Nhị Triều Hoàng Hậu - Dương Vân Nga

Chương 26: Hai lần làm hậu đất hoa lư

Hương Iris

08/02/2023

Về Hoa Lư mới biết tại sao thời gian này Lê Hoàn lại bận rộn đến vậy. Chính là đang cho xây thêm rất nhiều thành quách và cung điện.

Ở chân núi Đại Vân, Lê Hoàn cho dựng điện Bách Thảo Thiên Tuế để làm nơi coi chầu. Nơi này có cột được dát vàng, dát bạc, khắc rồng, chạm phượng vô cùng tinh xảo, tráng lệ và xa hoa. Bên Đông là điện Phong Lưu, bên Tây cho dựng điện Tử Hoa, bên tả là điện Bồng Lai, bên hữu là điện Cực Lạc. Lại cho dựng lầu Đại Vân để ngắm cảnh. Bên cạnh có điện Trường Xuân và Long Lộc đều được lợp bằng ngói bạc. Trong đó điện Trường Xuân chính là nơi đặt long sàng để Hoàng Đế nghỉ ngơi hàng ngày.

Trong số các cung điện này, điện Trường Xuân đã được hoàn thiện trước nhất để phục vụ cho vua ngủ nghỉ, còn các điện khác vẫn đang gấp rút được xây dựng. Dự kiến chừng một, hai năm nữa tất cả mới được hoàn tất.

Đoàn người và xe về Hoa Lư vào giữa buổi chiều. Sau khi sắp đặt, dọn dẹp, ăn uống xong thì cũng đã đến tối. Đang thắc mắc sao không thấy Lê Hoàn đến đón mừng ta thì liền nhận được khẩu dụ của Lê Hoàn chuyển tới, theo đó Lê Hoàn tỏ ý vui mừng vì chúng ta đã về tới Hoa Lư an toàn, rồi nhắc nhở chúng ta nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe, đến ngày Mười bảy tháng Tư, vào giờ Hoàng đạo sẽ tiến hành lễ sắc phong Hoàng hậu.

Nhận khẩu dụ xong không khỏi có chút hụt hẫng trong lòng!

Ta cứ tưởng tượng rằng khi về Hoa Lư, chúng ta sẽ mừng mừng tủi tủi mà gặp nhau cho thỏa bao ngày chờ đợi. Cứ tưởng rằng sẽ vồ vập lấy nhau mà âu yếm, ái ân cho bõ bao đêm cô quanh. Thế mà ngờ đâu lại chỉ cho truyền khẩu dụ sang như thế! Lê Hoàn không nhớ nhung, không muốn gặp ta sao? Bao nhiêu lâu xa cách là thế mà không mong mỏi ta sao! Hôm nào trên bờ sông thì quyến luyến không muốn rời là thế, vậy mà đến khi người đã về tận đây thì lại chỉ cho truyền khẩu dụ chúc mừng! Tại sao lại như vậy chứ? Lại nhớ khi xưa họ Đinh còn sống, khi ta từ Đông Lỗ trở lại Hoa Lư, họ Đinh vì sủng ái Kiểu Quốc Hoàng hậu mà tiếp đón ta rất lạnh nhạt, cũng chỉ cho truyền khẩu dụ chúc mừng. Có lẽ nào giờ đây..

Nghĩ qua nghĩ lại vặn vẹo một hồi, rồi ta lại tự an ủi mình, có lẽ ta nhạy cảm quá rồi! Dù sao đây cũng là Hoa Lư, Lê Hoàn còn bận trăm công ngàn việc, thêm nữa là triều đình còn có quy củ, phép tắc của triều đình, chứ đâu như những ngày nào tự do phóng khoáng bên sông Cầu Chày. Làm gì có chuyện muốn đến là đến, muốn qua là qua ngay được!

Nghĩ thế rồi thôi, không vặn vẹo mình nữa.

Nhưng dù sao cũng có những dự cảm mơ hồ, khó nói ở trong lòng..

Thế mà rồi ba ngày sau Lê Hoàn cũng không tới! Đến lúc này thì ta không thể dấu nổi sự sốt ruột, bèn cho gọi Phạm Công công vào hỏi chuyện.

Khác với thời họ Đinh còn trị vì, hiện nay việc đưa tin, cai quản ở Hậu cung cũng được giao cho các thái giám tín cẩn do chính Lê Hoàn cắt đặt. Phụ trách ở cung Cồ Quốc hiện giờ chính là Phạm Công công. Thấy ta hỏi vậy, Phạm Công công liền cười mà rằng:

- Nương nương mới trở lại Cung nên chưa biết, chứ hiện nay quy chế ở trong Cung đã khác trước nhiều, không còn như khi Đinh tiên Đế tại vị nữa. Hiện nay Hoàng Thượng không còn tùy tiện tới qua đêm ở các Cung của Hoàng hậu, Phi tần như trước nữa, mà các nàng sẽ được vời vào điện Trường Xuân để hầu hạ bên Long Sàng. Cho vời ai, đó là theo chủ ý của Hoàng thượng, nhưng cũng có tham khảo Vương Công công ở bên đó để tính toán chu kỳ kinh nguyệt, tính toán thời điểm thụ thai cho phù hợp nữa.

- Ra là vậy..

Ta ậm ừ mà trong đầu rối như mớ bòng bong. Ra là giờ đây muốn được gặp Hoàng Thượng thì phải chờ ân sủng. Vậy hiện tại phải chăng là Lê Hoàn đã đón khá nhiều nữ nhân vào đây để chuẩn bị phong Hậu? Buồn cười thay ta lại chưa từng nghĩ tới việc này! Từ lúc về đây lại cứ ngu ngơ nghĩ là chỉ có một mình mình! Sao ta lại có thể nghĩ như vậy được nhỉ! Nhưng ta tưởng.. Lê Hoàn bao lâu nay chính là vì ta mà chưa lập thất. Vậy mà sao giờ đây..

Nhưng cũng phải thôi! Lê Hoàn bây giờ đã khác Lê Hoàn của trước kia rồi! Lê Hoàn giờ đã là Hoàng Đế, mà Hoàng Đế thì trăm cung tần, ngàn mỹ nữ là đương nhiên rồi. Hơn nữa Hoàng đế cần tuân theo quy chế ở trong Cung, mà chính họ Đinh khi xưa lên ngôi, đã phong liền năm Hoàng hậu và giao cho cai quản hậu cung. Quy chế này đã được bộ lễ ghi lại và được duy trì hơn chục năm nay, không có cớ gì mà giờ đây Lê Hoàn lại chỉ lập có một mình ta! Chính là ta chưa suy nghĩ cho thấu đáo về việc này mà thôi!

Thấy ta ậm ừ rồi ngẩn ra đó, Phạm Công công mới bảo:

- Hiện tại Hoàng thượng, theo lệ cũ của nhà Đinh cũng đã đưa về đây năm nữ nhân để chờ tới ngày phong hậu. Nương nương chính là người cuối cùng về đây vậy! Nên chắc Nương nương cũng phải chờ đợi một chút..

Phạm Công công nói đến đó rồi ngượng ngiụ quay đi. Ta biết ý của Công công là chờ đợi cái gì. Nhưng lúc này ta chẳng quan tâm tới việc đó lắm. Lòng ta đang ngổn ngang chẳng khác nào tơ vò vậy!

Tiện thấy Công công có vẻ cởi mở, ta bèn tranh thủ hỏi cho rõ sự tình:

- Vậy các nữ nhân mà Hoàng thượng đưa về Cung là những ai Công công có biết không?

- Người thứ nhất phải kể đến, được Hoàng thượng nể trọng nhất chính là cháu gái của Thái sư Hồng Hiến, nàng tên là Hồng Ngữ Yến. Người thứ hai chính là em gái yêu của Phạm Cự Lượng, nàng tên là Phạm Chi Mai, người thứ ba là Vương Nguyệt cô nương. Nàng từng cùng ba anh trai và chị gái tham gia kháng chiến chống Tống, các anh trai của Vương Nguyệt chính là các tướng lĩnh thân cận dưới trướng của Hoàng thượng. Người thứ tư là Phạm Thị Hến, là một người con gái được Hoàng Thượng mang về từ vùng phía Bắc khi đi đánh giặc Tống. Nghe nói nàng ta từng giúp đỡ cho quân kháng chiến rất nhiều, lại xinh đẹp nên Hoàng thượng tỏ lòng yêu, đã cho vời về Cung. Cùng với Nương nương nữa là năm người mà Hoàng thượng dự định phong Hậu trong thời gian tới.

Phạm Công công nói xong rồi cúi đầu đứng bên cạnh, thư thoảng đưa mắt thăm dò ý tứ của ta. Có lẽ sau khi nói hết mọi thông tin, ngài đang chờ xem phản ứng của ta để xem rồi đây vị Hoàng hậu mà ngài được phân công hầu hạ có thể xoay chuyển trời đất, trở thành chỗ dựa cho ngài được hay không. Không biết ngài chờ đợi ta sẽ phản ứng như thế nào, còn ta bỗng thấy mệt rã rời. Có lẽ đi đường dài bây giờ mới ngấm hay là tại ta quá chán nản ở trong lòng?

Tại sao khi ở Đông Lỗ ta không nghĩ tới chuyện này nhỉ? Ta lại chỉ tới việc sẽ được ở bên Lê Hoàn mà không hề nghĩ tới việc Lê Hoàn cũng sẽ có năm thê bảy thiếp chẳng khác gì Đinh Bộ Lĩnh. Mà cái cảnh chồng chung thì ta đã chán ngán quá rồi!

Nhưng giờ đã về đây rồi thì còn có thể làm gì nữa đây?

Mải nghĩ ngợi mà khi quay sang vẫn thấy Phạm Công công đang đứng lom khom ở bên cạnh, bèn bảo Công công hãy lui về nghỉ. Nghe vậy Công công có phần tiu nghỉu đi ra.

Ta gọi Lan Nhi chuẩn bị cho mình đi ngủ. Thế mà rồi cũng chằn chọc cả một đêm không chợp mắt được chút nào.

Cho vời ai vào điện Trường Xuân đều là theo chủ ý của Lê Hoàn! Vậy mà từ khi ta về Hoa Lư tới nay tính ra cũng đã năm ngày, thế mà, ngay cả việc gặp Lê Hoàn cũng không có chứ đừng nói là được vời vào "hầu hạ bên Long sàng"! Thế là sao? Ta cứ nghĩ rằng Lê Hoàn phải sốt sắng gặp ta lắm chứ? Ta, khi ở Đông Lỗ đã mong chờ từng ngày. Còn có lúc tự trách mình sao không cùng Lê Hoàn về Hoa Lư từ dạo mùa đông năm trước để không phải xa cách nhớ nhung. Thế mà trong khi ta hao tổn bao tâm huyết, thì ở nơi này phải chăng Lê Hoàn không hề nghĩ tới ta, dù chỉ là một khoảnh khắc, chứ đừng nói là nhớ nhung, mong mỏi. Nay đã về đây rồi cũng không thấy đoái hoài..

Khi ngày ngày quấn quít nhau ở bên sông Càu Chày, ta đã mong ước gì chứ? Ước sao chúng ta sẽ sớm tối nắm tay, cùng nhau uống trà, thưởng nguyệt, cùng đi dạo, cùng cười đùa, sống cuộc sống thanh nhàn, hạnh phúc, suốt đời suốt kiếp có nhau. Về đến Hoa Lư rồi mới thấy, ta ngần này tuổi đầu, đã có hơn mười năm sống ở trong Cung mà vẫn hoang đường và hồ đồ đến vậy!

Ta có thể mơ giấc mơ như thế ở bên sông Càu Chày!

Nhưng ta không bao giờ có thể mơ giấc mơ như thế ở Hoa Lư này!

Nghĩ thế, rồi ta cứ ngồi đó tự cười mình, tự giễu mình. Cười rồi, giễu rồi lại tự mình chuyển buồn thành vui, ngày ngày cùng Lan Nhi hết đi dạo lại ngắm hoa, uống trà, thưởng nguyệt, khi rảnh rỗi lại tụng kinh niệm phật, đan lát, thêu thùa.

Mấy bữa nay Toàn Nhi đã sang thành Tràng An, theo chân các tướng sỹ ở bên đó luyện tập binh pháp, nên ta lại càng thong thả, tự do mà hưởng thanh nhàn.

Bảy ngày sau thì ta được Lê Hoàn cho vời vào hầu hạ ở điện Trường Xuân.



Phạm Công công nghe tin báo thì hồ hởi, phấn khở ra mặt. Sai người mau chóng chuẩn bị nước tắm cho ta. Xong xuôi thì đích thân tự mình đi bộ xách đèn lồng đi trước dẫn lối để bốn thị vệ khỏe mạnh khiêng kiệu đưa ta vào điện Trường Xuân.

Vẫn biết là cung vàng, điện ngọc phú quỳ, xa hoa thì nhất là Hoa Lư mà nhì thì chắc chắn cũng vẫn là Hoa Lư, thế mà khi đi vào điện Trường Xuân vẫn không tránh khỏi bị choáng ngợp!

Những cột nhà được dát vàng hoặc dát bạc, được chạm rồng cuốn, khắc phượng ngồi vừa uy nghiêm, vừa rực rỡ. Những khung cửa, bình phong được chạm trổ tùng, cúc, trúc, mai vô cùng tinh xảo. Tất cả đều được sơn son, thếp vàng choáng lộn. Những đồ dùng, vật dụng đều được làm từ vàng, bạc hay ngọc quý. Đây đó những đồ gốm tráng men ngọc xanh đặt rải rác để trang trí hết sức tao nhã. Các loại rèm bằng lụa quí treo cao tít từ trên trần nhà, buông xuống tới tận sàn lượn nhịp nhàng theo gió. Màn đêm cùng ánh nến, ánh đuốc chập chờn càng làm cho khung cảnh thêm lấp lánh, rực rỡ! Bước chân vào mà không thể phân biệt nổi là mình đang ở cõi trần hay ở chốn thần tiên nào!

Khi xưa còn nhớ từng ví Lưu phủ của Trịnh Hàm và Lưu Ỷ Ngọc trông xa hoa chẳng khác nào Hoa Lư. Nay mà đem so sánh với điện Trường Xuân thì thấy thật nực cười..

Đang ngẩn người ngắm nghía và suy nghĩ miên man thì một tiếng nói vang lên phía sau, nghe qua đã biết là của Vương công công trông nom trong Điện. Chính là người mà ta đã gặp ở Đông Lỗ dạo trước.

- Nương nương đã đến rồi thì xin mời vào! Hoàng thượng đã đợi Nương nương nãy giờ rồi!

Nói rồi tiến lên phía trước dẫn lối đưa ta đi.

Bước vào phòng ngủ nơi đặt Long sàng, là nơi Lê Hoàn nghỉ ngơi mới thấy càng choáng ngợp. Toàn bộ nội thất, trang trí đều được làm từ vàng, bạc, ngọc quý. Lại thêm lụa vàng, lụa đỏ giăng mắc khắp nơi tạo nên khung cảnh chưa từng thấy.

Chợt hình ảnh về Ngự thư phòng cùng phòng ngủ tuy đã được bài trí công phu mà vẫn khá đơn giản của họ Đinh khi xưa hiện về trong đầu khiến ta không khỏi có chút ngậm ngùi.

Bước chân vào phòng thì thấy Lê Hoàn đang lúi húi gì đó ở bên bàn đặt ở cuối phòng. Tuy nói là phòng ngủ mà vẫn đặt bàn làm việc, mới thấy Lê Hoàn thật là tham công, tiếc việc tới mức nào!

Thấy ta bước vào Lê Hoàn liền ngừng bút, mỉm cười rồi vội vã đi lại phía ta, nắm lấy hai bàn tay ta rồi bảo:

- Cuối cùng cũng được gặp nàng rồi! Về Hoa Lư quả thực không thể thoải mái như những ngày ở Đông Lỗ được nữa! Ta những muốn vời nàng vào ngay, nhưng trong Cung giờ đây có những quy định riêng phải theo, thực không thể hấp tấp được!

Câu nói hết sức tự nhiên ấy của Lê Hoàn khiến ta vừa ngỡ ngàng, vừa chạnh lòng. Vẫn biết sự thật là như thế, đã biết trước là như thế mà khi nghe cái điều ấy nói ra từ miệng Lê Hoàn vẫn không thể bình thường cho được.

Thấy ta im lặng Lê Hoàn cúi xuống nhìn vặt mặt ta, hỏi:

- Nàng sao thế? Giận dỗi ta vì hôm nay mới gặp nhau hay sao?

Lướt qua trong đầu câu nói khi xưa Trinh Minh Nương nương đã nói với ta, rằng mọi suy nghĩ của nó nó đều hiện hết lên trên mặt. Ta mới giật mình liệu Lê Hoàn có đọc được những ý nghĩ trên mặt ta hay không? Nghĩ thế vội vã lắc đầu bảo:

- Không! Chỉ là nhìn Trường Xuân cung vàng điện ngọc lộng lẫy làm thần thiếp choáng ngợp quá! Thêm nữa cũng vẫn chưa hoàn toàn lại sức sau chuyến đi đường dài vừa qua.

- Cũng chính vì thế nên ta cũng cứ lần lữa, để cho nàng có thêm thời gian nghỉ ngơi mà!

Lê Hoàn nói rồi liền cúi xuống hôn ta. Ta dẫu trong lòng có phần tê tái, vẫn phải cung kính và cuồng nhiệt đáp trả.

Đêm đó chúng ta ân ái ở điện Trường Xuân.

Ngày Mười bảy tháng Tư, Thiên Phúc năm Thứ Ba, đúng theo lịch đã định, Lê Hoàn tổ chức lễ sắc phong cho năm Hoàng hậu. Lại ban lệnh đại xá khắp thiên hạ để người dân tổ chức lễ hội, ăn mừng, chúc phúc cho Hoàng Đế mau chóng sinh được Hoàng tử nối dõi.

Lúc bấy giờ mới có dịp thấy hết mặt các Hoàng hậu, phi tần của Lê Hoàn.

Hồng Ngữ Yến được phong làm Phụng Càn Chí lý Hoàng hậu. Nàng năm nay đã hai tư, hai nhăm tuổi rồi, là người lớn tuổi nhất trong số các Hoàng hậu của Lê Hoàn – nếu không kể ta.

Tuy lớn tuổi nhất nhưng lại có vẻ được cung kính, trọng vọng nhất, có lẽ chính là vì nàng là cháu yêu của Thái sư Hồng Hiến.

Hai tư, hai nhăm tuổi rồi mới lập gia đình, trong khi người bình thường thì mười sáu, mười bảy đã phải yên bề gia thất, lại một bước lên hẳn mẫu nghi của thiên hạ. Có cảm giác như việc nàng trở thành Hoàng hậu đã được tính toán sẵn rồi, nàng chỉ việc ung dung tự tại mà ngồi đợi..

Phạm Chi Mai được phong làm Thuận thánh Minh đạo Hoàng hậu. Nàng là người nhỏ tuổi nhất trong số các Hoàng hậu của Lê Hoàn. Năm nay nàng chừng mười sáu, mười bảy gì đó.

Vương Nguyệt được phong làm Trịnh Quốc Hoàng hậu. Nàng chính là từng cùng ba anh trai và chị gái tham gia chiến tranh chống Tống. Các anh nàng đều là những người thân cận dưới chướng, còn nàng thì xinh đẹp nên được tuyển vào Cung làm Hoàng hậu. Nhìn nàng ta lại nhớ tới mối duyên giữa họ Đinh và Đinh nương khi xưa. Chỉ có điều nàng trẻ trung hơn so với Đinh nương, hay ít ra là so với Đinh nương khi ta gặp, nên sức sống tràn trề và mãnh liệt hơn.

Ta và Phạm Thị Hến không rõ vì sao không đặt tên hiệu, chỉ đơn giản gọi là Dương Hoàng hậu và Phạm Hoàng hậu. Tuy vậy việc này đã được Bộ Lễ thông báo từ trước nên tại lễ sắc phong cũng không có gì bất ngờ.

Xét về mặt nhan sắc mà nói, thì các nàng đều một chín, một mười, mỗi người một vẻ khó mà phân định thắng thua được.

Nếu Phụng Càn Hoàng hậu mang nét thanh tao, nhỏ nhắn của người con gái đến từ phương Bắc, thì Thuận thánh Hoàng hậu mang vẻ tươi tắn, căng tràn của tuổi trẻ, trong khi đó Trịnh Quốc Hoàng hậu mang vẻ rắn rỏi, săn chắc, tràn trề thanh xuân và sự sống, còn Phạm Hoàng hậu là vẻ tròn đầy, sôi nổi, hồn nhiên của một cô gái quê ở vùng núi phía Bắc Đại Cồ Việt.

Xét về tuổi trẻ và sắc đẹp, ta chắc chắn không thể nào sánh kịp các nàng. Năm đó ta đã ngoài ba mươi tuổi rồi. Đấy là còn chưa kể ta đã từng làm Hoàng hậu dưới triều Đinh. Vậy mà khi làm lễ không hiểu sao các nàng vẫn không ngừng lén lút liếc mắt nhìn ta. Không hiểu các nàng thắc mắc điều gì, muốn biết điều gì ở ta? Phải chăng các nàng đang tự hỏi, vì sao bà Hoàng hậu của một ông vua đã băng Hà lại có thể chen chân vào đây cùng các nàng? Chắc các nàng nghĩ ta ắt hẳn phải có ma thuật gì đó? Các nàng đang băn khoăn rồi đây có cần phải đề phòng ta điều gì hay không?

Phải chăng các nàng đang nghĩ thế?



Ta tự mình nghĩ vậy rồi tự cười vì những ý nghĩ ấy.

Ta chẳng có gì có thể đánh bại các nàng cả. Cả tuổi trẻ lẫn sắc đẹp đều không. Ta không có gì. Đấy là còn chưa kể tới xuất thân, gốc gác cao quý của các nàng mà ngay cả Lê Hoàn cũng phải nể sợ! Ta làm sao mà so sánh được?

Huống hồ ta cũng chẳng định toan tính điều gì!

Xưa nay ở Hoa Lư này ta đâu dám toan tính điều gì?

Sau lễ sắc phong, cuộc sống của ta giờ đây chính là như vậy. Ngày ngày cùng thị nữ của mình uống trà, trồng hoa, nuôi cá. Sáng dậy sớm đón bình minh, đi dạo ngoài vườn, chiều đến thì chờ hoàng hôn xuống. Những hôm trời mưa thì lấy kinh sách ra đọc hoặc cùng nhau thêu thùa.

Cứ tưởng rằng những việc ấy chính là ta và Lê Hoàn sẽ cùng nhau làm. Cứ tưởng ngày ngày, sớm tối sẽ quấn quít bên nhau. Thế mà.. Vì yêu hay là không yêu, thì khi về Hoa Lư này cũng đều là phải đợi để được hưởng ân sủng của Hoàng Đế vậy!

Tháng Sáu, Thiên Phúc năm thứ Ba, cả triều đình hay tin Phụng càn Hoàng hậu mang thai rồng.

Nàng là vị Hoàng hậu được yêu chiều nhất của Lê Hoàn, được nhiều người nể sợ bởi nàng chính là cháu của Thái sư Hồng Hiến. Hồng Thái sư lại chính là đại thần thân cận bậc nhất của Lê Hoàn. Bởi vậy cả triều đình Hoa Lư vui như mở hội. Lê Hoàn cũng không giấu nổi vui mừng. Dù sao ở tuổi này mới được lần đầu làm cha thì vui mừng là điều dễ hiểu. Người ta vẫn chẳng bảo, có thể có cả thiên hạ trong tay, nhưng chỉ đến khi mình có con cái, mình mới thấy rằng đó là thứ duy nhất trên cuộc đời này thực sự thuộc về mình đấy sao?

Tuy nhiên có một điều lạ là sau khi Phụng càn mang thai rồng, thì liền không được cho vời vào điện Trường Xuân nữa. Lí do được đưa ra là để đảm bảo sức khỏe cho Hoàng hậu và Long thai.

Ban đầu ta nghĩ là do Lê Hoàn quá cẩn thận! Có lẽ đến giờ này mới có con, nên hết sức hồi hộp, vui mừng, khó tránh khỏi những việc quá cẩn trọng.

Nhưng đến tháng Chín, khi Thuận thánh Hoàng hậu có mang và lệ ấy được tiếp tục áp dụng thì ta hiểu đó là quy định chung đối với các Hoàng hậu và phi tần của Lê triều.

Lại nhớ khi xưa ta, Trinh minh hay các nàng khác mang thai rồng, họ Đinh đều rất phấn khởi, không ngừng qua thăm luôn. Chẳng phải vì cái chuyện ái ân. Theo như ta được biết thì tùy từng người mà khi có bầu nhu cầu sẽ tăng hoặc giảm. Nhưng quan trọng là việc ấy mang lại cảm giác gắn kết gia đình, giữa cha, con, vợ chồng, làm khuây khỏa tinh thần của người có mang rất nhiều.

Vậy mà nay các nàng vừa mang thai rồng là liền không được vời vào Trường Xuân nữa thì thật là một sự thiệt thòi cho các nàng.

Sao ta cứ cảm thấy không yên với ý nghĩ rằng các nàng cũng chỉ là một thứ công cụ để thỏa mãn, để duy trì nòi giống vậy. Còn lại tâm tư, cảm xúc của các nàng thì thực sự chẳng ai quan tâm. Nghĩ tới đó lại chạnh lòng nghĩ sang mình. Vậy rốt cuộc thì mình là như thế nào?

Những ý nghĩ ấy cứ lởn vởn trong đầu khiến ta không sao ăn ngon, ngủ kỹ được. Lan Nhi cũng không khỏi thắc mắc khi nhìn thấy tâm trạng bứt rứt của ta. Nhưng ta khó lòng giải thích với nàng mọi chuyện được.

Thời gian gần đây vì các nàng có mang, nên ta được vời vào điện Trường Xuân nhiều hơn.

Có những đêm ta cùng Lê Hoàn ân ái mặn nồng.

Cũng có những khi ta nằm chờ Lê Hoàn duyệt tấu chương mà ngủ quên, Lê Hoàn đi ngủ lúc nào không hay biết. Đến sáng ra tỉnh dậy, đã thấy người đi sang Ngự điện coi chầu sáng rồi. Thế là lại lững thững tự mình trở ra cửa, nơi Phạm Công công đã đứng đợi sẵn, lên kiệu rồi trở về Cung.

Lại nhớ khi xưa họ Đinh vẫn còn sống, mỗi lần qua Cung Cồ Quốc đều qua từ chiều, hoặc xong việc sẽ qua ngay để có thể cùng uống trà, đi dạo, ăn cơm, nói chuyện. Có những khi mải kể việc nọ, việc kia, việc triều chính việc bang giao; đôi lúc còn cao hứng lôi cả chuyện binh đao ngày xưa ra mà kể, rồi đắc chí cười ha hả tới quên cả ngủ. Chính những khi ấy mà thấy tình cảm thêm mật thiết và gắn bó.

Thế mà giờ đây, dù có được sủng ái, nhưng vẫn là, khi được vời vào Trường Xuân thì vào. Đã vào rồi thì cũng chỉ có một việc là ái ân. Không làm gì có chuyện cùng nhau dùng một bữa cơm, càng không có chuyện cùng nhau thoải mái đi dạo, thưởng hoa, thưởng trà.

Lê Hoàn cũng không mấy khi kể chuyện triều đình, chính sự. Những chuyện đã qua không bao giờ nói. Mà những chuyện hàng ngày bàn bạc ở Ngự điện thì ta không bao giờ hỏi. Lê Hoàn không chủ động kể, nên ta chẳng biết chàng có thoải mái không nếu ta hỏi về những chuyện ấy. Ta cũng đã từng cùng con trai mình buông rèm mà nhiếp chính, nên e rằng việc ta hỏi những chuyện ấy sẽ khiến cho chàng bực mình.

Thế là dần dần, có khi gặp nhau mà chẳng nói với nhau một điều gì.

Ta không biết trong đầu Lê Hoàn đang nghĩ điều gì, không biết chàng đang phải đối mặt với những khó khăn gì, không biết chàng có tâm tư, nguyện vọng gì? Không biết chàng có còn yêu thương ta hay không? Đôi khi cũng muốn cất tiếng hỏi mà thấy chàng im lặng nên lại thôi. Một vài lần sau những cuộc ái ân, ta nằm đằng sau nhìn vào tấm lưng trần của chàng dưới ánh nến leo lét. Ta thực sự muốn ôm chầm lấy mà hỏi xem chàng đang buồn hay đang vui, mà nói những lời yêu thương, âu yếm với chàng. Thế mà ta giơ bàn tay ra lưỡng lự một lúc rồi lại rụt lại.

Lê Hoàn này có còn là Lê Hoàn đã nắm tay ta, nói lời yêu ta ở bên sông Càu Chày nữa hay không? Sao ta thấy giữa chúng ta như có cả một vực thẳm ngăn cách vậy.

Rồi ta chợt nhớ tới vợ chồng người bạn cố trí Trịnh Hàm và Lưu Ỷ Ngọc. Mỗi lần hai người bọn họ tới Đông Lỗ chơi, cùng ta dạo chơi trong vườn, lúc nào cũng tay trong tay không rời, ánh mắt nhìn nhau chan chứa tình. Nhớ ngày sinh nhật năm nào của Nàng Ỷ Ngọc, Trịnh Hàm đã vì nàng mà lao tâm khổ tứ chuẩn bị bao nhiêu thứ cốt để nàng được vui.

Rồi lại nhớ cả những ngày xa xưa khi ta tình cờ gặp ánh mắt chan chứa tình yêu mà thân phụ và thân mẫu trao nhau. Chao ơi! Cũng là vì tình yêu mà đến, mà sao giờ đây ta, ngay cả việc ôm lấy người mình yêu thương mà nói những câu âu yếm, ân cần cũng cảm thấy ngăn trở. Là vì đâu?

Là vì Hao Lư không phải là mảnh đất của mơ mộng?

Nhưng khi xưa cũng chính là ở Hoa Lư này họ Đinh với ta cũng có biết bao nhiêu ngày vui vẻ đấy thôi? Có những buổi chiều hè ngồi ở sân cung Cồ Quốc ngắm bọn chuồn chuồn bay ngang bay dọc, cùng chia nhau vài chén trà lạt. Hay những buổi chiều cùng đi dạo ở ngoài vườn hoa. Có những hôm cao hứng còn mang cả mâm cơm bầy dưới gốc cây lựu để ăn cho mát mẻ.

Cũng là Hoa Lư đấy thôi!

Không phải là Hoa Lư đã đánh cắp giấc mơ của người ta!

Chính là vì lòng người ở Hoa Lư mà thôi..

Nghĩ thế lòng không khỏi thấy sầu muộn.

Một nỗi sầu muộn thật dài..

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Nhị Triều Hoàng Hậu - Dương Vân Nga

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook