Như Nước Với Lửa

Chương 43

Superpanda

03/07/2024

Tác giả: Superpanda

Dịch: Mặc Thủy

Chương 43

Phiếm Hải chống bán khống (4)

Có câu “sóng gió dồn dập”, còn có câu tục ngữ “phúc bất trùng lai họa vô đơn chí“.

Những chuyện không hay về Kinh Thiên Bình và Livestream Không Biên Giới vẫn chưa được giải quyết, trên Nasdaq, tập đoàn Phiếm Hải lại hứng chịu thêm một đợt bán khống. Người bán khống “mượn” số lượng lớn cổ phiếu của tập đoàn Phiếm Hải, bán ra trước, muốn chờ đợt giảm mạnh theo dự kiến để mua trả lại cổ phiếu theo giá thị trường tại thời điểm đó, bán cao mua thấp, kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá trung bình.

Tay bán khống chuyên nghiệp nổi tiếng ở Mỹ, đồng thời là người đứng đầu quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Bây giờ là thời điểm thích hợp để bán khống cổ phiếu Phiếm Hải.” Ông ta cũng cho biết chính mình đang bán khống, đã tăng vị thế bán khống cổ phiếu Phiếm Hải ​​trong danh mục đầu tư của mình lên khoảng 20%.

Trong câu trả lời tiếp theo đó, ông ta đề cập đến nhiều vấn đề mà tập đoàn Phiếm Hải đang gặp phải:

Trước hết, thị trường khó mở rộng do phải cạnh tranh với Thanh Huy. Ông ta đưa ra một ví dụ: sản phẩm của Phiếm Hải chặn tất cả các liên kết đến sản phẩm của Thanh Huy, người dùng không thể chia sẻ các liên kết video ngắn của Thanh Huy trên nền xã hội xã hội của Phiếm Hải, các video ngắn của Thanh Huy cũng không cho phép hiển thị được thông tin sản phẩm của Phiếm Hải, kể cả những game mới nhất của Phiếm Hải. Ông ta cũng cho biết, trên các nền tảng thương mại điện tử của cả hai bên, nhiều sản phẩm và thậm chí cả sản phẩm đầu tư, bao gồm ứng dụng đặt đồ ăn, ứng dụng cho thuê nhà, ứng dụng cho thuê xe hơi, ứng dụng mua vé, ứng dụng du lịch... đều không thể sử dụng các công cụ thanh toán của bên kia. Nền tảng video ngắn của Thanh Huy là phương tiện truyền thông Web 2.0 quan trọng nhất, tầm ảnh hưởng của nó ngày càng rộng hơn, vắt kiệt thời gian của người dùng trên các nền tảng khác, các nền tảng khác ngày càng yếu thế. Như vậy, Phiếm Hải sẽ khó kinh doanh hơn.

Thứ hai, mảng kinh doanh game là nguồn lợi nhuận quan trọng nhất của tập đoàn Phiếm Hải, tuy nhiên, năm 2018, cơ quan chức năng Trung Quốc đã ngừng cấp phép, đến tháng 8, thậm chí kênh đăng ký lấy giấy phép cũng bị đóng. Đến nay đã nửa năm cơ quan chức năng không thông qua bất cứ giấy phép nào, điều này có thể nói là giáng đòn trí mạng vào Phiếm Hải, thái độ của cơ quan chức năng đối với “game” những năm gần đây ngày càng cứng rắn hơn.

Thứ ba, hoạt động kinh doanh tài chính cũng là một nguồn lợi nhuận quan trọng của tập đoàn Phiếm Hải, tuy nhiên những năm gần đây các quy định về tài chính ngày càng nhiều và khắt khe. Một số công cụ tài chính của Phiếm Hải, chẳng hạn như sản phẩm cho vay, có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi các chính sách này, Tín dụng AI mà công ty đã đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu và phát triển có thể không thể tăng trưởng do chưa rõ quy định trong quy trình phê duyệt tự động. Ông ta nói thêm, tài chính và game, mỗi lĩnh vực chiếm một phần ba lợi nhuận của Phiếm Hải.

Thứ tư, mảng kinh doanh quảng cáo duy nhất còn lại cũng đang chịu tác động từ các video ngắn và phát sóng trực tiếp của tập đoàn Thanh Huy, ví dụ như chi phí marketing ban đầu các công ty lớn chi cho video dài nay phần lớn đã được chuyển sang video ngắn.

Thứ năm, đối với các lĩnh vực công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây, tập đoàn Phiếm Hải không có lợi thế về mặt kỹ thuật so với nước ngoài. Trong tương lai, những lĩnh vực này chắc chắn sẽ được quản lý và kiểm soát bởi các gã khổng lồ quốc tế, ông ta không thể nhìn thấy những điểm tăng trưởng mới.

Thứ sáu, họ nghi ngờ tập đoàn Phiếm Hải có hành vi lừa đảo. Ví dụ: có một số lượng lớn danh sách giả mạo trên ứng dụng nhà ở cũ. Đầu tiên, đại lý môi giới cho khách hàng mục tiêu xem một số “ngôi nhà giả”, thường có giá cao và tình trạng tồi tàn, sau đó bất ngờ thông báo cho bên kia rằng anh ta tình cờ có trong tay một ngôi nhà rất tốt, sau khi so sánh, khách hàng sẽ ký hợp đồng ngay. Một tình trạng khác là làm ngược lại, dùng “nhà giả” với giá rẻ, điều kiện tốt để thu hút khách hàng, sau đó nói căn nhà này không còn, nhưng một căn khác cũng rất tốt, rất đông người hỏi thăm, khách hàng sốt ruột thế là ký hợp đồng ngay.

Cuối cùng, còn điểm thứ bảy, theo một nguồn tin đáng tin cậy, có mâu thuẫn giữa Kinh Hồng, CEO tập đoàn Phiếm Hải và Kinh Thiên Bình, CEO Siêu thị Thiên Bình. Siêu thị Thiên Bình có thể sẽ tách ra, dường như giữa hai bên đang xảy ra mâu thuẫn nghiêm trọng, gây ra vô vàn rắc rối, ảnh hưởng trực tiếp đến mảng kinh doanh thực phẩm tươi sống khá quan trọng của tập đoàn Phiếm Hải.

Thực tế, trước cuộc phỏng vấn này, vị thế bán khống của tập đoàn Phiếm Hải đã ở mức cao. Kể từ năm ngoái, xích mích giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã leo thang, tương lai của nhiều sản phẩm của các công ty Trung Quốc tại Hoa Kỳ là không chắc chắn, mà ngành công nghệ lại càng trở nên nhạy cảm hơn, nhiều sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài đã bị cáo buộc về an ninh, đặc biệt là các nền tảng thông tin như video. Suy nghĩ của bên kia cũng dễ hiểu, những nền tảng này cũng giống như phương tiện truyền thông, không thể bị Trung Quốc kiểm soát.

Bài phỏng vấn vừa được công bố, giá cổ phiếu của Phiếm Hải đã giảm mạnh, tất cả các phương tiện truyền thông lớn đều đưa tin:

[Tư bản quốc tế bán khống Phiếm Hải, giá cổ phiếu Phiếm Hải giảm hơn 8% trong một ngày.]

[Quỹ Greyhawk bán khống Phiếm Hải, Phiếm Hải hiện chưa có phản hồi.]

[Phiếm Hải bị bán khống kỷ lục, dữ liệu của S3 Partners cho thấy vị thế bán khống tăng 50%, Phiếm Hải bày tỏ áp lực quá lớn!]

Còn có:

[Lại, rồi lại, cứ lại, vẫn lại bán khống Phiếm Hải! Lần này có an toàn không?]

Cùng ngày, một vài tổ chức cá biệt thay đổi khuyến nghị đối với cổ phiếu Phiếm Hải thành “bán ra”, nhưng các công ty môi giới như Morgan Stanley cũng nhắc lại khuyến nghị “mua vào“.

Kinh Hồng cũng biết, Quỹ Greyhawk thực chất luôn đánh giá tương lai của tập đoàn Phiếm Hải là ảm đạm, đã bán khống mấy năm nay, bọn họ cược rằng Phiếm Hải sẽ gặp khó khăn, tưởng giá cổ phiếu sẽ quay đầu, chờ đợi để gặt tiền của Phiếm Hải. Lần này, đối mặt với những “vấn đề” nêu trên, có lẽ ông ta rất tự tin nên mới dám công khai đưa ra lý do bán khống, muốn đổ thêm chút dầu, cho thêm chút củi vào đống lửa.



Ngoài ra, trong cuộc phỏng vấn, người đứng đầu Quỹ Greyhawk một lần nữa nhấn mạnh những nghi ngờ về mặt tài chính của ông ta đối với các công ty Trung Quốc.

Điều này cũng có lý do trong lịch sử.

Xu hướng bán khống các công ty Trung Quốc có lẽ đã bắt đầu từ 8 năm trước, khi đó Xí nghiệp giấy Phương Đông bị Muddy Waters đặt câu hỏi về quy mô sản xuất và thu nhập, cũng như tính xác thực của khách hàng, v.v., vì Muddy Waters không tìm thấy bất kỳ dấu vết nào của logistic trong quá trình khảo sát thực địa tại nhà máy. Giá cổ phiếu Xí nghiệp giấy Phương Đông giảm hơn 80% trong 3 năm. Sau này, do bị phát hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn Dược phẩm sinh học Quốc gia Trung Quốc (Sino Biopharm) đã nộp các số liệu tài chính khác nhau lên Cục Quản lý Công thương Trung Quốc (SAIC) và Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC), một mặt trốn thuế Trung Quốc, mặt khác thì cuỗm tiền của Mỹ, Sino Biopharm bị chất vấn về việc nộp báo cáo kép. Ngay khi có báo cáo, Sino Biopharm đã bị hủy niêm yết. Sau này, ngày càng nhiều công ty Trung Quốc trở thành mục tiêu bán khống, bị hủy niêm yết, hoặc bị chuyển sang thị trường Pink Sheets (thị trường phi tập trung).

Sau đó, các tổ chức bán khống phát hiện ra vấn đề tài chính của các công ty Trung Quốc quá nghiêm trọng, nên họ bắt đầu một “bữa tiệc”, liên tiếp bán khống hàng chục công ty. Quy trình thông thường vào thời điểm đó là tổ chức bán khống trước tiên tiến hành điều tra, thông báo cho một số quỹ phòng hộ về kế hoạch bán khống của mình. Sau đó, các tổ chức bán khống và quỹ phòng hộ cùng nhau thiết lập các vị thế bán khống. Tiếp đó, tổ chức bán khống đưa ra báo cáo hoặc tuyên bố tiêu cực rằng “công ty mục tiêu có vấn đề”, cơ quan đánh giá hạ thấp xếp hạng, thị trường hoảng loạn, một lượng lớn cổ đông bán tháo cổ phiếu làm cho giá cổ phiếu lao dốc ngay lập tức. Tốt hơn nữa là kích hoạt một đợt khởi kiện tập thể, khiến giá cổ phiếu tiếp tục giảm. Trong quá trình này, các ngân hàng đã chấp nhận cầm cố cổ phiếu cũng có thể thanh lý vị thế của mình, giá cổ phiếu tiếp tục lao dốc. Cuối cùng, quỹ phòng hộ mua vào, mua vào để cân bằng (Short Covering), quỹ phòng hộ và các tổ chức bán khống kiếm được đầy bồn đầy bát.

Đầu thế kỷ 21, một số lượng lớn công ty Trung Quốc được các bên trung gian đưa sang Mỹ, tạo vỏ bọc, niêm yết, đi cửa sau lên OTCBB (Over The Counter Bulletin Board), đồng thời do kiểm toán xuyên biên giới rất khó khăn nên gian lận rất dễ xảy ra. Nhưng ngay từ đầu, người khởi xướng những hoạt động này phải là người Mỹ làm trung gian. Bởi vì các công ty Trung Quốc lúc đó không biết gì về quy luật của thị trường quốc tế, họ không có khả năng để lừa gạt Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Hoa Kỳ, chắc chắn họ đã được các bên trung gian khuyến khích, lầm tưởng rằng quá trình “đầu tiên là vào OTCBB, sau đó mới chuyển đến Sở giao dịch chứng khoán New York hoặc Nasdaq” rất đơn giản, chẳng biết ra sao mà vẫn tiến vào nước Mỹ được. Nhưng sau đó, một số công ty Trung Quốc bắt đầu tích cực tìm kiếm trung gian để thực hiện APO, thị trường tràn ngập các trò lừa đảo khác nhau. Nhưng trên thực tế, có rất ít công ty Trung Quốc có thể chuyển giao thành công từ OTCBB, yêu cầu của hai thị trường cũng không giống nhau. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã che đậy những APO đầy lỗ hổng của các công ty Trung Quốc, cổ phiếu khái niệm Trung Quốc là cọng rơm cứu mạng cho phố Wall trong thời kỳ đó, vì vậy phải đến năm 2011, mọi chuyện mới được đưa ra ánh sáng. Sau này, các công ty niêm yết theo cơ cấu VIE (Variable interest entity) đều tồn tại rủi ro tài chính.

Phải nói rằng việc bán khống có căn cứ có thể giúp cơ quan quản lý tìm ra vấn đề, nhưng càng về sau, mọi chuyện dần đi chệch hướng, nhìn ai cũng thấy đang gian lận. Số công ty Trung Quốc trên sàn OTCBB chỉ có bấy nhiêu, tính ra là vài trăm, các tổ chức bán khống lao vào như bầy sói, mật ít ruồi nhiều, những công ty có vấn đề đều bị vạch trần. Nhưng các tổ chức bán khống không chịu nhượng bộ, lòng tham của họ ngày càng bành trướng, việc bán khống ác ý ngày càng nhiều hơn, không có mối liên hệ nào giữa nguyên nhân và kết quả, họ đưa ra các kết luận không có căn cứ, quá trình điều tra sơ sài cẩu thả, rõ ràng là thiếu hiểu biết sâu sắc về Trung Quốc, chỉ lợi dụng sự mất lòng tin của các nhà đầu tư đối với các công ty Trung Quốc, phung phí uy tín trước đây của họ. Ngoài ra, họ không còn thỏa mãn với OTCBB nữa, bắt đầu chuyển sang các thị trường chính, nhiều cổ phiếu khái niệm Trung Quốc chất lượng cao cũng trở thành mục tiêu bán khống, như tập đoàn giáo dục lớn nhất toàn quốc, phương tiện truyền thông cộng đồng lớn nhất toàn quốc... Nhiều công ty đang hoạt động tốt thì bất ngờ bị buộc tội nghiêm trọng.

Một số công ty đã giành được sự tin tưởng của thị trường thông qua việc thanh minh làm rõ, giá cổ phiếu của họ đã đảo chiều hình chữ V, một số công ty cũng đã giành được chiến thắng tuyệt đối thông qua kiện tụng. Một vài công ty khác không xác định được đâu là đúng đâu là sai, sau một trận chiến khốc liệt, giá cổ phiếu vẫn giảm mạnh, thậm chí còn chủ động tư nhân hóa và hủy niêm yết, cuối cùng trở thành một vụ án không hồi kết.

Tay bán khống chuyên nghiệp đối phó với Phiếm Hải lần này là người đứng đầu quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới, Quỹ Greyhawk, luôn giữ thái độ hoài nghi với tất cả các công ty Trung Quốc, đồng thời là đại diện của phe lo ngại Trung Quốc trên phố Wall. Năm 2014, lần đầu tiên ông ta tuyên bố bán khống Phiếm Hải, sau đó nhiều lần đưa ra tuyên bố tương tự:

“Bây giờ là thời điểm tốt để bán khống doanh nghiệp Trung Quốc, nền kinh tế Trung Quốc không thể nào tiếp tục phát triển được.”

“Cuộc khủng hoảng tài chính của Trung Quốc sớm hay muộn sẽ đến, các quân cờ domino ở đó dường như đã bắt đầu sụp đổ.”

“Công ty này đang hoạt động quá tốt, tốt đến mức khó tin. Tôi không thể tin được một báo cáo tài chính tuyệt vời như vậy.”

“Theo tôi, trong số hàng trăm công ty lớn trên thị trường chứng khoán Mỹ, công ty này gặp nhiều vấn đề về tài chính nhất.”

“Tôi không thể hiểu nổi làm thế nào mà nó có thể kiếm được nhiều tiền như vậy.”

Họ liên tục giơ cờ đỏ nhưng lại vô cùng thiếu chuyên nghiệp, nhưng điều đáng kinh ngạc là dù thua lỗ bao nhiêu họ vẫn kiên trì không bỏ cuộc. Tất nhiên ông ta chỉ là một người đại diện, thực tế có rất nhiều quỹ bán khống Phiếm Hải cũng vì lý do tương tự.

Hai công ty Phiếm Hải và Thanh Huy liên tục bị nhắm đến. Trong hai năm qua, do một số xáo trộn, vị thế bán khống của tập đoàn Phiếm Hải đã lên tới khoảng 150 triệu cổ phiếu, chiếm từ 7,5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành trở lên, vượt xa vị trí thứ hai và là mục tiêu lớn nhất của phố Wall trong thời gian đó.

Còn lần này, trên cơ sở “lo ngại Trung Quốc” và “nghi ngờ tài chính”, ông ta lại có thêm bảy lý do bán khống trong danh sách của mình, chẳng trách ông ta lại công khai đưa ra lý do bán khống.

Với quy mô khổng lồ của Phiếm Hải, rất khó để tự mình đè giá cổ phiếu, nhưng ông ta có thể dựa trên tâm lý giảm giá để kêu gọi nhà đầu tư trên thị trường, đổ thêm dầu vào lửa.

...

Vào thời điểm nhạy cảm như vậy, cổ đông lớn của tập đoàn Phiếm Hải, Quỹ XX của Nga, được tiết lộ đã giảm tỷ lệ sở hữu tại Phiếm Hải trên quy mô lớn. Phóng viên thấy website chính thức của SEC cho thấy cổ đông này đã bán cổ phiếu của Phiếm Hải trong 3 ngày liên tiếp vào tuần trước với số lượng vượt quá 20 triệu cổ phiếu. Mặc dù cổ đông này bày tỏ rằng việc giảm tỷ lệ sở hữu hoàn toàn là do nguyên nhân của chính công ty mình, mong muốn tăng dòng tiền, trụ vững trước sự khắc nghiệt của thị trường, nhưng vẫn có tin đồn rằng việc cổ đông lớn giảm tỷ lệ sở hữu có nghĩa là họ đã biết nội tình gì đó.

Ngày hôm sau, hai quỹ từng đăng ký mua số lượng lớn cổ phiếu tập đoàn Phiếm Hải khi vừa được niêm yết cũng giảm tỷ lệ sở hữu.

Giá cổ phiếu của Phiếm Hải tiếp tục giảm.

“Ba tổ chức bán ra đứng đầu là Deutsches, XXXX và XXXX, ba tổ chức mua vào đứng đầu là... Tổng số lệnh bán hiện tại là...” CFO tập đoàn Phiếm Hải báo cáo xong, hỏi: “Sếp Kinh, tối nay cậu có họp qua điện thoại không? Lần này không thể cứ để yên vậy chứ?”

“Được.” Kinh Hồng luôn thận trọng, anh gật đầu: “Bên chị cố gắng một chút, đưa ra thông báo làm rõ trước khi thị trường bên Mỹ mở cửa.”

CFO nói: “Được. Nội dung cuộc họp và thông báo sẽ được gửi tới email của cậu sau.”



Giống như nhiều công ty khác, CFO của tập đoàn Phiếm Hải là một người phụ nữ mạnh mẽ, bình thường hễ nóng giận là có thể dạy dỗ người khác rất ghê gớm, không những giọng nói to mà còn có âm vực cao.

Kinh Hồng đáp: “Ừ.”

Đây là một chiến lược đối phó phổ biến. Đầu tiên, tổ chức một cuộc họp qua điện thoại, mời các nhà phân tích từ các công ty chứng khoán, các quản lý cấp cao sẽ trả lời từng câu hỏi một. Sau đó đưa ra một báo cáo làm rõ để đáp lại những cáo buộc, trả đòn cho những người bán khống. Một số công ty còn thuê các cơ quan độc lập để tiến hành điều tra.

CFO hỏi thêm: “Sếp Kinh, thật ra lần này có hơi khác biệt, cậu có muốn mua lại một ít không? Bên CIC vừa mới nói rằng họ có thể mua vào một ít.”

Đây vẫn là một phương án thường dùng. Công ty mua lại cổ phiếu của chính mình để ổn định giá cổ phiếu, đồng thời thể hiện sự tự tin, các ngân hàng đầu tư hợp tác tăng lượng nắm giữ để bảo vệ cũng là một phương pháp. Tổng công ty đầu tư Trung Quốc (CIC) là một doanh nghiệp nhà nước thường xuyên đóng vai trò người bảo hộ, mang ý nghĩa có phần bi tráng.

“Tạm thời chưa cần.” Kinh Hồng đóng tài liệu lại, nhìn lên CFO: “Tôi có sắp xếp khác.” Phiếm Hải có rất nhiều tiền mặt trong tài khoản, nhưng hoàn toàn không cần thiết sử dụng vào lúc này.

CFO gật đầu, không hỏi cụ thể: “Được.”

Sau khi tạm dừng, CFO báo cáo tình hình mới nhất: “Sau Morgan Stanley, Merrill Lynch cũng đánh giá lại và đưa ra khuyến nghị mua.”

Kinh Hồng đáp: “Tôi biết rồi.”

Bước thứ ba trong ba bước: Hỗ trợ từ các tổ chức bên ngoài, bao gồm công ty chứng khoán, chính phủ, hiệp hội ngành nghề, và thậm chí cả chủ nợ - nghĩa là người cho vay tiền không lo lắng, vậy bạn còn lo lắng điều gì?

Kết thúc báo cáo, CFO thở dài, cảm thán: “Lại lại lại lại bán khống cổ phiếu Phiếm Hải, lần trước có thành công lần nào chưa? Tại sao họ không chịu rút kinh nghiệm nhỉ? Bán khống hết lần này đến lần khác, mất tiền hết lần này đến lần khác. Mấy công ty bán khống Phiếm Hải năm ngoái và hai năm trước lỗ bao nhiêu? Lần này một vài trong số đó lại tới nữa, luôn cảm thấy rằng lần này mình có thể lật ngược tình thế.”

Kinh Hồng đùa: “Phải gọi là lại, rồi lại, cứ lại, vẫn lại.”

“Được thôi, sếp Kinh, cậu cũng lướt sóng không ít đâu nhỉ.”

“Cũng tạm, lướt sóng bình thường thôi.” Sau câu nói đùa, Kinh Hồng quay lại với công việc: “Nhưng lần này thực sự khác trước đấy, một số nhận xét là đúng, chúng ta vẫn phải cẩn thận.”

“Ừ, tôi biết.”

“Vậy được rồi, đi chuẩn bị đi.”

CFO rời đi, Kinh Hồng bước tới trước cửa kính chạm sàn, nhìn xuống những dải đèn neon nhấp nháy bên dưới.

Quả thực, Phiếm Hải đã bị các tổ chức đó bán khống ngàn lẻ một lần rồi, vị thế bán khống thường rất cao, nhiều khi tưởng chừng như không có lý do chính đáng.

Tuy nhiên, một số người ở phố Wall vẫn kiên trì.

Mấy năm đầu, Kinh Hồng còn cảm thấy tủi thân, nghĩ: Tại sao các người lại bi quan về Phiếm Hải như vậy? Tại sao không tin rằng Phiếm Hải có thể tiếp tục phát triển?

Nhưng sau này anh đã hiểu ra.

Bởi vì Phiếm Hải và Thanh Huy là đại diện lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc.

Nào phải họ không tin Phiếm Hải có thể duy trì tăng trưởng, rõ ràng là không tin Trung Quốc có thể duy trì tăng trưởng.

Thứ họ đánh giá thấp không phải là Phiếm Hải mà là Trung Quốc.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Như Nước Với Lửa

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook