Nguyên Soái Bất Đắc Dĩ

Chương 12: Ý định

A Thụy

05/11/2016

Trong lều lớn, quan quân đã có mặt đông đủ. Tôi thấy bọn họ lục tục đứng dậy định nghênh đón, liền ra hiệu cho mọi người ngồi xuống.

Ngoài Lục Ca, những người khác tôi chưa từng tiếp xúc qua. Bọn họ trước đó đã nghe đến chuyện tôi bị mất trí nhớ nên ai nấy đều có vẻ lúng túng, không biết tỏ thái độ thế nào. Khoan nói đến chuyện quyết định rời đi hay ở lại, trước hết còn ở trong quân ngày nào cần phải sắm vai đại nguyên soái ngày ấy cho tròn trách nhiệm. Tôi chào hỏi qua một lượt, lại gọi Trần Đường muốn cậu ta giới thiệu những người quan trọng để tôi làm quen lại.

Trần Đường mỉm cười hướng về bàn gần nhất, người đàn ông ngồi bàn đó nhìn thấy liền đứng dậy. Người này để râu quai nón phủ kín nửa gương mặt, không rõ tuổi tác chính xác, đại khái khoảng ba đến bốn mươi tuổi. Anh ta không cao lắm nhưng hai vai gồ lên nổi rõ cơ thịt săn chắc, nhất định là một viên mãnh tướng. Trần Đường gọi anh ta là Ngụy Quân. Ngụy giáo đầu, phụ trách việc huấn luyện binh sĩ toàn doanh.

Tôi hơi cúi người, bưng lấy vò rượu trên bàn rót vào cái chén bên cạnh, đưa cho Ngụy Quân. Bản thân cầm vò rượu lắc lắc nhìn anh ta cười, khẽ cụng chén. Anh ta chắp tay rồi sảng khoái uống cạn. Tôi cũng tu liền mấy ngụm, vỗ vỗ vai Ngụy Quân:

“Trước kia thế nào thì hiện tại cũng cứ như thế, chớ khách sáo. Trần Ngạn đối với những việc đã xảy ra đều có chút mơ hồ, về sau còn cần mọi người chiếu cố”.

Anh ta nghe tôi nói thì thả lỏng, không còn dè dặt nữa, tươi cười gật mạnh đầu:

“Nguyên soái cứ việc phân phó là được”.

Trần Đường bước về chiếc bàn kế tiếp. Người đàn ông thứ hai khiến tôi có cảm giác thập phần quen thuộc. Chà, người này chắc không có họ hàng gì với Dục quân sư ở thành Bắc Bình đấy chứ?

Quả nhiên, Trần Đường thấy ánh mắt tôi thì tủm tỉm cười:

“Quách Đông tiên sinh, tham quân”.

Chả trách lại quen mắt như vậy. Những người làm cái chức cố vấn quân sự này ấy mà, mười người thì hết chín người để râu dài. Có lẽ các vị ấy cảm thấy mỗi khi bày mưu hiến kế mà không vuốt râu lại khiến người khác nghĩ họ không “cao thâm khó lường”. Tôi cũng uống với Quách tiên sinh, không vỗ vai ông ta mà chắp tay hơi khom lưng vái một cái. Quách Đông vội nghiêng người, không dám nhận lễ của cấp trên. Tôi cười cười bước tới bàn thứ ba.

Trước mặt là một chàng trai còn khá trẻ, da dẻ trắng trẻo, trông cũng khá tuấn tú. Duy chỉ có cặp mắt là có chút giảo hoạt. Không đợi Trần Đường mở lời, cậu ta đã lên tiếng:

“Thuộc hạ Lạc Doanh, phụ trách lương thảo”.

Thì ra là một quan quân nhu. Chức quan này đảm đương từ việc vận chuyển lương thực cho toàn quân, đến việc phân chia thực phẩm, trang phục các mùa, binh khí các loại cho từng bộ phận. Tôi rót rượu cho cậu ta, rồi cầm vò rượu của mình, cười đùa nói:

“Việc ăn mặc sau này đều trông cậy vào Lạc tướng quân rồi”.

Cậu ta cười ngượng ngùng nói sẽ không phụ sự kỳ vọng của tôi, rồi uống cạn ly rượu.

Cứ đi chào hỏi như vậy một vòng, đến chỗ người sau cùng cũng là lúc vò rượu trong tay tôi chỉ còn vài hớp. Người đàn ông ở bàn cuối cùng trạc tuổi Trần Ngạn, khoảng hai lăm, hai sáu. Thân thể anh ta rất cường tráng, chiếc áo vải trên người hơi bạc màu, không che nổi vòm ngực rộng, khiến người ta dễ liên tưởng đến loài báo săn có cơ thể linh hoạt, mạnh mẽ trong tư thế bung mình như cánh cung đuổi theo con mồi.

Trần Đường nói cho tôi biết, người này tên Vệ Giai, là một Lữ tướng, dưới trướng Ngụy giáo đầu, quân hàm không cao, nhưng từng cứu mạng Trần Ngạn. Nên cho dù họp bàn đánh trận không có phần anh ta, nhưng những bữa tiệc nhỏ như thế này lại không bỏ qua anh ta được.



Tuy nhiên, người đối diện ánh mắt rất sáng, mày rậm, mũi thẳng, nhìn tôi chắp tay gọi: “Nguyên soái”. Không hề tỏ vẻ được coi trọng mà làm cao. Anh ta tự rót rượu rồi nâng chén, cung kính giơ ra trước mặt. Trông thấy cách Vệ Giai uống rượu, tôi biết đây là một người biết uống. Tôi cười nói nhỏ, bảo anh ta rảnh rỗi cứ tìm mình uống rượu. Vệ Giai vui vẻ đáp ứng.

Quay trở lại bàn của mình, tôi có chút cồn cào trong bụng. Không phải vì uống nhiều, từ năm mười bảy tuổi đến tận lúc chết vì động đất, hầu như mỗi ngày tôi đều bầu bạn với rượu. Trước khi đi ngủ đều uống vài ly mới có thể an ổn thiếp đi. Chỉ là bụng đói uống rượu, nên có cảm giác không được thư thái.

Tôi đặt vò rỗng xuống bàn, đưa mắt nhìn khắp lượt những người đang có mặt trong lều. Bọn họ cũng tập trung ánh mắt nhìn tôi chăm chú. Tôi hơi cười, nói:

“Chuyện tôi mất đi ký ức, mọi người hẳn đều đã nghe nói. Lần này về kinh, hoàng thượng có lệnh muốn Trần Ngạn tiếp tục giữ ấn soái, cùng mọi người hợp lực đuổi quân giặc ra khỏi quan ải. Đối với quân tình, tôi có rất nhiều điều đã quên nên không nắm rõ tình hình. Các vị tướng quân nếu cảm thấy tôi nói sai, làm sai, nhất định phải lên tiếng cảnh báo, chớ để Trần Ngạn mắc sai lầm mà làm hỏng việc. Trong quân cũng không cần quá câu nệ, chúng ta tuân thủ quân quy là được, lễ tiết rườm rà thì nên bỏ qua. Mọi người có ý kiến gì không?”.

Lục Ca ngồi bên phải kéo tôi ngồi xuống:

“Đệ trước tiên ăn chút gì đi, trước kia cũng không biết đệ có thể uống nhiều như vậy”.

Trần Đường ngồi bên trái cũng cười:

“Đại ca lúc nãy còn than đói, nãy giờ lại mải uống rượu”.

Nói rồi gắp đồ ăn vào đĩa trống trước mặt tôi.

Những người khác tươi cười phụ họa, nói không có ý kiến gì. Tôi thấy bọn họ không dám đụng đũa trước mà đều đợi mình, thì gắp thức ăn cho vào miệng, lại bảo mọi người chớ khách sáo.

Trong lều không khí khá hòa hợp, ấm áp. Nghĩ một chút, tôi ngước mắt hỏi:

“Không biết tình hình quân ta và địch chênh lệch thế nào? Đối với việc hoàng thượng giao phó, các vị tướng quân có kế sách gì không?”.

Ngụy giáo đầu đặt đũa xuống bàn, ngẩng đầu đáp:

“Về quân số, địch và ta chênh lệch không lớn. Trong tay Tô Khải Bạch có khoảng ba mươi vạn binh mã. Bộ binh hai mươi lăm vạn, kỵ binh năm vạn. Đại doanh của chúng ta có hai mươi vạn, các thành khác có thể tập hợp thêm mười lăm vạn. Chỉ là việc mượn quân từ nơi khác sẽ mất thời gian”.

Tôi hiểu rõ gật đầu. Muốn xin viện quân phải hỏi ý hoàng đế thanh niên, cho dù anh ta đồng ý, việc đi lại, điều động nếu nhanh cũng phải nửa tháng. Dùng đầu ngón chân nghĩ cũng biết, Tô Khải Bạch sẽ không cho tôi có cơ hội tập hợp thêm binh mã.

Mấu chốt của chuyện tôi có thể an toàn rời khỏi nơi nước sôi lửa bỏng này, chính là cái mũ đại nguyên soái đội ở trên đầu. Chỉ cần không còn là đại nguyên soái chinh Bắc, thì tôi giả chết hoặc bỏ đi mới không có người truy tung. Mà biện pháp duy nhất chính là đá chân Tô Khải Bạch ra khỏi Chu quốc. Không còn giặc ngoại xâm, thì sẽ không còn cần đến đại nguyên soái gì nữa.

Tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc, gọi binh sĩ mang sa bàn vào. Trên sa bàn mô tả chi tiết địa hình khu vực các thành trì và sông núi xung quanh. Đại bộ phận các thành đều cắm cờ nhỏ màu đỏ, biểu trưng chủ quyền của Đại Chu. Có một điểm cắm cờ đen, chính là thành Tùy Châu, bị quân Bắc Tề chiếm đóng. Tô Khải Bạch đang đóng quân ở đấy.



Thành Tùy Châu cách nơi này mấy ngọn núi, nếu vẽ thành một đường thẳng thì ở giữa chính là thành Bắc Bình. Lần trước Ngô Phi mà thực hiện gian kế thành công, phá được thành Bắc Bình, thì sẽ mở được đường cho quân Bắc Tề đánh thẳng tới đây. Chỉ cần hạ được thành Nhữ Bình, tập trung binh lực hạ thêm hai thành lớn sẽ chiếm được toàn bộ phía Bắc của Đại Chu, nuốt trọn nửa giang sơn của hoàng đế thanh niên.

Ngược lại, muốn đuổi Tô Khải Bạch cuốn gói về quê cày ruộng, phải chiếm lại thành Tùy Châu. Mà địa hình xung quanh nơi này nhiều sông ngòi, rừng núi, ít thảo nguyên. Không thích hợp dùng kỵ binh, quân số bên này so với kẻ địch lại chỉ bằng hai phần ba. Giao chiến trực diện phần thắng quá nhỏ. Nếu đánh du kích, dùng mưu lấy ít thắng nhiều lại cần thời gian. Bởi vì Tô Khải Bạch là danh tướng của Tề quốc. Đấu trí với anh ta, tôi cũng không biết có phải bản thân không biết tự lượng sức hay không. Nhưng anh ta không về nước, tôi cũng sẽ không thể phủi mông bỏ đi được.

Có lẽ tôi suy nghĩ quá nhập tâm, Lục Ca thấy tôi ngưng thần không nói gì thì khẽ gọi:

“A Ngạn?”.

Tôi lắc lắc đầu nói không có gì, lại quay sang hỏi Lạc Doanh:

“Tình hình quân thảo của ta và địch thì thế nào?”.

Hiện tại đã sắp vào đông. Thời tiết rét lạnh không thể đánh nhau. Thứ nhất, lương thực, quần áo ấm, thuốc men quá tốn kém. Các vị hoàng đế đều cảm thấy bỏ ra nhiều tiền như vậy thì rất lỗ vốn, có thắng được cũng mất đi quá nhiều tài vật. Thà để tiền ấy may xiêm áo, mua trang sức tặng cho mỹ nhân còn có ích hơn. Thứ nhì, gió lạnh, tuyết rơi, mọi người sẽ không có tâm trạng đi đánh trận. Mùa đông mà, so với việc đứng trong tuyết lạnh hô hào chém giết, chân tay run lẩy bẩy, thì ở trong nhà trùm chăn, uống rượu chẳng phải tốt hơn sao?

Không ngoài dự liệu, Lạc Doanh nói:

“Hoàng đế Bắc Tề đối với Tô Khải Bạch không bạc, quân lương cung cấp cho hắn rất đầy đủ. Chỉ là chiến sự kéo dài từ đầu năm đến giờ, nếu còn kéo dài quá lâu, hai bên đều sẽ bị giữ chân. Các nước khác nếu muốn nhân cơ hội làm ngư ông, chúng ta cùng bọn chúng chỉ có thể đình chiến. Chúng ta không muốn mất thành Tùy Châu, mà Tô Khải Bạch cũng không muốn thất bại quay về. Đầu năm sau, nhất định sẽ lại có chiến sự. Còn lương thảo của ta, vì theo quân quy, trong thời gian không có trận chiến nào thì lương thực phải tự túc. Lương thảo dự trữ vẫn đủ để thoải mái vượt qua mùa đông, nhưng theo quy định, các binh sĩ vẫn hằng ngày lên rừng săn bắn, ra suối bắt cá, về doanh trồng rau, nuôi gà vịt. Cho nên, lương thảo chúng ta so với địch thì dồi dào hơn hẳn, nguyên soái cứ an tâm”.

Tôi giật giật khóe môi. Quá an tâm ấy chứ! Hoàng đế thanh niên à, anh cũng không phải keo kiệt bình thường đâu. Cũng không biết anh ta trả lương cho quân lính bao nhiêu mà có thể ngược đãi bọn họ như vậy. Lúc giặc tới thì quăng bọn họ ra tiền tuyến, đánh thắng mới được trở về, thua phải tiếp tục đánh, tới khi nào đuổi cổ quân địch ra khỏi quan ải mới hoàn thành nhiệm vụ. Lúc giặc nghỉ giải lao, an nhàn nghỉ đông, anh ta lại cho quân lính của mình tham gia sản xuất, tự kiếm cơm nuôi miệng. Đúng là vị hoàng đế có đầu óc kinh tế! Tôi thật bội phục anh ta. Chẳng qua là, nhờ quy định đó của anh ta mà tôi không phải lo nghĩ chuyện nuôi quân. Đồng thời, tôi lại nảy ra một ý định.

Thấy tôi bỗng dưng cười rất gian ác, những người bên cạnh đều trố mắt nhìn. Lạc Doanh nuốt nước bọt, hỏi:

“Có phải nguyên soái nghĩ ra diệu kế gì hay không?”.

Tôi nhếch môi cười, liếc mắt nhìn bọn họ, vui vẻ đáp:

“Tôi có chút ý tưởng thôi. Còn phải suy xét kĩ càng. Hôm nay chúng ta nói đến đây thôi, nếu quân tình đã không có gì gấp gáp, chúng ta cứ án binh bất động, dưỡng sức đợi qua Tết quyết chiến với Tô Khải Bạch bọn chúng là được”.

Bọn họ nghe tôi nói vậy thì không hỏi thêm, chỉ có ánh mắt vẫn nhìn tôi đầy tò mò. Tôi cười thầm trong bụng. Thứ tôi nhắm đến, chính là lương thảo của Bắc Tề!

Tôi muốn xin viện quân từ triều đình rất phiền phức, lại mất thời gian. Tương tự, Tô Khải Bạch cũng không thể xin thêm quân và lương thảo. Hoàng đế Bắc Tề cung cấp cho anh ta đủ đồ chơi. Binh mã, lương thực đều không thiếu thốn. Tôi không thể mau chóng giết bớt người của anh ta, vậy chỉ còn đường cướp đi lương thảo của anh ta. Hoàng đế Bắc Tề hào phóng, hoàng đế thanh niên của tôi thì keo kiệt. Nhưng ngược lại, sự keo kiệt đó lại giúp tôi. Bọn tôi bên này có thể tạo thêm lương thực, còn Tô Khải Bạch cùng người của anh ta thì không thể!

Anh ta muốn sang năm đánh tới? Nhưng tôi lại cứ muốn động thủ trước đấy!

Tôi vui vẻ hạ lệnh giải tán, bảo mọi người ai về lều nấy ngủ. Tôi cũng ôm một vò rượu, định bụng tìm một chỗ vừa uống vừa suy tính kế sách để đánh cướp lương thảo.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Nguyên Soái Bất Đắc Dĩ

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook