Những Cuộc Phiêu Lưu Của Huckleberry Finn
Chương 3
Mark Twain
21/04/2013
Đến sáng, tôi bị cô Watson thuyết cho một hồi về chuyện quần áo bẩn thỉu; còn bà goá thì bà ta không rầy mắng gì tôi cả mà chỉ lặng lẽ lau sạch những vết bẩn đi thôi. Thấy vậy, tôi cũng đâm ra ân hận và tôi nghĩ nếu có thể thì cũng nên cố gắng ăn ở ngoan ngoãn ít lâu. Rồi cô Watson kéo tôi vào trong buồng con, cầu nguyện. Nhưng chẳng ăn thua gì. Cô ấy bảo tôi ngày nào cũng phải cầu nguyện, và làm như thế thì rồi muốn gì được nấy. Nhưng thật ra đâu có như vậy được đâu, tôi đã thử mãi rồi. Một lần tôi kiếm được cái cần câu mà không có lưỡi câu. Không có lưỡi câu thì chịu chả làm ăn gì được. Ba bốn lần tôi đã chịu khó cầu nguyện nhưng không ăn thua gì. Tôi bèn nhờ cô Watson cầu hộ thì cô ấy lại bảo tôi là thằng điên. Cô ấy không nói tại sao, còn tôi thì chả làm thế nào mà hiểu được.
Một lần, tôi ngồi ẩn tuốt trong rừng và nghĩ ngợi rất lâu về chuyện cầu nguyện ấy. Tôi tự hỏi nếu như một con người muốn cầu nguyện cái gì được cái ấy thì tại sao lão Deacon Winn lại không đòi lại được món tiền mà lão đã bị mất về đám lợn? Tại sao bà góa lại không lấy lại được cái hộp đựng thuốc bằng bạc bị mất cắp? Tại sao cô Watson lại không béo ra được? Không, chẳng làm gì có chuyện đó đâu; tôi tự nhủ như thế. Tôi bèn đi nói với bà goá cái ý nghĩa của tôi như vậy thì bà ta bảo rằng cái thứ người ta cầu nguyện để mà có đấy chỉ là những cái lộc được hưởng về tinh thần mà thôi. Điều đó đối với tôi thật là khó hiểu quá.
Nhưng rồi bà ta bảo ý của bà muốn nói là như thế này: rằng mình phải giúp đỡ người khác, làm mọi điều mình có thể làm cho người khác, luôn luôn săn sóc đến người khác và đừng bao giờ nghĩ đến mình. Nếu mà tôi hiểu đúng thì đây nên tính cả cô Watson nữa. Tôi lại đi ra phía ngoài rừng và cứ quanh quẩn bới óc nghĩ về chuyện đó rất lâu, nhưng tôi không thể nào thấy cái đó có lợi gì cho tôi mà chỉ lợi cho người khác. Cuối cùng, tôi quyết định là thôi không băn khoăn gì về chuyện đó nữa, cứ để mặc kệ nó đấy. Có đôi khi bà goá kéo tôi ra một chỗ và nói về chuyện Thượng đế ban lộc; gớm nghe mà thèm rỏ rãi. Nhưng cũng có thể hôm sau cô Watson lại vơ lấy chuyện ấy mà nói khác hẳn. Tôi nghĩ rằng tôi đã thấy ra là có hai ông Thượng đế; ai khổ sở thì đi theo cái ông Thượng đế mà bà góa nói ấy, nhưng nếu ai chẳng may gặp phải ông Thượng đế của cô Watson thì thôi thế là hết đường làm ăn. Tôi nghĩ đi nghĩ lại mãi về chuyện này và định rằng tôi sẽ đi theo cái ông Thượng đế của bà góa, nếu như ông ta bằng lòng; mặc dầu tôi chưa rõ ràng sau này ông ta có còn tốt hơn như trước nữa không, khi biết là tôi dốt nát, lại hay thích những chuyện oái oăm, nhỏ nhặt.
Bố tôi thì bỏ đi đã hơn một năm nay. Điều đó cũng làm cho tôi dễ chịu, vì tôi không muốn gặp bố tôi nữa. Lúc nào không say rượu mà vớ được tôi là ông chỉ những đánh đập; cho nên tôi luôn luôn bỏ chạy vào rừng, nhất là những khi bố tôi đi dạo quanh nhà. Hồi đó người ta thấy bố tôi chết trôi ở quãng sông phía dưới, cách tỉnh chừng khoảng hai mươi dặm. Họ bảo rằng cái người chết trôi ấy đúng là khổ người của bố tôi, quần áo rách bươm, có bộ tóc dài chẳng giống ai. Mà những cái đó thì thật đúng như bố tôi rồi. Nhưng chẳng ai nhìn thấy rõ mặt mũi, vì cái xác đã ngâm dưới nước quá lâu rồi nên mặt cũng không còn ra mặt nữa. Họ nói là bố tôi trôi ngửa trên mặt nước. Họ đã vớt lên đem chôn ở trên bãi sông ấy. Nhưng tôi yên lòng không được bao lâu thì bỗng nghĩ đến một điều. Tôi biết rõ ràng là một người đàn ông chết đuối thì không bao giờ trôi ngửa, mà trôi sấp. Nếu đúng như thế thì cái xác đó không phải là bố tôi, mà có lẽ là một người đàn bà mặc quần áo đàn ông. Nghĩ thế tôi lại đâm lo. Tôi đoán thế nào ông ấy cũng sắp quay trở về. Và tôi cứ mong là ông ấy đừng về nữa.
Thỉnh thoàng, bọn chúng tôi giả làm cướp, chơi được gần một tháng, rồi sau tôi rút lui, không chơi nữa. Cả bọn cũng thôi. Chúng tôi chưa cướp của ai bao giờ, chưa giết người nào, mà chỉ làm giả như thế thôi. Chúng tôi thường chạy ra ngoài rừng, làm bộ tấn công vào những người chăn cừu và những bà chở xe rau đi chợ. Nhưng chúng tôi chẳng bao giờ xúm vào lấy của họ cái gì. Thằng Tom Sawyer gọi những con cừu là những thoi vàng còn những củ xu hào, bắp cải là những quần áo đồ đạc. Xong đâu đấy, cả bọn chúng tôi kéo nhau về hang bàn cãi về những hành động vừa làm, xem đã giết được bao nhiêu người, đã vạch được bao nhiêu dấu hiệu trên người chết. Nhưng rồi tôi thấy cái đó chẳng ích lợi gì. Có một lần thằng Tom phái một đứa chạy lên tỉnh, tay cầm một bó đuốc sáng mà nó gọi đó là cái khẩu hiệu (tức là cái dấu hiệu của bọn tôi mỗi khi tụ tập với nhau). Rồi nó bảo rằng vừa mới nhận được tin mật báo do những tay do thám của nó đưa về; báo rằng hôm sau sẽ có một đoàn lái buôn người Tây Ban Nha và người Ả Rập rất giầu có sẽ qua đó, đóng trại nghỉ chân ở Hang Lỗ; đoàn này có hai trăm con voi, sáu trăm con lạc đà với hơn một ngàn con la, toàn chở kim cương châu báu; mà họ chỉ vẻn vẹn có bốn trăm lính gác. Vì vậy chúng tôi sẽ bố trí phục kích, thằng Tom nó nói thế, phục kích và phải giết cả đoàn người đó rồi cướp thật nhanh lấy những đồ vật ấy. Nó dặn chúng tôi phải lau chùi thật kỹ những dao kiếm, súng ống và chuẩn bị sẵn sàng. Ngữ nó thì ngay đến một cái xe chở rau cũng chẳng bao giờ làm gì được, nhưng nó cứ nhất định phải có gươm, có súng lau chùi cho sáng loáng để làm những việc đó; mặc dầu gươm súng đây chỉ là những cái que gỗ, cán chổi, có lau chùi hay đánh bóng cho đến rã cánh đi nữa thì nó cũng vẫn chẳng giá trị gì hơn một đám củi. Tôi không tin rằng bọn tôi có thể đánh nổi cả một đoàn người Tây Ban Nha và Ả Rập như thế được, nhưng bụng tôi lại muốn được xem voi và lạc đà, cho nên hôm sau tôi cũng có mặt trong trận phục kích. Hôm đó thứ bảy, sau khi nhận được lệnh, chúng tôi ra khỏi rừng và chạy băng xuống chân đồi. Nhưng chẳng thấy người Tây Ban Nha và Ả Rập đâu cả, cũng chả thấy lạc đà với voi nữa. Chỉ là đám học trò nhỏ của trường nhà Dòng đi cắm trại chiều thứ bảy. Chúng tôi nhảy ùa vào đám đó và lùa tụi trẻ con lên hang. Nhưng bọn tôi chẳng kiếm được gì khác ngoài một bánh mì ngọt với thịt muối , riêng thằng Ben Rogers vớ được một con búp bê rách, thằng Joe Harper vớ được quyển sách hát của nhà thờ và một cuốn kinh nhỏ. Lúc đó bỗng thấy ông giáo ở đây chạy ra làm chúng tôi phải vứt bỏ cả xuống mà tháo thân. Tôi chả thấy kim cương châu báu gì cả. Tôi bảo thằng Tom Sawyer thế. Nó nói chẳng có vô khối đấy à. Nó lại bảo là có cả người Ả Rập, cả voi nữa, đủ các thứ ở đấy. Tôi hỏi thế sao tôi không trông thấy? Nó bảo là sao tôi dốt thế, nếu mà tôi đã được đọc một cuốn sách tên là Đông Ki Sốt rồi thì tất là sẽ biết mà chẳng cần phải hỏi nó như thế nữa. Nó nói rằng đó là do sự phù phép nên mới như vậy. Ở đó có hàng trăm lính, rồi voi, rồi kho tàng vân vân... nhưng vì chúng tôi có nhiều kẻ thù, hay là những nhà ảo thuật đã biến tất cả những thứ đó thành đám học trò trẻ con đi cắm trại cho nên mới hại chúng tôi như vậy. Tôi nói rằng đã thế thì bây giờ đi tìm những nhà ảo thuật ấy mà đánh chứ. Thằng Tom Sawyer bảo tôi là ngốc. Nó nói:
- Như thế làm sao được? Nhà ảo thuật có thể gọi đến một lô những ông thần, họ sẽ băm mày ra từng mảnh ngay tức khắc ấy chứ. Những ông thần ấy to bằng cái cây, lớn bằng cái nhà thờ ấy.
Tôi nói:
- Giá chúng minh có vài ông thần như vây giúp một tay thì có thể đánh tan được đám khác không?
- Làm thế nào mà mình có những ông thần ấy được?
- Tao cũng không biết. Nhưng thế làm sao mà họ lại có được?
- Họ lấy tay cọ sát vào cái đèn bằng thiếc hay vào cái nhẫn bằng sắt, thế là ông thần kia ầm ầm kéo đến, có sấm sét và chớp lóe hiện lên theo ở quanh mình rồi khói bay lên cuồn cuộn, rồi bất cứ sai họ việc gì là họ cũng làm ngay được chứ sao. Họ có thể không cần phải dùng đến sức lực mà cũng nhổ bật một cái pháo đài hoặc đem buộc ông giám thị của trường hay bất cứ ai lên đó rồi đội cả đi cũng được.
- Thế thì ai có thể gọi họ kéo đến ầm ầm ở chung quanh như vậy được?
- Người nào cọ sát vào chiếc đèn hay chiếc nhẫn ấy chứ còn ai nữa. Những ông thần này là thuộc quyền bất cứ ai cọ sát vào cái đèn cái nhẫn, và phải làm mọi cái theo lệnh của người đó. Nếu bảo xây một toà lâu đài bốn mươi dặm toàn bằng kim cương, và chất đầy kẹo cao su vào trong toà lâu đài ấy, hay bất cứ cái gì mình muốn, rồi dẫn về đó cho mình một cô công chúa con gái ông Hoàng đế ở Trung Hoa để cưới làm vợ, họ đều phải làm theo tất cả, mà lại phải làm xong những cái đó trước khi mặt trời mọc sáng hôm sau nữa cơ, lại còn thế này nữa: những ông thần ấy phải đêm cái toà lâu đài đi khắp nơi nào mình muốn nữa. Mày hiểu chưa?
Tôi nói:
- Nếu vậy thì tao nghĩ rằng họ chỉ là một đám ngốc không biết giữ lấy toà lâu đài ấy cho mình mà lại đi phung phí như vậy. Hơn nữa, nếu tao là một trong những ông thần ấy thì tao sẽ xin đủ thôi, chả tội gì bỏ việc của mình mà đi hầu người ta mỗi khi họ cọ sát vào cái đèn bằng thiếc như thế.
- Huck Finn, mày ngốc lắm. Khi người ta cọ sát vào cái đèn thì muốn hay không muốn đã là những ông thần kia thì tất là phải kéo đến rồi.
- Thế thì tao cũng sẽ to bằng cái này, lớn bằng cái nhà thờ à? Vậy thì hay lắm: tao sẽ đi đến chỗ đó; nhưng mà tao thì định sẽ bắt người ấy phải trèo lên một cái cây nhất ở xứ này.
- Thôi đi Huck Finn, nói chuyện với mày chán tận cổ. Trông mày cũng không đến nỗi là không biết gì cả, ấy thế mà hoàn toàn là ngu ngốc.
Tôi lại phải nghĩ ngợi về chuyện này mất vài ba ngày. Tôi tính để rồi sẽ xem trong đó có cái gì thật không. Tôi đi kiếm một cái đèn bằng thiếc đã cũ và một cái nhẫn bằng sắt đem ra ngoài rừng, lấy tay cọ sát, cọ sát mãi đến toát cả mồ hôi, trong bụng đã tính sẵn sẽ xây một toà lâu đài mà bán đi. Nhưng vô ích, chẳng thấy ông thần nào tới cả. Sau đó, tôi cho rằng tất cả những chuyện vô lý ấy chỉ là một trong bao nhiêu cái nói láo của thằng Tom Sawyer mà thôi. Tôi đoán chắc nó tin rằng có những người Ả Rập kia và có voi thật; nhưng còn tôi thì tôi nghĩ khác. Vì rõ ràng đó chỉ là đám học trò trường nhà Dòng mà thôi.
Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net
Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.