Nhạc Phi Diễn Nghĩa

Chương 42: Hồi thứ bốn mươi hai

Mộng Bình Sơn

12/01/2015

Hàng loạt câu móc còn chưa kịp móc vào người Nhạc Vân thì chàng hét lên một tiếng như sấm nổ, con ngựa xích thố vội tung mình nhảy phóc lên khỏi hầm, chàng thừa thế vung song chùy đánh dạt câu móc ra rồi giục ngựa chạy mất.

Tên đầu đảng của bọn ăn cướp này chính là con thứ của Lưu Dự tên là Lưu Nghê, khi gã bị Ngột Truật truy nã liền trốn đốn đây tụ tập lâu la làm nghề bất lương.

Hôm ấy Lưu Nghê đang ngồi trên núi trông chừng chợt thấy Nhạc Vân sa hầm vội hô quân bắt nhưng Nhạc Vân thoát khỏi, Lưu Nghê nhìn theo thấy chàng cưỡi con ngựa xích thố đẹp quá, lòng tham nổi dậy vung đao dẫn lâu la đuổi theo.

Nhạc Vân chạy ra khỏi cụm núi thì trời đã tối, chàng ngó vọng về phái xa có xóm nhà ánh đèn leo lét, liền cho ngựa rảo bước lần đến.

Chàng đến một tòa nhà to lớn thấy thấy tên trang đinh từ trong nhà đi ra định đóng cửa ngõ lại. Nhạc Vân xuống ngựa nói:

- Tôi là khách đi đường, đến đây trời tối không nơi tá túc xin anh làm hơn cho tôi vào nghỉ nhờ một đêm.

Trang đinh nói:

- Viên ngoại nhà tôi là người nhân hậu lắm, song bây giờ người đã nghỉ rồi, tôi không dám vào bẩm báo, vậy phiền quý khách tạm nghỉ ở căn phòng này nhé. Nhưng ngặt nỗi không có chăn chiếu gì cả.

Nhạc Vân đáp:

- Không hề gì đâu, miễn có chỗ nằm là tốt lắm rồi, nghỉ đỡ một đêm có gì đáng ngại, chỉ lo con ngựa của tôi không biết làm sao đây?

Trang đinh nói:

- Việc ấy tiểu khách quan chớ lo, vì trong nhà cũng có nuôi ngựa, để tôi vào lấy cỏ mang ra đây cho nó ăn.

Nhạc Vân tạ ơn rồi hỏi thăm gia chủ là ai, trang đinh đáp:

- Nơi đây gọi là Củng gia trang, chủ tôi tên là Củng Chi tính tình lịch thiệp ưa giao tiếp khách, phải chi tiểu khách đến sớm một chút thì chắc được người hậu đãi lắm đấy, bây giờ thì trễ xin chịu cực một chút vậy.

Nhạc Vân nói:

- Được như vậy là tốt lắm rồi còn mong gì hơn nữa?

Nhắc việc Lưu Nghê dẫn lâu la rượt theo Nhạc Vân, nhưng con ngựa xích thố của Nhạc Vân chạy mau quá không tài nào theo kịp, bóng tối lại dần dần phủ xuống bao trùm cả vạn vật, Lưu Nghê hỏi lâu la:

- Phía trước đây là chỗ nào?

Lâu la bẩm:

- Dạ phía trước đây là Củng gia trang.

Lưu Nghê nghĩ thầm:

- Nghe đâu Củng Chi có đứa con gái đẹp lắm, tiện đây ta vào bắt đem về làm yểm trại phu nhân.

Nghĩ rồi truyền lệnh cho lâu la đánh vào Củng gia trang. Bọn trang đinh thất kinh chạy vào phi báo với Củng Chi. Củng Chi tập họp hết trang đinh ra chống cự với Lưu Nghê, nhưng không chống cự nổi bị Lưu Nghê thôi thúc lâu la bao vây đánh rất gắt. Trong cơn nguy cấp ấy Nhạc Vân giật mình thức dậy vung song chùy chạy ra quát lớn:

- Loài ăn cướp ở đâu dám đến đây hoành hành? Hãy nạp mạng cho ta.

Vừa nói vừa vung chùy đánh tới tấp, Lưu Nghê chẳng kịp đề phòng bị Nhạc Vân đánh một chùy vỡ sọ chết tươi, lâu la thấy chủ trại chết rồi vội bỏ chạy tán loạn, Nhạc Vân rượt theo đánh nát thây bảy tám tên lâu la nữa. Củng Chi chạy theo đón Nhạc Vân trở lại, dắt chàng vào đến tận trung đường và nói:

- Ân công đã giải cứu cho cả nhà tôi, xin cho biết quý tính danh để phòng ngày sau lo bề báo đáp.

Nhạc Vân nói:

- Tôi là Nhạc Vân con lớn của Nhạc Nguyên soái ở tại huyện Thang âm.

Củng Chi nghe nói liền đứng dậy nói:

- Té ra là công tử đây mà tôi không biết nên thất lễ, xin công tử miễn chấp.

Nói rồi hối gia đinh thết đãi, một mặt sai người đi thu nhặt xác của bọn lâu la chôn cất. Lúc ấy Củng phu nhân ở trong lén nhìn ra thấy tướng mạo Nhạc công tử khôi ngô, vội sai người ra mời viên ngoại vào nói nhỏ:

- Tôi xem công tử này tuổi còn nhỏ chắc chưa có vợ đâu hãy gả con gái mình cho người ấy thì xứng lắm; chẳng biết ý ông thế nào?

Viên ngoại nói:

- Được như vậy thì còn gì quý hóa cho bằng, nhưng để tôi lựa tìm lời dò hỏi xem đã.

Rồi viên ngoại trở ra nói với Nhạc Vân:

- Hôm nay nếu không có công tử ra tay thì chắc chắn cả nhà lão gia bị hại rồi, ân đức ấy không biết báo đáp bao nhiêu cho vừa, may thay vợ chồng lão gia chỉ sinh được một đứa con gái tuổi vừa mười bốn muốn gả cho công tử để đền lại cái ân đức cao dày kia, mong công tử chớ chối từ.

Nhạc Vân nói:

Lão bối rủ lòng thương tiểu tử rất cảm ơn, song việc hôn nhân vô cùng hệ trọng, tiểu tử cần phải bẩm lại với mẫu thân rồi mới dám quyết định.

Viên ngoại nói:

- Công tử nói phải lắm, song tôi muốn công tử để lại vật chi làm tin, chờ khi nào bẩm lại lệnh tôn và lệnh đường hay rồi sẽ tính việc nghênh hôn có được không?

Nhạc Vân thò tay vào túi lấy ra mười hai đồng tiền điếu và nói:

- Tiền này tiểu tử đeo tự thuở bé đến giờ trên cổ để ếm trừ ma quái, nay xin trao vật này để làm tin, chờ đến lúc thái bình xin sẽ đến nghênh hôn.

Viên ngoại nhận tiền đem cất rồi truyền gia đinh dọn chỗ cho Nhạc Vân nghỉ ngơi.

Hôm sau trời vừa rạng đông, Nhạc Vân từ biệt viên ngoại thẳng lên Ngưu Đầu sơn.

Nói về Ngưu Cao ở tại Ngưu Đầu sơn đang nằm trong trướng buồn rầu về việc mất Cao Lũng chợt quay đầu ngó lại trông thấy Thang Hoài ngồi một bên, Ngưu Cao nói:



- Thang nhị ca, bây giờ đệ không khóc nữa đâu.

Thang Hoài nói:

- Nếu hiền đệ không khóc nữa thì ta về bẩm lại cho Nguyên soái mừng.

Nói rồi từ giã Ngưu Cao trở về dinh mình! Thang Hoài về rồi, Ngưu Cao gọi gia tướng sai dọn rượu thịt một mâm bưng lên mộ Cao Lũng.

Đến nơi, Ngưu Cao đặt mâm cỗ lên mộ, rót rượu đốt hương rồi lớn tiếng kêu "em ơi? em ơi?" nhưng kêu hoài chẳng thấy, lại khóc rống lên, khóc hết sức rồi nhào xuống bên mộ nằm thiếp đi.

Đêm hôm ấy nhằm tiết Trung thu trăng thanh gió mát, Nhạc Nguyên soái bèn dắt Trương Bảo đi xem xét địch tình, khi đến dinh Ngột Truật thấy binh mã đông hằng hà sa số, Nhạc Nguyên soái nghĩ thầm: "Binh

chúng đông quá làm sao có thể bảo hộ chúa công xuống núi được. Rồi một ngày nào lương thảo hết sạch biết liệu sao?"

Rồi Nguyên soái nhìn về phía Tây của trại Phiên thấy sát khí hừng trời, trong lòng càng thêm lo ngại, về đến dinh lòng vẫn không an, vội sai Trương Bảo đi truyền cho các dinh phải canh phòng nghiêm ngặt những nơi xung yếu.

Cũng đêm ấy, vua Cao Tông tại Ngọc Hư cung thấy Lý Can một mình vòng tay đứng chầu sát bên, vua bảo:

- Trẫm nghĩ lại phận mình rất lao đao khổ sở, lúc trước đây bị Phiên bắt đem về nước, may nhờ lão khanh đem huyết chiếu đến mới trốn về được lên ngôi tại Kim Lăng, rồi lại bị Kim Phiên theo đuổi bắt, nếu không nhờ Ngữ Hiển Linh Quang thì làm sao đến đây được? Chẳng biết đến lúc nào mới hưởng được thái bình?

Nói đến đây liền sa nước mắt. Lý Can thấy vậy nói:

- Xét ra bệ hạ vẫn còn có phúc, chứ như Nhị Đế ở tại đất Phiên, ngồi dưới giếng nhìn trời, ăn thịt trâu.uống nước mỡ ngày nào cũng như ngày nào, thì khổ biết chừng nào?

Cao Tôn nghe nói đến Nhị đế bèn khóc òa lên, Lý Can phải khuyên giải đôi ba phen mới nín. Lý Can lại nói:

- Phàm người ở đời như áng phù vân, nỗi buồn nhiều chứ niềm vui chẳng được bao nhiêu, nay nhân lúc Trưng thu trăng tỏ, xin bệ hạ hãy đi xem trăng chơi cho đỡ buồn.

Cao Tông gật đầu đáp:

- Thế thì lão khanh hãy đi với trẫm.

Lý Can liền thắng hai con ngựa rồi phò Cao Tông ra khỏi Ngọc Hư cung, vua tôi lên ngựa đến Linh Quang điện. Người canh giữ nơi đây là quan Đô Thống Đào Tấn vừa trông thấy vua đã quỳ xuống tiếp giá và nói:

- Thần vâng lệnh Nhạc Nguyên soái canh giữ nơi này, nếu bệ hạ đi xuống rủi ro có bề gì thì chắc thần có tội lớn.

Cao Tông nói:

- Khỏi phải lo, Nhạc Nguyên soái có bắt tội khanh thì trẫm xin cho.

Đào Tấn không biết sao đành để cho Cao Tông đi, Vua tôi lại dắt nhau xuống Hà Diệp lãnh. Đến đây, bọn Gia Cát Anh cũng ra quỳ, cản lại.

Cao Tông nói:

- Phàm có việc chi, có trẫm đây các khanh có can chi mà ngại.

Bọn Gia Cát Anh cũng phải để cho vua đi, nhưng căn dặn Lý Can:

- Xin thái sư hãy khuyên vua trở về cho sớm chớ nên ở lâu.

Lý Can gật đầu rồi hai người giục ngựa đi xuống núi. Lý Can nói:

- Đây đã gần dinh Phiên rồi, bệ hạ nên dừng lại đây xem chơi tý rồi về cho sớm.

Ngờ đâu Ngột Truật đêm hôm ấy trông thấy trăng tỏ như ban ngày cũng rủ quân sư Hấp Mê Xi đi xem trăng chơi, bỗng nghe trên núi có tiếng người nói chuyện, Ngột Truật vội nấp vào bóng tối rình nghe, rõ ràng là tiếng Khương Vương, liền quay lại nói với quân sư:

- Người trên núi kia chính là Khương Vương, để ta lên bắt hắn ngay, quân sư hãy về dinh phát đại binh đến đây cướp núi cho mau.

Lúc ấy Cao Tông đang nhìn xuống dinh Phiên lẩm bẩm chửi mắng Ngột Truật, chẳng dè Ngột Truật lên gần tới, liền kêu lớn:

- Bớ Vương nhi, làm gì mà chửi màng cha dữ vậy, có cha lên đây.

Vừa nghe tiếng Ngột Truật, Cao Tông và Lý Can kinh hồn hoảng vía quay ngựa chạy như bay. Ngột Truật giục ngựa đuổi theo sát gót. Bọn Gia Cát Anh ở trên núi thấy thế vội vã chạy xuống ngăn cản Ngột Truật, còn quân sĩ thì lập tức chạy về báo với Nhạc Nguyên soái:

- Bẩm Nguyên soái, Thiên tử lén đi dạo chơi xuống khỏi Hà Diệp lãnh bị Ngột Truật rượt theo bén gót, bây giờ đã chạy gần đến trên núi rồi.

Nhạc Nguyên soái nghe báo kinh hãi vội truyền quân thắng ngựa cho mau, nhưng Trương Bảo lại thưa:

- Vì quá gấp rút, Trương công tử đã cưỡi con ngựa của lão gia đi cứu giá rồi.

Vì vậy Nhạc Nguyên soái phải đi bộ.

Nói về Trương Hiến, khi nghe quân báo trong lòng bấn loạn vội tung mình nhảy ra vừa thấy con ngựa của Nhạc Nguyên soái liền nhảy lên phi như bay xuống núi, thấy bọn Gia Cát Anh đều bị Ngột Truật đánh rạp qua một phía chống cự với Ngột Truật không nổi nữa, Trương Hiến giục ngựa xông vào nhằm ngay mặt Ngột Truật đâm thẳng một thương.

Ngột Truật trông thấy thương pháp lợi hại quá không dám đỡ phải nghiêng đầu qua tránh né, nhưng không kịp bị mũi thương xót ngang qua rách toét mang tai máu xối xuống đỏ cả mặt mày, thất kinh quay ngựa chạy xuống núi, Trương Hiến phi ngựa đuổi theo.

Lúc ấy Nhạc Nguyên soái vừa đi xuống nửa đường gặp Cao Tông vội quỳ xuống nghênh tiếp rồi nói với Lý Can:

- Thái sư là tay chân của bệ hạ, sao lại dắt bệ hạ đến chỗ hiểm địa như vậy?

Lý Can đáp:

- Quả là tôi đáng tội.

Sau đó Nhạc Nguyên soái mời Cao Tông trở về Ngọc Hư cung, còn Trương Hiến thừa thế rượt theo Ngột Truật chạy thẳng vào dinh. Trương Hiến tả xung hữu đột đem trọn mười phần công lực ra sử dụng, Phiên tướng không tài nào cự lại được. Ngột Truật túng thế phải chạy thẳng ra sau dinh mà trốn. Trương Hiến giết cho một hồi mỏi tay mới chịu trở về núi.

Nói qua Ngưu Cao đêm ấy đang ngủ bên mồ Cao Lũng bỗng nghe bên tai có tiếng kêu:

- "Ngưu đại ca, hãy thức dậy đi lập công".

Ngưu Cao giật mình thức dậy còn đang mơ màng vội nhảy thoắt lên lưng ngựa phi thẳng xuống núi, các tưởng trông thấy ngỡ là có lệnh Nguyên soái sai đi nên không dám cản, cũng chẳng thông báo, còn Ngưu Cao cứ việc múa song giản xông đại vào dinh Phiên đánh túi bụi.



Tiểu Phiên chạy ra sau phi báo, Ngột Truật nổi giận nghiến răng nói:

- Tên Nam man họ Ngưu ấy cũng dám khinh ta đến thế ư?

Liền lên ngựa vung búa ra đánh với Ngưu Cao.

Ngưu Cao vừa trông thấy Ngột Truật biết mình không phải là tay đối thủ, trong lòng thất kinh toan bỏ chạy, chợt nghe bên tai có tiếng nói nhỏ:

- "Có linh hồn đệ giúp cao huynh đây, hãy đánh với nó đi đừng sợ".

Ngưu Cao vững tâm vung song giản đỡ nhát búa đối phương ra rồi vận hết lực đánh xuống một giản. Ngột Truật không tài nào tránh kịp bị trúng một giản nhằm bả vai đau quá, quay ngựa chạy dài. quân Phiên ào tới vây chặt Ngưu Cao vào giữa. Ngưu Cao tả xung hữu đột mồ hôi ướt đẫm áo mà không thoát khỏi vòng vây, bèn lớn tiếng kêu:

- Cao đệ ơi! Hãy giúp ta với.

Binh Phiên nghe Ngưu Cao kêu Cao Lũng, chúng cười rộ lên nói với nhau:

Ngưu Cao đã mê sảng rồi nên mới kêu ma, gọi quỷ như vậy, chúng mình hãy áp tới bắt trói quách cho rồi.

Tuy vậy nhưng muốn bắt được Ngưu Cao đâu phải chuyện dễ. Vì vậy cuộc chiến này vẫn tiếp tục kéo dài, hãy tạm dừng lại đây để nói qua việc Nhạc Vân.

Nhạc Vân đi đến Ngưu Đầu sơn cũng vào đêm ấy, chàng thấy dinh trại quân Phiên đóng khít nhau nối dài hơn mười dặm, mừng rỡ nói một mình: "May quá, quân Phiên vô số, mặc sức cho ta giết?".

Nói rồi giục ngựa vung chùy xông vào hét lớn:

- Ta là Nhạc Vân công tử quyết đến phá tan dinh trại chúng bay đây!

Vừa hét vừa giơ chùy đánh vào, quân Phiên ngăn đỡ không nổi vội chạy và phi báo cho Ngột Truật hay. Ngột Truật cả giận xách búa lên ngựa đến đánh Nhạc Vân, vừa trông thấy Nhạc Vân, Ngột Truật đã quát tháo:

- Tiểu quỷ kia, đừng có hung hãn, hãy xem chiếc búa ta đây này.

Miệng hét, tay vung lưỡi búa sáng ngời nhằm Nhạc Vân chém sả xuống, nhưng Nhạc Vân không chút nao núng vung chùy tay phải đỡ văng ra ra rồi dùng chùy tay trái nhằm ngay mặt Ngột Truật đánh bổ xuống.

Ngột Truật thấy quả chùy mạnh quá không dám đỡ phải thối lui ra sau ba bước tránh né, nhưng quả chùy của Nhạc Vân tạo nên một sức gió thổi ập vào bụng Ngột Truật làm rung động toàn thân, suýt nhào xuống ngựa.

Bị đau đớn quá, Ngột Truật phải quay ngựa chạy dài. Nhạc Vân không thèm đuổi theo, cứ việc đánh thẳng vào dinh, gặp tướng giết tướng, gặp quân giết quân, như vào chỗ không người, đánh quân Phiên thây nằm chật đất, máu đổ lội ngập bàn chân.

Đánh được hồi lâu thì phóng qua phía trước, vừa thấy quân Phiên đang vây chặt Ngưu Cao; Nhạc Vân vội vung chùy lướt tới đánh quân Phiên, Ngưu Cao không biết Nhạc Vân là ai nên đưa giản đánh tới. Nhạc Vân gọi lớn:

- Ngưu thúc phụ, hãy dừng tay, cháu là Nhạc Vân đây mà.

Ngưu Cao dừng tay bước lùi một bước hỏi:

- Cháu đến đây làm gì? Thôi hãy theo chú về núi.

Hai chú chú hiệp nhau đánh thốc ra khỏi dinh Phiên chạy thẳng về núi.

Đêm hôm ấy Ngột Truật ba lần bị thương tích, phần thì Nhạc Vân giết chết binh tướng quá nhiều phần thì trong lòng thất đảm kinh tâm, vội sai chư tướng chôn cất xác chết và tu bổ dinh trại.

Sáng hôm ấy, Nhạc Nguyên soái thăng trướng triệu tập chư tướng vào thương nghị, bỗng nghe quân giữ cửa bẩm:

- Có Ngưu tướng quân ở ngoài chờ lệnh.

Nhạc Nguyên soái liền cho vào. Ngưu Cao vào quỳ xuống bẩm:

- Tôi xin phục lệnh.

Nhạc Nguyên soái hỏi:

- Ngươi phục lệnh chi?

Ngưu Cao nghĩ thầm:

- "Ta đang ngủ nơi mộ địa, không biết ai xui khiến chạy xuống núi đánh với quân Phiên lại gặp công tử rồi dắt nhau về đây chứ có ai sai bảo ta đâu mà ta phục lệnh!"

Nghĩ rồi lại nói:

- Chỉ vì tôi nghe cháu nó đến đánh vào dinh Phiên nên phải xuống núi cứu nó đem về, hiện nó còn đang đứng ngoài chờ lệnh.

Bấy giờ Nhạc Nguyên soái mới hay Ngưu Cao đã xuống núi đánh với quân Phiên nên bước xuống đỡ Ngưu Cao dậy rồi truyền cho Nhạc Vân vào.

Nhạc Vân vào quỳ lạy, Nhạc Nguyên soái bảo làm lễ ra mắt mấy vị thúc phụ rồi hỏi:

- Sao con không ở nhà học hành lại đến đây làm gì?

Nhạc Vân liền đem việc Phiên tướng đến toan bắt gia quyến bị chàng giết chết, thuật rõ đầu đuôi. Nhạc Nguyên soái lại hỏi qua việc đi đường, Nhạc Vân kể việc đi lộn đường gặp Quan Linh, rồi đến việc giết Lưu Nghê cùng việc nạp sính lễ con gái nhà họ Củng đầu đuôi bẩm lại không sót mảy may. Nhạc Nguyên soái thấy con mình đã nên trang tuấn kiệt mừng lắm, bảo và hậu dinh an nghỉ.

Hôm sau Nhạc Nguyên soái thăng trướng, sau khi chư tướng làm lễ tham kiến, Nhạc Nguyên soái sai Trương Bảo sắm sửa cơm khô và thắng ngựa cho sẵn sàng, đoạn kêu Nhạc Vân vào truyền lệnh:

- Nay cha sai con qua Kim Môn trấn đem văn thư này trao cho phó Tổng binh bảo người phải lập tức đem binh đến đây phá quân Phiên gấp để bảo hộ thánh giá trở về Kim Lăng. Việc này rất cần kíp, con phải đi cho nhanh và về cho chóng.

Nhạc Vân tuân lệnh lãnh văn thư từ biệt cha bước ra khỏi dinh xách song chùy tung minh lên ngựa nhắm Hà Diệp lãnh thẳng xuống.

Vừa đi Nhạc Vân vừa suy tính:

- "Muốn không đi nhầm đường phải ra ngả dinh Hồ Hãn mới được".

Nghĩ rồi múa song chùy xông tới, đánh thẳng vào dinh Phiên. Bọn lính Phiên hoảng loạn chạy ra thì thấy một tiểu tướng vừa vung chùy vừa hét:

- Loài Phiên nô, hay xem song chùy của ta đây!

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

Nhận xét của độc giả về truyện Nhạc Phi Diễn Nghĩa

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook