Nào Hay Xuân Mênh Mông

Chương 60: Trẻ Nhỏ Không Dạy Sẽ Hư

bảo trâm

21/04/2023

Giáp Thân, Thiệu Bảo năm thứ sáu, Nguyên Chí Nguyên năm thứ hai mươi mốt. Mùa xuân tháng giêng, Trần Khâm y lời anh đã nói khi trước cho vét sông Tô Lịch.

Tháng hai đất ở Xã Đàn nứt ra, dài bảy thước, rộng bốn tấc, sâu không thể lường.

Mùa thu tháng tám, Hưng Đạo Vương điều các quân của vương hầu duyệt binh lớn ở Đông Bộ Đầu, chia các quân đóng giữ Bình Than và những nơi xung yếu khác.

Tháng chín ngày mồng bốn, mặt trăng và sao Kim mọc ban ngày ở phương Tây Nam chỉ cách nhau độ một thước.

Mùa đông tháng mười một, Trần Khâm sai Trần Phủ sang hành tỉnh Kinh Hồ nước Nguyên xin hoãn binh.

Tháng mười hai Trần Phủ từ Nguyên trở về, tâu rằng vua Nguyên sai bọn Trấn Nam Vương Thoát Hoan, Bình Chương A Lạt và A Lý Hải Nha đem quân lấy cớ mượn đường đi đánh Chiêm Thành. Trần Khâm nhận được thư đòi mượn đường của Thoát Hoan bèn sai sứ đi từ chối, bảo rằng chẳng có con đường nào thuận đến Chiêm Thành.

Thượng hoàng triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng ban yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão điều nói "đánh", muôn người cùng hô một tiếng như bật ra từ một cửa miệng.

Tôi nghe tin từ nước Nguyên rằng Thoát Hoan được phong Trấn Nam Vương, trong lòng không khỏi cảm thấy châm biếm. Xem ra Thoát Hoan cũng đã biết được rằng tôi còn sống.

Có tin tình báo Thoát Hoan đã tiến vào Lộc Châu, đạo quân này chia làm hai mũi tiến quân theo đường Khâu Ôn và núi Cấp Lĩnh. Đại quân của Thoát Hoan đi sau mũi thứ hai mà cha tôi chỉ huy là kẻ trực tiếp đối đầu với anh ta. Nói vậy rất nhanh Thoát Hoan sẽ gặp lại kẻ khắc tinh của mình là Trát Lạt rồi.

Bên phía Trần Nhật Duật cũng dẫn đầu chặn đánh một toán địch chỉ hơn một nghìn quân.

Ngoài ra vẫn còn một đạo quân nữa. Năm ấy lúc ở Đại Đô tôi có nghe phong thanh việc một viên tướng tên là Toa Đô dẫn hai mươi vạn quân với một nghìn thuyền chiến tấn công Chiêm Thành, nhưng từ đó đến nay đã gần hai năm nhưng vẫn chưa có tin Chiêm Thành bị chiếm.

Tôi đồ rằng chiến sự kéo dài chắc có lẽ Toa Đô ở Chiêm Thành cũng không chiếm được ưu thế, ngược lại không chừng binh số tổn hao. Nếu bây giờ Thoát Hoan đã trực tiếp đem quân sang Đại Việt thì không sớm cũng muộn Toa Đô ắt sẽ từ phía nam tràn lên thôi.

Ba mũi tiến công từ ba hướng, Hốt Tất Liệt muốn dùng số lượng để đánh nhanh thắng nhanh đây. Trước vì Chiêm Thành câu kéo làm chậm trễ, có vẻ như ông ta đã không đợi được nữa rồi.

Mặc dù đã nắm được đường đi nước bước ban đầu của địch nhưng liên tiếp trong vài ngày tin bại trận truyền về kinh gần như liên tục. Các ải chặn đầu tiên đều đã vỡ, binh lính phải rút do chênh lệch lực lượng quá lớn, thậm chí có hai tướng đã bị bắt sống. Chỉ còn ải Khâu Cấp do lợi thế địa hình vùng núi hiểm trở nên mới có thể tạm thời trấn giữ được, nhưng rốt cuộc do bị cô lập cũng phải rút quân.

Đến khi hai ải do cha tôi trấn giữ đều bị Thoát Hoan chiếm được, tướng Trần Sâm bị giết thì Trần Khâm luôn giữ sắc mặt bình tĩnh cũng phải nhíu mày.

Tôi biết trong lòng anh đã căng thẳng lắm rồi, đến cả uống trà cũng để bị bỏng lưỡi. Tôi hiểu rằng hiện tại chúng tôi ở kinh thành có trà nóng để uống đã là quý lắm, còn tướng sĩ ở sa trường đạp gió dầm sương ngày ngày đối mặt với hiểm nguy gian khổ kia mới đáng để bận tâm.

Trong lòng tôi âm thầm nung nấu ý định vượt thành ra biên ải, nhưng vẫn chưa dám nói.

Trần Khâm bảo với tôi:

"Nếu như theo đà này thì ngày quân Thát tràn vào kinh đô sẽ không còn xa nữa, bây giờ tôi chỉ hy vọng các tướng lĩnh ngoài biên ải có thể cầm chân được chúng lâu một chút để có thể kịp thời sơ tán dân chúng khỏi kinh thành."

Hiện giờ tuy phần lớn quân lính từ các trang ấp và lính chính quy đều theo ra chiến trường, nhưng tại kinh thành Trần Khâm cũng có một lực lượng thủy quân đông đảo ngày đêm tập luyện đào hào đắp lũy. Còn tôi và An Tư cũng theo chân Trần Thì Kiến đi sơ tán người dân.

Bọn tôi mỗi người một con ngựa mang theo hơn nghìn binh sĩ có trang bị vũ khí, tôi hồ nghi liếc Trần Thì Kiến, anh ta liền cười hề hề bảo tôi:

"Dân chúng thì cũng có người này người kia, lát nữa xem xem tôi nói có sai chỗ nào không?"

An Tư đá vào chân Trần Thì Kiến khiến anh ta la oai oái, bặm môi nói:

"Lát nữa có dân chúng bị thương thì kẻ đầu tiên tôi phạt là anh."

Thực tế chứng minh lời tiên liệu của Trần Thì Kiến không sai chỗ nào được. Ngoài những người dân lương thiện răm rắp tuân theo lệnh vua thì chúng tôi cũng đã nhanh chóng khoanh vùng được những kẻ chống đối. Bọn họ rêu rao là quan quân cướp đất của dân, tự tạo thành một nhóm với gậy gộc cuốc xẻng trong tay sẵn sàng hành động bất cứ lúc nào. An Tư nhìn tôi chậc lưỡi:

"Bọn người này phiền phức quá, mau nghĩ cách giải quyết nếu không sẽ thành bạo động chứ chẳng chơi!"

Tôi nói:

"E có kẻ địch lẫn trong đám người này rồi. Người Việt ai nấy đều có lòng yêu nước, sẽ không dại gì mà nghĩ đến những cái lợi trước mắt trong giờ phút nước sôi lửa bỏng này."

Trần Thì Kiến và An Tư đều đồng ý với tôi. Nhưng hiện tại làm sao để tìm được kẻ địch trong dân đây?



Tôi nảy ra một ý, bèn cùng với An Tư giả trang thành một trong những người dân sơ tán, lại nói với Trần Thì Kiến:

"Lát nữa tôi ra hiệu thì cho quan binh ập vào bắt nhé!"

Thì Kiến gật đầu, tôi cũng lẫn vào đám đông. Tôi quay sang bảo An Tư:

"Tôi có việc cần hoàng cô giúp đây."

"Có việc gì cứ nói, không cần câu nệ như thế." – An Tư tha thiết nhìn tôi.

Tôi cười hì hì chỉ xuống đất, nói:

"Cô nằm xuống đó giả chết đi!"

"..."

An Tư nằm dưới đất mà tôi còn thấy cô ấy run run, có vẻ đang giận lắm. Tôi nén cười rồi bỗng quỳ xuống khóc lớn:

"Trời ơi em của tôi, hu hu..."

Trong những người dân di tản có người dừng lại hỏi han có người an ủi, cũng có người ngỏ ý muốn giúp nhưng tôi lại bắt đầu nghe được những tiếng hô hào quan binh giết người rồi ngay phía sau lưng bọn tôi.

Trần Thì Kiến ngồi trên ngựa đối diện tôi, tôi ra dấu, đôi mắt tinh như chim ưng của anh ta đảo một cái quân binh liền ập vào dùng gươm giáo trấn áp mấy người đang hò hét kia. Bọn người đó dường như cũng phát hoảng không biết vì sao lại bị phát hiện càng phản ứng dữ dội hơn, có kẻ còn nằm bò ra đất ăn vạ.

Tôi đứng dậy tiến về phía chúng, lần theo thắt lưng bọn này lấy được mấy con dao ngắn được giấu kỹ càng, phía chuôi dao còn khắc chữ Thát ném ra, dân chúng bèn xôn xao một trận.

Trần Thì Kiến nhảy xuống ngựa đến bên tôi nói nhỏ:

"Thật là táo bạo!"

Tôi đạp chân anh ta một cái, anh ta đi cà nhắc nhìn tôi tức đến không nói nên lời.

Tôi không quan tâm tên Trần Thì Kiến nhiều chuyện, bèn đứng ra phía trước dõng dạc nói:

"Bà con đã thấy sự nham hiểm của bọn Thát Đát chưa? Quốc công cùng với tướng sĩ đang dùng tính mạng mình để bảo vệ bà con và lãnh thổ Đại Việt, bọn chúng người đông thế mạnh đã đánh tới biên quan. Kinh thành bây giờ đã không còn an toàn nữa. Quan gia đang rèn luyện quân binh để chống giặc, chúng ta cũng phải góp một phần công sức đó di dời tất cả mọi nguồn lương thảo có thể tiếp ứng cho địch, bà con có làm được không?"

Tôi nghe bên dưới trăm miệng hô "được", trong lòng cũng thở phào nhẹ nhõm. Quân dân đồng lòng, trận này xem như đã thắng phân nửa.

Người dân di tản, trên đường gia súc cũng từng đàn nối đuôi nhau ra khỏi thành. Ra đến ngoại ô, Trần Thì Kiến xuống ngựa cho quân binh nổi lửa đốt sạch ruộng nương. Tôi nắm lấy cổ tay anh ta, trong lòng cảm thấy không nỡ.

An Tư cũng nhảy xuống ngựa chạy đến can ngăn, luôn miệng quát:

"Các người làm cái gì vậy?"

Trần Thì Kiến khẽ lắc đầu:

"Lúa đang sắp vào mùa gặt, không giữ được!"

Tôi nhìn thấy trong đám đông di tản có nhiều người không nén được khóc lớn, cũng cảm khóe mắt mình cay cay. Khó khăn lắm mới được mùa to, giờ vì lũ xâm lăng mà trong một khắc thiêu trụi toàn bộ công sức trong gần một năm của mọi người, tôi bỗng giật mình nhận ra sự tàn khốc của chiến tranh.

Trần Thì Kiến đứng khoanh tay, trầm ngâm:

"Tập làm quen đi, sau này sẽ còn nhiều thứ đáng buồn hơn nữa."

Chúng tôi dong ngựa lên đồi cao nhìn thấy hàng hàng lớp lớp dân chúng lũ lượt di tản, xung quanh lửa bốc lên nghi ngút, khói bay như muốn lên tận trời xanh. Tôi thở dài, chiến tranh đã chính thức bắt đầu rồi.

Tôi vốn không thể cùng với Trần Khâm dự bàn chính sự, mà với tính cách của anh ta chỉ mong tôi không biết gì, đương nhiên sẽ không thể thật thà thẳng thắng mà đối diện nhau.

Tôi giả vờ không màng chuyện chiến sự, thực tế là tận dụng hết các mối quan hệ xung quanh để nghe ngóng, như hôm nay tôi giả dạng thành một tên lính cúi đầu đứng gác ngoài điện Thiên An.



Trong điện có người khẩn trương nói:

"Hiện giờ cánh quân nhỏ của Bột La Hợp Đáp Nhĩ đã phá vỡ Khâu Ôn đang tiến đánh Chi Lăng, nếu như ải Chi Lăng còn không giữ được thì tình thế của Quốc công rất cam go."

Tôi nghe tim mình đang đập bang bang như trống trận, phải nắm chặt nắm đấm mới ngăn được dòng máu nóng đang cuộn trào. Cha tôi đã thất thủ ở ải Nội Bàng rút về Vạn Kiếp, cánh quân của Bột La Hợp Đáp Nhĩ nếu như lại giành thắng lợi ở Chi Lăng thì với lãnh địa bị chiếm rộng thênh thang như thế, cha tôi ắt sẽ bị co cụm lại. Ngay từ đầu cha tôi đã cho rải binh để trấn giữ các ải, đừng nói là tập kích bất ngờ, cho dù Thoát Hoan hẹn ngày nghênh chiến thì cũng khó mà thủ được.

Tôi lại lắng tai nghe, có tiếng Trần Khâm trầm giọng hỏi:

"Chi Lăng hiện giờ thế nào?"

Một viên tướng nói:

"Chỉ e là lành ít dữ nhiều!"

"Vậy thì thân chinh tiếp viện." – Trần Khâm nói.

Tôi nghe tiếng hàng loạt người đang quỳ xuống, bên trong các bô lão và các quan đều hô quan gia hãy suy nghĩ lại. Tôi loáng thoáng nghe Trần Khâm nói như đinh đóng cột:

"Bại trận liên tiếp e lòng quân cũng đã lung lay. Ý ta đã quyết, các khanh không cần phải nói nữa."

Chân tôi như rụng rời. Mãi đến khi cuộc hội nghị kết thúc và Trần Khâm đứng cau mày trước mặt tôi tôi mới tỉnh hồn. Anh chỉ nhìn tôi không nói, nhưng tôi cảm giác Trần Khâm nhìn vào thấu tận tâm can tôi.

Tôi thất thần trở về cung Quân Hoa, đến trước gian chính thì nghe Quốc Chẩn đang khóc lóc ầm ĩ. Tôi xoa trán bước vào, Thụy Hương đưa ánh mắt cầu cứu nhìn tôi, tôi mệt mỏi hỏi:

"Có chuyện gì mà Quốc Chẩn khóc dữ thế?"

Thụy Hương cúi người với tôi, thưa:

"Phu nhân ơi, cậu không chịu ăn món em nấu. Bình thường đều rất thích ăn món này."

Tôi liếc xuống bát cháo cá lăng còn dang dở, lại nhìn đứa con vừa mới gặp lại không lâu của mình. Lúc rời Đại Việt nó chỉ vừa tròn một tuổi còn đi chập chững, hiện đã ba tuổi cao tới đùi tôi rồi. Thằng bé trắng tròn, đôi gò má hồng hào y hệt Trần Khâm, càng lúc càng không nhìn ra nét nào giống tôi cả.

Hoàn cảnh không cho tôi ở bên con trẻ được lâu, lúc nó đang trong lúc cần mẹ thì tôi lại ngây ngẩn ở Nguyên triều, còn hiện tại tôi trở về thì lại một lòng hướng về nơi biên ải.

Tôi ngồi xổm xuống bên cạnh Quốc Chẩn, mỉm cười hỏi nó:

"Bình thường con thích ăn nhất món này, sao hôm nay lại không chịu ăn?"

Quốc Chẩn tủi thân ôm lấy tôi, quệt nước mũi nói:

"Mẹ ơi con ngán không muốn ăn nữa, con muốn ăn món khác."

Một nỗi tức giận không biết từ lâu xộc lên đỉnh đầu tôi, bỗng nhớ tới binh lính ở chiến trường cơm không có ăn, chịu gian khổ đói rét vì ai chứ? Tôi đánh mạnh vào mông nó, đẩy nó ra, quát:

"Chị Trinh nuông chiều quá nên nó hư rồi. Nó ăn thì ăn, không thì thôi, bao giờ đói thì tự nó phải xuống nước."

Thụy Hương nhăn mặt nhìn tôi, lắp bắp:

"Nhưng phu nhân ơi cậu vẫn còn nhỏ."

Tôi cau mày lảo đảo bước vào trong, trong ngực như có tảng đá đè nặng đến không thở được. Bỗng nhiên phía sau có tiếng Thụy Hương quỳ bái, tôi nghe giọng Trần Khâm vang bên tai:

"Em không nuôi nó nên không biết xót, nhưng em mới là mẹ ruột nó."

Nghe giọng anh ta có vẻ đè nén, tôi thầm cười mỉa trong lòng, Trần Khâm có ý muốn trách tôi vì để bản thân rơi vào tay Thoát Hoan hay sao? Tôi nhìn vào mắt anh ta, lạnh nhạt nói:

"Trẻ nhỏ không dạy sẽ hư!"

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Nào Hay Xuân Mênh Mông

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook