Chương 22: Đà Lạt Sương Mù
Hữu Mai
28/10/2016
1.
Khánh và Khiêm đã thực hiện đúng lời cam kết với cha Hoàng. Đại tá Albert Nguyễn Cao và linh mục tuyên úy Khổng Tiến Giác thường xuyên qua lại nhà thờ Bình An thông báo với Hai Long những việc nhóm Khánh - Khiêm định làm. Khi có những chuyện quan trọng, như vấn đề nhân sự, thì Khánh hoặc Khiêm trực tiếp tới trao đổi. Khánh ngông nghênh với bộ quân phục dã chiến, chiếc mũ nồi đỏ và cái lon trung tướng. Còn Khiêm vẫn kín đáo tới vào buổi tối và mặc thường phục.
Nhờ mối quan hệ mới này, Hai Long lại nắm chắc được những thay đổi trong quân đội và chính quyền miền Nam. Anh nhận thấy vai trò quan trọng của những viên trợ lý trong việc cung cấp tin tức. Chính họ mới nắm được những vấn đề, những số liệu cụ thể, những văn bản mà người chỉ huy họ nhiều khi không biết. Họ trao đổi, chuyện trò với anh một cách không dè dặt. Điều cần chú ý là khi muốn hỏi han điều gì, cần tìm ra lý do xác đáng.
Khánh và Khiêm đang thi nhau bán mình cho Mỹ. Khánh giảo hoạt hơn Khiêm nên đã giành được vị trí tin cậy. Việc Khánh vô hiệu hóa được những tướng như Minh Lớn, Đôn, Kim, Xuân, Đính rất có lợi cho ta, vì đây là những viên tướng có khả năng nhất của chế độ. Những hành động của Khánh tất nhiên sẽ dẫn tới sự lộn xộn, mất ổn định kéo dài trong bộ máy chính quyền, quân đội. Trước một tình hình như vậy, đế quốc Mỹ chưa thể đưa quân ồ ạt vào miền Nam Việt Nam. Hai Long thấy cần nuôi dưỡng tình trạng rối ren này càng lâu, càng tốt.
Khánh đã chiếm được lòng tin của Cabot Lodge bằng nhiều cách. Khánh hù dọa Lodge những người như Minh Lớn, Đôn, Kim, Xuân đều do Pháp đào tạo, đang thực hiện chủ trương trung lập hóa Nam Việt Nam để gạt Mỹ; Khánh nói mình đã có rất nhiều bằng chứng cụ thể. Minh Lớn với cá tính cao ngạo, lười biếng, không thích chạy vạy, lại có phần nào không ưa Mỹ so với Pháp, vốn đã bị Cabot Lodge e ngại từ trước. Khánh nói mình được cảm tình của các nhà lãnh đạo Thiên chúa giáo và Phật giáo; điều này, Khánh có làm được một phần. Khánh nói mình nắm được những đảng phái chính trị ở Nam Việt Nam; trong thực tế, Khánh cố nắm Đại Việt, một tổ chức chính trị gồm những quan lại, viên chức cao cấp cũ của Pháp và một số trí thức, tổ chức này có nhiều người đang chạy theo Mỹ. Điều quan trọng, hơn nữa, Khánh nói với Lodge, mình nắm được những tướng tá trẻ rất bất bình với đám tướng tá già của Pháp và của Diệm trước đây đang cản đường đi của họ, Khánh có thể tiến hành cuộc phản đảo chính một cách êm lẹ, không gây đổ máu. Đúng là Khánh đã móc nối được một số khá đông những tướng tá trẻ như Nguyễn Văn Thiệu, Lâm Văn Phát, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Chánh Thi, Nguyễn Hữu Có, Nguyễn Bảo Trị, Lê Nguyên Khang, Cao Văn Viên, Chung Tấn cang... Số này ít gắn bó với Minh, Đôn và đều cảm thấy họ chưa được trả công đủ sau cuộc lật đổ chế độ Diệm. Chính đám tướng tá trẻ này đã giúp Khánh thực hiện nhanh chóng âm mưu phản đảo chính.
Sau khi gạt bỏ được Đôn, Kim, Xuân, Đính, Khánh lập tức tập trung mọi quyền lực vào tay mình. Khánh trở thành chủ tịch Hội đồng quân nhân cách mạng, tổng tư lệnh quân đội, tổng tham mưu trưởng kiêm thủ tướng chính phủ. Minh Lớn được tạm giữ lại làm quốc trưởng bù nhìn. Khánh chọn Nguyễn Tôn Hoàn, một nhân vật cầm đầu Đại Việt, mới từ Pháp về, làm phó thủ tướng. Khánh đưa Lâm Văn Phát làm bộ trưởng bộ Nội vụ thay Tôn Thất Đính. Khánh bổ sung một loạt những tướng trẻ vào Hội đồng quân sự cách mạng để giành đa số. Khánh cử Nguyễn Văn Thiệu làm tham mưu trưởng liên quân.
Cabot Lodge tưởng là mình đã tìm được của quý, và nhiều người Mỹ khác cũng tưởng như vậy. Đầu tháng 3-1964, không lâu sau cuộc chỉnh lý, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara tới Sài Còn. McNamara không giấu sự hài lòng của mình đối với Khánh khi kết thúc bài diễn văn: "Các bạn có thể thấy tướng Nguyễn Khánh là một lãnh tụ xuất sắc nhất". Nhân đà cao hứng, McNamara còn hô to bằng tiếng Việt: "Việt Nam muôn năm!". Người ta nhớ lại trước đó mấy tháng, sau cuộc đảo chính Diệm, McNamara cũng đã tới Sài Gòn, khi gặp Trần Văn Đôn, y bắt tay nhưng không nhìn mặt và không thèm nói với Đôn một lời. McNamara và Nguyễn Khánh đã cho ra đời bản kế hoạch McNamara - Nguyễn Khánh, với nội dung tăng cường chiến tranh, tăng cường viện trợ Mỹ và cố vấn Mỹ, tiến hành bình định miền Nam trong 2 năm 1964-1965, sau khi hoàn thành sẽ rút lực lượng Mỹ về nước.
Ngô Đình Cẩn vẫn bị giam giữ ở khám Chí Hòa. Sau ngày Khánh lên cầm quyền, có nhiều tin đồn Cẩn sẽ được tha và đưa ra nước ngoài. Ai cũng biết Khánh trước đây là người thân thiết của Diệm, và đã nhiều lần lớn tiếng phản đối việc sát hại Diệm, Nhu. Nhưng ngày 20 tháng 4, Cẩn vẫn bị đưa ra tòa. Nhiều người tin rằng Cẩn chỉ bị xét xử qua loa rồi được trả lại tự do.
Tại "tòa án cách mạng", Cẩn bị khép tội cố sát có dự mưu, một người bị tình nghi là gián điệp ở miền Trung, từ năm 1960. Người này bị tay chân của Cẩn xô từ trên lầu xuống, nên đã chết. Cẩn chối mình không biết chuyện đó. Trước những lời tố giác khác, Cẩn nói: "Tôi quân sự không biết, hành chính không biết, học vấn tầm thường, biết chi mà ra lệnh cho ai!". Tòa kết án Cẩn tội tử hình. Bốn ngày sau, Cẩn đệ đơn lên quốc trưởng Dương Văn Minh xin ân xá. Thời gian này, những người gần Khánh thấy y tỏ ra rất bối rối. Với quyền lực của Khánh, nếu Khánh nói một lời, Cẩn sẽ thoát chết. Nhưng Khánh không làm việc đó. Những cộng sự viên của Khánh an ủi: "Trong vụ này, thủ tướng cứ coi như vô can. Xử như thế nào là do tòa, ân xá hay không là do tướng Minh...". Mười một ngày sau, Minh Lớn với tư cách quốc trưởng, bác đơn xin ân xá của Cẩn. Ngày 9 tháng 5, Cẩn bị xử bắn. Sáng đó, Khánh uống một hơi hết ly rượu mạnh, mắt lồi hẳn ra. Sau đó, Khánh bay ra Huế với ý định thăm cố đô để tranh thủ cảm tình. Được tin Khánh tới dinh tỉnh trưởng, dân chúng kéo tới bao vây la hét đả đảo. Khánh vội chuồn ra cửa sau, leo nhanh lên chiếc trực thăng rời Huế. Đêm hôm đó, Khánh vẫn ngủ ngon. Theo dư luận, Khánh không dám cứu Cẩn vì Khánh đã cùng Đỗ Cao Trí chia nhau số vàng Cẩn gửi lại trước khi bị bắt, và trong thời gian Cẩn ở khám Chí Hòa, Khánh đã gạ Cển chuyển tiền gửi ở những ngân hàng nước ngoài cho mình, đổi lầy tiền Việt Nam, nhưng Cẩn không nghe.
Cuối tháng 5, một hội đồng các cơ quan cao cấp họp ở Đà Lạt dưới quyền điều khiển của Khánh để xét xử 4 tướng Đôn, Kim, Xuân, Đính. Cả 4 tướng đều bị kết tội thiếu đạo đức, thiếu quan điểm rõ ràng, không đủ tư cách chỉ huy. Họ được trả lại tự do nhưng bị tước bỏ những chức vụ chỉ huy, và phải sống tại Đà Lạt, chỉ được rời khỏi đấy khi có lệnh. Minh Lớn cũng có mặt trong cuộc xét xử, nhưng không bênh vực được gì cho những người đã cộng sự với mình.
2.
Khánh vẫn tìm mọi cách khéo léo đối xử với Bình An. Thỉnh thoảng, Khánh cho người vào mời cha Hoàng và Hai Long ra dinh Gia Long, thông báo tình hình và xin ý kiến về thời cuộc. Nhưng cha Hoàng càng ngày càng tỏ ra không hài lòng về Khánh.
Ông nói:
- Thằng này khó xài, sáng "A-men", tối "Na-mô", lá mặt lá trái, chỉ khéo mồm. Nó dùng mình như những con bài để đạt tham vọng chớ có mang lại cho mình cái chi!
Cha Hoàng đã nhìn thấy sau cuộc chỉnh lý, Khánh chỉ vỗ về những tướng trẻ, lại đưa một đảng viên Đại Việt, mà cha Hoàng vốn rất ghét, vào làm phó thủ tướng, nhưng phía Công giáo thì không được gì.
Hai Long nói:
- Con người Khánh ta biết quá rồi. Ta phải quan hệ với Khánh vì Khánh đang được Mỹ dùng. Ta không quan hệ thì Mỹ cũng cứ dùng Khánh. Ta cần Khánh để tính công việc của ta. Con nghĩ rằng Khánh không phải không nhớ ơn Công giáo ta. Nhưng Khánh đâu được như ông Diệm, ông Nhu nghĩ gì làm nấy! Mọi việc làm của Khánh đều là theo lệnh Mỹ. Kẻ mù quáng chính là Mỹ. Mỹ chưa nhìn thấy vị trí của Thiên chúa giáo trên chính trường miền Nam. Cabot Lodge là một kẻ dị giáo. Y rất mê thiền. Y có thể ngồi nói chuyện hàng tháng với các tăng ni nhưng không thể ngồi tiếp các cha một đôi giờ!
Cha Hoàng sầm mặt.
Khi được tin Cẩn bị hành quyết, cha Hoàng rất phẫn nộ. Ông hầm hầm nói với Hai Long:
- Thằng Khánh đúng là kẻ bất nhân bất nghĩa. Nó ngồi ở ghế thủ tướng mà để xử ông Cẩn như vậy...?
- Thưa cha, con biết ông Cẩn khó thoát chết từ lúc Cabot Lodge trao ông Cẩn cho các tướng đảo chính. Nếu bây giờ Lodge để ông Cẩn sống thì hóa ra việc giết ông Diệm, ông Nhu trước đây là sai!
- Hai triệu giáo dân miền Nam cứ ngồi khoanh tay mặc cho tên dị giáo giết hết con chiên à? Huy động hết giáo dân di cư các xứ dạo ở Sài Gòn, Biên hòa, nói các cha cố dẫn đầu, kéo về Sài Gòn đạp tan tượng Kennedy, đuổi tên dị giáo cút về nước!
- Thưa cha đó là việc sớm muộn cũng phải làm, chỉ e còn chỉ thị của Tòa Khâm sứ...
- Làm ngay! Các cha bỏ áo thầy ấy tu ra, mặc quần áo như dân thì Khâm sứ cũng chẳng có gì mà quở trách. Các cha nhất thiết phải cùng đi với con chiên.
- Thưa cha, đúng rồi, các cha phải cùng đi, nhưng con nghĩ không nhất thiết phải đi đầu tất cả, mà chỉ cần đi lẫn vào giáo dân.
Cha Hoàng đồng ý với anh.
Chủ trương của cha Hoàng được các xứ đạo nhiệt liệt hưởng ứng.
Cuộc biểu tình thị uy của giáo dân tổ chức vào ngày 7 tháng 6. Bộ tham mưu cuộc biểu tình đặt trụ sở tại nhà thờ Huyện Sĩ, gồm cha Hoàng, cha Mai Ngọc Khuê, cha Hoàng Trung, phó chỉ huy Tổng bộ tự vệ Phát Diệm Trần Thiện và Hai Long.
Ha chục vạn giáo dân di cư Sài Gòn, Biên Hòa rầm rộ kéo về tập trung tại quảng trường Lam Sơn trước Tòa Hạ viện. Từng xứ đạo, dưới sự điều khiển trực tiếp của các cha, các thầy, đội ngũ chỉnh tề, nhiều người mang theo cả vũ khí phòng thân như gậy gộc, chĩa ba, chai lọ, gạch đá. Những người biểu tình kéo đổ tượng Kennedy. Nội dung cuộc biểu tình là đòi ngừng ngay những vụ hành quyết như xử bắn Ngô Đình Cẩn ngày 9 tháng 5, chống những vụ trả thù Công giáo như ở Phước Tuy, Thanh Bồ, Đức Lợi, Phú Cam... Một khẩu hiệu được viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt trên nhiều tấm biểu ngữ, và được hô vang suốt từ đầu tới cuối cuộc biểu tình với sự phẫn nộ cao độ: "Cabot Lodge, cút về nước!", "Cabot Lodge, go home!".
Chi ít ngày sau, Công giáo ở những vùng có nhiều người di cư, hoặc những người thần phục gia đình họ Ngô, như ở Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Long Xuyên, Buôn Ma Thuột, Plây Cu, Công Tum, Đà Lạt... đua nhau biểu tình. Ở khắp nơi, khẩu hiệu "Cabot Lodge, cút về nước!" trở thành khẩu hiệu chính.
Sau cuộc biểu tình đầu tháng 6 ở Sài Gòn, giáo dân miền Nam đâu đâu cũng nhắc tới cha Hoàng. Nhiều xứ đạo ở các tỉnh cử người về Bình An, mời cha Hoàng tới thăm. Giáo dân đang giữa lúc nếu không lo bị tàn sát trả thù, thì cũng buồn vì Phật giáo trước đây vốn tĩnh lặng, nay trở thành một lực lượng có sức áp đảo, sự trọng nể của mọi người đối với tấm áo choàng của linh mục đã chuyển sang tấm áo cà sa của những thượng tọa, đại đức. Trong tình hình đó, cha Hoàng đã trở thành một thần tượng của giáo dân miền Nam.
Cha Hoàng bàn với các linh mục lập một tổ chức gọi là "Trung ương Công giáo tranh đấu để vãn hồi tình hình". Tổ chức này hình thành vào trung tuần tháng 6. Các cha cố suy tôn cha Hoàng làm chủ tịch. Khâm sứ tòa thánh và tòa tổng giám mục tỏ vẻ e ngại vì như vậy là các linh mục lại tham gia vào chuyện chính trị. Cha Hoàng bèn đổi tên tổ chức này là "Trung ương Công giáo đại đoàn kết". Tòa Khâm sứ và Tòa Tổng giám mục vẫn thấy phân vân.
Hai Long bàn với cha Hoàng:
- Theo khuyến cáo của Vatican thì Công giáo không nên tham gia vào chính trị, nhưng giáo dân nào cũng là công dân của một thể chế chính trị, không thể bó tay khi những quyền lợi công dân của mình bị vi phạm, chà đạp. Với tư cách tín đồ Thiên chúa giáo, giáo dân không tham gia vào chính trị, nhưng với tư cách công dân, thì không thể nào không đấu tranh chống lại đàn áp, bất công. Vậy nếu ta lấy tên tổ chức này là "Khối Công dân Công giáo đại đoàn kết", thì có thể được Tòa thánh chấp nhận.
Cha Hoàng rủ Hai Long cùng tới Tòa khâm sứ và Tòa tổng giám mục trình bày ý kiến này. Sau khi nghe và hỏi cặn kẽ, cả Khâm sứ và Tổng giám mục đều tán thành.
Hai Long lại bàn với cha Hoàng, nhân khi tổ chức mới thành lập, người cầm đầu cũng nên đi một số địa phương giới thiệu cương lĩnh hành động để thúc đẩy phong trào, cũng là đáp lại lời mời của một số giáo xứ đã đến với cha Hoàng từ lâu.
Cuối tháng 6 và đầu tháng 7, cha Hoàng cùng với Hai Long đi thăm nhiều xứ đạo ở hầu khắp miền Nam, từ Huế tới Long Xuyên, Châu Đốc.
Cha Hoàng tự nhận là mình nói năng thiếu chặt chẽ, nên cần có anh đi theo. Tới các nơi ông chỉ giữ vai chủ trì, và giới thiệu Hai Long trình bày về mục đích và cương lĩnh hành động của tổ chức. Hai Long nói năng mạch lạc, lưu loát, cuốn hút người nghe về giáo lý cũng như về phương pháp hoạt động đấu tranh, và không quên luôn luôn đề cao cha Hoàng là chủ tịch của tổ chức. Cha Hoàng giới thiệu ở khắp nơi, Hai Long là cố vấn của mình và của Trung ương Khối Công dân Công giáo đại đoàn kết, để mọi người liên hệ khi có công chuyện nếu vắng mặt ông. Riêng với các giám mục và linh mục hạt trưởng, ông nói thêm Hai Long là "thầy tu xuất", đã từng là phụ tá của Đức cha Lê từ những năm 1945, 1946 tới nay, là người sống thánh thiện, được thử thách, và sẵn sàng tử vì đạo, dưới chế độ Ngô Đình Diệm là phụ tá của cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu, hiện nay đang có vai vế đối với các tướng lãnh trong Hội đồng quân sự cách mạng, đã đấu tranh giải thoát cho nhiều người công giáo bị bắt bớ sau cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11, rất xứng đáng là một "lãnh tụ cửa giáo dân".
Hai Long đã qua thời kỳ ở ẩn. Anh nghĩ điều cần với mình bây giờ là phải củng cố bộ mặt tinh thần mới, làm cho nhiều người quen với hình ảnh anh là một con chiên tốt đạo đẹp đời, sẵn sàng tử vì đạo.
3.
Cuộc đấu tranh của giáo dân miền Nam bùng lên khắp nơi đã nhanh chóng tác động tới Nhà Trắng. Cuối tháng 7, có nhiều tin đồn Cabot Lodge sắp bị thay thế.
Trong tháng 8, hàng chục vạn đồng bào Sài Gòn biểu tình vây quanh dinh Gia Long, đòi Nguyễn Khánh phải từ chức. Hàng vạn đồng bào, sinh viên, học sinh Huế, Đà Nẵng biểu tình, bãi khóa, bãi chợ, phản đối Nguyễn Khánh ký hiến chương Vũng Tàu.
Cha Hoàng quyết định đánh một đòn bồi tiếp đối với Cabot Lodge. Ông trao đổi với cha Mai Ngọc Khuê, người đã cùng ông lãnh đạo có kết quả cuộc biểu tình hồi đầu tháng 6, huy động giáo dân xứ đạo Tân Sa Châu tiến hành một cuộc biểu tình mới chống Cabot Lodge.
Cha Khuê bân:
- Lần này không cần huy động nhiều người, nhưng sẽ làm mạnh hơn lần trước, đưa giáo dân xông thẳng vào Bộ Tổng tham mưu, vừa đuổi Cabot Lodge vừa bắt phải trả lại tự do ngay cho những giáo dân bị bắt oan sau đảo chính.
Cha Hoàng tán đồng, nhưng nói thêm:
- Nếu xông thẳng vào Bộ Tổng tham mưu thì phải có sách lược, không để cho chúng đàn áp. Ngoài khẩu hiệu "Cabot Lodge, cút về nước!", ta sẽ nêu khẩu hiệu "Ủng hộ Nguyễn Khánh", và "Đả đảo Dương Văn Minh", tố cáo Minh chủ trương trung lập, đòi chính Minh phải trả tự do cho giáo dân bị bắt. Ta ủng hộ Khánh thì quân đội không dám đàn áp. Ta chĩa mũi nhọn vào Minh vì Minh liên kết với Phật giáo.
Cha Khuê thấy ý kiến này là hay.
Ngày 26 tháng 8, khoảng 3.000 giáo dân do cha Khuê lãnh đạo, biểu tình mang theo cả gậy gộc, chĩa ba xông vào Bộ Tổng tham mưu. Họ giương cao những biểu ngữ và hô vang những khẩu hiệu như cha Hoàng và cha Khuê đã bàn.
Thời gian qua, chính quyền và quân đội không dám đàn áp những cuộc biểu tình của Công giáo. Nhưng lần này giáo dân có vũ trang lại xông thẳng vào trong doanh trại của một cơ quan đầu não quân đội. Binh lính hoảng hốt nổ súng. Kết quả sáu giáo dân thiệt mạng, hàng chục người khác bị thương.
Sự việc xảy ra hoàn toàn bất ngờ đối với cha Hoàng. Ông rất lo Khâm sứ sẽ khiển trách. Gần đây, vì tham gia nhiều vào những hoạt động chính trị, nên ông tránh tới Tòa khâm sứ và thường bảo Hai Long tới báo cáo tình hình. Lần này, ông lại bảo Hai Long tới thăm dò thái độ Tòa Khâm sứ.
Qua những lần tới báo cáo, Hai Long đã biết Khâm sứ một mặt e ngại những hoạt động chính trị vì đã có chỉ thị của Vatican, nhưng một mặt vẫn muốn giáo dân đấu tranh chống lại đàn áp. Hai Long tường thuật lại cuộc biểu tình ngày hôm trước ở Bộ Tổng tham mưu. Khi anh nói khẩu hiệu chính của giáo dân là "Cabot Lodge, go home!", Khâm sứ mỉm cười, hỏi:
- Lần này lại tiếp tục nêu khẩu hiệu đó, các con chiên có lo sợ Mỹ trả thù không?
- Trình Đức Khâm sứ, chính vì sợ bị trả thù nên giáo dân phải ra tay trước. Mỹ đã giết một tổng thống Công giáo, giết một lúc cả ba anh em giáo dân, không chỉ vì Mỹ tàn bạo mà chính là Mỹ khinh khi, hăm dọa Công giáo. Giáo dân biểu tình là để cảnh cáo Mỹ vì đạo Chúa. Những Phật tử có thể hy sinh thân mình vì đạo, thì tín đồ Công giáo ta đâu có ngán!
Khâm sứ ngẫm nghĩ rồi nói:
- Thầy nên lấy danh nghĩa một trí thức Công giáo, viết một bản tường trình về vấn đề này để chuyển lên Giáo hoàng.
- Trình Đức Khâm sứ, con dốt nát về chuyện giấy tờ, không biết thưa gửi ra sao cho phải phép, e có điều thất lễ, nên không dám viết.
- Vậy tôi sẽ làm tờ trình về Roma, thuật với Giáo hoàng những điều thầy vừa nói, cố nhắc tới tên thầy, thầy có thuận không?
- Tùy ý Đức Khâm sứ, với Tòa thánh, con nghĩ chẳng có điều chi phải e ngại.
- Thầy hết lòng vì đạo Chúa như vậy là rất tốt. Với tư cách công dân, thầy cố gắng giúp cho công chuyện đấu tranh, thầy có những điều kiện tốt hơn cha Hoàng, đừng để cha Hoàng dính vô nhiều.
Hai Long về thuật lại với cha Hoàng. Vẻ mặt cha Hoàng đang căng thẳng lo âu chuyển ngay thành tươi tỉnh.
- Từ bữa qua tới giờ, mình ăn không được, ngủ không được. Thầy thuộc tính đức Khâm sứ, biết trình bầy nên ngài không quở trách. Lần sau, xảy ra chuyện gì khó khăn lại phải nhờ thầy đi.
Nhưng ngày hôm sau, cha Hoàng vẫn bị Khâm sứ gọi lên.
Khâm sứ nghiêm khắc hỏi:
- Tòa Khâm được tin cha và cha Khuê tổ chức biểu tình, làm thiệt mạng và bị thương nhiều giáo dân?
Cha Hoàng dựa vào những điều Hai Long đã kể, báo cáo lại tình hình đồng thời nhận khuyết điểm mình không dặn dò kỹ cha Khuê nên để xảy ra chuyện đáng tiếc.
Khâm sứ nói:
- Chuyện này sẽ làm cho tình hình càng phức tạp. E rằng Mỹ và chính phủ quân nhân sẽ kiếm cớ gây thêm khó khăn cho giáo hội và các linh mục.
- Trình Đức Khâm sứ, về phía ông Khánh chắc không có chuyện chi. Ông đã gửi giấy cho tôi nhận lỗi và mời tới gặp để thu xếp cho êm mọi chuyện.
- Nhưng đã có khuyến cáo của Vatican là các cha không dính vô những chuyện này! Cần làm thì để cho giáo dân làm tốt hơn, những người như thầy Hai Nhã.
- Dạ.
- Có phải thầy Hai Nhã thường xuyên tiếp xúc với mấy ông tướng?
- Dạ, các tướng hay đến gặp tôi và thầy Hai ở nhà thờ Bình An.
- Nên để cho thầy Hai tiếp họ, giáo hội khỏi bị kẹt.
Cha Hoàng vốn rất phục tùng tòa Khâm sứ. Ông bắt đầu giới thiệu với mọi người, Hai Long thay mặt mình làm việc với họ theo khuyến cáo của khâm sứ. Như vậy, ông vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh mà không còn phải e ngại những búa rìu của bề trên mỗi khi có sai sót.
4.
Hai Long cảm thấy mình như vừa lạc vào một thế giới khác lạ. Sau nửa giờ ngồi trên máy bay, Sài Gòn oi bức, nhộn nhạo, không khí ngột ngạt mùi khói xăng, cùng với trăm ngàn mưu toan vật lộn gay gắt, xấu xa của cuộc sống như đã chìm sâu trong cõi hồng trần. Đà Lạt hiện lên giữa cao nguyên núi rừng trùng điệp, với không khí tươi mát, tĩnh lặng, sực nức mùi hương của những đồi thông, của những đóa hoa muôn màu làm anh ngây ngất. Con đường nhựa chạy quanh co giữa những đồi thông, những biệt thự xinh xắn ẩn hiện, náu mình dưới lùm cây tươi xanh, những khu vườn đầy hoa.
Chiếc xe ngựa, tiếng vó khua lóc cóc, chạy xuyên qua những đám mây mát rượi, đưa cha Hoàng và anh về thị trấn. Xe dừng lại bên một cái hồ.
Nhìn thấy những cặp trai gái, những cặp vợ chồng dắt theo con nhỏ đi dạo quanh hồ. Hai Long chạnh lòng nhớ tới vợ con. Vợ con anh đã phải chịu đựng bao nhiêu hy sinh nhưng chưa bao giờ được hưởng những giây phút thảnh thơi. Ước gì có một ngày nào đó, anh được cùng gia đình lên đây, anh cũng sẽ đưa vợ và các con đi dạo như thế kia... Với công tác của anh, không thể nói chắc ngày mai ra sau, mọi trò giả tạo này đều chỉ là tạm thời, sự yên ổn chỉ tính từng giờ.
Cha Hoàng nói:
- Không biết cái biệt thự số 2 nó ở đâu? Thầy đã tới Đà Lạt bao giờ chưa?
- Thưa, con tới đây lần đầu.
Cha Hoàng trỏ cái hồ:
- Hồ Xuân Hương... Sáng nay nghỉ ngơi ở đây cho thầy ngoạn cảnh thị xã, chiều vào trong đó, hay sáng mai vào cũng được.
Hai Long theo cha Hoàng thủng thỉnh đi dạo trên đường phố ngắm những quầy hàng mỹ nghệ với những ngôi nhà sàn, những chiếc thuyền buồm, chân dung những cô gái được tạo ra bằng gỗ thông, những cửa hàng bày toàn quần áo len, dạ dùng cho mùa lạnh. Thấy Hai Long mải mê nhìn các quầy hàng, cha Hoàng nói:
- Mấy thứ này ở Sài Gòn thiếu chi!
- Thưa cha, ở Sài Gòn, con chưa bao giờ đi dạo phố xem hàng. Từ những mẩu gỗ thông mà người ta có thể tạo ra những đồ kỷ niệm đẹp nhường kia. Bây giờ mới nhớ ra con người có lúc cần tới những đồ len dạ, thấy nhớ miền Bắc cha ạ...
Cha Hoàng dường như thiếu tự nhiên vì chiếc áo choàng thầy tu đã làm cho nhiều người chú ý. Kể ra một người đã xa lánh cuộc đời trần thế, không nên có những giờ dạo chơi ngắm nhìn phố xá.
Hai Long có cảm giác lâng lâng bay bổng. Không khí trong lành của vùng núi cao bỗng chốc làm cho anh khỏe hẳn ra, cơ thể như trẻ lại, tràn trề sức sống. Anh thấy yêu mọi cảnh vật, mọi con người ở đây. Họ đều như không có liên quan tới cuộc sống đấu tranh gay gắt ở Sài Gòn.
- Lạy cha ạ.
Một thiếu phụ nhỏ nhắn, trẻ đẹp, tay xách chiếc làn nhựa đứng trước mặt cha Hoàng. Cha ngơ ngác nhìn người đàn bà rồi đáp:
- Chào bà.
- Lâu lắm mới được gặp cha. Cha không nhận ra con. Con là vợ anh Trần Kim Tuyến đây mà.
- Ô, vậy ra là con. Cha lại nghĩ là bà bộ trưởng nào!
- Cha tới Đà Lạt lâu chưa ạ?
- Vừa xuống máy bay được một lát, đang dẫn ông phụ tá đi vãng cảnh thành phố.
Ông né mình sang bên giới thiệu Hai Long với vợ Trần Kim Tuyến:
- Đây là giáo sư Hoàng Đức Nhã!
Người thiếu phụ nghiêng đầu chào anh, rồi nói:
- Con đã biết tiếng giáo sư Nhã. Ông Hoàng Long, phụ tá của Đức cha Lê và ông cố vấn Ngô Đình Nhu.
Cha Hoàng vui vẻ:
- Thế thì quen biết cả rồi. Tại sao lâu lắm Tuyến không tới chỗ cha? Tuyến có ở đây không?
- Mai mốt nhà con mới lên. Nhà con ở Hồng Công về được ít lâu nay, cũng buồn nên chẳng đi đâu. Nếu cha còn ở đây vài ngày, chúng con sẽ tới thăm cha. Cha ở đâu ạ?
- Ông Khánh mời cha và thầy phụ tá lên làm việc. Định ngày mai mới vào trong biệt thự, hôm nay chưa biết sẽ ở đâu.
- Hay mời cha và giáo sư tới chỗ con. Con đang ở tại khách sạn Palace. Ở đó còn trống một số phòng, phong cảnh lại rất đẹp.
Thấy cha Hoàng còn lưỡng lự, người thiếu phụ nài nỉ:
- Cha và giáo sư về chỗ con đi. Con sẽ đặt thuê phòng. Con cũng cần thưa với cha một vài chuyện và việc của nhà con.
Hai Long không muốn ở gần vợ chồng Tuyến, nhưng cha Hoàng đã nhận lời. Sau khi thất sủng với Nhu, Tuyến bị đẩy ra nước ngoài. Diệm, Nhu đổ ít lâu, Tuyến trở lại Sài Gòn. Chắc hẳn vợ Tuyến đã nhanh chóng đánh hơi được mối quan hệ giữa cha Hoàng với chính quyền mới nên định nhờ vả chi cho chồng. Với nghề nghiệp của Tuyến, sớm muộn rồi Tuyến cũng sẽ đi với CIA. Nhưng cũng không sao. Chắc Tuyến chưa biết gì nhiều về anh như bọn Hiếu và Tá Đen. Hiện giờ Tuyến chỉ là một kẻ thất thế.
Cha Hoàng và Hai Long vào xem chợ cùng với vợ Tuyến, chờ chị ta mua ít trái cây, rồi về khách sạn Palace.
Phòng của Hai Long nằm trên lầu một, có cửa sổ mở ra mặt hồ. Trời không có nắng. Nước hồ trở thành màu chì sáng xao động, bồng bềnh mấy con thuyền mang hình chim thiên nga của khách du lịch. Tiếng gió thổi lao xao trên những lùm cây bên ngoài vọng vào. Cảnh vật ở đây như một thứ thuốc an thần ru ngủ con người.
Vợ Tuyến đã để trên bàn một chùm nho chín mọng. Những giờ còn lại của buổi sáng, chị ngồi tâm sự suốt ở phòng cha Hoàng. Hai Long tránh mặt. Vợ chồng Tuyến đã quen biết cha Lê và cha Hoàng từ những năm 1945, 1946. Trong thời kỳ Diệm cầm quyền, Tuyến là một cánh tay rất đắc lực của Nhu, chuyên lo vấn đề an ninh. Phát Diệm trở thành một đối tượng của chế độ Diệm, nên Tuyến cũng cắt liên lạc với các cha. Khi đôi bên nối lại liên lạc thì Tuyến bắt đầu thất sủng, phải ra nước ngoài. Câu chuyện của vợ Tuyến chắc chẳng có gì khác hơn là kể lể những công lao và than thở về sự thiệt thòi của chồng mình đối với chính quyền cũ cũng như chính quyền mới.
Có tiếng gõ cửa. Đã đến giờ ngủ trưa. Hai Long đoán là cha Hoàng ở phòng bên có điều gì cần hỏi.
Anh ngỡ ngàng khi nhận ra người thiếu phụ đứng trước cửa.
Chị hình như chưa thật tin có phải là anh không, buông lên một tiếng kêu rụt rè:
- Cậu giáo!
- Tú Uyên!
- Trời ơi! Đúng là anh thật ư?
- Anh cũng không ngờ lại còn được gặp em.
Chị lấy khăn tay, chấm vội những giọt nước mắt ứa ra vì mừng rỡ. Chị nhoẻn miệng cười, nói ríu rít như ngày xưa:
- Em nhận ra anh khi ngồi ở phòng ăn. Em hỏi bà cùng ngồi với anh, bả biểu đó là giáo sư Hoàng Đức Nhã. Thái độ của bả làm em khó chịu, nên em không hỏi thêm.
- Chị ấy là người quen của cha Hoàng, anh chỉ vừa gặp sáng nay.
Tú Uyên hơi bĩu môi, như muốn nói: "Tưởng chi, hóa ra..."
- Mời em vào nhà đã chứ.
Chị vén tà áo dài, ngồi xuống chiếc ghế mây, nhìn chùm nho lớn đặt trên bàn, rồi hỏi:
- Anh lên đây có một mình?
- Anh cùng đi làm việc với cha Hoàng. Cha ở phòng bên. Còn em?
- Em lên nghỉ cùng hai cháu.
Chị nhìn anh với cặp mắt buồn rầu. Cái vui giả tạo vừa rồi của chị đã biến mất. Cả hai người đều bối rối. Đã 18 năm qua. Bao nhiêu nước chảy dưới cầu. Họ không biết bắt đầu câu chuyện từ đâu. Bao nhiêu kỷ niệm dồn dập hiện lên trong đám sương mù của quá khứ.
5.
Cha Hoàng đổi ý kiến, ngay buổi chiều hôm đó, đã bảo Hai Long cùng mình đi gặp Khánh. Buổi nói chuyện với vợ Trần Kim Tuyến đã cho cha biết các tướng Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim hiện đang bị quản chế ở đây. Cha không muốn ở lâu tại Đà Lạt, nếu Đôn, Kim tới, sẽ khó nói khi chuyện trò. Cha đã từng ủng hộ họ, giờ lại quay sang ủng hộ Khánh. Đôn và Kim không phải là con chiên. Nhưng nếu so với Khánh, họ còn có tư cách hơn.
Sự việc xảy ra ở Bộ Tổng tham mưu hôm 26 tháng 7 đã làm cho Khánh lúng túng. Khánh có liên quan cả về hai mặt với tư cách vừa là chủ tịch Hội đồng quân sự cách mạng, vừa là thủ tướng. Khánh mời cả cha Hoàng và Hai Long tới Đà Lạt để thương nghị. Khánh đã biết cha Hoàng là người cực đoan lại khó tính, còn mưu sĩ của cha thì trầm tĩnh và ôn hòa. Việc một số giáo dân di cư bị sát hại nếu không thu xếp cho êm sẽ bùng lên thành một phong trào chống Khánh. Khánh tuy đã ôm hầu hết mọi quyền lực trong tay, nhưng ngày càng cảm thấy mình ngồi trên lửa vì tình hình quân sự xấu đi rất nhanh, và những người bất bình với Khánh không ngừng tăng lên.
Cha Hoàng và Hai Long đi xe ngựa tới dinh 2. Đại tá Albert Nguyễn Cao ra đón hai người vào gặp Khánh.
Khánh đứng ở chân thềm, vồn vã:
- Trời, sao cha Tổng và ông giáo không "phôn"[1] vô để ông Cao ra đón mà lại đi xe ngựa?
Cha Hoàng mát mẻ:
- Thủ tướng còn bận nhiều việc, tránh được phiền phức chừng nào hay chừng ấy.
- Cha lo cho những việc tày đình, đưa cái xe ra đón cha có chi mà phiền phức!
Khánh tươi cười mời khách dùng ly rượu cho ấm người, cố tạo bầu không khí thông cảm, rồi vào vấn đề một cách Khiêm tốn:
- Từ ngày nhận nhiệm vụ, tôi đã chỉ thị cho cảnh sát, an ninh và quân đội là không được đụng tới quyền dân chủ của đồng bào, đặc biệt là giáo dân. Cha Tổng và ông giáo coi suốt thời gian qua, đâu có xảy ra điều chi đáng tiếc? Tai họa vừa rồi là do một số binh sĩ thiếu kỷ luật, hoảng hốt trước sự quá nhiệt tình và phẫn nộ của giáo dân. Chúng tôi sẽ nghiêm khắc trừng trị những quân nhân phạm tội. Bữa nay, xin mời cha Tổng và ông giáo tới để có lời xin lỗi, mong cha Tổng và ông giáo thu xếp cho công chuyện được êm thấm.
Cha Hoàng to tiếng ngay:
- Các ông tướng ngu quá là ngu! Dân người ta biểu tình chống Dương Văn Minh là để răn đe Phật giáo ăn hiếp mấy ông tướng trẻ. Người ta đuổi Cabot Lodge là để làm cho Mỹ phải nể mấy ông tướng Việt Nam. Người ta biểu tỉnh ủng hộ mình, thế mà lại cho lính xả súng bắn vào người ta?
Dưới mắt cha Hoàng, Khánh vẫn là một kẻ võ biền, trẻ tuổi, hãnh tiến, tới gặp mình để mưu cầu địa vị như trước đây. Cha quên Khánh đã trở thành người đứng đầu có thực quyền của chế độ, nên vơ đũa cả nắm, mạt sát các tướng trẻ ngay giữa tư dinh của Khánh. Hai Long nhận thấy Khánh sầm mặt, hai tai đỏ dừ. Anh xoa dịu:
- Cha Tổng rất trung thực, nghĩ sao nói vậy, có tin thủ tướng, có hết lòng ủng hộ thủ tướng, thì mới nói như vừa rồi. Cũng như hồi xưa cha Tong rất mến phục trung tướng Nguyễn Văn Xuân, khi làm việc với thủ tướng Xuân, cha cũng thường thẳng thắn như vậy. Giờ chuyện không may đã xảy ra, trên đường lên đây, cha Tổng đã bàn với tôi sẽ cùng thủ tướng thu xếp cho ổn thỏa, không để cái sảy nảy cái ung, không để cho người ngoài xen vô, gây nên chuyện lớn phương hại cho chế độ như Phật giáo trước đây.
Hai Long đã nhắc tới Xuân vì vào thời đó, Khánh còn là sĩ quan tùy viên của Xuân để lưu ý Khánh tới tuổi tác, vai vế đã có từ lâu của cha Hoàng. Khánh cố nén tự ái cười gượng:
- Người trong nhà đóng cửa bảo nhau, cha Tổng đã thương, nên giải quyết cách chi xin cha Tổng cứ dạy cho.
Cha Hoàng vẫn không dịu giọng:
- Giết người là phải thường mạng! Muốn giải quyết êm chuyện này, quân đội phải đứng ra công khai xin lỗi giáo dân, phải trừng trị thật nặng cả binh lính và chỉ huy phạm vào tội giết người, và phải bồi thường cho mỗi gia đình có người bị thiệt hại 5 triệu đồng... Giáo dân miền Nam nhất định sẽ không lùi bước đâu! Cabot Lodge, go home! Lodge phải cút khỏi Nam Việt nam. Nếu Mỹ cứ đưa sang đây những người chống Thiên chúa giáo thì 2 triệu tín đồ sẽ không để cho Mỹ yên...
Khánh hiểu rằng rất khó thương nghị với cha Hoàng. Khánh đành phải nhận tất cả những điều kiện cha đặt ra, chỉ xin châm chước trong cách giải quyết cụ thể. Hai Long cảm thấy đã có một sự nứt rạn khó hàn gắn giữa Khánh và cha Hoàng. Anh lo vì vậy mà Khánh sẽ ngả sang Phật giáo.
Khánh mời cha Hoàng và Hai Long nghỉ lại dinh 2. Cha Hoàng từ chối.
Trước khi ra về, Hai Long phải tìm cách đứng riêng với Khánh.
- Cha Tổng đã có tuổi đang lúc nóng, sau đây tôi sẽ tìm cách thưa lại. Chẳng qua là cha bực ông Minh và ông Lodge, còn với cá nhân thủ tướng thì cha vẫn ưu ái, quý trọng. Ông thủ tướng cứ bình tâm lo việc khác, chuyện này trong vài ngày nữa, tôi sẽ thu xếp ổn thỏa. Lần sau, nếu lại có những việc tương tự, ông thủ tướng cứ cho người tới bàn bạc trước với tôi thì sẽ tránh được va chạm.
Nguyễn Khánh siết tay anh:
- Nhờ ông giáo chu toàn giúp cho. Anh em mình đã rất hiểu nhau, tôi quả là đang có nhiều chuyện phải lo... Cabot Lodge cũng sắp đi khỏi đây thôi.
- Như vậy rất hợp ý cha Hoàng. Nhưng ai sẽ thay?
- Có thể là Maxwell Taylor.
- Ông ta là tham mưu trưởng liên quân Mỹ, một nhà quân sự thuần túy!
- Nước mình đang có chiến tranh mà! Làm việc với một đại sứ là tướng quân sự có khi lại dễ chịu hơn.
6.
Hai Long có một buổi chiều, sau bữa cơm, cùng với Tú Uyên và hai đứa con nhỏ của chị đi dạo quanh hồ. Anh giữ ý, trước khi đi, đưa Tú Uyên và hai con của chị vào chào cha Hoàng.
- Trình cha, đây là một cô học trò nhỏ của con, hồi con còn học trung học ở Hà Nội.
- Cô học trò nhỏ... đã có hai con. - Cha Hoàng mỉm cười nói với Tú Uyên.
- Thưa cha, đó là chuyện cách đây gần hai chục năm. Anh Nhạ kèm con học thi C.E.P.S.I.[2] ạ. "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", con vẫn phải nhớ ơn thầy.
- Gia đình chị ở đâu?
- Chúng con ở Sài Gòn. Chồng con là luật sư Trịnh Ngọc Tường.
- Ủa, chị làm dâu Thanh Bồ.
- Thế cha biết nhà con ạ.
- Ông Tường ở trong Khối công dân Công giáo với tôi.
Cha Hoàng không nghi ngờ gì về sự quan hệ giữa hai người, vì từ khi đi lại ở Bình An, Hai Long vẫn tỏ ra là một con người thánh thiện.
Sương mù buổi chiều đã phủ kín những núi rừng ngút ngàn bao quanh thị trấn. Những ngôi nhà, những cây liễu rủ quanh hồ như đang tỏa ra quanh mình một làn khói lạnh. Tú Uyên trùm một chiếc khăn voan hồng và mặc chiếc măng-tô màu trắng có đai, trông gọn gàng như một cô gái. Chị và Hai Long mỗi người dắt tay một đứa trẻ. Vừa sáng nay, anh mới nghĩ tới có một ngày nào anh được cùng với vợ con đi dạo quanh hồ như thế này! Kể ra nếu không có chiến tranh, người đàn bà này có thể là vợ anh và những đứa nhỏ này có thể là con anh...
Trước Cách mạng tháng Tám, Hai Long học những năm cuối cùng để chuẩn bị thi Tú tài. Anh trọ tại gia đình một người quen ở cuối phố Duvignaud, Hà Nội. Sáng sáng, anh đạp xe tới trường học trên con đường phố vắng vẻ với khá nhiều biệt thự hai hoặc ba tầng, xinh xắn, của những nhà tư sản nhỏ, những viên chức. Hình ảnh cậu học trò nghèo, ngoan ngoãn, đứng đắn dần dần quen thuộc với bà con trong phố. Một hôm, ông chủ nhà nói với anh, có mặt gia đình muốn nhờ anh dạy buổi tối cho cô con gái đang chuẩn bị thi vào trung học, với lương tháng 5 đồng. Anh nhận lời ngay, vì số tiền này vừa đủ cho anh trả tiền trọ học. Cô gái đó là Tú Uyên. Bố Tú Uyên là viên chức cao cấp ở Tòa Thống sứ Bắc Kỳ. Anh tới kèm cô gái học vài tháng thì được ông phán mời về nhà. Nơi ở của cậu giáo là một căn buồng trên gác hai yên tĩnh. Hai bữa, anh được mời xuống cùng ăn cơm với gia đình. Tiền dạy học hàng tháng vẫn như cũ. Sau 2 năm, Tú Uyên thi đỗ, vào học trường Đồng Khánh. Anh chuyển sang dạy cho em Tú Uyên, một cậu bé rất ham chơi. Đảo chính Nhật, ông phán làm việc tiếp cho chính quyền Bảo Đại. Cách mạng tháng Tám, ông lại trở thành nhân viên của chính quyền ta. Một mối tình đã nảy nở giữa cậu giáo và cô nữ sinh trường Đồng Khánh. Rồi kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Gia đình Tú Uyên lúc đầu không chịu tản cư. Hai Long ở lại Hà Nội chiến đấu trong hàng ngũ tự vệ. Khi quân Pháp từ trong thành đánh rộng ra Ô Cầu Dền, ông phán mới hoảng hốt nhờ anh đưa ra ngoài. Một đêm, với tấm chứng minh thư tự vệ thành, Hai Long đưa cả gia đình đi trên những đường phố tối tăm, rền vang tiếng súng, qua nhiều trạm gác của ta, tới làng Cự Đà, nơi bà phán có người quen. Hai Long quay lại nội thành tiếp tục chiến đấu.
Chừng nửa tháng sau, tự vệ Liên khu II Hà Nội rút ra ngoại thành. Đêm đêm, họ đi vào nội thành, mở những trận tập kích quấy rối. Ban ngày, mỗi khi có dịp, Hai Long lại phóng về Cự Đà gặp gia đình Tú Uyên, kể chuyện chiến đấu ở Hà Nội. Anh nói kháng chiến còn lâu dài, sớm muộn rồi quân Pháp sẽ đánh ra những vùng chung quanh Hà Nội, và khuyên vợ chồng ông phán nên đi xa hơn, tới những nơi an toàn. Ông phán nghe theo lời anh, quyết định chuyển gia đình về quê ngoại ở Hưng Yên. Buổi sáng trước khi gia đình gồng gánh về Khoái Châu, anh và Tú Uyên đứng bịn rịn với nhau ở một gốc đa bên dòng sông nhỏ. Bà phán từ trong nhà đi ra tìm con gái. Tú Uyên nước mắt vòng quanh. Bà nhìn Hai Long một hồi rồi cầm lấy tay anh và tay con gái, nói với giọng xúc động: "Ba mợ từ lâu đã coi con như người trong nhà, bữa nay mợ có lời, mai mốt yên hàn, hai con sẽ nên vợ nên chồng".
Họ bắt đầu xa nhau. Không phải Hai Long đã để quên đi mối tình đầu êm đềm và thơ mộng. Vì nghĩ tới Tú Uyên, nên sau một thời gian ở mặt trận Hà Nội, khi một số đơn vị chuyển lên Việt Bắc, anh đã xin trở về Thái Bình để tiếp tục chiến đấu ở quê hương. Anh muốn gặp lại Tú Uyên, và có ý định xin phép gia đình cho cô được thoát ly cùng mình đi chiến đấu. Mùa đông năm đó, anh tìm đến quê ngoại Tú Uyên ở Khoái Châu, thì gia đình vừa hồi cư về Hà Nội được vài ngày. Anh bâng khuâng với ý nghĩ, tuổi họ còn trẻ, nhưng họ đã ở hai bên bờ một con sông ngăn cách không thể nào vượt qua. Năm năm sau, nhận công tác mới, anh trở lại nội thành Hà Nội. Đã có thêm một thời gian dài được rèn luyện, thử thách trong chiến đấu, suy nghĩ và tình cảm của anh đối với gia đình Tú Uyên không còn được như xưa. Nhưng anh vẫn mong gặp lại người con gái đã dành cho mình một tình yêu không vụ lợi, đã giành được một vị trí trong trái tim mình những năm trước đây. Biết đâu gia đình Tú Uyên lại không trở thành một cơ sở của ta trong nội thành tạm chiếm, biết đâu Tú Uyên lại không trở thành một người cùng cộng tác với anh trong công tác mới... Nhưng anh nhanh chóng nhận ra đó chỉ là những ý nghĩ hão huyền. Trong những năm tạm chiếm, bố Tú Uyên lại tiếp tục là một nhân viên cao cấp trong ngụy quyền, Tú Uyên chưa đi lấy chồng, nhưng cả gia đình đã chuyển về Đà Nẵng, quê nội của Tú Uyên, sau khi ông bố bị gạt ra khỏi chính quyền... Không thể còn có một đường dây nhỏ nào dính líu giữa họ.
Vậy mà bỗng nhiên họ gặp lại nhau trên thị trấn cao nguyên tuyệt đẹp này, miền đất dành cho tình yêu, cho những cặp vợ chồng trong tuần trăng mật, và bây giờ họ đang đi sát bên nhau trong một buổi chiều đầy sương mù, cảnh vật như thực như hư.
Họ chăm chú nghe nhau kể lại những mẩu chuyện đứt quãng trong cuộc đời riêng của mỗi người trong 18 năm qua. Đôi lúc họ ngập ngừng, vì ý nghĩ: Có nên nói nữa không, lúc này còn nói để làm gì? Họ không gạn hỏi nhau, khi thấy một người không muốn nói tiếp, vì đều cảm thấy mình không có quyền làm chuyện đó. Họ e những câu hỏi vụng về sẽ làm tổng thương nhau. Hai Long biết bố mẹ Tú Uyên đã già, sống với số tiền lương hưu trí những năm làm việc cho Pháp ở Đà Nẵng. Theo bố mẹ vào Nam được mấy năm, chị lấy chồng, người cùng quê. Anh là luật sư. Đứa em trai của chị theo bộ đội từ những năm đó, nghe đâu hiện đang làm trung đoàn trưởng một đơn vị xe tăng ở miền Bắc. Cũng chính vì vậy mà gần đây, chồng chị mới chuyển về Sài Gòn, cho xa cái tiếng có người trong gia đình làm việc với Cộng sản. Trong cuộc sống riêng, chị được chồng hết sức chiều chuộng, nhưng không cảm thấy hạnh phúc vì tư tưởng, tình cảm của hai người nhiều lúc rất khác nhau.
Chị bỗng nói:
- Lâu rồi, em Thành có viết thư về nhà, nói rằng chưa lần nào gặp anh. Em nghĩ dại dột là anh đã... không còn nữa. Em tin chắc rằng không bao giờ gặp anh, vì nếu anh còn sống thì cũng ở phía bên kia...
- Cuộc thế xoay vần. Nhiều lúc anh cũng tự hỏi: Tại sao mình lại ở đây?
- Ở Sai Gòn, anh ở đường nào?
- Anh thường ở nhà thờ Bình An cùng với cha Hoàng. Xứ đạo này ở mãi ngoại thành Sài Gòn.
- Anh sẽ tới chơi với vợ chồng em chứ?
- Chúng mình sẽ cố giữ gìn ở nhau những tình cảm tốt đẹp nhất. Anh không mong gì hơn... ờ, thằng nhỏ buồn ngủ rồi.
Đứa bé mắt díp lại đi loạng choạng. Hai Long định cúi xuống thì chị đã nhanh hơn bồng lấy con.
- Đưa cháu cho anh. Thôi ta quay về. Về tới khách sạn còn xa.
Tú Uyên chuyển đứa nhỏ cho anh. Anh bỗng cảm thấy bàn tay ấm nóng của chị nắm lấy cổ tay mình.
Họ thủng thỉnh trở về khách sạn.
Một màn sương mù dồn tới xóa mờ mọi cảnh vật. Anh không còn nhìn rõ Tú Uyên. Nhưng một lần nữa, anh lại thấy một bàn tay nắm lấy cánh tay mình bóp chặt.
- Anh nhớ địa chỉ của chúng em chưa? Anh vẫn chưa trả lời. Anh sẽ tới thăm vợ chồng em chứ?
- Em thấy lúc nào anh cũng đi với các cha. Suốt nhiều năm nay, anh sống cuộc đời khổ hạnh của một thầy tu. Anh sẽ nhớ mãi cuộc gặp lại em hôm nay, một chiều sương mù ở Đà Lạt. Chúng mình lại có thêm một kỷ niệm đẹp...
Anh vẫn cố tránh không trả lời câu hỏi của chị.
7.
Sáng hôm sau, Tú Uyên ra sân bay tiễn Hai Long và cha Hoàng trở về Sài Gòn.
Trước mặt cha Hoàng, chị cố giữ vẻ tự nhiên của một người học trò cũ gặp lại thầy sau nhiều năm xa cách. Nhưng Hai Long vẫn đọc được trong mắt chị những thoáng buồn và đôi lúc như hờn giận.
Anh cũng phải chế ngự những tình cảm của mình. Anh đã nhiều lần thản nhiên khi đi ngang những trái cấm trong vườn cây của Chúa. Nhưng lần này anh không thể dửng dưng. Nó làm anh xao xuyến. Vì nó đánh thức một thời dĩ vãng khi anh còn trẻ, lần đầu đến với tình yêu. Người anh lâng lâng trong một trạng thái kỳ lạ.
Chiếc máy bay gầm lên rồi lao nhanh trên đường băng và rời khỏi sân bay.
Đà Lạt đã khuất sau màn mây trắng đặc quánh. Anh thấy như mình vừa ném xuống biển sương mù của cao nguyên một vật kỷ niệm quý báu để cố tình cắt đứt một mối dây liên hệ với quá khứ.
Độ cao của máy bay đã ổn định. Nhiều người bắt đầu hút thuốc lá. Lòng anh trở lại bình thản. Mình chưa hoàn toàn "miễn dịch" như đã tưởng. Cũng may, mình vẫn chưa đụng tới trái cấm. Còn đọng lại trong anh là một cái gì dịu dàng. Năm tháng không xóa nổi những tình cảm của chị đối với anh. Hình ảnh nào của anh đã in đậm dấu ấn trong tâm trí chị? Cậu giáo nghèo sáng sáng đạp xe đi ngang cửa, hay anh tự vệ với trái lựu đạn giắt ở thắt lưng, dưới bầu trời đêm đỏ hồng vì đạn lửa, dẫn gia đình chị ra khỏi vòng vây của quân Pháp ở Hà Nội? Câu nói của chị lại vang lên bên tai anh: "Em tin rằng không bao giờ gặp lại anh, vì nếu anh còn sống thì cũng ở phía bên kia...". Điều đó động viên anh. Nếu một ngày nào đó, chị biết anh là ai, chắc là chị sẽ giữ mãi cho mình cái hình ảnh mà anh mong muốn... Cũng chỉ từng đó thôi. Mình như người vượn biển đầy sóng dữ trên con thuyền nhỏ. Không thể nấn ná lâu trên hòn đảo yên tĩnh tình cờ gặp trên dọc đường... ---
[1] phone: gọi điện thoại
[2] Cochinchine Enseignement primaire supérieur franco-indigène: Cao đẳng tiểu học Đông Dương, còn gọi là bằng Thành chung.
Khánh và Khiêm đã thực hiện đúng lời cam kết với cha Hoàng. Đại tá Albert Nguyễn Cao và linh mục tuyên úy Khổng Tiến Giác thường xuyên qua lại nhà thờ Bình An thông báo với Hai Long những việc nhóm Khánh - Khiêm định làm. Khi có những chuyện quan trọng, như vấn đề nhân sự, thì Khánh hoặc Khiêm trực tiếp tới trao đổi. Khánh ngông nghênh với bộ quân phục dã chiến, chiếc mũ nồi đỏ và cái lon trung tướng. Còn Khiêm vẫn kín đáo tới vào buổi tối và mặc thường phục.
Nhờ mối quan hệ mới này, Hai Long lại nắm chắc được những thay đổi trong quân đội và chính quyền miền Nam. Anh nhận thấy vai trò quan trọng của những viên trợ lý trong việc cung cấp tin tức. Chính họ mới nắm được những vấn đề, những số liệu cụ thể, những văn bản mà người chỉ huy họ nhiều khi không biết. Họ trao đổi, chuyện trò với anh một cách không dè dặt. Điều cần chú ý là khi muốn hỏi han điều gì, cần tìm ra lý do xác đáng.
Khánh và Khiêm đang thi nhau bán mình cho Mỹ. Khánh giảo hoạt hơn Khiêm nên đã giành được vị trí tin cậy. Việc Khánh vô hiệu hóa được những tướng như Minh Lớn, Đôn, Kim, Xuân, Đính rất có lợi cho ta, vì đây là những viên tướng có khả năng nhất của chế độ. Những hành động của Khánh tất nhiên sẽ dẫn tới sự lộn xộn, mất ổn định kéo dài trong bộ máy chính quyền, quân đội. Trước một tình hình như vậy, đế quốc Mỹ chưa thể đưa quân ồ ạt vào miền Nam Việt Nam. Hai Long thấy cần nuôi dưỡng tình trạng rối ren này càng lâu, càng tốt.
Khánh đã chiếm được lòng tin của Cabot Lodge bằng nhiều cách. Khánh hù dọa Lodge những người như Minh Lớn, Đôn, Kim, Xuân đều do Pháp đào tạo, đang thực hiện chủ trương trung lập hóa Nam Việt Nam để gạt Mỹ; Khánh nói mình đã có rất nhiều bằng chứng cụ thể. Minh Lớn với cá tính cao ngạo, lười biếng, không thích chạy vạy, lại có phần nào không ưa Mỹ so với Pháp, vốn đã bị Cabot Lodge e ngại từ trước. Khánh nói mình được cảm tình của các nhà lãnh đạo Thiên chúa giáo và Phật giáo; điều này, Khánh có làm được một phần. Khánh nói mình nắm được những đảng phái chính trị ở Nam Việt Nam; trong thực tế, Khánh cố nắm Đại Việt, một tổ chức chính trị gồm những quan lại, viên chức cao cấp cũ của Pháp và một số trí thức, tổ chức này có nhiều người đang chạy theo Mỹ. Điều quan trọng, hơn nữa, Khánh nói với Lodge, mình nắm được những tướng tá trẻ rất bất bình với đám tướng tá già của Pháp và của Diệm trước đây đang cản đường đi của họ, Khánh có thể tiến hành cuộc phản đảo chính một cách êm lẹ, không gây đổ máu. Đúng là Khánh đã móc nối được một số khá đông những tướng tá trẻ như Nguyễn Văn Thiệu, Lâm Văn Phát, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Chánh Thi, Nguyễn Hữu Có, Nguyễn Bảo Trị, Lê Nguyên Khang, Cao Văn Viên, Chung Tấn cang... Số này ít gắn bó với Minh, Đôn và đều cảm thấy họ chưa được trả công đủ sau cuộc lật đổ chế độ Diệm. Chính đám tướng tá trẻ này đã giúp Khánh thực hiện nhanh chóng âm mưu phản đảo chính.
Sau khi gạt bỏ được Đôn, Kim, Xuân, Đính, Khánh lập tức tập trung mọi quyền lực vào tay mình. Khánh trở thành chủ tịch Hội đồng quân nhân cách mạng, tổng tư lệnh quân đội, tổng tham mưu trưởng kiêm thủ tướng chính phủ. Minh Lớn được tạm giữ lại làm quốc trưởng bù nhìn. Khánh chọn Nguyễn Tôn Hoàn, một nhân vật cầm đầu Đại Việt, mới từ Pháp về, làm phó thủ tướng. Khánh đưa Lâm Văn Phát làm bộ trưởng bộ Nội vụ thay Tôn Thất Đính. Khánh bổ sung một loạt những tướng trẻ vào Hội đồng quân sự cách mạng để giành đa số. Khánh cử Nguyễn Văn Thiệu làm tham mưu trưởng liên quân.
Cabot Lodge tưởng là mình đã tìm được của quý, và nhiều người Mỹ khác cũng tưởng như vậy. Đầu tháng 3-1964, không lâu sau cuộc chỉnh lý, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara tới Sài Còn. McNamara không giấu sự hài lòng của mình đối với Khánh khi kết thúc bài diễn văn: "Các bạn có thể thấy tướng Nguyễn Khánh là một lãnh tụ xuất sắc nhất". Nhân đà cao hứng, McNamara còn hô to bằng tiếng Việt: "Việt Nam muôn năm!". Người ta nhớ lại trước đó mấy tháng, sau cuộc đảo chính Diệm, McNamara cũng đã tới Sài Gòn, khi gặp Trần Văn Đôn, y bắt tay nhưng không nhìn mặt và không thèm nói với Đôn một lời. McNamara và Nguyễn Khánh đã cho ra đời bản kế hoạch McNamara - Nguyễn Khánh, với nội dung tăng cường chiến tranh, tăng cường viện trợ Mỹ và cố vấn Mỹ, tiến hành bình định miền Nam trong 2 năm 1964-1965, sau khi hoàn thành sẽ rút lực lượng Mỹ về nước.
Ngô Đình Cẩn vẫn bị giam giữ ở khám Chí Hòa. Sau ngày Khánh lên cầm quyền, có nhiều tin đồn Cẩn sẽ được tha và đưa ra nước ngoài. Ai cũng biết Khánh trước đây là người thân thiết của Diệm, và đã nhiều lần lớn tiếng phản đối việc sát hại Diệm, Nhu. Nhưng ngày 20 tháng 4, Cẩn vẫn bị đưa ra tòa. Nhiều người tin rằng Cẩn chỉ bị xét xử qua loa rồi được trả lại tự do.
Tại "tòa án cách mạng", Cẩn bị khép tội cố sát có dự mưu, một người bị tình nghi là gián điệp ở miền Trung, từ năm 1960. Người này bị tay chân của Cẩn xô từ trên lầu xuống, nên đã chết. Cẩn chối mình không biết chuyện đó. Trước những lời tố giác khác, Cẩn nói: "Tôi quân sự không biết, hành chính không biết, học vấn tầm thường, biết chi mà ra lệnh cho ai!". Tòa kết án Cẩn tội tử hình. Bốn ngày sau, Cẩn đệ đơn lên quốc trưởng Dương Văn Minh xin ân xá. Thời gian này, những người gần Khánh thấy y tỏ ra rất bối rối. Với quyền lực của Khánh, nếu Khánh nói một lời, Cẩn sẽ thoát chết. Nhưng Khánh không làm việc đó. Những cộng sự viên của Khánh an ủi: "Trong vụ này, thủ tướng cứ coi như vô can. Xử như thế nào là do tòa, ân xá hay không là do tướng Minh...". Mười một ngày sau, Minh Lớn với tư cách quốc trưởng, bác đơn xin ân xá của Cẩn. Ngày 9 tháng 5, Cẩn bị xử bắn. Sáng đó, Khánh uống một hơi hết ly rượu mạnh, mắt lồi hẳn ra. Sau đó, Khánh bay ra Huế với ý định thăm cố đô để tranh thủ cảm tình. Được tin Khánh tới dinh tỉnh trưởng, dân chúng kéo tới bao vây la hét đả đảo. Khánh vội chuồn ra cửa sau, leo nhanh lên chiếc trực thăng rời Huế. Đêm hôm đó, Khánh vẫn ngủ ngon. Theo dư luận, Khánh không dám cứu Cẩn vì Khánh đã cùng Đỗ Cao Trí chia nhau số vàng Cẩn gửi lại trước khi bị bắt, và trong thời gian Cẩn ở khám Chí Hòa, Khánh đã gạ Cển chuyển tiền gửi ở những ngân hàng nước ngoài cho mình, đổi lầy tiền Việt Nam, nhưng Cẩn không nghe.
Cuối tháng 5, một hội đồng các cơ quan cao cấp họp ở Đà Lạt dưới quyền điều khiển của Khánh để xét xử 4 tướng Đôn, Kim, Xuân, Đính. Cả 4 tướng đều bị kết tội thiếu đạo đức, thiếu quan điểm rõ ràng, không đủ tư cách chỉ huy. Họ được trả lại tự do nhưng bị tước bỏ những chức vụ chỉ huy, và phải sống tại Đà Lạt, chỉ được rời khỏi đấy khi có lệnh. Minh Lớn cũng có mặt trong cuộc xét xử, nhưng không bênh vực được gì cho những người đã cộng sự với mình.
2.
Khánh vẫn tìm mọi cách khéo léo đối xử với Bình An. Thỉnh thoảng, Khánh cho người vào mời cha Hoàng và Hai Long ra dinh Gia Long, thông báo tình hình và xin ý kiến về thời cuộc. Nhưng cha Hoàng càng ngày càng tỏ ra không hài lòng về Khánh.
Ông nói:
- Thằng này khó xài, sáng "A-men", tối "Na-mô", lá mặt lá trái, chỉ khéo mồm. Nó dùng mình như những con bài để đạt tham vọng chớ có mang lại cho mình cái chi!
Cha Hoàng đã nhìn thấy sau cuộc chỉnh lý, Khánh chỉ vỗ về những tướng trẻ, lại đưa một đảng viên Đại Việt, mà cha Hoàng vốn rất ghét, vào làm phó thủ tướng, nhưng phía Công giáo thì không được gì.
Hai Long nói:
- Con người Khánh ta biết quá rồi. Ta phải quan hệ với Khánh vì Khánh đang được Mỹ dùng. Ta không quan hệ thì Mỹ cũng cứ dùng Khánh. Ta cần Khánh để tính công việc của ta. Con nghĩ rằng Khánh không phải không nhớ ơn Công giáo ta. Nhưng Khánh đâu được như ông Diệm, ông Nhu nghĩ gì làm nấy! Mọi việc làm của Khánh đều là theo lệnh Mỹ. Kẻ mù quáng chính là Mỹ. Mỹ chưa nhìn thấy vị trí của Thiên chúa giáo trên chính trường miền Nam. Cabot Lodge là một kẻ dị giáo. Y rất mê thiền. Y có thể ngồi nói chuyện hàng tháng với các tăng ni nhưng không thể ngồi tiếp các cha một đôi giờ!
Cha Hoàng sầm mặt.
Khi được tin Cẩn bị hành quyết, cha Hoàng rất phẫn nộ. Ông hầm hầm nói với Hai Long:
- Thằng Khánh đúng là kẻ bất nhân bất nghĩa. Nó ngồi ở ghế thủ tướng mà để xử ông Cẩn như vậy...?
- Thưa cha, con biết ông Cẩn khó thoát chết từ lúc Cabot Lodge trao ông Cẩn cho các tướng đảo chính. Nếu bây giờ Lodge để ông Cẩn sống thì hóa ra việc giết ông Diệm, ông Nhu trước đây là sai!
- Hai triệu giáo dân miền Nam cứ ngồi khoanh tay mặc cho tên dị giáo giết hết con chiên à? Huy động hết giáo dân di cư các xứ dạo ở Sài Gòn, Biên hòa, nói các cha cố dẫn đầu, kéo về Sài Gòn đạp tan tượng Kennedy, đuổi tên dị giáo cút về nước!
- Thưa cha đó là việc sớm muộn cũng phải làm, chỉ e còn chỉ thị của Tòa Khâm sứ...
- Làm ngay! Các cha bỏ áo thầy ấy tu ra, mặc quần áo như dân thì Khâm sứ cũng chẳng có gì mà quở trách. Các cha nhất thiết phải cùng đi với con chiên.
- Thưa cha, đúng rồi, các cha phải cùng đi, nhưng con nghĩ không nhất thiết phải đi đầu tất cả, mà chỉ cần đi lẫn vào giáo dân.
Cha Hoàng đồng ý với anh.
Chủ trương của cha Hoàng được các xứ đạo nhiệt liệt hưởng ứng.
Cuộc biểu tình thị uy của giáo dân tổ chức vào ngày 7 tháng 6. Bộ tham mưu cuộc biểu tình đặt trụ sở tại nhà thờ Huyện Sĩ, gồm cha Hoàng, cha Mai Ngọc Khuê, cha Hoàng Trung, phó chỉ huy Tổng bộ tự vệ Phát Diệm Trần Thiện và Hai Long.
Ha chục vạn giáo dân di cư Sài Gòn, Biên Hòa rầm rộ kéo về tập trung tại quảng trường Lam Sơn trước Tòa Hạ viện. Từng xứ đạo, dưới sự điều khiển trực tiếp của các cha, các thầy, đội ngũ chỉnh tề, nhiều người mang theo cả vũ khí phòng thân như gậy gộc, chĩa ba, chai lọ, gạch đá. Những người biểu tình kéo đổ tượng Kennedy. Nội dung cuộc biểu tình là đòi ngừng ngay những vụ hành quyết như xử bắn Ngô Đình Cẩn ngày 9 tháng 5, chống những vụ trả thù Công giáo như ở Phước Tuy, Thanh Bồ, Đức Lợi, Phú Cam... Một khẩu hiệu được viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt trên nhiều tấm biểu ngữ, và được hô vang suốt từ đầu tới cuối cuộc biểu tình với sự phẫn nộ cao độ: "Cabot Lodge, cút về nước!", "Cabot Lodge, go home!".
Chi ít ngày sau, Công giáo ở những vùng có nhiều người di cư, hoặc những người thần phục gia đình họ Ngô, như ở Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Long Xuyên, Buôn Ma Thuột, Plây Cu, Công Tum, Đà Lạt... đua nhau biểu tình. Ở khắp nơi, khẩu hiệu "Cabot Lodge, cút về nước!" trở thành khẩu hiệu chính.
Sau cuộc biểu tình đầu tháng 6 ở Sài Gòn, giáo dân miền Nam đâu đâu cũng nhắc tới cha Hoàng. Nhiều xứ đạo ở các tỉnh cử người về Bình An, mời cha Hoàng tới thăm. Giáo dân đang giữa lúc nếu không lo bị tàn sát trả thù, thì cũng buồn vì Phật giáo trước đây vốn tĩnh lặng, nay trở thành một lực lượng có sức áp đảo, sự trọng nể của mọi người đối với tấm áo choàng của linh mục đã chuyển sang tấm áo cà sa của những thượng tọa, đại đức. Trong tình hình đó, cha Hoàng đã trở thành một thần tượng của giáo dân miền Nam.
Cha Hoàng bàn với các linh mục lập một tổ chức gọi là "Trung ương Công giáo tranh đấu để vãn hồi tình hình". Tổ chức này hình thành vào trung tuần tháng 6. Các cha cố suy tôn cha Hoàng làm chủ tịch. Khâm sứ tòa thánh và tòa tổng giám mục tỏ vẻ e ngại vì như vậy là các linh mục lại tham gia vào chuyện chính trị. Cha Hoàng bèn đổi tên tổ chức này là "Trung ương Công giáo đại đoàn kết". Tòa Khâm sứ và Tòa Tổng giám mục vẫn thấy phân vân.
Hai Long bàn với cha Hoàng:
- Theo khuyến cáo của Vatican thì Công giáo không nên tham gia vào chính trị, nhưng giáo dân nào cũng là công dân của một thể chế chính trị, không thể bó tay khi những quyền lợi công dân của mình bị vi phạm, chà đạp. Với tư cách tín đồ Thiên chúa giáo, giáo dân không tham gia vào chính trị, nhưng với tư cách công dân, thì không thể nào không đấu tranh chống lại đàn áp, bất công. Vậy nếu ta lấy tên tổ chức này là "Khối Công dân Công giáo đại đoàn kết", thì có thể được Tòa thánh chấp nhận.
Cha Hoàng rủ Hai Long cùng tới Tòa khâm sứ và Tòa tổng giám mục trình bày ý kiến này. Sau khi nghe và hỏi cặn kẽ, cả Khâm sứ và Tổng giám mục đều tán thành.
Hai Long lại bàn với cha Hoàng, nhân khi tổ chức mới thành lập, người cầm đầu cũng nên đi một số địa phương giới thiệu cương lĩnh hành động để thúc đẩy phong trào, cũng là đáp lại lời mời của một số giáo xứ đã đến với cha Hoàng từ lâu.
Cuối tháng 6 và đầu tháng 7, cha Hoàng cùng với Hai Long đi thăm nhiều xứ đạo ở hầu khắp miền Nam, từ Huế tới Long Xuyên, Châu Đốc.
Cha Hoàng tự nhận là mình nói năng thiếu chặt chẽ, nên cần có anh đi theo. Tới các nơi ông chỉ giữ vai chủ trì, và giới thiệu Hai Long trình bày về mục đích và cương lĩnh hành động của tổ chức. Hai Long nói năng mạch lạc, lưu loát, cuốn hút người nghe về giáo lý cũng như về phương pháp hoạt động đấu tranh, và không quên luôn luôn đề cao cha Hoàng là chủ tịch của tổ chức. Cha Hoàng giới thiệu ở khắp nơi, Hai Long là cố vấn của mình và của Trung ương Khối Công dân Công giáo đại đoàn kết, để mọi người liên hệ khi có công chuyện nếu vắng mặt ông. Riêng với các giám mục và linh mục hạt trưởng, ông nói thêm Hai Long là "thầy tu xuất", đã từng là phụ tá của Đức cha Lê từ những năm 1945, 1946 tới nay, là người sống thánh thiện, được thử thách, và sẵn sàng tử vì đạo, dưới chế độ Ngô Đình Diệm là phụ tá của cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu, hiện nay đang có vai vế đối với các tướng lãnh trong Hội đồng quân sự cách mạng, đã đấu tranh giải thoát cho nhiều người công giáo bị bắt bớ sau cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11, rất xứng đáng là một "lãnh tụ cửa giáo dân".
Hai Long đã qua thời kỳ ở ẩn. Anh nghĩ điều cần với mình bây giờ là phải củng cố bộ mặt tinh thần mới, làm cho nhiều người quen với hình ảnh anh là một con chiên tốt đạo đẹp đời, sẵn sàng tử vì đạo.
3.
Cuộc đấu tranh của giáo dân miền Nam bùng lên khắp nơi đã nhanh chóng tác động tới Nhà Trắng. Cuối tháng 7, có nhiều tin đồn Cabot Lodge sắp bị thay thế.
Trong tháng 8, hàng chục vạn đồng bào Sài Gòn biểu tình vây quanh dinh Gia Long, đòi Nguyễn Khánh phải từ chức. Hàng vạn đồng bào, sinh viên, học sinh Huế, Đà Nẵng biểu tình, bãi khóa, bãi chợ, phản đối Nguyễn Khánh ký hiến chương Vũng Tàu.
Cha Hoàng quyết định đánh một đòn bồi tiếp đối với Cabot Lodge. Ông trao đổi với cha Mai Ngọc Khuê, người đã cùng ông lãnh đạo có kết quả cuộc biểu tình hồi đầu tháng 6, huy động giáo dân xứ đạo Tân Sa Châu tiến hành một cuộc biểu tình mới chống Cabot Lodge.
Cha Khuê bân:
- Lần này không cần huy động nhiều người, nhưng sẽ làm mạnh hơn lần trước, đưa giáo dân xông thẳng vào Bộ Tổng tham mưu, vừa đuổi Cabot Lodge vừa bắt phải trả lại tự do ngay cho những giáo dân bị bắt oan sau đảo chính.
Cha Hoàng tán đồng, nhưng nói thêm:
- Nếu xông thẳng vào Bộ Tổng tham mưu thì phải có sách lược, không để cho chúng đàn áp. Ngoài khẩu hiệu "Cabot Lodge, cút về nước!", ta sẽ nêu khẩu hiệu "Ủng hộ Nguyễn Khánh", và "Đả đảo Dương Văn Minh", tố cáo Minh chủ trương trung lập, đòi chính Minh phải trả tự do cho giáo dân bị bắt. Ta ủng hộ Khánh thì quân đội không dám đàn áp. Ta chĩa mũi nhọn vào Minh vì Minh liên kết với Phật giáo.
Cha Khuê thấy ý kiến này là hay.
Ngày 26 tháng 8, khoảng 3.000 giáo dân do cha Khuê lãnh đạo, biểu tình mang theo cả gậy gộc, chĩa ba xông vào Bộ Tổng tham mưu. Họ giương cao những biểu ngữ và hô vang những khẩu hiệu như cha Hoàng và cha Khuê đã bàn.
Thời gian qua, chính quyền và quân đội không dám đàn áp những cuộc biểu tình của Công giáo. Nhưng lần này giáo dân có vũ trang lại xông thẳng vào trong doanh trại của một cơ quan đầu não quân đội. Binh lính hoảng hốt nổ súng. Kết quả sáu giáo dân thiệt mạng, hàng chục người khác bị thương.
Sự việc xảy ra hoàn toàn bất ngờ đối với cha Hoàng. Ông rất lo Khâm sứ sẽ khiển trách. Gần đây, vì tham gia nhiều vào những hoạt động chính trị, nên ông tránh tới Tòa khâm sứ và thường bảo Hai Long tới báo cáo tình hình. Lần này, ông lại bảo Hai Long tới thăm dò thái độ Tòa Khâm sứ.
Qua những lần tới báo cáo, Hai Long đã biết Khâm sứ một mặt e ngại những hoạt động chính trị vì đã có chỉ thị của Vatican, nhưng một mặt vẫn muốn giáo dân đấu tranh chống lại đàn áp. Hai Long tường thuật lại cuộc biểu tình ngày hôm trước ở Bộ Tổng tham mưu. Khi anh nói khẩu hiệu chính của giáo dân là "Cabot Lodge, go home!", Khâm sứ mỉm cười, hỏi:
- Lần này lại tiếp tục nêu khẩu hiệu đó, các con chiên có lo sợ Mỹ trả thù không?
- Trình Đức Khâm sứ, chính vì sợ bị trả thù nên giáo dân phải ra tay trước. Mỹ đã giết một tổng thống Công giáo, giết một lúc cả ba anh em giáo dân, không chỉ vì Mỹ tàn bạo mà chính là Mỹ khinh khi, hăm dọa Công giáo. Giáo dân biểu tình là để cảnh cáo Mỹ vì đạo Chúa. Những Phật tử có thể hy sinh thân mình vì đạo, thì tín đồ Công giáo ta đâu có ngán!
Khâm sứ ngẫm nghĩ rồi nói:
- Thầy nên lấy danh nghĩa một trí thức Công giáo, viết một bản tường trình về vấn đề này để chuyển lên Giáo hoàng.
- Trình Đức Khâm sứ, con dốt nát về chuyện giấy tờ, không biết thưa gửi ra sao cho phải phép, e có điều thất lễ, nên không dám viết.
- Vậy tôi sẽ làm tờ trình về Roma, thuật với Giáo hoàng những điều thầy vừa nói, cố nhắc tới tên thầy, thầy có thuận không?
- Tùy ý Đức Khâm sứ, với Tòa thánh, con nghĩ chẳng có điều chi phải e ngại.
- Thầy hết lòng vì đạo Chúa như vậy là rất tốt. Với tư cách công dân, thầy cố gắng giúp cho công chuyện đấu tranh, thầy có những điều kiện tốt hơn cha Hoàng, đừng để cha Hoàng dính vô nhiều.
Hai Long về thuật lại với cha Hoàng. Vẻ mặt cha Hoàng đang căng thẳng lo âu chuyển ngay thành tươi tỉnh.
- Từ bữa qua tới giờ, mình ăn không được, ngủ không được. Thầy thuộc tính đức Khâm sứ, biết trình bầy nên ngài không quở trách. Lần sau, xảy ra chuyện gì khó khăn lại phải nhờ thầy đi.
Nhưng ngày hôm sau, cha Hoàng vẫn bị Khâm sứ gọi lên.
Khâm sứ nghiêm khắc hỏi:
- Tòa Khâm được tin cha và cha Khuê tổ chức biểu tình, làm thiệt mạng và bị thương nhiều giáo dân?
Cha Hoàng dựa vào những điều Hai Long đã kể, báo cáo lại tình hình đồng thời nhận khuyết điểm mình không dặn dò kỹ cha Khuê nên để xảy ra chuyện đáng tiếc.
Khâm sứ nói:
- Chuyện này sẽ làm cho tình hình càng phức tạp. E rằng Mỹ và chính phủ quân nhân sẽ kiếm cớ gây thêm khó khăn cho giáo hội và các linh mục.
- Trình Đức Khâm sứ, về phía ông Khánh chắc không có chuyện chi. Ông đã gửi giấy cho tôi nhận lỗi và mời tới gặp để thu xếp cho êm mọi chuyện.
- Nhưng đã có khuyến cáo của Vatican là các cha không dính vô những chuyện này! Cần làm thì để cho giáo dân làm tốt hơn, những người như thầy Hai Nhã.
- Dạ.
- Có phải thầy Hai Nhã thường xuyên tiếp xúc với mấy ông tướng?
- Dạ, các tướng hay đến gặp tôi và thầy Hai ở nhà thờ Bình An.
- Nên để cho thầy Hai tiếp họ, giáo hội khỏi bị kẹt.
Cha Hoàng vốn rất phục tùng tòa Khâm sứ. Ông bắt đầu giới thiệu với mọi người, Hai Long thay mặt mình làm việc với họ theo khuyến cáo của khâm sứ. Như vậy, ông vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh mà không còn phải e ngại những búa rìu của bề trên mỗi khi có sai sót.
4.
Hai Long cảm thấy mình như vừa lạc vào một thế giới khác lạ. Sau nửa giờ ngồi trên máy bay, Sài Gòn oi bức, nhộn nhạo, không khí ngột ngạt mùi khói xăng, cùng với trăm ngàn mưu toan vật lộn gay gắt, xấu xa của cuộc sống như đã chìm sâu trong cõi hồng trần. Đà Lạt hiện lên giữa cao nguyên núi rừng trùng điệp, với không khí tươi mát, tĩnh lặng, sực nức mùi hương của những đồi thông, của những đóa hoa muôn màu làm anh ngây ngất. Con đường nhựa chạy quanh co giữa những đồi thông, những biệt thự xinh xắn ẩn hiện, náu mình dưới lùm cây tươi xanh, những khu vườn đầy hoa.
Chiếc xe ngựa, tiếng vó khua lóc cóc, chạy xuyên qua những đám mây mát rượi, đưa cha Hoàng và anh về thị trấn. Xe dừng lại bên một cái hồ.
Nhìn thấy những cặp trai gái, những cặp vợ chồng dắt theo con nhỏ đi dạo quanh hồ. Hai Long chạnh lòng nhớ tới vợ con. Vợ con anh đã phải chịu đựng bao nhiêu hy sinh nhưng chưa bao giờ được hưởng những giây phút thảnh thơi. Ước gì có một ngày nào đó, anh được cùng gia đình lên đây, anh cũng sẽ đưa vợ và các con đi dạo như thế kia... Với công tác của anh, không thể nói chắc ngày mai ra sau, mọi trò giả tạo này đều chỉ là tạm thời, sự yên ổn chỉ tính từng giờ.
Cha Hoàng nói:
- Không biết cái biệt thự số 2 nó ở đâu? Thầy đã tới Đà Lạt bao giờ chưa?
- Thưa, con tới đây lần đầu.
Cha Hoàng trỏ cái hồ:
- Hồ Xuân Hương... Sáng nay nghỉ ngơi ở đây cho thầy ngoạn cảnh thị xã, chiều vào trong đó, hay sáng mai vào cũng được.
Hai Long theo cha Hoàng thủng thỉnh đi dạo trên đường phố ngắm những quầy hàng mỹ nghệ với những ngôi nhà sàn, những chiếc thuyền buồm, chân dung những cô gái được tạo ra bằng gỗ thông, những cửa hàng bày toàn quần áo len, dạ dùng cho mùa lạnh. Thấy Hai Long mải mê nhìn các quầy hàng, cha Hoàng nói:
- Mấy thứ này ở Sài Gòn thiếu chi!
- Thưa cha, ở Sài Gòn, con chưa bao giờ đi dạo phố xem hàng. Từ những mẩu gỗ thông mà người ta có thể tạo ra những đồ kỷ niệm đẹp nhường kia. Bây giờ mới nhớ ra con người có lúc cần tới những đồ len dạ, thấy nhớ miền Bắc cha ạ...
Cha Hoàng dường như thiếu tự nhiên vì chiếc áo choàng thầy tu đã làm cho nhiều người chú ý. Kể ra một người đã xa lánh cuộc đời trần thế, không nên có những giờ dạo chơi ngắm nhìn phố xá.
Hai Long có cảm giác lâng lâng bay bổng. Không khí trong lành của vùng núi cao bỗng chốc làm cho anh khỏe hẳn ra, cơ thể như trẻ lại, tràn trề sức sống. Anh thấy yêu mọi cảnh vật, mọi con người ở đây. Họ đều như không có liên quan tới cuộc sống đấu tranh gay gắt ở Sài Gòn.
- Lạy cha ạ.
Một thiếu phụ nhỏ nhắn, trẻ đẹp, tay xách chiếc làn nhựa đứng trước mặt cha Hoàng. Cha ngơ ngác nhìn người đàn bà rồi đáp:
- Chào bà.
- Lâu lắm mới được gặp cha. Cha không nhận ra con. Con là vợ anh Trần Kim Tuyến đây mà.
- Ô, vậy ra là con. Cha lại nghĩ là bà bộ trưởng nào!
- Cha tới Đà Lạt lâu chưa ạ?
- Vừa xuống máy bay được một lát, đang dẫn ông phụ tá đi vãng cảnh thành phố.
Ông né mình sang bên giới thiệu Hai Long với vợ Trần Kim Tuyến:
- Đây là giáo sư Hoàng Đức Nhã!
Người thiếu phụ nghiêng đầu chào anh, rồi nói:
- Con đã biết tiếng giáo sư Nhã. Ông Hoàng Long, phụ tá của Đức cha Lê và ông cố vấn Ngô Đình Nhu.
Cha Hoàng vui vẻ:
- Thế thì quen biết cả rồi. Tại sao lâu lắm Tuyến không tới chỗ cha? Tuyến có ở đây không?
- Mai mốt nhà con mới lên. Nhà con ở Hồng Công về được ít lâu nay, cũng buồn nên chẳng đi đâu. Nếu cha còn ở đây vài ngày, chúng con sẽ tới thăm cha. Cha ở đâu ạ?
- Ông Khánh mời cha và thầy phụ tá lên làm việc. Định ngày mai mới vào trong biệt thự, hôm nay chưa biết sẽ ở đâu.
- Hay mời cha và giáo sư tới chỗ con. Con đang ở tại khách sạn Palace. Ở đó còn trống một số phòng, phong cảnh lại rất đẹp.
Thấy cha Hoàng còn lưỡng lự, người thiếu phụ nài nỉ:
- Cha và giáo sư về chỗ con đi. Con sẽ đặt thuê phòng. Con cũng cần thưa với cha một vài chuyện và việc của nhà con.
Hai Long không muốn ở gần vợ chồng Tuyến, nhưng cha Hoàng đã nhận lời. Sau khi thất sủng với Nhu, Tuyến bị đẩy ra nước ngoài. Diệm, Nhu đổ ít lâu, Tuyến trở lại Sài Gòn. Chắc hẳn vợ Tuyến đã nhanh chóng đánh hơi được mối quan hệ giữa cha Hoàng với chính quyền mới nên định nhờ vả chi cho chồng. Với nghề nghiệp của Tuyến, sớm muộn rồi Tuyến cũng sẽ đi với CIA. Nhưng cũng không sao. Chắc Tuyến chưa biết gì nhiều về anh như bọn Hiếu và Tá Đen. Hiện giờ Tuyến chỉ là một kẻ thất thế.
Cha Hoàng và Hai Long vào xem chợ cùng với vợ Tuyến, chờ chị ta mua ít trái cây, rồi về khách sạn Palace.
Phòng của Hai Long nằm trên lầu một, có cửa sổ mở ra mặt hồ. Trời không có nắng. Nước hồ trở thành màu chì sáng xao động, bồng bềnh mấy con thuyền mang hình chim thiên nga của khách du lịch. Tiếng gió thổi lao xao trên những lùm cây bên ngoài vọng vào. Cảnh vật ở đây như một thứ thuốc an thần ru ngủ con người.
Vợ Tuyến đã để trên bàn một chùm nho chín mọng. Những giờ còn lại của buổi sáng, chị ngồi tâm sự suốt ở phòng cha Hoàng. Hai Long tránh mặt. Vợ chồng Tuyến đã quen biết cha Lê và cha Hoàng từ những năm 1945, 1946. Trong thời kỳ Diệm cầm quyền, Tuyến là một cánh tay rất đắc lực của Nhu, chuyên lo vấn đề an ninh. Phát Diệm trở thành một đối tượng của chế độ Diệm, nên Tuyến cũng cắt liên lạc với các cha. Khi đôi bên nối lại liên lạc thì Tuyến bắt đầu thất sủng, phải ra nước ngoài. Câu chuyện của vợ Tuyến chắc chẳng có gì khác hơn là kể lể những công lao và than thở về sự thiệt thòi của chồng mình đối với chính quyền cũ cũng như chính quyền mới.
Có tiếng gõ cửa. Đã đến giờ ngủ trưa. Hai Long đoán là cha Hoàng ở phòng bên có điều gì cần hỏi.
Anh ngỡ ngàng khi nhận ra người thiếu phụ đứng trước cửa.
Chị hình như chưa thật tin có phải là anh không, buông lên một tiếng kêu rụt rè:
- Cậu giáo!
- Tú Uyên!
- Trời ơi! Đúng là anh thật ư?
- Anh cũng không ngờ lại còn được gặp em.
Chị lấy khăn tay, chấm vội những giọt nước mắt ứa ra vì mừng rỡ. Chị nhoẻn miệng cười, nói ríu rít như ngày xưa:
- Em nhận ra anh khi ngồi ở phòng ăn. Em hỏi bà cùng ngồi với anh, bả biểu đó là giáo sư Hoàng Đức Nhã. Thái độ của bả làm em khó chịu, nên em không hỏi thêm.
- Chị ấy là người quen của cha Hoàng, anh chỉ vừa gặp sáng nay.
Tú Uyên hơi bĩu môi, như muốn nói: "Tưởng chi, hóa ra..."
- Mời em vào nhà đã chứ.
Chị vén tà áo dài, ngồi xuống chiếc ghế mây, nhìn chùm nho lớn đặt trên bàn, rồi hỏi:
- Anh lên đây có một mình?
- Anh cùng đi làm việc với cha Hoàng. Cha ở phòng bên. Còn em?
- Em lên nghỉ cùng hai cháu.
Chị nhìn anh với cặp mắt buồn rầu. Cái vui giả tạo vừa rồi của chị đã biến mất. Cả hai người đều bối rối. Đã 18 năm qua. Bao nhiêu nước chảy dưới cầu. Họ không biết bắt đầu câu chuyện từ đâu. Bao nhiêu kỷ niệm dồn dập hiện lên trong đám sương mù của quá khứ.
5.
Cha Hoàng đổi ý kiến, ngay buổi chiều hôm đó, đã bảo Hai Long cùng mình đi gặp Khánh. Buổi nói chuyện với vợ Trần Kim Tuyến đã cho cha biết các tướng Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim hiện đang bị quản chế ở đây. Cha không muốn ở lâu tại Đà Lạt, nếu Đôn, Kim tới, sẽ khó nói khi chuyện trò. Cha đã từng ủng hộ họ, giờ lại quay sang ủng hộ Khánh. Đôn và Kim không phải là con chiên. Nhưng nếu so với Khánh, họ còn có tư cách hơn.
Sự việc xảy ra ở Bộ Tổng tham mưu hôm 26 tháng 7 đã làm cho Khánh lúng túng. Khánh có liên quan cả về hai mặt với tư cách vừa là chủ tịch Hội đồng quân sự cách mạng, vừa là thủ tướng. Khánh mời cả cha Hoàng và Hai Long tới Đà Lạt để thương nghị. Khánh đã biết cha Hoàng là người cực đoan lại khó tính, còn mưu sĩ của cha thì trầm tĩnh và ôn hòa. Việc một số giáo dân di cư bị sát hại nếu không thu xếp cho êm sẽ bùng lên thành một phong trào chống Khánh. Khánh tuy đã ôm hầu hết mọi quyền lực trong tay, nhưng ngày càng cảm thấy mình ngồi trên lửa vì tình hình quân sự xấu đi rất nhanh, và những người bất bình với Khánh không ngừng tăng lên.
Cha Hoàng và Hai Long đi xe ngựa tới dinh 2. Đại tá Albert Nguyễn Cao ra đón hai người vào gặp Khánh.
Khánh đứng ở chân thềm, vồn vã:
- Trời, sao cha Tổng và ông giáo không "phôn"[1] vô để ông Cao ra đón mà lại đi xe ngựa?
Cha Hoàng mát mẻ:
- Thủ tướng còn bận nhiều việc, tránh được phiền phức chừng nào hay chừng ấy.
- Cha lo cho những việc tày đình, đưa cái xe ra đón cha có chi mà phiền phức!
Khánh tươi cười mời khách dùng ly rượu cho ấm người, cố tạo bầu không khí thông cảm, rồi vào vấn đề một cách Khiêm tốn:
- Từ ngày nhận nhiệm vụ, tôi đã chỉ thị cho cảnh sát, an ninh và quân đội là không được đụng tới quyền dân chủ của đồng bào, đặc biệt là giáo dân. Cha Tổng và ông giáo coi suốt thời gian qua, đâu có xảy ra điều chi đáng tiếc? Tai họa vừa rồi là do một số binh sĩ thiếu kỷ luật, hoảng hốt trước sự quá nhiệt tình và phẫn nộ của giáo dân. Chúng tôi sẽ nghiêm khắc trừng trị những quân nhân phạm tội. Bữa nay, xin mời cha Tổng và ông giáo tới để có lời xin lỗi, mong cha Tổng và ông giáo thu xếp cho công chuyện được êm thấm.
Cha Hoàng to tiếng ngay:
- Các ông tướng ngu quá là ngu! Dân người ta biểu tình chống Dương Văn Minh là để răn đe Phật giáo ăn hiếp mấy ông tướng trẻ. Người ta đuổi Cabot Lodge là để làm cho Mỹ phải nể mấy ông tướng Việt Nam. Người ta biểu tỉnh ủng hộ mình, thế mà lại cho lính xả súng bắn vào người ta?
Dưới mắt cha Hoàng, Khánh vẫn là một kẻ võ biền, trẻ tuổi, hãnh tiến, tới gặp mình để mưu cầu địa vị như trước đây. Cha quên Khánh đã trở thành người đứng đầu có thực quyền của chế độ, nên vơ đũa cả nắm, mạt sát các tướng trẻ ngay giữa tư dinh của Khánh. Hai Long nhận thấy Khánh sầm mặt, hai tai đỏ dừ. Anh xoa dịu:
- Cha Tổng rất trung thực, nghĩ sao nói vậy, có tin thủ tướng, có hết lòng ủng hộ thủ tướng, thì mới nói như vừa rồi. Cũng như hồi xưa cha Tong rất mến phục trung tướng Nguyễn Văn Xuân, khi làm việc với thủ tướng Xuân, cha cũng thường thẳng thắn như vậy. Giờ chuyện không may đã xảy ra, trên đường lên đây, cha Tổng đã bàn với tôi sẽ cùng thủ tướng thu xếp cho ổn thỏa, không để cái sảy nảy cái ung, không để cho người ngoài xen vô, gây nên chuyện lớn phương hại cho chế độ như Phật giáo trước đây.
Hai Long đã nhắc tới Xuân vì vào thời đó, Khánh còn là sĩ quan tùy viên của Xuân để lưu ý Khánh tới tuổi tác, vai vế đã có từ lâu của cha Hoàng. Khánh cố nén tự ái cười gượng:
- Người trong nhà đóng cửa bảo nhau, cha Tổng đã thương, nên giải quyết cách chi xin cha Tổng cứ dạy cho.
Cha Hoàng vẫn không dịu giọng:
- Giết người là phải thường mạng! Muốn giải quyết êm chuyện này, quân đội phải đứng ra công khai xin lỗi giáo dân, phải trừng trị thật nặng cả binh lính và chỉ huy phạm vào tội giết người, và phải bồi thường cho mỗi gia đình có người bị thiệt hại 5 triệu đồng... Giáo dân miền Nam nhất định sẽ không lùi bước đâu! Cabot Lodge, go home! Lodge phải cút khỏi Nam Việt nam. Nếu Mỹ cứ đưa sang đây những người chống Thiên chúa giáo thì 2 triệu tín đồ sẽ không để cho Mỹ yên...
Khánh hiểu rằng rất khó thương nghị với cha Hoàng. Khánh đành phải nhận tất cả những điều kiện cha đặt ra, chỉ xin châm chước trong cách giải quyết cụ thể. Hai Long cảm thấy đã có một sự nứt rạn khó hàn gắn giữa Khánh và cha Hoàng. Anh lo vì vậy mà Khánh sẽ ngả sang Phật giáo.
Khánh mời cha Hoàng và Hai Long nghỉ lại dinh 2. Cha Hoàng từ chối.
Trước khi ra về, Hai Long phải tìm cách đứng riêng với Khánh.
- Cha Tổng đã có tuổi đang lúc nóng, sau đây tôi sẽ tìm cách thưa lại. Chẳng qua là cha bực ông Minh và ông Lodge, còn với cá nhân thủ tướng thì cha vẫn ưu ái, quý trọng. Ông thủ tướng cứ bình tâm lo việc khác, chuyện này trong vài ngày nữa, tôi sẽ thu xếp ổn thỏa. Lần sau, nếu lại có những việc tương tự, ông thủ tướng cứ cho người tới bàn bạc trước với tôi thì sẽ tránh được va chạm.
Nguyễn Khánh siết tay anh:
- Nhờ ông giáo chu toàn giúp cho. Anh em mình đã rất hiểu nhau, tôi quả là đang có nhiều chuyện phải lo... Cabot Lodge cũng sắp đi khỏi đây thôi.
- Như vậy rất hợp ý cha Hoàng. Nhưng ai sẽ thay?
- Có thể là Maxwell Taylor.
- Ông ta là tham mưu trưởng liên quân Mỹ, một nhà quân sự thuần túy!
- Nước mình đang có chiến tranh mà! Làm việc với một đại sứ là tướng quân sự có khi lại dễ chịu hơn.
6.
Hai Long có một buổi chiều, sau bữa cơm, cùng với Tú Uyên và hai đứa con nhỏ của chị đi dạo quanh hồ. Anh giữ ý, trước khi đi, đưa Tú Uyên và hai con của chị vào chào cha Hoàng.
- Trình cha, đây là một cô học trò nhỏ của con, hồi con còn học trung học ở Hà Nội.
- Cô học trò nhỏ... đã có hai con. - Cha Hoàng mỉm cười nói với Tú Uyên.
- Thưa cha, đó là chuyện cách đây gần hai chục năm. Anh Nhạ kèm con học thi C.E.P.S.I.[2] ạ. "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", con vẫn phải nhớ ơn thầy.
- Gia đình chị ở đâu?
- Chúng con ở Sài Gòn. Chồng con là luật sư Trịnh Ngọc Tường.
- Ủa, chị làm dâu Thanh Bồ.
- Thế cha biết nhà con ạ.
- Ông Tường ở trong Khối công dân Công giáo với tôi.
Cha Hoàng không nghi ngờ gì về sự quan hệ giữa hai người, vì từ khi đi lại ở Bình An, Hai Long vẫn tỏ ra là một con người thánh thiện.
Sương mù buổi chiều đã phủ kín những núi rừng ngút ngàn bao quanh thị trấn. Những ngôi nhà, những cây liễu rủ quanh hồ như đang tỏa ra quanh mình một làn khói lạnh. Tú Uyên trùm một chiếc khăn voan hồng và mặc chiếc măng-tô màu trắng có đai, trông gọn gàng như một cô gái. Chị và Hai Long mỗi người dắt tay một đứa trẻ. Vừa sáng nay, anh mới nghĩ tới có một ngày nào anh được cùng với vợ con đi dạo quanh hồ như thế này! Kể ra nếu không có chiến tranh, người đàn bà này có thể là vợ anh và những đứa nhỏ này có thể là con anh...
Trước Cách mạng tháng Tám, Hai Long học những năm cuối cùng để chuẩn bị thi Tú tài. Anh trọ tại gia đình một người quen ở cuối phố Duvignaud, Hà Nội. Sáng sáng, anh đạp xe tới trường học trên con đường phố vắng vẻ với khá nhiều biệt thự hai hoặc ba tầng, xinh xắn, của những nhà tư sản nhỏ, những viên chức. Hình ảnh cậu học trò nghèo, ngoan ngoãn, đứng đắn dần dần quen thuộc với bà con trong phố. Một hôm, ông chủ nhà nói với anh, có mặt gia đình muốn nhờ anh dạy buổi tối cho cô con gái đang chuẩn bị thi vào trung học, với lương tháng 5 đồng. Anh nhận lời ngay, vì số tiền này vừa đủ cho anh trả tiền trọ học. Cô gái đó là Tú Uyên. Bố Tú Uyên là viên chức cao cấp ở Tòa Thống sứ Bắc Kỳ. Anh tới kèm cô gái học vài tháng thì được ông phán mời về nhà. Nơi ở của cậu giáo là một căn buồng trên gác hai yên tĩnh. Hai bữa, anh được mời xuống cùng ăn cơm với gia đình. Tiền dạy học hàng tháng vẫn như cũ. Sau 2 năm, Tú Uyên thi đỗ, vào học trường Đồng Khánh. Anh chuyển sang dạy cho em Tú Uyên, một cậu bé rất ham chơi. Đảo chính Nhật, ông phán làm việc tiếp cho chính quyền Bảo Đại. Cách mạng tháng Tám, ông lại trở thành nhân viên của chính quyền ta. Một mối tình đã nảy nở giữa cậu giáo và cô nữ sinh trường Đồng Khánh. Rồi kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Gia đình Tú Uyên lúc đầu không chịu tản cư. Hai Long ở lại Hà Nội chiến đấu trong hàng ngũ tự vệ. Khi quân Pháp từ trong thành đánh rộng ra Ô Cầu Dền, ông phán mới hoảng hốt nhờ anh đưa ra ngoài. Một đêm, với tấm chứng minh thư tự vệ thành, Hai Long đưa cả gia đình đi trên những đường phố tối tăm, rền vang tiếng súng, qua nhiều trạm gác của ta, tới làng Cự Đà, nơi bà phán có người quen. Hai Long quay lại nội thành tiếp tục chiến đấu.
Chừng nửa tháng sau, tự vệ Liên khu II Hà Nội rút ra ngoại thành. Đêm đêm, họ đi vào nội thành, mở những trận tập kích quấy rối. Ban ngày, mỗi khi có dịp, Hai Long lại phóng về Cự Đà gặp gia đình Tú Uyên, kể chuyện chiến đấu ở Hà Nội. Anh nói kháng chiến còn lâu dài, sớm muộn rồi quân Pháp sẽ đánh ra những vùng chung quanh Hà Nội, và khuyên vợ chồng ông phán nên đi xa hơn, tới những nơi an toàn. Ông phán nghe theo lời anh, quyết định chuyển gia đình về quê ngoại ở Hưng Yên. Buổi sáng trước khi gia đình gồng gánh về Khoái Châu, anh và Tú Uyên đứng bịn rịn với nhau ở một gốc đa bên dòng sông nhỏ. Bà phán từ trong nhà đi ra tìm con gái. Tú Uyên nước mắt vòng quanh. Bà nhìn Hai Long một hồi rồi cầm lấy tay anh và tay con gái, nói với giọng xúc động: "Ba mợ từ lâu đã coi con như người trong nhà, bữa nay mợ có lời, mai mốt yên hàn, hai con sẽ nên vợ nên chồng".
Họ bắt đầu xa nhau. Không phải Hai Long đã để quên đi mối tình đầu êm đềm và thơ mộng. Vì nghĩ tới Tú Uyên, nên sau một thời gian ở mặt trận Hà Nội, khi một số đơn vị chuyển lên Việt Bắc, anh đã xin trở về Thái Bình để tiếp tục chiến đấu ở quê hương. Anh muốn gặp lại Tú Uyên, và có ý định xin phép gia đình cho cô được thoát ly cùng mình đi chiến đấu. Mùa đông năm đó, anh tìm đến quê ngoại Tú Uyên ở Khoái Châu, thì gia đình vừa hồi cư về Hà Nội được vài ngày. Anh bâng khuâng với ý nghĩ, tuổi họ còn trẻ, nhưng họ đã ở hai bên bờ một con sông ngăn cách không thể nào vượt qua. Năm năm sau, nhận công tác mới, anh trở lại nội thành Hà Nội. Đã có thêm một thời gian dài được rèn luyện, thử thách trong chiến đấu, suy nghĩ và tình cảm của anh đối với gia đình Tú Uyên không còn được như xưa. Nhưng anh vẫn mong gặp lại người con gái đã dành cho mình một tình yêu không vụ lợi, đã giành được một vị trí trong trái tim mình những năm trước đây. Biết đâu gia đình Tú Uyên lại không trở thành một cơ sở của ta trong nội thành tạm chiếm, biết đâu Tú Uyên lại không trở thành một người cùng cộng tác với anh trong công tác mới... Nhưng anh nhanh chóng nhận ra đó chỉ là những ý nghĩ hão huyền. Trong những năm tạm chiếm, bố Tú Uyên lại tiếp tục là một nhân viên cao cấp trong ngụy quyền, Tú Uyên chưa đi lấy chồng, nhưng cả gia đình đã chuyển về Đà Nẵng, quê nội của Tú Uyên, sau khi ông bố bị gạt ra khỏi chính quyền... Không thể còn có một đường dây nhỏ nào dính líu giữa họ.
Vậy mà bỗng nhiên họ gặp lại nhau trên thị trấn cao nguyên tuyệt đẹp này, miền đất dành cho tình yêu, cho những cặp vợ chồng trong tuần trăng mật, và bây giờ họ đang đi sát bên nhau trong một buổi chiều đầy sương mù, cảnh vật như thực như hư.
Họ chăm chú nghe nhau kể lại những mẩu chuyện đứt quãng trong cuộc đời riêng của mỗi người trong 18 năm qua. Đôi lúc họ ngập ngừng, vì ý nghĩ: Có nên nói nữa không, lúc này còn nói để làm gì? Họ không gạn hỏi nhau, khi thấy một người không muốn nói tiếp, vì đều cảm thấy mình không có quyền làm chuyện đó. Họ e những câu hỏi vụng về sẽ làm tổng thương nhau. Hai Long biết bố mẹ Tú Uyên đã già, sống với số tiền lương hưu trí những năm làm việc cho Pháp ở Đà Nẵng. Theo bố mẹ vào Nam được mấy năm, chị lấy chồng, người cùng quê. Anh là luật sư. Đứa em trai của chị theo bộ đội từ những năm đó, nghe đâu hiện đang làm trung đoàn trưởng một đơn vị xe tăng ở miền Bắc. Cũng chính vì vậy mà gần đây, chồng chị mới chuyển về Sài Gòn, cho xa cái tiếng có người trong gia đình làm việc với Cộng sản. Trong cuộc sống riêng, chị được chồng hết sức chiều chuộng, nhưng không cảm thấy hạnh phúc vì tư tưởng, tình cảm của hai người nhiều lúc rất khác nhau.
Chị bỗng nói:
- Lâu rồi, em Thành có viết thư về nhà, nói rằng chưa lần nào gặp anh. Em nghĩ dại dột là anh đã... không còn nữa. Em tin chắc rằng không bao giờ gặp anh, vì nếu anh còn sống thì cũng ở phía bên kia...
- Cuộc thế xoay vần. Nhiều lúc anh cũng tự hỏi: Tại sao mình lại ở đây?
- Ở Sai Gòn, anh ở đường nào?
- Anh thường ở nhà thờ Bình An cùng với cha Hoàng. Xứ đạo này ở mãi ngoại thành Sài Gòn.
- Anh sẽ tới chơi với vợ chồng em chứ?
- Chúng mình sẽ cố giữ gìn ở nhau những tình cảm tốt đẹp nhất. Anh không mong gì hơn... ờ, thằng nhỏ buồn ngủ rồi.
Đứa bé mắt díp lại đi loạng choạng. Hai Long định cúi xuống thì chị đã nhanh hơn bồng lấy con.
- Đưa cháu cho anh. Thôi ta quay về. Về tới khách sạn còn xa.
Tú Uyên chuyển đứa nhỏ cho anh. Anh bỗng cảm thấy bàn tay ấm nóng của chị nắm lấy cổ tay mình.
Họ thủng thỉnh trở về khách sạn.
Một màn sương mù dồn tới xóa mờ mọi cảnh vật. Anh không còn nhìn rõ Tú Uyên. Nhưng một lần nữa, anh lại thấy một bàn tay nắm lấy cánh tay mình bóp chặt.
- Anh nhớ địa chỉ của chúng em chưa? Anh vẫn chưa trả lời. Anh sẽ tới thăm vợ chồng em chứ?
- Em thấy lúc nào anh cũng đi với các cha. Suốt nhiều năm nay, anh sống cuộc đời khổ hạnh của một thầy tu. Anh sẽ nhớ mãi cuộc gặp lại em hôm nay, một chiều sương mù ở Đà Lạt. Chúng mình lại có thêm một kỷ niệm đẹp...
Anh vẫn cố tránh không trả lời câu hỏi của chị.
7.
Sáng hôm sau, Tú Uyên ra sân bay tiễn Hai Long và cha Hoàng trở về Sài Gòn.
Trước mặt cha Hoàng, chị cố giữ vẻ tự nhiên của một người học trò cũ gặp lại thầy sau nhiều năm xa cách. Nhưng Hai Long vẫn đọc được trong mắt chị những thoáng buồn và đôi lúc như hờn giận.
Anh cũng phải chế ngự những tình cảm của mình. Anh đã nhiều lần thản nhiên khi đi ngang những trái cấm trong vườn cây của Chúa. Nhưng lần này anh không thể dửng dưng. Nó làm anh xao xuyến. Vì nó đánh thức một thời dĩ vãng khi anh còn trẻ, lần đầu đến với tình yêu. Người anh lâng lâng trong một trạng thái kỳ lạ.
Chiếc máy bay gầm lên rồi lao nhanh trên đường băng và rời khỏi sân bay.
Đà Lạt đã khuất sau màn mây trắng đặc quánh. Anh thấy như mình vừa ném xuống biển sương mù của cao nguyên một vật kỷ niệm quý báu để cố tình cắt đứt một mối dây liên hệ với quá khứ.
Độ cao của máy bay đã ổn định. Nhiều người bắt đầu hút thuốc lá. Lòng anh trở lại bình thản. Mình chưa hoàn toàn "miễn dịch" như đã tưởng. Cũng may, mình vẫn chưa đụng tới trái cấm. Còn đọng lại trong anh là một cái gì dịu dàng. Năm tháng không xóa nổi những tình cảm của chị đối với anh. Hình ảnh nào của anh đã in đậm dấu ấn trong tâm trí chị? Cậu giáo nghèo sáng sáng đạp xe đi ngang cửa, hay anh tự vệ với trái lựu đạn giắt ở thắt lưng, dưới bầu trời đêm đỏ hồng vì đạn lửa, dẫn gia đình chị ra khỏi vòng vây của quân Pháp ở Hà Nội? Câu nói của chị lại vang lên bên tai anh: "Em tin rằng không bao giờ gặp lại anh, vì nếu anh còn sống thì cũng ở phía bên kia...". Điều đó động viên anh. Nếu một ngày nào đó, chị biết anh là ai, chắc là chị sẽ giữ mãi cho mình cái hình ảnh mà anh mong muốn... Cũng chỉ từng đó thôi. Mình như người vượn biển đầy sóng dữ trên con thuyền nhỏ. Không thể nấn ná lâu trên hòn đảo yên tĩnh tình cờ gặp trên dọc đường... ---
[1] phone: gọi điện thoại
[2] Cochinchine Enseignement primaire supérieur franco-indigène: Cao đẳng tiểu học Đông Dương, còn gọi là bằng Thành chung.
Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net
Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.