Ông Cố Vấn

Chương 28: Thiệu ⬓ Kỳ

Hữu Mai

28/10/2016

1.

Quân Mỹ và quân chư hầu như những cơn bão, hết đợt này qua đợt khác từ biển Đông đi vào các thành phố Nam Việt Nam, kéo theo những cơn lốc quay cuồng.

Sài Gòn, một thành phố xây dựng thời Pháp thuộc, với những ngôi nhà kiến trúc kiểu Pháp, núp dưới lùm cây xanh chống nóng nhiệt đới, những đường phố vắng vẻ, những đại lộ yên tĩnh, giờ đây thay đổi hẳn. Xe vận tải nhà binh với những tên lĩnh Mỹ mặt cháy nắng. Khách sạn, hộp đêm, tiệm nhảy, phòng trà, nhà tắm hơi có con gái xoa bóp xuất hiện nhan nhản. Đường Tự Do, đường Nguyễn Huệ, những phố chung quanh chợ Bến Thành đầy ngập binh lính Mỹ. Bám vào đội quân viễn chinh như những ký sinh trùng là những tên cò mồi, chạy áp phe, và đông nhất là đám "bụi đời". Cùng với những cô gái ăn chơi, nhiều thiếu nữ con cái những sĩ quan, công chức ngụy bắt đầu bỏ tà áo dài thướt tha, duyên dáng, thay bằng những chiếc áo ngắn tay, chiếc váy ngắn cũn cỡn. Đồ quân dụng và thực phẩm của binh lính Mỹ đầy ngập các chợ và tràn ra cả trên lề đường. Đồng bào ta ở nông thôn bị bom đạn Mỹ xô đuổi, đổ vào thành phố, sống trên vỉa hè, bổ sung cho đội quân khất thực trước đó đã khá đông đảo. Cùng với tiếng gầm rú của xe hơi, xe máy, tiếng nhạc giật gân, là tiếng máy bay phản lực rít trên bầu trời và những loạt bom và đại bác ngày đêm từ xung quanh Sài Gòn dội về nhiều lúc làm rung cả những ô kính các ngôi nhà cao tầng trong thành phố.

Hai Long thấy rõ dân tộc đang đứng trước một thử thách mới gay gắt, và nhiệm vụ của mình trở nên rất nặng nề.

Trung tuần tháng 6-1967, chính quyền Sài Gòn công bố luật bầu cử tổng thống và thượng nghị viện.

Sài Gòn lại ồn ào thêm vì những hoạt động tuyên truyền vận động. Các tổ chức chính trị phe phái đều đưa người ra tranh cử. Ứng cử vào chức vụ tổng thống và phó tổng thống có 11 liên danh. Trong số này nổi lên những liên danh của Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương và Trương Đình Dzu. Mười một liên danh này đều cử người tới nhà thờ Bình An tranh thủ sự ủng hộ của khối Công giáo.

Cha Hoàng bàn với Hai Long chia nhau tiếp và làm việc với những liên danh chính. Hai Long nhận tiếp hai liên danh: Nguyễn Văn Thiệu và Trần Văn Hương. Anh cũng khéo léo giới thiệu Nguyễn Gia Hiến, Chủ tịch lực lượng Công giáo di cư, làm việc với Nguyễn Cao Kỳ, và Nhị Hà (Thắng) làm việc với Phan Khắc Sửu để giữ quan hệ tốt với 2 liên danh này.

Cuộc tổng tuyển cử tạo nên sự rạn nứt trong quan hệ vốn đã lỏng lẻo giữa Thiệu và Kỳ. Kỳ nổi lên như một nhân vật có nhiều triển vọng. Có dư luận Johnson đã coi Kỳ là người đối thoại chính trong cuộc gặp gỡ tại Honolulu. Cùng đi với Kỳ có cả Thiệu và Nguyễn Hữu Có, bộ trưởng Quốc phòng. Nhưng họ chỉ là hai người ngồi bên Kỳ trong suốt cuộc đối thoại. Tính chịu chơi và ngang tàng của Kỳ tranh thủ được nhiều cảm tình của những tướng trẻ, so với Thiệu, bị coi là thâm trầm và thủ đoạn. Một số tướng trẻ đã xúi Kỳ ứng cử. Kỳ cũng tin mình sẽ đắc cử, nên liên danh cùng Nguyễn Văn Lộc ra tranh ghế tổng thống và phó tổng thống. Thiệu vội vã tổ chức liên danh với Trịnh Quốc Khánh. Trong cuộc họp hội đồng quân lực, những tướng trẻ cùng phe với Kỳ, mấy lần khuyên Thiệu nên rút khỏi quân đội, tránh trường hợp có hai quân nhân cùng tranh cử. Thiệu biết nếu ra ngoài quân đội thì càng ít hy vọng trúng cử, một mực trả lời, không ai buộc được mình phải rời quân đội. Mối quan hệ giữa hai viên tướng trở nên rất căng thẳng.

Nhân dịp này, Hai Long bàn với Hòe đệ đơn ứng cử vào thượng nghị viện. Anh rất ít hi vọng trúng cử, vì không có tiền tổ chức vận động. Sau khi đã làm chủ nhiệm báo kinh tế Vừng Đông, anh ra ứng cử chỉ nhằm một lần nữa khẳng định vị trí cao trong xã hội của mình. Hòe vẫn giữ vai trò liên lạc đặc biệt giữa Hai Long và Thiệu. Khi anh tới dinh Độc Lập, khi tới dinh Quốc khách ở đường Tú Xương, khi tới Bộ Tổng tham mưu gặp Thiệu để truyền đạt những ý kiến của Hai Long.

Hòe nhận xét Thiệu là con người gian hùng, xảo quyệt, đa nghi, đồng thời lại hiếu danh, hiếu thắng. Thiệu thích khoe khoang vai trò quyết định của mình trong hai cuộc lật đổ Ngô Đình Diệm và Dương Văn Minh. Nhưng Thiệu cũng thú thật với Hòe, mình e ngại thế lực của Kỳ, và lúc nào cũng băn khoăn, lo lắng không biết Mỹ còn tin dùng mình nữa hay không. Thiệu lại ngỏ ý tha thiết muốn gặp Hai Long để bàn biện pháp đối phó với tình hình.

Hai Long vẫn thấy mình chưa nên gặp Thiệu vội. Anh bảo Hòe nói với Thiệu, anh cần tiếp tục giữ quan hệ gián cách tạm thời, mới giúp Thiệu được hiệu quả, và Thiệu có thể cử người thật thân tín đến nhà thờ Bình An cùng anh bàn bạc.

Chỉ một ngày sau, Thiệu cử Nguyễn Văn Hướng tới Bình An. Hướng là tổng thư ký Liên minh dân tộc cách mạng dân chủ xã hội, một lực lượng hậu thuẫn trực tiếp về chính trị cho Thiệu. Hiện Hướng vừa là cố vấn của Thiệu, vừa là người đại diện cho liên danh vận động tranh cử của Thiệu.

Hai Long nói với Hướng:

- Ông cần đánh giá so sánh lực lượng giữa liên danh của chủ tịch Nguyễn Văn Thiệu với những liên danh khác để ta cùng tìm cách giải quyết.

Hướng trình bày một cách khách quan tình hình các liên danh, rồi nói:

- Quốc trưởng và chúng tôi đều rất lo lắng, vì nếu không tạo được một sự ủng hộ mới thật hiệu quả, thì liên danh của quốc trưởng ít có hy vọng đắc cử. Dân Bắc di cư sẽ tập trung phiếu cho thủ tướng Kỳ. Dân Nam sẽ ủng hộ liên danh Phan Khắc Sửu - Phan Quang Đán. Những người không ưa Sửu và Kỳ sẽ bỏ phiếu cho Trương Đình Dzu.

Hai Long nói:

- Cách đánh giá như vậy là đúng tình hình thực tế.

Hướng năn nỉ:

- Từ trước tới nay, vì sự ổn định của chính quyền, cha Tổng và ông giáo vẫn ủng hộ cho cả quốc trưởng và thủ tướng Kỳ. Nhưng nay vào tranh cử, thủ tướng Kỳ đã tách thành liên danh riêng, quốc trưởng rất mong với tư cách một con chiên ngoan đạo, sẽ được sự ủng hộ tập trung của đông đảo giáo dân. Liên danh của thủ tướng Kỳ là mối lo ngại lớn nhất của quốc trưởng. Nếu quốc trưởng một lần nữa thành đạt, quốc trưởng hứa sẽ luôn nghe theo lời khuyến cáo của các cha. Và chắc chắn với cương vị của một tổng thống hợp hiến, quốc trưởng nhất định thực hiện được những khuyễn cáo của các cha nhiều hơn thời gian qua, khi quyền hành thực tế còn nằm trong tay thủ tướng Kỳ là người ngoại đạo.

- Với tư cách là một con chiên, quốc trưởng đã có những lời cam kết với giáo hội như vậy là rất tốt. Giáo hội không có lý do gì để không ủng hộ một con chiên ngoan đạo mà lại đi ủng hộ người bên ngoài. Chúng tôi có thể đảm bảo là giáo dân sẽ đứng về phía quốc trưởng. Tuy nhiên, vẫn phải nói, người giữ vai trò quyết định trong cuộc tranh cử này là Tòa đại sứ Mỹ. Quốc trưởng cũng nên tìm sự ủng hộ tại đó.

- Dạ, nhưng chính đó lại là mối lo của quốc trưởng. Quốc trưởng nhận thấy ông Kỳ có thế lực rất mạnh ở Tòa đại sứ. Quốc trưởng nói với tôi, lần này tới tha thiết cầu mong các cha và ông giáo lo giùm cho cả phía Tòa đại sứ.

Hai Long tỏ vẻ đắn đo. Mãi tới trước lúc Hướng ra về, anh mới nói mình nhận lời đề nghị này, và sẽ báo lại kế hoạch tiếp xúc với Tòa đại sứ Mỹ.

2.

Hai Long nghĩ tới Huỳnh Văn Trọng trong công việc mà anh đang dự định.

Qua những năm công tác trong lòng địch, anh đã nhận thấy cái xã hội thực dân mới này chỉ khác xã hội thực dân cũ ở cái vỏ bề ngoài, cong bên trong nó vẫn chứa đựng vô vàn mâu thuẫn, xấu xa, dồn nén con người, đẩy người ta đến với cách mạng. không khó tìm người đồng tình với mục tiêu đấu tranh của cách mạng, và cũng không khó huy động họ và cuộc đấu tranh. Chỉ có điều phải nghiên cứu kỹ từng trường hợp cụ thể. Cái khó là phải tìm ra công việc phù hợp với từng người, đánh giá đúng khả năng chịu đựng của người đó trước những thử thách của mỗi giai đoạn cách mạng, và phải luôn luôn bồi dưỡng, tiếp sức cho họ.

Anh đã nhiều lần làm việc thêm với Thắng về trường hợp của Trọng.

Trọng đích thực là một đứa con hư của chế độ thực dân phong kiến, đã từng được nó nuông chiều, nhưng nay bị nó ruồng bỏ, và bắt đầu chống lại nó. Trọng vẫn tiếp tục nhận và làm tốt những việc người em kết nghĩa trao cho mình. Anh thừa biết sự nguy hiểm mà mình có thể phải gánh chịu. Hai Long bàn với Thắng thử thách Trọng ở một mức cao hơn. Thắng nhờ Trọng mượn xe ô tô, đưa một người quen của mình ra khỏi Sài Gòn, tới một vùng tranh chấp. Trọng nhận lời ngay, không ngần ngại. Trọng đã tiến hành công việc một cách khéo léo, chu đáo, và không hề hỏi lại từ khi nhận việc tới lúc làm xong.

Thắng khuyên Trọng nên cộng tác với một liên danh có triển vọng trong cuộc tranh cử lần này. Trọng nói mình đã xa rời quan trường từ lâu, không nắm được tình hình chính trường miền Nam. Thắng đưa Trọng tới giới thiệu với liên danh Phan Khắc Sửu - Phan Quang Đán. Sửu và Đán vui mừng tiếp đón Trọng, thiết tha mời Trọng tham gia vận động cho liên danh mình, và hứa sẽ dành cho Trọng một vị trí xứng đáng trong chính quyền nếu họ đắc cử. Thắng nhận thấy Trọng phấn chấn hẳn lên.

Một vài nhân vật quan trọng trong Tòa đại sứ Mỹ đã hứa nếu cơ hội tới sẽ giúp Trọng giành được một vị trí trong chính quyền. Thắng bảo Trọng tới đó thăm dò khả năng đắc cử của liên danh Sửu - Đán. Hai Long cũng muốn kiểm tra lại điều Spellman đã bàn với mình, về ý đồ của Mỹ đối với nhân vật cầm đầu ngụy quyền miền Nam trong cuộc bầu bán sắp tới.

Thắng tìm gặp Hai Long với vẻ mặt không vui:

- Mình tính trật rồi anh Hai à. Anh Trọng đã tới Tòa đại sứ Mỹ. Liên danh Sửu - Đán ít có hy vọng đắc cử.

- Anh Trọng trao đổi với ai ở đó?

- Với Francis Conlon, đệ nhất tham vụ sứ quán. Đúng như kế hoạch đã bàn, anh nhắc lại lời hứa của Conlon hồi trước, rồi nói, mình đang giúp vận động tranh cử cho liên danh Sửu - Đán, tới xin Conlon một lời khuyên. Conlon cân nhắc mãi, mới nói: "Việt Nam cộng hòa đang có chiến tranh, sắp tới còn cần những nhân vật quân sự".

- Thái độ của anh Trọng thế nào?

- Tất nhiên là buồn. Tôi cũng buồn. như vậy khó có khả năng đưa anh vào bộ máy chính quyền. Anh mong có công ăn việc làm ổn định để đón chị Trọng từ Đà Nẵng về. Tôi cũng rất mong như vậy.

- Mình tính không trật đâu! Anh nói với anh Trọng cứ yên tâm. Khả năng đưa anh Trọng vào bộ máy chính quyền vẫn còn đó. Và nhờ anh mời anh Trọng tới gặp tôi. Anh chỉ cần giới thiệu tôi là một người trong Trung ương khối công dân Công giáo đại đoàn kết, muốn giúp anh trong cuộc vận động tranh cử sắp tới.

- Mình xoay lại còn kịp không anh Hai?

- Mình không phải xoay lại, vì mọi việc vẫn tiến triển đúng hướng. Ta đã nắm chắc được kết qủa của canh bạc này, giờ chỉ cần làm sao khai thác được thắng lợi tối đa...

Hai Long gặp Trọng ở nhà Thắng.

Trước mắt anh là một người cao lớn, mái tóc hoa râm, đeo cặp kính gọng vàng, chững chạc trong bộ đồ lớn. Trọng có cái đẹp kiểu Bảo Đại, với khuôn mặt phương phi, cân đối, một Bảo Đại đã nhuốm màu phong trần, bắt đầu có những suy tư, lo âu về cuộc sống. Bề ngoài của Trọng hoàn toàn phù hợp với vai trò mà anh dự kiến trong công viêc trước mắt và cả sau này.

- Thưa quý anh, - Trọng nói - chú Thắng có biểu tôi tới gặp quý anh.



Hai Long xiết chặt tay Trọng:

- Tôi đang mong anh.

Trọng có những cử chỉ mực thước, chững chạc của người đã quen với lễ nghi giao tế. Hai Long nói tiếp:

- Anh Thắng giới thiệu với tôi, anh là người trong gia đình, có ý định tham chính kỳ này. Tôi nghĩ rằng, vì anh là người có đạo, khối Công giáo có thể giúp anh một đôi việc.

- Thú thiệt với quý anh, tôi đã quá ngán cảnh quan trường, nhưng vì cuộc sống xô đẩy, gần đây theo lời khuyên của chú Thắng, tôi nhận lời giúp cho ông Sửu và ông Đán trong cuộc vận động tranh cử, nhưng vẫn cảm thấy mình lạc lõng. Chú Thắng bảo tôi tới xin quý anh vài lời chỉ giáo.

- Liên danh Sửu - Đán không có hy vọng đắc cử!

- Tôi cũng mới nhận thấy điều đó.

- Anh cần giúp cho một nhân vật quân sự. Tôi nghĩ là liên danh của ông Thiệu.

- Tôi không hề có quan hệ với mấy vị tướng trẻ mới lên cầm quyền.

- Việc này tôi hoàn toàn có thể giúp anh.

- Tôi có nghe chú Thắng nói, quý anh là người đỡ đầu cho tướng Thiệu và tướng Kỳ.

- Nhưng để tạo tư thế cần thiết trong công việc, ta cần phải tiến hành một vài biện pháp kỹ thuật nhỏ. Tôi không muốn anh là người đến xin việc, mà tướng Thiệu cần sự giúp đỡ của anh, thì sẽ phải cử người xin gặp anh, để đưa ra lời đề nghị của mình.

Vẻ phân vân, e ngại vụt biến trong mắt Trọng. Con người này còn mang nặng những mặc cảm về sĩ diện. Trọng tươi cười nói:

- Quý anh đã hiểu rõ tình thế và tâm trạng của tôi, lo cho như vậy thiệt quá sức chu đáo.

- Tôi muốn anh sẽ gặp lại Conlon, nói với y sau cuộc trao đổi bữa trước mình đã nghĩ lại, không giúp cho liên danh Sửu - Đán nữa. Rồi anh nói với y, chủ tịch Nguyễn Văn Thiệu nhờ mình làm trung gian tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa đại diện của Thiệu với một số nhân viên Tòa đại sứ Mỹ, để tìm kiếm sự ủng hộ đối với liên danh của Thiệu, mong y nhận lời... Tôi tin rằng Conlon cũng đang mong có một cuộc gặp gỡ như vậy vì Tòa đại sứ Mỹ đã hướng về Thiệu trong cuộc tranh cử này.

- Việc quý anh mới nói không khó mà còn nâng thêm giá trị của tôi ở Tòa đại sứ. Tôi vẫn thường qua lại đó với tư cách một giáo viên dạy tiếng Pháp, làm một số việc chú Thắng yêu cầu. Tôi rất mong còn có thể giúp những công việc khác quý anh có lòng tin trao cho.

Hai Long hiểu Trọng đã đoán biết phần nào mối quan hệ giữa mình và Thắng, nên muốn bày tỏ nguyện vọng. Anh nói:

- Anh Thắng và tôi là đôi bạn rất thận. Chúng tôi đã trao đổi với nhau nhiều về hoàn cảnh của anh. Chúng tôi đều muốn trước mắt, anh cần có một công việc ổn định để đón chị từ Đà Nẵng về trong này. Giờ chúng ta hãy tập trung làm chuyện đó.

- Dạ... - Trọng lộ vẻ cảm động

- Nếu Conlon nhận lời, thì anh sẽ gặp người của tướng Thiệu với tư cách là người đại diện cho phía Mỹ. người của ông Thiệu sẽ phải đón anh như một vị khách quý mà họ trông đợi từ lâu. Anh sẽ tới dinh Độc Lập với tư thế đó.

Trọng siết chặt tay Hai Long trước khi ra về.

Chiều hôm sau, Trọng gặp lại Hai Long, tươi cười nói lại cuộc tiếp xúc với Conlon đã diễn ra rất thuận lợi, người đại diện của chủ tịch Nguyễn Văn Thiệu sẽ được nhân viên Tòa đại sứ Mỹ đón tiếp như những người bạn quý. Trọng cũng nói thêm, cái nhìn của đệ nhất tham vụ sứ quán Mỹ đối với mình đã có sự thay đổi.

3.

Hướng được tin vội phóng xe sang ngay Bình An.

- Nghe ông Hòe nói, ông Thiệu quá mừng, thúc tôi đi gặp ông giáo ngay. Đâu ngờ mới bàn với nhau đó, mà ông giáo đã giúp cho nhanh như vậy.

- Ngoài những việc mà các cha với tôi đã trực tiếp làm với người đại diện cho giáo chủ Spellman tại Sài Gòn, tôi đã tìm được một người có quan hệ mật thiết với đệ nhất tham vụ đại sứ quán Mỹ, tiến hành vận động cho ông Thiệu. Tình hình khá khả quan. Tôi đã mời người đó tới gặp anh trong một ngày gần đây. Người đó sẽ là trung gian tổ chức những cuộc tiếp xúc giữa đại diện của chủ tịch Nguyễn Văn Thiệu với nhân viên Tòa đại sứ Mỹ.

- Đề nghị anh giáo cho biết, tôi cần nói những gì trong cuộc gặp vị đại diện của Tòa đại sứ Mỹ?

- Người này là đại diện của Tòa đại sứ Mỹ, nhưng đồng thời cũng là một giáo dân tin cẩn, được giáo hội trao nhiệm vụ giúp đỡ ông Thiệu. Vì thế, tôi nghĩ, ta nên có thái độ vừa trọng thị, vừa chân tình. Anh nên trình bày với vị đại diện những cái mạnh, cái yếu của liên danh so với các liên danh khác. Cần để cho vị đại diện biết rõ những khó khăn mới bàn bạc được với nhau cách khắc phục.

- Anh giáo có thể cho biêt danh tính của vị đại diện không?

- Chắc chắn là được, vì chỉ nay mai anh sẽ gặp. Đó là Bernard Huỳnh Văn Trọng.

- Ủa, ông Bernard Trọng! Tôi có nghe danh từ lâu. Ông Trọng là bộ trưởng bộ Nội vụ dưới thời quốc trưởng Bảo Đại.

- Cụ thể hơn là thời chính phủ Nguyễn Phan Long. Thời ông Diệm, ông Trọng phải chạy vào ẩn náu trong Tòa đại sứ Mỹ nhiều năm. Đa số nhân viên Tòa đại sứ đều là học trò tiếng Pháp và tiếng Việt của ông Trọng. Cũng không hiểu sao ông Sửu và ông Đán nắm được mối quan hệ gắn bó giữa ông Trọng với Tòa đại sứ Mỹ rất sớm. Họ đã mời ông tới cộng tác với liên danh, hứa sẽ dành cho ông một chức vụ xứng đáng trong chính quyền nếu vận động được Tòa đại sứ Mỹ ủng hộ cho họ. Tôi đã kịp kéo ông Trọng ra khỏi bàn tay của họ. Người Công giáo thì phải vận động cho ứng cử viên là Công giáo, chứ đâu lại đi vận động cho người ngoại đạo! Và giúp được cho ông Thiệu thì lo chi bị thiệt thòi!

- Dạ, đúng như vậy, ông Thiệu đã nói nhiều lần, nếu ông đắc cử thì mọi công việc anh em ta chia nhau gánh vác chớ còn ai vô đây! Ông Thiệu không thể quên ơn Bình An, quên ơn anh giáo.

Hai Long mỉm cười:

- Các cha và cá nhân tôi, chỉ có thể là người đứng sau ủng hộ tân tổng thống. Vì chúng tôi còn nhiệm vụ hàng ngày với giáo hội. Những người mà tân tổng thống phải nghĩ tới đầu tiên, tôi nghĩ chính là anh.

- Dạ, dạ, rất tri ơn anh về ý nghĩ đó. Nhưng tôi tài sơ trí thiển, có giúp được ông Thiệu được chi!

- Anh quá khiêm tốn, với cương vị cố vấn hiện nay của quốc trưởng, anh rất xứng đáng với ghế thủ tướng trong chính phủ mới.

- Rất tri ơn anh giáo, tôi e mình chưa xứng đáng với cương vị đó.

Hai Long muốn làm cho Hướng yên tâm là trong số những người đang giúp Thiệu hiện nay, không có ai nhăm nhe cái ghế thủ tướng mà Hướng đã mặc cả với Thiệu sẽ giành cho mình. Hướng cố giấu vẻ hài lòng nhưng sắc mặt y bỗng tươi nhuận hẳn lên.

Những cuộc tiếp xúc diễn ra đúng như Hai Long mong đợi.

Hướng đón Trọng tại Văn phòng cố vấn của chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia, đồng thời là trụ sở của bộ tham mưu ủy ban vận động tranh cử của liên danh Nguyễn Văn Thiệu.

Trọng thủ đúng vai người đại diện của Tòa đại sứ Mỹ, cử chỉ chững chạc, đàng hoàng, nói ít, nghe nhiều, nghiêm trang với tư thế quan thầy Mỹ, nhưng đồng thời cũng tỏ ra hào hiệp, sốt sắng vì tình nghĩa của một giáo dân hết lòng giúp đỡ đồng đạo. Hướng trân trọng giãi bầy mọi khó khăn và sự kỳ vọng vào người đại diện tin cẩn của Tòa đại sứ Mỹ, vừa là người được Trung ương Công giáo cử ra giúp đỡ Thiệu trong cuộc tranh cử.

Sau khi hỏi Hướng tỉ mỉ mọi mặt tình hình, Trọng hứa sẽ quyết tâm giành được sự ủng hộ Thiệu của Tòa đại sứ Mỹ, sẽ đưa Hướng tới gặp những nhân viên của Tòa đại sứ trong một ngày rất gần, và cuộc gặp này sẽ chỉ là kết thúc của một quá trình vận động mà Trọng đã giải quyết thắng lợi tại sứ quán Mỹ. Hướng hết lời cảm ơn và không quên chuyển lời của chủ tịch Nguyễn Văn Thiệu hứa sẽ đền ơn xứng đáng đối với Trọng.



Hướng tiễn Trọng ra tới ngoài cổng dinh, cung kính cúi chào, chờ Trọng lên xe rồi mới quay vào.

Đúng ngày hẹn, Trọng đưa Hướng tới Tòa đại sứ Mỹ.

Cuộc tiếp xúc diễn ra một cách thân tình quanh bàn tiệc nhỏ tại câu lạc bộ Tòa đại sứ. Phía Mỹ, ngoài Conlon, bí thư thứ nhất, còn có thêm cả Calhoun, phụ tá đặc biệt của đại sứ Ellsworth Bunker, người đã sang thay Cabot Lodge.

Trọng đóng vai người lĩnh xướng, giới thiệu cả chủ và khách.

Đôi bên cùng trao đổi danh thiếp có ghi địa chỉ và số điện thoại để tiếp tục mối quan hệ tốt đẹp sau này.

Hướng nhân danh cố vấn của chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia, cảm ơn sự tiếp đón chân tình với lòng mến khách của Tòa đại sứ Mỹ, và bày tỏ sự mong muốn được nước Mỹ và đặc biệt là Tòa đại sứ, hết lòng ủng hộ Nguyễn Văn Thiệu trong cuộc tranh cử. Hướng không quên cảm ơn Bernard Huỳnh Văn Trọng là người có công trong việc thu xếp cuộc gặp gỡ này. Conlon và Calhoun đều cảm ơn Hướng và Trọng đã dành cho nhân viên Tòa đại sứ cuộc tiếp xúc thân tình và tin cậy, đồng thời hứa hẹn sẽ cố gắng ủng hộ Thiệu giành thắng lợi trong cuộc tranh cử.

Thiệu chuyển lời qua cha Nhuận, nhiệt liệt cảm ơn Hai Long về sự giúp đỡ rất hiệu quả trong thời gian qua.

Trọng trở thành một nhân vật mới thường xuyên ra vào dinh Độc Lập, được Hướng và cả ủy ban vận động tranh cử cho Thiệu vì nể... Theo lời giới thiệu của Conlon trong buổi gặp, Trọng đã giữ mối dây quan hệ giữa ủy ban vận động tranh cử của Thiệu với Tòa đại sứ. Hướng năn nỉ xin địa chỉ và số điện thoại ở nhà riêng của Trọng. Anh một mực chối từ, chỉ nói khi cần liên lạc gấp với mình thì nhắn qua Hai Long. Hướng tưởng đây là cung cách làm việc của những nhân vật quan trọng có quan hệ với Tòa đại sứ Mỹ. Thực ra trong lúc này, Trọng vẫn phải đi ở nhờ, nay nhà này, mai nhà khác.

4.

Sau khi được Tòa đại sứ Mỹ tỏ quyết tâm ủng hộ mình, Thiệu lập tức gạt Trịnh Quốc Khánh, người đứng cùng liên danh, công bố liên danh mới: Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Văn Hướng. Về uy tín cá nhân, Khánh không hơn gì Hướng. Thiệu chọn Hướng vì Hướng là người thân tín, đồng thời cũng muốn động viên Hướng tích cực hơn nữa trong cuộc vận động.

Hai Long tạm yên tâm về Trọng. Anh thấy cần tiếp tục lo cho Hòe. Anh thường xuyên tạo cơ hội cho Hòe tới gặp Thiệu.

Một buổi, Hòe từ dinh Độc Lập về cho biết, mặc dù đã được Tòa đại sứ Mỹ ủng hộ, nhưng Thiệu vẫn không tin liên danh của mình sẽ giành thắng lợi. Thiệu rất ngại có sự phân tán phiếu giữa mình và Kỳ, trong trượng hợp đó, Sửu và Đán sẽ có nhiều khả năng đắc cử. Thiệu nhờ Hòe nói với Hai Long lo giúp cho trường hợp này.

Hai Long trao đổi với Hòe, thấy sự lo ngại của Thiệu có lý.

Anh mang chuyện này bàn với O⬙Connor:

- Thiệu đánh giá đúng tình hình, vì hai tướng cùng ra tranh cử nên nhiều khả năng chức tổng thống sẽ rơi vào phe dân sự.

- Nếu vậy, tốt nhất là cả Thiệu và Kỳ cùng đứng chung một liên danh. Trước đây ra cũng dự kiến như vậy.

- Đó là giải pháp duy nhất, nhưng Kỳ khó chấp nhận, nếu Kỳ đứng dưới Thiệu.

- Hồng y Spellman muốn có một tổng thống là người Thiên chúa giáo.

- Giáo hội Việt Nam cũng muốn như vậy nên đã đổ nhiều công sức vào việc này.

- Nhất định phải như vậy. Tôi sẽ trao đổi lại với Bunker. Ông ta có khả năng giải quyết những trường hợp phức tạp.

Mấy ngày sau, O⬙Connor nói lại với Hai Long đã gặp Bunker, đại sứ Mỹ nói cũng đã nhìn thấy vấn đề và đang cố gắng thu xếp.

Hai Long bảo Hòe nói lại cho Thiệu yên tâm. Nhưng Thiệu vẫn tiếp tục lo lắng.

Cuộc vận động hậu trường của Bunker đã dẫn tới một phiên họp của Hội đồng quân lực với trên bốn chục người tham dự. Vấn đề hai ứng cử viên quân nhân đối với một ghế tổng thống lại được nêu ra.

Cuộc tranh cãi tiếp tục.

- Dân chúng sẽ hiểu đây là dấu hiệu rạn nứt của quân đội!

- Tướng Thiệu nên rút khỏi quân đội, tranh cử với tư cách dân sự!

- Tại sao người rút lui khỏi quân đội là tướng Thiệu mà không phải là tướng Kỳ?

- Nếu hai tướng cùng tranh cử, số phiếu xẻ đôi, ghế tổng thống sẽ trở lại với ông già Phan Khắc Sửu!

Băn khoăn này được nhiều người chia sẻ.

Tướng Kỳ nóng mặt:

- Ông Thiệu muốn là ứng cử viên của quân đội thì để ông làm. Tôi sẽ trở về với nhiệm vụ của tôi trong không quân.

Lời nói của Kỳ không phải không bao hàm một ý đe dọa. Một người lên tiếng:

- Ông Thiệu ra tranh cử một mình chưa chắc đã thắng phe dân sự. Nếu như vì tinh thần đoàn kết của quân đội, sao hai ông không đứng chung trong môt liên danh?

Nhiều người vỗ tay hoan hô.

Kỳ cay đắng chấp nhận đứng liên danh với Thiệu trong cuộc tranh cử. Nhưng một số tướng trẻ lo ngại khi Thiệu ngồi được vào ghế tổng thống sẽ thâu tóm mọi quyền hành. Họ đề nghị ra một nghị quyết, nếu liên danh Thiệu - Kỳ đắc cử thì tổng thống sẽ phải tuân theo ý kiến của quân đội mà đại diện sẽ là một tổ chức mới được đặt tên là "quân ủy hội" gồm các tướng lĩnh và sĩ quan cao cấp trong đó có cả tổng thống, phó tổng thống và bộ trưởng Quốc phòng. Đa số thông qua nghị quyết này. Đây là một điều không có trong hiến pháp.

Ý đồ của Spellman đã được thực hiện.

Tuy nhiên, Thiệu vẫn chưa hết hẳn lo lắng. Thiệu nhờ Hòe đi vận động một vài liên danh có khả năng đắc cử, trong trường hợp Thiệu bị thất bại, thì sẽ giành cho y chức bộ trưởng Quốc phòng.

Sự lo lắng của Thiệu không phải là không quá đáng. Liên danh Thiệu - Kỳ chỉ giành thắng lợi với 33% tổng số phiếu trong cuộc bầu cử ngày 3-9. Vì có quá nhiều liên danh ra tranh cử nên số phiếu rất phân tán.

Ngay sau khi trúng cử, anh ruột của Thiệu là Nguyễn Văn Kiểu có Hướng đi cùng sang nhà thờ Bình An chuyển lời cảm ơn của Thiệu tới cha Hoàng, Hai Long và khối Công giáo đã tận tình ủng hộ trong cuộc tranh cử. Thiệu nhờ riêng Hai Long cảm ơn giùm những người bạn Mỹ.

Trước ngày nhậm chức, qua cha Nhuận, Thiệu nhắc với cha Hoàng là sau Thánh lễ, như lời Thiệu đã đề nghị trước đây, khối Thiên chúa giáo sẽ có một người làm phụ tá cho Thiệu cùng gánh vác việc chung.

Vì Thiệu kết hợp với Kỳ, Hướng bị gạt khỏi liên danh với Thiệu. Thiệu cũng không giữ được lời hứa sẽ đưa Hướng làm thủ tướng sau khi đắc cử. Thiệu phải dành ghế này cho Nguyễn Văn Lộc, người của Kỳ để xoa dịu Kỳ. Hướng đành phải nhận chức Tổng thư ký Phủ tổng thống.

Hòe không trúng cử vào thượng nghị viện, nhưng anh nhanh chóng được mời vào làm công cán ủy viên Phòng Tổng thư ký Phủ tổng thống, trực tiếp giúp việc cho Hướng.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện Đam Mỹ
truyện ngôn tình

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

ngôn tình sắc

Nhận xét của độc giả về truyện Ông Cố Vấn

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook