Chương 1
Trường Sơn Lê Xuân Nhị
19/05/2014
Tôi trở lại thành phố Kansas City thuộc tiểu bang Missouri sau 9 năm vắng bóng. Trở lại để thăm một người bạn cũ mà tôi gặp tại thành phố này vào năm 1975, hồi tôi mới sang Mỹ tị nạn.
Bạn tôi tên Báu, tôi mới quen ở Mỹ nhưng thân nhau vô cùng. Sự thân thiết này một phần cũng là nhờ bởi tài nấu nướng của chị Báu, người vợ hiền tài giỏi mà bạn tôi đã may mắn gặp và thành hôn khoảng chừng 4 năm trước khi mất nước...
Tôi nhớ dạo đó, bỏ đất nước sang Mỹ, quê hương thì tôi nhớ chẳng bao nhiêu nhưng lại nhớ đến món ăn thức uống của quê hương vô cùng. Tệ hơn nữa, lại phải ở nhằm một chỗ chẳng có nhiều người Việt nên tôi thèm đồ ăn Việt Nam kinh khủng. Thèm từ chén nước mắm cho đến một dĩa cơm chiên, đến quả trứng hột vịt lộn mà tôi nghĩ rằng đời tôi từ nay sẽ chẳng bao giờ còn có dịp thưởng thức...
Hồi đó, khu chung cư (housing project) rẻ tiền mà chính phủ cho tôi ở chỉ có mình tôi là người Việt Nam, còn ngoài ra là Mỹ. Dĩ nhiên, nói đến Mỹ thì phải nói thêm rằng người Mỹ chia ra làm bốn năm loại: Mỹ trắng gốc Âu châu, Mỹ đen gốc Phi châu, Mỹ vàng gốc Á Đông, Mỹ đỏ gốc dân da đỏ và cuối cùng là Mỹ nâu tức người của châu Mỹ la tinh. Khu chung cư rẻ tiền của tôi ở, đa số chỉ có ba thứ Mỹ điển hình của bất cứ một khu chung cư nghèo nào: rất ít trắng, rất nhiều đen và đỏ thì... lai rai, còn vàng thì có mình tôi.
° ° °
Một tối đi làm về, vừa bước xuống xe thì tôi kinh ngạc vô cùng khi ngửi được mùi nước mắm thoang thoảng từ trong khu chung cư bốc ra. Nước mắm là mùi quê hương thân thiết mà đã gần 5 tháng nay tôi không được ngửi nên liền đứng lặng người để thưởng thức. Khỏi cần phải là một nhà thám tử, cũng khỏi cần phải có một đầu óc thông minh xuất chúng, tôi cũng thừa biết là khu chung cư của mình vừa có thêm một gia đình Việt Nam dọn vào.
Thế này là đại cát, tôi thầm cám ơn trời đất. Đang thèm thức ăn quê hương, thèm nói tiếng Việt, nay lại có một gia đình màu vàng, mà lại là màu vàng biết ăn nước mắm, dọn vào đây thì tuyệt quá! Trong thiên hạ được có bao nhiêu người may mắn như tôi?
Cần nói rõ hơn một chút, tôi là một cựu phi công trẻ tuổi chưa lập gia đình. Sau khi bị giặc Cộng rượt chạy ra khỏi nước, như nhiều người di cư hơi kém may mắn khi đến Mỹ, tôi phải ở trong khu chung cư này của chính phủ vì tiền nhà rẻ, chỉ bắt đóng tượng trưng. Theo đúng định luật "tiền nào của nấy", chung cư rẻ tiền đồng nghĩa với ...Mỹ đen, và nói đến Mỹ đen trong những khu chung cư nghèo, tức là nói đến những hình ảnh dơ dáy, hút xách, biếng nhác và rất thừa thãi thời giờ. Tôi đã từng thấy nhiều ông nhọ tướng người mạnh khỏe, sáng sớm tôi bước ra đi làm thấy mấy ông nhọ ngồi ù lì một đống trên chiếc ghế. Trưa ghé về nhà một chút, vẫn thấy mấy ông ngồi đó. Tối đi làm về, tạt qua chỗ cũ lại vẫn nhìn thấy mấy ông ngồi ở đó như thường, đang dương cắt mắp u buồn nhìn cuộc đời đi qua.
Tôi cũng xin thanh minh một điều là tôi không chủ trương kỳ thị, không bao giờ coi giống người nào tốt hơn giống người nào. Với tôi, da trắng, da vàng hay da đen thì cũng vậy thôi, ai cũng có người tốt, kẻ xấu. Nhưng, phải thú thật, mỗi lần đi ngang qua chỗ mấy ông nhọ ngồi nơi vỉa hè để bước vào nhà, tôi thấy người tôi cứ rờn rợn làm sao ấy. Tóc tai gì xoắn tít lên một cách gớm ghiếc. Tôi tự an ủi mình rằng có lẽ từ nhỏ đến lớn mình chưa nhìn thấy người châu Phi nên đâm ra như vậy, ở lâu rồi vài bữa sẽ quen đi...
Hôm ấy, dù mặt mày hí hửng vì hai lỗ mũi đánh hơi được mùi nước mắm thơm lừng, nhưng như thường lệ, tôi thò tay chụp cây Smith & Wesson .38 Special nhét vào bụng, nhìn trước nhìn sau cho chắc ăn rồi mới bước xuống xe nhẹ nhàng đóng cửa lại.
Chưa thèm đi đâu vội, tôi đứng lặng yên trong bóng tối một lúc để quan sát bốn phía rồi mời chầm chậm bước vào nhà.
Tôi xin viết vài giòng để cắt nghĩa vì sao tôi phải thủ cây P.38 và cái sự đứng trong bóng tối một cách có vẻ ghê gớm như vậy.
Là phi công, cái tài bay bổng ngày xưa của tôi như thế nào tôi không biết nhưng những cái tài vặt thì tôi có rất nhiều. Một trong những tài đó là tài... nói phét để tán gái, tài bán xăng, tài chở người lậu để kiếm tiền và quan trọng nhất, cái tài bắn súng.
Ở đây, trong cuốn sách này, để khỏi mất thì giờ và để cho mình có vẻ còn một chút liêm sỉ, tôi không nhắc đến cái tài nói phét, tài bán xăng và tài chở người lậu, tôi chỉ nói đến tài bắn súng của tôi.
Cuộc đời binh nghiệp dang dở của tôi, cái giây phút tôi hạnh phúc sung sướng nhất không phải là lúc ra trường được chính phủ gắn lon chuẩn úy, cũng chẳng phải là lúc được các ông thày trường phi hành gắn cái cánh bay lên ngực như nhiều công lý tưởng, mà, than ôi, nói ra còn thấy mắc cỡ, là lúc mà tôi được kho vũ khí sư đoàn 2 Không quân phát cho cây P.38 để đeo ngang hông.
Dù chưa bao giờ sử dụng súng rouleau, tôi ngạc nhiên khi hôm đầu tiên đi thử súng ở một bãi đất hoang ngoại ô thành phố, để một cái lon bia cách đó chừng 15 thước, tôi bắn phát đầu tiên là nó tung lên trời ngay y như trong phim xi nê vậy. Lon vừa rớt xuống tôi lại đẩy nó lên bằng một phát nữa. Rồi lại phát nữa. Mỗi lần tôi bóp cò là bạn bè nhìn thấy lon bia bị hất tung lên cao.
Bắn hết sáu phát đạn, bạn bè tới nhặt lon bia lên vào nhìn thấy đúng 12 lỗ đạn đi ngọt xớt từ bên này sang bên kia. Ngay cả tôi, tôi cũng ngạc nhiên vô cùng. Ngạc nhiên và mừng rỡ thì đúng hơn. Tôi biết, trong thời chiến, cái nghề gì không biết chứ nghề bắn súng giỏi thế nào cũng có ngày được trọng dụng.
Từ đó, dù biết mình có tài bắn súng trời cho nhưng nghề lái tàu bay của tôi không cho phép tôi sử dụng súng bắn Việt Cộng nên đành để "tài năng của mình chìm vào quên lãng."
Quên lãng cho đến khi mất nước sang Mỹ, một đêm đi làm về thì tôi bị một ngài da đen từ trong bóng tối nhào ra giơ tay xin tiền. Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, tôi đâu có quen với hình ảnh một ông khổng lồ người đen thùi lùi với hai hàm răng trắng nhởn xuất hiện bất ngờ từ trong bóng tối, nên tôi giật thót mình một cái và kinh hoảng thật sự. Kinh hoảng đến độ muốn thét ré lên một tiếng y như là mình vừa gặp ma quỷ vậy.
Ông nhọ da đen thấy tôi yếu bóng vía như vậy thì khoái chí lắm, vừa cười hề hề cho cái sự nhát gan của tôi vừa cất cái giọng Mỹ đen nhừa nhựa: Hey man... motherfuck you man. Give some money man. (Ê mày! Đù mẹ mày, thằng chết tiệt. Đưa cho tao một ít tiền mày!)
Giọng nói đã nham nhở như vậy nhưng chưa ghê gớm bằng những gì tôi nhìn thấy trong cặp mắt nó. Những gì tôi đọc được trong cặp mắt thằng nhọ làm tóc gáy tôi dựng ngược. Đây là cặp mắt của một thằng đã say thuốc cần sa hay ma túy. Tôi chẳng lạ gì với những cặp mắt say thuốc mất hết lương tri này.
Tôi tuy là một thằng nhát gan, bình thường ít khi gây gỗ với ai nhưng từ nhỏ, tôi chưa hề để cho ai ăn hiếp. Có lẽ vì trời sinh tôi ra nhỏ con, dễ cho người ta ăn hiếp nhưng lại không bao giờ chịu để ai ăn hiếp nên đời tôi đã từng nhiều lần vào tù ra khám.
Tôi đứng lặng nhìn ông nhọ, hai tay run lên bần bật vì sợ hãi nhưng không hiểu sao, hình như do một động lực vô hình nào đó thúc đẩy, tôi nhủ thầm với lòng mình rằng nếu số mình phải chết thì sẽ chết tại đây, ngay tối hôm nay chứ nhất định không thèm thí cho thằng đen này dù chỉ một cắc.
Tôi bướng như vậy đó, chỉ tổ khổ thân. Chẳng những bướng, trời sinh ra từ thuở nhỏ thường đã thích mưu sâu kế độc. Trong giây phút thập phần nguy hiểm đó, tôi liền nghĩ đến một cái kế...
Số là, chắc nhiều người còn nhớ, vào khoảng những năm 1972 đến 1975, với sự xuất hiện lẫy lừng của Lý Tiểu Long, phim Kung-fu đang là một mốt thời thượng trong xã hội Hoa Kỳ. Người Mỹ ngây ngô, khi xem phim Tàu nhìn thấy Lý Tiểu Long đấm đá ào ào trên màn bạc, họ cứ tưởng là người Á Đông nào sinh ra thì cũng có máu võ công trong người. "Mưu kế" như tôi thì phải biết chộp ngay lấy cơ hội này để "tiến thân." Thế là, khi vừa đến Mỹ, ngay ngày đầu tiên đi làm trong sở, sau khi tự giới thiệu mình với một thằng choai choai khác mình là người Việt Nam, câu hỏi đầu tiên nó hỏi tôi là: “Mày người Á Đông, mày có biết Kung-fu không?"
A, ra là thằng này cũng có coi phim Kung-fu! Khỏi cần phải trả lời làm chi cho phí sức, tôi bèn... trợn mắt xuống tấn, múa hai tay, đá hai ba cái vào gió nghe vù vù (xém tí nữa thì tôi mất đà té lăn cù), rồi gật gù trả lời bằng thứ tiếng Anh bập bẹ:
- Yes, I know Kung-Fu.
Quả thật, người Mỹ, nhất là... con nít Mỹ rất là ngây thơ, chỉ cần vài cú đá gió bậy bạ mà từ đó thằng Mẽo choai choai này cứ đi theo tôi, coi tôi là thần tượng, mua coca cho tôi uống và gạ gẫm tôi dạy nó Kung-Fu. Cái trò múa chân múa tay theo kiểu múa quyền thì người Á Đông mình ai múa lại chả được, nhưng tôi chẳng có một miếng võ nào trong người thì làm sao dạy được nên cứ khất lần khất lựa. Nhiều khi bị nó gạ dữ quá, tôi bèn làm bộ trừng mắt nhìn nó mà nói:
- Mày phải tập cho tính tình của mày trở nên hiền lành tử tế cái đã rồi tao mới dạy Kung-fu cho được. Mày du côn như thế, dạy cho mày, mày đánh chết người ta thì tao ở tù mọt gông."
Thế là thằng Mỹ con, dù xưa này vốn là một thằng rất hiền, lại càng trở nên hiền hơn nữa, hiền đến độ tôi lấy làm bực mình. Nhưng may quá, một ngày, nó vào sở xin nghỉ việc để chuẩn bị lên đại học. Tôi mừng rỡ vô cùng vì sự láo khoét của mình không bị người ta khám phá. Đồng thời, cũng tự an ủi mình rằng, biết đâu chừng nhờ lời khuyên của tôi mà thằng đó rồi đây sẽ trở thành một nhà hiền triết. Quả đất này có thêm thằng một mất dạy như tôi thì chẳng ra gì, nhưng có thêm được một nhà hiền triết thì thật là may mắn. Và cũng từ đó, tôi chẳng dại gì khoe Kung-fu với ai nữa.
Cho đến tối hôm nay...
Bây giờ, trong giây phút nguy hiểm này, tôi quyết định dùng cái ngây ngô của người Mỹ để làm kế cứu mình. Tôi bèn làm mặt nghiêm và buồn, đứng lui lại mấy bước, trợn mắt xuống trung bình tấn, cong hai tay lên như Lý Tiểu Long sắp sửa đánh nhau trong phim Tàu và dõng dạc nói:
- Đéo có tiền bạc gì hết. Tao biết Kung-fu.
Nói xong, tôi căng mắt để ý nhìn nó để chuẩn bị. Không phải chuẩn bị tấn công mà chuẩn bị... chạy nếu nó cứ xông tới.
Dưới sự ngạc nhiên của tôi, thằng da đen đang say cần sa nghe tôi nói vậy thì chẳng có vẻ gì nể phục mà lại bật cười lên hì hì, giọng đầy thách thức:
- Kung-fu, Kung-fu cái con c. tao! Đù mẹ, tao cũng biết Kung-fu nữa...
Nói xong, chẳng cần bái tổ cho đúng điệu con nhà võ, chẳng cần ra dấu, chẳng cần chờ đợi, nó liền lao vào tôi như con bò mộng húc vào con cừu non. Chân trái của nó cũng đồng thời chĩa tới trước như một cái dùi, tay trái chém xuống một nhát thật mạnh như một con dao.
Mẹ kiếp, thằng Mỹ đen này biết Kung-fu thật chứ chẳng phải đùa, tôi rủa thầm trong lòng. Và dù đã chuẩn bị tinh thần để... chạy, tôi chẳng thể nào chạy kịp vì nó ra tay mau quá, đẹp quá, chẳng thua Lý Tiểu Long chút nào. Tôi bị liền một lúc hai đòn bốp bốp, một vào mặt và một vào ngay bụng ngã bật ra sau. Nằm lăn chiêng trên mặt đất, mặt mày và đầu óc ê ẩm, tôi mới kinh hoảng nhận ra một điều ghê gớm là thằng đen này có thể giết tôi chết đêm nay...
Cái kế đầu của tôi tuy thất bại, chẳng lừa được ai lại còn bị ăn đòn nhưng khi hữu sự thì tôi cũng nẩy ra được một cái kế khác. Và tôi thực hành liền.
Thế là tôi nhẹ nhàng thò tay nắm một nắm cát trong tay, đồng thời miệng la lên oai oái
-OK! OK! I am sorry, để tao cho mày tiền, mày đừng có đánh tao nữa... Tao có tiền. Tao đưa mày tiền.
Sau khi hạ được Lý Tiểu Long giả một cách dễ dàng lại nghe tới chữ "tiền" đầy hấp dẫn, ông cao thủ Kung-fu da đen liền thôi tấn công, sửa thế đứng rồi nhìn tôi cười hề hề bằng một giọng cao ngạo, sảng khoái.
Đù mẹ thế là mày trúng kế tao rồi!
Tôi liền chống tay đứng dậy, cảm thấy miệng mằn mặn và đồng thời cũng "đau khổ" nhận ra là máu từ miệng đang nhỏ từng giọt xuống áo mình.
Dưới ánh đèn vàng vuột của khu chung cư, tôi tiến lại nó và thò tay vào túi móc tiền. Tôi dơ tay lên, xòe ra cho nó thấy một nắm bạc cắc và tiền giấy trong lòng bàn tay.
Thằng đen nhìn tôi có vẻ khoái chí, lại nhe hai hàm răng trắng bóc cười hề hề. Có thế chứ! Thằng tị nạn da vàng này kể ra cũng dễ dạy chứ không đến nỗi...
Đúng lúc nó cúi đầu xuống và thò tay ra nhận tiền, tôi vung tay phải ném thật mạnh nắm cát vào mắt nó rồi nhảy lùi ra sau.
Nắm cát của tôi quả thật là tàn độc. Thằng da đen ôm lấy mặt lăn lộn, chửi bới um sùm. Nó không còn thấy đường nữa nhưng múa may quay cuồng, dơ tay đấm đá túi bụi vào chung quanh...
Đã đến lúc cho tôi trả thù.
Tôi liền xoay người đi kiếm một khúc cây. Phải là cây cỡ 2x4 thì đánh thằng này mới sướng tay. Nhưng bố khỉ, cây cọ bình nhật tôi thấy đầy dẫy nhưng lúc hữu sự cần đến thì chẳng tìm thấy dù một khúc nhỏ. Không thể chờ lâu hơn, tôi vớ đại một hòn gạch rồi lẹ làng tiến tới bên nó.
Thành thật mà nói, tôi bình sinh không có máu hiếu sát nhưng ai đã xin tôi một tí huyết, tôi phải đòi nợ, và thường thường thì phải cả vốn lẫn lời. Thế là tôi vung viên gạch lên đánh xuống ba lần, nhưng lần nào cũng đánh hụt vì thằng đen múa may quay cuồng mau quá. Tôi cứ ước rằng giá mình có một khúc cây trong tay thì nhất định tôi sẽ đánh nó bể sọ chết ngay đêm nay.
Tôi không dám tới quá gần và nó thì múa may dữ tợn quá nên tôi chẳng trả thù được phát nào cả. Đang "đấu gió" như vậy thì tôi nhìn thấy một cánh cửa bật mở và một bà hàng xóm trong chung cư bước ra. Thấy tình cảnh, bà liền quay trở vào hét to lên với một người nào đó trong nhà: "Call the police!"
Ai cũng biết, police tiếng Việt là "Phú lít" hay là cảnh sát. Mấy tiếng này tôi đã kỵ từ thuở còn đi học, từ thuở đi lính, và sang đất Mỹ mới chân ước chân ráo thì tôi còn kỵ nó hơn nữa.
Thế là tôi "quên hết hận thù", vất hòn gạch xuống đất và co giò chạy lẹ. Chạy được chút xíu, nghĩ ra một chuyện, tôi liền dừng bước, quay trở lui lượm hòn gạch cầm tay rồi lại chạy tiếp. Theo đúng sách vở binh pháp, tôi không chạy về nhà, mà chạy ngược ra đường cái để đánh lạc hướng theo dõi của bất kỳ ai.
Ra một quảng vắng, tôi đập bể hòn gạch thành nhiều mảnh nhỏ rồi vất xuống ống cống (bắt chước giống y hệt như cảnh trong phim bố già, nhưng tụi nó đập bể súng để phi tan, còn tôi thì đập …cục gạch).
Sau đó, tôi bí mật trở về khu chung cư bằng ngõ sau.
Vào phòng, tôi không dám bật đèn, thay quần áo ngủ thật mau và phóng tót lên giường. Tôi tính rằng nếu cảnh sát có đến hỏi tôi thì tôi sẽ trả lời là đang ngủ say từ hồi chiều tới giờ, chẳng biết gì cả.
Nhưng sự chuẩn bị chu đáo của tôi, sau đó tôi biết là quá đáng, ngây thơ, ngu dốt và chẳng cần thiết chút nào. Ngu dốt vì trước hết, tôi là người bị đòn, là nạn nhân chứ không phải là người tấn công. Người đúng ra phải bỏ chạy là thằng đen khốn nạn kia chứ không phải tôi. Thứ hai, dù tôi không thưa kiện thì cũng chẳng có gì đáng phải bỏ chạy bởi vì tôi chưa động chạm gì tới người nó cả. Thứ ba, quan trọng nhất, tôi khám phá ra một điều là cảnh sát Mỹ ít khi nào có thì giờ để đi bảo vệ an ninh cho những thằng Mỹ nghèo. Họ chỉ lái xe một vòng phía ngoài chung cư cho có lệ rồi đi luôn. Tôi nghiệm ra rằng trong bất cứ xã hội nào cũng vậy, người nghèo khổ luôn luôn là những người bị thua thiệt nhiều nhất. Chẳng có ông cảnh sát nào lại bỏ thì giờ đi điều tra những thằng nhà nghèo giết nhau hay đánh nhau. Thật ra, bọn nhà nghèo chúng mày giết nhau càng nhiều thì chúng ông càng mừng, chính phủ đỡ phải tốn tiền nuôi cơm.
Biết được điều đó, tôi cứ thấy rợn rợn trong người. Rợn trong người nhưng đồng thời cũng rút ra được nhiều bài học quý giá. Chính những bài học này đã trở nên hữu dụng cho tôi vô cùng.
Sau một đêm dài nằm ôm cái mặt sưng vù để... suy tư, sáng hôm sau, tôi quyết định đi mua một cây súng để phòng thân. Mình tứ cố vô thân, không bạn bè không thân thích, lại sống giữa một bọn người như vậy mà cảnh sát không bảo vệ mình được thì mình đành nhờ cây P.38 bảo vệ mình thôi. Cũng đành vậy chứ biết sao!
Hai ngày yên lặng trôi qua...
Qua hai ngày không thấy gì, vết sưng trên mặt đã xẹp xuống, răng đã bớt đau, ăn uống lại được đàng hoàng, tôi tưởng mọi chuyện đã yên rồi nên cũng mừng thầm trong lòng. Mỗi lần thắng xe trước nhà, nhớ lại cảnh bị bắt nạt, lòng tôi đau nhói nhưng chỉ biết lắc đầu và tự an ủi bằng một câu nói trong sách nhà Phật: "Lấy oán báo oán, oán chồng chất. Lấy ân báo oán, oán tiêu tan."
Dĩ nhiên, một người phàm tục như tôi thì chắc còn lâu mới tính tới chuyện lấy ân báo oán nhưng ít nhất, nhờ tự an ủi bằng câu nói ấy mà có lẽ tôi sẽ quên được chuyện đó. Thôi thì cũng coi như chuyện năm xui tháng hạn, người ta thì của đi thay người còn tôi thì bị... ăn đấm thay người.
Nhưng tôi chưa mừng được bao lâu thì sáng ngày sau ra xe đi làm, tôi tá hỏa tam tinh khi nhìn thấy bốn vỏ xe của mình đã bị một bàn tay bí mật nào đó cắt đứt, nằm bẹp dí xuống đất như con rệp. Thằng khốn nạn nào chơi cú này nhất định phải là dân thiện nghệ vì khi cho xe kéo vào ga ra, người thợ máy nhìn qua một cái là lắc đầu nguầy nguậy liền, bảo vỏ bị cắt ngang hông như thế này thì chịu, không thể nào vá được. Tôi đành phải cắn răng bỏ tiền ra mua bốn cái vỏ xe mới. Vỏ xe mới, dù là thứ rẻ nhất, đang "on sale" giá cũng là 25 đồng một cái. Đã hết đâu, cộng thêm mấy thứ tiền lẩm cẩm như tiền nút hơi, tiền cân bằng bánh xe, tiền thuế, tiền nhân công, vân vân, tôi được người thợ máy đưa cho tờ biên lai với giá tiền tổng cộng là 150 đô la. Số tiền làm tôi chóng mặt. Lương rửa chén 2 đồng một giờ, làm một tuần trừ hết thuế má rồi đem về nhà có 55 đồng mà phải xì ra trả một quả một trăm rưỡi thì có bị …thiến cũng không đau bằng.
Mà quả thật, khi đưa tiền người thợ máy, tôi vừa đưa vừa nhăn mặt hít hà như đang bị một bàn tay vô hình nào đó bóp cái của nợ. Thằng thợ máy bấm máy tính tiền nghe lốp cốp rồi còn nhìn tôi cười cười bảo:
-Cái bộ thắng của mày cũng sắp hư rồi đó. Tao sẽ gặp mày một ngày rất gần (nguyên văn là I will see you soon).
Tôi cười méo miệng, mồ hôi trán toát ra, gật gù: "Yes, yes, I'll see you soon" nhưng trong lòng thì chỉ nghĩ đến cái thằng chó đẻ khốn nạn nào đã làm tôi phải tiêu gần hết số tiền của 5 tháng trời dành dụm.
Tôi mơ hồ biết kẻ cắt vỏ xe mình là ai nhưng không có bằng chứng thì đành chịu. Chém chết nhất định phải là cái thằng đã đánh tôi vào buổi tối hôm nọ. Vấn đề là tôi phải giải quyết chuyện này như thế nào? Đi thưa cảnh sát ư? Thành phố Kansas City này mỗi ngày chúng nó bắn nhau chết 2, 3 mạng mà không ai có thì giờ đi điều tra, cảnh sát nào lại bỏ thì giờ đi điều tra xem thử thằng nào đã cắt cái vỏ xe của một thằng tị nạn Việt Nam ấm ớ? Hay tôi phải đi kiếm thằng đen hôm nọ rồi đánh nhau với nó một trận nữa chăng? Không thể được. Nó là Kung-fu thứ thiệt, mình là Kung-fu... mồm, chẳng biết một miếng võ thì đánh đấm gì. Tôi lại nghĩ, hay mình trốn vào một chỗ nào đó rình rồi bất ngờ nhảy ra kê súng vào đầu nó mà nổ một phát? Lòng tôi tươi lên một chút khi nghĩ đến đó nhưng nghĩ lại thì giải pháp này tuy có vẻ dễ thực hiện nhưng tôi chưa giết người bao giờ nên còn ngại lắm. Hơn nữa, bốn cái vỏ xe không đáng để giết người.
Ra khỏi tiệm sửa xe, tôi cứ bực tức suy nghĩ về những vấn đề này mãi và đâm ra hối hận, giận mình vì đã không thí cho nó vài chục cents tối hôm đó.
Khi người ta đau khổ mà bất lực trước hoàn cảnh nào đó thì người ta dễ trở thành triết nhân hay thánh nhân. Tôi quyết định trở thành thánh nhân, và một lần nữa, lại tự an ủi mình bằng câu tục ngữ: "Năm xuôi tháng hạn, ...vỏ xe đi thế người."
Chiều đó lái xe về nhà, tôi đậu ở một chỗ sáng sủa dưới ánh đèn, vừa bước vào thì đụng đầu ngay cái thằng đen hôm nọ. Tôi sững người đi một lúc nhưng nó thì cứ tỉnh bơ. Trời đất, thằng chó đẻ lại đang say thuốc rồi, tôi dám chắc như vậy.
Thấy nó phớt tỉnh, tôi cũng cúi đầu tính phớt tĩnh Ăng-lê mà đi, nhưng nó lại chận tôi lại, cười cười và hỏi xách mé: "Hê, mày không cho tao tiền, mày bỏ tiền mua vỏ xe mới cũng vậy."
Vừa bị đòn mặt sưng vếu lên cách mấy ngày, vừa mất gần hết gia tài của 5 tháng trời dành dụm, và đã chịu lép vế tính bỏ đi nhưng bây giờ lại bị nghe cho một câu như vậy thì có thánh chắc cũng phải nổi điên. Tôi không phải là thánh cho nên tôi có một ý nghĩ khác. Tôi muốn giết người. Giết thật tình. Tôi biết, tôi chắc và tôi thề với lòng mình: "Mình phải giết chết tươi cái thằng đen này."
Tự nhiên, với cái quyết tâm... giết người trong đầu, tôi tự nhiên trở nên bình tỉnh, tự tin, và... phấn chấn vô cùng. Tôi dừng bước, nhìn nó và... mỉm cười thân thiện. Chỉ có mình tôi biết được đây là nụ cười thân thiện của một con cọp cười với con nai trước khi vồ mồi. Không hiểu sao tôi lại có cái cảm tưởng mình là cọp như vậy. Có thể tại vì ý muốn giết người nung nấu trong tim tôi.
Thấy tôi cười, thằng đen hôm nọ lại giơ tay ra, mặt mày hiu hiu tự đắc, điệu bộ y hệt buổi tối hôm nào. Giọng nó cũng nhầy nhụa:
- Mày, mày cho tao xin chút tiền...
Tôi bình thản thò tay vào trong chiếc áo da, nắm chặt cán cây Smith & Wesson 38 special vừa mới mua cách đây mấy này. Tôi đã có quyết định. Nếu nó nhào tới, tôi sẽ không ngần ngại móc chó lửa ra nổ liền. Nổ đẹp, nổ ngay vào giữa cái trán đen thùi lùi nhô ra như trán khỉ mà không cần thắc mắc, không cần đắn đo hay do dự. Tôi quả quyết như vậy và đồng thời cũng ngạc nhiên vô cùng khi thấy tay mình chẳng run, hơi thở bình thường, chẳng có gì sợ hãi cả. Bố già ngày xưa đi bắn người ta chắc cũng bình tỉnh như tôi là hết cỡ.
Tôi lạnh lùng nhìn thẳng vào mặt nó và trả lời:
- Tao có tiền nhưng không muốn cho mày.
Thằng đen như có vẻ giật mình và ngạc nhiên trước sự quyết liệt của tôi. Chắc nó tưởng rằng sau trận đòn vừa rồi thì tôi đã phải quỳ xuống đất mà đưa tiền cho nó. Nó đứng lặng yên một lúc như không biết phải nói gì rồi tự nhiên, thằng khốn nhắm cặp mắt đười ươi lại, nhe răng cười rồi nhắc lại:
- Mày không cho tao tiền, mày bỏ tiền ra mua vỏ xe cũng vậy.
Nói như vậy thì ra chính nó là người đã cắt vỏ xe tôi. Nhớ lại 5 tháng trời không dám ăn không dám mặc, dành dụm từng xu từng cắc để rồi cuối cùng nhìn số tiền của mình chấp cánh bay đi, máu trong người tôi sôi lên sùng sục. Tôi đã toan xoay người bỏ đi nhưng nghe nó nói vậy, liền nhìn thẳng vào mắt nó, dõng dạc nói:
-Vỏ xe tao mà bị cắt lần nữa, tao giết mày.
Tiếng Mỹ câu "tao giết mày" là "I kill you".
Tối đó, tuy khả năng Anh ngữ của tôi còn yếu nhưng tôi nói rõ ràng và chậm rãi, chắc nịch như đinh đóng cột.
Thằng đen tưởng tôi nói đùa, liền bật lên cười hề hề:
- Giết à? Ghê nhỉ, để coi xem.
Tôi xoay người bước đi, còn nghe tiếng cười ngạo nghễ của nó phía sau.
Nhưng đêm đó tôi chẳng thể nào ngủ ngon được bởi vì lâu lâu cứ phải thức giấc để ra canh chừng chiếc xe. Nhiều khi vào khoảng nửa khuya, tôi ôm cây súng ra ngồi im lìm trong xe cả nửa tiếng đồng hồ để chờ thằng phá hoại tới. Tôi dự tính hễ có thằng nào mon men ra tính cắt võ xe tôi thì tôi sẽ nhào xuống bắn chết tươi nó liền.
Hồi đó tôi còn trẻ nên quyết liệt lắm...
Nhưng đêm đó trôi qua bình yên vô sự. Đêm sau nữa tôi cũng làm như vậy. Và đêm sau nữa cũng y như vậy...
Khỏi cần nói chắc ai cũng biết cái hậu quả của những đêm "gác tuyến" như vậy. Chỉ trong vòng vài ngày, người tôi đâm ra phờ phạt vì thiếu ngủ. Vào trong sở, tay tôi thì rửa chén mà mắt thì cứ ríu lại, đầu óc như người đi trên mây xanh. Nhiều khi buồn ngủ quá, tôi phải ra lấy nước đá vụn sát vào mặt. Vậy mà chỉ được chừng năm mười phút là tôi lại ngủ gà ngủ gật để đến nổi xịt nước sôi dùng để tráng chén vào cả tay mình, nóng muốn phỏng da.
Chuyện này không qua khỏi được cặp mắt của ông "chef cook", là xếp của trực tiếp của tôi, tên Bob.
Phải nói về ông Bob.
Bob là một người Mỹ da trắng tuổi khoảng trên 40 và rất tốt bụng. Đặc biệt, vì đã từng là một hạ sĩ quan trong TQLC Mỹ, có đánh nhau mấy năm ở Việt Nam nên ông ta rất thích người Việt. Chính ông ta là người đề nghị mướn tôi vào làm với ông ta.
Ngày tôi nhận việc, ông Bob bênh tôi ra mặt, chỉ bảo tôi những việc phải làm trong nhà bếp bằng một thái độ ân cần dễ mến như một người anh với đứa em. Điều này làm một vài nhân viên khác trong nhà bếp không vừa ý, vì thế, tôi bị chúng nó trả thù bằng cách hay sai vặt. Sai vặt toàn những chuyện đúng ra là chúng nó phải làm chứ chẳng phải tôi. Như lúc thì thằng phụ nấu ăn bảo tôi đi rửa mấy cái song chảo khổng lồ, lúc khác con mẹ lo về rau cải sai tôi tới phụ cắt rau. Lại có khi, thằng bồi ở ngoài lại chạy vào nhà bếp ra lệnh cho tôi phải lấy giẻ đi chùi cầu tiêu ở ngoài, v.v.
Những việc này hoàn toàn không phải việc của tôi, nhưng lúc ấy tôi chân ước chân ráo chẳng biết gì, chẳng thèm thắc mắc. Hơn nữa, tiếng Anh bập bẹ như vậy thì cãi lộn với chúng nó xem ra còn mất công và mỏi tay hơn là sách giẻ đi làm quách cho rồi. Cũng từ đó, tôi có thêm được một triết lý sống ở đời: phải sống như rồng. Sống như rồng nghĩa là khi mình xuống ao tù thì phải nhún mình làm bạn với tôm tép, chờ cho đến lúc được lên mây thì hô phong hoán vũ, lấp bể dời sông cũng chẳng muộn. Nước mất, quân đội tan hàng, đời tôi đang ở trong kinh lạc ao tù, phải biết chấp nhận làm tôm tép...
Vì thế, tôi đầu tắt mặt tối bận bịu suốt cả ngày.
Nhưng một sáng, ông Bob đi làm trễ, vào kiếm tôi không thấy. Hỏi ra mới biết tôi đang bận chùi cầu tiêu ở ngoài. Thế là Bob nổi cơn lôi đình. Ông cho tập họp cả nhà bếp lẫn nhà ăn lại trước mặt ông rồi dõng dạc ra lệnh:
- Từ này về sau tao cấm chúng mày không được sai vặt "Mr. Lee." Chúng mày không thấy mắc cỡ khi phải lợi dụng một người tị nạn đi làm thế việc cho chúng mày sao? Nói cho chúng mày biết, Mr. Lee vì bất đắc dĩ mới phải bỏ quê hương nó sang đây để đi làm cu li, nó mà còn ở quê hương nó thì chúng mày không đáng xách giày cho nó. Liệu hồn, từ này về sau tao mà tao còn thấy chúng mày sai vặt nó thì tao phát cho một tờ giấy đỏ. Ba tờ giấy đỏ là tao đuổi cổ, chớ có giỡn mặt!..
Lúc ấy vốn liếng tiếng Mỹ tôi rất ít. Ông Bob còn nói nhiều nữa nhưng tôi chỉ đại khái hiểu có vậy. Rồi ông bảo tôi: "Bổn phận mày chỉ là rửa chén và chùi nhà bếp. Thằng nào sai vặt cứ nói tao biết, tao sẽ đuổi cổ."
Thỉnh thoảng, sau giờ làm, ông dắt tôi ra bar mua cho tôi một chai bia, hai người ngồi nói chuyện đời xưa, những ngày oanh liệt còn trong quân ngũ. Đúng ra chỉ có ông Bob nói còn tôi thì chỉ ngồi nghe vì vốn liếng tiếng Mỹ quá ít. Nhưng nghe nhiều rồi cũng thành quen tai và cũng hiểu được. Nhờ đó, tôi biết ông Bob có một dĩ vãng thật lẫy lừng, đã từng vào tù ra khám. Ông kể cho tôi nghe sau khi trở về từ Việt Nam, ông bị sa thải khỏi binh chủng TQLC vì một chuyện như sau:
Hồi đó, khoảng cuối thập niên 60, phong trào phản chiến đòi hòa bình nổi lên dữ dội. Chính những thằng sợ đi lính lại là những thằng phản đối mạnh nhất. Lý do rất đơn giản là nếu chúng nó phản đối chiến tranh mà thành công thì chúng nó khỏi phải đi lính. Bọn phản chiến này thường tụ tập trước cổng các trại lính hay các cơ quan chính phủ mà biểu tình hay phản đối.
Vừa trở về từ Việt Nam, một buổi sáng lái xe díp nhà binh ra khỏi cổng, ông Bob bị một đám người biểu tình chận đường. Chẳng những chận đường không cho đi, chúng nó còn dùng lời lẽ thô tục để lăng mạ người chiến sĩ vừa nằm gai nếm mật hết mấy năm để làm tròn bổn phận công dân.
Bực mình, máu TQLC trong người nổi lên, ông Bob cũng dùng lời lẽ thô tục để chửi lại chúng nó. Một thằng biểu tình ngu dại nhổ nước bọt vào người ông. Thế là ông trung sĩ TQLC nổi cơn điên. Điên thật tình, ông kể lại như thế. Ông tắt máy xuống xe giộng cho thằng mất dạy kia một trận thừa sống thiếu chết. Đám người biểu tình vây lấy ông toan bề hội đồng nhưng bọn chúng nó làm sao nhanh tay bằng một cựu quân nhân được. Đã dám một mình một ngựa xuống đây ăn thua với bọn mày thì tao đã có cách trị chúng mày. Chờ cho chúng nó tới gần, ông Bob thò tay rút cái xẻng nhà binh đeo ở bên hông xe díp ra mà quật tụi bụi vào chúng nó.
Cái xẻng nhà binh quả thật là... cứng. Ông quật bể đầu hết gần mười thằng, máu me dính đầy xẻng mà nó vẫn còn nguyên một miếng, không gãy. Những thằng bị quật nằm một đống trên mặt đất, những thằng khác bỏ chạy hết.
Ông Bob chỉ tự vệ, chẳng có tội gì nhưng dưới áp lực của đám nghị sĩ phản chiến thời đó, ông bị đưa ra tòa án quân sự. Họ xử trắng án, nhưng ông phải lãnh một bản án khác rất đau đớn cho riêng mình: bị sa thải khỏi TQLC.
Bob kể đến đó như muốn rớm rớm nước mắt. Không ai hiểu được sự ràng buộc giữa ông và TQLC. Cuộc đời ông là TQLC. Gia đình ông là TQLC. Tương lai ông nằm trong TQLC. Bị đuổi ra khỏi TQLC, ông như con cá bị kéo ra khỏi nước. Ông ngơ ngác, điên dại sống vất vưởng, phải mất gần cả năm mới lấy lại được phong độ, trở lại bình thường.
Nhưng, như một vị danh tướng nào đó đã nói, "người ta có thể đem tôi ra khỏi quân đội nhưng không ai có thể đem quân đội ra khỏi tôi", bị sa thải khỏi TQLC thì ông tìm thứ lính nào dữ hơn TQLC để đăng vào.
Mấy tháng sau khi lấy lại được phong độ, ông Bob bán hết nhà cửa qua Pháp, tình nguyện vào đội quân Lê Dương của Pháp. Cuộc đời lính Lê Dương cũng lắm phiêu lưu mạo hiểm nhưng theo ông, không thể nào so sánh với "binh chủng mẹ" là TQLC.
Người lính TQLC Mỹ có dáng dấp của một kẻ hiệp sĩ xả thân vì đất nước, người lính Lê Dương chỉ là một tập họp kinh khủng và lạ lùng của những thành phần giang hồ tứ chiến nếu không nói là nguy hiểm của xã hội. Mấy năm trời ở Nhảy Dù Lê Dương, đội nón đỏ và lê gót giày đinh đi hầu hết khắp nơi trên thế giới, leo lên đến chức cai đội, ông học được nhiều điều và sở trường nhiều tài vặt. Một trong những cái "tài vặt" quan trọng đã trở nên hữu dụng cho ông là tài nấu ăn món Pháp. Khi mãn nhiệm kỳ trở về Mỹ, ông được nhiều chỗ trọng dụng và cuối cùng trở thành "chef cook," cai quản cái nhà bếp cho khách sạn lớn này từ đó đến nay.
Có một điều hơi lạ nơi ông Bob mà mãi sau này tôi mới hiểu được, là thỉnh thoảng ông bỏ sở đi mất biệt mấy ngày hay cả vài tuần lễ mới trở về. Tôi biết là không phải vacation bởi vì nghỉ vacation thì phải xin phép trước một tháng. Đằng này, nhiều khi ông Bob đang nấu nướng ngon lành, chỉ cần một cú điện thoại gọi tới là ông cởi tạp dề và biến mất trong vòng nửa tiếng đồng hồ, giao hết mọi việc cho thằng phụ tá. Lạ thêm một điều nữa là ông Bob đi như vậy mà từ ông quản lý xuống cho đến đám bồi, không ai dám có ý kiến hay thắc mắc…
Dĩ nhiên, cặp mắt ngầu đỏ và cách làm việc của tôi không thoát khỏi được cặp mắt diều hâu của một người như ông Bob. Ông kêu tôi ra ngồi nói chuyện, hỏi nguyên do. Tôi kể chuyện mình gây gổ rồi bị cắt vỏ xe, tối tối phải thức canh chừng nên không ngủ được trọn giấc.
Ông Bob nghe xong liền vỗ bàn cười hề hề rất thích chí làm tôi ngạc nhiên. Lúc này nhờ đi học thêm Anh văn ban đêm nên vốn liếng tiếng Anh của tôi đã khá khá rồi, có thể nói chuyện tay đôi với ông ta được.
Ông ta nói:
-Thằng phi công Việt Nam, mày đi nước cờ đầu trật lất rồi con trai. Mày sẽ hối hận vì nó sẽ còn cắt vỏ xe mày nữa, và cắt dài dài cho mày coi.
Tôi lắc đầu:
-Tôi đã đậu xe ra chỗ sáng, và nửa đêm tôi thức dậy canh chừng nó hoài, có khi một đêm bốn năm lần, làm sao nó cắt vỏ xe của tôi được nữa?
Bob lại cười hì hì:
-Mày ở Việt Nam đánh giặc chắc mày biết, cái thằng da đen đó bây giờ nó cũng như là Việt Cộng đánh miền Nam chúng mày ngày xưa...
Cha nội TQLC kiêm Lê Dương này nói lạ quá. Tôi ngạc nhiên hỏi:
-Thằng da đen này có liên quan với thằng Việt Cộng như thế nào?
-Này nhé... Ngày xưa miền Nam chúng mày chẳng lo tấn công mà cứ lo phòng thủ, còn thằng Việt Cộng thì rình rình rồi xuất ký bất ý dồn lực lượng để đánh chúng mày một đòn chí tử. Tấn công lúc nào, vào chỗ nào, ở chiến trường nào hoàn toàn tùy thuộc vào chúng nó. Mày bây giờ có hơn gì. Mày cứ lo canh chừng còn nó thì ở trong bóng tối. Trong lúc mày khốn khổ, mất sức như thế để đề phòng, nó cứ mặc tình ăn chơi hút sách cho đã rồi bất thình lình một tối nào đó, thừa lúc mày mệt mõi, sẽ nhào ra cắt vỏ xe mày một lần nữa. Mày làm sao đỡ nổi. Đây là chiến thuật căn bản của nhà binh, mày quên rồi sao? Mày liệu sức mày có thể thức canh nó bao nhiêu lâu nữa?
Tôi tái mặt lại và thấy tình thế bây giờ quả đúng như thế. TQLC Mỹ có khác.
- Vậy thì theo ông, đúng ra, tôi phải làm gì?
Ông Bob nghiêm liền nét mặt, nét hung tợn của TQLC hiện ra:
- Đáng lý ra, ngay từ lần đầu tiên lúc mày bị nó chơi như vậy thì mày phải làm dữ lên. Mày phải xông vào nhà nó, kê súng vào đầu nó dắt ra ngoài xe và bắt nó phải bồi thường cho mày. Nó không bồi thường thì mày nổ cha cho nó một phát vào đầu rồi ra sao thì ra...
Tôi giật mình đánh thót. Cha nội này nói chuyện giết người đơn giản và dễ dàng cứ như chuyện chặt thịt bò trong nhà bếp. Giọng tôi bối rối:
- Nhưng ông Bob, mình ở một nước tự do, tôi đâu có thể làm như vậy được. Làm vậy tôi ở tù mọt gông.
- Đúng! Mày đang ở trong một nước tự do nhưng lại sống trong khu chung cư phi luật pháp.
- Phi luật pháp? Tôi tưởng đất Mỹ này là đất có luật pháp ngon lành nhất thế giới.
Bob lắc đầu, ngoéo tay ra dấu bóp cò súng:
- Luật pháp của Hoa Kỳ không bò vào tới mấy cái khu chung cư nghèo hèn đó được... Trong khu đó, đúng ra thì có luật đó chứ, nhưng đó là luật của cây súng, luật của kẻ mạnh, hay là luật rừng. Mày đã kể tao nghe chuyện tối hôm đó. Mày có thầy thằng cảnh sát nào dám mạo hiểm vào chỗ đó để điều tra không?
Bob quả thật chí lý. Tôi gật gù:
- Không! Chẳng thấy ai cả.
- Mày thấy không? Đại diện của luật pháp là cảnh sát. Mày bị chúng nó đập cho sưng vếu mặt mày mà cảnh sát không thèm bò vào hỏi han một tiếng tức là luật pháp bị... vắng mặt rồi. Nếu mày là da trắng và nếu mày ở trong một khu sang trọng như khu tao đang ở thì thằng khốn đó giờ chắc chắn đã bị còng đầu rồi. Nghe tao đi, tao sinh ra và lớn lên ở đây, tao biết xã hội này. Nếu sáng đó mày kê súng vào đầu, dắt nó đi thì một là mày sẽ chết, hai là nó sẽ chết, hoặc nếu còn sống thì chẳng còn bao giờ dám đụng đến cái xe mày nữa.
Ngày dọn vào ở trong khu chung cư toàn là... than này, tôi đã mơ hồ lo nghĩ những chuyện như vậy sẽ xảy ra, nhưng hôm nay, những gì ông Bob vừa nói như xác định một lần nữa những đều này. Tôi chới với:
- Nhưng ông chưa nói đến trường hợp thứ ba là trường hợp thằng đen đó bị chết và tôi bị tù. Dù sao, bên đất Mỹ này người ta đâu có giết nhau dễ như vậy được?
- Mày lầm rồi. Trên đất Mỹ này người giết nhau rất khó, nhưng ở những chỗ như mày ở thì mạng sống con người, nói mày đừng buồn, thật chẳng hơn gì những con chó.
Tôi là người tị nạn Cộng Sản, sang đây từ một miền đất khói lửa bốn mùa nên tôi rất ngán chuyện bắn giết, chỉ mong tìm được một vùng trời bình yên để an phận đời mình, làm gì có ý định muốn phiêu lưu nữa. Nhưng tôi mơ hồ nhận ra là tình thế càng ngày càng đẩy tôi vào cái thế phải phiêu lưu, phải... giết người, phải sống lại những giây phút hận thù với máu và lửa mà tôi đã sống ngày xưa. Tôi lập lại câu hỏi lúc nãy, như một cái máy:
- Vậy bây giờ tôi phải làm gì?
Bob ngồi yên suy nghĩ một lúc rồi hỏi tôi qua làn khói thuốc lá mịt mờ:
- Mày dám giết người không?
Tôi cũng suy nghĩ một lúc rồi mạnh dạn trả lời, mắt nhìn thẳng vào mắt người đối diện:
- Nếu cần thì cũng dám chứ.
Bob cúi đầu gần tôi nói nhỏ vào tai:
- Đây là lời khuyên của tao. Mày nghĩ mày sẽ biểu diễn cái màn canh gác kiểu quân đội miền Nam của mày đánh nhau với Việt Cộng được bao nhiêu lâu nữa? Mày sẽ bị kiệt sức rồi sẽ bị đuổi sở vì tội ngủ trong giờ làm việc con trai ạ. Bên Mỹ này bị đuổi khỏi một sở thì rất khó kiếm được sở khác mà chun vào, tin tao đi. Mày tứ cố vô thân, không bà con thân thuộc, mất công ăn việc làm thì ra đường mà ngủ với chuột. Vì vậy mày phải thương... mày. Tao phục mày ở chỗ nhỏ người mà tính khí cương cường nhưng nếu là tao tối hôm đó, tao cho mẹ nó 25 cents thì bây giờ khỏi phải bị nhức đầu. Nhưng chuyện này không còn phải là chuyện mấy cái vỏ xe nữa mà đã trở thành chuyện sống chết của cuộc đời mày...
Ông Bob bỏ lửng câu nói ở đó. Phần tôi, cứ nghe tới đâu là thấy lòng mình rúng động tới đó. Tôi lại hỏi, lần này là lần thứ ba một câu hỏi đơn giản:
- Vậy tôi phải làm gì?
Ông Bob nhìn một vòng chung quanh rồi mới nói thật nhỏ, nhỏ như qua hơi thở:
- Theo tao, mày cứ lôi cái thằng đen đó ra ngoài, cho nó một viên đạn vào giữa trán là yên chuyện.
Nó xong ông Bob ngồi lui lại, đưa mắt nhìn tôi như muốn xem phản ứng.
Tôi thấy cổ họng mình tự nhiên khô hết nước miếng. Mãi một lúc sau tôi mới cất giọng run run hỏi:
- Ông không đùa tôi đấy chứ?
Bob lắc đầu:
- Nếu mày không muốn bị đuổi sở, nếu không muốn vỏ xe bị cắt thì mày phải làm vậy. Tao đã nói với mày mà, nếu là tao thì tao thí cho nó 25 cents buổi tối hôm đó là yên chuyện...
Thôi thì tôi cũng đành... giết người mà thôi, dù bản tính tôi rất hiền lành, xưa nay lại ưa chuyện làm phúc đức. Nhưng đến nước này thì tôi thấy tôi chẳng còn giải pháp nào nữa.
Tôi xin đi về sớm và trên đường lái xe về nhà, chợt nghĩ ra một điều là còn giải pháp thứ tư là giải pháp bỏ chung cư này mà đi, nhưng không nghe thấy Bob nói đến. Nghĩ vậy, về đến nhà là tôi gọi điện thoại liền cho Bob, hỏi:
- Tôi dám giết người nhưng thực tình không muốn giết chỉ vì mấy cái vỏ xe vớ vẩn. Ông hiểu, người Á Đông chúng tôi vốn tôn trọng hòa bình, vốn lấy sự an phận là quý... Ông nghĩ sao nếu tôi dọn nhà ra khỏi khu chung cư này, kiếm một chỗ khác có nhiều người da trắng mà ở?
- Lại Á Đông... Tao không biết người Á Đông chúng mày như thế nào nhưng Á Đông hay Á Tây gì đã vào ở đất Mỹ này thì cũng thành Mỹ hết. Mày rán nghĩ lại đi, trước hết, mày bỏ đi tức là mày đầu hàng...
- Tôi là người tị nạn mới đặt chân tới đây, có phải đầu hàng người Mỹ thì cũng chẳng xấu xa gì...
- Mày nói cũng đúng nhưng khổ một cái là nếu mày dọn sang chung cư khác, chắc gì lại không gặp những thằng tuy da trắng nhưng cũng tàn bạo như cái thằng đen đã xin tiền mày. Cái kẹt hơn là bọn trắng chúng nó còn dữ tợn và nguy hiểm gấp mấy lần bọn đen. Mày nghe tao đi. Bọn đen tuy dữ tợn nhưng không nguy hiểm vì chúng nó không có cái đầu biết suy nghĩ như bọn trắng chúng tao. Chúng nó cũng không có can đảm. Mày phải dùng mấy thằng đen này để thực tập trước, mai mốt mày mới trị bọn trắng được...
Câu nói này tôi nhớ nằm lòng vì quả thật sau này, trong cuộc đời giang hồ của tôi, tôi phải đối phó với nhiều thằng da trắng vừa có đầu óc, vừa có đởm lược, lại táo bạo và gan dạ gấp chục lần thằng này. Tôi hỏi:
- Nhưng tôi không muốn trị bọn trắng cũng chẳng muốn thực tập bọn đen hay làm cái gì với ai hết. Tôi là người tị nạn. I am Vietnamese refugee. tôi chỉ muốn yên ổn để mà sống thôi...
Tôi giật mình nhận ra rằng câu nói sau này của tôi, giọng tôi run run như muốn khóc. Lời nói của ông Bob ở bên kia đường giây điện thoại như tát vào mặt tôi:
- Câm họng lại và lo chuẩn bị đi thằng tị nạn da vàng. Đừng có nói với tao như vậy. Nói thật với mày, lăn lộn giang hồ suốt bao nhiêu năm, tao nhìn cặp mắt của mày thì tao đã biết là con người mày không hiền. Tao còn biết là người da vàng chúng mày nguy hiểm hơn hết.
- Trời đất, tôi chỉ muốn sống an phận mà ông lại bảo tôi nguy hiểm. Tại sao vậy?
- Tại vì người da vàng chúng mày vừa dữ tợn, vừa có đầu óc, vừa có nhiều âm mưu quái quỷ, lại còn hơn được da trắng chúng tao là chúng mày rất kiên nhẫn. Người da vàng chúng mày rồi đây sẽ làm bá chủ thiên hạ...
Nói xong là Bob cúp máy, chẳng để cho tôi thanh minh. Tôi cũng gác máy, ngồi trầm ngâm một lúc.
Thôi, dù đã chẳng muốn chút nào nhưng vì tương lai của mình thì tôi cũng đành phải cắn răng mà... giết người vậy.
Khi đã có ý định giết người trong đầu rồi, tôi cảm thấy tinh thần trở nên thoải mái và bình tĩnh lạ thường.
Tôi ra khỏi phòng, bỏ xuống nhà đi một vòng quanh khu chung cư, đầu óc suy nghĩ để tìm phương cách giết người. Tôi đi khắp nơi, quan sát đủ chỗ bằng một thái độ nhàn nhã và vô tình như bất kỳ người da đen vô công rỗi nghề nào khác trong chung cư. Chẳng ai để ý đến tôi cả...
Lúc đi ngang qua cái thùng rác màu xanh công cộng vĩ đại của chung cư, đầu tôi nẩy ra một ý tưởng độc đáo. Tôi sẽ bắn chết thằng đen ngay trong thùng rác này. Và khi quyết định như vậy thì tôi cũng suy nghĩ để thiết lập ngay một kế hoạch. Thông minh như tôi thì chẳng cần phải suy nghĩ lâu cũng phát họa được một chương trình giết người đàng hoàng. Suy nghĩ để tìm phương cách cứu nhân độ thế thì khó chứ để tìm cách hại người thì dễ ợt...
Ông Bob có lẽ nói đúng, "người da vàng chúng mày nguy hiểm hơn hết."
Với một kế hoạch giết người có sẵn trong đầu, tôi lên phòng lấy bóp rồi lái xe ra nhà băng. Tôi hăm hở rút một trăm đô la từ trong trương mục tiết kiệm của mình ra để làm vốn... giết người. Sau khi lấy tiền, nhìn cuốn sổ chỉ còn có vài chục trong băng, tôi đau lòng nhủ rằng nếu tiêu hết 100 đô này mà không giết được thằng chó đẻ thì đành phải dọn nhà bỏ đi. Trên đường về nhà, tôi ghé tiệm thực phẩm mua mấy bao thuốc lá và mấy thùng bia theo đúng kế hoạch. Rồi tôi về nhà leo lên giường nằm ngủ thẳng cẳng một giấc trưa. Tôi ngủ say sưa, ngủ ngon lành vì đã mất ngủ cả tuần nay với mấy cái vụ canh chừng vớ vẩn. Trước khi ngủ, tôi đã cẩn thận vặn đồng hồ đánh thức vào khoảng 8 giờ tối, cái giờ mà tôi biết thằng "khách hàng" của tôi cùng bọn đen vô công rỗi nghề thường bắt đầu ra tụ tập ngoài đường để uống bia và hút xách.
Đúng giờ, đồng hồ reo. Tôi thức giấc, chọn một bộ đồ diêm dúa nhất, phanh ngực áo rồi xách mấy bao thuốc lá và thùng bia bước xuống.
Với thùng bia và mấy bao thuốc lá trong tay, tôi nhập bọn với chúng nó không khó lắm. Cuộc đời là như vậy, nhập bọn với bọn quyền quí cao sang thì khó chứ với bọn thấp hèn và vô công rỗi nghề thì dễ dàng vô cùng. Chỉ trong vòng không tới nửa tiếng đồng hồ, tôi cũng hút cần sa, cũng uống la de, cũng khạc nhổ, cũng chửi thề, cũng bắt chước lắc đít lắc mông theo những điệu nhạc loạn cuồng y như chúng nó vậy. Có một điều là chúng nó lắc đít coi thì đẹp nhưng tôi lắc đít thì coi chẳng khác nào con khỉ già động cỡn trong sở thú. Tôi biết vậy vì xưa nay, tôi không có tài nhảy đầm.
Và tôi mừng thầm vì xem ra chẳng đó đứa nào để ý đến cái chuyện "gia nhập" một cách bất ngờ và hơi kỳ lạ của tôi. Bọn này quả thật là vô tư và làm biếng. Làm biếng bắt đầu bằng tay chân và làm biếng lên tới trên đầu, đến chuyện suy nghĩ.
Đến gần mười giờ đêm thì tôi đã thành công trong việc kết thân với thằng da đen mà tôi muốn giết. Đó chính là cái thằng đã "đục" tôi một trận nên thân. Lúc mới bắt đầu tôi thấy cũng hơi khó vì nó "kỳ thị" tôi ra mặt. Tôi phải mời nó mấy lon bia, cho nó nguyên một gói thuốc thì sự kỳ thị mới dịu đi và nó mới chịu nói chuyện với tôi. Tôi đưa tay ra tỏ dấu muốn bắt tay và hỏi tên nó. Thằng da đen chẳng thèm bắt tay, đưa cặp mắt nhìn trời và khinh khỉnh trả lời: "Tên tao là Rao."
À, Rao cộng thêm dấu sắc là ráo. Tao sẽ "cạn tàu ráo máng với mày". Trong lòng tôi nghĩ vậy nhưng ngoài miệng thì lịch sự nói với nó là tôi rất "sorry". Nó lại cười khỉnh, nói là nếu tôi không sorry thì "I’m gonna fuck your ass".
Đây là một câu nói rất tục tỉu mà tụi đàng ông da đen chúng nó thường nói với nhau có nghĩa là "tao sẽ chơi vô... lỗ đít mày."
Tuy bị chửi như vậy nhưng tôi chẳng hề coi đó một sự xúc phạm, chỉ cười cười rồi cúi đầu "nhận lỗi." Tôi lại nói:
- I am sorry! (Tao rất tiếc).
Câu chuyện cứ đẩy đưa như thế. Một bên thì dùng toàn lời lẻ cay độc hạ cấp để thóa mạ, một bên thì chỉ cười cười và nói "I am sorry." Được một lúc, thấy tự ái được vuốt ve, thằng Rao có vẻ tin tưởng rằng tôi là một thằng ngố và hèn thật (đó là lỗi lầm chết người của nó), bèn nhìn tôi bằng nửa con mắt và hỏi:
- Thằng ngố kia, mày thay mấy cái vỏ xe hết bao nhiêu tiền?
- 150 đô!
Nó bật lên cười hì hì, nham nhở và chìa tay ra:
- Mày thấy mày ngố chưa. Mỗi tuần mày đưa tao 10 đồng, tao bảo đảm không có đứa nào dám đụng tới cái vỏ xe của mày nữa.
Hóa ra nó cũng không ngu cho lắm. Những thằng nào còn biết cách làm tiền là những thằng còn có đầu óc. Tôi làm bộ ngây thơ:
- Nhưng nếu tao không đưa thì sao?
- Mày hỏi ngu như... mother fucker mà cũng hỏi. Mày không chịu chi thì chẳng bao lâu nữa, mày sẽ phải lái xe ra ga ra để mua thêm vỏ xe mới lần nữa. Hì hì... đù mẹ ngu quá...
Tôi gật đầu như mình ngu thật, uống một ngụm bia, xuống nước năn nỉ:
- Mày là... bạn tao mà, mày giúp tao chút đi.
Thằng Rao thò tay tự tiện lấy một hộp bia từ cái bọc giấy của tôi để dưới đất, chẳng thèm hỏi một câu. Nó bật nút cái cách, ngửa cổ tu một hơi rồi nói:
- Đù mẹ ai thèm làm bạn với mày! Làm bạn với mày thì ăn được cái fuck gì? Uống với mày một lon bia, hút với mày một điếu cần sa, tao chưa phải là bạn mày được. Hơn nữa, đời tao không có bạn. Bạn tao là xì ke, là mấy con điếm da trắng, là ông... Tổng thống Franklin trong tờ giấy bạc.
Tôi gục gặc cái đầu:
- OK, mày không muốn làm bạn tao cũng được, nhưng tao nghèo quá, tao làm lương chỉ có 2 đồng một giờ, làm sao đóng bảo hiểm 10 đồng một tuần cho mày được. Mày thông cảm cho tao chút.
- Mày nghèo thì kệ cha mày, tao đéo cần biết. Mày không mua bảo hiểm thì vỏ xe mày bị cắt ráng chịu. Mother fuck mấy thằng ngu. Mày biết đây là nước Mỹ mà. This is America. Ai cũng phải chi tiền hết. Thằng nào không chi thì thằng đó chết.
"This is America", từ đó trở đi, cuộc đời tôi cứ bị ám ảnh bởi câu nói này. Tôi lại năn nỉ:
- Vậy tao đóng cho mày 5 đồng một tuần được không?
Cặp mắt thằng Rao sáng lên như cái đèn pha. Cái sáng của những thằng nhà nghèo đang đi đường bỗng nhìn thấy một đống tiền của ai rớt trước mặt. Tuy vậy, nó trả lời ởm ờ:
- Cái đó tùy mày. Mày đi mua đồ mà trả tiền nhiều thì có đồ tốt, còn trả tiền rẻ thì gặp đồ xấu. Mày chi ít thì sản phẩm cũng rẻ.
- Mày thông cảm giùm tao chút đi Rao, tao là người tị nạn nghèo khổ mà (I am a poor refugee).
Suy nghĩ một lúc, nó chìa tay ra:
- Mày muốn vậy cũng được nhưng mày phải đưa trước tao 2 tháng tiền bảo hiểm.
- Hai tháng là 8 tuần, 40 đô, tao làm gì có tiền. Mày cho tao trả trước một tuần thôi.
Nó hỏi:
- Hai tuần được bao nhiêu tiền?
- Là 5 đô.
Rao nhe hai hàm răng trắng nhởn ra cười liền:
- Đưa tiền đây thằng ngố. Mày có biết là mày ngố mà mày... khôn lắm không. Tao nhìn cặp mắt của mày tao thấy mày khôn lắm.
Vừa mất tiền rồi lại được khen. Nhưng chuyện này thì chắc nó khen đúng. Tôi không khôn hơn ai nhưng khôn hơn nó là cái chắc. Tôi móc túi đưa cho nó tờ giấy bạc 10 đồng. Rao bỏ luôn vào túi. Dù biết là sẽ chẳng có hy vọng gì lấy lại 5 đồng dư nhưng tôi vẫn hỏi để đóng cho trọn vỡ kịch:
- Mày thối lại cho tao 5 đồng chớ.
- Tao không có tiền lẻ. Để ngày mai tao có tiền tao trả cho.
Đương không có được 10 đồng trong túi một cách ngon lành, thằng Rao bỗng trở nên yêu đời. Thái độ căm thù của nó với tôi đã hết. Nó nhìn tôi thân thiện:
- Mà tại sao tối nay mày lại xuống đây đi chơi với tao? Xưa nay mày có bao giờ thèm dây dưa với chúng tao đâu?
Tôi nhìn thẳng vào mắt nó, không hiểu có phải là bởi vì đau khổ vì vừa bị mất 10 đô la một cách trắng trợn hay không, tôi lại trả lời bằng tiếng Việt. Bằng tiếng Việt và giọng nói của tôi như gào lên, đầy uất hận:
- Ngu thấy mẹ, tao xuống đây vì tao sẽ bắn chết mẹ mày!
Thằng Rao làm sao hiểu được tiếng Việt, nhưng có lẽ đoán được nồng độ không mấy thân thiện trong câu nói của tôi nên nó liền giẫy nẩy lên:
- Mother fuck you! Mày nói tiếng Mỹ đi, nói tiếng Việt tao không thể hiểu được.
Tôi lại nói bằng tiếng Mỹ:
- Vì tao muốn làm quen với bọn mày. Tao không muốn xe tao bị thằng mother fuck nào đó cắt đứt nữa.
Rao liền cười lên hố hố:
- Yes, you right, yes you right!
Tôi cũng cười, rồi lại lắc đít lắc mông theo một điệu nhạc từ cái casette để gần đó...
Tối đó tôi lên phòng trễ, mãi đến gần 12 giờ. Nhưng bù lại, tôi ngủ được một giấc ngon lành cho đến sáng mà khỏi sợ bánh xe mình bị rọc. Đó là một đêm ngủ thẳng giấc đầu tiên của tôi kể từ ngày bị nạn rọc bánh xe.
Hôm sau vào sở, ông Bob lại kéo tôi ra một góc nhà, hỏi:
- Mày giết nó chưa?
Tôi trả lời chậm rãi, chắc chắn:
- Chưa. Nhưng hiện giờ nó chỉ là một cái xác biết đi. Mạng nó nằm trong tay tôi rồi.
Bob nhắm mắt lại như nghiệm ra một điều gì rồi gật gù cái đầu.
Chiều đó và những chiều hôm sau nữa, tôi lại cứ mửng cũ soạn lại, đem bia xuống cho chúng nó uống, và bỏ tiền ra mua cần sa hút chung với chúng nó. Tôi mua cần sa nhiều nhưng không hút bao nhiêu mà để dành thành một gói nhỏ, cất trong người. Càng ngày tôi càng trở nên thân mật, nhất là với thằng Rao. Tôi thành công trong việc tạo cho nó cái ấn tượng tôi là một thằng ngố. Ngố và hèn. Giả làm người khôn thì khó chứ giả ngố giả hèn thì dễ lắm, và lại rất thú vị nữa.
Cỡ chừng hơn một tuần sau thì cái gói cần sa của tôi đã lớn đủ để cho tôi thực hiện ý định giết người của mình. Tôi thầm cám ơn trời đất vì tôi thấy nếu cứ xuống đây đàn đúm cái điệu này thì không khéo tôi sẽ trở thành một thằng nghiện cần sa thật...
Khu chung cư của tôi có xe tới xúc rác vào mỗi ngày thứ bảy. Tôi chọn thứ sáu để thực hiện ý định của mình. Tối hôm thứ năm, tôi rủ thằng Rao ra một góc nhà và nói:
- Tao có một chuyện rất quan trọng muốn nhờ mày.
Rao đang say thuốc, gật gù hỏi:
- Chuyện gì?
- Mày phải thề là giữ kín thì tao mới dám nói. Nó thật với mày, tao là một người rất nhát gan.
- Nói đi thằng nhát gan. Tao là một thằng kín miệng Mother fuck.
Tôi lại kéo nó ra xa thêm chút nữa, nhìn trước nhìn sau rồi móc túi ra một dúm cần sa đưa cho nó và hỏi:
- Mày hút thử coi thứ này có phải là cần sa thật không?
Mấy khi mỡ được đưa vào miệng mèo. Cặp mắt thằng Rao sáng trưng lên khi nhìn thấy gói cần sa nhỏ trong tay tôi:
- Motherfuck, Holly shit, mày kiếm mấy cái thứ này ở đâu đây? Để tao thử cho mày, thằng ngố.
Rao vấn cần sa hút mấy hơi, nhả khói ngon lành rồi chậm rãi mơ màng trả lời qua cơn say thuốc:
- Thuốc thật, this is the real stuff, mà ở đâu mà mày có nhiều vậy?
- Để tao nói bí mật cho mày nghe. Tao trúng mối.
- Trúng mối?
- Ừ, trúng lớn. Có một thằng Chinese man bán cho tao 20 pounds cần sa như vậy với giá rẻ rề. Nó nói đó là cần sa nhưng tao không biết nó có lừa tao hay không nên tao mới hỏi mày.
Đúng như những gì tôi dự đoán, thằng da đen tròn cặp mắt lại. Tôi đọc được trong ánh mắt nó nét kinh ngạc pha lẫn tham lam, lẫn... dốt nát:
- Đúng là cần sa thật. Mà nó đâu rồi, mày mua về mày để đâu rồi?
-Chính vì vậy tao mới nhờ mày. Tao không có chỗ để, vì thế tao mới phải nhờ mày. Tao muốn nhờ mày cất nó giùm tao.
Cặp mắt ngu dại đó bây giờ sáng trưng lên nhưng cái miệng thì vẫn làm bộ dẫy nẫy:
- Không không, nguy hiểm lắm, giữ ba cái đồ quỷ đó trong người, cảnh sát ập vào bắt được là tù hết cả lũ.
Rõ là cái thằng phét lác. Người nó lúc nào chẳng có cỡ một hai cân cần sa trở lên để vừa bán vừa hút mà còn làm bộ. Nó biết làm bộ còn tôi thì không biết sao. Tôi liền nói:
- Nhưng Rao, nghĩ lại đi, đồ này rẻ quá, bỏ uổng. Nếu mày chịu giữ nó giùm tao, tao sẽ chia cho mày một nửa.
Thằng da đen khoái chí lắm nhưng vẫn còn làm bộ suy nghĩ một lúc rồi mới chịu gật đầu:
- Được, mày đưa cho tao đi, tao giữ cho.
- Rao, nhưng mày phải hứa với tao là mày sẽ không giựt hết mớ cần sa của tao nghe Rao.
- Tao hứa.
- Tao nghèo lắm mày biết, mày mà giựt nó luôn thì tao chắc chết.
- Motherfuck, tao nói tao hứa là tao giữ lời, mày nhiều chuyện quá.
- Được, tao tin mày. Sáng mai 3 giờ sáng ra gặp tao sau thùng rác, tao đưa thuốc cho.
Thằng Rao giật nẩy mình lên một cái, cặp mắt nó lộ vẻ thất vọng:
- Motherfuck, thằng ngố, sao lại phải 3 giờ sáng? Mà lại ra tuốt ngoài thùng rác làm gì?
- Chuyện này bí mật. Tao đâu có ngu để giữ cái của nó trong nhà. Tao để nó ngoài thùng rác.
Rao lắc đầu liền mấy cái một cách chán nản. Có lẽ nó cho tôi là ngố thật:
- Thằng Motherfuck ngố này rắc rối quá. Cảnh sát nào lại bò vào đây mà khám xét mày?
- Nhưng tao nhát gan lắm, tao đã bảo mày mà. Tao chưa bao giờ chơi mấy thứ này, tao muốn chắc ăn. Tao là người tị nạn, tao không muốn rắc rối.
Rao thở phào ra một cái:
- Motherfuck, thằng này vừa ngố lại còn vừa... rắc rối nữa. Tao hối hận vì đã quen biết với một thằng rắc rối như mày... Mày đã nhát gan như vậy thì tao đành phải đi với mày ra ngoài thùng rác lấy cũng được, nhưng phải đi liền, tại sao lạ phải chờ tới 3 giờ sáng? 3 giờ sáng là cái giờ tao no thuốc, tao phê, tao cần phải ngủ, tao không có thì giờ.
Tôi nhún vai, giống y hệt như một người Mỹ:
- Bây giờ mày có thể ra thùng rác mà kiếm nhưng mày sẽ không tìm thấy cần sa đâu?
- Thằng da vàng này lắm chuyện thật. Tại sao vậy?
- Bởi vì tao nhát gan, tao sợ cảnh sát lắm, tao muốn cho an toàn nên tao hẹn 3 giờ sáng nó đem tới cho tao để không ai thấy. Nó sẽ bỏ hàng cho tao ở ngoài thùng rác. 4 giờ sáng mày chạy ra tao giao cho mày.
Cái chiêu nhát gan của tôi xem ra có hiệu quả. Thằng Rao có vẻ tin tôi là một thằng nhát gan thật. Nó ngồi xuống vệ đường, đưa hai tay ôm lấy đầu:
- Motherfuck, mày ăn cái gì mà rắc rối quá. 4 giờ sáng tao còn ngủ mà. Tao ít khi nào thức dậy trước... 12 giờ trưa.
- Nếu 4 giờ sáng sớm quá thì... 3 giờ sáng mày ra cũng được.
Thằng Rao lại lắc đầu:
- Nói ngu như Motherfuck mà cũng nói.
Tôi làm bộ mặt lạnh lùng:
- Chỉ thức dậy có vài phút đồng hồ một cái để lấy 5 pounds cần sa mà còn chê. Thế thì thôi, mày không muốn thì tao đi nhờ thằng khác vậy.
Nghe thấy thế thì ông nội da đen giật nảy mình lên như người dẫm phải lửa:
- Motherfuck, mày kêu đứa khác thì tao giết mày.
- Vậy thì mày có giúp tao không?
-Rồi! Tao sẽ giúp mày một phen, 3 giờ sáng tao ra thùng rác gặp mày.
- Mày nhớ giữ kín chuyện này, đừng cho đứa nào biết hết.
- Xong rồi.
Tôi đưa thêm cho nó một mớ cần sa:
- Tao tặng mày để nhớ ơn mày.
Hai đứa chúng tôi lại trở lại nhập bọn với đám hút sách, giấu kín mọi chuyện làm như không có gì xảy ra. Tôi nấn ná lâu một chút vừa đủ cho mọi người thấy mặt xong là tôi dọt.
Tôi không lên phòng ngay mà vòng ra sau chỗ thùng rác, đứng lặng yên trong bóng tối. Dĩ nhiên, gần mực thì đen mà gần thùng rác thì thối, tôi phải nín thở một lúc rồi mới từ từ thở được. Vẫn trong bóng tối, một tay tôi rút cái nạng thung mua cách đó mấy ngày từ trong túi ra, tay kia lấy ra một hộp bi sắt nhỏ. Hành động này làm tôi nhớ lại thời ấu thơ khi tôi hay vác ná đi bắn chim. Có một điều tôi cũng cần nói thêm là ngoài tài bắn súng lục, tôi còn có cái tài bắn ná cao su. Ngày xưa, khi tôi đã định bắn chú chim nào thì chú đó nhất định chết với tôi.
Cầm cái ná trong tay trong bóng tối, đứng gần một thùng rác hôi thối ở trên một vùng đất cách xa quê hương gần nửa trái địa cầu, trong một hoàn cảnh gây cấn và kỳ lạ, tôi chạnh lòng nghĩ tới khoảng thời thơ ấu đã trôi đi quá mau. Hồi rời ghế nhà trường, tôi chẳng bao giờ ngờ rằng mình sẽ còn có một ngày phải sử dụng tới ná cao su. Thật là một con người, một đầu óc mà hai hoàn cảnh khác nhau. Cái khác thứ nhất là hồi ấy ná cao su do chính tôi làm lấy, và đạn chỉ là những viên đá thô sơ chứ không có được cái ná thiện nghệ và đạn sắt tròn trỉnh như bây giờ. Cái khác thứ hai là tôi không còn dùng ná để bắn chim mà để chuẩn bị giết người...
Đã đến lúc để coi thử tài bắn ná của mình đi đến đâu rồi. Tôi lắp đạn, đưa ná lên cao, cũng khỏi cần nhắm như hồi xưa mà lại hướng đường bắn thẳng vào ngọn đèn đường gần nhất. Tôi kéo căng sợi dây cao su rồi buông tay.
Vút… bụp! choảng... ngọn đèn đường tắt phụt.
Tôi ngạc nhiên và mừng rỡ khi nhận ra rằng tài bắn ná của mình ngày nào xem ra vẫn còn đầy đủ phong độ, không sút giảm. Tôi lắp một hòn bi sắt khác vào ná và lại hướng về ngọn đèn thứ hai... Rồi thứ ba, thứ tư, v.v.
Cứ như thế, chỉ trong vòng không tới hai phút đồng hồ ngắn ngủi, tôi đã bắn vỡ 7 ngọn đèn trong khu chung cư bằng 7 phát ná, biến cái sân sau của khu chung cư đang sáng trưng thành một vùng tối tăm, chẳng còn chút đèn đuốc nào hết.
Bắn xong, tôi đứng lặng yên trong bóng tối một lúc thật lâu để quan sát nhưng mọi người hình như chẳng ai quan tâm hay biết đến mấy ngọn đèn đường lạnh lẽo. Thiên hạ còn lo nằm ở trong nhà để xem ti vi.
Mười phút trôi qua, tôi cất ná vào túi rồi lặng lẽ đi trở về phòng. Trên đường, vì trời tối quá nên tôi xém đụng phải chướng ngại vật mấy lần. Ở trong phòng, tôi thay bộ bộ đồ len đen, nạp đạn cây súng P.38 rồi leo lên giường tìm giấc ngủ. Nhưng làm sao có thể ngủ được khi mình sắp sửa làm một việc tày trời như vậy? Từ lúc nhỏ đến giờ, tôi chưa hề giết người, cứ nghĩ tới là thấy rờn rợn làm sao. Tôi ngồi dậy bật ti vi lên coi. Nhưng coi cũng chẳng nổi phần vì cái ti vi đen trắng cà tàng mua lại ở chợ trời "làm việc tùy hứng", lâu lâu cứ phải đến vỗ vỗ vào lưng nó năn nỉ thì nó mới chịu phun hình ra, phần khác vì đầu óc ngổn ngag với hàng trăm nỗi lo sợ trong người. Những nổi lo sợ tất nhiên phải có của những kẻ sắp giết người. Biết làm gì hơn?
Đúng 2 giờ rưỡi sáng, tôi nhẹ nhàng đóng cửa phòng nhưng không khóa, chầm chậm bước xuống cầu thang, tà tà bước ra nơi thùng rác với cây P.38 và một cây đèn pin trong túi. Tôi để ý là dù trời hơi lạnh nhưng mồ hôi người tôi cứ toát ra ướt đẫm cả áo. Gió lại thổi từng cơn. Và tôi bỗng đâm ra sợ mình bị... trúng gió. Mẹ, giết người ta không được mà lại bị trúng gió nằm quay đơ ra đây thì quả thật là chẳng giống ai cả. Nhưng tôi tự trấn an mình lại ngay vì hình như gió bên Mỹ này không độc, bằng chứng là tôi chưa bao giờ nghe thấy người Mỹ nào bị trúng gió chết cả.
Tôi cũng xin cắt nghĩa thêm vì sao tôi lại chọn vào lúc 3 giờ sáng để ra tay. Tôi làm vậy bởi vì kinh nghiệm chiến tranh cho tôi biết, cái khoảng thời gian từ 3 đến 4 giờ sáng là cái lúc mà người ta ngủ say nhất. Ngày xưa Việt Cộng cũng thường chọn cái giờ này để pháo kích hay tấn công các đồn bót của quân ta. "Nhất chạng vạng nhì rạng đông", binh thư đã nói như thế mà. Hôm nay, tối thứ sáu người ta ăn nhậu nhiều nên càng ngủ say như chết, dễ cho tôi hành động.
Tôi cúi đầu lầm lủi đi trong đêm tối. Cái mùi xú uế từ thùng rác càng lúc càng xông ra khi tôi tiến đến gần. Tới gần thùng rác, tôi đi dạo một vòng chung quanh để kiểm soát cho chắc ăn rồi trở về ngồi chờ thằng Rao.
Có ngồi một mình trong đêm tối như thế này mới thấy thời gian trôi chậm. Tôi nhớ đến những lần ôm súng ngồi gác tuyến thuở xưa khi tôi còn học Trường Bộ Binh Thủ Đức ở quê nhà.
Đúng 3 giờ sáng, tôi để ý thấy mồ hôi người toát ra nhiều hơn và tim mình đập thình thịch. Thằng Rao chưa thấy xuất hiện.
3 giờ 5 phút, bố khỉ, thằng Rao đâu chẳng thấy mà... mồ hôi đâu mà nhiều thế này? Tôi phải đưa tay áo lên lau mồ hôi.
3 giờ 20 phút, quái lạ, tại sao thằng Rao chưa tới? Tứ bề im lặng, không một bóng người. Tuy bực mình nhưng lại an ủi được cái mồ hôi người tôi hình như đã hết, không thấy toát ra nữa.
3 giờ 30 phút, tôi nghe được tiếng chân bước lạo rạo trên mặt đường. Tôi thở phào nhẹ nhỏm. Nguyện xin Thiên Chúa cứu vớt linh hồn thằng đen ngu dốt và đáng chết này. Tôi đứng lên và nhìn thấy một bóng đen đang đi tới. Tôi tính mở miệng gọi "Rao, tao đây này" nhưng ngưng lại kịp thời khi khám phá ra còn có thêm một bóng đen nữa sau bóng đen đi đầu. Kỳ lạ hơn, trên tay mỗi bóng đen là một cây đèn pin rất dài. Tôi xém té xỉu khi qua ánh đèn pin chiếu loang loáng của họ, nhận ra hai bóng đen đều mặc đồ cảnh sát.
Tôi tái mặt lại. Đù mẹ thật là hết thời. Cảnh sát nào lại mò vào chung cư vào giờ này? Hơn nữa, xưa nay tôi có bao giờ nhìn thấy cảnh sát mò vào đây đâu, và lại vào trúng cái chỗ thùng rác hôi thối này. Trong một giây phút, tôi ngờ ngợ nhận ra rằng thằng Rao đã bán tôi cho cảnh sát.
Mình cứ tưởng nó ngu đần, hóa ra nó khôn hơn mình nghĩ nhiều.
Dưới cặp mắt kinh hoảng của tôi, hai người cảnh sát tiến thẳng tới chỗ thùng rác. Vì sợ quá và bất ngờ quá, tôi cứ đứng đơ người ra như bị chôn chân một chỗ. Không trốn được mà cũng không biết phải làm gì. Có ở trong những tình trạng như thế này mới biết tài ứng biến của con người. Và tôi đau đớn nhận ra tài ứng biến của tôi là tài... đứng chết dí một chỗ như trời trồng. Đúng hơn, tôi chẳng có tài ứng biến gì cả, cứ đứng như thế chờ cho cảnh sát tới bắt. Đẹp mặt thật.
Và tôi suy nghĩ liền. Nếu bị bắt, tuy không có chút cần sa nào trong người nhưng tôi sẽ trả lời thế nào với cảnh sát về chuyện nửa đêm ôm một cây P.38 special ra ngồi ngoài thùng rác? Không lý lại bảo mình mang bệnh mộng du. Mộng du cái kiểu này thì chắc chỉ có cảnh sát... lèo mới tin tôi nổi. Tôi kinh hoảng tột độ khi nghĩ đến đó...
Hai người cảnh sát vẫn tiến bước, ánh đèn pin quét loang loáng ra phía trước mặt... Khi còn cách chỗ tôi đứng chừng vài bước, tôi nghe một người lên tiếng:
- Robert, thùng rác này hôi thúi quá, mình đi đi thôi!
- Ừ, tao cũng nghĩ vậy. Mẹ, cái dân da đen này thật là nặng mùi, ngay cả thùng rác của nó cũng nặng mùi hơn của tụi mình... Mình đi trở lại thôi.
Vậy là cái mùi xú uế của thùng rác đã cứu tôi khỏi bị bắt. Tiếng chân lạo xạo và ánh đèn pin càng ngày càng xa dần. Tôi thở phào nhẹ nhỏm, muốn nhảy tới ôm cái... thùng rác hôi thối kia mà hôn cho nó một phát để cám ơn.
Nhưng tôi vẫn thắc mắc không biết tại sao cảnh sát lại vào đây làm gì ở vào cái giờ này? Cư ngụ khu này hơn nửa năm trời tôi chưa bao giờ nhìn thấy một người cảnh sát. Nhất định phải có chuyện gì bí ẩn trong này mà tôi phải kiếm cho ra. Dù sao thì tôi cũng mừng thầm và tự nhủ với lòng mình rằng có lẽ trời chưa muốn cho tôi giết người hay là cái số thằng da đen này chưa chết.
Tôi lẩm bẩm trong miệng như vậy và quyết định hủy bỏ ý định giết nó. Tôi lửng thửng bước từng bước một nhẹ nhỏm và thư thái của một người công dân lương thiện trở về phòng mình. Vừa bước vừa suy nghĩ và thấy tiếc hùi hụi cho một trăm đô la tiền vốn giết người không cánh mà bay. Đó là chưa nói đến một mớ thì giờ phải bỏ ra để đàn đúm với cái quân vô loại.
Tôi quyết định ngày mai sẽ dọn đồ rời khỏi khu chung cư có nhiều kỷ niệm không đẹp này. Cứ coi như cú đấm của thằng Rao và cái vụ cắt vụ cắt vỏ xe là một chuyện của năm xui tháng hạn đi. Người ta thường nói của đi thay người mà. Hơn nữa, mình là người tị nạn, cứ coi đó như một bài học đáng giá trên miền đất mới và phải hiểu câu cách ngôn "tránh voi chẳng xấu mặt nào" của tổ tiên mình.
Tôi đẩy cửa bước vào phòng mình, vừa bật đèn lên thì xém chút xíu nữa hét lên một tiếng kinh hoàng. Trên chiếc giường trải nệm trắng muốt sạch sẽ của tôi, thằng da đen Rao đang nằm ngủ ngon lành. Mùi hôi nách, mùi cần sa, mùi bia rượu, đủ thứ mùi xú uế từ người nó và bộ đồ nó đang mặc bốc ra nồng nực cả căn phòng.
Lạy Chúa, tối nay đời con quả có nhiều chuyện đứng tim. Vừa thoát nạn cảnh sát lại bị nạn Mỹ đen... ngủ trên giường mình. Thằng khốn nạn... hôi nách này, tại sao nó lại vào đây nằm ngủ mà không chịu xuống thùng rác để gặp tôi. Tuy hoảng hốt và bực mình thực tình nhưng tiếng ngáy khò khò của nó làm tôi vững dạ được chút ít.
Tôi tới bên giường lay nó dậy. Phải thúc đến lần thứ ba, nó mới ú ớ mở mắt ra. Vừa mở mắt ra nhìn thấy tôi là thằng đen chửi liền:
- Motherfucker khát nước quá, lấy cho tao lon bia.
Tôi lắc đầu ngán ngẫm nhưng vẫn mở tủ lạnh lấy cho nó lon bia. Rao ngồi lên khui lon bia và hỏi tiếp:
- Đưa cho tao điếu thuốc.
Tôi đưa nó điếu thuốc, tự nhiên lại nhớ đến một đoạn phim trong đó người đao phủ thủ đưa cho kẻ tử tội điếu thuốc trước khi xử bắn hắn. Rao hỏi:
- Mày lấy cần sa chưa?
Thằng này quả tới số chết rồi. Tôi gật đầu rồi hỏi:
- Để dưới thùng rác. Tại sao mày không xuống thùng rác gặp tao mà lại leo vô phòng tao nằm ngủ?
Rao cười, hai hàm răng trắng nhởn coi rất ghê rợn:
- Tao tính đi tới đó nhưng thấy tối quá, tao không dám đi.
- Tại sao không dám đi?
- Motherfucker hỏi ngu quá. Tao sợ ma. Tao lên phòng tìm mày, thấy cửa không khóa nên vào đây để chờ mày. Chờ lâu quá, tao ngủ luôn. Cái giường của mày êm thật.
Tôi đứng im nhìn kẻ tử tội, hỏi một thắc mắc cuối cùng:
- Mày có nói chuyện này cho ai biết không?
- Không!
- Mày biết lúc nãy tao gặp ai dưới đó không?
- Ai?
- Cảnh sát chứ còn ai nữa.
Rao nhíu mày suy nghĩ một lúc rồi nói:
- À quên, tao có nói cho một thằng nghe.
- Biết ngay mà. Mày nói gì?
- Tao nói là tối nay tao sẽ lấy một món hàng lớn ở dưới thùng rác.
Vậy là cuối cùng thằng này chưa tới số chết. Nếu nó đã nói cái tin này ra cho một người thứ ba biết thì tôi đời nào dám giết nó. Tôi lắc đầu chán nản nhưng thằng Rao lại tiếp luôn:
- Nhưng tao không nói tên mày cho nó biết.
- Tại sao vậy?
- Vì tao không muốn nó qua mặt tao để đi làm ăn lẻ với mày. Motherfucker, tao đâu có ngu.
Như vậy là nó lại tới số chết thật rồi trời ạ. Tôi làm dấu:
- Uống hết lon bia đi, xuống lấy hàng rồi đi liền.
Rao ngửa cổ tu ừng ực lon bia. Bia chảy cả ra hai bên mép nó, nhểu xuống thấm ước tấm ra của tôi. Mẹ, lại phải mất công dọn ra mới rồi. Tôi lầm lũi bước ra cửa.
Rao theo đuôi tôi, hai đứa đi ra chỗ thùng rác. Thằng này sợ ma thật, càng đi trong bóng tối thì nó càng bước sát vào người tôi. Tới thùng rác, tôi dừng chân nói với nó:
- Mày phải chui vào trong đó, tao để cần sa trong một cái thùng giấy.
Thằng Rao rú lên như người dẫm phải lửa:
- Motherfucker! Mày chui vào đi, tao nhất định không thèm chui vào cái thùng rác hôi thối đó.
- Mày không chui thì thôi, tao đi kiếm thằng khác vậy.
- Motherfucker, tại sao mày không chui?
- Tao bị đau lưng. Ở Việt Nam tao đánh giặc nhiều quá, giết vi xi nhiều quá nên bây giờ bị... đau lưng. Nếu mày chịu khó chui vào đó, tao cho mày 3/4 số cần sa.
- 3/4 là mấy pounds?
- Là 15 pounds.
Rao ngần ngừ một chút rồi trả lời:
- OK, đưa đèn pin đây, tao leo vào cho. Mày cúi người xuống để tao đạp lên lưng mày.
Tôi đưa nó cái đèn pin rồi ngồi cúi người xuống. Rao đạp lên lưng tôi để leo vào. Cái thân xác nặng gần 200 cân anh của thằng đen làm tôi xém tí nữa thì té lăn xuống đất và lưng tôi bây giờ thì bị đau thật.
Lúc này Rao đã leo vào trong thùng rác. Nó mò mẫm một lúc rồi chửi thề:
- Motherfucker, trong này thúi quá. Mà tao có thấy cái thùng giấy nào như mày nói đâu?
Tôi chẳng thèm trả lời, nhét thật chặt cây súng vào bụng rồi lấy đà leo lên. Tôi leo lên được tới miệng thùng rác, đạp vào mép cửa và đứng vững vàng để chuẩn bị một thế bắn rồi mới nói với nó:
- Mày đưa đèn pin đây tao chỉ cho.
Rao đưa đèn pin cho tôi. Số thằng này đến đây là tận rồi. Mẹ, giết mày... khó thật nhưng cuối cùng thì mày cũng chết con ạ.
Tôi hít một hơi dài, quan sát một lần cuối cùng chung quanh rồi rọi ánh đèn pin vào giữa cái đầu có những sợi tóc quăn tít thò lò của nó. Một tay vẫn cầm đèn pin, tay kia tôi nhẹ nhàng móc cây 38 special ra, kéo con cò mổ bật ngược ra sau. Trong đêm khuya, tiếng con cò mổ gài ra sau nghe đến cắc một tiếng lạnh lùng đến kinh khiếp...
Hình như tiếng con cò mổ kéo ra sau đã đánh thức một giác quan bí mật nào đó trong người thằng da đen. Nó ngước cặp mắt ngơ ngác lên nhìn tôi, nửa như thắc mắc, nửa như lo sợ. Quả là cặp mắt của một thằng sắp chết. Cặp mắt trắng dã của nó tự nhiên làm cho tôi thấy rởn tóc gáy. Rao vừa mở miệng nói "Mother..." thì tôi đã nhắm cây súng vào chỗ đỉnh sọ của nó, nơi có những sợi tóc quăn mỏng nhất bóp cò.
Một tiếng nổ chát chúa vang lên và tôi thấy máu óc thằng đen văng đầy khắp nơi trong thùng rác dưới ánh đèn pin. Vì đã lâu tôi chưa bắn lại 38 special nên không ngờ súng giựt mạnh quá, làm tôi đang đứng chênh vênh trên mép thùng rác bị mất thăng bằng ngã nhào tới trước. Tôi hốt hoảng đưa tay chụp đại và may mắn thay, nắm được mép thùng rác. Tuy may mắn nắm được mép thùng rác để khỏi lọt tỏm vào trong ấy nhưng cây súng tuột khỏi tay tôi, rớt xuống dưới. Hình như nó rớt trúng vào người thằng Rao vì tôi nghe được một tiếng bịch.
Tiên sư, chưa bắn người đã gặp bao nhiêu rắc rối, giết người xong rồi vẫn còn rắc rối nữa. Súng này tôi mua ở K-mart, có ghi tên tuổi hẳn hòi, cảnh sát mà tìm thấy được cây súng này bên cạnh xác thằng Rao thì đời tôi tàn. Luật của tiểu bang này, giết người và lại giết một cách có tổ chức, có khoa học và lạnh lùng như tôi thì chắc chắc sẽ lãnh án tử hình.
Nghĩ đến đó tôi thấy lạnh mình. Mình còn quá trẻ và quá nhiều việc phải làm để lên ghế điện. Tôi suy nghĩ thật mau. Tôi có thể nhảy vào đó lượm nó lên được nhưng làm vậy chắc chắn sẽ để lại nhiều vết tích. Trước hết, dấu tích hiển nhiên nhất là áo quần tôi sẽ sẽ dính đầy máu. Ở khu chung cư này chỉ có một cái nhà máy giặt công cộng, đem bộ đồ bê bết máu đi giặt chẳng khác nào nói cho người ta biết mình vừa giết người. Thứ hai, trong đêm tối mà đứng sờ soạng khắp nơi trong thùng rác chắc chắn sẽ để lại rất nhiều dấu tay.
Tôi vận sức leo lên đứng trên mép thùng rác trở lại và thở dốc. Lướt đèn pin một vòng, tôi nhìn thấy thằng đen nằm chết mà cặp mắt vẫn còn trợn trừng đầy kinh ngạc. 38 Special mà nổ gần vậy, lại nổ ngay từ trên đỉnh đầu xuyên thẳng xuống dưới cổ thì sống sao nổi. Tôi chiếu đèn pin thẳng vào cái phần trán bị thổi bay mất sọ mà tạm thời quên mất chuyện bị mất súng và cảm thấy... sung sướng vô cùng. Cho mày chết! Ai bảo mày dám đánh tao, ai bảo mày dám rạch vỏ xe tao. Mày biết tao nghèo quá mà, sao mày lại nỡ tàn bạo với tao như vậy? Bây giờ mày nằm chết thẳng cẳng dưới đó, mày có thấy hối hận không thằng chó đẻ. Mày dây dưa với những thằng da vàng như tao là mày chết con ạ. Đúng như ông Bob đã nói, da đen chúng mày không có nguy hiểm bằng da vàng chúng tao đâu con ạ. Đứng như vậy một lúc, tôi thấy người mình nóng rang. Và lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu được cái câu "say máu quân thù" mà sách vở thường hay nhắc đến.
Tôi đứng lặng yên như vậy trong bóng tối một lúc để dò xét động tỉnh chung quanh và suy nghĩ tìm cách lấy lại cây súng. Cuối cùng thì tôi nghĩ ra một cách để nhảy xuống đó lấy cây súng mà khỏi sợ dơ đồ. Có gì đâu, chỉ cần lột hết quần áo ra rồi trần truồng nhảy xuống đó là yên. Mình không mặc đồ thì làm sao dơ đồ được. Thân thể dơ dáy thì có sao, chỉ cần tắm một phát là xong hết. Tôi nghĩ vậy và cảm thấy phục... tôi vô cùng. Tôi quả là một người lắm mưu nhiều kế.
Nghĩ vậy là tôi nhảy xuống đất, cỡi hết quần áo, cởi luôn cả quần xì líp ra rồi ôm đèn pin leo vào thùng rác. Đứng dưới đáy thùng rác tôi mới nhận ra một điều kinh khủng, và thầm cám ơn trời đã làm cho tôi rớt cây súng để mò xuống đây. Ăn một phát đạn vào ngay đỉnh đầu như vậy mà thằng Rao vẫn còn thở khò khè trời ạ. Thằng đen này quả có sức mạnh như đười ươi. Nó vẫn còn thở khì khì dù là rất khó khăn, rất chậm. Qua ánh đèn pin, tôi nhìn thấy cần cổ nó phồng lên xẹp xuống theo từng hơi thở. Máu tươi đánh bong bóng hai bên mép nó.
Thế này thì phải cho nó thêm một phát nữa sau khi tìm ra cây súng vậy. Tôi chiếu đèn mò mẫm tìm cây súng.
Quái lạ, cây .38 Special rớt vào trong này mà sao kiếm mãi không ra. Tôi đang đang lom khom tìm cây súng thì bỗng bị một bàn tay chụp lấy cổ mình. Tôi hoảng kinh chiếu đèn pin lên và thấy thằng Rao một tay chụp lấy cổ tôi, tay kia nó cầm cây 38 Special của tôi vừa bị rớt chĩa thẳng vào mặt tôi.
Tôi kinh hoảng quá. Kinh hoảng đến độ không thể có được một phản ứng nào cả trong tình thế này.
Than ôi, không ngờ cuộc đời mình lại chấm dứt trong thùng rác nhơ nhớp của khu chung cư nghèo hèn thành phố Kansas City. Thằng Rao này chết còn được mặc đầy đủ quần áo, riêng tôi, tôi chết mà không có được mảnh áo che thân, thậm chí đến cái quần xì líp cũng không có trên người. Tôi biết thằng Rao sẽ không tha tôi.
Thằng Rao vừa cầm cây súng chĩa vào mặt tôi vừa nghiến răng thều thào: "Mother..."
Tôi hết còn phản ứng, đành nhắm mắt để chuẩn bị đón một viên đạn nổ tung đầu mình...
Nhưng một giây đồng hồ đi qua...
Rồi 2 giây...
Rồi 5 giây đồng hồ vẫn chưa nghe được tiếng nổ mình đang... chờ đón. Tôi chợt nhận ra một điều là chữ tiếp theo tiếng "Mother" là "fucker" mà sao nó nói không hết. Cái vòng tay nó đang siết lấy cổ tôi cũng từ từ nới lỏng ra. Cả tiếng thở khì khì của nó cũng im bặt. Tôi cựa mình và biết là nó vừa tắt thở.
Hú hồn!
Tôi chụp liền cây súng vào hốt hoảng leo ra ngoài. Lần này thì phải nói là tôi chẳng còn hồn vía hay bình tĩnh gì nữa. Tôi chụp, tôi đạp, tôi níu tôi kéo, tôi làm đủ thứ chỉ cốt để thoát khỏi cái xác chết của thằng đen này càng sớm càng tốt. Đã bị chụp cổ một lần, tôi bị ám ảnh, chỉ sợ nó tự dưng bỗng ngồi dậy mà chụp cổ tôi một lần nữa.
Vì hốt hoảng quá nên leo lên tới mép thùng rác, tôi trợt chân, dái đập vào vào miệng thùng rác đau đến nín thở. Trời ạ, thật trên đời này không có gì đau bằng dái... bị đập vào miệng thùng rác.
Cuối cùng thì tôi cũng leo được xuống đất, nhưng vì đau dái quá, tôi phải nằm im trên đất, bụm của quí cả mười phút mới tỉnh lại được.
Tỉnh dậy sau cơn đau, tôi mới nhận ra thêm một rắc rối khác nữa đang chờ đón tôi: Bộ quần áo lúc nãy tôi cỡi ra hối hả bỏ ở đâu tôi không nhớ. Kiếm không ra bộ quần áo để ngày mai cảnh sát tìm thấy thì chắc có đường lên ghế điện.
Tôi đang trần truồng và mình mẩy đầy máu me mà phải để tô hô như vậy vừa bụm dái vừa đi tới đi lui gần cả mười lăm phút mới tìm thấy bộ đồ mình cởi ra. Tôi gom quần áo lại thành một đống rồi nhẹ nhàng đi về phòng mình.
Tối đó, tôi tắm một cái tắm sạch sẽ nhất đời mình rồi thay quần áo ra ngồi xem ti vi, uống la ve và suy nghĩ về sự mong manh của cuộc đời...
Bạn tôi tên Báu, tôi mới quen ở Mỹ nhưng thân nhau vô cùng. Sự thân thiết này một phần cũng là nhờ bởi tài nấu nướng của chị Báu, người vợ hiền tài giỏi mà bạn tôi đã may mắn gặp và thành hôn khoảng chừng 4 năm trước khi mất nước...
Tôi nhớ dạo đó, bỏ đất nước sang Mỹ, quê hương thì tôi nhớ chẳng bao nhiêu nhưng lại nhớ đến món ăn thức uống của quê hương vô cùng. Tệ hơn nữa, lại phải ở nhằm một chỗ chẳng có nhiều người Việt nên tôi thèm đồ ăn Việt Nam kinh khủng. Thèm từ chén nước mắm cho đến một dĩa cơm chiên, đến quả trứng hột vịt lộn mà tôi nghĩ rằng đời tôi từ nay sẽ chẳng bao giờ còn có dịp thưởng thức...
Hồi đó, khu chung cư (housing project) rẻ tiền mà chính phủ cho tôi ở chỉ có mình tôi là người Việt Nam, còn ngoài ra là Mỹ. Dĩ nhiên, nói đến Mỹ thì phải nói thêm rằng người Mỹ chia ra làm bốn năm loại: Mỹ trắng gốc Âu châu, Mỹ đen gốc Phi châu, Mỹ vàng gốc Á Đông, Mỹ đỏ gốc dân da đỏ và cuối cùng là Mỹ nâu tức người của châu Mỹ la tinh. Khu chung cư rẻ tiền của tôi ở, đa số chỉ có ba thứ Mỹ điển hình của bất cứ một khu chung cư nghèo nào: rất ít trắng, rất nhiều đen và đỏ thì... lai rai, còn vàng thì có mình tôi.
° ° °
Một tối đi làm về, vừa bước xuống xe thì tôi kinh ngạc vô cùng khi ngửi được mùi nước mắm thoang thoảng từ trong khu chung cư bốc ra. Nước mắm là mùi quê hương thân thiết mà đã gần 5 tháng nay tôi không được ngửi nên liền đứng lặng người để thưởng thức. Khỏi cần phải là một nhà thám tử, cũng khỏi cần phải có một đầu óc thông minh xuất chúng, tôi cũng thừa biết là khu chung cư của mình vừa có thêm một gia đình Việt Nam dọn vào.
Thế này là đại cát, tôi thầm cám ơn trời đất. Đang thèm thức ăn quê hương, thèm nói tiếng Việt, nay lại có một gia đình màu vàng, mà lại là màu vàng biết ăn nước mắm, dọn vào đây thì tuyệt quá! Trong thiên hạ được có bao nhiêu người may mắn như tôi?
Cần nói rõ hơn một chút, tôi là một cựu phi công trẻ tuổi chưa lập gia đình. Sau khi bị giặc Cộng rượt chạy ra khỏi nước, như nhiều người di cư hơi kém may mắn khi đến Mỹ, tôi phải ở trong khu chung cư này của chính phủ vì tiền nhà rẻ, chỉ bắt đóng tượng trưng. Theo đúng định luật "tiền nào của nấy", chung cư rẻ tiền đồng nghĩa với ...Mỹ đen, và nói đến Mỹ đen trong những khu chung cư nghèo, tức là nói đến những hình ảnh dơ dáy, hút xách, biếng nhác và rất thừa thãi thời giờ. Tôi đã từng thấy nhiều ông nhọ tướng người mạnh khỏe, sáng sớm tôi bước ra đi làm thấy mấy ông nhọ ngồi ù lì một đống trên chiếc ghế. Trưa ghé về nhà một chút, vẫn thấy mấy ông ngồi đó. Tối đi làm về, tạt qua chỗ cũ lại vẫn nhìn thấy mấy ông ngồi ở đó như thường, đang dương cắt mắp u buồn nhìn cuộc đời đi qua.
Tôi cũng xin thanh minh một điều là tôi không chủ trương kỳ thị, không bao giờ coi giống người nào tốt hơn giống người nào. Với tôi, da trắng, da vàng hay da đen thì cũng vậy thôi, ai cũng có người tốt, kẻ xấu. Nhưng, phải thú thật, mỗi lần đi ngang qua chỗ mấy ông nhọ ngồi nơi vỉa hè để bước vào nhà, tôi thấy người tôi cứ rờn rợn làm sao ấy. Tóc tai gì xoắn tít lên một cách gớm ghiếc. Tôi tự an ủi mình rằng có lẽ từ nhỏ đến lớn mình chưa nhìn thấy người châu Phi nên đâm ra như vậy, ở lâu rồi vài bữa sẽ quen đi...
Hôm ấy, dù mặt mày hí hửng vì hai lỗ mũi đánh hơi được mùi nước mắm thơm lừng, nhưng như thường lệ, tôi thò tay chụp cây Smith & Wesson .38 Special nhét vào bụng, nhìn trước nhìn sau cho chắc ăn rồi mới bước xuống xe nhẹ nhàng đóng cửa lại.
Chưa thèm đi đâu vội, tôi đứng lặng yên trong bóng tối một lúc để quan sát bốn phía rồi mời chầm chậm bước vào nhà.
Tôi xin viết vài giòng để cắt nghĩa vì sao tôi phải thủ cây P.38 và cái sự đứng trong bóng tối một cách có vẻ ghê gớm như vậy.
Là phi công, cái tài bay bổng ngày xưa của tôi như thế nào tôi không biết nhưng những cái tài vặt thì tôi có rất nhiều. Một trong những tài đó là tài... nói phét để tán gái, tài bán xăng, tài chở người lậu để kiếm tiền và quan trọng nhất, cái tài bắn súng.
Ở đây, trong cuốn sách này, để khỏi mất thì giờ và để cho mình có vẻ còn một chút liêm sỉ, tôi không nhắc đến cái tài nói phét, tài bán xăng và tài chở người lậu, tôi chỉ nói đến tài bắn súng của tôi.
Cuộc đời binh nghiệp dang dở của tôi, cái giây phút tôi hạnh phúc sung sướng nhất không phải là lúc ra trường được chính phủ gắn lon chuẩn úy, cũng chẳng phải là lúc được các ông thày trường phi hành gắn cái cánh bay lên ngực như nhiều công lý tưởng, mà, than ôi, nói ra còn thấy mắc cỡ, là lúc mà tôi được kho vũ khí sư đoàn 2 Không quân phát cho cây P.38 để đeo ngang hông.
Dù chưa bao giờ sử dụng súng rouleau, tôi ngạc nhiên khi hôm đầu tiên đi thử súng ở một bãi đất hoang ngoại ô thành phố, để một cái lon bia cách đó chừng 15 thước, tôi bắn phát đầu tiên là nó tung lên trời ngay y như trong phim xi nê vậy. Lon vừa rớt xuống tôi lại đẩy nó lên bằng một phát nữa. Rồi lại phát nữa. Mỗi lần tôi bóp cò là bạn bè nhìn thấy lon bia bị hất tung lên cao.
Bắn hết sáu phát đạn, bạn bè tới nhặt lon bia lên vào nhìn thấy đúng 12 lỗ đạn đi ngọt xớt từ bên này sang bên kia. Ngay cả tôi, tôi cũng ngạc nhiên vô cùng. Ngạc nhiên và mừng rỡ thì đúng hơn. Tôi biết, trong thời chiến, cái nghề gì không biết chứ nghề bắn súng giỏi thế nào cũng có ngày được trọng dụng.
Từ đó, dù biết mình có tài bắn súng trời cho nhưng nghề lái tàu bay của tôi không cho phép tôi sử dụng súng bắn Việt Cộng nên đành để "tài năng của mình chìm vào quên lãng."
Quên lãng cho đến khi mất nước sang Mỹ, một đêm đi làm về thì tôi bị một ngài da đen từ trong bóng tối nhào ra giơ tay xin tiền. Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, tôi đâu có quen với hình ảnh một ông khổng lồ người đen thùi lùi với hai hàm răng trắng nhởn xuất hiện bất ngờ từ trong bóng tối, nên tôi giật thót mình một cái và kinh hoảng thật sự. Kinh hoảng đến độ muốn thét ré lên một tiếng y như là mình vừa gặp ma quỷ vậy.
Ông nhọ da đen thấy tôi yếu bóng vía như vậy thì khoái chí lắm, vừa cười hề hề cho cái sự nhát gan của tôi vừa cất cái giọng Mỹ đen nhừa nhựa: Hey man... motherfuck you man. Give some money man. (Ê mày! Đù mẹ mày, thằng chết tiệt. Đưa cho tao một ít tiền mày!)
Giọng nói đã nham nhở như vậy nhưng chưa ghê gớm bằng những gì tôi nhìn thấy trong cặp mắt nó. Những gì tôi đọc được trong cặp mắt thằng nhọ làm tóc gáy tôi dựng ngược. Đây là cặp mắt của một thằng đã say thuốc cần sa hay ma túy. Tôi chẳng lạ gì với những cặp mắt say thuốc mất hết lương tri này.
Tôi tuy là một thằng nhát gan, bình thường ít khi gây gỗ với ai nhưng từ nhỏ, tôi chưa hề để cho ai ăn hiếp. Có lẽ vì trời sinh tôi ra nhỏ con, dễ cho người ta ăn hiếp nhưng lại không bao giờ chịu để ai ăn hiếp nên đời tôi đã từng nhiều lần vào tù ra khám.
Tôi đứng lặng nhìn ông nhọ, hai tay run lên bần bật vì sợ hãi nhưng không hiểu sao, hình như do một động lực vô hình nào đó thúc đẩy, tôi nhủ thầm với lòng mình rằng nếu số mình phải chết thì sẽ chết tại đây, ngay tối hôm nay chứ nhất định không thèm thí cho thằng đen này dù chỉ một cắc.
Tôi bướng như vậy đó, chỉ tổ khổ thân. Chẳng những bướng, trời sinh ra từ thuở nhỏ thường đã thích mưu sâu kế độc. Trong giây phút thập phần nguy hiểm đó, tôi liền nghĩ đến một cái kế...
Số là, chắc nhiều người còn nhớ, vào khoảng những năm 1972 đến 1975, với sự xuất hiện lẫy lừng của Lý Tiểu Long, phim Kung-fu đang là một mốt thời thượng trong xã hội Hoa Kỳ. Người Mỹ ngây ngô, khi xem phim Tàu nhìn thấy Lý Tiểu Long đấm đá ào ào trên màn bạc, họ cứ tưởng là người Á Đông nào sinh ra thì cũng có máu võ công trong người. "Mưu kế" như tôi thì phải biết chộp ngay lấy cơ hội này để "tiến thân." Thế là, khi vừa đến Mỹ, ngay ngày đầu tiên đi làm trong sở, sau khi tự giới thiệu mình với một thằng choai choai khác mình là người Việt Nam, câu hỏi đầu tiên nó hỏi tôi là: “Mày người Á Đông, mày có biết Kung-fu không?"
A, ra là thằng này cũng có coi phim Kung-fu! Khỏi cần phải trả lời làm chi cho phí sức, tôi bèn... trợn mắt xuống tấn, múa hai tay, đá hai ba cái vào gió nghe vù vù (xém tí nữa thì tôi mất đà té lăn cù), rồi gật gù trả lời bằng thứ tiếng Anh bập bẹ:
- Yes, I know Kung-Fu.
Quả thật, người Mỹ, nhất là... con nít Mỹ rất là ngây thơ, chỉ cần vài cú đá gió bậy bạ mà từ đó thằng Mẽo choai choai này cứ đi theo tôi, coi tôi là thần tượng, mua coca cho tôi uống và gạ gẫm tôi dạy nó Kung-Fu. Cái trò múa chân múa tay theo kiểu múa quyền thì người Á Đông mình ai múa lại chả được, nhưng tôi chẳng có một miếng võ nào trong người thì làm sao dạy được nên cứ khất lần khất lựa. Nhiều khi bị nó gạ dữ quá, tôi bèn làm bộ trừng mắt nhìn nó mà nói:
- Mày phải tập cho tính tình của mày trở nên hiền lành tử tế cái đã rồi tao mới dạy Kung-fu cho được. Mày du côn như thế, dạy cho mày, mày đánh chết người ta thì tao ở tù mọt gông."
Thế là thằng Mỹ con, dù xưa này vốn là một thằng rất hiền, lại càng trở nên hiền hơn nữa, hiền đến độ tôi lấy làm bực mình. Nhưng may quá, một ngày, nó vào sở xin nghỉ việc để chuẩn bị lên đại học. Tôi mừng rỡ vô cùng vì sự láo khoét của mình không bị người ta khám phá. Đồng thời, cũng tự an ủi mình rằng, biết đâu chừng nhờ lời khuyên của tôi mà thằng đó rồi đây sẽ trở thành một nhà hiền triết. Quả đất này có thêm thằng một mất dạy như tôi thì chẳng ra gì, nhưng có thêm được một nhà hiền triết thì thật là may mắn. Và cũng từ đó, tôi chẳng dại gì khoe Kung-fu với ai nữa.
Cho đến tối hôm nay...
Bây giờ, trong giây phút nguy hiểm này, tôi quyết định dùng cái ngây ngô của người Mỹ để làm kế cứu mình. Tôi bèn làm mặt nghiêm và buồn, đứng lui lại mấy bước, trợn mắt xuống trung bình tấn, cong hai tay lên như Lý Tiểu Long sắp sửa đánh nhau trong phim Tàu và dõng dạc nói:
- Đéo có tiền bạc gì hết. Tao biết Kung-fu.
Nói xong, tôi căng mắt để ý nhìn nó để chuẩn bị. Không phải chuẩn bị tấn công mà chuẩn bị... chạy nếu nó cứ xông tới.
Dưới sự ngạc nhiên của tôi, thằng da đen đang say cần sa nghe tôi nói vậy thì chẳng có vẻ gì nể phục mà lại bật cười lên hì hì, giọng đầy thách thức:
- Kung-fu, Kung-fu cái con c. tao! Đù mẹ, tao cũng biết Kung-fu nữa...
Nói xong, chẳng cần bái tổ cho đúng điệu con nhà võ, chẳng cần ra dấu, chẳng cần chờ đợi, nó liền lao vào tôi như con bò mộng húc vào con cừu non. Chân trái của nó cũng đồng thời chĩa tới trước như một cái dùi, tay trái chém xuống một nhát thật mạnh như một con dao.
Mẹ kiếp, thằng Mỹ đen này biết Kung-fu thật chứ chẳng phải đùa, tôi rủa thầm trong lòng. Và dù đã chuẩn bị tinh thần để... chạy, tôi chẳng thể nào chạy kịp vì nó ra tay mau quá, đẹp quá, chẳng thua Lý Tiểu Long chút nào. Tôi bị liền một lúc hai đòn bốp bốp, một vào mặt và một vào ngay bụng ngã bật ra sau. Nằm lăn chiêng trên mặt đất, mặt mày và đầu óc ê ẩm, tôi mới kinh hoảng nhận ra một điều ghê gớm là thằng đen này có thể giết tôi chết đêm nay...
Cái kế đầu của tôi tuy thất bại, chẳng lừa được ai lại còn bị ăn đòn nhưng khi hữu sự thì tôi cũng nẩy ra được một cái kế khác. Và tôi thực hành liền.
Thế là tôi nhẹ nhàng thò tay nắm một nắm cát trong tay, đồng thời miệng la lên oai oái
-OK! OK! I am sorry, để tao cho mày tiền, mày đừng có đánh tao nữa... Tao có tiền. Tao đưa mày tiền.
Sau khi hạ được Lý Tiểu Long giả một cách dễ dàng lại nghe tới chữ "tiền" đầy hấp dẫn, ông cao thủ Kung-fu da đen liền thôi tấn công, sửa thế đứng rồi nhìn tôi cười hề hề bằng một giọng cao ngạo, sảng khoái.
Đù mẹ thế là mày trúng kế tao rồi!
Tôi liền chống tay đứng dậy, cảm thấy miệng mằn mặn và đồng thời cũng "đau khổ" nhận ra là máu từ miệng đang nhỏ từng giọt xuống áo mình.
Dưới ánh đèn vàng vuột của khu chung cư, tôi tiến lại nó và thò tay vào túi móc tiền. Tôi dơ tay lên, xòe ra cho nó thấy một nắm bạc cắc và tiền giấy trong lòng bàn tay.
Thằng đen nhìn tôi có vẻ khoái chí, lại nhe hai hàm răng trắng bóc cười hề hề. Có thế chứ! Thằng tị nạn da vàng này kể ra cũng dễ dạy chứ không đến nỗi...
Đúng lúc nó cúi đầu xuống và thò tay ra nhận tiền, tôi vung tay phải ném thật mạnh nắm cát vào mắt nó rồi nhảy lùi ra sau.
Nắm cát của tôi quả thật là tàn độc. Thằng da đen ôm lấy mặt lăn lộn, chửi bới um sùm. Nó không còn thấy đường nữa nhưng múa may quay cuồng, dơ tay đấm đá túi bụi vào chung quanh...
Đã đến lúc cho tôi trả thù.
Tôi liền xoay người đi kiếm một khúc cây. Phải là cây cỡ 2x4 thì đánh thằng này mới sướng tay. Nhưng bố khỉ, cây cọ bình nhật tôi thấy đầy dẫy nhưng lúc hữu sự cần đến thì chẳng tìm thấy dù một khúc nhỏ. Không thể chờ lâu hơn, tôi vớ đại một hòn gạch rồi lẹ làng tiến tới bên nó.
Thành thật mà nói, tôi bình sinh không có máu hiếu sát nhưng ai đã xin tôi một tí huyết, tôi phải đòi nợ, và thường thường thì phải cả vốn lẫn lời. Thế là tôi vung viên gạch lên đánh xuống ba lần, nhưng lần nào cũng đánh hụt vì thằng đen múa may quay cuồng mau quá. Tôi cứ ước rằng giá mình có một khúc cây trong tay thì nhất định tôi sẽ đánh nó bể sọ chết ngay đêm nay.
Tôi không dám tới quá gần và nó thì múa may dữ tợn quá nên tôi chẳng trả thù được phát nào cả. Đang "đấu gió" như vậy thì tôi nhìn thấy một cánh cửa bật mở và một bà hàng xóm trong chung cư bước ra. Thấy tình cảnh, bà liền quay trở vào hét to lên với một người nào đó trong nhà: "Call the police!"
Ai cũng biết, police tiếng Việt là "Phú lít" hay là cảnh sát. Mấy tiếng này tôi đã kỵ từ thuở còn đi học, từ thuở đi lính, và sang đất Mỹ mới chân ước chân ráo thì tôi còn kỵ nó hơn nữa.
Thế là tôi "quên hết hận thù", vất hòn gạch xuống đất và co giò chạy lẹ. Chạy được chút xíu, nghĩ ra một chuyện, tôi liền dừng bước, quay trở lui lượm hòn gạch cầm tay rồi lại chạy tiếp. Theo đúng sách vở binh pháp, tôi không chạy về nhà, mà chạy ngược ra đường cái để đánh lạc hướng theo dõi của bất kỳ ai.
Ra một quảng vắng, tôi đập bể hòn gạch thành nhiều mảnh nhỏ rồi vất xuống ống cống (bắt chước giống y hệt như cảnh trong phim bố già, nhưng tụi nó đập bể súng để phi tan, còn tôi thì đập …cục gạch).
Sau đó, tôi bí mật trở về khu chung cư bằng ngõ sau.
Vào phòng, tôi không dám bật đèn, thay quần áo ngủ thật mau và phóng tót lên giường. Tôi tính rằng nếu cảnh sát có đến hỏi tôi thì tôi sẽ trả lời là đang ngủ say từ hồi chiều tới giờ, chẳng biết gì cả.
Nhưng sự chuẩn bị chu đáo của tôi, sau đó tôi biết là quá đáng, ngây thơ, ngu dốt và chẳng cần thiết chút nào. Ngu dốt vì trước hết, tôi là người bị đòn, là nạn nhân chứ không phải là người tấn công. Người đúng ra phải bỏ chạy là thằng đen khốn nạn kia chứ không phải tôi. Thứ hai, dù tôi không thưa kiện thì cũng chẳng có gì đáng phải bỏ chạy bởi vì tôi chưa động chạm gì tới người nó cả. Thứ ba, quan trọng nhất, tôi khám phá ra một điều là cảnh sát Mỹ ít khi nào có thì giờ để đi bảo vệ an ninh cho những thằng Mỹ nghèo. Họ chỉ lái xe một vòng phía ngoài chung cư cho có lệ rồi đi luôn. Tôi nghiệm ra rằng trong bất cứ xã hội nào cũng vậy, người nghèo khổ luôn luôn là những người bị thua thiệt nhiều nhất. Chẳng có ông cảnh sát nào lại bỏ thì giờ đi điều tra những thằng nhà nghèo giết nhau hay đánh nhau. Thật ra, bọn nhà nghèo chúng mày giết nhau càng nhiều thì chúng ông càng mừng, chính phủ đỡ phải tốn tiền nuôi cơm.
Biết được điều đó, tôi cứ thấy rợn rợn trong người. Rợn trong người nhưng đồng thời cũng rút ra được nhiều bài học quý giá. Chính những bài học này đã trở nên hữu dụng cho tôi vô cùng.
Sau một đêm dài nằm ôm cái mặt sưng vù để... suy tư, sáng hôm sau, tôi quyết định đi mua một cây súng để phòng thân. Mình tứ cố vô thân, không bạn bè không thân thích, lại sống giữa một bọn người như vậy mà cảnh sát không bảo vệ mình được thì mình đành nhờ cây P.38 bảo vệ mình thôi. Cũng đành vậy chứ biết sao!
Hai ngày yên lặng trôi qua...
Qua hai ngày không thấy gì, vết sưng trên mặt đã xẹp xuống, răng đã bớt đau, ăn uống lại được đàng hoàng, tôi tưởng mọi chuyện đã yên rồi nên cũng mừng thầm trong lòng. Mỗi lần thắng xe trước nhà, nhớ lại cảnh bị bắt nạt, lòng tôi đau nhói nhưng chỉ biết lắc đầu và tự an ủi bằng một câu nói trong sách nhà Phật: "Lấy oán báo oán, oán chồng chất. Lấy ân báo oán, oán tiêu tan."
Dĩ nhiên, một người phàm tục như tôi thì chắc còn lâu mới tính tới chuyện lấy ân báo oán nhưng ít nhất, nhờ tự an ủi bằng câu nói ấy mà có lẽ tôi sẽ quên được chuyện đó. Thôi thì cũng coi như chuyện năm xui tháng hạn, người ta thì của đi thay người còn tôi thì bị... ăn đấm thay người.
Nhưng tôi chưa mừng được bao lâu thì sáng ngày sau ra xe đi làm, tôi tá hỏa tam tinh khi nhìn thấy bốn vỏ xe của mình đã bị một bàn tay bí mật nào đó cắt đứt, nằm bẹp dí xuống đất như con rệp. Thằng khốn nạn nào chơi cú này nhất định phải là dân thiện nghệ vì khi cho xe kéo vào ga ra, người thợ máy nhìn qua một cái là lắc đầu nguầy nguậy liền, bảo vỏ bị cắt ngang hông như thế này thì chịu, không thể nào vá được. Tôi đành phải cắn răng bỏ tiền ra mua bốn cái vỏ xe mới. Vỏ xe mới, dù là thứ rẻ nhất, đang "on sale" giá cũng là 25 đồng một cái. Đã hết đâu, cộng thêm mấy thứ tiền lẩm cẩm như tiền nút hơi, tiền cân bằng bánh xe, tiền thuế, tiền nhân công, vân vân, tôi được người thợ máy đưa cho tờ biên lai với giá tiền tổng cộng là 150 đô la. Số tiền làm tôi chóng mặt. Lương rửa chén 2 đồng một giờ, làm một tuần trừ hết thuế má rồi đem về nhà có 55 đồng mà phải xì ra trả một quả một trăm rưỡi thì có bị …thiến cũng không đau bằng.
Mà quả thật, khi đưa tiền người thợ máy, tôi vừa đưa vừa nhăn mặt hít hà như đang bị một bàn tay vô hình nào đó bóp cái của nợ. Thằng thợ máy bấm máy tính tiền nghe lốp cốp rồi còn nhìn tôi cười cười bảo:
-Cái bộ thắng của mày cũng sắp hư rồi đó. Tao sẽ gặp mày một ngày rất gần (nguyên văn là I will see you soon).
Tôi cười méo miệng, mồ hôi trán toát ra, gật gù: "Yes, yes, I'll see you soon" nhưng trong lòng thì chỉ nghĩ đến cái thằng chó đẻ khốn nạn nào đã làm tôi phải tiêu gần hết số tiền của 5 tháng trời dành dụm.
Tôi mơ hồ biết kẻ cắt vỏ xe mình là ai nhưng không có bằng chứng thì đành chịu. Chém chết nhất định phải là cái thằng đã đánh tôi vào buổi tối hôm nọ. Vấn đề là tôi phải giải quyết chuyện này như thế nào? Đi thưa cảnh sát ư? Thành phố Kansas City này mỗi ngày chúng nó bắn nhau chết 2, 3 mạng mà không ai có thì giờ đi điều tra, cảnh sát nào lại bỏ thì giờ đi điều tra xem thử thằng nào đã cắt cái vỏ xe của một thằng tị nạn Việt Nam ấm ớ? Hay tôi phải đi kiếm thằng đen hôm nọ rồi đánh nhau với nó một trận nữa chăng? Không thể được. Nó là Kung-fu thứ thiệt, mình là Kung-fu... mồm, chẳng biết một miếng võ thì đánh đấm gì. Tôi lại nghĩ, hay mình trốn vào một chỗ nào đó rình rồi bất ngờ nhảy ra kê súng vào đầu nó mà nổ một phát? Lòng tôi tươi lên một chút khi nghĩ đến đó nhưng nghĩ lại thì giải pháp này tuy có vẻ dễ thực hiện nhưng tôi chưa giết người bao giờ nên còn ngại lắm. Hơn nữa, bốn cái vỏ xe không đáng để giết người.
Ra khỏi tiệm sửa xe, tôi cứ bực tức suy nghĩ về những vấn đề này mãi và đâm ra hối hận, giận mình vì đã không thí cho nó vài chục cents tối hôm đó.
Khi người ta đau khổ mà bất lực trước hoàn cảnh nào đó thì người ta dễ trở thành triết nhân hay thánh nhân. Tôi quyết định trở thành thánh nhân, và một lần nữa, lại tự an ủi mình bằng câu tục ngữ: "Năm xuôi tháng hạn, ...vỏ xe đi thế người."
Chiều đó lái xe về nhà, tôi đậu ở một chỗ sáng sủa dưới ánh đèn, vừa bước vào thì đụng đầu ngay cái thằng đen hôm nọ. Tôi sững người đi một lúc nhưng nó thì cứ tỉnh bơ. Trời đất, thằng chó đẻ lại đang say thuốc rồi, tôi dám chắc như vậy.
Thấy nó phớt tỉnh, tôi cũng cúi đầu tính phớt tĩnh Ăng-lê mà đi, nhưng nó lại chận tôi lại, cười cười và hỏi xách mé: "Hê, mày không cho tao tiền, mày bỏ tiền mua vỏ xe mới cũng vậy."
Vừa bị đòn mặt sưng vếu lên cách mấy ngày, vừa mất gần hết gia tài của 5 tháng trời dành dụm, và đã chịu lép vế tính bỏ đi nhưng bây giờ lại bị nghe cho một câu như vậy thì có thánh chắc cũng phải nổi điên. Tôi không phải là thánh cho nên tôi có một ý nghĩ khác. Tôi muốn giết người. Giết thật tình. Tôi biết, tôi chắc và tôi thề với lòng mình: "Mình phải giết chết tươi cái thằng đen này."
Tự nhiên, với cái quyết tâm... giết người trong đầu, tôi tự nhiên trở nên bình tỉnh, tự tin, và... phấn chấn vô cùng. Tôi dừng bước, nhìn nó và... mỉm cười thân thiện. Chỉ có mình tôi biết được đây là nụ cười thân thiện của một con cọp cười với con nai trước khi vồ mồi. Không hiểu sao tôi lại có cái cảm tưởng mình là cọp như vậy. Có thể tại vì ý muốn giết người nung nấu trong tim tôi.
Thấy tôi cười, thằng đen hôm nọ lại giơ tay ra, mặt mày hiu hiu tự đắc, điệu bộ y hệt buổi tối hôm nào. Giọng nó cũng nhầy nhụa:
- Mày, mày cho tao xin chút tiền...
Tôi bình thản thò tay vào trong chiếc áo da, nắm chặt cán cây Smith & Wesson 38 special vừa mới mua cách đây mấy này. Tôi đã có quyết định. Nếu nó nhào tới, tôi sẽ không ngần ngại móc chó lửa ra nổ liền. Nổ đẹp, nổ ngay vào giữa cái trán đen thùi lùi nhô ra như trán khỉ mà không cần thắc mắc, không cần đắn đo hay do dự. Tôi quả quyết như vậy và đồng thời cũng ngạc nhiên vô cùng khi thấy tay mình chẳng run, hơi thở bình thường, chẳng có gì sợ hãi cả. Bố già ngày xưa đi bắn người ta chắc cũng bình tỉnh như tôi là hết cỡ.
Tôi lạnh lùng nhìn thẳng vào mặt nó và trả lời:
- Tao có tiền nhưng không muốn cho mày.
Thằng đen như có vẻ giật mình và ngạc nhiên trước sự quyết liệt của tôi. Chắc nó tưởng rằng sau trận đòn vừa rồi thì tôi đã phải quỳ xuống đất mà đưa tiền cho nó. Nó đứng lặng yên một lúc như không biết phải nói gì rồi tự nhiên, thằng khốn nhắm cặp mắt đười ươi lại, nhe răng cười rồi nhắc lại:
- Mày không cho tao tiền, mày bỏ tiền ra mua vỏ xe cũng vậy.
Nói như vậy thì ra chính nó là người đã cắt vỏ xe tôi. Nhớ lại 5 tháng trời không dám ăn không dám mặc, dành dụm từng xu từng cắc để rồi cuối cùng nhìn số tiền của mình chấp cánh bay đi, máu trong người tôi sôi lên sùng sục. Tôi đã toan xoay người bỏ đi nhưng nghe nó nói vậy, liền nhìn thẳng vào mắt nó, dõng dạc nói:
-Vỏ xe tao mà bị cắt lần nữa, tao giết mày.
Tiếng Mỹ câu "tao giết mày" là "I kill you".
Tối đó, tuy khả năng Anh ngữ của tôi còn yếu nhưng tôi nói rõ ràng và chậm rãi, chắc nịch như đinh đóng cột.
Thằng đen tưởng tôi nói đùa, liền bật lên cười hề hề:
- Giết à? Ghê nhỉ, để coi xem.
Tôi xoay người bước đi, còn nghe tiếng cười ngạo nghễ của nó phía sau.
Nhưng đêm đó tôi chẳng thể nào ngủ ngon được bởi vì lâu lâu cứ phải thức giấc để ra canh chừng chiếc xe. Nhiều khi vào khoảng nửa khuya, tôi ôm cây súng ra ngồi im lìm trong xe cả nửa tiếng đồng hồ để chờ thằng phá hoại tới. Tôi dự tính hễ có thằng nào mon men ra tính cắt võ xe tôi thì tôi sẽ nhào xuống bắn chết tươi nó liền.
Hồi đó tôi còn trẻ nên quyết liệt lắm...
Nhưng đêm đó trôi qua bình yên vô sự. Đêm sau nữa tôi cũng làm như vậy. Và đêm sau nữa cũng y như vậy...
Khỏi cần nói chắc ai cũng biết cái hậu quả của những đêm "gác tuyến" như vậy. Chỉ trong vòng vài ngày, người tôi đâm ra phờ phạt vì thiếu ngủ. Vào trong sở, tay tôi thì rửa chén mà mắt thì cứ ríu lại, đầu óc như người đi trên mây xanh. Nhiều khi buồn ngủ quá, tôi phải ra lấy nước đá vụn sát vào mặt. Vậy mà chỉ được chừng năm mười phút là tôi lại ngủ gà ngủ gật để đến nổi xịt nước sôi dùng để tráng chén vào cả tay mình, nóng muốn phỏng da.
Chuyện này không qua khỏi được cặp mắt của ông "chef cook", là xếp của trực tiếp của tôi, tên Bob.
Phải nói về ông Bob.
Bob là một người Mỹ da trắng tuổi khoảng trên 40 và rất tốt bụng. Đặc biệt, vì đã từng là một hạ sĩ quan trong TQLC Mỹ, có đánh nhau mấy năm ở Việt Nam nên ông ta rất thích người Việt. Chính ông ta là người đề nghị mướn tôi vào làm với ông ta.
Ngày tôi nhận việc, ông Bob bênh tôi ra mặt, chỉ bảo tôi những việc phải làm trong nhà bếp bằng một thái độ ân cần dễ mến như một người anh với đứa em. Điều này làm một vài nhân viên khác trong nhà bếp không vừa ý, vì thế, tôi bị chúng nó trả thù bằng cách hay sai vặt. Sai vặt toàn những chuyện đúng ra là chúng nó phải làm chứ chẳng phải tôi. Như lúc thì thằng phụ nấu ăn bảo tôi đi rửa mấy cái song chảo khổng lồ, lúc khác con mẹ lo về rau cải sai tôi tới phụ cắt rau. Lại có khi, thằng bồi ở ngoài lại chạy vào nhà bếp ra lệnh cho tôi phải lấy giẻ đi chùi cầu tiêu ở ngoài, v.v.
Những việc này hoàn toàn không phải việc của tôi, nhưng lúc ấy tôi chân ước chân ráo chẳng biết gì, chẳng thèm thắc mắc. Hơn nữa, tiếng Anh bập bẹ như vậy thì cãi lộn với chúng nó xem ra còn mất công và mỏi tay hơn là sách giẻ đi làm quách cho rồi. Cũng từ đó, tôi có thêm được một triết lý sống ở đời: phải sống như rồng. Sống như rồng nghĩa là khi mình xuống ao tù thì phải nhún mình làm bạn với tôm tép, chờ cho đến lúc được lên mây thì hô phong hoán vũ, lấp bể dời sông cũng chẳng muộn. Nước mất, quân đội tan hàng, đời tôi đang ở trong kinh lạc ao tù, phải biết chấp nhận làm tôm tép...
Vì thế, tôi đầu tắt mặt tối bận bịu suốt cả ngày.
Nhưng một sáng, ông Bob đi làm trễ, vào kiếm tôi không thấy. Hỏi ra mới biết tôi đang bận chùi cầu tiêu ở ngoài. Thế là Bob nổi cơn lôi đình. Ông cho tập họp cả nhà bếp lẫn nhà ăn lại trước mặt ông rồi dõng dạc ra lệnh:
- Từ này về sau tao cấm chúng mày không được sai vặt "Mr. Lee." Chúng mày không thấy mắc cỡ khi phải lợi dụng một người tị nạn đi làm thế việc cho chúng mày sao? Nói cho chúng mày biết, Mr. Lee vì bất đắc dĩ mới phải bỏ quê hương nó sang đây để đi làm cu li, nó mà còn ở quê hương nó thì chúng mày không đáng xách giày cho nó. Liệu hồn, từ này về sau tao mà tao còn thấy chúng mày sai vặt nó thì tao phát cho một tờ giấy đỏ. Ba tờ giấy đỏ là tao đuổi cổ, chớ có giỡn mặt!..
Lúc ấy vốn liếng tiếng Mỹ tôi rất ít. Ông Bob còn nói nhiều nữa nhưng tôi chỉ đại khái hiểu có vậy. Rồi ông bảo tôi: "Bổn phận mày chỉ là rửa chén và chùi nhà bếp. Thằng nào sai vặt cứ nói tao biết, tao sẽ đuổi cổ."
Thỉnh thoảng, sau giờ làm, ông dắt tôi ra bar mua cho tôi một chai bia, hai người ngồi nói chuyện đời xưa, những ngày oanh liệt còn trong quân ngũ. Đúng ra chỉ có ông Bob nói còn tôi thì chỉ ngồi nghe vì vốn liếng tiếng Mỹ quá ít. Nhưng nghe nhiều rồi cũng thành quen tai và cũng hiểu được. Nhờ đó, tôi biết ông Bob có một dĩ vãng thật lẫy lừng, đã từng vào tù ra khám. Ông kể cho tôi nghe sau khi trở về từ Việt Nam, ông bị sa thải khỏi binh chủng TQLC vì một chuyện như sau:
Hồi đó, khoảng cuối thập niên 60, phong trào phản chiến đòi hòa bình nổi lên dữ dội. Chính những thằng sợ đi lính lại là những thằng phản đối mạnh nhất. Lý do rất đơn giản là nếu chúng nó phản đối chiến tranh mà thành công thì chúng nó khỏi phải đi lính. Bọn phản chiến này thường tụ tập trước cổng các trại lính hay các cơ quan chính phủ mà biểu tình hay phản đối.
Vừa trở về từ Việt Nam, một buổi sáng lái xe díp nhà binh ra khỏi cổng, ông Bob bị một đám người biểu tình chận đường. Chẳng những chận đường không cho đi, chúng nó còn dùng lời lẽ thô tục để lăng mạ người chiến sĩ vừa nằm gai nếm mật hết mấy năm để làm tròn bổn phận công dân.
Bực mình, máu TQLC trong người nổi lên, ông Bob cũng dùng lời lẽ thô tục để chửi lại chúng nó. Một thằng biểu tình ngu dại nhổ nước bọt vào người ông. Thế là ông trung sĩ TQLC nổi cơn điên. Điên thật tình, ông kể lại như thế. Ông tắt máy xuống xe giộng cho thằng mất dạy kia một trận thừa sống thiếu chết. Đám người biểu tình vây lấy ông toan bề hội đồng nhưng bọn chúng nó làm sao nhanh tay bằng một cựu quân nhân được. Đã dám một mình một ngựa xuống đây ăn thua với bọn mày thì tao đã có cách trị chúng mày. Chờ cho chúng nó tới gần, ông Bob thò tay rút cái xẻng nhà binh đeo ở bên hông xe díp ra mà quật tụi bụi vào chúng nó.
Cái xẻng nhà binh quả thật là... cứng. Ông quật bể đầu hết gần mười thằng, máu me dính đầy xẻng mà nó vẫn còn nguyên một miếng, không gãy. Những thằng bị quật nằm một đống trên mặt đất, những thằng khác bỏ chạy hết.
Ông Bob chỉ tự vệ, chẳng có tội gì nhưng dưới áp lực của đám nghị sĩ phản chiến thời đó, ông bị đưa ra tòa án quân sự. Họ xử trắng án, nhưng ông phải lãnh một bản án khác rất đau đớn cho riêng mình: bị sa thải khỏi TQLC.
Bob kể đến đó như muốn rớm rớm nước mắt. Không ai hiểu được sự ràng buộc giữa ông và TQLC. Cuộc đời ông là TQLC. Gia đình ông là TQLC. Tương lai ông nằm trong TQLC. Bị đuổi ra khỏi TQLC, ông như con cá bị kéo ra khỏi nước. Ông ngơ ngác, điên dại sống vất vưởng, phải mất gần cả năm mới lấy lại được phong độ, trở lại bình thường.
Nhưng, như một vị danh tướng nào đó đã nói, "người ta có thể đem tôi ra khỏi quân đội nhưng không ai có thể đem quân đội ra khỏi tôi", bị sa thải khỏi TQLC thì ông tìm thứ lính nào dữ hơn TQLC để đăng vào.
Mấy tháng sau khi lấy lại được phong độ, ông Bob bán hết nhà cửa qua Pháp, tình nguyện vào đội quân Lê Dương của Pháp. Cuộc đời lính Lê Dương cũng lắm phiêu lưu mạo hiểm nhưng theo ông, không thể nào so sánh với "binh chủng mẹ" là TQLC.
Người lính TQLC Mỹ có dáng dấp của một kẻ hiệp sĩ xả thân vì đất nước, người lính Lê Dương chỉ là một tập họp kinh khủng và lạ lùng của những thành phần giang hồ tứ chiến nếu không nói là nguy hiểm của xã hội. Mấy năm trời ở Nhảy Dù Lê Dương, đội nón đỏ và lê gót giày đinh đi hầu hết khắp nơi trên thế giới, leo lên đến chức cai đội, ông học được nhiều điều và sở trường nhiều tài vặt. Một trong những cái "tài vặt" quan trọng đã trở nên hữu dụng cho ông là tài nấu ăn món Pháp. Khi mãn nhiệm kỳ trở về Mỹ, ông được nhiều chỗ trọng dụng và cuối cùng trở thành "chef cook," cai quản cái nhà bếp cho khách sạn lớn này từ đó đến nay.
Có một điều hơi lạ nơi ông Bob mà mãi sau này tôi mới hiểu được, là thỉnh thoảng ông bỏ sở đi mất biệt mấy ngày hay cả vài tuần lễ mới trở về. Tôi biết là không phải vacation bởi vì nghỉ vacation thì phải xin phép trước một tháng. Đằng này, nhiều khi ông Bob đang nấu nướng ngon lành, chỉ cần một cú điện thoại gọi tới là ông cởi tạp dề và biến mất trong vòng nửa tiếng đồng hồ, giao hết mọi việc cho thằng phụ tá. Lạ thêm một điều nữa là ông Bob đi như vậy mà từ ông quản lý xuống cho đến đám bồi, không ai dám có ý kiến hay thắc mắc…
Dĩ nhiên, cặp mắt ngầu đỏ và cách làm việc của tôi không thoát khỏi được cặp mắt diều hâu của một người như ông Bob. Ông kêu tôi ra ngồi nói chuyện, hỏi nguyên do. Tôi kể chuyện mình gây gổ rồi bị cắt vỏ xe, tối tối phải thức canh chừng nên không ngủ được trọn giấc.
Ông Bob nghe xong liền vỗ bàn cười hề hề rất thích chí làm tôi ngạc nhiên. Lúc này nhờ đi học thêm Anh văn ban đêm nên vốn liếng tiếng Anh của tôi đã khá khá rồi, có thể nói chuyện tay đôi với ông ta được.
Ông ta nói:
-Thằng phi công Việt Nam, mày đi nước cờ đầu trật lất rồi con trai. Mày sẽ hối hận vì nó sẽ còn cắt vỏ xe mày nữa, và cắt dài dài cho mày coi.
Tôi lắc đầu:
-Tôi đã đậu xe ra chỗ sáng, và nửa đêm tôi thức dậy canh chừng nó hoài, có khi một đêm bốn năm lần, làm sao nó cắt vỏ xe của tôi được nữa?
Bob lại cười hì hì:
-Mày ở Việt Nam đánh giặc chắc mày biết, cái thằng da đen đó bây giờ nó cũng như là Việt Cộng đánh miền Nam chúng mày ngày xưa...
Cha nội TQLC kiêm Lê Dương này nói lạ quá. Tôi ngạc nhiên hỏi:
-Thằng da đen này có liên quan với thằng Việt Cộng như thế nào?
-Này nhé... Ngày xưa miền Nam chúng mày chẳng lo tấn công mà cứ lo phòng thủ, còn thằng Việt Cộng thì rình rình rồi xuất ký bất ý dồn lực lượng để đánh chúng mày một đòn chí tử. Tấn công lúc nào, vào chỗ nào, ở chiến trường nào hoàn toàn tùy thuộc vào chúng nó. Mày bây giờ có hơn gì. Mày cứ lo canh chừng còn nó thì ở trong bóng tối. Trong lúc mày khốn khổ, mất sức như thế để đề phòng, nó cứ mặc tình ăn chơi hút sách cho đã rồi bất thình lình một tối nào đó, thừa lúc mày mệt mõi, sẽ nhào ra cắt vỏ xe mày một lần nữa. Mày làm sao đỡ nổi. Đây là chiến thuật căn bản của nhà binh, mày quên rồi sao? Mày liệu sức mày có thể thức canh nó bao nhiêu lâu nữa?
Tôi tái mặt lại và thấy tình thế bây giờ quả đúng như thế. TQLC Mỹ có khác.
- Vậy thì theo ông, đúng ra, tôi phải làm gì?
Ông Bob nghiêm liền nét mặt, nét hung tợn của TQLC hiện ra:
- Đáng lý ra, ngay từ lần đầu tiên lúc mày bị nó chơi như vậy thì mày phải làm dữ lên. Mày phải xông vào nhà nó, kê súng vào đầu nó dắt ra ngoài xe và bắt nó phải bồi thường cho mày. Nó không bồi thường thì mày nổ cha cho nó một phát vào đầu rồi ra sao thì ra...
Tôi giật mình đánh thót. Cha nội này nói chuyện giết người đơn giản và dễ dàng cứ như chuyện chặt thịt bò trong nhà bếp. Giọng tôi bối rối:
- Nhưng ông Bob, mình ở một nước tự do, tôi đâu có thể làm như vậy được. Làm vậy tôi ở tù mọt gông.
- Đúng! Mày đang ở trong một nước tự do nhưng lại sống trong khu chung cư phi luật pháp.
- Phi luật pháp? Tôi tưởng đất Mỹ này là đất có luật pháp ngon lành nhất thế giới.
Bob lắc đầu, ngoéo tay ra dấu bóp cò súng:
- Luật pháp của Hoa Kỳ không bò vào tới mấy cái khu chung cư nghèo hèn đó được... Trong khu đó, đúng ra thì có luật đó chứ, nhưng đó là luật của cây súng, luật của kẻ mạnh, hay là luật rừng. Mày đã kể tao nghe chuyện tối hôm đó. Mày có thầy thằng cảnh sát nào dám mạo hiểm vào chỗ đó để điều tra không?
Bob quả thật chí lý. Tôi gật gù:
- Không! Chẳng thấy ai cả.
- Mày thấy không? Đại diện của luật pháp là cảnh sát. Mày bị chúng nó đập cho sưng vếu mặt mày mà cảnh sát không thèm bò vào hỏi han một tiếng tức là luật pháp bị... vắng mặt rồi. Nếu mày là da trắng và nếu mày ở trong một khu sang trọng như khu tao đang ở thì thằng khốn đó giờ chắc chắn đã bị còng đầu rồi. Nghe tao đi, tao sinh ra và lớn lên ở đây, tao biết xã hội này. Nếu sáng đó mày kê súng vào đầu, dắt nó đi thì một là mày sẽ chết, hai là nó sẽ chết, hoặc nếu còn sống thì chẳng còn bao giờ dám đụng đến cái xe mày nữa.
Ngày dọn vào ở trong khu chung cư toàn là... than này, tôi đã mơ hồ lo nghĩ những chuyện như vậy sẽ xảy ra, nhưng hôm nay, những gì ông Bob vừa nói như xác định một lần nữa những đều này. Tôi chới với:
- Nhưng ông chưa nói đến trường hợp thứ ba là trường hợp thằng đen đó bị chết và tôi bị tù. Dù sao, bên đất Mỹ này người ta đâu có giết nhau dễ như vậy được?
- Mày lầm rồi. Trên đất Mỹ này người giết nhau rất khó, nhưng ở những chỗ như mày ở thì mạng sống con người, nói mày đừng buồn, thật chẳng hơn gì những con chó.
Tôi là người tị nạn Cộng Sản, sang đây từ một miền đất khói lửa bốn mùa nên tôi rất ngán chuyện bắn giết, chỉ mong tìm được một vùng trời bình yên để an phận đời mình, làm gì có ý định muốn phiêu lưu nữa. Nhưng tôi mơ hồ nhận ra là tình thế càng ngày càng đẩy tôi vào cái thế phải phiêu lưu, phải... giết người, phải sống lại những giây phút hận thù với máu và lửa mà tôi đã sống ngày xưa. Tôi lập lại câu hỏi lúc nãy, như một cái máy:
- Vậy bây giờ tôi phải làm gì?
Bob ngồi yên suy nghĩ một lúc rồi hỏi tôi qua làn khói thuốc lá mịt mờ:
- Mày dám giết người không?
Tôi cũng suy nghĩ một lúc rồi mạnh dạn trả lời, mắt nhìn thẳng vào mắt người đối diện:
- Nếu cần thì cũng dám chứ.
Bob cúi đầu gần tôi nói nhỏ vào tai:
- Đây là lời khuyên của tao. Mày nghĩ mày sẽ biểu diễn cái màn canh gác kiểu quân đội miền Nam của mày đánh nhau với Việt Cộng được bao nhiêu lâu nữa? Mày sẽ bị kiệt sức rồi sẽ bị đuổi sở vì tội ngủ trong giờ làm việc con trai ạ. Bên Mỹ này bị đuổi khỏi một sở thì rất khó kiếm được sở khác mà chun vào, tin tao đi. Mày tứ cố vô thân, không bà con thân thuộc, mất công ăn việc làm thì ra đường mà ngủ với chuột. Vì vậy mày phải thương... mày. Tao phục mày ở chỗ nhỏ người mà tính khí cương cường nhưng nếu là tao tối hôm đó, tao cho mẹ nó 25 cents thì bây giờ khỏi phải bị nhức đầu. Nhưng chuyện này không còn phải là chuyện mấy cái vỏ xe nữa mà đã trở thành chuyện sống chết của cuộc đời mày...
Ông Bob bỏ lửng câu nói ở đó. Phần tôi, cứ nghe tới đâu là thấy lòng mình rúng động tới đó. Tôi lại hỏi, lần này là lần thứ ba một câu hỏi đơn giản:
- Vậy tôi phải làm gì?
Ông Bob nhìn một vòng chung quanh rồi mới nói thật nhỏ, nhỏ như qua hơi thở:
- Theo tao, mày cứ lôi cái thằng đen đó ra ngoài, cho nó một viên đạn vào giữa trán là yên chuyện.
Nó xong ông Bob ngồi lui lại, đưa mắt nhìn tôi như muốn xem phản ứng.
Tôi thấy cổ họng mình tự nhiên khô hết nước miếng. Mãi một lúc sau tôi mới cất giọng run run hỏi:
- Ông không đùa tôi đấy chứ?
Bob lắc đầu:
- Nếu mày không muốn bị đuổi sở, nếu không muốn vỏ xe bị cắt thì mày phải làm vậy. Tao đã nói với mày mà, nếu là tao thì tao thí cho nó 25 cents buổi tối hôm đó là yên chuyện...
Thôi thì tôi cũng đành... giết người mà thôi, dù bản tính tôi rất hiền lành, xưa nay lại ưa chuyện làm phúc đức. Nhưng đến nước này thì tôi thấy tôi chẳng còn giải pháp nào nữa.
Tôi xin đi về sớm và trên đường lái xe về nhà, chợt nghĩ ra một điều là còn giải pháp thứ tư là giải pháp bỏ chung cư này mà đi, nhưng không nghe thấy Bob nói đến. Nghĩ vậy, về đến nhà là tôi gọi điện thoại liền cho Bob, hỏi:
- Tôi dám giết người nhưng thực tình không muốn giết chỉ vì mấy cái vỏ xe vớ vẩn. Ông hiểu, người Á Đông chúng tôi vốn tôn trọng hòa bình, vốn lấy sự an phận là quý... Ông nghĩ sao nếu tôi dọn nhà ra khỏi khu chung cư này, kiếm một chỗ khác có nhiều người da trắng mà ở?
- Lại Á Đông... Tao không biết người Á Đông chúng mày như thế nào nhưng Á Đông hay Á Tây gì đã vào ở đất Mỹ này thì cũng thành Mỹ hết. Mày rán nghĩ lại đi, trước hết, mày bỏ đi tức là mày đầu hàng...
- Tôi là người tị nạn mới đặt chân tới đây, có phải đầu hàng người Mỹ thì cũng chẳng xấu xa gì...
- Mày nói cũng đúng nhưng khổ một cái là nếu mày dọn sang chung cư khác, chắc gì lại không gặp những thằng tuy da trắng nhưng cũng tàn bạo như cái thằng đen đã xin tiền mày. Cái kẹt hơn là bọn trắng chúng nó còn dữ tợn và nguy hiểm gấp mấy lần bọn đen. Mày nghe tao đi. Bọn đen tuy dữ tợn nhưng không nguy hiểm vì chúng nó không có cái đầu biết suy nghĩ như bọn trắng chúng tao. Chúng nó cũng không có can đảm. Mày phải dùng mấy thằng đen này để thực tập trước, mai mốt mày mới trị bọn trắng được...
Câu nói này tôi nhớ nằm lòng vì quả thật sau này, trong cuộc đời giang hồ của tôi, tôi phải đối phó với nhiều thằng da trắng vừa có đầu óc, vừa có đởm lược, lại táo bạo và gan dạ gấp chục lần thằng này. Tôi hỏi:
- Nhưng tôi không muốn trị bọn trắng cũng chẳng muốn thực tập bọn đen hay làm cái gì với ai hết. Tôi là người tị nạn. I am Vietnamese refugee. tôi chỉ muốn yên ổn để mà sống thôi...
Tôi giật mình nhận ra rằng câu nói sau này của tôi, giọng tôi run run như muốn khóc. Lời nói của ông Bob ở bên kia đường giây điện thoại như tát vào mặt tôi:
- Câm họng lại và lo chuẩn bị đi thằng tị nạn da vàng. Đừng có nói với tao như vậy. Nói thật với mày, lăn lộn giang hồ suốt bao nhiêu năm, tao nhìn cặp mắt của mày thì tao đã biết là con người mày không hiền. Tao còn biết là người da vàng chúng mày nguy hiểm hơn hết.
- Trời đất, tôi chỉ muốn sống an phận mà ông lại bảo tôi nguy hiểm. Tại sao vậy?
- Tại vì người da vàng chúng mày vừa dữ tợn, vừa có đầu óc, vừa có nhiều âm mưu quái quỷ, lại còn hơn được da trắng chúng tao là chúng mày rất kiên nhẫn. Người da vàng chúng mày rồi đây sẽ làm bá chủ thiên hạ...
Nói xong là Bob cúp máy, chẳng để cho tôi thanh minh. Tôi cũng gác máy, ngồi trầm ngâm một lúc.
Thôi, dù đã chẳng muốn chút nào nhưng vì tương lai của mình thì tôi cũng đành phải cắn răng mà... giết người vậy.
Khi đã có ý định giết người trong đầu rồi, tôi cảm thấy tinh thần trở nên thoải mái và bình tĩnh lạ thường.
Tôi ra khỏi phòng, bỏ xuống nhà đi một vòng quanh khu chung cư, đầu óc suy nghĩ để tìm phương cách giết người. Tôi đi khắp nơi, quan sát đủ chỗ bằng một thái độ nhàn nhã và vô tình như bất kỳ người da đen vô công rỗi nghề nào khác trong chung cư. Chẳng ai để ý đến tôi cả...
Lúc đi ngang qua cái thùng rác màu xanh công cộng vĩ đại của chung cư, đầu tôi nẩy ra một ý tưởng độc đáo. Tôi sẽ bắn chết thằng đen ngay trong thùng rác này. Và khi quyết định như vậy thì tôi cũng suy nghĩ để thiết lập ngay một kế hoạch. Thông minh như tôi thì chẳng cần phải suy nghĩ lâu cũng phát họa được một chương trình giết người đàng hoàng. Suy nghĩ để tìm phương cách cứu nhân độ thế thì khó chứ để tìm cách hại người thì dễ ợt...
Ông Bob có lẽ nói đúng, "người da vàng chúng mày nguy hiểm hơn hết."
Với một kế hoạch giết người có sẵn trong đầu, tôi lên phòng lấy bóp rồi lái xe ra nhà băng. Tôi hăm hở rút một trăm đô la từ trong trương mục tiết kiệm của mình ra để làm vốn... giết người. Sau khi lấy tiền, nhìn cuốn sổ chỉ còn có vài chục trong băng, tôi đau lòng nhủ rằng nếu tiêu hết 100 đô này mà không giết được thằng chó đẻ thì đành phải dọn nhà bỏ đi. Trên đường về nhà, tôi ghé tiệm thực phẩm mua mấy bao thuốc lá và mấy thùng bia theo đúng kế hoạch. Rồi tôi về nhà leo lên giường nằm ngủ thẳng cẳng một giấc trưa. Tôi ngủ say sưa, ngủ ngon lành vì đã mất ngủ cả tuần nay với mấy cái vụ canh chừng vớ vẩn. Trước khi ngủ, tôi đã cẩn thận vặn đồng hồ đánh thức vào khoảng 8 giờ tối, cái giờ mà tôi biết thằng "khách hàng" của tôi cùng bọn đen vô công rỗi nghề thường bắt đầu ra tụ tập ngoài đường để uống bia và hút xách.
Đúng giờ, đồng hồ reo. Tôi thức giấc, chọn một bộ đồ diêm dúa nhất, phanh ngực áo rồi xách mấy bao thuốc lá và thùng bia bước xuống.
Với thùng bia và mấy bao thuốc lá trong tay, tôi nhập bọn với chúng nó không khó lắm. Cuộc đời là như vậy, nhập bọn với bọn quyền quí cao sang thì khó chứ với bọn thấp hèn và vô công rỗi nghề thì dễ dàng vô cùng. Chỉ trong vòng không tới nửa tiếng đồng hồ, tôi cũng hút cần sa, cũng uống la de, cũng khạc nhổ, cũng chửi thề, cũng bắt chước lắc đít lắc mông theo những điệu nhạc loạn cuồng y như chúng nó vậy. Có một điều là chúng nó lắc đít coi thì đẹp nhưng tôi lắc đít thì coi chẳng khác nào con khỉ già động cỡn trong sở thú. Tôi biết vậy vì xưa nay, tôi không có tài nhảy đầm.
Và tôi mừng thầm vì xem ra chẳng đó đứa nào để ý đến cái chuyện "gia nhập" một cách bất ngờ và hơi kỳ lạ của tôi. Bọn này quả thật là vô tư và làm biếng. Làm biếng bắt đầu bằng tay chân và làm biếng lên tới trên đầu, đến chuyện suy nghĩ.
Đến gần mười giờ đêm thì tôi đã thành công trong việc kết thân với thằng da đen mà tôi muốn giết. Đó chính là cái thằng đã "đục" tôi một trận nên thân. Lúc mới bắt đầu tôi thấy cũng hơi khó vì nó "kỳ thị" tôi ra mặt. Tôi phải mời nó mấy lon bia, cho nó nguyên một gói thuốc thì sự kỳ thị mới dịu đi và nó mới chịu nói chuyện với tôi. Tôi đưa tay ra tỏ dấu muốn bắt tay và hỏi tên nó. Thằng da đen chẳng thèm bắt tay, đưa cặp mắt nhìn trời và khinh khỉnh trả lời: "Tên tao là Rao."
À, Rao cộng thêm dấu sắc là ráo. Tao sẽ "cạn tàu ráo máng với mày". Trong lòng tôi nghĩ vậy nhưng ngoài miệng thì lịch sự nói với nó là tôi rất "sorry". Nó lại cười khỉnh, nói là nếu tôi không sorry thì "I’m gonna fuck your ass".
Đây là một câu nói rất tục tỉu mà tụi đàng ông da đen chúng nó thường nói với nhau có nghĩa là "tao sẽ chơi vô... lỗ đít mày."
Tuy bị chửi như vậy nhưng tôi chẳng hề coi đó một sự xúc phạm, chỉ cười cười rồi cúi đầu "nhận lỗi." Tôi lại nói:
- I am sorry! (Tao rất tiếc).
Câu chuyện cứ đẩy đưa như thế. Một bên thì dùng toàn lời lẻ cay độc hạ cấp để thóa mạ, một bên thì chỉ cười cười và nói "I am sorry." Được một lúc, thấy tự ái được vuốt ve, thằng Rao có vẻ tin tưởng rằng tôi là một thằng ngố và hèn thật (đó là lỗi lầm chết người của nó), bèn nhìn tôi bằng nửa con mắt và hỏi:
- Thằng ngố kia, mày thay mấy cái vỏ xe hết bao nhiêu tiền?
- 150 đô!
Nó bật lên cười hì hì, nham nhở và chìa tay ra:
- Mày thấy mày ngố chưa. Mỗi tuần mày đưa tao 10 đồng, tao bảo đảm không có đứa nào dám đụng tới cái vỏ xe của mày nữa.
Hóa ra nó cũng không ngu cho lắm. Những thằng nào còn biết cách làm tiền là những thằng còn có đầu óc. Tôi làm bộ ngây thơ:
- Nhưng nếu tao không đưa thì sao?
- Mày hỏi ngu như... mother fucker mà cũng hỏi. Mày không chịu chi thì chẳng bao lâu nữa, mày sẽ phải lái xe ra ga ra để mua thêm vỏ xe mới lần nữa. Hì hì... đù mẹ ngu quá...
Tôi gật đầu như mình ngu thật, uống một ngụm bia, xuống nước năn nỉ:
- Mày là... bạn tao mà, mày giúp tao chút đi.
Thằng Rao thò tay tự tiện lấy một hộp bia từ cái bọc giấy của tôi để dưới đất, chẳng thèm hỏi một câu. Nó bật nút cái cách, ngửa cổ tu một hơi rồi nói:
- Đù mẹ ai thèm làm bạn với mày! Làm bạn với mày thì ăn được cái fuck gì? Uống với mày một lon bia, hút với mày một điếu cần sa, tao chưa phải là bạn mày được. Hơn nữa, đời tao không có bạn. Bạn tao là xì ke, là mấy con điếm da trắng, là ông... Tổng thống Franklin trong tờ giấy bạc.
Tôi gục gặc cái đầu:
- OK, mày không muốn làm bạn tao cũng được, nhưng tao nghèo quá, tao làm lương chỉ có 2 đồng một giờ, làm sao đóng bảo hiểm 10 đồng một tuần cho mày được. Mày thông cảm cho tao chút.
- Mày nghèo thì kệ cha mày, tao đéo cần biết. Mày không mua bảo hiểm thì vỏ xe mày bị cắt ráng chịu. Mother fuck mấy thằng ngu. Mày biết đây là nước Mỹ mà. This is America. Ai cũng phải chi tiền hết. Thằng nào không chi thì thằng đó chết.
"This is America", từ đó trở đi, cuộc đời tôi cứ bị ám ảnh bởi câu nói này. Tôi lại năn nỉ:
- Vậy tao đóng cho mày 5 đồng một tuần được không?
Cặp mắt thằng Rao sáng lên như cái đèn pha. Cái sáng của những thằng nhà nghèo đang đi đường bỗng nhìn thấy một đống tiền của ai rớt trước mặt. Tuy vậy, nó trả lời ởm ờ:
- Cái đó tùy mày. Mày đi mua đồ mà trả tiền nhiều thì có đồ tốt, còn trả tiền rẻ thì gặp đồ xấu. Mày chi ít thì sản phẩm cũng rẻ.
- Mày thông cảm giùm tao chút đi Rao, tao là người tị nạn nghèo khổ mà (I am a poor refugee).
Suy nghĩ một lúc, nó chìa tay ra:
- Mày muốn vậy cũng được nhưng mày phải đưa trước tao 2 tháng tiền bảo hiểm.
- Hai tháng là 8 tuần, 40 đô, tao làm gì có tiền. Mày cho tao trả trước một tuần thôi.
Nó hỏi:
- Hai tuần được bao nhiêu tiền?
- Là 5 đô.
Rao nhe hai hàm răng trắng nhởn ra cười liền:
- Đưa tiền đây thằng ngố. Mày có biết là mày ngố mà mày... khôn lắm không. Tao nhìn cặp mắt của mày tao thấy mày khôn lắm.
Vừa mất tiền rồi lại được khen. Nhưng chuyện này thì chắc nó khen đúng. Tôi không khôn hơn ai nhưng khôn hơn nó là cái chắc. Tôi móc túi đưa cho nó tờ giấy bạc 10 đồng. Rao bỏ luôn vào túi. Dù biết là sẽ chẳng có hy vọng gì lấy lại 5 đồng dư nhưng tôi vẫn hỏi để đóng cho trọn vỡ kịch:
- Mày thối lại cho tao 5 đồng chớ.
- Tao không có tiền lẻ. Để ngày mai tao có tiền tao trả cho.
Đương không có được 10 đồng trong túi một cách ngon lành, thằng Rao bỗng trở nên yêu đời. Thái độ căm thù của nó với tôi đã hết. Nó nhìn tôi thân thiện:
- Mà tại sao tối nay mày lại xuống đây đi chơi với tao? Xưa nay mày có bao giờ thèm dây dưa với chúng tao đâu?
Tôi nhìn thẳng vào mắt nó, không hiểu có phải là bởi vì đau khổ vì vừa bị mất 10 đô la một cách trắng trợn hay không, tôi lại trả lời bằng tiếng Việt. Bằng tiếng Việt và giọng nói của tôi như gào lên, đầy uất hận:
- Ngu thấy mẹ, tao xuống đây vì tao sẽ bắn chết mẹ mày!
Thằng Rao làm sao hiểu được tiếng Việt, nhưng có lẽ đoán được nồng độ không mấy thân thiện trong câu nói của tôi nên nó liền giẫy nẩy lên:
- Mother fuck you! Mày nói tiếng Mỹ đi, nói tiếng Việt tao không thể hiểu được.
Tôi lại nói bằng tiếng Mỹ:
- Vì tao muốn làm quen với bọn mày. Tao không muốn xe tao bị thằng mother fuck nào đó cắt đứt nữa.
Rao liền cười lên hố hố:
- Yes, you right, yes you right!
Tôi cũng cười, rồi lại lắc đít lắc mông theo một điệu nhạc từ cái casette để gần đó...
Tối đó tôi lên phòng trễ, mãi đến gần 12 giờ. Nhưng bù lại, tôi ngủ được một giấc ngon lành cho đến sáng mà khỏi sợ bánh xe mình bị rọc. Đó là một đêm ngủ thẳng giấc đầu tiên của tôi kể từ ngày bị nạn rọc bánh xe.
Hôm sau vào sở, ông Bob lại kéo tôi ra một góc nhà, hỏi:
- Mày giết nó chưa?
Tôi trả lời chậm rãi, chắc chắn:
- Chưa. Nhưng hiện giờ nó chỉ là một cái xác biết đi. Mạng nó nằm trong tay tôi rồi.
Bob nhắm mắt lại như nghiệm ra một điều gì rồi gật gù cái đầu.
Chiều đó và những chiều hôm sau nữa, tôi lại cứ mửng cũ soạn lại, đem bia xuống cho chúng nó uống, và bỏ tiền ra mua cần sa hút chung với chúng nó. Tôi mua cần sa nhiều nhưng không hút bao nhiêu mà để dành thành một gói nhỏ, cất trong người. Càng ngày tôi càng trở nên thân mật, nhất là với thằng Rao. Tôi thành công trong việc tạo cho nó cái ấn tượng tôi là một thằng ngố. Ngố và hèn. Giả làm người khôn thì khó chứ giả ngố giả hèn thì dễ lắm, và lại rất thú vị nữa.
Cỡ chừng hơn một tuần sau thì cái gói cần sa của tôi đã lớn đủ để cho tôi thực hiện ý định giết người của mình. Tôi thầm cám ơn trời đất vì tôi thấy nếu cứ xuống đây đàn đúm cái điệu này thì không khéo tôi sẽ trở thành một thằng nghiện cần sa thật...
Khu chung cư của tôi có xe tới xúc rác vào mỗi ngày thứ bảy. Tôi chọn thứ sáu để thực hiện ý định của mình. Tối hôm thứ năm, tôi rủ thằng Rao ra một góc nhà và nói:
- Tao có một chuyện rất quan trọng muốn nhờ mày.
Rao đang say thuốc, gật gù hỏi:
- Chuyện gì?
- Mày phải thề là giữ kín thì tao mới dám nói. Nó thật với mày, tao là một người rất nhát gan.
- Nói đi thằng nhát gan. Tao là một thằng kín miệng Mother fuck.
Tôi lại kéo nó ra xa thêm chút nữa, nhìn trước nhìn sau rồi móc túi ra một dúm cần sa đưa cho nó và hỏi:
- Mày hút thử coi thứ này có phải là cần sa thật không?
Mấy khi mỡ được đưa vào miệng mèo. Cặp mắt thằng Rao sáng trưng lên khi nhìn thấy gói cần sa nhỏ trong tay tôi:
- Motherfuck, Holly shit, mày kiếm mấy cái thứ này ở đâu đây? Để tao thử cho mày, thằng ngố.
Rao vấn cần sa hút mấy hơi, nhả khói ngon lành rồi chậm rãi mơ màng trả lời qua cơn say thuốc:
- Thuốc thật, this is the real stuff, mà ở đâu mà mày có nhiều vậy?
- Để tao nói bí mật cho mày nghe. Tao trúng mối.
- Trúng mối?
- Ừ, trúng lớn. Có một thằng Chinese man bán cho tao 20 pounds cần sa như vậy với giá rẻ rề. Nó nói đó là cần sa nhưng tao không biết nó có lừa tao hay không nên tao mới hỏi mày.
Đúng như những gì tôi dự đoán, thằng da đen tròn cặp mắt lại. Tôi đọc được trong ánh mắt nó nét kinh ngạc pha lẫn tham lam, lẫn... dốt nát:
- Đúng là cần sa thật. Mà nó đâu rồi, mày mua về mày để đâu rồi?
-Chính vì vậy tao mới nhờ mày. Tao không có chỗ để, vì thế tao mới phải nhờ mày. Tao muốn nhờ mày cất nó giùm tao.
Cặp mắt ngu dại đó bây giờ sáng trưng lên nhưng cái miệng thì vẫn làm bộ dẫy nẫy:
- Không không, nguy hiểm lắm, giữ ba cái đồ quỷ đó trong người, cảnh sát ập vào bắt được là tù hết cả lũ.
Rõ là cái thằng phét lác. Người nó lúc nào chẳng có cỡ một hai cân cần sa trở lên để vừa bán vừa hút mà còn làm bộ. Nó biết làm bộ còn tôi thì không biết sao. Tôi liền nói:
- Nhưng Rao, nghĩ lại đi, đồ này rẻ quá, bỏ uổng. Nếu mày chịu giữ nó giùm tao, tao sẽ chia cho mày một nửa.
Thằng da đen khoái chí lắm nhưng vẫn còn làm bộ suy nghĩ một lúc rồi mới chịu gật đầu:
- Được, mày đưa cho tao đi, tao giữ cho.
- Rao, nhưng mày phải hứa với tao là mày sẽ không giựt hết mớ cần sa của tao nghe Rao.
- Tao hứa.
- Tao nghèo lắm mày biết, mày mà giựt nó luôn thì tao chắc chết.
- Motherfuck, tao nói tao hứa là tao giữ lời, mày nhiều chuyện quá.
- Được, tao tin mày. Sáng mai 3 giờ sáng ra gặp tao sau thùng rác, tao đưa thuốc cho.
Thằng Rao giật nẩy mình lên một cái, cặp mắt nó lộ vẻ thất vọng:
- Motherfuck, thằng ngố, sao lại phải 3 giờ sáng? Mà lại ra tuốt ngoài thùng rác làm gì?
- Chuyện này bí mật. Tao đâu có ngu để giữ cái của nó trong nhà. Tao để nó ngoài thùng rác.
Rao lắc đầu liền mấy cái một cách chán nản. Có lẽ nó cho tôi là ngố thật:
- Thằng Motherfuck ngố này rắc rối quá. Cảnh sát nào lại bò vào đây mà khám xét mày?
- Nhưng tao nhát gan lắm, tao đã bảo mày mà. Tao chưa bao giờ chơi mấy thứ này, tao muốn chắc ăn. Tao là người tị nạn, tao không muốn rắc rối.
Rao thở phào ra một cái:
- Motherfuck, thằng này vừa ngố lại còn vừa... rắc rối nữa. Tao hối hận vì đã quen biết với một thằng rắc rối như mày... Mày đã nhát gan như vậy thì tao đành phải đi với mày ra ngoài thùng rác lấy cũng được, nhưng phải đi liền, tại sao lạ phải chờ tới 3 giờ sáng? 3 giờ sáng là cái giờ tao no thuốc, tao phê, tao cần phải ngủ, tao không có thì giờ.
Tôi nhún vai, giống y hệt như một người Mỹ:
- Bây giờ mày có thể ra thùng rác mà kiếm nhưng mày sẽ không tìm thấy cần sa đâu?
- Thằng da vàng này lắm chuyện thật. Tại sao vậy?
- Bởi vì tao nhát gan, tao sợ cảnh sát lắm, tao muốn cho an toàn nên tao hẹn 3 giờ sáng nó đem tới cho tao để không ai thấy. Nó sẽ bỏ hàng cho tao ở ngoài thùng rác. 4 giờ sáng mày chạy ra tao giao cho mày.
Cái chiêu nhát gan của tôi xem ra có hiệu quả. Thằng Rao có vẻ tin tôi là một thằng nhát gan thật. Nó ngồi xuống vệ đường, đưa hai tay ôm lấy đầu:
- Motherfuck, mày ăn cái gì mà rắc rối quá. 4 giờ sáng tao còn ngủ mà. Tao ít khi nào thức dậy trước... 12 giờ trưa.
- Nếu 4 giờ sáng sớm quá thì... 3 giờ sáng mày ra cũng được.
Thằng Rao lại lắc đầu:
- Nói ngu như Motherfuck mà cũng nói.
Tôi làm bộ mặt lạnh lùng:
- Chỉ thức dậy có vài phút đồng hồ một cái để lấy 5 pounds cần sa mà còn chê. Thế thì thôi, mày không muốn thì tao đi nhờ thằng khác vậy.
Nghe thấy thế thì ông nội da đen giật nảy mình lên như người dẫm phải lửa:
- Motherfuck, mày kêu đứa khác thì tao giết mày.
- Vậy thì mày có giúp tao không?
-Rồi! Tao sẽ giúp mày một phen, 3 giờ sáng tao ra thùng rác gặp mày.
- Mày nhớ giữ kín chuyện này, đừng cho đứa nào biết hết.
- Xong rồi.
Tôi đưa thêm cho nó một mớ cần sa:
- Tao tặng mày để nhớ ơn mày.
Hai đứa chúng tôi lại trở lại nhập bọn với đám hút sách, giấu kín mọi chuyện làm như không có gì xảy ra. Tôi nấn ná lâu một chút vừa đủ cho mọi người thấy mặt xong là tôi dọt.
Tôi không lên phòng ngay mà vòng ra sau chỗ thùng rác, đứng lặng yên trong bóng tối. Dĩ nhiên, gần mực thì đen mà gần thùng rác thì thối, tôi phải nín thở một lúc rồi mới từ từ thở được. Vẫn trong bóng tối, một tay tôi rút cái nạng thung mua cách đó mấy ngày từ trong túi ra, tay kia lấy ra một hộp bi sắt nhỏ. Hành động này làm tôi nhớ lại thời ấu thơ khi tôi hay vác ná đi bắn chim. Có một điều tôi cũng cần nói thêm là ngoài tài bắn súng lục, tôi còn có cái tài bắn ná cao su. Ngày xưa, khi tôi đã định bắn chú chim nào thì chú đó nhất định chết với tôi.
Cầm cái ná trong tay trong bóng tối, đứng gần một thùng rác hôi thối ở trên một vùng đất cách xa quê hương gần nửa trái địa cầu, trong một hoàn cảnh gây cấn và kỳ lạ, tôi chạnh lòng nghĩ tới khoảng thời thơ ấu đã trôi đi quá mau. Hồi rời ghế nhà trường, tôi chẳng bao giờ ngờ rằng mình sẽ còn có một ngày phải sử dụng tới ná cao su. Thật là một con người, một đầu óc mà hai hoàn cảnh khác nhau. Cái khác thứ nhất là hồi ấy ná cao su do chính tôi làm lấy, và đạn chỉ là những viên đá thô sơ chứ không có được cái ná thiện nghệ và đạn sắt tròn trỉnh như bây giờ. Cái khác thứ hai là tôi không còn dùng ná để bắn chim mà để chuẩn bị giết người...
Đã đến lúc để coi thử tài bắn ná của mình đi đến đâu rồi. Tôi lắp đạn, đưa ná lên cao, cũng khỏi cần nhắm như hồi xưa mà lại hướng đường bắn thẳng vào ngọn đèn đường gần nhất. Tôi kéo căng sợi dây cao su rồi buông tay.
Vút… bụp! choảng... ngọn đèn đường tắt phụt.
Tôi ngạc nhiên và mừng rỡ khi nhận ra rằng tài bắn ná của mình ngày nào xem ra vẫn còn đầy đủ phong độ, không sút giảm. Tôi lắp một hòn bi sắt khác vào ná và lại hướng về ngọn đèn thứ hai... Rồi thứ ba, thứ tư, v.v.
Cứ như thế, chỉ trong vòng không tới hai phút đồng hồ ngắn ngủi, tôi đã bắn vỡ 7 ngọn đèn trong khu chung cư bằng 7 phát ná, biến cái sân sau của khu chung cư đang sáng trưng thành một vùng tối tăm, chẳng còn chút đèn đuốc nào hết.
Bắn xong, tôi đứng lặng yên trong bóng tối một lúc thật lâu để quan sát nhưng mọi người hình như chẳng ai quan tâm hay biết đến mấy ngọn đèn đường lạnh lẽo. Thiên hạ còn lo nằm ở trong nhà để xem ti vi.
Mười phút trôi qua, tôi cất ná vào túi rồi lặng lẽ đi trở về phòng. Trên đường, vì trời tối quá nên tôi xém đụng phải chướng ngại vật mấy lần. Ở trong phòng, tôi thay bộ bộ đồ len đen, nạp đạn cây súng P.38 rồi leo lên giường tìm giấc ngủ. Nhưng làm sao có thể ngủ được khi mình sắp sửa làm một việc tày trời như vậy? Từ lúc nhỏ đến giờ, tôi chưa hề giết người, cứ nghĩ tới là thấy rờn rợn làm sao. Tôi ngồi dậy bật ti vi lên coi. Nhưng coi cũng chẳng nổi phần vì cái ti vi đen trắng cà tàng mua lại ở chợ trời "làm việc tùy hứng", lâu lâu cứ phải đến vỗ vỗ vào lưng nó năn nỉ thì nó mới chịu phun hình ra, phần khác vì đầu óc ngổn ngag với hàng trăm nỗi lo sợ trong người. Những nổi lo sợ tất nhiên phải có của những kẻ sắp giết người. Biết làm gì hơn?
Đúng 2 giờ rưỡi sáng, tôi nhẹ nhàng đóng cửa phòng nhưng không khóa, chầm chậm bước xuống cầu thang, tà tà bước ra nơi thùng rác với cây P.38 và một cây đèn pin trong túi. Tôi để ý là dù trời hơi lạnh nhưng mồ hôi người tôi cứ toát ra ướt đẫm cả áo. Gió lại thổi từng cơn. Và tôi bỗng đâm ra sợ mình bị... trúng gió. Mẹ, giết người ta không được mà lại bị trúng gió nằm quay đơ ra đây thì quả thật là chẳng giống ai cả. Nhưng tôi tự trấn an mình lại ngay vì hình như gió bên Mỹ này không độc, bằng chứng là tôi chưa bao giờ nghe thấy người Mỹ nào bị trúng gió chết cả.
Tôi cũng xin cắt nghĩa thêm vì sao tôi lại chọn vào lúc 3 giờ sáng để ra tay. Tôi làm vậy bởi vì kinh nghiệm chiến tranh cho tôi biết, cái khoảng thời gian từ 3 đến 4 giờ sáng là cái lúc mà người ta ngủ say nhất. Ngày xưa Việt Cộng cũng thường chọn cái giờ này để pháo kích hay tấn công các đồn bót của quân ta. "Nhất chạng vạng nhì rạng đông", binh thư đã nói như thế mà. Hôm nay, tối thứ sáu người ta ăn nhậu nhiều nên càng ngủ say như chết, dễ cho tôi hành động.
Tôi cúi đầu lầm lủi đi trong đêm tối. Cái mùi xú uế từ thùng rác càng lúc càng xông ra khi tôi tiến đến gần. Tới gần thùng rác, tôi đi dạo một vòng chung quanh để kiểm soát cho chắc ăn rồi trở về ngồi chờ thằng Rao.
Có ngồi một mình trong đêm tối như thế này mới thấy thời gian trôi chậm. Tôi nhớ đến những lần ôm súng ngồi gác tuyến thuở xưa khi tôi còn học Trường Bộ Binh Thủ Đức ở quê nhà.
Đúng 3 giờ sáng, tôi để ý thấy mồ hôi người toát ra nhiều hơn và tim mình đập thình thịch. Thằng Rao chưa thấy xuất hiện.
3 giờ 5 phút, bố khỉ, thằng Rao đâu chẳng thấy mà... mồ hôi đâu mà nhiều thế này? Tôi phải đưa tay áo lên lau mồ hôi.
3 giờ 20 phút, quái lạ, tại sao thằng Rao chưa tới? Tứ bề im lặng, không một bóng người. Tuy bực mình nhưng lại an ủi được cái mồ hôi người tôi hình như đã hết, không thấy toát ra nữa.
3 giờ 30 phút, tôi nghe được tiếng chân bước lạo rạo trên mặt đường. Tôi thở phào nhẹ nhỏm. Nguyện xin Thiên Chúa cứu vớt linh hồn thằng đen ngu dốt và đáng chết này. Tôi đứng lên và nhìn thấy một bóng đen đang đi tới. Tôi tính mở miệng gọi "Rao, tao đây này" nhưng ngưng lại kịp thời khi khám phá ra còn có thêm một bóng đen nữa sau bóng đen đi đầu. Kỳ lạ hơn, trên tay mỗi bóng đen là một cây đèn pin rất dài. Tôi xém té xỉu khi qua ánh đèn pin chiếu loang loáng của họ, nhận ra hai bóng đen đều mặc đồ cảnh sát.
Tôi tái mặt lại. Đù mẹ thật là hết thời. Cảnh sát nào lại mò vào chung cư vào giờ này? Hơn nữa, xưa nay tôi có bao giờ nhìn thấy cảnh sát mò vào đây đâu, và lại vào trúng cái chỗ thùng rác hôi thối này. Trong một giây phút, tôi ngờ ngợ nhận ra rằng thằng Rao đã bán tôi cho cảnh sát.
Mình cứ tưởng nó ngu đần, hóa ra nó khôn hơn mình nghĩ nhiều.
Dưới cặp mắt kinh hoảng của tôi, hai người cảnh sát tiến thẳng tới chỗ thùng rác. Vì sợ quá và bất ngờ quá, tôi cứ đứng đơ người ra như bị chôn chân một chỗ. Không trốn được mà cũng không biết phải làm gì. Có ở trong những tình trạng như thế này mới biết tài ứng biến của con người. Và tôi đau đớn nhận ra tài ứng biến của tôi là tài... đứng chết dí một chỗ như trời trồng. Đúng hơn, tôi chẳng có tài ứng biến gì cả, cứ đứng như thế chờ cho cảnh sát tới bắt. Đẹp mặt thật.
Và tôi suy nghĩ liền. Nếu bị bắt, tuy không có chút cần sa nào trong người nhưng tôi sẽ trả lời thế nào với cảnh sát về chuyện nửa đêm ôm một cây P.38 special ra ngồi ngoài thùng rác? Không lý lại bảo mình mang bệnh mộng du. Mộng du cái kiểu này thì chắc chỉ có cảnh sát... lèo mới tin tôi nổi. Tôi kinh hoảng tột độ khi nghĩ đến đó...
Hai người cảnh sát vẫn tiến bước, ánh đèn pin quét loang loáng ra phía trước mặt... Khi còn cách chỗ tôi đứng chừng vài bước, tôi nghe một người lên tiếng:
- Robert, thùng rác này hôi thúi quá, mình đi đi thôi!
- Ừ, tao cũng nghĩ vậy. Mẹ, cái dân da đen này thật là nặng mùi, ngay cả thùng rác của nó cũng nặng mùi hơn của tụi mình... Mình đi trở lại thôi.
Vậy là cái mùi xú uế của thùng rác đã cứu tôi khỏi bị bắt. Tiếng chân lạo xạo và ánh đèn pin càng ngày càng xa dần. Tôi thở phào nhẹ nhỏm, muốn nhảy tới ôm cái... thùng rác hôi thối kia mà hôn cho nó một phát để cám ơn.
Nhưng tôi vẫn thắc mắc không biết tại sao cảnh sát lại vào đây làm gì ở vào cái giờ này? Cư ngụ khu này hơn nửa năm trời tôi chưa bao giờ nhìn thấy một người cảnh sát. Nhất định phải có chuyện gì bí ẩn trong này mà tôi phải kiếm cho ra. Dù sao thì tôi cũng mừng thầm và tự nhủ với lòng mình rằng có lẽ trời chưa muốn cho tôi giết người hay là cái số thằng da đen này chưa chết.
Tôi lẩm bẩm trong miệng như vậy và quyết định hủy bỏ ý định giết nó. Tôi lửng thửng bước từng bước một nhẹ nhỏm và thư thái của một người công dân lương thiện trở về phòng mình. Vừa bước vừa suy nghĩ và thấy tiếc hùi hụi cho một trăm đô la tiền vốn giết người không cánh mà bay. Đó là chưa nói đến một mớ thì giờ phải bỏ ra để đàn đúm với cái quân vô loại.
Tôi quyết định ngày mai sẽ dọn đồ rời khỏi khu chung cư có nhiều kỷ niệm không đẹp này. Cứ coi như cú đấm của thằng Rao và cái vụ cắt vụ cắt vỏ xe là một chuyện của năm xui tháng hạn đi. Người ta thường nói của đi thay người mà. Hơn nữa, mình là người tị nạn, cứ coi đó như một bài học đáng giá trên miền đất mới và phải hiểu câu cách ngôn "tránh voi chẳng xấu mặt nào" của tổ tiên mình.
Tôi đẩy cửa bước vào phòng mình, vừa bật đèn lên thì xém chút xíu nữa hét lên một tiếng kinh hoàng. Trên chiếc giường trải nệm trắng muốt sạch sẽ của tôi, thằng da đen Rao đang nằm ngủ ngon lành. Mùi hôi nách, mùi cần sa, mùi bia rượu, đủ thứ mùi xú uế từ người nó và bộ đồ nó đang mặc bốc ra nồng nực cả căn phòng.
Lạy Chúa, tối nay đời con quả có nhiều chuyện đứng tim. Vừa thoát nạn cảnh sát lại bị nạn Mỹ đen... ngủ trên giường mình. Thằng khốn nạn... hôi nách này, tại sao nó lại vào đây nằm ngủ mà không chịu xuống thùng rác để gặp tôi. Tuy hoảng hốt và bực mình thực tình nhưng tiếng ngáy khò khò của nó làm tôi vững dạ được chút ít.
Tôi tới bên giường lay nó dậy. Phải thúc đến lần thứ ba, nó mới ú ớ mở mắt ra. Vừa mở mắt ra nhìn thấy tôi là thằng đen chửi liền:
- Motherfucker khát nước quá, lấy cho tao lon bia.
Tôi lắc đầu ngán ngẫm nhưng vẫn mở tủ lạnh lấy cho nó lon bia. Rao ngồi lên khui lon bia và hỏi tiếp:
- Đưa cho tao điếu thuốc.
Tôi đưa nó điếu thuốc, tự nhiên lại nhớ đến một đoạn phim trong đó người đao phủ thủ đưa cho kẻ tử tội điếu thuốc trước khi xử bắn hắn. Rao hỏi:
- Mày lấy cần sa chưa?
Thằng này quả tới số chết rồi. Tôi gật đầu rồi hỏi:
- Để dưới thùng rác. Tại sao mày không xuống thùng rác gặp tao mà lại leo vô phòng tao nằm ngủ?
Rao cười, hai hàm răng trắng nhởn coi rất ghê rợn:
- Tao tính đi tới đó nhưng thấy tối quá, tao không dám đi.
- Tại sao không dám đi?
- Motherfucker hỏi ngu quá. Tao sợ ma. Tao lên phòng tìm mày, thấy cửa không khóa nên vào đây để chờ mày. Chờ lâu quá, tao ngủ luôn. Cái giường của mày êm thật.
Tôi đứng im nhìn kẻ tử tội, hỏi một thắc mắc cuối cùng:
- Mày có nói chuyện này cho ai biết không?
- Không!
- Mày biết lúc nãy tao gặp ai dưới đó không?
- Ai?
- Cảnh sát chứ còn ai nữa.
Rao nhíu mày suy nghĩ một lúc rồi nói:
- À quên, tao có nói cho một thằng nghe.
- Biết ngay mà. Mày nói gì?
- Tao nói là tối nay tao sẽ lấy một món hàng lớn ở dưới thùng rác.
Vậy là cuối cùng thằng này chưa tới số chết. Nếu nó đã nói cái tin này ra cho một người thứ ba biết thì tôi đời nào dám giết nó. Tôi lắc đầu chán nản nhưng thằng Rao lại tiếp luôn:
- Nhưng tao không nói tên mày cho nó biết.
- Tại sao vậy?
- Vì tao không muốn nó qua mặt tao để đi làm ăn lẻ với mày. Motherfucker, tao đâu có ngu.
Như vậy là nó lại tới số chết thật rồi trời ạ. Tôi làm dấu:
- Uống hết lon bia đi, xuống lấy hàng rồi đi liền.
Rao ngửa cổ tu ừng ực lon bia. Bia chảy cả ra hai bên mép nó, nhểu xuống thấm ước tấm ra của tôi. Mẹ, lại phải mất công dọn ra mới rồi. Tôi lầm lũi bước ra cửa.
Rao theo đuôi tôi, hai đứa đi ra chỗ thùng rác. Thằng này sợ ma thật, càng đi trong bóng tối thì nó càng bước sát vào người tôi. Tới thùng rác, tôi dừng chân nói với nó:
- Mày phải chui vào trong đó, tao để cần sa trong một cái thùng giấy.
Thằng Rao rú lên như người dẫm phải lửa:
- Motherfucker! Mày chui vào đi, tao nhất định không thèm chui vào cái thùng rác hôi thối đó.
- Mày không chui thì thôi, tao đi kiếm thằng khác vậy.
- Motherfucker, tại sao mày không chui?
- Tao bị đau lưng. Ở Việt Nam tao đánh giặc nhiều quá, giết vi xi nhiều quá nên bây giờ bị... đau lưng. Nếu mày chịu khó chui vào đó, tao cho mày 3/4 số cần sa.
- 3/4 là mấy pounds?
- Là 15 pounds.
Rao ngần ngừ một chút rồi trả lời:
- OK, đưa đèn pin đây, tao leo vào cho. Mày cúi người xuống để tao đạp lên lưng mày.
Tôi đưa nó cái đèn pin rồi ngồi cúi người xuống. Rao đạp lên lưng tôi để leo vào. Cái thân xác nặng gần 200 cân anh của thằng đen làm tôi xém tí nữa thì té lăn xuống đất và lưng tôi bây giờ thì bị đau thật.
Lúc này Rao đã leo vào trong thùng rác. Nó mò mẫm một lúc rồi chửi thề:
- Motherfucker, trong này thúi quá. Mà tao có thấy cái thùng giấy nào như mày nói đâu?
Tôi chẳng thèm trả lời, nhét thật chặt cây súng vào bụng rồi lấy đà leo lên. Tôi leo lên được tới miệng thùng rác, đạp vào mép cửa và đứng vững vàng để chuẩn bị một thế bắn rồi mới nói với nó:
- Mày đưa đèn pin đây tao chỉ cho.
Rao đưa đèn pin cho tôi. Số thằng này đến đây là tận rồi. Mẹ, giết mày... khó thật nhưng cuối cùng thì mày cũng chết con ạ.
Tôi hít một hơi dài, quan sát một lần cuối cùng chung quanh rồi rọi ánh đèn pin vào giữa cái đầu có những sợi tóc quăn tít thò lò của nó. Một tay vẫn cầm đèn pin, tay kia tôi nhẹ nhàng móc cây 38 special ra, kéo con cò mổ bật ngược ra sau. Trong đêm khuya, tiếng con cò mổ gài ra sau nghe đến cắc một tiếng lạnh lùng đến kinh khiếp...
Hình như tiếng con cò mổ kéo ra sau đã đánh thức một giác quan bí mật nào đó trong người thằng da đen. Nó ngước cặp mắt ngơ ngác lên nhìn tôi, nửa như thắc mắc, nửa như lo sợ. Quả là cặp mắt của một thằng sắp chết. Cặp mắt trắng dã của nó tự nhiên làm cho tôi thấy rởn tóc gáy. Rao vừa mở miệng nói "Mother..." thì tôi đã nhắm cây súng vào chỗ đỉnh sọ của nó, nơi có những sợi tóc quăn mỏng nhất bóp cò.
Một tiếng nổ chát chúa vang lên và tôi thấy máu óc thằng đen văng đầy khắp nơi trong thùng rác dưới ánh đèn pin. Vì đã lâu tôi chưa bắn lại 38 special nên không ngờ súng giựt mạnh quá, làm tôi đang đứng chênh vênh trên mép thùng rác bị mất thăng bằng ngã nhào tới trước. Tôi hốt hoảng đưa tay chụp đại và may mắn thay, nắm được mép thùng rác. Tuy may mắn nắm được mép thùng rác để khỏi lọt tỏm vào trong ấy nhưng cây súng tuột khỏi tay tôi, rớt xuống dưới. Hình như nó rớt trúng vào người thằng Rao vì tôi nghe được một tiếng bịch.
Tiên sư, chưa bắn người đã gặp bao nhiêu rắc rối, giết người xong rồi vẫn còn rắc rối nữa. Súng này tôi mua ở K-mart, có ghi tên tuổi hẳn hòi, cảnh sát mà tìm thấy được cây súng này bên cạnh xác thằng Rao thì đời tôi tàn. Luật của tiểu bang này, giết người và lại giết một cách có tổ chức, có khoa học và lạnh lùng như tôi thì chắc chắc sẽ lãnh án tử hình.
Nghĩ đến đó tôi thấy lạnh mình. Mình còn quá trẻ và quá nhiều việc phải làm để lên ghế điện. Tôi suy nghĩ thật mau. Tôi có thể nhảy vào đó lượm nó lên được nhưng làm vậy chắc chắn sẽ để lại nhiều vết tích. Trước hết, dấu tích hiển nhiên nhất là áo quần tôi sẽ sẽ dính đầy máu. Ở khu chung cư này chỉ có một cái nhà máy giặt công cộng, đem bộ đồ bê bết máu đi giặt chẳng khác nào nói cho người ta biết mình vừa giết người. Thứ hai, trong đêm tối mà đứng sờ soạng khắp nơi trong thùng rác chắc chắn sẽ để lại rất nhiều dấu tay.
Tôi vận sức leo lên đứng trên mép thùng rác trở lại và thở dốc. Lướt đèn pin một vòng, tôi nhìn thấy thằng đen nằm chết mà cặp mắt vẫn còn trợn trừng đầy kinh ngạc. 38 Special mà nổ gần vậy, lại nổ ngay từ trên đỉnh đầu xuyên thẳng xuống dưới cổ thì sống sao nổi. Tôi chiếu đèn pin thẳng vào cái phần trán bị thổi bay mất sọ mà tạm thời quên mất chuyện bị mất súng và cảm thấy... sung sướng vô cùng. Cho mày chết! Ai bảo mày dám đánh tao, ai bảo mày dám rạch vỏ xe tao. Mày biết tao nghèo quá mà, sao mày lại nỡ tàn bạo với tao như vậy? Bây giờ mày nằm chết thẳng cẳng dưới đó, mày có thấy hối hận không thằng chó đẻ. Mày dây dưa với những thằng da vàng như tao là mày chết con ạ. Đúng như ông Bob đã nói, da đen chúng mày không có nguy hiểm bằng da vàng chúng tao đâu con ạ. Đứng như vậy một lúc, tôi thấy người mình nóng rang. Và lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu được cái câu "say máu quân thù" mà sách vở thường hay nhắc đến.
Tôi đứng lặng yên như vậy trong bóng tối một lúc để dò xét động tỉnh chung quanh và suy nghĩ tìm cách lấy lại cây súng. Cuối cùng thì tôi nghĩ ra một cách để nhảy xuống đó lấy cây súng mà khỏi sợ dơ đồ. Có gì đâu, chỉ cần lột hết quần áo ra rồi trần truồng nhảy xuống đó là yên. Mình không mặc đồ thì làm sao dơ đồ được. Thân thể dơ dáy thì có sao, chỉ cần tắm một phát là xong hết. Tôi nghĩ vậy và cảm thấy phục... tôi vô cùng. Tôi quả là một người lắm mưu nhiều kế.
Nghĩ vậy là tôi nhảy xuống đất, cỡi hết quần áo, cởi luôn cả quần xì líp ra rồi ôm đèn pin leo vào thùng rác. Đứng dưới đáy thùng rác tôi mới nhận ra một điều kinh khủng, và thầm cám ơn trời đã làm cho tôi rớt cây súng để mò xuống đây. Ăn một phát đạn vào ngay đỉnh đầu như vậy mà thằng Rao vẫn còn thở khò khè trời ạ. Thằng đen này quả có sức mạnh như đười ươi. Nó vẫn còn thở khì khì dù là rất khó khăn, rất chậm. Qua ánh đèn pin, tôi nhìn thấy cần cổ nó phồng lên xẹp xuống theo từng hơi thở. Máu tươi đánh bong bóng hai bên mép nó.
Thế này thì phải cho nó thêm một phát nữa sau khi tìm ra cây súng vậy. Tôi chiếu đèn mò mẫm tìm cây súng.
Quái lạ, cây .38 Special rớt vào trong này mà sao kiếm mãi không ra. Tôi đang đang lom khom tìm cây súng thì bỗng bị một bàn tay chụp lấy cổ mình. Tôi hoảng kinh chiếu đèn pin lên và thấy thằng Rao một tay chụp lấy cổ tôi, tay kia nó cầm cây 38 Special của tôi vừa bị rớt chĩa thẳng vào mặt tôi.
Tôi kinh hoảng quá. Kinh hoảng đến độ không thể có được một phản ứng nào cả trong tình thế này.
Than ôi, không ngờ cuộc đời mình lại chấm dứt trong thùng rác nhơ nhớp của khu chung cư nghèo hèn thành phố Kansas City. Thằng Rao này chết còn được mặc đầy đủ quần áo, riêng tôi, tôi chết mà không có được mảnh áo che thân, thậm chí đến cái quần xì líp cũng không có trên người. Tôi biết thằng Rao sẽ không tha tôi.
Thằng Rao vừa cầm cây súng chĩa vào mặt tôi vừa nghiến răng thều thào: "Mother..."
Tôi hết còn phản ứng, đành nhắm mắt để chuẩn bị đón một viên đạn nổ tung đầu mình...
Nhưng một giây đồng hồ đi qua...
Rồi 2 giây...
Rồi 5 giây đồng hồ vẫn chưa nghe được tiếng nổ mình đang... chờ đón. Tôi chợt nhận ra một điều là chữ tiếp theo tiếng "Mother" là "fucker" mà sao nó nói không hết. Cái vòng tay nó đang siết lấy cổ tôi cũng từ từ nới lỏng ra. Cả tiếng thở khì khì của nó cũng im bặt. Tôi cựa mình và biết là nó vừa tắt thở.
Hú hồn!
Tôi chụp liền cây súng vào hốt hoảng leo ra ngoài. Lần này thì phải nói là tôi chẳng còn hồn vía hay bình tĩnh gì nữa. Tôi chụp, tôi đạp, tôi níu tôi kéo, tôi làm đủ thứ chỉ cốt để thoát khỏi cái xác chết của thằng đen này càng sớm càng tốt. Đã bị chụp cổ một lần, tôi bị ám ảnh, chỉ sợ nó tự dưng bỗng ngồi dậy mà chụp cổ tôi một lần nữa.
Vì hốt hoảng quá nên leo lên tới mép thùng rác, tôi trợt chân, dái đập vào vào miệng thùng rác đau đến nín thở. Trời ạ, thật trên đời này không có gì đau bằng dái... bị đập vào miệng thùng rác.
Cuối cùng thì tôi cũng leo được xuống đất, nhưng vì đau dái quá, tôi phải nằm im trên đất, bụm của quí cả mười phút mới tỉnh lại được.
Tỉnh dậy sau cơn đau, tôi mới nhận ra thêm một rắc rối khác nữa đang chờ đón tôi: Bộ quần áo lúc nãy tôi cỡi ra hối hả bỏ ở đâu tôi không nhớ. Kiếm không ra bộ quần áo để ngày mai cảnh sát tìm thấy thì chắc có đường lên ghế điện.
Tôi đang trần truồng và mình mẩy đầy máu me mà phải để tô hô như vậy vừa bụm dái vừa đi tới đi lui gần cả mười lăm phút mới tìm thấy bộ đồ mình cởi ra. Tôi gom quần áo lại thành một đống rồi nhẹ nhàng đi về phòng mình.
Tối đó, tôi tắm một cái tắm sạch sẽ nhất đời mình rồi thay quần áo ra ngồi xem ti vi, uống la ve và suy nghĩ về sự mong manh của cuộc đời...
Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.net
Dtruyen.com đổi tên miền thành Dtruyen.net. Độc giả ghi nhớ để truy cập.