Nếu Như Yêu

Chương 14: Chương 2.8

Thanh Sam Lạc Thác

04/01/2017

Sau khi từ Thanh Cương trở về nhà, một ngày sau tôi nhận được điện thoại do dì ruột tôi gọi đến. Nghe những thắc mắc của tôi, dì đột nhiên im lặng, một lúc lâu không nói câu nào.

“Dì ơi, chỉ có dì mới có thể nói cho cháu biết sự thật thôi!”

“Khả Khả, biết hết chưa chắc đã là điều tốt cho tất cả mọi người.”

“Không phải cháu muốn hủy hoại danh dự của mẹ, mà cháu chỉ muốn biết rốt cuộc bố đẻ cháu là ai thôi. Trước khi qua đời, mẹ cháu đã nói với dì chuyện gì vậy?”

Dì lại im lặng một hồi. Lúc mẹ bệnh nặng, dì đã xin nghỉ phép bay đến chăm sóc mẹ khoảng nửa tháng ở bệnh viện. Mỗi lần đến thăm mẹ, tôi đều thấy mẹ và dì nói chuyện thì thầm với nhau, thế nên tôi càng chắc chắn trong câu chuyện của họ có liên quan đến điều mà tôi muốn biết.

“Cho dù dì không nói cho cháu biết, cháu cũng nhất định làm rõ mọi chuyện. Ít nhất cháu sẽ đi gặp trực tiếp người có tên Hà Nguyên Bình ấy.”

“Không không, Khả Khả, đừng đi tìm ông ấy.”

“Nói như thế có nghĩa là mẹ cháu cũng đã từng nhắc đến ông ấy trước mặt dì?”

Dì không còn phủ nhận được nữa.

“Dì ơi, cháu đã trưởng thành rồi, có thể bình thản đối diện với những việc đã qua. Cháu chỉ muốn biết sự thật.”

“Không ngờ cháu lại nghĩ đơn giản như vậy, Khả Khả, cháu hãy bình tĩnh nghe dì, nói qua điện thoại không thể hết được. Tết này dì sẽ qua chỗ cháu, chúng ta sẽ nói chuyện, cháu đừng đi tìm Hà Nguyên Bình. Ông ấy có cuộc sống của ông ấy, mẹ cháu áy náy như thế mà cũng không đi tìm ông ấy, nếu cháu mạo muội làm phiền đến ông ấy, dì nghĩ là không nên đâu.”

Tôi rất muốn bình tĩnh lại, nhưng chuyện này cứ bám riết lấy tâm trí tôi, khiến tôi không thể gạt nó sang một bên.

Tử Đông đến rủ tôi đi ăn cơm, chắc định khuyên giải giúp tôi vui lên, nhưng tôi chả có lòng dạ nào.

“Chị, có chuyện gì chị có thể nói với em. Từ nhỏ đến lớn, chị em mình luôn thân thiết mà, ngay cả những chuyện không thể nói với bố mẹ, em cũng nói với chị đấy thôi.”

“Nhưng em đã giấu chị chuyện quan trọng nhất.”

“Đó là vì có kể ra thì cũng chỉ khiến chị buồn phiền thêm, chẳng có ý nghĩa gì.” Nó thở dài nói tiếp: “Hôm đó, chị kéo em đi kiểm tra DNA, đáng lẽ em nên sống chết không đi mới phải. Chị xem đấy, chị từng nói sau khi biết kết quả sẽ từ bỏ, nhưng sau đấy thì sao, chỉ là những lời nói dối.”

“Bất cứ ai cũng sẽ làm như chị thôi, không thể cảm thấy thoải mái ngay được sau khi biết một bí mật như thế.”

“Chị nói chuyện này với anh rể chưa?”

Tôi lắc đầu. Nó không hiểu, hỏi lại: “Chị, chị đừng lúc nào cũng để mọi chuyện trong lòng như thế, khả năng khuyên giải của anh rể giỏi hơn em, nói chuyện với anh ấy, có lẽ chị sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn.”

“Chị không cần ai khuyên giải, Tử Đông, chị biết mình cần phải làm gì, chỉ có điều…”

Tôi im lặng, nói đi nói lại, chỉ là tôi không thể từ bỏ được mà thôi.

“Hôm qua bố gọi điện cho em, nói rằng chị không gọi điện, không về thăm bố, cũng không nghe điện thoại của bố, có phải chị vẫn còn giận bố chuyện của cô hôm đó không?”

Tôi làm gì còn hơi sức đâu để ý đến chuyện ấy. Tôi không biết nói chuyện như thế nào với người mà mình vẫn luôn gọi là bố, vừa không thể làm như không có chuyện gì xảy ra, lại không thể mở miệng hỏi thẳng: Tại sao bố lại lấy một người phụ nữ đã có con với người khác về làm vợ, bố có biết bố đẻ con là ai không?

“Chị, có lẽ bố không phải là người bố tốt nhất, nhưng chị cũng thừa biết là từ nhỏ bố đối xử với chị và em rất công bằng mà.”

Bố là người cổ hủ, không bao giờ thân thiết với con cái, đã thế ông còn cho rằng đàn ông con trai trong nhà phải gánh vác việc nối dõi của gia tộc, thế nên ông càng đối xử nghiêm khắc với Tử Đông. Biết không phải là con đẻ của ông, thế nên tôi càng không cần phải suy nghĩ so đo việc ông luôn đối xử lạnh nhạt với mình.

“Chị hiểu rồi. Cuối tuần này chị sẽ ghé qua chỗ của bố. Sắp đến mùa đông rồi, cũng cần phải thay chăn cho bố thôi.”

Tôi và Á Âu vẫn trong tình trạng chiến tranh lạnh, tôi chẳng có lòng dạ nào mà ngồi nói chuyện với anh. Dù sao thì gặp phải chuỗi rắc rối này, tôi cũng không thể giải thích được.

Còn công việc của tôi cũng ở tình trạng bế tắc, tôi làm ở công ty này đã sáu năm, sau khi trải qua những biến động về nhân sự, tôi biết những cố gắng trước đây của mình chỉ như một vụ mua bán, chẳng bao giờ có khả năng thăng chức. Đúng lúc đó, một đàn anh ở trường đại học, tên là Lư Trạm, thành lập công ty tư vấn quản lý ở thành phố nên đã hẹn gặp tôi. Tôi đề cập những khó khăn trong công việc của mình, vốn chỉ định xin ý kiến của anh, vậy mà đột nhiên anh lại mời tôi về làm việc cho anh. Tôi rất bất ngờ, bảo anh để tôi suy nghĩ một chút. Về nhà, sau khi bình tĩnh suy nghĩ, tôi thấy đây là cơ hội hiếm có, liền gọi điện cho Lư Trạm để nhận việc. Sau Tết dương lịch, tôi nộp đơn xin từ chức ở công ty, mất hai tuần bàn giao công việc, chia tay đồng nghiệp, tôi sắp xếp đồ đạc của mình mang về nhà và chuẩn bị qua Tết âm lịch sẽ đến công ty mới làm việc.

Trong thời gian nhàn rỗi, tôi đã không cầm được lòng, lái xe đến địa chỉ mà dì Mai đưa.

Nơi ông ấy sống là thôn Lý Tập, ngược hướng đi Thanh Cương, cách thành phố hơn một trăm kilomet, cách trung tâm huyện hơn mười kilomet. Biển chỉ đường chỉ toàn những cái tên như: Vương Tập, Trương Tập, La Tập… giống như những hộ dân mang họ khác nhau tập trung lại hình thành nên thôn vậy. Sau khi đến Lý Tập, tôi phát hiện đây không phải là một thôn nhỏ yên tĩnh, nghèo khổ, mộc mạc như trong tưởng tượng của tôi, mà chẳng khác gì vùng ngoại ô của thành phố. Những tòa nhà cao tầng ngay ngắn xen kẽ những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, không có lối kiến trúc cổ nào, dân cư lại đông đúc, vô cùng tấp nập.

Nơi ông sống là một ngôi nhà hai tầng với kiểu mái ngói đơn giản, trông cũ kỹ như đã được xây nhiều năm. Phía trước là một khoảng sân, trước cổng dán đôi câu đối đã ngả màu, viết theo lối chữ Lệ rất công phu, nội dung câu đối không phải là các câu chữ may mắn ta hay thấy ở các gia đình, mà chỉ là câu: “Nhàn ấm song tiền tan bôi tửu; Tiếu khán đường ngoại nhất thụ hoa.”

*Dịch nghĩa: “ Vui mừng uống ba ly rượu trước song cửa sổ; Mỉm cười ngắm một cây hoa ngoài sân.”

Cánh cổng hơi hé mở, tôi có thể nhìn thấy một cô gái đang ngồi bên trong, trên đầu gối đặt một cuốn sách, nhưng cô gái đó không đọc, hai tay chống cằm, mắt nhìn thẫn thờ, bên cạnh cô gái có một chú chó vàng đang nằm.

Dì Mai đã nói với tôi rằng, ông ấy có một cuộc hôn nhân ngắn ngủi, mình ông nuôi một cô con gái, nghĩ đến cô gái này có lẽ là chị em cùng cha khác mẹ của mình, trong lòng tôi bổng dâng lên một cảm giác kỳ lạ.

Tôi không biết mình nên mở lời như thế nào, may mà đây là một con ngõ nằm phía sau mặt đường lớn nên tuy tôi dừng xe khá lâu mà không có ai đến chất vấn.

Tôi giơ tay định gõ cửa, nào ngờ vừa đụng vào, cánh cửa đã mở ra làm tôi giật nảy mình, thế là tôi cứ bước vào bắt chuyện với cô gái đó. Cô gái tên là Hà Từ Hàng, rất khó dùng từ “xinh đẹp” để định nghĩa cô bé đó. Cô bé cao hơn tôi nửa cái đầu, khá gầy, chân tay dài, cổ thuôn nhỏ, trên khuôn mặt nhỏ nhắn là đôi lông mày đen nháy, đôi mắt dài và sáng, mũi nhọn và hơi hếch, mái tóc buông xõa, hơi xoăn tự nhiên, phía sau buộc ngang đầu, nhưng vẫn có những sợi tóc lòa xòa xuống mặt, một khuôn mặt rất trẻ, nhưng lại mang nét tư lự, nghịch ngợm. Cô bé rõ ràng nhận ra tôi đến đây với mục đích khác nhưng vẫn đồng ý cho tôi ở lại.

Vì lạ giường, đêm đầu tiên ở lại nhà họ Hà, tôi trằn trọc lật qua lật lại, đến gần nửa đêm mà mãi không sao ngủ được nên dứt khoát đứng dậy khoác ác bước ra ngoài. Gió lạnh thổi tới làm tôi hắt hơi mấy cái liền, vội vàng kéo áo khoác sát người. Khoảng sân trước mặt một nửa bị chìm trong bóng tối, một nửa được soi sáng bởi ánh trăng, phản chiếu lớp sương bang mỏng dưới đất, cảm giác nếu nhấc chân bước lên sẽ phát ra tiếng vỡ vụn.

Trong không gian yên ắng, tĩnh lặng đó, mọi giác quan của tôi bỗng trở nên vô cùng nhạy bén. Ở đầu hồi, có một con mèo bước qua lặng lẽ, mùi thơm của cây lạp mail an tỏa khắp sân, gió thổi vào cành lá xào xạc, trong phòng, ông Trương trở mình làm cái giường kêu cót két…

Tôi đã sống lâu ở thành phố, đôi tai sớm đã quen với mọi tiếng ồn, còn ở đây lại quá yên tĩnh, yên tĩnh đến nỗi khiến tôi thấy bất an.

Trong đầu tôi chợt nảy ra một ý nghĩ: Mình đến đây, không chỉ phá vỡ không gian yên tĩnh này, mà còn có thể làm đảo lộn cuộc sống yên bình của người khác.

Nhưng tôi đã không thể rút lui được nữa.

Đây là một gia đình kỳ lạ.

Ông Trường già cả vừa gặp tôi đã trừng mắt nhìn, rồi nói một câu rất khó hiểu: “Muốn thắp đèn đi tìm lửa, chi bằng cứ yên lặng, chớ lao tâm làm gì.” Tôi ngẫm nghỉ nửa ngày mà không hiểu ông muốn ám chỉ điều gì. Tiếp sau đó, ông có vẻ không để ý đến sự tồn tại của tôi, đương nhiên ông cũng coi nhẹ cả thế giới này, ngoại chuyện ăn uống. Lúc nào ông cũng ngồi xếp bằng, miệng lẩm bẩm, nếu tôi biết rằng ông là một hòa thượng hoàn tục thì đã không cảm thấy khó hiểu đến thế.

Hà Từ Hàng dường như cũng chìm đắm trong thế giới của riêng mình, có lúc cô bé im lặng khác thường, thỉnh thoảng mới đưa ánh mắt phức tạp nhìn tôi, như đang dò xét xem tôi là khách không mời mà đến với mục đích gì.



Tất cả cửa phòng trong nhà đều mở toang, có thể ra vào tự do, trong đó có một căn phòng hình như là của Hà Nguyên Bình. Bên trong có một chiếc giường kê sát tường, màn vẫn buông, bên cạnh là một giá sách cũ, trên giá chất đầy sách, nào là cuốn Vương Dương Minh toàn tập, Tư trị thông giám, còn có cả cuốn Cách phòng trị bệnh sâu hại cho cây trồng… Các đầu sách rất phong phú nhưng sách lịch sử cổ đại chiếm số lượng nhiều nhất. Tôi nhìn lướt qua, đến giá thấp nhất hàng cuối cùng, tôi bèn qùy xuống xem, đó là cuốn Sông Đông êm đềm rất cũ. Tôi rút cuốn sách ra xem, nó được xuất bản năm 1986, theo thời gian, những trang sách cũng đã ngả sang màu ố vàng. Thời thiếu nữ, mẹ tôi cũng đã từng đọc cuốn tiểu thuyết này, sau đó đã kể lại cho bạn bè ở Thanh Cương nghe trong những đêm khuya dài dằng dặc ở vùng thôn quê miền núi. Và trên giá sách của ông ấy cũng có cuốn sách này, nó mang rất rõ dấu vết được đọc đi đọc lại nhiều lần, tôi nghĩ tuyệt đối không thể là sự trùng hợp được. Tôi cứ quỳ như thế cho đến khi chân cảm thấy tê dại mới từ từ đặt cuốn sách vào chỗ cũ và đứng dậy.

Cạnh cửa sổ là một chiếc bàn dài đơn giản, trên bàn để bút, giấy, nghiên mực, trong ống bút có các loại bút lông với kích thước khác nhau, cạnh đó xếp hàng đống những tờ giấy viết chữ bằng bút lông. Lật lên xem, tôi thấy ngoài Phật gia kệ ngữ, đúng là có không ít tờ được chép từ cuốn Tư trị thông giám, lối viết công phu, tỉ mỉ, kỹ lưỡng, cũng có cả lối viết chữ Lệ chỉnh tề và chữ Thảo phóng khoáng.

Đợi hai ngày, cuối cùng tôi cũng gặp được Hà Nguyên Bình.

Tôi đã từng tưởng tượng rằng, mối liên hệ máu mủ ruột rà có lẽ sẽ khiến lần đầu tiên gặp nhau của chúng tôi khác với những người xa lạ, nhưng tôi đã bị thất vọng.

Ông ấy đã già, trông rất bình thường, từ ánh mắt cho đến thần thái đều lộ rõ sự mệt mỏi. Tôi định tìm kiếm trên gương mặt ông những nét mà tôi cảm thấy thân thiết hoặc như từng quen biết, nhưng tôi không tìm được. Chỉ dựa vào ngoại hình, tôi không thể nào đoán ra kết quả.

Ông còn làm một công việc mà tôi không thể nào hiểu được: đồ đệ của hòa thượng, thầy cúng, người chủ trì tang lễ.

Ông rất khách sáo, tuy nhiên cái khoảng cách vừa nhìn đã thấy đó làm tôi hoàn toàn mất dung khí nói chuyện với ông.

Tôn Á Âu đã tìm được tôi.

“Anh đi công tác về thấy trong nhà lạnh ngắt, vắng vẻ, nếu Tử Đông không ngăn anh, có lẽ anh đã báo cảnh sát rồi.”

“Em cứ nghĩ chỉ cùng lắm là hai ngày sẽ quay về. Tử Đông đã kể cho anh nghe hết mọi chuyện rồi à?”

Anh cười châm biếm. “Tử Đông còn chu đáo hơn cả em, chỉ bảo em đang ở đây, muốn xác nhận một vài chuyện. Cho dù có chuyện gì, cậu ấy cho rằng chính em nói cho anh nghe sẽ hay hơn.”

“Á Âu, em đột nhiên phát hiện mình không phải con gái của bố, bố đẻ em lại là người khác…” Tất cả chuyện này nghe thì thật hoang đường, nhưng đã đến nước này thì tôi cũng chỉ biết nói vậy.

Á Âu thường ngày luôn có thái độ bình tĩnh trước bất cứ chuyện gì, thế mà nghe tôi nói xong cũng vô cùng kinh ngạc.

Tôi cười khổ não. “Em không muốn giấu anh, chỉ là chuyện này… không biết nên nói như thế nào, vì dù sao đến bây giờ em vẫn chưa hiểu rõ.”

Ánh mắt anh bỗng trở nên dịu dàng, liền giơ tay xoa đầu tôi. “Ngay từ lúc đầu, em nên nói với anh chuyện này, ít nhất cũng không phải một mình chịu đựng tất cả. Xin lỗi em, thời gian này anh lại thường xuyên vắng nhà.”

Thời khắc đó tôi chỉ muốn sà vào lòng anh, bỏ tất cả thế giới này lại phía sau. Nhưng một ý nghĩ lóe lên làm tôi không thể thực hiện được ý muốn của mình, nghĩ đến cảnh thân thiết như vợ chồng, nhưng cũng đã có một tấm màn ngăn cách, trong lòng tôi không khỏi cảm thấy chua xót.

Trời đã tối, tôi bảo với Từ Hàng là sẽ đưa anh đến nhà nghỉ ở thị trấn. Một bà chị đứng ở quầy lễ tân nhìn lướt qua chúng tôi, anh đăng ký thuê phòng bằng chứng minh thư của anh. Chị ta đưa cho anh chiếc chìa khóa phòng với vẻ mặt khinh khỉnh.

Chúng tôi đi lên tầng. Anh nói: “Bà chị đó chắc nghĩ chúng ta là một đôi gian phu dâm phụ đấy.”

Sống đến năm ba mươi tư tuổi, trong con mắt của người khác, tôi luôn là người sống có nguyên tắc, chuẩn mực và đứng đắn. Thế mà trong cái thị trấn nhỏ, ở một nhà nghỉ tồi tàn lại bị nghi ngờ là kẻ đi bồ bịch. Đúng là một trải nghiệm mới mẻ, thật nực cười.

Anh mở cửa, tôi bước vào bật đèn và đảo mắt nhìn quanh khắp phòng, đồ đạc khá đầy đủ, chỉ có điều toàn thứ rẻ tiền và cũ kỹ. Tôi đang định nói thì anh đã dồn tôi vào tường, kề sát miệng bên tai tôi nói khẽ: “Thả lỏng đi em, thả lỏng đi, ít nhất đừng phụ trí tưởng tượng của bà chị đó.”

Anh bắt đầu hôn tôi, còn tôi thì không muốn chống cự lại.

Ở nhà họ Hà hai ngày, thấy cô bé Hà Tử Hàng chứa đầy tâm sự, giống như một con nhím, toàn thân đầy gai nhọn, ánh mắt cảnh giác, lúc nào cũng trong tư thế phòng vệ. Tôi không biết một người khách không mời mà đến như tôi đã khiến cô bé nhận thấy điều gì, nhưng tôi cũng rất nhẹ nhõm. Từ thời khắc tình cờ phát hiện ra bản báo cáo kiểm tra sức khỏe của bố, tôi luôn trong trạng thái căng thẳng, mọi ý nghĩ bắt đầu trở nên phức tạp, rối rắm, không thể tìm ra đầu mối nào rõ ràng, cả người bỗng trở nên mệt mỏi vô cùng.

Nụ hôn của anh càng lúc càng nồng nàn, nóng bỏng hơn. Anh đẩy tôi nằm xuống giường, nhưng tôi không yên tâm, nói: “Hy vọng họ đã giặt giũ sạch sẽ mọi thứ.”

Anh dừng lại, nằm đè lên người tôi, cười. “Bệnh sạch sẽ của em đúng là không có thuốc nào chữa nổi.”

Đúng vậy, lúc nào phải đi công tác, tôi cũng mang theo thuốc khử trùng và túi ngủ hình chữ nhật, và anh đã cười trêu chọc tôi bao lần về việc này. Tôi không biết làm như thế nào, đành tự an ủi: “Thế nên em mới không thể đi cắm trại như kiểu dì em được.”

Anh không để ý đến lời tôi nữa, bắt đầu cởi áo của tôi và cứ thế hôn tới tấp. Cũng giống như trước kia, anh quá rành kỹ năng này và cũng hiểu rất rõ cơ thể tôi muốn gì. Mấy tháng qua, tôi đã né tránh việc ân ái với anh, chính là vì sợ “cái khoản hiểu biết này” của anh, sợ bản thân mình dễ dàng khuất phục dục vọng, sau này càng khó dứt ra. Tôi muốn đẩy anh ra, nhưng anh đã nắm chặt tay tôi, nhìn tôi nghi hoặc. “Khả Khả, có nhớ lần đầu tiên của chúng mình không?...”

Đương nhiên tôi còn nhớ. Đó là một đêm khuya nhiều năm về trước, và cũng là một đêm mùa đông. Lúc đó, anh còn trọ ở trong một căn phòng chung cư cũ, giống như một nhà nghỉ cũ, cửa sổ bằng nhôm không chắc chắn, hễ bị gió thổi là kêu cọt kẹt. Nụ hôn đầu của anh chạm vào da tôi, nóng bỏng đến nỗi có thể “đóng dấu” được.

Kỷ niệm xa xôi như đã cách đây vài thế kỷ, tuy nhiên hồi ấy tôi đang yêu anh cuồng nhiệt. Tôi còn nhớ rất rõ hơi ấm cơ thể anh lúc đó, hơi thở của anh đã khiến tôi run rẩy. Cũng trong thời khắc ấy, gió bấc bên ngoài thổi vù vù, đêm càng về khuya thời tiết càng lạnh, có lẽ trong thời điểm yếu đuối đó, chỉ ôm nhau mới có thể sưởi ấm, chỉ bên nhau mới quên hết mọi lo âu.

Những muộn phiền và yếu đuối do hồi ức đem lại đã khiến tôi không thể từ chối được sự gần gũi của anh.

Mọi thứ đang dâng lên, hạ xuống, như thực như mơ, như thực như ảo…

Những đau khổ, mệt mỏi dường như tạm thời được trút hết ra ngoài. Tôi nằm trong lòng anh, thật sự xúc động bởi cảm giác nhẹ nhõm lâng lâng không chân thực đang bao phủ lấy mình.

“Theo anh về nhà nhé, chúng mình bắt đầu lại.”

Tôi giữ lấy bờ môi anh, không để anh đem thế giới thực tại làm phiền tôi.

Ngày hôm sau, hai chúng tôi gần như cùng tỉnh lại một lúc, anh dựa vào đầu giường, ngắm tôi mặc áo. “Nói như vậy có nghĩa là em muốn làm rõ mọi chuyện rồi mới về nhà sao?”

“Em muốn biết đáp án.”

“Khả Khả, em đã từng nghĩ đến chưa, đáp án đó có thể chẳng có lợi cho ai cả.”

“Nhưng không biết đáp án thì em chẳng thể thuyết phục bản thân từ bỏ.”

“Vậy em có từng nghĩ đến cảm nhận của bố không? Ông ấy đã nuôi em lớn từng này, và cũng không mắc nợ em điều gì.”

“Em biết, em chẳng có gì trách bố cả, chỉ là em muốn biết rõ cuộc sống của em. Á Âu, xin anh hãy hiểu cho em.”

Anh thở dài. “Được rồi, anh hiểu. Nhưng đừng nên gò ép bản thân quá, Khả Khả. Chúng ta đã qua cái tuổi trẻ con lang thang rồi, là một người lớn, em vẫn cứ là em, dù bố em có là ai cũng không thay đổi được điều này. Nó không đáng để em sống cố chấp, quên cả bản thân mình như thế đâu.”

8

Vẫn như ngày xưa, Á Âu lúc nào cũng là người sống lý trí và có khả năng thuyết phục rất cao.

Tôi biết những gì anh nói là hoàn toàn đúng, nhưng tôi không thể nào rời chỗ này đi được, cũng không biết làm cách nào. Cuối cùng, tôi vẫn nói với Hà Từ Hàng: “Bố của em, chú Hà, có lẽ là bố của chị.”



Điều tôi bất ngờ là cô bé có vẻ bình tĩnh lạ thường, kiểu như hàng ngày cô bé đó phải tiếp đãi vô số khách không mời mà đến và có ý định nhận cô bé là người thân như tôi vậy, thế nên chuyện này với cô bé rất quen thuộc. Cô bé tinh quái và gia đình kỳ lạ với nghề thầy cúng này thật là không bình thường chút nào.

Chúng tôi ngồi bên nhau trên chiếc giường và đắp chung một cái chăn. Tôi kể cho Từ Hàng nghe đầu đuôi câu chuyện, từ lúc tôi phát hiện ra chuyện này như thế nào. Đương nhiên, tôi chỉ kể sơ qua hành vi không lấy gì làm tự hào của mẹ tôi, và chủ yếu kể những chuyện hồi họ tham gia đội thanh niên sản xuất ở nông thôn và có quan hệ đặc biệt với nhau. Cô bé ấy chẳng ừ hữ gì cả, cũng chẳng chất vấn ngọn nguồn.

Nếu so về sự bình tĩnh, có lẽ tôi đã sống uổng phí hơn mười năm, thảo nào ánh mắt cô bé nhìn tôi lúc nào cũng mang ý cười nhạo tôi ngây thơ, khờ khạo. Tôi băn khoăn tự hỏi, có phải mình có cuộc sống hơn ba mươi năm quá thuận lợi nên căn bản không chịu nổi một chút bất ngờ khi nó xảy ra? Nhưng lai lịch nguồn gốc của một con người, dù sao cũng đâu phải là một chuyện nhỏ.

Tôi lấy điện thoại cho cô bé xem, bên trong có một bức ảnh cũ mà dì Mai lưu lại, tôi đã dùng di động chụp lại bức ảnh đó. Trên bức ảnh chụp năm người còn rất trẻ, ba nam hai nữ. Tôi chỉ vào cô gái ở phía ngoài cùng bên phải. “Đó là mẹ chị, người đứng bên cạnh là dì Mai. Người đầu tiên đứng bên trái là bố em, người đàn ông thấp lùn đứng bên cạnh ông ấy là người chuẩn bị đi nhận công tác, còn một người hơi béo được giới thiệu đi học đại học, ba người còn lại đi tiễn nên đã vào tiệm ảnh ở thị trấn chụp một bức làm kỷ niệm.”

Họ đều mặc quần áo đồng phục màu xanh xám, khuôn mặt trẻ trung mỗi người một vẻ, người thì tỏ ra nghiêm túc, người thì hơi mỉm cười. Cô bé Hà Từ Hàng nhìn rất lâu, mãi lúc lâu sau mới trả điện thoại cho tôi và nói: “Đây là lần đầu tiên em thấy dáng vóc bố lúc còn trẻ.”

“Chị không muốn tùy tiện làm đảo lộn cuộc sống của mọi người. Từ Hàng, chị chỉ muốn làm rõ mọi chuyện.”

“À, chiều mai bố còn chủ trì tổ chức tang lễ cho bà Trần, sau đó mới về nhà. Chị có thể hỏi trực tiếp ông ấy việc này.”

Tôi do dự, còn cô bé thì cười, vẫn mang ý giễu cợt. “Yên tâm đi, mặc dù ông ấy không phải người thành thật tuyệt đối, nhưng bình thường ông ấy cũng không biết nói dối. Không còn sớm nữa, đi ngủ thôi.”

Tôi lại trải qua một đêm mất ngủ, buổi sáng thức dậy, phát hiện đã có tuyết rơi. Chỗ này gần núi nên khí hậu lạnh và khắc nghiệt hơn ở đồng bằng.

Cửa phòng của Hà Từ Hàng vẫn còn đóng, tôi không muốn làm phiền cô bé. Mặc quần áo gọn gàng, tôi đến nhà người đang chịu tang. Tôi thấy bên đường có cờ trắng tung bay phấp phới, vòng hoa để la liệt quanh căn lều dựng tạm, bên cạnh đó có rất nhiều bà con hàng xóm, còn người nhà đang quỳ, mặc áo vải xô trắng, đầu quấn khăn tang trắng.

Chú Hà đang tiến hành những nghi thức lạ lùng. Ông đọc bài điếu bằng ngôn ngữ địa phương, kể lại những kỷ niệm của người đã khuất và người thân, nửa kim nửa cổ, tôi chỉ nghe hiểu được một số từ rời rạc như: “Ngày nhỏ khó khăn”, “cả đời vất vả”, “đợi đến ngày Trùng Dương, muốn gặp người thân mà không được gặp”, “cuộc đời con người không thể vẹn toàn, những việc không như ý dễ đến bảy, tám phần”, “cát bụi lại trở về với cát bụi, những mối nhân duyên không nên miễn cưỡng làm gì”…

Theo kiến thức có hạn của tôi, bài tế lễ của ông không tuân theo một tôn giáo nào, nhưng chẳng ai truy cứu chuyện này, vì vẻ mặt ông rất trang nghiêm, giọng trầm ấm và rất có sức cuốn hút, như hòa chung với nỗi đau của gia quyến, thậm chí còn làm xúc động cả những bà con láng giềng có mặt, thế là đủ rồi.

Phần tế lễ dọc đường kết thúc, những người đi đưa đám thì đến nhà tang lễ, còn người dân đứng hai bên đường cũng tản mác đi cả.

Chú Hà thu dọn đồ đạc, ngước mắt lên nhìn tôi, hơi ngạc nhiên, nhưng cũng bước đến, nói: “Tôi không biết cô Hứa lại có hứng thú với phong tục địa phương đến vậy!”

Tôi không quan tâm đến cái gì khác nữa, chỉ nhìn thẳng vào ông và hỏi: “Chú có biết một người tên là Nghiêm Tiểu Yến không ạ?”

Vẻ mặt của ông thoáng chốc trở nên cứng đờ, không trả lời tôi.

“Đó là mẹ của cháu.”

Một lúc lâu sau, ông mới nói: “Ồ!”

Tôi cảm giác mình sắp phát điên lên mất. Tôi biết mình đang hy vọng nhận được câu trả lời từ ông ấy như thế nào, còn chữ “ồ” kia thì chẳng ra sao, chẳng đem lại kết quả gì.

“Hãy nói thật cho cháu biết, cháu có phải là con gái của chú không ạ?”

Lúc này trên khuôn mặt ông mới có biểu cảm, không phải là kinh ngạc, mà là há miệng ra không nói được câu nào, giống như có người đột nhiên nói với ông: “Này, bà lão họ Trần mà ông đọc điếu văn tiễn đưa khi nãy sống lại rồi đấy.” Tôi lập tức hoảng lên, ấp úng nói: “Năm nay cháu ba mươi tư tuổi, sinh ngày 20 tháng 8 năm 1977, có lẽ năm đó mẹ không nói với chú là đang mang thai cháu.”

Ông rất nhanh lấy lại bình tĩnh, nói: “Đương nhiên là không, tôi chưa đến cái tuổi đãng trí như thế. Xin lỗi cô Hứa, tôi nghĩ cô nhầm rồi.”

“Sao lại có thể ạ? Cháu đã gặp dì Mai rồi.”

Ông muốn nói gì nhưng lại thôi, lúc đó có người gọi ông, ông trả lời một tiếng rồi nói với tôi: “Tôi phải đi đây, cô Hứa, có chuyện gì đợi tôi về rồi nói, có điều…”, ông lắc đầu rồi nói tiếp, “về chuyện này, tôi cũng không biết phải nói thế nào.”

Xe đưa tang đi thành hai hàng, những người trong đội tổ chức tang lễ bắt đầu thu dọn đồ nghề, kèn trống, con đường quê trở lại vẻ yên tĩnh vốn có. Tuyết rơi ngày càng nhiều, từng bông tuyết bay lả tả trước mặt. Tôi thẫn thờ đứng ở đó, không biết bao lâu, bỗng thấy trên đầu mình có một chiếc ô. Tôi ngoảnh đầu lại, Hà Từ Hàng đang đứng bên cạnh tôi. Cô bé hỏi: “Bố em nói thế nào ạ?”

Tôi lắc đầu. “Thậm chí chú ấy còn không thừa nhận đã quen mẹ chị.”

“Có lẽ chị cũng nhận nhầm.”

“Không, chị tin chắc chú ấy là bố chị. Lúc chị nhắc đến mẹ, từ vẻ mặt của chú ấy có thể thấy mối quan hệ của họ không chỉ đơn giản là quen biết. Việc này cũng không thể trách chú ấy được, dù sao năm đó mẹ chị đã…rất có lỗi với chú ấy.”

Từ Hàng dường như không có trí tò mò như những cô gái bình thường khác, vì cô bé không truy hỏi cái kiểu “mẹ chị đã có lỗi như thế nào”. Trầm mặc một lúc, cô bé mới hỏi tôi:

“Thế chị định thế nào?”

“Chị không biết, chị nên tôn trọng nguyện vọng của chú ấy. Chị chẳng thể lấy tóc của chú ấy đi xét nghiệm DNA được. Mà dù sao chị cũng nên quay về thành phố thôi.”

“Vậy để em trả lại chị tiền thuê phòng.”

“Không cần đâu. Chị đã làm phiền em mấy hôm rồi, hơn nữa chúng ta rất có thể là chị em cùng cha khác mẹ, số tiền đó coi như tiền chị cho em tiêu vặt đi.”

Ánh mắt của cô bé bỗng trở nên mông lung khác thường, đương nhiên cái nhìn đó không dành cho một người chị “từ trên trời rơi xuống” như tôi, cũng không phải là tập trung nghĩ về vấn đề tiền bạc. Một lúc sau, cô bé mới nói: “Theo lý thuyết, nếu chị và em cùng đi xét nghiệm DNA thì cũng có thể chứng minh chúng ta có cùng cha hay không, đúng không?”

Mắt tôi sáng lên mừng rỡ, tôi và Tử Đông cũng đi xét nghiệm theo cách ấy, không ngờ cô bé lại chủ động nêu ra phương án này.

“Em có muốn làm như vậy không?”

“Em nghĩ không nhất thiết giữ một câu đố không lời giải đáp.”

“Vậy thì em phải lên thành phố một chuyến, hay là đợi sau Tết, chúng ta hẹn một ngày nào đó đi nhé!”

“Hôm nay luôn đi ạ.” Rồi cô bé hỏi ngược lại tôi: “Không phải chị muốn biết đáp án sớm hay sao?”

Đương nhiên là tôi muốn rồi, nhưng vẫn ngập ngừng nói: “Xét nghiệm giám định DNA cần ít nhất bảy ngày mới có kết quả, chị có thể nhờ bạn của em trai chị làm ở phòng xét nghiệm để rút ngắn thời gian, nhưng ít nhất cũng mất hai ngày. Em sẽ nói thế nào với bố em?”

Cô bé nhún vai. “Em chả cần phải nói. Vừa nãy có người đến nhà nhờ bố đi tổ chức tang lễ, em bảo họ cứ đến chỗ đám ma vừa nãy gặp bố, có lẽ mấy hôm nữa bố mới về nhà.”

“Còn ông em…”

“Em sẽ nhờ dì Hồng nấu cơm cho ông, nhắc nhở ông uống thuốc đúng giờ. Không sao đâu, lúc em đi học, khi bố có việc phải đi cũng sắp xếp như vậy mà.”

Thái độ của Từ Hàng với việc này thật đơn giản, cô bé coi việc giám định quan hệ ruột thịt như mua một chiếc áo vậy. Cứ thế dẫn cô bé lên thành phố, tôi thấy không ổn chút nào. Nhưng đúng như lời Từ Hàng nói, tôi quá mong mỏi để biết đáp án nên không thể từ chối

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Nếu Như Yêu

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook