Nào Hay Xuân Mênh Mông

Chương 27: Tụng giá hoàn kinh sư

bảo trâm

18/02/2023

Lần này tuy nói Hoài Văn quân chúng tôi diệt được toán quân tiếp viện của Thoát Hoan, nhưng tổn thất là nỗi đau mà không phải dùng ngôn từ có thể diễn tả được.

Tôi lệnh cho đội trưởng của các tiểu đội ghi lại danh sách những binh lính đã hy sinh trong trận chiến này, đến khi giặc tan, Trần Quốc Toản sẽ là người tâu lên để triều đình truy phong cho họ. Trần Quốc Toàn nghẹn ngào gật đầu, tuy lúc bình thường trông cậu ta có vẻ vô tư lự, nhưng nhìn những người từng một dạ trung thành với mình lần lượt nằm xuống, trong lòng ắt hẳn không khỏi cảm thấy mất mát đau thương. Và tôi cũng không ngoại lệ.

- Chúng ta có quay lại Chương Dương hay không? – Trần Quốc Toản hỏi.

Tôi đáp lời cậu ta:

- Không cần đâu, Chương Dương chỉ là một cái vỏ rỗng, e rằng đã sớm về tay. Nếu như Chiêu Minh Vương hiểu ý tôi, thì giờ này quân ta đã vây thành rồi. Ta vừa đi vừa thăm dò, nếu thật sự thế thì ngài ấy sẽ đưa ra tín hiệu.

Thu dọn xong tàn cuộc, ăn một chút lương khô, tôi và Hoài Văn quân cùng nén bi thương, biến đau thương thành sức mạnh tiếp tục đoạn hành trình gian nan hung hiểm. Tôi leo lên ngựa, lại vô thức quay đầu nhìn về cô gái đã ngủ yên trên bãi chiến trường mãi mãi. Đúng là con gái Mông Cổ, có chết cũng phải chết oanh liệt nơi trận mạc chứ không phải vùi thân nơi gác tía cung son. Tuy hôm nay Trà Luân là kẻ chiến bại, nhưng chưa chắc trong lòng cô ta thấy khổ.

Chỉ có điều tâm nguyện của Trà Luân đêm hôm đó suy cho cùng cũng không thể đạt thành, mà Quốc Tảng, chắc gì vẫn còn nhớ đến cô ta. Tôi đồng cảm với Trà Luân biết bao, có lẽ vì thế mà lúc đắp cho cô ta chiếc áo, trong lòng không khỏi cảm thấy xúc động bồi hồi. Chỉ mong kiếp sau Trà Luân chỉ là một cô gái bình thường, có thể tìm thấy được một Trát Lạt chỉ đơn thuần là Trát Lạt mà thôi.

Chúng tôi đóng quân trong một hẻm núi cách kinh thành năm dặm, màn đêm đã buông xuống từ lâu khiến xung quanh chỉ còn một mảng tối đen như mực. Binh sĩ đã mỏi mệt đi nghỉ trong lều từ lâu, chỉ còn tôi và Trần Quốc Toản ngồi trước đống lửa làm nhiệm vụ canh gác. Không thể phủ nhận được trong cuộc chiến này, sinh mệnh của tôi và cậu ta bị buộc chặt với nhau, thậm chí cậu ta còn vào sinh ra tử cùng tôi còn nhiều hơn cả Trần Khâm nữa.

Trần Quốc Toản ngồi ngẩn người nhìn đống lửa một hồi lâu, bỗng nhiên thở dài:

- Không biết chị đã nghe qua chưa, tôi vốn sinh ra ở nước Tống, đến khi lên mười hai tuổi, nước Tống diệt vong, tôi theo đoàn người vong quốc của Triệu Trung trở về. Bọn họ nương nhờ phủ đệ của Chiêu Văn Vương, còn tôi thì được phong làm Hoài Văn hầu.

- Chú nương nhờ Triệu Trung trở về, sau đó nẫng luôn em gái người ta à? – Tôi nhếch môi đáp.

Mặt Trần Quốc Toản bỗng chốc đỏ ửng.

Tôi chống cằm nhìn gương mặt cậu ta lập lòe dưới ánh lửa, cũng không biết tại sao hôm nay lại có nhã hứng nói những việc này với tôi, là tức cảnh sinh tình chăng? Lời cậu ta nói bất chợt làm tôi nhớ tới khoảng thời gian ở nhà họ Tô khi ấy, cũng nhớ lúc bản thân muốn làm rõ sự thật đến nhường nào. Tôi thêm củi vào đống lửa, hoài niệm nói:

- Còn năm tôi bị bắt cóc thì là khi lên tám.

Trần Quốc Toản trợn mắt nhìn tôi, giống như tin tức này cậu ta mới nghe lần đầu. Tôi không buồn giải thích thêm, mà cậu ta dường như cũng không dám hỏi khiến bầu không khí trở nên gượng gạo lạ thường. Trải qua nửa năm chinh chiến, Trần Quốc Toản đã trở nên trầm ổn hơn nhiều, chẳng còn là thiếu niên bốc đồng ngày trước nữa.

Trong lòng tôi chợt nảy sinh thắc mắc, hỏi:

- Vậy cha mẹ chú làm gì ở đất Tống thế?

- Cái này...là bí mật quốc gia đấy! Trên đời này người biết đến chỉ đếm trên đầu ngón tay!

Tôi phì cười không đáp, thằng nhóc này còn bí mật với ai cơ đấy. Nếu đã là bí mật quốc gia thì thôi vậy, tôi đang nghĩ liệu mình có nên tìm Trần Khâm để buôn chuyện hay không.

Trần Quốc Toản thấy tôi không chút tò mò, ngược lại trên mặt bày ra bộ dáng khó chịu, lát sau bỗng hỏi:

- Chị không muốn biết à?

- Nếu không cần thiết thì không biết cũng không sao! – Tôi đáp.

Vẻ mặt Trần Quốc Toản bỗng trở nên khó coi. Trong lòng tôi âm thầm vui vẻ, xem ra bên trong con người của bất kỳ người đàn ông nào, dù có là vương là tướng, thì vẫn chứa một phần trẻ con.

- Nếu cần thiết thì chú cứ nói đi vậy!

Trần Quốc Toản không mấy quan tâm tới biểu hiện vô thưởng vô phạt của tôi, liền trút nỗi lòng:

- Cha tôi vốn là Tổng Trấn vùng biên giới phương Bắc, năm đó sau khi đuổi giặc Thát ra khỏi bờ cõi, cha mẹ tôi cùng vài tướng lĩnh được cử sang giúp Tống chống Mông Cổ. Ở đất Tống tôi cũng từng có rất nhiều bạn bè.

- Vậy khi nhà Tống bị diệt, tại sao cha mẹ chú không về? – Tôi thắc mắc.

Trần Quốc Toản lại thở dài, nhìn vào ngọn lửa như múa một điệu mê hồn, nhẹ giọng nói:

- Chắc là chị không biết ở phương Bắc ta có cả một đường dây tình báo để đưa thông tin về Đại Việt đâu nhỉ? Cha mẹ tôi cùng một số người sang phương Bắc năm đó chính là để thực hiện nhiệm vụ bí mật này.

Tôi nghe Trần Quốc Toản đề cập tới việc này, trong đầu vô thức nghĩ ngay tới một người là Trần Ích Tắc. Hóa ra anh ta chẳng phải là người đầu tiên lấy thân mình trà trộn vào hang cọp, còn giữa Đại Việt và Nguyên, ai là gà ai là thóc xem chừng vẫn chưa thể nói chính xác được. Sau cuộc chiến này, Trần Ích Tắc chính là thế hệ tiếp theo của đội ngũ tình báo, cho đến hiện tại anh ta vẫn làm rất xuất sắc và chưa phạm phải một sai lầm nào.

- Vậy còn chuyện của chị thì sao? – Trần Quốc Toản mắt tròn mắt dẹt nhìn tôi.

Tôi phẩy tay, trả lời qua loa:

- Đại khái thì có chút duyên phận với Thoát Hoan, cậu cũng không cần biết làm gì.

Trần Quốc Toản còn đang định nói gì đó, đột nhiên bị tôi bịt chặt miệng. Tôi nín thở cảm nhận, nếu như không lầm, hình như có một đội hùng binh đang tiến tới đây. Lúc này Trần Quốc Toản cũng phát hiện ra rồi, liền đi thông tri cho binh sĩ, Hoài Văn quân phản ứng rất nhanh, chỉ trong chốc lát đã thu dọn tất cả lều trại, chuẩn bị rút đến nơi an toàn.

Tôi dập đống lửa đang cháy dỡ, dùng đất đá che đi vết cháy đen trên bề mặt rồi âm thầm leo lên ngựa, dẫn Hoài Văn quân rút sâu vào hẻm núi. Hiện tại không rõ địch ta, việc trước mắt là nên tìm chỗ an toàn rút quân trước đã, sau đó thăm dò xem là người của ai, nếu như là của ta thì quá tốt rồi.

Còn nếu là giặc Thát, tôi thắc mắc, phần đông quân Thát hiện tại không phải chỉ co cụm trong kinh thành thôi sao? Lấy đâu ra một đám người đông như thế?

Nhưng dù sao cũng không loại trừ khả năng là tôi và Trần Quốc Toản đã đoán nhầm.

Rốt cuộc sự thật chứng minh rằng chúng tôi đã đúng, Hoài Văn quân vừa mới quay đầu đã trúng phải tập kích của địch, mưa tên vù vù rơi xuống sau lưng chúng tôi, đã có vài người phía sau ngã xuống. Tôi nghiến răng nghiến lợi, tại sao lại đột ngột như thế, giống như bọn chúng đã biết chắc được chúng tôi ở đâu, trong khi mặt mũi chúng ra sao tôi còn chưa kịp nhìn thấy.

Chết tiệt, là do tôi đã quá chủ quan khinh địch, trong khi vừa đánh xong một trận chưa kịp hồi sức, cung tên còn chưa kịp bổ sung, hiện tại trên người không một mũi tên thì làm sao phản công khi ở tầm xa như vậy được. Hiện tại mắc kẹt trong hẻm núi, địch phía trên ta phía dưới, cho dù cố câu kéo thời gian thì cũng không đầy một nén nhang là đội quân của chúng tôi chẳng còn lại manh giáp nào.

Lúc này đã nghe thấy tiếng hô hào ngay sát trên đỉnh đầu, đội kỵ binh của chúng quả nhiên là tiến quân thần tốc, tôi đã thấy bóng dáng của thần chết kế bên tai. Nhưng trong lúc hoảng loạn tôi nghe tiếng Trần Quốc Toản vọng đến:

- Ở đây có hang động!

Tức thì, tôi đáp:

- Mau bỏ ngựa, chúng ta vào hang cố thủ!

Sự việc nói thì chậm mà xảy ra thì nhanh, trong một thoáng dựa vào ánh trăng vằng vặc trên cao, Hoài Văn quân đã rút lui êm xuôi vào hang động. Đáng tiếc đây chẳng qua cũng chỉ là cái hang cùng, nhưng không biết làm cách nào mà miệng hẹp thân rộng, thành ra vừa đủ để cố thủ nhưng cũng chẳng có đường nào khác để thoát thân.

Một đám người chúng tôi căng thẳng đến không dám thở, bởi nếu chỉ cần bọn chúng ào ạt xông vào dùng người lấp hang, thì e rằng chúng tôi cũng trở tay không kịp. Dù sao khả năng đó cũng khá hy hữu, nên đáng lo nhất chỉ sợ bọn chúng đốt lửa tại cửa hang, um cho chúng tôi thành chuột hun khói mà thôi.

Trần Quốc Toản gằn giọng:

- Chị mới là chuột ý!

Tôi liếc cậu ta:

- Ý cậu là cả Hưng Đạo vương phủ đều là chuột chứ gì?

Trần Quốc Toản tự giác im miệng.

Chừng nửa canh giờ sau, bắt đầu có những tên giặc Thát mò mẫm vào hang. Sau khi hết tốp này đến tốp khác bị chúng tôi tập kích giết chết, thì rốt cuộc bọn chúng cũng bắt đầu đốt lửa ngoài cửa hang. Trần Quốc Toản thở dài:

- Trong điều kiện cái hang này có khe nứt, thì chúng ta cầm cự tối đa hai ngày. Còn trong điều kiện đây là hang kín, thì chưa chắc được tới sáng mai.

Tôi ồ lên một tiếng, chợt nhớ ra một chuyện:

- Nhưng nếu muốn cầm cự tới sáng mai thì điều kiện tiên quyết là phải tìm ra tên nội gián đã tiết lộ đường đi nước bước của ta trước đã. Nếu không tôi và chú chết cũng không biết mình chết thế nào!

Trong hang lập tức tĩnh lặng như tờ, có tiếng hít thở nặng nề trầm thấp. Trần Quốc Toản cầm ngọn đuốc, chậm rãi đi sâu vào hang, thanh gươm trên tay tôi cũng vô thức bị xiết chặt.

Đúng là cẩn thận không thừa, quả nhiên trong Hoài Văn quân từ lúc nào đã có một tên lạ mặt, nếu tôi đoán không lầm thì kẻ đó thừa cơ lẻn vào trong trận đánh cùng với Trà Luân sáng nay. Trà Luân, đúng là không thể xem thường ả ta được, cho dù ả đã chết nhưng vẫn để lại ở chỗ tôi một mầm họa, vừa có cơ hội là quay lại cắn tôi một phát ngay.

Đáng tiếc vậy mà chúng tôi lại không nhận ra. Sau khi kẻ đó tự rút dao tự sát, trong hang động lại lần nữa rơi vào khung cảnh tịch mịch, bởi tôi đã dần cảm nhận được mùi khói xộc vào mũi rồi.

Cái hang này thực ra không phải là hang kín, nước mưa từ trên vách đá len lỏi qua những kẻ hở nhỏ như sợi chỉ nhỏ giọt xuống tạo thành những thanh âm trong trẻo lồng lộng trong hang như tiếng chuông, đọng thành những vũng nước nho nhỏ trên đất. Tôi xé một mảnh áo thấm nước rồi bịt mũi lại, tạm thời che chắn khỏi đám khói đang xộc vào hang. Nhưng đáng tiếc ở đây là vài trăm người, tất nhiên không đủ cho tất cả cùng sử dụng.

Khi vũng nước cuối cùng bị lau khô, thấy Trần Quốc Toản trầm ngâm, tôi buộc miệng:

- Thật ra ta có thể thử dùng... nước tiểu chẳng hạn...

- ...

Thấy Trần Quốc Toản mọi khi vẫn luôn rất lắm lời mà lúc này đột nhiên nín bặt, tôi chột dạ nói:



- Đương nhiên chú có thể chọn cách hít khói rồi từ từ chết, dù sao cầm cự chỉ để tăng khả năng sống sót nếu có viện binh hoặc đợi bọn Thát nản lòng bỏ đi hoặc lơ là để phản công liều chết, chứ một khi đã chui vào hang thì như cá trong rọ, chỉ khác việc chạy trốn ban nãy ở chỗ là chết cùng nhau hoặc chia ra chết thôi. Như vậy thì khả năng sống sót của ta được mấy phần?

Trần Quốc Toản hít một ngụm khí lạnh, nói:

- Xin lỗi...

Tôi bật cười:

- Xin lỗi cái gì chứ, tôi tưởng chú đã chuẩn bị tâm lý cho việc toàn quân có thể thất bại bất cứ lúc nào.

Nhưng thực tế chứng minh Trần Quốc Toản đúng là một con người kiên cường không hề nao núng trước khó khăn gian khổ. Cho đến khi ánh sáng của mặt trời loe lói xuyên qua những kẻ hở trong hang và cửa hang không còn mùi khói nữa thì Trần Quốc Toản vẫn không đến nỗi chật vật lắm, cậu ta vẫn chống thanh đao trước mặt, ngồi trong góc nhắm mắt dưỡng thần. Thấy thế, tôi khẽ đẩy vai cậu ta, Trần Quốc Toản trầm giọng nói:

- Tôi chưa chết!

- Chưa chết là tốt, chưa chết là tốt! – Tôi thở phào.

Lúc này phía trước đột nhiên có động tĩnh, tiếng chém giết càng ngày càng lớn truyền vào trong động. Trần Quốc Toản mở bừng mắt nhìn tôi, tôi cũng trừng cậu ta, cả hai đều nhổm dậy định lao ra ngoài. Có câu kẻ thù của kẻ thù chính là bạn của ta, không cần biết ngoài đó là ai, chỉ cần có xung đột với quân Thát, thì tức là người nhà.

Hình như bây giờ cũng không có ai đứng ngoài cửa hang canh chừng nữa, Trần Quốc Toản giơ tay ra cản tôi, dùng thanh kiếm của mình dò la bên ngoài trước, tôi cảm nhận được cậu ta cũng đang căng thẳng vô cùng. Tôi theo sát Trần Quốc Toản, Hoài Văn quân cũng từ từ ra khỏi hang. Suốt một đêm sống trong hoàn cảnh ngột ngạt khó thở, rốt cuộc cuối cùng cũng được thoải mái hít khí trời.

Tôi còn chưa kịp ổn định trạng thái, đã nghe tiếng của Trần Quốc Toản hô lên:

- Là Chiêu Thành vương, Hoài Văn quân chỉnh đốn hàng ngũ sẵn sàng giao chiến!

Hiện giờ phía Chiêu Thành vương đang chiếm lợi thế, lại thêm Hoài Văn quân từ trong hang bất ngờ xông ra nên giặc Thát bị chết như ngã rạ, mạnh ai nấy chạy, lại thêm lớp chết lớp bị thương, rốt cuộc thiệt hại hơn quá nửa. Mấy người chúng tôi đuổi theo chúng tới kinh thành, nhưng lúc này kinh thành đã sớm bị Chiêu Minh Vương chiếm giữ, Thoát Hoan đã đưa quân rút đi từ lúc nào rồi. Đám người Thát lại như rắn mất đầu, tiếp tục rẽ hướng khác mà rút chạy.

Nhìn tòa thành sáng bừng trong nắng, đáy lòng tôi bỗng dâng lên nỗi xúc động bồi hồi. Nửa năm rồi, nửa năm rồi gặp lại tuy có chút điêu tàn, nhưng Phượng thành vẫn giữ được vẻ trang nghiêm sừng sững không hề thay đổi. Trần Khâm, Phượng Thành đã trống, sao chàng còn chưa về?

Về sau tôi mới biết thì ra Trần Thông được lệnh đi tìm chúng tôi, sau đấy bắt gặp được toán quân của Giảo Kỳ ở gần kinh thành. Vì chưa biết Thoát Hoan đã tháo chạy, hắn ta vẫn dẫn đầu đi hội quân, rốt cuộc chạm mặt chúng tôi ở hẻm núi ấy. Chỉ bất ngờ ở chỗ Thoát Hoan, quân của Chiêu Minh vương còn chưa kịp phá cổng thành, anh ta đã vội tìm hướng khác rút chạy. Việc này tuy không giống lắm với tác phong của Thoát Hoan, nhưng nếu là người có đầu óc, chắc chắn sẽ làm như vậy.

Tôi và Trần Quốc Toản cùng với Chiêu Thành vương dẫn quân đuổi đến sông Đuống, vừa nhác xa xa đã thấy quân của cha tôi chặn đầu, toàn quân liền hô hào vang dội khắp mặt sông. Lúc này số lượng quân đông đảo của Thoát Hoan đã phát huy tác dụng, tuy có thể vượt sông chạy thoát nhưng số tử thương cũng không hề ít chút nào. Hoài Văn quân càng đánh càng hăng, thoắt cái kẻ đuổi người chạy vờn nhau đến bờ sông Như Nguyệt.

Lúc này từ xa xa tôi đã trông thấy bóng dáng dong dỏng cao của Thoát Hoan ngồi trên lưng ngựa, anh ta cũng cùng lúc quay mặt về phía tôi, hai mắt long lên đỏ như máu nhìn chằm chằm tôi, giống như quá lâu rồi không gặp, gặp lại đã ở hai đầu chiến tuyến. Thoát Hoan ấy vậy mà lại đặt An Tư ngồi trước ngực, mũi tên trên tay tôi đang giơ cao cũng từ từ hạ xuống. An Tư dùng ánh mắt đẫm lệ nhìn tôi, như muốn nói với tôi hãy ra tay đi.

Nước mắt tôi bất chợt lăn dài xuống gò má, tôi khẽ lắc đầu mỉm cười. An Tư, sao tôi có thể ra tay được? Tôi khẽ liếc nhìn Chiêu Thành vương ở bên cạnh, bất đắc dĩ hỏi:

- Có bao giờ anh hối hận về quyết định của mình chưa?

Chiêu Thành vương không nói, tôi thấy anh ta là kẻ đặt lợi ích đất nước lên trên cả tình riêng. Có lẽ cho đến nay anh ta chưa từng hối hận về quyết định này, chỉ có tôi là luôn canh cánh.

Giặc Thát đang bắt cầu phao qua sông, quân ta cũng ào ạt lao vào chém giết, tôi bất chợt nhìn thấy Trần Ích Tắc cũng đang ở trong hàng ngũ. Trần Ích Tắc là người có đầu óc, anh ta cũng biết điểm dừng, hôm nay cả An Tư, cả Trần Ích Tắc đều không thể chết được, vậy nên ngay cả Thoát Hoan tôi cũng phải cân nhắc ra tay.

Cầu phao đã bắt xong, Thoát Hoan cũng thúc ngựa về bên kia sông, bỗng dưng bất thình lình ở đâu xông ra một chàng trai trẻ, chỉ vào Trần Ích Tắc mà mắng:

- Quân hèn mọn, yếu đuối như một gã đàn bà vậy! Đại Việt lấy làm hổ thẹn khi có một vương gia như mi!

Tôi chưng hửng nhìn nét mặt Trần Ích Tắc trở nên tím tái, anh ta còn chưa nói gì, phía xa xa đã lao đến một mũi tên găm thẳng vào cổ của chàng trai đó. Toàn quân ta trở nên nhốn nháo, thì ra Thoát Hoan đã dùng một tiễn để kết thúc mạng sống của người nọ, chỉ trong một mũi tên.

Hoá ra đó là Hoài Nhân Vương Trần Quốc Kiện, người này chỉ tầm tuổi Quốc Toản. Sau khi cậu ta chết, tôi cũng như bừng tỉnh, lập tức cùng ba quân ngăn cản bọn giặc Thát vượt sông. Trong trận này quân Thát rơi xuống sông chết chìm quá nửa, xác chết như muốn lấp đầy sông Như Nguyệt, nhưng Thoát Hoan vẫn chạy trốn được cùng đám tàn quân, anh ta quay đầu lại nhìn tôi, môi mấp máy mấy chữ: "Linh Lan, tôi hận em" rồi khuất dần trong tầm mắt. Lúc ấy, cầu phao cũng đứt lìa kéo theo ngàn vạn quân Nguyên chìm xuống lòng sông, tôi đứng bên bờ sông, trong lòng dâng lên muôn vàn cảm xúc. Hình như đã lâu rồi, cũng không ai gọi tôi bằng cái tên đó nữa.

Sau này tôi lại nghe nói Thoát Hoan cùng đám tàn quân chạy tới Vĩnh Bình, đã bị các anh tôi phục kích. Mưa tên đổ xuống, Thoát Hoan đã phải nằm trong ống đồng để binh lính khiêng về Nguyên quốc. Lúc nghe tới đó, tôi từ trên giường nhổm dậy, có chút không thể tin.

Còn nhớ năm đó Thoát Hoan lần đầu xuất hiện ở hoàng cung Đại Việt, kiêu căng ngạo mạn chẳng khác gì con của trời, khí thế đến mức chẳng ai dám nhìn thẳng, vậy mà hôm nay sa cơ lỡ vận, chạy trốn như loài chuột lang.

Trong ký ức của tôi, Thoát Hoan chưa từng chật vật như thế. Thời thế thay đổi, bất cứ ai cũng không thể chống lại vận mệnh của trời, đội quân hung hăng tàn bạo nhất cuối cùng cũng thất bại trên đất Đại Việt.

Sau trận đánh ấy, tôi lại đưa quân đi họp mặt với quân của Trần Khâm ở Thiên Trường. Ngày nhớ đêm mong khiến tôi có chút gấp gáp, ngựa phi nước đại vượt cả non cao núi thẳm, khiến Hoài Văn quân phía sau thở không ra hơi. Trần Quốc Toản bị bỏ xa một đoạn, hét lên với tôi:

- Còn như vậy nữa thì ngựa không chịu nổi mất!

Tôi nghe tiếng được tiếng không, ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm, trong lòng khẩn trương đến toát cả mồ hôi tay.

Cũng lâu rồi, ngay cả lúc thập tử nhất sinh tôi vẫn không hề nao núng, vậy mà lúc sắp gặp lại người ấy lại không thể kiềm chế bản thân, dù sao cũng không lâu đến mức sinh ly tử biệt.

Đại quân dừng trước doanh trại, tôi vừa thắng yên ngựa đã thấy Trần Khâm đứng đó từ lúc nào, người ấy trông thấy tôi đã nở nụ cười như nắng ấm, giống như đã sớm biết trước được tôi sẽ đến đây.

Trần Khâm giơ tay ra trước mặt tôi, nhẹ giọng nói:

- Ta biết chắc em sẽ chiến thắng mà!

Tôi nở nụ cười tươi rói với anh, đặt tay vào lòng bàn tay anh, thuận thế nhoài người xuống ngựa, sau đấy khuỵu gối trước mặt anh, hô lớn:

- Bẩm quan gia, thần đưa quân tiếp viện đến rồi!

Phía sau tôi, toàn quân cũng một loạt quỳ xuống, cùng hô vang khắp một vùng:

- Chúng thần đến trễ!

Trần Khâm bật cười đỡ tôi dậy, dịu dàng nói:

- Trông ta chật vật đến mức này hay sao?

- Phòng bệnh hơn chữa bệnh! – Tôi nói.

Tôi vô thức quét mắt qua Trần Quốc Toản, thấy biểu hiện của cậu ta như sắp nôn oẹ đến nơi.

Năm ngày sau chúng tôi nghe tin Toa Đô đã đưa quân trở lại Tây Kết, bèn dẫn quân đi chặn đầu đội quân của ông ta. Bằng một cách nào đó mà một đội quân đói khát như Toa Đô lại tồn tại một cách thần kỳ, dẫn quân ngược ra Bắc, rõ ràng là ông ta vẫn còn hy vọng sẽ gặp được Thoát Hoan sau bao ngày lênh đênh tìm kiếm, đáng tiếc chủ tướng của ông ta đã bỏ rơi toán quân này, trở về phương Bắc từ lâu. Âu cũng là một kẻ trung liệt.

Toa Đô làm người không tệ, nhưng cấp dưới của ông ta lại không được như thế. Trên đường tiến quân ra Tây Kết, tổng binh quân Thát là Trương Hiển đã đầu hàng quân ta, sau đấy dựa vào sự dẫn đường của Trương Hiển, đội quân của Toa Đô ở Tây Kết bị diệt mà không tốn chút sức lực.

Chỉ trong vài ngày, toàn bộ quân Nguyên ở Tây Kết đã tan rã, Toa Đô bị chém chết tại trận, tàn quân trốn chạy ra vùng Hải Đông, bị giết nhiều không kể xiết, bắt sống đến hơn năm vạn tù binh, chỉ có Ô Mã Nhi cùng Lưu Khuê là may mắn thoát được một kiếp nạn.

Lúc Trần Khâm nhìn thấy thủ cấp của Toa Đô, anh cởi áo choàng phủ lên rồi bất chợt nói:

- Người làm tôi phải nên như thế này!

Nói xong, anh sai người khâm liệm tử tế cho Toa Đô. Tôi đứng bên cạnh anh, bỗng dưng cảm thấy có lẽ Toa Đô cũng sẽ được an ủi phần nào. Vậy là kết thúc một cuộc đời vừa oanh liệt vừa bi thảm của một vị tướng.

Lúc này chúng tôi cũng nhận được tin của Chiêu Minh vương, báo rằng kinh thành đã ổn thỏa, dân chúng đều từ những vùng di tản trở về kinh, có thể bắt đầu khôi phục lại trồng trọt và chăn nuôi. Lần này có lẽ Trần Khâm sẽ đưa phần lớn lính tráng trở về nhà làm nông nghiệp, và có cả những tù binh bắt được sau trận chiến, số lượng hẳn là lên đến vài vạn chứ không hề ít.

Tuy nói là đại thắng, nhưng chém giết vẫn xảy ra trên đất nước ta, bao nhiêu hoa màu và nhà cửa bị hủy hoại, lúc này chính là thời điểm để Trần Khâm thể hiện được khả năng của mình. Chiến tranh xảy ra gần như là trên khắp cả nước Việt, nơi nào có dấu chân của bọn giặc Thát lướt ngang, cỏ không mọc nổi, nhưng cuối cùng cũng có ngày đuổi được hết chúng ra khỏi lãnh thổ Đại Việt ta.

Chiêu Minh vương đưa đại quân đến Tây Kết rước vua, khí thế phải nói là oai phong ngời ngời, lá cờ Đại Việt có thêu chữ Trần bay phấp phới kiêu hùng trong gió, tiếng hò reo vang trời làm tôi xúc động đến ngộp thở. Tôi nghĩ rằng sau này dù có qua bao lâu đi chăng nữa, thì hình ảnh hào hùng ấy sẽ mãi khắc sâu trong tâm trí tôi, một ngày trời ban nắng đẹp, trả lại niềm tươi sáng cho non sông gấm vóc này.

Hiệu lệnh dở trại đã cất lên, quân lính cũng chấn chỉnh lại, sẵn sàng hộ tống vua và áp giải tù binh về triều. Trần Khâm ngồi trên con ngựa chiến màu đen, mái tóc vẫn cột gọn trên đỉnh đầu, trên người vẫn mặc giáp minh quang sáng choang màu bạc, và dù mang vẻ tiều tụy nhưng đôi mắt vẫn có hồn, đôi lông mày đã thôi không còn nhíu chặt lại như những ngày phải cân nhắc đắn đo, bày mưu tính kế.

Trần Quốc Toản ở bên cạnh tôi, lại bắt đầu giở giọng châm chọc:

- Đột nhiên cảm thấy người ấy ở khoảng cách rất xa à? Sao lại nhìn chằm chằm người ta như thế? Có câu tiểu biệt thắng tân hôn, xem ra lần này trở về tình ý dạt dào như mưa ngâu rơi hoài không dứt.

Đúng lúc Trần Khâm mỉm cười với tôi, trông thấy anh ta, lại liên tưởng tới mấy lời của Trần Quốc Toản, tâm hồn của người con gái mới lớn đã lâu không thấy bỗng nhiên trỗi dậy trong tôi. Đôi gò má nóng bừng, tim đập thình thịch, tôi cảm tưởng như mình là kẻ mới lần đầu biết yêu.

Tôi lườm cậu ta, thấy cậu ta nở nụ cười nham hiểm. Tôi hừ một tiếng, mắng:

- Đồ con nít quỷ!

Trần Quốc Toản lại cười ha ha:

- Ngày mai trở về hầu gia đây sẽ xin bệ hạ ban hôn, tới lúc đó ta đã là người trưởng thành, cũng được thoải mái nói lời trăng gió!

Tôi bất lực lắc đầu. Đúng là thời đại thay đổi, lớp trẻ càng ngày càng táo bạo.



Trên đường về kinh, đột nhiên ba quân đọc vang một bài thơ, rằng:

"Đoạt sáo Chương Dương độ

Cầm Hồ Hàm Tử quan

Thái bình tu trí lực

Vạn cổ thử giang san"

(Chương Dương cướp giáo giặc,

Hàm Tử bắt quân thù.

Thái bình nên gắng sức,

Non nước ấy ngàn thu.)

Tôi tâm đắc một hồi, bài thơ đọc lên trong ngẫu hứng nhưng cũng tràn đầy sự tự hào, tôi như thấy được trước đây bản thân mình cũng quyết sinh quyết tử như thế nào, trong người như có một ngọn lửa nóng bừng đốt qua. Hóa ra đấy là bài thơ do Chiêu Minh Vương khởi xướng, cả Trần Khâm và Thượng hoàng nghe xong, đều vô cùng tán thưởng.

Vì tiết trời nóng bức và mang tâm thế thả lỏng sau những ngày đánh giặc triền miên nên đoàn người chậm rãi hồi kinh, ngày đi đêm nghỉ. Lúc trời còn tờ mờ sáng, bỗng cảm giác có một lực đạo xốc tôi dậy, mở choàng mắt thì thấy mình đã ngồi trên con ngựa đen của Trần Khâm, đầu tựa vào ngực anh còn eo thì được anh ta dùng một tay giữ lại. Tôi hốt hoảng xoay người ôm lấy anh, rồi nhìn anh phi nước đại trên cánh đồng hoang tít tắp đến tận chân trời.

Đã là tháng nóng nhất trong năm, tuy lúc tinh mơ mặt trời còn chưa mọc nhưng không khí cũng không mấy lạnh lẽo, gió thốc vào người tôi man mát, trên đôi gò má cũng thấy âm ẩm vì hơi sương. Tôi mơ màng trông, thấy sao Mai đã mọc trên đỉnh đầu, vạn vật lúc này như đứng bất động, chỉ có con ngựa của Trần Khâm là vẫn miệt mài chạy trên cánh đồng cỏ mênh mông.

Tôi ngồi sát vào người anh, nghe được tiếng tim đập mạnh mẽ trong lồng ngực, và hơi thở nhè nhẹ phả lên tóc tôi, vừa chân thực vừa hư ảo, cảm giác giống như một giấc mơ đẹp mà trước đây tôi đã từng mơ về. Tôi lặng lẽ xiết chặt lấy áo anh, âm thầm hít mùi hương thanh thanh từ thảo mộc trên ngực áo. Trong cảnh khói lửa liên miên, chẳng biết bao nhiêu lần tôi đã từng ước ao điều đơn giản như thế này.

Tôi không hỏi anh sẽ đưa mình đi đâu, vì dù lúc này có đến nơi chân trời góc bể, tôi vẫn sẽ không chút do dự. Mấy năm qua không ít lần phải xa nhau, khi thì vài ngày, khi thì nửa tháng, có khi là cả vài năm. Đúng là con gái gả rồi như bát nước đổ đi, mười năm xa cách cha mẹ ruột, tôi cũng không cảm thấy thời gian dài đằng đẵng như thế.

- Em ước gì sau này ta đừng rời xa thêm lần nào nữa!

Trần Khâm không đáp, anh bất thình lình thắng ngựa lại khiến con ngựa như lồng lên, hai chi trước giơ cao làm cả hai chúng tôi ngã nhào xuống đồng cỏ. Tôi thuận thế ngã nhào lên người anh, Trần Khâm ấy vậy mà lại xót xa nói:

- Nửa năm theo ta chịu khổ, không phát hiện hôm nay em đã nhẹ đi không ít.

Tôi tinh nghịch nhìn anh:

- Tuy là chàng không phát hiện, nhưng chàng có gầy đi không, em nhìn một phát là biết ngay!

- Nói vậy thì ta chính là kẻ vô tâm rồi! – Trần Khâm đưa tay véo đôi gò má của tôi, cười đáp.

Từ góc độ gần như thế nhìn xuống, đặt vào trong mắt tôi là đôi mắt phượng dài cười tươi đến mức híp lại, nhưng giữa mi tâm của người nam nhi chỉ mới hai mươi bảy tuổi lại ẩn hiện những vết nhăn mới tinh. Tôi có thể tưởng tượng ra được những lúc anh phải thức thâu đêm suốt sáng, vắt óc suy nghĩ đến mức tiều tụy như thế nào. Trong lòng tôi dù có muôn vàn áp lực, nhưng kẻ làm vua lại còn phải áp lực gấp bội phần.

Trần Khâm rướn người lên định hôn tôi, tôi lập tức lăn khỏi người anh nhưng lại bị đảo khách thành chủ, rốt cuộc nhìn thấy gương mặt của anh ngày càng gần.

Tiếng gà rừng ở đâu gáy vang khắp trời đất, lúc này cả tôi và anh đều lặng người nhìn vầng dương dần ló dạng phía chân trời, những giọt sương còn đọng trên lá cỏ trở nên lung linh như một loại hổ phách. Hóa ra Trần Khâm đưa tôi đến đây là vì muốn tôi xem được khung cảnh tráng lệ này đây.

Trần Khâm vuốt nhẹ khuôn mặt tôi, dịu dàng nói:

- Lần trước ở đây nhìn thấy mặt trời mọc lúc quân địch đuổi sau lưng, ta đã nghĩ giá như có một ngày cùng em bình yên ngắm mặt trời mọc thì tốt quá.

- Chúng ta đã thắng rồi! – Tôi đáp lời anh.

Mặt trời mọc lên rạng rỡ ở giang sơn Đại Việt, như một khởi đầu mới.

Chúng tôi trở về cung khi mùa sen ở hồ Thủy Tinh đang vào lúc rực rỡ nhất, người chồng siêng năng cần mẫn của tôi vừa trở về còn chưa kịp nghỉ ngơi lấy sức thì sớm đã bị quần thần vây lấy không thể thoát thân, tôi cũng không thể giữ anh ấy bên cạnh suốt mười hai canh giờ được. Hoàng cung có quy định của hoàng cung, vậy nên đôi lúc tôi cảm thấy dù chịu gian khổ ở bên ngoài, trông chúng tôi còn giống một đôi vợ chồng hơn chốn cung cấm này nữa. Nghĩ thế liền có chút hoài niệm, tôi vẫn thích không khí thoáng đãng ở bên ngoài hơn.

Tôi nằm trên thuyền nhỏ dưới đám sen cạnh bờ hồ Thủy Tinh, phía trên là hàng dương liễu phủ bóng xuống mặt hồ, lấy một chiếc lá sen úp lên mặt để che nắng. Ban ngày ở Phượng thành trời nắng như đổ lửa, dù chỉ mặc giao lĩnh khoác ngoài, nhưng vẫn không tránh khỏi cảnh đầu choáng mắt hoa.

Đang thiu thiu ngủ, bất chợt thuyền tròng trành một cái, mở mắt đã thấy Trần Khâm đứng dưới thuyền từ lúc nào, tay còn đang giật cần câu, trên dây câu là một con cá chép lớn, vảy bạc óng ánh dưới nắng chang chang. Trần Khâm liếc mắt nhìn tôi, nửa cười nửa không nói:

- Nếu như ta không trực tiếp trông thấy Quốc Chẩn từ trong bụng em chui ra, sợ là cũng không xác định được nó là con của em đấy! Thằng bé suýt nữa thì bị con cá này lôi xuống hồ rồi!

Lúc này tôi mới sực nhớ ra bên cạnh mình vẫn còn thằng bé Quốc Chẩn, con cá to như vậy đớp mồi mà thằng nhóc này vẫn yên lặng một mình chịu đựng mà không gọi tôi, không biết vì lý do gì. Ngẫm nghĩ lại con mình trước giờ cũng không phải đứa ngốc, còn rất thông minh hiểu chuyện, chẳng lẽ hiểu chuyện quá nên thành ra có hơi hiền lành quá chăng? Trần Khâm vốn dĩ có thành kiến với tôi về việc nuôi dạy Quốc Chẩn, bởi từ khi sinh ra tôi cũng chẳng bồng bế mấy lần, tuy giờ anh ta không đề cập tới nữa nhưng trong lòng ắt hẳn vẫn mang gút mắt khó nói ra, hiện giờ xem ra gút mắt lại càng ngày càng rối như tơ vò.

Tôi cố dùng giọng điệu hiền từ nhất có thể của một người mẹ, hỏi nó:

- Tại sao Quốc Chẩn không gọi mẹ dậy?

Quả nhiên thằng bé ngoan ngoãn đáp:

- Mẹ mệt mỏi lâu ngày, con không muốn đánh thức mẹ.

Tôi cau mày nhìn Trần Khâm, đã thấy anh ta ôm nó vào lòng, dịu giọng nói:

- Sau này nếu thấy khó chịu cứ nói ra, đừng cố chịu đựng một mình.

Về khoản này thì nhóc Thuyên và Quốc Chẩn mang tính cách trái ngược, thằng nhóc Thuyên vốn bản tính lém lỉnh ranh ma, tuy rằng vẫn biết chừng mực nhưng việc gì nên tiến thì tiến, nên lùi thì vẫn biết lùi, riêng Quốc Chẩn thì lại hiểu chuyện quá mức. Thông thường những đứa trẻ hiểu chuyện quá sẽ chịu thiệt thòi, xem ra là từ lúc tôi răn dạy nó một lần đã hình thành nên bản tính sợ sệt của con trẻ, nghĩ lại cảm thấy lương tâm cắn rứt làm sao.

Nhưng như vậy cũng tốt, xem ra nhóc Thuyên rất có phong thái của kẻ làm vua, còn Quốc Chẩn mang bản tính của một trung thần, một người con thảo, một người chồng tốt, sau này cũng không lo cả hai sẽ xảy ra mâu thuẫn về vấn đề nhạy cảm kia. Tôi tin chắc nhóc Thuyên sẽ tin yêu em mình, còn Quốc Chẩn sẽ hết lòng phò vua giúp nước.

Tiền triều chính là vì việc anh em tranh giành ngôi báu mà xảy ra rất nhiều vấn nạn, từ loạn tam vương cho đến sự tranh giành giữa Long Xưởng và Long Cán, dần dần đưa nhà Lý vào con đường suy vong. Phải biết những sự sụp đổ của cả một cung điện chính là từ sự mục ruỗng từ bên trong.

Tối đó Quốc Chẩn có món cá hấp bỏ bụng, thằng nhóc Thuyên rất cơ hội chạy sang ăn chực, vừa ăn vừa tấm tắc:

- Vẫn là đồ ăn của dì Thụy Hương nấu ngon nhất. Nửa năm qua suýt nữa là quên mất vị thịt cá ra sao luôn rồi!

Thằng bé Quốc Chẩn nghe thế liền nói:

- Chúng ta còn sẵn thịt cá để ăn, còn dân chúng vừa trở về phải ăn gì đây ạ?

Tôi nhìn thằng bé mà trong lòng cảm thấy an ủi không thôi, Trần Khâm thấy vậy thì cười bảo:

- Được rồi ăn đi, đợi hai đứa lớn lên thì giúp dân chúng ấm no an cư lạc nghiệp là được!

- Hiện tại cha đã làm rất tốt rồi, chỉ tại bọn người Thát lòng tham không đáy thôi!

Tôi nghe nhóc Thuyên nói thế thì bật cười, thằng bé này ấy vậy mà dám đánh giá luôn cha của nó, đúng là thời đại của lớp trẻ, đột nhiên cảm thấy bản thân muốn già đi. Trần Khâm liếc tôi, tôi chột dạ cười trừ với anh ta một cái.

Đêm nay thằng nhóc Thuyên chẳng biết vô tình hay cố ý mà tình nguyện ở lại ngủ với Quốc Chẩn, tôi mở cửa phòng chúng nhìn một vòng, thấy hai đứa đã ngủ say mới yên tâm đóng cửa trở về, chỉ sợ hai thằng nhóc này mải chơi đến tận khuya sáng không dậy đi học nổi. Vừa mới trở về đóng cửa phòng, phía sau lưng đã bị một ai đó ôm chặt, hơi nóng phả vào cổ khiến tôi lạnh toát cả người. Tôi quờ quạng trong bóng tối, may là bản thân đã rõ tác phong của kẻ này từ lâu, nếu không cũng có ngày bị dọa chết.

Trần Khâm cắn nhẹ vào cổ tôi một cái, cất giọng trầm khàn:

- Nửa năm rồi không có cảm giác tự do tự tại như thế này, em phải bù cho ta đấy nhé!

Tôi đỏ mặt, thầm hiểu anh ta muốn bù cái gì, liền tạt một gáo nước lạnh:

- Thứ lỗi hôm nay thần thiếp không thể phụng bồi, thần thiếp tới ngày rồi ạ!

Trần Khâm thở hắt một tiếng, tôi hả hê nhìn anh ta lủi thủi leo lên giường.

Sau mấy tháng đưa quân về hỗ trợ dân chúng khôi phục lại cuộc sống của lúc trước, thì mùa thu tháng tám Trần Khâm cũng bắt đầu công cuộc luận công ban tội.

Tháng chín, đổi niên hiệu là Trùng Hưng năm thứ nhất. Đại xá.

Ngày Mười hai, gia tôn huy hiệu cho các tiên đế và tiên hậu

Mùa đông, tháng Mười, xuống chiếu định hộ khẩu trong nước. Triều thần can là dân vừa lao khổ, định hộ khẩu thực không phải là việc cần kíp. Vua nói:

- Chỉ có thể định hộ khẩu vào lúc này, chẳng nên qua đó mà xem xét hao hụt, điêu tàn của dân ta hay sao?

Quần thần đều khâm phục.

Bính Tuất, Trùng Hưng năm thứ hai. Mùa xuân, tháng giêng, thả quân Nguyên về nước.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Nào Hay Xuân Mênh Mông

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook