Oxford Thương Yêu

Chương 9: Chiếc xe lăn nhân từ

Dương Thụy

18/02/2014

Kim gõ cửa phòng giáo sư Baddley. Ông đang đợi cô như cô đã xin hẹn. Kim thấy giáo sư có vẻ buồn và mệt mỏi. Kim không muốn làm ông thất vọng nhưng cuối cùng cô đành ấp úng nói mình sẽ quay về Việt Nam và không thể nhận lời làm trợ lý của giáo sư. Baddley chậm rãi nói:

- Tôi nghe Fernando nói giáo sư Portlock cũng mời em làm trợ lý? Em cũng không nhận lời ông ta sao?

Kim cúi mặt:

- Em biết là các thầy đã ưu ái em. Nhưng thật ra em không giỏi như các thầy nghĩ đâu!

- Em xem thường sự phán đoàn của chúng tôi đến vậy sao?- Giáo sư Baddley có vẻ nóng nảy- Ý em muốn nói nếu Fernando không giúp em thì em đã chẳng làm nên trò trống gì phải không?

- Không hẳn- Kim đính chính- Nhưng anh ta đi rồi…..

Giáo sư quát lớn:

- Đi rồi thì sao? Fernando đã đổ bao công sức với em. Em không thấy bỏ về Việt Nam khi có cơ hội tốt như vậy là có lỗi với anh ta sao?

- Fernando không hiểu là em có thể tồn tại và thành công ở đây tất cả là nhờ anh ta- Kim không ngờ mình dám cao giọng với giáo sư- Fernando đi rồi thì em ở lại làm gì nữa? Đi đâu, làm gì ở Oxford em cũng như thấy Fernando. Em không còn chỗ dựa, em không thể……. em không thể!

- Hãy tự đi bằng chính đôi chân của mình!- Giáo sư giận dữ- Nếu không thể, tôi cho em mượn cái xe lăn này của tôi.

- Thầy…..- Kim bật khóc.

- Một người khuyết tật và già nua như tôi còn bon chen làm gì- Giáo sư Baddley cao giọng quát- Nếu một người trẻ tuổi nhiều tiềm năng như cô tháo chạy?

- Thầy…..- Kim nấc lên.

Giáo sư Baddley dịu giọng:

- Tôi biết em sống nặng về tình cảm, nhưng em cũng là một người cầu tiến. Được nhận làm trợ lý cho các giáo sư là một cơ hội để em học hỏi. Em nên nhận lời làm cho Portlock, bên đó có nhiều dự án kinh tế rất thiết thực cho các công ty vừa và nhỏ, rất hữu ích và dễ áp cụng cho những nước như Việt Nam. Khoa của tôi không có những dự án như vậy, chúng tôi chỉ làm những việc rất vĩ mô.Kim ngồi ngây ra như tượng không trả lời, cô nhìn sững giáo sư bằng một ánh mắt yêu thương lẫn kính phục. Baddley nắm lấy bàn tay lạnh giá của Kim: “Hãy nghe lời khuyên của tôi, em hãy nghĩ xa hơn. Đây là cơ hội tốt không những chỉ cho cá nhân em mà sau này em còn có thể giúp ích cho nền kinh tế nước em nữa. Đó chính là mục đích của chính phủ nước tôi khi họ đồng ý cấp học bổng cho những người trẻ như em, bởi vì chính em sẽ giúp lại cho đất nước mình. Không lẽ em muốn Việt Nam cứ đưa tay ra nhận trợ cấp theo kiểu ban ơn của các nước giàu hoài sao?- Giáo sư đột nhiên cao giọng ra lệnh- Đứng dậy! Chạy ngay qua chỗ giáo sư Portlock đi, nếu không thì đừng “thầy trò” gì với tôi nữa!”. Kim lập cập đứng dậy, cô lí nhí: “Em nghe theo thầy” rồi quay lưng ra cửa. Giáo sư Baddley nhìn Kim đi ra, ông chép miệng tự nhủ: “Giờ tôi mới hiểu vì sao Fernando hay phải dùng “biện pháp mạnh” với em”Hôm sau Kim quay lại phòng giáo sư Baddley báo tin cô đã liên lạc với tổ chức cấp học bổng xin ở lại và thứ hai tuần sau sẽ chính thức làm việc cho giáo sư Portlock. Cô băn khoăn: “Còn thầy? Thầy đã tìm ra ai khác làm trợ lý cho mình chưa?”. Giáo sư Baddley lăn ghế đến gần Kim cười lớn: “Em không biết là luôn có một hàng dài chờ tôi chọn sao? Rất nhiều người mong được làm trợ lý giáo sư! Không phải ai cũng “chảnh” như em đâu!” Kim mỉm cười ngượng ngùng: “Thôi em chào thầy, em làm phiền thầy nhiều quá rồi!”. Giáo sư Baddley nhìn Kim âu yếm: “Không sao! Tôi rất quí những người kiêu hãnh nhưng thật tình như em. À mà không phải chỉ có em mới làm phiền tôi. Fernando nhờ tôi chuyển cho em thùng sách này. Toàn sách quý không đó. Fernando dặn tôi nếu em ở lại thì mới đưa. Cái anh chàng này rắc rối thiệt, sao không đưa trực tiếp cho em chứ! Thôi, ôm “gia tài” này về luôn đi!”. Giáo sư chỉ tay vô góc phòng, một cái thùng lớn được dán lại cẩn thận, trên đề Kim bằng nét chữ cứng cáp và rõ ràng của Fernando.Xe bux dừng lại trước khu học xá, Kim khệ nệ ôm thùng sách lảo đảo leo xuống. Cô nghĩ mình không còn đủ sức bê cái của nợ này lên phòng. Kim không phải là người thích sách nghiên cứu, loại sách vĩ mô nhức đầu của Fernando cô lại càng không thèm.



- Lolita! Lolita!- Mauricio bước xuống một chiếc taxi, chạy ra phía Kim mừng rỡ.

- Ủa! Anh từ Chile quay lại rồi đó hả?- Kim cũng vui mừng không kém.

Mauricio rạng rỡ với làn da rám nắng ôm ghì Kim nhấc bổng lên quay mấy vòng:

- Chỉ có Chúa mới biết anh nhớ em đến mức nào! Lolita của anh! Lolita của anh!

Kim cười năc nẻ trước vẻ nhiệt tình của Mauricio:

- Thôi được rồi! Được rồi! Nếu anh thừa năng lượng đến như vậy thì làm ơn bê cái thùng này lên phòng dùm em đi!

- Sao?- Mauricio nhìn cái thùng và mấy cái vali to đùng của mình, hơi ái ngại- không sao, từ từ rồi cũng đem lên hết. Bố khỉ cái nhà cổ kính này sao không có thang máy chứ!Lúc Mauricio be được thùng sách lên đến phòng Kim, áo anh ướt đẫm mồ hôi dù trời thu đang khá lạnh. Tranh thủ cúi xuống hôn nhanh lên môi Kim làm cô không kịp phản ứng, Mauricio cười tình tứ: “Thùng gì mà nặng muốn cụp xương sống vậy em?”. Kim nhún vai: “Sách!”. Lúc này Mauricio mới để ý thấy tên người gửi là Fernando dán trên thùng: “Ủa! Của Fernando hả? Anh ta đi đâu mà gửi sách lại cho em?”. Kim cố gắng làm vẻ mặt thờ ơ: “Đi Mỹ rồi! Đi ba năm theo chương trình hợp tác “cái khỉ khô gì đó” của trường Đại học”. Mauricio khoái trá trước giọng điệu “du côn” của Kim: “Vậy là em thoát khỏi Fernando rồi hả? Anh ta hết làm phiền Lolita bé nhỏ của anh rồi hả?”. Mauricio rướn người định ôm lấy Kim nhưng cô đã kịp lách ra khỏi vòng tay vạm vỡ của anh: “Thôi đi! Không có Lolita gì hết- Kim nghiêm giọng- Em trưởng thành rồi1 Biết chưa!?”. Mauricio có vẻ chưng hửng trước thông tin này. Kim cười quay lưng vô phòng mình, trước khi đóng cửa cô còn kịp rủ rê: “Mai di bơi không?”. Mauricio há hốc miệng: “Bơi? Vào mùa thu lạnh lẽo này?”. Kim cười lớn: “Vậy mới thích!” rồi đóng cửa lại. Mauricio đứng đực ở hành lang một mình, lắc đầu cười: “Lolita lớn thật rồi! Làm sao dụ dỗ được nữa!?”

*

*

Kim không còn ở khu học xá vì đã là nhân viên của trường Đại học được nhận lương. Cô phải dọn ra một căn nhà nhỏ ở đầu đường Iffley để có thể đi bộ đến trường vào buổi sáng. Lúc dọn nhà dùm Kim, Mauricio lại phải đau khổ bê thùng sách nặng nề đến nơi ở mới. Anh thấy thùng sách vẫn chưa được khui ra dù tờ giáy dán trên đó đã bị xé nham nhở. “Sao vậy?”, Mauricio thắc mắc. Kim nhún vai: “Nhìn nét chữ của Fernando thấy ứa gan!”.

Suốt mùa thu, cuối tuần nào Kim cũng đi bơi cùng Mauricio. Hai người âu yếm chở nhau trên chiếc xe đạp đòn ngang, cười nói vui vẻ rôm rả như những đôi tình nhân. Chi trường tổ chức lễ tốt nghiệp cho hệ Cao học, Mauricio cũng đi dự chung vui cùng Kim. Cô ước gì ngồi ở chỗ Mauricio đang hí hửng cười toe toét là Fernando trầm tĩnh đang dịu dàng nhìn cô nhìn cô với đôi mắt thông minh: “Anh tự hào vể em!”. Sau buổi lễ, Mauricio mời Kim đến nhà hàng “Le Petit Blanc” của Pháp trên phố Walton, sang trọng với ánh nến, tiếng dương cầm và không bị mùi thịt nướng thô bạo xộc ra như nhà hàng Hy Lạp trong khu phố cổ. Mauricio cười nheo đôi mắt đa tình cụng ly champagne với Kim: “Chúc em ngày càng xinh đẹp ra và chúc cho anh năm sau cũng có bằng Thạc sĩ giống em!”. Kim gượng cười uống cạn ly rượu, nghĩ nếu là Fernando anh sẽ nói: “Chúc em tiến xa hơn nữa và rồi sẽ có bằng Tiến sĩ như anh!”.

Kim đã xoá hết những email Fernando gửi cho mình mà không thèm đọc. Hẳn Fernando cũng biết điều này nên anh cố liên lạc với Kim qua điện thoại. Kim không bắt máy nếu thấy số hiện lên có mã vùng từ Mỹ. Lắm lúc, chính Mauricio cũng phải thốt lên: “Em “chảnh” thấy ớn!” rồi lẩm bẩm một mình: “Yêu quá hoá khùng”. Nhiểu lúc bình tĩnh hơn, kim cũng thấy việc Fernando sang Mỹ là chuyện hoàn toàn hợp lý. Nếu cô không được giữ lại đây làm trợ lý mà quay về Việt Nam thì có lẽ sẽ không đến mức “phủi tay” như vậy. Những lúc nhớ Fernando cồn cào, Kim hay mở lại những email cũ dạo anh đi Mỹ mà vẫn cố gắng sửa bài gửi về cho cô. Ngoài những lời phê nghiêm khắc, Kim còn tìm thấy những dòng chữ yêu thương: “Anh nhớ em lắm!”, “Đừng thức khuya quá!”, “Cố gắng thêm chút nữa nghe em!”…. Kim như thấy lại những giọt mồ hôi lúc Fernando cúi xuống đọc bài cho cô, những nhọc mệt sau một ngày làm việc anh còn ghé qua khu học xá ra bài tập và cả cái cách anh uống sữa một cách hối hả để làm dịu lại cái đói bụng vì chưa được ăn lúc quá giờ. Thỉnh thoảng Kim cũng nén lòng lấy con búp bê Fernando tặng giờ đã trọc đầu ra ngắm. Cô đã không thương tiếc vừa khóc vừa rứt từng sợi tóc của nó từ lúc Fernando bỏ cô lại một mình ở Oxford.

Trời đã sang đông, nhiệt độ xuống ngày càng thấp và cây cối gầy khẳng khiu trơ trụi trong giá rét. Những tháp chuông nhà thờ và mái vòm cổ kính của những college vươn cao mình trong bầu trời âm u. Kim cố gắng vẫn giữ thói quen chạy bộ mỗi sáng trước khi đến chỗ làm. Công việc trợ lý ở văn phòng giáo sư Portlock quả rất bận rộn. Hơn một năm ở Anh, Kim nhận ra người Anh không lạnh lùng như người ta thường nói, ngược lại họ quan tâm đến người nước ngoài khá chu đáo. Người Anh không thích biểu lộ tình cảm kiểu hôn nhau mỗi khi gặp như dân các nước châu Âu khác, nên có thể vì thế mà mang tiếng là lạnh lùng. Cũng không hiểu sao phụ nữ Anh không được cho là đẹp nếu so với phụ nữ Pháp, nhưng Kim ngõ ngàng thấy rằng đa phần họ rất có nét. Nếu trước kia cô gặp khó khăn và tự ti với bạn bè trong lớp thì cũng vì lúc đó cô quả rất tệ, chỉ đòi hỏi người ta quan tâm đến mình mà bản thân không cố gắng vươn lên. Giờ làm chung với đồng nghiệp Anh trong văn phòng, Kim được họ đón nhận và tận tình hướng dẫn. Trợ lý chính của giáo sư Portlock là một người Anh vui tính tên David Wilson, anh thấp người, mập mạp, có khuôn mặt tròn với cái cằm chẻ đôi và hai lúm đồng tiền trông dễ thương như một đứa bé, lúc nào cũng có vẻ đang cười. David có đôi mắt mầu xanh thật trong khiến người đối diện cảm thấy bình an như đang soi mình xuống một dòng sông phản ánh bầu trời xanh trên cao. David làm trợ lý chính cho giáo sư Portlock, bận rộn vì lo đủ thứ việc như Fernando từng làm trợ lý chính cho giáo sư Baddley. Kim thường báo cáo cho David, chỉ thỉnh thoảng mới tiếp cận giáo sư Portlock. Đôi khi được David nhiệt tình hướng dẫn trong công việc, Kim chạnh lòng nhớ đến Fernando dù David có phong cách hoàn toàn khác. Anh nhẹ nhàng, cởi mở, biết động viên, hay pha trò để làm mọi chuyện trở nên dễ dàng.Tuy được mọi người trong văn phòng giáo sư Portlock đón nhận, một vài đồng nghiệp nữ vẫn tỏ thái độ xa cách. Một cô gái châu Á có phong cách rất Ăng-lê đảm trách phần luật kinh tế là hay “làm găng” với Kim nhất. Cô ta tên Vi Vi LE làm Kim tưởng là người gốc Hoa, về sau tình cờ nghe Vi Vi Le nói tiếng Việt trong điện thoại Kim mới ngỡ ngàng nhận ra chị là Việt Kiều. Kim vui mừng hỏi bằng tiếng mẹ đẻ: “Ủa! Chị người Việt Nam hả? Sanh ra ở đây phải khồng?” rồi nhận được câu trả lời lạnh hơn băng bằng tiếng Anh: “Tôi người Việt, gốc Việt, tôi họ Lê, lên bốn tuổi mới cùng gia đình sang đây!”. Kim bỏ ý định lân la làm thân với Vi Vi, cố gắng tập trung làm tốt công việc của mình.Chỉ qua một thời gian ngắn, Kim dần nhận ra giáo sư Portlock hoàn toàn không phân biệt chủng tộc, thậm chí ông còn tận tình hướng dẫn cho cô từng chút một nếu biết rằng những kiến thức này rất có ích cho Việt Nam. Điều làm ông “dị ứng” là những sinh viên nước ngoài đến đây không với thiện chí học tập nà vì một lý do khác, làm mất đi “tinh thần oxford”. “Em làm việc còn ưng ý tôi hơn cô trợ lý cũ- Một lần giáo sư Portlock nhận xét- Em tận tâm tận lực với công việc và chịu khó tìm tòi. Mỗi ngày tôi có cảm giác em tiến bộ hơn và điều này làm tôi vui lắm. Tôi thấy “có cảm tình” với Việt Nam rồi. Nếu có dịp chúng ta sẽ sang Việt Nam trong một chương trình hợp tác nào đó. Tôi sẽ giảng dạy miễn phí!”. Kim cười rất tươi mà nước mắt ứa ra khi nghe giáo sư nói thế. Cô học được rất nhiều từ giáo sư Portlock, người thấy tưởng rất vô cảm với những khó khăn của sinh viên nước ngoài và chỉ thích được các trường Đại học tư danh tiếng châu Âu thỉnh giảng hoá ra lại rất quí trọng những tấm lòng cầu tiến. Kim thầm cảm ơn giáo sư Baddley đã khuyên cô ở lại chỗ giáo sư Portlock.

Nỗi nhớ gia đình ở Việt Nam và hình ảnh Fernando cũng không còn quay quắt trong Kim nữa. Sau khi Fernando đi rồi, cô mới ngỡ ngàng nhận ra mình không có tấm hình nào của anh và hai người cũng chưa từng chụp chung với nhau. Nếu lần ở chỗ Madame Tussauds Kim chịp chụp chung với một người “có giá trị thật” thì bây giờ cô không hối tiếc như vậy. Nhiều lúc nhìn tụi sinh viên đang yêu tay trong tay hôn nhau âu yếm trước bàn dân thiên hạ, Kim thấy chạnh lòng nhưng rồi khuôn mặt rất sáng của Fernando cũng dần mờ đi trong trí cô. Đôi khi KIm kinh ngạc nhận ra mình thích nghi quá nhanh và khả năng “tự đi bằng chính đôi chân mình” hoàn toàn có thể thực hiện. Thỉnh thoảng từ văn phòng về nhà, vai đeo laptop, chân mang giày cao, Kim gõ nhịp xuống đường đều đặn như thể mình cũng là một British Lady chính gốc. Cô càng ngày càng thấy yêu cuộc sống và con người ở đây, nhất là từ dạo David Wilson mời cô về căn hộ của mình dùng trà. Anh sống đơn giản, nhà cửa gọn gàng hầu như không có một vật trang trí nào. David tâm sự anh tốt nghiệp Đại học ở Brimingham, một trường Đại học công, giảm học phí cho sinh viên có gia đình khó khăn. Để học tiếp Cao học, anh tìm được học bổng của chính phủ Hà Lan và học hai năm ở Amsterdam. Sau đó anh xin làm trợ lý cho giáo sư Portlock để có điều kiện học lên Tiến sĩ ở Oxford. Kim ngạc nhiên nhận ra nước Anh cho học bổng những nước khác và người Anh cũng nhận học bổng từ chính phủ nước khác. Rốt cuộc thì ở đâu cũng có những con người cầu tiến và ở đâu cũng có những hoàn cảnh khó khăn. Kim thấy thật mến David, một thanh niên Anh xuất thân trong một gia đình hiếu học và nhiều tình thương. Cuối tuần nào David cũng lái xe về thăm cha mẹ. Cô nghĩ anh rất tôn trọng những giá trị truyền thống và hoàn toàn có khả năng xây dựng một gia đình đầm ấm. David quả là một người chồng, một người cha lý tưởng.

Một hôm, tình cờ gặp Kim trong thư viện, gíáo sư Baddley nói:

- Em khoẻ không? Tôi trông thần sắc em rất tốt!



- Dạ em khoẻ- Kim vui mừng trả lời- Thầy tìm sách gì vậy?

- Tôi tìm cuốn “Mô hình toán tài chính” của Tiến sĩ K. Ai đó mượn mất rồi mà tôi cần gấp lắm. Hình như em có cuốn đó phải không?

- Dạ không.

Giáo sư cười, quả quyết:

- Không? Tôi chắc em có cuốn đó!

- Không!- Kim khẳng định- Nghe cái tên lạ hoắc, sao thầy nói vậy?

- À- Giáo sư đưa tay bóp trán cười- Tôi muốn nói Fernando Carvalho đã từng có cuốn đó!

Kim ngơ ngác:

- Dạ thì sao?

- Thì em cũng phải có cuốn đó chứ sao!- Giáo sư thốt lên kinh ngạc- Không phải anh ta “để gia tài” lại cho em toàn bộ sách quí của mình là gì!

Kim biết mình cũng nên giả bộ đưa tay bóp trán làm ra vẻ đãng trí. Cô hứa sẽ về xem lại và sẽ đem đến cho giáo sư Baddley ngay sáng mai. Về nhà, Kim nhìn thùng sách nằm trong góc bếp đã đóng bụi. Cô lui cui một hồi mới khui được cái thùng đã được niêm phong kỹ càng. Kim ngạc nhiên nhận ra những cuốn sách trong thùng rất thú vị và cô hoàn toàn có thể đọc chúng mà không đến mức nhức đầu như đã nghĩ. Kim càng ngạc nhiên hơn và bồi hồi thấy trên mỗi cuốn sách đều có lời đề tặng nắn nót cúa Fernando. Lúc nào cũng là những lời cầu chúc tốt đẹp cho con đường sự nghiệp của cô: “Mong em sẽ thích môn này hơn”, “Hy vọng em sẽ thêm vững vàng”, “Anh chắc em sẽ tiến bộ nhiều”…..

Cuốn sách giáo sư Baddley cần nằm gần đáy thùng và Kim nhận ra có thêm một gói giấy nhỏ nằm khiêm tốn dưới đó. Gói giấy nhỏ cũng được gói lại cẩn thận nhiều lớp làm Kim nóng lòng xé toạc ra. Cái áo Pyjama của Fernando cho Kim mượn mỗi khi ngủ lại nhà anh rơi xuống. Kim thở dốc cầm cái áo, cô rùng mình nhớ lại niềm hạnh phúc tột cùng trong vòng tay ấm nóng và những nụ hôn bất tận của anh. Sau lần đầu tiên cô mặc nó, Fernando âu yếm nói: “Cho em luôn” và thường thích đặt trên giường để “chờ em đến với anh”. Ôm cái áo trong lòng, Kim như có lại bờ vai rắn chắc, vòm ngực nở nang và hơi thở nồng nàn của Fernando. Cô tìm thấy trong túi áo trái, chiếc bàn trải mà Fernando thường phải tự mình bôi kem lên và dúi vào tay cô rồi nửa năn nỉ,nửa ra lệnh: “Đánh răng đi em, nhanh lên!”. Trong túi áo phải, Kim lục thấy một hộp nhỏ đựng sợi dây chuyền có mặt hình trái tim và tấm thiệp với nét chữ run run của Fernando: “Chúc mừng em nhân ngày tốt nghiệp! Anh luôn ở bên em! Yêu em!”.

Kim ngồi bệt xuống sàn nhà, cô thở hổn hển nghĩ mình sẽ chết đến nơi vì cái trò này của Fernando. Cô cố gắng đứng dậy ra mở cửa sổ. Không khí lạnh tràn vào làm Kim dần tỉnh lại. Cô tự hỏi Fernando có còn nhớ đến mình hay đã lao vào làm việc và đã hoàn toàn lãng quên cô. Trên mặt dây chuyền hình trái tim anh tặng có khắc dòng chữ nhỏ “I will love you more tomorrow than today”. Kim cay đắng nghĩ có thể đó là điều Fernando muốn nhắn lại nhưng cũng có thể là một câu chung chung người thợ kim hoàn khắc lên cho bán được hàng. Đã lâu rồi anh không thèm tìm cách liên lạc với Kim qua email hay điện thoại gì nữa. Fernando vốn kiêu hãnh và cũng không bao giờ năn nỉ Kim điều gì. Hẳn anh đã rất tức giận vì bị Kim từ chối không chịu giảng hoà dù đã gửi lại bao nhiêu vật kỷ niệm riêng tư của hai người. Giờ cô có muốn viết email cho anh cũng không thể. Từ dạo sang Mỹ, Fernando đổi địa chỉ khác mà KIm thì đã xoá sạch không lưu chút dấu vết những email sau này. Số điện thoại ở Mỹ của anh lưu trên di động cũng bị cô bấm nút xoá hoàn toàn. Kim nghẹt thở nghĩ mình đã mất dấu anh thật rồi. Ở Mỹ hẳn Fernando cùng đã không còn bận tâm đến một người “cứng đấu” như Kim. Anh chẳng có một vật kỷ niệm nào của cô ngoài những bài thi anh sửa hẳn vẫn còn lưu trong laptop nếu anh không buồn long xoá đi. Kim giận mình chưa bao giờ nghĩ đến việc mua tặng Fernando một món quà, Ít ra điều đó còn giúp anh thỉnh thoảng nhớ đến cô. Giờ ở nới xa xôi đó, biết đâu Fernando đã có một người con gái khác, dịu dàng, hiền lành, biết chìu chuộng anh? Tuyết đột nhiên rơi, càng lúc càng dày, phủ trắng xoá những con đường dài hun hút. Thật lạ, tuyết thường chưa xuất hiện vào thời điểm này ở Anh. Thời tiết năm nay thay đổi thật khác thường. Gần đến giáng sinh rồi. Kim ôm ngực thở từng cơn khó nhọc, nhớ có lần Fernando hứa bâng quơ vào lúc anh từ Bồ Đào Nha quay lại khi cô đang ốm: “Kỳ nghỉ năm sau anh sẽ ở bên em!”.

Kim đem sách đến cho giáo sư Baddley, ông ngạc nhiên thốt lên: “Sao hôm qua nhìn em còn tươi tắn như hoa mà hôm nay lại tái mét như sáp vậy?”. Rồi ông cố pha trò: “Không lẽ cho tôi mượn một cuốn sách mà em tiếc dữ vậy sao?”. Kim lắc đầu cười rồi lập cập đi ra khỏi phòng ông. Giáo sư còn cố rướn người theo: “Fernando có gửi thiệp chúc giáng sinh cho tôi…..”. Kim đã bỏ chạy khi nhắc đến tên anh, vả lại cô đang vội phải chuẩn bị bài cho tiết học sắp đến. Hôm nay giáo sư Portlock cho cô trợ giảng bữa đầu tiên về bài tập cho sinh viên năm thứ nhất.

Dù không cần thiết , Kim đã yêu cầu David cùng đến giảng đường với lý do “Thấy anh em đỡ run hơn!”. Giáo sư Portlock giảng trước , sau đó mới đến phiên Kim ra bài tập và cùng thảo luận với sinh viên. David ngồi đó, nhìn Kim mỉm cười động viên. Mỗi lần liếc xuống thấy anh nháy mắt ra hiệu “Yên tâm đi, anh ở đây!”, cô quả thật thấy bình tĩnh hơn rất nhiều. Sau buổi học, nhiều sinh viên năm thứ nhất bu lấy Kim hỏi thêm vài thắc mắc và xin tài liệu vì ngày mai trường cho nghỉ Giáng sinh rồi. Giáo sư Portlock nhìn cô cười hài lòng rồi xách cặp ra về trước. Kim cố gắng từ tốn trả lời từng sinh viên. Cô bận rộn không thấy rằng ở hàng ghế trên cao trong giảng đường, có một người đã nhìn vẻ chững chặc của Kim và lắng nghe bài trợ giảng của cô với một vẻ tự hào kỳ lạ.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net

truyện trọng sinh
truyện sắc

Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.

truyện bách hợp

Nhận xét của độc giả về truyện Oxford Thương Yêu

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook