Nhiếp Chính Ỷ Lan

Chương 6

Quỳnh Cư

22/06/2015

Sáng ấy, ngay sau khi ngự xem thủy quân tập trận, vua Lý Thánh Tông về cung Ỷ Lan. Được thị nữ báo, Ỷ Lan vội đặt quyển sách Phật xuống kỷ, sửa sang xiêm áo tiến ra đón vua. Nhận thấy nét mặt vua rạng rỡ, Ỷ Lan quên cả giữ ý tâu:

- Bệ hạ có điều gì vui mà hôm nay đến với thiếp khác thường vậy?

Vua sải những bước dài đi vào cung, nói:

- Ái phi thử đoán xem trẫm vui vì cớ gì?

Ỷ Lan chưa kịp trả lời, vua chợt cầm cuốn sách rất dày đặt trên kỷ, lật vài trang rồi quay lại nhìn Ỷ Lan, giọng không vui:

- Ái phi cận ngày sinh nên giữ gìn sức khỏe mới phải. Mà sao ái phi đọc sách Phật? Ái phi để tâm đến đạo từ bao giờ?

- Tâu bệ hạ! Để tâm xem xét việc trị nước của các bậc đế vương và của bệ hạ, mỗi ngày thiếp mới sáng ra một chút. Cứ như thiếp hiểu thì một vị hoàng đế anh minh, một triều đình thịnh trị thì thường phải biết kết chặt được quyền trị vì của một nguyên thủ với hình bóng của một đấng chí tôn thay trời cai trị muôn dân, giữ một địa vị vô thường. Cũng khác nào như bệ hạ trên danh nghĩa là vị hoàng đế thay thượng đế trị dân, nhưng cũng là người thay mặt cho muôn dân trước thượng đế: “Trên kính mệnh trời, dưới thu lòng dân”. Xem thế thì cái mà dân muốn cũng là trời muốn. Hiểu như vậy, lẽ nào thiếp không bỏ công để biết cái đạo mà bệ hạ đang dùng để cố kết lòng dân và xem xét việc tu hành của muôn dân.

Vua Lý Thánh Tông giọng miễn cưỡng:

- Trẫm chẳng cản ngăn việc đọc rộng biết sâu của ái phi, nhưng đang lúc bụng mang dạ chửa, chẳng nên làm quá.

Bị vua gạt đi Ỷ Lan cụt hứng. Nhưng hiểu thiện ý của vua Ỷ Lan lựa lời:

- Tâu bệ hạ! Vì yêu quý bệ hạ, thiếp không thể vô tâm trước sự khó nhọc của bệ hạ. Lưu tâm đến đạo pháp, thiếp chỉ cốt mong hiểu được nghiệp lớn mà bệ hạ phụng sự cho dân nước. Nay bệ hạ đã dạy, thiếp xin tuân ý. Nhưng chẳng hay bệ hạ có điều gì vui vậy?

Vua Lý Thánh Tông ây yếm nhìn Ỷ Lan:

- Trẫm vui vì hai lẽ: Quan thiếu bảo Lý Thường Kiệt vừa đem quân hồi triều. Chuyến đi chinh phạt viên thổ tù làm phản không tốn một mũi tên mà chúa đạo Ma sa34 phải quy thuận. Việc liên kết biên giới trẫm nhờ cậy Lý Thường Kiệt thế là xong. Khá khen viên tướng tài cao đức rộng, ra trận thường đi trước ba quân trị nước biết lấy sinh dân làm mục đích, biết lấy ân thay uy, lấy cảm lược để chinh phục lòng người. Vì vậy, chỉ không đầy một năm Lý Thường Kiệt đã giúp trẫm trấn yên được miền biên viễn, biết dùng uy, đức để tỏ rõ lòng khoan hồng đối với các quân thần của trẫm. Vì cái công khó nhọc ấy, trẫm vừa gia phong cho chức phụ quốc thái phó.

[34]Nay là vùng Mai Đà, Hà Sơn Bình.

Ỷ Lan hớn hở:

- Bệ hạ thưởng phạt công minh ấy là để khích lệ bầy tôi gắng thực hiện được nghiệp lớn của bệ hạ, ai hay biết chẳng phấn chấn? Xưa nay, quân được hay thua là do ở người tướng. Người tướng giỏi biến hóa, vì thương người, nhân từ mà quyết đoán, dũng cảm mà tươm tất, lấy sách lược mà chế ngự quan quân, chưa thấy ai như thế mà không dẹp yên được loạn bao giờ. Thiển ý thiếp, Lý Thường Kiệt thuộc loại tướng ấy, còn lẽ thứ hai? Ỷ Lan chăm chú hỏi.

- Mấy hôm trước trẫm được tâu trình bộ Công vừa cho đóng xong hai chiến thuyền lớn: Vĩnh Xuân và Thanh Lãn, sức chở mấy trăm người. Tiện thể, trẫm cho tập thủy quân ở hồ Dâm Đàm. Dưới quyền tiết chế của Lý Thường Kiệt, hơn hai trăm thuyền chiến của quân phủ vệ và cấm vệ nhập trận thật đẹp mắt. Có đội thủy quân hùng hậu ấy trẫm chẳng còn phải lo giặc ngoài nữa.

Là người tinh tường, nhạy bén, Ỷ Lan nhận thấy trong cách nói của vua có một ẩn ý, nên vội tâu:

- Bệ hạ chẳng bao giờ quên công lao của những bầy tôi tận trung với nước nên dưới trướng, các văn võ đại thần đều sẵn lòng xả thân giúp bệ hạ dựng nên nghiệp lớn. Vậy nên bấy lâu nước Đại Việt được nước lớn kính nể, nội trị dân cư yên nghiệp làm ăn, còn có điều chi bệ hạ phải bận lòng?

Vua Lý Thánh Tông mỉm cười rồi nghiêm sắc mặt:

- Trẫm không nỡ giấu ái phi tin tức từ biên ải cho hay rằng Hoàn Vương35 đang tăng binh luyện lính rất gấp. Mới đây hắn cho quân xâm phạm biên giới Đại Việt và lén lút sang thần phục Tống triều. Vua Tống cho hắn mua nhiều ngựa ở Quảng Châu đem về. Lẽ ấy khiến trẫm bận tâm.

[35] Chỉ vua Chiêm Thành.

- Tâu bệ hạ. - Ỷ Lan xích gần vua, nói – Việc lớn thiếp không dám lạm bàn, song chắc hẳn nước Tống kia với nước Chiêm này thấy Đại Việt hưng thịnh lên mà câu kết nhau chống lại bệ hạ. Vậy, lúc này bệ hạ càng cần cố kết lòng dân để trên dưới, trong triều, ngoài lộ đều thuận hòa, khiến cho nước Đại Việt ở thế cao ngàn trượng so với giặc ngoài mới ngăn được giặc.

Vua chỉ định báo tin cho Ỷ Lan, không ngờ câu chuyện đã chuyển sang việc quân quốc trọng sự, thấy Ỷ Lan xét việc rất tinh, vua dốc bầu tâm sự:

- Những điều ái phi vừa tâu chính là việc làm cho dân giàu nước mạnh, mọi người chung sức chung lòng lo giữ gìn cơ nghiệp tổ tông. Sự thể ở các châu, các trang trại của kẻ cư quan nhiệm chức là phú ông cứ rộng rãi mãi, giàu thêm mãi khiến cho kẻ giàu người nghèo bất hòa không dung nhau được. Trẫm nghe nói, có kẻ đã nuôi trong nhà cả ngàn tư nô, nô bộc36, đua nhau mua bán nô tỳ. Trẫm thương dân như con trong nhà. Nhưng con trong nhà có thể bắt tập theo lễ phép tùy ý, còn ngài kia, trẫm muốn khai hóa muôn dân, đâu dễ mà được? Ái phi là người để tâm đến việc triều đình ắt có phương lược giúp trẫm.

[36] Lịch sử có ghi sự kiện đó.

Ỷ Lan tâu:

- Theo ý của thiếp, xưa các bậc đế vương không lo dân không giàu mà lo nước không yên.



- Thật lạ cho ái phi! Yên mà nghèo thì sung sướng gì? Vua cao giọng hỏi lại.

Ỷ Lan đáp:

- Tâu bệ hạ! Giàu mà không yên thì dù có lúa đầy kho cũng không ngồi mà an hưởng được.

Vua vặn hỏi:

- Nhưng sự không yên có phải tự sự giàu mà sinh ra đâu?

- Tâu bệ hạ! Chẳng phải sự “giàu” mà từ sự “muốn giàu”.

Vua trợn mắt:

- Thế trẫm muốn dân giàu là trẫm đem sự không yên cho dân sao?

Ỷ Lan im lặng, cúi đầu. Người vợ yêu của vua Lý Thánh Tông chợt nhận rõ, muốn cho nước thịnh dân giàu quả là công việc khó khăn vượt quá tầm suy nghĩ của mình. Trong cách lý giải cũng vậy - Ỷ Lan nghĩ. Nói dân giàu là phải nói đến số đông dân lam lũ, đâu phải kể đến những phú ông ở các làng xã. Một nước được gọi là giàu phải là nước mà trong thôn cùng xóm vắng cũng không có kẻ oán than, đói khổ. Từng chịu cảnh nghèo ở Thổ Lỗi, Ỷ Lan thấy rõ kẻ giàu trong làng, tổng mỗi ngày một giàu thêm, quyền uy khuynh loát cả một vùng. Có kẻ nghèo thì có được mùa cũng chẳng giàu lên được. Mối bất hòa sinh ra từ chỗ ấy. Một bậc minh quân chính là phải kiềm chế được ý muốn làm giàu vô hạn của kẻ có chức quyền, phải lo cho trong dân, mỗi nhà đều có bát ăn. Nghĩ vậy, nên khi được gặng hỏi. Ỷ Lan tâu:

- Cả thiên hạ ai chẳng muốn giàu. Người giàu muốn giàu thêm, người nghèo muốn nên giàu. Tính tham dục tự nhiên đã có sẵn trong lòng. Vì muốn giàu mà kẻ này bất nhân, tàn ác, kẻ kia sinh lòng phản trắc, xem nhẹ tình cốt nhục cha con, anh em. Họ đâu còn biết đến lễ nghĩa, liêm sỉ là gì nữa. Bởi vậy thiếp dám tâu rằng, nếu không biết đến lễ nghĩa, dân càng giàu, nước càng yếu!

Vua Lý Thánh Tông sửng sốt trước ý tưởng khác lạ của Ỷ Lan. Bởi vậy một lúc lâu, vua mới gặng hỏi:

- Vậy ái phi khuyên trẫm nên thế nào?

- Tâu bệ hạ! Bệ hạ đã thương dân như con thì nên có chung một sự răn dạy rộng rãi, bắt buộc đối với mọi người. Bao giờ từ quan đến dân biết trọng tư cách làm người hơn tư cách làm giàu, biết kiềm chế lòng tham dục thì ngày ấy nước mới thực có kỷ cương, phép tắc, mới trở nên vững vàng được.

Hiểu được chính kiến sâu rộng của Ỷ Lan, vua Lý Thánh Tông vui vẻ trở lại.

- Ái phi đã vén cho trẫm một đám mây mờ. Lâu nay trẫm bỏ lơi việc răn dạy muôn dân trọng lễ nghĩa, chưa để tâm đến những kẻ hèn ở thôn dã. Ái phi đã giúp trẫm hồi tâm vậy.

- Tâu bệ hạ! Việc ấy bệ hạ sẽ làm trong nhiều năm. Bệ hạ cần có dưới trướng đông đảo người hiền tài. Muốn kén người hiền tài, ắt phải mở khoa thi. Bệ hạ đã từng muốn được mọi người sống an hòa, ai có đức thì theo, có tài thì học. Bởi vậy, việc mở trường dạy cho con dân khôn ngoan, giỏi giang lên, từ đó mà tuyển chọn người hiền tài là việc nên làm. Ngay con em hoàng tộc bấy lâu chơi bời lêu lổng, hết xuống sông hồ ngụp lặn lại cưỡi ngựa đi săn, càng cần mở ngay trường bắt học37. Theo thiển ý thiếp, kẻ bầy tôi trước phải giúp dân, nghĩ cách làm lợi cho dân, không được che ác với vua, cốt làm đẹp lòng vua để mong đẹp cung thất. Người ấy không chỉ cần có tấm lòng thành, trung với vua, hiếu với dân nước mà còn phải có tài. Thứ nữa, xin bệ hạ hạn chế số điền sản của quan lại, phú ông, ngăn chặn sự hà lạm công quỹ và mối bất bình giữa kẻ giàu và người nghèo. Nước muốn mạnh, dân muốn giàu, bận đế vương xưa thường biết chăm dân. Để dân bần cùng đói rách, bị đè nén ấy là mầm mống của suy loạn. Bệ hạ đã cho thiếp được tâu bày xin bệ hạ hãy bỏ qua những điều không phải.

[37] Sau này vua nghe Ỷ Lan mở trường bắt buộc con em hoàng tộc theo học.

- Giỏi lắm! Giỏi lắm! Những việc xem ra đơn giản vậy mà trẫm chẳng nghĩ ra. Trẫm sẽ suy ngẫm và chỉnh đốn việc nội trị.

Ỷ Lan vui mừng vì lần đầu tiên được vua thực tâm hỏi về việc trị nước. Nhận thấy vua có phần mệt mỏi, Ỷ Lan âu yếm hỏi:

- Hình như bệ hạ chẳng được khỏe? Bệ hạ cần dùng gì thiếp xin được hầu hạ.

Vua như sực nhớ ra điều gì, nghiêng đầu nhìn mặt trời rồi vội đứng dậy:

- Trẫm phải về cung Thúy Hoa nghe Lý Thường Kiệt tấu trình việc binh bị.

Ỷ Lan tiễn chân vua một đoạn rồi trở lại án thư mở cuốn sách đang đọc dở.

* *

*

Hoàng hậu Thượng Dương vận bộ đồ ngủ màu xanh da trời, món quà của người lái buôn Tống dâng biếu hôm nào. Chất lụa mềm mại, sắc màu tươi mát, cách may cầu kỳ như được thửa riêng cho hoàng hậu nên trông hoàng hậu đẹp và trẻ ra hàng chục tuổi. Món quà thật quý. Nó quý không phải chỉ vì thứ lụa thuộc loại đắt tiền, khó mua mà vì khi mặc vào nó tôn được nét trẻ trung mơn mởn của một thân hình nở nang, được trau chuốt, nhất là tôn được nước da mịn màng, trắng ngần của hoàng hậu. Các thị nữ của hoàng hậu khi được chiêm ngưỡng bộ đồ ngủ của các hoàng hậu Tống triều này đã xuýt xoa kinh ngạc về phép mầu nhiệm kỳ lạ của nó. Trước mắt các thị nữ, thân hình đẹp như tạc của hoàng hậu được tôn lên vừa kín đáo e ấp, vừa lồ lộ đến huyền ảo dưới ánh đèn lồng. Mặc dù được khen và biết mình đẹp lên, nhưng hoàng hậu Thượng Dương không hề vui. Từ hôm nhận quà tặng, hoàng hậu bỗng lo lắng khi nghĩ đến hành tung bí ẩn của người lái buôn Tống ấy. Trong thâm tâm, hoàng hậu vẫn thấy cộn lên niềm khắc khoải lo âu. Tại sao người lái buôn lại am hiểu triều Lý, hiểu tính nết từ vua đến các đại thần, hiểu nỗi lo đốt cháy tâm can hoàng hậu khi nghĩ đến Ỷ Lan sẽ sinh quý tử và hiểu Ỷ Lan đến thế? Con người ấy thực bụng muốn giúp ta trừ Ỷ Lan, trừ phe cánh Lý Thường Kiệt hay còn muốn gì nữa? Kế độc mà con người ấy nghĩ ra, cho thấy con người ấy không chỉ là một lái buôn, một thầy địa lý mà còn là người quỷ quyệt có tham vọng lớn. Bởi thế, một mặt hoàng hậu gấp xúc tiến thực hiện việc chôn bùa ếm để hại Ỷ Lan, nhưng mặt khác, ngay sau lúc người lái buôn đem thêm gấm lụa đến dâng biếu, hoàng hậu đã cho thị nữ đi theo dò xét. Nhưng con người ấy thoắt đến thoắt đi, giỏi cải dạng đến nỗi thị nữ của hoàng hậu không biết gì thêm. Và lúc này đây, hoàng hậu trang điểm mong vua đến mà lòng ngổn ngang trăm mối tơ vò. Linh tính như báo cho hoàng hậu biết những việc hệ trọng nhất để hại Ỷ Lan sắp được định đoạt, và người lái buôn Tống kia với tấm phù hiệu tùy tiện ra vào cung cấm, sẽ không phải là điềm lành cho hoàng hậu. Đã có lúc hoàng hậu lo sợ muốn buông xuôi, mặc cho con tạo xoay vần, mặc Ỷ Lan muốn làm gì thì làm. Hoàng hậu sẽ trả lại gấm lụa, quà biếu cho người lái buôn, phòng hậu họa. Nhưng khi nghĩ đến Ỷ Lan sẽ sinh quý tử, một Ỷ Lan trẻ đẹp, giở ngón quyến rũ làm vua mê muội để khuynh loát triều đình, hỗn hào với ta thì hoàng hậu lại muốn tức khắc nhổ ngay cái gai trước mắt mình. Chao ơi – hoàng hậu rầu lòng tự nhủ - tham vọng của người đàn bà quả là đáng sợ.

Chợt người thị nữ thân tín của hoàng hậu hớt hải bước vào:

- Tâu hoàng hậu, đứa thị nữ ở cung Ỷ Lan là Thị Chinh đã tới.

Hoàng hậu Thượng Dương lạnh lùng:



- Ta chờ đợi nó đến héo cả ruột. Thị Thảo đã sửa soạn xong chưa?

Một người đàn ông tầm thước có khuôn mặt đầy đặn, đẹp như tranh vẽ, ăn vận như một viên tiểu quan nghe tiếng hỏi, nhanh nhẹn bước ra:

- Tâu hoàng hậu, thiếp đã sửa soạn xong!

Hoàng hậu Thượng Dương trợn mắt:

- Ta đã dặn đi dặn lại mãi rồi sao ngươi cứ xưng hô nhầm lẫn mãi vậy?

Bị khiển trách, người đàn ông có tên là Thị Thảo ấy lúng túng:

- Thần xin ghi nhớ.

Hoàng hậu Thượng Dương nhếch mép cười rồi vẫy Thị Thảo lại gần, trao cho một gói nhỏ:

- Ngươi hãy đưa gói này cho nó, cứ để nguyên vậy mà chôn. Còn đây – hoàng hậu lấy thêm một chiếc túi gấm – có năm lạng vàng làm tin. Về phần ngươi – hoàng hậu kéo người đàn ông lại gần, thì thào hồi lâu. Dưới ánh sáng của những ngọn đèn lồng, người đàn ông tủm tỉm cười nét mặt rạng rỡ.

Ngay sau đấy, Thị Thảo, tên người đàn ông rất đẹp trai ấy, cẩn thận cầm hai gói nhỏ theo chân người thị nữ thân tín của hoàng hậu Thượng Dương ra chỗ hẹn với Chinh.

- Đấy là vị quan người trong họ mà tôi đã nói với chị từ trước. Thôi hai người nói chuyện với nhau, tôi phải về hầu hoàng hậu bữa tối.

Chinh làm bộ e lệ:

- Chị về thế sao tiện. Đêm hôm thế này ai trông thấy thì chết. Tuy nói như vậy nhưng dưới ánh trăng thượng tuần, Chinh đã nhận ra chàng trai đang ngồi gần mình có một vẻ đẹp mê hồn. Ngượng ngập Chinh lên tiếng:

- Thôi chàng cho thiếp về, hẹn đến khi khác, gặp nhau sẽ nói nhiều. Như một cái máy, chàng trai nói như đã học thuộc lòng:

- Tôi được cô em họ cho hay gia cảnh nàng rất đỗi đáng thương, chỉ có một mẹ một con. Từ khi được ngắm dung nhan diễm lệ của nàng cách đây một tuần trăng, tôi những ngày quên ăn, đêm quên ngủ như người mắc bệnh tương tư vậy. Đêm nay, thật thỏa lòng ao ước, tôi được gặp nàng. Phải, tôi đang ngồi bên nàng, mà như ở đâu trong cõi mộng, lòng tôi cảm động xiết bao!

Lần đầu nghe những lời tỏ tình du dương, êm ái của một chàng trai đẹp, Chinh xúc động quên cả giữ gìn:

- Chẳng hay chàng nói thực lòng hay cốt làm vui lòng thiếp? Nếu chàng thực bụng yêu quý thiếp thì thiếp cũng xin tạ lại tấm lòng chàng để yêu chàng cho đến lúc mãn chiều xế bóng. Thiếp tin ở người mai mối nhưng tình chàng lấy gì làm tin?

Chợt nhớ ra lời hoàng hậu dặn, chàng trai sán lại gần, nắm lấy tay Chinh rổi thoắt ôm lấy Chinh giọng lạc đi vì xúc động:

- Tình tôi yêu nàng trăng kia chứng giám. Và, tôi xin trao nàng số vàng này, tất cả vốn liếng mà tôi có, cho nàng làm tin. Chẳng hay nàng còn nghi ngại gì về tấm tình tôi yêu nàng, say mê nàng đến héo hắt sầu muộn?

Chinh run lên bần bật vì những cảm xúc mới mẻ chưa từng có trong đời, còn vì số vàng quá lớn mà chàng trai vừa đặt vào tay mình.

- Ôi! Chàng yêu thiếp đến thế này sao? Chinh kêu lên se sẽ - Thiếp bằng lòng yêu chàng, bằng lòng lấy chàng. Thiếp nguyện sẽ sửa túi nâng khăn cho chàng đến lúc đầu bạc răng long…

Một lúc sau để Chinh tựa người vào mình, chàng trai thủ thỉ:

- Vậy là đôi ta nguyện sẽ lấy nhau. Nhưng tôi có câu chuyện này muốn bày tỏ với nàng. Gia đình tôi có mối thù truyền kiếp với nguyên phi Ỷ Lan. Tôi đã hẹn với song thân ngày nào chưa trả mối thù ấy tôi chưa thể lấy vợ. Tôi không thể yên hưởng hạnh phúc khi gia tộc chưa trả xong món nợ này.

Chinh cướp lời:

- Thiếp cũng không ưa gì Ỷ Lan. Vậy chàng cần gì thiếp sẵn lòng giúp.

Như chỉ đợi đến lúc ấy, chàng trai ghé sát lại Chinh, giọng cầu khẩn:

- Việc không có gì khó khăn đâu. Nàng chỉ cần giúp tôi chôn gói này dưới gầm giường Ỷ Lan, tất Ỷ Lan sẽ mắc trọng tội. Khi việc bị phát giác nàng cứ đổ riết cho Ỷ Lan. Thế là xong. Mối thù được trả xong tôi sẽ cưới nàng.

Vì quá mê chàng trai lại ngất ngây trước số vàng lớn, Chinh quyết định sẽ cùng “nhân tình” làm hại Ỷ Lan.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Nhiếp Chính Ỷ Lan

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook