Nhị Vương Phi Hai Mặt

Chương 39: Rời khỏi phòng giam

A Thụy

07/04/2018

Hậu quả của việc bỏ trốn là bị bỏ đói hai ngày. Những người này quả là lòng dạ hẹp hòi, ngay cả ngụm nước cũng không thèm đem cho người ta nữa.

Buổi sáng ngày thứ ba, cuối cùng cũng có người mang cơm nước. Đến khi ăn xong, nhìn tốp người tới áp giải, tôi mới nhận ra bát cơm vừa cho vào bụng là bữa cơm cuối cùng của tử tù trước khi bị lôi đi hành quyết. Cứ ngỡ sẽ bị dẫn ra pháp trường rồi bị chặt đầu thị chúng, song lại lại bị ném vào... đấu trường? Tôi đờ đẫn nhìn mình được cởi trói, ném cho thanh đao cùn rồi bị quẳng ra giữa bãi đất trống. Xung quanh được vây bọc kín kẽ bằng đống đá chất thành vòng tròn cao lên quá đầu, hoàn toàn không có khả năng trèo ra. Bên ngoài có một đài quan sát rất cao. Ngửa cổ nhìn lên quả nhiên trông thấy vạt áo trắng của Thành chủ huynh đệ và tấm áo xám vải thô của thiếu niên tùy tùng. Đứng hầu hai bên chàng ta còn lố nhố bảy, tám vị bạch y nữ tử.

Lại đem tôi ra làm thú tiêu khiển cơ đấy! Trông chàng ta diện mạo tuấn tú, nho nhã vậy mà không ngờ lại có cái sở thích biến thái nhường này. Đúng là không thể trông mặt mà bắt hình dong được.

Giơ thanh đao ngắn ngủn đen sì lên ngang tầm mắt, nhìn thế nào cũng thấy đây là một thanh đao làm mất mặt dòng họ nhà đao. Cùn tới mức này thì có thể gây thương tích được cho ai? Tôi bĩu môi, ngồi chồm hổm, dùng đoản đao xới đất giết thời gian, vừa đoán mò xem lát nữa phải đấu tay đôi với tù nhân nào. Trong phòng giam "của tôi" từ đầu đến giờ chẳng thấy hàng xóm nào khác, không biết có phải là có nhiều nơi giam giữ riêng biệt hay không nữa. Nếu tù nhân sắp phải quyết đấu có cùng chí hướng, biết đâu có thể thỏa thuận ngầm với anh ta dùng trò "búa bao kéo" để quyết định thắng thua.

Đợi đến lúc tôi bắt đầu cảm thấy tê chân, Thành chủ trên đài kia dường như mới giải quyết xong bình trà sáng, nhổm dậy khỏi ghế đi tới đứng sát thanh vịn, cúi đầu nhìn xuống chỗ này. Khi mắt lướt qua cái hố tôi đào nãy giờ thì hai hàng lông mày như tranh vẽ nhíu lại, nhìn như thể tôi là vật gì chướng mắt khiến chàng ta khó chịu.

"Đối với những kẻ phạm tội giết người, chỉ có một hình phạt duy nhất, đồng thời cũng là cơ hội duy nhất để được xá tội", chàng ta lạnh nhạt nói, vẫn bằng chất giọng êm tai, có điều tôi đã mất thiện cảm nên nghe vào tai chỉ có cảm giác như người này đang chọc ngoáy mình. Chàng ta ném từ trên đài xuống một chén nhỏ bằng bạc: "Dùng máu của ngươi để lập minh ước. Chỉ cần hôm nay ngươi thắng, những việc làm của ngươi trước ngày hôm nay, chúng ta sẽ xóa bỏ hoàn toàn. Trả tự do cho ngươi".

Phải không? Chuyện tốt đột nhiên rơi trúng đầu, có đáng tin không vậy?

Tôi dùng đoản đao cùn khều khều cái chén trước mặt, xoay xoay trong tay ngẫm nghĩ một chút rồi phủi đất đứng dậy hỏi:

"Các người sẽ không nuốt lời chứ?".

"Chúng ta không bao giờ phản bội lời thề đã lập. Chỉ có điều...", môi chàng ta khẽ nhướn lên, ánh mắt nhìn tôi lại như có chút thương hại, "ta không nghĩ ngươi có khả năng giành được phần thắng".

"Vậy ư?", tôi cười, vạch một đường đao lên cánh tay trái, nhỏ máu xuống cái chén dưới đất, "không thử thì làm sao biết được". Tôi xé tà áo băng lại vết thương, cầm chén máu lên dâng quá đầu, tạt ngang xuống mặt đất trước mặt, ngẩng cao đầu nhìn thẳng vào chàng ta: "Ta lập minh ước với các ngươi".

Thành chủ huynh đệ phất tay ra hiệu với một người đứng đợi lệnh bên dưới đài, ở chỗ tôi đứng không trông thấy được người nọ, chỉ nghe thấy mấy tiếng tiêu cất lên như hiệu lệnh. Kế đó cánh cổng duy nhất được mở ra, "đối thủ" của tôi lững thững tiến vào sân đấu.

Suy nghĩ đầu tiên của tôi là: Kế hoạch giao kèo bằng trò "búa bao kéo" bể rồi.

Suy nghĩ thứ hai của tôi là: Mẹ kiếp, Thành chủ huynh đệ, ngươi thật quá gian xảo.

Một, hai, ba, bốn, năm, sáu... chín, mười. Mười con sói lần lượt nối đuôi nhau đi vào. Cánh cổng lại bị khóa kín. Những con sói "già trẻ nam nữ" đa dạng, mồm chảy nước dãi, rõ ràng là bị bỏ đói từ trước. Mà bữa ăn của chúng, hiển nhiên là sinh vật còn đang đứng chết trân không dám cựa quậy bên này. Con sói đi đầu vẻ mặt háu đói, dáo dác nhìn quanh rồi mau chóng tập trung tiêu điểm ánh nhìn vào tôi như phát hiện ra thứ mùi khiến nó phát cuồng. Tôi xoay cái cổ cứng ngắc ngó xuống cái chén và vết máu chưa kịp khô trên đất, hiểu ra mọi chuyện. Minh ước? Thật nực cười là tôi lại tin lời chàng ta. Chẳng qua là bày trò giúp tăng thêm hứng thú, để tôi chích máu kích thích thú tính của đàn sói kia mà thôi. Thành chủ huynh đệ, ngươi không chỉ gian xảo mà còn bỉ ổi, thật đáng hận!

Chẳng để tôi có thời gian nguyền rủa thêm, con sói đầu lĩnh đã chồm người xông tới, những con còn lại vây thành vòng tròn triệt mọi đường trốn chạy của con mồi. Tôi không hề chuẩn bị trước tâm lý sẽ đánh nhau với sói, với cả một đàn sói. Thế nên khi thân mình phủ đầy lông bạc phóng đại dần trước mắt, tôi vẫn chỉ há miệng đứng im như tượng, không kịp phản ứng lại, trong đầu chẳng suy nghĩ được gì. Khoảnh khắc cơn đau rát ập đến như đâm thẳng vào tận xương tủy, tôi mới nhận ra vai mình đang bị sói ngoạm chặt. Nước dãi của sói bạc quyện lẫn với máu của tôi bốc lên thứ mùi thật lạ lẫm. Bầu trời trên cao trông thật yên bình. Tôi cảm thấy thật khâm phục bản thân, đến lúc này rồi vẫn còn có tâm tình ngắm mây ngó trời. Rồi lại tự hỏi, vì cớ gì mình lại rơi vào bước đường này?

Vì giết người thì phải đền mạng?

Cũng phải. Nhưng tôi cứ không muốn đền đấy.

Sói bạc nuốt trôi miếng thịt vai, vẻ mặt vô cùng thỏa mãn, xem chừng con mồi này rất hợp khẩu vị của nó, lại ngẩng đầu há to miệng định nhằm vào cổ để cắn đứt đầu con mồi vẫn bất động nãy giờ. Thời điểm hai hàm răng banh ra rộng nhất, đoản đao cùn cuối cùng cũng tới lúc phải làm việc, chặn giữa hai hàm sói. Tôi vòng tay ôm lấy con sói đang đè lên người mình, cảm thấy chưa đủ, lại quàng cả hai chân lên lưng nó, ôm chặt không dám chừa một khe hở. Ấm quá! Cứ tưởng sói là loài động vật săn mồi máu lạnh, không ngờ cơ thể lại ấm áp thế này.

Sói quẫy mạnh, đá vụn bên dưới cọ xát đâm vào lưng, tôi lại càng siết chặt vòng ôm, tay này tóm chặt tay kia. Không muốn bị xé xác thì phải giữ thật chặt, không được phép lơi lỏng, vét sạch sức lực từ thời cha sinh mẹ đẻ đem ra dùng hết.

Cuối cùng sói bạc cũng chết ngạt, buông thõng tứ chi. Thanh đao cùn vẫn mắc trong họng nó, không cách nào gỡ ra, mà có gỡ được cũng không còn tác dụng. Tôi vẫn đang vận nam trang, trên đầu không có trâm cài tóc để rút ra làm vũ khí. Thành chủ kia rất biết tính toán, nên mới chắc chắn nói rằng tôi không có cơ hội giành phần thắng. Một thanh đao cùn, mười con sói đói. Tôi bịt vết thương trên đầu vai, khó nhọc đẩy xác sói ra, loạng choạng đứng dậy, ngẩng đầu nhìn lên đài cao.

Đối phương sừng sững nhìn xuống bộ dạng chật vật của tôi. Chàng ta không có biểu hiện của kẻ tàn bạo thích xem trò vui như tôi nghĩ, trong đôi mắt đẹp có chút kinh ngạc. Ngoài ra nét mặt vẫn hờ hững lạnh nhạt, bóng dáng tiêu sái như thần tiên thưởng cảnh. Tôi thôi nhìn chàng ta.

Mùi duy nhất dâng lên, ngập trong khoang mũi, chỉ có mùi máu. Rất tanh nồng, cũng rất quen thuộc. Những ngày qua đã ngửi mùi máu của chính mình không biết bao nhiêu lần. Hiện tại cũng không còn thấy sợ hãi nữa.

Khi chín con sói đồng loạt xông đến, thời gian như bị ép dừng lại, có thể nhìn rõ chuyển động của đàn sói, phiến lá rụng lạc lõng bị gió xua đuổi chậm rãi đảo mình trong không khí. Lá chưa chạm đất, đàn sói đã đổ gục ngã xuống. Lá vừa chạm đất, mọi thứ xung quanh lại trở nên mơ hồ, cảnh vật chao đảo rồi sụp đổ, chỉ còn lại màu đen chụp xuống như bức màn bị kéo đổ.

Đầu tiên là cảm giác mát lạnh, sau đó là cơn đau rát truyền tới từ bả vai rồi mùi thảo dược xộc lên mũi. Lão đại phu nãy giờ bận rộn bôi bôi trét trét nhận ra người trên giường đã tỉnh thì ngẩng đầu lên, lẩm bẩm không rõ là đang nói với tôi hay tự nói tự nghe:

"Cũng may chỉ bị ngoạm mất miếng thịt, nếu xương cũng bị nhai mất thì gay go lắm đấy".

Hình ảnh đàn sói nước dãi đầy mồm lập tức hiện lên sống động, tôi bật dậy như cái lò xo.

"Đừng cử động...", lão đại phu hốt hoảng hô lên... song đã muộn mất rồi.

Ông ta vội vàng ngoảnh mặt sang một bên, còn tôi cúi xuống ngó lại mình mẩy đã bị người ta lột sạch. À, cũng không đến mức trần như nhộng. Nhưng trên người chỉ còn chiếc quần dài và miếng vải bó ngực là không bị "tước đoạt". Áo ngoài đã không cánh mà bay. Vết thương nằm trên bả vai chứ đâu phải sau lưng, sao phải cởi cả áo ra làm chi? Chẳng phải chỉ cần mở một bên vai áo để trị thương là được còn gì? Tôi nhìn ông ta bằng ánh mắt khó hiểu, song đối phương còn đang bận dòm chén thuốc trên bàn.

"Này!".

"Ngươi... trước tiên khoác y phục vào đi đã".

"Y phục ở đâu mà khoác?".

Ông ta "a" lên một tiếng, vội vàng mở cái bọc trên bàn, ném một nhúm gì đó trắng tinh lên giường trong khi vẫn ngoảnh mặt không nhìn tôi.

Dù không thích mặc thứ đồng phục trắng một loạt như bị thần kinh của đám người ở đây, nhưng trước mắt cũng chỉ có thể có gì mặc nấy thôi. Vì vai vẫn chưa được băng bó chỉ mới bôi thuốc nên tôi chỉ choàng áo lên sơ sài để khỏi thất lễ là được.

"Được rồi".

Nghe tiếng gọi, lão đại phu mới xoay người lại, bắt đầu lôi dải vải trong tráp gỗ ra tiến hành quấn băng. Giờ tôi mới để ý, xung quanh rất yên lặng, không giống như có người canh gác bên ngoài. Không định giam giữ rồi bày trò tra tấn nữa ư?

"Sao lại trị thương cho ta?".

À, lão đại phu này không phải người có quyền quyết định cao nhất ở nơi này nhỉ, vậy hẳn là vị kia ban lệnh như thế, nhưng không phải chàng ta muốn tôi chết hay sao, còn trị thương cứu mạng làm gì, chả hóa ra múc nước bằng rổ, làm việc không đâu à? Hay là muốn lưu lại một mạng để tiếp tục hành hạ? Nhưng mà nếu thế thì cũng không cần chuyển tôi ra khỏi "nhà" giam của mình. Không sợ tôi trốn nữa chắc?

"Ngươi đã thắng mà. Nên được thả tự do chứ sao. Đã thả rồi thì phải trị thương đàng hoàng chứ".

"Thắng gì?".

Đối phương trợn mắt:

"Thắng sói chứ thắng gì? Ngươi khiến đám sói đó bất tỉnh mà, mặc dù sau đó ngươi cũng bất tỉnh luôn".

Ông ta đáp rồi nhún nhún vai, tới phiên tôi trợn mắt sững sờ.

"Không phải bọn nó đói quá nên xỉu à?".

"Đương nhiên không phải", giờ thì ông già này lại chuyển sang vuốt chòm râu bạc một nửa, gật gù nói tiếp, "quên mất ngươi đã quên sạch những chuyện trước kia nên cũng không nhớ bản thân có cái bản lĩnh đó".

Bản lĩnh? Bản lĩnh hù cho động vật chết ngất ấy hả? Tôi nghẹo đầu nhăn mặt thì ông ta lại mỉm cười quái gở.

"Đám bỉ nhân giang hồ gọi đó là sát khí, còn chỗ chúng ta gọi đấy là "Uy". Trước ngươi, chưa từng có người nào sống sót đi ra khỏi đó sau khi lập minh ước đâu, mà thật ra ngươi được khiêng ra mới đúng".

Nói cho oai, trắng ra là bản lĩnh uy hiếp dọa nạt, đầu lĩnh lưu manh mạnh hơn đầu lĩnh sói đói chứ gì. Tôi chẳng nhớ chút gì nên chuyện đó sao cũng được, bĩu môi mỉa mai:

"Còn gọi minh cái gì ước cái gì. Chẳng phải Thành chủ của mấy người chỉ muốn chơi trò mèo vờn chuột thôi hay sao, nên mới bày vẽ ra cái trò ngớ ngẩn đó để xem ta chật vật rồi bị thú dữ xé xác, chết không toàn thây còn gì?".

"Ngài ấy không phải hạng người đó!".

Ông ta đột nhiên lớn tiếng quát lên làm tôi giật nảy mình, vì bị thương khiến tay khẽ cử động là lại đau nên tôi lười chưa thắt lại dây lưng, y phục bị tiếng hét làm cho điếng hồn, áo ngoài tụt xuống lệch khỏi một bên vai.

Lão đại phu cũng nhận ra đã nhất thời mất bình tĩnh, nên hắng giọng một, nhíu mày giải thích:

"Chuyện kia... vốn là lão phu đề xuất".

Nếu không phải tay không cử động được linh hoạt tôi đã nhào tới bóp cổ ông ta rồi. Lão già mất nết, ngứa râu hay ngứa da đầu, có cái thể loại đại phu như ông sao? Đợi tôi lành vết thương xem có vặt trụi râu ông ta ra hay không.

Bị nhìn hằm hè, ông ta ho một tiếng, lại còn rất không hiểu tình hình, vừa vuốt râu vừa nói:



"Cũng muốn tốt cho ngươi thôi. Chiến đấu với vài con sói một chút còn hơn là tiếp tục chịu đòn roi còn gì. Cứ nghĩ để ngươi bị sợ hãi, gặp nguy hiểm thì sẽ nhớ ra được gì đó. Đáng tiếc, đáng tiếc...".

Lại còn đáng tiếc? Tôi nghiến răng trèo trẹo, hừ lạnh:

"Một chút? Một chút mà ông nói là suýt chút toi mạng thì có. Nếu không phải ta phước lớn mạng lớn thì đã thành bữa ăn sáng cho "vài con sói" của các người rồi".

"Không đâu, không chết được đâu. Đội cung thủ bên cạnh ngài ấy nếu thấy tình hình không ổn sẽ đồng loạt bắn tên giết sói cứu người mà".

Cung thủ? Là cái đám nữ nhân đứng lố nhố trên đài ấy hả? Không phải là chàng ta dắt theo người hầu dàn đội hình để ra oai với tôi ư? Cho dù là cung thủ thật đi chăng nữa, ở đây có kẻ nào không muốn tôi chết? Sẽ đồng loạt cứu tôi ấy à, quỷ mới tin.

"Đáng tiếc để mấy người mừng hụt rồi. Tôi còn sống nhăn răng nhưng vẫn chẳng nhớ được cái khỉ gì cả".

"Chuyện đó thì đành chịu vậy thôi".

"Vậy giờ mấy người muốn làm gì?".

"Chẳng làm gì cả. Ngươi đã được tự do rồi".

Không phải là lại giở trò gài bẫy tôi đấy chứ? Trông thấy vẻ kinh ngạc khó tin rành rành trên mặt tôi, ông ta xua xua tay.

"Chúng ta không bao giờ phản bội lại lời thề đã lập. Ngươi được miễn tội rồi, đợi vết thương của ngươi lành lại, nếu muốn đi không ai giữ ngươi nữa".

Đám mắc bệnh sạch sẽ tập thể này thật sự coi trọng minh ước đến vậy sao? Nói vậy... lão đại phu trước mặt này thật sự có ý tốt nên mới đưa ra cái kiến nghị cho tôi lập minh ước giữ lấy một mạng, còn trả tự do cho tôi nữa? Còn chưa kịp cảm động, đã nghe ông ta nói nốt:

"Từ giờ cho đến lúc ấy ngươi phải ở đây phụ việc cho lão".

Cẩn thận nhìn quanh đánh giá căn phòng này mới nhận ra trông có vẻ là phòng thuốc. Còn cái giường nhỏ nhưng dễ chịu này có lẽ là của người có nhiệm vụ trông coi nơi này hoặc của lão già trước mặt, hiện tại đã bị tôi chiếm dụng mất.

"Không phải bảo để cho ta dưỡng thương hay sao?".

Tôi cố ý nhấn mạnh hai chữ "dưỡng thương" thì ông ta trợn mắt lên.

"Ngươi tưởng mình là khách quý hay ân nhân của lão? Còn đòi hỏi đãi ngộ gì nữa? Phí chữa trị, phí thuốc than, phí ăn uống sinh hoạt, còn cả bộ y phục ngươi đang khoác lên người cũng là lão tự bỏ tiền nhờ người mua cho đấy. Ngươi lại còn ở đó phí lời, đúng là mặt dày hơn tấm cao da chó".

Bị quạt cho một trận, tôi nổi giận bật lại:

"Ai mượn lão lang băm nhà ông mua y phục, đang yên đang lành cởi áo người khác làm gì, có phải vết thương nằm sau lưng hay trên mông đâu mà phải thay rồi đổi y phục?".

Ông ta hừ mũi.

"Ngươi hôn mê mười mấy canh giờ không chịu tỉnh, y phục toàn máu để lâu thúi không ngửi nổi, lão phải gọi người đến cởi ra đem vứt đi chứ sao. Ngươi còn mắng lão lang băm, thật là làm ơn mắc oán".

Nói rồi hậm hực đứng dậy bỏ ra bên ngoài.

Tưởng ông ta đi luôn song chỉ khắc sau đã quay trở lại, còn bê theo chậu nước sạch và khăn vải.

"Sau lưng ngươi bị đá cào, cũng may có cái "thứ đồ" kia nên vết thương không sâu. Ngươi dù sao cũng là nữ tử, lão giúp thì không tiện, người khác thì lại không rảnh hầu ngươi. Tự mình xử lý cho tốt đi".

Suy nghĩ cẩn thận rồi nên tôi đã bình ổn được tâm trạng, không còn thấy nóng giận gì nữa. Cho dù những lời lão đại phu này nói là thật hay giả thì mình cũng phải dưỡng thương cho lành mới tính toán tiếp được. Hơn nữa, dù ông ta có ý tốt hay vì mục đích khơi gợi ký ức nên đề nghị chuyện minh ước nọ thì hiện tại mình đã không còn ở phòng giam bị cùm tay cùm chân tra tấn liên tục nữa, mà được nằm trên giường sạch sẽ đắp chăn thay vì đắp cỏ; thế thôi cũng tốt lắm rồi. Nghĩ thế tôi liền cảm thấy nhẹ nhõm khi rũ bỏ được mối lo ngại về nguy cơ bị phăng teo suốt thời gian qua.

Nửa thật lòng nửa lấy lòng, tôi nở nụ cười thật thân thiện, vội mở miệng trước khi ông ta kịp bỏ đi:

"Ngô lão, vừa rồi là tiểu nha đầu con không hiểu chuyện nên trách lầm, người đại nhân không trách tiểu nhân, đừng giận con tội nghiệp. Con lập tức xuống giường phụ người làm việc, mặc dù con không biết chút y thức nào, nhưng ý thức tốt bù y thức kém, tuyệt đối sẽ ngoan ngoãn hầu hạ người. Pha trà rót nước, đấm lưng rửa chân, hầu hạ người thật chu đáo ạ".

Nói xong vừa hùng hổ hất chăn toan xuống giường, vừa "đau đớn" bặm môi nhíu chặt lông mày, quả nhiên liền bị xua tay ngăn lại.

Ngô lão bất ngờ trước thái độ thay đổi chóng vánh, từ mắng sang nịnh đột ngột, ngượng ngùng ho khan một tiếng.

"Cũng... không bận lắm, lão còn chưa ác độc đến mức ép một kẻ bị thương phải làm việc. Đợi ngươi lên da non, sẽ sai bảo ngươi sau. Hầu hạ thì không cần. Ngươi nghỉ ngơi đi".

Ông già da mặt mỏng nhẹ nhàng khép cửa lại giúp rồi tiếng bước chân vang lên xa dần. Tôi híp mắt cười, ông lão này thật dễ đối phó.

"Thứ đồ" tốt quấn quanh ngực dính sát vào da phía sau lưng, lúc gỡ ra có hơi rát da nhưng không đến mức không chịu được. Phiền nỗi vết thương nho nhỏ nằm rải rác đằng sau, không nhìn thấy nên không cách nào xử lý cẩn thận được. Đành vậy, tôi dùng khăn khô lau sạch đằng sau, quệt một lớp cao trị thương Ngô lão để lại bôi lên lưng, rồi nhúng tay vào chậu nước rửa sạch cao thuốc. Sau đó nằm sấp đợi thuốc ngấm hẳn mới khoác y phục lên người. Cái ông già này chẳng biết đường mua cho người ta cái yếm che ngực, mua mỗi áo khoác ngoài thì có tác dụng gì? Keo kiệt hết sức!

Không thể đi loanh quanh thăm dò trong bộ dạng hiện tại, chỉ có thể ngoan ngoãn nằm sấp trên giường dưỡng thương cả mấy ngày. Vết thương sau lưng không nặng đến mức không thể nhìn trần nhà mà ngủ, nhưng thứ cao bôi của Ngô lão mặc dù tốt song màu lại đen thùi lùi như than, mỗi lần bôi lên không thể khoác cái áo trắng muốt lên mình được nếu không sẽ biến nó từ tấm bạch y thành tấm giẻ lau nên phần lớn thời gian cái tấm thân của tôi toàn để trần trốn trong chăn. Dù sao ngoài Ngô lão mỗi ngày hai bữa mang cơm đến thì nơi này không còn người nào lui tới.

Hôm nay vừa dùng xong bát canh gà, định bụng ngủ trưa, còn đang ngồi bên bàn chưa kịp chui vào chăn thì nghe thấy tiếng chân gấp gáp rồi tiếng đập cửa đùng đùng.

"Ngô lão, mau cứu người. Đinh Nhị hắn bị...", thanh niên nọ cõng một người khác trên lưng, đẩy cửa rồi há hốc mồm, sau đó nhắm tịt mắt, lắp bắp: "Cô, cô, cô, cô nương... xin hãy tự trọng".

Tôi nhặt cái chân gà đã gặm trơ xương chọi vào đầu anh ta.

"Tự trọng cái đầu của ngươi. Tự tiện xông vào đây, hành vi này tự trọng quá nhỉ?".

"Ta, ta, ta...".

"Ta ta ngươi ngươi cái gì, còn không mau đặt huynh đệ của ngươi xuống", tôi chỉ vào cái sập phía bên kia.

Anh ta nghe vậy mới nhớ ra trọng lượng trên lưng, vội vàng đỡ người tên Đinh Nhị xuống sập. Quay lại thấy tôi đã mặc y phục kín kẽ thì thở phào.

Thật là... chẳng qua chỉ để trần vai với cánh tay thôi, vai thì băng mấy lớp, tay thì toàn vết roi nổi lên da, ngay cả so với cái màn thầu ba đồng một còn không vui mắt bằng, đám người ở đây cũng thật lắm bệnh quá.

Tôi đi tới ngó bệnh nhân, da tái, môi thâm, móng tay đen như cái cục cao của Ngô lão. Trúng độc không nhẹ. Nhưng cái người đứng bên cạnh mặt có khi còn đen hơn.

"Ngô lão đâu? Cô nói cho ta biết Ngô lão đi đâu, ta lập tức chạy đi tìm. Nếu trễ chút nữa, Đinh Nhị nguy mất".

"Ta làm sao biết ông già ấy đi tới chỗ nào".

Mặt anh ta loáng cái từ đen sì chuyển sang trắng nhợt như xác chết trôi trong nháy mắt.

Trông có vẻ tội nghiệp, thế là tôi lại thủng thỉnh nói tiếp:

"Nhưng ta biết Ngô lão sắp trở lại rồi đấy".

"Sắp là khi nào chứ...", người thanh niên mếu máo như sắp khóc tới nơi.

"Ngươi đếm đến mười là Ngô thần y của chúng ta sẽ lập tức có mặt".

Tôi nói chắc như đinh đóng cột, bởi vì đã nghe được tiếng bước chân quen thuộc của ông già đó bên ngoài sân viện đang hướng về căn phòng này. Nhưng người nọ không nghe thấy gì, nên nghĩ tôi đang đùa cợt anh ta, còn đùa cợt trên tính mạng của huynh đệ anh ta nữa. Nên anh ta nổi giận hừ một tiếng, xoay người tính chạy đi kiếm Ngô lão, có điều lao đi gấp quá, vừa qua bậc cửa suýt nữa đã tông ngã vị thần y râu bạc một nửa đang chuẩn bị tiến vào làm ông ta loạng choạng vịn vào khung cửa.

"Lỗ mãng...".

Ngô lão còn chưa kịp mắng hết câu đã bị chộp tay lôi tuột vào trong phòng tới bên sập.

"Ơn trời, cuối cùng ngài cũng về. Mau, mau xem Đinh Nhị".

Ngô lão thấy bệnh nhân liền quên hết tức giận cỏn con, vội vàng bắt mạch. Trải qua mấy ngày quan sát, tôi cảm thấy con người Ngô lão cũng không tệ, còn có chút thú vị. Người này y thuật có thể nói là rất cao, y thư và đan dược trong phòng đều thuộc hàng quý hiếm khó cầu. Nhưng lại không có lấy một đồ đệ để truyền y bác, ngay cả tiểu dược đồng giúp việc cũng không có. Là bởi vì tính tình ông ta cổ quái, nghiêm khắc đến mức đáng sợ nên không ai dám xin bái sư. Đồ ăn vật dụng các thứ đều tự làm lấy, không cho phép kẻ khác đụng tay đụng chân. Ông ta đối với Thành chủ vô cùng cung kính tận tụy, nói chuyện cũng quy củ cẩn thận. Nhưng đối với người khác lại hoàn toàn khác hẳn, cực kỳ khó chiều. Có điều, người này da mặt không dày như người khác tưởng, cũng không hề đáng sợ, ưa ngọt dễ dụ. Chỉ là người khác không biết nên không dám bất kính, thấy ông ta liền vái chào rồi chạy mất bóng ngay.

Cái người ưa ngọt dễ dụ hiện tại lại đang giậm chân lắc đầu.

"Hắn trúng phải Tương tư...".



Tôi cười phì một tiếng liền hứng trọn hai ánh mắt bắn thẳng tới.

"Tương tư thảo, giải độc không khó, nhưng đúng lúc vị thuốc dẫn cần nhất thì lão lại vừa dùng hết để bôi lên cái thân thể sứt sẹo của ngươi rồi", Ngô lão thở phì phì chỉ tay vào mũi tôi.

Tôi "à" lên một tiếng. Ở trong phòng nhàm chán không có gì để giải khuây nên mỗi ngày tôi đều lật giở y thư trong phòng này xem như một cách giết thời gian. Ngô lão nhìn thấy không hề phật ý, còn cười giễu nói tôi mèo chết đòi bắt chuột, có xem cũng không hiểu những thứ cao siêu trong đó.

Huynh đệ của Đinh Nhị cuống lên, vò đầu đi qua đi lại liên tục thốt lên "phải làm sao đây, làm sao bây giờ".

Tôi đi tới đá cho anh ta một.

"Ồn ào cái gì, mau, trèo lên chỗ cái kệ kia lấy hộp nhỏ trên cùng xuống đây. Còn đần mặt ra đó làm gì, lề mề thêm hai khắc nữa thì Đinh Nhị sẽ đi gặp tổ tiên luôn đấy".

Anh ta nghe thấy hai tiếng “tổ tiên” liền hồn vía lên mây không quản nhiều nữa, cũng không dám chần chừ, vội vàng bắc ghế nhón chân đem thứ tôi cần xuống. Tôi đón lấy, mở ra thì bị Ngô lão giữ tay lại.

"Nha đầu thối, ngươi muốn làm cái gì?".

Phí lời, đương nhiên là muốn cứu người rồi.

"Chẳng phải người mới bảo cần thuốc dẫn hay sao?".

"Lão nói cần thuốc dẫn, đâu nói cần Ngưu hoàng, ngươi lấy nó xuống để làm gì chứ?".

Tôi thở dài một hơi, gạt tay ông già, đi lục thêm mấy vị thuốc. Ông ta đi tới định tiếp tục ngăn cản, rồi thì khựng lại lẩm bẩm:

"Hùng hoàng? Chu sa? Đương quy? Bạch truật?".

Còn tưởng ông già này định tiếp tục cái tràng nhìn thuốc đọc tên thì ông ta "a" lên sửng sốt.

"Lão biết ngươi muốn chế thuốc dẫn gì rồi, về lý mà nói thì có thể thử, nhưng vẫn không bì được đâu, không thể thay thế hoàn toàn được, còn có thể gây nguy hiểm cho hắn".

Tôi chỉ tay về phía Đinh Nhị trên sập đang càng lúc càng đen.

"Người muốn lập tức dùng thứ thuốc dẫn này giúp anh ta có năm phần mười cơ hội sống, hay đợi mua về tìm về đúng vị thuốc người cần để giải độc cứu anh ta? Anh ta chỉ việc nằm đó không ngại, nhưng Diêm Vương lão gia nhất định không rảnh ngồi đợi".

Ngô lão giật mình như sực tỉnh, vớ thêm mấy vị thuốc rồi chộp lấy cái rổ trong tay tôi, quyết đoán lao đi chế thuốc. Ông già bận rộn xoay như chong chóng, nửa canh giờ sau thì Đinh Nhị sùi bọt mép, còn tưởng được Diêm Vương đón đi dự tiệc tẩy trần nhậu một trận hoành tráng rồi, may mà người này còn chưa tận số, thêm hai canh giờ dạo chơi trước quỷ môn quan, bị Ngô lão châm kim đầy mình như biến thành con nhím, cuối cùng cũng giải được độc. Tuy còn hôn mê chưa tỉnh, song không còn nguy kịch nữa, có thể an tâm được rồi.

Bấy giờ Ngô lão mới bước lại phía này, tôi vô cùng hiểu chuyện, rót cho ông chén trà giải khát.

"Vất vả cho người rồi, uống chén trà đi".

Đón lấy chén trà một hơi uống cạn, Ngô lão mới nheo mắt dò hỏi:

"Không lẽ trước đây ngươi từng học qua y thuật? Đã nhớ được cái gì rồi?".

Tôi cười khổ.

"Ngô lão à, người nhìn con trông có giống là đã nhớ lại gì đó không? Trước kia có học hay không con không dám chắc vì có nhớ được gì đâu. Nhưng mà chuyện hôm qua thì con nhớ đấy. Sau chính Ngọ hôm qua, con cầm quyển Biển Thước nội kinh lên định đọc thì bị người giật mất, khụ, cất mất, còn bảo cuốn ấy quý lắm, sách cũ rồi sợ con hậu đậu làm hỏng. Con bèn vớ cuốn khác đọc tạm".

Rút cuốn dưới gối ra đặt lên bàn, cười nói tiếp:

"Vị thuốc dẫn ban nãy chính là xem từ trong này".

Sợ ông chưa tin, tôi còn lật ra mấy trang đó, bày ra bằng chứng rành rành trước mắt.

"Nhưng nếu ngươi chưa học qua y thuật, vì sao ban nãy ngươi lại nhanh nhẹn bốc đúng các vị thuốc làm nguyên liệu như thế?".

Tôi nghẹo cổ khó hiểu, chọt chọt vào mấy hình vẽ trong trang sách.

"Ơ, chẳng phải trong sách của người có vẽ tranh minh họa các cây thuốc đấy rồi còn gì?".

"Đây là tranh vẽ cây thuốc khi chúng còn chưa được hái nhổ, chưa qua các công đoạn bào chế thành dược liệu. Còn thứ có trong phòng này đều là thành phẩm, có chỗ nào giống tranh trong sách ngươi xem không, hử?".

Tôi lại lúc lắc cần cổ về hướng ngược lại.

"Thì trong sách cũng đã ghi rõ hình dạng, màu sắc, mùi vị đặc trưng của chúng trước và sau khi bào chế còn gì?".

Còn đang khó chịu tại sao ông già này hỏi gì hỏi lắm thế thì đột nhiên ông ta chồm tới, hai mắt như điện.

"Ngươi, ngươi... ngửi được?".

"Mũi con có bị điếc đâu".

"Còn phân biệt được? Dù mới nhìn thấy lần đầu? Dù trong này có hơn ngàn vị thuốc khác nhau?".

"Không phải người cũng vậy à?".

Cho nên mới không dán nhãn tên vị thuốc lên mấy hộc tủ. Mấy ngày trước còn nghĩ ông già này già rồi nên lười thây cũng nên, nhưng loanh quanh ngó nghiêng trong này mấy ngày để ý thì mọi thứ sắp xếp vô cùng ngăn nắp cẩn thận, thế thì nguyên do là ông ta không muốn phiền phức dán nhãn lung tung sợ tốn giấy mực. Dù sao ông ta vốn có tính keo kiệt mà, đâu có chịu mua yếm che ngực cho tôi đâu.

"Ha ha ha...".

Ngô lão đột nhiên cười phá lên đến chảy cả nước mắt nước mũi khiến tôi hết hồn, mới vừa nghĩ ông già này lao lực quá nên lên cơn động kinh rồi chăng, thì ông ta lại chộp lấy hai bàn tay tôi, vừa cười vừa khóc.

"Ngô, Ngô lão?", không phải suốt ngày nói cái gì mà nam nữ hữu biệt, lấy cớ đó để xa lánh sợ tôi xin bạc ư, sao giờ tự dưng lại trở nên "phóng khoáng" không câu nệ tiểu tiết như vậy?

"Lão muốn thu nhận đệ tử".

"Hả?".

"Ngươi mau bái lão làm thầy, lão sẽ truyền sở học cả đời, truyền hết cho ngươi".

"Ơ?".

Tôi còn đang trong diện tình nghi mới đó đã thăng cấp thành bảo bối rồi?

"Người coi trọng con như vậy, con cảm động lắm. Nhưng mà người bình tĩnh ngồi xuống, con rót cho người chén trà. Nào, nào, uống chén trà nhuận giọng đi".

Rồi cũng tự rót cho mình một chén, tôi hớp miếng nước trà, khéo léo từ chối:

"Người cũng biết mọi người ở đây ngoài người ra, ai cũng ghét con, hận con, muốn con chết mới vừa lòng mà. Con đâu thể sống ở đây lâu dài được. Nên là... con không thể ở lại làm đồ nhi ngoan của người được, con phải rời khỏi đây thôi...".

Tôi thở dài liền mấy tiếng ra vẻ vô cùng tiếc nuối vô cùng buồn bã, đau lòng "rơi lệ" nâng chén trà uống thêm mấy ngụm để an ủi nỗi lòng đau đớn khôn cùng vì không cách nào bái sư học thuật.

"Yên tâm. Ngươi không rời khỏi thành này được đâu".

"Phụtttttt", tôi phun thẳng một miệng nước trà vào tấm áo vải của ông già còn đang khoái chí cười trước mặt, nghi ngờ hỏi lại: "Người nói cái gì? Vì sao? Không phải đã nói là trả tự do, muốn đi đâu thì đi, ở không quản đi không giữ còn gì? Đều là lời nói láo cả ư?!".

"Khụ khụ. Đồ nhi ngoan, bình tĩnh một chút. Tửu thành này mấy trăm năm nay tách biệt với thế gian, không thể ra vào theo ý được đâu. Không phải ngươi từng chạy tới cổng thành rồi à? Không nhìn thấy ai gác cổng đúng không? Vì không cần người nào canh gác, đã có cơ quan trận pháp bảo vệ tuyệt đối, dù là con sâu con kiến cũng không chui qua lọt".

Cái gì? Cái gì hả? Cái gì cơ!? Lão nương muốn lật bàn!

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Nhị Vương Phi Hai Mặt

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook