Nữ Hộ

Chương 24: Hiểu lầm

Ngã Tưởng Cật Nhục

26/07/2016

CHÀNG TA LÀ CÔNG TỬ THẨM GIA THẬT Ư?

Lại nói kể từ khi Tú Anh có mang, nhà họ Trình vô cùng cẩn thận, không mời lung tung khách đến nhà chơi, cũng không rời nhà dự tiệc. Trừ mỗi Trình Khiêm phải ra ngoài lo việc làm ăn thì những người còn lại, kể từ Trình lão thái công trở xuống đều ngồi im ở nhà, Tố Tỷ dọn dẹp Phật đường sạch sẽ, ngày ngày dâng hoa quả nhang thơm rồi đóng cửa tụng kinh. Lâm lão an nhân lệnh mụ Ngô tập trung coi sóc sinh hoạt ăn uống hằng ngày của Tú Anh, gò bó đến độ khiến nàng nóng nảy đôi phần.

Tuy ông Trình ngoài miệng không nói nhưng trong lòng vẫn rất quan tâm, đến cả chuyện Tố Tỷ muốn đến chùa quyên đồ, ông cũng không ngăn cản. Ngọc Tỷ vốn rất nhạy cảm, thấy người lớn trong nhà như thế, cũng không dám thường xuyên đến dựa dẫm vào người Tú Anh nữa. Bé hoặc đến chỗ thầy Tô đọc sách luyện kỹ năng, hoặc ở phòng mình làm bài tập, hoặc thỉnh thoảng đến chơi với Tố Tỷ, tụng kinh với bà. Bé lại có ba thị nữ bầu bạn, tuy buồn nhưng không cô đơn.

Chòm xóm ngõ Hậu Đức khi nghe tin này, cũng than thở vài câu: “Chỉ mong là một thằng cu.” Dù là góa phụ Lục thị nhà họ Du đã xích mích hồi đầu năm, hay nàng dâu Lâm thị nhà họ Triệu vẫn còn hơi hổ thẹn dạo trước, đều sai người đến hỏi thăm. Lâm thị lại nghĩ, nếu lần này Tú nương có được thằng con trai, Ngọc Tỷ và Văn Lang quả thật rất xứng đôi. Hà thị nương tử nhà Kỷ chủ bộ thì đích thân đến thăm Tú Anh.

Do vụ Tố Tỷ gây ra lúc trước mà khi gặp Hà thị, Tú Anh khó tránh khỏi đôi phần xấu hổ, may mà Hà thị giận một hồi rồi cũng biết được nỗi khổ trong lòng Tú Anh, chỉ coi Tố Tỷ là kiểu người “không rõ tốt xấu mà làm hỏng chuyện”, ngoài ra vẫn thân thiết với Tú Anh như thường. Ngày hôm ấy, Hà thị phe phẩy quạt, dẫn theo hai thị nữ, không ngồi kiệu mà đi bộ đến nhà họ Trình.

Tú Anh nghe tin Hà thị đến, mừng cực: “Chị dâu tới rồi! Bọn họ còn dám giam cầm em cơ!” Giọng điệu hân hoan hết sức, thực ra nàng chỉ đang bảo bọn người dưới quản mình chặt quá thôi.

Hà thị thấy nàng ra đón, cũng rất vui: “Sao em lại đích thân ra đây? Mấy ngày nắng to này, em không được phơi nắng đâu.” Tú Anh dắt tay chị vào phòng: “Em chỉ ra đón chị dâu một chuyến thôi mà, có đáng gì đâu? Cả ngày cứ bị nhốt mãi trong phòng không cho ra ngoài, khó chịu muốn chết!”

Hà thị quở: “Có còn nhẹ nhàng như trước đâu mà tùy hứng vậy hả.”

Tiểu Hỉ tận dụng thời cơ, bẩm với Hà thị: “Xin nương tử khuyên giải nương tử nhà chúng con với ạ, lão an nhân không cho đi lại lung tung, nương tử lại cứ thích tới lui, bọn con bị kẹp ở giữa, bị ép tới mức gầy sọp cả rồi.” Thưa ngọt tới mức Hà thị phải véo má thị một cái: “Cái miệng này của ngươi giỏi đấy.”

Hai người vào phòng an vị, Hà thị mới nói: “Thực ra nên đến từ sớm mới phải, nhưng vì huyện lệnh mới vừa tới, lão nhà chị phải ra mắt cấp trên, bọn chị cũng phải tới chào nương tử huyện lệnh. Nhà họ Dư vốn đã vung tiền móc nối xong quan hệ, giờ lại có thêm huyện lệnh mới, e là lại phải bỏ thêm một đống tiền rồi. Chẳng dễ gì mới xong chuyện quan tới nhậm chức, phủ doãn lại bị điều đi, lại phải ra tiễn. Ngày nào về tới nhà cũng đã muộn, không tiện tới quấy rầy em.”

Tú Anh bèn hỏi huyện lệnh và vợ lão là người thế nào. Hà thị cười đáp: “Mới có một hai ngày, sao bói ra được chỗ tốt với chả xấu chứ. Huyện lệnh họ Trần, đàn bà bọn chị chưa gặp qua, chỉ mới biết với vợ lão thôi —– Vậy mà còn trẻ hơn vợ Lý huyện lệnh nhiệm kỳ trước.” Hai người lại tán gẫu vài chuyện riêng.

Hà thị chợt hỏi: “Ngọc Tỷ đâu?”

Tú Anh đáp: “Mới mua thêm hai nha đầu cho nó, chắc đang chơi cùng nhau.” Hà thị nói: “Đúng là nên rèn một nha hoàn nghe lời cho con bé sớm một chút, con bé Đóa nhi cô mang về lần trước được đấy.” Lại hỏi thăm Trình Khiêm dạo này thế nào, rồi dặn Tú Anh: “Trông lão nhà em cho kỹ vào, người em cũng nặng nề rồi, đàn ông thường nhân dịp này mà đi ăn vụng nhất đấy. Lão quỷ sứ nhà chị, lúc chị mang bầu là ép lão học ngày học đêm ngay, dù sao cũng phải đỗ đạt công danh. Trước mắt chồng em còn nhịn được, nhưng mấy ngày này thì khó nói, em phải sớm nghĩ cách đối phó đi.”

Nói hồi khiến Tú Anh phải gặm móng nghĩ sâu.

•••••

Ngọc Tỷ đang học, lớp của Tô tiên sinh trước nay không cho phép lo ra, ngay cả nhà có khách, nếu không ai đến gọi bé, Ngọc Tỷ sẽ không được phép chạy ra chào. Ngọc Tỷ có ba thị nữ, thầy Tô lại không cho phép cả bọn cùng vào lớp, chỉ cho một đứa ở lại hầu bút mực. Việc này cũng phải xem giỏi hay dốt, vốn đấy là việc của Đóa nhi, nó không thông minh, nghe nhưng không hiểu, chỉ nhớ được mấy chuyện vụn vặt, mà không hiểu cũng chẳng thèm hỏi, rất lầm lì. Thầy Tô khá phiền vì điều này.



Từ lúc Quả Nhi và Mai Hương đến, mợ Lý thấy hai đứa chúng nó lớn hơn, hầu hạ tốt hơn nên giữ Đóa Nhi lại đặng dạy khâu vá, làm mấy việc vặt như quét nhà rồi gửi hai đứa kia đến hầu bút, nhưng chưa quyết định được nên đưa đứa nào đi, giữ đứa còn lại làm gì. Bèn hỏi hai đứa chúng nó giỏi làm gì hơn.

Quả Nhi đáp: “Lúc cha mẹ còn, cũng dạy con được vài con chữ, cha mẹ mất rồi, thường ngày làm chuyện vặt, biết may vá, cũng biết phụ bếp.” Mai Hương đoán được ý của mợ Lý, đáp: “Nô tỳ lúc còn ở nhà cũng biết vài con chữ, cũng đi học cùng tiểu thư trong nhà được vài ngày. May vá thì chỉ biết khâu vài món lặt vặt, chưa học qua cắt may.”

Mợ Lý bẩm với Tú Anh, Tú Anh nghĩ, lớn hơn vài tuổi chắc biết hầu hạ hơn, mà Mai Hương cũng chỉ mười tuổi thôi, đã biết chữ thì cũng tiện đốc thúc Ngọc Tỷ tiến bộ, bèn bảo Mai Hương làm thư đồng. Từ đó Mai Hương hầu Ngọc Tỷ học hành, cũng thông minh lanh lợi, Ngọc Tỷ muốn gì, mắt vừa đảo qua, nó đã cầm đến. Quả Nhi thì ngoan ngoãn may cặp sách cho Ngọc Tỷ. Chỉ có Đóa Nhi ngờ nghệch, nghe mợ Lý nói muốn dạy nó cách hầu hạ tiểu thư, nhìn Ngọc Tỷ một cái, lại nghe lệnh của Tú Anh, bèn ngoan ngoãn đồng ý. Mỗi ngày Ngọc Tỷ tan học về, nó lập tức liệt kê những việc mình làm trong ngày, mợ Lý lại khen nó vân vân.

Vì Tú Anh có mang, trong phòng rất nhiều thức quà vặt, lo cho đứa nhỏ rồi lại nghĩ đến đứa lớn, thỉnh thoảng lại chuẩn bị một hộp trà quả, cũng không sai người khác mà lệnh Đóa Nhi đưa tới chỗ thầy Tô, để thầy trò con bé xơi. Mợ Lý dặn: “Lanh lợi khôn khéo chút, thấy tiên sinh nghỉ không giảng bài nữa ngươi hẵng vào.” Đến lần thứ hai, Đóa Nhi nhớ rồi, cứ thế đâu ra đấy.

Hôm nay Triệu đại nương tử Hà thị gửi đến một đĩa mơ to, Tú Anh thấy ngon miệng bèn chọn hơn mười quả rồi chia thành hai đĩa nhỏ, cùng vài món điểm tâm trà quả, sai Đóa Nhi đưa sang. Đóa Nhi nhớ thời gian, ước chừng mặt trời một chốc, hẳn là tan lớp rồi, bèn đến phòng Tô tiên sinh. Mai Hương vừa khéo mở cửa đi ra, cúi người đưa tay: “Nhóc con lại đến rồi? Tiểu thư mới nhắc mi đó, mệt không? Ta cầm cho.”

Đóa Nhi giấu bàn tay cầm hộp thức ăn đi, ngẩng đầu nhìn Mai Hương: “Nương tử bảo tôi đưa cho đại tiểu thư, không phải chị.”

Tay Mai Hương ngừng giữa không trung, bỗng bật cười: “Con phò này, bị ngu à. Có bao nhiêu người bấy nhiêu việc thế thôi, có lý nào lại nghiêm cẩn tới mức phải đặt xuống trước mặt tiểu thư chứ? Đều là người của tiểu thư cả, mi bảo bọn ta còn tác dụng gì?”

Đóa Nhi lắc đầu mãi: “Chị tránh ra mau, tiểu thư đang chờ xơi quà đấy.”

Mai Hương phật ý: “Con đần, còn biết bảo vệ thức ăn cơ đấy.” Đưa tay ngắt má Đóa Nhi một cái.

Minh Trí từ trong đi ra: “Tiên sinh và tiểu thư cho gọi kìa.”

Vào phòng, Ngọc Tỷ bèn nói: “Các ngươi ở ngoài nói gì ấy?” Mai Hương thưa: “Em thấy con bé còn nhỏ, cầm mỏi tay, muốn đỡ hộ mà nó cứ khăng khăng muốn tự mình đưa vào cơ.” Đóa Nhi mở to mắt trông mong nhìn Ngọc Tỷ, lí nhí đáp: “Nương tử dặn đưa cho tiểu thư, không dặn đưa người khác.” Mai Hương rầy: “Xem cái kiểu ngu đần này kìa.”

Đóa Nhi nhón chân đặt hộp thức ăn lên một chiếc bàn nhỏ, gỡ nắp ra: “Triệu đại nương tử gửi mơ sang, ngâm mật đấy ạ, nương tử cũng khen ngon rồi. Một đĩa cho tiên sinh, một đĩa để phần tiểu thư, ngày hè ăn khai vị, phấn chấn tinh thần.” Cũng khó cho nó, đọc thuộc lòng từng chữ mà Tú Anh nói.

Mai Hương bèn tiến lên, cầm một đĩa, lại nói: “Giờ ta cầm được rồi chứ?” Rồi đưa sang chỗ thầy Tô trước, Minh Trí vội nhận lấy, nói: “Phiền em gái rồi, ta hầu tiên sinh cho, muội sang chỗ tiểu thư đi.” Mai Hương lại cầm một đĩa đặt bên tay Ngọc Tỷ, đoạn đi châm trà, lấy bánh ngọt, mồm miệng lanh lợi: “Tiết này ăn món này là chuẩn nhất rồi, trời nóng tới độ chán ăn, dùng đồ chua một chút ngon miệng hơn.”

Ngọc Tỷ thử một quả mơ, vị chua dịu kèm ngọt, rất ngon, lại nhón một quả đưa đến miệng Đóa Nhi: “Em cũng ăn đi.” Lúc mới gặp thì nó xanh xao vàng vọt, tướng ăn nhát được người ta, Ngọc Tỷ đã lưu ý nên sợ nó lại đói, có đồ ăn liền dành một vài miếng cho nó. Đóa Nhi cũng không từ chối, há miệng cắn, phồng má nhai, Ngọc Tỷ nhìn mà bật cười.

Thoáng cái đã dùng xong trà bánh, thầy Tô không cho phép Ngọc Tỷ ngồi nữa, bắt phải đứng dậy đi dạo một hồi, nghe bảo là để dưỡng sinh. Ngọc Tỷ lại muốn đỡ thầy Tô đi cùng, thầy cười mắng: “Trò tự mà đi đi, lại bày chước quỷ rồi, trò tự nhìn lại vóc người mình xem! Ta có mà đưa tay chống đầu trò để đi ấy chứ!”

Ngọc Tỷ bèn dắt Đóa Nhi đi vài bước, Mai Hương thấy mình chen vào không nổi, thế là cùng Minh Trí tản bộ sau lưng Tô tiên sinh, lại cẩn thận hỏi thầy Tô bài hôm nay giảng cho Ngọc Tỷ: “Nô tỳ cũng nghe được một hai câu, những điều tiên sinh giảng thế mà lại hơi khác với những gì nô tỳ đã từng học.” Thầy Tô cười: “Mỗi người có cách giải thích riêng.” Rồi không nói nữa. Minh Trí nhìn lướt qua Mai Hương, Mai Hương xoay sang nhìn Ngọc Tỷ đang trò chuyện vui vẻ với Đóa Nhi. Bỗng nhiên, Ngọc Tỷ ngoái đầu lại cười với thị, khiến Mai Hương thầm thấy lạ, nghĩ bụng tới hỏi Đóa Nhi mới được.

Không cần chờ đến tối, vào lúc Ngọc Tỷ ngủ trưa dậy luyện chữ, Mai Hương mài mực xong bèn xin lui ra rửa tay, đoạn chặn Đóa Nhi lại hỏi. Đóa Nhi ngờ nghệch đáp: “Không nói gì cả.” Lại hỏi, bèn không trả lời nữa. Trên dưới nhà này, nó chỉ nghe lời một người rưỡi thôi, một là Ngọc Tỷ, rưỡi là mợ Lý. Mợ Lý dạy nó, làm thị nữ, không được lắm mồm tán chuyện chủ nhân, nó bèn ngậm chặt miệng luôn, cứ như một con trai* vậy.



[*Ý là con trai nhả ngọc ấy.]

•••••

Trong nhà giữa, Tú Anh lại đang hỏi Trình Khiêm: “Hôm nay chàng lại về muộn rồi, có phải có người làm khó không?”

Trình Khiêm ôm nàng vào lòng, đặt tay lên bụng: “Ai làm khó ta? Không có chuyện gì to tát hết, chỉ tốn hơi thừa lời chỗ Dư đại hộ thôi, lão chốc thì bảo muốn thuê kho thóc, chốc thì bảo muốn xem cửa hàng, cũng đang nghe ngóng chuyện trong thành. Đặng tìm nhà chồng tốt cho nhị tiểu thư nhà lão.”

Tú Anh cười đáp: “Mệt cho cái danh nhà giàu của lão! Suy cho cùng cũng chỉ là nhà buôn. Mấy chuyện này, hỏi đám đàn ông chẳng thà vợ lão xin ý kiến phụ nữ. Trước giờ cưới xin phải môn đăng hộ đối, bọn họ toàn là mắt để trên đầu thôi, không hỏi cũng biết. Con gái gả chồng, phải xem nhà có điều kiện tốt hay không, hỏi một gã đàn ông, sao mà biết được?”

Trình Khiêm nói: “Cũng không phải ta và nàng gả con gái, quan tâm lão làm gì? Mấy chuyện xã giao này, đáp lơi một câu là xong.”

Tú Anh đáp: “Còn mơ đấy, láng giềng gửi tới một đĩa to, chia thành vài đĩa cho mọi người nếm thử rồi, chỗ này dành phần chàng, khai vị. Vất vả cả ngày bên ngoài rồi, ăn nhiều một chút. Triệu gia vồn vã quá rồi, lúc ta mang thai Ngọc Tỷ cũng chẳng ân cần thế này đâu, chả biết đang ấp ủ gì đây.”

Trình Khiêm chỉ ăn hai quả, lại đút Tú Anh một quả. Dùng xong cơm, chàng đến chỗ thầy Tô. Chẳng ngờ nhà họ Dư mà chàng vừa bảo “Quan tâm lão làm gì” lại đang nói về chàng, bàn đến một câu chuyện cũ.

Dư gia trạch cả thảy bảy ngôi nhà, diện tích rất lớn, phần vì nhà họ Dư lắm tiền nhiều của, phần vì con cháu trong tộc làm quan, thế mới mua tòa trạch viện này. Trong thư phòng Dư thái công cũng bày vài kệ sách, xếp mấy quyển trục, trên bàn cũng bút mực giấy nghiên. Dư thái công tuổi quá bốn mươi, hơi đậm người, cằm để râu, mặc áo dài cổ tròn, không ngồi trước bàn mà yên vị tại một chiếc giường nhỏ bên cửa sổ, đối diện với một người gầy râu dê.

Dư lão thái công hỏi: “Tử Văn nắm chắc chứ?”

Lão râu dê họ Xa, Tử Văn là tên lão. Lão vê râu đáp: “Năm xưa Thẩm thượng thư vì chuyện Đông cung mà đắc tội với cả Hoàng thái hậu cùng Quốc cữu gia, bị cắt chức không nói, còn bắt cả nhà họ lưu đày. Cả nhà chết hết nơi đất xấu, chỉ mỗi Thẩm công tử trốn ra được. Nghe đồn vị Thẩm công tử này có một nốt ruồi son bên dái tai trái, tay phải có sẹo, tính tuổi thì năm nay vừa hai mươi lăm. Về phẩm hạnh của chàng ta, tuy đã sa sút nhưng nếu không phải con cháu nhà công hầu thì chẳng tài nào ăn nói được như thế. Giọng kinh thành, tướng mạo tuấn tú, xem ra đúng là công tử nhà họ Thẩm rồi.”

Dư thái công vỗ trán: “Đây là cơ hội đó! Quan gia và Lương tướng dốc sức muốn lật lại bản án của Thẩm thượng thư, giờ ta lại vừa khéo có quan hệ với chàng ta. Nhưng chẳng biết chàng ta có thực là công tử Thẩm gia không?”

Tử Văn đáp: “Không chắc chín phần thì cũng đến sáu, dù có hỏi chàng ta cũng sẽ không đáp. Nhưng có một chứng cứ —– Phu nhân Thẩm thượng thư họ Hồng. Vừa thạo văn vừa giỏi võ, khéo nhất nghề bắn tên liên hoàn. Ngày lưu lạc đến Giang Châu cũng khớp. Tin tức mà ông chủ thu được chắc không phải giả chứ?”

“Là cháu ta nhận được tin, đang tìm, nó lại mong sao mình tìm được kìa, ấy cũng là một phần công trạng, Thẩm thượng thư cũng còn vài môn sinh cũ, cũng vì tiếng ơn nghĩa mà. Công tử Thẩm gia chắc sẽ không đến nhà thân hữu nhờ vả chứ? Có khi nào tìm tới tôi tớ cũ của Thẩm gia không?”

Tử Văn nói: “Sớm đã chẳng hay bọn chúng bị bán đến đâu rồi. Dù có tìm cũng phải cần thời gian. Chỉ e Quan gia không chờ được mà lật luôn án của Thẩm thượng thư, không kịp giúp đỡ chàng ta khi nghèo túng, không đưa than ấm trong ngày tuyết rơi thì chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Mấy chuyện dệt hoa trên gấm tuy tốt, nhưng cũng chẳng có lợi gì. Xem người này cũng không phải kẻ tầm thường, sớm muộn gì cũng đến ngày nổi danh, thăm dò mấy ngày liền, ở rể mà được nắm gia nghiệp thì cũng không phải hạng gì quá kém. Lo gì chuyện chàng ta có phải người đó không, cứ chen một tay vào đã, cũng sẽ đến ngày thu hoạch thôi.”

Dư thái công cười khổ: “Ngươi thì biết gì? Oan nghiệt thật, khuê nữ đúng là muốn cái mạng này của bố già mà! Con nhóc chết tiệt ấy vừa ý chàng ta, chàng ta lại là con rể nhà người. Nếu thật là công tử Thẩm gia, dù chàng ta có thế nào thì ta cũng sẽ tính toán hộ con gái. Nếu không phải, thì cứ sớm ngày gả quách nghiệp chướng này đi cho xong.”

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện bách hợp
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Nữ Hộ

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook