền quý nữa. Tuy anh vẫn đứng trên ngưỡng cao quyền lực, nhưng hiện tại binh sĩ ăn gì Trần Khâm sẽ ăn đó, binh sĩ dùng gì Trần Khâm sẽ dùng đó, không vì cấp bậc mà phân biệt với mọi người, tất cả đều rất kính nể anh. Tôi nhìn vẻ bụi bặm sau chuỗi ngày gian khổ của anh, lòng cũng vừa xót vừa phục.

Tôi không muốn phá đi nhã ý của Trần Khâm ngay lúc này, cũng cười đáp:

- Đương nhiên vẫn nhớ, tuy ngày xưa chúng ta đều ngây thơ không hiểu chuyện, nhưng đó lại là khoảng thời gian tươi đẹp nhất.

- Ta không biết nói sao cho phải. Nhưng mà.. em chính là động lực để ta trở nên như hôm nay.

Tôi nghe Trần Khâm bộc bạch, không nén được trêu một câu:

- Vậy giả sử em không phải là người xưa của chàng, chẳng phải đã bị chàng phản bội từ trong tư tưởng rồi sao?

Trần Khâm có vẻ hơi khựng lại, rồi chống chế:

- Người xưa là người lúc nào cũng bảo vệ ta, còn người hiện tại là người mà ta lúc nào cũng muốn bảo vệ.

Tôi thoáng đỏ mặt. Chẳng hiểu sao tôi lại cảm thấy Trần Khâm dạo này rất thành thật, tôi hỏi gì là sẽ đáp đó, không giống ngày xưa luôn tìm cách ức hiếp tôi. Dù sao tôi cũng không muốn anh ta bảo vệ mình quá mức như thế, điều đó làm tôi dần quên mất con người thật của mình, tôi muốn bản thân như ngày xưa, luôn bảo vệ anh, bởi anh là một vị vua của Đại Việt, tôi thương yêu và trân trọng anh bằng tất cả lòng thành kính và tín ngưỡng của đời tôi.

Chị Anh Nguyên cưỡi ngựa chồm lên từ đằng sau, bất bình nói:

- Các người bớt mùi mẫn đi, ta ở cách xa vài thước cũng sắp bị kiến bâu rồi!

Trần Khâm thấy tôi có vẻ lúng túng trước lời nói của chị Anh Nguyên, không một lời thừa thãi quay ra sau nói:

- Phạm tướng quân cũng sắp ba mươi, mà chị của ta cũng là gái đã lỡ thì, hẹn ngày chi bằng đúng lúc, đến Thiên Trường thì lập tức bái trời đất kết thân đi. Ta cũng muốn gọi anh một tiếng anh rể.

Tôi nghe Phạm Ngũ Lão ho không ngừng phía sau, cũng không biết anh ta vì khoảng thời gian này lao lực sinh ra bệnh ho, hay vì mừng quá nên choáng váng khi nghe Trần Khâm đề nghị chuyện tốt như vậy, mà cũng có thể là do hoảng sợ quá mức không chừng. Trong bụng tôi bỗng nhiên phấn khởi, thì ra đây là chuyện tốt khi có chồng là vua đây sao, kể cả chị Anh Nguyên tôi không dám đụng tới mà anh ta cũng dám đụng, đúng là vừa làm tôi mở mang tầm mắt, vừa hả hê một phen. Phạm Ngũ Lão cố nén lại cơn ho, ấp úng nói:

- Mạc tướng không dám ạ!

Chị Anh Nguyên cũng thẹn quá hóa giận, gắt gỏng với Trần Khâm:

- Ai là gái lỡ thì? Là vì ta chưa muốn lấy chồng nhé!

Một thoáng im lặng, bên tai tôi lại nghe tiếng Phạm Ngũ Lão:

- Tuy không dám nhưng cung kính không bằng tuân mệnh, mạc tướng tạ ơn quan gia ban hôn!

Tôi quay qua nhìn Trần Khâm, sao lại có cảm giác chính anh ta mới là kẻ bị người ta tính kế nhỉ. Còn Phạm Ngũ Lão này là người chân chất thật thà đến mức không biết đâu là đùa đâu là thật, hay lại là kẻ thừa cơ kiếm lợi đây? Tôi bỗng thấy đau đầu, chắc là sống trong cung cấm lâu quá nên sinh ra bản tính hay ngờ vực đây.

Trần Khâm cũng cười khổ nhìn tôi, lại quay sang chị Anh Nguyên hỏi:

- Chuyện này do chị quyết định, nếu chị không muốn thì ta cũng không ép. Có điều sau khi ta đánh bại quân Nguyên, chưa biết chừng sẽ ban hôn cho Phạm tướng quân một mối hôn sự tốt đấy!

Có hai giọng nói lập tức thốt lên:

- Không thể được!

Tôi che miệng cười trộm, lúc này cả hai bọn họ dường như mới phát hiện ra mình bị trêu, bèn im bặt. Trần Khâm thúc ngựa tiến lên phía trước, nhếch môi nói:

- Vậy cứ quyết định thế đi!

Tôi cũng không nghĩ chuyện tình cảm lằng nhằng của bọn họ có thể giải quyết êm xuôi trong chốc lát thế này. Quả không hổ là Trần Khâm.

Đến làng Tức Mặc, Trần Khâm cho ba quân dựng trại để nghỉ ngơi. Bởi vì đây là nơi ở của Thượng hoàng và Thái Hậu, nên mọi thứ dù giản dị nhưng cũng không đến nỗi quá đơn sơ. Khoảng thời gian này lúc thì trên lưng ngựa, lúc thì trên thuyền chiến, tôi sớm quên mất tư vị êm ấm của chiếc giường lớn trong cung Quân Hoa, hiện tại về đến Thiên Trường, đúng là như cá gặp nước, lớp bụi đường xa cũng được giội sạch.

Gia quyến đều ở hành cung, tôi gặp lại được tất cả mọi người, cảm giác giống như trở về thời thơ ấu khi chưa bị lưu lạc. Năm tháng qua mau, ký ức vui buồn đều lùi xa trong ký ức, chỉ để lại trên gương mặt mỗi người những vết hằn của thời gian. Nhưng trong lúc chiến tranh loạn lạc này, được ôm trong lòng những người yêu quý, thì còn gì hơn.

Năm ngày sau khi chúng tôi dừng chân ở Tức Mặc, tôi nghe tin Ô Mã Nhi đã rút quân về kinh thành không truy đuổi nữa, cha tôi đã chặn được bước tiến của chúng. Cha và các anh trở về, tuy mục đích đã đạt được nhưng không thấy trên mặt họ có gì phấn khởi, ngược lại còn có vẻ ảm đạm ưu thương. Trong lòng tôi ngập tràn thắc mắc, nhìn đảo mắt một vòng không thấy có gì khác lạ, các anh tôi vẫn bình an, nhưng đến khi nhìn kỹ lại thì bỗng chấn động.

Cha tôi bước lên phía trước, chưa kịp nói thì Quốc Hiện đã quỳ xuống trước mặt tâu:

- Xin bệ hạ trách phạt, Trần Bình Trọng vì cứu thần mà bị giặc Thát bắt đi tại Đà Mạc, không rõ sống chết. Thần lại vô dụng không thể quay lại cứu người. Thần hổ thẹn với họ Trần ta.

Hóa ra là do anh Quốc Hiện khinh địch, tại bãi Thiên Mạc bị Khoan Triệt, Lý Hằng cùng Ô Mã Nhi tập kích, kết quả vì cứu anh tôi mà Trần Bình Trọng đã mở con đường máu, nhưng không may bị mưa tên của chúng bắn trúng. Trong lúc anh tôi đưa Thánh Dực quân rời khỏi, thì không biết Trần Bình Trọng bị bỏ lại từ lúc nào. Lúc này vì bọn chúng tiếp tục đuổi bắt, anh tôi vì biết cha đang ở Hải Thị chờ tin, nên chẳng thể quay lại cứu người được. Thế nên dù ở Hải Thị ngăn chặn được Ô Mã Nhi và khiến chúng nghi ngại quay về, nhưng rốt cuộc bên ta lại mất đi một vị tướng giỏi.

Tuy nói Trần Bình Trọng cùng anh Quốc Hiện luôn luôn đối đầu, nhưng giữa họ sớm đã như tri kỷ, nay Trần Bình Trọng lại vì đại nghĩa diệt thân, thì anh tôi sao lại không dằn vặt tự trách. Trần Bình Trọng tuy nói không rõ tung tích, nhưng với tính cách ngoan cường của anh ta, khả năng là lành ít dữ nhiều, thật khiến người ta thương tiếc.

Trần Khâm bước tới đỡ Quốc Hiện đứng dậy, trong giọng nói cũng không nén nổi phát run:

- Việc này cũng không trách anh được, là do kẻ địch quá đông. Nay Bình Trọng đã hi sinh anh dũng, ta truy phong làm Bảo Nghĩa Vương, hay cho một tấm lòng trung trinh!

Tuy vậy nhưng tôi biết trong lòng Trần Khâm có nhiều nuối tiếc, một kẻ nắm giữ quân Thánh Dực, ắt hẳn là anh ta rất coi trọng năng lực của người này.

Cho đến thời điểm hiện tại, khi địch đã chiếm được hầu hết các vùng phía Bắc của nước ta, và phần lớn tôn thất đều tập trung ở Thiên Trường này thì điều tôi lo lắng nhất chính là đội quân của Trần Nhật Duật. Anh ta là một trong những người xuất trận đầu tiên kể từ khi quân Thát kéo sang, nhưng kể từ đó trở đi chẳng nghe được tin tức gì. Dù khả năng của anh ta luôn khiến tôi bất ngờ nhưng với tình thế hiện nay, tôi sợ anh ta bị cô lập giữa vòng vây quân địch khi kinh thành đã bị chiếm.

Trong những ngày tôi lo lắng không yên, lính canh Thiên Trường báo với Trần Khâm có một kẻ xấu xí được tìm thấy trong trạng thái ngất xỉu ở vệ đường.

Tôi nghe được tin đó như muốn ngồi bật dậy, trên đời này kẻ xấu xí không ít, nhưng trong lúc nước sôi lửa bỏng tôi chỉ có thể nghĩ tới một người – là Mạc Đĩnh Chi bên cạnh Trần Nhật Duật.

Quả nhiên là Mạc Đĩnh Chi, sau khi tỉnh lại nhìn thấy tôi, khóc lóc một trận, lại ăn uống như hổ đói một trận, rốt cuộc cũng kể lại đầu đuôi sự tình. Tôi cảm thấy em ấy còn có tâm trạng khóc lóc ăn uống, thì bên phía Trần Nhật Duật chắc cũng không đến nỗi nào. Có điều bắt một đứa trẻ mới mười hai mười ba tuổi vượt đường sá xa xôi đói khát đến đây, Trần Nhật Duật cũng thật là biết hành xác người khác. Tôi thở dài, với tính tình của Trần Nhật Duật thì tôi có thể hiểu được, đây cũng được xem là một loại rèn luyện đi.

Về bên phía Trần Nhật Duật, nói chung cũng rất ngắn gọn, cánh quân của Nạp Tốc Lạp Đinh tiến xuống nhanh chóng chiếm được châu Quy Hóa của Hà Đặc trấn giữ. Qua được Quy Hóa, hắn ta lại tiếp tục tới cửa ải Thu Vật của Trần Nhật Duật. Sau khi giao chiến vài trận nhỏ, nhận thấy không thể đối đầu trực diện, Trần Nhật Duật bèn hạ lệnh cho rút quân theo dọc sông Lô rút quân.

Mạc Đĩnh Chi vừa nhai nhồm nhoàm lương khô, vừa nói:

- Lúc này thầy sáu đi thuyền xuôi theo sông Lô, nhưng khi thấy truy binh của giặc Thát chỉ đuổi theo chậm rãi, nên nghi vấn hỏi em rằng: "Truy kích thì phải nhanh, nay chúng lại đi thong thả, sợ có quân phía trước đón chặn". Em cũng cảm thấy có khả năng đó nên sai người đi do thám, quả nhiên thấy quân Thát đã cho quân chặn ngang ở hạ lưu.

Thằng nhóc Mạc Đĩnh Chi nói đến đó thì sặc lương khô ho sặc sụa. Tôi rót nước lạnh cho nó, chẳng hiểu Trần Nhật Duật làm thầy người ta kiểu gì mà đến lương khô nó còn ăn ngon lành vậy được không biết.

Mạc Đĩnh Chi hớp miếng nước lấy bình tĩnh, lại nói tiếp:

- Thầy sáu bèn cho toàn quân lên bộ rút về kinh thành, đến Bạch Hạc thì người của chị báo là kinh thành thất thủ. Thầy sáu mới cho em đi trước báo tin cho chị, còn ngài ấy thì vẫn gian khổ trèo đèo lội suối tìm về đây.

Tôi nghe câu chuyện có vẻ cảm lạnh này, cảm thấy không những Thoát Hoan phải chật vật đi tìm đội quân thoắt ẩn thoắt hiện là chúng tôi, kể cả quân đồng minh cũng không thể nào nắm bắt được lịch trình di chuyển phức tạp mà Trần Khâm đã dự tính. Cũng may tôi đã đoán trước được nên cho người đi báo tin, không thì e là anh ta phải chịu thêm không ít gian khổ. Nếu theo cái đà kẻ đuổi người bắt này, Thoát Hoan hẳn sẽ phải đau đầu đây.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Nào Hay Xuân Mênh Mông

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook