Nhân Quả Phụ Giải Lương Hoàng Xám

Chương 11: Gieo Chướng Gặp Chướng

Quả Khanh

19/08/2021

GIEO CHƯỚNG GẶP CHƯỚNG

Trưa nọ tôi về nhà, vừa dắt xe qua cổng mới tiến vào sân, thì chứng kiến một cảnh tượng khiến tôi hốt hoảng ngây người nhìn: Một đàn kiến đen dài khoảng 5-6 mét đang nối đuôi nhau diễn hành, khí thế rất hùng dũng. Chúng từ trên mái ngói trước hiên bò xuống, sau đó tiến về cửa phòng ngủ tôi, men theo cửa sổ và các khe kẹt trên nền gạch mà ùn ùn tiến vào không dứt. Nhìn thấy cảnh này: Một kẻ mới vừa phát nguyện không sát sinh chưa bao lâu như tôi bỗng đâm ra lúng túng, không biết xử trí làm sao.

Tôi chẳng đoán được bao giờ lũ kiến sẽ vào phòng ngủ tôi trong khi chúng cứ nối đuôi nhau đi liên tục không ngớt như vậy? Nếu không mau mau ngăn cản chúng thiết lập doanh trại (đóng quân nơi phòng ngủ mình), thì tôi làm sao mà sống ổn đây? Lại cũng không thể dùng thuốc diệt chúng. Vậy phải làm sao đây? Trong tình huống cấp bách, tôi vội lao vào nhà bếp lấy ra một lọ ớt bột: rắc dọc theo các khe, các góc nhà để ngăn chặn nhằm tạo ra một tường thành ớt khiến bầy kiến sợ mùi mà không tiến tới. Làm xong, tôi thầm khen mình thông minh. Nhưng thấy kiến chưa chịu chuyển hướng mà bò vòng quanh “tường thành ớt”, nối bước nhau tiến lên, tôi lại rắc ớt ngăn cản tiếp. Nhưng cản thế nào cũng không hữu dụng, tôi rất thất vọng. Thế là tôi quýnh quáng rắc ớt vào các kẽ hở hòng cắt ngang hàng ngũ kiến. Lần này thành công, kiến không còn chỗ để đi. Tôi hi vọng chúng hiểu được khó khăn trắc trở mà thoái lui, chuyển hướng.

Nhưng ngay giây phút đó, tôi bỗng tỉnh ra và thầm lo cho bầy kiến bị tôi đổ ớt chặn lối đi phía sau. Liệu chúng có bị ngạt chết hay chăng? Lúc này tôi đã tin nhân quả, nên vội lấy hết ớt nhét trong khe rảnh ra. Kiến lại nối hàng ngũ, tiếp tục tiến lên. Tôi vô kế khả thi, đành phó thác cho số mệnh.

Lúc tôi dùng cơm trưa, kiến vẫn còn “hành quân” bên dưới phòng ngủ tôi, tôi cũng không biết làm sao, đành bỏ đi nghỉ trưa.

Một tiếng sau, tôi ra thăm lại sân, thấy không còn bóng dáng con kiến nào. Suốt mấy ngày sau đó, tôi luôn lo nhà mình bị bầy kiến quấy nhiễu.

Một tháng trôi qua…

Vào buổi trưa nọ, tôi phát hiện ngoài cổng có dán một tờ cáo thị: “Trước

6 giờ chiều nay phải đến đóng phí ga ở ba địa chỉ… Quá hôm nay nếu không đóng thì sẽ thu phí tính theo giá cao”.

Do nhân viên thu phí ga đến nhà nhằm lúc vắng người, nên đã dán thông báo, thế là tôi quyết định: Nghỉ trưa xong sẽ đi đóng tiền.

Có ba địa chỉ thu phí là:



1. Trạm A: Nằm ở phía Nam rất gần, cách nhà tôi khoảng ba cây số.

2. Trạm B: Ở hướng Tây, là một vùng phồn hoa, cách nhà tôi năm cây số, ở phía sau tiệm buôn.

3. Trạm C: Nằm ở hướng Bắc, tính từ tiệm buôn đi tới khoảng hai-ba cây số nữa.

Tôi nghĩ: “Nộp phí xong thì sẽ vào tiệm mua đồ” nên quyết định chọn trạm B. Lúc tôi đến đó, thì thấy cổng đóng, bên ngoài dán tờ thông báo: “Hiện bên trong đang tu sửa, xin quý khách vui lòng đến nộp phí ở trạm A hoặc C.

Không còn thời gian để mua đồ nữa rồi, tôi tức tốc quay về trạm A để nộp phí, thầm nghĩ: “Chỗ này cũng gần nhà nên mình đóng tiền xong thì về nghỉ luôn”. Nhưng khi tôi đến trạm A thì nhận được thông báo: Trạm hiện không có giữ hồ sơ dùng ga của cư dân thuộc khu phố chúng tôi và bảo tôi hãy đi đến trạm C.

Lúc này đúng là tôi “có lửa mà không biết hướng ai nhóm”, chỉ còn một tiếng nữa là hết giờ làm việc. Vì vậy mà tôi phải hộc tốc phóng như bay đến trạm C. Còn 5 phút nữa là tới nơi thì bỗng nghe một tiếng “Bốp!” thật to, hóa ra bánh sau của xe đạp tôi bị bể. Tôi vừa sốt ruột lẫn bực bội, vội tìm người sửa xe. Thật may, gần đó có một tiệm.

Khi tôi đến được trạm C thì nhân viên thu phí đang ôm cặp táp xuống lầu, vì hiện đã tan tầm, mọi người đều ra về. May là anh nhân viên này tốt bụng, nhìn thấy bộ dạng bơ phờ thảm hại của tôi, bèn quay lại phòng làm việc, làm thủ tục thu phí cho tôi.

Dù tiền đã nộp xong, trong lòng tôi vẫn còn tức óc ách, hiện hỏa giận đang bốc cao mà chưa có chỗ phát tiết! Tôi chỉ còn biết rủa mình: “Đúng là ngu như heo, liên tiếp hai ba lần đều ra quyết định sai!”.

Tối đó khi ngồi tĩnh tọa, tâm tôi vẫn bị rối ren chưa giải nên khó thể nhập định. Tôi cứ hỏi thầm: “Rốt cuộc là do đâu chứ?”.

Bỗng nhiên, hình ảnh bầy kiến một tháng trước lại hiện ra trước mắt và lập tức tôi hoát nhiên tỉnh ngộ, thấu suốt hết nguồn cơn: Rõ ràng là ngay lúc bầy kiến đang diễn hành tiến vào, tôi đã cố tình rải ớt trước mặt chúng để tạo chướng ngại, ép chúng phải đi đường vòng tiến lên, làm lỡ chuyến đi của chúng. Cuối cùng tôi cũng chiêu cảm kết quả là: Hôm nay tôi bị lỡ chuyến đi của mình! Nhân như vậy, thì quả phải như vậy, đúng là không sai mảy may! Hên là tôi biết hồi tâm, kịp lấy ớt trong khe rảnh ra. Nếu không, có lẽ hôm đó tôi sẽ bị tai vạ đột ngột ập tới nhiều hơn: Chẳng hạn như đi đường bị sụt lún hoặc gặp các kiểu ách tắc gì khác nữa chưa biết chừng. Làm chướng ngại kiến mà còn bị quả báo như thế, huống chi là gây chướng ngại cho người?

Trong “Kinh Địa Tạng” giảng: Chúng sanh ở cõi Diêm Phù này, cử tâm động niệm không chi là chẳng phải tội, không gì mà không gây nghiệp, những nghiệp tạo đời này nhiều vô kể, đếm không hết. Nếu không y pháp tu hành, nhanh chóng sám hối lỗi đã qua, đợi đến khi tai họa ập xuống thì do chẳng hiểu nhân quả, nên ta chỉ biết oán trời trách người, nào biết tất cả những gì xảy đến là do nghiệp xấu của mình chiêu cảm nên. Nhân quả báo ứng như bóng theo hình, quả báo có là do mình tự làm tự thọ, không mảy may sai lệch!

Sám văn:



Từ vô thỉ đến nay không tin Tam bảo là chỗ Quy y, làm chướng ngại người xuất gia, chướng ngại người tu trì giới, bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn, tọa thiền… làm chướng ngại người tụng, viết (in) kinh, làm chướng người ăn chay, tạo tượng, cúng dường… chướng người khổ hạnh, hành đạo v.v… nghĩa là chút việc thiện nào của người chúng con cũng gây chướng ngại vì không tin xuất gia là pháp giải thoát, không tin nhẫn nhục là hạnh an lạc, không biết bình đẳng là đạo Bồ đề, không biết xa lìa vọng tưởng là tâm xuất thế.

Vì những tội ấy mà ngày nay sinh ra nơi nào cũng gặp chướng ngại. Tội chướng như vậy, vô lượng vô biên, ngày nay hổ thẹn, tỏ bày sám hối, nguyện xin trừ diệt.

Giải thích:

Làm chướng người tu hành là khiến bản thân mình tương lai cũng bị chướng, chân thành sám tội đã tạo, sau này không tái phạm nữa, thì có thể diệt tội đọa bốn thú (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A tu la).

Siêng tu lục độ, trong lòng không lìa Phật hiệu, dùng niệm Phật ứng phó với mọi giao tiếp thế gian. Việc đến thì đón, việc hóa thành không (buông xả). Chẳng nên tu suông ngoài miệng mà trong tâm không tu, không có Phật. Nếu y pháp tinh tấn tu, nguyện vọng nhất định sẽ có ngày thành tựu viên mãn; thậm chí đạt đến Phật quả. Phàm là người tin Phật, hễ niệm Phật, lễ Phật đều sẽ được lợi ích, bất kỳ quỷ vương tà ma nào cũng không thể phá hoại.

Trong “Phật Thuyết Lão Nữ Nhân Kinh” có kể chuyện người mẹ kiếp trước nhân vì quá yêu con nên ngăn cản xuất gia, do vậy mà chiêu cảm quả báo năm trăm đời bị bần cùng. Đủ thấy làm chướng người tu hành không nhất định là ác ý gây chướng ngại, mà các loại tình chấp ái luyến thế gian cũng là đại chướng ngại cho người tu hành. Trong Kinh Bách Dụ Phật từng thí dụ:

“Có một quan đại thần ngu si muốn lưu giữ vị tiên chứng đắc ngũ thông, bèn móc mắt vị tiên này đi”… nhiều người thế gian chúng ta cũng giống như thế.

Chẳng hạn như khi nhìn thấy những người tu hành khổ hạnh trụ tại chốn sơn lâm hoang dã, thì liền ép thỉnh họ về nhà dâng đủ thứ cúng dường, hủy hoại thiện pháp của họ, khiến họ vô phương sở tu thành, mất đi đạo nhãn, sở đắc pháp ích ban sơ. Khiến họ thu hoạch uổng công, giống như quan đại thần ngu si hủy hoại mắt của tiên nhân.

Phật dùng ví dụ này hết sức có ý nghĩa thực tế. Trong thời mạt pháp này, nhiều người chẳng biết cúng dường Tam bảo thế nào, cứ cho rằng: Chỉ cần cung ứng nhiều tài vật hoặc giúp người xuất gia sống thoải mái là tạo công đức, mà không hề biết rằng: Bảo vệ giữ gìn đạo tâm thanh tịnh cho Tăng nhân mới là sự hộ trì chân chính, mới là công đức thực sự. Vì tiền tài và cuộc sống hưởng thụ phú dung, sẽ khiến những người đạo tâm không kiên định sinh khởi tâm tham, hoặc chỉ tu hành suông, như vậy hóa ra vô tình làm chướng họ, điểm này chúng ta phải chú trọng.

Tài thí, Pháp thí, Vô úy thí là ba loại bố thí, công đức bố thí pháp rất lớn, chúng ta phải thâm nhập kinh tạng, tăng trưởng trí huệ, hiểu rõ Phật pháp rồi tùy duyên giảng giải, giúp cứu độ pháp thân huệ mạng của người. Thí pháp cũng không nên chấp vào đó mới là công đức chân chính, quả báo thù thắng không thể nghĩ lường. Cần phải biết, Phật muốn chúng ta đối với Phật pháp thọ trì, đọc, tụng… vì người giảng thuyết. Việc bố thí pháp người người đều có thể làm bởi vì chúng ta “y pháp chẳng y nhân”, nên hàng bạch y cư sĩ vẫn có thể thuyết pháp.

Tài pháp thí: Bố thí tài tùy duyên tùy sức, gặp người cần thì giúp. Giúp xong không để lòng, chẳng khoe khoang, không chấp tướng thì công đức càng lớn. Vì sao? Bởi giúp người là làm lợi cho mình, nếu cho rằng mình làm việc tốt giúp người và đi khoe khoang khắp nơi thì bản thân mình chẳng có lợi ích chi, bố thí vô tư mới có công đức. Nếu vì muốn nổi danh mà bố thí, thì đấy là mua danh, giống như toàn công đức có mười phần, bạn khoe việc tốt với một người thì giảm bớt một phần công đức, khoe mười người thì xem như hoàn không. Vì vậy tôi đề nghị người xây chùa sửa tháp không nên đem tên mình khắc vào bia vách. Lại có cư sĩ làm tràng phan bảo chung nơi đại hùng bảo điện, cho in tên mình trên đó, thực là cử chỉ thiếu trí: Vì ngày ngày tiếp thọ vô số người đảnh lễ, sẽ làm tiêu hao phúc báu của mình. Bởi cầu danh là hành vi của phàm phu thế gian, không phải của hiền thánh, xuất tiền in kinh mà lưu tên chỉ có công đức hữu hạn, không lưu danh mới là công đức vô lượng.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Nhân Quả Phụ Giải Lương Hoàng Xám

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook