Ngã Vi Trụ Vương Chi Ngạo Khiếu Phong Thần

Chương 271: Nguyên Thủy Thiên Tôn chi thuật

Điểm Tinh Linh

27/03/2013



Khúc Uổng Ngưng Mi Trương Tử Tinh vừa thổi chính là khúc ca (cũng là bài thơ -ND) trong phim truyền hình Hồng Lâu Mộng bản 1987. Bản Hồng Lâu Mộng này được hậu thế xưng làm tác phẩm kinh điển không thể vượt qua, cho dù sau có rất nhiều version mới nhưng bất kể là dàn diễn viên, diễn xuất, âm nhạc đều không thể vượt qua bộ này. Uổng Ngưng Mi càng là tác phẩm siêu việt gắn chặt với tên tuổi mộng Hồng Lâu.

Hồng Lâu Mộng là một trong tứ đại danh thư Trung Hoa, cũng có tên Thạch đầu kí (tên khi Tào Tuyết Cần viết, đến khi Cao Ngạc viết tiếp mới đổi thành Hồng Lâu Mộng –ND) là tác phẩm văn học đỉnh cao về trường thiên tiểu thuyết, đẳng cấp của nó không phải lăn tăn nữa.

Điều Trương Tử Tinh muốn làm là sửa đổi chút bối cảnh tác phẩm kinh điển này, dùng ngôn từ sinh động trực quan hơn kể lại, phối hợp cùng âm nhạc để biểu đạt tốt hơn. Tới lúc Long Cát công chúa nghe bài Hảo liêu ca của đạo sĩ khiễng chân có câu ‘Xưa nay cha mẹ thực khờ thay. Con hiền cháu thảo ai thấy đây!’ trong hồi một Hồng Lâu Mộng thì không khỏi thở dài một tiếng, ánh mắt băng lãnh đượm nét sầu. Rồi thần theo tình tiết phát triển, hai nàng nghe dần phát mê. Trương Tử Tinh kể thẳng một mạch tới hồi thứ ba Lâm Đại Ngọc vào Vinh quốc phủ, Giả Bảo Ngọc thấy nàng đòi đập Thông Linh bảo ngọc mới dừng lại.

Bích Vân nữ đồng nghe chưa đã, nhịn không nổi hỏi: “lão sư vì sao không giảng nữa?”

Trương Tử Tinh cười khổ chỉ sắc trời phía ngoài cung. Long Cát công chúa nhìn lại, thì ra trời đã hoàng hôn tự lúc nào.

Trương Tử Tinh đứng dậy cáo từ: “giờ đã không còn sớm nữa, bần đạo đây xin cáo từ, ngày mai sẽ lại tới bái phỏng”.

Long Cát công chúa suy nghĩ chốc lát rồi nói: “đạo hữu, trong Thanh Loan cung khuyết đây của ta cũng có phòng khách, đạo hữu có thể chọn một gian nghỉ tạm tránh cho ngày mai qua lại mệt nhọc”.

Bích Vân nữ đồng lộ vẻ kinh ngạc, Thanh Loan cung khuyết này của công chúa chưa từng có người lưu lại, đừng nói là một gã nam tử. Nhưng cô bé cũng bị câu chuyện của Trương Tử Tinh hấp dẫn, tuy kinh ngạc nhưng trong lòng lại hết sức tán đồng đề nghị này.

Trương Tử Tinh chau mày nói: “làm vậy không ổn, ta một gã nam tử lưu lại nơi này, chỉ sợ làm tổn thương đến danh dự của công chúa”.

Hắn mồm tuy nói vậy nhưng trong lòng lại hết sức tự cười nhạo mình ra vẻ, nếu giờ đổi thành Hạm Chi Tiên muốn lưu hắn lại Kim Ngao đảo, chắc đã sớm sướng rơn nhảy chồm chỗm lên rồi…

Quả nhiên, Long Cát công chúa lập tức mở lời mời lưu lại, còn khen hắn là chính nhân quân tử, Bích Vân nữ đồng cũng cật lực khuyên nhủ. Trương Tử Tinh cuối cùng “từ chối không nổi” món thịnh tình này “đành” lưu lại, còn kể thêm một hồi nữa mới đi tới phòng khách nghỉ ngơi.

Mấy ngày tiếp đó, Trương Tử Tinh trở thành tiên sinh kể chuyện, phát huy mạnh mẽ tài ăn nói của mình, không ngừng giải thích thêm cùng dùng âm nhạc diễn tấu, khiến cho Long Cát công chúa cùng Bích Vân nữ đồng nghe đến như si như say.

Lúc tạm biệt, Trương Tử Tinh tuy thấy vẻ nuối tiếc của Long Cát công chúa, nhưng hắn biết mình không thể lưu lại đây quá lâu, cuối cùng đành dứt điểm cáo từ rời đi. Long Cát công chúa phá lệ sai Bích Vân nữ đồng tự đưa hắn ra khỏi Phượng Hoàng sơn.

Trương Tử Tinh trở lại Triều Ca không lâu gặp ngay bộ Binh dâng lên quân tình khẩn cấp: nghịch tặc phương nam Ngạc Hoán dùng kế sai bộ hạ trá hàng lừa Bắc bá hầu Sùng Hầu Hổ vào vòng vây, khiến cho quân của Bắc bá hầu tổn thất nghiêm trọng, bản thân bá hầu cũng bị trọng thương không cách nào đấu lại cùng Ngạc Hoán nữa. Giờ đại quân của huynh đệ Sùng Hầu Hổ đang rút lui trở về, may Ngạc Hoán giao chiến cùng Sùng Hầu Hổ đã lâu, quân hắn cũng tổn thất không nhỏ, tạm thời không có khả năng bắc tiến.

Dù khó lắm mới được bữa Thiên tử lên triều, nhưng tin tức này vẫn rất nhanh truyền tới tai nhiều đại thần, không bao lâu cả thành đều đã biết. Thực không ngờ Bắc Bá Hầu giao chiến cùng Ngạc Hoán lâu vậy, vốn đã tập hợp lực lượng chư hầu hoàn toàn chiếm thượng phong, tưởng diệt được phản nghịch tới nơi rồi, không ngờ lại trúng gian kế của địch nhân, bị Ngạc Hoán đánh cho thảm bại.

Trương Tử Tinh tuy trầm mê tửu sắc song cũng không dám lơ là chuyện quân phản nghịch, cuối cùng hạ lệnh triệu tập quần thần, thương nghị chuyện đất nam.

Hồng Cẩm, Khương Văn Hoán chủ động bước ra xin dẫn đại quân tới phương nam dẹp loạn; nhưng cũng có kẻ bảo thủ nhát gan cho rằng: Sùng Hầu Hổ vốn có ưu thế áp đảo mà còn bại trận, xem ra trong đó hẳn có nội tình bí ẩn, giờ nên tăng cường phòng bị ải Tam Sơn, chờ tra rõ địch tình hãy tính tiếp.

Phí Trọng đề nghị: “Tây bá hầu Cơ Xương trung thành vói quốc, có danh hiền nhân, thêm vào năm xưa bị Nam bá hầu Ngạc Sùng Vũ làm liên luỵ bị tù, mà cái chết của Bá Ấp Khảo nghe đồn rằng cũng là do Ngạc Hoán gây ra; vì công vì tư, Cơ Xương hẳn sẽ đều tận lực dẹp loạn, đề nghị Thiên tử ban cho Cơ Xương búa việt cờ mao, lệnh Tây Kỳ thảo phạt nghịch tặc đất nam.”

Đề nghị này lập tức được chúng thần tán thành, ngay mấy đại thần Dương Nhâm, Mai Bá ngày thường vốn bất đồng ý kiến với Phí Trọng cũng không thể không thừa nhận: kế sách này của tên mập tực không sai, vừa thảo phạt nghịch tặc, vừa mượn cớ chiến sự đàng hoàng giảm bớt lực lượng của chư hầu, giảm uy hiếp đối với “trung ương”, tức thì cũng chen mồm đồng ý.

Thiên tử thấy quần thần đều nhất trí với chuyện này, lập tức hạ lệnh: sai Vưu Hồn làm sứ tới Tây Kỳ, ban búa việt vàng cờ mao trắng cho Tây Bá Hầu Cơ Xương, lệnh Tây bá hầu suất quân chinh phạt nghịch thần Ngạc Hoán; đồng thời lệnh tổng binh ải Tam Sơn là Đặng Cửu Công toàn lực phòng bị, tránh để nghịch tặc xâm phạm.

Vưu Hồn mới lên sủng thần, quả nhiên không phụ kỳ vọng của Thiên tử, đi Tây Kỳ một chuyến khá thành công. Tây Bá Hầu Cơ Xương hết sức cảm kích sự tín nhiệm và trọng dụng của Thiên tử, lập tức hoan nghênh sứ giả Triều Ca trước mặt quân dân, nhận lấy búa việt cờ mao, cũng đáp ứng lập tức triệu tập nhan mã, chọn ngày xuất phát chinh phạt phản loạn.



Núi Côn Lôn, một gã đạo nhân cưỡi hươu đạp mây mà tới, dừng phía chân núi. Đạo nhân hạ xuống Mai Hoa Tiên Lộc, bước về phía Ngọc Hư cung, mới đi tới ngoài cung đã trông thấy Bạch Hạc đồng tử.

Bạch Hạc đồng tử thấy đạo nhân, vội vàng cung kính hành lễ, thái độ hoàn toàn khác hẳn như khi đối diện với Thân Công Báo: “lão sư, tiểu đồng xin ra mắt!”.

Nhiên Đăng khẽ gật đầu hỏi: “chưởng giáo thánh nhân có ở đây không?”

Bạch Hạc đồng tử đáp: “khởi bẩm lão sư, chưởng giáo lão gia đã bế quan Ngọc Hư cung vài tháng, tới nay vẫn chưa xuất quan”.

Bế quan rồi? Nhiên Đăng nhíu mày, đang định hỏi rõ hơn thì thấy dị tượng trên không trung đột nhiên sinh ra: mây trắng đầy trời bỗng biến thành mây đen, lại rất nhanh cuồn cuồn tụ trên phía bầu trời Ngọc Hư cung, sấm chớp loè loè. Trong Ngọc Hư cung đột nhiên hiện ra một tia sáng màu lam, từ nhỏ hoá to thành một cột sáng bắn lên tầng mây, tầng mây đang từ màu đen bỗng hoá sang màu tím. Lực lượng của đoàn mây màu tím này tựa hồ cực kì kinh người, ngay mặt đất nơi Nhiên Đăng và Bạch Hạc đồng tử đang đứng cũng chấn động nhẹ.

Trong dư chấn, ánh sáng của đám mây màu tím kia thông qua cột sáng từ từ chiếu xuống Ngọc Hư cung, tiếp đó một tiếng “cắc” cực lớn vang lên, phảng phất như có gì bị vỡ vậy, uy lực bắn ra từ nó cực kỳ đáng sợ, Nhiên Đăng và Bạch Hạc đồng tử cả người nghiêng ngả, cả núi Côn Lôn tựa hồ đều lắc lư.

Chấn động qua đi, mây tím trong không trung tản mất, hoàn cảnh lại khôi phục như cũ. Nhiên Đăng đạo nhân mắt tinh, liếc thấy một điểm lam quang từ phía Ngọc Hư cung bắn ra nhanh hơn điện bay về phía chân trời, so với độn quang của tiên nhân nhiều lắm, nháy mắt đã không thấy đâu.

Nhiên Đăng thấy lam quang kia có chút quen mắt, trong lòng kỳ quái, nhưng chưa chờ hắn kịp kiểm lại trong đầu thì dị tượng đã lại phát sinh. Tiên thảo xanh mướt trên tiên sơn tức thì khô héo ủ rũ, rồi sau lại từ từ khôi phục màu xanh, rồi lại khô héo, cứ lặp đi lặp lại vô số lần như năm tháng nháy mắt qua đi vậy, cuối cùng dừng lại ở dạng khô quắt. Cả cây cối Côn Lôn sơn, có chút còn là thiên tài địa bảo thế gian khó gặp, trong thời gian ngắn ngủi vậy đã hoàn toàn khô héo mà chết! còn may chỉ là thực vật thôi, không ảnh hưởng gì tới động vật và tiên nhân.

Một số môn nhân trên núi Côn Lôn cũng đã phát hiện ra dị tượng, nhất tề chạy về phía Ngọc Hư cung. Do Nguyên Thuỷ Thiên Tôn bế quan nên không ai dám quấy nhiễu, đưa mắt nhìn nhau, thấp giọng bàn luận chuyện vừa xảy ra.

Rốt cuộc là bí thuật gì? Sao lại quỷ dị như vậy?

Rất lâu, tiếng Nguyên Thuỷ Thiên Tôn từ trong Ngọc Hư cung truyền ra: “đồng tử, mời Linh Thứu sơn Nguyên Giác động Nhiên Đăng đạo nhân vào cung, các đệ tử khác tự tán đi, không được lưu lại”.

Chúng tiên nghe lời lập tức tản đi, Nhiên Đăng theo Bạch Hạc đồng tử tiến vào Ngọc Hư Cung.

Nhiên Đăng đạo nhân nhìn ra Nguyên Thuỷ Thiên Tôn có chút mệt mỏi thì không khỏi ngầm kinh hãi. Hắn biết Hỗn nguyên thánh nhân có tấm thân bất diệt, lại có lực hỗn độn, cho dù đại chiến liên tiếp cũng khó có thể bị mệt đến vậy. Xem ra dị trạng vừa rồi hẳn là do một loại bí thuật đặc biệt tạo thành ,khiến cho Nguyên Thuỷ Thiên Tôn hao tổn không ít tâm lực.

Chờ Bạch Hạc đồng tử lui xuống xong, Nhiên Đăng đạo nhân hành lễ nói: “vừa rồi chưởng giáo thánh nhân thi triển thần thông gì vậy, sao lại có dị tượng thế kia?”

Nguyên Thuỷ Thiên Tôn cười nhẹ, tuyệt không trả lời, hỏi sang chuyện khác: “lần đi Tây phương này thế nào rồi?”

Nhiên Đăng tuy rất tò mò song thấy thế đành nhịn lại, đáp: “đi lần này coi như thuận lợi, Tây Phương giáo cũng rất ngạc nhiên trước chuyện Linh Bảo, nói Kim Cương Dạ Xoa minh vương gần đây vẫn ở Tây phương tĩnh tu, chưa từng rời đi Cực lạc thế giới, chuyện Linh Bảo ắt là có người hãm hại muốn gây tranh đấu giữa hai giáo”.

Chuyện đã đến mức này, Nguyên Thuỷ Thiên Tôn cũng không để ý tới cái chết của Linh Bảo đại pháp sư nữa mà là quan tâm một chuyện khác: “ngươi đã dò ý liên hợp của bọn họ chưa?”

Nhiên Đăng đạo nhân đáp: “hai vị thánh nhân Tây Phương giáo đều coi trọng việc này, vốn Chuẩn Đề đạo nhân còn tại Trung thổ, nhưng được Tiếp Dẫn đạo nhân gọi về thương nghị, hai vị thánh nhân nhờ ta chuyển lại một câu…”

Nhiên Đăng đạo nhân nói đoạn dùng tiên thức truyền âm nói ra.

Nguyên Thuỷ Thiên Tôn nghe xong, lông mày nhíu lại, rất lâu mới hỏi: “như ý ngươi, chuyện Tây Phương giáo nên xử lí ra sao?”

Nhiên Đăng đạo nhân nói: “Triệt giáo thế mạnh, giáo ta cùng Tây Phương giáo hợp thì lợi, phân thì thiệt; nhưng dù sao chưởng giáo và Triệt giáo thánh nhân cũng là sư huynh đệ, giờ không nên công khai chuyện qua lại với Tây Phương giáo, tỏ như không có chuyện gì, ngầm sai một hai người chuyên lo qua lại thông tin với Tây phương; cho dù tình thế tương lai có biến phải liên minh với Triệt giáo đối phó Tây Phương giáo cũng không ai thấy là không ổn”.

“Nói đúng lắm, người liên lạc này trừ ngươi không có ai, cố gắng lên”, Nguyên Thuỷ Thiên Tôn khẽ gật đầu: “lần này ngươi xuất lực vì bổn giáo, ra công mệt nhọc, đáng đáng trọng thưởng”.



Nhiên Đăng vừa nghe hai chữ “trọng thưởng” tức thì lộ vẻ vui mừng, liền Nguyên Thuỷ Thiên Tôn nói: “đây có ba khoả Hồi Thiên đan, có thể nháy mắt khôi phục nguyên khí và thương thế; một khối Lưu Quang thạch có thể luyện chế hậu thiên pháp bảo tính thuỷ, đều tặng cho ngươi”.

Nhiên Đăng biết mấy thứ này đều rất trân quý, vội vàng thu lấy cùng tạ ơn Nguyên Thuỷ Thiên Tôn, lại lấy Ngọc Hư Ấn dâng lên trả lại, hỏi một câu: “Chưởng giáo thánh nhân, không biết Côn Lôn tinh ngọc kia…”

Nguyên Thuỷ Thiên Tôn nghe đến Côn Lôn tinh ngọc, chần chừ một lát rồi đáp: “vừa rồi ta dùng Côn Lôn tinh ngọc thi triển đại thần thông phát sinh dị tượng, tinh ngọc kia không ngờ lại phá không bay đi, ta đúng lúc đang làm phép ngăn trở không kịp để nó chạy mất rồi, xem ra giáo ta thực vô duyên với Côn Lôn tinh ngọc”.

Nhiên Đăng đạo nhân tức thì nhớ lại vừa rồi bên ngoài cung nhìn thấy một điểm lam quang bay thoát không trung, không ngờ đó lại là Côn Lôn tinh ngọc, sắc mặt tức thì khẽ biến. Tinh ngọc này là hắn ở Nam Hải khó nhọc lắm mới lấy được, không chỉ đấu với chư tiên Triệt giáo, còn thi kế hại chết Quân đồ lợi minh vương mới thành công; lúc trước đưa cho Nguyên Thuỷ Thiên Tôn mượn đã có chút trù trừ, giờ sự chán nản cùng uất ức trong lòng đâu phải một câu “vô duyên” là có thể giải được?

Nguyên Thuỷ Thiên Tôn nhìn ra vẻ mặt Nhiên Đăng không vui vẻ, nghĩ người này dù sao cũng là đệ nhị cao thủ Xiển giáo, còn mang theo nhiệm vụ trọng yếu, không thể để hắn chán nản được, tức thì nói: “ngươi cũng không nên buồn bã, nếu là hữu duyên, sớm muộn cũng sẽ tìm lại được; giờ tinh ngọc đã mất, vậy ban cho ngươi Ngọc Hư Ấn kia sử dụng”.

Nhiên Đăng nghe thấy, sắc mặt tức thì hoà hoãn không ít, thu lại Ngọc Hư Ấn, tạ ơn chưởng giáo thánh nhân, hai người lại đàm luận đại thế một hồi, Nhiên Đăng đạo nhân mới cáo lui rời đi.

Bước ra ngoài Ngọc Hư cung, cưỡi lên tiên lộc xong, sắc mặt Nhiên Đăng tức thì âm trầm lại: Côn Lôn tinh ngọc liên quan tới Tiên thiên chí bảo Côn Lôn kính, còn mạnh hơn bảo bối mạnh nhất của Nguyên Thuỷ Thiên Tôn là Bàn Cổ phiến, Ngọc Hư Ấn có lợi hại thế nào cũng chỉ là hậu thiên pháp bảo, sao có thể so với Côn Lôn kính được? huống chi chỉ là cho hắn mượn “sử dụng” mà không phải ban hẳn cho!.

Ánh mắt Nhiên Đăng không ngừng chớp động, hừ lạnh một tiếng, cưỡi Mai hoa tiên lộc bay đi. Trên sự thật, lần này hắn tới Tây Phương giáo còn có rất nhiều nội tình không bẩm báo với Nguyên Thuỷ Thiên Tôn: tỷ như, Xiển giáo không thành công trách Tây Phương giáo chuyện Linh Bảo, mà ngược lại, chuyện hắn đánh trộm Quân đồ lợi minh vương tại Nam Hải lại bại lộ, trở thành cớ cho Tây Phương giáo “khuyên bảo” lại hắn. Càng khiến Nhiên Đăng kinh hãi hơn là, Quân đồ lợi minh vương rõ ràng đã hồn phi phách tán, không ngờ lại vẫn chưa chết lại còn phăm phăm mạnh khoẻ xuất hiện trước mặt mình. Còn nữa, lời hứa hẹn rất mê người kia của hai vị thánh nhân Tây Phương giáo…

Nhiên Đăng bẩm kiến nghị “ngầm giữ liên lạc” với Nguyên Thuỷ Thiên Tôn không chỉ là vì Xiển giáo, mà còn vì chính mình. Nếu như việc thành, công lao to lớn tất không thể thuộc về ai ngoài hắn, nói cách khác, hắn có thể quyết định sự thành bại đoạt khí vận sát kiếp lần này, tưởng thưởng hẳn không thể nhỏ. Chỉ là Nhiên Đăng có điều không biết, Nguyên Thuỷ Thiên Tôn cũng có tính toán về kế hoạch của riêng mình, như bí thuật thi triển vừa rồi cũng không bộc lộ với vị “tâm phúc” này nửa câu.

Sát kiếp tới, tứ phương đầy máu, bất kể là phe nào vì sự tồn vong của mình mà không tẫn tâm kiệt lực, ngầm mưu ám kế, cũng không biết kết cục cuối cùng sẽ thế nào…

Trong cơ địa dưới lầu Trích Tinh, Trương Tử Tinh ngả người trên ghế dài, nhìn một cuốn sách mới in trong tay, Thương Thanh Quân nghiêng người sang hỏi: “phu quân, chàng xem gì vậy?”

Trương Tử Tinh đưa cuốn sách cho nàng, thuận tiện hôn lên má một cái. Thương Thanh Quân sắc mặt ửng hồng nhìn quyển sách, tiêu đề là ba chữ “Thôi Ân Lệnh”.

Thương Thanh Quân giở sách lướt qua, càng xem càng kinh dị, nói: “phu quân, sách này thực tuyệt, đáng xưng là hoàn mỹ, hẳn có thể hoá giải được mối nguy chư hầu!”.

Thì ra, nội dung cuốn sách này ghi lại chính là pháp lệnh trứ danh của Hán Vũ Đế nhằm giảm bớt thế lực của chư hầu – Thôi Ân Lệnh. Từ thời Cảnh nhị đế, vấn đề làm sao hạn chế và giảm bớt thế lực của chư hầu ngày càng bành trướng là một mối đau đầu nghiêm trọng với các vua thời Tây Hán, dù cũng thi thoảng thu bớt lãnh địa, song không cách nào giải quyết được vấn đề từ căn bản, nhất là chuyện các đại chư hầu uy hiếp đế đô ngày càng lớn.

Tới khi Hán Vũ Đế lên ngôi, rốt cuộc ban hành ra Thôi Ân Lệnh trứ danh này: nội dung là xoá bỏ chế độ chư hầu trong quá khứ chỉ có thể đem đất phong cùng tước vị truyền cho con trưởng, thay vào đó có thể truyền cho vài người con, trở thành nước phụ thuộc tiểu chư hầu, con ngoài con trưởng liền được phong là Liệt hầu. Cách làm này vừa có thể củng cố chế độ trung ương tập quyền, vừa tránh cho chư hầu bất mãn phản kháng, danh nghĩa là thi ân, thực tế là tách đất phong của chư hầu thành mấy mảnh, thế lực tất nhiên bị giảm bớt.

Thôi Ân Lệnh ban ra xong, các chi của khanh tướng vương hầu được phong thành liệt hầu không ít, có nơi còn tách thành hầu quốc nhỏ bé. Án theo luật pháp thời Hán, hầu quốc tương đương với đơn vị quận huyện, thành ra không khác nào tăng cường quyền hạn cho triều đình. Cứ vậy, triều Hán không ngừng triển khai pháp lệnh này, cuối cùng chư hầu chỉ còn lại lèo tèo vài huyện, không còn có thể uy hiếp tới trung ương nữa.

Trương Tử Tinh nghe Thương Thanh Quân khen ngợi, khe khẽ lắc đầu: “nếu có thể hoá giải sự uy hiếp của chư hầu thì đây thực là sách lược hay, nhưng còn chưa thể gọi là hoàn mĩ”.

Thương Thanh Quân tính vốn hiếu học, vừa rồi đã thấy Thôi Ân Lệnh này tuyệt diệu vô cùng, giờ nghe phu quân nói vậy thì ngạc nhiên lắm, vội hỏi: “chẳng lẽ còn chỗ nào không ổn?”

“Đây là bản chất của chế độ trung ương tập quyền, tuy thực có thể củng cố và phát triển đất nước dưới một thể. Nhưng nếu sách lược này thành, Thiên tử nắm toàn bộ quyền lực trong tay, từ đó tài năng của Thiên tử trở nên cực kỳ quan trọng. Nếu Thiên tử nhỏ tuổi vô tri, không cách nào hoàn toàn nắm vững quyền lực trong tay, ắt sẽ có kẻ ép vua chiếm quyền, như cận thần hay ngoại thích, thậm chí còn vì tranh quyền mà khiến thiên hạ đại loạn”.

Trương Tử Tinh nói không sai, thời mạt Hán chính là ví dụ tốt nhất, hoàng đế vô năng mông muội để ngoại thích và hoạn quan nắm lấy triều chính phá hoại nước nhà, kết quả là cục diện Tam quốc lưỡng Tấn Nam Bắc Triều đại loạn không ngừng sau đó.

“Nếu tương lai có thể nhất thống thiên hạ, vậy có thể dùng sách này giải trừ quân lực của chư hầu”, Trương Tử Tinh lắc đầu nói: “giờ đại thế không thể tránh khỏi, tạm thời không nên nghĩ tới chuyện thực hiện nữa”.

Tại lúc này, Viên Hồng hớt hải chạy lại, mang tới một tin tức kinh người, cho dù Trương Tử Tinh cùng Thương Thanh Quân vốn người đầy hàm dưỡng cũng không khỏi biến sắc – Tây bá hầu Cơ Xương đột nhiên phát bệnh nặng qua đời!.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Ngã Vi Trụ Vương Chi Ngạo Khiếu Phong Thần

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook