Nga Mi Kiếm Khách

Chương 11: Sách Khê kiều thượng Hồ Ly hiện - Quân Sơn hào kiệt đả tà ma

Ưu Đàm Hoa

21/05/2013

Đêm mùng mười, Phiêu Trần tỉnh giấc nửa chừng vì nghe Đan điền nóng như lửa đốt. Và cơ thể như bị ngàn mũi kim châm chích. Tuy không đau đớn lắm nhưng cũng đủ chàng biết rằng chất độc của Tam Sắc Bích Hổ đang bắt đầu công phạt.

Phiêu Trần vận khí điều tức cũng không làm hiện tượng kia biến mất. Chàng nhớ đến tử trạng của những người chết vì độc chưởng của mình, không muốn người thân chứng kiến cảnh thương tâm ấy.

Chàng viết một phong thư để lại âm thầm đi các phòng nhìn mặt mọi người lần chót, rồi thu xếp hành lý ra đi.

Phiêu Trần không dám lấy ngựa vì sợ lộ. Chàng nhẹ nhàng vượt tường vây, ngơ ngẩn tự hỏi mình sẽ đi đâu đây? Hình bóng Diệp Tú Châu hiện ra và chàng quyết định đi Vu Sơn tìm nàng.

Phiêu Trần chỉ võ đoán rằng Tú Châu học nghệ ở Vu Sơn, tất phải trở lại nơi ấy để cầu sư phụ ban thuốc giải độc Tam Sắc Bích Hổ cho chàng!

Vả lại, chàng có thể thuận đường ghé vào núi Vũ Lăng để tìm hiểu về ả chồn tinh Du Huệ. Trước khi chết chàng không muốn mang theo nỗi hoài nghi nào cả. Nhớ đến những giấc vu sơn nồng thắm với Du Huệ, Phiêu Trần đã hiểu rằng gương mặt kia đã chiếm một góc trong trái tim mình!

Chàng tự chế diễu mình đa mang tình ái của bản thân, rốt cuộc cũng chẳng có ai bên cạnh lúc lìa đời.

Khi đến một trấn lớn cách Trường Sa vài dặm, Phiêu Trần mua một con tuấn mã để cỡi. Chàng không thể đi bộ để những giọt mồ hôi tanh tưởi kia làm nhức mũi thiên hạ!

Vùng phía Nam Trường Giang đã bước vào mùa hạ, gió Nam hiu hiu làm mát mặt anh hùng!

Hai ngày sau Phiêu Trần đến núi Vũ Lăng vào buổi xế chiều, chàng không biết phải tìm Du Huệ ở đâu trong dãy núi rộng lớn, hiểm trở này, liền tìm đến Sách Khê cốc ngắm Thạch kiều.

Chiếc cầu đá thiên nhiên kia như giải lụa giăng ngang đầu hai mỏm núi, ẩn hiện trong sương lam và rạng rỡ bởi ánh tà dương, cảnh vật quả là kỳ thú, lãng mạn vô song. Phiêu Trần vận công gọi vang cả vùng núi :

- Du Huệ! Có Phiêu Trần đến thăm đây!

Chàng chỉ gọi cầu may vì mộng và thực lẫn lộn, chẳng có gì là chắc chắn! Sự hiện hữu của Hồ Ty Tinh Du Huệ vẫn còn là một nghi vấn!

Nhưng lạ thay từ mõm núi bên kia bờ vực thẳm, có bóng trắng lướt ra đứng trên Thạch kiều chênh vênh, mừng rỡ cất tiếng gọi thánh thót :

- Sở công tử! Chàng đến đây tìm thiếp đấy ư? Mời công tử lên!

Giờ đây Phiêu Trần mới tin rằng Du Huệ hoàn toàn có thực, chàng hăng hái lướt sơn đạo, lên đỉnh núi mé hữu. Bước lên Thạch kiều, hội ngộ với người trong mộng.

Đúng là dung nhan mà chàng vẫn thường mơ tưởng. Du Huệ còn đẹp hơn cả trong mơ, nàng nhìn chàng đắm đuối mặt đỏ hồng vì e thẹn, nhưng vẫn bước đến định ôm lấy Phiêu Trần. Chàng kinh hãi bảo :

- Không được! Thân ta đầy chất độc, nàng đừng đến gần!

Du Huệ che miệng cười khúc khích :

- Thiếp là Hồ Ly Đại Tiên, lẽ nào lại sợ độc?

Phiêu Trần ngượng ngùng thú nhận :

- Chất kỳ độc đã khiến thân thể ta rất hôi hám!

Du Huệ vẫn bước đến, choàng hai tay lên vai chàng, tình tứ đáp :

- Chàng không chê thiếp hôi mũi chồn là tốt lắm rồi!

Đôi môi mềm mại thơm tho kia không ngần ngại hôn lên má Phiêu Trần. Trong hoàn cảnh tuyệt vọng, như một kẻ bệnh phong không dám gần gũi ai này, Du Huệ trở thành cái phao cứu vớt đời Phiêu Trần. Ngoài Diệp Tú Châu, nàng là người duy nhất dám thân cận với chàng.

Phiêu Trần cảm kích vô hạn, cúi xuống hôn phớt lên đôi môi chín đỏ, ngọt ngào. Hai người đứng trong vòng tay nhau, tuy không nói gì nhưng tình yêu rực rỡ và đẹp như ánh dương quang đỏ hồng cuối trời tây! Phiêu Trần thở dài nuối tiếc :

- Nếu ta không chết thì bất tất phải đợi đến kiếp lai sinh!

Du Huệ ghịt đầu vào ngực chàng cười nho nhỏ :

- Kiếp này công tử đã có hai tuyệt đại hồng nhan, chẳng lẽ lại tham cả ả Hồ Ly như thiếp?

Chàng giật mình, nhớ rằng Diệp Tú Châu cũng đã từng nói một câu tương tự như thế! Phiêu Trần tư lự :

- Không phải hai mà là ba! Đó là cô gái họ Diệp vẫn thường có mặt cạnh ta!

Du Huệ bật cười :

- Công tử quả là đa tình, mê cả đến con bé mặt nám xấu xí ấy sao?

- Đúng vậy! Ta đang định đi Vu Sơn để tìm Tú Châu đây! Trước khi chết ta muốn được gặp nàng lần sau cuối!

Du Huệ im lặng rất lâu mới nói :

- Tướng công không chết được đâu! Thiếp đã có cách bảo toàn mạng sống cho chàng!

Con sâu cái kiến còn ham sống huống hồ một chàng trai trẻ như Phiêu Trần. Chàng hân hoan đi theo Du Huệ sang mõm núi bên kia, vào một sơn động rộng rãi. Giữa động là một nồi đồng lớn đang sôi sùng sục, tỏa mùi dược thảo thơm lừng!

Chàng cười hỏi :

- Nàng đang luyện tiên đan đấy ư?

Du Huệ nũng nịu đáp :

- Thiếp biết tướng công đang gặp nạn nên nấu sẵn thuốc cho cho chàng đấy!

Trong suốt bảy ngày sau đó, Phiêu Trần phải uống những chén thuốc đắng nghét ở trong nồi. Nhưng bù lại, những cuộc ái ân với Du Huệ lại rất ngọt ngào.

Mùi hôi trên người chàng đã biến mất hoàn toàn, và cảm giác bị kim chích cũng vậy! Chiều mười chín, trong lúc hai người ngồi trên Thạch kiều ngắm cảnh hoàng hôn, Phiêu Trần nghiêm nghị bảo :

- Sáng mai, nàng hãy cùng ta đi Vu Sơn gặp Tú Châu, rồi trở về Sở gia trang tổ chức hôn lễ!

Du Huệ chỉ mỉm cười không nói, đêm ấy nàng cuồng nhiệt hơn trong ân ái! Và sáng ra khi Phiêu Trần thức giấc thì người đẹp đã biến mất, để lại một mảnh hoa tiên :

“Công tử nhã giám! Hiện nay chất kỳ độc đã tụ cả vào Đan điền, nên chỉ khi nào chàng vận khí đánh nhau với ai thì chưởng kình mới có độc. Chàng cứ yên tâm gần gũi với người thân. Tú Châu sẽ về Trường Sa, chàng không cần phải đi Vu Sơn nữa.

Du Huệ bái bút.”

Phiêu Trần chết điếng người, nghe lòng trống vắng như sa mạc. Chàng lặng lẽ thay áo, khoác tay nải rời núi Vũ Lăng đi về hướng Trường Sa. Gương mặt kiều diễm và thân thiết của con chồn tinh Sách Khê cốc luôn vấn vương trong tâm tưởng, và gợi nên nỗi bi thương. Chàng yêu nàng và chẳng muốn chờ đến kiếp lai sinh. Nhất là khi chỉ được sống đến mùa hạ năm sau! Phiêu Trần hoàn toàn tin lời Du Huệ vì đã nhiều lần thấy nàng khóc trong vòng tay mình. Chàng có hỏi nhưng nàng không nói!

Phiêu Trần là người dũng cảm, phóng khoáng nên không để cái chết ám ảnh mãi. Chàng tự nhủ rằng dù sao Du Huệ cũng đã kéo dài cuộc sống của mình thêm một năm nữa. Thời gian ấy để chàng nhanh chóng thanh toán mọi ân oán và tiêu diệt lũ tà ma. Với luồng chân khí cực độc, chàng tự tin mình có thể giết nổi Khổng Tước bang chủ Trương Tự Thanh và Bang chủ Thần Kiếm bang Bàng Tinh Hải.

Trưa hôm sau nữa, Phiêu Trần về đến Sở gia trang. Cổng trong không đóng nên chàng nhận ra dưới rặng mai già mé tả sân gạch có bốn con ngựa lạ. Chàng đoán rằng có khách đến thăm.

Phỉ nhi đang tâm sự với lồng chim anh vũ ở trước hiên, nhận ra chàng, mừng rỡ rú lên :

- Phụ thân!

Nó chạy đến và định ôm lấy chàng. Nhưng chợt nhớ ra người của cha nuôi đầy chất độc, vội đứng sựng lại mắt nhạt nhòa :

- Phụ thân bỏ đi khiến cả nhà sầu héo ruột gan! Nếu không có người bí mật nào đó gửi thư về trấn an thì hài nhi đã đi tìm phụ thân rồi!

Phiêu Trần nhíu mày, đoán rằng chính Du Huệ đã gửi bức thư ấy! Ả Hồ Ly Tinh núi Vũ Lăng này quả là chu đáo. Chàng mỉm cười bước đến ôm Phỉ nhi vào lòng :

- Ta đã hết bệnh, ngươi không còn phải sợ nữa! À! Có khách nào đến thăm vậy?

Phỉ nhi cười đáp :

- Hài nhi nghe loáng thoáng rằng khách là người của Động Đình bang. Họ đến tìm phụ thân, và hiện đang ở thư phòng của Gia gia!

Chàng hỏi tiếp :

- Diệp cô nương đã đến chưa?

Phỉ nhi gật đầu :

- Bẩm có! Diệp cô cô đến vào lúc sáng nay, đang ở trong hậu viện với Nhị nương và Tam nương!

Cậu bé hạ giọng, trợn mắt nói với vẻ bí mật :

- Phụ thân tiêu rồi! Tam nương có vẻ không vui, chỉ lạnh lùng gật đầu với Diệp cô cô!

Phỉ nhi đổi giọng cười hì hì :

- Nhưng hài nhi lại thấy thích Diệp cô cô, vì nàng ta cũng xấu xí như tiên mẫu vậy! Nếu phụ thân chịu lấy Diệp cô cô, hài nhi sẽ đứng về phe người để đối phó với Nhị nương và Tam nương!

Chàng phì cười, cốc yêu lên cái đầu trọc lóc của cậu bé láu lỉnh, rồi cùng nó đi vào hậu sảnh.

Khi đi ngang qua giếng nước, chàng giật bắn mình khi thấy Tú Châu đang ngồi giặt thau quần áo to tướng. Chàng cũng nhận ra đấy là y phục của Tư Đồ Lan và Vệ Yên Hà!

Phiêu Trần động nộ bước đến hỏi Tú Châu :

- Ai bảo Châu muội làm việc này vậy? Trong trang thiếu gì tỳ nữ?

Tú Châu vội đáp :

- Tiểu muội đã cam tâm làm nô tỳ cho đại ca và nhị vị phu nhân, thì việc giặt giũ có gì là lạ!

Phiêu Trần đau đớn ngửa cổ cười vang :

- Ta còn sống đến hôm nay là cũng nhờ có hiền muội. Nhưng không phải vì ân nghĩa mà ta ngỏ lời cầu hôn, chẳng lẽ hiền muội không hiểu lòng ta?

Tiếng cười điên cuồng của chàng đã đánh động mọi người, cả nhà mừng rỡ chạy ra. Kim Nhãn Điêu và Sách Siêu dẫn bốn người khách áo xanh, xuất hiện chỉ sau Tư Đồ Lan và Vệ Yên Hà một chút. Phiêu Trần vòng tay bái kiến khách và trưởng bối rồi nghiêm nghị hỏi Vệ Yên Hà :

- Hà muội! Nếu ta lấy Tú Châu làm vợ thì nàng tính sao?

Ánh mắt chàng như có lửa khiến Yên Hà khiếp sợ, run rẩy đáp :

- Bẩm tướng công! Thiếp tuyệt đối chẳng dám ghen hờn. Chỉ vì Diệp cô nương tự nguyện xin làm nô tỳ đấy thôi!

Tú Châu vội đỡ lời :

- Đại ca! Đây là lỗi của muội, chẳng phải do Tam phu nhân đâu!

Tư Đồ Lan cũng nói vào :

- Mấy hôm nay, Hà muội vì lo lắng cho tướng công nên không được khỏe, cách xử sự có phần thiếu sót, mong tướng công lượng thứ!

Phiêu Trần nhìn cái bụng nhô cao của Yên Hà, nghe lòng dịu lại. Chàng nói với giọng tha thiết :

- Chắc hai nương tử cũng biết ta lấy Tú Châu không phải vì hiếu sắc. Từ nay ba người phải hòa thuận với nhau, nếu không ta chết mà không nhắm mắt đấy!

Yên Hà sa lệ khóc :

- Tướng công đừng nói gở như vậy? Thiếp sẽ yêu thương Diệp cô nương như chị em ruột của mình!

Phiêu Trần đẹp dạ, bước đến ôm Yên Hà, vỗ về :

- Nếu được như thế, ta rất vui lòng!

Chàng quay lại, nắm tay Tú Châu, quì xuống trước mặt Sở Quyền và Sách Siêu :

- Bẩm lão gia và Nhị thúc! Hài nhi xin phép được cưới Tú Châu làm vợ!

Sở Quyền thấy con mình dám ôm Yên Hà, biết con mình đã hết bệnh. Ông hân hoan vuốt râu cười khà khà :

- Trần nhi quả là bậc kỳ nam tử, kết lương duyên chẳng vì nhan sắc, khiến lão phu rất hài lòng!

Sách Siêu cũng giơ ngón tay cái khen ngợi :

- Hảo hài tử! Nhị thúc xin chúc mừng. Sau này, nếu Châu nhi sinh con trai, lão phu sẽ xin làm người nối dõi họ Sách.

Bốn vị khách Động Đình bang bước ra, một người ha hả :



- Hành vi của công tử vượt cả lẽ thường, khiến bọn lão phu phải đê đầu bái phục.

Bất ngờ, cả bốn lão vung song thủ rải độc phấn phủ kín cả Phiêu Trần và Tú Châu. Sở Quyền và Sách Siêu kinh hãi, giáng chưởng vào lưng đối phương.

Tiếng va chạm vào lưng rất khác lạ, chứng tỏ bốn lão này đã mặc áo giáp bằng khoen sắt. Bốn lão tặc trúng đòn nhưng bị đẩy văng về phía trước chứ không thọ thương. Thuận đà ấy họ vung chưởng bồi thêm một đòn để giết vợ chồng Phiêu Trần.

Nào ngờ Phiêu Trần và Tú Châu không hề sợ độc, cùng nhau bốc lên độ cao hơn trượng giáng chưởng phản kích.

Bốn lão tặc vội cử song chưởng đỡ đòn. Tiếc rằng Phiêu Trần đã sử dụng đến chiêu đầu trong Huyền Tam chưởng mà chàng mới học xong. Chiêu này có tên là “Thái Sơn Kỳ Đồi Hồ”, chuyên dùng để đánh từ trên cao xuống.

Chiêu thứ hai là “Lương Mộc Kỳ Hoại Hồ” dung trong trường hợp đối mặt. Chiêu thứ ba tên “Triết Nhân Kỳ Nung Hồ” để đánh người trên cao.

Ba cái tên chiêu thức cổ quái này xếp lại thành câu hát cuối cùng của Khổng Tử trước khi mất.

Thiên Xảo chân nhân trước theo đạo Lão, sau về với cửa Thiền nên không ưa học thuyết nhập thế của Khổng gia. Cộng thêm tính hài hước sẵn có, ông đã dùng câu hát kia đặt tên cho ba chiêu tuyệt chưởng!

Nhắc lại, tuy Phiêu Trần luyện chưa bao lâu nhưng cũng phát huy được bảy phần uy lực vì Huyền Huyền chưởng pháp, chưởng ảnh của chàng mềm mại của chàng trông có vẻ nhẹ nhàng, nhưng chạm vào lực đối kháng bỗng trở nên nặng như núi đổ, xuyên thủng lưới chưởng của đối phương, giáng thẳng vào ngực của ba lão áo xanh.

Họ khẽ rên vì đã có giáp hộ thân. Tuy nhiên, chưởng phong của Phiêu Trần mang theo chất độc chết người đã thấm qua da và chui vào phổi nạn nhân. Cái chết ập đến thật mau chóng.

Lão thứ tư đứng cách xa ba lão kia và là mục tiêu của Diệp Tú Châu. Chưởng kình chạm nhau nổ vang.Tú Châu bi đẩy văng ngược lên. Nàng ung dung hạ thân cách đối thủ hai trượng, nhìn lão ngã quị dần. Lão ta đã kịp thều thào tiếng cuối cùng :

- Độc!

Cả bốn tử thì đều có dung mạo ghê rợn của kẻ chết vì chất độc. Sách Siêu thở phào nói :

- Không ngờ Châu nhi cũng là cao thủ Độc môn. Nếu không ta và Sở đại ca sẽ phải ân hận suốt đời. Chúng ta trò chuyện với họ cả canh giờ mà không phát hiện ra gian tế!

Phiêu Trần cúi xuống lục soát các xác chết, tìm được bốn tấm thẻ đồng bài của Khổng Tước bang. Tú Châu thỏ thẻ :

- Bẩm nhị vị lão gia! Họ là Vân Nam tứ độc đấy!

Nàng bước đến dùng móng tay khều rơi các tấm mặt nạ, để lộ bốn gương mặt thô ráp, khác hẳn người Hán tộc.

Sở Quyền tư lự :

- Vậy là Khổng Tước bang đã liên kết được với Xà giáo ở Vân Quí, lực lượng càng thêm hùng mạnh.

Phiêu Trần vòng tay hỏi :

- Bẩm lão gia! Vì sao họ lại cải trang thành người Động Đình bang,và đến đây nhân danh lý do gì?

Sở Quyền rầu rĩ đáp :

- Khổng Tước bang đã gửi tối hậu thư cho Động Đình bang, bắt họ phải qui phục vào ngày hai mươi lăm tháng tư này! Động Đình bang chủ Thiết Chưởng Lã Vọng Vân là bậc anh hùng cương liệt, không chịu cúi đầu, hiệu triệu hào kiệt Hồ Nam chống cự. Bốn lão gian phi này xưng là hộ pháp Động Đình bang, xin cầu kiến Trần nhi để mời ngươi đến trợ chiến! Lão phu và Sách Siêu đâu ngờ họ đến để giết ngươi!

Phiêu Trần cười nhạt :

- Vậy thì chúng ta sẽ đi Động Đình hồ đánh cho Khổng Tước bang một trận!

Phỉ nhi gãi đầu nói :

- Phụ thân! Vậy hài nhi phải gọi Diệp cô cô là Đại nương hay Tứ nương?

Sách Siêu cười bảo :

- Cũng vì ngươi mà thứ bậc rối tung cả lên, Tam, Tứ, thật nực cười!

Đêm ấy, sau khi vui vầy với Tư Đồ Lan và Vệ Yên Hà xong, Phiêu Trần về phòng mình ân ái cùng Diệp Tú Châu. Thấy ngực trái của nàng có một vết thương nhỏ chưa lành, chàng ngỡ ngàng hỏi :

- Châu muội bị sao vậy?

Tú Châu cười đáp :

- Chỉ là chút mụn nhọt nho nhỏ mà thôi, tướng công bận tâm làm gì?

Sáng hôm sau, Tư Đồ Lan đưa Vệ Yên Hà sang Vương phủ gởi gấm cho Hà vương gia và Tiểu quận chúa rồi trở về Sở gia trang, theo mọi người đi Động Đình hồ. Tất nhiên là không thể vắng mặt cậu bé hiếu động Phỉ nhi!

Ra đến cửa Tây thành, bọn Phiêu Trần gặp mấy chục hào kiệt Hồ Nam đang kéo nhau đi.

Từ ngày đả thương Khổng Tước bang ở chùa Thiếu Lâm. Thanh danh Nga Mi đại kiếm khách Sở Phiêu Trần lừng lẫy võ lâm Trung Nguyên. Đó là họ chưa biết việc chàng dùng độc chưởng tàn sát toán quân Khổng Tước bang ở Quy Sơn. Phiêu Trần đã yêu cầu nhạc phụ là Vương giáo chủ giữ kín để tạo thế bất ngờ cho chàng đối phó với Trương Tự Thanh.

Sáu mươi hào khách thấy mặt Phiêu Trần và Kim Nhãn Điêu, nhất tề vòng tay bái kiến. Một lão cao tuổi hân hoan nói :

- Có Sở lão huynh và Sở công tử chủ trì thì Động Đình bang vững như bàn thạch. Lão phu là Phàn Tam Giang, xin thay mặt lão hiền đệ cảm tạ Sở gia trang!

Lão già này sử dụng một cây roi đan bằng thép luyện, có danh hiệu là Cương Tiên. Họ Phàm là bái huynh của Động Đình bang chủ Lã Vọng Vân nên đã đưa các huynh đệ đến trợ chiến!

Sách Siêu ẩn mặt đã mười tám năm nên không ai biết lão là Dạ Tri Thù. Do vậy mọi người đối với lão không trọng vọng lắm.

Sáo lễ của võ lâm rất nhiều khê. Ai cũng xưng danh để làm quen với bậc anh hùng là Sở Phiêu Trần! Phải mất gần khắc mới xong thủ tục giới thiệu. Bọn Phiêu Trần gật đầu nói câu cửu ngưỡng cũng đủ gãy cổ, mỏi miệng. Đến lượt Kim Nhãn Điêu giới thiệu phe mình. ông chỉ Dạ Tri Thù và nói :

- Đây là nghĩa đệ của lão, tên gọi Sách Siêu!

Khi biết họ Sách là chú bác của Phiêu Trần, mọi người bắt đầu cung kính với lão. Tiêu Tương Thần Nữ thì ai cũng biết. Nhưng Diệp Tú Châu là vợ của Phiêu Trần thì ai cũng giật bắn mình!

Phỉ nhi dương dương tự đắc, chờ Sở Quyền giới thiệu đến mình, nào ngờ ông chẳng nói gì đến cả. Phỉ nhi không chịu nổi, vòng tay nói oang oang :

- Vãn bối là Tam Tuyệt Đồng Tử Sở Phỉ, ái tử của Nga Mi đại kiếm khách, xin bái kiến chư vị!

Bọn hào kiệt Hồ Nam ngỡ ngàng, nhưng “vị thần nể cả cây đa” nên họ cũng vòng tay đáp lễ và nói :

- Cửu ngưỡng! Cửu ngưỡng!

Phiêu Trần phì cười :

- Do đâu mà Phỉ nhi lại có danh hiệu Tam Tuyệt Đồng Tử như vậy?

Phỉ nhi đắc ý :

- Phụ thân nghĩ xem, hài nhi biết đánh chùy, đánh roi và phóng ám khí, chẳng phải la Tam Tuyệt hay sao?

Vẻ mặt vênh váo của cậu bé đã khiến ai cũng phải mỉm cười! Thế là bọn cao thủ Hồ Nam tiền hô hậu ủng hộ tống bọn Phiêu Trần đi Động Đình hồ. Nhân số càng lúc càng đông vì thu nạp thêm hào khách dọc đường.

Tuy nước Trung Hoa đã thống nhất từ lâu, nhưng do lãnh thổ rộng lớn, mỗi tỉnh lớn bằng cả một nước nhỏ, và có ngôn ngữ riêng. Do đó, tinh thần địa phương còn rất nặng. Người Hồ Nam tự hào về quê hương mình nên xem Sở Phiêu Trần như niềm vinh quang của cả đất Hồ Nam.

Trưa hôm sau, đoàn người đến bờ Nam Động Đình hồ, nơi có cửa sông Tương Giang chảy vào hồ thì tổng số nhân thủ đã lên đến gần hai trăm, thanh thế cực kỳ hùng hậu.

Mấy chục thuyền lớn của Động Đình bang đã chờ sẵn, đưa khách vào núi Quân Sơn ở giữa hồ. Núi Quân Sơn như hòn đảo lớn của hồ Động Đình. Căn cứ của Động Đình bang đặt tại núi này!

Động Đình hồ ngày xưa có diện tích rộng đến bốn vạn dặm vuông, vốn là một chỗ trũng trong bồn địa hạ du sông Trường Giang, chưa được phù sa lấp đầy.

Trong hồ phong phú các loại thủy sản trở thành chốn mưu sinh của hàng vạn ngư dân quanh hồ. Để bảo vệ quyền khai thác những ngư dân này đã tập hợp lại thành Động Đình bang.

Người Trung Hoa rất mắn đẻ, nên chẳng bao lâu nhân số trong các gia đình ngư phủ tăng lên, nguồn lợi từ Động Đình chỉ đủ nuôi họ sống qua ngày chứ không khá nổi. Nay Khổng Tước bang muốn chia phần tức là đẩy họ vào cảnh đói kém. Vì vậy, Động Đình bang thà chết chứ không hàng!

Đoàn thuyền trở khách đi vòng ra mặt Bắc Quân Sơn, vì Tổng đàn Động Đình bang nằm ở khu vực này, hướng mặt ra Trường Giang.

Bang chủ Lã Vọng Vân đã được thủ hạ dùng thuyền con vào phi báo nên ra tận bến thuyền đón thượng khách! Những cao thủ đến trước cũng hiếu kỳ theo, họ ra để xem mặt Nga Mi đại kiếm khách Sở Phiêu Trần!

Họ ngỡ ngàng khi thấy chàng trai anh hùng này còn quá trẻ trung và anh tuấn nhưng không có vẻ gì hiên ngang, oai vũ. Họ xầm xì bàn tán về hai nữ lang một xấu một đẹp đi hai bên Phiêu Trần. Lã bang chủ cười ha hả :

- Sở đại hiệp đưa cả nhà đến đây trợ chiến khiến tiểu đệ vô cùng cảm kích. Xin mời Sở đại hiệp và Sách đại hiệp cùng chư vị anh hùng!

Té ra lão đã được thông báo rõ lai lịch của khách. Thấy Lã bang chủ coi trọng Sở Quyền và Sách Siêu hơn mình, Phiêu Trần rất hài lòng và khâm phục tính cách lão ta.

Vọng Vân theo đúng bề bậc mà đối đãi chứ không trọng tài mà bỏ nghĩa. Lão đứng tại chỗ vái chào, hỏi han từng người, rồi theo vào trong.

Kẻ dẫn đường là Phó bang chủ Thủy Thượng Phi Xoa Giã Phục. Họ Giã to béo, râu ria xồm xoàm, mắt lộ, mũi lân, chỉ nhìn qua cũng biết là người nóng nẩy!

Ngược lại Lã bang chủ tuổi độ năm mươi, dáng người nho nhã, mảnh khảnh, dung mạo tuấn tú. Nhưng đôi mắt sáng và chiếc cằm bạnh biểu hiện vẻ cương quyết bất khuất của bậc trượng phu!

Sáu người của Sở gia trang được mời ngồi vào bàn chủ vị, cùng với Bang chủ. Phỉ nhi khoan khoái bởi vinh quang, cố vẻ nghiêm trang, chững chạc.

Võ lâm cũng có tôn ti trật tự của mình. Họ biết thân phận, tự tìm chỗ ngồi thích hợp. Càng gần bàn chủ vị, vai vế càng cao. Tiệc được bày lên, chủ yếu là tôm cá, đặc sản của Động Đình hồ. Lã Vọng Vân đứng lên vòng tay cao giọng :

- Kính cáo đồng đạo! Nay Khổng Tước bang nuôi giã tâm thống lĩnh các phái trong thiên hạ, mưu đồ bá nghiệp. Bổn bang tuy nhỏ bé nhưng quyết không chịu phục, nguyện liều thân tử chiến. Nay được chư vị trượng nghĩa bạt đao giúp đỡ, Lã mỗ vô cùng cảm kích, có bữa tiệc mọn để tỏ lòng biết ơn, mong chư vị chiếu cố cho! mời cạn chén!

Quần hùng hoan hỉ uống rượu và động đũa. Phỉ nhi quyết học hỏi phong cách của cha nuôi nên chăm chú quan sát. Chàng gắp món nào thì cậu bé gắp món ấy. Lúc chàng bận đàm đạo thì Phỉ nhi ngồi yên nuốt nước miếng! Tú Châu tinh ý nhận ra cười bảo :

- Phỉ nhi cứ ăn thoải mái. Chẳng ai bắt lỗi trẻ con đâu!

Phỉ nhi nhăn nhó :

- Tứ nương kỳ quá! Hài nhi đã là khách võ lâm, xưng danh Tam Tuyệt Đồng Tử trước mặt mọi người, đâu còn là trẻ con nữa!

Có lẽ do tên đệ tử quên chẳng nói đến nữ lang mặt nám này, nên Lã Vọng Vân không biết Tú Châu là vợ Phiêu Trần!

Giờ nghe Phỉ nhi xưng hô như vậy, lão thầm kinh ngạc, nhìn nàng chăm chú rồi thở dài nói với Phiêu Trần :

- Khí độ của công tử khiến Vân tôi phục sát đất!

Phiêu Trần hiểu ý lão, chỉ mỉm cười. Bỗng ngoài cửa vang lên giọng nói oang oang như chuông bể của Phó bang chủ Giã Phục :

- Lão hồ ly đến đây làm gì? Đây đâu phải chỗ để lão lường gạt mọi người?

Thủy Thượng Phi Xoa đã từng bị lão đạo sĩ tinh quái này trêu nghẹo một lần nên rất chán ghét! Phiêu Trần mừng rỡ khi nhận ra ân sư Thiên Xảo chân nhân. Chàng thấy Trang Thứ nháy mắt với mình, biết rằng đang muốn đùa giỡn với Giã Phục nên vẫn ngồi im. Chân nhân cười khanh khách đáp :

- Bần đạo là người cao niên nhất võ lâm, nghe nói Động Đình bang gặp tai họa nên đến để giải nguy. Đúng ra thí chủ phải cung kính rước vào, sao lại vô lễ và hung hăng như vậy?

Giã Phục cười nhạt :

- Dù đúng là lão đã hơn trăm tuổi, nhưng bất tài thì giúp được ai? Mau xuống thuyền rời Quân Sơn, nếu không đừng trách ta không biết kính lão!

Quần hung cũng đồng thanh cười bảo :

- Đi mau thôi lão hồ ly ơi! Còn nấn ná không chừng gãy mất mấy lóng xương già đấy!

Chân nhân cười dài :

- Thôi được! Động Đình bang đã không chịu thì bần đạo đành gọi đồ đệ mình về luôn vậy!

Có người buột miệng :

- Thầy chẳng ra gì thì trò cũng nên về quách cho rồi!

Phiêu Trần truyền âm nói với người thân rồi đứng lên rời bàn. Ai cũng tưởng Nga Mi đại kiếm khách sẽ đuổi cổ lão già khó thương kia. Họ nhấp nhổm muốn xem cho rõ. Nào ngờ Phiêu Trần vén áo quỳ xuống bãi cỏ, thi đại lễ :

- Đồ nhi bái kiến ân sư!

Chàng nói không lớn lắm nhưng ai cũng tưởng như sét đánh ngang tai. Té ra lão đạo sĩ cổ quái này lại là sư phụ của một bậc đại anh hùng, danh vang tứ hải! Bọn Kim Nhãn Điêu cũng đã đứng sau lưng Phiêu Trần. Sở Quyền vòng tay cúi đầu :

- Tiểu điệt Sở Quyền bái kiến sư bá!

Chân nhân là bằng hữu của Kim Đính Thượng Nhân, Sư phụ của Kim Nhãn Điêu, nên họ Sở xưng hô như vậy! Sách Siêu cũng nói :

- Vãn bối Sách Siêu ra mắt Chân nhân!



Còn Tư Đồ Lan và Diệp Tú Châu thì quỳ xuống lạy :

- Tiểu nữ tham kiến ân sư!

- Đồ tôn là Tam Tuyệt Đồng Tử Sở Phỉ bái kiến Sư tổ!

Phỉ nhi chọn được danh hiệu đắc ý nên luôn rình cơ hội để khoe khoang. Thiên Xảo chân nhân xua tay :

- Thôi được rồi! Lạy lục mãi càng khiến bần đạo tổn thọ mà thôi!

Ông lại gật gù :

- Trần nhi có phúc nên lấy toàn vợ đẹp!

Cử tọa tưởng ông diễu cợt nên cười thầm! Chân nhân trợn mắt :

- Sao lại cười! Bần đạo sắp thành tiên nên nhãn quang khác hẳn người phàm xa lắm!

Lúc này, Lã Vọng Vân đã kéo Giã Phục đến chịu tội. Họ Giã cung kính nói :

- Bọn vãn bối có mắt như mù, mong tiên trưởng tha lỗi cho!

Trang Thứ cười khà khà :

- Bần đạo vốn bất tài, chỉ nhờ may mắn mà có được một đồ đệ anh hùng thế thôi. Nhị vị hà tất phải áy náy!

Chợt ông nghiêm giọng :

- Khổng Tước bang cho thuyền ngược dòng Trường Giang khoảng giờ sáng sớm mai sẽ đến đây. Tổng cộng là năm giang thuyền!

Lã bang chủ kính cẩn đáp :

- Mời Tiên trưởng vào trong yến và chỉ giáo cách ngự địch!

Trong lúc Thiên Xảo chân nhân ăn uống, Lã Vọng Vân báo cáo lại việc phòng thủ. Lão đứng lên cao giọng :

- Bẩm chư vị! Tại hạ đã bố trí mai phục ở cả bốn cửa Trùng Tư, Thái Bình, Ngẫu Trì và Diệu Huyền. Thuyền của đối phương muốn vào Động Đình hồ tất phải đi qua một trong bốn cửa ấy. Trên bờ là quân cung nỏ, dưới có dũng sĩ đục thuyền. Giả như Khổng Tước bang có vượt qua được cũng gặp phải Trường Xà thủy trận do hơn trăm thuyền con của bổn bang hợp thành. Vị nào giỏi thủy tính xin cứ ở yên trên núi Quân Sơn này để bảo vệ phòng tuyến cuối cùng!

Thiên Xảo chân nhân buông đũa lẩm bẩm :

- Lạ thực! Trương Tự Thanh là người thông minh, gian hoạt, lẽ nào lai không biết Động Đình bang giỏi thủy chiến mà lại dùng sở đoản của mình đối phó với sở trường của đối phương? Nếu không có điều sở cậy, chẳng bao giờ Khổng Tước bang dám đưa thuyền vào Động Đình hồ :

Kim Nhãn Điêu cất tiếng :

- Bẩm sư bá! Có thể đối phương cho lót đồng dưới đáy thuyền để chống thủy công?

Chân nhân lắc đầu :

- Không có đâu! Bần đạo đã kiểm tra rồi, chỉ toàn là thuyền gỗ bình thường mà thôi!

Lã bang chủ lo lắng, cho thủ hạ đưa thuyền nhỏ ra Trường Giang dọ thám. Sau bữa cơm chiều, quần hào chia nhau tập trung cả bốn cửa thông với Trường Giang. Chỉ còn bọn Phiêu Trần, Lã bang chủ và vài chục cao thủ ở lại Quân Sơn!

Đêm ấy trôi qua yên tĩnh, nhưng khi bình minh ló dạng thì thuyền liên lạc về cấp báo như thoi đưa trên mặt hồ. Ba khăc sau, tin dữ khiến Bang chủ Động Đình bang tái mặt :

- Bẩm Bang chủ! Khổng Tước bang đã bắt Lã công tử đặt ở mũi thuyền.Vì vậy, chẳng ai dám động thủ, chỉ chặn lại ở cửa sông!

Lã Vọng Vân có người con trai duy nhất tên là Lã Đăng Dung, đang trau dồi võ nghệ ở Lạc Dương, chờ ngày thi võ Trạng Nguyên. Không ngờ Khổng Tước bang biết được, bắt Đăng Dung uy hiếp Động Đình bang. Lã Vọng Vân nghiến răng, sa lệ bảo :

- Thà lão phu tuyệt tự chứ không phụ lòng anh em Động Đình bang. Hãy ra lệnh tấn công ngay!

Thiên Xảo chân nhân bác ngay :

- Chẳng cần phải quyết liệt như vậy. Cứ để Trương Tự Thanh đưa quân vào đây rồi sẽ tính. Bần đạo đã có diệu kế để cứu Lã công tử!

Lã Vọng Vân đang đứt từng khúc ruột, nghe Chân nhân nói vậy mừng như sống lại. Lão ra lệnh :

- Ngươi ra bảo Giã Phục rút toàn quân về, để cho thuyền đối phương đi qua!

Lát sau, hàng trăm thuyền con về đến. Thấy Bang chủ vẫn ung dung đàm đạo. Thủy Thượng Phi Xoa Giã Phục nóng nảy hỏi :

- Lã đại ca! Trương Tự Thanh đã bắt Thiếu bang chủ, ta tính sao bây giờ?

Họ Lã nghiêm giọng :

- Ta đã có phương cách! Nhưng dù có cứu được Đăng Dung hay không, chúng ta cũng phải giết sạch Khổng Tước bang!

Quần hào vô cùng khâm phục định lực vững như núi của Lã bang chủ. Ái tử bị bắt mà lão vẫn không hề nao núng! Cương Tiên Phàn Tam Giang giơ ngón tay cái khen ngợi :

- Lã hiền đệ khiến ngu huynh phải bái phục đấy!

Lão chợt nhận ra Phiêu Trần và vợ con đã biến mất, liền cau mày hỏi :

- Ủa! Sở công tử sao chẳng thấy?

Vọng Vân cười đáp :

- Phiêu Trần đã ẩn dưới nước, chờ cơ hội giết Trương Tự Thanh!

Đoàn thuyền của Khổng Tước bang đã cặp bờ. Trương Tự Thanh oai phong lẫm liệt trong bộ hoàng bào và kim khôi trên búi tóc. Theo sau là lão Hăc Diêm La, Bạch Phán Quan. Lã Đăng Dung bị giải áp bởi một lão già cổ quái, da đen xạm, tai đeo hai vòng ngà voi to tướng.

Quần hùng nhận ra lai lịch của lão già là người Miêu, ồ lên khiếp sợ. Lão ta là Độc Ông Sài Tật, Phó giáo chủ Xà giáo Vân Quí.

Lã công tử không nói được, chỉ nhìn thân phụ bằng ánh mắt bi thương. Trương Tự Thanh cười nhạt :

- Lệnh lang đã uống kỳ độc của Xà giáo, dù Lã bang chủ có cướp lại được cũng vô ích thôi. Hãy suy nghĩ cho kỹ rồi quyết định đánh hay hàng!

Lã bang chủ mất hẳn vẻ thản nhiên. Lão ta rầu rĩ nhìn con yêu như đang cân nhắc. Cuối cùng Lã Vọng Vân nghiến răng nói :

- Lão phu công nhận tôn giá đã chiếm được thượng phong, Động Đình bang đành chịu lép. Nhưng trước khi xếp giáo quy hàng, lão phu muốn thử với tôn giá một chiêu chưởng pháp! Có như thế lão phu mới không hổ thẹn với mấy ngàn thủ hạ. Tôn giá cứ thả Dung nhi ra đi!

Trương Tự Thanh cười khanh khách :

- Lã bang chủ quả là bậc anh hùng thẳng thắn, lão phu xin tuân mệnh. Sau trận này, Bang chủ cứ cho người đến Nam Dương mà lấy thuốc giải!

Độc Ông mỉm cười hiểm ác, thả Lã Đăng Dung ra. Chàng trai loạng choạng đi về phía cha mình, nét mặt cực kỳ đau khổ. Vọng Vân lạnh lùng gọi :

- Giã nhị đệ! Mau đưa Dung nhi vào trong tắm gội!

Thủy Thượng Phi Giã Xoa vội chạy ra bồng Lã Đăng Dung. Trương Tự Thanh cao ngạo nói :

- Lã bang chủ nổi danh là Thiết Chưởng, chắc không dùng đến binh khí. Lão phu cũng xin đem Toàn Cơ chưởng pháp lĩnh giáo các hạ mấy chiêu. Nếu các hạ đẩy được lão phu lùi nửa bước, Khổng Tước bang sẽ nhận bại, rút lui ngay!

Khẩu khí của họ Trương khiến ai cũng tức tối, nhưng vẫn thầm lo cho Lã Vọng Vân. Trương Tự Thanh có trăm năm công lực và tuỵệt học của Toàn Cơ Thượng Nhân Công Tôn Chí, Liệu Vọng Vân sẽ làm được gì? Họ hồi hộp theo dõi diễn biến của cuộc so tài, lòng nặng trĩu ưu tư! Họ cũng không biết Lã bang chủ sẽ ra lệnh đánh hay hàng? Lã Vọng Vân cười mát :

- Lão phu nhỏ tuổi hơn xin phép ra chiêu trước!

Dứt lời, họ Lã lao vút đi nhanh như ánh chớp, song thủ múa tít tạo nên những màn ảnh chưởng dày đặc, và chẳng hề phát ra chút âm thanh nào.

Trương Tự Thanh thông minh tuyệt thế, gian hoạt có thừa, lập tức nhận ra sự ảo diệu của chiêu chưởng, vội đem chiêu “Toàn Tinh Vi Nguyệt” (Sao Toàn Vây Trăng) ra đối phó. Một màn chưởng kình lấp lánh, những chấm sao xuất hiện, vây kín thân hình họ Trương. Lão ta không muốn giết Lã bang chủ, gây phẫn nộ trong đệ tử Động Đình bang nên chỉ thủ chứ không công!

Chưởng kình song phương chạm nhau nổ vang rền như sấm. Lã Vọng Vân dội ngược ra vì phản chấn. Nhưng Trương Tự Thanh thực sự kinh hoàng trước công lực thâm hậu của đối phương. Lão đã điều tra kỹ càng, biết rõ Lã Vọng Vân chỉ có chừng ba mươi năm tu vi, sao nay lai hơn vài bậc như vậy?

Lã Vọng Vân đã không để đối phương có thời gian suy nghĩ thêm. Ông ta bốc lên cao, giáng xuống đầu kẻ địch. Lần này Trương Tự Thanh không còn dám coi thường, vội phản công bằng chiêu “Thiên Cơ Quyển Nhật” (Sao Cơ Cuốn Mặt Trời). Chưởng kình cuồn cuộn xoáy tít như cơn lốc, quyện lấy lực đạo của đối phương.

Chiêu thức này đã hóa giải gần hết những chiêu thức chưởng của họ Lã, nhưng không ngăn được một đạo kình phong vỗ nhẹ vào vai trương Tự Thanh.

Đòn này không phá được lớp cương khí hộ thân của Khổng Tước bang chủ, chẳng hề gây thương tích. Tuy nhiên, Trương Tự Thanh bỗng nghe choáng váng, và chân khí có hiện tượng đứt đoạn. Lão kinh hoàng thét lớn :

- Độc chưởng!

Trương Tự Thanh chưa kịp tháo lui đã phải đón chưởng thứ ba của đối phương. Lần này Lã Vọng Vân chỉ ra có năm thức nhưng lực đạo cực kỳ mãnh liệt.

Trương Tự Thanh chỉ dồn được ba thành chân khí nên thất cơ, trúng đòn vào ngực, văng về phía sau nửa trượng, máu phun thành vòi.

Quần hùng mừng rỡ reo hò trước chiến thắng của Động Đình bang chủ. Riêng Cương Tiên Phàn Tam Giang, vì hiểu rõ bản lĩnh của nghĩa đệ nên rất hoài nghi. Và từ phía sau lưng quần hào có người dõng dạc quát lên :

- Sát!

Một Lã vọng Vân thứ hai xuất hiện, ra lệnh cho cuộc hỗn chiến! Trương Tự Thanh đã được Độc Ông Sài Tật đỡ lấy, nhét vào miệng một nắm dược hoàn. Còn Hắc Diêm La và Bạch Phán Quan chặn đánh Lã Vọng Vân giả. Nãy giờ chắc các bạn độc giả đã đoán ra ai đóng vai Động Đình bang chủ. Người ấy là Sở Phiêu Trần, chàng đang hối tiếc vì chiêu “Phật Tánh Hà Tại” không giết được kẻ thù.

Phiêu Trần tận dụng “Huyền Huyền Ảo Bộ” di chuyển và liên tiếp tung ra những đạo chưởng phong độc địa. Hai lão ma chỉ chịu được vài chục chiêu chưởng đã bị chất kỳ độc thấm vào da thịt, kinh hãi thoái lui. Hắc Diêm La quát vang :

- Rút thôi! Độc chưởng của gã này đáng sợ thật!

Hai lão và Độc Ông mang Trương Tự Thanh nhảy xuống nước, để hai trăm thủ hạ ở lại làm mồi cho Động Đình bang và các hào kiệt Hồ Nam.

Lã Vọng Vân ra lệnh cho thuyền con lục soát khắp mặt hồ, nhưng cũng chẳng ai tìm ra tung tích bốn lão ma đầu cả! Đám kiếm thủ Khổng Tước bang thấy nguy, nhảy cả xuống nước đào tẩu, lại càng chết nhanh hơn. Đệ tử Động Đình bang bản lãnh cao nhưng thủy tính lợi hại vô song.

Đến cuối giờ Tỵ thì chẳng còn một tên Khổng Tước bang nào sống sót. Máu nhuộm đỏ nước hồ, mùi tanh thoang thoảng khắp nơi.

Tuy chiến thắng oanh liệt như vậy nhưng Lã bang chủ vẫn buồn phiền vì ái tử Lã Đăng Dung bị hạ độc tuyệt kỹ của Xà giáo Vân Quí lừng danh thiên hạ, đã phóng độc thì chỉ có trời cứu! Họ Lã vòng tay, cắn răng nói :

- Dù Dung nhi có chết bởi chất độc, tại hạ cũng hài lòng vì đã đánh cho Khổng Tước bang một trận nhớ đời bảo vệ được cơ đồ Động Đình bang. Tại hạ xin cảm kích chư vị đồng môn đã xả thân tương trợ!

Thiên Xảo chân nhân cười khanh khách :

- Sao Lã thí chủ lại nói cái giọng đưa đám ấy? Muốn cứu lệnh lang thì nào có khó gì?

Lã Vọng Vân mừng rỡ nhìn Chân nhân dọ hỏi. Trang Thứ vẫy Tú Châu :

- Con bé kia! Ngươi định chờ khổ chủ lạy sứt trán mới chịu ra tay hay sao?

Tú Châu thẹn thùng đáp :

- Tiểu nữ đang suy nghĩ xem nên dùng thuốc giải nào?

Nàng bước đến, đưa cho Lã Vọng Vân hai viên giải hoàn có màu xanh, đỏ và dặn dò :

- Bang chủ cho công tử uống viên màu xanh trước, nếu chưa ra mồ hôi và nói được thì cho uống tiếp viên đỏ!

Lã bang chủ nhận lấy, tất tả chạy vào trong. Lát sau, Lão hớn hở chạy ra, chắp tay vái tạ :

- Tứ phu nhân quả là Hoa Đà tái thế. Ơn cứu mạng khuyển tử, Vân tôi xin tạc dạ!

Quần hùng ồ lên, nhìn Tú Châu với ánh mắt khâm phục. Thủy Thượng Phi Xoa hào hứng nói :

- Sở công tử có được người vợ như Tứ phu nhân đây, chẳng khác gì Tề Vương có Chung Vô Diệm tài ba quán thế!

Thiên Xảo chân nhân cười ngất :

- Cái gì mà Chung Vô Diệm! Ngươi đúng là ngốc tử!

Tú Châu vội giật tay áo ông :

- Xin ân sư đừng chế giễu tiểu nữ nữa!

Chân nhân đổi giọng ngay :

- Ừ phải! Bần đạo chỉ nói đùa thế thôi!

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Nga Mi Kiếm Khách

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook